Friday, March 31, 2017

Thắng Thua Chung Quanh Bộ Luật Bảo Hiểm Y Tế/ Xã Hội Cần Một Cái Nhìn Trung Thực Kỳ VI

Vĩnh Tường


. . . Xã hội Hoa Kỳ đang tiếp tục rùm beng với luật bảo hiểm y tế. Ngoại trừ một số người tự do phóng túng ăn chơi tưng tửng, hỏi gì cũng không biết, không cần quan tâm đến bất cứ điều gì, còn lại hầu như khắp nơi dân HK từng bừng tham gia luận bàn ai thắng, ai thua. Cứ như Việt nam ta có phải khỏe hơn không, làm gì mà phải thay với đổi, kèn cựa, so đo hơn thiệt chi cho mệt vậy chứ! Náo nhiệt đến cái đầu gối cũng nghe đại đa số đều hát ông Trump bất tài, thua đậm.

Có thật vậy không? Nếu vậy thì bàn dân thiên hạ sắp lỗ to rồi, bỡi vì ông Trump bây giờ là tổng thống. Thật là thú vị khi bình tĩnh đóng cửa bàn bạc với đầu gối để thấy thực, thấy hư, thực sự ai thắng ai thua trong cuộc tranh đấu thay luật bảo hiểm y tế kỳ này.

Ở các nước tự do dân chủ, đất nước và đời sống người dân chịu ảnh hưởng và hậu quả kéo dài hạn hay ngắn hạn tùy xu hướng chính trị của người lãnh đạo và đảng phái có nhiều quyền lực. Đất nước có thể bị hay được lái theo khuynh hướng chính trị, theo hệ tư tưởng khác nhau kể cả khuynh hướng khác với nền tự do dân chủ đương thời. 

Khuynh hướng chính trị dễ nhận thấy hiện nay là hệ tư tưởng khoa học xã hội “đỉnh cao trí tuệ”, cấp tiến xã hội chủ nghĩa, trong đó cũng cái gọi là “tự do dân chủ đến thế là cùng”, xã hội hướng đến một ngày tươi đẹp trên trái đất - thế giới đại đồng toàn thiện, toàn mỹ, toàn cầu là một căn nhà chung, con người bình đẳng sống chung hoà bình, dưới một chính phủ, không cần biên giới quốc gia, không còn bất công, không còn chiến tranh và không cần quân đội, mọi người như nhau, vật chất thừa mứa, làm tùy sức ăn tiêu tùy cần. 

Hoặc chủ nghĩa độc lập quốc gia dân tộc, hoặc chủ nghĩa dân túy, tự do tư bản; hoặc chủ trương thực tế theo lẽ đạo thông thường để trị lý từng quốc gia riêng biệt - bảo vệ biên cương; luôn canh tân, phát triển kinh tế để dân được giàu có, ấm no; quân đội vững vàng để bảo quốc an dân; văn hoá xã hội thì giữ gìn đặc trưng, tinh hoa nền văn hóa độc lập, …

Các chính sách lập ra tùy các khuynh hướng nói trên của lãnh đạo mà có sự khác biệt, có khi tương phản rõ rệt khiến cho người tin theo bên này khó chấp nhận bên kia.

Riêng Ở HK, chuyện gì đã xảy ra?

Một đảng DC nắm trọn quyền lực - Lập pháp và Hành pháp (lưỡng viện quốc hội và tổng thống) bắt đầu 2009 – 2010:
Rahm Emanuel, Trưởng ban điều hành (Chief Of Staff) đã nói ngay khi khi bắt đầu nhiệm kỳ của Barrack Obama: “Đừng lãng phí khủng hoảng nghiêm trọng” , “…đừng bao giờ lãng phí khủng hoảng tốt …” (You never want a serious crisis to go to waste” “… never allow a good crisis to go waste). Ông đã bị Paul Ryan phê bình và ông cũng đã cố giải thích nhưng sự thật qua rồi đã chứng minh sự tắc trách sau khủng hoảng tài chánh (2008) và sự lợi dụng cơ hội quyền lực trong tay, DC đã vội vàng thông qua thứ nhất là luật kích thích kinh tế ($787 tỉ) để xây dựng hạ tầng cơ sở. Rồi có bao nhiêu đường sá, cầu cống, cơ sở dựng lên chưa, hay người ta chỉ còn nhớ là Cash For Clunkers 3 tỉ dollars, khuyến khích đổi xe cũ làm sắt vụn ở junkyard để lấy xe mới ít tốn xăng được nhà nước cho không $4000, Solyndra 535 triệu dollars phá sản chẳng bao lâu sau khi tổng thống và phó tổng thống đến nơi thu băng ghi hình ca tụng và hàng loạt các chương trình phí phạm khác kể cả công viên cho chó, đường băng cho rùa vân vân … (Google stimulus package waste of money sẽ thấy cả). 

Thứ hai, thông qua đại bộ luật bảo hiểm y tế do vài người gọi là kiến trúc sư (Architect) DC soạn ra. DC nắm toàn quyền, bà Nancy Pelosi Chủ tịch Hạ viện không ngần ngại tuyên bố một câu xanh dờn một cách thẳng thừng và rất lộ liễu, để đời, chưa từng thấy trong lịch sử của nền dân chủ tự do ở Hoa Kỳ: “chúng ta phải bầu thống qua dự luật này để các ông bà có thể tìm thấy trong đó có gì” (we have to pass the bill so you can find out what is in it)!!! 

Bộ luật 2700 – chưa chắc dân biểu, nghị sĩ DC đã đọc hết trước khi bầu! Và kết quả DC đã “nhất trí” thông qua 100% không cần và không có phiếu nào của CH. Affordable Care Act là gia tài của DC và của Obama có tên để khắc bia là Obamacare. 

Cách làm và cách tuyên bố như thế có khác nào “dân chủ đến thế là cùng!” Và đây có phải là viên đá đầu tiên cho con đường độc tài phát triển hay không? Bên thượng viện DC cũng nắm đa số, nhân thể quyền lực trong tay, đã thay luôn qui định 51 phiếu thay vì 60 phiếu để nắm trọn quyền lực độc tài thông qua việc bổ nhiệm nhân sự nội các, thẩm phán Tối cao pháp viện hay mọi dự luật của phe mình. Thiểu số CH đối lập đành “bó tay” không chống chiến được gì cả! 

Và bây giờ Thượng viện đa số thuộc CH (52/48), chưa đủ số phiếu đa số tuyệt đối thì lãnh đạo thượng viện DC, ông Chuck Schumer lại đòi CH phải đổi trở lại 60 phiếu như thường lệ thì mới đúng! Đúng thế nào? Đúng vì tiện lợi cho DC ngăn chặn hết việc làm của CH! Sướng chưa? Như thế mà lãnh đạo DC cũng có thể nói được? Nói đến cách sử dụng quyền lực thôi chứ chưa nói đến nội dung của luật đã ban hành. Như thế có giống “bên nớ” không - khi đảng ta đến đâu thì đổi luật theo đó cho tiện. Có ai còn nhớ không, ngày xưa trong thời VNCH ở miền Nam, báo chí tự do tha hồ châm biếm, chửi quốc hội gồm nghị sĩ “GẬT” , đánh phá chế độ cho đến khi có được quốc hội xhcn “ưu việt” ngày nay. Công này phải kể có phần của truyền thống tự do - đệ tứ quyền đấy nhé!

Chính quyền của tổng thống Trump mới chỉ trải qua hơn 60 ngày. Tổng thống bị đánh phá, chống đối từ nhiều phe phía chính trị cùng với đoàn nhóm dân theo họ. Kể cả người gọi là trí thức cũng đã bị cuốn theo nhưng cơn lốc chính trị mịt mù khói lửa nên đã đánh mất cả cái nhìn toàn cục. Cái nhìn phiến diện từ cá nhân có thành kiến, hoặc đồng hoá, chấp dính với phe đảng cứ nhất quyết cho rằng tất cả do ở một đối tượng – đó là cá nhân bị chống đối, tức là ông Trump. Trong chính trường có sự thật nào quá đơn giản như thế? Sau các cuộc vận động tranh giành quyền lực phục vụ, người dân đã trở thành chiến binh khác nhau của những phe phái chính trị, những chủ nghĩa, những lý tưởng, và không loại trừ những bịp lừa, những âm mưu, những thủ đoạn tranh giành, kể cả sự trả thù. . . 

Xã hội Hoa Kỳ đang chìm trong màng khói mù bao trùm những hố sâu chia rẽ, phân hoá đã mọc mầm trong những năm qua dưới chính quyền của ông tổng thống DC, Obama. Nay trái đắng đã đến mùa gặt. Dù ai không chịu nhìn thấy thì nó vẫn là sự thật đã rồi - chứ không phải dự đoán - mãi còn đó. Không dễ gì ai có thể một sớm một chiều mà sửa chữa được. Ông tổng thống mới tuy có đảng CH nắm đa số trong lưỡng viện quốc hội nhưng không phải lúc nào cũng làm việc suông sẻ với đảng của mình - một đảng CH rất khác với DC, đặc biệt là cá nhân và các nhóm rất độc lập, rất tự do trong tranh đấu, phục vụ xây dựng “dân vi qúi”; không nhất thiết phải là “đồng chí, đồng rận” với nhau, nhất tề đoàn kết trung với đảng, không nhất thiết vì đảng mà đoàn kết, hay đại đoàn kết bất chấp phải trái; không có kiểu đoàn kết nhất trí 100% (lockstep) sắp hàng đứng sau lưng tổng thống như những môn đồ của một tín ngưỡng chính trị. Họ phê bình, chỉ trích thẳng trước quốc dân mỗi khi có cá nhân sai lầm dù chỉ là một câu lỡ lời. Xem ra đảng có bể họ cũng giữ nguyên tắc ý dân làm trọng. Người ta chê đảng CH chia rẽ nhưng người ta không thấy mặt tích cực; đó là tinh thần tự do, độc lập, tôn trọng sự thật, nhờ đó mà đảng trong sạch hơn, và kết quả là người dân được hưởng lợi nhiều hơn. 

Bên kia, một đảng đối lập (DC) dường như đang lấy phương châm “chỉ có phe ta, cái gì theo phe ta thì mới đúng”, đoàn kết và rất đại đoàn kết, bao che tới bến, không bao giờ phê phán - một câu cũng không có, kể cả đối với những sai lầm rất lớn trong đảng cho dù sự thật hư hỏng ê chề khiến cả nước phải nín thở. Nay đại diện DC thề quyết tâm ngăn chặn, đánh phá từng bước tiến cải cách nào của tổng thống, không cần biết là có lợi cho dân như thế nào. 

Hơn thế nữa, ông Trump không đeo đuổi ý thức hệ nào; ông chỉ có chủ trương thực tế và đang phải đương đầu với những khó khăn do con đường lý tưởng quá dài, mưu cầu quá lớn, dang dỡ của người tiền nhiệm để lại - người dân đã từ chối tiếp tục theo con đường này (wrong track). Dân bản xứ có quan niệm sống cho hiện tại; không dễ gì bảo họ kiên nhẫn chấp nhận hy sinh để đeo đuổi lý tưởng không thực tế và lâu dài. Ở HK lâu, có lẽ ai cũng biết đây là đặc điểm tâm lý của dân bản xứ.

Khó khăn trước mắt mà ông Trump phải đối đầu rất nhiều mặt từ trong ra ngoài nước, và tình hình đất nước Hoa Kỳ tự do tư bản như đang rơi vào bát quái trận đồ mà cửa sinh mở ra dễ nhất chừng như chỉ còn là vào xã hội chủ nghĩa. Ông Trump và đảng CH cần có một nghị trình thông minh và quyết tâm phi thường mới mong phá nổi trận này. Tám cửa của bát quái trận có quan hệ tương tác ảnh hưởng khoá chặt với nhau mà bộ luật bảo hiểm y tế là một then chốt tử - sinh quyết liệt nhất:

1. Núi nợ quốc gia trói buộc sự phát triển kinh tế đến mức hầu như không tài nào gỡ nổi (20 ngàn tỉ). Đây là cái khóa thứ nhất

2. Khó khăn kinh tế thấy rõ người nghèo khó nhờ trợ cấp xã hội nhiều mặt đã gia tăng đến mức cao nhất từ trước đến nay (43 triệu sống nhờ tem phiếu thực phẩm, 94 triệu lọt ra ngoài thành phần lao động…). Đây là cái khóa thứ hai.

3. Những trói buộc kinh tế: Hàng nghìn sắc lệnh áp đặt qui luật ràng buộc đến mức thái quá từ lý thuyết Thay đổi Khí hậu - Bảo vệ môi trường, đã trói chân nền kinh tế Hoa Kỳ. Đây là cái khóa thứ ba. Cũng bằng sắc lệnh, khóa này ông Trump đang xem xét, hợp lý hoá và tháo gỡ, cỡi trói. 

4. Tôn giáo: Giá trị lâu đời của nền văn hoá Tin Lành và Thiên Chúa giáo là nền tảng chính thống chiếm phần quan trọng trong trong chế độ chính trị ở Hoa Kỳ ngày nay đang bị tấn công bằng những định nghĩa mới về các quyền của nhiều nhóm. Cấu trúc căn bản của gia đình là nền tảng của chế độ tự do tư bản đang bị lung lay, suy biến. Đây là cái khóa thứ tư.

5. Giáo dục tự do nên ở trường, nhất là ở bậc đại học không tránh khỏi sự truyền bá tư tưởng tả khuynh Marxism, cấp tiến cực tả xhcn rất hấp dẫn với lòng nhiệt huyết yêu chuộng công bằng của giới trẻ, những người chưa hề trải qua kinh nghiệm lịch sử núi xương, sông máu. Đây là cái khoá thứ năm.

6. Chia rẽ giai cấp: Cuộc đấu tranh được thúc đẩy liên tục và kiên trì nhưng xem ra chưa ảnh hưởng được bao. Nhờ tinh thần nhân bản bền vững và trình độ dân trí cao cho nên chưa đến độ người nghèo thù ghét người giàu. Đây là cái khóa thứ sáu chưa thành hình – chưa đến mức độ đáng ngại.

7. Vấn nạn di dân: Di dân bất hợp pháp tràn ngập qua hàng rào biên giới lỏng lẻo, chính quyền tắc trách trong việc thực thi luật di dân có sẵn. Hậu quả đã đến mức rất nghiêm trọng. Di dân và dân ty nạn hợp pháp từ các nước HG thành nạn lớn của thế giới và của Hoa Kỳ - hậu quả của chiến lược sai lầm. Đây là cái khóa thứ bảy. 

Một bộ luật bảo hiểm y tế có tính bắt buộc rất tốn kém đang bùng phát những nhược điểm và có nguy cơ sụp đổ! Lời nói lặp lại hàng trăm, trăm lần của tổng thống Obama khắp nơi cho đến khi người dân “tưởng” thật nhưng hoàn toàn không phải là thật: “Nếu thích bác sĩ của mình thì giữ bác sĩ của mình. Nếu thích chương trình bảo hiểm của mình thì có thể giữ chương trình bảo hiểm của mình. Chắc cú như vậy (Period)” và “mỗi gia đình sẽ tiết kiệm được $2500”. Và người dân - người dân đó nha – đã vỗ tay rầm rộ kéo dài mỗi lần tổng thống lặp lại khắp nơi trong nước. Cho dù được chọn làm “lời nói láo trong năm” (“the lie of the year”/PolitiFact) thì sự cũng đã rồi! 

Khi nó sụp đổ thì chỉ còn một cách duy nhất là tiến đến nhà nước quản lý toàn bộ hệ thống y tế và bảo hiểm y tế (single-payer)- một cỡ cho mọi người (one size fits all) tức là đặt viên đá đầu tiên cho căn nhà xhcn. Đây là điều mà ông Harry Reid lãnh đạo khối đa số thượng viện DC vừa về hưu năm 2016 đồng ý với nhận định của dân biểu Tom Coburn đã bộc bạch rằng: “Luật đó chủ ý được sắp đặt ra một cách mỉa mai như thế. Bằng cách làm cho giá bảo hiểm tư nhân không còn kham nổi cho mọi người, nó không còn cho bất kỳ ai. Tất cả sẽ còn tập quyền chính phủ, nhà nước độc quyền điều hành, bảo hiểm y tế.” ("That, ironically, may have been the design. By making private insurance unaffordable for everyone, it will become available to no one. All that will be left is government-centered, government-run, single-payer health care.") 

Đến đó nó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, chất lượng y tế - bác sĩ, bệnh viện, thuốc men, phục vụ và sau cùng là nạn quan liêu, cửa quyền thối nát vân vân, như thế nào chắc quí vị cao niên thừa biết. Xoá bỏ và thay thế bằng bộ luật tốt hơn cho mọi người, cho kinh tế tự do tư bản và cho cả ngành y, tuyệt nhiên là điều nên làm đối với ai còn muốn giữ thể chế dân chủ tự do tư bản bậc nhất của HK như xưa nay – bỡi chính vì đó mà HK hơn hẳn các nước tự do dân chủ khác. Nhưng làm như thế nào không phải là việc dễ vì bộ luật đã ban hành theo xu hướng ấy, trong đó có những điều khoản khóa chặt vào lợi ích của một số dân dù ít hơn đa số còn lại đang bị thiệt hại! Trớ trêu thay, đại đa số dân lãnh hoạ, bị chèn ép bỡi giá bảo hiểm tăng vọt và tiền khấu trừ (deductible) cao đến không còn dùng được là tầng lớp dân trung lưu – đây lại là thành phần chủ lực của nền kinh tế, cũng chính là chỗ dựa của người không có hay có lợi tức thấp được chính phủ trợ cấp!

8.Luật bảo hiểm y tế lừng danh Obamacare “điên rồ nhất thế giới” - theo lời tổng thống Clinton - là cái khóa thứ tám. Một cái khoá khó mở nhất trong tám cái vì một điều căn bản là những cái đinh đã đóng rất sâu và rất chắc:

1. Bộ luật theo xu hướng chính trị nói trên đã ban hành một thời gian trong đó có điều bắt buộc là mọi người phải mua bao hiểm, không mua thì bị phạt; điều này hoàn toàn trái với nền tự do dân chủ. Thứ nhất nó đã bén rễ trong một thiểu số dựa vào trợ cấp chính phủ. Số này mang lại ít hay không mang lại lợi ích kinh tế. Thứ hai là buộc hảng bảo hiểm phải chấp nhận điều kiện bảo hiểm cho những người đã có bệnh từ trước bất kể nặng nhẹ, không khác nào bỏ lửa vào túi. Các hảng bảo hiểm không sụp mới là chuyện lạ. Nhiều hảng tháo chạy ra khỏi chương trình. Thứ ba, để có đủ chi phí trợ cấp cho người nghèo, giới trẻ khỏe mạnh không nhất thiết có nhu cầu bảo hiểm cũng phải mua; điều kiện này đồng nghĩa với lấy tiền túi của người này để lo cho người kia. Nếu giới trẻ cứ chọn đóng tiền phạt thay vì mua bao hiểm mà quanh năm không dung thì nhà nước sẽ lãnh đủ. Những điều căn bản này dẫn đến kết quả là chính phủ ngày càng thâm nợ vì khoản thu ngày càng ít mà chi ngày càng nhiều. Nhà nước nhất định sẽ không kham nổi.

Trước đây Thượng viện đa số DC đã chặn đứng dự luật xoá bỏ và thay thế Obamacare do CH soạn và thông qua quốc hội. Hô hoán rằng CH không làm gì là hoàn toàn sai sự thật. Có điều là dự luật ấy chỉ rất phù hợp đúng vào thời điểm bộ luật Obamacare chưa ban hành hay khi website của nó hoang phí 60 triệu dollars mà bị trục trặc. Dĩ nhiên bây giờ nó không còn hợp thời nữa.

Trước khi có luật Obamacare bắt buộc, giới trẻ có sức khỏe tốt thường tự do không mua, người làm nghề tự do lợi tức không ổn định, thường ở mức mấp mé trên ranh giới nghèo thường không mua vì chấp nhận liều để tiết kiệm hoặc vì không mua nổi bảo hiểm.

Số công ty kinh doanh có khoản mấp mé 50 công nhân làm việc toàn thời gian rất nhiều. Để tránh bị bắt buộc phải bao bảo hiểm cho công nhân, dĩ nhiên các công ty cỡ này phải co cụm hoạt động hoặc tìm cách tránh cái khóa số 50. Nhiều công nhân bị giảm giờ làm việc thành part time, hoặc bị thải bớt, hoặc bị thay thế bằng máy móc hay robot. Đây là sợi dây trói chân kinh tế tư bản. 
 
Bộ luật 2700 trang còn có nhiều điều phức tạp không mấy ai nghiên cứu hết. …

Bộ luật Obamacare từ lúc bắt đầu đã có trên 60% dân không ủng hộ. Đây cũng chính là một trong những lý do căn bản khiến ông Trump chọc thủng phòng tuyến mà thắng cử trong khi bà Clinton cũng đòi sửa, nhưng bà lại nằm trong tập thể chủ nhân. Tình hình mới của bộ luật này ngày càng nổi rõ là tốn kém ngân sách tiếp tục gia tăng, kinh tế bị trói chân, công ăn việc làm bị ách tắc; giới trung lưu lẽ ra cần được ưu đãi thì lưu bị lãnh nạn, điêu đứng vì giá bảo hiểm gia tăng nhưng tự do chọn lựa lại bị tước mất, những bất công và những cái đinh đã đóng quá sâu nói trên.

Bộ luật mới để thay thế phải vừa không ảnh hưởng đến thiểu số người đang hưởng thụ vừa cỡi trói cho các công ty nhỏ đến trung bình để tạo công ăn việc làm, giúp cho kinh tế phát triển và lại ừa giảm giá bảo hiểm và nhiều chọn lựa cho cho đa số dân trung lưu. Như đã nói trên, đây là thành phần trung lưu đóng góp lớn vào kinh tế quốc gia, cũng chính là chỗ dựa của thiểu số đang hưởng thụ.

Có thay đổi được không còn tùy ở Bác sĩ Tom Price - dân biểu, nay là bộ trưởng Y tế, sự thúc đẩy của tổng thống Trump, sự soạn thảo, sắp xếp của đảng CH. Còn DC – xem ra kêu gọi DC hợp tác, đặt quyền lợi của toàn dân và đất nước lên trên đảng phái không phải là chuyện dễ. Bây giờ, bộ luật thay thế đang bị đình trệ vì CH không đủ số phiếu. Sự bất đồng ý kiến dẫn đến không đủ phiếu riêng trong đảng để thông qua (216 phiếu) mặc dù CH chiếm đa số, vì nhóm tự do gồm 36 thành viên (freedom caucus) có chủ trương bảo thủ, đòi hỏi cao và cương quyết thực hiện lời hứa với cử tri của họ.

Ngoài kia quí bậc cao nhân đủ hạng trong thiên hạ đang kèn trống tưng bừng luận thắng thua – không, phải nói là các phe phái tả hữu, thế gian đang luận tổng thống thua to như thế nào, bất tài như thế nào… Ai nói tổng thống thắng có lẽ bị coi là người từ hành tinh khác. Sau khi bàn chuyện với đầu gối kẻ viết bài này thật thú vị khi thấy điều này:

Ai cũng biết tổng thống Trump thuộc đảng CH. Có khi người ta quên rằng trên danh nghĩa tổng thống đại diện cho toàn thể và phục vụ cho toàn dân cho nên khi tổng nói “cần có sự hợp tác làm việc của DC” thì tức khắc có người bĩu môi cho rằng ông Trump bất tài, thua to rồi lại gỡ gạc. Trong khi đây là câu nói rất chính đáng và rất cần của vị tổng thống nước tự do dân chủ.

Từ tống thống đến tất cả thành viên của lưỡng viện quốc hội đều chịu áp lực của cử tri. Tổng thống chỉ là người lãnh đạo, đưa ra những dự kiến, đề nghị những đường lối và thúc đẩy Quốc hội làm nhiệm vụ lập pháp của họ. Soạn thảo chi tiết các dự luật và bầu bán là do lưỡng viện Quốc hội.

Tổng thống hứa trước toàn dân và thực hiện lời hứa lãnh đạo của mình – ông đã làm, đã đề xuất gỡ bỏ và thay thế (repeal and replace) bộ luật Obamacare, ông cũng đã chạy tới lui để thương thảo (make deal). Đến mấy ngày cuối ông tỏ mới ra tích cực làm con thoi nhằm đẩy bớt gánh nặng của mình sang phía Quốc hội. Quốc hội náo nhiệt, kẻ ủng hộ người không tán thành. Đến giờ chót khi được báo không đủ phiếu, thấy lỏng lẻo bế tắc ông tức khắc rút lui (walk away the deal) và tuyên bố rằng ông không chỉ trích freedom caucus và ông còn nói thêm rằng cần có sự đóng góp của đảng DC nữa.

Vậy câu hỏi để kết luận thắng thua là: Trong kinh doanh khi thương lượng có mây cái thắng? Người bình thường hay suy nghĩ thắng tức là đạt được sự đồng thuận, hợp đồng được ký. Nhưng trong kinh doanh chưa hẳn chỉ có thế mới gọi là thắng. Bỏ cuộc đúng thời điểm để tái phối trí, giữ vị thế chủ động cũng là cái thắng. Có khi là thắng lớn.

Ông Trump đã nghĩ xa hơn đến mùa bầu cử tới - đến năm 2018 cho Quốc hội và 2020 cho tổng thống. Bộ luật này tuy là nhằm trao quyền tự do chọn lựa lại cho người dân là điều hoàn toàn hợp lý với nền tự do dân chủ thay vì nhà nước quyết định đời sống của người dân như Obamacare, nhưng giả sử nó được thông qua bây giờ kể là thắng thì vẫn bị mang tiếng là hoàn toàn của đảng CH trong khi chưa có lời kêu gọi đảng DC, và không ai dám chắc hệ quả của nó hoàn hảo như quyết tâm của CH . . .

Sự rút lui đột ngột của tổng thống Trump sẽ để cho đối phương trong bàn đàm phán hụt hẫng. Đây là thế lấy nhu chế cương. Nhóm freedom caucus trong đảng sẽ tự nhiên thấy mình đẩy quá đà, bị chúi mũi và sẽ chịu áp lực nặng hơn từ phía cử tri; phía DC cũng chẳng kém.

Phe DC đột ngột thấy hả dạ, nhảy tưng tưng ăn mừng, bà Nancy Pelosi lãnh đạo thiếu số Hạ viện và ông Chuck Schumer lãnh đạo khối thiểu số Thượng viện liền lên diễn đàn nói rằng đây là chiến thắng của toàn dân! Hết lần này đến lần khác, DC lại bị hớ nữa! Obamacare đâu phải là bộ luật hoàn chỉnh, nó đang tác họa hơn tác phúc, và DC cần phải sửa để chuộc tội với cử tri nhằm cứu mình trong mùa bầu cử tới. Như vậy mà cũng mừng, bình tĩnh sẽ thấy mình ăn mừng cho sự tiếp tục thất bại. DC ôm trọn trách nhiệm Obamacare và nó như cái xác đang nằm trong quan tài chưa chôn hay nói khác đi như con tàu Titanic đụng đá đang chìm một đầu. Thế mà người lãnh đạo lại mừng! Áp lực cử tri đối với DC sẽ bắt đầu nặng hơn trước khi ông Trump đột ngột rút lui và tuyên bố có thể để cho nó tự nổ tung. Dĩ nhiên ông Trump thừa biết lúc nào họ cũng đòi “phe ta mới đúng”. Nhưng kêu gọi DC hợp tác thổng thống đã tỏ ra là người lãnh đạo toàn dân.

Khi đột ngột rút lui gây sửng sốt và tức khắc mở ra một cánh cửa, tổng thống đã chiếm thế thượng phong với cả hai bên DC và freedom caucus. Bây giờ DC chắc chắn đang lo ông Trump lơ là để cho con tàu chìm, còn Freedom caucus thì lo tổng thống có khi sẽ ngã về phía DC.

Trước mắt dân chúng, cho dù có ghét ông ta, tổng thống Trump đã được hình ảnh là người của hành động vì ông đã giữ lời hứa của mình. Những đề xuất sắp tới nếu lưỡng viện Quốc hội bất kỳ phe nào tiếp tục cố tình ngăn cản kế hoạch của tống thống – cái gì cũng chống một cách thái quá sẽ bị cử tri trách phạt chính phe nhóm của họ. Tổng thống rút lui quả là cách hoà giải căng thẳng khá độc đáo và có tính toán: thối một tiến ba. Ai nghiên cứu triết lý thái cực quyền biết rõ nhất. Như vậy thì ai thắng ai thua đã rõ!

Có điều là nếu tổng thống để quá trễ thời điểm con tàu chìm, đến khi người mất bảo hiểm vì sợ mà buộc lòng phải ùn ùn tự động vào Obamacare - như architect đang mở cửa chờ đón và ông xã nghĩa Sander đang thúc giục - thì kể như viên đá đầu tiên của nền móng xhcn đã đặt và dân HK sẽ cùng ca bài “đảng cho ta mùa xuân”!

Chân thành cảm ơn bạn Đầu Gối.

Vĩnh Tường
Chuyện mặn chuyện nhạt


Note: Một số những hình trong bài này là hình minh họa
Đầu thu năm nay có ngày Thứ Sáu 13, mấy bà trong làng tôi tin là ngày xui nên bảo nhau không đi chơi không đi mua sắm trong ngày này. Người ta còn tin số 6 cũng là số xấu. Ấy thế mà hãng máy bay Phần Lan không tin, vẫn có chuyến bay mang tên 3 con số 6. Chuyến bay AL 666 ngày thứ Sáu 13 vừa qua vẫn đầy khách. Ông Phần Lan này ngon a. Tôi hỏi anh John là tại sao người da trắng cho con số 6 là xấu, thì anh cười hì hì rồi bảo:
- Chính bác đã trả lời rồi đó. Da trắng bảo số 6 là xấu, vì họ tin theo tiếng Việt Nam. Chữ Sáu đọc lên nghe mài mại như chữ Xấu mà.
Các cụ đã thấy cái anh bạn da trắng này láu cá chưa! Xin kể thêm chuyện về cái anh John vui tính này. Tuần qua, anh và vợ là Chị Ba Biên Hòa đi chợ mua thức ăn. Anh chị vào một hiệu thực phẩm của người Phi Luật Tân, mua luôn một lúc 10 gói rau đay đông lạnh. Từ khi anh chị kết thân với bọn tôi thì anh chị mê luôn món canh rau đay ăn với cà chấm mắm tôm của phe Bắc Kỳ trong làng. Xưa kia, anh da trắng này đâu biết gì rau đay, chị Ba người Nam đâu biết gì rau đay, thế mà cả hai anh chị bây giờ đã lây máu Bắc Kỳ, nay đều mê món Bắc Kỳ này như điên.
Sang Canada này rồi tôi mới biết dân Phi Luật Tân cũng ăn rau đay như mình, nhưng cách nấu khác nhau. Chợ Phi Luât Tân đầy rau đay. Anh kể cho tôi nghe rằng khi Chị Ba đứng trả tiền thì thấy mấy người bán hàng Phi Luật Tân cứ nhìn anh chị rồi bấm nhau mà cười tủm tỉm. Anh chị không hiểu tại sao. Khi về tới nhà thì anh gọi điện thoại hỏi một người Phi Luật Tân bạn của gia đình về việc đi mua rau đay bị người bán hàng cười tủm tỉm một cách bí mật. Anh bạn này phá ra cười rồi trả lời ngay: Theo quan niệm về ăn uống của dân Phi Luật Tân thì rau đay là rau kích dục mạnh nhất. Chèng đéc ơi, vậy sao? Đây là lần đầu tiên tôi mới nghe sự lạ này. Các cụ độc giả có biết chuyện này chưa? Hóa ra ông bà tôi ngày xưa ở quê nhà, quanh năm chỉ rau đay với tương cà nên mới đông con đông cháu vậy sao? Họ cười anh chị John là phải, ăn một gói đã đủ lên mây, đây anh chị mua luôn một lúc 10 gói!
Cũng đầu tháng Chín với ngày Thứ Sáu 13 này, ở Quebec đang có một quả bom sắp nổ lớn. Đó là quả bom về tôn giáo và văn hóa. Lâu nay người da trắng ở đây khi trông thấy mấy bà Hồi Giáo cuốn khăn che đầu che mặt thì họ ngứa mắt lắm. Ngày xưa, họ đã ngứa mắt với mấy ông Sikh cuốn khăn trên đầu, nhưng không ngứa nhiều bằng khi thấy mấy bà mấy cô Hồi Giáo. Chính quyền tỉnh bang Quebec đang làm luật để ngăn cấm các công chức không được ăn bận theo lối đó. Vừa đây lại có thống kê cho biết 1/3 dân Quebec cũng muốn cấm luôn nhân viên tư chức gốc Hồi Giáo che đầu che mặt. Nhóm Hồi Giáo đang làm ầm lên việc này. Họ dự định tổ chức 2 ngày hội thảo ở Palais des Congrès ở Montreal vào đầu tháng 9 để bàn về tự do tôn giáo, nhưng họ đã phải bỏ ý định này vì chính quyền ở đây không cho phép. Lý do là vì hội nghị sẽ có 4 diễn giả Hồi giáo từ Paris tới. Đây là 4 giáo sĩ cực đoan, họ mà tới đây thì họ sẽ mang lửa đến. Chính quyền Quebec đang thảo một đạo luật mang tên ‘Charter of Values’, Hiến Chương Các Giá Trị,…
Anh John bình luận: Chúng ta phải có can đảm nói lên một sự thật như Tổng thống Vlamir Putin của Nga đã nói trước Quốc hội Nga ngày 4 tháng 2 đầu năm nay. Bài diễn văn này rất ngắn, nhưng cô đọng, nói hết sự thực và nhắm thẳng vào nhóm di dân thiểu số. Bài diễn văn này đã được các dân biểu Nga đứng lên vỗ tay lâu 5 phút, như vậy có nghĩa là dân Nga tán thành lập trường của Putin.
Ông nói thế này: Nước Nga là của người Nga. Bất cứ nhóm di dân thiểu số nào đến đây cũng phải sống như người Nga, tôn trọng luật pháp và văn hóa của người Nga. Nhóm nào muốn sống theo luật Sharia của Hồi Giáo thì hãy đi chỗ khác. Nhóm thiểu số này cần nước Nga chứ nước Nga không hề cần họ. Phong tục tập quán nước Nga không thể thỏa hiệp với phong tục tập quán của nhóm thiểu số. Xin các nhà làm luật nhớ kỹ điều này. Họ không phải là người Nga.
Cả quốc hội Nga đã đứng lên vỗ tay.
Hình như trước đây Thủ tướng Úc Đại Lợi hay Tân Tây Lan cũng đã nói y như vậy: Xin mời mấy mợ trùm khăn bịt mặt đi chỗ khác!
Ai cũng mong một bài diễn văn như thế ở Quebec.
Ngay sau đó, một nguyện đường Hồi giáo ở Chicoutimi tại đây đã bị xịt máu heo và một bảng chữ đã được viết lên tường: Tín đồ Hồi Giáo nên đồng hóa hoặc hồi hương.
Đó là tin lửa văn hóa đang cháy đỏ rực ở bầu trời Quebec miền đông. Còn miền tây Canada cũng có màu đỏ rực nhưng không phải trên trời mà đỏ rực dưới nước. Các cụ phương xa đọc đến đây chắc không thể đoán được việc đỏ rực này đâu. Để tôi xin thưa ngay: Đó là màu đỏ của gần 8 triệu con cá hồi.
Các cụ biết những đặc điểm của cá hồi chứ. Tôi thích cái tên ‘Hồi’ này quá. Hồi đây nghĩa là trở về, là hồi hương sinh quán. Con cá hồi được sinh ra trong miền nước ngọt, sống và lớn lên trong miền nước ngọt một năm. Khi tới tuổi dậy thì hai tuổi, con cá bỏ miền nước ngọt trong sông mà bơi ra biển, sống trong nước mặn. Con cá trưởng thành trong nước mặn, yêu nhau trong nước mặn, mang bầu trong nước mặn. Sau ba năm vùng vẫy trong đại dương nước mặn thì đàn cá tự quay về sinh quán nơi chúng đã sinh ra, chúng từ miền nước mặn lại trở về miền nước ngọt. Con cá cái thì vùng vẫy vượt dòng sông, vượt mọi thác ghềnh, tới đầu dòng sông, để đẻ trứng. Đẻ xong thì cá mẹ hết sức, trút hơi thở cuối cùng…
Việc cá hồi từ biển bơi vào đang diễn ra tại con sông Adams thuộc tỉnh bang British Columbia miền tây Canada, và được xem là một cuộc hồi hương lớn nhất trong 100 năm nay. Cá đẻ trứng ở đầu nguồn vào tháng 10 hằng năm. Mọi con cá hồi đều nhớ mùi của dòng sông sinh quán. Chúng định hướng di chuyển bằng mùi. Con cá tìm ra lộ trình trở về một cách dễ dàng, không bao giờ đi lạc. Khi vào tới vùng nước ngọt thì cá thôi ăn và từ màu trắng chuyển sang màu đỏ sáng. Cả một khúc sông đỏ rực là thế. Cá hồi có khả năng bơi ngược dòng sông, vượt qua các dòng nước chảy xiết, từ đại dương vào tới sông Adams là một lộ trình dài hơn 500 cây số. Các con cá cái nhất định bơi cho tới cuối dòng là nơi chúng đã sinh ra rồi mới đẻ trứng, rồi kiệt sức mà nằm xuống.
Theo dự kiến của Bộ Ngư Nghiệp Canada thì trong tháng 10 năm nay sẽ có chừng 8 triệu con cá hồi hồi hương, trong số này phân nửa là cá cái sẽ đẻ trứng. Lượng cá hồi hương năm nay được dự báo là nhiều gấp hai lần số thường lệ hằng năm.
Du khách có thể đến ngắm đoàn cá hồi vĩ đại này tại công viên Roderick Haig-Brown ngay bên bờ sông Adams. Các cụ phương xa nghĩ sao? Cụ ngắm hoa anh đào trên mặt đất, cụ ngắm đàn di điểu trên trời, nay cụ có muốn ngắm đoàn cá biển dưới nước không?
Nghe tôi hỏi câu này, không biết các cụ phương xa nghĩ sao, chứ ông ODP trong làng tôi thì cười ha ha rồi nói tướng lên: Các cụ Việt Nam làm mắm ở Phan Thiết ơi, mời các cụ đến gặp tôi ngay. Trời cho chúng ta một núi cá để làm nước mắm, tại sao chúng ta lại thờ ơ là làm sao? Ta chả cần phải ra khơi bắt cá gì cả. Chúng đẻ trứng xong, kiệt sức, nằm lăn ra ngay bờ sông, ta chỉ việc lấy rổ xúc đem vào ướp muối là có nước mắm ngay. Mọi thứ đều dễ, đều nhẹ, đều trong tầm tay.
Ông ODP nói xong rồi nhờ tôi viết lời kêu gọi gửi bạn bốn phương. Ông bảo tôi phải giúp tối đa và nói cho to tiếng chứ hồi mùa hè năm ngoái ông có lên tiếng mời gọi con cháu Cụ Võ Văn Vân [1884-1945] (nhà sản xuất thuốc Đông Y danh tiếng của mièn Nam VN) ở Saigon mà chả thấy ai đáp ứng gì cả. Các cụ còn nhớ việc này không? Canada mỗi năm cho phép giết mấy triệu con hải cẩu ở Bắc Cực để bảo vệ ngư nghiệp. Dân thương mại đã giết hải cẩu và chỉ lấy bộ da để xuất cảng. Da hải cẩu rất có giá trong giới thời trang Âu Châu. Họ chỉ lấy bộ da mà thôi còn các thứ khác họ đều vất đi hết. Trong các thứ vất đi này thì ông ODP tiếc nhất một thứ quý giá là quả thận hải cẩu. Cụ Võ Văn Vân ngày xưa đã chế ra một dược phẩm nổi tiếng ‘Tam Tinh Hải Cẩu Bổ Thận Hoàn’, một dược liệu tương đương với xuân dược Viagra ngày nay. Ông ODP bảo ngày xưa ở Saigon làm sao mà cụ Võ Văn Vân có được quả thận của hải cẩu, nếu có thì may lắm là có một vài miếng nhỏ. Bây giờ hằng năm Canada vất đi cả một núi thận tam tinh!
Vậy tôi xin trình các cụ: Làng tôi đang thành lập công ty chế tạo thuốc Tam Tinh Hải Cẩu và nhà máy chế biến nước mắm Cá Hồi. Cụ nào giàu tiền giàu sáng kiến và giàu sức khỏe xin liên lạc ngay với ông ODP là tổng giám đốc hai đại công ty này nha. Kho vàng đang nằm trong núi cá hồi, núi hải cẩu, hoàn toàn miễn phí, tại sao ta không lấy?
Trên đây là các tin nổi cộm ở Montreal miền đông và British Columbia miền tây Canada, còn miền trung là Toronto này thì sao? Thưa, tháng Chín vừa qua là tháng văn hóa, dân làng tôi đã đi xem hội chợ của các sắc dân thiểu số mệt nghỉ. Không có ngày cuối tuần nào mà không có hội chợ. Gần nhà tôi nhất, giữa tháng vừa qua, là hội chợ của dân Ukraine, một nước đông Âu nằm trong khối Nga Xô ngày xưa. Họ có mặt ở đây rất đông. Đa số là dân cũng chạy trốn CS như người Việt mình. Hai ngày cuối tuần họ đã chiếm một đoạn đường quan trọng nhất để diễn hành, để trình diễn văn nghệ, để bày các sản phẩm.
Riêng người Việt Nam mình thì cũng có nhiều sinh hoạt văn nghệ, và nổi bật nhất là buổi ra mắt sách của thi sĩ Cung Trầm Tưởng. Các cụ biết hai bài ca nổi tiếng ‘Lên Xe tiễn em đi’ và ‘Mùa Thu Paris’ của nhạc sĩ Phạm Duy chứ? Lời nhạc là lời thơ Cung Trầm Tưởng đó. Buổi ra mắt sách do Hội Y Sĩ Việt Nam ở Toronto đỡ đầu, BS Nguyễn Duy Sản làm trưởng ban tổ chức với sự góp sức của nhà văn hào sảng Tôn Kàn. Ông thi sĩ Cung Trầm Tưởng, trên 80 tuổi vàng, đầu tóc đã bạc phơ, nhưng sắc người còn hồng hảo khỏe mạnh, tiếng nói còn rổn rảng như tiếng chuông. Ông nói chuyện rất có duyên. Hội trường có hơn 200 chỗ ngồi mà dân ta ngồi đầy. Bao nhiêu sách ông đem theo đều bán hết. Trong buổi ra mắt có mục cho độc giả lên nói chuyện với tác giả. Một cụ ông tóc bạc đã lên phát biểu đòi nợ. Ông làm cả hội trường cười. Ông bảo ngày xưa, hồi đầu thập niên 1960 ở Saigon, tối thứ Bảy nào ông cũng phải đi nghe nhạc ở quán Anh Vũ đường Bùi Viện. Ông đến không phải để nghe ca sĩ Thái Thanh hay Thanh Thúy hát mà để nghe Lệ Thanh hát. Cô ca sĩ trẻ Lệ Thanh hát hai bài ‘Mùa Thu Paris’ và ‘Tiễn Em’ hay vô cùng. Tiếng hát của cô đã làm say đắm nhiều con tim. Vì lời bài hát là lời thơ của Cung Trầm Tưởng. Ông Tưởng đã vẽ ra một công viên Lục Xâm Bảo đẹp quá. Qua lời thơ, qua tiếng hát Lệ Thanh, ông độc giả này đã nghĩ rằng công viên này đẹp vô cùng, cho nên mấy năm sau ông đi du học ở London, từ London ông đã bay sang Paris chỉ để xem công viên Lục Xâm Bảo.
Tới xem xong thì ông thất vọng hoàn toàn, vì nào công viên này có gì đẹp đâu, ngoài mấy ghế đá vá mấy gốc cây già. Ông độc giả này mới sáng mắt ra: Công viên này đẹp thơ mộng vì ông thi sĩ có người yêu ‘em mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ’ bên cạnh. Ông cho rằng mình đã bị thi sĩ Cung Trầm Tưởng đánh lừa, nên đã mất tiêu 200 đô la tiền xe, nên buổi này ông gặp được thi sĩ thì đòi bồi thường…
Lời thơ Cung Trầm Tưởng và dòng nhạc Phạm Duy có ma lực, đã hút hồn biết bao người. Phe liền ông trong làng chúng tôi đã mang chuyện thơ chuyện nhạc ra bàn luận suốt một buổi sáng Thứ Bảy tuần qua.
Ông ODP bảo nếu không có cà phê thì chắc chúng ta không có nhiều hứng nói lâu như vậy. Thế là từ đề tài thơ Cung Trầm Tưởng chúng tôi đã bàn sang chuyện cà phê. Bồ chữ ODP lại thao thao. Ông bảo hồi 1954 khi mới di cư vào Nam, nghệ thuật uống cà phê của ông đâu đã lên cao như bây giờ. Anh H.O. thời đó còn con nít, chưa biết gì về cà phê Saigon nên xin ông kể cho nghe. Ông ODP kể ngay. Rằng cà phê thời đó ở Saigon dở ẹc, chưa có ai biết khai thác ngành cà phê cả. Lúc đó, cà phê là món nước uống như nước trà. Hoặc trà hoặc cà phê. Hễ ăn uống là ra tiệm hủ tíu, với bánh bao, với há cảo, với xíu mại. Hồi đó là thời huy hoàng của các vua A Coóng, vua A Hoành… Các tiệm hủ tíu cũng là các tiệm bán cà phê. Thời 1954 Saigon chưa biết đến cà phê phin. Lúc đó là cà phê bí tất. Sở dĩ gọi là cà phê bí tất vì các chú Tàu dùng cái túi vải đổ cà phê vào rồi cho vào cái siêu nước sôi. Các chú quấy một chập thì có cà phê mang ra cho khách. Đó là nước thứ nhất. Sau đó đến nước thứ hai. Cái túi cà phê nhúng đi nhúng lại trông y như cái bí tất.
Hồi 1954, dân Bắc Kỳ di cư thấy mấy ông Nam Kỳ uống cà phê thì tròn xoe cả mắt: các ông ngồi ghế kiểu nước lụt, chân dưới chân trên. Cà phê sau khi khuấy nhẹ cho tan đường thì được đổ ra cái đĩa phía dưới. Đổ ra nhưng không uống ngay, các ông còn khề khà vấn thuốc hút, phải một hơi thuốc đã rồi mới bưng cái đĩa lên nhâm nhi. Vừa uống vừa bàn chuyện đua ngựa, chuyện tuồng Tàu, chuyện số đề số đuôi, uống cà phê như thế mới là người sành điệu.
Hồi đó quán hủ tíu có khắp nơi, và hầu như có một mẫu chung: phía trước hiệu bao giờ cũng là một xe hủ tíu khói nghi ngút. Xe làm bằng gỗ, thiết kế hầu như giống nhau. Phía trên là những tấm kiếng vẽ hình các nhân vật trong Tam Quốc Chí, Quan Công, Lưu Bị, Trương Phi, Triệu Tử Long… phía dưới mới là những thùng nước lèo, nước sôi, khói lên nghi ngút. Phía bên trong cái xe này mới là những cái bàn, những cái ghế đẩu. Trên bàn bao giờ cũng bày sẵn bánh bao, bánh tiêu, dầu cháo quảy, xíu mại.
Mãi về sau, đầu thập niên 1960 cà phê phin (filtre) mới xuất hiện. Nó bắt đầu từ Nhà Hàng Kim Sơn ở góc đường Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực. Nhà hàng này đã khai sáng ra việc bày bàn ghế ngoài hiên để khách hàng vừa uống cà phê vừa ngắm thiên hạ qua lại. Rồi cà phê phin lần lượt xuất hiện ở nhà hàng La Pagode, Continental, Givral, Brodard… Rồi từ uống cà phê đi thêm bước nữa là nghe nhạc, từ nhạc đĩa tiến lên nhạc sống, và quán cà phê Anh Vũ trên đường Bùi Viện ra đời, rồi Jo Marcel trên đường Hai Bà Trưng, rồi Đêm Màu Hồng trên đường Tự Do… Vừa uống cà phê vừa nghe nhạc sống.
Các cụ đã thấy ông ODP có một bộ nhớ đáng kinh ngạc chưa. Hỏi cái gì ông cũng biết. Càng việc ngày xưa ông càng nhớ. Anh John nghe ông kể xong thì thấy hình ảnh tách cà phê ở Việt Nam hồi xưa thơ mộng và ngon quá. Ông cứ tiếc là hồi đó mà được quen ông, rồi được theo ông đi uống cà phê, nhất là theo ông đi quán Anh Vũ vừa uống cà phê vừa nghe Lệ Thanh hát thì thật là tuyệt vời.
Trên đây là các chuyện văn chương chữ nghĩa mà các nhà quân tử chúng tôi bàn ở quán cà phê vào sáng Thứ Bảy. Vì câu chuyện hấp dẫn nên các nhà quân tử đã miên man bàn luận kéo dài đến quá trưa. Thế là chúng tôi ăn trưa luôn ở đây. Sau đó chúng tôi kéo về nhà cụ Chánh để họp làng.
Chúng tôi quên khuấy bữa nay là lễ Tết Trung Thu. Phe các bà tíu tít làm cơm buổi chiều. Cơm xong là phần uống trà và ăn bánh trung thu. Mọi năm thì cụ Chánh mua bánh ở phố Tàu, nhưng năm nay, đọc tin trên báo thấy anh Tàu bây giờ làm bánh tầm bậy, toàn chất độc, nên cụ Chánh đề nghị các bà làm mấy món ăn dân tộc, chè đậu xanh, chè đậu đen với các loại xôi. Không ngờ cỗ xem trăng mà sang trọng, đầy màu sắc dân tộc và ngon đến thế.
Anh John định mang câu chuyện về cà phê ra bàn tiếp thì cụ B.95 lên tiếng trước. Cụ bảo cả tháng nay chờ mong tiếng cười của anh John. Cụ bảo cụ đã được nghe nhiều chuyện cười Anh Pháp Mỹ, mà chưa hề được nghe chuyện cười từ phía nước Nga. Cụ bảo chuyện cười cơ, chứ khi còn ở Việt Nam thì cụ đã nghe và bị bắt buộc phải nghe bao nhiêu thứ liên hệ tới Nga Xô, như chuyện Xuân Diệu và Tố Hữu nhận cụ Xít Ta Lin là ông nội, như chuyện Nga Xô lên mặt trăng trước Mỹ… Cụ nghe đầy lỗ tai rồi. Cái anh John này cũng chả thua gì ông ODP bao nhiêu, cũng là một thứ bồ chữ. Anh bèn mang cái máy iPad gì đó ra bấm bấm mấy cái rồi nói ngay: Cháu mới đọc được một bài viết rất hay đăng trên tờ báo uy tín bên Anh, đó là báo The Times, nhân ngày kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười bên Nga. Bài báo mang tên: ‘Mười Chuyện Tiếu Lâm hay nhất thời Liên Xô’. Đây là chuyện số 1:
- Ba công nhân bị bắt vào nhà tù. Họ hỏi nhau tại sao phải tù. Anh thứ nhất nói: Vì ngày nào tôi cũng đi muộn 10 phút nên tôi bị buộc tội phá hoại. Anh thứ hai nói: Tôi thì trái lại, ngày nào tôi cũng đi sớm 10 phút nên bị buộc tội gián điệp. Anh thứ ba nói: Ngày nào tôi cũng đến sở đúng giờ, tôi bị buộc tội xài đồng hồ ngoại.
Đọc đến đây xong thì anh John tuyên bố hết chuyện thứ nhất. Cả làng ngơ ngác: Cái gì vầy nè? Đây là chuyện được chấm giải hay nhất bên Nga sao?
Cụ B.95 giơ tay can cả làng, xin cứ để anh John đọc tiếp chuyện thứ hai. Anh liền đọc tiếp chuyện được giải hai.
…Rằng có bữa kia một anh mật vụ KGB vào một công viên đi tuần. Anh thấy một cụ già đang đọc sách. Anh hỏi cụ đang đọc sách gì, cụ già trả lời cụ đang đọc sách dạy tiếng Do Thái. Anh mật vụ hỏi tại sao cụ đang ở Nga mà lại học tiếng Do Thái, cụ trả lời:
- Để sau khi chết, tôi lên thiên đàng thì tôi có thể nói chuyện với tổ phụ Abraham và Moses, hai tổ phụ là người Do Thái nên tôi phải biết tiếng Do Thái.
- Anh mật vụ bảo: Lỡ cụ không được lên thiên đàng thì sao?
- Nếu tôi không được lên thiên đàng mà phải xuống hỏa ngục thì tôi không cần học tiếng Nga vì ở đó có rất nhiều lãnh tụ Liên Xô.
Rồi anh John tuyên bố hết chuyện tiếu lâm thứ hai của Nga.
Cả làng tôi nghe xong thì không hề cười hay vỗ tay vì không ai thấy chuyện hay ở chỗ nào. Chính cụ B.95 cũng thấy chán mấy chuyện cười này nên đành xin ngưng chuyện Nga. Cụ bảo anh John hãy kể cho cụ nghe chuyện tiếu lâm nào mà anh cho là hay nhất. Anh bèn nói:
Cháu luôn luôn đi tìm chuyện tiếu lâm hay nhất trên thế giới, mà cho tới hôm nay cháu chưa thấy chuyện nước nào hay như chuyện Việt Nam. Nhiều chuyện lắm. Không phải chuyện tiếu lâm bây giớ mới hay mà chuyện tiếu lâm Việt Nam ngày xưa cũng đã hay quá sức.
Theo văn học sử thì người Việt Nam đầu tiên phổ biến chuyện tiếu lâm bằng chữ quốc ngữ là Cụ Trương Vĩnh Ký với cuốn ‘Chuyện Khôi Hài’ xuất bản năm 1882 ở Saigon. Người thứ hai là Cụ Phạm Duy Tốn với cuốn ‘Tiếu Lâm An Nam’ xuất bản năm 1924 ở Hà Nội. Cụ Phạm Duy Tốn là bố của nhạc sĩ Phạm Duy. Trong tập này cháu thấy chuyện ‘Đi xin lửa’ là hay nhất. Cụ Tốn viết thế này:
- Có một ông già đã ngoài 70. Một trưa hè kia ông đang nằm võng ngủ thì có cô con gái hàng xóm trạc 18 qua xin lửa. Ông bảo cô:
- Lửa ở bếp, cứ lại thổi lấy.
Chẳng may bếp nguội, thổi mãi không được, chị phải chổng mông, ghé mồm, lấy hơi, phồng má, thổi một cái rõ mạnh. Không ngờ vãi ra một cái ‘bủm’. Ông lão giật mình, ngồi nhỏm dậy, nhìn cô gái rồi nói:
- Thôi! Thế là chị làm bạt vía ông Thổ Công nhà tôi rồi. Tôi bắt đền chị đấy!
Cô con gái kia thẹn đỏ mặt, thấy ông lão nói bắt đền thì sợ quá, mới chắp tay van rằng:
- Cháu lạy ông, cháu trót dại, xin ông tha!
- Tha thế nào được. Vía ông Thổ Công nhà tôi có phải là chuyện chơi đâu. Tôi phải đi trình làng mới được. Chị hãy đi ông Lý với tôi.
Nói rồi ông lão đứng dậy ra bộ đi thật. Chị con gái thấy thế sợ cuống, vội vàng chạy lại nắm áo ông lão mà kêu xin rằng:
- Cháu lạy ông vạn lạy, ông đừng làm thế kẻo người ta cười cháu chết. Ông bảo cháu cái gì cháu cũng xin vâng.
Ông lão không nghe cứ làm già, chị kia năn nỉ van vỉ mãi. Lúc đó ông lão mới bảo rằng:
- Thế thì chị phải nằm xuống để tôi thu vía ông Thổ Công nhà tôi lại.
Cô con gái túng thế phải chịu. Ông lão thu một hồi lâu, rồi tha cho cô ả về. Ông lão thì nhọc lử cò bợ, nằm thẳng cẳng như người chết rồi.
Cô ả quen mùi, trưa hôm sau lại dẫn xác đến nhà ông lão, te tái nói rằng:
- Ông ơi, cháu lại đánh rắm!
Ông lão thở không ra hơi, nằm từ hôm qua cũng chưa lại hồn. Ông lắc đầu rồi nói:
- Chị có ị ra đấy lão cũng chịu thôi !
Và anh John xin hết chuyện. Cả làng vỗ tay rồi cười ầm lên, mãi mới thôi. Hai cô Huế thì vỗ tay lâu nhất, miệng thì cứ xuýt xoa: sao mà chuyện Bắc kỳ hay đến thế! Chuyện kể cách đây đã hơn 80 năm mà còn hay thấm thía. Ý thì tục, văn thì không tục mà nhẹ nhàng.
Để cho làng vãn cơn cười, ông ODP mới hỏi anh John:
- Theo anh thì câu chuyện này nói về cái gì? Anh John đáp ngay: Đây là câu chuyện ông già dê xồm, và cô gái ‘biết mùi chùi không đi’. Ông ODP gật đầu đồng ý, rồi nói thêm: Đây là câu chuyện cổ, cụ Tốn viết cách đây 80 năm, tôi đoán chắc chuyện này đã có trong dân gian trước nữa, cụ Tốn chỉ chọn lọc rồi đăng mà thôi. Trong chuyện này có nói đến việc đi xin lửa. Đây là một nét văn hóa nói lên đời sống làng xã ViệtNam ngày xưa. Thuở ấy, ai nấu bếp xong cũng phải giữ lửa, tức là lấy tro phủ lên lớp than hồng. Giữ lửa như vậy liên tục. Khi nào muốn nấu thì cơi lớp than này ra rồi thổi lửa lên. Cô gái sang xin lửa tức là nhà cô gái đã vô ý để tắt bếp, đã không giữ lửa. Muốn có lửa thì phải mang cái ‘bùi nhùi’ sang xin lửa nhà bên cạnh. Ngày xưa chưa có que diêm.
Cụ B.95 nghe đến đây thì gật đầu đồng ý. Bác nói đúng quá. Ngày xưa ngoài Bắc quê tôi là như vậy đó. Con gái nấu bếp xong mà không giữ lửa là bị ăn đòn ngay. Cô con gái trong chuyện là cô gái nấu bếp mà không giữ lửa nên phải đi xin lửa hàng xóm là thế. Tôi xin hỏi anh John câu này: Chuyện anh vừa đọc là chuyện cười đã 100 tuổi, mà còn mặn đến thế. Chuyện Canada chuyện Mỹ có mặn đến thế không? Anh John lắc đầu: Chuyện các nước khác thua chuyện Việt Nam hết. Chứng cớ là báo Reader’s Digest, một tạp chí uy tín thế giới, có nhiều mục chuyện cười. Họ kén chọn các chuyện cười do độc giả gửi tới. Số tháng 10 này, trang 132, có đăng chuyện Vỏ Xe Hơi như sau:
Chồng tôi tích trữ vỏ xe hơi đã lâu, nay muốn tống khứ đi. Anh ấy mang hết những vỏ xe này ra trước garage, viết một tấm bảng ‘Free’ to tướng. Thế mà mấy tuần lễ qua chẳng ai thèm lấy. Chồng tôi đổi chiến thuật, anh bỏ tấm bảng ‘Free’ đi, rồi thay vào đó một tấm bảng khác, đề ‘giá $20 một cái’. Hôm trước hôm sau là bao nhiêu vỏ xe bị ‘ăn cắp’ hết.
Chuyện này được giải thưởng đấy các cụ ạ. So chuyện này với chuyện Việt Nam trên đây, các cụ nghĩ sao cơ?

Trà Lũ
Quanh vấn đề LM Vũ Thành Tổ Chức Hội Chợ tại Texas,

Tôi là thằng HO sang Mỹ chưa được lâu nên vẫn chưa quen với sinh hoạt bên xứ tự do này. Nhưng khi nghe bạn tôi bàn tán về việc tổ chức ngày chiến thắng mùa xuân của linh mục Vũ Thành và hai hội đồng gật ở giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Houston nên mới dám chia sẻ chút cảm nghĩ thật của tôi.

Khi còn trong trại tù của cộng sản, tôi đã từng bị chúng hành hạ và bắt tôi nằm ngửa để tên cán bộ đái lên mặt mình vì tôi đã dám cãi lại lời bình phẩm nhục mạ của chúng về tôn giáo của tôi. Nhưng quả thật điều đó không hề làm tôi đau lòng bằng khi nghĩ tới lời của tên cán bộ, chúng nói: “Mày nghĩ chúng sẽ là các linh mục mãi sao? Đảng chỉ cần cho chúng quyền, cho chúng tiền, cho chúng gái là chúng sẽ trở thành các “Đinh Mục” hết”. Và tên cán bộ còn giải nghĩa thêm: “Vì chúng sẽ bị rỉ sét, và khi chiếc đinh đã bị rỉ sét rồi thì mày biết đó, đâu còn dùng được, có khi còn gây ra bệnh phong đòn gánh khiến đám công giáo của chúng mày sẽ bị bệnh kinh phong giật chết hết mày biết không?”.



Viết tới đây tự nhiên tôi không cầm được lòng mình…. Thật chua xót phải không qúy vị. Chính vì thế mới có các linh mục quốc doanh, những linh mục làm tay sai cho cộng sản, những linh mục đã sẵn sàng hưởng lộc và quên đi chức năng và đời sống cơ hàn và thánh hoá của mình.

Cộng sản đã khôn khéo dùng gậy ông đập lưng ông, dùng chính các linh mục làm suy thoái đức tin của người công giáo bằng cách kết nạp và khuyên cáo các linh mục phải biết ăn gian nói dối, phải biết lợi lộc cá nhân, phải biết cầu danh ham vọng, phải biết làm lũng đoạn cộng đồng, làm tê bại hàng giáo phẩm và nhất là phải biết vâng lời và nghe theo đường lối của đảng để sẵn sàng trở thành đinh-mục của chúng…

Vì thế, khi nghe bạn tôi bàn về việc làm của linh mục Vũ Thành mà không khỏi nghĩ đến lời của tên cán bộ, và nhất là câu hỏi trong đầu tôi luôn bị ám ảnh bởi việc làm của linh mục Vũ Thành những năm gần đây như mấy người bạn tôi bàn tán, ông đã tổ chức mừng 40 năm làm linh mục tới hai lần tại Mỹ và không những thế còn về Việt nam tổ chức thêm một lần nữa mà lần nào cũng bốn năm chục bàn… hỏi có mấy linh mục nào “khiêm nhường”và “nghèo khó” như linh mục Vũ Thành không? Đã làm linh mục mà còn ham danh cầu thực như thế thì làm sao giáo dân không khỏi bàn tán, và nhất là, nếu qúy vị nào rành về thuế vụ bên Mỹ, hãy thử tìm hiểu những tiền mà linh mục Vũ Thành cầu thực trong những ngày đó đi về đâu và có khai báo không? Và nếu đi xa hơn hãy kiểm tra tài sản của linh mục Vũ Thành biết đâu chúng ta chẳng phải giật mình vì tiền đâu mà lắm thế…Dĩ nhiên nếu là những kẻ gian dối thì sẽ luôn có trăm ngàn lý do, nhất là gian dối theo đường lối cộng sản, cứ đổ cho người nghèo, kẻ khó là xong hết…

Đây chỉ là câu hỏi của một HO đến muộn, không hiểu luật pháp Hoa Kỳ. Nhưng điều quan trọng là hiện nay linh mục Vũ Thành đương nhiên thách thức cộng đồng Người Việt Quốc Gia, Hội Đồng Liên Tôn, các Đoàn thể đấu tranh, các phong trào kháng chiến và nhất là cộng đồng Công Giáo thuần chất để tuyên chiến và sẵn sàng tổ chức“Ngày Chiến Thắng Mùa Xuân” của cộng sản ngay trên đất Hoa Kỳ …

Chúng tôi, những thằng HO không thể nào chấp nhận sự khinh miệt của linh mục Vũ Thành và đám hội đồng gật của giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt nam tại Houston đã phủi tay và bôi nhọ những công lao chiến đấu ròng rã bao năm và những gian khổ cực hình trong trại giam ngục tù cộng sản của những thằng lính chiến HO chúng tôi…. Nhưng nghĩ lại, hay vì linh mục Vũ Thành đi tu với mục đích để trốn quân dịch hơn là vì lý tưởng nên làm sao hiểu đươc cuộc đời lính chiến và bổn phận làm trai…. Đau lòng thay.

Người xưa nói, miếng ăn là miếng nhục, nhưng có thể vìđã trở thành đinh mục rồi thì miếng ăn trở thành miếng vinh, vì nhờ nó mà cơ hội làm mục rữa giáo hội và hàng giáo phẩm mới đúng theo quan thầy cộng sản.

Và nếu vậy thì chúng ta có nên gọi linh mục Vũ Thành là đinh mục Vũ Thành hay không? Một câu hỏi và tùy qúy vị trả lời.

HO.

Bí quyết ngủ

thức khuya, phương pháp ngủ, Hoa Đà, dưỡng sinh, Bài chọn lọc,
Thường xuyên thức khuya làm việc sẽ ảnh hưởng rất xấu đến cơ thể. (Ảnh: Getty)

Căn cứ y học và kinh nghiệm bản thân, tác giả nhận định một người chân chính ngủ chỉ 3 giờ đầu, còn lại đều lãng phí thời gian, đều là đang gối đầu nằm mơ, không có ai là không nằm mộng. Còn tại sao lúc tỉnh dậy cảm thấy bản thân không nằm mơ, đó là vì bạn đã quên mất.

Theo Hoa Đà, buổi trưa chỉ cần ngủ 3 phút là đã tương đương với 2 giờ, nhưng phải ngủ vào đúng giữa trưa khoảng 12 giờ. Buổi tối nếu ngủ đúng giờ Tý (từ 23h đêm đến 1h) thì 5 phút ngủ tương đương với 6 giờ. Hoa Đà vốn là một vị lương y nổi tiếng thời Đông Hán trong lịch sử Trung Hoa, được xem như thần y, cũng là một trong những ông tổ của Đông y, do đó cách trị bệnh của ông từ xưa đến nay luôn được nhiều người coi trọng.

Tại sao có thể nói như vậy? Điều này có học thức rất lớn, liên quan đến đạo lý Âm Dương, pháp tắc thế giới, pháp tắc vũ trụ, hơn nữa bạn sẽ cảm giác được dưới trái tim có một luồng năng lượng nối liền xuống dung hợp với năng lượng của đan điền (trên thận), được gọi là “Thủy Hỏa ký tế”, nói rộng ra một chút chính là nếu ngủ đủ giấc thì tinh thần bạn sẽ tốt lên gấp trăm lần.

* Thủy Hỏa ký tế: Thủy Hỏa giao nhau, giúp nhau để làm nên công trình, nước ở trên, lửa ở dưới, thời lửa sẽ đun sôi được nước.

Do đó những ai thường thức khuya làm việc, học bài… bất kể việc nhỏ lớn thế nào thì đến giờ Tý cũng phải dừng lại đi ngủ 30 phút, đến giờ Mão (từ 5h đến 7h sáng) dù muốn ngủ cũng không được ngủ, như vậy hôm đó tinh thần của bạn sẽ tỉnh táo.

thức khuya, phương pháp ngủ, Hoa Đà, dưỡng sinh, Bài chọn lọc,

Danh y Hoa Đà. (Tranh vẽ của Trần Dần Khác)

Giấc ngủ và dưỡng sinh

1. Quy tắc giấc ngủ

Danh y nổi tiếng thời Chiến Quốc Văn Chí từng nói với Tề Uy Vương rằng: “Đạo dưỡng sinh của tôi đặt giấc ngủ ở vị trí cao nhất, con người và động vật chỉ có ngủ mới lớn lên, giấc ngủ giúp tỳ vị tiêu hóa thức ăn, cho nên giấc ngủ là thứ bổ nhất trong dưỡng sinh, một người nếu không ngủ 1 buổi tối thì mất 100 ngày cũng không thể hồi phục sức khỏe bị tổn hại“.

Ngủ có tác dụng rất lớn trong dưỡng sinh, dưỡng chính là dùng rất nhiều tế bào khỏe mạnh thay thế tế bào yếu kém, hư hại, nếu 1 đêm không ngủ tức là không đổi tế bào mới. Nếu nói ban ngày có 1 triệu tế bào chết đi, ban đêm chỉ bù lại được 500 ngàn tế bào, như vậy cơ thể của bạn sẽ bị thiếu hụt, lâu dần bạn liền rỗng như củ cải bị xốp. Vậy làm sao trên thế giới có những cụ già sống trên 100 tuổi? Đó là vì mỗi tối họ đều đi ngủ đúng giờ vào 21h.

Thực tế trong cuộc sống có không ít người bị khó ngủ, hoặc chất lượng giấc ngủ không cao. Giấc ngủ không tốt là một vấn đề mang tính tổng hợp, nguyên nhân chủ yếu là do can hỏa vượng, vị hỏa thượng viên, can âm hư.

Can hỏa là chứng trạng do can khí uất kết, thành hơi nóng nghịch lên, làm cho nhức đầu, chóng mặt, đỏ mắt, nóng đỏ mặt, miệng khô đắng, v.v. Người có can hỏa quá thịnh khi ngủ sẽ rất cảnh giác, giấc ngủ không sâu.

Vị hỏa quá thừa do vị có tích nhiệt hoặc ngoại cảm ôn tà phạm vào vị hóa hỏa mà thành bệnh, dẫn đến môi, miệng, lưỡi, chân răng loét nát, sưng đỏ và đau. Người mắc chứng vị hỏa quá thừa thường ngủ không yên giấc.

Can âm hư là do âm dịch của can không đủ gây choáng váng, 2 mắt khô sáp, họng khô, tai ù, mặt nóng đỏ, ngũ tâm phiền nhiệt… Ai mắc chứng can âm không đủ khi ngủ sẽ cảm thấy mệt nhọc.

2. Giấc ngủ và bệnh tật

Phương thức và thói quen sinh hoạt hiện đại đã mang đến rất nhiều ảnh hưởng tiêu cự cho cơ thể chúng ta, dẫn đến hình thành “4 bệnh lớn”: Bệnh hoa quả, bệnh tủ lạnh, bệnh ti vi máy tính, bệnh thức khuya. Gan có một đặc điểm là khi nằm chuyển máu về gan, khi ngồi hoặc đứng sẽ cung cấp máu ra ngoài.

thức khuya, phương pháp ngủ, Hoa Đà, dưỡng sinh, Bài chọn lọc,
Giấc ngủ đúng giờ là điều tốt nhất để bảo vệ gan. (Ảnh: Guardianlv.com)

Giờ Tý (23h-1h), thực ra 23h đêm mới là thời gian bắt đầu một ngày mới, chứ không phải 0h, đây là hiểu biết sai lầm của chúng ta. Gan và mật hỗ trợ lẫn nhau như một, 23h là lúc kinh mạch của túi mật được mở ra, nếu khi đó không ngủ thì sẽ làm tổn hại lớn tới đảm khí, vì 11 cơ quan tạng phủ đều phụ thuộc vào túi mật. Đảm khí một khi hư thiếu sẽ dẫn tới chức năng của toàn bộ cơ quan khác trong cơ thể đều giảm xuống, sức miễn dịch giảm xuống, các chức năng của cơ thể giảm xút trầm trọng, đảm khí hỗ trợ trung khu thần kinh nên nếu đảm khí bị thương sẽ dễ mắc phải các bệnh về thần kinh, ví dụ như chứng tâm tình uất ức, tâm thần phân liệt, chứng ám ảnh, bồn chồn…

Giờ sửu (1h-3h) là thời gian kinh mạch gan vượng nhất, nếu không ngủ, gan không thể thải độc, sản xuất ra lượng máu mới, vì lưu giữ máu xấu nên sắc mặt xanh xao, lâu dần dễ bị mắc các bệnh về gan. Người mắc viêm gan siêu vi B là do thường thức đêm, mất ngủ, cơ thể quá hư nhược, nói cách khác là cơ thể quá rối loạn khiến virus thừa cơ xâm nhập vào tới tế bào.

Vậy ngủ không đúng giờ giấc mang đến những tổn thương nào cho gan?

– Can chủ sơ tiết, sơ tức là khai thông, tiết tức là phát tán, làm cho khí toàn thân thông mà không trệ, tán mà không uất. Nếu quá giờ Tý không đi ngủ có thể gây ra bất lợi cho hoạt động sơ tiết của gan, làm can khí tích tụ có thể dẫn tới các triệu chứng như dễ tức giận, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, đau mắt, ù tai, điếc tai, đau sườn ngực, nữ giới kinh nguyệt không đều, táo bón, cũng dẫn tới can khí thăng phát không đủ, mệt mỏi, đau đầu mỏi gối, chóng mặt, mất ngủ, tim hồi hộp, lơ đãng, nghiêm trọng còn bị bất tỉnh nhân sự, té xỉu khi đang trên đường.

– Gan thông với mắt, nếu quá giờ tý không ngủ sẽ dễ khiến can hư, thường xuất hiện các triệu chứng như mờ mắt, hoa mắt, quáng gà, sợ ánh sáng, chảy nước mắt khi ra gió… Ngoài ra, nó còn có thể dẫn đến các bệnh về mắt như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, xơ cứng động mạch võng mạc, bệnh võng mạc các bệnh về mắt khác.

– Can chủ cân, nếu quá giờ tý vẫn chưa đi ngủ sẽ khiến can huyết bất túc, cân mạch mất đi sự nuôi dưỡng dẫn tới đau cơ, tê bì chân tay, khó co duỗi gân cơ, co giật, dễ bị nấm móng tay, thiếu canxi, xương bánh chè mềm đi, động kinh, loãng xương, tắc mạch.

– Vì tim chủ huyết mạch, tức là tâm khí thúc đẩy huyết dịch vận hành trong lòng mạch, phát huy tác dụng dinh dưỡng và tư nhuận, trong khi gan lại có chức năng lưu giữ và điều tiết máu nên nếu quá giờ tý không đi ngủ sẽ làm can huyết bất túc dẫn tới tình trạng tim không cung cấp đủ máu, gây ra các triệu chứng như tim đập mạnh và loạn nhịp, run sợ.., trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn tới các bệnh tim mạch như cao huyết áp, thậm chí xuất huyết não.

3. Phương pháp ngủ

thức khuya, phương pháp ngủ, Hoa Đà, dưỡng sinh, Bài chọn lọc,
Nếu mỗi tối bạn đều lên giường nằm từ 22h, im lặng không nói chuyện thì đến 23h bạn sẽ chìm vào giấc ngủ. Gan và túi mật bắt đầu chuyển máu về lọc độc tố và sản xuất ra máu mới. Cứ duy trì như vậy thì đến trăm tuổi bạn cũng không bị sỏi mật, hay mắc các bệnh như viêm gan, xơ gan. Tuy nhiên, nếu ngày nào bạn cũng thức tới hơn 1h sáng, gan không thể chuyển máu về, không thể lọc hết độc tố trong máu, máu mới cũng không được sinh ra, túi mật cũng không thể lưu trữ dịch mật mới, nên bạn sẽ dễ bị sỏi mật, u nang, viêm gan…

Dưới gan và túi mật là dạ dày, nếu bộ phận này gặp vấn đề, bạn sẽ xuất hiện tình trạng ngủ không yên giấc. Trường hợp thứ nhất là chứng vị hàn, chỉ vị dương bất túc, với triệu chứng vị quản đau, đến vội, đau dữ dội, gặp lạnh đau hơn, thích ấm, thích xoa, nôn mửa ra nước trong, miệng nhạt, không khát, ruột sôi ùng ục, ỉa chảy, người lạnh, chân tay lạnh; lưỡi nhợt, rêu trắng trơn, mạch trầm trì hoặc huyền. Chứng này có thể do uống trà quá nhiều hoặc ăn quá nhiều đồ ngấy béo, chắc chắn sẽ khiến bạn ngủ không ngon.

Một tình trạng khác nữa là vị nhiệt, còn được gọi là chứng vị hỏa, có biểu hiện ăn nhiều hay đói, khát nước ưa uống lạnh, vị quản đau hoặc có cảm giác nóng rát, hôi miệng, táo bón, chân răng sưng đau, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch sác hữu lực. Chứng này do nhiệt khí bốc lên, khí thở ra từ miệng đều là khí nóng, nó cũng dẫn tới mất ngủ. Còn một trường hợp nữa là vị táo, miệng lưỡi đều khô, dạ dày có cảm giác thiếu nước.

Còn có một tình trạng là vị hậu, tình trạng này là do chúng ta ăn nhiều thực phẩm giàu đạm ngấy, ví dụ có những người ăn hải sản gà hầm… vì mùi vị rất ngon nên ăn nhiều, nhưng dù có ngon đến mấy cũng không thể ăn quá nhiều hoặc phải trung hòa mùi vị, nếu không mùi vị quá nồng cũng sẽ khiến ta khó ngủ.

Lúc ngủ, chân tay cần được giữ ấm. Vì tứ chi có bản chất là dương nên nếu không được giữ ấm, chắc chắn thận dương bất túc, chức năng khí hóa không còn tác dụng sưởi ấm làm cho thủy thấp thịnh ở trong và cơ năng suy nhược. Ngoài ra, cả bụng và lưng cũng cần được giữ ấm trước khi đi ngủ.


thức khuya, phương pháp ngủ, Hoa Đà, dưỡng sinh, Bài chọn lọc,
Tâm ngủ trước, mắt ngủ sau, là cách tốt nhất để đi vào giấc ngủ. (Ảnh qua Beforeitsnews)

Vì tình trạng mỗi người khác nhau nên phương pháp ngủ cũng khác nhau, sau đây xin giới thiệu đến quý bạn đọc 3 phương pháp ngủ:

1. Trước khi ngủ bạn có thể thử thực hiện động tác gập bụng đơn giản, rồi ngồi xếp bằng tự nhiên hoặc ngồi kiết già trên giường, hai tay xếp chồng lên nhau đặt lên trên chân, hô hấp tự nhiên, cảm giác lỗ chân lông toàn thân nở ra khép lại theo nhịp thở, nếu có ngáp chảy nước mắt thì sẽ có hiệu quả tốt nhất, đến khi muốn ngủ liền ngã xuống ngủ.

2. Nằm ngửa, hít thở tự nhiên, xem như mình không có thân thể, hoặc như là người đang ở trong nước, hòa tan ngón chân cái trước, rồi đến các ngón chân khác, tiếp theo là bàn chân, bắp chân, đùi,… từng bước hòa tan, cuối cùng như không tồn tại, tự nhiên thiếp đi. Nếu vẫn chưa ngủ được, lặp lại lần nữa.

3. Người dễ ngủ có thể nằm nghiêng về bên phải, tay phải nắm tai phải. Lòng bàn tay phải là hỏa, tai là thủy, cả 2 dung hòa thành Thủy Hỏa tức tế, nếu trong cơ thể người thì sẽ hình thành tâm thận tương giao. Lâu dài có thể dưỡng tâm dưỡng thận.

Y học hiện đại đã chứng minh, những người ngủ sớm dậy sớm, áp lực tinh thần sẽ rất nhỏ, không dễ mắc các bệnh liên quan tới tinh thần. Buổi sáng không nên dậy quá sớm để luyện tập, bởi vào sáng sớm khi mặt trời chưa mọc, chương khí, trọc khí đang bốc lên từ đường cống dưới đất ( nhất là ở thành phố), những khí này tổn thương nghiêm trọng đến thân thể chúng ta.


Iris, theo kannewyork

Blog Archive