Điểm phim Inception
Inception là một phim rất đáng xem của Christopher Nolan. Bảo đảm bạn sẽ thấy rất nhiều nơi có phân tích rất sâu về phim này. Tuy nhiên, ly cà phê ở nơi này sẽ có dư vị hơi khác một chút.
Lúc Cobb gặp lại người vợ là Mal trong một tầng ký ức của mình, Mal đồng ý sẽ để những người bạn của Cobb đi, với điều kiện Cobb ở lại đó với Mal. Cobb ban đầu đồng ý, để Mal nói ra nơi cô giữ những người bạn của mình. Sau đó Cobb nhìn thẳng vào Mal, và dù trong đôi mắt anh bắt đầu rớm lệ, anh nói với Mal rằng vợ anh đã chết, rằng trước mặt anh chỉ đơn giản là cảm giác tội lỗi trong tâm hồn anh, dẫu anh rất bất ngờ về hình dáng của cô hết sức chân thực, chân thực tới độ những khiếm khuyết trong tính cách và hình dáng của Mal cũng được sao chép hết sức hoàn hảo. Anh luôn ước gì được tiếp tục sống với Mal, và cảm giác tội lỗi đó của anh – một bản sao của Mal trong tâm hồn anh cũng biết, và vì vậy nó ráng sức kéo anh về với nó. Anh trốn chạy nó, sợ hãi nó, và anh biết nó rất căm hận anh. Cho tới khi anh nhìn thẳng vào nó, nói rằng:
- Nhìn cô đi! Cô chỉ là cái bóng của vợ tôi. Và cô là điều tuyệt vời nhất mà tâm trí tôi có thể nghĩ tới, nhưng… rất tiếc, cô không phải là vợ tôi.
Bản sao kia chụp lấy con dao trên bàn, đâm vào người Cobb:
- Cái này thấy có thực không? (Does this feel real?)
Lúc Đức Phật tọa thiền dưới gốc Bồ Đề, ma vương Mara xuất hiện và thử thách ông. Lúc Jesus ở trong hoang địa, Satan luôn cám dỗ ông. Đó là câu chuyện mà người đời sau được kể lại. Chỉ là, rốt cuộc đó là ma vương, là Satan, hay chính là một góc tâm hồn thế tục đã được tạo ra trong nội cảm của Đức Phật và Jesus trước khi hai vị tu thành?
Những đứa trẻ trong nội tâm, thực ra là kết quả của một lối tư duy, của những lời hứa hẹn mà ta tự giành cho mình khi gặp phải những khó khăn khi còn nhỏ. Những suy nghĩ trong đầu, phải chăng chúng cũng có đời sống? Chúng có đời sống là bởi vì khi suy nghĩ về một điều gì đó, người ta cấp cho nó năng lượng của não bộ, nên chúng không ngừng được nuôi dưỡng, và chúng cũng cần được nuôi dưỡng, nên sẽ còn tìm tới làm phiền người ta. Một khi người ta chìm đắm mãi trong những dòng suy tưởng mà vẫn không thể thoát ra, những thứ đó lớn dần, lớn tới độ can thiệp tới hành vi trong đời, tới rất nhiều quyết định quan trọng.
Ta tưởng rằng ta hoàn toàn có lý trí, và đủ văn minh để có thể làm những điều ta muốn trong đời một cách tỉnh táo. Dostoievsky không cho rằng như thế, ông nói rằng khi nhắc tới lịch sử người ta không thể nói rằng nó xảy ra một cách có lý trí (rational), khi muốn nhắc tới khái niệm đó là có cái gì đó nghẹt trong cổ họng. Tức là có rất nhiều dòng tư tưởng như vậy, có thể là hình bóng người cha, người mẹ, người bạn, những đứa trẻ, vẫn không ngừng trong một góc nào đó của tâm hồn theo dõi, và thinh thoảng nói lên suy nghĩ của họ. Ta chụp lấy dòng tâm tưởng đó, mà không biết nó từ đâu, cho rằng là trực giác, hoặc là linh cảm, nên lặng lẽ nghe theo nó trong rất nhiều chuyện. Mỗi lần nghe theo nó, là gia cường sự kết nối với nó, và nó trở nên mạnh mẽ, trở thành luồng tư tưởng chủ lưu trong nội cảm, quyết định mọi mặt của đời sống.
Việc suy nghĩ lại quyết định được tính cách, từ tính cách quyết định số phận thực ra rất có cơ sở chính là như thế. Bởi vì khi một sinh mệnh chỉ có thể tồn tại trong môi trường có thể cho nó những gì nó xứng đáng có, không hơn, không kém.
Có một chứng bệnh kỳ lạ thế này, thường gặp ở nữ giới, là họ rất thích soi gương. Không nhất thiết là phải trang điểm mới ngồi trước bàn gương, nếu có thể, họ sẽ giành hàng giờ để ngắm nhìn mình mà không hề thấy nhàm chán. Phải chăng là có một điều gì khác, khác với bản thân họ, đang chiêm ngưỡng một thân thể mới mà nó có được – dẫu chỉ là một giai đoạn hết sức ngắn ngủi?
Đây là một topic hết sức phức tạp, nhưng ý tưởng mà nó gợi mở chỉ đơn giản là thế này, nhiều khi kẻ thù không nằm ở bên ngoài, mà chúng nằm ở bên trong, thi thoảng mời gọi ta buông thả một chút, hay phiêu lưu một chút với mối tình đồng giới, hoặc đáng sợ hơn, là nói ta nhảy qua cửa sổ, hay uống vài viên thuốc ngủ, kết thúc cuộc đời này cho xong.
Nhưng làm sao biết được rằng luồng suy nghĩ nào là chân chính của mình, mà không phải là của ma quỷ nội tâm? Đó là câu trả lời mà tự mỗi người phải tìm ra cho mình.
Nơi này vẫn thường nhắc về tình huống Cộng Sản. Thực ra, đó là một đặc thù trong tâm trí người Việt Nam, và người dân ở các quốc gia Cộng Sản nói chung. Đó là nỗi ám ảnh được tạo ra từ khi người ta còn bé thông qua nền giáo dục tẩy não. Chừng nào người Việt Nam vẫn còn chưa dứt khoát đối diện với nó, chừng đó, nó còn trong bóng tối định đoạt rất nhiều tình huống trong đời người. Tại sao dân Ba Lan lại có thể rũ bỏ Cộng Sản một cách hết sức nhẹ nhàng khi hồng y Jean Paul II đăng cơ? Là bởi vì trong nội tâm của họ, dẫu ngoại cảnh có thế nào thì Thượng Đế vẫn cao hơn hết thảy. Nên những suy nghĩ bắt nguồn và liên quan tới Thượng Đế quyết định cuộc đời họ.
Còn dân tộc này, bao giờ mới có thể thoát khỏi ma quỷ trong nội tâm của mình?
FB Andrew Nguyen
No comments:
Post a Comment