Wednesday, September 9, 2020

Hậu Củ Khoai Yên Bái

Phạm Hữu Phước

Sáng nay tôi nhận được một mẫu tin nhắn trên Face Book từ một người tôi vừa biết vừa không biết.

Biết vì anh đã từng là người được tôi chăm sóc trong hai tuần ở Bệnh xá của trại tù Yên Bái khi anh bị kiết lỵ nặng phải đưa từ trại lên Bệnh xá. Không biết vì giờ này tôi có cố moi óc cũng không thể tài nào hình dung ra anh là ai. Bệnh nhân đến rồi đi, thầy thuốc có bao giờ nhớ hết mọi người!

" Kính anh Phước, tình cờ đọc bài "Củ khoai Yên Bái" nhớ đến anh nhiều (có thể anh không còn nhớ tôi!) lúc được anh điều trị cho sau khi được khiêng từ trại 12 ra trạm xá Yên Bái/Hoàng Liên Sơn, lúc đó anh, tuy là tù nhân Phước Long nhưng được tên "bác sĩ" VC tên Cán (?) ủy thác trị bệnh cho anh em QN/VNCH ở Liên trại 4. Tuy ở tram xá có 2 tuần, vào thời điểm anh niên trưởng của chúng tôi là PĐT219 Nguyễn văn Nghĩa bệnh nặng và chết tại đó. Anh cũng đã nhường phần (hồ) bột mì cho tôi "bồi dưỡng", nên chóng bình phục, tôi vẫn còn nhớ và mang ơn anh, hôm nay nhờ bè bạn KQ mách bảo cho nên muốn liên lạc với anh để tỏ lòng tri ân và gợi lại những kỷ niệm thời gian tù đầy gian khổ ngoài Bắc. Mong thay. KQ Trần quang Tuyến/USA. Thân kính.

Mẫu tin nhỏ gợi tôi nhớ lại có một thời tôi đã từng ở nơi rừng sâu nước độc này.

Tháng Tư 1975 Sài Gòn rơi vào tay CS. Tháng Sáu 1976, CS ồ ạt chuyển tù từ miền Nam ra. Tôi được điều về Bệnh xá của trại tù Yên Bái, Hoàng Liên Sơn. Lúc ấy trong trại chỉ có tôi là bác sĩ, vì tôi bị bắt khá sớm trên chiến trường Phước Long như một tù binh ngay từ tháng Giêng 1975 rồi chuyển ra Bắc theo đường mòn HCM.

Bệnh xá gồm 80 giường, 20 giường cho bộ đội và 60 giường còn lại cho tù. Đứng đầu là BS. Cán, thượng úy, ông ta điều trị cho bộ đội; còn 60 giường của tù giao cho tôi. Hai mươi giường của "khung" chỉ lèo tèo mấy tên bộ đội trông còn khỏe chán, chỉ về bệnh xá để nghỉ ngơi. Ông BS Cán quá rảnh, không biết làm gì tiêu thời giờ nên đi nuôi gà và tăng gia trồng trọt để cải thiện thêm "chất tươi". Trong khi 60 giường của tù lúc nào cũng "làm ăn khấm khá", khách khứa ra vào tấp nập, nhất là khi có những trận bệnh bùng phát như kiết lỵ, sốt vàng da (Leptospirosis)…, đôi khi một giường phải nằm đến hai người.

Bệnh xá là tuyến điều trị đầu tiên và cũng là tuyến cuối cùng. Rất hiếm khi tù được chuyển lên tuyến cao hơn là BV Yên Bái. Bệnh xá dụng cụ chẳng có gì, thuốc men lại vô cùng thiếu thốn. Tôi cũng chẳng có sách báo Y khoa gì để tham cứu, hay một người bác sĩ bạn để bàn luận khi gặp những trương hợp khó. Tôi chỉ loay hoay, xoay trở trong mớ kiến thức còn rơi rớt lại trong đầu từ thuở còn học ở Y khoa Sài Gòn và lê lết ở các bệnh viện. Cũng may Y khoa Sài Gòn đã đào tạo chúng tôi khá quy củ. Ngày xưa tôi oán mấy ông giáo sư lắm vì bắt bọn này học nhiều quá, mỗi lần thi cử nhìn đống cua cao ngất mà hãi hùng. Sau đó khi đi thực tập ở BV Nguyễn Văn Học, Gia Định, tôi lại có dip học thêm bệnh truyền nhiễm từ GS. Joel D Brown, một bác sĩ chuyên môn về bệnh nhiễm trùng. Không ngờ những gì mình phải học chung chung để thi lên lớp và ra trường giờ mới thấy hữu dụng.

Tôi làm việc với cả tấm lòng và nhận lại những ánh mắt biết ơn của các bạn tù. Chúng tôi là những kẻ "cùng một lứa bên trời lận đận" cả mà, làm sao không trải lòng với nhau? Nói thì có người cho tôi là đạo đức giả, chứ theo tôi đó là thời kỳ đẹp nhất trong đời thầy thuốc của tôi, vì tôi giúp được những người đang tha thiết mong chờ sự giúp đỡ của mình trong hoàn cảnh cùng khổ như nhau, hoàn toàn không dựa vào tiền bạc. Ai cũng muốn sống sót để có ngày về với gia đình. Bệnh tật trong trại tù cũng nguy hiểm dễ đưa đến tử vong không khác gì khi xông pha lửa đạn trên trận mạc. Do đó mọi người rất quý mến tôi, vì tôi là cái phao cho những hy vọng của họ khi phải sống xa sự săn sóc của gia đình. Nói thật tôi qua Úc, học lại rồi hành nghề ở Melbourne 25 năm trước khi về hưu, tất cả giao tiếp của tôi đối với bệnh nhân phần lớn đều dựa trên tiền bạc.

Có những buổi sáng tôi đứng sau hàng rào bệnh xá. Anh em đi lao động ngang qua, thấy tôi họ vẫy tay: "BS. Phước! BS Phước!." Tôi thấy cả một niềm vui ấm áp dâng trào trong lòng. Cảm ơn những bạn tù khốn khổ của tôi!

Bệnh xá của tôi cuối cùng được bầu là đơn vị tiên tiến. Điều ấy có nghĩa là bệnh xá chúng tôi đã tiếp nhận bệnh nhân khá đông và tổ điều trị của chúng tôi cũng đã làm việc cật lực với những phương tiện hết sức nghèo nàn.

Bệnh xá của liên trại tù Yên Bái tuy là tuyến đầu tiên nhưng hầu như cũng là tuyến cuối cùng để điều trị tù nhân. Từ ngày tôi về bệnh xá, chỉ có một trường hợp duy nhất bị gãy xương đùi được chuyển ra bệnh viện tỉnh Yên Bái, nhưng ba hôm sau bệnh nhân lại được chuyển về với tình trạng y nguyên như cũ.

Dụng cụ của bệnh xá rất sơ sài. Chúng tôi chỉ có ống nghe, máy đo huyết áp, một bộ tiểu giải phẩu, ống chích và kim tiêm. Ngay cả găng tay là thứ chúng tôi cần nhất vẫn không có. Thuốc men cũng lèo tèo không kém, không gì ngoài mấy thứ trụ sinh thông thường do các công ty quốc danh cung cấp như penicillin, tetracycline, thuốc bổ multivitamin, thuốc đỏ, thuốc tím...Thế mà chúng tôi là cái phao cho tù nhân nương tựa khi đau yếu.

Một hôm BS. Cán, Trưởng bệnh xá, gọi tôi lên để nhận thêm thuốc từ trong miền Nam gởi ra. Tôi mừng khấp khởi vì hy vọng có thêm thuốc cho bạn tù. Đến nơi tôi thì hỡi ôi: cả một đống thuốc vứt bừa bãi trên sàn nhà, không được sắp xếp phân loại gì cả. Tôi kiểm lại hạn sử dụng thì đã quá đến hai năm là ít. Thì ra đống thuốc này họ hốt từ miền Nam ra, cái gì xài được họ lấy hết cả rồi, cái gì họ không xài được là ném cho chúng tôi như đổ rác. Các chỉ dẫn kèm theo thuốc họ không đọc được vì viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp nên không thể sắp xếp, phân loại thuốc men cho đâu ra đó, trong khi bác sĩ miền Nam chúng tôi thì đọc sách báo y khoa bằng Anh hay Pháp ngữ dễ dàng như đọc tiếng Việt. Nhưng không lẽ bỏ, bỏ thì tiếc quá, tôi nhủ thầm: Có còn hơn không; thuốc" tư bản" biết đâu vẫn còn tốt! Nghĩ thế, tôi cặm cụi tìm trong đống thuốc bừa bãi thứ gì có thể dùng được thì nhặt ra. Tôi tìm được mấy thứ thuốc viên trị đau khớp, dạ dày, thuốc giảm đau, trụ sinh....Tôi dứt khoát loại ngay mấy thứ thuốc chích vì sợ thuốc quá hạn có thể gây ‘sốc’ thuốc (anaphylactic shock) làm chết người thì mình hối hận suốt đời.

Tù nhân chuyển ra Bắc tháng sáu 1976 có cả cấp tướng và đại tá. Trong số đó có chuẩn tướng Phạm Hà Thanh, nguyên là chỉ huy trưởng ngành Quân y của tôi. Nhưng tôi không được gặp ông vì sĩ quan cấp tướng nếu đau yếu phải chính tay BS. Cán điều trị. Cấp đại tá trở xuống khi bệnh mới được đưa qua bệnh xá do tôi trông coi. Nhờ thế tôi mới có dịp được gặp một người mà tôi rất ngưỡng mộ từ lâu, đó là sử gia Phạm Văn Sơn. Từ thời còn học trung học ở Tăng Bạt Hổ, Bồng Sơn, tôi đã đọc cuốn "Việt Nam tranh đấu sử" của ông mà xúc động khôn cùng. Tôi kính trọng, thương cảm, ngã nón kính phục tiền nhân của tôi đã hy sinh cả cuộc đời và cả yên ấm của gia đình chỉ vì lòng yêu nước vô bờ bến. Ông viết sử mà lời văn trong sáng, đanh thép, hừng hực lửa như tấm lòng của tiền nhân. Có đoạn tôi không cầm được nước mắt.

Ông là một học giả uyên bác, một sử gia nổi tiếng ở miền Nam, tác giả của những công trình nghiên cứu Việt sử được mọi người khâm phục. Chức vụ cuối cùng của ông là đại tá, Trưởng Ban quân sử Bộ Tổng tham mưu. Ông bị bệnh vảy nến (Psoriasis) khá nặng, da sần sù nên nhiều người tưởng lầm ông bị bịnh cùi. Bệnh xá đâu có thuốc gì để điều trị cho ông, ngay cả thuốc giúp ông khỏi đau nhức khớp xương, biến chứng hay đi chung với bệnh vảy nến. Nhưng dù sao ở đây ông không phải đi lao động, được ăn cơm không độn và được nghỉ ngơi.

Yên Bái thường lạnh, nhất là dịp gần cuối năm khi bắt đầu có mưa phùn. Có những buổi sáng, sương đóng băng trắng xóa trên ngọn cỏ trước sân. Buổi tối anh em trong tổ điều trị chúng tôi thường đốt một đống lửa nhỏ, ngồi quây quần chuyện vãn với nhau cho đỡ lạnh và đỡ nhớ nhà. Nghe những cơn gió rít lê thê bên ngoài mà buồn não nuột. Những buổi tối như thế chúng tôi đều mời ông tham dự. Chúng tôi mời ông chỉ vì ai cũng biết và kính trọng ông, nhưng cũng vì một lý do khác: ông nói chuyện rất hay, lưu loát và mạch lạc. Ở ông là cả một kho kiến thức về sử. Ông kể cho chúng tôi đủ thứ chuyện, chuyện Gia Long đào mộ Quang Trung rồi đem sọ Quang Trung giam vào ngục thất, Gia Long bó con nữ tướng Bùi Thị Xuân rồi đốt như ngọn đuốc trước mắt bà, riêng bà thì bị voi dày. Cảnh Quang Trung lên ngôi Hoàng Đế ở Phú Xuân rồi kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh...

Có lúc ông đem chuyện Kiều ra bàn, ông còn làm cả thơ vịnh Kiều đọc cho chúng tôi nghe. Chúng tôi ngồi nghe ông nói quên cả thời gian và lạnh. Trại cấm chúng tôi gọi nhau bằng cấp bậc, nhưng chúng tôi đã có cách, đại úy gọi là anh Ba, đại tá như ông chúng tôi gọi là anh Sáu. Nhưng cách gọi như thế chỉ trước mặt cán bộ, khi ngồi chung với ông bên bếp lửa chúng tôi gọi ông là Bố và xưng Con. Hôm nào chúng tôi cải thiện được được ít lá chè tươi và nấu được bát nước chè xanh chia nhau thì không khí càng đậm đà. Có khi chúng tôi xoay được thứ quý hiếm nhất trong tù là khoai mì, nướng vào lửa và mời ông. Ông bóc từng miếng mì cháy bỏ vào miệng nhai ngon lành. Tro và những vết lọ cháy dính cả lên má và môi ông, ông cũng chẳng buồn lau. Nhìn ông ăn từng mẩu mì cháy mà tôi chạnh lòng. Đời ông đã từng ăn bao nhiêu là yến tiệc sang trọng!

Lúc tôi chuyển trại ông vẫn còn ở lại bệnh xá. Sau này khi đã sang đến Úc tôi mới gặp được một người bạn tù với tôi ở Yên Bái cho biết sau đó ông được chuyển lên Vĩnh Phú và chết rất thê thảm trong tù.

Từ trong Nam chuyển ra Bắc, Bệnh xá Yên Bái chỉ là trạm đầu tiên của Đại Tá Phạm Văn Sơn. Có lẽ nơi đây ông đã có những ngày tương đối an thân vì trại tù dưới sự kiểm soát của bộ đội dù sao cũng vẫn chưa đến nỗi quá khắc nghiệt, vả lại chúng tôi biết ông và kính phục ông. Nhưng khi ông được chuyển về trại Tân Lập, Vĩnh Phú, dưới sự quản lý của công an ông mới thực sự sống trong đáy địa ngục của lao tù CS.

Đại Tá Phạm Văn Sơn sinh ngày 15/08/1915 tại Hà Đông cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội. Ông mất ngày 06/12/1978 tại trại tù Tân Lập, Vĩnh Phú.

Ông là một học giả uyên thâm và là một sử gia nổi tiếng. Những tác phẩm chình và đồ sộ của ông gồm:

- Việt Sử Tân Biên (7 cuốn)
- Bộ Quân sử VNCH ghi lại tất cả các trận đánh trên chiến trường miền Nam.

Ngoài ra ông còn viết:
- Việt Nam tranh đấu sử
- Vỹ tuyến 17 (ký tên Dương Châu)
- Việt sử toàn thư
- Cuộc Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa của Việt-Cộng Mậu Thân 1968, (viết cùng với Lê Văn Dương), 1968
- Việt Nam hiện đại sử yếu.

Chức vụ cuối cùng của ông là Đại Tá, Trưởng Ban Quân Sử, Bộ Tổng Tham Mưu.

Đại Tá Phạm Văn Sơn đã sống đúng mẫu mực của một quân nhân với châm ngôn TỔ QUỐC - DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM. Trước cường quyền và độc ác, Đại Tá không khiếp sợ, không van xin, ngẩng cao đầu mà nói với CS: "Các ông làm như thế là lưu xú uế lại cho muôn đời sau", dù biết rằng lời nói khí khái của mình sẽ đưa mình vào kỷ luật cùm nhà đá, đó là giữ vững DANH DỰ. Ông tuyệt thực cho đến chết và viết thư cho ban chỉ huy trại yêu cầu họ đối xử nhân đạo hơn với tù nhân, đó là TRÁCH NHIỆM của một sĩ quan đối với các chiến hữu của mình.

Tôi ngả mũ kính phục nhân cách tuyệt vời của một quân nhân mẫu mực như ông.

"Anh hùng tử, khí hùng nào tử"

BS Phạm Hữu Phước

o0o

Cái chết thê thảm của sử gia Phạm Văn Sơn trong lao tù Cộng Sản.

Sau đây là hồi ký về cái chết thê thảm của ông ở trại tù Tân Lập do ông Hồ Quang, một bạn tù của ông ghi lại.

Tôi xin lỗi ông Hồ Quang vì đã mạo muội cắt bớt một vài đoạn trong bài hồi ký của ông để có thể đăng lại trên khuôn khổ hạn hẹp của Face Book.

Đất nước mất đi một nhân tài, nhưng có lẽ dù đất nước có mất đi hàng trăm nhân tài như thế CS cũng đâu có kể gì. Cái tối quan trọng của họ là giữ cho được đảng CS để họ có cơ hội vơ vét làm giàu. Cúi đầu làm nô lệ và bán nước từ từ cho Tàu họ còn làm được thì còn chuyện gì họ chừa mà không làm. (BS PHP)



HỒI KÝ VỀ CÁI CHẾT CỦA ĐẠI TÁ PHẠM VĂN SƠN

Lời người viết: Tôi phải viết lại bài này một lần nữa cho rõ ràng hơn. Vì rằng, vừa qua cũng có những bài viết về cái chết của Ðại Tá Sơn, nhưng phần chính không nói được tính khí kiên cường của Ðại Tá mà chỉ xoáy vào mối liên hệ tình cảm cá nhân của 2 bên với nhau…

Tôi tuy không phải là người được khiêng xác Ðại Tá đi chôn (việc chôn cất tù nhân chính trị thường do nhóm tù hình sự đảm nhận vào ban đêm, nhằm khỏi gây dư luận xôn xao…) nhưng là người đưa xác Ðại Tá Sơn từ trạm xá đến nhà Vĩnh Biệt trong khuôn viên nhà tù, do đó tôi biết rất rõ về cái chết của Ông.

*  *  *
Chúng tôi từ nhiều trại “tập trung cải tạo” thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, gồm đủ mọi thành phần “nặng ký” khác nhau, đều bị chuyển xuống miền trung du, vì Trung Quốc sắp xua quân xâm lăng biên giới… Nói chung, Cộng Sản đã ghép chúng tôi vào loại “ác ôn” vì trong chế độ VNCH chúng tôi đã phục vụ ở các ngành: Tuyên Úy, Tình Báo, An Ninh Quân Ðội, Cảnh Sát, Chiến Tranh Chính Trị, Tâm Lý Chiến…

Giai đoạn này chúng tôi không còn được đi lại dễ dàng như khi sống trong núi rừng hồi còn Ðoàn 776 thuộc Nha Quân Pháp (Bộ Quốc Phòng) VC trông coi… mà bị tống ngay vào buồng giam do công an “áo vàng” cai quản. Trên danh xưng, bọn công an trại giam (thuộc Bộ Nội Vụ) bắt chúng tôi phải thừa nhận mình là “Cải Tạo Viên” chứ không phải là “Tù Nhân”…

Ngay từ khi bước qua cổng để vào sân trại giam K1 Tân Lập, chúng tôi đã thấy một cái gì đó rờn rợn cả người. Mọi thủ tục khám xét thật là khắc nghiệt, nhìn mặt mày hầm hầm của những tên công an vừa nộ nạt, vừa đấm đá mấy tên tù “hình sự” phụ giúp việc khám xét các tù “chính trị” mới đến mà tất cả chúng tôi thầm nhìn nhau… lắc đầu!

Không khí “cải tạo” do công an thuộc Bộ Nội Vụ cai quản làm chúng tôi ngột ngạt thật. Mấy ngày sau chúng tôi mới biết từ miệng các tù hình sự, các cảnh sát bảo vệ mang súng dẫn “đội tù” đi lao động như sau: Trại Tù Tân Lập là trại tù khét tiếng khắc nghiệt nhất tại miền Bắc, còn phân trại K1 là trại “điểm” của tỉnh Vĩnh Phú này.

Tỉnh Vĩnh Phú có 2 trại tù lớn, đó là Tân Lập và Phong Quan, nhưng Tân Lập lớn hơn (7 phân trại) và được Bộ Nội Vụ chọn làm trại tù kiểu mẫu cho toàn quốc.

Như chúng ta ai cũng biết chuyện “kiểu mẫu” của một trại tù dưới chế độ Cộng Sản luôn luôn phải hiểu rằng sự hà khắc, sự dã man do bọn cai tù áp dụng đối với tù nhân phải thật tàn bạo nhất mới được nâng lên làm “trại kiểu mẫu”. Phân Trại K1 Tân Lập đạt đủ các “tiêu chuẩn” gian ác đó, nên hàng năm mở Ðại Hội Tù Nhân luôn được giữ lá cờ đầu.

Chúng tôi bị giam ở trại này từ tháng Mười 1978, vì lúc đó những vùng biên giới phía Bắc là mục tiêu của quân Trung Quốc lăm le xâm chiếm. Và quả thực vào đầu Xuân 1979, Trung Quốc đã xua quân đánh các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam để dạy cho Việt Nam Bài Học Thứ Nhất!

Trong số các tù nhân chính trị từ Hoàng Liên Sơn bị đưa về trại tập trung quỷ tha ma bắt này, có Ðại Tá Phạm Văn Sơn.

Mặc dầu bị nhốt chung cùng một trại, nhưng lúc đầu anh em chúng tôi chưa biết hết nhau lắm, còn đối với Cộng Sản thì hẳn nhiên chúng quá rõ về lý lịch từng người chúng tôi. Họ phân chia chúng tôi thành nhiều đội theo “tội trạng” để nhốt chung vào một phòng. Phòng giam được bao bọc bởi 4 bức tường kiên cố, trần phòng giam được rào chằng chịt bởi những lớp kẽm gai, tất cả che khuất bằng tấm “pla-phông” cứng. Các cửa sổ của phòng giam đều có những song sắt ngang dọc có đường kính chừng 18mm. Phòng giam tập thể nào cũng có một lối đi chung ở giữa, dọc theo tường của phòng là 1 dãy sạp dài 2 tầng dùng làm chỗ ngủ cho tù nhân. Mỗi phòng giam chứa khoảng 200 tù, tính trung bình mỗi tù nhân có chừng 0.4m bề ngang để nằm, do đó các tù nhân thường nằm ngược đầu nhau mới có thể cựa mình được.

Lúc đầu thì Ðại Tá Sơn cũng như các anh em khác ở chung trong đội lao động. Chừng nửa tháng sau, không hiểu tình hình thế nào mà Ðại Tá cùng Cha Thịnh (Ðại Tá Giám đốc Nha Tuyên Úy Công Giáo), Mục Sư Kỳ (Ðại Tá Giám Ðốc Nha Tuyên Úy Tin Lành) và một người khác nữa tôi quên tên bị đưa vào phòng “cách ly”. Ðể giải thích chuyện này, Công An Trực Trại K1 Tân Lập nói rằng: Ðể tránh “lây lan” cho các “cải tạo viên” khác, nên những người này phải được cho ở riêng… Trên thực tế, Mục Sư Kỳ chỉ bị vàng da, Cha Thịnh bị bệnh “đồi mồi” loang đốm ở vùng môi và cằm, Ðại Tá Sơn cũng bi bịnh này nhưng nặng hơn (khắp cả tay chân mặt mày), bọn cai tù cho đây là bệnh “phong cùi”.

Rõ ràng chuyện bệnh tật của 4 người này chỉ là một trong trăm ngàn lý do mà Việt Cộng áp dụng nhằm ngăn cách những người chúng cho là nguy hiểm nhất trong tập thể anh em tù chúng tôi. Sau khi gom 4 người đó vào với nhau rồi, họ thấy việc làm quá trơ trẽn nên mới đưa thêm một Thiếu Úy Ngành Quân Báo còn trẻ, bị mụn nhọt làm thối ngón út của bàn chân trái, vào ở chung để lý giải danh xưng “bệnh cùi” cho hợp lý.

Phòng “cách ly” bây giờ gồm 5 người sinh hoạt chung với nhau, không được phép ra ngoài, đến giờ cơm nước, tù hình sự mang đến, không cho bất cứ tù chính trị nào lai vãng lại gần, mặc dù phòng cách ly này không phải là phòng kỷ luật. Phòng kỷ luật là 1 cái hầm nổi, xây gạch kiên cố, chật hẹp, chứa tối đa 2 người, thiếu ánh sáng, có hệ thống cùm chân bằng các khoanh sắt hình móng ngựa.

Ngày 2 buổi, trong khi anh em tù nhân chính trị khác làm kiếp lao động khổ sai, thì trong phòng “cách ly”, 4 vị “bự” này phải viết kiểm điểm, nhất là Ðại Tá Phạm Văn Sơn, ông phải trả lời hết mọi câu hỏi mà cán bộ chấp pháp trung ương từ Hà Nội về làm việc đặt ra. Gọi là lấy khẩu cung, nhưng thực chất họ có dụng ý muốn tìm hiểu để học hỏi thêm.

Cuộc sống của 5 người cùng “phòng cách ly” vẫn ngày tháng trôi đều: cơm 9kg/tháng, chia làm 2 bữa một ngày. Trưa, tối, bọn hình sự đem cơm tới, mỗi sáng thì ghé xem bên trong có ai bị việc gì không, tiện thể lấy phân để đem ra bón rau cải ở khu lao động, thỉnh thoảng năm ba ngày tên cán bộ trực trại cho họ đi tắm một lần trong giếng gần “đội nhà bếp”.

Mấy tháng trôi qua, một hôm cán bộ Việt Cộng phát hiện trong bài viết về lịch sử, khi so sánh 2 chế độ “tù” thời VNCH và thời XHCN của ĐT Sơn một điều gì đó chúng tôi không rỏ, nhưng họ cho đó là một việc làm “đại phản động hay cực kỳ phản động” nên Ban Giám Thị Trại Tân Lập “đặc biệt chiếu cố” bằng quyết định “mật” cho anh Sơn vào ngay hầm biệt giam tại K1. Tất cả anh em chúng tôi khi vi phạm điều gì đều bị gọi tên ra trước sân, riêng trường hợp Ðại Tá Sơn thì quá đặc biệt, ngay cả Cha Thịnh và Mục Sư Kỳ cũng không biết nốt. Cả hai vị này khi gặp tôi chỉ nói rằng:

- Họ chuyển ảnh đi đâu mất rồi, vì có đem theo hết tất cả đồ dùng cá nhân…

Nhàn là một tên “đâm thuê, chém mướn, lừa đảo, cờ bạc”. Tên này vẫn làm Trưởng Ban Thi Ðua để kềm kẹp chúng tôi. Hắn biết rõ Ðại Tá Sơn ở đâu vì y là người đưa cơm hàng ngày cho Ðại Tá Sơn khi bị cùm trong phòng biệt giam.

Một hôm Nhàn than phiền với tôi:
- Cái tên Sơn này cứng đầu… từ hôm bị biệt giam đến nay không chịu ăn chịu uống gì cả, lại còn phóng uế bừa bãi, linh tinh… thối chịu “đếch” được!

Thấy có cơ hội, tôi nói ngay:
- Thế anh đưa cơm hằng ngày cho hắn ta, hắn ta có chửi mắng gì anh không?

- Anh ta đâu có thèm nói năng gì mà chửi với không chửi… Chỉ cái tội viết bậy mà vào cùm nên khổ thân đấy thôi! Các anh bảo nhau mà liệu hồn!

- Tôi nghe nói khi ở phòng cách ly, anh ta được viết những gì đúng theo cán bộ yêu cầu kia mà?

- Thì đương nhiên phải đúng yêu cầu, nhưng diễn tả mặt tích cực thì được, đằng này cứ phanh phui chuyện tiêu cực thì hỏng ngay…

Tôi giả vờ:
- Như thế nào là tiêu cực? Anh cho tôi biết để còn giữ mình có thể cải tạo tốt không chỉ riêng bản thân mà còn giúp anh em khác nữa chứ…?

Nghe tôi hỏi có lý, tên Nhàn vênh mặt có vẻ như một cán bộ công an khi lên lớp cho các tù nhân:
- Anh ta khờ lắm! Viết gì không viết lại viết bài có nội dung đem so sánh hai chế độ tù giữa Chủ Nghĩa Tư Bản và Chủ Nghĩa Xã Hội… còn đem chuyện gian trá trong việc trao trả tù binh của hai bên ra phân tích… Chơi kiểu này thì chết thôi con ạ!

Chừng 4 ngày sau, tôi giả bộ đi ngang qua khu cấm này gọi là coi xem có vấn đề gì cho an ninh trại hay không. Trước khi đi tôi có báo cho tên cán bộ trực trại biết. Tên này dặn thêm: “Anh phải cẩn thận chứ tên Sơn khá nguy hiểm đấy nhé !”. Cũng từ câu nói của tên này, tôi mới xác quyết rằng Ðại Tá Phạm Văn Sơn đang bị kỷ luật.

Làm bộ như đang đi lo việc quan sát phía bên ngoài các phòng kỷ luật, nhìn quanh thấy không có ai, tôi nói nhẹ vọng vào:
- Anh Sơn, em là Q. đây, anh khỏe không? Ðói lắm không? Em vứt vào nửa cái bánh bột nhé!

Giọng thật nhỏ, yếu, vọng ra:
- Q. đó hả?

Tôi không cần gì cả, đừng vứt vào, bọn chúng đến kiểm soát thì chết cả lũ, ráng phải lo giúp các bạn khác nữa… Hôm nay đã 4 ngày tôi nhịn ăn rồi, ít hôm nữa thì anh sẽ rõ những việc tôi làm. Anh mau đi khỏi đây, và từ nãy giờ coi như anh chưa lại chỗ tôi, và cũng đừng nói với ai là tôi đang ở đây, nếu lỡ việc ra thì anh sẽ bị nguy, mà ngay chính tôi cũng không thể thực hiện ý nguyện của mình…

Tôi rón rén bước về phía các phòng giam khác giả vờ đi kiểm soát tổng quát…

Sau giờ xuất trại đi lao động chiều hôm ấy, một tên tù hình sự đến nói với tôi:
- Chú à, cháu đề xuất với chú chuyện này, khó khăn thật đấy, nếu vỡ ra thì cháu chết ngay, nhưng nếu không nói thì không được.

Tôi bảo ngay:
- Mầy lại lèng èng chuyện gì đây, linh tinh nữa phải không? Nhanh lên kẻo đến giờ tao phải phát dầu cho các buồng rồi đây!

Tên hình sự ngập ngừng:
- Vâng ạ, vâng ạ! Chú Sơn bảo chú cho chú ấy xin tờ giấy trắng, còn cháu thì có cây bút chì để chú ấy viết cái gì gì ấy mà…

Tôi như điếc cả 2 lỗ tai, không biết nghe có lầm không, nếu nó gài mình thì ngày mai tôi lại phải vào cùm, nếu nó thật lòng thì mình phải làm sao đây? Tôi giả vờ nạt nộ một hồi, xong nói tiếp:
- Thôi, tao không giải quyết được việc gì đâu, tao bận lắm, mầy ở đây coi văn phòng giúp tao một tí, đừng cho giấy tờ trên bàn gió bay lộn xộn, và không cho bất cứ ai sờ vào món gì cả nghe chưa? Tao phải xuống bệnh xá một tí là về ngay!

Nói xong tôi đi thật vội, không dám nhìn lại cho đến khi phải trở về lấy dùi trống đánh lên 3 tiếng gọi các “trực sinh” (danh xưng dùng cho những tù nhân lo việc vệ sinh, cơm nước cho anh em tù khác ra ngoài lao động) của các phòng đến nhận dầu về thắp trong đêm, chủ yếu để có lửa hút thuốc lào…

Ngoài ra, trong đêm, có ánh sáng leo lét của ngọn đèn tuy làm bằng vỏ chai cưa cổ, nhưng cũng giúp được nhiều việc như rủi có anh em nào đau nặng, cần cấp cứu là phải hô to: “Báo cáo cán bộ, phòng X có người đau nặng, xin được cấp cứu”. Hô to lên như vậy nhiều lần cho tới khi các tên cán bộ vào mở cửa thì anh em mới có thể thấy đường để khiêng người bệnh lên trạm xá. Nếu bệnh quá nặng thì để lại luôn tại trạm xá, nếu bệnh nhẹ hơn thì chỉ nhận 2 viên “xuyên tâm liên” rồi phải khiêng trả lại phòng giam ngay. Nói là “trạm xá” cho oai thôi, chứ thật ra cũng vẫn là một phòng giam bị khóa cửa cẩn thận như mọi phòng giam tù khác. Có nhiều anh em tù chính trị được cấp cứu trong những đêm như vậy, sáng hôm sau đã phải vĩnh viễn ra đi, có khi ngay tại trạm xá, đôi khi ngay tại phòng giam chung. Nói chung, tù chính trị chết nhiều hơn tù hình sự. Gần 2 năm bị giam tại trại Tân Lập, tôi chưa gặp một trường hợp nào tù hình sự bị mạng vong cả.

Hai ngày sau, tên cán bộ trực trại gọi tên Nhàn (Trưởng Ban Thi Ðua) đưa 2 tù hình sự khỏe mạnh khiêng Ðại Tá Sơn từ phòng Kỷ Luật xuống trạm xá, lúc đó đã 8g tối, các tù nhân khác đã vào chỗ ngủ. Màn đêm xuống, từ lâu… Tại trạm xá chả có thuốc men gì để giúp cho Ðại Tá Sơn khỏe lại mặc dầu biết Ðại Tá kiệt sức vì tuyệt thực đã mấy ngày… Thế rồi Ðại Tá bắt đầu đi vào mê sảng… Ðến 2g sáng hôm sau, Ðại Tá Sơn được đưa về lại Phòng Cách Ly cùng với Cha Thịnh, Mực Sư Kỳ, nhưng lúc này ông ta yếu lắm rồi, không nói được lời nào với các người chung phòng. Tình trạng dần dần đi vào mê man… cho đến 8 giờ sáng hôm sau.

Thường thì 7 giờ 30 sáng tên công an làm cán bộ trực trại vào mở cửa phòng cách ly để những người này làm vệ sinh cá nhân, sau đó họ phải vê than đá bột lại thành từng nắm vừa trong hai bàn tay, đem phơi khô để đội nhà bếp lấy về đun bếp. Công việc “vê” than này chỉ dành riêng cho 5 người trong phòng cách ly mà thôi. Hôm đó anh chàng Thiếu Úy Quân Báo, sau khi làm vệ sinh cá nhân xong, thấy Ðại Tá Sơn quá yếu sợ để nằm trong phòng sẽ ngộp thở vì thiếu không khí, nên đã đề nghị mấy người còn lại phụ khiêng Ðại Tá Sơn ra bên ngoài bên đống than đang “nắm” dở… để hưởng chút không khí trong lành.

Lúc đầu Ðại Tá còn gượng ngồi được giống như một người đang làm việc “nắm” than. Nhưng khi lệnh xuất trại đi lao động, thì cũng là lúc Ðại Tá không còn ngồi nổi nữa, ông gục mặt trên đống than dang dở, và bất động… Cũng đúng lúc đó anh tù chính trị làm ở nhà bếp đem xe cải tiến đến… Thay vì chở than về đun bếp như thường lệ, anh ta phải dùng ngay xe nầy để chở Ðại Tá Sơn lên trạm xá cấp cứu… Khi vượt qua sân trại thì đúng vào lúc chỉ còn một đội tù cuối cùng xuất trại, những người đi sau ngoái đầu nhìn ngơ ngác, không biết chuyện gì đã xảy ra… Khi kéo được Ðại Tá Sơn đến trạm xá, những người tù trong này chạy ra để phụ khiêng vào cấp cứu…Nhưng lúc đó Ðại Tá đã tắt thở rồi…

Ðại Tá Phạm Văn Sơn đã vĩnh biệt anh em như vậy đó! Đúng vào ngày 06/12/1978.

Khoảng 11 giờ trưa khi tất cả các tù nhân còn đang ở ngoài bãi lao động, thì xác Ðại Tá Sơn được nhóm tù hình sự và tôi đưa đến “nhà vĩnh biệt”, một cái chòi mái lợp tranh, vách tô bằng đất sét nhồi với rạ do chính anh em tù chúng tôi dựng lên phía Tây đằng sau khu nhà giam của chính mình.

Những bộ quần áo tù rách nát, vá víu chằng chịt được khoác thêm vào người anh Sơn để gọi là tạm ấm khi phải trở về lòng đất lạnh.

Tám giờ tối, các phòng giam của khu tù chính trị được khóa cẩn thận, thì cũng là lúc chiếc hòm bằng cây “vông đồng” sần sùi, tồi tàn đựng xác Ðại Tá được đặt trên xe “cải tiến”, do 4 tên tù hình sự kéo và đẩy đi. Họ chôn anh Sơn cạnh bên kia bờ suối nhỏ, phía bên này là một rừng sắn đang tươi tốt cao ngang lưng, thành quả lao động bằng máu và mồ hôi trong những ngày khổ sai của số người còn sống sót…

Tin về cái chết của Ðại Tá kiêm Sử gia Phạm Văn Sơn được giữ kín. Ðiều này chứng tỏ đã không có sự bình thường như mọi lần trước khi có một trong những anh em chúng tôi ra đi.

Ðại Tá Sơn nằm xuống yên lặng như thế, nhưng mọi việc còn lại gây nhiều chấn động không phải chỉ trong anh em tù với nhau mà ngược lại có sự bàn tán, tranh luận… thể hiện ngay trong nội bộ của bọn chỉ huy trại Tân Lập (K1) do nội dung lá thư viết bằng bút chì trên 1 trang giấy “tự túc” mà tên hình sự đã tự ý lấy tại phòng thi đua. Trong thư Ðại Tá Sơn nói rằng: “Xin các ông hãy xem xét lại cách đối xử với chúng tôi, những hình thức dã man như vừa qua hoàn toàn không có lợi mà ngược lại rồi đây trong lịch sử phải ghi thêm vào đấy vết ô nhục mãi ngàn đời sau cho dân tộc VN… vì đã có một thời mà người cộng sản từng đối xử dã man ngay với đồng bào, đồng loại của mình!” (Thực ra câu này, tôi chỉ viết dựa theo ý chính của tên Nhàn, còn nguyên văn thì không cách nào cá nhân tôi có thể xem được).

Sau biến cố này, bộ mặt sinh hoạt tù khác hẳn, kỷ luật nghiêm ngặt hơn. Về phía ban thi đua được tăng cường thêm 2 người tù chính trị làm trật tự, các đội trưởng phải chịu trách nhiệm hết mọi hành vi của đội viên mình trong mọi nhất cử nhất động.

Bên ngoài tuy phải áp dụng hình thức lao động khổ sai như cũ, nhưng bên trong bọn Việt Cộng đã ngầm bảo nhau cần nhẹ tay hơn. Trước đó, việc nấu nướng riêng tư không cho phép, nay thì có lệnh mỗi tù nhân vào sáng Chủ Nhật có thể xuống bếp trại để hâm lại những thức ăn riêng.

Hôm nay ngồi suy ngẫm lại chuyện cũ thì cái chết của Ðại Tá Sơn nào có khác gì những anh hùng Nguyễn Tri Phương (thà nhịn đói chịu đau mà chết chứ không bao giờ khuất phục giặc Pháp), Hoàng Diệu (lên thành treo cổ tự vẫn chứ không đầu hàng)… Ðại Tá Phạm Văn Sơn tuyệt thực trong nhà kỷ luật, chấp nhận cái chết, vì muốn đòi quyền lợi cho các anh em tù nhân chính trị khác được hưởng đúng theo quy chế của một tù binh theo luật quốc tế, tuy kết quả không như ông mong muốn, nhưng dầu sao cũng làm cho những anh em còn sống được dễ thở hơn…

Ðại Tá Sơn chịu chết để cho anh em chúng tôi sống…

Viết bài này với ước mong có thể thay mặt cho các anh em cùng sống chung với Ðại Tá kiêm Sử gia Phạm Văn Sơn tại trại K1 Tân Lập, xin được thắp nén nhang vái linh hồn Ðại Tá luôn được siêu thoát.
 

Trường Xuân Phu Tử Hồ Quang
Viết lại vào ngày 18/5/2010
Nguồn : Diễn Đàn Cựu SVQY

Di ảnh cố Đại tá Phạm Văn Sơn

  


No comments:

Blog Archive