TRẠI TÙ CÀ TÓT – Địa Ngục Trần Gian Là Có Thật
Hình : Đường Tỉnh Lộ 8 xuyên qua Ma Lâm, Thiện Giáo cũng là đường dẫn tới Mật Khu Cà Tót của VC Bình Thuận .
Khi di chuyển từ Lâm Đồng về Phan Thiết theo Tỉnh lộ 8 vào đầu tháng 4/75, hầu hết các binh sĩ VNCH đi từng nhóm nhỏ đều bị VC chận bắt nhốt hết vào đây . Ngay ngày hôm đó gần như toàn bộ Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ, Nghĩa Quân, Cảnh Sát, Nhân Viên Xã Ấp... đã bị bắt cùng cán bộ hành chánh của Bình Thuận cấp thấp, được thả về địa phương cho vào các nhà tù khác. Còn nơi đây chỉ dành giam giữ những Sĩ Quan QL/VNCH. Bị bắt chưa đến một tháng mà hình hài những bạn tù quá đỗi tang thương, nhìn anh em kẻ mạnh dìu kẻ yếu đi trên lối đường mòn giữa rừng núi âm u mà lòng tôi buốt đau vì nghĩ đến thân phận mình cũng sẽ như thế, có khi còn tệ hơn. Ôi thê thảm xiết bao, mạng người đâu phải cầm thú, mà chúng nó không coi trọng, đối xử thua hàng trâu chó, hỡi những tên dã man không tánh người mang danh cách mạng nhưng chả cách mạng chút nào toàn trả thù hèn hạ với người đã buông súng .
Trong ngày 11/5/75 tại Cà Tót chỉ còn lại khoảng 1000 người. Cấp bậc cao nhất là Thiếu tá, chỗ ở trở nên rộng rãi, những người bị bắt trước đã bắt đầu ngã bệnh nằm la liệt, không thuốc men gì cả. Đến cuối tháng toán 105 người chúng tôi lên từ Lao Xá đã có người bị bệnh sốt rét. Tối đến trong cơn mê sảng tôi nghe những tiếng thét rờn rợn của anh bạn tù không quen biết, rồi ngày mai xác thân anh được lặng lẽ mang đi chôn vội trong cánh rừng xung quanh trại .
Ngày nào cũng có người chết, tôi không biết tên vì là từ các đơn vị khác từ Lâm Đồng chạy về theo Tỉnh lộ 8. May mắn cho chúng tôi là gia đình đã tìm được đường lên thăm, nhờ biết được tin từ các người được thả về ngày 11-5-1975 . Trên đường đi tìm con, tìm chồng thật là vất vả gian nan, hai mươi ngày sau, Phan Rí Cửa, Chợ Lầu có 11 chị rủ nhau cùng lên thăm thân nhân . Qua 2 ngày lội suối băng rừng, tối đến các chị phải leo lên cây ngủ vì sợ cọp, được biết có toán các chị ở Sông Mao đi lạc lên tỉnh lộ 20 đường Sài Gòn-Đà Lạt phải quay về. Cuối cùng nhờ sự chỉ đường của các người Thượng, các chị mới tìm được đến nơi. Đây cũng là một phép lạ, chắc có ơn trên phù hộ giúp đỡ nên mới tìm được đến thung lũng của tử thần Cà Tót này . Lúc đầu tên Trại trưởng tên Thiếu Tá Hoa không đồng ý cho các chi gặp thân nhân, hắn lý luận rằng chúng tôi đã có nhà nước lo không thiếu gì, về sau gần tối chúng tôi mới được cho gặp và chỉ được một tiếng đồng hồ, tôi nhận được một số thuốc trị sốt rét cùng thực phẩm áo quần, áo ấm từ tay vợ tôi. Tôi không nghĩ là có thể gặp lại người vợ lần cuối cùng nên mừng vô cùng, nhờ vậy mà chống chọi được cái đói cái lạnh, cái bệnh sốt rét khắc nghiệt này .
Dù vậy tôi xác định là mình sẽ chết, thân xác sẽ bị vùi sâu xuống lòng đất ở nơi này vì ngày nào cũng thấy có người chết, và hầu như ai cũng ngã bệnh sốt rét . Qua hai đêm ở rừng Cà Tót, mười một chị lên thăm chồng trở về tất cả đều ngã bệnh sốt rét, nó hành hạ làm suy kiệt thể xác và tinh thần nhưng may mắn không ai chết . Sau này chỉ có chị vợ của anh Xã Trưởng Ngọc ở Phan Rí Cửa lên thăm anh ở Cà Lon về bị bệnh chết vì bệnh sốt rét rừng .
Ngày 19/6/75, chúng chọn ngày Quân Lực của VNCH, toàn bộ Sĩ Quan còn sót lại, kể cả giáo chức biệt phái, được VC gọi là “giáo gian”, tất cả bị hốt hết lên đây, không ít anh em có cha chú là liệt sĩ, và con em gia đình có công với “cách mạng”, trong số này có nhà văn Quân đội Hải Triều Lê Khắc Hai. Đây là một cố tình bôi nhục ngày Quân Lực VNCH của ta. Lúc này số người tại Cà Tót tăng lên hơn 3000 người, trong số này có hơn 10 vị Bác sĩ Quân Y tài ba nhưng cũng đành bó tay vì không có thuốc.
Chúng tôi được phân thành Tổ, Đội. Th/tá Đỗ Phương Gia Chi Khu Phó CK/Phan Lý Chàm được chỉ định làm đại diện trại viên để nhận lệnh từ BCH trại, phổ biến cho toàn trại. Đ/úy Lâm Sĩ Quan Trợ Y của CK/Thiện Giáo coi về y tế. Th/úy Trần Văn Xuân nhận trưởng bếp lo việc ăn uống cho toàn trại. Tôi và sáu anh em khác được phân công vào toán đào khoai mì, sắn măng, hái rau rừng cho toàn trại. Trung úy Lưu Đức Thắng, tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt, cựu ĐĐT/ĐĐ Trinh Sát Bình Tuy được phân công chăn hai con bò của trại . Điều đáng nói ở đây anh là dân Phan Rí Cửa hồi giờ chưa từng chăn bò mà 2 con bò này lâu nay được chăn bởi một tên VC con quen rồi nên anh Thắng một người không có kinh nghiệm chăn bò lùa nó không chịu đi, thằng VC con chúng tôi đặt là “Cam Tích Táng” vì bụng nó to như trống chầu chắc là do gan bị sưng, theo tôi nghĩ nó không thọ được lâu vì chứng bịnh này do di chứng của sốt rét rừng ở đây . Thằng này nó chửi anh Thắng bằng những lời lẽ xúc phạm nặng nề, thấy vậy tôi phải giúp anh lùa 2 con bò này qua con suối để ăn cỏ, và tôi đã chỉ cách anh khuất phục hai con bò này, chúng nó chỉ cần thấy anh quơ cây roi lên là sợ, tuân râm rấp ý anh muốn vì nhà tôi làm ruộng nên có nuôi nhiều trâu bò và khi nhỏ vào hè cũng giúp gia đình chăn đám trâu bò này nên quá rành bọn này . Tôi cột hai con bò vô gốc cây trong rừng xa trại, bẻ một nhánh tre nhỏ nhưng mót đánh vô không có dấu lằn, tôi kêu anh Thắng cứ nhè mặt hai con bò mà quất, trừ cặp mắt nó, quất mỗi con chừng 10 roi rồi thả ra, anh thắng chỉ cần giơ roi lên là chúng chạy ào ào theo hướng anh muốn . Hôm sau tên VC con thấy hai con bò tuân theo lệnh anh Thắng răm rắp làm nó cũng phải ngạc nhiên không biết tại sao thế . Còn lại những anh em khác làm các công việc linh tinh như làm cỏ hai đám bắp, chặt tre, gỗ tu sửa lán trại, ngoài ra không có việc gì để làm. Công việc phải làm tại đây là làm Bản Khai Lý lịch, Chúng tôi phải khai ba đời tam đại và tội ác đã gây ra với “Nhân dân và Cách mạng”.
Đại úy Thông Ngộ (người Chàm), Đại Đội Trưởng ĐĐ/888/ĐPQ lừng danh, thay thế ông Thêm khi lên nắm Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 230/ĐP tại Thiện Giáo .. Không biết anh khai lý lịch thế nào mà bị chúng kêu lên chửi bới thậm tệ và bắt cùm trên sạp tre, hai tay còn bị cột chặt xuống vạt tre 2 ngày, mặc cho muỗi mòng thiêu đốt thật tàn bạo hết nói. Đại úy Thông Ngộ đã vượt trại ở Hàm Trí và mất tích từ đó đến nay cùng Đ/úy Đặng Phiên là em của Dân Biểu Trung Tá Đặng Quang Lượng đơn vị Chàm.
Tôi có một người bạn cùng quê Chợ Lầu, Trung úy Nguyễn Viết Trình Thiết Giáp, anh bị chúng nó trả đi trả lại tờ khai báo tội ác nhiều lần vì cho là khai dối vì Thiết Giáp mà không giết cách mạng, chỉ nói chung chung, anh ta lo sợ vì có thể bị cùm như anh Thông Ngộ . Tôi mới nói với anh, đưa tao làm giúp cho, đằng nào cũng chết chớ còn hy vọng sống để về nhà sao? Có chết cũng không làm hổ danh VNCH chúng ta sợ đếch gì bọn nó .
Tôi nói, tao hỏi gì thì mày khai đó, cuối cùng mày đọc lại và chỉ ký vô . Thì ra thành tích của Chi Đoàn Thiết Giáp do anh chỉ huy đã lập được nhiều chiến công hiễn hách, tính đi tính lại VC phải bỏ xác cả ngàn tên chứ không ít, tham gia hành quân cả trăm trận được ghi vào quân sử VNCH .Bản tự khai do tôi làm giúp anh được thông qua nhanh chóng .Tôi nói mình có chết cũng để lại cái danh, không để bọn chúng khinh thường được, đời lính chiến hai bên gặp nhau ngoài sa trường, mình không giết nó, nó giết mình .Tôi nói với anh tôi khai giết VC như ngóe ở quê mình tại Cà Nuôi, Xuân Quang, Hiệp Thành ...cũng chẳng sợ gì bọn này, số mình mà chết thì không tránh khỏi .
Nhiều người khác cũng bị kêu lên làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi gọi là “đạt”. Trong thời gian này, Huyện ủy Mười Trung về làm Trại trưởng thay tên Nguyễn Hoa, thấy chúng tôi bệnh chết nhiều quá nên cũng cảm thấy ít nhiều áy náy. Hàng ngày ông ta thường xuyên xuống chỗ anh em đang bệnh nằm khuyến khích đứng dậy đi tập thể dục để giữ mạng sống.
Đám tù già như Thổ Thêm, Nguyễn Văn Thứ được cho vào tổ xay lúa, sàng gạo lấy cám cho heo ăn. Anh Thứ trước đây là bạn cùng khóa với Thiếu tướng Phạm Văn Phú tại trường Hạ sĩ quan Suối Dầu. Lâu quá rồi chúng tôi chưa có miếng thịt nào vào bụng nên thèm vô cùng, thấy ông Thêm đứng nhìn mấy con heo, tôi lại gần thì ông hỏi:
-Sơn mày có muốn ăn thịt heo không? Tôi cười cười đáp: “thịt ở đâu mà ăn”, thì ông hất càm vào mấy con bò cạp đang bò lổm ngổm ở vỏ cây gần đó, tôi chợt hiểu và nói khẽ: “cẩn thận chú, nó biết được thì mệt”. Nói thêm ông Thêm hồi mới còn là lính tò te ở Thiện Giáo là lính của ba tôi Đại úy Đồn Trưởng Thiện Giáo nên ông rất mến tôi coi như cháu .
Hôm sau chúng tôi có thịt heo ăn, tôi biết ngay đây là tác phẩm của ông Thêm. Trong nồi măng rừng hôm đó có ít mỡ heo nhờ vậy cũng thấy ngon vô cùng. Một hôm nọ, tay Th/sỹ VC tên Hợi đi bắn được một con khỉ đột thật lớn to bằng đứa con nít 5 tuổi vác về quăng giữa sân, hắn nói anh nào muốn ăn thì lấy về làm thịt. Tôi mang con khỉ về chỗ ngủ kêu gọi vài anh bạn cùng làm để có thịt ăn mà sống .Một số anh ban đầu vì thể diện không dám nhào vô nhưng rồi cũng làm xong, tôi chỉ lấy 1 đùi và 2 bàn tay 2 bàn chân .
Tay đang cầm cái đùi khỉ vừa nướng chín, tẩm muối sả bốc mùi thơm phức thì bỗng nghe tiếng thì thào gọi tên tôi:
-“Sơn cho anh một miếng”, quay lại thấy Th/tá Phạm Minh Trung Tâm Trưởng TT/TVYT/BT. Ngày 4/4/75 tôi đã cùng anh cầm vòi rồng cứu chợ Phan Thiết và Phố Gia Long. Anh đang nằm trên sạp tre đi không nổi vì cơn sốt rét, kế bên là Thiếu tá Bình TĐT/TĐ 274/ĐP .Tôi lưỡng lự một chút rồi quyết định đưa cho anh ngay cái đùi khỉ. Tôi nói anh chia cho anh Bình và anh em bịnh kế cận đây ăn để có chút thịt, và mãi đến hôm nay tôi không quên được hình ảnh đó. Còn Th/tá Trịnh Văn Bình nằm nhăn nhó trên sạp tre vì cơn đau bao tử đang hành hạ nên không ăn được, chỉ thều thào, anh không ăn được vì bao tử đang đau, ông chết khi bị chuyển ra Bắc năm 1977 tại nhà tù Vĩnh Phú. Tôi nghĩ dầu gì thì mình còn có nồi cháo bàn tay khỉ, do gởi anh On nấu, thế là quá đủ, trong khi đi sắn măng hái rau rừng cho Trại, tôi cũng kiếm thêm riêng cho mình ít đồ ăn .
Lúc này chúng tôi đã sức tàn lực kiệt vì cơn bịnh sốt rét, ngày nào cũng có người chết. Trong số bạn bè thân có ba người ra đi. Đó là Tr/úy Đặng Văn Hai TĐ/229/ĐP, Tr/úy Nguyễn Văn Biên Trưởng Ban 5/CK/ Tuy Phong, Th/úy Pháo binh Nguyễn Phong người Chợ Lầu. Các anh đã chết đi trong cô lạnh, chúng tôi có mặt nhưng không giúp gì được ngoại trừ công việc đem chôn, thân thể các anh được quấn trong cái mền mà Trại vừa cấp phát khi chuyển ra “nhà chờ chết” và bảy nẹp tre, chôn bên gốc cây. Không mộ bia, chúng tôi chỉ khắc vào gốc cây tên họ và ngày chết. Không biết đến giờ này thân nhân có tìm ra được nắm xương tàn về cải táng hay vẫn còn nắm ngủ yên trong rừng già heo hút đó. Trong gần 100 ngày sống ở đây đã có hơn 40 người nằm xuống, nếu không về Sông Mao kịp thời chắc chúng tôi cũng phải bỏ mạng tại đây.
Cái chết của anh Đặng Văn Hai là đặc biệt nhất, vì lúc mới vô Cà Tót cùng tôi, toán bị hốt vô Lao Xá Phan Thiết, anh cũng là bạn cùng ĐĐ118/ĐPQ của tôi khi chúng tôi còn làm trung đội trưởng tại đây, anh đã bị tịch thu mền mùng giống như tôi nên bị muỗi cắn và lạnh nên bịnh .Trại bắt anh đi vác thùng đạn mà chúng chôn giấu trong rừng trước đây, gặp lúc trời mưa anh lạnh run muốn té xỉu tại chỗ nhưng chúng vẫn bắt anh đi vác hai chuyến. Về chỗ nằm bỏ ăn luôn, tối đó nằm bên tôi, anh run bần bật, tôi biết anh đã bị sốt rét, có thể bị thương hàn vì bị nhiễm cơn mưa lạnh .Tôi kéo nhẹ nửa cái mền xin của thằng em chuẩn úy cùng quê sau khi bị VC tịch thu cái Poncho light, nhưng tôi còn giữ lại được cái áo mưa sĩ quan để mặc khi ngủ, nằm sát lại anh cùng đắp cho ấm .
Sáng tôi bảo anh đừng có ăn bắp trại mới phát vì mới thu hoạch đám bắp, nếu anh bị thương hàn ăn vô sẽ chết ngay . Tôi lấy phần bắp của anh cài lên mái tranh và đi lên nhà bếp tìm anh Trần Văn Xuân xin cháo về cho anh ăn . Khi lấy được cháo về tới chỗ nằm thì thấy miệng anh đã xùi bọt mép, á khẩu nằm run rẩy, ngó lên thấy mất 3 trái bắp tôi biết ngay hết cứu .
Chạy ngay lên báo cho anh Lâm Y Sĩ, anh xuống khám và cho 2 viên thuốc cảm, tôi cố cho anh uống thì anh phèo ra rớt theo nẹp tre xuống đất . Tôi mới nói :
-Anh có muốn nhắn gì về cho vợ con anh không, cố gắng nói cho tôi biết để nếu còn sống tôi sẽ nói lại cho các con của anh biết, anh Lâm Y Sĩ bảo tôi cõng anh ra trạm xá ngoài bìa rừng.
Tuy nhiên anh không thể nào nói được nữa, coi như nằm chờ chết ..Ngoài trạm xá đã có mấy người còn đang nằm chờ chết, có anh thiếu úy Nguyễn Bông bạn tôi người xứ Duồng, tôi học chung với anh hồi còn ở trung học Bán Công Phan Rí Cửa, anh bị lở loét cả lưng vì nằm yên không ai giúp trở mình, vì thế mỗi ngày trước khi đi đào mì và sắn măng, toán của tôi ghé vào giúp các bệnh nhân. Riêng anh Bông đôi mắt đã khô như cá chết chỉ thấy lờ mờ, nhưng một điều kỳ diệu là anh đã hồi sinh và sau khi về Sông Mao mắt anh sáng lại và khỏe mạnh để về được nhà sau khi được ra trại .
Sáng sớm thức dậy tôi chạy ra thăm anh Hai thì anh đã ra đi trong đêm. Chúng tôi những người đồng hương bó anh trong 7 nẹp tre trong cái mền trại mới cấp phát đem chôn. Nghĩ thật hài hước khi còn sống không có mền đắp vì bị tịch thu để chết trong lạnh, nay chết lại có mền, và anh Nguyễn Văn Biên đòi đi theo, chúng tôi nói mày đang bịnh đi theo làm gì, nhưng anh nhất quyết đòi đi đưa anh Hai lần cuối, khi đến nơi anh Biên mệt quá nằm bên mộ anh Hai, chúng tôi hỏi, lỡ như mày có chết, tụi tao chôn mày bên cạnh anh Hai cho có bạn nha thì anh nín thinh, và tối hôm đó thì anh Biên cũng chết, chúng tôi lại chôn anh kế anh Hai cho có bạn .
Những tiếng thét đầy ma quái vang lên đột ngột trong đêm vắng, đánh thức mọi người trong cơn ngái ngủ. Tiếng rên rỉ, tiếng run lập cập của người bạn lên cơn sốt rét nằm bên cho ta cái cảm giác rờn rợn... Cái chết tới thật bất chợt không ai ngờ, hai nguyên nhân chính dẫn đến những cái chết đau thương là sốt rét và đói triền miên. Kìa anh Sĩ quan Hải Quân người bạn không nhớ tên, nguyên là một Phật tử thuần thành. Anh ở Duyên Đoàn 2/8 đóng tại Phan Thiết, anh không di tản theo đơn vị và cởi quân phục xuống tóc vào chùa tu hành, thế mà chúng cũng bắt anh đưa lên đây. Anh đang tập đi bằng cách ôm thân cây này rồi thả tay đi qua cây khác như con nít mới tập đi. Anh phải sống để làm nhân chứng cho mọi người hiểu rằng chế độ mà họ tự hào là văn minh dưới sự dẫn dắt của những đỉnh cao trí tuệ loài người, đã đối xử với những con người mang cùng giòng máu VN ra sao. Chúng ghép anh cái tội trốn vào chùa để không bị học cải tạo, thật quá ê chề đúng không ?
Một hôm tay Thượng Sĩ Hợi người Bắc vào Nam khi còn nhỏ, con người hắn ta loắt choắt, răng hô mỏ chu tiêu chuẩn của lính CSBV xâm lược, cả cuộc đời sống tại đây không tiếp xúc với đời sống văn minh, nhiệm vụ giữ kho hậu cần tại khu vực này. Hắn ta lạ lẫm với chiếc xe Honda 67 mà tên cán ngố VC đồng bọn ăn cướp được khi tiến vào Phan Thiết cỡi lên đây công tác. Hắn ta đòi tên VC đó chở chạy vài vòng trong sân trại tù, mặt mày tươi cười khoái chí. Một hôm sau khi sắn măng về đang nghỉ ngơi thì tay Hợi này đến tìm ngay tôi và kêu ra sân, tôi không biết mình đã phạm lỗi gì mà bị tên này chiếu tướng .
Hắn ta nói :
-Anh Sơn anh đi chặt cho tôi một cây tre lớn, anh đi lấy cây rựa theo tôi, tôi chỉ bụi tre cho anh chặt. Tôi nghĩ thầm, cả mấy ngàn người nằm không chả có việc làm không kêu lại kêu tôi, nhưng chặt tre thì dễ mà cũng không tốn nhiều sức lực .
Sau khi chọn cây rựa bén nhất, tôi đi theo hắn ta theo đường mòn ra bụi tre cách lán chừng 200m. Hắn ta chỉ cho tôi bụi tre bảo chặt cho hắn một cây mang về gặp hắn tại BCH, rồi hắn ta ra về ngay. Tôi nhìn bụi tre mà thấy ớn lạnh, gốc cây nào cây nấy bằng cả vòng ôm của tôi, gai góc thất sắc bén đan dày dưới gốc không làm sao vào sát để chặt .Tôi chợt nghĩ phải về trại nhờ thầy giáo An ở Hòa Đa, ông này bà con với tôi rất có kinh nghiệm cái gì cũng biết, xưa là Trung úy làm bên Tiếp Vận ở Sông Mao.
Thầy An theo tôi ra bụi tre phán rằng, mày muốn chặt được nó thì trước hết phát hết gai dưới gốc tiến sát vào, hoặc chặt một cây đẻo làm cái thang bắt đè lên gai leo lên chặt phần trên. Tôi chọn phương án chặt cây làm thang vì dễ hơn phát đám gai cứng như thép và sắc bén và dưới gốc thì to quá khó mà chặt với cây rựa không bén lắm.
Hì hục mãi cả 30 phút mới làm xong cái thang và leo lên chặt được một cây mang về mất trên cả tiếng, tuy nhiên học thêm được một bài học chặt tre. Mấy hôm sau tên Hợi lại đến gặp tôi giao 30 tay Chuẩn úy mới ra trường cũng bị bắt lên đây, đa số có trong tiểu đoàn tôi, hắn nói :
-Anh biết cách chặt tre, hôm nay anh khỏi đi sắn măng, tôi giao nhiệm vụ cho anh dẫn toán này đi chặt mỗi anh 10 cây Lồ Ô về giao nạp, anh phải coi chừng chịu trách nhiệm, nếu có ai chạy trốn thì anh thế vào. Lồ Ô là loại tương cận tre nhưng lóng rất dài, thân nhỏ dùng để đan thúng mũng, dần sàng rất tốt vì lóng dài không có mắt. Đám chuẩn úy này mới lên hôm ngày Quân Lực 19-6, còn khỏe mạnh, mang theo nhiều thực phẩm, thuốc men không bị tịch thu như đợt chúng tôi, nhưng thư sinh yếu quá và chưa nếm mùi khổ ải nên rất hăng hái.
Tập hợp toán trước khi đi, tôi nói, chặt tre hay lồ ô không phải dễ, tuy lồ ô thân nhỏ không gai giống như cây le nhưng khó tìm và khi chặt nếu không cẩn thận sẽ bị thân lồ ô chém trúng chân khi ta chặt mũi mác, các anh phải coi tôi chặt mẫu một cây rồi coi đó mà làm cẩn thận đừng để gây tai nạn vì nơi này không có thuốc thang và quan trọng là mỗi anh phải đủ 10 cây, nó nặng lắm chứ không chơi đâu, các anh không được chặt thiếu vì nếu họ kiểm tra thì trước là tôi bị phạt, các anh lại phải đi chặt tiếp. Cũng nên nói đám vệ binh gồm một trung đội 30 tên vừa mới thành lập lên đây, ban đầu rất hung hăng, hạnh hoẹ chúng tôi đủ điều, có tên còn đòi bắn tôi vì hình như chúng biết tôi thì phải. Giờ thì bệnh sốt rét hết không thằng nào đi nổi nữa nên tên Hợi mới kêu tôi dẫn toán này đi.
Mấy tay chuẩn úy nói với tôi :
-Ông thầy chăm chế chút chứ 10 cây nhiều quá sợ vác không nổi.
Tôi nói :- Các anh thấy giàn cùm dưới chân sạp ngủ chưa? Nếu anh nào muốn đo cùm thì cứ làm trái. Tôi nghe mấy tay chuẩn úy nói râm rang về tôi, nào là ông Thầy là tay kêu pháo binh và điều chỉnh phi cơ hết sảy, mấy tay đã chứng kiến tôi kêu pháo binh và hướng dẫn phi cơ ở trận Tân Điền ngày 18-4-1975 khi Đại đội tôi đánh vào Tân Điền, và có huấn luyện lại về mọi mặt cho đám này khi tôi còn làm Trưởng Ban 3 Tiểu đoàn 229/ĐP tại Sông Mao, nói chung đám này đều là đệ tử của tôi, vì không muốn họ bị cùm nên tôi phải nhắc nhở họ để tránh bị VC trừng phạt . .
Tôi hết hồn mới nói :
- Lạy mấy tay, giờ này mà còn khui ra chuyện này, bộ muốn tôi bị tử hình hay sao đó mà, quên phứt hết mấy cái vụ đó đi cho tôi nhờ, giờ thì đâu còn dùng nữa mà truyền nghề cho mấy đứa .
Tới rừng Lồ Ô, tôi chặt một cây làm mẫu trước, rồi bảo tất cả theo đó mà chặt . Đi về đến rừng Le, tôi cho lệnh nghỉ xả hơi và kiểm tra mấy tay có chặt đủ số 10 cây hay không, quả thật có tay chỉ có 8 cây trong bó, tôi bắt phải chặt 2 cây le thế vô rồi bó lại vì sợ khi về bị khám thì các tay này khỏi bị đổ nợ, tội cho các con ngựa non chưa thấy quan tài chưa đổ lệ này và chấp hành lệnh quá kém nguy hiểm cho bản thân mà không biết. Nhân tiện tôi dạy cho đàn em biết cách sống dưới tay VC đừng để chúng vì chuyện nhỏ mà có cớ chửi bới mình, dầu gì thì chúng mình cũng là sĩ quan VNCH .
Một hôm tay Bùi Loạn Thời xin theo toán tôi đi sắn măng để hy vọng gặp anh người Nùng thường hay chở đồ ăn dưới Phan Thiết lên lén bán cho chúng tôi như đường, xì dầu, chao, cá khô ...Tuy có mắc chút nhưng có còn hơn không. Tôi và anh Thời đi chung một giỏ cần xé, phải nói Bùi Loạn Thời là tay sắn măng có hạng, chắc hồi nhỏ đã theo người Chàm Hựu An đi sắn măng rồi nên biết cách sắn rất nhanh .Giỏ măng gần đầy thì tôi nghe tiếng xe Honda vọng tới từ đường mòn trước mặt. Anh ta quăng câu liêm và vụt chạy băng qua đám cỏ tranh cao tới ngực như ngựa phi. Tôi chỉ kịp la to, chờ tao với Thời thì anh ta đã phi qua đám cỏ tranh và lao ra đường mòn. Khi tôi chưa ra hết đám cỏ tranh thì nghe tiếng quát lớn giọng Bắc :
-Giơ tay lên không tao bắn bễ đầu .
-Mày làm gì mà chận xe tao ?
Tôi ngồi thụp xuống đám cỏ tranh nghe ngóng thì nghe tay Thời nhanh trí nói :
Thưa cán bộ, tôi đi sắn măng cho trại bị con rắn to quá nó rượt nên lao ra đây gặp cán bộ .
Tên Thượng úy VC nói :
- Lần sau anh cẩn thận không thì chết oan mạng, nói rồi hắn ta nhét khẩu K54 vô bao, rồ ga chạy về trại, không biết hắn có báo việc này lên trại hay không làm tôi lo lắng quá, vì tôi đã cho người không phải tổ sắn măng đi cùng. Thì ra không phải người bán hàng rong mà là tay Thượng úy VC từ Phan Thiết lên đây công tác, thật là hú hồn .
Cuối tháng 6/75 cấp Thiếu tá bị chuyển ra Bắc, từ Đại úy đến Chuẩn úy còn ở Cà Tót. Rồi không hiểu lý do gì giữa tháng 8/75 VC đã chuyển chúng tôi về Sông Mao. Cấp Chuẩn úy được cho về nhà và quản lý tại địa phương không cần cấp một thứ giấy tờ gì cả. Tội nghiệp cho ông Th/tá Thổ Thêm, theo chính sách 10 điểm của cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam” đã loan báo rộng rãi thì ông Thêm nằm trong tiêu chuẩn được học tập, quản lý tại địa phương không cần phải học tập cải tạo vì đã giải ngũ, nhưng vì thù hận mà VC cố tình đưa ông đi Bắc, cho ta thấy cái chính sách này thực chất chỉ để lừa dối nhân loại văn minh.
Ngày tôi về nhà từ trại tù A30 Phú Khánh ít lâu, ông Thổ Thêm nghe tin nên có tìm xuống nhà ở Phan Rí Cửa thăm tôi. Như một phép lạ, người hùng Bình Thuận đã sống sót từ đáy địa ngục trở về, tôi thấy ông trắng và mập ra như trước đây. Chú Thêm bước đến ôm tôi làm mọi người ngạc nhiên, họ không biết ông là ai, chỉ thấy một ông già người Chàm mặc bộ bà ba trắng .Khi ông ra về tôi phải giải thích cho họ biết người đó là ai thì họ rất ngạc nhiên vì ai cũng đã từng nghe tên ông đến giờ mới biết mặt ..
Trong số anh em lên ngày 19/6/75, tôi quen với một Trung sĩ Cảnh sát, trước đây anh làm việc ở vùng Bình An, Bình Lâm. Anh có biệt danh là Tư Búa, sát thủ diệt cộng, không có con vợ, bà mẹ chiến sĩ nào đem đồ tiếp tế cho chồng cho con mà không bị anh tóm cổ vì thế nó thù hận anh thấu xương . Một hôm anh nói nhỏ với tôi, khi tôi ngồi kề anh trên nóc nhà để lợp tranh vì tôi muốn học cách lợp nhà để có khi tiện dụng .
-Chắc tụi nó tử hình anh nay mai thôi Sơn à! vì dân VC ở vùng Bình An, Tân Điền chúng lập tòa án nhân dân kết án anh rồi. Mặc dù biết cái chết sẽ đến trong nay mai nhưng anh vẫn xem thường, miệng vẫn bô bô kể truyện tiếu lâm, một con người thật dũng cảm không như bọn cộng sản, Nguyễn Văn Trỗi chẳng hạng, vãi cả đái khi bị tuyên án tử hình. Quả thật sáng hai ngày sau anh bị trói thúc ké dẫn đi, gặp tôi trên đường mòn đi sắn măng anh gật đầu chào như một lời vĩnh biệt.
Giữa tháng 8/75, tức là sau khi bị nhốt ở Cà Tót chừng một trăm ngày, không biết vì lí do gì tất cả chúng tôi được lệnh chuẩn bị rời trại. Thật quá đỗi vui mừng vì thoát khỏi địa ngục trần lao này, đoàn xe GMC doVC tịch thu của VNCH sau tháng 4 -1975 lên chở chúng tôi đậu cách trại chừng 1 km, ngoài con đường xe be vì không thể vào sát trại được, nên đám người gần như ai cũng mang chứng sốt rét, đói lã nên chúng tôi đa số đi không nổi phải chống gậy cố đi, quần áo thì tả tơi tệ hơn đám ăn mày. Để khỏi mất mặt vì sợ nhân dân thấy cảnh đối xử tàn tệ với tù binh khi xe ra đường QL1 chúng ra lệnh cho chúng tôi phải quăng hết gậy gộc mới cho lên xe. Vì muốn thoát khỏi địa ngục trần gian này càng nhanh càng tốt, nên anh em người còn mạnh dìu người yếu, cố dìu nhau đi từng bước xuyên qua con đường mòn băng qua rừng le. Hình ảnh này đã không sao phai nhòa trong tâm trí tôi cho đến hết cuộc đời.
Mới có hơn 3 tháng sau khi cách mạng “giải phóng” mà con đường tỉnh lộ 8 hoang vắng không thấy bóng dáng những chuyến xe Lanb chở khách từ Phan Thiết về Ma Lâm, Thiện Giáo . Con đường QL1 nhiều xe cộ nay vắng tanh, đoàn xe GMC chở chúng tôi cứ chạy trên con đường vắng, chúng tôi không biết nó đi đâu miễn sao thoát khỏi địa ngục Cà Tót càng xa càng tốt là vui rồi, xe qua Sông Lũy, rồi Lương Sơn, tôi hy vọng khi qua Chợ Lầu sẽ nhìn được nhà má tôi, vài người thân quen nhưng sao vắng lặng quá, hình như cả phố con người đều biến mất tìm không ra người để vẫy tay báo hiệu là Tôi còn sống đây .
Một ý nghĩ thoáng qua tôi vội lấy tờ giấy viết vội mấy dòng gởi cho gia đình anh Đặng Văn Hai, báo tin anh đã chết trên Cà Tót, vì tôi biết những Chuẩn úy cho về không ai dám thố lộ tin này vì VC chúng đã dặn kỹ trước khi cho về địa phương .Khi xe chạy qua nhà tôi, ngó tìm không thấy một ai, kế đó nhà của má vợ anh Hai sát ngã ba Sông Mao, tôi bung tờ giấy cho gió nó bay ai lượm được sẽ đưa tới cho gia đình. Tôi không ngu ký tên Cao Hoài Sơn mà viết là Kháng tên cúng cơm của tôi, cả cái xã Chợ Lầu này ai cũng biết Kháng là tôi.
Bất ngờ ngay lúc đó xe quẹo vô đường lên Sông Mao, tôi thở phào nhẹ nhõm vì biết chúng chở chúng tôi tập trung ở căn cứ Sông Mao, hậu cứ Trung Đoàn 44/SĐ23BB chỉ cách nhà tôi 3 km rất tiện cho việc thăm nuôi, tôi đoán vậy vì không còn chỗ nào tốt hơn để tập trung chúng tôi .
No comments:
Post a Comment