Thursday, December 30, 2021

Con Đường Kỷ Niệm 

Chợ Tân Định 1947 (Hình internet)

Những năm đầu thập niên 1860s, khi người Pháp đặt chân lên đất Sài Gòn chỉ có 26 con đường bắt đầu từ số 1. Ngày 1-2-1865, Phó Ðô đốc Pierre Paul Marie de la Grandière (1807 – 1876) đặt tên cho 26 con đường nầy. Như ở quận Ba, đường Legrand de la Liraye thời Tây, thời VNCH của mình là Phan Thanh Giản và thời CS là Ðiện Biên Phủ.

Trải qua hơn 300 năm, thương hải tang điền, biển xanh hóa thành nương dâu, Sài Gòn hiện có hơn 1,500 con đường lớn, nhỏ. Tên đường trùng lắp nhau, làm thiên hạ không biết đâu mà rờ. Giao thông Sài Gòn rối như canh hẹ. Vì đứa nào cướp được chánh quyền là đòi làm cha, muốn làm gì thì làm. Tên đường muốn giữ hay loại bỏ là tuỳ hỉ, vui buồn mưa nắng.

Sau 1975, hầu hết những con đường mang tên các nhân vật lịch sử có liên quan đến triều đình nhà Nguyễn (Chúa Nguyễn Ánh), từ các vị vua như: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức… đến các quan văn võ như: Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Trương Tấn Bửu, Trương Minh Giảng, Ðỗ Thành Nhân, Petrus Ký, thậm chí cả Phan Ðình Phùng, Trần Quý Cáp đều bị gỡ xuống. Thay vào đó là những cha căng chú kiết, công trạng với nước Việt Nam như thế nào thì không ai biết.

Hồi VNCH, vùng Tân Ðịnh, có đường Hiền Vương (thời Tây là Mayer) sau CS đổi tên thành Võ Thị Sáu. Hiền Vương là Nguyễn Phúc Tần (chúa Hiền, 1648-1687); là người có công rất lớn trong việc cho người Minh Hương nhập cư, chung sức khai khẩn miền Nam. Nhưng chúa Hiền vẫn bị CS kêu đi chỗ khác chơi. So với công trạng của Hiền Vương, Võ Thị Sáu chỉ là một thiếu nữ khủng bố giết người.

Nhưng đường Paul Blanchy, thời VNCH là đường Hai Bà Trưng chạy ngang qua mặt tiền chợ Tân Ðịnh và đường Mã Lộ phía sau chợ, CS không dám đụng tới. Vì chúng sợ Hai Bà hiện về vặn cổ từ trước ra sau, và chúng sợ ngựa đá cái bụp, không còn cái răng mà ăn cháo bào ngư hay chăng?

Mà nhắc tới đường Mã Lộ là buộc tui phải đề cập tới chợ Tân Ðịnh trước. Vì hai cái đó, nó xà nẹo với nhau. Chợ Tân Ðịnh là một trong 5 ngôi chợ xưa nhất tại Sài Gòn: Bến Thành, Tân Ðịnh, Bình Tây, An Ðông và Bà Chiểu.

Khởi công năm 1926, năm Bính Dần. ‘Khai thị’ năm 1927, năm Ðinh Mão. Năm sau, Mậu Thìn 1928, là năm chào đời của tía tui. Như vậy tui phải kêu chợ Tân Ðịnh bằng bác.

Chợ Tân Ðịnh xây sau chợ mới Bến Thành 13 năm, Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse đã đến dự lễ ‘khai thị’.

Tờ Công Luận Báo ngày 25.7.1927 đưa tin: 

Sớm mai ngày 26 Juillet vừa rồi, lối 9 giờ Sở Ðốc lý thành phố Saigon có bày cuộc lễ khai thị ở Tân-dinh. Thiên hạ đến coi đông như kiến, lính tráng khó bề dẹp được. Giữa chợ treo cờ xí đủ màu coi đẹp lắm. Các quan và Sở Ðốc lý phải đến bày cuộc lễ này, đứng nơi trong, đợi quan Nguyên soái Nam kỳ, chính giữa để một cái bàn có để rượu sâm-banh, mấy người nấu ăn đứng xung quanh coi ngộ lắm. Bước vô bên tay mặt một tấm vải giăng ra và một dàn (sic) máy chớp bóng. 

Tám giờ đúng, một cái xe hơi đưa quan Nguyên-soái Nam kỳ đến, đậu trước chợ, gần hàng rào. Quan Nguyên soái Nam kỳ bước xuống bắt tay quan Ðốc lý (thị trưởng) thành phố Saigon, Lefebvre và ông Héraud Hội trưởng Hội đồng quản hạt, rồi bước thẳng vô chợ. Kế, quan Ðốc lý đọc một bài diễn văn tỏ ý cho trước là quan Nguyên soái Nam kỳ, sau các chức việc biết rằng cái chợ nầy mà cất thành đây là nhờ Sở Ðốc lý ham muốn mở mang hầu cho thành phố Saigon nầy có nhiều nơi tốt đẹp. Bởi vậy Sở Ðốc lý không dụ dự chút (sic) nào mà xuất tiền cất chợ và cũng là nhờ quan Nguyên soái Nam kỳ dự vào nữa. Ông Hội trưởng Hội đồng quản hạt đã ở Saigon lâu rồi có thể biết những điều cần ích, nên muốn Saigon này đứng hàng ngũ cho xứng đáng ở cõi Viễn Ðông nầy vậy. Rốt hết quan Ðốc lý mời quan Nguyên soái Nam kỳ dùng rượu và chúc cho thành Saigon nầy sung thạnh…”.

Bản tin nầy, xin chép lại nguyên văn, cách đây gần một thế kỷ, mà ông phóng viên tường thuật một cách gọn gàng nhưng đầy đủ và dễ hiểu.

o O o

Từ đó, chợ Tân Ðịnh bán đồ tươi ngon, giá có cao hơn các chợ khác một chút, nên gọi là chợ nhà giàu. Trong chợ Tân Ðịnh, sạp thịt, chỗ bán cá ở giữa. Xung quanh là sạp bán rau cải, sạp bán giày dép. Sạp bán trái cây thì nằm ngay mặt tiền, số 336 đường Hai Bà Trưng. Ai có sạp cố định trong chợ thì đóng tiền mỗi tháng. Ai ngồi quanh chợ phía ngoài thì đóng hoa chi, ngày mua một vé, y như vé xe buýt.

Mỗi sạp rộng chừng 1.5 mét. Người bán vải tệ lắm phải mướn tới 2 sạp mới đủ chỗ. Thời CS, Ban Quản lý chợ Tân Ðịnh chơi láu cá, rút chiều ngang mỗi sạp chỉ còn 1.2 mét. Diện tích chợ vẫn thế nhưng số sạp tăng lên để bọn chúng hốt thêm tiền.

Bên tay trái chợ là đường Bà Lê Chân, thời Tây là đường Alexandre Frostin. Bà Lê Chân (20-43) là nữ tướng của Hai Bà Trưng thì đặt tên đường có dính với đường Hai Bà Trưng thì cũng có lý.

Bên tay phải chợ thời VNCH là đường Trần Văn Thạch (1905-1945), thời Pháp là Vassoigne. Thời CS đổi tên là đường Nguyễn Hữu Cầu (1712 – 1751), thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân Ðàng Ngoài vào giữa thế kỷ 18.

Ông Trần Văn Thạch là ai? Tội gì mà bị CS đuổi nhà? Té ra ông Trần Văn Thạch chỉ có cái tội là yêu nước. nhưng ông không phải là Việt Minh. Ðậu tú tài Pháp hạng ưu ở Sài Gòn năm 1925, ông Trần Văn Thạch qua Pháp du học năm 1926. Tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Văn chương Ðại học Sorbone (Paris) ngày 2-11-1929. Về nước đầu năm 1930, ông Trần Văn Thạch không làm quan cho Pháp, mà chỉ đi dạy tư thục, xuất bản và viết cho tờ “La Lutte” (Tranh đấu) bằng Tiếng Pháp.

Sau khi cướp được chánh quyền vào tháng 8, năm 1945, Việt Minh bắt giết hết các nhà hoạt động chính trị khác tổ chức. Và ông Trần Văn Thạch bị giết ngày 23-10-1945 tại Bến Súc, Thủ Dầu Một.

Ðường Trần Văn Thạch ngày xưa (đường Nguyễn Hữu Cầu ngày nay), có xe đẩy bán sâm bổ lượng và hủ tiếu, có rạp chiếu bóng Mô-đẹc. Sau 75, chợ trời bán thuốc Tây ì xèo trên đường Nguyễn Hữu Cầu, kéo dài tới đường Trần Quang Khải. Sáng mang ra sạp bán, chiều lại dọn vô. Sau, CS cho xây sạp có mái tôn rộng chừng 1 mét. Ðược một thời gian, thằng khác lên dẹp. Những sạp này bị đập đi để trả lại đường cho xe cộ.

Mặt sau chợ Tân Ðịnh là đường Mã Lộ ngang chừng 14m, dài chừng 120m, bắt đầu từ đường Nguyễn Hữu Cầu đến đường Bà Lê Chân. Thời Pháp thuộc, đường này tên Lê Văn Duyệt. Từ ngày 16-10-1955, chánh quyền Ðệ Nhứt Cộng Hoà đổi là đường Mã Lộ cho đến ngày nay.

Tại sao gọi là Mã Lộ? Vì hồi xưa lúc chưa có xe lam, xe xích lô máy, xe ba gác (gắn máy Sachs), bà con mình chở hàng hóa toàn bằng xe ngựa. Sáng sớm từ vùng ngoại ô: Hóc Môn, Gò Vấp, Tân Bình… lóc cóc, “xe nhịp đằm khơi” ngừng sau chợ để xuống hàng bông. Nhiều xe ngựa đi nên được gọi là Mã Lộ (đường của ngựa).

Nghe không nên thơ chút nào, nhưng Mã Lộ là con đường tình sử của một người sa cơ thất thế như tui. Tù cải tạo ở Suối Máu được thả về, tui đi làm khu khuân vác. Rồi tui “chớp chớp” được em bán hàng bông quê ở Hóc Môn cám cảnh người lỡ vận. Tình yêu thời mất nước. Duyên tình cháo đậu nước cốt dừa, tép rang, hột vịt muối mỗi ngày. Vô mánh thì đôi ta rượu đế, rau răm hột vịt lộn có nhau. Ðời dẫu thiếu điều muốn mạt nhưng nên thơ hết biết.

Nhưng rồi “gió đưa cây cải về trời; rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, tui nỡ lòng ngựa phi, ngựa phi đường xa, dông thuyền ra biển, dông luôn; bỏ em lại bên kia trời lận đận tới tận bây giờ?

Ôi em Hai ơi, chỉ vì CS ác tâm, chớ lòng “qua” nào có muốn phụ em đâu!

Đoàn Xuân Thu

Wednesday, December 29, 2021

Trịnh Vĩnh Bình - người hạ 'bên thắng cuộc' (kỳ cuối)

Tác giả Khánh An-NguồnVOA Tiếng ViệtNgày đăng: 2021-12-26

Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình trả lời phỏng vấn VOA. Photo: VOA
Kỳ 3: Tôi sẽ cho Việt Nam thấy ‘để lâu cứt trâu hoá… vàng!’
Trong những cuộc phỏng vấn với VOA giữa lúc đang chuẩn bị cho những vụ kiện tiếp theo sau chiến thắng lịch sử trước chính phủ Việt Nam tại toà án quốc tế ở Paris năm 2019, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình nhiều lần khẳng định việc ông quyết tâm giành lại công bằng ở tuổi “thất thập cổ lai hy” này không chỉ đơn thuần là vì mục tiêu vật chất, mà trên hết, là để chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh pháp lý, tạo thành một “tiền lệ” hay “án mẫu” cho những nạn nhân cũng bị mất đất đai, tài sản như ông; và để chính phủ Việt Nam phải nhìn nhận, thay đổi não trạng và cung cách hành xử với người dân khi đã gia nhập vào sân chơi toàn cầu.
Một trong những kinh nghiệm nho nhỏ nữa mà ông chia sẻ là vấn đề quốc tịch Việt Nam của Việt kiều. Nhiều người có tâm lý muốn giữ quốc tịch Việt Nam như một phần danh tính cội nguồn, và quan trọng hơn là để dễ dàng, thuận lợi trong những chuyến đi trở về quê hương. Nhưng theo triệu phú Trịnh Vĩnh Bình, cái nhãn “quốc tịch Việt Nam” đã suýt trở thành bẫy khiến ông thua trắng tại toà án quốc tế.
Mời quý vị theo dõi chi tiết trong cuộc phỏng vấn sau.
VOA: Thưa ông Trịnh Vĩnh Bình, mặc dù ông từng chia sẻ rằng ông đã có một sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng thời cuộc trước khi quyết định bán toàn bộ tài sản để về Việt Nam đầu tư, nhưng sau nhiều mất mát và bây giờ nhìn lại, ông có thấy mình thiếu sót gì trong những tính toán đó hay không?
Trịnh Vĩnh Bình: Sự thật khi tôi trở về Việt Nam lần đầu, như tôi nói, tôi đã có một sự chuẩn bị về thành công và cả có thể thất bại, tức là mình chấp nhận rủi ro. Thứ hai là vì đã có ký một thoả thuận với những điều khoản. Tôi cũng không ngờ là chính phủ Việt Nam, mình phải xài từ “lật lọng” là đúng hơn. Lật lọng đến nỗi mà tất cả những điều khoản đem về đều thay đổi, tức là trở mặt đó. Tôi có những tài liệu trên tay như Bộ Tư pháp họp làm sao, liên ngành họp làm sao, họ dùng những câu như “tiêu chí” gì gì đó… một đống như vậy, phịa ra rồi cùng nhau suy nghĩ để đưa ra những cái không đúng cả về lý và luật cũng không đúng.
Tôi trả lời vừa rồi không phải là vì vấn đề trả thù hoặc căm hận chuyện của mình rồi phát biểu. Không phải. Tôi nói vừa rồi là có hai ngụ ý. Một, tôi muốn đưa lên một sự thật cho chính phủ Việt Nam, những người tốt (trong chính phủ) thấy được.
Thứ hai, đây là một sự thử thách. Như tôi nói, “thuốc đắng giã tật”, có lẽ khi mình nói lên một sự thật đôi khi nó có đụng chạm, có chua xót một tí, nhưng nó là sự thật. Tôi sẵn sàng chấp nhận đối thoại nếu chính phủ Việt Nam cử một vị hay bao nhiêu vị chất vấn tôi về những câu nói của tôi không có căn cứ, tôi sẽ trả lời trực tuyến. Bây giờ là thời buổi hiện đại rồi, internet rồi, Việt Nam đừng nghĩ với những đạo luật về mạng này kia rồi cứ bịt miệng, cứ ém được. Trong câu chuyện của tôi bây giờ, tài liệu của tôi bây giờ đã tung ra tùm lum… Tôi cho phơi bày hết. Cái gì có để cho mọi người tự đăng, tự phơi bày. Bây giờ không nên bịt nữa. Vì mình cứ đóng cửa, mình ở trong bóng tối rồi mình giết người hay hại người hoài đâu có được.
Việt Nam bây giờ một trong những cái đau đớn nhất hàng ngày đang xảy ra là vấn đề đất đai bị chiếm. Biết bao nhiêu cuộc dân xuống đường người ta phản đối, người ta bị hành hung, bị đàn áp đều là vì vấn đề tài sản, đất đai của người ta.
Tôi xin hỏi anh chị em nào sống thời Đệ nhị Cộng hoà có nghe chính phủ đi đàn áp dân lấy của dân không, chiếm đất dân không? Người ta có dự luật 57 phát đất cho dân. Tới thời Đệ nhị Cộng hoà là có Luật “Người cày có ruộng”, cấp đất cho dân. Đâu có bao giờ lấy của dân. Mà cũng không đi lấy của địa chủ nữa: Mua lại. Mua xong phát cho dân.
Do đó, về vấn đề đất, bây giờ mình đừng có giấu nữa.
“Để lâu cứt trâu hoá… vàng!”
VOA: Nhiều độc giả VOA sau khi theo dõi các bài viết liên quan đến các vụ kiện của ông thì cho rằng mặc dù ông có lợi thế được luật pháp quốc tế bảo vệ vì là công dân Hoà Lan, nhưng với thời gian kéo dài nhiều chục năm, vấn đề tuổi tác của ông lại đang dần trở thành lợi thế cho chính phủ Việt Nam theo kiểu “để lâu cứt trâu hoá bùn”. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Trịnh Vĩnh Bình: Tôi không hy vọng chính phủ Việt Nam giữ cách hành xử thường ngày là “Để lâu cứt trâu hoá bùn”. Tôi không nghĩ vậy. Bây giờ tôi phải đảo ngược lại “Để lâu cứt trâu hoá vàng” mới được.
Là vì trước đây khi tôi đòi đền bù thì giá đất còn thấp. Lúc đó, cả (đền bù) giá đất và vấn đề về nhân thân, nhốt tù oan, là trên 1,25 tỷ đô la. Nhưng bây giờ, giá đất cao thì nó đã trên 4 tỷ đô la rồi. Nhưng căn bản là, tôi muốn nhấn mạnh, về pháp lý, chính phủ Việt Nam không chối cải được. Bảo đảm không chối cãi được và phải trả. Trả bằng cách nào cũng phải trả: bằng tài sản hoặc đền bù, nhưng phải trả. Chuyện này chúng tôi khẳng định rõ ràng như vậy.
Tôi hy vọng chính phủ Việt Nam giải quyết vì đây là cơ hội hai bên win-win. Tại sao? Chính phủ Việt Nam không phải lấy tiền đền bù cho tôi, mà chỉ cần bán một phần tài sản của tôi thôi. Phần khác, chính phủ Việt Nam còn có thể bỏ vào ngân sách, thừa sức bỏ vào ngân sách. Tôi cũng không đòi bắt buộc phải trả hết 100%.
Nhưng nếu ra toà thì khác. Khi ra toà thì lý ai nấy giữ, phần ai nấy giữ. Chúng tôi sẽ đòi tối đa, mà có thể luật sư họ còn đòi hơn nữa, là vì trong đó còn nhiều loại phí mà cũng phải đền bù nữa.
Nha hàng bờ biển của khách sạn Long Beach mà ông Trịnh Vĩnh Bình đầu tư ở Phú Yên.
VOA: Như vậy, cho đến lúc này, thái độ và phản hồi của chính phủ Việt Nam đối với ông ra sao?
Trịnh Vĩnh Bình: Sau phán quyết 10/4/2019, đây là theo lời của “con thoi” (người chịu trách nhiệm liên lạc giữa chính phủ Việt Nam và ông Trịnh Vĩnh Bình), quan chức này khá lớn và nói chuyện rất đàng hoàng. Nhân vật con thoi này là do Bộ Chính trị cử, theo lời người đó, thì ở Việt Nam lúc đó có hai khối người. Phần đông là muốn phải giải quyết cho ông Trịnh Vĩnh Bình, nhưng một thiểu số nhỏ không chịu, nói là “Chơi tới cùng vì ông Bình giờ cũng lớn tuổi rồi, chưa chắc gì ông đeo đuổi vụ này được”.
Tôi đã trao đổi và nói với anh này rất rõ rằng một khi công lý có rồi, mà vụ này tôi đã chuẩn bị rồi, tôi sẽ giao cho một nhóm về luật pháp để người ta đeo đuổi, kể cả tới đời con tôi.
Tôi cũng nói rằng trong vấn đề này tôi đã thấy Việt Nam xuất hiện tiếp cận luật sư, chơi màn đi cửa sau cửa trước. Hễ tiếp cận mà tôi ngửi thấy là tôi đổi luật sư. Thứ hai, tôi có một nhóm người đeo đuổi về luật pháp và họ ở trong bóng tối. Không bao giờ chính quyền Việt Nam có thể biết và tiếp cận được. Chuyện này tôi đã làm. Nhóm người này điều hành tất cả và hễ họ thấy luật sư làm việc không được là đổi bỏ. Mỗi một lần đổi như vậy thì chính phủ Việt Nam phải nói là “lấy gai lễ gai”, tức là cứ lấy một cái gai để lễ thì gãy cái gai và cái gai thứ hai lại nằm trong chân, và như vậy tất cả những hệ luỵ chính phủ Việt Nam phải gánh.
Tôi sẽ làm công khai, bạch hoá hết. Tôi không giấu gì hết. Tại sao? Để cho chính phủ Việt Nam phải sửa lại. Phải nhờ những vụ như vậy để sửa lại cách hành xử của mình. Chính phủ Việt Nam không thể cứ bịt lại, ém nhẹm lại. Tôi sẽ không đi theo chiều hướng này.
Án mẫu
VOA: Ông từng nói rằng mục tiêu của các vụ khởi kiện của ông chống lại chính phủ Việt Nam ở toà án quốc tế không chỉ là giành lại công bằng về mặt vật chất, mà trên hết là để tạo ra một “tiền lệ” cho những người dân mất đất tại Việt Nam để họ cũng có cơ hội giành lại công bằng cho mình. Liệu rằng ông có lạc quan quá không khi hoàn cảnh của ông (là Việt kiều) hoàn toàn khác với những người dân trong nước?
Trịnh Vĩnh Bình: Tôi sẽ trở thành một điển hình vì hoàn cảnh tôi khá thuận tiện là vì tôi ở ngoài. Tôi dựa vào Hiệp thương, vào luật quốc tế. Nhưng dân ở trong nước không phải không có hiệp thương thì làm không được. Nên nhớ Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị, trong quyền dân sự có quyền về tài sản. Tôi nghĩ những cái đó trong thời gian tới chính phủ


Trịnh Vĩnh Bình: Đất đai | VOA
Riêng chuyện của tôi, tôi đã có tâm nguyện và tôi lặp đi lặp lại, là tôi sẽ mở một con đường đấu tranh về vấn đề chiếm đoạt tài sản. Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam nên lấy đây là một sự việc báo cho mình thấy được những góc tối, những sai trái. Đừng để tham quan cứ ngày càng làm tới hoài, vì những cuộc biểu tình trong nước của dân oan đã kéo dài suốt mấy chục năm. Tôi nhớ vào những 1990, lúc tôi đi làm đơn cầu cứu ở miền Bắc. Tôi nhớ chính miệng chú Sáu Khải (Thủ tướng Phan Văn Khải) nói với tôi: “Trời rét như thế này, mà bà con người ta sáng sớm đã chầu chực trước nhà rồi”. Người ta chờ đầy hết để người ta đưa đơn. Người ta cầm tận tay tới nhà các lãnh đạo, không phải chỉ nhà chú Sáu Khải. Tất cả (nhà) những lãnh đạo lớn đều có dân bu đầy hết để đưa đơn. Ở một đất nước thực sự nhìn thấy mấy cái đó mình thấy đau lòng.
Lúc đó tôi đã thấy đau lòng, tại sao tôi còn trở về nữa? Như tôi nói, tôi muốn khi tôi đã nhảy lên chiếc tàu rồi thì tôi muốn quăng những viên đá đi, tức là làm sao cho tàu nổi lên. Nhưng hoàn cảnh không cho phép thì mình đành bó tay, nhưng ý chí của mình lúc nào cũng vẫn còn.
Việc tranh đấu ở ngoài này của tôi cũng vậy. Kỳ trước tôi đã nói, tôi đã mở một con đường cho chính phủ Việt Nam. Tức là tài sản tôi đang ở đó, đừng để cho (mọi người) phải hiểu lầm rằng nhà nước phải tốn một số tiền để trả cho tôi để đền bù. Không phải. Tài sản của tôi 8 triệu m2 đất, chỉ cần lấy bán một phần để trả tôi thôi. Phần kia các vị có thể bán để bỏ vào ngân sách quốc gia hay gì đó. Chuyện đó coi như tôi cam tâm. Không cần chính phủ, quý vị phải bỏ tiền ra trả cho tôi. Không phải như vậy…
Từ câu chuyện của tôi, tôi mường tượng ra ở bên ngoài hằng hà sa số những câu chuyện như vậy. Chỉ có điều người ta chưa có cơ hội để có được một tiếng nói trọng thôi, chỉ làm ở cục bộ rồi bị dẹp, bị đàn áp..
Phán quyết của Toà án quốc tế tại Paris năm 2019 tuyên bố ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện và yêu cầu chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông.
Tôi xem những vụ (của mình) là những vụ án mẫu, điển hình để để cho chính phủ Việt Nam một là phải nên sửa. Còn nếu chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục để cho các quan chức địa phương hay những bàn tay lông lá phe con ông cháu cha nhắm đến tài sản của người ta rồi tìm cách “thịt” để chia với nhau, thì tôi sẽ làm đến cùng vấn đề này và tôi sẽ công bố để cho người dân trong nước cũng biết cách để đấu tranh để bảo vệ tài sản của mình.
‘Chưa và không bao giờ làm công dân CHXHCN Việt Nam’
VOA: Trong tư cách là một Việt kiều với nhiều trải nghiệm làm ăn tại Việt Nam, ông còn có lời khuyên hay lưu ý gì dành cho các kiều bào khác hay không?
Trịnh Vĩnh Bình: Về vấn đề passport, tôi xin nói một điển hình của tôi. Lúc vụ kiện của tôi tại Paris, 1 trong 3 vũ khí mà chính phủ Việt Nam tính vô hiệu hoá vụ kiện của tôi là cho rằng tôi có hai quốc tịch: quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Hà Lan. Nếu tôi có quốc tịch Việt Nam thì toà án quốc tế không có quyền xử. Chính phủ Việt Nam nghĩ như vậy. Nhưng (ở đây) tôi chỉ nói những gì để khuyên người Việt mình hãy coi chừng thôi. Tôi không muốn nói sâu tới những mặt khác.
Lúc đó, phía luật sư của chính phủ Việt Nam buộc rằng: “Ông Trịnh, xin ông trả lời, ông đang có hai quốc tịch. Ông có quốc tịch Hoà Lan, và đương nhiên ông có quốc tịch Việt Nam”. Tôi chờ nói hết tôi mới nói: “Ông nhầm lẫn. Và chính phủ Việt Nam nhầm lẫn”. Những gì tôi nói còn thu băng của phiên toà. Tôi nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam. Việt Nam thời đó chia làm hai miền: Nam và Bắc, có hai chế độ khác nhau. Sau 1975, khi miền Nam mất, thì tôi đi tị nạn. Tôi chưa bao giờ một ngày là công dân của chính phủ CHXHCN Việt Nam”. Bữa đó tôi nói trắng luôn. Tôi nói: “Tôi chưa từng và cũng sẽ không bao giờ là công dân của CHXHCN Việt Nam”, tức chế độ Cộng sản. Không có vấn đề đó ! Họ rất ngỡ ngàng. Sở dĩ tôi nói ra là vì tôi thấy rất nhiều người, có một số người quen của tôi, cũng vì vấn đề muốn về Việt Nam cho tiện lợi nên xin thêm một passport thứ hai tại toà đại sứ, mà đây là lén. Vì có những quốc gia anh không được có passport thứ hai nếu anh đã có quốc tịch, chẳng hạn như Đức. Ở Đức, nếu anh có passport Đức rồi, mà anh có passport thứ hai là anh về không được. Nó không cho. Mà làm lén như vậy thì thứ nhất, có chuyện gì thì không bao giờ than van gì được, là vì anh có passport Việt Nam, chỉ vì muốn tiện lợi, muốn đi qua phi trường không cần xin visa, chỉ đóng dấu là đi. Tôi nghĩ đây là một cảnh báo. Quý vị nào đang sử dụng cách đó nên coi chừng.
Và toà đại sứ Việt Nam cũng kỳ! Những cái này là không đúng. Đúng ra không được khuyến khích. Anh phải làm một thủ tục tương đối tốt, an toàn cho người Việt mình đi về để được bảo vệ. Thí dụ, những vị đó có mua nhà cửa, đất đai, khi dùng passport đó đi làm thì nhanh hơn. Nhưng khi đụng đến vấn đề về pháp lý, tranh chấp, thì chừng đó mới biết. Chừng đó là gay cấn đó! Rồi còn ở cả quốc gia mà mình đã lén lút làm passport thứ hai thì đó cũng là vấn đề lớn lắm. Có đôi khi mất cả quốc tịch ở nước sở tại luôn.
VOA: Cám ơn doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình đã dành thời gian cho VOA.
* "Bên thắng cuộc" là tựa đề cuốn sách nổi tiếng của nhà báo Huy Đức viết về chính trị và nhân vật chính trị Việt Nam từ giai đoạn 1975 đến nay.
----------

Trịnh Vĩnh Bình - người hạ 'bên thắng cuộc' (kỳ 2)

Tác giả Khánh AnNguồn-VOA Tiếng ViệtNgày đăng: 2021-12-25

Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình (thứ 1, bên phải) và "chú Sáu Khải" - tức cựu Thủ tướng Phan Văn Khải (giữa). Photo: Courtesy Photo
(tiếp theo Kỳ 1)
Với tất cả thiện chí trở về đóng góp xây dựng đất nước, nhưng sau hơn hai thập kỷ bị chính chính quyền tại quê hương “vùi dập” tơi tả, triệu phú Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình không khỏi xót xa thừa nhận rằng “có sự kỳ thị” trong cách đối xử của chính quyền Việt Nam đối với “khúc ruột ngàn dặm”, đặc biệt là những người đã rời khỏi đất nước theo diện tị nạn sau biến cố 1975, và rằng ông đã quá chủ quan khi thực hiện cung cách làm ăn “ngược đời” và “đi trước thời đại” tại Việt Nam vào những năm 1990.
Ông chia sẻ với VOA về những “bài học xương máu” dành cho những ai cũng đang ấp ủ giấc mơ như ông ngày xưa: trở về đầu tư để gầy dựng quê hương!
Cưỡi cọp
Bình luận trong bài viết về việc doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình đang chuẩn bị ít nhất là 2 vụ kiện chống lại chính phủ Việt Nam trước toà án quốc tế nếu như quá trình thương lượng giữa hai bên bất thành, nhiều độc giả, thính giả của VOA cho rằng luật pháp quốc tế vẫn công minh hơn, phổ quát hơn khi tôn trọng thỏa thuận giữa 2 quốc gia. Có người nói ông “may mắn” là “nhờ tấm bùa hộ mạng Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Vương quốc Hoà Lan và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Một số người khác còn so sánh ông với trường hợp của Tăng Minh Phụng, doanh nhân đã bị xử tử hình vào năm 2003 với cáo buộc về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Phản hồi về những bình luận này, Trịnh Vĩnh Bình công nhận ông có ưu thế hơn những người Việt Nam bị mất đất đai hay tài sản khác nhờ tư cách công dân Hoà Lan. Tuy nhiên, ông cho rằng có những yếu tố “khác biệt” giữa ông và Tăng Minh Phụng khi cả hai đều là những “đại gia” đã bỏ tiền mua rất nhiều đất đai vào những năm 1990.
“Về sự khác biệt của Bảy Phụng (Tăng Minh Phụng) làm về địa ốc ở Vũng Tàu thời đó và tôi là Bảy Phụng vay vốn ngân hàng làm địa ốc, còn tôi có bao nhiêu tôi làm bấy nhiêu. Tôi là bỏ tiền túi vào làm”, ông Bình nói với VOA.
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng mà ông Trịnh Vĩnh Bình cho rằng nó đã cứu ông không bị rơi vào hoàn cảnh như Tăng Minh Phụng.Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình tại lễ động thổ khách sạn 10 tầng ở Sài Gòn.
Doanh nhân Hoà Lan lưu ý tỷ lệ lãi suất quá cao của các ngân hàng Việt Nam vào thời điểm đó là một rủi ro rất lớn đối với các doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng. Chưa kể, một khi xảy ra tình trạng vỡ nợ, việc kê biên tài sản để “cấn nợ” của các cơ quan nhà nước vào thời điểm này rất “không công bằng”.
Ông nói: “Công chuyện của Bảy Phụng khi bùng nổ, sau này tôi tìm hiểu lại thì tôi biết là nếu ở một sân chơi sòng phẳng, thì chưa chắc Bảy Phụng sa lầy trong vấn đề nợ nần. Là vì trong đánh giá vụ của tôi là tôi đã thấy được là đánh giá của các cơ quan về tài sản, nhiều khi của người ta là 300.000 đô la, nhưng họ đánh giá còn có 50.000 – 70.000 đô la. Cái đó không ai cản được. Việt Nam luật pháp lung tung lắm. Những người bên ngành công an, viện kiểm sát hay gì đó, họ làm việc theo kiểu ‘vua một cõi’. Vùng nào họ tự quyết định lấy, rồi họ câu kết, làm hồ sơ giả… theo ý họ. Tức là họ không có một sân chơi luật pháp nhất định. Do đó, cho tới ngày hôm nay, Việt Nam đừng tuyên bố ra là một nhà nước pháp quyền. Điều đó là không đúng!”
Một điểm khác biệt nữa, vẫn theo lời ông Trịnh Vĩnh Bình, là ông không mua đất đai theo mục đích đầu cơ đất đai, mà chỉ mua để xây dựng các cơ sở cho kế hoạch hợp tác kinh doanh nhằm đưa các kỹ nghệ của châu Âu về “thay máu” tại Việt Nam.
Nhưng dù là với mục đích kinh doanh gì, thì việc doanh nghiệp đầu tư vào một đất nước không có một cơ chế “pháp quyền”, theo doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình, thực sự là một rủi ro rất lớn, có thể khiến họ không những mất mát tài sản mà thậm chí có khi phải đánh đổi cả tính mạng.
… và ‘bài học xương máu’
Nhìn lại hành trình hơn 20 năm trở về Việt Nam đầu tư, khi được hỏi điều gì làm ông hối hận nhất, Trịnh Vĩnh Bình chua xót nói “Việt Nam chưa có đủ nhân tài và người tốt để điều hành đất nước nên chuyện tôi về và gặp nạn là chuyện đương nhiên”.
“Tôi về lúc đó gia đình tôi đã phản đối rồi, và tôi đã cân nhắc cái rủi ro đó rồi. Tôi nghĩ có thể thoát được, có thể thôi, và tôi phải thử thách!”, doanh nhân Hoà Lan gốc Việt cho biết.
Doanh nghiệp người Hoà Lan gốc Việt, như mô tả trong các bài viết trước của VOA về vụ kiện “Trịnh Vĩnh Bình vs. Chính phủ Việt Nam”, là một triệu phú có tiếng ở Hoà Lan thời đó với biệt hiệu “Vua chả giò”. Ông rất tâm huyết với việc trở về quê hương đầu tư, thay vì đem tiền đi kinh doanh ở các quốc gia khác và làm lợi cho họ.
Trong kế hoạch của Trịnh Vĩnh Bình không những ấp ủ giấc mơ kéo các công nghệ tân tiến của châu Âu về Việt Nam, mà còn là những dự án “kiến thiết và làm giàu” cho đất nước như dự án phủ xanh các đồi trọc bằng giống thông Carribean đẹp như mơ mà ông đã bị ấn tượng mạnh trong một lần đi chơi ở Thuỵ Điển, các dự án nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ sản để cạnh tranh với thế giới, làm các khu du lịch tầm cỡ để giới thiệu nét đẹp Việt Nam, dự án nạo vét làm sạch sông Thị Vải…
Nhưng hết lần này đến lần khác, doanh nghiệp của ông bị vùi dập tơi tả, khiến những giấc mơ trở nên dang dở…
Ngoài vấn đề về cơ chế, ông Trịnh Vĩnh Bình, sau hơn 20 năm cố công đầu tư tại Việt Nam, ngậm ngùi thừa nhận rằng nhà nước Việt Nam trên thực tế có sự phân biệt đối xử, “kỳ thị” đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những người Việt mang thân phận “tị nạn”.
Ông nói: “Về Việt Nam đầu tư, nếu là thân phận người tị nạn, tôi vẫn cam đoan là dù không có (gì để) kỳ thị thật sự thì cũng bị người ta bịa đặt để kỳ thị để người ta giành phần. Người ta không muốn mình lấn sân”.
Ông cho biết vào thời gian đầu khi ông mới đem tiền và vàng về Việt Nam đầu tư. Thời đó, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp có tầm cỡ như ông.
“Lúc đó anh em Đông Âu cũng chưa về, người Việt trong nước lúc đó cũng chưa có nên con đường của tôi cũng hơi thênh thang. Thành thử lúc đó còn đỡ về vấn đề đó. Nhưng thời bây giờ, công việc thì thấy rõ hơn, nhưng một cái về bản chất chưa thay đổi là sự kỳ thị vẫn còn ngấm ngầm. Đó là sự thật. Nếu chính phủ Việt Nam cho là không có, tôi sẵn sàng đối chứng. Tôi có bằng chứng để đối chứng”.
Chính vì vậy, khi được yêu cầu chia sẻ kinh nghiệm với những Việt kiều có ý định đầu tư tại Việt Nam, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình nói ngay “Khoan”.
“Thứ nhất, nên chờ một hành lang pháp lý thực sự tốt”, ông Bình nói với VOA, “Không thể nghe nhà nước khuyến khích, hứa hẹn hay thậm chí là trên văn bản. Tôi thấy giữa lời hứa, sự khuyến khích với thực tế nó vận hành ngược. Gần đây nhất như tôi nói vấn đề ở Phú Yên, cả một sự ray rứt. Mình về đóng góp và có công trong ngành, là những con chim về sớm, những đầu tàu làm cho ngành du lịch mũi nhọn mạnh lên. Nhưng họ không giúp đỡ mà tìm cách làm khó. Do đó, tôi nghĩ là khoan, chờ. Chờ thực sự khi nào mình thực sự kiểm tra được”.
“Chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm thấy rằng muốn có một sân chơi bình đẳng, lành mạnh, được mọi giới yên tâm về đầu tư, thì phải xem lại guồng máy của Việt Nam về hành chánh, luật pháp như thế nào. Khi một đất nước chỉ cơ cấu những người làm việc về tư pháp, hành pháp bằng cách là (người của) Đảng, ‘hồng hơn chuyên’ thì muôn đời sẽ không thể nào khá được”.
Chọn trở về, chọn đấu tranh giành lại công bằng qua việc khởi kiện chính phủ Việt Nam ra các toà án quốc tế, chiến thắng của Trịnh Vĩnh Bình trong những năm qua không những giúp phơi bày phần nào những góc tối trên thực tế của các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, mà còn tạo ra một tiền lệ đấu tranh mới cho những “nạn nhân của chế độ”. Doanh nhân gốc Việt cam đoan, với những chuẩn bị sắp tới, ông sẽ buộc chính phủ Việt Nam phải nhìn nhận và sửa chữa sai lầm, không thể cứ “ém” mãi các sai trái khi hội nhập vào sân chơi thế giới.
Mời quý vị đón xem tiếp phần cuối “Trịnh Vĩnh Bình: Tôi sẽ cho Việt Nam thấy ‘để lâu cứt trâu hoá… vàng!”
-----

Trịnh Vĩnh Bình - người hạ 'bên thắng cuộc' * (kỳ 1)

Tác giả Khánh AnNguồnVOA Tiếng ViệtNgày đăng: 2021-12-24


Doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình. Photo: VOA
Trước khi Thoả thuận Singapore năm 2006 bất thành, công chúng Việt Nam ít ai biết đến tên Trịnh Vĩnh Bình, mặc dù ông là một trong những triệu phú người Việt “đời đầu” sau khi xảy ra biến cố 1975 với hàng triệu người Việt thất tán và đất nước rơi vào thời kỳ kinh tế bao cấp đói kém sau đó.
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, Trịnh Vĩnh Bình tự xác nhận ông “ghét chính trị” vì nó “dơ bẩn”, và chỉ hứng thú chuyện kiếm tiền, làm giàu, góp phần kiến thiết Việt Nam trở thành quốc gia có tiếng nói trong sân chơi toàn cầu.
Nhưng, như lời ông nói, câu chuyện của ông chính là một điển hình trong hàng ngàn vạn câu chuyện cho thấy chính quyền Việt Nam đã tự đánh mất cơ hội hiếm hoi để đưa đất nước “đi lên theo hình thẳng đứng” chỉ vì lối hành xử vô pháp và lòng tham, khiến nguồn chất xám quý giá đã dần chảy khỏi dải đất hình chữ S…
Trịnh Vĩnh Bình và lý thuyết cứu tàu đắm tại Việt Nam
Bị chất vấn nhiều lần với câu hỏi mà nhiều độc giả của VOA nói riêng và công luận Việt Nam nói chung đặt ra sau khi nghe biết về vụ kiện xuyên thế kỷ của ông, rằng “Tại sao đã ‘mất cả chì lẫn chài’, thậm chí suýt mất cả mạng sống trong lần đầu tiên về Việt Nam đầu tư, mà ông vẫn ‘đâm đầu vào chỗ chết’ khi quyết định tiếp tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với khu resort Long Beach ở Phú Yên, ngay cả trong thời điểm đang diễn ra kiện tụng gay cấn với chính phủ Việt Nam?”, Trịnh Vĩnh Bình bật cười thú vị pha lẫn chút tiếc nuối.
“Tôi học kinh tế ra trường và tôi học về Reorganization, tức là khi mình lên một chiếc tàu sắp đắm rồi thì mình phải làm sao cho tàu nổi lên, tức là mình phải quăng đồ đi để cho tàu nổi. Thì với Việt Nam, tôi đã tính rồi, tôi thấy hậu chiến rồi, biết bao nhiêu là đổ vỡ. Mình không nỡ, mình thấy không thể đứng ở đó chửi bóng tối được. Mình phải thắp ánh sáng lên. Bằng cách nào? Là mình làm sao cho kinh tế tốt lên. Và tôi đã có bài toán sẵn, được chuẩn bị trước rồi. Tôi về tôi tính rằng mình cứ lấy bản thân mình thôi, không cần nói gì hết, mình cứ làm tới thôi. Ở đâu thì mình làm tốt cho dân, cho công ăn việc làm, cho kinh tế (ở đó) tốt”, ông “Vua chả giò” nổi tiếng một thời ở Hoà Lan tâm sự.
Nhưng, “Tại sao ở Việt Nam có câu là ‘chống diễn tiến hoà bình’?”, Trịnh Vĩnh Bình tiếp. “Chính cái vấn đề không nói mà làm tốt lên thì cái đó Cộng sản rất sợ. Họ nói là ‘Diễn tiến hoà bình’. Mà diễn tiến hoà bình mà còn chống thì trên thế gian này còn cái gì nữa để mà làm”.
May mắn trong thời gian đầu mới về Việt Nam, triệu phú Việt kiều Hoà Lan đã kịp áp dụng và rất thành công với lý thuyết “cứu tàu đắm” khi ông cứu một xưởng đông lạnh mà ông đầu tư đầu tiên ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và một số công trình khác.Triệu phú Trịnh Vĩnh Bình ký giấy tờ chuẩn bị về Việt Nam đầu tư.
“Tôi về năm đó là 1993, tôi mua lại cái xưởng đông lạnh. Khi tôi lên thì ở đó chỉ có khoảng 80 công nhân thôi, mà 1/3 số công nhân là đội ngũ con nít. Tôi lên nhìn cách mấy ảnh làm thì trong vòng 15 phút tôi đã thấy cái gì làm cho họ thất bại và tại sao họ thất bại rồi: Cơ chế thất bại, cách điều hành thất bại và không kiến thức về ngành nghề”, ông Bình cho biết về tình trạng của xưởng đông lạnh hải sản đang nợ ngập đầu và sắp phá sản mà ông đã mua lại.
“Tôi mua lại xưởng đó với giá là 750.000 đô la thời đó, tức là mua với số vốn mà họ còn nợ ngân hàng. Tôi về nghiên cứu xong và lập tức áp dụng phương pháp đó, tức là thấy chỗ nào nên sửa, chỗ nào nên cắt nên quăng ra ngoài thì quăng ra”.
“Đầu tiên và tội nghiệp nhất là đội ngũ 1/3 mấy em chưa đủ tuổi, bởi vì cái đó thứ nhất về mặt nhân đạo, mấy em đó cần phải đi học tiếp, cần phải cho chúng một tương lai tốt hơn. Cái thứ hai là vi phạm luật lao động. Thành thử tôi về tôi phải cho thêm tiền để cho mấy em nghỉ, và hứa rằng sau này lớn thì bất cứ lúc nào muốn quay trở lại làm cũng đều được welcome (chào đón). Nhưng cái đó mới chỉ là chuyện nhỏ. Cái lớn hơn là mình nhìn trong xưởng xem chỗ nào vận hành sai, cần thay đổi cái gì thì thay đổi cái đó. Như vậy, sau 1,5 năm, cái xưởng này từ lỗ lã đã vươn lên chiếm tổng sản lượng thuỷ sản của Vũng Tàu thời đó là 35%”.


Trịnh Vĩnh Bình: Lý thuyết cứu tàu đắm | VOA
Từ nhà máy chế biến thuỷ sản cho đến hàng triệu ha đất trồng rừng, nhiều đất đai ở khu vực “tam giác vàng” TPHCM – Vũng Tàu – Đồng Nai mua sẵn để chuẩn bị xây dựng cơ xưởng… tất cả đều nằm trong “bài toán” của Trịnh Vĩnh Bình. Đó là lôi kéo các kỹ nghệ nổi tiếng của châu Âu về Việt Nam để “thay máu” nhờ lực lượng lao động giá rẻ, trước khi các kỹ nghệ này rơi vào tay Trung Quốc. Nhưng bài toán này đã không trở thành sự thật… Thành công nhanh chóng ban đầu của ông khiến cho “mùi tiền” bị “đánh hơi” sau những lục đục nội bộ. Và ông đã gặp nạn…
Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế.” Cáo buộc này sau đó nhanh chóng được chuyển đổi thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ,” vì “thiếu căn cứ,” theo lời Luật sư Nguyễn Minh Tâm, một trong những luật sư của ông Bình lúc bấy giờ, nói với VOA.
Năm 1999, ông Bình bị kết án 11 năm tù và bị tịch thu toàn bộ tài sản, bất chấp Đại sứ quán Vương quốc Hoà Lan nhiều lần can thiệp bằng cách gửi thư khẩn đến Bộ Ngoại giao và chính phủ Việt Nam, yêu cầu hoãn thi hành án đối với ông Bình cho đến khi các chính sách mới được làm rõ.
Việt Nam bỏ lỡ cơ hội đi lên chiều thẳng đứng
Không phải ngẫu nhiên mà một triệu phú đang phất lên như Trịnh Vĩnh Bình đưa ra quyết định bán toàn bộ gia sản, mang hơn 2 triệu đô la và 96 kg vàng về Việt Nam đầu tư vào đầu những năm 1990.
Là doanh nhân gốc Việt duy nhất trong đoàn doanh nghiệp “hạng nặng” đi cùng Bộ trưởng Hoà Lan sang Việt Nam thăm dò đầu tư sau khi hai nước ký cam kết bảo hộ đầu tư song phương, Trịnh Vĩnh Bình cho biết ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng những chuyển động của thời cuộc trước khi đưa ra quyết định liều lĩnh và táo bạo trên.Ông Trịnh Vĩnh Bình tham gia cùng đoàn doanh nghiệp lớn của Hoà Lan do Bộ trưởng Van Roiy về Việt Nam thăm dò đầu tư vào đầu những năm 1990.
“Thời đó Liên Xô đã thay đổi, Đông Âu đã thay đổi, và tôi nghĩ là tôi về thời này may ra tôi sẽ làm được việc, tức là tôi làm kinh tế, cho đến ngày mở cửa rồi thật sự rồi thì hàng lô, hàng khối nhân tài trở về”, ông Bình kể lại với VOA.
Tính toán này của Trịnh Vĩnh Bình cũng được khẳng định trong một kỳ hội thảo mà ông được tham dự tại Singapore, khi đất nước nhỏ bé tìm cách thu hút đầu tư quốc tế vào thời điểm đó.
Ông kể: “Năm đó năm 1990, lúc đó Singapore còn nghèo, chưa khá. Singapore, qua một số quan hệ, mời những doanh nghiệp châu Á trên toàn thế giới về Singapore họp 3 ngày để tìm giải pháp thu hút đầu tư. Singapore có mời 2, 3 vị ở trường Havard của Mỹ về thuyết trình. Mỗi buổi có một bộ trưởng điều hành. Một ngày có 2 bộ trưởng. Trong một buổi sáng thứ hai, ông Bộ trưởng Điềm Tân nói rất rõ rằng: ‘Quý vị cử tọa nên chú ý một điểm. Trong thời gian tới, có một quốc gia trong vùng Đông Nam Á sẽ phát triển rất nhanh, không phải từ từ đi lên mà nhảy vọt. Đó là Việt Nam’”.
“Ổng nói thế này, ‘Việt Nam giờ đang có hàng triệu trí thức khoa bảng ở nước ngoài. Trong Đông Nam Á này chưa có nước nào có điều kiện đó. Việt Nam do lịch sử đã tạo thành Việt Nam giờ có hàng triệu người khoa bảng trí thức ở nước ngoài. Khi một triệu người này đi về Việt Nam thì Việt Nam sẽ cất cánh đi thẳng lên, chứ không đi theo kiểu đi xiên’”.
Thế rồi, trong những năm tiếp theo, một trong hàng triệu người trí thức, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài ấy trở về nước góp sức – là ông – đã “mất trắng” toàn bộ tại quê hương, từ gia sản cho đến những ước mơ…
* "Bên thắng cuộc" là tựa đề cuốn sách nổi tiếng của nhà báo Huy Đức viết về chính trị và nhân vật chính trị Việt Nam từ giai đoạn 1975 đến nay.
----------

Tuesday, December 28, 2021

"...Xin Sẽ Được" 

"...Ngày 22 tháng mười hai năm 1976 tôi bước chân ra khỏi nhà tù Pleiku. Tôi bị bắt ở Kontum cách đó khoảng bảy tháng. Từ Saigon đi xe đò lên cái tỉnh tận cùng biên giới ở phía Tây, chưa kịp nằm nóng lưng công an đã đến thăm hỏi, còng tay tống vào tù một tháng trời chờ xe đưa về trại giam tỉnh Pleiku. 

Hồi đó thời sinh viên khờ khạo, chưa bao giờ rời nơi sinh ra và lớn lên ở Saigon, chuyến đi Kontum là một mạo hiểm lớn. Vì quá nhiều lần toan tính vượt biên bằng tàu thất bại tôi quyết định thử thời vận lần nữa bằng đường bộ. Đâu có biết rằng những ngày vừa sau 30/4/ 75 VC chăng lưới tình báo nhân dân ở khắp mọi hang cùng ngõ hẻm, ngơ ngơ ngáo ngáo như tôi khi đến một địa phương xa lạ chắc chắn sẽ lọt ngay vào tầm ngắm của an ninh.

Lục soát ba-lô tôi đem theo, bọn chúng thấy một cuộn dây đi rừng và tai hại hơn nữa, một viên đạn colt 45 nằm lẫn lộn trong mớ quần áo, bèn đẩy tôi vào ngay biệt giam. May cho tôi ngoại trừ tang vật hiện trường chúng không tìm được gì khác. Tôi vẫn còn giữ tấm thẻ sinh viên đại học Khoa Học Saigon và thẻ căn cước nên chúng không biết khép tôi vào tội gì . Sau này tôi mới biết với VC , tội tình nghi nặng hơn bất cứ tội nào khác. Ăn cắp ăn trộm còn có án về, tình nghi thì “mút chỉ cà tha” . Ba năm là chuyện nhỏ, có người đã phải “ học tập“ trên chục năm trời ngày trở về ba má vợ con nhìn không ra.

Khoảng một tháng sau khi tạm giam ở Kontum, CA chuyển tôi về Pleiku. Địa ngục trần gian bắt đầu hiện ra trước mặt tôi. Chỉ có ba phòng sức chứa khoảng 150 người, nay bị dồn nhét hơn ba trăm. Một biệt giam gồm khoảng trên mười hộc (dành cho 10 người) chất đến ba chục mạng. Lần đầu tiên ở tù tôi chỉ muốn tự tử. Chung quanh tôi đa số là Fulro cắc-kè-bông với vết thẹo ghẻ lở phủ kín người. Cấp bậc nhỏ nhất là thằng Giu Se Mới, khoảng 20 tuổi đại úy Fulro. Tôi nằm chung hộc với nó và thẳng Y Nguoun, thiếu tá, bị bắt vì chỉ huy một đại đội tấn công đồn Công An quân số khoảng mười bốn mạng. Đánh đấm thế nào mà thiếu tá Y Nguoun bị bắt sống, lính lác chạy tán loạn, đồn CA thì vẫn còn nguyên.

Đó là lần đầu tiên tôi biết con rận. Sáng sớm thức dậy nhìn thấy một giọt máu nhỏ bằng đầu kim đi chuyển trên cánh tay, tôi kinh ngạc không biết là cái gì. Giu Se Mới chụp ngay lấy bỏ vào miệng cắn cái cóc. Nó còn khuyến khích tôi “ thử đi, ngọt lắm “. Ông nội tôi cũng không dám thử.

Mỗi ngày, chúng tôi được múc nước vào rửa ráy buồng giam một lần, ai có nhiệm vụ trực hôm đó đuoc hưởng thêm phần cơm cháy. Một thằng giết người (dân tộc Kinh) đang chờ ngày ra tòa vẫn dành giựt nhiệm vụ này với Thượng để có thêm cơm ăn. Ỷ mình Việt Nam chính cống nó ăn hiếp bọn Thượng khờ khạo (hay giả khờ qua ải). Thùng đựng nước là một thùng đạn lớn dùng chứa đủ thứ từ rác rưởi, ỉa đái, khạc nhổ. Sáng sớm hai thằng khiêng đổ ra đống rác rồi súc sơ sài bằng nước giếng, sau đó múc nước cũng từ giếng vào tắm rửa. Có lần tôi còn thấy rõ cục đàm của thằng nào nổi lều bều trên mặt. Không ăn nhằm gì hết với tù biệt giam vì cắc-kè-bông không sợ lở, chỉ việc vớt bỏ rồi thoải mái mà xối lên người, kỳ cọ với xà bông cục. Dân Thượng địa phương có thăm nuôi, sáu thằng Việt Nam chúng tôi đói khát muôn năm.

Đó là lý do tại sao sạch sẽ tắm rửa như vậy mà anh Fulro nào cũng thành cắc-kè bông. Thăm nuôi nghèo nàn, thiếu dinh dưỡng lại không ánh nắng mặt trời (biệt giam bị cấm ra khỏi khu vực buồng tối), vệ sinh tệ hại, không bị ghẻ đầy người mới là chuyện lạ.

Cuối cùng tôi chuyển đến phòng ngoài. Ra rồi tôi lại nhớ thời gian nằm “ hộc “. Dù sao thỉnh thoảng cũng được chia cho vài hơi thuốc rê quấn giấy bọc lương khô Trung Cộng. Hút cháy cổ mà vẫn ngon, hoặc chí ít cũng nếm được mẩu bánh đậu xanh (lương khô Tàu) lớn bằng đầu ngón tay cái.

Tôi biết ơn Giu Se Mới đã “bố thí“ vì trong biệt giam hai phong lương khô cộng với sáu điếu thuốc rê đổi được áo jacket lính Dù mặc rất ấm với khí hậu miền núi. “ Thấy cái mặt mày khờ, tao tội nghiệp”. Không có sự tội nghiệp của đại úy Giu Se Mới suốt đời tôi cũng chẳng biết hương vị “ ration C “ Tàu nó như thế nào..

Nhất y nhất quởn từ ngày bước lên chiếc xe đò định mệnh vốn liếng đi theo tôi cho tới ngày rời khỏi nhà tù chỉ bấy nhiêu để chống chọi cái rét khủng khiếp mùa đông .

Tôi bắt đầu có ghẻ, ghẻ mọc khắp nơi trên người bất kể chỗ kín hay hở. Ghẻ và đói là hai kẻ thù khủng khiếp hành hạ những thằng tù ngày cũng như đêm. Ghẻ và đói lại tàn ác hơn với những thằng tù “xa xứ“ quê quán ở tận Saigon như tôi. Tù Saigon đông lắm, nhưng đường xá xa xôi nhất là vào những ngày mới bị VC chiếm đóng miền Nam, phương tiện giao thông nghèo nàn, chẳng thằng nào có thăm nuôi. Bao nhiêu quần áo mang theo đã đổi lấy lương khô, thuốc rê, còn lại thì đem ra quấn hết vào người. Tù khổ nhưng rận rệp lại mừng vì càng ngày càng mập mạp, chỗ trú ẩn ấm cúng sau mấy lớp quần áo.

Buổi sáng tù được ra tắm nắng mỗi thằng tự mài lấy cho mình một cây kim từ những miếng sắt vụn kiếm được. Có hai lợi ích khi sở hữu một cây kim: để may lại bộ đồ rách (chỉ là những sợi nilon rút ra từ bao tải) và để bắt con ghẻ. Nhiều thằng tù không ngồi được vì đít đầy ghẻ mủ, chổng mông cho một thằng khác chà sát xịt máu rồi rửa bằng nước muối. Đó là cách trị ghẻ duy nhất tù nghĩ ra được.

(Sau 30/4/75, ở tù là chuyện dĩ nhiên đối với tất cả những ai sinh ra và sống dưới chế độ VNCH. Con nít ba tuổi còn phải đi tù với mẹ, nhiều bà lặc lè cái bụng cũng ngồi vài tháng vì tội vượt biên hoặc buôn bán lặt vặt. Hề là người miền Nam (không theo VC) thì phải “ học tập cải tạo “, đó là quy luật. )

Một đêm lúc còn trong hộc, bỗng dưng tôi thức dậy vào khoảng ba giờ sáng, chắc tại mấy con rận rệp cắn ngứa ngáy quá chịu không nổi. Thình lình tôi nghe văng vẳng từ xa vọng lại tiếng chuông nhà thờ. Tiếng chuông boong boong vọng vào tai rồi thấm dần đến quả tim từ lâu đã quên bẵng. Tôi nằm trong này hơn hai tháng rồi, chưa biết bao giờ mới được cho ra phòng ngoài chứ đừng nói gì đến được tha. Bao nhiêu ký ức hiện trong đầu tôi, những ngày còn ở ngoài đời.

Tôi là người Công Giáo, theo kiểu ông bà cha mẹ có đạo thì đương nhiên tôi cũng có đạo. Từ lúc lớn khôn tôi chẳng ý thức gì về vấn đề tôn giáo, nhưng phải đi lễ mỗi Chúa Nhật là một cực hình (tôi thà rong chơi với bạn bè trong mấy quán cà phê ). Sinh viên năm thứ ba ĐHKH Saigon tôi thích những nơi có nhạc TCS, lơ mơ điếu thuốc quấn Bồ Đà. Hồi nhỏ ba má tôi vẫn buộc chúng tôi phải đi lễ chung với gia đình, nhưng khi bước vào đại học, ông bà để chúng tôi tự do. Tôi trịch thượng so sánh những linh mục với những con quạ đen .

Nhưng đêm hôm đó, tôi bị “đánh thức“. Tiếng chuông vọng lại nhắc đến những Giáng Sinh gia đình thiếu vắng tôi trong lễ nửa đêm. Hình ảnh ba má tôi chăm chỉ dự lễ đều đặn nhất là sau ngày đại tang của đất nước. Ông bà cầu nguyện điều gì tôi không biết nhưng gương mặt già nua của cha mẹ giờ đây hiện rõ ràng trong tâm trí. Tôi bật khóc, tự nhiên tôi ngồi dậy, hai cái còng chữ u dưới chân rọt rẹt làm Giu Se Mới cằn nhằn “ngủ đi thằng Sài Gòn“. Tôi không ngủ được nữa, lần đầu tiên sau bao nhiêu lâu tôi mấp máy môi đọc một kinh Lạy cha ba kinh Kính Mừng một kinh Sáng Danh. Rồi tôi quyết định make a deal với Thiên Chúa. Tôi thưa như thế này:

– Lạy Chúa, bao lâu rồi con đã không dự lễ với ba má, Xin cho con được về trước Giáng Sinh năm nay, con muốn cùng ba má con dự thánh lễ Giáng Sinh. Nếu có thể xin hãy cho con điều đó. Nếu không xin hãy cất linh hồn con, con hết chịu nổi rồi. Sau Giáng Sinh nếu còn ở trong này con sẽ chẳng tha thiết điều gì nữa, cho con chết đi thì hơn.

Như đã nói, tội của tôi là tội “ tình nghi ” mà đối với VC “ tình nghi ” nặng hơn “ tình thiệt “. Tình thiệt còn có ngày về, tình nghi thì cứ “mút mùa Lệ Thủy”. Do đó cầu nguyện là một chuyện, cầu được ước thấy lại là chuyện khác. Tôi đinh ninh như thế và rồi tôi quên đi những gì mình đã thưa vào đêm thức dậy ba giờ sáng.

Ngày 22 tháng Mười Hai năm 1976. Đang lúc ra tắm nắng tù được lệnh trở vào phòng giam, thường là lệnh chuyến đi lao động những tù đã có án. Trước đó hai ngày ngày 20/12/1976 tôi chợt nhớ lại lời cầu xin của mình và lòng buồn rười rượi vì chắc chắn sẽ còn ở đây lâu. Thân thể tôi giờ như một bộ xương khô, cái đói chiếm trọn đầu óc. Đã có lần tôi suýt nhặt một trái ớt hiểm nằm giữa đống phân vì thèm. Tôi sắp chết rồi.

Đợt đầu được gọi ra để chuyển trại, cửa phòng giam mở khoảng mười lăm phút để tù có án tập trung. Sau đó lại đóng. Điều này hơi bất thường vì trước đây chưa từng. Hóa ra còn một đợt kêu tên nữa cho về. Tên tôi nằm hàng thứ ba mươi sáu.

Tôi đi như bay ra khỏi nhà giam, đầu óc tôi tê điếng chẳng còn cảm giác Điều tôi không ngờ đã đến. Tôi bước ngang Biệt Giam thấy mặt Giu Se Mới cười và nghe rõ tiếng nói của nó : “thằng Saigon về rồi! ”. Cảm ơn mày nha Giu Se Mới, tao sẽ nhớ mày và Y Nguoun

Hồi bị bắt tôi còn ít tiền, công an VC trả lại tôi đầy đủ (Điều này cũng đã làm tôi ngạc nhiên một thời gian, ít quá không đáng để lấy?). Tôi mua ngay một nải chuối, mấy cái bánh tét, tất cả những gì tôi thèm khát mà số tiền có thể mua được. Kết quả thấy ngay lập tức, tôi đứng dậy không nổi. Bao tử bị o ép thời gian dài nay căng ra quá độ làm tôi bị bội thực. Tôi ráng lết ra bến xe, trên người còn mặc bộ đồ tù trại phát. Ra đến đó tôi ngồi trên một băng ghế dài, ngẫm nghĩ cách đề về nhà. Tiền đã hết, làm thế nào đây? Cách duy nhất tôi có thể thực hiện lúc này là cầu nguyện. Tôi lại thưa:

– Lạy Chúa Chúa đã nghe lời con kêu xin, cho con được ra tù mà chỉ còn hai ngày nữa là đến Giáng Sinh, con lại không có tiền. Không lẽ Chúa bỏ con bơ vơ ở nơi này? Vậy thì cho con ra tù để làm gì?

Còn đang lẩm bẩm, tôi chợt nghe có tiếng nói

– Sao ngồi đây?.

Tôi ngước lên, trước mặt là một người đàn ông trung niên, ăn mặc như nông dân. Giọng miền Nam hơi phảng phất Trung Phần. Anh nhìn tôi có vẻ thông cảm (chắc tại bộ đồ tù)

Tôi thưa thiệt:

– Dạ tôi mới tù ra, nhà ở tận Saigon không biết làm sao đề về nhà

– Vậy hả, tôi tên Tường, mà nè sáng giờ ăn uống gì chưa?

Mặc dù ăn no đến bội thực, bao tử đang hành hạ nhưng cái đói ám ảnh khiến tôi buông vội (vì tưởng như mình vẫn đang rất đói ):

– Dạ chưa

– Vậy ngồi đây chờ chút tôi đi chút xíu quay lại.

Tôi bàng hoàng, kinh ngạc. Như thể Chúa đang ở trước mặt tôi, Ngài đang trò chuyện, đang nghe những lời kêu van thống thiết và gởi một thiên sứ đến giúp tôi. Anh là Thiên Sứ của Thiên Chúa hay người thường vậy anh Tường?

Anh trở lại với khúc bánh mì:

– Nè ăn đi, tôi đã sắp xếp một chỗ cho anh trên chiếc xe đò về Saigon rồi.

Tôi theo anh, anh dẫn tôi lên chiếc xe, nói gì đó với người tài xế, rồi ngoắc tay:

– Về nhà bình yên nghe

Tôi vẫn không biết anh có phải là Thiên Thần Bổn Mệnh của tôi, vì thời điểm đó, đâu có ai muốn rắc rối, dây dưa với người lạ nhất là một thằng tù còn mang trên người bộ quần áo. Càng co cụm, khép kín càng tốt. Ai biết ai… là ai!

Tôi lên xe ôm cái bụng cóc ọc ạch vì thức ăn nằm ủ trong đó. Cứ khoảng một cây số tôi lại xin người tài xế ngừng lại để đi cầu. Trên dưới đều không ra được làm tôi như người sắp chết. Bụng tôi căng cứng giống trái banh chờ lúc bùng nổ. Tôi lại lâm râm cầu nguyện. Những lời kinh phần nào làm đau đớn dịu xuống, nhưng hỗn tạp hàng chục loại thức ăn trong dạ dày khiến tôi chỉ muốn chết cho xong. Hành khách đi chung xe không ai dám nói chuyện với tôi, họ chỉ liếc mắt nhìn, người đầu tiên ngồi hàng cuối đứng dậy xuống, đi ngang qua ném cho tôi hai đòn bánh tét rồi đi thẳng. Người thứ hai, thứ ba giả bộ để rơi tờ giấy bạc, gói thuốc. Tôi cảm ơn họ những người xa lạ chỉ vì bộ đồ tù tôi mặc trên người sẵn sàng nhường nhịn chia sẻ chút vật thực rất nghèo nàn của họ. Những ngày đầu mất nước chẳng ai giàu có đủ để chia sẽ phần sở hữu của mình. Chắc họ đoán tôi là tù VC vừa được tha, mà đã là tù VC thì (ngoài hình sự ) tất cả đều là anh hùng. Cảm ơn họ, những người miền Nam giàu lòng vị tha

Tối hôm đó xe ngừng lại ở Qui Nhơn. Nhờ có tiền tôi thuê được cái ghế bố. Tôi muốn ngủ nhưng đau đớn quá đến bật khóc. Tôi lại ngồi dậy thầm thì cầu xin:

– Lạy Chúa, Chúa đã cho con ra tù, cho con có phương tiện về nhà không lẽ Chúa để con chết ở đây? Chúa biết là con cũng sắp chết rồi. Con thở không nổi nữa, đau quá Chúa ơi

Cầu nguyện một chặp, tôi mệt nằm xuống thiếp đi. Đoán chừng khoảng mười lăm phút sau, tôi ngồi bật dậy. Một con nôn thốc nôn tháo tống khứ hết mọi thức ăn đã nằm trong bao tử tôi hai ngày nay. Tôi tưởng sau đó tôi sẽ chết, thật lạ, hết cơn nôn tôi cảm thấy mình khỏe khoắn như chưa bao giờ khỏe như thế. Tối hôm đó tôi ngủ say như một đứa trẻ vừa no sữa

Xe đến ven thị xã Phan Thiết thì ngưng lại. Lệnh giới nghiêm không cho phép xe lưu thông qua thành phố sau nửa đêm. Đó là tôi đoán vậy, còn thật sự như thế nào tôi không biết. Đêm đó cũng như mọi người chúng tôi nằm lăn lóc ở hai bên vệ đường trong khách sạn “Ngàn Sao“ ( nhìn lên trời thấy sao không!)

Sáng ngày 24/12/1976 tôi về tới nhà. Con chó Lucky má tôi thừa hưởng từ người dì đã đi tản qua Canada để lại. Nó gốc quân khuyển thường được ăn đồ ngon cho tới khi về với má tôi và sống dưới chế độ VC. Tội nghiệp “ thằng nhỏ “ phải tập ăn mọi thứ má tôi có thể chia cho nó. Chơi láng hết từ khoai mì khoai lang, cám heo v..v . Hai “ đứa ” tụi tôi vẫn chơi thân với nhau trước ngày tôi đi tù.

Nghe tiếng người Lucky từ trong nhà chạy ào ra sủa dữ dội. Tôi la khẽ “ Lucky, tao nè “ nghe tiếng tôi nó ư ử mừng rỡ, chân cào lên hàng rào đuôi vẫy dữ dội. Má tôi đang ăn cơm, nghe chó sủa vội chạy ra coi là ai, tay vẫn còn cầm chén. Vừa nhìn thấy tôi, má chết sững

– Trời ơi , ông ơi, thằng Bảy nó về rồi nè.

Ba tôi chạy ra, mếu máo. Má tôi mở cổng, ôm chầm lấy tôi, Lucky nhảy chồm lên người tôi, ba tôi cứ cầm tay tôi mà lắc. Sau này khi bình tĩnh tôi mới biết ba má tôi tưởng tôi đã chết rồi vì không có tin tức gì hết từ ngày tôi bỏ đi. Ba má biết tôi tìm cách vượt biên đường bộ. Thú dữ, Khờ Me Đỏ, VC chắc là tôi không tài nào đi lọt. Thậm chí má tôi đã xin lễ cầu hồn cho tôi. Tôi đâu có dám cho ba má tôi biết bị tù ở Pleiku sợ ông bà tuổi già sức yếu lại lo gồng gánh thăm nuôi. Cuối cùng tôi chịu hết nỗi đánh liều gởi lén thằng bạn được tha bức thư cầu cứu chỉ cách ngày tôi được tự do có một tuần lễ. May là thằng bạn chắc về tới nhà vui quá quên giao thư. Cảm ơn nó, nếu không tôi lại làm khổ ba má tôi lần nữa.

Tính ra VC giam tôi hơn sáu tháng. Sáu tháng với một thằng thư sinh như tôi, từ nhỏ tới lớn chỉ biết ăn bám vào cha mẹ là cả một khoảng thời gian khủng khiếp. Tôi biết được con rận hình dạng ra sao, con cái ghẻ nhớ như thế nào và làm cách nào bắt “quả tang hung thủ“ bằng đầu kim mài nhọn từ mảnh sắt vụn. Tôi biết sự dã man khi bệnh “ đói “ hành hạ, cảm giác “ sung sướng đến tê dại “ lúc áp chai thủy tinh nước nóng vào hai cái mông đầy ghẻ, hoặc khi thằng bạn “ghẻ “ chà bật máu mủ rồi chế nước muối lên. Gọi là bạn ghẻ vì chúng tôi sẽ luân phiên “ điều trị “ bệnh ghẻ cho nhau theo lối đó.

Tôi cũng phải cảm ơn VC. Nghe lạ quá ha? Nhưng đúng là nhờ VC, bao tử tôi giờ vô địch. Tôi có thể ăn bất cứ con gì miễn là nó nhúc nhích (tôi đã từng nếm “hương vị“ rận no máu khi cắn cái cóc trong miệng ). Bây giờ nhiều khi ăn thức ăn để lâu hoặc cơm thiu người khác sẽ bị ngộ độc thực phẩm, còn tôi hả ? “ vô tư “! Vi trùng sợ tôi chứ tôi đếch ngán bất cứ vi trùng nào. Sống sót tù VC tôi có thể sống sót mọi nơi, mọi hoàn cảnh vì tận cùng của sự khủng khiếp là Hỏa Ngục mà so với tù VC chắc còn thua một bậc.

Câu chuyện này hoàn toàn có thật mà bao nhiêu năm nay tôi muốn kể lại để VINH DANH và CÁM ƠN Thiên Chúa, những vì không biết cách viết, cộng thêm với sự lười biếng, lo toan cuộc sống tôi chưa làm được. Tin hay không tuỳ quý vị, nhưng ơn Thiên Chúa ban cho có thật, nhất là cộng thêm lời cầu bầu rất linh nghiệm của Mẹ Maria.

Còn đối với anh Tường tôi vẫn cầu nguyện cho anh (tôi rất muốn biết anh chỉ là một người giàu lòng nhân đạo tình cờ đi ngang qua hay anh thật sự là một Thiên Sứ được sai đến?)

Tôi xin lỗi, tôi quên phần kết luận: chỉ trong vòng có hai ngày, từ trưa 22/12/1976 với một cái bụng bội thực gần chết, với phương tiện giao thông nghèo nàn dưới sự điều hành của VC đi từ Pleiku (cách xa Saigon bao nhiêu cây số?) , tôi đã về tới nhà mình vào đúng trưa ngày 24/12/1976. Điều đó có nghĩa là đêm Giáng Sinh tôi đã được tham dự Thánh lễ nửa đêm với ba má mình như lời nguyện xin trong phòng biệt giam ở Pleiku…”

VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI
BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI THIỆN TÂM

(Theo lời kể của một người bạn)
Nguoiviettudo
Đêm Giáng Sinh 1976 trong rừng Katum

Sau vụ nổ kho đạn tại sân vận động Long Khánh hồi chiều ngày 23 tháng 6 năm 1976 - một ngày trước ngày bầu cử Thống Nhất Hai miền Nam Bắc – các trại tù nằm chung quanh kho đạn Long Khánh có hồm thư 7590 N9 T9, L9 T9….được phân chia đưa đi đến các trại tù khác trên khắp nước. Một số được đưa ra giam trong các trại tù ở ngoài Bắc, số còn lại vào các trại tù ở miền Trung và miền Nam.

Ngày 12 tháng 7 năm 1976, toán tù bao gồm các sĩ quan biệt phái cấp nhỏ trong đó giáo viên, giáo sư, Nha sĩ, Bác Sĩ, kỹ sư được phân chia đưa đến các trại tù Ka Tum, phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, dọc theo biên giới Việt Cao Miên.

Tôi nằm trong toán tù này. Cũng giống như các lần chuyển trại tù trước đây, một số tù nhân đổi đi các trại tù khác,…cho nên nhân số trong các đội như A, B,…được sắp xếp và bổ xung trở lại. ( A tương đương Tiểu đội; B = Trung Đội… ) Lần này, trước khi đi vào trại Ka Tum, tôi được bổ xung vào một toán 10 người, tức là lập thành 1 A mới.

Bạn Tù
Trong A của chúng tôi có 10 người. Tôi có nhiều kỷ niệm với các anh sau đây.

Nguyễn Sáu- Giáo sư Kỹ Thuật tại trung tâm Huấn Nghệ Thủ Đức. Nguyễn Sáu là người Đà Nẵng, tốt nghiệp Giáo Sư Kỹ Thuật Đà Nẵng. Rất trẻ và rất khỏe. To con và rất năng động. Trong suốt thời gian ở trong tù, nhờ lớn con, khỏe mạnh, Sáu giúp rất nhiều anh em trong A trong các công tác nặng.

Vì là độc thân, gia đình ở Đà Nẵng, quá xa, cho nên suốt 2 năm, trong lúc hầu hết các tù cải tạo, ít nhất 1 lần được gia đình thăm nuôi,…thì Nguyễn Sáu vẫn là con mồ côi. Không có thân nhân thăm nuôi. Tuy vậy, Nguyễn Sáu vẫn được anh em trong tù lấy thực phẩm do người nhà đem ra ăn chung.

Nhờ chuyên môn kỹ thuật mình, Nguyễn Sáu đã giúp anh em trong tù rất nhiều trong công việc chế biến các dụng dùng trong trại. Anh em đi lượm các thanh sắt, miếng tole, dây kẽm gai về giao cho anh chế biến thành cái lược chải tóc, các thùng đựng nước, các nồi, xoong dùng trong nhà bếp. …Thanh sắt anh Sáu rèn, mài thành dao đi rừng, chặt cây về làm giường ngủ, chặt mây về đan giỏ….

Tháng 5 năm 1977 anh Nguyễn Sáu được phóng thích. Không biết bây giờ ra sao.

Nguyễn Ngọc Tường: Vừa tốt nghiệp Quân Nha. Mang cấp bực Trung Úy chưa kịp ăn lương đã phải từ giã cô vợ mới cưới chưa đầy 6 tháng, với cái bầu 3 tháng. Tường người gốc Ban Mê Thuốt, rất đẹp trai và học giỏi. Năm 1968, đậu tù tài II về Sài Gòn thi đậu vào năm dự Bị Nha Khoa. Sau đó vào quân Nha. Lấy cô vợ cùng lớp, Nha sĩ, tốt nghiệp cùng năm. Đầu năm 1976, thư nhà báo tin cho Tường biết, Tường đã trở thành ” Bố ” của một cậu con trai… 

Lúc còn ở trại Tù Long Khánh, Nguyễn Sáu, Tường và tôi lập thành toán đào giếng trong khối. Long Khánh vùng đất đỏ, ở độ khá cao so với mặt biển. Mực nước ngầm nằm rất sâu dưới lòng đất. Vào mùa nắng, như cầu nước rất lờn. Nhiều trại không có nước để cho tù cải tạo giặt giũ, tấm rửa. Chỉ còn cách chờ mưa. Riêng trong khối chúng tôi, 3 đứa đứng ra chịu nhận công tác này. Nơi nào cần giềng, 3 đưa đi đào. Khởi đầu bao giờ cũng khó vì chưa có kinh nghiệm. Nhưng đào đôi 3, 4 cái giếng, chúng tôi gần như học thuộc lòng. Dễ như chơi. Như đã nói, nước ngầm vùng Long Khánh nằm rất sâu trong lòng đất, nên phải đào thật sâu có khi trên 10 m mới chạm được mạch nước. Rồi từ đó đào tiếp cho đến khi mực nước trong giếng lên đến thắt lưng. Cũng có lúc không may khi đào 5, 6 m rồi mà bỗng dưng đụng phải núi đá ngầm lớn, đành phải lấp lại… Nhờ có cái nghề đào giếng, chúng tôi thường được rảnh và tự do hơn là đi làm các công tác khác, … Khi chuyển trại tù về Ka Tum, cái nghề đào giếng cũng còn ăn khách, nhất là những ngày đầu. Tuy nhiên ở Katum, mực nước ngầm nằm không sâu dưới lòng đất, cho nên, sau đó, trại tù nào cũng có thể tự đào giếng được. Chỉ cần 2, 3 m sâu trong lòng đất là đã đụng mạch nước rồi. 

Nhưng rồi chúng tôi lại học được cái nghề mới. Chặt tre. Cái nghề này cực lắm. Gai tre dâm nát tay chân. Nhất là các bui tre nằm sát các nhánh sống hay vũng nước, thì ở đó có cả hàng trăm con vắt bao quanh. Lội qua vũng nước để trèo lên chặt tre, là sẽ bị hàng chục con vắt chun vào quần áo, hút máu khắp nơi.

Người ta nói ” Nhất chặt tre, nhì ve gái ” là vậy….. Cuối năm 1977, Tường được trả về và được trở lại nghề, lúc đó làm tại một phòng răng ở khu Thanh Đa- Sài Gòn. Không biết bây giờ đang ở đâu.

Nguyễn Vũ Phấn: Đại úy Bác sĩ. Một người rất chín chắn, đầm tĩnh. Là người lớn tuổi nhất trong A, anh em trẻ khác luôn luôn giúp anh Phấn trong các công tác khó khăn và nặng nhọc, như cưa cây, đốn tre, đào giếng, khiên vác gỗ…Anh Phấn lo ẩm thực…. Ra khỏi tù cải tạo, anh trở lại làm việc ở bệnh viện Nhi Đồng Quận I, gần khu chợ Bến Thành. Về sau được một đồng nghiệp của anh cho biết anh đã vượt biên và hiện định cư tại Đức.

Trung Úy Quân Y Nguyễn Ngọc Khôi là một chàng trai trẻ tuổi như Nguyễn Sáu và Nguyễn Ngọc Tường. Cũng vừa mới tốt nghiệp Quân Y, còn độc thân. Rất khỏe và rất vui tính. Lúc nào cũng tỏ ra hào hiệp giúp anh em trong A, hay trong B…Mặc dù mới ra trường, theo tôi, anh có khá nhiều kinh nghiệm trong nghề. 

Chẳng là thế này. Hồi còn nhỏ, tôi thường đi gài bẫy bắt con Dông ( con cắt ké trên bãi cát ). Ở miền Trung, dông làm hang lỗ trên các cánh đồng cát, đầy cây gai bàn chãi ( một loại xương rồng ) Khi rượt bắt nó, tôi vấp chân té vào một bui gai bàn chải. Tay tôi bị gai đâm khắp nơi. Mấy đứa bạn tìm cách rút từng cây gai ra. Cũng may, chỉ còn có một cây đâm sâu trong da ở cườm tay phía dưới ngón tay cái bên trái. Nhìn xuyên qua lớp da, có thể thấy cây gai màu đen, rất rõ. Từ ở lứa tuổi 12, 13 cho đến lúc vào tù, cây gai bàn chải vẫn nằm phía dưới lớp da Nó không làm độc, cũng chẳng đau đớn gì nên tôi cứ để như thế. Một hôm Khôi thấy tay tôi, Khôi hỏi chuyện gì xảy ra.

Tôi kể lại. Đụng phải nghề của chàng, Khôi đề nghị để Khôi …lấy ra. Trời đất! Ở đây có gì mà Khôi dám ra tay. Khôi, dưới sự đồng ý của Đại Úy Bác Sĩ Nguyễn Vũ Phấn, hứa là sẽ giải quyết an toàn cái gai này cho tôi. Khôi nói, chỉ đau một chút thôi. Bằng cách nào? Khôi tĩnh bơ, bằng miếng mẻ chai bén. Khôi lục trong căn lều của A có một cái chai nhỏ. Khôi đạp ra và chọn một mảnh bén nhọn vừa ý.

Nguyễn Vũ Phấn đốt lửa hơ sát trùng miếng mẻ chai. Nguyễn Sáu cầm chặt tay tôi, Tường rạch thật nhanh một lằn nhỏ trên da tay ngay nơi có cây gai. Tôi đau nhói một chút nhưng Khôi đã trấn an. Xong rồi, Sơn. Khôi lấy cây gai ra hồi nào tôi không biết. Khôi rút trong túi ra một cuộn băng nhỏ mà người nhà đã đem cho Khôi khi đi thăm nuôi, cột chặt nơi vết cắt lại. Máu chảy ra một lúc rồi tạm yên. Suốt cả tuần tôi được anh em cho nghỉ ở nhà lo bếp núc. Đốn cây, cưa gỗ, khiên vác,…các anh lo hết. …Tuyệt vời. 

Cuối năm 1977 Khôi được phóng thích và trở về làm tại bệnh viện Sùng Chính, Chợ Lớn. Hiện giờ không biết ra sao.

Kiến Trúc Sư Trung Úy Hải Quân Đàm Thanh Việt. Là một người rất chín chắn, cẩn thận và rất ,…nghi thức. Lúc nào anh cũng mặc bộ quân phục Hài Quân màu xanh tím nhạt, bỏ áo trong quần, rất chỉnh tề. Rất ít nói, nhưng mỗi lần Việt góp ý ,..mọi người đều tán thành. Đơn vị cuối cùng của Việt là căn cứ Hải Quân Đà Nẵng. Trong những ngày đầu toán tù vừa được chuyển từ trại tù Long Khánh về Ka Tum, KTS Đàm Thanh Việt đã giúp cho toàn Khối nói chung và cho A chúng tôi rất nhiều.

Người tù Đàm Thanh Việt đã tận dụng khả năng chuyên môn của mình về mặt kiến trúc cũng như về điêu khắc, đã giữ vai trò chính trong việc xây cất nơi cứ trú cho các tù cải tạo. Anh đã vẽ thành sơ đồ các xây các trại. Anh tính số lương gỗ, kích thức. Cách đục đẻo trụ, đòn giông, rui, mè, và cách đánh tranh. Các toàn đốn cây, đốn theo kích thước mà anh đã tính toán; các đơn vị đia cắt tranh theo số lượng anh cần; các toán ở nhà đục đẽo, phơi tranh, chẻ tre làm đánh tranh,… Rồi toán dựng nhà xây trại….Nhờ anh, cả doanh trại lớn của đơn vị L2 T4 , chỉ trong vòng nửa tháng, đã có được các doanh trại lớn, che nắng che mưa cho cả hàng ngàn tù cải tạo.

Anh không bao giờ câu nê, phàn nàn gì hết khi trưởng toán phân chia công tác. Chuyện gì giao cho anh, anh cũng vui vẻ nhận lời và thi hành một cách nghiêm chỉnh. Đâu ra đó. Anh vẫn còn độc thân mặc dù , lúc đó anh đã qua cái tuổi 30. Gia đình của anh ở Sài Gòn. Người duy nhất thăm nuôi anh là một bà chị. 

Trước ngày thăm nuôi, anh đi rừng tìm hai khúc gỗ hình cong. Rồi trong những ngày nghỉ, những giờ nghỉ, anh miệt mài đi nhặt các thanh gỗ về đóng thành cái giường ngủ cho anh, rất là tân tiến. Trong khi anh em cứ nằm đại trên đất, hay lấy các thanh gỗ ghép thành cái sườn của một cái giường rồi ngủ cho qua ngày, anh Việt lại có sáng kiến khác. Anh làm thành cái giường rất có nét, đúng tiêu chuẩn của cái giường,…gỗ. Song thanh giường thẳng tấp và được cao võ sạch sẽ chu đáo. Một phần đầu giường anh làm rời ra, có thể di chuyển theo độ cao, thấp theo như ý muốn… Nghĩa là giống như mấy cái giường hiện nay,…có hệ thống tự động nâng cao hay hạ thấp cái đầu.

Một đặc điểm khác của KTS Đàm Thanh Việt là,..tình yêu dành cho loài thú.

Hôm thăm nuôi, có lẽ do anh viết thư xin, bà chị đem theo một con gà con. Anh quý con gà như chính anh. Những ngày đầu, khi đi lao động, anh đem con gà theo bên mình. Phần cơm dù có thiếu, anh cũng dành cho nó một ít. Ngoài ra, khi nào rảnh, anh và con gà đi bắt trùn, bắt dế….

Nhu cầu xây cất doanh trại và nhất là nhu cầu đốn gỗ làm củi chụm để Trung Đoàn L2 T4 bán cho dân lấy tiền quá lớn, lớn đến nỗi, cả khu rừng Katum lúc đám tù mới lên, còn rậm rạp dọc theo bên đường,….nay trống rỗng. Phá rừng không tiếc tay. Đó là lệnh của Việt cộng bắt đám tù cải tạo phải đạt chỉ tiêu.

Chỉ trong vòng 2 tháng, rừng sạch bách. Muốn có đủ gỗ để Việt cộng đem về Sài Gòn bán, đám tù phải thức dậy sớm, tiến sâu vào sát ranh giới Cao Miên để đốn gỗ.

Đốn gỗ để cho Việt cộng đem đi bán lấy tiền bỏ túi, tù cải tạo phải chọn gỗ đúng kích thước như ban quản giáo phân chia công tác. Đường kính của gỗ phải từ 30 cm trở lên và chặt ra từng khúc dài vào khoảng 80 cm. Một khúc gỗ như vậy, có một thể tích là : 1,5 x1,5x 3,14 x 7 = 49 dm3 = 0,049 m3. Tỉ trọng của gỗ trung bình là 800 kg/m3. Tính ra, mỗi tù nhân phải vác từ rừng sâu ra ngoài đường trước trại tù, xa chứng 2 km đến 3 km…. nặng chừng 50 kg. Cong lưng!

Đến phiên toán chúng tôi được phân phối đi đốn gỗ, trong 5 này phải giao 1 m3 gỗ cho ban quản giáo. Tính ra, phải đốn chừng 20 khúc gỗ với kích thước như trên là tạm đủ. Mỗi ngày 4 hay 5 khúc là được rồi. Vì gỗ tương đối nặng so với anh em lớn tuổi, cho nên mỗi lần đi, 6 người thay phiên nhau vác 5 khúc gỗ trên đường dài từ 200m đến 300 m từ trong rừng ra bãi tập trung.

Đi theo bên cạnh của 2 tên lính cảnh vệ cầm súng trên tay, Sáu, Khôi, Tường, Phấn, Việt và tôi mỗi sáng lên đường. Chừng 15 – 20 phút sau, chúng tôi đến bìa rừng. Rừng ven biên giới còn khá rậm rạp. Ở đây anh em tha hồ chặt mây đem về đan giỏ. Nhưng trước hết phải tìm cho ra một cây cổ thụ, thường là cây sao, có kích thức thân đường kính vào khoảng 30 cm và con chừng 4, 5 thước để chúng tôi mới có đủ kích thước gỗ đem về giao cho Việt cộng. Vì nhiều toán đi tìm cây lớn để cho đủ chỉ tiêu, rừng một ngày một mất dần cổ thụ. Vì thế, đám tù cải tạo mỗi ngày phài đi xa và đi sâu vào rừng để tìm cây có kích thước….

Con khỉ và anh KTS Đàm Thanh Việt
Một hôm, trong lúc tiến sâu vào rừng tìm cây, chúng tôi nghe tiếng khỉ kêu réo có vẻ như báo động.

Phân biệt dễ dàng tiếng kêu của khỉ mẹ và khỉ con. Tiếng hét của khỉ mẹ nhảy từ bên này qua bên kia, thay đổi hướng liên tục; trong khi đó tiếng con khỉ con cũng vẫn tại một hướng. Việt là người đầu tiên lên tiếng: ” con khỉ mẹ đang báo động cho khỉ con vì mình đang tiến vào …nhà của nó…”. và đúng như anh Việt nói, khi chúng tôi tiến về hướng con khỉ con, thì con khỉ mẹ chạy nhảy la hét gần như ngay trên đầu của chúng tôi. Khỉ mẹ muốn chận đứng chúng tôi để cứu khỉ con. Nhưng chúng tôi đã đến sát bên khỉ con rồi. Có lẽ vì mới sanh, còn yếu, nên khỉ con không nhảy theo mẹ kịp và khỉ mẹ cũng không còn đủ thì giờ để cứu con; Nguyễn Sáu đã trèo nhanh lên cây tính chụp lấy khỉ con.

Nhưng nó tìm cách thoát thân trong khi con mẹ la hét cầu cứu, dọa nạt bên cạnh. Vì chúng tôi nhiều người … nên khỉ mẹ dù rất thương con, dù rất đau lòng, cũng không đủ can đảm lao mình vào cứu con. Khỉ mẹ chỉ nhảy qua nhảy lại la hét…Con khỉ con vừa thoát khỏi tay của Anh Sáu, nhảy qua cành khác, nhưng không may, rơi xuống đất một cái bạch. Khỉ con nằm bất động. Anh Việt đứng gần đó, vạch lá cây chung quanh, tiến tới và nghiêng mình chụp lấy nó. Anh vội vàng lấy cái nón vải mà anh thường đâu trên đầu khi đi rừng, trùm nó lại và bước ra bìa rừng….bỏ mặt tiếng kêu la thảm thiết của khỉ mẹ.

5 anh em chúng tôi tiếp tục làm công tác đốn gỗ. Sau khi tìm được một cây cổ thụ vừa ý, Nguyễn Sáu, Nguyễn Ngọc Tường và tôi …ra sức cưa, chặt, đục, đẽo,…thành 5 khúc. Mặt trời xế bóng từ lâu, theo lịnh của 2 tên lính cảnh vệ, sáu anh em thay nhau vác củi ra về. Riêng anh Việt được anh em tán thành, chỉ vác một đi một đoạn ngắn; phần còn lại anh lo cho con khỉ. Anh lấy nước cho nó uống và nó bắt đầu tĩnh lại. Gào thét kêu mẹ…làm cho anh Việt xốn xao.

Thuở đó ở trong trại, tù cải tạo thỉnh thoảng được phân phối sữa đặc có đường. Mỗi người 1 hay 2 muỗng để chấm bột sắn luộc ăn vào buổi sáng. Riêng phần của anh Việt, anh không ăn. Anh dành cho con khỉ. Nhờ chút ít sữa mà anh để dành nuôi nó, không bao lâu con khỉ bình phục.

Rừng Ka Tum vào cuối Đông. Gió lạnh và mưa phùn. Đó đây trong trại có thì thầm ngày Chúa ra đời.

Giáng sinh năm 1976 tại rừng Katum cũng tịch mịch như đêm Chúa sinh ra từ gần 2000 năm trước tại Thánh địa Jerusalem. Dân chúng lúc đó cũng lầm than như đám tù bây giờ.

Phần ăn của mỗi tù nhân ngày càng sa sút. Đối với Đàm Thanh Việt lại càng ít hơn vì còn phải nuôi thêm hai miệng ăn. Con gà và con khỉ. Sức anh cũng kiệt dần. Con khỉ cũng không còn đủ thực phẩm để có thể sống qua mùa Đông. Con Khỉ con bị bịnh trở lại. Bỏ ăn mấy ngày. Nhìn gương mặt với cặp kính cận của anh Việt, thấy mà thảm thương làm sao. Anh không còn vui, lười nói chuyện, kể từ khi con khỉ bỏ ăn..

Lại có lịnh chuyển trại. Di chuyển sâu vào phía rừng. Kế hoạch xây nhà, cất trại để tránh nắng, đụt mưa lại tái diễn,…Có một số tù nhân chuyển trại, mà cũng có thể ra về. Toán của chúng tôi lại sát nhập vào một toán tù khác. 

Lần này chúng tôi làm quen được bác sĩ Đại úy Lê Cảnh Tư. Theo như anh em mới tái phối trị trại lại cho biết anh Tư là một nhân vật khá đặc biệt. Lúc còn ở đơn vị quân y vùng II, hầu hết ai cũng biết tên BS Lê Cảnh Tư. Rất cứng đầu. Khi vào tù cải tạo, tánh tình không thay đổi 1 ly. Bướng bỉnh và,..gan dạ. Nghe nói anh Tư coi quản giáo không ra gì cả. Nhốt anh, chẳng làm anh thay đổi.

Tình cờ chúng tôi và anh Tư cùng nằm trong cùng B. Một vài ngày sau khi cùng tham gia công tác, tôi mới hiểu tính của anh. Đúng như anh em cho biết. Anh rất bướng nhưng cũng rất thẳng thắn. Khi B trưởng giao công việc mà anh không nhận, anh nói rất rõ ràng, rằng anh chịu trách nhiệm. Cứ báo cáo như vậy. Anh không trách lỗi cho người khác.

Chúng tôi làm quen với nhau. Nhân tiện anh Tư biết anh Việt có nuôi con khỉ và con khỉ đang bỏ ăn, anh nói với anh Việt để cho anh chăm sóc. Bác sĩ mà….Vững tin nghe lời bác sĩ, anh Việt bằng lòng giao con khỉ cho BS Lê Cảnh Tư….điều trị…..

Chiếc bánh bao nhưn thịt…..trong đêm Giáng Sinh 1976

Mùa đông đã đến thực rồi. Mùa đông năm 1976 tại rừng Katum. Màng đêm xuống thật nhanh trong khu rừng. Ngày nào các toán tù đi công tác ở bên ngoài về cũng tối sẫm. Vội vàng tắm rửa, ăn uống cho qua loa rồi phải xách cái ghế cá nhân ra sân ngồi tập hợp đúng giờ đế nghe Việt cộng đọc báo…Quân Đội Nhân Dân.

Đám tù ngồi, gần như người nào cũng gục đầu bất động. Một phần vì cả ngày làm việc cực nhọc;phần khác, do cái giọng lải nhãi, lừ đừ, đọc từng chữ của mất cán bộ quản giáo. Chữ viết trên tờ báo đã nhỏ, mà anh đèn dầu lại le lói và thỉnh thoảng lại bị cơn gió lùa qua, làm mất đi ánh sáng trên tờ báo,…cho nên mấy tên cán bộ phải mò từng chữ.

Cũng có vài trường hợp báo quá cũ, do xếp đi xếp lại nhiều lần, hàng chữ bị nằm trên vết xếp nhòa, nhìn không rõ,…nên có lúc đọc sai. Một câu chuyện vừa có vẽ hài hước,vừa châm biếm nhưng rất thật đã được truyền miệng trong trại tù về cách đọc báo ban đêm của mất tên quản giáo.

Chẳng là vào cái thời đó, hai nước ở Trung Đông gây gỗ nhau rất lớn. Chiến tranh thật sự đã diễn ra.

Việt cộng lúc đó đã toà đại sứ hai nước này. Vì hai nước thuộc quốc gia hồi giáo, rất chống Mỹ,…cho nên đã trờ thành hai nước anh em với Việt cộng. Báo Quân đội nhân dân thường đăng các tin về hai nước này.

Một hôm, hai anh quản giáo đem tờ báo cũ, lật ra lật lại tìm một câu chuyện…quốc tế về 2 nước ban bè ở Trung Đông ra đọc và giải thích cho đám tù nghe…

Một anh đứng canh chừng, một anh lật tờ báo ra đọc.

Cái tựa đề của tờ báo không may nằm trên đường gấp của tờ báo, cho nên mấy cái chữ rất lờ mờ.

Sau khi tằn hắn lấy bình tĩnh và dưới ánh sánh le lét của ngọn đèn dầu,…anh ta bắt đầu câu chuyện:

” Hai nhà nước nhân dân anh hùng, bạn bè với chúng ta ở Trung Đông đang gây chiến với nhau. Anh Một (I ) răn và anh Một ( I ) rắc…..”.

Đám tù đang mơ màng, ngủ gà ngủ gật bỗng ngước đầu lên vỗ tay cười vang trong khu rừng…I-răn và I – Rắc. Chữ I hoa, anh ta tưởng là số 1 nên mới đọc là một răn, một rắc…..

Những mẫu chuyện hài hước nhưng có thật đã xảy ra rất nhiều vào những ngày đầu đám lính Bắc cộng ngớ ngẩn khi mới chân ướt chân ráo bước vào miền Nam ấm no và văn minh.….

Hôm qua - 25 tháng 12 - là ngày Chúa Sinh mà đám tù có đạo không được phép làm lễ đoán mừng chúa ra đời. Tối hôm nay, chủ nhật, 26 tháng 12 năm 1976, một ngày rảnh trong tuần, toán tù thoát khỏi đêm ngồi nghe đọc báo cho nên mặc dù đã trễ một ngày, anh em Công giáo vẫn âm thầm rủ nhau làm một cái gì đó để nhớ đến ngày Chúa ra đời.

Trong Khối có anh Trung Úy Hiển, một tín đồ Công Giáo giữ phần nhà bếp chính và thường trực. Anh cao nhồng nhồng và ốm như cây sậy. Trên gương mặt xương nhiều hơn thịt, treo lủng lẳng đôi kính cận thậy dày. Anh em gọi anh là Hiển cận. Anh bị bịnh suyễn gần như kinh niên, cho nên anh em đề nghị anh không đi lao động bên ngoài. Đó là lý do mà anh trở thành, nói như VC nói – anh nuôi – của Khối. 

Toán nhà bếp, ngoài anh Hiển là đầu bếp chính và thường trực, còn có thêm 4 anh nữa, hằng tuần các đội thay phiên nhau gởi đến để lo phần nấu ăn cho cả trại.

Anh Hiển rất ngoan đạo. Anh nghĩ đến đêm Giáng Sinh phải có cái gì chút đỉnh để tưởng nhớ. Anh tính cả tháng trước. Mỗi ngày, anh trích ra một ít bột khoai mì ( bột sắn ) của phần ăn trộn, để dành.

Sau gần một tháng, anh thấy đủ để làm món bánh bao cho đêm hôm ấy.. Trăm hay, không bằng tay quen. Chẳng có ai có sẵn nghề cả, nhưng vào trong tù, vì sinh tồn, đã cố gắng vượt qua tất cả. Người học cái này, người tìm thêm cách khác để giải quyết cuộc sống trong tù. Anh Hiển cũng vậy. Là Trung Úy Quân Vận, anh biết chút ít về tiếp liệu, nhưng nấu ăn, làm bánh,…thỉ mù tịt. Nay trong tình thế này, anh đã trở thành tay thợ nấu ăn có hạng. Nhờ anh biết nấu cơm với chiếc chảo lớn, đường kính gần 1 thước….không có cơm cháy cho nên phần cơm của các tù nhân trong B không bị mất. Dự tính của anh là làm một số bánh bao nướng cho đêm đón Chúa. Anh bàn chuyện với một số tín hữu Công Giáo trong trại. Tôi không biết BS Lê Cảnh Tư có phải là người Công giáo hay không, nhưng anh có liên lạc với anh Hiển để cùng làm bánh bao phụ với anh. Anh Hiển cần người phụ, cho nên rất vui khi anh Tư tự nguyện đến giúp. Anh chia một phần bột bánh bao để anh Tư tự nhào trộn, vò thành cái bánh.

Ngoài bột ra, anh Hiển không có gì để làm nhưn. Đành làm bánh bao không nhưn… vậy.

Chiều chú nhật hôm đó, các B trưởng hợp nhau bàn chuyện, lấy lý do trời lạnh và không có giờ đọc báo, xin phép ban quản giáo cho phép anh em đốt thân gỗ khô nằm ở phía góc Tây của trại, hơ ấm trước 9 giờ tối. Đó là giờ bắt buộc tất cả tù cải tạo phải lên giường và êm lặng. Quản giáo bằng lòng và không quên lời hâm dọa là không tụ tập để bàn chuyện phản động và phải giữ trật tự giải tán trước 9 giờ tối.

Thân gỗ khô cháy đỏ rực cả góc phía Tây của trại. Một số anh em lớn tuổi đã lên giường sớm hay làm vài chuyện riêng tư….số còn lại anh em tù quay quanh khá đông đủ. A của tôi vắng một số người, trong đó có anh KTS Đàm Thanh Việt. Mấy ngày con Khỉ của anh bị bịnh, đã nhờ cho anh BS Tư chăm sóc, anh không thấy vui, cho nên hôm nay cũng vắng mặt anh.

Anh Hiển đứng giữa đám động, cạnh thân cây cháy rực, ngỏ ý vài lời thật nhỏ …về ngày Chúa sinh ra đời. Một vài anh em được đề nghị kể chuyện về Chúa, về kỷ niệm của mình trong những ngày Giáng Sinh trước đây. Những tia nóng ấm phát ra từ thân cây cháy đỏ tỏa ra cùng với những mẫu chuyện riêng tư của một số anh em trong tù, đã làm cho cả đám tù quay quanh ấm lòng.

Một lúc sau, anh Hiển cho biết, hôm nay đón Chúa, anh có làm một ít bánh để cùng chung vui. Rồi anh Hiển giới thiệu người phụ tá đầu bếp hôm nay là BS Lê Cảnh Tư. Anh Tư bước ra, giới thiệu với anh em, một số bánh bao làm bột mì do anh Hiển đã để dành mỗi ngày một ít trong phần ăn. Ý của anh Hiển không ngoài mục đích là muốn đóng góp một cái gì đó để nhớ đến ngày sinh của Chúa. Cả đám tù quay quần vỗ tay tán thưởng….

Anh Hiển chia 2 phần bánh bao riêng ra. Phần bánh bao nhiều, do anh Hiển làm và phần kia ít hơn, là phần của anh Tư phụ giúp. Đám tù lại tiếp vỗ tay…vui mừng. Không ngờ một tay bướng bỉnh nhưLê Cảnh Tư mà cũng có biệt tài làm bánh và muốn giúp anh em.

” Năm nay, mình ở đây, ăn bánh bao nướng chứ không phải bánh bao hấp. ” Anh Hiển nói thêm.

Các chiếc bánh bao bằng bột khoai mì ( bột củ sắn ) , màu nâu nhạt chứ không trắng như bán ở chợ,…lần lượt được đặt trên các miếng tole nhỏ, đưa vào đặt trên đống than cháy hồng rực nóng.

Bánh bao của anh Hiển được nướng trước. Với độ nóng rừng rực của lửa, bánh cũng phồng lên, mặc dù không nhiều vì thiếu bột nổi, như vẫn thấy hồng chín mơn mởn.

Đợị cho cho chín xong tất cả số bánh bao đợt một bánh của anh Hiển làm, anh em nhận mỗi người một cái bánh bao nướng.

Một phút êm lặng trước khi ăn. Anh Hiển cám ơn Chúa đã cho anh em món ăn. Mời các anh em thưởng thức…

Tiếng vui cười thỏa thích. Đã đời. Ngon như chưa từng ăn bao giờ. Anh em nói với nhau, ăn nhín nhín để thưởng thức vì mình không có nhiều. Vừa ăn vừa trò chuyện. Vừa ăn vừa so sánh. Bánh báo ở chợ bà Chiểu không bằng. Bánh bao của Vĩnh Ký ở Chợ Lớn vẫn thua xa,…..

Sau đợt bánh bao của anh Hiển, đến phần bánh bao của anh Tư. Vì bánh của anh Tư làm ít hơn, không đủ chia cho mỗi người một chiếc, nên, phải chia đôi, chia ba,…Đến khi xé chiếc bánh bao ra làm đôi làm ba, mọi người la lên, vừa kính ngạc vừa thích thú. Bánh bao có nhưn, bánh bao có nhưn…anh em ơi!!!

Anh Hiển vô cùng ngạc nhiên, nhìn anh Tư. Mặt anh Tư không thay đổi. Vẫn lầm lừ, bướng bỉnh như thường ngày. Một vài anh em chưa chịu ăn thử, có thể vừa e ngại mà cũng có thể muốn biết cho rõ sự tình. Mấy chục con mắt hướng về anh Tư.

Nhưn gì vậy Tư? Thịt gì vậy Tư?

Anh Tư không trả lời. Anh chỉ cười nhẹ cho xong chuyện. Ăn đi mà! không chết đâu. Thịt gì cũng được. Chết tôi chịu cho…..Anh nào không dám ăn, đưa cho tôi. Coi nè…

Anh Tư nhanh tay tét cái bánh bao ra làm hai, cắn một miếng vừa có bột vừa có thịt. Ăn ngon lành. Và các anh em khác làm theo. Mà ngon thiệt. Mỗi người chỉ lủm được một hay miếng là hết. Ngon quá. Còn nữa không anh Tư? Tiếc quá.

Lửa tàn, bánh bao hết, dù có nhưn hay không có nhưn. Giờ sinh hoạt cũng không còn. Sau một động tác kết thúc lễ quen thuộc ở nhà Thờ, anh Hiển cùng tất cả, ai về trại nấy mà trong lòng vẫn còn ấm ức. Thằng Tư làm nhưn bánh bao bằng thứ thịt con gì mà ăn ngon quá vậy?

Tuần lễ sau, Đàm Thanh Việt gặp Lê Cảnh Tư hỏi về bình tình của con khỉ. Tới đâu rồi anh Tư? Con khỉ đã bình phục được chút nào không? Nếu thấy không được, anh giao lại cho tôi. Tôi sẽ cố gắng lo cho nó. Chị tôi vừa gởi thuốc Tây cho tôi. Hy vọng có thể giúp nó….

Cứ mỗi lần hỏi anh Tư, anh Tư nói trấn an anh Việt. Nó khắp sửa khỏe lại rồi. Đàm Thanh Việt bỏ qua mấy lần. Chờ mãi sốt ruột, cuối tuần hôm sau Đàm Thanh Việt quyết đòi coi khỉ lại. Anh Tư không còn cách nào khác, đành thú thật. Nó chết từ 2 tuần trước. Nó chết hai ngày, trước ngày Chúa
sinh.

Anh Việt buồn bã, trở về giừơng mình nằm đắp mền ngủ suốt ngày chủ nhật hôm đó.

Vài ngày sau anh kể câu chuyện con khi mà anh nhờ anh Tư chửa trị, đã chết trước đêm Giáng Sinh cho anh em trong trại nghe. Có tiếng thì thầm,…phải chăng anh Tư đã làm thịt con khỉ của anh Việt để làm nhưn bánh bao cho anh em ăn trong đêm Giáng Sinh???!!!

Ôi, con khỉ mà anh Đàm Thanh Việt đã ân cần, nâng niu săn sóc, rồi giao cho anh bác sĩ Lê Cảnh Tư điều trị, nay đã trở thành miếng thịt làm cái nhưn cho mấy chiếc bánh bao mà anh em đã ăn ngon lành trong buổi chiều tối chủ nhật ngày 26 tháng 12 năm 1976 tại trại tù Ka Tum.

Anh em chúng tôi đã thích thú ăn cái bánh bao có nhưn thịt khỉ,….trong cái đau buồn của anh KTS Đàm Thanh Việt….

Sau Tết ĐINH TỴ - 1977, Bác sĩ Lê Cảnh Tư trốn trại cùng thời gian trốn trại với Bac sĩ Long của một trại tù bên cạnh.

Theo lời BS Nguyễn Vũ Phấn, hiện đang định cư ở Đức cho biết BS Lê Cảnh Tư trốn trại thành công, nhưng không biết hiện giờ ra sao.

Anh Lê Cảnh Tư, Nếu anh ở đâu đó đọc bài viết này, mong anh kể lại kế hoạch trốn trại của anh cho bà con nghe.

Rất mong.

Trần Hữu Sơn.

Blog Archive