Monday, May 30, 2022

MỘT CUỘC ĐỜI KHÁC
.
(Ảnh: Bui Dinh Chuong)

Dạo này hay nhận được nhiều lời phàn nàn, nhất là đám bạn bè cứ rầu rĩ, trong T dường như tồn tại hai con người, chẳng biết đâu mà lần. Khi gửi tin nhắn hay email thì là một người nồng nhiệt, tươi tỉnh, cởi mở, gặp nhau thấy đổ vỡ dễ sợ, vì mặt lạnh tanh, dè dặt, ăn nói cũng đối phó, cầm chừng.

Nghe người ta phiền mình mà… sướng. Vì người ta nói về mình mà thấy hơi giống… mình (trường hợp này cũng hiếm gặp), rằng trong ta có hai cuộc đời (tất nhiên, trong ta có nhiều hơn thế). Mà, nghe chừng, trong ý tứ của bạn bè, con người của thế giới ảo dễ thương hơn.

Ừ thì, chính ta còn thương ta-ảo nữa mà. Thương như một người thương lấy một người. Ở đó, không còn khuôn mặt, dáng vóc của ta, không còn giọng nói gù gù vô duyên của ta, ta sống bằng cảm giác, ý nghĩ, nỗi lòng. Giống như ta-chiêm-bao, ta-ảo vui tưng bừng. Không xương thịt, không thể chạm vào, nhưng mỗi ngày ta-ảo đều thấy mình trước gương, rất hồn nhiên, thanh thản. Vì sống thật, nói thật, yêu, ghét, đam mê thật. Nhiều lúc ta-thật đọc lại mail của ta-ảo thấy buồn cười, thấy nhói đau, chẳng hiểu làm sao mình không nói được bằng lời, bằng mắt những câu ấy trước mặt người ấy. Nhớ ai, yêu ai thì cứ bảo rằng tôi nhớ, tôi yêu. Sướng rơn, nhẹ nhỏm cả lòng, mà chẳng bị mất mặt, vì anh nọ cứ nghĩ đấy là ta đùa, vì ta cứ ra rả mấy câu này như bán bánh mì nóng giòn, vì lời lẽ trong thế giới ảo cực kỳ… biến ảo. Bông lơn. Cười cợt. Tui ieu ban we. Câu chữ trơ trơ, dửng dưng, nói theo nhà văn Châu Diên, là chúng cứ nhơn nhơn ra. Người muốn tin, cũng phải ngờ ngợ, bởi con T mà mình gặp thường là tỉnh bơ, thản nhiên, không thể nào, ừ không thể nào…

Ta-ảo không cần người ta hiểu được mình (mong gì, chính mình còn không hiểu được mình nữa mà), cho nên cứ trải nỗi lòng vào thế giới ảo – nơi những cái bóng vốn câm lặng gặp nhau, cất tiếng nói, và tuyệt vời, đôi khi được đáp lời. Để ta-thật bớt nặng nề, giữ lấy gương mặt buồn bã ấy, xương cốt mỏi mê ấy mà sống tiếp.

Mà yêu lấy cuộc đời, đó là khi buồn quá, gởi một cái mail than thở với bạn bè, bỗng thấy cái buồn này không… nghiêm trọng, bởi có loại buồn thậm chí không thể dùng câu chữ để viết thành. Đó là khi đau đời quá, lên diễn đàn cự nự, khiêu khích, chọc ghẹo, bỡn cợt những cư dân ảo khác, lòng đang buồn đầy bỗng lưng. Rưng rưng. Họ cũng là người ảo, cũng biến đổi ngoay ngoắt giữa những giả-chân vậy mà chẳng làm ta cô độc như ở giữa những gương mặt người nói cười thưa thốt, chẳng làm ta hoang mang như có kẻ đứng chình ình trước mặt mình mà không dò được lòng.

Tưởng lên mạng như thế là đã được nhiều lắm rồi, một mớ kiến thức ngổn ngang, được ánh mắt sướng rơn, ngưỡng mộ của mấy ông sếp khi mình đưa mấy bài viết, tư liệu hay nhờ giỏi săn lùng. Được cái nhìn nể nang của các đồng nghiệp khi mình đọc vanh vách chức năng, kỹ thuật của các loại máy kỹ thuật số, điện thoại di động vì đứa cấp tiến thứ nhì cơ quan Văn nghệ (sở dĩ thằng kia đứng nhất chỉ vì nó biết chơi game online và… chat) rất đam mê các website loại này. Được vui òa vỡ khi lang thang trên xa lộ ảo bỗng gặp lại thằng bạn đã biền biệt nhiều năm. Được ấm lòng, chia sẻ khi nhận ra người nào đó cũng cô đơn như mình, đau nỗi đau giống mình.
Tưởng vậy là quá nhiều, bỗng một ngày lên mạng ta thấy mình được nhiều hơn thế. Còn gì tuyệt bằng được sống như một con người vô tư, thanh thản, không đối phó, chống đỡ, không sợ hãi, nghi ngại.
Như đã từng mơ ước…

Nguyễn Ngọc Tu
An Lộc - Một Chiến Thắng Khó Quên

Ngày thứ Bảy, 14 tháng 5, 2022, Nam Cali rộn ràng trong nắng ấm. Cả 2 tuần trước đó, tôi đã “bị” rộn ràng nhận và trả lời texts của BS. Ngô Thế Khanh, 1 đàn anh đẹp trai trong Quân Y của Sư Đoàn 6 KQ, từng đóng đô tại Pleiku. Theo lời khuyên của BS. Khanh, người mời vợ chồng chúng tôi tham dự ngày mừng “50 NĂM BÌNH LONG ANH DŨNG”, tôi cần phải trang phục với bộ áo quần trận hoa dù mũ đỏ, với dây nịt quân đội có búp nịt màu vàng của sĩ quan, bottes de saut kèm theo lời khuyến cáo phải nhớ đánh bóng thật láng, phải có thêm cả thẻ bài - dù dấu kín bên trong áo trận… Tôi quắn cả người tìm cho được số quân đưa cho BS. Khanh nhờ anh đăt làm cho tôi thẻ bài và mua giùm dây nịt quân đội. Thật là nhiêu khê. Nhất là gần cả 3 năm vừa qua, tôi không có dịp “chưng diện” bộ đồ quân phục của mình, phải trèo lên attic lục tìm.

Dù sao, chuyện mặc quân phục Nhảy Dù cũng là một bắt buộc, nhất là trong những họp mặt có nhiều anh em Nhảy Dù tham dự. Huống hồ đây lại là một kỷ niệm khó quên của Chiến Thắng An Lộc vào hè 1972, khi nguyên cả 2 Lữ Đoàn Nhảy Dù được tung vào trận chiến, để cùng với các lực lượng cơ hữu của sư đoàn 5 Bộ Binh, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, Trung Đoàn 33 thuộc sư Đoàn 21 và Trung Đoàn 15 của Sư Đoàn 18, các đơn vị Thiết Giáp và Pháo Binh, các phi đoàn thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân, đã anh dũng chiến đấu, quyết chí bảo vệ một phần đất của tổ quốc, chận đứng sự tấn công của phía địch gồm 4 sư đoàn Bộ Binh, các trung đoàn pháo, thiết giáp, phòng không, đặc công, với tổng số lên đến cả 50 ngàn quân. Cuộc chiến đã xẩy ra từ ngày 13, tháng 4, 1972 đến ngày 12 tháng 6, 1972, là ngày thị xã An Lôc hoàn toàn được giải tỏa sau 7 lần bị địch tấn công tới tấp chỉ sau đó chém vè, để lại hàng ngàn tử thi và hàng chục và hàng chục xác xe tăng ngổn ngang trong thành phố và bên ngoài thị xả.

Lịch sử cho thấy cuộc chiến An Lộc là một mặt trận mang nặng tính cách chính trị vì phía địch có dã tâm chiếm nguyên tình Bình Long cùng An Lộc để gây áp lực, làm thủ phủ cho MTGPMN trong hoà đàm Paris. Đây là một trận chiến khốc liệt khi địch quân tung ra một lực lượng bộ binh rất lớn với sự xuất hiện lần đầu của thiết giáp tại vùng 3. Đồng thời chúng đã sử dụng pháo binh nhiều đến mức độ khiến thị xả trở thành bình địa.

Tôi tham dự 50 Năm Chiến Thắng An Lộc, không những vì lòng biết ơn và ngưỡng mộ các chiến sĩ VNCH trong cuộc chiến, mà cũng vì muốn chia sẻ, vinh danh, qua sắc phục quân đội và màu áo của binh chủng mình, những gian truân, những hy sinh thân xác của bao đồng đội từng có mặt tại An Lộc, và lòng cảm thương những cái chết bất nhẫn của bao thường dân vô tội.

Vào đầu tháng 4, 1972, tôi đang là sinh viên năm thứ 5 tại ĐH YK Huế. Do nhu cầu trận chiến, trường YK Huế có tổ chức một toán y tế với 7 tình nguyện viên, gồm 2 bác sĩ giải phẫu và 5 sinh viên, ra Quảng Trị phục vụ bệnh viện Quân Dân Y. Đó là lần đầu tiên tôi thực sự nhìn thấy những thương binh với những vết thương nghiêm trọng, cần hồi sinh cấp cứu và giải phẫu. Nhìn thấy người lính chết trước mắt mình khi chờ được lên bàn mổ. Để cảm thông sự đau đớn hằn lên trong ánh mắt của những đồng đội bên cạnh.

Từ đó, những tin tức nóng sốt, với chiến cuộc đang diễn ra tại Pleiku-Kontum, Bình Long –An Lộc, rồi Quảng Trị, đã mở rộng tầm hiểu biết của tôi về một cuộc chiến tàn khốc và kinh hoàng, một địa ngục trần gian. Một mùa hè khô nóng của máu và máu, của bão lửa và sắc thép, của bao cái chết không toàn thây do hỏa pháo cường tập. Của tử khí từ cả ngàn thây người ngổn ngang trên Đại Lộ Kinh Hoàng hay trong thị xã An Lộc và trên đường di tản. Của bao hy sinh để quyết bảo vệ một cuộc sống đúng nghĩa và xứng đáng với 2 chữ Tự Do. Của bao cái chết oai hùng của những chiến sĩ vô danh trong nhiệm vụ trai thời chiến. Làm nổi bật khí thế và tinh thần chiến đấu anh dũng của người lính Miền Nam. Miền Nam Việt Nam đã chiến đấu, giữ vững và kiêu hùng chiến thắng. Tôi đã hiểu như vậy. Tôi đã cảm kích những người lính đang chiến đấu. Tôi cám ơn đất nước tôi. Bấy giờ, với lòng yêu nước dâng trào, tôi tự hiểu rồi cũng sẽ đến phiên mình nhảy vào cuộc chiến trong nay mai.
Ngay trước mặt bàn tiếp tân gần cửa ra vào, BS. Thân Trọng An và tôi cùng lúc nhìn thấy nhau khi vợ chồng chúng tôi bước vào với BS. Khanh bên cạnh. BS. An từ Montreal, Canada, bay về Nam Cali chỉ để tham dự buổi tiệc mừng chiến thắng này. Trưng tập ngay sau khi tốt nghiệp, BS. Thân Trọng An tình nguyện đến phục vụ đơn vị Quân Y tại An Lộc năm 1973 cho đến ngày mất nước. Đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau dù trước đây có liên lạc qua Tập San Y Sĩ Canada mà BS. An đảm nhận chức vụ trưởng khối báo chí. Nhờ anh, tôi được biết thêm, sau trận An Lộc 1972, VC vẫn tiếp tục lai rai pháo kích vào thị xả này. Một mặt trận không hề được yên nghỉ…cho đến tận cuối con đường.




BS. Thân Trọng An chụp chung với vợ chồng BS. Nguyễn Văn Quí, với bên dưới là cuốn sách Nhật Ký An Lộc, nằm ngay trước mặt tôi, với bài tôi đang viết trong PC.

Ngồi cũng bàn, ngoài BS. Thân Trọng An và BS. Ngô Thế Khanh, còn có BS. Hoàng Xuân Trường, tác giả của “Sau Bức Màn Đỏ”, “Cõi Trời, Cõi Ta” và…; vợ chồng BS. Phạm Quang Trọng, em trai của anh rể của tôi, từng phục vụ trong TĐ Quân Y Sư Đoàn 5 BB; anh Lê Hưng, một Thiếu Úy thuộc Sư Đoàn 3 KQ VNCH từng bay nhiều phi vụ trên vòm trời An Lộc, nay trong bộ quân phục màu trắng của một cựu Trung Tá Hải Quân Hoa Kỳ - phải viết lại cho rõ, cựu Trung Tá Lê Hưng là một phi công của Hàng Không Mẫu Hạm của Hải Quân Hoa Kỳ, một thành viên kỳ cựu của Tail Hook Association. Thật đáng nể - và vợ chồng BS. Nguyễn Văn Quí, tốt nghiệp 1968, trưng tập khóa 10, đã nằm ngay tại thị xả An Lộc trong suốt 86 ngày của chiến trận, là tác giả của cuốn sách quý báu “Nhật Ký An Lộc” mà cá nhân tôi rất ngưỡng mộ và thúc đẩy tôi có tham vọng, trong một ngày nào đó, sẽ đóng góp một tài liệu quân sử so sánh trận chiến Điện Biên Phủ và An Lộc

Tôi có ý mong gặp BS Nguyễn Nam Hùng, thuộc Tiểu Đoàn Quân Y của Sư Đoàn 5 BB, là người có nhiệm vụ săn sóc sức khỏe cho Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 trong đó có cả vị Chỉ Huy Trưởng Sư Đoàn 5 BB, để mong anh kể cho nghe vài câu chuyện mà anh từng là chứng nhân, nhưng anh quá bận rộn trong ban tổ chức Ngày Kỷ Niệm 50 Năm Bình Long Anh Dũng. Tôi cũng biết một đàn anh trong YK Huế, BS Nguyễn Bội Giang, trưng tập khóa 13, cũng có mặt tại Bộ Chỉ Huy SĐ 5 BB trong cùng thời gian. Nhưng rất tiếc anh ở hơi xa, không đến được.
*Hình: Vĩnh Chánh, BS Thân Trọng An, BS Hoàng Xuân Trường
BS Mũ Đỏ Phạm Gia Cổn

Tại hiện trường, tôi nhìn thấy rất nhiều những cựu chiến binh thuộc mọi binh chủng từng có mặt trong trận chiến An Lộc; về phía Quân Y Nhảy Dù, tôi hãnh diện thấy BS. Phạm Gia Cổn, bấy giờ là y sĩ trưởng của TĐ1ND với Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá La Trịnh Tường, đại diện phát biểu vừa cho Nhảy Dù, vừa cho Quân Y. Trong những quan khách danh dự, tôi được giới thiệu và nghe lời phát biểu của một sĩ quan trẻ tuổi của QĐ Hoa Kỳ, là cháu nội của cố Chuẩn Tướng Richard Tallman, tư lệnh một Lữ Đoàn Không Kỵ 101, tử trận ngày 9 tháng 7, 1972 khi trực thăng đưa Ông đến bị trúng pháo địch tại sân bay An Lộc. Tôi liên tưởng đến Sư Đoàn 101 từng cố thủ tại Bastogne, vào mùa Đông năm 1944, trong trận The Battle of The Bulge nổi tiếng nhất của Quân Đội Mỹ tại Âu Châu trong Thế Chiến thứ 2, không hề đầu hàng trước sự tấn công ồ ạt của nhiều quân đoàn Đức, nhiều sư đoàn Panzers và pháo binh, đã chống trả kịch liệt, chận đứng được quân địch cho đến khi tiếp viện đến nơi. Xuyên qua cái chết của Tướng Tallman, có nên chăng ghi nhận chiến thắng của Mỹ ở Bastogne, tại vùng Ardenne năm xưa và bây giờ chiến thắng của VNCH ở An Lộc, tại Bình Long, như một trùng hợp quân sử theo kiểu của history repeats.

Giờ đây, trong phòng hội lớn của sáu, bảy trăm người, tôi còn biết thêm những địa danh chưa mấy quen thuộc như Chơn Thành,Lộc Ninh, Hớn Quảng, Quốc Lộ 13, Lai Khê, hay còn xa lạ như Tân Khai, Đồn Điền Xa Trạch, Xa Cam, Quản Lợi, Minh Thạnh, Đồi Gió, Đồi 169, Srok Ton Cui, đồi Đồng Long, …Là những tên xa lạ khó cho người dân thị thành biết đến, nhưng tại đó có hàng trăm chiến binh hai bên lẫn lộn nằm chết bên nhau, chưa kể cả vạn thường dân vô tội bị kẹt giữa làn đạn.

Những không ảnh phóng lớn cho thấy cảnh bình địa của thị xả An Lộc, kèm theo là xác của quá nhiều tăng địch ngổn ngang, hình ảnh của các quân nhân phe ta vẩy tay chiến thắng trên xác tăng địch. Hay hình ảnh của lá cờ Tổ Quốc VNCH vẫn hiên ngang bay trong gió dù với nhiều chỗ rách do mảnh đạn. Và bao nhiêu hình ảnh oai hùng khác nói lên sự kiên cường chiến đấu và hy sinh của quân ta. Hình ảnh bia mộ Nghĩa Trang Biệt Cách Dù 81 kèm theo An Lộc Địa Sử Lưu Chiến Tích – Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân -

Khi chiến trận tại Kontum, Vùng 2, vừa tạm yên, Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, với các Tiểu Đoàn 1 (với BS Phạm Gia Cổn, #18 Hiện Dịch, Y Sĩ Trưởng), Tiểu Đoàn 3 ND (với BS Đặng Vũ Báy, #18 Hiện Dịch, Y Sĩ Trưởng) và Tiểu Đoàn 2 ND (với với BS Lê Minh Tâm, #17 Hiện Dịch, Y Sĩ Trưởng) - thế cho TĐ 11 ND về thẳng hậu cứ bổ sung quân số sau trận Charlie - cả 3 tiểu đoàn được không vận về Biên Hòa; rồi từ Lai Khê, TĐ1 ND và TĐ3 ND được trực thăng bốc vào Tân Khai, và từ đó hành quân đường bộ tiến vào chiến trận. Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù, với Lữ Đoàn Trưởng là Đại Tá Lê Quang Lưỡng, gồm các Tiểu Đoàn 5 ND (với Y Sĩ Trưởng là BS Nguyễn Hữu Tâm, #17 Hiện Dịch), Tiểu Đoàn 6 ND (với Y Sĩ trưởng là BS Lê Trung Hiếu, #17 Hiện Dịch) và Tiểu Đoàn 8 ND (với Y Sĩ Trưởng là BS Dương Văn Đức, #18 Hiện Dịch) cùng liên hiệp nhảy vào vùng. Chưa đến 1 tuần sau, Lữ Đoàn 2 ND được lệnh ra khỏi vùng, không vận về Huế, để nhận một nhiệm vụ mới không kém quan trọng: chuẩn bị vượt sông Mỹ Chánh trong chiến dịch tái chiếm Quảng Trị.

Trở về lại với An Lộc, các tiểu đoàn ND liên tục đụng địch trong nhiều trận đánh nẩy lửa. Với những người từng tham chiến tại mặt trận An Lộc, hay những vị chưa có cơ hội có mặt tại chỗ, hoặc sinh sau đẻ muộn như cá nhân tôi, và để quý vị hiểu rõ sự hy sinh tuyệt đối của chiến binh Nhảy Dù qua tinh thần Nhảy Dù Cố Gắng, mời quý bạn đọc một bản dịch ngắn dưới đây của Mike Mc Dermott, Thiếu Tá cố vấn Mỹ của Tiểu Đoàn 5 ND, viết về một trong những trận chiến mà TĐ 5 ND gặp phải trên cuộc tiến quân vào An Lộc:

“Thiếu Tá Hiếu ra lệnh cho người đại đội trưởng Đại Đội 51 đang phòng thủ mặt trước của tiểu đoàn: Đại Đội sẽ phải nằm lại, cố thủ và làm thành phần chận hậu cho tiểu đoàn rút lui và di chuyển đến một vị trí mới. Nhiều phi cơ chiến đấu đang ở trên vùng và tôi nói với Thiếu Tá Hiếu rằng Trung Sĩ McCauley sẽ đi với ông; tôi muốn điều khiển cuộc dội bom và kiên quyết ở lại để làm cho xong công việc ấy. Sau khi vừa chỉ tay ra hiệu cho biết hướng phải đi, Thiếu Tá Hiếu nắm lấy áo tôi, kéo tôi lại sát người ông, nhìn thẳng vào mắt tôi và la lớn trong tiếng nổ vang của súng đạn: “Anh không ở đây lâu được. Ngày hôm nay, ngay tại nơi đây, Đại Đội 51 Dù sẽ Vị Quốc Vong Thân.”

Tôi có được cái nhìn rất rõ về những người lính của Đại Đội 51 đang chạy ngược về từ những vị trí trước mặt. Trong một ít giây, tôi nghĩ họ sẽ chạy dạt về phía sau, tìm đường bỏ trốn, nhưng mắt tôi nhìn thấy một màu sắc chói sáng trên đầu họ. Họ đã liệng bỏ nón sắt, đội chiếc mũ bê-rê đỏ trên đầu và nhảy vào những hố chiến đấu đang bỏ trống, sẵn sàng cho một trận đánh mà họ biết không thể thắng được. Những chiến binh Dù nầy hiểu rõ trách nhiệm của họ và quyết định sẽ chạm địch với chiếc nón bê-rê đỏ, một chiếc nón và màu sắc luôn biểu tượng cho lòng dũng cảm và sự can trường mà họ rất hãnh diện được mang trên đầu. Tôi nhận thức rõ là họ sẵn sàng hy sinh ngay lúc ấy, ngay tại đó và ngay trên khu rừng cao su đang bị cày nát bởi súng đạn”.

Tôi xin tạm dừng nơi đây, mời bạn đọc thắp vài nén hương lòng, tưởng nhớ đến anh linh của bao chiến sĩ vô danh nằm xuống trên vạn nẻo đường của đất nước, không riêng tại An Lộc:

“…Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình
Rừng trầm phai sắc – thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh


Sau nhiều đỗ máu trên bước tiến quân, cuối cùng TĐ 6 ND của Thiếu Tá Nguyễn Văn Đỉnh cũng đưa con em mình vào bên trong thị xã An Lộc. Để sau đó, cùng với Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và các quân nhân của Sư Đoàn 5 BB, sát cánh bên nhau, anh hùng bắn cháy mấy chục chiến xa địch, bẻ gãy tất cả các đợt tấn công vũ bão của chúng dưới làn mưa đạn không thương tiếc của pháo binh địch.



Nay mời quý bạn thưởng thức bản nhạc “Đã Một Lần” của BS Mũ Đỏ Phạm Gia Cổn, được trình bày trong Ngày Hội này do phu nhân của tác giả, song ca với một đồng đạo trong nhóm Thể Dục Khí Công Hoàng Hạc và với tiếng thổi kèn ai oán của chính MĐ Phạm Gia Cổn. Một bản nhạc tôi rất mến chuộng vì lời rất chí khí diễn tả sự chia lìa của đôi chinh phu chinh phụ vì chiến tranh “Trách chi người ai lỗi ai -Trách chi người mi ướt cay - Trách chi người thôi đã xa nhau kiếp này.

Mong “Mùi thơm khăn áo ngây ngất đi vào cổ tích tôi.”


Cũng như cuộc chiến An Lộc – Một thời binh lửa đã qua - 50 năm. Rồi cũng sẽ đi vào cổ tích thôi!

Dù bên cạnh họ vẫn còn nghìn người mang những thương tật nặng nhẹ trên cơ thể, cả vạn người với thương tích không chảy máu dấu sâu trong lòng, những người chết trận chính thức giã từ vũ khí. Họ thật sự là những anh hùng đã đi vào huyết sử của dân tộc, là hồn thiêng của sông núi, là huyền thoại của đất nước. Không có gì cao quý hơn khi chết trận. Chết trận là chết không một than vãn. Không một ai oán. Không có lấy một lời trăn trối cho người yêu, không kịp một lời xin lỗi với vợ dại con thơ ở nhà. Nhưng khi người lính nhắm mắt buông xuôi, tình yêu vẫn luôn hiện hữu trong ánh sáng vĩnh cửu của tin yêu, trong tình thương nhớ vô vàn của đồng đội và gia đình. Họ vĩnh viễn là cánh gió tung bay trên vạn nẻo đường đất nước.
Cho phần kết, nếu tin vào truyện “cổ tích tôi” như trong bản nhạc “Đã Một Lần”, xin hãy cho nhau một lời nguyện cầu rằng chỉ sự yêu thương và lòng độ lượng sẽ hóa giải cái hung bạo của chiến tranh và đem con người ra khỏi hận thù. Như trong mấy vấn thơ của nhà văn Nhảy Dù Trang Châu từng viết khiến lòng tôi mênh mang cảm phục.

Trong cuộc chiến hôm nay
Cho tôi xin chiến đấu không hận thù
Xin những vết thương bình đẳng
Cho tôi đổi một trăm chiến thắng
Lấy một giọt nước mắt kẻ thù”.

Tháng 5, 2022
Vĩnh Chánh
VIỆT KIỀU

Nhờ người thân đứng tên giùm, Việt kiều dễ mất nhà...

Buông phone xuống là anh Tư Chuột đi kiểm tra lại ngân quỹ đen của mình, được 300 đủ để gởi về Việt Nam cho má, trong quỹ đen của anh bao giờ cũng có cỡ này là bên Việt Nam lại có lý do để xin tiền.

Má anh vừa gọi sang, trước là vài câu thăm hỏi, sau là để xin ít tiền đặng má đi bác sĩ coi tim mạch má ra sao, lúc này má hay làm mệt quá con ơi, má ăn không ngon, ngủ không yên.

Dù bất cứ lý do gì anh cũng không bao giờ từ chối má, huống gì vì lý do sức khoẻ của má. Bởi vậy anh thật là có lý kể từ khi nghĩ ra cái quỹ đen này, lâu lâu tom tóp được ít tiền để giải quyết đột xuất những nhu cầu của thân nhân ở Việt Nam.

Anh chỉ còn có hai người thân yêu nhất là mẹ và cô em gái, mỗi năm anh gởi hai lần tiền về cho mẹ và em, gọi là nuôi mẹ, phụ em chút đỉnh trong cuộc sống cho xứng danh là một người anh đang sống ở nước Mỹ giàu có văn minh. Tiêu chuẩn như thế nhưng má anh không chịu hiểu cho, thỉnh thoảng bà lại xin đột xuất, nay lý do này mai lý do khác, toàn là những lý do chỉ có tiền mới giải quyết nổi, mỗi lần thế, vợ anh mặt sưng mày xỉa một đống:

- Ai nhận được thư bên Việt nam thì mừng chứ tôi rầu thấy bà, nhà này đâu phải nhà băng đâu mà giải quyết được mọi thứ.

Anh Tư Chuột nín khe, không biết đường nào mà binh mà đỡ, gia cảnh nhà anh, anh biết quá, hai vợ chồng anh làm lương công nhân, lấy nhau 3 năm trời mà chưa dám có baby, ráng đi làm dành dụm khi nào down được cái nhà mới mang bầu.

Từ khi có quỹ đen, vợ anh không có lý do gì để sưng xỉa nữa. Quỹ đen của anh thì cũng từ trong nhà mà ra chứ có khoản nào khác đâu, anh bớt tiền bia rượu thuốc lá và “ăn gian” vợ, tăng lên vài đồng mỗi lần đổ xăng vào xe, bội thu lớn nhất của anh là khi sửa xe, cho nên xe hư, một mặt anh lo sợ thật sự, một mặt anh mừng rơn, anh mang xe tới shop của người Việt Nam, giá cả rẻ hơn shop Mỹ, anh nói chủ shop viết biên nhận tăng lên cả trăm đồng so với giá thực tế anh phải trả, thế là anh có thêm một khoản tiền dư cho vào quỹ đen.

Anh còn phục tài thông minh của anh biết sáng tác ra cái đề tài đi Birthday người này người nọ, toàn là bạn cùng hãng, người Mễ, người Mỹ nên vợ anh chẳng biết tên, biết mặt họ là ai, vợ chi cho anh ít tiền để mua quà, anh biến khỏi nhà đi đâu đó vài tiếng và coi như đã dự xong một bữa tiệc.
Từ khi có quỹ đen, mỗi lần má gọi sang xin tiền là anh OK liền, một cách vui vẻ, chắc má anh đã tưởng tượng vài trăm đô chỉ là món tiền lẻ anh luôn có sẵn trong túi móc ra lúc nào cũng được.

Anh có một buổi sáng rộng rãi ở nhà, vợ anh làm khác hãng, khác ca, nên những cú phone của má anh đều biết đều xuất hiện vào buổi sáng. Anh chỉ việc lái xe ra khu chợ Việt Nam, đến dịch vụ gởi tiền, viết cái rụp vài dòng nhắn tin miễn phí và điền phiếu gởi tiền thế là xong, vài ngày sau tiền từ túi anh sẽ bay về Việt Nam vào túi má.

Mấy dịch vụ gởi tiền này cũng tâm lý hết mình, trong phiếu gởi tiền có ghi rõ muốn nhận hồi báo bằng thư gởi đến nhà hay đến tiệm lấy, chắc họ tiếp nhiều khách hàng chuyên đi gởi tiền lén lút về Việt Nam như anh, kẻ giấu vợ, người giấu chồng, người giấu con, giấu cháu... ôi thôi, mỗi người mỗi cảnh, mỗi cây mỗi hoa, cuộc đời muôn mặt.

Anh Tư Chuột thay đồ, không quên bỏ 300 đồng vào túi rồi lái xe đến dịch vụ gởi tiền, hôm nay trời đẹp thật, nắng và gió phơi phới như lòng anh. Này nhé, có tiền gởi cho má, làm vừa lòng má, mà vợ không biết, không phải nghe cằn nhằn, không phải năn nỉ ỉ ôi vợ thì ai mà không vui!

Anh hiên ngang đẩy cửa tiệm bước vào, tuy hiên ngang phơi phới thế, nhưng anh vẫn cảnh giác quét ánh mắt nhìn tứ phía xem có ai quen không, tai vách mạch rừng mà, người quen mà biết thì trước sau gì vợ anh cũng biết, ánh mắt của anh đụng phải một ánh mắt cũng đang quẹt ngang quẹt dọc như anh, đó là một anh bạn cũ, làm cùng hãng trước kia, anh ta cũng đi gởi tiền một mình, cũng mắt láo liên, vậy là có vấn đề mờ ám...

Chắc anh kia cũng nghĩ thế, nên sau cái mỉm cười đầy vẻ cảm thông, nhận ra nhau rồi thôi, việc ai nấy làm, để còn rút lui cho lẹ.

Ba ngày sau là ngày ra dịch vụ gởi tiền nhận giấy hồi báo, trước khi đi, anh gọi phone về Việt Nam, 9 giờ sáng bên Mỹ là 9 giờ tối bên Việt Nam, nhưng má anh không có nhà, cô em gái bốc phone, cô nói má nhận được 300 đô rồi, anh hỏi thăm bệnh tình tim mạch má thế nào, đi bác sĩ chưa thì cô em chưng hửng má có bệnh tim bệnh phổi gì đâu, má vẫn ăn ngon vẫn ngủ tốt chỉ trừ đêm nào đánh bài tới khuya. Ngày nào má cũng đi sang lối xóm đánh bài hết anh ơi, má mê cờ bạc từ lâu rồi, em không dám kể sợ anh buồn, sợ má la, nay thấy anh gởi tiền về cho má, lo lắng cho má, em thấy tội anh quá nên phải nói ra sự thật.

Anh Tư Chuột gọi xong cú phone về Việt Nam lòng anh cụt hứng, buồn tênh, bao nhiêu sự hy sinh, góp nhặt của anh gởi về cho má để rồi như bèo dạt mây trôi, chứ có lợi ích thiết thực gì đâu!

Xưa, má anh nghèo, ăn nói rất khiêm tốn dè dặt, giờ đây có đồng tiền của anh gởi về đã biến bà thành một con người khác. Cách đây vài năm, khi anh còn độc thân, mỗi lần nói chuyện phone với má, bà đều rủ rỉ con muốn lấy vợ chưa má nhắm con gái bà chủ tiệm vàng ở đầu chợ, má nói một tiếng là xong. Anh đã ngạc nhiên gì mà dễ vậy má, người ta là con nhà giàu mà. Má anh cười đắc ý con khờ quá vậy, hồi xưa thì con nghèo thật, má phải làm thuê, làm mướn, bây giờ con có thua kém gì ai, Việt kiều chứ bộ, lấy ai mà chẳng được. Dưới mắt má anh, chỉ hai từ “Việt kiều” là đủ sang, đủ giàu để về Việt Nam muốn gì được nấy rồi.

Anh Tư Chuột nhớ hồi xưa, cái tiệm vàng ngay đầu chợ, lộng lẫy và sang trọng lắm, mấy thuở anh có dịp bước chân vào đó để mà mua bán vàng, dù chỉ là vài phân, nói chi tới chuyện cưới con gái người ta.

Má anh đã khẳng định mỗi lần con gởi tiền đô về má đều tới đó đổi ra tiền Việt hay mua vàng, bà chủ đều vui vẻ hỏi thăm con đó, chắc là bà muốn chấm con cho cô con gái rồi. Anh thấy má anh chủ quan quá, chỉ vâng dạ cho xong, vì lúc đó anh đang có người yêu ở Mỹ, là vợ anh bây giờ.

Buồn thì buồn anh cũng lái xe đến dịch vụ để nhận tờ giấy hồi báo cho xong thủ tục, kẻo họ gởi về nhà thì nguy.

Khi anh đẩy cửa kính bước vào, anh buồn đến nỗi chẳng thèm cảnh giác ngó ngang ngó dọc gì hết, chỉ nhìn thẳng mà anh bỗng kinh hồn khiếp vía khi thấy một bóng dáng quen thuộc đến nỗi chỉ nhìn sau lưng anh cũng biết chắc đó là vợ anh, đang lúi húi đứng bên quầy gởi tiền.

Anh phản ứng rất lẹ, quay ra, nhưng chân anh mới nhúc nhích thì bà chủ tiệm từ phía trong quầy còn phản ứng lẹ hơn, bà nhìn thấy anh, bèn cười, nụ cười xã giao của những người làm thương mại ban phát rộng rãi cho tất cả mọi khách hàng:

- Anh Tư Chuột đợi đấy, có giấy hồi báo nhận tiền bên Việt Nam rồi nè.

Chưa bao giờ anh thấy có một người nào vô duyên và đáng ghét như bà chủ tiệm lúc này, anh nhìn bà ta bằng ánh mắt đau khổ lẫn hận thù, nhưng vẫn phải nhếch môi cười và đứng chôn chân tại chỗ. Lúc đó vợ anh quay đầu lại, bốn mắt nhìn nhau.

Ngày xưa, hồi mới quen, bốn mắt nhìn nhau đầy hoa mộng, còn giờ phút này đầy ác mộng!

Bà chủ vẫn phơi phới cười nói tưởng rằng ta đây là một người làm business tuyệt vời, luôn làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi:

- Ðấy nhé, chúng tôi làm ăn đầy tín nhiệm nhé, những lần trước anh gởi chỉ 3 ngày về đến Việt Nam, lần này cũng thế, trước sau như một.

Trời ơi, nếu mà anh có thể xông lên bịt mồm bà chủ được, thì anh đã làm rồi.

Vợ anh mặt lạnh bước ra khỏi tiệm, đi qua mặt anh không nói một câu gì. Bà chủ tiệm trao anh tờ giấy hồi báo và tiếp tục nụ cười thương mại:

- Lần sau anh Tư Chuột nhớ đến tiệm chúng tôi nhé!

Anh rủa thầm trong lòng: “Vĩnh biệt bà! Ðây là lần cuối cùng.”

Anh Tư Chuột lái xe về nhà, không hiểu vợ anh giờ này đang ở đâu? Anh nằm dài ra ghế sofa để chờ vợ, sẵn sàng đón nhận một cơn bão tố.

Nằm ngẩm nghĩ, anh chợt tự hỏi sao sáng nay vợ không đi làm? Cô ấy đi gởi tiền cho ai? Hay cô ấy cũng đang chơi trò gởi tiền về Việt Nam “lén lút” qua mặt anh? Anh bỗng cảm thấy đỡ lo, trong vụ này vợ vừa là đối thủ vừa là đồng minh của anh.

Rồi vợ anh cũng về tới, chắc phải nhịn nói ở chỗ gởi tiền nên bây giờ vợ anh tuôn ra xối xả:

- Sao, anh từng lén tôi đi gởi tiền về Việt Nam bao nhiêu lần rồi? mà gởi cho ai? hả? hả? Xời ơi, thì ra bấy lâu anh ăn bớt, ăn gian, anh dối gạt tôi để tích cóp tiền phải không?

Anh bắn trả lại đối phương một viên đạn như nó vừa bắn anh:
- Còn cô, đi gởi tiền cho ai? Bao nhiêu lần rồi làm sao tôi biết được? tiền nào cũng là tiền trong cái nhà này thôi, bây giờ tôi mới hiểu vì sao cô cho tôi ăn cơm với thịt gà triền miên, thịt gà rẻ hơn thịt heo thịt bò, rẻ hơn tôm cá mà. Phim chuyện dài nhiều tập nào cũng có đoạn kết, chuyện ăn cơm thịt gà ở nhà mình thì không. Bằng cớ là hôm qua và hôm nay cũng vẫn ăn cơm với thịt gà, có khi lại là gà “on sale” rẻ như bèo nữa đấy.

Vợ anh cũng thông minh lắm, cô phát giác ra ngay:
- Tôi cũng đã hiểu ra rồi, tại sao nhà có hai cái xe, mua cùng lúc, cùng tuổi, cùng đời, xe của tôi thì hư ít, còn xe anh thì cứ hư dài dài, mỗi lần sửa bạc trăm ngon lành và tôi cũng không tin vào cái khoản đi Birthday bạn bè cùng hãng của anh nữa, vì các đám giỗ tiệc của bà con họ hàng anh còn lười không muốn đi mà.

- Thế còn chuyện cô thường xuyên đi shopping thì sao? Hừm! biết đâu cô mua cái váy cái áo clearance cộng thêm 75% off chừng 10 đồng bạc, về cô khoe tôi là 100 ngon lành.

Vợ anh bí không chống đỡ được gì nữa, cô vừa khóc vừa gào:
- Bởi vậy mấy năm nay có thấy dư đồng nào đâu, chừng nào mới down được nhà? chừng nào mới có con hở trời?

Rồi vợ vô phòng nằm trùm mền, Anh Tư Chuột nằm ở ghế thở dài, nghĩ đi nghĩ lại cả hai vợ chồng đều có lỗi, anh phải giải quyết cho xong để còn thanh thản mà đi làm, anh bước vô phòng, giọng ngọt ngào:
- Thôi em, mở mền ra nghe anh nói đây!

Có lẽ cô ấy cũng cùng một ý nghĩ như anh nên cô tung mền ra, vùng vằng:
- Rồi đó, nói gì thì nói đi.

Anh Tư Chuột ngồi xuống bên vợ nói như tâm sự:
- Thật tình những điều em nói rất đúng, anh đã ăn gian, ăn bớt để có tiền gởi thêm về cho má, ngoài phần mình gởi định kỳ, thỉnh thoảng má vẫn xin thêm nên anh phải làm như thế, người con nào chẳng thương mẹ, muốn làm mẹ vui lòng phải không em? mong em hiểu cho anh.

Vợ anh động lòng, xụt xịt:
- Em cũng thế, má em cũng đòi hỏi thêm, vì má chiều thằng em của em, nào mua cho nó xe mới, quần áo thời trang này nọ, nó ỷ có em bên Mỹ chi tiền về nên ăn xài xả láng. Má thương nó quá nên cái gì cũng chiều, má còn so sánh cho em biết con gái bà hàng xóm hồi ở nhà đi gánh nước mướn quanh năm suốt tháng, vậy mà qua Mỹ làm chủ tiệm nail, bây giờ gởi tiền về xây nhà lầu mấy từng. Nghe thế em cũng tự ái, con nhỏ đó chuyên môn gánh nước cho nhà em chứ có tài cán gì đâu, nó xây được nhà cửa cho cha mẹ, không lẽ em không gởi được chút tiền về lo cho thằng em út được sung sướng, được bằng người ta sao?

- Ai chẳng muốn mang lại niềm vui cho người thân của mình, nhưng phải hợp tình hợp lý theo hoàn cảnh mỗi người, mình không thể chạy theo người ta được. Phải tính lại chuyện này em ơi, để má anh má em hiểu ra hai chữ việt kiều không lộng lẫy giàu sang như họ nghĩ đâu. Anh mới được biết những đồng tiền anh gởi về là để giúp má đi đánh bài tối ngày, còn những đồng tiền của em gởi về biết đâu chỉ làm thằng em ăn chơi, hư hỏng thêm? Trong khi bên Mỹ này vợ chồng mình làm ăn vất vả để kiếm tiền, mua món gì on sale tiết kiệm được một vài đồng cũng mừng.

Vợ anh đồng tình:
- Anh nói cũng phải, đây đâu là thiên đường, đồng đô la đâu tự nhiên nhảy vô túi mình, cớ sao những người thân của mình cứ nhắm vào mình mà mơ ước, mà đòi hỏi nọ kia?

- Cũng một phần lỗi tại mình, vì thương yêu người thân, vì lòng tự kiêu, tự ái, chẳng lẽ mang tiếng sống ở Mỹ mà không giúp được cho người thân? Còn bao nhiêu trường hợp khác nữa, có người thì ba hoa, khoe khoang chuyện trên trời dưới đất làm như kiếm tiền dễ như nhặt lá vàng rơi nên bên Việt Nam mới hiểu lầm.

- Hèn gì người ta nói Việt kiều về thăm quê hương khi trở lại Mỹ chỉ còn bộ quần áo dính trên người, cái món cuối cùng không thể lột ra cho được thôi.

- Chúng mình nghe hà rầm chuyện Việt kiều rồi đó, trừ những người thành công, có tiền có của, nhiều người ở bên này làm đủ các nghề lao động với đồng lương rẻ mạt, hay làm baby sit, làm bồi bàn trông mong từng đồng tiền tip, về Việt Nam õng ẹo, ra vẻ quý phái làm như chưa biết khổ cực là gì.

- Má kể con nhỏ gánh nước mướn ngày xưa ở xóm em, mỗi lần về là cả xóm vui lây, nó cho quà khắp xóm, các bác xích lô đạp lúc nào cũng túc trực ngoài cửa, đợi cô Việt kiều ra, chỉ để chở cô ra chợ ăn vặt hay mua trái cây, cứ một cuốc xe chưa đầy 10 phút, cô trả 10 đô ngon lành, nên các bác xích lô cứ bu đầy sân hy vọng mình trúng mối. Anh thấy chưa, hồi xưa nó gánh hai thùng nước đè nặng trên vai, chạy te te, mà bây giờ chỉ một đoạn đường từ nhà ra đầu chợ cũng phải lên xe xuống xe.

- Việt kiều có uy lắm em, vợ thằng bạn anh ở bên này mà làm tổng chỉ huy bên Việt Nam đó, vợ chồng nó giàu, gởi tiền về cho cha mẹ anh em khá nhiều, nên nói gì bên ấy cũng nghe theo răm rắp.

- Ôi thôi, có những Việt kiều nói ra nghe mà cảm động, phải về Việt Nam thăm ông bà cha mẹ cho tròn chữ hiếu. Nhưng gần gũi thân nhân thì ít, ăn chơi, bia ôm, hàng quán thì nhiều.

- Cái danh Việt kiều cũng làm người ta chết dở, một chuyến về Việt Nam làm người ta sạt nghiệp luôn, thôi thì họ hàng bên chồng, bên vợ, bên nội, bên ngoại, rồi bạn bè gần xa. Chỉ có một đường lối xã giao cho tất cả mọi người đó là chi tiền, chi sao cho xứng danh Việt kiều. Về tới Mỹ bắt đầu ăn đồ sale, mua đồ cũ.

- May quá, vợ chồng mình chưa về Việt Nam lần nào, nội cái vụ hai đứa gởi lén tiền về Việt Nam thôi mà cũng ngóc đầu lên nhìn đời không nổi đây.

Anh Tư Chuột tươi cười:
- Vợ chồng mình rồi sẽ về thăm Việt Nam, nhưng sẽ về theo kiểu của mình, theo khả năng của mình, anh tin là má anh, má em sẽ thông cảm. Còn bây giờ vợ chồng mình cũng thông cảm nhau rồi nhé. Bây giờ anh hỏi em, sao sáng nay em không đi làm?

Cô lườm nguýt anh một cái:
- Ðã thông cảm rồi mà còn hỏi ngớ ngẩn, hôm nay em nghỉ sick leave, định đi gởi lén tiền xong về nhà bất ngờ cho anh vui.

- Cái bất ngờ của em làm anh chết đứng ở giữa tiệm gởi tiền đó, em biết không? Cũng may là em tế nhị phớt lờ đi ra khỏi tiệm, không thì anh bể mặt giữa chốn công cộng.

Cô cười ngặt nghẽo:
- Trời ơi, ai mà tế nhị với anh, lúc đó em cũng run thấy mồ, chỉ sợ anh níu tay em lại hỏi em ra đây làm gì thì em cũng bể mặt với bà chủ tiệm luôn cho nên em phải nhanh chân mà ra khỏi tiệm trước anh.

Rồi cô hất chăn mền ra, vùng dậy ôm lấy anh:
- Cái quan trọng là từ nay vợ chồng mình đừng vì ba chuyện lẻ tẻ mà lừa dối nhau nữa nghe anh! nếu thật sự bên nhà anh hay bên em cần sự giúp đỡ thì mình sẽ giúp thôi, Việt kiều có nhiều loại lắm, chúng mình hãy là những Việt kiều bình thường và trung thực.

Chưa bao giờ anh Tư Chuột thấy vợ anh có lý và dễ thương như lúc này.

Nguyễn Thị Thanh Dương--

Nước Mỹ bỏ rơi miền Nam?

Trọng Đạt
05/21/22

Ai bỏ rơi miền Nam

Cách đây khoảng hơn chục năm tôi có đọc một bài nói về những người dân thiểu số Lào đi lính biệt kích cho Mỹ bị bỏ lại sau năm 1975. Họ phải sống trốn chui trốn nhủi trong rừng với vợ con, một tập thể gồm cả đàn bà trẻ nít rất đáng thương và không lối thoát. Họ vẫn bị Cộng Sản Lào truy đuổi khốn khổ mà vẫn phải sống, phải chiến đấu bằng những khẩu súng cũ mà người Mỹ trang bị cho họ.

Không phải riêng nhóm người này bị bỏ rơi mà miền Nam VN và cả Đông Dương bị người Mỹ rút quân bỏ họ lại cho CS trả thù, biết trước là những người cộng tác với Mỹ sẽ bị trả thù nhưng vẫn bỏ lại.

Nhưng nếu nói Mỹ bỏ đồng minh thì cũng rất mơ hồ vì nước Mỹ có hai chính đảng Cộng Hòa và Dân Chủ hay nói khác đi Bảo Thủ và Cấp Tiến. Hai đảng chủ trương hoàn toàn khác nhau y như mặt trăng với mặt trời, bên này bảo thủ, giữ những nền nếp cũ thí dụ cấm phá thai, trong khi bên kia cấp tiến chủ trương cho phá thai. Người dân muốn có cả hai đảng để dung hòa mọi vấn đề xã hội cũng như chính trị, văn hóa. Trên thực tế người dân không phân biệt Cộng Hòa hay Dân Chủ, đảng nào có lợi cho đất nước, đưa nước Mỹ tới chỗ cường thịnh thì bọ bầu lên. Người dân Mỹ thường bầu cho mỗi đảng làm hai nhiệm kỳ xen kẽ nhau vì họ sợ độc tài, trừ trường hợp đặc biệt một đảng được làm ba nhiệm kỳ.

Trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam từ năm 1960 tới 1974 phe Dân Chủ luôn nắm ưu thế Quốc Hội dù bên nào nắm giữ Hành Pháp (Theo Wikipedia).

Từ 1960-1964 thời TT Kennedy, Dân Chủ vừa giữ Hành Pháp và 60% Hạ Viện (262 ghế), 64% Thượng Viện (64 ghế).

Từ 1964 tới 1968 thời TT Johnson họ giữ 67% Hạ Viện (295 ghế) và 68% Thượng Viện

Thời TT Nixon (1969) mặc dù Cộng Hòa giữ Hành Pháp nhưng Dân Chủ vẫn giữ ưu thế tại Lưỡng Viện Quốc Hội:

1969- 70, Dân Chủ giữ 55% Hạ Viện (243 ghế) và 57% Thượng Viện

1970-72, Dân Chủ 55 % Hạ Viện (242 ghế), 56% Thượng Viện

1974-76, Dân Chủ giữ 66% Hạ Viện (291 ghế) và 61% Thượng Viện

Họ chiếm ưu thế tại Quốc Hội có nghĩa là họ giữ túi tiền, họ có thể cắt viện trợ cho nước ngoài hoặc ra Luật Chấm dứt chiến tranh, đem quân về nước.

Tình hình ngày càng bất lợi cho Cộng Hòa và Đông Dương, TT Nixon Cộng Hòa muốn giữ Đông Dương ít nhất trong hai nhiệm kỳ của ông. Trước sự đòi hỏi của nhóm Phản Chiến đòi rút bỏ Đông Dương, ông theo yêu cầu của họ nhưng cho đánh sang hậu cần CSBV tại Miên, Lào để chúng suy yếu, khi Mỹ rút quân đi họ sẽ không tấn công chiếm miền Nam được.

Trong khi ấy Dân Chủ có chính sách ngược lại, họ chủ trương rút bỏ Đông Dương. Nixon chủ trương rút quân về nước, ký kết Hiệp Định và thực hiện Hòa Bình trong Danh Dự, Dân Chủ muốn vứt bỏ Đông Dương cho rảnh chuyện. Trong cả hai lần tranh cử Tổng Thống 1968 và 1972 Dân Chủ đều muốn vứt bỏ và cả hai lần người dân Mỹ muốn rút khỏi Đông Dương thực hiện Hòa Bình trong Danh Dự, họ đều bỏ phiếu cho Nixon.

Kissinger nói khi Nixon nhậm chức vào Tòa Bạch Ốc năm 1969, Dân Chủ trước đây đã can thiệp vào Việt Nam, nay họ trung lập giữa Hành Pháp (CH) và Phản Chiến, sau ngả theo Phản Chiến, họ kết án ông Nixon không theo giải pháp này, giải pháp nọ để giải quyết cuộc chiến mà chính họ đã gây nên, chính họ đã không giải quyết được (1).

Năm 1965, 66.. TT Johnson đưa quân vào để cứu miền Nam đang bị CSBV tấn công mạnh có nguy cơ sụp đổ, họ chiến đấu cho chính họ vì cái tương quan “môi hở răng lạnh”. Nếu mất Việt Nam sẽ mất Đông Dương, Thái Lan, Miến Điện, Mã Lai, Singapore.. như trong ván bài Domino, hồi đó họ tin vào thuyết Domino. Tuy nhiên Johnson sai lầm ở chỗ không thực hiện VN hóa chiến tranh ngay từ 1965, 66, không đánh mạnh ngoài Bắc cũng như trong Nam mà chỉ cho đánh giới hạn vì sợ đụng tới Nga, Trung Cộng. Ông thực hiện Chiến tranh giới hạn, Limited war .. nên đã kéo dài chiến tranh khiến phong trào chống đối lên cao.

Sau trận Mậu Thân năm 1968 cuộc chiến Đông Dương coi như vứt bỏ, không còn cách nào hàn gắn được, tất cả trách nhiệm đều do ở TT Johnson. Năm 1968 ông không ra tranh cử nhiệm kỳ hai và nhường cho Phó TT Humphrey vì biết trước sẽ chẳng có ai bỏ phiếu cho mình.

Nhưng một mình Dân Chủ không thể khuynh loát được Hành Pháp Cộng Hòa, họ kết hợp với Phản chiến, Truyền Thông để tạo một sức mạnh hòng có thể đánh đổ Cộng Hòa cũng như kiếm được lòng tin cậy của người dân Mỹ. Năm 1965, 66 truyền thông nói chung ủng hộ chính phủ, họ ca ngợi cuộc chiến chống Cộng Sản, ca ngợi người lính Mỹ nhưng dần dần họ thu lượm những chiến sự tàn bạo ngoài mặt trận đem về chiếu cho người dân xem để bán được nhiều tiền.

Một vị GS Canada có nói: “Truyền hình đã mang những cảnh chiến tranh tàn bạo tới căn phòng khách ấm cúng. Việt Nam thua từ trong những căn phòng ấm cúng ở Hoa Kỳ chứ không phải tại mặt trận bên Việt Nam” (The Media: Vietnam war - Vietnamwar.net)

Năm 2000, TT Bill Clinton viếng thăm Việt Nam, báo Dallas Morning New đăng hình ông duyệt hàng quân danh dự của CSVN tại Hà Nội và viết: “TT Clinton duyệt đội quân danh dự của Quân đội Nhân dân VN, quân đội duy nhất trên thế giới đánh bại Hoa kỳ” (The only army in the world defeated the United States of America).

Người viết bài này bênh vực cho bọn chủ trương bỏ miền Nam, tác giả muốn nói do VC nó mạnh quá nên nước Mỹ bại trận.

Sự thực phần lớn Mỹ thua trận vì cái máy Truyền hình, lần đầu tiên những cảnh bắn giết hãi hùng đã được đưa tới phòng khách ấm cúng từ chiến trường VN, người dân Mỹ có thể coi những cảnh làng mạc bị đốt, trẻ em chết cháy, những túi xác lính Mỹ đưa về nước. Họ chỉ chiếu những cảnh nói về tàn sát Mỹ Lai, trong khi những cuộc tàn sát kinh hoàng của Cộng quận tại Huế, tại đại lộ Kinh Hoàng thì không nói tới. Năm 1950 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên chỉ 9% dân chúng có TV, trong cuộc chiến tranh VN năm 1966 số người có TV tăng lên 93%.

Theo một cuộc thăm dò của viện Louis Harris thực hiện năm 1979, khoảng 60% cựu chiến binh cho rằng truyền hình không nói đúng sự thật. Ngoài ra hơn hai phần ba các cựu chiến binh cho rằng những bản tin về Mỹ Lai ảnh hưởng tới quan niệm quần chúng về hình ảnh người cựu chiến binh.

Theo ý kiến các cựu chiến binh các phóng viên, nhà sản xuất tin tức xuyên tạc sự thật, chỉ nói tới vụ tàn sát Mỹ Lai mà không đề cập tới những tội ác của CSBV. Họ chỉ nói tới những hành động tàn ác của một thiểu số lính Mỹ mà không đề cập tới những cái tốt của lính Mỹ như đã giúp đỡ người dân quê VN về nhiều phương diện. Họ chủ trương tạo những tin giật gân để gây chú ý hòng thủ lợi.

Trận Tết Mậu Thân 1968 là sự thất bại lớn của Cộng quân, tại các thành phố lớn số tử của họ là mười đổi một, nhiều cán binh vào Sài Gòn ngơ ngác lạc đường bị tóm cổ nhưng dưới sự mô tả láo khoét của Truyền Thông Mỹ thì đó lại là thắng lợi lớn lao của CS. Hình ảnh Đại tá Loan, Tổng giám đốc Cảnh Sát đã cầm súng lục bắn vào đầu tên tù binh Việt Cộng khiến cho dư luận chống chiến tranh có cớ la ó lên dã man, vô nhân đạo.

Năm 1968 Nixon đắc cử Tổng Thống, ông nhậm chức 1969 nhưng không có quyền quyết định mấy về Hiệp Định Paris, các vị chức sắc tại Quốc Hội Dân Chủ buộc ông phải ký Hiệp Định trễ nhất là tháng 1/1973. Họ luôn đe dọa ra Luật Chấm dứt Chiến tranh, rút quân về nước để đổi lấy 580 tù binh Mỹ (2).

Nixon đã không có quyền hành thì thử hỏi Kissinger lấy quyền ở đâu? ông này chỉ là tay sai đắc lực của Nixon, trong White House Years, Kissinger kể lại tại Hòa đàm Paris, cứ ba ngày phải báo cáo cho Tổng Thống một lần để xin ý kiến.

Theo lời Kissinger sáu tháng sau khi Hiệp Định Paris được ký kết, Quốc Hội Dân Chủ cắt giảm quân viện cho VNCH tới xương tủy: Tài Khóa 1973 là 2 tỷ, năm 1974 chỉ còn 1 tỷ, năm 1975 còn 700 triệu. (3).

Quốc Hội muốn trói tay Hành Pháp, khi Tu chính án Luật cấm oanh tạc Đông Dương trình lên TT Nixon, ông phủ quyết (veto) và cho biết sẽ không yêu cầu CSBV rút khỏi Miên được. Quốc Hội giận dữ, TNS Mansfield hăm dọa Tổng Thống sẽ không có ngân khoản để điều hành Chính phủ.

Nếu Tổng Thống không muốn ngưng oanh tạc tại Miên coi như ông không muốn Chính phủ hoạt động, Tổng Thống sẽ phải chịu trách nhiệm” (4).

Cuối cùng ông phải đồng ý, không thể làm gì khác. Phe phản chiến đa số tại Quốc Hội muốn Nixon phải làm theo ý họ.

Ngày 30 tháng 6 (1973), TT Nixon ký thành luật Chấm dứt oanh tạc. Tu Chính Án nói:

Từ nay sẽ không có ngân khoản nào để yểm trợ trực tiếp hay gián tiếp các hoạt động chiến đấu của Quân lực Mỹ tại Miên, Lào, Bắc Việt và Nam Việt hoặc ngoài khơi Miên, Lào, Bắc Việt, Nam Việt, và sau ngày 15 tháng 8 năm 1973, sẽ không có ngân khoản nào khác sử dụng cho mục đích này” (No More Vietnams trang180).

Một biến cố lớn của Cuộc chiến là TT Nixon bị lật đổ vì vụ Watergate ngày 8/8/1974. Dân Chủ lấy cớ ông ta nghe lén để dứt bỏ mối hiểm họa Nixon có thể liều lĩnh oanh tạc như tháng 12 năm 1972. Tội nghe lén cũng chẳng có gì lớn lao, chính TT Dân Chủ Johnson đã từng nghe lén Nixon xúi dục ông Nguyễn Văn Thiệu không tham dự ngày khai mạc Hòa đàm Ba Lê 10/5/1969. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Trần Đông Phong đều đã nói thế, phim The Vietnam War và cả trên Wikipedia cũng nói vậy. Sở dĩ Cộng Hòa không truy tố hay thưa kiện vì chuyện chẳng đáng làm vả lại Johnson chỉ là một Tổng Thống vịt què thất bại, lật đổ một anh vịt què thật chẳng đáng làm.

Chúng ta chú ý một chuyện diễu khôi hài hết chỗ nói, Hoa Kỳ đưa trước 400 triệu còn lại 300 triệu họ chưa đưa và cho các Dân Biếu Mỹ sang Sài Gòn thăm hỏi nhân dân xem có thực sự cần 300 triệu hay không trong khi miền Nam bị Cộng quân tấn công dở sống dở chết, cuối cùng họ không đưa nốt lấy lý do đưa rồi cũng thua!

Quyết định cắt giảm đưa tới tình trạng thê thảm, theo ông Cao Văn Viên hậu quả là năm 1974 không quân đã phải cho hơn 200 phi cơ ngưng bay vì thiếu nhiên liệu, giảm số giờ bay yểm trợ, huấn luyện 50%, thám thính giảm 58%, phi vụ trực thăng giảm 70%. Hải quân cũng cắt giảm hoạt động 50%, 600 giang thuyền các loại nằm ụ (5)

Đạn dược chỉ còn đủ đánh tới tháng 4 /1975, năm 1972 ta sử dụng trên 69 ngàn tấn đạn một tháng, từ tháng 7/1974 đến tháng 3/1975 ta chỉ còn sử dụng khoảng 19 ngàn tấn một tháng hoả lực giảm 70%. Tháng 2/1975 chỉ còn đủ đạn tất cả các loại súng cho 30 ngày, tháng 4/1975 chỉ còn đủ đạn đánh trong khoảng hai tuần (Sách đã dẫn trang 92). Trung Tướng Trần Văn Minh, cựu Tư lệnh không quân cho biết máy bay thiếu cơ phận thay thế, thiếu nhiên liệu cất cánh nên phần nhiều năm ụ.

Trong khi ấy theo Kissinger (6) Hà Nội đã xin được viện trợ của Sô viết tăng gấp bội. Tháng 12/1974, một viên chức cao cấp Nga viếng Hà Nội lần đầu tiên kể từ sau ngày ký Hiệp định Paris, Tổng tham mưu trưởng Nga Viktor Kulikov tới tham dự họp chiến lược với Bộ chính trị BV, nay họ bãi bỏ hạn chế trước đây. Sô Viết đã chở vũ khí viện trợ quân sự cho Hà Nội tăng gấp 4 lần trong những tháng sau đó.

Cả hai miền Nam Bắc chỉ trông cậy vào vũ khí đạn dược của ngoại quốc như Nga, Trung Cộng và Mỹ, trong khi Nga, Trung Cộng tăng cường viện trợ cho CSBV, Mỹ cắt viện trợ cho VNCH tới xương tủy thế mà tác giả Issacson còn nói: Miền Nam chỉ dựa vào quân đội Mỹ, khi Mỹ rút đi thì sụp đổ chẳng lẽ thanh niên của chúng ta cứ phải bảo vệ cho họ suốt đời !!!

Vài nhận xét
Dân Chủ bỏ miền nam VN ai cũng thấy cả và họ luôn có những cò mồi bào chữa cho mình, đổ lỗi lên đầu Kissinger, Nixon. Trước hết phải kể Frank Snepp với cuốn sách nổi tiếng Decent Interval, Khoảng Cách Vừa Đủ, cuốn sách này đã được Việt Cộng dịch ra tiếng Việt chắc quí vị đã biết. Theo Frank Snepp thì Kissinger và Nixon đã ký Hiệp Định Paris với Bắc Việt, tạo một khoảng cách vừa đủ để miền Nam sụp đổ dần dần khoảng 1, 2 năm sau Hiệp Định. Nhưng Nixon bị Dân Chủ đàn hặc, truất phế vì Watergate khiến ông phải từ chức ngày 8/8/1974 thì còn quyền hành gì để bỏ miền Nam? Kissinger chỉ là tay sai đắc lực của Nixon quyền hành ở chỗ nào mà bỏ miền Nam?

Tôi đã viết một bài về đề tài này “BBC: Frank Snepp giải thích Hoa Kỳ đã 'bỏ rơi' Việt Nam Cộng hòa như thế nào” xin đề cập một tác giả khác.

Walter Issacson trong cuốn Kissinger, A Biography nhà xuất bản Simon & Schuster năm 1992, tác giả bỏ ra gần 700 trang giấy để viết về Kissinger một phụ tá đắc lực của TT Nixon cho thấy sự không cân bằng. Tác giả đã khoác cho Kissinger một vai trò lớn mà thực ra chính ông ta kể lại thì ông chẳng là cái gì của Nixon. Trong cuốn White House Years, Phần thứ XXXIII, Peace Is at Hand và Peace at Last ở cuối sách (trang 1395 tới trang 1476), Kissinger kể về Hòa Đàm Paris giai đọan cuối, ông nói vài ngày phải báo cáo cho Tổng Thống một lần để xin ý kiến, Nixon giám sát chặt chẽ Hòa Đàm, thế mà người ta vẫn cứ tưởng Hiệp Định Paris là tác phẩm của Kissinger! Dễ gì Kissinger qua mặt được một Tổng Thống cáo già như Nixon!

Trong cuốn biên khảo này, phần đầu Issacson nói về Kissinger và Nixon nhậm chức tại Tòa Bạch Ốc và Hòa Đàm Paris, trong nhận xét của Walter Issacson về Hiệp Định ông ta có nói ở trang 484 như thế này: “But was it worth four more years of war in order to get a cease-fire that allow Thieu to retain authority in Saigon?” (“Có đáng giá cho ta kéo dài chiến tranh thêm bốn năm nữa để đạt ngưng bắn và để Thiệu giữ được Chính quyền tại Sài Gòn”).

Đó chính là giọng của Con Lừa, muốn vứt bỏ miền Nam ngay cho đỡ phức tạp.

Theo Walter Hiệp Định tháng 1/1973 cũng giống như Hiệp Định do VC đưa ra 1969: Chương trình mười điểm, ông ta nói Sự thương thuyết đã trả giá, làm chết thêm 20,552 lính Mỹ, Chính phủ Nixon gây tai tiếng xấu cho nước Mỹ. Hiệp Định chỉ kéo dài hai năm, sau đó CS chiếm hết, Thiệu bỏ chạy, đó chỉ là sự cố gắng vô nghĩa.

Nhưng ai cắt viện trợ tới xương tủy để miền Nam không còn sức kháng cự? Có khi nào Dân Chủ ngưng tay phá hoại không? Có khi nào họ để yên cho TT Nixon làm việc hay không?

Trang 488 Walter nói nếu dân miền Nam VN và chế độ sộc sệch của họ không đủ sức tự vệ sau tám năm được Mỹ yểm trợ to tát, nếu họ không đủ sức chống lại BV mà không có thanh niên Mỹ hy sinh cho họ mãi mãi, như vậy có đáng để ta hy sinh hay không?

Quân đội VNCH có trên 200 ngàn lính đã tử trận, chẳng lẽ miền Nam VN nhờ xương máu của 58 ngàn lính Mỹ mới tồn tại?

Giọng Walter Issacson chính là giọng của Con Lừa.

Trang 485 ông ta nói tại Nixon và Kissinger phải thảo luận với Quốc Hội Để lấy sự ủng hộ của QH và trong nước! diễu hết chỗ nói, một QH Dân Chủ xỏ lá ba que chuyên phá đám mà ủng hộ ai.

Tướng Weyand đi nghiên cứu tình hình VN trở về mồng 3/4/1975, ông đề nghị TT Ford cho oanh tạc B-52 và xin viện trợ khẩn cấp 722 triệu cho quân đội VNCH gồm 440 xe tăng, 740 đại bác, 100,000 súng cá nhân và 120,000 tấn đạn. (trang 640)

Trong chương cuối Miền Nam sụp đổ tháng 4/1975, The Fall of Vietnam april /1975, Walter cho biết Kissinger nói “sao bọn (VN) chúng không chết quách cho rồi” và rồi khi TT Ford ra Quốc Hội xin 722 triệu khẩn cấp Kissinger lại nhiệt thành ủng hộ, ông ta đã soạn diễn văn cho Tổng Thống chỉ trích Quốc Hội không chịu giữ uy tín cho nước Mỹ nhưng Ford giảm bớt những lời Kissinger chống Quốc Hội khiến sau này Kissinger cáu um lên và ông vẫn nhiệt tình với miền Nam cho tới giờ phút chót.

Hôm 10 tháng 4 Ford ra trước Quốc Hội để xin 722 triệu viện trợ khẩn cấp, nhưng là một Tổng Thống bù nhìn không do dân bầu, một nhà lãnh đạo tồi tệ nhất nước Mỹ, ông chỉ xin cho có lệ. Kissinger soạn diễn văn cho TT Ford nguyên văn.

Mỹ không muốn cung cấp viện trợ đầy đủ cho đồng minh của ta chiến đấu tự vệ sẽ ảnh hưởng trầm trọng uy tín của ta trên thế giới như một đồng minh và chữ tín này là cơ bản cho an ninh của chúng ta”

Nhưng TT Ford bỏ bớt câu này nhờ Chánh văn phòng Hartmann viết dùm khiến sau này Kissinger cãi cọ ầm ĩ, ông tin là với 722 triệu có thể soay sở được tình thế . (trang 643)

Ngày 24/4 TT Ford tới Đại Học Tulane, Lousiana trước mặt 6,000 sinh viên ông nói “The war is over”, lời nói chậm và dài, nước Mỹ không thể chiến đấu trở lại cái đã chấm dứt liên hệ tới Mỹ. Đám đông sinh viên reo hò ầm ĩ, sung sướng đập bàn ghế, ôm nhau nhẩy la hét...khi biết chiến tranh VN không còn với Mỹ, nghĩa là họ không phải ra trận, không phải bỏ xác nơi chiến địa.

Đó là sai lầm lớn nhất trong lịch sử Mỹ của TT Johnson, đáng lý ra phải Việt Nam hóa chiến tranh ngay từ độ ấy những năm 1965, 66. Một anh nhà nghèo không sợ chết đánh nhau với một anh nhà giầu đêm ngày chỉ lo sợ phải ra chiến trận.

Lê Duẩn tỏ ra am hiểu tâm lý người Mỹ khi ông ta chấp nhận thí quân, hy sinh 15 hay 20 cán binh để giết một người lính Mỹ ngõ hầu đẩy mạnh phong trào phản chiến, vì thế mà MƯỜI người bộ đội lên đường vào Nam chỉ có MỘT người trở về.

Sau đây là lời tác giả nói về TT Ford và Kissinger: (trang 644)
Kissinger muốn đổ lỗi, chỉ trích lên án Quốc Hội có thể Logic nhưng không còn hợp thời. Điều bổ ích nhất cho nước Mỹ cần làm, cho tâm lý trong nước và ngay cả uy tín với ngoại quốc ấy là để Chiến tranh Việt Nam ở lại sau lưng. (The healthiest thing for America to do, both for its own domestic pychology and even for its credibility abroad, was to put The VietNam War behind.)

Nhiều năm sau Ford nói: Kissinger không muốn câu của Ford “chiến tranh VN đã qua”. Kissinger muốn xin thêm viện trợ và đổ lỗi cho Quốc Hội, tôi cũng vậy. Nhưng tôi đã ở Quốc Hội 25 năm, tôi không nghĩ họ (QH) sẽ chấp thuận, đó là điều tôi và Kissinger không đồng ý, và tôi đúng, tôi biết hệ thống này hơn Kissinger (trang 645, 646).

Sau chiến tranh Kissinger viết lần đầu tiên trong thời hậu chiến Hoa Kỳ bỏ rơi một dân tộc hòa bình tin tưởng chúng ta cho chế độ CS lâu dài (America abandoned to eventual Communist rule a friendly people who had relied on us).

Trang 647 Walter viết: Việt Nam cuối cùng đã mất năm 1975 nó thể hiện cú đấm vào Uy tín của Mỹ, nó phá hỏng những lời đe dọa và hứa hẹn của Mỹ trên thế giới.

Kissinger nói: “vì tính tự khoan dung cho mình, nước Mỹ đã phá hỏng cơ bản tự do khắp nơi (By our self-indulgence, he said, we damaged the fabric of freedom everywhere)

Kissinger nói: Đông Dương đầu hàng đã mở ra một thời kỳ ô nhục cho nước Mỹ, nó đã kéo dài từ Angola tới Ethiopia, tới Iran tới A Phú Hãn. (The surrender in Indochina, he said usherd in a period of American humiliation that stretched from Angola to Ethiopia to Iran to Afghanistan)

Issacson dù sao cũng nhìn nhận Hoa Kỳ bị mất uy tín:
Trang 648 ông ta viết lý luận về chữ uy tín trở thành phức tạp, ông thể phủ nhận rằng uy tín của Quốc gia trong việc giữ lời hứa và chống lại kẻ địch đã có ảnh hưởng trên thế giới như Kissnger đã lý luận: Walter Issacson nhận định TT Gerald Ford, sau này ông khen Kissinger nhưng nói Kissinger không muốn tôi nói câu Chiến tranh đã chấm dứt, Henry muốn chiến đấu để xin thêm viện trợ và Henry chê trách Quốc Hội ...The line about the war being finished, Henry didn’t like that sentence, Ford said, I knew he want to keep fighting for more aid and that he blame Congress”

Kissinger và Nixon sau này đều đổ lỗi cho Watergate (trang 487)

Kissinger nói: nhưng sự sụp đổ của Hành Pháp chỉ là hậu quả của vụ Watergate, tôi tin đáng lẽ ta đã thành công (but for the collapse of Executive authority as a result of Watergate, I believe we would have succeeded)

Nixon cũng nói: Nếu tôi còn tại chức, tôi nghĩ ta có thể xúc tiến Hiệp Định được, nam VN vẫn có thể tồn tại như một nước không CS (Had I survived, said Nixon, I think that it would have been possible to have implemented The Agreement. South Vietnam would still be a viable noncommunist enclave)

Nhưng tác giả Walter Issacson nói (trang 487) một khi Mỹ đã tìm đường thoát ra khỏi VN, cả Quốc Hội và người dân đã không cho phép sự tái chiến, dù có hay không có vụ Watergate.

Thực ra ông này nói sai, Quốc Hội Dân Chủ tìm đường ra chứ không phải người dân, họ bịp bợm người dân bằng Truyền thông láo khoét: Trận Mậu Thân 1968, bọn Việt Cộng mất gần hết chủ lực quân. Trong số 84 ngàn quân đưa vào trận đánh chúng bị thiệt hại 58 ngàn người, 10 ngàn bị tóm cổ, chỉ có một số ít chạy thoát, cơ sở nằm vùng bị bại lộ... nhưng bọn báo, đài Mỹ đã loan tin bịp bợm tại nước Mỹ, chúng nói VC thắng lớn khiến những cuộc biểu tình của Phản chiến dữ dội đã sẩy ra, chúng đòi chính phủ phải ra khỏi cuộc chiến ngay.

Nay năm 2022, tình hình chiến sự Ukraine xa lơ xa lắc không ảnh hưởng tới Mỹ là mấy nhưng chính phủ Mỹ đưa ra Hạ Viện xin một số tiền khổng lồ viện trợ 40 tỷ cho đất nước này để họ đẩy lui cuộc xâm lược của Nga. Cũng lại đảng Dân Chủ 2022 nắm ưu thế Quốc Hội như Dân Chủ 1975 trong Cuộc chiến VN, nhưng trái ngược với Dân Chủ 1975 khi tại Quốc Hội Mỹ Tổng Thống Gerald Ford xin 722 triệu viện trợ khẩn cấp cho miền Nam thì họ dè bửu, khinh bỉ, có người bỏ ra ngoài phòng họp. Khi xin viện trợ để cứu với người tỵ nạn Đông Dương thì có hai vị dân biểu nói quyết không cho một tên tỵ nạn VN nào vào Mỹ!

Họ giúp miền Nam chống CS vì tương quan “môi hở răng lạnh”, mất miền Nam sẽ mất Đông Nam Á như trong ván bài dominoes, nay họ giúp quân viện 40 tỷ cho Ukraine vì bầu cử, những cuộc bầu cử sắp tới 2022, 2024 sẽ quyết định vận mạng Cộng Hòa hay Dân Chủ.

Một mình Dân Chủ không đủ sức mạnh để uy hiếp đối lập và bỏ rơi Đông Dương, họ phải kết hợp Truyền Thông và Phản chiến. Ngay từ thời Chiến tranh VN, đám đông thầm lặng, Great Silent Majority vẫn ủng hộ cuộc chiến, trong phim The Vietnam War, quay năm 2017, tập 8 The History of The World (4/1969-5/197). Trong một cuộc biểu tình tại Manhattan, hàng trăm công nhân xây cất đang làm việc, họ ngừng tay lấy dụng cụ, gậy gộc đập bọn sinh viên tơi bời khiến 70 anh què chân, gẫy tay phải vào nhà thương. TT Nixon gửi thư cho nghiệp đoàn nói ông rất vui được biết người dân ủng hộ ông để bảo vệ đất nước và thù ghét bọn phá rối sinh viên. Trong The White House years của Kissinger cũng nói về đoạn đám sinh viên biểu tình gây rối bị thợ xây cất cho ăn đòn.

Ngày nay Phản Chiến bị xếp vào loại Phản Quốc, Jane Fonda bây giờ đi xin lỗi trối chết, trong cuộc tranh cử Tổng Thống năm 2004 giữa Bush con (CH) và John Kerry (DC), cử tri không bỏ phiếu cho John Kerry vì trong thời kỳ Chiến tranh VN, ông thuộc nhóm Phản chiến, ông đã ném trả huy chương tại Quốc Hội. Sở dĩ người ta không bầu cho Kerry làm Tổng Thống vì ông không đủ tư cách làm Tổng Tư Lệnh Quân đội.

Truyền Thông bây giờ cũng khó lường gạt dân như xưa, nhiều hãng truyền hình, báo giấy lỗ vốn vì ít người xem, người đọc. Truyền thông nay nói láo còn hơn Việt Cộng, người dân biết cái tẩy của Truyền thông, nay Dân Chủ cũng kết hợp Truyền Thông như trên nhưng không thành công mấy.

Vấn đề đặt ra là bỏ miền Nam VN và cả Đông Dương có ảnh hưởng gì đến uy tín nước Mỹ hay không? Năm 1944, 45 Mỹ nhường Đông Âu cho Nga để nhờ Nga phụ giúp một tay đánh quân Nhật. Cái nẩy nó sẩy cái ung, khi Nga đánh Lộ Quân Quan Đông của Nhật tại Mãn Châu, họ chiếm được kho vũ khí to lớn, vĩ đại của Nhật để giao cho Trung Cộng khiến sau đó Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch trong trận chiến một mất một còn. Mỹ lại bỏ Trung Hoa, bỏ Quốc Dân Đảng để rồi hậu quả như ngày nay ai cũng đều thấy cả.

Tác giả Walter Issacson nói bỏ miền Nam VN sẽ không làm cho các nước khác hết tin cậy vào Mỹ, thí dụ Nhật, Đại Hàn, Thái Lan phải tự phấn đấu nhiều hơn để tự vệ, họ cũng coi đó làm gương để càng trông cậy vào Mỹ hơn.

Sự thực trái ngược với lời anh tác giả khuynh tả này, trong xếp hạng về Quân sự trên thế giới của Trang Hỏa Lực Toàn Cầu (globalfirepower.com), từ 2021 tới nay Nhật đã leo lên hàng thứ 5 trên Pháp, Anh, cũng vậy Nam Hàn đã lên hàng thứ 6 trên Pháp, Anh. Họ đã tự phấn đấu để không còn lệ thuộc vào Mỹ.

Nay các nước trong vùng Biển Đông như Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân... đều thù ghét Trung Cộng nhưng không có nước nào theo hay gắn bó với Mỹ. Họ đều trông cái gương Việt, Miên, Lào trong biến cố 1975 để mà giữ thân.

Trọng Đạt

(1) Years of Renewal, Chương VIII The Agony of Vietnam, trang 227
(2) Larry Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam, trang 200
(3) Kissinger, Years of Renewal trang 471.
(4) Nixon: No More Vietnams trang 180
(5) Cao Văn Viên, Những Ngày Cuối Của VNCH trang 86, 87
6) Kissinger, Years of Renewal trang 481

Blog Archive