Thursday, April 10, 2025

Giải Pháp Win-Win cho Mỹ và Việt Nam


FB Nga Ho Dac

Chính phủ Mỹ ra suất thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam là 46%. Một con số quá lớn làm nhiều người lo lắng, thậm chí là hoảng loạn. Nhưng nếu bạn bình tâm suy nghĩ kỹ thì đây chỉ là một bước kêu gọi Việt Nam bước vào bàn đàm phán. Con số này không được đưa ra như một con số cố định, mà là từ một công thức có nhiều biến số. Điều đó có nghĩa là bàn đàm phán đang rộng mở và Việt Nam có rất nhiều dư địa để đàm phán với Mỹ trên các biến số đó. Ai có hiểu biết về nghệ thuật đàm phán đều biết là càng có nhiều biến số, thì càng có nhiều cơ hội đàm phán. Khi người ta đưa ra một yêu cầu có nhiều biến số như vậy là người ta mời bạn đàm phán để đạt đến giải pháp win-win.

Cả Việt Nam và Mỹ đều nhận thức được mức độ quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước và mức độ quan trọng của cái trade deal này là cao như thế nào. Khi cả 2 dimensions này đều cao thì khả năng rất cao là cả hai sẽ ngồi xuống tìm ra một giải pháp win-win. 

Hôm qua tổng bí thư Tô Lâm và tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm và ông Trump đã viết trên mạng xã hội rằng Việt Nam có thể sẽ bỏ hết thuế quan lên hàng hóa của Mỹ để đạt được thỏa thuận với Mỹ. Ông cũng hứa hẹn 2 bên sẽ gặp gỡ sớm để đàm phán. Đây là một bước khởi đầu hứa hẹn.

Nhìn vào công thức thuế quan của Mỹ và theo dõi ông Trump từ khi tranh cử đến giờ thì có thể nói việc này ông Trump nhắm vào 2 mục tiêu chính: (1) giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và (2) mang sản xuất trở về Mỹ. Bằng cách này hay cách khác thì Việt Nam cũng phải giúp Mỹ thực hiện 2 điều này thì mới có khả năng đàm phán thành công. Nhưng điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ chịu thiệt. Từ trước đến nay tôi không nhìn đàm phán là một zero-sum game mà nó hoàn toàn có thể là win-win đặc biệt là trong tình trạng mức độ quan trọng của cái deal và của mối quan hệ giữa hai bên đều rất cao.

Việc Việt Nam đưa thuế quan lên hàng hóa của Mỹ về zero sẽ giúp một phần cho chuyện này, nhưng mình e rằng nó vẫn chưa đủ, hiện nay Việt Nam xuất siêu sang Mỹ gấp 10 lần: xuất sang Mỹ 136.6 tỷ đô nhưng chỉ nhập lại 13.1 tỷ đô. Giảm thuế quan về zero cũng không cân bằng được cán cân thương mại. Việt Nam cần phải làm thêm 1 số chuyện nữa: tăng mua hàng hóa của Mỹ, giảm xuất sang Mỹ, và đưa một phần sản xuất vào Mỹ. Trong 3 điều này, điều số 2, giảm xuất sang Mỹ là có nhiều dư địa để đàm phán nhất, mình sẽ bàn sau cùng.

Việt Nam đã hứa mua thêm hàng của Mỹ và mình nghĩ điều này sẽ tăng dần lên. Tuy nhiên sức mua của Việt Nam cũng có giới hạn, giải pháp này cần có thời gian để đạt được hiệu quả. Việc này thật ra là có lợi cho Việt Nam vì mình sẽ có hàng hóa chất lượng cao để sử dụng trong sản xuất và tiêu dùng.

Việc đưa một phần sản xuất qua Mỹ cũng cần có thời gian và chỉ có thể tăng từ từ. Việc này giúp các công ty Việt Nam tiếp cận được với cách làm ăn của Mỹ, về lâu dài sẽ giúp các công ty Việt Nam lớn mạnh hơn.

Bây giờ nói đến giải pháp có thể mang lại hiệu quả lớn nhất: giảm xuất khẩu qua Mỹ. Điều này mới nghe thì thấy thua thiệt nhưng nếu nhìn kỹ thì thật ra cũng có lợi cho Việt Nam và là điều mà mình nghĩ cả chính quyền và các công ty Việt Nam cũng muốn làm. Nhưng mà trước giờ chưa làm được là do chưa bị ép. Trước giờ cứ làm kiểu cũ thấy cũng ngon ngon nên chưa có ai thật sự sống chết để thay đổi cả. Coi như bây giờ là bị ép phải thay đổi thì sẽ phải làm thôi. Đó là một điều tốt.

Bạn hãy nhìn vào biểu đồ Việt Nam nhập hàng của Tàu và xuất hàng qua Mỹ ở dưới xem sao. Như là 2 chị em song sinh! Việt Nam tuy xuất khẩu qua Mỹ nhiều, nhưng phần lớn là giá trị gia tăng mà Việt Nam có được trong đó rất nhỏ: từ việc đơn giản như thay mác hàng Tàu thành hàng Việt để xuất sang Mỹ cho đến các việc lắp ráp gia công cho các công ty nước ngoài để xuất sang Mỹ. Chưa kể là các công ty nước ngoài ở Việt Nam còn được ưu đãi thuê đất, ưu đãi thuế, … đủ kiểu cả. Thế nên thấy xuất khẩu qua Mỹ nhiều như vậy chứ toàn là ai ăn không à, Việt Nam chỉ được chút xíu. Giả sử Việt Nam được 2% trong đó đi thì mình chỉ được có 2% x 136.6 tỷ = 2.73 tỷ.

Nếu bây giờ Việt Nam thay đổi cơ cấu nền kinh tế, dịch chuyển sang các hoạt động mang lại giá trị cao hơn, ví dụ như 10% giá trị gia tăng chẳng hạn. Thì mình chỉ cần xuất khẩu qua Mỹ 27.3 tỷ là mình đã có được giá trị thặng dư 2.73 tỷ rồi. Lúc đó cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ chỉ còn 2x chứ không phải 10x như hiện nay nữa. 2x là vừa đúng con số mà ông Trump muốn.

Thật ra đây cũng chính là điều Việt Nam muốn làm. Mình nghe các quan chức cao cấp nhất của chính phủ nói điều này nhiều rồi. Mình nghe các công ty Việt Nam nói nhiều rồi. Mình cũng nhìn thấy và thậm chí là tham gia các dự án như thế này rồi. Nhưng sự thật là khi chưa vào thế bị ép thì khó ai thay đổi triệt để lắm. Bây giờ coi như là cơ hội để Việt Nam thay đổi theo con đường này.

Đây là cái nhìn của mình về vụ thuế quan 46% của Mỹ đánh lên hàng Việt Nam. Nên mình rất lạc quan là Việt Nam và Mỹ sẽ đi đến một giải pháp win-win.






No comments:

Blog Archive