Thursday, March 31, 2022

3 ông già đi tìm hạnh phúc

Những năm gần đây, cư dân vùng Westminster, CA thường nhắc đến hiện tượng ba ông già Việt Nam đi tìm hạnh phúc.

Trong những lúc trà dư tửu hậu, hoặc ngồi tán gẫu trong quán cà phê, người ta hay đem chuyện cuộc đời của 3 ông già ra kể – có khi rất hào hùng, có lúc thật thê lương – Ai nghe cũng cảm thấy chạnh lòng! Nào là những ngày Miền Nam sục sôi máu lửa, các ông là những chiến sĩ can trường, xả thân chiến đấu bảo vệ quê hương. Rồi khi Miền Nam thất thủ, các ông đã trải qua những đòn thù khổ nhục trong chốn lao tù – tuổi thanh xuân đã bị chiến tranh và lòng người hung hiểm vùi dập.

Đến một ngày “Thiên đàng mở cửa” các ông đến được “miền đất hứa” là Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Nơi đây với hai bàn tay trắng, sức lực hao gầy trong những tháng năm bị tù đày, nhưng các ông đã tận tụy, kiên trì, cố gắng hết sức mình để làm viên gạch lót đường cho thế hệ thứ hai tiến bước. Nhìn con cháu phổng phao đến trường, học hành thành đạt. Các ông cảm thấy thỏa lòng… Khi tuổi già sức yếu các ông âm thầm ở lại với căn nhà xưa cũ trong khu housing chật hẹp (nhà ở dành cho những người có đồng lương thấp) hoặc xin vào viện dưỡng lão để khỏi phiền hà đến con cháu.

Không hiểu tự thân các ông già có tìm được hạnh phúc trong cách chọn lựa lối sống này hay không, nhưng trông hình ảnh lụm cụm, cô đơn, thẫn thờ…đi lang thang trên đường phố, hay ngồi tư lự trong công viên vào những buổi chiều tà. Người ta bảo rằng: “Đây là ba ông già đau khổ”.

“Ba ông già đau khổ” – mới nghe qua, những người có lòng lành động lòng thương cảm, trong đó có tôi. Nhưng phải xem các ông đang “đau” hay “khổ”- có khi các ông đau mà không khổ hoặc khổ mà không đau?! Nếu tuổi già mà mang cả đau lẫn khổ thì quả là bất hạnh…

Một buổi chiều đẹp trời, tôi ra công viên tìm gặp các cụ để xem sự tình những mảnh đời bất hạnh đó có những nhu cầu gì, may ra giúp cho các cụ bớt được phần nào sự đau khổ.

Gặp ông già thứ nhất – sau những lời chào hỏi xã giao thông thường, tôi hỏi:

– Sức khỏe của Cụ hiện tại thế nào?

– Cảm ơn ông có lời hỏi thăm. Về sức khỏe không có vấn đề – ở tuổi này thường không mắc “ba cao” cũng bị một “thấp”. Nhưng có lẽ nhờ trời thương với lại tôi tập thể dục đều đặn, nên không phải vướng vào. “Ba cao” là: cao mỡ, cao máu, cao đường. Còn “một thấp” là thấp khớp đấy.

– Cao tuổi mà sức khỏe được như vậy là hạnh phúc lắm rồi, nhưng tôi thấy hình như cụ có một tâm sự buồn?

– Vừa buồn, vừa khổ ông ạ!

– Tại sao? Tôi hỏi.

Ông già nhìn lên bầu trời xanh lơ, giọng đầy bất mãn:

– Tất cả đều do cái bọn làm truyền thông thiếu lương thiện – hiện nay người ta gọi là bọn “truyền thông thổ tả” đấy. Những ngày mới sang đây, tôi cực nhọc với công việc để kiếm tiền nuôi con ăn học; gầy dựng lại mái ấm gia đình. Cực thì có mà khổ thì không – trong lòng cứ phơi phới niềm vui khi thấy con cháu chăm chỉ học hành tiến bộ. Bây giờ chúng nó đã thành đạt, có việc làm ổn định, nhà cửa khang trang, không còn cần đến sự bảo bọc của mình nữa. Thế là mãn nguyện và an hưởng tuổi già.

Ngày xưa các cụ nhà ta, tuổi già có cái vui thú điền viên. Bây giờ ở bên này, tuổi già tìm thú vui nơi cái TV, sách báo… Đám già tụi tôi sang đây chỉ được học ESL mấy tháng, rồi lăn lưng vào công việc, tiếng Anh tiếng u không học được bao nhiêu để nghe đài ngoại quốc, chỉ còn trông cậy vào truyền thông Việt ngữ. Tuổi già thường hay hoài niệm về quê hương và muốn theo dõi những sinh hoạt cộng đồng. Nhưng tin tức trong nước thì bưng bít hoặc tuyên truyền xuyên tạc. Ngoài này thì thoải mái tung hê – tha hồ “bôi tro trát trấu” – tin giả (fake news), tin thật “loạn xà ngầu”.

Mấy cái đài Việt Nam, báo chí Việt ngữ thì phe nọ, đảng kia – đưa tin, bình luận theo “đơn đặt hàng”, ít khi có được nguồn tin chính xác hay một bài bình luận khách quan nên chẳng biết đâu mà lần. Ngày nào lời nói của các cụ là “khuôn vàng thước ngọc”, bây giờ thế hệ trẻ cho là lạc hậu và những nhận định về thời cuộc của các ông già, chúng nó coi như chuyện “tào lao”. Những kinh nghiệm trường đời của cha ông không còn là “kho báu” cho thế hệ trẻ. Chúng nó rành tiếng Anh, nghe đài Mỹ, cập nhật tin tức, rồi tự cảm thấy mình giỏi giang hơn, cấp tiến hơn, văn minh hơn – mà thực tế là như vậy nên được các bà mẹ ủng hộ. Đám già tụi tôi chỉ còn là bóng mờ dĩ vãng – lời nói không đáng một xu! Nhưng xem ra sự khôn ngoan trong xử thế và các giá trị đạo đức chúng nó còn cần học hỏi nơi các ông già, vậy mà chúng nó ít quan tâm, còn cho là “lẩm cẩm”! Đám già cảm thấy lạc lõng, cô đơn…chỉ thầm lặng nhớ đến câu thơ của ông Tú Xương: “Nhà kia lỗi đạo con khinh bố/ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng” mà não lòng…

Ông già trầm ngâm, nói tiếp: – Cái khổ nhất trong đời người là mất niềm tin. Truyền thông đóng một vai trò quan trọng tạo dựng niềm tin, nhưng ngày nay đã mất hết rồi. Khổ lắm ông ạ!

Tôi đến gặp ông già thứ hai – trông ông không được khoẻ mạnh – mập phì, đi đứng khó khăn chậm chạp. Cũng qua câu chào hỏi xã giao, tôi hỏi:

– Cụ cảm thấy tuổi già ở bên Mỹ – sướng khổ thế nào?

– Không khổ, mà đau bệnh hoài ông ạ.

Tôi vớt vát một câu xã giao an ủi:

– Tuổi già đau bệnh là lẽ thường, ít ai tránh khỏi…

Ông già trầm ngâm, có vẻ tự trách:

– Già sinh bệnh là lẽ thường, nhưng cũng do mình ngây thơ tin vào truyền thông nên mới ra cớ sự. Khi tôi sang đây, mấy đứa con đã lớn, tôi chỉ làm việc nuôi chúng nó vài năm. Sau đó chúng nó mở cơ sở làm ăn khấm khá: đứa tiệm tóc, đứa tiệm nail. Thương ông già bao năm khổ cực ở quê nhà, chúng bảo tôi thôi làm việc cho khỏe và đua nhau phụng dưỡng cha già. Tôi được thưởng thức các món ngon vật lạ – hưởng thụ văn minh vật chất Hoa Kỳ. Các con tôi xem TV, thấy thứ gì quảng cáo bổ dưỡng là mua về biếu tặng: nào là sữa ong chúa, đông trùng hạ thảo; các loại dược thảo mát gan, bổ thận, duỡng tim, khỏe phổi đều có cả …Trong nhà đủ bộ Super của Phạm Hoàng Trung: Super Liver, Super Vision, SuperBone… Nhưng càng uống lục phủ ngũ tạng càng rã rời…

– Vậy cụ có còn dùng dược thảo nữa không? Tôi hỏi.

– Bỏ lâu rồi! Bây giờ uống thứ gì đều hỏi bác sĩ gia đình.

Thấy ông già có vẻ cởi mở, tôi đùa:

– Có một nơi chữa bệnh cao mỡ, cao máu, cao đường, mập phì thần kỳ – không cần thầy, cần thuốc.

– Nơi nào? Ông già hỏi.

– Xin vào các “Trại tập trung cải tạo” ở Việt Nam.

Ông già cười hì hì:

– Ừ! Trong đó còn có thứ thuốc bổ phổi lại trừ lao hay hết biết là thuốc lào. Nhưng thôi! Cho em xin! Đã ở trong đó hơn sáu năm trước khi qua đây – Chớ có dại!

Hôm sau tôi tìm gặp ông già thứ ba. Thoáng trông đã biết ông là người vừa đau vừa khổ – hai tay run run tỳ trên thanh ngang của chiếc xe tập đi cho người già, cái lưng còng quá độ trên tấm thân gầy guộc xiêu xiêu từng bước theo chiếc xe lăn. Ông thẫn thờ nhìn những chiếc lá vàng rời cành chao bay trong gió, thỉnh thoảng lầu bầu những lời không nghe rõ. Tôi theo sau ông một đoạn đường, mới lên tiếng chào:

– Xin chào thầy, hôm nay đẹp trời thầy ra đây ngoạn cảnh?

– Hôm nào tôi cũng tập đi trên con đường này, già mà cứ ngồi một chỗ sẽ liệt đấy ông ạ.

Trong vùng này nhiều người biết đến ông qua các buổi hội luận và các bài khảo cứu đăng trên báo về lịch sử Việt Nam cận đại. Riêng tôi, đã biết ông từ trước năm 1975. Ông là Giáo sư dạy Sử Địa nổi tiếng ở trường Võ Tánh – Nha Trang. Ông giảng bài hấp dẫn như nghe chuyện kiếm hiệp và có nhiều bài khảo cứu lịch sử giá trị đăng trong Tập San Sử Địa. Ông đã qua một thời vang bóng và là thần tượng của nhiều học sinh trường Võ Tánh – Nha Trang trong thập niên 60-70.

Bây giờ trông ông tàn tạ, tôi cảm thấy ái ngại nêu lên câu hỏi. Nhưng ông bộc bạch:

-Tuổi già mấy ai tránh khỏi đau bệnh. Đau bệnh nó đến rồi đi – lúc mệt, lúc khỏe là chuyện thường tình. Nhưng cái khổ thì cứ miên man ông ạ – có lẽ mình còn nặng nợ với trần gian nên cứ vấn vương “nỗi khổ”.

– Điều gì đã làm cho Thầy vấn vương nỗi khổ? Tôi hỏi.

– Vấn đề lịch sử nước nhà – Tôi đã học và nghiên cứu lịch sử suốt cả cuộc đời. Mọi người đều biết rằng: quá khứ không thể đổi thay – nó đã được lưu vào sử sách để con cháu đời sau biết việc làm của cha ông mà hãnh diện, vinh danh hay rút kinh nghiệm. Nhưng thời nay con người thường “chính trị hoá lịch sử”: bóp méo, vo tròn, xuyên tạc lịch sử theo nhu cầu đảng phái, quyền lợi cá nhân, phe nhóm. Sự thật không còn được tôn trọng.

– Người xưa đã bảo: – Biết mà không nói là bất nhân’

– Thấy sai mà không chỉ cho người ta sửa là bất nhẫn.

– Biết sai mà cứ nói, cứ làm để an thân, thủ lợi là bất lương.

– Không phân biệt được đúng sai, cứ làm càng, nói bậy là bất trí.

– Tôi không muốn là kẻ: bất nhân, bất nhẫn, bất lương và không trí tuệ, cho nên từng đêm tôi tra cứu, suy tư về lịch sử để viết những bài khảo luận, những mong soi sáng lịch sử nước nhà. Nhưng than ôi! Bây giờ “Mười nguời đọc, chín người thôi” – giống như ông Trần Tế Xương đã than: “Cái học nhà nho đã hỏng rồi / Mười người đi học, chín người thôi”…

– Đó là nỗi khổ ông à…

Sau khi gặp gỡ, phỏng vấn ba ông già, tôi thấy: một ông khổ mà không đau; một ông đau mà không khổ; một ông bị cả khổ lẫn đau. Và cả ba ông đều không tìm được hạnh phúc cho tuổi già, nên cứ mãi đi tìm.

Một ngày đẹp trời, tôi tình nguyện lái xe đưa ba ông già đi thăm một người bạn trước đây cùng ở trong khu housing, nhưng nay đã trả nhà cho chính phủ để “đi tu tiên”. 

Được biết trước năm 1975, ông là giáo sư dạy Triết ở trường Võ Tánh-Nha Trang, bạn thân với ông Giáo sư Sử Địa. Gia đình ông vượt biên sang đây được vài năm thì vợ bỏ đi theo người khác. Ông không có con cái gì, và được hưởng tiền trợ cấp xã hội (welfare) – đủ sống… nên không bận tâm về việc làm và vấn đề tài chánh. Những người quen biết tưởng rằng ông vào chùa hay tịnh cốc nào đó tu hành cho quên nỗi buồn thế sự… nhưng khi đến nơi mới thấy: không phải chùa chiền, tịnh cốc mà chỉ là cái lều vải đơn sơ căn trong khu rừng vắng, cách con lộ chính vài miles. Dân cư trong vùng gọi là “ông già Á đông homeless”.

Phải khen ông khéo chọn nơi này – nắng chiều xuyên qua kẽ lá rừng phong làm cho những chiếc lá vàng cuối thu thêm óng ả, bên cạnh căn lều có con suối nhỏ nước trong trông tận đáy – róc rách, lững lờ, mát rượi…một cây hoa giấy đỏ rực màu xác pháo phủ lên một góc căn lều – một cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp như tranh vẽ!

Chúng tôi dừng lại trước căn lều. Một ông già râu tóc bạc phơ nheo mắt nhìn chúng tôi, mỉm cười hiền hậu như một tiên ông. Ông vui vẻ bắt tay từng người, rồi hỏi:

– Ngọn gió nào đưa quý ông đến đây?

Ông Giáo sư Sử Địa lên tiếng, trả lời:

– Muốn đến thăm ông, xem ông tu hành đến đâu để bắt chước cho đời bớt khổ.

– Tôi nghe người ta bảo ba ông đang đi tìm hạnh phúc. Vậy quí ông đã tìm ra chưa? Theo tôi nghĩ: – Hạnh phúc đâu có rơi vãi bên ngoài mà đi tìm – nó tự tại trong mỗi con người. Nguyên ủy của hạnh phúc là sự tự do. Sống trên đất Mỹ tự do có thừa mà không cảm nhận được hạnh phúc, là do mình chưa vận dụng đúng mức chữ tự do nên nỗi khổ cứ miên man.

Một ông già phản biện:

– Chính cái “tự do dư thừa” đó làm cho con người đau khổ đấy ông ạ.

Ông già tu tiên chậm rãi, nói:

– Ừ! Có người còn nôm na bảo rằng dân Mỹ đang “bội thực tự do”. Nhưng giữa bội thực với không có cái gì bỏ vào mồm – giữa tự do và độc tài – ông chọn cái nào?

Ông già kia ú ớ! Ông tu tiên tiếp tục:

– Cứ nôm na coi “tự do” như “thực phẩm” thì Tự do, tự nó là tốt lành nuôi dưỡng tinh thần như thực phẩm nuôi dưỡng cơ thể. Chỉ vì con người tham lam – tự đánh mất bản ngã của mình – cái thân còn đó, nhưng suy tư tách biệt – đôi khi đối lập với chính mình. Hegel, một triết gia duy tâm nổi tiếng người Đức vào thế kỷ 19 gọi đó là hiện tượng vong thân. Trong xã hội ngày nay có lắm kẻ vong thân làm cho nhân loại tăng thêm nỗi khổ.

Ông già nhìn mọi người với ánh mắt rưng rưng. Và ông nói như thầm nhủ với chính mình:

– Đám già chúng ta thường sống trong hoài niệm với tâm trạng của con hổ trong vườn bách thú. Cứ mãi nhớ ngày nào:“ …Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng/ Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng/ Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc/ Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc/ Là khiến cho mọi vật đều im hơi…” (Thơ Thế Lữ)

Nhưng than ôi! “Thời oanh liệt nay còn đâu!”

Ông già tiếp tục:

– Nỗi khổ cứ miên man – làm sao để tiêu trừ? Người đời thường bảo: “tuổi già đau khổ”. Nhưng khi chiết tự mới thấy: cái đau không giống cái khổ – cái đau phát xuất từ thân, cái khổ phát xuất từ tâm (cảm nhận). Đau là cụ thể mà khổ thì trừu tượng. Đau nằm trong ý thức, khổ lặn trong vô thức. Thầy, thuốc có thể chữa dứt cái đau. Còn khổ phải tự thân quán chiếu giải trừ – ngoại nhân bất lực!

Bây giờ “ông già tu tiên” nhìn chúng tôi như đám học trò đang nghe thầy giáo giảng bài. Ông tiếp tục nói:

– Đem hai chữ “thân”, “tâm” ra luận: thân là cơ thể (gồm lục phủ, ngũ tạng, và năm giác quan). Tâm ở đây là tinh thần, là tâm thức, là sự cảm nhận. Con người kết hợp hai phần: thân và tâm – sinh lý thuộc thân, tâm lý thuộc tâm. Thân là cụ thể, Tâm lại vô hình nhưng luôn luôn khắn khít với nhau – khi Thân đau thì Tâm khổ; khi Tâm khổ khiến Thân đau.

– Cho nên giữ cái Thân được An, cái Tâm được Lạc là có ngay hạnh phúc. Có lẽ không có câu cầu chúc nào cho những người già hay hơn là: “Cầu chúc Thân Tâm thường An Lạc”. Tôi xin cầu chúc quý ông được như vậy trong Năm Mới Nhâm Dần!

Tới đây thì nắng chiều sắp tắt, khu rừng phong đượm nét cô liêu. Chúng tôi ra về, ông già homeless tiếp tục ở lại tu tiên. Tôi tự hỏi: – Trong bốn ông già, không biết ông nào sẽ là người tìm được hạnh phúc trong cõi ta bà này ?

CHÀO MẸ

Vũ Thất

Tôi không khó khăn nhận ra mẹ khi bà vừa bước ra khỏi trạm kiểm soát an ninh phi trường. Một tay kéo chiếc va ly nhỏ, một vai mang chiếc xách tay, mẹ thong dong như trôi theo dòng người. Dáng mẹ trông mảnh mai, thanh nhã, linh hoạt dù đã ở tuổi tám mươi. Tóc đã bạc phơ. Chiếc áo sơ mi màu trắng như giúp khuôn mặt mẹ tươi tắn hơn ngày tôi gặp mười lăm năm trước. Mẹ đưa mắt tìm kiếm. Tôi giơ tay vẫy. Bà mừng rỡ vẫy lại.
Tôi cười khi mẹ đến gần:
“Chào mẹ!”

Mẹ buông rơi chiếc va ly, mở vòng tay ôm ghì lấy tôi. Tôi cũng ôm xiết mẹ mà sao không cảm nhận chút nồng ấm nào. Từ khi chưa đầy một tuổi, ba mẹ tôi đã đành đoạn bỏ rơi tôi.
Thôi nôi, ngoại cúng kiến van vái. Lên ba, ông ngoại mất.
Lên năm, bà ngoại lìa đời. Cậu mợ tôi thừa hưởng gia sản nên… thừa hưởng luôn việc săn sóc dưỡng dục tôi. Vì vậy mà khi khôn lớn, tôi hầu như quên hẳn mình còn đủ cha đủ mẹ.

Tôi lái xe vào trung tâm thủ đô, chạy vòng vòng cho mẹ xem phố xá rồi quẹo sang đường Constitution. Tôi chỉ mẹ xem đài tưởng niệm Washington, tòa Bạch ốc và hứa một ngày khác sẽ đưa mẹ vào xem tận bên trong. Mẹ nói mẹ muốn ưu tiên gặp em của mẹ, còn việc tham quan chừng nào cũng được. Tôi cho mẹ biết cậu mợ đang chu du Âu châu, hai tuần nữa mới về.

Sợ mẹ hiểu lầm, tôi giãi bày:
“Cậu mợ ghi tên du hành trước ngày mẹ báo tin qua đây nên không hủy bỏ được. Con đã xin nghỉ một tháng. Trong tháng đó mình sẽ đi một vòng sơ khởi nước Mỹ. Mẹ sẽ gặp em trai mẹ vào tuần lễ thứ ba...”

Tôi ngưng nói khi thấy mẹ xoay mặt về khung cửa kính.

Nhân lúc xe qua cầu, tôi cất cao giọng:
“Đây là sông Potomac. Đi xuôi dòng sẽ trông thấy một phần hình ảnh rất đẹp của thủ đô. Nhà của con phía thượng dòng cách đây độ nửa giờ.”

Mẹ vẫn nhìn quang cảnh thành phố, chỉ có tiếng “thế à” hờ hững vang lên. Tôi nhìn đồng hồ và mừng là đã tới giờ cơm chiều.

Tôi nói nhỏ nhẹ:
“Suốt ngày đêm trên máy bay, chắc mẹ thèm cơm. Khu thương mại Eden của người Việt vùng này có một nhà hàng nấu món canh chua cá bông lau, cá kho tộ ngon lắm!”

Bà nói giọng mệt mỏi:
“Nói chung thì mẹ thèm một tô phở.”

Một cái gì nghẹn ngào đột ngột trào dâng trong tôi. Hai mươi năm tập kết ra Bắc mẹ đã bị đồng hóa. Không chỉ thay đổi cả giọng nói, ngôn từ mà lơ là luôn cả món ăn ưa thích của miền Nam.  Tôi ngờ rằng bà không phải là người sinh ra tôi…

Tôi đưa mẹ vào tiệm Phở Xe Lửa và gọi tô đặc biệt. Mẹ khen ngon hơn phở ở Sài Gòn. “Nhưng vẫn thua phở Hà Nội”, tôi nhanh nhẩu tiếp lời. Mắt mẹ thoáng chút ngạc nhiên rồi lặng lẽ quan sát xung quanh…

Tôi cũng quan sát bà. Tôi giống mẹ lạ lùng. Chắc chắn nhìn chúng tôi, không ai nghĩ khác hơn là mẹ và con. Mà giống mẹ để làm gì khi tâm hồn chúng tôi không có chút gì hòa điệu…

Tôi nhấn một chiếc nút trên trần khi xe sắp quẹo vào driveway và lái thẳng vào garage. Trong khi tôi mở cóp nhấc xuống các hành lý, mẹ đi ra phía trước đường.

Tôi bước đến bên mẹ khi bà ngắm nghía ngôi nhà, trầm trồ:
“Nhà của con đây hả? To và đẹp quá, ngoài tưởng tượng của mẹ. Quang cảnh cũng thật sáng sủa tươi mát.”

Tôi cười buồn:
“Chúng con mới mua năm ngoái và chắc cũng sắp bán…”

Giọng mẹ thảng thốt:
“Tại sao thế?”

Tôi nắm cánh tay mẹ dìu đi:
“Mẹ vào nhà nghỉ ngơi. Từ từ rồi mẹ sẽ biết...”

Tôi bấm số liên hợp và mở toang cánh cửa. Mẹ bước vào, đứng sững người trên tấm thảm nhỏ mang chữ welcome. Dường như mẹ không tin những gì mẹ đang thấy. Mẹ ngập ngừng bước đi, mắt dừng lại từng vật trang trí ở phòng khách, phòng gia đình, miệng lẩm bẩm lời tán thưởng. Khi mẹ hướng về khu bếp, tôi biết mẹ sẽ ở đây lâu hơn nên lặng lẽ trở ra ngoài mang hành lý vào nhà. Khóa cửa xong, tôi đảo mắt tìm mẹ. Bà đang ở trong phòng đọc sách, đứng lặng yên trước bàn thờ. Mẹ không nhìn các tượng Phật rất đẹp thỉnh tận Thái Lan. Mắt mẹ đang đăm đăm nhìn di ảnh của Huy. Anh mặc áo tiểu lễ hải quân với dây biểu chương, trên một nắp túi là chiếc huy hiệu hạm trưởng và bảng tên Lê Quang Huy. Bên kia là hai hàng huy chương nhiều sắc màu khác biệt. Và Huy đang tươi cười…

Mẹ nói bằng giọng ngạc nhiên mà bình thản:
“Sao con không nói gì với mẹ?”

Tôi lắc đầu:
“Để làm gì? Mẹ có biết gì về ảnh đâu và chắc cũng không ưa ảnh!”

Mười lăm năm trước, khi về chịu tang ba tôi, tôi đã từ chối trả lời mọi câu hỏi của mẹ. Tôi muốn cho thấy khi bà đã có can đảm bỏ rơi tôi thì tôi cũng có can đảm coi như đời tôi không dính dáng gì tới bà. Mãi gần đây, khi mẹ ngỏ ý muốn qua thăm chúng tôi, Huy khuyên tôi nhận lời, dù gì bà cũng là người sinh thành ra mình. Tôi nghe lời khuyên nhưng chỉ một mình tiếp đón mẹ. Huy chết bất thần vì cơn đột quỵ.

Mẹ nhìn khắp bàn thờ rồi quay phắt sang tôi:
“Sao không thấy con thờ ba con?”

“Thờ ba? Tại sao con phải thờ ba?”

Mặc dù đã tự nhủ, tôi vẫn không dằn được cơn bực tức bùng vỡ. Mẹ quay đi, lặng lẽ thắp nén nhang cắm vào lư hương, nhìn Phật Bà, nhìn Huy rồi thở dài lặng lẽ bước lên thang lầu. Tôi đã từng nghe nhiều tiếng thở dài tương tự của mẹ trong suốt thời gian mười ngày về dự đám táng ba tôi.

Tôi đã cho bà thấy tôi không chỉ dửng dưng với người chết mà còn lạnh lùng với cả người còn sống. Liệu có ai cư xử khác tôi khi suốt quãng đời dài gần bốn mươi năm mà chỉ vài lần được nghe nhắc đến mẹ cha mình bằng lối bông đùa.

Năm tôi lên mười bốn, sau trận Mậu Thân khói lửa khắp Chợ Lớn Sài Gòn, một bữa, lần đầu tôi nghe cậu nhắc tới ba mẹ.

Trong bộ đồ trận rằn ri mang lon trung tá, cậu ra vẻ trịnh trọng:
“Nè, Phượng! Con có biết là suýt nữa con đã có dịp trùng phùng ba mẹ con không?”

Trong khi tôi tò mò lắng nghe, cậu tỉnh bơ tiếp:
“ Nhưng vì cậu thấy họ không xứng đáng làm bậc cha mẹ, cậu đã đuổi họ về mật khu rồi!”

Tôi thường cười với mỗi cợt đùa của cậu nhưng lần đó tôi mím môi muốn khóc.

Năm hai mươi mốt tuổi, khi tôi đưa Huy về nhà giới thiệu nhân buổi tiệc mừng cậu thăng cấp tướng, cậu nói nhỏ vào tai tôi:
“ Chà chà! Như vầy là kẹt cậu rồi! Con mà chọn tên hải quân đó làm chồng thì chị cậu thêm một kẻ thù. Tuy nhiên, nếu con… năn nỉ, cậu cũng liều cho con làm… bà thiếu tá.”

Tôi vẫn cười thầm về chuyện này vì bốn tháng sau, sự thể đảo ngược. Chính cậu lại là người phải “năn nỉ” tôi để cả gia đình được lên tàu của Huy rời khỏi Việt Nam.

Chúng tôi thành hôn ở Mỹ. Huy trở lại đại học, tôi đi làm ngày đêm.
Rồi lần lượt hai đứa con ra đời. Huy ra trường đi làm. Tôi vào đại học. Vất vả mà hạnh phúc. Tôi quá bận rộn để nhớ về quê cha đất tổ, cho tới mười năm sau tôi mới lại nghe tin tức ba mẹ.

Lại vẫn do cậu đưa tin. Cậu tôi cho biết đã liên lạc được với chị của mình. Không lâu sau đó tôi liên tiếp nhận được thư ba mẹ tôi bày tỏ lòng khao khát mong nhận được thơ tôi và hình ảnh gia đình.

Và tiếp đến là những lá thư mong mỏi tôi về Việt Nam. Tôi nhận thư, tôi đọc, lòng ngơ ngẩn, bâng khuâng nhưng không có chút hứng thú trả lời. Thậm chí nhiều năm sau, cái tin ba tôi đau nặng cũng chỉ được đón nhận với lòng dửng dưng.

Huy bảo tôi nên về. Cậu mợ gọi điện bảo tôi phải về. Tôi thưa với cậu mợ rằng tôi không có cha mẹ nào khác ngoài cậu mợ nhưng cậu mợ tiếp tục thúc bách và giảng đạo lý. Tôi rủ cậu mợ cùng về. Cậu bảo cậu không muốn giỡn mặt với chính quyền cộng sản. Cuối cùng tôi khăn gói một mình lên đường. Thời điểm này chúng tôi còn nghèo nên Huy đành ở lại với hai con.

Nhưng đoạn đường quá xa để ba tôi không thể chờ. Ông vĩnh viễn ra đi vài giờ trước lúc tôi bước vào ngôi nhà xưa. Dù vậy tôi vẫn còn kịp nhìn mặt ba tôi. Nhìn chỉ một lần mà vẫn đủ để khuôn mặt già nua, khắc khổ, hoàn toàn xa lạ đó theo tôi về tận xứ Mỹ.

Thỉnh thoảng nhân một liên tưởng về dòng họ ai còn ai mất, khuôn mặt của ông lại hiện ra cùng với những tiếng thở dài của mẹ. Thế mà tuyệt nhiên, tôi không hề nghĩ đến việc thờ phượng ông…

Mẹ nằm trong buồng riêng suốt đêm ngày, mãi đến tối hôm sau mẹ mới tươi tỉnh hẳn. Tôi rủ mẹ đi ăn đồ biển. Mẹ ăn tự nhiên, ngon lành. Nếm đủ tôm cua nghêu sò ốc hến. Luôn cả hào tươi. Lâu lắm mới có dịp ăn ngoài, tôi cũng tận lực nuốt.

Trên đường về nhà, mẹ hỏi:
“Cậu bảo con có hai thằng con trai. Chúng nó đâu mà mẹ chưa gặp?”

“Tụi nó đều đã lập gia đình. Mỗi đứa ở mỗi tiểu bang khác nhau, khá xa. Đứa lớn ở Georgia, có hai con, đứa nhỏ ở Texas, đang chờ con đầu lòng. Con đã sắp xếp để mẹ đến chơi với chúng nó, mỗi đứa vài ngày, sau khi mẹ gặp cậu mợ.”

Mẹ nhìn tôi, dò hỏi:
“Con ở đây một mình sao?”

Tôi gật đầu:
“Vì vậy mà con có ý muốn bán nhà này về sống với mấy đứa nhỏ, luân phiên mỗi đứa một thời gian. Tụi nó đang năn nỉ con về ở chung.”

Giọng mẹ ngập ngừng:
“Phải thú nhận rằng mẹ vừa trông thấy căn nhà này là mê ngay. Nếu con bán thì bán cho mẹ. Mẹ con ta sẽ ở đây, mãi mãi tới ngày mẹ chết…”

Tôi đăm đăm nhìn mẹ. Tôi đã biết từ ngày về dự tang là mẹ rất giàu, chỉ ngạc nhiên về ý cuối. Nó đến quá bất ngờ như là một nhánh gai quẹt vào người. Tôi nghe xót đau, khó chịu. Tôi không chuẩn bị việc này, cũng không muốn nó xảy ra. Đầu óc tôi đông cứng.

Chợt hình ảnh Huy hiện ra, miệng cười cười. Ba tháng nay, từ ngày anh mất, khi tôi gặp điều gì khó xử là anh lại hiện về. Nụ cười của anh luôn luôn giúp tôi tìm giải pháp. Tôi thấy bao nhiêu phiền phức nếu cho mẹ ở chung. Tôi đã quen với cuộc sống không có mẹ. Chỉ mới hai mươi bốn tiếng đồng hồ “có mẹ” mà tôi đã chịu đựng biết bao gượng ép.

Mẹ nhìn tôi dò hỏi.
Tôi nói:
“Con mới mất anh Huy. Con cần một thời gian yên tĩnh.”

“Mẹ cũng cần có thời gian sắp xếp mọi việc ở Việt Nam. Năm tới mẹ trở qua sống hẳn với con. Con đồng ý chứ?”

Tôi không biết nói gì hơn. Tôi như nghe tiếng Huy văng vẳng:
“Đừng làm mẹ buồn!”

Tôi cố nhìn vào bóng đêm loang loáng tìm hình bóng Huy nhưng chỉ thấy ánh đèn đỏ vừa bật ở ngã tư…

Sau năm ngày dạo chơi phố xá và ngắm cảnh Nữu Ước, chúng tôi dành hai đêm thử thời vận ở sòng bạc Atlantic City. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, cả hai mẹ con thắng lớn. Chúng tôi về đến nhà, tẩy rửa xong lớp bụi đường thì trời tối hẳn.

Tôi thấy mệt mỏi nhưng mẹ tỉnh bơ đề nghị để mẹ nấu ăn ở nhà. Tôi nói sẽ ăn ở nhà nhưng mẹ khỏi nấu. Mẹ không tỏ gì ngạc nhiên khi tôi gọi thức ăn bằng điện thoại. Bà ngồi thoải mái trong bộ ghế êm ái, xem truyền hình đưa tin thế vận hội. Tôi sắp đặt chén đũa, khăn ăn và nước ngọt rồi ngồi xuống cạnh mẹ.

Chợt mẹ quay sang tôi, giọng ngập ngừng thiếu tự nhiên:
“Mẹ phải nói với con chuyện này. Em trai con muốn nhờ mẹ hỏi con giúp nó một việc.”

Em trai tôi? Tôi từ từ hình dung đứa em trai của mình. Tôi đã nhớ ra một hình dáng hiền hòa thường quanh quẩn gần tôi. Cũng như cậu và mẹ, em tôi nhỏ thua tôi năm tuổi. Nhưng nó khác với tất cả chúng tôi là đã không chào đời ở miền Nam.

Tôi nhìn mẹ chờ đợi. Giọng mẹ đều đều:
“Đứa con gái út của nó học rất giỏi. Năm tới lên đại học. Nó muốn nhờ con giúp cháu qua học bên này. Nó không muốn cho cháu ở nội trú. Nó xin cho cháu ở với con. Cơ bản là con không phải tốn kém gì hết. Mẹ sẽ lo đi chợ, nấu ăn cho cả nhà...”

Cơn giận chợt ứ lên ngực làm tôi khó thở. Tôi hít vào một hơi thật sâu. Tôi biết là mở miệng lúc này tôi sẽ nói ra lời cay độc. Tôi nhìn ra ngoài trời đang đổ mưa với những ánh chớp liên hồi. Tôi nhớ tới những cơn mưa đầy sấm sét trong căn nhà thênh thang thuở lên mười. Thuở đó cậu tôi đổi đi đơn vị xa và mợ theo cậu. Người giúp việc thì ngủ gần bếp, xa căn buồng riêng biệt của tôi. Tôi đã vô cùng sợ hãi và từng ước ao có được một đứa em. Bây giờ tôi đâu còn cần.

Tôi nói chầm chậm:
“Thì ra mẹ qua đây không phải vì con mà vì tương lai cháu nội của mẹ!”

Bà nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:
“Con nói gì lạ vậy. Tất nhiên mẹ qua đây là vì con, bởi vì mẹ muốn bù lại thời gian ba mẹ bỏ bê con. Mẹ không hề vì cháu nội. Nó chỉ ngỏ lời sau khi biết ý định của mẹ.”

Mẹ đưa tôi lá thư cầm sẵn:
“Đây là thư nó gửi cho vợ chồng con.”

Tôi hững hờ nhận.

Mẹ tiếp:
“Thật ra nó cũng đã hỏi các thủ tục xin ở nội trú. Không có con ở đây, con của nó vẫn qua đây học. Mẹ thấy điều quan trọng là có người ruột thịt cận kề, coi sóc, nhắc nhở.”

Tôi cười chua xót, không còn ngăn được lời mai mỉa:
“Ruột thịt? Có là ruột dư với thịt thừa! Và mẹ đã từng cắt bỏ không thương tiếc!”

Mẹ nhìn tôi đăm đăm:
“Con vẫn còn giận mẹ đến thế sao? Lần con về, mẹ đã hết lời giải thích…”

“Con vẫn nhớ các lời giải thích đó: Ba mẹ đâu có muốn xa con, chẳng qua chỉ vì muốn góp phần giành độc lập, thống nhất đất nước. Thì đất nước đã độc lập thống nhất, sao mẹ và cháu nội không ở Việt Nam mà hưởng, mà lại qua sống với kẻ thù của nhân dân thế giới?”

Mẹ buông tiếng thở dài.
Tôi cũng chợt nhận ra mình vừa buông lời xỉa xói hỗn hào.

Tôi trầm giọng:
“Con xin lỗi. Hễ nhớ đến những ngày con bị bỏ rơi là cứ muốn nổi xung thiên…”

“Mẹ phải làm gì để được con tha thứ, quên đi chuyện cũ. Con nghĩ lại đi. Ba mẹ đâu có gửi con cho ai xa lạ. Người đó chính là ba mẹ ruột của mẹ. Con lúc nào cũng nhận được trọn vẹn tình thương và chăm sóc…”

Tôi cố giữ giọng bình thường:
“Ba mẹ ruột của mẹ chớ đâu phải ba mẹ ruột của con! Suốt tuổi thơ của con, con bị bạn bè cười nhạo là đứa trẻ mồ côi, là con không cha không mẹ!”

Nước mắt tôi tự dưng ứa ra, rơi dài xuống.
Mẹ đứng lên, bước lại ôm choàng lấy tôi.
Tôi khóc nức nở trên vai mẹ.
Khi muộn phiền đã dịu xuống, tôi nhìn thẳng vào mắt mẹ:

“Mẹ không thấy là mẹ không công bằng sao? Lúc con ở cái tuổi rất cần sự săn sóc của ba mẹ thì ba mẹ bỏ đi biền biệt. Còn bây giờ, khi mẹ muốn ở gần con thì mẹ đã bước vào cái tuổi gần đất xa trời, cái tuổi mẹ cần con chớ con không cần mẹ. Thật lòng mà nói, cho tới giờ phút này, con không một mảy may cảm thấy chút gì thương yêu mẹ, thì nói chi thương yêu cháu.”


Mẹ ôm mặt, thân hình thả rơi lên ghế. Tôi nghe tiếng nấc của mẹ và nghe lòng chùng xuống.
Tôi nói nhanh như sợ không còn nói được:
“Nhưng có điều chắc chắn là con cũng không thể chối bỏ mẹ không phải là mẹ của con. Chừng nào mẹ muốn ở với con, mẹ cứ ở. Chừng nào mẹ muốn đi, mẹ cứ đi. Điều em con muốn, cháu con muốn, con khó mà nói được lời từ chối!"

Mẹ vẫn ngồi yên, thút thít khóc. Đúng lúc tôi muốn ngồi xuống ôm lấy mẹ thì tiếng chuông reo. Tôi thở hắt ra, bước về phía cửa nhận thức ăn mang tới…

Rời San Francisco trên chiếc xe chở khách chúng tôi ôn lại những địa điểm đã viếng thăm qua ba ngày ở vùng vịnh. Mẹ tỏ vẻ hài lòng đã được chính mắt chiêm ngưỡng chiếc cầu nổi danh Golden Gate. Mẹ cũng yêu thích cái công viên cùng tên với khung cảnh nên thơ thanh bình mà mẹ gọi là hồ Tịnh Tâm. Hai ngày ở San Jose, ấn tượng nhất đối với mẹ là những hình ảnh sinh động, huy hoàng và lạ mắt của vô số loài sống dưới nước hiển hiện ngay trước mắt trong Monterey Bay Aquarium.


Khi chúng tôi về tới quận Cam. Cậu và các con cháu đón chúng tôi ở bến xe, chỉ thiếu có mợ. Khi tôi thông báo mẹ sẽ sang thăm gia đình cậu, cậu nói sẵn sàng gặp mẹ nhưng từ chối cho chúng tôi tạm trú. Nhà cậu mợ rất rộng, nhiều buồng ngủ. Vợ chồng con cái tôi mỗi khi qua Cali là ở nhà cậu mợ hà rầm. Cậu mợ hẳn phải đau lòng khi lần này để tôi ở khách sạn chỉ vì… có mẹ!. Mợ không muốn chứa mẹ trong nhà. Hai đứa em trai của mợ đều bị tập trung, một bỏ xác trong rừng Yên Bái.

Mỗi ngày trong suốt một tuần, cậu lái xe đến khách sạn đón chúng tôi đi viếng thăm hết nơi này đến nơi khác. Ngày đầu, cậu dành cho khu Little Saigon. Mẹ thú nhận là rất ngạc nhiên về mức phát triển quy mô và sự phồn vinh sang giàu của người Việt tỵ nạn. Những ngày kế dành cho danh lam thắng cảnh. Có ngày chúng tôi bay khỏi thành phố đỏ đen Las Vegas về phía Bắc để chiêm ngưỡng Grand Canyon vô cùng kỳ vĩ ngoạn mục.

Cậu thường dùng khoảng thời gian di chuyển để hỏi mẹ về gia đình và dòng họ ở quê nhà. Cậu cũng kể về cuộc đời của cậu trong suốt nửa thế kỷ không gặp chị. Tôi vô cùng thú vị được nghe hai chị em nhắc lại những kỷ niệm thời họ sống bên nhau. Thỉnh thoảng cậu và mẹ “đụng” nhau về đề tài chính trị thường là do cậu khởi xướng.

Một lần đang lái xe, cậu bỗng nhái cái giọng bắc của mẹ:
“Thật đáng tiếc! Nếu chị cả đừng… vớ phải cái ông trí ngủ nằm vùng thì giờ chị em gặp lại dung dăng dung dẻ biết bao!”.

Mẹ nở ngay nụ cười đáp trả:
“Thì cũng lỗi ở em. Phải chi em không làm tay sai cho Mỹ Ngụy”.

Cậu gật gù ra vẻ tán thưởng rồi bắt sang chuyện khác.

Hôm đứng trước trường đại học California ở Los Angeles cậu cười nói: “Ngắm nhìn trường này chị có nhớ đến những năm chị dạy ở trường Đảng không? Phải công nhận duy vật biện chứng pháp hay tuyệt. Đảng Cộng sản chủ trương “không có người bóc lột người”.

Thế mà ngày nay bản thân Đảng hóa thành “đảng bóc lột người”.
Y chang… hủy thể của hủy thể!”

Mẹ bật cười giòn tan:
“Đúng ra là… phủ định của phủ định!”.

Một buổi tối về khách sạn còn sớm, cậu lân la ở lại. Không biết dẫn dắt từ đề tài gì, hai chị em bắt đầu bàn về Hoàng Sa, Trường Sa và sự hiếp đáp của Trung cộng.

Bỗng cậu đặt câu hỏi:
“Ông Bush hứa với ông Dũng là sẽ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Vậy giả sử Trung cộng tấn công Việt Nam và Mỹ đem quân qua giúp đánh lại Trung cộng, thì đối với hai quân đội ngoại nhập đó, theo chị thì phải gọi là gì? Tàu là quân xăm lăng, Mỹ là bọn xâm lược?”

Mẹ cười duyên dáng:
“Gọi thế là…đúng sách vở đấy”.

Vào ngày thăm viếng Getty Center, một công trình chi phí hàng tỷ đô la, vừa đồ sộ về kiến trúc tân kỳ, vừa là viện bảo tàng nghệ thuật cổ vật hàng thế kỷ, lại vừa quy mô về tổ chức, tất cả chi phí do nhà tỷ phú Paul Getty đài thọ, cậu tôi bất ngờ hỏi mẹ:

“Nghe đâu chị đang có tiền rừng bạc biển. Ngày xưa chị chống Mỹ cứu nước, ngày nay nhà tỷ phú đỏ đã đóng góp được gì để dựng nước? Hay là tính mang tiền qua đây mua nhà xịn rồi rời bỏ quê hương? Ngày xưa đánh cho Mỹ cút ngụy nhào. Ngày nay ngụy đã nhào Mỹ đã cút nhưng vô số người đánh Mỹ lại cút theo Mỹ! 

Mẹ nhìn tôi, cười gượng như cho là tôi đã báo với cậu cái ý mẹ muốn mua lại ngôi nhà:

“Em nói gì thì nói, ý chị là muốn dành quãng đời còn lại đền để đền bù thời gian chị xa con gái lớn của chị".

Cậu gật gù:"Tình mẹ bao la như biển Thái Bình"

Tôi cố nghĩ đó không phải là câu mỉa mai!

Đêm chót trước khi rời Quận Cam trở lại Maryland chúng tôi được cậu mời bữa tiệc chia tay. Khi chúng tôi đến nhà hàng, tôi thật sự ngạc nhiên và vui mừng khi thấy có cả mợ hiện diện. Mợ đứng lên vui vẻ chào hỏi và mời mẹ ngồi bên cạnh. Mợ vốn hoạt bát, nên mẹ lúc nào cũng cười tươi. Tôi nghĩ là cậu đã thuyết phục được mợ đổi thái độ.

Tuy nhiên lời lẽ của cậu vẫn ít nhiều chăm chọc:
"Tôi cho rằng chị còn rất nhớ thời ở bưng biền nên hôm nay đãi chị ăn cá 7 món".

Tôi bật cười nhưng kịp hãm khi thấy mặt mẹ sa sầm…

Về Maryland, theo dự trù chúng tôi nghỉ ngơi ba ngày trước khi bay xuống Georgia và Texas. Nhưng chỉ mới qua đêm, buổi sáng mẹ buồn rầu đổi ý. Mẹ muốn về ngay Việt Nam. Tôi ngỡ ngàng. Nhưng tôi chợt hiểu ra. Câu trêu chọc của cậu đã chạm tự ái mẹ.

Tuy nhiên tôi vẫn không muốn thay cậu ngỏ lời xin lỗi mẹ. Tôi cũng không có ý định van xin mẹ khoan vội về Việt Nam. Tôi biết chắc nếu tôi năn nỉ, mẹ sẽ ở lại. Gần tháng qua tôi đã cảm thấy chút gì gần gũi mẹ nhưng xem ra vẫn còn một bức vách vô hình ngăn cản sự thoải mái, tự nhiên, thân mật. Thậm chí còn có cái gì khác nữa khiến tôi có lúc bứt rứt, bực mình.

Không có mẹ, tôi ngủ nghê, ăn uống thế nào lúc nào tùy thích. Có mẹ, tôi phải hầu hạ, e dè, trông trước ngó sau. Mẹ ở lại lần này, lần tới sẽ ở lại mãi mãi. Mà xem ra thời gian để xây đắp tình mẫu tử chẳng còn bao nhiêu. Luật đời vốn trói buộc tôi vào kiếp nạn mồ côi từ đầu đời. Có gặp lại cha thì chỉ khi cha mất. Gặp lại mẹ thì mẹ lại bỏ đi. Thôi thì hãy coi mươi ngày bên mẹ đã là một hồng ân.

Phải mất một tuần tôi mới đổi được vé máy bay. Trong tuần cuối đó, mẹ chỉ thích đi mua sắm, không nhớ gì đến hai đứa cháu ở Georgia và Texas mong được gặp bà ngoại lần đầu. Mỗi ngày tôi đưa mẹ vào một trung tâm thương mại khác nhau. Ăn thì mỗi bữa một nhà hàng khác xứ. Mẹ đã thưởng thức các món ăn Mỹ, Nhật, Thái, Đại Hàn, Mã Lai, Nam Dương. Đêm cuối cùng, tôi hỏi mẹ có muốn ăn phở lần chót ở Mỹ không, mẹ cười bảo muốn ăn canh chua cá kho tộ. Tôi thấy chút ấm lòng…

Hôm đưa mẹ ra phi trường, chúng tôi im lặng suốt đoạn đường. Gửi xong hành lý, tôi kéo chiếc va ly, tay kia nắm bàn tay mẹ bước chầm chậm về trạm kiểm soát an ninh cá nhân. Khi gần đến dòng người ngoằn ngoèo chờ qua trạm, mẹ dừng lại.

Tôi nhìn mẹ dò hỏi. Ánh mắt mẹ ngập tràn âu yếm mà giọng cất lên trầm buồn: “Chắc mẹ sẽ không qua đây thăm con nữa.”

Tôi nghe xao xuyến nhưng vẫn lặng thinh.

Lời mẹ êm như tiếng thở dài: “Và khi mẹ chết, con cũng không cần phải về…”

Tôi đứng chết lặng. Tôi có cảm tưởng như tôi đã cư xử quá tệ hại với chính mẹ mình.

Ý nghĩ trở thành đứa con bất hiếu khiến tôi buột miệng:
“Mẹ! Con sẽ về. Thế nào con cũng về. Cậu đã dạy con nghĩa tử là nghĩa tận.”

Bà vòng tay ôm lấy tôi thật chặt, giọng êm đềm:
“Còn đây là lời mẹ dạy, lần đầu mà cũng là lời cuối. Con hãy luôn luôn ghi nhớ. “Chú như cha, cậu như mẹ”. Con gắng giữ sức khỏe. Thôi mẹ đi.”

Mẹ nắm chiếc cần va ly từ tay tôi. Tôi vụng về ôm lấy mẹ. Mẹ áp má vào má tôi. Tôi nghe chừng thân mình bay bổng. Khi tôi mở vòng tay, mẹ quay mặt bước đi.

Tôi thấy mình quá bất nhẫn, khẽ gọi: “Mẹ!”

Bà quay lui, chân vẫn bước, đôi mắt hiền từ.

Tôi lúng túng vẫy tay, cố nở nụ cười: “Chào mẹ!”

Vũ Thất
"Đông Trùng Hạ Thảo”?

Đừng để bọn gian manh lừa đảo qua quảng cáo ma giáo
Đông trùng hạ thảo khi mới được khai thác ngoài thiên nhiên.

Ngay tại Trung cộng, nhiều người vẫn lầm tưởng về bản chất và công dụng của đông trùng hạ thảo, tới mức các nhà khoa học nước này phải lên tiếng cảnh báo.

Tháng 1/2018, nhiều tờ báo lớn của Trung cộng như Sina, Sohu đồng loạt đăng tải nhiều bài viết về đông trùng hạ thảo, nhấn mạnh đây là “dược liệu”, không phải “vị thuốc” có thể ăn trực tiếp và mang lại nhiều hiệu quả như dân gian lầm tưởng. Không có kháng thể chống ung thư.

Nhiều người cũng tưởng rằng, đây là loài sinh vật dị biệt: mùa đông là côn trùng (đông trùng), chui xuống đất tránh cái lạnh, còn mùa hè trở thành cây cỏ (hạ thảo).

Các tài liệu khoa học và y học Trung cộng ghi nhận đông trùng hạ thảo xuất hiện ở bốn tỉnh gồm Tứ Xuyên, Vân Nam, Thanh Hải, Cam Túc và Tây Tạng, tại các vùng núi có độ cao hơn 3.800 m so với mặt nước biển.

Trên thực tế, các nhà khoa học Trung cộng thống nhất rằng đông trùng hạ thảo là thể kểt' hợp giữa ấu trùng loài bướm dơi và nấm.

Vào mùa hè, khi băng tuyết tan ra trên các cánh đồng cỏ ở độ cao 3.800 m so với mặt nước biển, bướm dơi đẻ trứng lên lá các loại hoa. Sau đó, trứng phát triển thành sâu nhỏ, khi vào mặt đất ẩm ướt, hấp thụ chất dinh dưỡng từ rễ các loài thực vật, dần béo trắng lên. Thời điểm này, nang bào tử nấm hình cầu gặp ấu trùng sâu bướm, chúng sẽ khoan vào cơ thể ấu trùng, rút chất dinh dưỡng, tạo thành tơ nấm. Hoặc đông trùng hạ thảo cũng hình thành khi ấu trùng bướm ăn lá cây có nấm.

Như vậy, xét về mặt thực chất, đông trùng hạ thảo chính là hiện tượng nấm ký sinh vào cơ thể ấu trùng sâu bướm, dần ăn hết chất dinh dưỡng của vật chủ.

Nấm lây nhiễm vào cơ thể ấu trùng, khiến ấu trùng cong mình lên cao lên 2 đến 3cm so với mặt đất. Lúc này, ấu trùng sẽ chết dần từ đầu đến đuôi. Nấm vẫn tiếp tục phát triển cho tới khi xâm nhập hoàn toàn cơ thể ấu trùng. Đến cuối xuân đầu hạ, phần dầu của ấu trùng sẽ mọc lên một dạng thực vật giống như cỏ màu tím đỏ. Đây chính là lúc thu hoạch đông trùng hạ thảo tốt nhất.

Tuy nhiên, giới khoa học Trung cộng nhấn mạnh đây chỉ là “dược liệu”, chứ không phải thuốc tiên hay “dược phẩm”. Mặt khác, các chuyên gia y học cổ truyền Trung cộng cũng khẳng định đông trùng hạ thảo hoàn toàn không có kháng thể chống ung thư như đồn thổi.
“Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, một số gian thương đã tìm mọi cách tuyên truyền, ép giá khiến đông trùng hạ thảo đắt như vàng. Sự thực, loại dược phẩm này không có nhiều công hiệu đến vậy”, ông Vương Thành Thụ (Wang Chengshu), chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Sinh lý và Sinh thái thực vật, Thượng Hải, cho biết.

Cấm ăn trực tiếp
Tháng 12/2010, Tổng cục Giám định quốc gia Trung cộng, ra thông cáo về đông trùng hạ thảo, trong đó cấm sử dụng loại dược liệu này để làm thực phẩm hoặc chế biến nó thành thực phẩm.

Năm 2005, Tổng cục thực phẩm và y học Trung cộng, thuộc Bộ Y tế nước này, cũng đã ra lệnh buộc thay thế đông trùng hạ thảo trong các loại thực phẩm chức năng bằng các loại nấm khác được phép sử dụng.

Cuối năm 2017, khảo sát của tờ Time Weekly, nhận xét buôn bán đông trùng hạ thảo là ngành kinh doanh sinh lời ở Trung cộng trong nhiều năm. Theo báo này, giá của đông trùng hạ thảo đã tăng lên 10 lần từ năm 2003. Tại siêu thị bán lẻ, đông trùng hạ thảo chất lượng có thể lên tới giá 888 Nhân dân tệ (134 USD) mỗi gram, đắt gấp ba lần vàng.
Ngược lại, nấm Cordyceps militaris, thực thể có khả năng kháng ung thư, lại thường chỉ có giá 0,3 Nhân dân tệ (0,05 USD) mỗi gram.

Trong khi đó, các nhà môi trường học cũng cảnh báo việc khai thác diện rộng với đông trùng hạ thảo ở Tây Tạng, về lâu dài có thể gây tổn hại nghiêm trọng với môi trường ở vùng cao nguyên này.

Năm 2016, Tổng cục thực phẩm và y học Trung cộng thậm chí còn cảnh báo lượng độc tố arsen có trong đông trùng hạ thảo được chế biến thành bột hay viên nén, ở mức cao hơn chuẩn cho phép. Hạn mức tiêu chuẩn quốc gia của Trung cộng về arsen, hóa chất độc hại, là 1 miligam/kg, nhưng mức tìm thấy trong các chế phẩm đông trùng hạ thảo dao động từ 4,4-9,9 miligam/kg.

Báo Trung cộng Chinanews cảnh báo người dân cần thận trọng với đông trùng hạ thảo, trong khi không ít người vẫn lấy chúng làm những món quà đắt tiền, thường tặng cho người già. Dân gian cho rằng loại dược liệu này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của con người và hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, điều chưa hề được khoa học chứng minh.

Tờ Sina từng đăng tải bài viết “Đông trùng hạ thảo: tiên dược hay cú lừa thế kỷ”, dẫn nghiên cứu của ông Vương Thành Thụ, khẳng định dược liệu này khi được chế biến, phối hợp với các loại dược liệu khác, có tác dụng bồi bổ một số bệnh.

Tuy nhiên, đông trùng hạ thảo không có tác dụng trực tiếp trong điều trị bệnh cho lục phủ ngũ tạng, thậm chí chữa được những trọng bệnh như một số phương tiện thông tin đã đồn thổi.

“Đông trùng hạ thảo không thể chữa được ung thư, hen suyễn hay vô sinh như những lời quảng cáo”, báo viết.

VÕ VĂN VIỆT

***


Người Việt Nam có tập quán cứ độ xuân về Tết đến là dịp để biếu tặng nhau những món quà của ngon vật lạ hiếm quý và hảo hạng để tỏ lòng biết ơn kèm với những điều chúc tụng tốt lành. Những gói quà tặng cao lương mỹ vị nào vi, nào yến, nào sâm, nhung, thần dược đủ loại được chiếu cố và trân trọng nhất.

Trong những năm gần đây, người ta thấy món quà tặng "thần dược" thật đắt tiền được khá nhiều người chiếu cố vì được truyền khẩu là môn thuốc đại bổ lục phủ ngũ tạng và trị được bá bệnh nan y; đó là vị thuốc đông y có tên "Đông Trùng Hạ Thảo".
Vị thuốc này xuất xứ từ Trung cộng, được đưa vào Việt Nam và được quảng cáo ra rả trên các báo, đài hải ngoại cùng với loài nấm linh chi, coi như là thần dược quý hơn cả sâm, nhung, vi, yến. Khách quý bạn hiền tới nhà chúc Tết được chủ nhà lấy vài cọng "Đông Trùng Hạ Thảo" bỏ vào bình trà pha mời đãi khách uống để tỏ là thuộc giai cấp quý phái cao sang của thời đại đỉnh cao trí tuệ khoa học kỹ thuật nguyên tử ngày nay.
Chúng ta không phủ nhận được giá trị bổ dưỡng hay điều trị của đông y dược mấy ngàn năm xưa nay, đã chứng tỏ khả năng trước cả thời đại phát triển tây y. Chúng ta cũng không bàn tới óc mê tín vào khả năng "thần dược" của những người đang mắc phải những bệnh kinh niên, hiểm nghèo mà nền tây y hiện đại đã bó tay. Họ coi thần dược như là chiếc phao cuối cùng để bấu víu. Chúng ta cũng không bàn tới khía cạnh thương mại đem vị thuốc và khả năng trị bệnh lên màn quảng cáo rầm rộ ngoài đường phố vỉa hè. Chúng ta chỉ muốn nói ở đây những kiến thức khoa học để soi sáng câu chuyện về "Đông Trùng Hạ Thảo" đang là tề tài sôi sục khi đã có nhiều người chết và nhiều người phải khiêng đi bệnh viện vì đã ăn uống "đông trùng hạ thảo".

Vậy đông trùng hạ thảo là cái gì? Nó là thức ăn hay vị thuốc bổ hay là vị thuốc trị bệnh hay là thuốc độc?

Xin thưa ngay nó là cả 4 thứ đó tùy theo sự hiểu biết của mỗi người. Chúng ta nhớ lại câu chuyện trứng chim cút trước năm 1975 ở Sàigòn.

Thời đó, người Tàu Chợ Lớn bí mật nuôi chim cút trong nhà để lấy trứng cút đóng hộp đem bán rất đắt kèm truyền khẩu quảng cáo rầm rộ trứng cút là vị thuốc đại bổ hơn cả vi, yến, sâm, nhung... Khi việc nuôi chim cút trong nhà bị lộ thì nhiều người Việt Nam bắt chước đua nhau bỏ vốn nuôi chim cút. Khi đó người Tàu đem bán hết chim cút đắt như vàng. Tiếp theo đó, người ta lại truyền khẩu tung tin đăng báo rầm rộ rằng ăn trứng cút sẽ bị bệnh cùi. Thế là mọi người không ai mua trứng cút nữa và biết bao nhiêu người Việt Nam nuôi chim cút bị sạt nghiệp, mất hết vốn liếng nhà cửa. Còn người Tàu Chợ Lớn thì giàu sụ vì đã bán được hết trứng cút và chim cút giá đắt. Không ai biết trứng cút là thức ăn hay thuốc bổ hay thuốc trị bệnh hay thuốc độc!

Hiện nay, báo, đài đang quảng cáo rằng đông trùng hạ thảo là một loài rất đặc biệt không phải động vật mà cũng không phải là thực vật nên rất hiếm quý và rất có giá trị dùng trong đông y dược. Về mùa đông thì nó là động vật thuộc dòng côn trùng dưới đất, về mùa hạ thì nó lại hóa thân mọc thành một cây thực vật thuộc dòng cây thảo.

Mùa đông nó là loài côn trùng, mùa hạ là loài cây thảo; do đó phần gốc của nó có hình thù một con sâu mà phần thân ngọn của nó có hình một thân cây mềm nhỏ. Do đó, nó mang đủ vật liệu của hai loài động vật và thực vật nên rất bổ dưỡng và trị được bá bệnh.

Của lạ hiếm thường được coi là của quý. Việt Nam sau 1975, những người bị đi tù cải tạo không có đủ thức ăn nên trong trại tù bắt được con gì ăn con nấy, giun, dế, rắn, rít, bọ cạp... ăn hết ráo. Dân chúng thì bắt đầu ăn đủ loại côn trùng như dế, rít, bọ cạp, ấu trùng ve...Các món này hiện nay được bán trong nhiều quán nhậu khắp nước.

Rồi một hôm, người ta chở vào bệnh viện cấp cứu một nhóm người sau khi họ ăn nhậu món ấu trùng ve chiên bơ, có người lăn ra chết sau khi ăn xong, có người sùi bọt mép tê liệt, suy hô hấp, hôn mê chở vào bệnh viện cấp cứu. Chúng tôi bèn nhập cuộc nghiên cứu xem độc chất gì đã gây ra vụ ngộ độc sau khi ăn ấu trùng ve chiên bơ này. Chúng ta tự hỏi xưa nay người Việt Nam ta vẫn ăn ấu trùng tơ tằm (con nhộng) chiên bơ ngon bổ có sao đâu? Nhiều tiệm nhậu vẫn đang bán ấu trùng chiên bơ ăn có sao đâu?

Chúng tôi theo chân bệnh nhân sau khi xuất viện về tận miền lục tỉnh nơi họ đã đào đất bắt ấu trùng ve để chiên bơ nhậu. Chúng tôi chứng kiến họ đào được những ấu trùng ve có hình thù khác nhau tùy theo giai đoạn phát triển, có con chỉ như con sâu, có con có đủ chân râu. Con nào đã già và mạnh khỏe thì còn thấy nhúc nhích. Con nào quá non và yếu thì nằm im re.
Đồng bào miền tỉnh rủ nhau đi đào bắt ấu trùng bán cho các tiệm nhậu rất nhộn nhịp. Ấu trùng chiên bơ người ta ăn vẫn ngon lành hằng ngày ở tiệm nhậu như vậy không sao, nay có vụ ngộ độc thì ai cũng cho rằng do vấn đề vệ sinh quán ăn không bảo đảm gây nhiễm trùng thực phẩm mà thôi.

Nhưng dưới con mắt chuyên khoa nhiễm độc thì vấn đề không đơn giản như vậy, vì triệu chứng ăn xong lăn ra chết vì sùi bọt mép, phù phổi, suy hô hấp, hôn mê không phải là triệu chứng của nhiễm trùng thực phẩm. Họ bị đầu độc bởi độc chất lén bỏ vào ấu trùng chiên bơ chăng?

Nhưng ấu trùng đã ăn hết đâu còn dư để đem xét nghiệm tìm độc chất lạ bỏ vào đó! Chỉ còn một cách là chúng tôi theo bệnh nhân tới tận nơi họ đã đào bắt ấu trùng để ăn, chúng tôi chứng kiến họ đào bới nơi mảnh đất ven rừng cách nhà họ không xa lắm. Chúng tôi đem các con ấu trùng này về phòng thí nghiệm của trường đại học dùng kính hiển vi, cắt mỏng từng con ấu trùng ra để quan sát nội tạng của chúng xem có gì lạ không. Một kết quả thật bất ngờ làm chúng tôi ngạc nhiên là có con có đầy đủ nội tạng, có con nội tạng bị dị dạng, có con hoàn toàn không có nội tạng mà chỉ toàn là một mô đặc đồng nhất. Quan sát kỹ mô đặc đồng nhất này dưới kính hiển vi thì thấy cấu trúc là những mô sợi dài đồng nhất.

Chúng tôi nghỉ rằng đây là mô thực vật và loài thực vật dạng sợi thì chỉ có thể là loài nấm dạng sợi. Quả thật như vậy, chúng ta đã biết rằng nấm là loài thực vật có chu trình phát triển rất đặc biệt. Đơn vị căn bản gốc của loài nấm là bào tử nấm. Bào tử nấm là tế bào gốc của nấm. Khi điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thích hợp thì bào tử nấm nẩy nở mọc ra thành sợi nấm. Các sợi nấm của nhiều bào tử mọc dài dần thành một mạng sợi hay bó sợi như một mớ tóc hay bó tóc.

Khi lật tảng đá hay thân cây mục lên khỏi mặt đất, chúng ta nhìn thấy ở mặt dưới tảng đá hay thân cây những sợi nhỏ li ti như tóc từng đám dính vào đá, vào thân cây. Đó là các mạng nấm dạng sợi. Những mạng sợi nấm này có thể sống dưới đất như vậy vài trăm năm hoặc ngàn năm. Trên nền tảng mạng nấm sợi đó, nếu có 2 bào tử nấm đực và cái gặp điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thích hợp sẽ phối hợp nhau thành một bào tử nấm với 2 nhân và bào tử nấm 2 nhân này sẽ mọc thành một cây nấm con (Xin xem hình vẽ).



Đầu thân cây nấm con sẽ phát triển thành nón nấm. Mặt dưới của nón nấm sẽ sinh sản ra các bào tử nấm mới. Trung bình một cây nấm sinh ra khoảng 15 tỷ bào tử nấm. Bào tử nấm khi bung ra khỏi nón nấm được gió thổi đi xa khắp bốn phương trời, rơi lại xuống đất rồi tiếp tục chu trình tạo mạng sợi nấm mới và cây nấm mới. Thông thường về mùa hạ, sau một cơn mưa là độ ẩm và nhiệt độ đất thích hợp nên nấm mọc lên ào ào trên mặt đất, trên thân cây mục, trên tảng đá phủ mùn thực vật. Chúng mọc rất nhanh, chỉ trong vài giờ đồng hồ thành cây nấm lớn. Nấm mọc rồi chỉ sống vài ngày là tàn lụn.

Nấm có rất nhiều loại. Có loại ăn rất ngon như nấm rơm, nấm mèo, nấm mối. Có loại ăn rất độc chết người như nấm Phalloid, Muscarina.

Đến đây thì chúng ta đã thấy tia sáng lóe ra ở cuối đường hầm của cuộc nghiên cứu tìm độc chất trong ấu trùng ve chiên bơ: những con ấu trùng ve đã gây ngộ độc chết ngưòi chính là những con ấu trùng đã bị nhiễm bào tử nấm độc!


Thật vậy, trong mùa đông xuân, côn trùng ve còn ở dạng ấu trùng non sống dưới đất. Chúng bị nhiễm bào tử nấm từ mạng nấm sợi trong đất. Bào tử nấm xâm nhập vô ấu trùng và sẽ mọc thành mạng nấm sợi trong cơ thể ấu trùng. Mạng nấm sợi bị giới hạn bởi lớp da của ấu trùng nên phát triển thành một mô sợi đồng nhất khắp cơ thể ấu trùng, giết chết ấu trùng và biến con ấu trùng ve thành một mô thực vật có hình thù y nguyên hình thù của con ấu trùng. 

Qua mùa hạ, có mưa, tạo điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thích hợp cho những bào tử nầm đực và cái phối hợp mọc thành sợi cây nấm chui ra bằng lỗ miệng, hốc mắt của xác con ấu trùng rồi phát triển thành cây nấm lớn mọc lên khỏi mặt đất. Cây nấm này có phần gốc rễ nấm mang hình thù của xác ấu trùng và phần thân nón mang hình dạng cây nấm của chủng loại nấm. Phần gốc là tàn tích của con ấu trùng mùa đông dưới đất nên gọi là ĐÔNG TRÙNG, phần thân ngọn là cây HẠ THẢO (Xin xem hình vẽ). Sản phẩm hóa kiếp nầy gọi là loài "Đông Trùng Hạ Thảo".

Nếu bào tử nấm là thuộc loại nấm không độc thì chúng ta có thể ăn được loại đông trùng hạ thảo này vô hại. Nhưng nếu bào tử nấm thuộc loại nấm độc Phalloid hay Muscorina thì ăn loại đông trùng hạ thảo này, chúng ta sẽ bị ngộ độc chết dễ như chơi.

Bệnh cảnh lâm sàng của các nạn nhân trong nhóm người ăn ấu trùng chiên bơ bị ngộ độc nhập bệnh viện có tất cả các triệu chứng của bệnh ngộ độc nấm Muscarina gây sùi bọt mép, phù phổi, hôm mê, suy hô hấp chết. Chẩn đoán của chúng tôi do đó có xác định rõ ràng là nhóm người này đã bị ngộ độc nấm Muscarina khi ăn ấu trùng ve vì cấu trúc của ấu trùng ve này dưới kính hiển vi là một cấu trúc mô sợi nấm chứ không phải cấu trúc của nội tạng của con ấu trùng ve. 

Chúng tôi đã xác nhận lại chẩn đoán bằng cách quay trở lại nơi đào bắt ấu trùng, sau khi có các cơn mưa hạ thì thấy tại đó mọc lên rất nhiều nấm mà phần gốc rễ nấm mang hình thù của ấu trùng ve. Khi đào bắt ấu trùng để ăn là mùa xuân chưa mưa, nấm chưa mọc nên còn ở dạng nấm mạng sợi trong cơ thể con ấu trùng, nhưng sự thật nó đã chết và chỉ còn là cái xác chứa đầy nấm sợi và bào tử nấm bên trong. Ăn phải tất nhiên chết vì nấm độc.
Chúng tôi không biết món ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO của người Tàu hiện nay, họ đào nhổ ở đâu hay nuôi trồng cách nào để sản xuất đại trà đem bán làm "thần dược", nhưng chúng ta cần cảnh giác nếu có lẫn bào tử nấm độc thì tai nạn lăn ra chết vì ăn uống đông trùng hạ thảo là điều rất dễ hiểu. Bào tử của mọi loại nấm độc lẫn không độc đều sẵn có ở khắp mặt địa cầu nên cơ hội cho nấm độc mọc khi gặp đúng điều kiện độ ẩm và nhiệt độ không phải là hiếm khó. Khi bị ngộ độc không dễ gì tìm ra độc chất là gì nếu không gặp được bác sĩ chuyên khoa nhiễm độc, có kinh nghiệm để được chẩn đoán và điều trị chính xác.


"Ngày Mai Đã Muộn Rôi"

Huy Phương

Ở thời niên thiếu, chúng tôi đã được xem một cuốn phim tình cảm đen trắng do Ý sản xuất trong một rạp chiếu bóng ở một tỉnh nhỏ miền Trung. Cuốn phim mang tên “Ngày Mai Đã Muộn Rồi,” (Demain c’est trop tard!) liên quan đến việc giáo dục giới tính phù hợp cho giới trẻ. Cuốn phim nêu ra chuyện nếu hôm nay không được chỉnh sửa hay là được làm đúng, ngày mai đã quá trễ, muộn màng.

Tuổi ấy, chúng tôi không hiểu nhiều về tình tiết của câu chuyện, và luận đề cuốn phim đưa ra, nhưng sau này, rất thích lập lại tên của cuốn phim trong nhiều tình huống của cuộc sống. Phải chăng, đừng để đến ngày mai mà muộn màng, những gì làm được hôm nay thì hãy làm.

Bây giờ bước vào tuổi già, bạn đã có bao điều hối hận: phải chi ngày trước mình biết cách yêu thương, định hướng cho bản thân và nỗ lực hơn, biết trân quý bạn đời hơn, biết giáo dục con cái hơn…

Trước khi biết mình qua đời, người sắp chết cũng có bao nhiêu điều phải hối tiếc. Bước qua một năm mới, chúng ta cũng có những điều tự hỏi vì sao đã bỏ phí trong năm qua. Và rồi qua một ngày, có bao giờ bạn thấy hối hận đã không làm việc ấy ngay hôm nay không?

Thời gian cứ trôi đi và chẳng bao giờ dừng lại để chờ đợi ai, cũng chẳng chờ cho chúng ta làm xong việc này hay kết thúc một việc khác. Một ngày qua đi và một ngày không trở lại, và công việc ấy chúng ta không làm hôm nay, sẽ không bao giờ chúng ta có cơ hội thực hiện nữa. Không phải là cứ một đời người, hay một năm, mà một ngày cũng đã là quá muộn!

Bạn tôi đang nằm trong bệnh viện, vừa qua một cuộc giải phẫu khá quan trọng. Tôi có dự định đi thăm người bạn ấy hôm nay, nhưng quen thói lần lữa, giải đãi, lòng hẹn lòng đợi một này nào đó, thật rỗi rảnh sẽ đi thăm bạn. Nhưng cái ngày đó không bao giờ đến, vì chỉ vài ngày sau đó, bạn tôi đã từ giã cuộc đời này, mà tôi thì vẫn chưa thực hiện được cuộc viếng thăm đơn giản ấy, nên lòng ân hận mãi.

Thân bằng quyến thuộc của chúng ta không thiếu gì những người già, đang nằm trong bệnh viện, nhà dưỡng lão, như ngọn đèn cạn dầu trước gió, cần một lần thăm viếng, một cái cầm tay hay một lời nói thân tình. Những người này không còn thời gian để đợi chúng ta, mà chúng ta thì cứ mãi “lòng hẹn lòng!”

Có bao nhiêu bậc cha mẹ già, trên ngưỡng cửa ngôi nhà xưa, ngóng chờ những đứa con trở về một lần thăm viếng. Nhưng rồi thì vì thời gian bận rộn vì công việc làm ăn, cuối tuần còn đưa con đi chơi thể thao, học đàn, học võ; kẹt một chuyến du lịch xa, hay bận rộn vì con chó con mèo, con cá lia thia trong chậu, sợ bỏ đói, không ai chăm sóc.

Thật lòng không biết có ai hối hận không, nhưng đừng để bao giờ phải hối hận.

Giá mà ta làm việc ấy hôm nay, hay tự đặt cho mình một mệnh lệnh: “Hãy làm việc ấy hôm nay!” Ngày không thể không đi và đêm không đến vì việc ấy ta làm chưa xong!

Suốt đời, chúng ta đã bỏ bao nhiêu cơ hội, để làm một việc hay để nói một lời.

Không phải đến bây giờ người ta mới nhắc nhở “Nếu có yêu tôi thì hãy yêu tôi bây giờ. Đừng để ngày mai đến lúc tôi xa người… (*) mà ngày xưa, tình duyên đôi lứa đã một lần muộn màng, vì người con trai đã bỏ đi cơ hội nghìn vàng, để ngậm ngùi suốt đời.

Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết bao giờ gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?”

Có người hối hận để mất một cuộc tình, nhưng cũng có người đánh lỡ mất cả cuộc đời, để rồi than thở:

Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!” (TTKh.)

Richard Templar là một tác giả người Anh, người đã viết nhiều cuốn sách về con đường thành công trong cuộc sống. Ông chia sẻ “con đường dẫn đến thành công” của mình trong một loạt sách, trong đó 100 quy tắc đơn giản được trình bày để đạt được thành công, trong kinh doanh, tiền bạc hoặc cuộc sống nói chung. Và “quy tắc của cuộc sống” của Richard Templar là “đừng để qua ngày mai!”

Người ta thường hẹn trong ngày mai sẽ làm công việc dự định hôm nay, nhưng đối với nhà thơ Norma Cornett Marek lại khác: “Ngày Mai Không Bao Giờ Đến!” đó cũng là tựa đề bài thơ của bà. “Nếu ta đang chờ ngày mai đến thì tại sao lại không làm điều đó ngày hôm nay? Vì nếu ngày mai không bao giờ đến, thì chắc chắn ta sẽ hối tiếc suốt phần đời còn lại của mình!”

Không ai biết đây là lần gặp gỡ cuối cùng, một lời nói giã biệt, vì không một ai, trong chúng ta, trẻ hay già, đoan chắc rằng, họ sẽ sống qua hôm nay, để ngày mai thấy mặt trời lên! Trên trái đất này, đêm nay có những người cũng lên giường như chúng ta, nhưng ngày mai, họ không còn thức trở dậy!

Đó chính là ân huệ của cuộc đời chứ không phải là một chuyện đương nhiên: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương!

Xin đừng để quá trễ, hãy nói với ai đó một lời yêu thương hôm nay. Hãy nói một lời xin lỗi. Hãy nói một lời cám ơn. Nếu ai cũng nghĩ rằng hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc sống để hành động, để yêu thương, để dịu dàng với nhau…thì cuộc đời này đẹp biết bao nhiêu!

Xin hãy làm điều đó hôm nay. Ngày mai đã muộn rồi!

Blog Archive