Song Phúc Lâm Môn
Đã mấy đêm nay trong căn nhà rệu rạo của Tám Khổ có tiếng trẻ con khóc chà chã.
Người ta thầm thì: “Già rồi còn động cỡn, ăn nằm với con khỉ gió nào nay nó ẵm con đến trả”. Kẻ lại bảo Tám Khổ xin con đỏ về nuôi cho đỡ cô đơn. Bà bán xôi dạo bật mí: “Nghe nói ông nhặt được ở gốc cây ngoài công viên Ninh Kiều đó nghen!”.
Thôi thì chẳng biết hư thực thế nào, chỉ thấy đêm hôm khuya khoắt, tiếng đứa nhỏ kèo kẹo khóc, tiếng ông Tám khàn khàn dỗ trẻ tạo thành một hợp âm ngồ ngộ làm xao động cả con hẻm vốn xưa nay bình lặng.
Cả hẻm không ai biết tên ông. Chỉ biết, đã lâu rồi, cả khu phố này từ trẻ đến già đều kêu ông là Tám Khổ. Ông bảo ban đầu nghe cũng tưng tức cái bụng: Không biết đứa nào độc mồm độc miệng! Khổ cái con mẹ nó chứ. Chúng mày cứ khổ được như ông! Nghe riết rồi cũng quen tai, ông chấp nhận nó.
Kể ra người ta đặt cho ông cái biệt danh “Tám Khổ” cũng chẳng oan gì: Ông có khuôn mặt chữ điền. Hố mắt sâu, hàm bạnh. Tạng người gầy gò, khô khốc. Chân ông đi chữ bát, xiêu vẹo ật ưỡng như sắp ngã. Duy chỉ có cặp mắt luôn ánh lên bao trăn trở, buồn vui.
Trong con hẻm nhỏ của xóm lao động này rất nhiều chuyện. Vui, buồn, đều lời ra tiếng vào đàm tiếu. Những chuyện vừa ly kỳ, vừa hư hư thực thực làm người nghe cười ra nước mắt, loanh quanh thế nào rồi cũng quay về chuyện Tám Khổ.
Người ta bảo ông có nhiều cái nhất: Ốm nhất! Khổ nhất! Thương người cũng nhất! Nhất nhất nhì nhì gì ông cũng bỏ ngoài tai.
Tám Khổ sống cô đơn trong nhà tuềnh toàng chừng 20 mét vuông. Vậy mà sáng sớm nào ông cũng thường ra công viên tập dưỡng sinh. Chiều ông lại ra đó đọc báo, ngắm cảnh, ngắm người. Bởi vậy ông có dịp tiếp xúc với bao cảnh đời cơ nhỡ, nghèo khó từ đám trẻ lang thang chôm chỉa, những người hành khất đến gái bán phấn buôn hoa... Kể cũng lạ! Không biết tướng mạo ông ra sao mà ra ngoài đó toàn những kẻ khốn cùng lân la đến bắt chuyện, làm quen. Có đứa còn nhờ ông giúp đỡ. Ông lo cái thân ông còn chưa xong, mong gì giúp kẻ khác!
Tuy nhiên đôi khi ông nghĩ, không giúp được nhiều thì giúp ít. Có còn hơn không! Sống mà quá ư cầu toàn, kèo kẹo phỏng có nên?
* *
Tối đầu tiên ông ẵm đứa trẻ về nhà, do vừa lạ hơi lại vừa khát sữa mẹ nên nó khóc quá trời. Càng về khuya tiếng con trẻ khóc càng nức nở, ngậm ngùi... Tiếng khóc len vào từng cửa sổ, làm chênh chao bao giấc ngủ. Ông ẵm, ông nựng, ông vỗ về con bé hết trong nhà lại ra ngoài sân. Chán chê, ông đặt nó lên võng đưa vắt vẻo. Thế mà con bé vẫn khóc ngằn ngặt. Bất lực trước tiếng khóc, ông tự trách: Già còn ngu! Ôm con đỏ về nuôi, khác nào tự quàng cái khổ vào cổ mình.
Và như sực nhớ ra điều gì, mắt sáng lên, ông mỉm cười rồi lụm cụm sang nhà bà Ba cô đơn ở cách đó hai căn. Ông gõ cửa gấp gáp: “Bà Ba còn thức không?”. Tiếng bà uể oải vọng ra: “Con ông khóc quá trời, ai mà ngủ được!”. “Bà sang, tôi nhờ chút việc”. “Việc gì? Nửa đêm nửa hôm không sợ người ta dị nghị à!”. “Không, không sợ! Chẳng hiểu sao con nhỏ khóc quá hà!”. “ Ông về đi, tôi sang liền”.
Bà sang, ông khẩn khoản: “Tôi đã cho con bé bú sữa Ông Thọ, nó chỉ mút mát chút đỉnh rồi lại khóc nhề nhề. Chắc con bé nhớ vú mẹ. Tôi nhờ bà cho nó bú cái vú beo của bà một lúc, chắc nó sẽ hết khóc”. Bà Ba gườm gườm nhìn ông rồi đay đảy: “Tôi chẳng có vú beo vú lép gì hết. Ông đi nhờ người khác!”. Ông Tám hoảng hồn năn nỉ: “Xin bà chớ hiểu lầm, tôi không cố ý nói bậy. Bà hãy thương cháu, thương cả con hẻm này mất ngủ. Bà cho nó bú thử xem sao?”. Bà Ba lưỡng lự hồi lâu rồi ... ngồi xuống võng nhón nhén vạch áo cho con bé bú. Mặt bà ngời lên niềm hạnh phúc hiếm hoi. Thật màu nhiệm, con bé rúc đầu vào ngực bà mút chùn chụt rồi im thin thít. Một lúc sau nó chìm vào giấc ngủ ngon lành. Ông nhìn bà bằng ánh mắt biết ơn vô hạn.
Riết rồi thành quen, ngày cũng như đêm, bà sang cho nó bú vài ba cữ. Tình cảm như hương thơm không thể giấu! Mỗi khi ông vô tình chạm vào người, chạm ánh mắt bà... trong ông dường như lại bừng thức niềm xao xuyến, bồi hồi thời tuổi trẻ. Mấy bà lối xóm lại xầm xì: “Bà Ba cô đơn cặp bồ với Tám Khổ thiệt ly kỳ! Già mõ đế còn động tình. Nghe đâu sắp làm đám cưới...”.
Ở cùng hẻm có cô Hà mới sanh. Nghe đâu sữa nhiều, con bú không hết, cô phải vắt bớt đi. Uổng quá! Nếu con bé được bú thêm sữa người, chắc nó sẽ khỏe mạnh và mau lớn lắm đó.
Nghĩ vậy, ông ẵm bé sang nhà cô Hà khéo léo đặt vấn đề. Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, cái miệng tóm tém khát sữa của đứa bé, Hà động lòng, bảo: “Từ nay mỗi ngày ba cữ, ông ẵm nhỏ sang. Không cháu vắt sữa bỏ cũng uổng”. Được dăm ngày, mấy cái miệng lại tía lia: “Cháu bú thì ít, ông coi thì nhiều. Sướng con mắt nhá!”. Tức muốn chết, ông kêu lên tổ dân phố. Tổ trưởng cười bảo mấy đứa nó chọc chơi, ông Tám chấp chi cho mệt... Từ đó ông trở lại nhờ bà Ba ẵm con bé sang bú thép.
Chị em phụ nữ đến thăm hỏi. Người thì khuyên nên đưa đứa bé vào nhà nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Kẻ bàn, ai hiếm hoi cho người ta, kiếm ít tiền bồi dưỡng chứ ông già cả rồi, một thân một mình lọ mọ nuôi con nít trông nghịch cảnh lắm! Một vài ý khác lại vun vào: “Không gì quý hơn con người! Đó là phúc phần cuối đời của ông đấy!” Bà Ba cô đơn ẵm con bé trên tay, ủng hộ: “Có gì khó khăn chị em chúng tôi giúp. Lộc trời đấy, ông giữ lấy mà nuôi!”. Ông tư lự, trầm ngâm nhớ lại...
* *
Buổi chiều như thường lệ, ông đang ngồi đọc báo ở công viên. Chợt có một cô gái khoảng 20, trên tay ẵm đứa con chừng bốn năm tháng tuổi, khẽ khàng ngồi xuống bên ông. Đôi mắt cô đỏ hoe nhìn ông cầu khẩn. Ánh mắt ấy xoáy vào ông như mũi khoan nửa thăm dò nửa tin cậy, làm ông buông tờ báo. Ông hỏi: “Cô về đâu?”. Cô gái ngập ngừng: “Dạ, con đợi tàu Cà Mau”. “Cô đi một mình?”. “Dạ!”. Đứa bé vô tư vùi đầu vào ngực mẹ bú. Mặt cô gái bỗng dưng xám ngắt, nói: “Ông ơi, con đau bụng quá trời, muốn đi cầu... Nhờ ông ẵm bé giúp con”. Ông cười: “Đưa đây”. Cô gái vội vã trao con cho ông. Ông nhận thấy hai cánh tay nó run bần bật. Đứa bé đang ngậm vú bất ngờ bị kéo tuột ra khỏi miệng, cặp môi mím chặt đầu vú, mấy giọt sữa nhểu ra lã chã. Mẹ nó vội ngoảnh đi cố nén tiếng nấc, chân bước thấp bước cao như chạy trốn. Con bé ngây thơ ngước nhìn ông. Cái miệng tròn vo chúm chím đến là xinh, ông thấy lòng dịu lại.
Ông ẵm đứa nhỏ rã rời cả đôi tay. Hết đứng lại ngồi, ông trông trước ngóng sau. Hơn giờ đồng hồ rồi mà sao chưa thấy mẹ nó trở lại? Ruột gan ông bồn chồn như có lửa. Trên ghế “vô tình” nó để lại bọc tã lót dúm dó. Ông tự nhủ: Nhất định mẹ nó sẽ quay về. Mẹ nào mẹ lại bỏ con! Và, ông nuôi hy vọng...
Thời gian dần trôi, đồng nghĩa với niềm hy vọng của ông như chú rùa bị lật ngửa. Con bé hết đái rồi lại ị nhầy nhụa ra ông. Ông giở bọc lấy quần thay cho nó. Trong bọc có dăm bộ đồ trẻ con, một bình mủ pha sữa và đồ chơi con trẻ. Tất cả là bằng chứng lặng câm đầy lọc lừa và tội lỗi. Ông giận bầm gan tím ruột. Ông nguyền rủa mẹ nó. Một người mẹ nhẫn tâm, bất hảo.
Bước chân thập thững, ẵm đưa trẻ về nhà, đầu óc ông hoang mang ngẫm ngợi: Phúc hay họa đây? Thôi thì trời đất đặt bày. Tránh sao cho đặng.
Chuyện ông Tám nuôi con nhỏ không có gì lạ. Trên đời có nhiều người còn nuôi dăm bảy đứa đấy thôi! Nhưng có điều lạ. Từ ngày ông nuôi bé đến nay có mấy đám đến, họ trả ông dăm bẩy triệu để có đứa bé. Chưa yên, không biết ai đưa đường chỉ lối mà mấy ông vừa Tây vừa ta lạ hoắc đến nhà đặt vấn đề xin đứa nhỏ về Pháp làm con nuôi. Nếu đồng ý, họ trả mười ngàn đô để ông an dưỡng tuổi già.
Mới nghe ông bàng hoàng vì số tiền quá lớn. Đối với ông tiền bạc là rất quý, nhất là số tiền đó ông nằm mơ cũng không thấy. Nhưng sao quý bằng con người?
Ông nhớ lại những tháng ngày nhịn ăn mất ngủ, nâng niu nuôi dưỡng con bé từng ly sữa chén cơm, nay ông đã được đền đáp bằng những nụ cười trên đôi môi trẻ, bằng ánh mắt đen láy sáng trong, bằng tiếng gọi “nội, nội” bao thân thương trìu mến. Đó là phần thưởng vô giá đối với ông, không có thứ của cải nào trên đời này sánh được. Ông nhận ra rằng con bé là niềm vui, là một phần máu thịt của ông. Cuộc đời ông không thể thiếu nó! Già nửa đời ông đã phải sống trong cảnh cô đơn. Hơn ai hết ông thấu hiểu cái giá phải trả cho sự cô đơn ấy.
Nghĩ vậy, ông dứt khoát từ chối: “Con bé là niềm vui duy nhất của tôi. Tôi không thể, mong các ông thông cảm...”.
Người ta lại bàn tán: “Tiền tới tay không nhận, miếng ngon đến miệng không ăn. Ngu ơi là ngu! Dại ơi là dại”. Nhưng mấy cụ cao niên lại bảo ông khôn. Ôi, sự đời chuyện dại khôn, khôn dại biết đâu mà luận cho hết! Những nếp nhăn trên mặt dãn ra, ông có vẻ mãn nguyện và tự đắc, bởi ông biết mình đã thắng. Bà Ba cũng đồng ý với quyết định của ông. Ông thầm cảm ơn bà đã hiểu lòng ông.
Thấy cảnh gà trống nuôi con trăm bề nhọc nhằn, khổ cực bà con trong xóm đều chạnh lòng. Thực ra mấy cái miệng hay tếu táo, dệt thêu này nọ cho vui, chứ thực tình họ không có ý gì xấu xa, độc địa. Dần dần ai cũng nể ông Tám Khổ sống mực thước, có trước có sau. Thấy ông nuôi đứa bé, người cho hộp sữa ký đường, kẻ đưa áo quần, tã lót... Nhất là khi con bé bệnh, cả hẻm lo cuống lên, anh xe ôm nổ máy chờ bà Ba ẵm bé đi viện. Người giúp dăm bảy ngàn, kẻ cho vài ba chục...
Thời gian thấm thoát trôi, Ngọc Trâm (tên bé) đã đi mẫu giáo. Một tối bà Ba sang chơi, Ngọc Trâm cầm tay hai ông bà ngây thơ, hỏi: “Nội ơi! Bà Ba có phải là bà nội của con không?”. Ông nhìn bà, lúng túng. Bà xoa đầu Ngọc Trâm: “Ừ, bà là bà là bà nội của con”. Ngọc Trâm reo: “Có thiệt không ông nội!”. Ông nhìn bé, gật gật. Ngọc Trâm nhảy chân sáo, miệng líu lo: “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm. Tóc bà trắng...”.
Tết này ông Tám Khổ và bà Ba làm đám cưới, cả hẻm đến mừng. Mấy ông bạn cao niên xiết chặt tay ông, chúc: “Nhất ông đấy! Song phúc lâm môn. Song phúc lâm môn!”.
Phạm Văn Thúy
No comments:
Post a Comment