Tuesday, January 7, 2025

Một Chuyện Rất Việt Nam

Năm 1994 tình cờ tôi dính vào một chuyện tình của một người đàn bà ở trong nước có người yêu vượt biển định cư tại Nam Cali. Tôi không biết phụ nữ đó bao nhiêu tuổi, xấu đẹp thế nào, giàu hay nghèo, sang hay hèn, Bắc hay Trung hay Nam và Phật giáo hay Thiên Chúa Giáo. Tôi chỉ biết tên người đó là Thanh. Như tôi vừa nói, đây chỉ là sự tình cờ. Hôm ấy, hình như đầu tháng 5, tôi đang trông chiếc máy CNC chạy giữa một cơ xưởng rộng mênh mông, bên hàng trăm chiếc máy khác trong một cơ xưởng tiện, thì một đồng nghiệp người Ba Tây tên là Washington đi tới. Anh ta chìa tay về phía tôi, đưa cho tôi một miếng giấy nhỏ, nói :

– Hello, Nguyễn, tao nghĩ cái thư này viết bằng tiếng Việt Nam của mày. Mày xem có phải không ?

Liếc nhìn miếng giấy trong lúc tôi đón lấy từ tay Washington, tôi đã nhận ra ngay chữ Việt rồi.

Tôi gật đầu và tò mò đọc ngay vì tổng cộng chỉ có ít dòng :

Gửi người bạn phương xa,

Tôi tên là Thanh, công nhân viên của xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công ở số 1955 đường Lê nin, huyện Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Người mà tôi yêu, chồng tôi, tên là Nguyễn Ngọc Luận, tốt nghiệp Đại học Y Khoa Sài Gòn, vượt biên năm 1988, từ đó mất tích luôn. Gần đây gặp một Việt kiều về, tôi hỏi thăm thì người ấy nói ở Mỹ có một bác sĩ tên là Nguyễn Ngọc Luận nhưng không biết địa chỉ. Ai nhận được lá thư này là ân nhân của tôi, xin tìm giúp tôi chồng tôi, người mà tôi thương yêu suốt đời. Ngày đêm tôi chờ đợi tin của ân nhân…

Thanh

Đọc xong thư, tôi mỉm cười hỏi Washington:
– Bạn có thân nhân mới tới Việt Nam du lịch chăng?

– Không? Sao mày hỏi điều đó?

– Vậy chứ từ đâu mà bạn có lá thư này?

Washington thích thú kể:
– À, ngày birthday của tao, vợ tao mua tặng tao chiếc sơ mi. Mở áo ra mặc thử, tao thấy mảnh giấy nào trong túi áo…

Tôi ngạc nhiên :
– Thế nghĩa là sao? Bạn mua phải áo cũ?

– Tao không nghĩ vậy. Theo vợ tao đoán thì có thể là một người thợ may để thư vào chiếc áo này, bắt chước kiểu người ta hay bỏ thư vào chai rồi thả xuống biển xem nó trôi dạt tới tay ai… Nhưng có phải là chữ Việt Nam không ?

– Phải.

– Vậy thì tao không hiểu điều này, mày giải thích cho tao nghe. Label của chiếc áo này là một nhãn hiệu nổi tiếng của Mỹ, đề là may ở Nam Hàn, sao lại có lá thư của người Việt Nam trong túi?

– Giản dị thôi. Tụi Mỹ nó thuê mấy thằng Nam Hàn may cho rẻ. Mấy thằng Nam Hàn lại thuê thợ Việt Nam cho rẻ hơn vì lương công nhân viên Sài gòn chỉ cỡ ba mươi đô la một tháng.

Washington kết luận:
– Câu chuyện thú vị đấy chứ! Mày nói cho tao nghe bức thư viết cái gì.

Tôi lẩm nhẩm:
– Thư của một người đàn bà nhờ kiếm chồng …

Rồi tôi nói cho Washington nghe những điều viết trong thư. Nghe xong, Washington còn hăm hở hơn tôi:

– Nhất định phải giúp bà ta rồi. Mày kiếm cái tên bác sĩ này hẳn không khó, phải không? Và mày có thể viết ngay cho bà ta cái thơ báo tin cho bà ta biết mày, à quên, tao chứ, đã nhận được cái thơ của bà ta. Mày nhớ làm nhá, Chúa sẽ trả ơn mày…

Tôi gật đầu cho Washington vui lòng:
– Ô kê. Tôi có thể cho bạn biết kết quả ngay là tôi đã tìm ra ông chồng của thiếu phụ này rồi. Ông ta có phòng mạch ở Los Angeles và ông ta cũng là một nhà tranh đấu chống cộng rất quyết liệt.

– Ông ta đang hành nghề bác sĩ? Thế tại sao lại không liên lạc với vợ?

– Làm sao tôi biết ? Bạn nên nhớ là mười chín năm qua, dân tộc tôi bất hạnh lắm, chuyện gì cũng có thể xẩy ra cả.

– Thí dụ như ông này đã có vợ mới thì sao?

– Có thể.

– Nếu thế thì thôi, đừng cho người đàn bà này biết.

– Tôi mới nói “có thể” chứ đã chắc chắn đâu. Tại sao không nghĩ tốt hơn là khi ông ta vượt biên rồi thì ở nhà, vợ ông ta bị Việt cộng tịch thu nhà, bắt bà ta đi tù vì tội đồng lõa giúp người vượt biên. Cho nên hai vợ chồng này mất tin tức địa chỉ của nhau. Tưởng tượng hôm nào mình tới nhà ông ta, thấy ông ta sống một mình trong một căn nhà năm trăm ngàn đô la ở Beverly Hills và phòng nào cũng có treo ảnh của người đàn bà tác giả lá thư này…

Washington hồn nhiên reo vui:
– Hay quá! Vậy hôm nào mày đi gặp ông bác sĩ đó, nhớ hú cho tao đi cùng, nhé.

Buổi chiều hôm đó, trên đường tan sở trở về nhà tôi cứ bâng khuâng với lá thư của thiếu phụ tên Thanh có người chồng là bác sĩ Luận. Tới bữa ăn, tôi đem câu chuyện này nói với vợ tôi thì vợ tôi kêu lên:

– Ông ta có vợ rồi mà. Bà này đi chiếc Mercedes trắng, nghe nói bà này giầu lắm, đã nuôi ông này ăn học cho tới khi lấy được bằng tương đương để được hành nghề lại đấy.

Tôi khựng lại, tự nhiên tôi đứng về phía người thiếu phụ tên Thanh:
– Sao em biết?

– Thì thỉnh thoảng đi dự ba cái vụ khiêu vũ gây quỹ đó, người này chỉ chỏ người kia, ai đeo hột soàn mấy ca ra, vuông hay tròn, giá bao nhiêu, mặc áo bốn số hay ba số hay hai số cũng còn biết…

– Em nói gì mà áo bốn số, ba số?

– Tiền. Bốn số là áo mắc tiền, trên một ngàn, ba số là áo bạc trăm còn hai số như em là đồ on sale ở Loehmanns hay Nordstrom Rack…

Tôi hỏi một câu hơi ngơ ngẩn:
– Như vậy thì làm sao? Có nên gặp cái ông bác sĩ này nữa không?

– Người ta nhờ thì mình làm. Anh bỏ lá thư vào phong bì, dán 29 cent tem, mail đi…

– Không được đâu. Sợ bà vợ ông ta trông coi văn phòng, gặp lá thư này thì ông ta đã không bao giờ được đọc những hàng chữ của vợ ông ta viết, và chẳng những thế, gia đình ông ta còn xào xáo từ nay nữa, đâu có lợi gì.

Tối hôm ấy, tôi ngồi cặm cụi viết thư cho người đàn bà tên Thanh. Dường như đã vài năm nay tôi không viết thư cho ai nên trong lòng dạt dào ý tưởng mà viết không ra chữ. Đời sống xứ Mỹ đã phát sinh ra trong tôi tính lười biếng kỳ cục này. Nhớ lại hồi sống ở quê nhà, gần như ngày nào tôi cũng có ít nhất một phong bì gửi đi vì tôi rất đông bạn bè và gia đình nội ngoại. Ấy là không kể tới hồi còn trẻ, “khi đã yêu thì mơ mộng nhiều”, viết thư cho “nàng” bất kể giờ giấc, ngay cả lúc ngồi trong nhà thờ nghe cha giảng. Nhưng ở Mỹ, mọi việc giao thiệp đều qua đường dây điện thoại. Chẳng hạn bà vợ tôi hễ về đến nhà là y như cái ống điện thoại không dây đã áp dính vô tai, dù làm bếp hay coi ti vi và đôi khi cả lúc vào trong phòng vệ sinh. Ba đứa con tôi cũng không kém, thành ra gia đình tôi chẳng buôn bán gì mà cũng đã có hai đường dây điện thoại, máy chính máy phụ giăng mắc từ phòng này sang phòng kia cứ y như trung tâm hành quân của một tiểu khu ngày xưa. Cái thói quen viết thư mất dần cho đến bây giờ, nhìn hàng chữ trên giấy, tôi thấy vừa xấu lại vừa vô duyên chi lạ. “Phấn đấu” tới hai giờ sáng, tôi mới hoàn thành một lá thư dài khoảng hai chục giòng để gửi về xí nghiệp may xuất khẩu Thống Nhất cho người đàn bà tên Thanh.

Sáng hôm sau, vừa tới sở thì Washington đã chặn hỏi tôi:
– Mày liên lạc với ông bác sĩ kia chưa?

– Để cuối tuần này.

– Mày không có quyền chậm trễ. Mày hãy nhớ tới người đàn bà kia, bà ta giống như thằng cha nào mà tao quên tên rồi, hình như là Robinson thì phải, thằng cha bị đắm tàu dạt vào hoang đảo, hàng ngày ngóng ra ngoài khơi xem có tàu nào tới vớt không sau khi thằng cha này thả xuống biển vài cái chai mang thơ cầu cứu.

– Nhưng mà thì giờ đâu? Hàng ngày phải vô đây từ sáng tới chiều rồi …

– Thì mày gọi điện thoại.

Tôi trả lời cho qua là chưa kiếm ra số điện thoại vì thấy anh chàng Ba Tây này ồn ào qúa khiến tôi nghĩ rằng anh chàng đang giải trí với câu chuyện tình chia cách của một cặp vợ chồng Việt Nam, anh chàng tò mò muốn biết thêm chi tiết để tối về, kể cho vợ nghe và vợ anh ta bốc điện thoại kể cho bạn nghe tùm lum một cách rất khoan khoái. Thấy tôi lạnh nhạt bước tới dàn máy CNC thì Washington nhún vai bỏ đi.

Không ngờ đến lúc nghỉ giải lao, Washington hớn hở trở lại chỗ tôi, đập mạnh vào vai tôi y như khi anh ta thắng cuộc đánh đề football:

– Tao cho mày số điện thoại của ông bác sĩ Luận.

Washington chìa vào mặt tôi mảnh giấy tèm lem vết dầu nhớt, tôi lại ngạc nhiên:
– Làm sao bạn có?

Washington cười hề hề
– Mày ở Mỹ gần chục năm mà dở tệ. Nhắc cái điện thoại lên, gặp con tổng đài, đọc tên thành phố và tên bác sĩ Luận rồi hỏi số điện thoại là một giây nó trả lời mày.

Washington nắm tay tôi lôi đi:
– Bây giờ còn mười phút, mày ra máy điện thoại công cộng này, tao bỏ 25 cent cho mày gọi ông bác sĩ Luận.

Thực sự là tôi không đồng ý cái lối hành động nóng nẩy của Washington, vì không hiểu sao tôi cứ nghĩ anh chàng Ba Tây này làm chỉ vì tò mò, tìm hứng thú cho bản thân anh ta hơn là cho người đàn bà Việt Nam tên Thanh. Nhưng nếu tôi không gọi điện thoại thì anh chàng này sẽ hiểu qua tôi là người Việt thiếu tình cảm, lạnh lùng, không thương ngay cả đồng bào mình. Với lại, tôi biết, nếu tôi không nói chuyện với bác sĩ Luận lúc này thì Washington sẽ nói. Vì thế, tôi đành miễn cưỡng theo Washington tới máy điện thoại. Chính anh chàng to con rềnh rang này bỏ tiền vào máy rồi quay số, chỉ khi nghe tiếng chuông reo rồi mới chuyển máy cho tôi.

Tôi nghe bên kia đầu giây là giọng đàn bà:
– Phòng mạch bác sĩ Luận, tôi nghe.

– Thưa chị, tôi xin được nói chuyện với bác sĩ Luận.

– Xin lỗi, ông muốn lấy hẹn khám bệnh phải không? Ông cho tôi biết tên, số điện thoại để tôi ghi vào sổ cho ông. Ông có medical, bảo hiểm hay trả tiền mặt?

– Thưa không, tôi muốn nói chuyện riêng?

– Thế hả? Bác sĩ đang bận khám bệnh nhá. Ông cho tôi số điện thoại rồi bác sĩ gọi lại. Mà xin lỗi ông, chuyện riêng là chuyện gì?

– Thưa chị, đã bảo là chuyện riêng mà…

– Không sao, tôi là vợ bác sĩ Luận đây, ông cứ nói…

– Dạ, thưa bà bác sĩ, bà có thể ghi số điện thoại của tôi, nếu bác sĩ muốn thì gọi cho tôi sau..

Tôi xưng tên, đọc số điện thoại xong rồi gác máy. Washington bồn chồn ra mặt, anh chàng muốn tôi kể cho nghe ngay cuộc đối thoại vừa rồi. Khi tôi nói chưa hết thì chợt nghe chuông điện thoại reo, Washington tò mò nhấc lên. Tôi thấy Washington nhìn tôi, nhướng cao đôi lông mày và nghe hắn trả lời:

– Vâng. Đây là sở làm của nó.

– …

– Vâng. Tôi biết nó mới gọi cho phòng mạch.

– …

– Vâng. Nó cho bà số điện thoại ở nhà.

Cúp máy xong, Washington cười:
– Con mẹ này đáo để thật. Nó kiểm soát mày là ai đấy?

Tôi hỏi Washington:
– Sao bà ấy biết được số điện thoại này? Chắc chắn là ban nãy tôi không có nói.

– Mày ngu quá. Ở Mỹ mấy năm rồi? Nó có máy ghi lại những số điện thoại gọi vào văn phòng nó để nếu mày tống tiền thì nó trình FBI, hiểu chưa.

Từ đó, câu chuyện của người đàn bà tên Thanh trở thành một ám ảnh khiến tôi lúc nào cũng bận tâm suy nghĩ. Chắc chắn là bác sĩ Luận giờ đây đã lập gia đình mới. Vậy thì tôi có nên chuyển lá thư của người đàn bà tên Thanh cho ông ta nữa không? Ông ta còn thương yêu còn nhớ người đàn bà tên Thanh đó không?

Nếu ông ta còn yêu bà Thanh thì liệu ông ta sẽ phản ứng thế nào? Và, người đàn bà đang chung sống với ông ta có biết mối tình của ông ta với bà Thanh không?

Nếu ông ta nói dối chưa yêu ai, chưa gọi ai bằng vợ, nay bà ta biết được lá thư này thì gia đình đó sẽ ra sao?

Ông bác sĩ Luận không hề gọi điện thoại lại cho tôi. Tính tò mò đã thúc đẩy tôi vào một buổi sáng cuối tuần lái xe kiếm phòng mạch của bác sĩ Luận. Ông bác sĩ này rất đông khách, hàng chục bệnh nhân dáng điệu mỏi mệt ngồi chân co chân duỗi trước bức tường treo lá cờ vàng ba sọc đỏ và la liệt hình ảnh sinh hoạt của cộng đồng mà tấm hình nào cũng có bác sĩ Luận là vai chính. Thấp thoáng phía sau ô cửa sổ là hai phụ nữ, một người mặt hoa da phấn và một người da dẻ đơn sơ, áo quần giản dị, như thế chỉ nhìn qua cũng biết ngay một người là bà chủ và một người làm công với đồng lương tối thiểu.

Quan sát bà bác sĩ Luận một hồi, tự nhiên tôi thấy người đàn bà này đang hưởng hạnh phúc mà bà ta đã gây dựng nên, nếu như lời vợ tôi nói đúng, là bà ta đã nuôi ông Luận ăn học để lấy lại được giấy phép hành nghề. Thế thì lá thư của người đàn bà tên Thanh chẳng nên để thêm một người khác biết nữa. Tôi sẽ cất giữ lá thư đó làm kỷ niệm hoặc sẽ bôi tên ông bác sĩ rồi gửi lên đại học Yale cho giáo sư Huỳnh Sanh Thông cất vào thư viện Việt Nam.

*
Nhưng ba tuần sau thì tôi nhận được thư của người đàn bà tên Thanh từ Việt Nam gửi sang. Bức thư viết :

Thành phố Hồ chí Minh, ngày 25 tháng 6, 1994

Thưa ông Nguyễn,

Tôi là Triệu Thị Thanh, 35 tuổi, vợ của bác sĩ Nguyễn Ngọc Luận, từ nay xin được gọi ông là ân nhân. Tôi không ngờ lá thư của tôi lại tới tay ông, thật là may mắn. Thế thì hẳn phải có trời có phật thật, ông nhỉ.

Tôi đang là công nhân viên xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công, làm gia công cho thương gia Nam Triều Tiên. Hàng ngày chúng tôi đóng thùng đưa xuống tàu chở ra nước ngoài hàng chục ngàn cái áo sơ mi đấy. Thế mà cái thơ tôi bỏ vội vào túi một chiếc áo, lại tới ông mới là đặc biệt, ông nhỉ.

Bây giờ, tôi kể cho ông nghe câu chuyện của tôi nhé. Tôi là gái Hà nội đấy. Hồi Mỹ đánh bom Hà nội 12 ngày, tôi mới có 13 tuổi, đã phải chạy tản cư lên Sơn Tây đấy. Thế rồi năm 1975, giải phóng được miền Nam, bố tôi vào trong đó tiếp quản. Thấy Sài gòn dễ sống hơn Hà nội, bố tôi đưa cả nhà vào. Tôi trở thành nữ sinh trường Nguyễn Thị Minh Khai. Tốt nghiệp Trung học Phổ thông cấp 2 xong, bố tôi đưa tôi vào làm công an.

Năm 1980, có một ngụy quân được trại cải tạo tạm tha, giao về cho phường quản lý, đến công an phường trình diện. Tên anh ta là Nguyễn Ngọc Luận, đại úy quân y trong quân đội ngụy. Tôi là người quản lý hồ sơ những người bị quản chế, chưa có quyền công dân nên anh Nguyễn Ngọc Luận phải trình diện tôi và làm việc với tôi.

Thoạt đầu, tôi thấy anh ta cũng như những ngụy quân ngụy quyền khác thôi. Tôi giao cho anh ta nhiệm vụ theo dõi các hoạt động phản động chống cách mạng trong khu phố, phải báo cáo với tôi những dấu hiệu khả nghi như người lạ mặt tới lui và phải gặp tôi làm việc một tuần ba lần vào thứ hai thứ tư và thứ sáu. Theo hồ sơ khai báo của anh ta thì trong lúc anh ta đi cải tạo, vợ anh ta đã đi lấy chồng khác, là một cán bộ ngành Hải quan. Hai đứa con anh ta được người chị gái ở kinh tế mới Gia Ray nuôi.

Một hôm, anh ta tới gặp tôi, xin tôi cấp giấy phép di chuyển để đi thăm con. Tôi trả lời là theo nguyên tắc thì khi còn quản chế, anh ta không được ra khỏi khu vực. Thế là anh ta khóc ngay trước mặt tôi, nói là nhớ con vì mới nhận được thư của người chị gởi về nói là đứa con nhỏ của anh trong lúc làm rẫy đã bị bọ cạp cắn. Tôi nói với anh ta là sao không đưa hai đứa con về đây thì anh ta trả lời là anh ta không có công ăn việc làm nên không nuôi con nổi. Tôi hỏi thế sao anh ta không đi kinh tế mới với con anh ta thì anh ta nói anh ta là bác sĩ, nếu đi kinh tế mới thì chỉ là nông dân thôi, còn nếu ở lại thành phố, hết thời gian quản chế, có thể xin phép cách mạng mở phòng mạch, chừng đó sẽ đưa con về.

Thấy hoàn cảnh anh ta rất tội nghiệp, tôi đã cấp giấy đi đường cho anh ta. Khi trao tờ giấy, tôi nói : “Thông cảm hoàn cảnh của anh nên tôi đã làm sai nguyên tắc đây. Mong anh trở về đúng hạn, nếu không thì tôi bị kỷ luật”. Anh Nguyễn Ngọc Luận đã xúc động tới mức khi anh nhận tờ giấy phép trên tay tôi, anh đã nắm cả bàn tay tôi. Và, chính lúc bất ngờ bị anh ấy nắm tay, tôi cũng đã chợt thấy toàn thân tôi như bị luồng điện giật, ông ạ.

Thế nên trong một tuần lễ anh Luận đi xa, tôi là người duy nhất mong đợi anh ấy trở về. Không phải chỉ vì tôi sợ anh ấy đi mất luôn khiến tôi bị kỷ luật đâu, tôi còn thấy một điều khác, đó là sự vắng vẻ, sự thiếu thốn kỳ lạ lắm. Chắc tôi không nói thì ông cũng biết, tôi đã có cảm tình với anh Luận rồi, phải không?

Đúng bảy ngày sau, anh Luận tới trụ sở công an phường trình diện tôi, tôi mừng không thể tả, khiến mấy bạn tôi phát hiện được tình cảm của tôi. Họ bắt tôi kiểm điểm. Họ mách với bố tôi là tôi yêu một tên ngụy. Bố tôi giận lắm, chửi mắng tôi là mất tác phong cách mạng. Chẳng ngờ lòng tôi như giòng nước, gặp vách núi chặn thì thành thác đổ. Tôi đã ngã vào vòng tay anh Luận. Lúc đó thì tôi không cần gì nữa. Tôi chấp nhận mất tất cả để được tình yêu của anh Luận. Bố mẹ tôi từ tôi, đảng sa thải tôi, tôi bị khai trừ khỏi công an vì tôi không nhận lệnh di chuyển về Hải Dương. Tôi trở thành thợ may và buôn bán linh tinh để nuôi anh Luận.

Để trả thù tôi, công an đã không trả quyền công dân cho anh Luận sau một năm quản chế. Chúng tôi xin di chuyển đi nơi khác, công an không chứng giấy. Hy vọng được mở phòng khám bệnh của anh Luận coi như hết, anh buồn lắm. Anh xin vào làm ở một xưởng đóng bàn ghế với chân đánh vẹc ni. Nhiều đêm thấy anh không ngủ, cứ nằm hút thuốc, tôi nghĩ vì tôi mà anh ấy khổ. Giá như tôi không lấy anh ấy thì sau một năm quản chế, anh ấy được trả quyền công dân và mở phòng khám bệnh, có tiền thì mang hai con anh ấy về cha con sống chung. Nay chỉ vì có tôi mà anh Luận bí đường tắc lối.

Cuộc sống điêu đứng như thế cứ ngày qua ngày, cuối cùng, vì yêu anh Luận nên tôi điều đình với bố tôi là tôi chấp nhận về Bắc với điều kiện anh Luận được trả quyền công dân và được giấy phép mở phòng khám bệnh. Bố tôi đồng ý. Tôi không cho chồng tôi biết chuyện này, một mình tôi, tôi lén chuẩn bị cho chồng tôi những thứ cần thiết, phần tôi, tôi chỉ có một cái túi xách tay với hai bộ quần áo của tôi, một bộ quần áo của chồng tôi mà tôi sẽ không bao giờ giặt để giữ lại chút hơi ngàn đời tôi thương mến, và một tấm hình mà tôi và anh Luận chụp chung, để trở về Bắc.

Đến ngày phải xa chồng vĩnh viễn, tôi cố cầm nước mắt, làm tiết canh vịt cho chồng tôi ăn, mua bia ngoại cho chồng tôi uống và ở với chồng tôi lần chót.

Chẳng ngờ khi ân ái, tôi đã không còn giữ nổi nữa, tôi òa khóc. Chồng tôi kinh ngạc ôm lấy tôi, an ủi tôi, hỏi tôi chuyện gì. Tôi vừa khóc vừa kể cho chồng tôi rồi bảo chồng tôi đã đến giờ ra bến xe hỏa rồi, để tôi đi kẻo trễ chuyến tàu Thống Nhất. Nhưng chồng tôi không buông tôi ra. Anh ấy bảo : “Anh không cần quyền công dân. Anh không cần phòng mạch. Anh cần em. Không, em không đi đâu hết”.

Hai vợ chồng tôi lại tiếp tục sống cảnh “một mái nhà tranh hai trái tim vàng” ở trong con hẻm đường Minh Mạng, phường Minh Mạng, quận 10. Thêm một năm rồi hai năm, đảng vẫn tiếp tục hành hạ chồng tôi và lần này ra tay trừng phạt bằng lệnh đuổi vợ chồng tôi đi Kinh tế mới Kà tum ở Tây Ninh.

Chúng tôi rời thành phố một cách bình thản, có lẽ chồng tôi không thể còn chuyện gì để xúc động hơn, để làm cho anh ấy buồn hơn nữa. Anh ấy nói với tôi :

“Nghĩ cho cùng thì cái xã hội này cũng chẳng có gì đáng tiếc nếu phải chết. Và nếu chết mà hai chúng mình có nhau thì chết còn vui hơn sống”.

Khu kinh tế mới Kà Tum nằm sát biên giới Miên Việt. Tôi nghe những người ở đây nói rằng Kà Tum cũng là nơi dừng chân của bọn buôn lậu, bọn đưa người vượt biên sang Thái Lan. Quả thật, ít tháng sau, chúng tôi gặp một toán bộ đội đưa khoảng hai chục người từ thành phố Hồ Chí Minh lên, chuẩn bị quần áo Miên để qua biên giới. Chuyến ấy đi xong, vài ba tuần sau lại có chuyến khác. Nhìn người ta đi, chồng tôi thở dài ao ước : “Giá mình có vàng, em nhỉ, vợ chồng mình xin họ cho đi. Sang tới Thái Lan, anh sẽ được Mỹ nhận ngay. Khi đó mình mới hết khổ”.

Thấy chồng tôi muốn thì tôi làm. Tôi dò hỏi toán vượt biên, được biết mỗi đầu người phải đóng hai lượng vàng mà gia tài chúng tôi chỉ có hai chiếc nhẫn cưới mà anh Luận và tôi mua của một người bán vàng rồi đeo vào tay nhau ở ngoài vỉa hè để kỷ niệm, để tôi được hãnh diện là đã có chồng. Tôi bèn ngỏ lời với anh Luận cho tôi về thành phố một chuyến. Và tôi đã xin, đã mượn, đã vay của bạn bè, em tôi, anh tôi, chị tôi, cô tôi, đồng chí cũ của tôi, được đúng hai lượng vàng mang lên Kà Tum cho chồng tôi. Chồng tôi hỏi : “Em tính thế nào ?”. Tôi trả lời : “Em lo vàng cho anh vượt biên mà”. Chồng tôi nói : “Còn em ?”. Tôi lại cố giữ bình tĩnh : “Em đâu dám đi. Anh không thấy người ta nói các phụ nữ vượt biên qua đất Miên là khi thì bị Khmer Đỏ hiếp, khi thì bị lính Hun Sen hiếp. Thôi, anh cứ đi mình, rồi sau này lo cho em sang với anh”.

Chồng tôi đã nhập được vào nhóm người vượt biên giới đi tìm tự do sau khi tôi cài vào túi áo chồng tôi chiếc kim băng để giữ khỏi rớt tất cả những đồng bạc mà tôi có, và địa chỉ của một người bạn thân ở thành phố Hồ chí Minh để mai sau anh ấy gửi thư về. Tôi chỉ giữ lại cho tôi duy nhất một chiếc nhẫn một chỉ trên ngón tay để tôi nhớ về anh Luận, người mà tôi thương yêu suốt đời.

Nhưng tôi mất tin chồng tôi từ đó. Không biết anh ấy có thoát tới Thái Lan hay bị hại giữa những làn đạn của bọn Miên bắn giết nhau ? Tôi đã dò hỏi, tìm kiếm mọi nơi mọi cách mà vẫn không thấy chút tin nào của chồng tôi. Tôi chỉ mong anh ấy sống thôi.

Một hôm, ngồi xếp những chiếc áo sơ mi vào thùng sau khi kiểm phẩm xong để xuất khẩu, tự nhiên tôi có ý nghĩ, tại sao không gửi một lá thư vào một trong những chiếc áo này, biết đâu nếu qủa thực có ông Trời thì chồng tôi sẽ mua trúng cái áo đó ? Không ngờ lá thư lại tới tay ông cũng là may cho tôi, chứ nếu chiếc áo đó bán ở nước khác như Nam Triều Tiên, Nhật Bản thì tôi sẽ chẳng bao giờ được cái hy vọng qua ông rồi tôi sẽ nhận được tin về chồng tôi…

Bây giờ tôi là người rất tin rằng có ông Trời đấy, ông ạ. Một lần nữa, tôi xin gọi ông là ân nhân, và mong ông giúp tôi tìm gặp anh Nguyễn Ngọc Luận, cho anh ấy địa chỉ của tôi để anh ấy làm hồ sơ đoàn tụ cho tôi ngay.

Kính thư

Triệu Thị Thanh

Lá thư càng làm tôi lẩn quẩn hơn về câu chuyện tình của chị Triệu Thị Thanh. Tôi nghĩ mọi suy đóan của tôi đều có thể chủ quan và sai. Điều tốt nhất là tôi phải gặp bác sĩ Luận một lần. Vả lại, thông báo cho ông ta là trách nhiệm của tôi mà chị Thanh đã hết lòng nhờ cậy.

Quyết định như thế nên vào một sáng thứ bẩy, tôi đóng vai người bệnh tới phòng mạch bác sĩ Luận. Sau khi làm phiếu, đóng tiền mặt bốn mươi đô la xong, tôi ngồi chờ khoảng nửa giờ thì được y tá gọi đi cân đo trước khi gặp bác sĩ.

Ông bác sĩ là người trắng trẻo, nét mặt rất nhân ái, đôi mắt nhiệt tình và đôi môi lúc nào cũng như cười. Tôi nằm trên giường, quan sát ông ngồi đọc hồ sơ của tôi, tôi nghĩ, không biết trong cái đầu kia có còn chút hình ảnh nào của chị Thanh, của những ngày gian khổ ở Kà tum không ? Nếu tôi không đọc thơ chị Thanh, làm sao tôi biết con người này đã từng trải qua biết bao ngày tháng đắng cay, đã có ít nhất ba người đàn bà trong đời, và không hiểu hai đứa con ông ở khu Kinh tế mới Gia Ray đã được ông bảo lãnh sang đây chưa ?

Tôi chợt nghe bác sĩ Luận hỏi tôi :
– Chào anh, anh đau gì ?

Tôi nhìn quanh, thấy cô y tá đứng khá xa, mới nói nhỏ:
– Tôi có bệnh kín muốn nhờ bác sĩ xem. Ông có thể khép cửa, đừng cho y tá hay bà nhà vô được không?

Bác sĩ Luận gật đầu ngay:
– Được, được…

Chờ cánh cửa khép xong, tôi mới nói :
– Bác sĩ có còn nhớ một người đàn bà tên là Triệu Thị Thanh?

Lập tức ông ta như bị điện giật. Đôi mắt ông ta hớt hải liếc nhanh ra phía cửa, miệng lúng búng như muốn nói mà lại như không nói được. Tôi thì thầm tiếp:

– Bà Thanh có gửi cho tôi một lá thư để nhờ chuyển cho bác sĩ. Tôi xin giao lại cho bác sĩ…

Bác sĩ Luận run run đón nhận lá thư, miệng vẫn không nói một câu nào. Tôi không biết ông ta nghĩ gì? Xúc động vì bất ngờ được tin người vợ cũ đã lạc nhau?

Hay lo sợ bà vợ mới chợt đẩy cửa vào bắt gặp lá thư của chị Thanh? Nhìn mặt ông ta tái nhợt như người bị cảm, trán lại nhơm nhớp mồ hôi, tôi hơi khôi hài nghĩ rằng giờ này ông ta chính là kẻ phải leo lên nằm trên cái giường này và tôi chẩn mạch cho ông ta mới đúng.

*
Bẵng đi khoảng ba tuần lễ, vào chiều chủ nhật, vợ con tôi chở nhau đi shopping, tôi ở nhà coi đánh bốc. Hồi ở Việt Nam tôi rất ghét môn này vì thấy nó chả có vẻ thể thao chút nào, tàn bạo là khác. Thể thao là cách thể hiện ba tiêu chuẩn cao hơn, nhanh hơn, xa hơn, đằng này đánh đấm nát mặt nhau, nói theo thời thượng là “vi phạm nhân quyền” quá. Chính phủ Tân Gia Ba mới chỉ dùng roi đét vào đít một thanh niên Mỹ mà thế giới làm ồn lên, chỉ trích hình phạt này là dã man, thế mà công khai đánh tét mắt tét môi nhau công khai thì được ti vi trực tiếp truyền hình và càng thấy máu đổ càng ăn khách, càng cho là nghệ thuật.

Nhưng từ khi sang sống ở Mỹ, tự nhiên tôi lại thích xem đánh bốc. Tôi chưa tìm hiểu tại sao tôi thay đổi cách giải trí, có phải ở bầu thì tròn ở ống thì dài, tôi đã ảnh hưởng nhân sinh quan người Mỹ, hay thực tế chỉ là bây giờ tôi gìa yếu thì tôi thích vay mượn sức mạnh của kẻ khác?

Tôi đang ngồi xem hai ông võ sĩ đấm nhau thì điện thoại reo. Bên kia đầu giây là người mà tôi vẫn có ý chờ, đó là bác sĩ Luận. Ông chào tôi xong rồi nói :

– Tôi rất cảm ơn anh đã chuyển cho tôi thơ của Thanh…

– Không có chi. Chị ấy nhờ thì tôi làm.

– Nhưng cũng bởi vì mình có duyên với nhau chứ.

Tôi thăm dò :
– Vâng, tôi cũng nghĩ thế. Tôi mong bác sĩ không phiền tôi.

– Ồ, ồ, không bao giờ. Tôi đề nghị mình gọi nhau thân mật hơn, bỏ cái danh xưng bác sĩ đi, tôi đang gọi anh là anh mà. Hôm nào anh có thể đi ăn với tôi một bữa không?

– Dạ, thế thì còn gì bằng.

Bác sĩ Luận hỏi ngay:
– Tối nay anh có rảnh không?

– Cũng được.

Bác sĩ Luận hẹn tôi tới quán The Ambassador tại Pasadena, một quán ăn nổi tiếng với đầu bếp Thụy Điển lúc bẩy giờ rưỡi tối. Khi gặp nhau, ông bắt tay tôi rất thân mật và vào đề ngay:

– Tôi biết ơn anh đã nhận lời dù tôi mời anh quá đột ngột.

Tôi pha trò:
– Nếu thế thì tôi cũng cám ơn anh vì tôi rất thích ăn ngon, với lại tôi cũng thích nghe chuyện lạ…

Bác sĩ Luận vui vẻ:
– Anh biết tại sao tôi mời anh ngay tối nay không?

– Vì bà nhà mắc bận?

– Anh thông minh qúa. Tại tôi có buổi họp về công việc làm ăn với tụi Mỹ, nhưng tôi không ăn với chúng nó mà gọi điện thoại mời anh. Vâng, thường thì tôi khó có dịp đi một mình, bà ấy đeo quá.

Tôi thành thật nói:
– Sau khi đóng bốn mươi đô la để được gặp anh, trao thư của chị Thanh cho anh, mà hai ba tuần sau không nghe anh điện thoại, thú thực tôi hơi thất vọng.

– Anh không hiểu, xin lỗi anh không hiểu. Ngay lúc anh vừa ra khỏi phòng mạch là nhà tôi lột mất mấy cái thư đó ngay.

– Sao bà biết?

– Tại tôi không dấu được tình cảm. Nhìn mặt tôi bà ấy sinh nghi, chặn hỏi tôi. Tôi vội dấu thư của Thanh vào thùng rác mà bà ấy cũng khám phá ra.

– Như vậy là anh không còn yêu chị Thanh?

– Yêu chứ. Nhưng mà anh cũng hiểu, mình đâu có giải quyết được gì.

Tôi hỏi :
– Vậy là anh chưa được đọc thơ chị Thanh?

– Chưa. Bà ấy đốt ngay trước mắt tôi.

Tôi cười:
– Không sao, nếu anh muốn thì tôi sẽ cho anh bản khác, vì tôi có photo giữ kỷ niệm.

Chẳng ngờ khi nghe tôi nói thế, bác sĩ Luận năn nỉ cho ông ta được đọc ngay. Thấy lòng thiết tha của ông ta, tôi không thể từ chối, rốt cuộc hai chúng tôi rời quán ăn, lên xe về nhà tôi. Ngồi trên xe, tôi kể sơ sơ cho Luận nghe đầu đuôi câu chuyện một cách vô tư mà không kết luận vì chưa biết tình cảm của Luận thế nào ngoài tính sợ vợ quá đáng của ông ta. Luận nói:

– Người chứ đâu phải chó mà quên được mối tình chung thủy như Thanh đối với tôi, anh? Lúc gần bà Hoan, tên bà vợ tôi bây giờ, thành thật mà nói với anh là chẳng có ai nói yêu ai cả. Cảnh đàn ông đàn bà sáp vô nhau là chơi thôi. Không ngờ bà ấy chịu tôi, giúp tôi tiền bạc học lại và có với tôi đứa con. Anh biết không, tôi đã từng mua vé du lịch Việt Nam để tìm kiếm Thanh …

– Tôi nghe nói anh là Chủ tịch Ủy ban chống du lịch Việt nam mà lại về du lịch Việt Nam?

– Vâng. Tình cảm con người mà anh. Mình về nước đâu có nghĩa là mình theo Việt cộng.

– Thế tại sao anh chống?

– Bà vợ tôi đó. Bà đẩy tôi tới cái thế chống du lịch Việt Nam để cắt đường về của tôi mà. Hễ chỗ nào biểu tình chống du lịch là bà ấy chở tôi tới, bà ấy ủng hộ ban tổ chức ít tiền, bà ấy bảo tôi cầm cái bảng “Du lịch Việt Nam là cộng sản” để cho mấy tờ báo có chạy quảng cáo phòng mạch tôi chụp hình rồi đăng lên…

Tự nhiên tôi nói với Luận:
– Thôi, theo tôi thì anh chẳng nên đọc thư của chị Thanh làm gì.

Luận kêu lên nhè nhẹ :
– Không ! Anh cứ cho tôi mấy lá thư của Thanh đi. Ban này tôi đã nói với anh là tôi đâu phải là chó mà quên được tình yêu của Thanh. Nhưng anh hiểu cho tôi mà, hoàn cảnh này tôi làm gì được cho Thanh chứ?

*
Ngày 10 tháng 8, 1994, tôi viết cho chị Triệu Thị Thanh một lá thư và kèm một phiếu gửi tiền về cho chị hai ngàn đô la tiền của bác sĩ Luận nhưng nói là tiền của tôi. Đầu tháng 9, tôi nhận được thư của chị Thanh. Chị viết:

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 8, 1994

Ông Nguyễn kính mến,

Thưa ông, tôi đã nhận được thư và số tiền hai ngàn US đô của ông gửi về. Trong thư ông cho tôi nhiều lời khuyên, an ủi tôi nên quên người chồng mà tôi yêu thương nhất đời là anh Nguyễn Ngọc Luận. Nhưng, thưa ông, lá thư của ông khiến tôi không thể quên chồng tôi mà còn làm niềm tin trong tim tôi sống lại mãnh liệt hơn.

Ông biết sao không, ông Nguyễn? Bởi vì ông với tôi là hai người xa lạ, vì vậy dù là triệu phú ông cũng không dễ dàng gửi tặng tôi khơi khơi hai ngàn US đô. Tôi chắc chắn rằng tiền này là của anh Luận. Ông đã gặp anh Luận mà vì một lý do gì ông không tiện nói cho tôi biết mà thôi.

Vậy, để tìm hiểu sự thực, tôi sẽ dùng tiền này và tiền tôi dành dụm được đem đăng ký với công ty du lịch Bến Thành theo đoàn thương mại thành phố sang triển lãm công nghệ ở Los Angeles vào tháng 10, 1994. Theo báo đăng quảng cáo thì mỗi người tham dự phải đóng bốn ngàn tám trăm đô la, bao gồm tiền máy bay đi và về, tiền khách sạn và ăn ở hai tuần, được đi chơi DisneyLand, Las Vegas, sở thú San Diego và Hoa Thịnh Đốn.

Để hồ sơ được thông qua nhanh, tôi sẽ đăng ký là công nhân viên xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công. Tôi rất mong được gặp ông trong dịp này. Ông cứ tới cửa hàng của xí nghiệp Thành Công trong khu triển lãm là thấy tôi. Hoặc ông gửi về cho tôi sớm số điện thoại của ông, khi nào tới Los Angeles, tôi sẽ gọi cho ông hay.

Kính thư

Triệu Thị Thanh

Đọc xong thư tôi không khỏi khen thầm là người đàn bà quả nhiên thường có giác quan thứ sáu. Lá thư của chị Thanh lại khiến tôi cứ lẩn quẩn suy nghĩ, chiếm thì giờ của tôi còn nhiều hơn thì giờ tôi dành cho chiếc máy CNC.

Tôi tìm cách thông báo tin này cho bác sĩ Luận vì chỉ còn có ba tuần là chị Thanh đã có mặt ở Mỹ. Đã hai lần tôi điện thoại tới phòng mạch của Luận đều gặp người nghe là vợ ông ta. Và như lần trước, sau khi tôi cúp máy thì bà vợ ông ta gọi lại để kiểm soát. Tới cuối tuần, tôi đọc báo Việt ngữ, thấy tin cộng đồng sẽ họp vào chiều chủ nhật ở Little Saigon để thành lập ban tổ chức biểu tình chống phái đoàn của Việt cộng tới Los Angeles chiêu dụ đầu tư, tìm cách đi với Mỹ để dùng Mỹ chống áp lực của Tầu đang lấn chiếm quần đảo Trường Sa. Tôi nghĩ thế nào bác sĩ Luận cũng có mặt ở buổi họp này nên tôi trở thành người hưởng ứng cuộc biểu tình, hiện diện tại đó.

Quả nhiên, bác sĩ Luận đang ngồi cùng với hai vị nũa chủ tọa buổi họp với khoảng năm sáu chục mái đầu bạc nhiều hoặc bạc ít. Nhiều ý kiến phát biểu chém đinh chặt sắt hô hào phải bằng mọi cách phá tan kế hoạch chiêu dụ tư bản Mỹ tới đầu tư ở Việt Nam, bảo bọn tư bản này hãy tới Trung cộng hay Phi Luật Tân mà làm ăn, đừng có mà tiếp tay Việt cộng. Khoảng một giờ trôi qua thì bác sĩ Luận đề nghị nghĩ giải lao trước khi đúc kết bản tuyên cáo chống phái đoàn giao thương của cộng sản Hà nội.

Bác sĩ Luận nheo mắt cười với tôi rồi tới gần, nói nhỏ, giọng hồi hộp:
– Chắc có tin của Thanh phải không, anh ?

– Giỏi. Không lẽ thần giao cách cảm nhỉ ?

– Tại anh đâu có phải là khuôn mặt của những buổi họp này? Sự xuất hiện của anh là phải có chuyện đặc biệt cho tôi, tức chỉ là chuyện của Thanh.

– Vâng, tôi nói ngay kẻo và vợ anh bà ấy để ý rồi khổ cho anh. Chị Thanh mới gửi thư cho tôi đây này. Chị ấy nói sẽ theo phái đoàn thương mại Việt cộng sang dự triển lãm hội chợ tháng 9 tới. Chị ấy làm việc trong gian hàng may xuất khẩu Thành Công.

Quả là bác sĩ Luận không chờ đợi một tin tức như thế. Mặt ông ngẩn ngơ đến tội nghiệp. Tôi dúi vào tay Luận lá thư của chị Thanh:

– Anh cầm lấy thư của chị ấy để biết là số tiền anh nhờ, tôi đã gửi tới tay chị Thanh.

*
Gần đến ngày có cuộc triển lãm hội chợ thương mại của cộng sản Việt nam, các cơ quan truyền thông của cộng đồng người Việt đồng loạt đả kích rất dữ dội. Tuyệt nhiên không thấy ý kiến nào ngược lại được phát biểu trong vùng này. Phần tôi, câu chuyện của chị Thanh cũng bắt tôi cứ phải nghĩ tới cái hội chợ đó một cách dai dẳng. Người đàn bà vì tình yêu đã tìm mọi cách sang Los Angeles, đã hẹn gặp tôi mà chả lẽ tôi không tới. Mà tới thì sẽ có khối người chửi tôi là thân cộng, là trở cờ đón gió, là đủ mọi thứ xấu xa tội lỗi.

Chỉ quyết định tới hội chợ hay không tới hội chợ của Việt cộng tổ chức mà tôi bị dằn vặt cả nửa tháng, đầu óc bị xâu xé rốt cuộc chỉ thêm rối bời. Vào ngày mở cửa đầu tiên của hội chợ, tôi kiếm Washington vào giờ nghỉ buổi sáng và nói với anh ta:

– Ê bạn, bạn còn nhớ lá thư bạn nhận được từ người đàn bà Việt Nam bữa trước không?

– Ồ làm sao quên được ? Bà ta giờ ra sao?

– Bà ta đang ở Los Angeles.

– Ông bác sĩ gì đó đón bà ta sang đoàn tụ hả? Hoan hô!

– Chưa. Bạn có muốn gặp bà ta không?

– Cũng hay.

– Vậy thì trưa nay, tôi mua hamburger cho bạn ăn trên xe tranh thủ thì giờ, tôi chở bạn tới gặp bà ta nhé.

– Ô kê.

Cuộc triển lãm mở ở Phòng Thương Mại Los Angeles, nơi khó kiếm ra chỗ đậu xe. Nhưng đó chính là điểm tốt cho tôi vì tôi chỉ muốn Washington xuống xe và vào hội chợ một mình. Tôi viết tên chị Thanh, tên gian hàng Thành Công và đưa luôn tờ giấy mười đồng để Washington mua vé vô cửa. Tôi dặn:

– Bạn vô một mình cũng được, khi gặp bà ta thì đưa số điện thoại của tôi cho bà ta. Nói với bà ta điện thoại cho tôi.

Washington cũng tự hiểu ra sự do dự của tôi:
– Mày ngại những người Việt Nam của mày đang biểu tình chửi mày, phải không?

Tôi gật đầu thú nhận, táp xe vào lề đường chỗ sơn đỏ, đạp thắng xe cho Washington xuống:

– Tôi chạy vòng vòng chờ bạn. Ô kê.

Đoàn biểu tình đông khoảng hai ba trăm người với nhiều quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và những tấm biểu ngữ đả đảo Việt cộng, đòi Việt cộng thực thi nhân quyền, thả nốt những tù binh Mỹ bị bắt trong cuộc chiến tranh trước 1975. Tôi không khó khăn gì mà không thấy bác sĩ Luận. Ông ta đứng trên lề đường, có vài người ở phía sau cầm cờ vàng ba sọc đỏ, trông ông ta hùng dũng như vị nguyên soái. Bà vợ ông ta đeo kính mát, tóc bới cao, mặc váy đầm hở mạng ngực trắng như kem đang đi qua đi lại phân phát truyền đơn. Tôi quay kính xe kín mít, chạy tà tà quanh khu phố để chờ Washington. Mãi chừng hai chục phút sau thì anh chàng mới lơn tơn bước dọc hè phố kiếm tôi.

Lên xe, chưa kịp đóng cửa, Washington đã ồm ồm:
– Không gặp bà ta. Mẹ kiếp! Mất thì giờ mà không hiểu cái gì hết. Tụi nó không biết nói tiếng Mỹ. Tất cả chỉ có một thằng thông dịch thôi nên phải chờ. Đến phiên mình, hỏi nói về bà Thanh đâu, nó trả lời cộc lốc: Tôi không biết. Hỏi thêm, nó không nói vì bận tiếp mấy thằng Mỹ khác.

Rồi Washington hỏi tôi:
– Cộng đồng mày chống cái gì vậy ?

– Chống cộng sản.

– Tao không thấy cộng sản trong đó. Chỉ có hàng hóa thôi.

– Thì hàng hóa của cộng sản. Chúng nó mang sang đây triển lãm kiếm thị trường.

– Tao không hiểu. Tụi Ba Tây tao mong kiếm thị trường mà không được. Còn… tại sao mày vô thì không được, tao vô thì được?

– Bạn đã nói bạn không hiểu mà còn hỏi thêm làm gì.

Suốt buổi chiều hôm đó, và cả buổi tối nữa, tôi sinh ra gắt gỏng, người gây gây mệt như mắc bệnh ăn không tiêu. Đầu óc tôi cứ lẩn quẩn hình bóng một thiếu phụ mà tôi chưa bao giờ thấy mặt, chưa một lần nghe giọng nói. Không biét ngày hôm nay, đứng trong phòng triển lãm nhìn ra đoàn người Việt biểu tình ở phía ngoài, bà Thanh có nhận ra hình bóng người mà bà thương yêu nhất mà bà đi tìm kiếm là bác sĩ Luận đang đứng trước khu triển lãm, cách bà có vài trăm mét không? Trời ơi ! Tôi chợt kêu lên kinh hoàng khi tưởng tượng bà ta có chiếc ống dòm, qua ống dòm bà ta thấy chồng bà, thế là bà ta lao ra cửa, chạy nhào tới bác sĩ Luận.

Sáng hôm sau, tôi quyết định bề gì thì cũng phải tới gặp người đàn bà bất hạnh này. Tôi cũng biết nếu có gặp, tôi chẳng mang tới cho bà ta niềm vui nào, trái lại là khác, nhưng nếu tôi không gặp bà ta, tôi sẽ ân hận vì trong tôi đã không còn tình người. Khi tôi tới phòng triển lãm, vài người tóc đã ngả màu sương chặn tôi lại

– Anh vô đây làm gì?

– Anh muốn tiếp xúc với bọn Việt cộng hả?

Tôi đã có câu trả lời gian dối sẵn
– Người xưa nói biết địch biết mình thì trăm trận trăm thắng. Các ông để tôi vô coi xem chúng nó ra sao.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lâm bước tới, ông nhìn tôi thật dài và thật dịu dàng như gửi gấm hàng trăm lời nhưng đôi môi ông mím lại. Ông làm như không quen biết tôi, thản nhiên quay đi.

Vào trong khu triển lãm, cảm giác đầu tiên của tôi là sự trống vắng. Căn phòng quá rộng, trần nhà quá cao mà người thì ít và hàng hóa thì nghèo nàn, trình bầy vụng về như một cô gái quê bắt đầu làm quen với son phấn. Thế này mà cũng mang đi triển lãm làm gì, có thể họ không biết rằng khả năng của họ nếu chỉ có thế này thì còn thua những chợ trời ở xứ Mỹ. Tôi kiếm tìm và thấy ngay gian hàng Thành Công với khoảng vài chục cái áo sơ mi bầy trên mặt một chiếc bàn nhỏ và một cô gái mặc áo dài đứng tiếp khách.

Tôi bước tới trước mặt cô này:
– Xin hỏi thăm cô, ai là chị Thanh?

Cô gái đứng im lặng quan sát tôi từ nãy tới giờ, chưa biết tôi là hạng người nào, đến đây làm gì, nên nghe tôi hỏi thăm một người bạn của cô, nét mặt cô thay đổi hẳn. Cô mừng rỡ y như cảnh đón họ hàng cách xa nhau hàng chục năm ngoài sân ga. Giọng cô ta ríu rít:

– Anh kiếm chị Thanh hả ? Anh là anh Luận hả? Trời ơi, chị Thanh nhắc tới anh hoài à.

– Nhưng chị Thanh đâu?

– Trời ơi, anh diễm phúc lắm đấy nhé. Chị Thanh yêu anh hết xẩy. Lúc nào cũng nói tới anh thôi à.

– Nhưng chị Thanh đâu?

– Chị ấy bị gạch tên rồi. An ninh nghi chị ấy sang Mỹ sẽ bỏ trốn theo anh đấy.

– Sao chị ấy viết thư nói là đóng bốn ngàn tám đô la tiền vé máy bay rồi

– Vâng, đúng thế. Lúc ra phi trường, sắp vào phòng cách ly thì an ninh mới mời chị ở lại. Anh biết tại sao không? Tại chị ấy mừng qúa, cứ liến thoắng nói về chồng chị ấy ở bên Mỹ sẽ tới phòng triển lãm đón chị ấy đi chơi. Có người trong đoàn nghe được mật báo cho an ninh. Thế là cúp. Trời ơi, tội nghiệp quá, giá chị ấy được đi, được gặp anh chắc chị ấy mừng mà khóc hết nước mắt đấy…

Tôi không buồn cải chính tôi là ai nữa. Tôi chào cô gái mà cũng chẳng hỏi họ tên cô ta là gì. Tôi không nhắn gửi một lời nào cho chị Thanh. Tôi bước ra cửa bằng đôi chân của người say rượu. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Luận thấy tôi vội quay mặt nhìn đi nơi khác dường như sợ mọi người biết ông ta quen tôi khi tôi gọi tên ông ta giữa đám đông đang đứng dưới bóng cờ vàng ba sọc đỏ.

Sáng hôm sau, tôi tới xưởng máy qúa trễ. Mọi chiếc máy đã reo hò ầm ĩ với những vòng quay hối hả chung quanh chiếc CNC của tôi còn nằm ụ như một nấm mồ.

Washington dường như chờ tôi đã lâu nên nhào ngay lại, hỏi :
– Sao? Mày gặp bà Thanh rồi chứ? Bà ta thế nào?

Tôi ủ ê cười nhếch mép:
– Việt cộng không cho bà ta sang Mỹ nữa.

Washington trố mắt :
– Cái gì kỳ cục vậy? Đi thăm chồng mà cũng cấm à?

Rồi chẳng cần tôi trả lời, anh chàng Ba Tây thất vọng vừa bỏ đi vừa nói:

– Tao đếch hiểu cái nước Việt Nam của mày. Sao mày khoe với tao là nước mày có tới bốn năm ngàn năm văn hiến gì đó, hả ?

Đỗ Tiến Đức

Lời BBT: Truyện ngắn ” Một Chuyện Rất Việt Nam” của Nhà Văn Đỗ Tiến Đức đã đăng tải trên Báo Thời Luận số ra ngày Thứ Bảy, 13/7/2024.


No comments:

Blog Archive