Tiệm sách nhỏ trong nỗi nhớ
Tôi nhớ những ngày ấy, mẹ tôi dẫn tôi đi học vào mỗi dịp tựu trường. Trường tôi - Cũng là trường của anh TAK và chị Nương - là Aurore, Rạng Đông nằm trên đường Phan Đình Phùng thì đối diện nó, là tiệm sách Thanh Bình...
Chi tiết đập mạnh nhất vào ký ức của tôi, nơi tiệm sách nhỏ này, là dãy tủ kính bày hàng hóa thấp ngang bụng người lớn, nhưng lại cao ngang tầm mắt một đứa bé mới 6-7 tuổi như tôi, thành thử không nhìn ngắm được gì nhiều. Vẫn biết là trong dãy tủ nằm ngoan ấy cũng chỉ là bút, thước, com-pa, kéo, hồ... - Còn sách và tập vở cùng bao sách, bao vở thì xếp thành nhiều chồng sát tường, sau lưng ông bà chủ tiệm.
Dãy tủ kính với khung gỗ đó nằm giữa người mua và người bán, chúng có chừa ra một lối đi giữa chính mình và bức tường quét vôi xanh - Lối đi ấy chỉ đủ để ông bà chủ tiệm len người vào mà tiếp khách mua hàng. Mà luôn đứng, chứ không thể ngồi vì sách vở, như đã nói, xếp cao tới trần và ken đặc sau lưng họ.
Mẹ tôi kể, ông bà chủ người gốc Hải Phòng, trước 1954 - Lúc ấy tôi chỉ đủ lớn để hiểu, đó là một cột mốc lịch sử rất quan trọng nào đó mà người ta phải đi tàu bay hay tàu bò vào đây - từng có một tiệm sách cũng mang tên Thanh Bình ngoài đó. Khi phải chuyển cư theo Hiệp định Genève, ông bà vào đây, dừng chân trên con đường Phan Đình Phùng, lại gom vốn mà mở tiệm Thanh Bình thứ hai. Nó có từ rất lâu, thậm chí như lời mẹ tôi, còn trước cả khi trường Aurore mở cửa.
Ông chủ tiệm trông hom hem và quàu quạu bao nhiêu, bà chủ trông tươi cười bấy nhiêu. Ông chủ trông có vẻ lè phè kinh niên bao nhiêu trong bộ pyjama màu xanh dương nhạt dường như luôn mặc suốt ngày; bà chủ, tươm tất và tháo vát. Tôi nhớ, chỉ khi nào có mỗi mình bà đứng bán hàng, tôi mới dám hỏi bà: "Bác ơi, bác cho con mượn quyển sách kia ạ... Con chỉ đứng đây thôi!". Chưa một lần bà từ chối, và chưa một lần nào bà cau mặt. Nhưng nếu có ông chủ đứng đó, dù đi cạnh mình là bố hay mẹ tôi, tôi vẫn câm như hến.
Kỷ niệm về dãy hộp bút chì màu 12 hay 24 cây nhãn Soleil (Mặt Trời) nằm trong tủ kính tiệm Thanh Bình còn theo tôi đến bây giờ. Nó cũng giống như kỷ niệm về những hộp màu nước Aquarelle có 10 màu với những ô hình tròn chia thành 2 bên - Khi nào vẽ, cứ cầm cây cọ nhúng nước sẵn bệt lên từng ô, rồi quệt màu ấy lên phần mặt bên trong của nắp hộp, muốn trộn bao nhiêu màu tùy ý. Cũng là kỷ niệm của từng cây thước double-décimètre có 2 đầu là 2 loại đơn vị đo; từng cây équerre vẫn bị lấy ra làm thước đo độ dài, thay cho thước đo thật khi nó bị mất vì lý do gì đó không nhớ. Không thể quên từng cây rapporteur hình bán nguyệt để đo độ góc mà mình cứ lóng ngóng mãi không biết dùng. Từng quyển vở 50 rồi 100 trang kẻ ca-rô, nhãn hiệu Cyclo máy, lực sĩ Olympic cầm đuốc hay hình Con nai vàng chỉ có ba chân.
Nhưng tiệm Thanh Bình, mãi sau này khi tôi lớn, tất cả gia đình ấy đã ra nước ngoài, tôi mới có dịp nghe bố tôi kể về họ cho mẹ tôi nghe trong một chiều nghe lỏm. Gia đình ấy có người con thứ hai tên là Quang Bình, tuổi Mậu Tý 1948, trong tất cả 7 người con - Ắt hẳn chữ "Bình" trong tên tiệm là tên anh. Người trai ấy học khoa Vĩ cầm trường Quốc gia Âm nhạc, năm 18 tuổi đã sáng tác được nhạc phẩm đầu đời và được đón nhận ngay. Người trai ấy từng quen một người con gái xinh, có ông thân sinh là một tài tử điện ảnh nổi tiếng, cả nhà từng tản cư ở cùng một làng với bác Phạm Duy hồi những năm 1940 - 1950.
Rồi người con trai tên Bình đó trở thành nhạc sĩ rất nổi tiếng, cả đời mình chỉ viết có 70 bài nhưng người ta ít nhất phải thuộc ít nhất của anh 30 - 40 bài. Từ tiệm sách nhỏ trên đường Phan Đình Phùng, anh được nhận vào sân bay, làm nhân viên điều tiết không lưu. Nhưng anh vẫn song song sáng tác.
Năm 1974, anh ghi âm chương trình chỉ gồm toàn các nhạc phẩm của mình và phát hành băng cassette. Những giọng hát hàng đầu như Lệ Thu, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Thái Thanh, Duy Trác, Duy Quang, Thanh Lan... đều hát bài của anh - Dù anh trẻ hơn một số những tên tuổi đó.
Khi gia đình anh ra đi, người yêu anh cũng ra đi, tiệm sách ngày xưa đóng cửa, chỉ còn mình anh ngồi thầm trên ban-công nhà mình, cô liêu nhìn xuống phố để ngẫm về những ngày phải sống một mình. Rồi 1979, tới phiên anh lưu lạc, dừng chân nơi một trại tỵ nạn tại Malaysia, trước khi sang Canada.
Người con gái họ Đoàn năm xưa vẫn chờ anh và bay từ Mỹ sang Montréal để gặp lại. Họ không rời nhau nữa, cùng nhau quay về San Diego, rồi cùng sang Orange County trước khi anh lại đi làm cho một công ty điện toán Mỹ. Rồi họ lấy nhau và làm nốt cái đám cưới bị tháng 4/1975 làm dang dở. Họ dừng chân nơi tổ ấm của mình tại Seattle, thành phố hàng năm có những ngày mưa nhiều gấp đôi số ngày nắng.
Chắc hẳn người nhạc sĩ họ Ngô ấy đã từng phải lấy từng cây bút, từng tờ giấy có dòng kẻ nhạc hoặc phải nắn nót kẻ từng khuôn nhạc của chính mình bằng từng cây thước nhựa mềm trong tủ kính bày hàng của bố anh. Anh đã đi rất xa về tăm tiếng và cả về địa lý, rồi lại trở thành thật gần với người vợ mà anh rất yêu, chị Thanh Vân con của ông Đoàn Châu Mậu.
Con trai ông chủ tiệm Thanh Bình có bút danh đầu đời là Đông Quân, về sau, là Ngô Thụy Miên.
Theo Nguyen Kim Hoa
No comments:
Post a Comment