Tuesday, January 7, 2025

CÀNH MAI NHỊ ĐỘ

“Em và các con thương mến,

Được thư này em tìm mọi cách ra thăm nuôi anh. Khi đi nhớ mang cho anh các thứ cần thiết sau đây:

-Bánh tét: 30 đòn,
-Bánh ếch phơi khô: 100 cái,v
-Bánh tổ: 10 bánh,
-Thịt chà bông: 3 ký,
-Gạo sấy; 20 bịch,
-Thuốc lào 3 số 8: 10 bánh,
-Kẹo chuối: 3 gô,
-Đường thẻ: 5 ký,
-Muối mè: 2 gô,
-Sả khô trộn muối, ớt, bột ngọt: 1 bịch lớn,
-Tôm khô: 5 ký,
-Thịt gà ram mặn: 2 con,
-Cà phê: 1 ký,
-Lạp xưởng: 5 ký,
-Sữa hộp: 20 hộp,
-Thuốc lá; 1 cây (mười gói),
-Sữa bột: 5 ký.

Anh luôn cố gắng học tập, lao động tốt để sớm được Đảng và Nhà Nước khoan hồng xét tha để về sum họp với em và các con.” 

Các tù binh xôn xao. Người chắt lưỡi, kẻ hít hà, khi nghe bức thư với những liệt kê dài thoòng và nặng ký vừa được đọc.

Người ngồi bên phải tôi nói:
“Cầu cả trăm ký.”

Người ngồi bên trái tôi lắc đầu, nói nhỏ:
“Vợ tôi chắc chắn chẳng làm cách nào có đủ sức mà mua ngần ấy thứ. Nội chạy gạo nuôi mấy đứa nhỏ đã đủ sặc máu.”

Tôi nhìn người vừa nói với cái nhìn đồng cảm. Tên cán bộ công an phụ trách công tác giáo dục của phân trại nheo nheo mắt đọc tiếp bốn bức thư tương tự nhưng “nhẹ ký” hơn bức thư vừa đọc.Y ngúc ngúc cái đầu làm cái nón cối màu vàng lệch qua một bên, y đưa tay sửa lại chiếc nón cối, nói:

“Các anh nào có những bức thư tôi vừa đọc hãy viết lại thư khác. Xin gì mà xin dữ thế. Các chị phải bán cả nhà để đi thăm các anh ấy à. Đảng và Nhà Nước ta có bỏ đói các anh đâu. Đã bảo các anh nhiều lần là “thăm viếng” chứ không phải “thăm nuôi”. Việc nuôi các anh đã có Đảng và Nhà Nước lo.” 

Các tù binh im lặng nhìn nhau. Tất cả đều há miệng đáp “rõ” khi tên cán bộ giáo dục hỏi:

“Các anh có rõ không?” Sau đó, đám tù binh đứng lên, sắp hàng để ra hiện trường lao động.

*
Lật bật rồi cũng có những người vợ ở miền Nam đường xa lặn lội mang quà cáp ra miền Bắc thăm chồng. Hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình mình nên tôi rất ít hy vọng vợ tôi sẽ ra thăm tôi. Thế nên tôi rất đỗi ngạc nhiên, mừng rỡ khi được gọi tên. Quà cáp vợ tôi mang theo không được như những yêu cầu của những bức thư bị bắt phải viết lại nhưng cũng đã quá đủ với tôi, người tù cải tạo đã mười năm.Vì là một cá nhân tiên tiến trong đội nên tôi được ở lại qua đêm ở nhà tiếp tân với vợ tôi.

Chúng tôi đã hàn huyên tâm sự. Vợ tôi kể về chuyện học hành của các đứa con bây giờ đã lớn. Khi được tôi hỏi làm cách nào vợ tôi có đủ tiền nuôi con từ bấy đến nay, và có thể mua quà cáp để từ miền Nam ra miền Bắc thăm tôi, thì vợ tôi cho biết là cũng bắt chước các chị em khác buôn bán làm ăn. Hình như có điều gì đó nàng không muốn nói với tôi. Lúc tôi tỏ ý muốn ân ái với nàng thì nàng từ chối với lý do vì sợ phải chửa đẻ. Tôi nuốt nỗi ham muốn khi thấy lý do của vợ tôi nêu ra là chính xác.

“Bây giờ mà em bầu bì chửa đẻ là có nước chết.” Khi mang những quà cáp vào trại với dồn nén sinh lý không được thỏa mãn, tôi rất đỗi ngạc nhiên vì những thứ đắt giá, cần thiết mà vợ tôi đã mang ra cho tôi trong chuyến thăm nuôi. Tôi không hình dung được công việc làm ăn buôn bán của nàng ra sao. Hồi tôi chưa bị tù tội, vợ tôi chỉ là người đàn bà nội trợ đảm đang. Gia đình chúng tôi sống nhờ vào đồng lương sĩ quan cấp tá của tôi chỉ vừa đủ chi tiêu rất dè sẻn.

Tôi im lặng nghe những người bạn đồng tù kể lể chuyện thăm nuôi. Anh Ân, ở chung đội nhà bếp với tôi, cười tủm tỉm, nói:

“Bà vợ của tôi bả hay thiệt. Anh biết bây giờ bả cũng biết mánh mung này nọ. Buông cái này, bắt cái kia. Hết đi buôn gạo tới buôn thuốc tây, hết đi thịt heo tới đi bột ngọt.”

Anh nhỏ giọng nói với tôi:
“Anh biết, hồi tôi đi tù, bả ôm đứa con mới sanh mấy tháng.. Tôi đi mà rầu thúi ruột. Nhỏ con gái giờ đã mười tuổi rồi. Tôi tá hoả lúc bả đưa cái “bao cao su ngừa thai” cho tôi lúc tôi ngỏ ý muốn ăn nằm với bả. Anh biết, bả mà biết xử dụng ba cái vụ này với mình thì ở nhà đâu có gì cấm bả đưa cho người khác xử dụng. Chắc bả cũng biết tôi nghĩ gì nên bả nói: Anh đừng có nghi tầm bậy, tầm bạ. Ba cái này bây giờ được mấy ổng phổ biến khắp nơi. Tháng nào hội phụ nữ ở trên Phường cũng thông báo chị em phụ nữ tới lãnh. Thu xếp để đi thăm nuôi anh, đọc trong thư anh viết anh là cá nhân tiên tiến trong đội, vợ chồng được phép thăm nuôi 48 tiếng nên em mới nghĩ tới mang theo mấy cái này.”

Lúc tuột quần ra, vợ tôi bả còn rắn mắc:
“Anh đừng có ghen tuông kỳ cục. Còn y nguyên đây nè. Anh khám coi nó có mòn miếng nào hôn?”

Anh ta lắc đầu:
“Anh biết, tôi chịu thua bà vợ luôn. Bả bắt tôi xài hết sáu bao cao su bả mang theo trong hai đêm, mệt muốn bứt gân luôn.”

Tôi ngạc nhiên nhìn người bạn hiền lành, ít nói và chợt nhận ra khi một người được hạnh phúc, người đó muốn chia xẻ với người khác.

*
Một hôm ở nhà bếp tôi gặp Long, lao động tự giác của đội 6, chuyên phụ trách hái trà của phân trại, cũng vừa được vợ thăm nuôi. Các tù nhân tự giác thuộc các đội buổi trưa đều được vào trại để lấy phần ăn. Trong số các tù nhân tự giác, Long là người rất dễ thương. Thỉnh thoảng anh ta vẫn dúi cho tôi gói trà “móc câu” nước trà xanh, uống vào đăng đắng lúc đầu nhưng hậu vị rất ngọt. Ở trại cải tạo, sáng sớm hút điếu thuốc lào ba số 8, chiêu một ngụm nước trà móc câu là một hạnh phúc tuyệt vời. Lâu lâu anh ta lại dúi cho tôi một gói, nói theo bọn tù hình sự là mới “thửa” được.

Gặp tôi hôm đó, anh ta có vẻ buồn. Tôi hỏi: “Sao được vợ ra thăm nuôi mà không được vui?” Tôi thấy mặt anh ta sịu xuống, giọng nói chán nản: “Bể hết rồi, ông anh. Tan nát hết rồi, ông anh!” Tôi lấy phần cơm sắn của mình và thức ăn được thăm nuôi ra mời Long cùng ăn chung với tôi ở căn phòng thay quần áo của đội nhà bếp. Tôi im lặng nghe Long kể chuyện.

“Anh biết, cả nửa năm rồi, má tôi có viết thư báo cho tôi biết là vợ tôi nó đã giao con cho má tôi đi lấy... cán bộ rồi. Tôi cố không tin. Nhưng mà thơ của má tôi viết sờ sờ ra đó. Được phép viết thơ cho gia đình ra thăm nuôi tôi cũng cứ viết đại. Người tôi chờ đợi ra thăm là má tôi. Ai mà dè lại là con vợ tôi.” Ngưng lại để nuốt mẩu sắn nhão nhẹt, Long nói tiếp:

“Anh biết nó ra thăm nuôi tôi với thằng cán bộ chồng mới của nó y như thơ của má tôi đã viết. Anh biết thiệt hết sức ngỡ ngàng. Tôi lại được thăm nuôi bốn mươi tám tiếng. Anh biết, lúc con vợ tôi nó giới thiệu với thằng cán bộ nón cối, tôi chết điếng trong lòng. Không biết phải nói gì. Con vợ tôi nó nói nó ra đây thăm tôi lần cuối cùng, xin tôi cho phép nó đi lấy chồng khác, vì không biết phải chờ tôi tới bao giờ. Mà nó thì còn trẻ.”

Tôi nhận đồ thăm nuôi. Tôi nói với nó tôi sẽ vào trại. Tôi sẽ ký giấy ưng thuận cho nó, từ giờ nó tự do muốn lấy ai thì lấy. Vợ tôi nó yêu cầu thằng cán bộ ra ngoài để nó nói chuyện với tôi. Nó yêu cầu được ăn nằm với tôi lần cuối cùng trước khi đi lấy chồng. Tôi vừa giận mà lại vừa thương con vợ tôi. Sao nó lại đi bày cái chuyện oái oăm. Nó ôm tôi khóc lóc thảm thiết. Tôi thì nghĩ bụng: nó đã muốn vậy thì cho vậy. Với lại đã lâu mình cũng thèm khát. Trong hai đêm tôi trút tất cả những hờn giận, thương yêu vào thân thể con vợ tôi, trong khi bên phòng bên kia thằng cán bộ cứ lăn qua, trở lại vì không ngủ được. Bốn mươi tám tiếng rồi cũng hết. Vợ tôi và thằng cán bộ ra về.”

Long chợt bật khóc:
“Anh biết, lúc đó tôi giận con vợ tôi ghê lắm: tại sao nó lại đặt tôi và thằng cán bộ vào hoàn cảnh trái ngang. Tôi làm tình với nó để trả thù nó. Để chọc tức thằng cán bộ. Giờ nó về rồi tôi mới nghĩ lại mà thấy tội cho nó. Không biết rồi nó với thằng cán bộ sẽ sống với nhau như thế nào. Thiếu gì đàn bà, con gái mà sao thằng cán bộ nó không lấy mà lại nhè lấy vợ tôi? Bộ hết người rồi sao? Sao con vợ tôi nó lại bày ra cái cảnh oái oăm?? Mà sao tôi lại đi chấp nhận cuộc chơi một cách kỳ cục?”

Long gạt nước mắt, nói tiếp với giọng nói ráo hoảnh:
“Tôi không biết con vợ tôi nó có được hạnh phúc không? Thằng cán bộ nó sẽ đối xử với vợ tôi như thế nào khi nó đã hai đêm nằm trằn trọc ở phòng kế bên mà nó biết chắc chắn chúng tôi đang làm chuyện vợ chồng ở phòng bên này.”

*
Câu chuyện của hai người bạn tù được vợ thăm nuôi càng làm tôi âu lo về vợ tôi và cuộc sống gia đình. Đêm đêm tôi trằn trọc nhìn những con chuột đói đuổi nhau trên mái nứa. Tôi lo sợ những bất trắc, đã và đang, xảy đến cho gia đình tôi. Có phải vợ tôi, cũng như bao nhiêu người đàn bà miền Nam khác, là những cành đào trôi ngược trong cuộc đời giông bão hiện tại? Những âu lo không có nhiều thời gian trong trại cải tạo. Cái đối diện thường trực của những người tù là cái đói. Là đợi chờ vô vọng một ngày về. Cuối cùng rồi tôi cũng được trở lại với đời sau khi đã trải qua những tầng địa ngục. Tôi có cái may mắn là khi trở về chẳng phải đứng trước ngôi nhà đổi chủ. Tôi cũng chẳng phải ngỡ ngàng khi bước vào nhà thấy có nón cối bộ đội úp sẵn trên bàn, dép râu Bình Trị Thiên nằm dưới sàn nhà, kế bên, con chó già không nhìn ra chủ cũ.

Khi tôi trở về nhà cửa vẫn như xưa. Các con tôi đã lớn. Thằng con rất đẹp trai và có vẻ thông minh. Hai đứa con gái đang ở vào lứa tuổi: Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi! Tôi cám ơn Trời, Phật đã giúp đỡ gia đình tôi. Tôi thầm hãnh diện là gia đình mình vẫn còn nguyên vẹn trong khi biết bao gia đình khác đã tan nát vì hậu quả của chiến tranh.

Tiệc đoàn viên rất là ấm cúng. Vợ tôi có già đi vì năm tháng nhưng tôi thấy nàng vẫn đẹp như xưa. Nàng, đối với tôi, quả là một chính phụ của thời đại mới. Nàng đã thay tôi: dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân. Gia đình chúng tôi, đối với mọi người, là một gia đình hoàn toàn hạnh phúc trong cái xã hội đã nhuốm độc dược cộng sản.

*
Như những người tù cải tạo khác, tôi được Hoa Kỳ nhận cho định cư trong Chiến Dịch Nhân Đạo. Ngày từ giã quê hương, tôi muốn hôn lên mặt đất thầm hẹn một ngày về khi đất nước không còn bị cai trị bởi một chủ nghĩa bạo tàn. Cửa thiên đường đang rộng mở. Tôi đã thầm tính toán với số tiền truy lĩnh, với ngôi nhà được chính phủ Mỹ cấp phát, với số tiền 2.000 đô-la được Đức Giáo Hoàng cho ngay khi tới phi trường Bangkok. Với ngần ấy thứ, tôi vẽ cho gia đình tôi một tương lai tươi sáng. Tôi hân hoan bước lên phi cơ nơi phi trường Tân Sơn Nhất ngày càng bệ rạc vì những chủ nhân ông mới.

Những chú công an, nhưng nhân viên quan thuế rất là dễ dãi với những Lưu, Nguyễn của thời đại mới. Nhìn đâu cũng bắt gặp những nụ cười. Vợ tôi biếu chú công an gói 555, chú nhân viên quan thuế hộp xì gà, cô tiếp viên một thỏi son ngoại quốc. Chuyến bay xa dần quê hương mà tôi đã buồn đau, sung sướng trong gần sáu mươi năm trời, đáp xuống Thái Lan đất Phật nhưng lại là nơi xuất phát những tên hải tặc gieo đau thương kinh hoàng cho người Việt Nam vượt biển trong mười mấy năm qua. Hai ngàn đô-la của Đức Giáo Hoàng theo lời đồn đãi là một vỡ mộng ban đầu. Rồi những chuyến bay kế tiếp đưa những Lưu,

Nguyễn bất đắc dĩ đến thiên đường hạ giới Hoa Kỳ. Căn nhà thuê mướn cho cả gia đình là vỡ mộng thứ hai. Và số tiền truy lĩnh cũng chỉ là những tin đồn.
Có điều mấy đứa con tôi đã lớn. Chúng nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh của Xứ Cơ Hội.

Chúng tôi không may đến Mỹ vào lúc nền kinh tế nước này đang trên đà xuống dốc. Tiền trợ cấp buổi ban đầu đã giảm. Dù sao tôi vẫn còn có cái an ủi là được Tự Do và không còn lúc nào cũng lo sợ sẽ bị đưa trở lại nhà tù như lúc còn ở Việt Nam.

Tôi rất đỗi đau lòng khi nghe tin một người bạn tù, quen biết hồi cải tạo, vì sự tan vỡ của gia đình, đã treo cổ tự tử. Tôi không bao giờ chọn giải pháp tiêu cực và bi thảm đó. Tôi đã không chết ở những địa danh muỗi mòng đỉa vắt, mịt mù sương lam chướng khí, chẳng lẽ tôi lại chết ở xứ đất tiền, đất bạc này? Tôi quyết làm lại một cuộc đời khác. Tôi không muốn sống mãi với những nỗi buồn đau. Tôi muốn các con tôi có một tương lai. Và nhất là tôi muốn vợ tôi được hạnh phúc trong quãng đời còn lại; bởi, nàng đã phải hy sinh quá nhiều. Bởi, nàng là một người vừa được phục sinh. Nàng là một cành mai nhị độ.

Tôi muốn kể lại đây một lần chuyện đau buồn của đời tôi mà cuộc chiến tranh dai dẳng giữa hai miền Nam, Bắc đã gây ra... Như đã biết, tôi là một tù binh đã trải qua những tầng địa ngục từ Nam chí Bắc. Khi còn sống sót trở về, gia đình vẫn còn nguyên vẹn chớ không phải chia lìa, tan nát như những gia đình khác thì tôi có gì mà phải đau buồn. Sự thực thì không phải như vậy. Hạnh phúc nào chẳng ẩn giấu những nỗi khổ đau. Đôi khi hạnh phúc của người này lại là bất hạnh của kẻ khác. Và hạnh phúc không phải là sự vừa ý. Và người ta chỉ thực sự hạnh phúc khi biết tha thứ.Xin đừng thắc mắc với những “triết lý ba xu” của tôi.

Xin hãy vui lòng nghe tôi kể tiếp câu chuyện.

*
Đêm sum họp đầu tiên, sau bữa cơm gia đình, những ly champagne làm tôi ngầy ngật. Tôi thấy vợ tôi vô cùng lộng lẫy như đêm tân hôn mấy chục năm về trước. Các con tôi đã rút vào phòng. Tôi ôm hôn vợ tôi và ngỏ ý muốn ân ái với nàng. Nhưng nàng lắc đầu từ chối với lý do là nàng đang tới kỳ kinh nguyệt. Nàng lui vào phòng khép cửa lại. Tôi nằm trên bộ sa-lông với cơn thèm muốn dục tình tràn ứ cơ thể. Có lẽ vì mệt mỏi, vì rượu sau bao nhiêu năm mới được uống lại, tôi thiếp đi chẳng biết bao lâu. Khi thức giấc, tôi thấy đèn trong phòng vợ tôi vẫn còn sáng. Cơn thèm muốn lại nổi lên. Tôi gõ cửa. Câu trả lời chỉ là những tia sáng hắt ra từ những khe hở. Tôi nghe hình như có tiếng khóc. Tôi xoay nắm cửa mới biết là cửa phòng đã khóa.

Tôi bực dọc trở lại chỗ nằm với lòng ấm ức. Tôi cố dỗ giấc ngủ mà chẳng tài nào ngủ được. Trong cơn mê tỉnh chập chờn, tôi bỗng nghe có tiếng ngã xuống của một chiếc ghế ở trong phòng của vợ tôi. Tôi gõ mạnh cửa nhưng chẳng có tiếng trả lời của vợ tôi. Tôi tông mạnh cửa phòng để kịp nhìn thấy vợ tôi nằm sóng soài trên nền gạch, trên tay còn nắm chặt những tờ giấy. Ngọn đèn vẫn tỏa sáng. Mấy chai lọ nằm chỏng trơ bên cạnh nàng. Tôi hoảng hốt la toáng lên. Các con tôi thức dậy.

Tôi biết vợ tôi đã dùng thuốc ngủ để quyên sinh. Tôi vội vàng đưa nàng đến bệnh viện. Tôi van xin bác sĩ, hãy cứu dùm vợ tôi. Tôi đau xót nhìn nàng nằm im như một xác chết. Vị bác sĩ mới là đáng ghét làm sao. Ông ta nói như một cái máy: “Ông hãy an tâm, chúng tôi sẽ cố gắng. Nhưng mà bà nhà đã dùng quá nhiều thuốc ngủ nên tình trạng rất trầm trọng.” Tôi như kẻ mất hồn. Tôi van vái Trời, Phật nếu có kẻ phải chết xin để tôi chết thế cho nàng - người chinh phụ của thời đại mới đã thay chồng nuôi dạy con cái nên người.

*
Vợ tôi nằm im lìm như một xác chết trong ba ngày đêm. Tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần bức thư còn hoen những giọt nước mắt của vợ tôi:

“Anh yêu và các con thương mến, Khi anh đọc bức thư này cũng là lúc em lìa bỏ cõi đời. Xin anh hãy tha thứ cho em về những việc làm nhơ nhớp chỉ vì em muốn có tiền để nuôi sống các con và thăm nuôi anh. Ngay sau khi anh đi cải tạo một tháng theo lệnh của Ủy Ban Quân Quản, em cảm thấy bơ vơ và lo sợ vô cùng. Từ khi vợ chồng mình chung sống với nhau cả gia đình mình chỉ sống nhờ vào đồng lương của anh. Rồi các con cái ra đời. Anh vất vả ngược xuôi lo cho mẹ con em. Nhờ chắt chiu dành dụm mà gia đình mình
không đến nỗi túng thiếu. 

Khi những người thắng trận tràn vào thành phố, không có anh em không biết xoay sở cách nào. Em đã cố gắng bắt chước các chị em khác đi buôn bán để kiếm sống qua ngày. Nhưng anh biết em đâu có nói dối được với khách hàng. Lại không biết cách bắt mối với tài xế, lơ xe để dấu hàng khi qua các trạm thuế vụ. Do đó, sau vài chuyến đi buôn em đã cụt vốn, đành phải bán lần hồi những gì mà vợ chồng mình đã mua sắm để mà sống qua ngày. Chiếc xe Honda anh vẫn dùng để làm phương tiện tới sở làm mỗi ngày được bán để mua sắm trong lần thăm nuôi anh ở trại Suối Máu, là vật đáng giá sau cùng. Khi nhận được thư anh gửi từ miền Bắc là lúc gia đình chẳng còn gì để bán. Lúc đó cũng là lúc thằng con vừa được trở về nhà với chứng bệnh sốt rét sau hai năm đi thanh niên xung phong. Vừa đọc thư anh liệt kê những món cần thiết, vừa nhìn những đứa con ốm yếu xanh xao, cùng âu lo với mẹ mà lòng em quặn thắt.

Có lúc em định bán cái nhà để đi thăm nuôi anh nhưng sợ bán đi rồi thì mấy mẹ con sẽ ở đâu. Thế nên em đã làm một chuyện vô cùng dại dột là đã “ngủ với kẻ thù” để có tiền chữa bệnh cho con và đi thăm nuôi anh. Ngày ngày em trang điểm thật đẹp, em hẹn bán thân xác cho những kẻ thù có chức, có quyền (và dĩ nhiên là phải có tiền). Em đã qua tay hết người này đến người khác, sau ba năm cầm đồ bán đạc. Những năm sau đó, cái em mang đi bán là cái trinh tiết, danh giá của một người đàn bà đã có chồng. Em không muốn các con không được đi học. Em muốn khi lớn lên chúng được đầy đủ kiến thức như ngày xưa chúng ta đã bàn tính với nhau. Em không muốn anh phải âu lo, thiếu thốn ở những trại giết người của những kẻ thắng trận.

Em đã làm-đàn-bà-để-sống với ước muốn duy nhất là được gặp lại mặt anh để giao lại các con cho anh. Nhơ nhuốc này chẳng làm sao mà rửa sạch chỉ trừ cái chết. Em từ chối ăn nằm với anh vì em nghĩ rằng em không còn xứng đáng với anh.

Các con không biết được những việc làm nhơ nhuốc của mẹ nó. Em đã qua mặt được mọi người lối xóm. Ai cũng khen em là người đàn bà đảm đang vì em đã khéo léo che đậy những việc làm nhơ nhớp của mình. Em không muốn lừa dối anh. Em xin lấy cái chết để tạ tội cùng anh - người chồng mà em suốt đời yêu thương và kính trọng. Anh hãy đốt lá thư này sau khi đọc xong. Em không muốn tâm hồn các con bị vẩn đục vì có một người mẹ không xứng đáng. Xin anh hãy chiều em một lần cuối cùng - như từ bấy lâu nay anh vẫn chiều em.

Vĩnh biệt anh.
Người vợ tội lỗi của anh.”

Tôi hoa mắt lên. Tôi đọc đi, đọc lại bức thư nhiều lần. Thì ra những điều lo sợ của tôi lúc còn ở trong trại cải tạo là sự thật. Những dòng chữ như nhảy múa trước mặt tôi.

Tôi đã chạy như bay đến bệnh viện khi được thằng con trai báo tin là vợ tôi đã được cứu sống. Tôi lao vào căn phòng có vợ tôi đang nằm im lìm, thoi thóp. Tôi kịp giữ nàng lại lúc nàng cố gắng lấy sức tàn để đập đầu vào tường tự sát một lần nữa. Tôi ôm nàng và khóc như chưa bao giờ được khóc. Tôi van xin nàng hãy vì tôi, vì các con mà sống.

Tôi quỳ xuống lạy nàng ba lạy và nói với nàng: “Đã chẳng phải em đã chết ba ngày, ba đêm rồi đó sao. Em bây giờ đã là một người khác.” Tôi nói miên man những ý nghĩ rất thực của mình:

“Em không có lỗi gì với anh cả. Tất cả chỉ là cái hoàn cảnh trái ngang mà chúng ta phải gánh chịu. Bằng cái chết em đã sống lại trong anh, em lại càng cao quý hơn trong anh; bởi, em đã sống thực với em.”

Chúng tôi ôm nhau. Và khóc.

Mùa Xuân năm đầu tiên ở xứ lạ, tôi viết tặng “cành mai nhị độ” của tôi hai câu lục bát:

Sau lần vấp ngã đứng lên
Cảm ơn nhau: vẫn đi bên cuộc đời.
Môi buồn lại nở nụ cười
Mắt hoen ố lệ lại ngời tin yêu.”

với tin tưởng rằng mùa Đông buốt giá rồi sẽ qua đi, để từ đó, bắt đầu một mùa Xuân nắng ấm.

Nguyễn Thiếu Nhẩn, San José

 

No comments:

Blog Archive