Monday, December 7, 2020

Tháng Mười Một, Mùa Phượng Tím Úc Châu

Mỗi năm cứ tới cuối tháng mười qua đầu tháng mười một là những cây phượng tím của Úc châu, miền cực nam bán cầu bắt đầu trổ hoa khoe sắc, đi đến đâu cũng thấy một màu tím thơ mộng hữu tình đã níu chân du khách. Cho dù ai sắt đá cũng không khỏi động lòng ngơ ngẩn như bị hớp hồn.

Xin giới thiệu với quý vị bộ ảnh phượng tím của nước Úc. Nếu ai có cơ hội du lịch Úc châu, xin mời đến vào tháng mười một để chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp của phượng tím và dạo bước trên những thảm hoa thiên nhiên. 







Hai bên đường nở rộ Jacaranda



Thảm hoa Jacaranda

Khi hoa nở, cả cây chi chít hoa là hoa, không thấy một cái lá nào.

o0o

Đường hoa Phượng Tím Đà Lạt

VĂN VIỆT 
Năm 1962, kỹ sư Lương Văn Sáu ( tốt nghiệp Trường Canh nông Versailles, Pháp) đã đưa cây phượng tím từ Châu Mỹ về trồng đầu tiên tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, Đà Lạt. Đến nay đã gần nửa thế kỷ, cây phượng tím đã trở thành một loài cây “đặc thù” của phố núi Đà Lạt.

Theo các tài liệu khoa học, phượng tím đang trồng tại Đà Lạt có tên khoa học là Jacaranda, có hình lá giống với lá cây trinh nữ, nguồn gốc trồng rộng rãi trên đường phố, trong công viên ở các nước Nam Mỹ, sau đó phát triển sang các nước châu Phi và châu Đại Dương. 

Khi được chăm sóc chu đáo, nhiều cây phượng tím trồng tại Đà Lạt đã cao từ 5m đến 8 m; tàn lá rộng ra từ 3- 4m. Ở Đà Lạt có 4 cây phượng tím do kỹ sư Lương Văn sáu trồng nay đã thàng cây cổ thụ gồm 2 cây ở công viên hoa Đà Lạt, 1 cây trước nhà hàng Thủy Tạ và 1 cây trước đường phố Nguyễn Thị Minh khai. 

Được biết bấy giờ, sau thời gian khoảng 4 năm trồng thử nghiệm, cả 4 cây phượng tím Đà Lạt đã đồng loạt ra hoa đầu mùa. Hoa nở kéo dài vào thời điểm cuối đông năm trước đến đầu xuân năm sau. Sang năm thứ năm thì tất cả những cây phượng tím này đã nở hoa đều đặn hàng năm – đến nay đã hơn 40 mùa hoa. Hoa phượng tím hình ống dài từ 4 cm- 5 cm; hoa nở bung thành từng chùm màu tím phủ kín cả tán cây trên cành. Thời gian từ nụ hoa nở đến khi nụ hoa tàn rụng từ 3- 5 ngày. Chùm hoa này rụng xuống; chùm hoa khác nở lên. Cứ thế hoa vẫn phủ kín một vòm màu tím trên tán cây liên tục từ 4- 5 tháng. 

Giữa những năm chín mươi của thế kỷ trước, cây phượng tím thực sự khẳng định là cây trang trí nội thị quý hiếm của phố núi Đà Lạt. Nhưng thuộc loài cây thân mộc nên việc chiết cành nhân giống phải đòi hỏi những điều kiện kỹ thuật nhất định. 

Kỹ sư Lương Văn Sáu đã lặng lẽ nghiên cứu trong một thời gian ngắn đã thành công về nhân giống phượng tím bằng phương pháp chiết cành. Trong đó ông đã tự điều chế một hợp chất thuốc kích thích phát triển rễ cho cây phượng tím. Những nghệ nhân chơi cây cảnh trong thành phố Đà Lạt sau đó được kỹ sư Lương Văn Sáu chuyển giao phương pháp giâm cành trên vườn ươm, rồi kích thích ra rễ để nhân giống hàng loạt cây phượng tím giống. Tuy nhiên so với nhu cầu hiện thời thì số lượng sản xuất giống cây phượng tím giâm cành còn rất hạn chế; khiến giá thành cây giống khá cao so với mặt bằng chung của giá cây cảnh nên chưa thể phát triển đại trà trong hoa viên của hộ gia đình. Cây phượng tím chỉ trồng rải rác trong khuôn viên vườn cây cảnh của các nghệ nhân.

Đến cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước, qua con đường du lịch thăm viếng người thân, hạt giống phượng tím đã đưa về Đà Lạt từ các nước châu Úc, châu Mỹ, Thái Lan…Hạt giống sản xuất hàng loạt theo công nghiệp khi gieo trên đất Đà Lạt vẫn chứng tỏ khả năng phát triển tốt. Nhiều vườn ươm cây phượng tím đã xây dựng trên địa bàn Đà Lạt. Lượng cung tăng nhanh nên đã kéo giá giống cây hoa phượng tím thấp xuốngtương đương với giá với các loài cây xanh dễ trồng khác. 
Từ đó đến đầu những năm 2000, các cơ quan, trường học, cơ sở nhà thờ, chùa chiền, khuôn viên khách sạn, hộ gia đình…lần lượt mua giống cây phượng tím về trồng. Cây sinh trưởng nhanh rồi lần lượt cho hoa. Đến mùa hoa phượng tím cuối đông- đầu xuân 2008 vừa qua, bên cạnh 4 cây hoa phượng tím cổ thụ là các cây phượng tím thế hệ mới cũng đã đua nhau cho hoa khoe sắc tím. Đó là các cây hoa phượng tím trước khách sạn Hải Sơn (gần chợ lớn Đà Lạt), cây phượng tím trước khách sạn Hồng Vân ( ngã năm Đại học Đà Lạt), các cây phượng tím khác ở vườn hộ gia đình ở đường phố Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Thi Sách, Hồ Tùng Mậu… 

Đến nay cây phượng tím đã trở thành cây hoa đặc thù của khí hậu và thổ nhưỡng phố núi Đà Lạt. Việc trồng và chăm sóc các loài cây này không đòi hỏi kỹ thuật nhiều. Trong khi nguồn giống phượng tím khá dồi dào. Được biết tại thời điểm cuối tháng 6/2008, trong vườn ươm của Công ty Công trình đô thị Đà Lạt đang khoanh nuôi trên dưới 300 cây phượng tím giống đã trồng từ hạt 2- 3 năm trước. Cây giống phượng tím ở đây hiện đã cao từ 1, 6 m – 1,7m; giá mỗi cây trung bình 60 ngàn đồng. Nếu đưa về trồng trong không gian khoáng đạt, đủ ánh sáng mặt trời ngoài đường phố ( với mật độ trồng cây cách cây là 3,5 m - 4,5m) thì chỉ hơn một năm sau, 300 cây giống phượng tím này sẽ hình thành những đường phố hoa tím.

Những năm gần đây phố Đà Lạt đã mở rộng nhiều đường phố hoa chuyên đề như đường hoa mimosa ( đường Mimosa, Hồ Tùng Mậu…), đường hoa Mai Anh Đào ( đường Mai Anh Đào; vòng quanh hồ Xuân Hương; đường Hồ Tùng Mậu, đường Lê Đại Hành…); đường hoa ban trắng ( đường Trần Phú, Nguyễn Du…) Trong khi màu hoa phượng tím chỉ chủ yếu được trồng tự phát, trồng rải rác nhiều nơi; thiếu tập trung thành những đường hoa tím chuyên đề. Hiện tại những đường phố ngày ngày hàng ngàn học sinh, sinh viên tan trường nhưng lại thiếu bóng cây hoa là Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Công Trứ, Phù Đổng Thiên Vương …

Màu tím cũng là màu mộng mơ của tuổi học sinh sinh viên, vậy thì nên chăng hãy phủ xanh lên đó những hàng cây phượng tím. Hãy làm phép tính trồng cây cách cây 4m thì một đường phố dài 01 km, trồng phượng tím hai bên đường là 500 cây giống. Giá mỗi cây giống cao 1,5 m trở lên ở thời điểm tháng 6/2008 là 60 ngàn đồng; cả thảy kinh phí chỉ 30 triệu đồng. Nếu phủ kín 10 km đường phố phượng tím Đà Lạt vào năm 2009 thì kinh phí cây giống nhân lên là 300 triệu đồng. Và cộng cả thảy công xuống giống, công chăm sóc trên 10 km đường phố phượng tím thì tổng chi phí ước khoảng 500 triệu đồng. Đây là khoản kinh phí có thể huy động trong khả năng từ nhiều nguồn khác nhau để tổ chức thực hiện công trình.

Ở Nhật Bản, cây hoa anh đào ( có tên là sakura) nở rộ trên khắp đất nước từ nam ra bắc hoa nở kéo dài từ đầu tháng 2 đến hết tháng 5 hàng năm, đã thu hút hàng triệu du khách quốc tế đến chiêm ngưỡng hoa. Riêng thành phố Tokyo mỗi mùa hoa anh đào nở đã đón từ 2 triệu lượt khách quốc tế trở lên.
Đà Lạt với đặc trưng phố núi ngàn hoa; có mimosa; có mai anh đào thì thiết nghĩ cũng cần có những đường hoa phượng tím để tô điểm thêm màu lam tím mộng mơ của Đà Lạt đã từng đi vào thơ, ca, nhạc, họa, làm lưu luyến biết bao bước chân du khách gần xa.

Hy vọng những đường phố hoa tím Đà Lạt được hình thành sẽ là một sản phẩm du lịch mới của phố hoa Đà Lạt, góp phần thu hút ngày càng đông đảo hơn lượng khách du lịch trong nước và quốc tế chọn Đà Lạt làm điểm đến hàng năm.

No comments:

Blog Archive