Saturday, September 3, 2022

Gợi Những Mơ Xưa

Hồi còn ở dưới quê khi bà chị lớn hơn tôi hai tuổi theo ông anh họ đi học là tôi khóc đòi theo. Trường học nằm trong vòng rào của viện mồ côi chợ quận cách nhà khoảng chục căn, ở đây cô giáo là các bà phước theo cách gọi của dân địa phương. Con cháu người bên ngoài được vào học dễ dàng nhưng phải đóng tiền, lúc ấy tôi được ông anh họ cõng vắt vẻo trên lưng để đến trường. Khi gia đình tôi dọn lên Saigon tôi vẫn được đi học ở một trường tư thục nằm trên dãy phố gần nhà đợi năm sau đủ tuổi vào lớp Năm trường “nhà nước”. Mới vào lớp tôi đã đọc thông viết thạo ngay. Câu “Tiên học lễ, hậu học văn” treo trong lớp tôi đọc vanh vách. Nhớ nhất là ngày đầu cô giáo viết lên bảng hàng chữ “Sự tích con Rồng cháu Tiên” để cả lớp tập đọc và rất thích thú nghe cô kể chuyện này. Có lẽ vì vậy nên sau này lớn lên tôi đặc biệt yêu thích những câu ca dao tục ngữ xuất xứ từ các áng văn thơ hoặc phong tục tập quán trong dân gian, nổi bật có hai câu thơ khiến tôi nhớ nhất :

Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.

Cứ thắc mắc nên lòng ngúc ngoắc vẫn không hiểu tại sao phải ra kẻ chợ với chốn ba quân tìm nhau ? Trong nhân gian có biết bao trai thanh gái lịch đâu cần phải trong vòng kềm tỏa mới tìm gặp được, mãi cho đến khi nhận ra giá trị ngang nhau ở chữ “khôn”, để bắt đầu từ đây suy nghĩ trong đầu thành hình quan niệm phải làm người khôn.

Năm học trôi qua chưa đầy ba tháng, nhìn quanh trong lớp toàn khuôn mặt mới khiến lòng không khỏi bâng khuâng tự hỏi “bạn cũ đâu rồi ?”. Hôm ghi tên chọn ban mấy đứa bạn thân lắc đầu quầy quậy khi tôi rủ chúng cùng đi chung ban với tôi :

– Bọn mình không có khả năng tưởng tượng đi mây về gió như bạn đừng có rủ rê vô ích, sợ nửa chừng té cái bịch bởi đứt dây rơi xuống làm người “trần gian”.

Vậy là từ đầu năm tôi một mình thui thủi trong lớp mới và bắt đầu làm quen người mới. Chuông reng báo hiệu giờ ra chơi chưa kịp đứng dậy đã thấy nhiều bạn từ mấy bàn phía trên kéo nhau xuống khoảng trống cuối lớp mang bột phấn rắc đầy trên sàn. Ngồi lại trong lớp tôi khoanh tay trố mắt nhìn mấy nhỏ nắm tay chỉ dạy nhau mấy điệu nhảy theo “mốt” mới. Chắc lúc ấy tôi rất giống con “cù lần” tình cờ thấy được mỗi khi đi chơi Thảo cầm viên, chỉ khác là tôi không cúi đầu hai tay che mắt. Đứa bạn ngồi cùng bàn học sau khi quay cuồng chán chê thấy tôi ngồi một mình bèn lại gần cười nói :

– Bà biết nhảy không, ra “dợt” vài điệu với tui ?

– Trời ! tôi “cù lần” lắm không biết chuyện này đâu,

– Không biết thì học, tui dạy cho.

– Bộ bà muốn tôi bị ba má đập cho què chân khi ông bà biết tôi học nhảy nhót hả.

Con nhỏ cười hăng hắc nói :
– Bà làm tui “country” à nha. Tui có ông anh hay nói như vậy khi ổng được về phép thăm nhà bị tôi chọc ghẹo.

Tôi vẫn chưa hiểu lắm cách dùng từ ngữ này mặc dù biết nghĩa tiếng Anh. Tiếng Việt bây giờ nhiều từ “lóng” quá, không lẽ nghĩa nó là “quê một cục” là tiếng đám trẻ theo thời thượng hay dùng.

Bỗng nhiên con nhỏ rủ rê :
– Bà làm bạn gái anh tôi đi.

Lắc đầu tôi xua tay :
– Thôi thôi tôi đâu có quen biết gì với ông anh của bà đâu. Bộ muốn ăn đầu heo hả ?

Vậy mà hôm sau nó mang tấm ảnh anh nó vô giới thiệu với tôi.

Liếc mắt thoáng nhìn chỉ thấy một ông lính không rõ mặt vì tấm ảnh hơi nhỏ, anh này đang đứng cạnh một đống tuyết trắng xóa đắp hình một Snowman cổ quấn cái khăn, miệng ngậm củ cà rốt to, thao thao giới thiệu :

– Ông anh tui là lính Hải Quân học bên Mỹ đó.

Tuy chưa nhìn kỹ nhưng hình ảnh đầu tiên in vào mắt trông rất ấn tượng tôi lại không dám phê bình với nó : “Anh mi đầu đít chỉ có thước mốt”.

Có phải là vì “ghét của nào trời trao của đó”, mấy hôm sau gọi điện thoại đến nhà nó vào buổi tối, vừa nghe tiếng nó bắt máy bên kia tôi hỏi ngay :

– A lô, bà đó hả nhà bà có muốn nuôi chó không ?

Không chờ nhỏ này trả lời tôi huyên thuyên nói tiếp :
– Con chó mẹ nhà tôi đẻ nhiều quá trời, bà giúp việc nói bận nấu cơm, không rảnh chăm sóc biểu tôi kiếm ai đó trong đám bạn cho bớt đi. Tui đâu có bạn bè nhiều chợt nhớ đến bà nè.

Bỗng nhiên có giọng đàn ông bên kia trả lời :
– Nhà này cũng có nuôi nhiều chó rồi, cô là ai ?

Giật mình tôi lúng túng trả lời :
– Thưa bác, con là bạn học chung lớp với con bác, con tưởng bạn đang nghe con nói, xin lỗi bác.

Giọng bên kia lại thốt lên :
– Nói tiếp đi.

– Dạ hết chuyện rồi, con cúp máy đây, kính chào bác.

Đặt ống nghe xuống tôi hú hồn cho cái tật nhanh nhẩu liếng thoắng của mình.

Sáng hôm sau vào lớp nó ôm bụng cười ngặt nghẽo nói :
– Anh tui nói “Ê, bạn của nhóc xưng con và gọi anh bằng bác kìa.” Buồn quá !

Tôi nguýt dài khi nhìn nó và chữa thẹn cho mình :
– Bà chơi ác làm tui tưởng là ba của bà. Tại tui nghe giọng ồ ồ như giọng ông cụ già. Cho tôi gởi lời xin lỗi đã làm buồn lòng ông anh của bà.

– Anh tui hết phép về đơn vị sáng nay rồi, bà muốn xin lỗi thì viết thư tạ lỗi đi.

Nói xong nó trao cho tôi mảnh giấy tập, tôi đọc được trên đó có ghi một cái tên và địa chỉ bắt đầu là con chữ số KBC 33…..

Gần Tết sau khi thi xong Đệ nhứt lục cá nguyệt, những buổi tối rảnh rỗi sau khi học bài, trong không gian im ắng chưa muốn đi ngủ sớm tôi hay ngồi gạch vu vơ những hàng kẻ ngắn rồi lôi tấm bảng “Giải mã những lằn gạch vô hình cho biết câu trả lời sẽ đến với bạn” hoặc là lãng mạn hơn “Bạn gọt vỏ một trái cam đừng để cho bị đứt quãng, xong rồi bạn vứt ra sau lưng, nó sẽ cho bạn thấy mẫu tự đầu của tên người chồng bạn sau này”. Cũng có khi tôi nghe lời xúi dại trong “Tâm sự tuổi mười bảy” đăng trên báo “ Trước khi đi ngủ bạn cho một ít muối vào miệng ngậm, trong giấc mơ bạn sẽ thấy mặt ý trung nhân mình “. Báo hại đêm đó tôi khát nước cháy cổ lại không dám một mình xuống bếp vì sợ “ma”. Nhưng tôi dám chắc một trăm phần trăm những đứa con gái đầy mơ mộng tầm tuổi tôi đứa nào lại không biết sưu tầm mấy chuyện này và kết quả đúng hay không là chuyện khác.

Trên bàn học lúc nào cũng có mấy tờ giấy trắng kẻ những vạch ngắn tiếp nối thành đường dài thòng, đây là kết quả tôi cầm bút gạch những dòng từ vô thức mấy đêm trước. Vài lần sau khi gạch ngang loại trừ theo cách chỉ dẫn, lần nào dò kết quả bói toán trong bảng giải đáp cũng chỉ là câu trả lời “Người ấy đang nghĩ về bạn”. Ngạc nhiên chưa ! bởi tôi có quen ai đâu để cho người ta nghĩ về mình ! Ngẩn ngơ tôi xếp tập lại xem thời khóa biểu ngày mai có môn học gì để mang vở theo, tình cờ một tờ giấy rơi ra, cầm lên nhẩm đọc tôi mới nhớ đây là địa chỉ ông anh nhỏ bạn ngồi cạnh, hôm nọ trao cho mà vô tình tôi quên lãng. Chắc anh chàng đang chờ đợi thư của tôi lâu nay, không lẽ lại là “người ấy”?

oOo

Kết quả của ngày hôm nay là hành trình dài hơn một năm theo sau những lá thư hẹn hò, qua những lần ngắn ngủi “người ấy” được về phép. Thế gian hay ví von đàn bà con gái là chúa nhiều chuyện mỗi khi gặp đối tượng, cũng vậy nhưng khác người là tôi thích viết chứ không thích nói. Quen anh là nơi cho tôi phát huy sở trường, tôi viết thư “lu bù” cũng may thư gửi cho lính không tốn tiền dán tem và anh là người hạnh phúc nhất đơn vị khi được nhận rất nhiều thư cũng chỉ tên một người gửi (số lượng ở đây loại trừ những lá thư hàng chục người chơi trò tìm bạn bốn phương nhé).

Mỗi khi anh hết phép trở về đơn vị tôi lại hát bài ca “Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi…” Tình yêu đã vội vã chiếm tim tôi từ lúc nào không hay chỉ khiến nhớ nhung quay quắt. Mãi cho đến khi anh may mắn được đổi từ duyên hải miền Trung về một căn cứ gần Saigon, bây giờ lại thấy nhớ nhiều hơn bởi “Tình trong gang tấc vẫn không gần nhau”.

Căn cứ mới anh đóng trên địa bàn gần nhà bà ngoại tôi, nhiều lần vào ngày hè tôi hay về giồng thăm bà bằng xe Honda chủ yếu là để hái xoài vườn nhà, vừa xong chưa kịp mang về thì bà nói :

– Sẵn dịp có xe con chở mấy em đi chơi cho biết, tội nghiệp tụi nó nhà quê không có phương tiện đi đâu cả.

Mấy đứa hàng xóm nhà nghèo sang làm cỏ vườn thuê được bà trả công và xem như con cháu. Nể lời bà tôi chở hai đứa nhưng nào biết đi đâu chơi, con nít hơn mười tuổi thì có nơi nào quanh đây để chơi, tôi hỏi tụi nó nói :

– Đi đâu cũng được, ngồi trên xe Honda được chị chở đi vòng vòng lâu lâu là vui rồi.

Tội nghiệp cho những niềm vui rất đơn giản, nhẫm tính tôi chỉ cần chở tụi nó vài tiếng thôi. Có lần nghe một anh sinh viên trong đám bạn của chị tôi, họ về chơi cắm trại trong vườn của ngoại nói lần sau sẽ rủ nhau đi Cát Lái gần miệt giồng này. Vậy là chiếc xe Honda của tôi chở ba trực chỉ Cát Lái. Muốn qua phải đi bằng phà vì sông rộng mênh mông, sang bên đó đứng ngoái nhìn lại sang bên này tôi mới biết đó là căn cứ hải quân bởi thấy mấy ông lính lái chiếc tàu nhỏ ra vào kéo còi inh ỏi.
Về gần nhưng đâu thường xuyên gặp nhau, tháng trước anh nói sắp tới cắm trại và cấm phép rồi. Ba bốn cái chủ nhật trôi qua buồn hiu hắt. Ở xa còn viết thư cho nhau còn niềm vui gặp nhau bằng thư, về gần chẳng lẽ lại viết thư, có khi thư chưa đến người đã ở bên. Buổi sáng bát phố Lê Lợi mua vài quyển truyện, dẻo chân tôi đi xuống bến Bạch Đằng bằng vô thức. Đứng bên bờ sông lộng gió sóng nước mênh mang liên tưởng lúc tôi đứng bên bờ sông Cát Lái hôm ấy, dù rằng vào thời gian đó chưa gặp và yêu anh nhưng duyên nợ tình cờ đã đưa đường chỉ lối cho tôi đến trước nơi đây chờ anh rồi. Chiều nay chợt nhớ câu hát “Thà như giọt mưa… đến ôm tượng đá có còn hơn không!” Lẫn lộn giữa nhà thơ Thâm Tâm “Đưa người ta không đưa qua sông. Sao có tiếng sóng ở trong lòng”. Nguyễn Tất Nhiên cứ thúc giục “… có còn hơn không chỉ thấy sông lồng lộng chỉ thấy sông chập chùng.” Nhớ câu “Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”, khiến tôi quyết định bước xuống phà Thủ Thiêm một cách mạnh mẽ.

Đứng ở cổng căn cứ chờ vọng gác nơi đây gọi điện tìm anh, câu trả lời từ bên trong không thấy ông Trung Úy ở đó. Tôi thích mặc áo dài trắng nên đi đâu cũng chỉ một màu. Có lẽ vì trông dáng dấp tôi vẫn giống nữ sinh, nên khi có một ông lính khác từ bên ngoài vừa đi vào, thấy chiếc túi xách tôi đặt trên băng ghế hắn mon men đến gần định cầm chiếc quai thì một tiếng tằng hắng trong cổ họng quát nhỏ :

– Của ông Trung Úy N… đó.

Cắn môi nhìn quanh, biết chắc là hôm nay anh phải trực ở đây tôi mới đánh bạo đến tìm sao lại không thấy nhỉ ! Chợt nhìn sang bên đường, có một dãy hàng quán đối diện căn cứ, bỗng trông thấy có chiếc Honda nằm lẻ loi đang dựng ngoài cửa, tôi nhận ra ngay là xe của anh bởi có sợi dây xích khóa choàng quanh cổ xe quen thuộc. Tôi chỉ tay reo lên :

– Chiếc xe Honda của ổng kìa.

Anh lính gác thò đầu ra nhìn, gọi anh kia và nói với tôi :
– À, ổng đang đánh bida đó, để tụi tôi đến gọi ổng.

Tôi mừng thầm trong bụng, không tìm thấy anh chắc tôi bị “country” lắm. Anh ra lấy xe chạy ngang qua vọng gác rước tôi ngồi lên phía sau và nói với mấy người lính :

– Bà xã của tôi đó.

Vòng tay qua bụng tôi áp má vào lưng anh với niềm hạnh phúc vỡ òa bởi cả hai tuy chưa đám cưới nhưng anh đã đặt tôi vào một vị trí thiêng liêng trong trái tim anh rồi.

Vừa bước vào gian phòng của sĩ quan độc thân, anh ôm lấy tôi hôn và hỏi :
– Sao lại dám một mình đến thăm anh vậy.

Trả lời trong hơi thở tôi nũng nịu :
– Tại em nhớ anh quá ! Làm sao quên cho dẫu một chút thôi,

Ngồi sau lưng ôm chặc eo “người ấy” ngôn từ tôi đã gọi thầm trong trái tim hơn một năm rưỡi nay và đây là lần đầu tiên tôi theo “trai” đi xa như vậy. Hai tháng qua vừa hết cấm phép, anh xin nghỉ một ngày chở tôi về tận tỉnh lỵ quê của tôi cách xa Saigon gần bảy chục cây số theo đường chim bay, để xin tờ trích lục tư pháp lý lịch mẫu số 3. Theo thủ tục trước khi kết hôn anh phải nộp bản sao lý lịch của tôi bổ xung vào hồ sơ xin cưới vợ. Bởi vì anh là sĩ quan yếu điểm trưởng, bên cạnh trách nhiệm về an ninh căn cứ, còn việc hết sức quan trọng phải bảo vệ tàu chở đạn neo đậu và ra vào quân cảng an toàn. Khi ấy tôi không hề thắc mắc hay quan tâm chuyện tại sao anh phải cần lập thủ tục làm hôn thú trước ngày chúng tôi làm đám cưới.

Chỉ biết được phép gia đình đi chơi xa cả ngày cùng anh khiến tôi vui sướng biết bao với cảm giác đang chìm ngợp trong hạnh phúc. Không ngờ anh đã cẩn thận lo lắng cho tôi từ ngày đầu tiên gọi tôi bằng hai từ “bà xã”. Có lẽ do một lần tôi kể lại hình ảnh tình cờ trông thấy, một bức tranh vẽ người thiếu phụ ngồi gục đầu bên vệ đường dưới bụi tre trong bộ đồ tang trắng, ôm trong lòng là một đứa bé nằm thò ra hai bàn chân nhỏ xíu. Hình ảnh ấy gây trong lòng tôi một ấn tượng chông chênh thê thảm của những người có chồng là lính chiến.

Về sau tôi mới biết có nhiều người vợ sớm thành góa phụ, vẫn chưa kịp làm tờ giấy xác định danh phận trước chính quyền. Ai cũng chép miệng than thời buổi chiến tranh mà biết đâu được ! Làm sao có thể tránh khi hàng vạn, trăm ngàn thanh niên lớn lên đều trở thành người lính đi vào lửa đạn hiểm nguy và cũng có không ít những người con gái như tôi lại tự nguyện tìm chồng trong chốn ba quân. Không nói đâu xa xôi, ông anh họ tôi thành tử sĩ khi vợ mới mang thai và hai người chưa kịp lập giá thú. Chị và con không được một quyền lợi gì từ người chồng mặc dù tiền trợ cấp tử tuất được gửi về cho ba má anh. Nhưng bên cạnh đau đớn to lớn vì mất người chồng, mất cha, thiệt thòi còn lại vẫn là vợ con nhận lãnh.

oOo

Vòng vòng trong khu trưng bày sản phẩm giữa trưa nắng gắt tôi đi tìm anh, đi làm hai ngày một đêm anh chưa về nhà. Hôm kia anh nói phải làm ở công trường tận khu Hốc môn Quang Trung hồi xưa. Lại là công trình phải hoàn thành gấp cho công ty Xây lắp để kịp khai trương Hội chợ triển lãm các ngành Tiểu thủ công nghiệp, công việc phải làm luôn ban đêm nên không thể về nhà, tôi không biết chừng nào công trình mới xong, để hai mẹ con vò võ ở nhà chờ đợi.

Hơn mười năm, thế thời đảo lộn vợ chồng tôi cũng giống như mấy chục triệu người tay làm vẫn không đủ nhai. Đến nổi cái xe đạp cà tàng chưa thấy chiếc nào thảm thương như chiếc chồng tôi chạy, cái thắng tay không có bởi dây thắng “dổm” của quốc doanh sản xuất cứ vài ngày lại đứt, không tiền mua anh thay bằng cái thắng chân là một cái gờ sắt bắt vào cạnh niền chiếc xe, muốn ngừng xe chỉ cần thò chân ra phía sau đạp mạnh. Riêng tôi chiếc xe đạp cũng không kém cạnh, cứ vài ngày bánh xe lòi bụng như đàn bà có bầu bởi vỏ xe làm bằng sợi dây lấy ra từ bao cát không ôm nổi ruột xe, khi ấy ông chồng tôi phải vá víu bắng cách chập những mảnh cao su buộc vòng quanh như bó giò. Khổ nổi hàng họ chỉ độc một loại quốc doanh cung cấp, bắt thăm mua được cái vỏ xe mới thì phải xài ruột cũ, mua được ruột xe mới thì đến phiên cái vỏ cũ tét miệng bung vành. Sao đời sống con người trở nên thê thảm đến vậy từ khi được người Cộng sản giải phóng khỏi đời nô lệ tư bản.

Cũng có nhiều người chạy chợ, luồn lách, phe phẩy thì sống khá hơn. Chúng tôi hơi nhát bởi cái án quản chế người đã học tập cải tạo nên không dám bung ra, tôi thì từ khi lăn lóc dè xẻn từng đồng dành dụm trong thời thăm nuôi tù. Bỗng sợ ba chữ “Kinh tế mới” không kiếm được đồng nào nơi đồng khô cỏ cháy, cố bám cái chân công nhân viên, tháng tháng mua chục ký gạo, lương lãnh ra đủ mua vài chục bó rau với chai nước mắm mặn như muối. Thời gian cuối của mười năm bắt đầu thời mở cửa, chồng tôi được làm khoán tiền công lương có khá hơn nhưng bù lại phải cực nhọc làm nhiều hơn. Câu “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, nếu chưa hết giờ làm thêm giờ nghỉ” vẫn áp dụng được cho đến giờ này.

Rốt cuộc tôi tìm thấy anh đang lúi húi cưa, bào, đục đẽo trong một gian hàng đang trang trí dở dang. Anh hết sức ngạc nhiên khi ngẩng đầu trông thấy tôi.

– Sao em đến đây được vậy, đi bằng gì ?

Tôi cười nói với anh,
– Hên thật, tự nhiên ông Giám đốc nổi cơn muốn đi “du dương” với con nhỏ y tá xí nghiệp. Ổng lấy lý do phải đi quan sát gian hàng triển lãm của xí nghiệp trên này, bắt em đi theo lên làm giá thành bán sản phẩm. Đi cùng em là con y tá kéo theo bà trưởng phòng hành chánh và bà đại diện công đoàn. Đến nơi cả đám tản ra mất tiêu, em nhanh chân đi tìm anh đang ở đâu thôi, ăn uống, ngủ nghỉ ra sao ! và hỏi khi nào anh xong công trình ?.

Nhìn quanh anh ước lượng :
– Chắc cũng sắp xong rồi.

Trao cho anh bịch nước chanh đang cầm trên tay, tôi nói :
– Anh uống đi, đây là phần của em được chia, họ mua ở hàng cafe trước cửa xí nghiệp trước khi lên xe.

Tôi quá biết việc lợi dung để chi tiền của nhà nước vô tội vạ với nhiều lý do : đi công tác, tiếp khách đến cơ quan làm việc, tổ chức sự kiện duyệt kế hoạch, đãi tiệc, gửi bao thư tiền mặt cho đại biểu tham dự… v..v.. Tiền chi một phần trên thực tế phần còn lại gấp chục lần thì vào túi riêng chia chác với nhau theo bè cánh, đây chỉ là phần nhỏ nhặt của cán bộ quèn, chức vụ lớn hơn thì ăn bằng cách khác, nhận phần trăm theo hợp đồng ký kết được đối tác “lại quả”. Số này to lớn kinh khủng hơn nhiều, bởi vậy công ty, xí nghiệp nào có chữ quốc doanh đều lụn bại, dẹp tiệm là cơ hội xóa dấu vết, chùi miệng sạch sẽ an toàn.

Ngồi thêm một lát nói chuyện lung tung mưa nắng, tôi nói với anh một câu trước khi ra về :

– Con nói nhớ ba, tối qua ngồi trước cửa gọi sao lâu ba chưa về vậy má ?

– Ừ anh biết là… cả mẹ lẫn con đều nhớ anh.

Vậy mà tối sẩm anh lục tục đạp xe về, dắt chiếc xe đạp vào nhà anh ngồi thở trong khi tôi lúi húi dọn cơm. Chỉ có chút cá lụn vụn kho tộ, đĩa rau muống và tô nước luộc rau tôi dành lại cho bữa cơm sáng mai.

– Không biết có phải do có linh tính biết anh sẽ về nên chiều nay em nấu cơm hơi nhiều, chắc anh đói bụng lắm.

Ngồi ăn cơm anh kể :
– Ban trưa em ghé thăm, lúc em về tên công nhân trẻ hơn anh cả chục tuổi làm chung công trình nói “Trời ơi ! tui nghe hai người nói chuyện với nhau tiếng nào tiếng nấy cũng anh với em nghe ngọt xớt, đã tai thiệt cứ muốn nghe hoài”. Anh mắc cười quá hỏi “Vợ chồng với nhau không kêu anh, em thì kêu bằng gì ?” anh này thật thà nói “Tụi tui kêu nhau bằng “ Mày, Tao không hà.”

Tôi ôm bụng cười theo :
– Hèn chi em để ý có một anh thợ đôi mắt cứ nhìn vào anh và em, cử chỉ trông không tự nhiên. Chỗ hai vợ chồng người ta nói chuyện mà cứ xáp lại gần kế bên rồi giả vờ làm cái gì đó ở sau lưng mình em không biết nữa, thì ra ông này muốn nghe lén.

Tiếp tục tôi hỏi thêm,
– Vậy anh đã làm xong chưa ? Mai có đi lên đó nữa không ?

– Có, anh phải lên để bàn giao công trình cho ông trưởng công trường, còn vài chỗ sắp hoàn tất anh để người khác làm. Đi làm xa nhà “oải” quá. Với lại “nhớ con” nữa, nhưng cái chính là nhớ “con vợ” nhiều hơn.

Lấy nhau hơn chục năm nhưng lại thấy tình vẫn nồng nàn như những ngày mới quen, có lẽ vì năm năm đằng đẵng xa nhau khiến chúng tôi khát khao phải đền bù những ngày tháng cách chia ấy.

oOo

Nửa đêm bỗng thức giấc vì cảm thấy lạnh “đầu” quá, nhìn đồng hồ mới ba giờ sáng, nằm cố gắng dỗ giấc nhưng mãi vẫn không ngủ lại được. Thao thức với những chuyện dài buồn vui trong đời giống như một cuốn phim, khiến người có tuổi hay quên hiện tại chỉ thấy nhớ được quá khứ.

Năm ấy vào ngày được thăm nuôi, đêm ở lại nằm bên nhau dưới mái chòi lợp bằng lá rừng, đầu lạnh buốt khiến tôi thức giấc. Dưới tấm đắp mỏng manh làm bằng bao đựng cát trong công sự phòng thủ trước 1975, nằm ôm nhau nhưng hơi ấm cả hai không đủ đưa tôi vào giấc ngủ, làm tôi nghĩ lan man với ao ước chỉ cần vợ chồng con cái đoàn tụ sống bên nhau cho dù thiếu thốn cũng được, chỉ là một giấc mơ đơn giản nhất không dám nghĩ gì thêm.

Đêm nay trên nệm êm chăn ấm ở một đất nước giàu có xinh đẹp, thụ hưởng mọi tiện nghi xứ văn minh tôi cứ tưởng mình đang ngủ mơ. Giấc mơ đẹp quá tôi sợ vỡ tan nhưng đầu lạnh quá giống hồi nọ ở trên rừng. Hơi lạnh từ trần nhà phả xuống khiến không thể nằm im. Tôi quay sang lay anh dậy :

– Giờ này mà máy lạnh vẫn chạy, em lạnh quá, chắc thằng Anthony (cháu ngoại tôi) nó quên tắt. Tại hồi chiều em bảo nó “con để máy chạy theo hệ thống On & Off tự động đi. Giống như mình đã làm cho cây giáng sinh mỗi năm vậy đó”. Không hiểu nó để mấy giờ mà bây giờ vẫn chưa Off.

Anh lồm cồm ngồi dậy :
– Để anh xuống dưới nhà bật chốt Off bằng tay.

– Được không ? Tôi hỏi với theo.

Di chứng từ ngày ấy khiến tôi rất dễ bị lạnh đầu, nhất là vào mùa thu có mưa lạnh và tuyết rơi mùa đông. Ra khỏi cửa nhà lúc nào trên đầu tôi luôn luôn vẫn phải có cái nón len, nó thành một thói quen bất di dịch.

Trùm chăn bên cạnh anh bắt đầu ngáy o..o mỗi khi đặt lưng nằm xuống, chẳng bù với tôi thao thức vì khó ngủ. Dạo sau này có phải tại nhiều tuổi nên hay thêm câu phàn nàn :

– Từ hồi xưa đến giờ đi đám cưới ai cũng chúc cho đôi tân lang, tân giai nhân. “Trăm năm hạnh phúc, Răng long đầu bạc”. Câu đầu thì được, câu sau phải sửa lại chữ khác mới yên ổn. Vì mọi người chúc như vậy nên bây giờ đầu tui láng bóng bởi tóc bạc rụng hết. Răng thì cái rụng cái lung lay gốc chân báo hại chẳng ăn uống món gì cho ngon được khi phải trệu trạo nhai.

Tôi góp ý với anh :
– Ai bảo anh cứ thích ăn những món bình thường dai cứng như ngày còn trẻ, làm sao răng không rụng. Em thấy nhiều ông “Lão ngoan đồng” cứ đi tìm cỏ non mềm ngọt mà nhơi lúc ấy răng lợi không cần xài, khỏi phải than van. Anh có muốn vậy không ?

Anh đốp chát lại liền :
– Cỏ non thì có gì ngon, không mùi không vị nhìn thấy đã ngán tận cổ, chỉ có trâu, bò mới thích thôi.

Bây giờ nhớ lại câu đối đáp ban chiều tôi thấy tức cười, đi dần vào giấc ngủ không hay.

Cỏ Biển

No comments:

Blog Archive