Monday, October 31, 2022

DHS Leaks EXPOSE Government Conspiracy To Subvert Election


3 QUẢ TIM CỦA CƠ THỂ

NHỊP ĐẬP CỦA TRÁI TIM THỨ NHẤT:
Tất cả mọi người chúng ta hiện đang sống, đang làm việc đều nhờ một trái tim hoạt động trong cơ thể.

Nếu tim bị suy yếu thì tính mạng bị đe dọa hoặc ngừng đập thì ta sẽ chết.

Chúng ta hãy làm một con toán để biết trong cuộc đời chúng ta từ khi sinh ra cho đến lúc nhắm mắt tim đã đập bao nhiêu lần thì sẽ thấy vô cùng kinh khủng, từ đó chúng ta mới thấy thương trái tim chúng ta :

Trung bình 1 phút tim đập 72 nhịp.
Một giờ 60 phút: 72 x 60 = 4.320 nhịp.
Một ngày 24 giờ: 4.320 x 24 = 103.680 nhịp.
Một năm 365 ngày: 103.680 x 365 = 37.843.200 nhịp.

Trung bình con người sống 70 năm: 37.843.200 x 70 = 2649. 024.000 nhịp.

Tức là : 2 tỷ sáu trăm bốn mươi chín triệu hai mươi bốn ngàn nhịp đập trong suốt 70 năm của đời người trong nhân gian.

Ôi chao ! thật là khủng khiếp.

Một trái tim nhỏ bé của mỗi người trong một cuộc đời lại đập liên tục với số lần như thế.

Biết như thế để ta nên thương cho trái tim nhỏ bé ấy và nên cộng tác giúp đỡ nó trong công việc tống máu đi nuôi cơ thể, đừng để nó bị suy sớm mà nguy hiểm đến tính mạng.

TRÁI TIM THỨ 2 :
Chúng ta phải giúp đỡ cho trái tim thứ nhất của chúng ta bằng cách chia công việc cho nó để nó đỡ phải gắng sức làm việc nhiều nếu không thì chẳng bao lâu trái tim thứ nhất đó sẽ bị suy tức là chưa già đã suy, tuổi thọ sẽ bị giảm bớt đi rất nhiều.

Trái tim thứ 2 đó là gì ? Đó chính là CƠ HOÀNH của chúng ta.
Nghe qua thì tất cả ai ai cũng lấy làm lạ và ngạc nhiên nhưng theo sự phân tích của y khoa Tây Y sau đây chúng ta sẽ hiểu rõ vấn đề :

1/ Thở bụng dưới bằng cơ hoành là biện pháp tối ưu nhất giúp cho trái tim thứ nhất đỡ mệt mỏi gắng sức tống máu đi nuôi cơ thề.

Khi hít vào thì phình bụng, cơ hoành hạ thấp xuống làm cho oxygen đến tận cùng màng tim, cơ tim.

Trái tim thứ nhất chỉ cần giãn ra rất nhẹ cũng đủ lấy đầy đủ máu.

2/ Khi thở ra bụng hóp lại, cơ hoành bị đẩy lên trên tối đa ép các mạch máu mạnh nhất giúp cho cơ tim co bóp không gắng sức cũng đủ tống máu đi khắp cơ thể một cách thong thả nhẹ nhàng nhất.

Cơ tim không cần phải làm việc nhiều như khi thở ngực vì ở đây cơ hoành phụ giúp cho sự co bóp trái tim thứ nhất.

Do đó cơ hoành là trợ lý đắc lực nhất cho tim.

3/ Nhờ những tác động đó mà cơ hoành đã chia bớt gánh nặng cho tim và tim sẽ hoạt động bớt lại nên tim sẽ khỏe hơn và tránh được suy yếu theo thời gian.

Vì thế mà cơ hoành được gọi là trái tim thứ 2.

4/ Thở bụng dưới cơ hoành cùng với tim giúp đưa oxygen đến khắp các cơ quan nội tạng vùng bụng bên trong. Khi cơ hoành đưa lên hạ xuống theo nhịp thở là một trạng thái massage đều đặn nội tạng và đưa máu đủ đến gan, la lách, thận, ruột, bàng quang, tử cung, tiền liệt tuyến.v..v… phòng ngừa bệnh ở các tạng này rất hiệu quả.

5/ Giúp chống lại bệnh nhiễm trùng của hệ tiết niệu như thận, bàng quang.

6/ Máu được đưa đầy đủ về vùng chậu như : tử cung, buồng trứng làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh của phụ nữ.

7/ Phổi được co vô và nở ra tối đa, oxy đến phổi đầy đủ nhất nên ngừa được bệnh phổi.

8/ Tiêu hóa : làm tăng chức năng của dạ dày, gan, la lách nhất là máu đến đầy đủ dạ dày, la lách làm quá trình chuyển hóa thức ăn được dễ dàng và thuận lợi.

9/ Điều hòa thần kinh thực vật do đó huyết áp ổn định.

10/ Khi thở bụng cơ hoành thì sẽ có tác dụng ức chế mọi tạp niệm ở não, chống stress, chống đau, an thần do chất endorphin được tiết ra từ não trong lúc thở bụng.

KẾT LUẬN
Xuyên qua 10 đặc điểm chính đó , ta sẽ thấy cơ hoành xứng đáng là trái tim thứ 2 của cơ thể, chia việc cho trái tim thứ nhất để cho tim khỏe mãi không suy yếu.

Thật vậy ở những người tập luyện thở cơ hoành thì có các đặc điểm sau :

A – Sau một thời gian luyện tập thở cơ hoành, sắc khí của họ hồng hào rõ nhất vì máu đến được tận cùng cac tế bào.

B – Nhịp đập của tim giảm lại chỉ còn 60-65 nhịp/phút.

C – Những nhát bóp của tim chắc chắn và mạnh mẽ có nghĩa là co và bóp đúng chất lượng dù cơ tim không cố gắng.

D – Khoảng sau một năm dù trong lúc nghĩ ngơi, họ không còn thở ngực nữa mà đã có phản xạ thở bụng hằng ngày tự nhiên một cách vô thức dù không nghĩ đến thở bụng.

Đó là đích đến thành công nhất trong công việc san sẽ cho trái tim thứ nhất khỏi bị quá tải và suy yếu.

Tóm lại, chúng ta nên thở bụng ngay từ bây giờ ở bất cứ tuổi nào.

Mỗi ngày nên để ra 5-10 phút luyện thở bụng thì sau một thời gian ta sẽ có thở bụng vô thức như đã nói ở trên.

Vô lý 5-10 phút mỗi ngày không có hay sao???
Trừ khi chúng ta lười biếng mà thôi.

Tây Y đã đồng qui với Khí Công trong sự thở bụng để bảo vệ sức khỏe và trái tim nhỏ bé của chúng ta và nên nhớ thở bụng là cứu cánh của khí công nói riêng và y học phương Đông nói chung…

Chúc mọi người ngộ sớm và áp dụng dù ở bất cứ tuổi nào, có bệnh hoặc không bệnh. Điều kỳ diệu sẽ đến với các bạn không lâu…khi các bạn thực hành thở bụng.

QUẢ TIM THỨ BA :
Trong phần trên chúng ta đã bàn luận trái tim thứ 2 là gì, phần này chúng ta sẽ bàn luận trái tim thứ 3.

Thật vậy khi chúng ta đang sống cứ nghĩ rằng ta chỉ có một trái tim mà thôi. Nếu nghĩ như vậy thì có ngày chưa già tim chúng ta sẽ suy yếu và hậu quả là tử vong do suy tim dần dần mà không biết.

Chúng ta phải hiểu thật rõ trái tim thứ 2, thứ 3 là gì để từ đó giúp và cộng tác cho trái tim thứ nhất của chúng ta bớt làm việc và làm việc nhẹ nhàng, hiệu quả hơn trong một cuộc đời 70 năm liên tục với số nhịp đập là : 2649 tỉ 024 triệu nhịp trong 70 năm sống giữa trần gian

Hãy thương xót nó, nếu không, có ngày nó sẽ suy yếu và không còn đập nữa và ta sẽ nhắm mắt lìa đời dù các cơ quan khác vẫn còn tốt, thật là đáng tiếc làm sao…

TRÁI TIM THỨ 3Đó chính là lòng bàn chân.

Chắc các bạn ngạc nhiện lắm phải không? Xin từ từ đọc những lợi ích của nó về mặt đông tây y thì sẽ rõ.

Về mặt Tây y:
1/ Lòng bàn chân là nơi có nhiều mạch máu, mao mạch ngoại biên nhất, có cả hàng ngàn mao mạch. Nếu máu ở đây được cung cấp tốt thì ta sẽ khỏe hơn và nếu lòng bàn chân được kích thích nhiều thì các mao mạch ở đó sẽ dãn nỡ, oxygen đến tận cùng tế bào đầy đủ nhất. Kết quả huyết áp sẽ hạ trong chừng mức sinh lý và máu ra ngoại biên nhiều hơn, bệnh tật ít có cơ hội phát triển. Nhất là trái tim đỡ phải tống máu tối đa vì các mao mạch lòng bàn chân dãn nỡ sẽ làm cho máu tự động đi ra ngoại biên hơn là cần lực tim co bóp mạnh đẩy máu đi đến đó.

2/ Hơn nữa lòng bàn chân ở một vị trí thấp nhất của cơ thể nên các mạch máu ở đây khi dãn nỡ thì sẽ tạo một lực hút mạnh kéo máu khắp châu thân đi xuống và ra ngoại biên rất đầy đủ mà không cần đến lực bóp nhiều của tim do đó có thể trợ lực cho tim một cách hữu hiệu. Tim không cần phải cố gắng mà chỉ cần những nhát bóp nhẹ nhàng cũng đưa máu ra ngoại biên, tim sẽ khỏe và bền vững với thời gian mà không suy yếu lúc tuổi chưa già hoặc tuổi đã già.

3/ Nếu để cho lòng bàn chân lạnh thì các mạch máu ở đó sẽ co lại càng làm cho oxy không ra đủ ngoại biên và tim phản ứng lại bằng cách tăng cường lực co bóp, lâu ngày sẽ làm tim yếu và suy. Thực hiện ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ ở một vài bài tập dưỡng sinh hay dùng máy sấy tóc sấy ấm lòng bàn chân.
7 Thói Quen Của Những Người Hạnh Phúc

1. BỚT ĐỂ TÂM ĐẾN ĐIỀU NGƯỜI KHÁC NÓI.
Khi nghe một ai đó nói xấu mình có những nhận xét về mình, người hạnh phúc sẽ nhẹ nhàng bỏ qua, họ không cố gắng tranh cãi cũng không nghĩ đến những lời đó quá nhiều. Vì hơn ai hết họ hiểu mình như thế nào, chính họ mới hiểu được giá trị của họ thật sự là gì, những người khác không ở trong hoàn cảnh của họ nên không thể hiểu được.

2. CHẤP NHẬN SỰ KHÔNG HOÀN HẢO.
“Nhân vô thập toàn, sự vô thập mỹ”, trên đời này không có ai là hoàn hảo hết, không có điều gì là xuất sắc tuyệt đối cả. Do đó người hạnh phúc sẽ không cố cưỡng cầu, chạy theo sự hoàn hảo, họ biết chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân và người khác để sống vui vẻ. Họ tự hào về những gì mình đã cố gắng và giành được, họ không dằn vặt về những điều mình làm chưa tốt.

3. LUÔN SỐNG HIỆN HỮU
Quá khứ đã qua còn tương lai thì chưa tới, dằn vặt hay lo lắng phỏng có ích gì? Vậy hãy sống hiện hữu với hiện tại, trân trọng những thứ mà mình đang có, dũng cảm theo đuổi ước mơ. Hãy yêu thương nhau vô điều kiện chứ đừng đợi có điều kiện mới yêu nhau, bởi khi có điều kiện rồi chắc gì chúng ta còn chung bước nữa.

4. BIẾT ƠN TẤT CẢ MỌI THỨ
Chúng ta thường chỉ có thói quen bày tỏ sự biết ơn đối với những điều tốt đẹp, với những người mang đến lợi ích cho mình. Nhưng những khó khăn, thử thách hay điều kiện sống bất lợi mới chính là nơi tôi rèn tốt nhất giúp chúng ta nâng cao nội lực. Do đó hãy biết ơn cả những điều bất như ý, biết ơn nghịch cảnh, biết ơn người khiến bạn tổn thương.

5. TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI BẤT HẠNH NHẤT.
Bạn cứ nghĩ mình là ngươi bất hạnh nhất, mình là người thiệt thòi nhất đáng thương nhất. Nhưng ở ngoài kia có biết bao người cũng khổ sở, thậm chí còn khổ hơn bạn rất nhiều nhưng họ vẫn luôn nỗ lực vậy tại sao bạn chỉ biết than vãn và đổ lỗi. Những người hạnh phúc sẽ không đi tập trung vào nỗi đau quá nhiều thay vào đó họ hướng về phía tương lai tốt đẹp.

6. LẠC QUAN TRONG SÓNG GIÓ..
Người bi quan sẽ luôn thấy khó khăn trong từng cơ hội, ngược lại người lạc quan lại nhìn thấy muôn vàn cơ hội trong khó khăn. Khó khăn sẽ đến bất cứ lúc nào với bất cứ ai, người yếu đuối sẽ chọn đầu hàng, khuất phục và từ bỏ, ngược lại người có niềm tin và sự lạc quan sẽ nhìn thấy một khía cạnh tích cực của vấn đề. Từ đó người lạc quan sẽ tìm ra được con đường sáng để bước đi.

7. VUI CƯỜI, TÍCH CỰC
Một trong những dấu hiệu dễ dàng nhận biết nhất của những người hạnh phúc đó là họ luôn cười rất nhiều dù trong bất cứ hoàn hoàn cảnh nào. Ở họ luôn toát ra nguồn năng lượng tích cực, tự tin và vui vẻ. Nụ cười còn giúp cuộc sống trở nên lạc quan, tích cực hơn và góp phần thu hút những điều tốt đẹp tìm đến với chúng ta. Vậy nên hãy cười nhiều hơn bạn nhé.

- Đôi khi bạn thấy mọi người xung quanh luôn vui vẻ, hạnh phúc thì cho rằng trên đời chỉ có một mình mình là người bất hạnh, khổ đau. Nhưng thật ra tỷ lệ những người sinh ra đã may mắn có hạnh phúc rất thấp, còn chủ yếu là do họ biết cách rèn luyện để có được hạnh phúc.

Nếu muốn trở thành người hạnh phúc hãy ghi nhớ và thực hiện 07 thói quen trên mỗi ngày bạn nhé.

10 năm tù, hơn $334K phạt, dành cho bà trùm đường dây kết hôn giả ở Texas

October 28, 2022

HOUSTON (Thông cáo báo chí) – Ashley Yến Nguyễn ở Houston vào thứ 5 lãnh bản án 10 năm tù liên bang cho vai trò của bà ta trong ít nhất 40 vụ kết hôn giả, theo Biện lý Hoa Kỳ Jennifer B. Lowery.

Còn được gọi là Duyên, người phụ nữ 58 tuổi cầm đầu đường dây dịch vụ kết hôn giả, giúp có thẻ xanh ở Mỹ. Đường giây này bị phanh phui mấy năm trước, và bà Yến nhận tội vào ngày 5 tháng 11 năm 2020.

Thẩm phán liên bang Kenneth Hoyt vào thứ 5 tuyên án bà Yến 120 tháng tù liên bang, phải thụ án ngay lập tức, và 3 năm quản chế sau khi mãn hạn tù. Toà cũng phạt bị cáo $334.605 Mỹ kim.

Toà phán quyết, bà Yến tung ra quảng cáo hàng loạt trên mọi phương tiện, qua những người môi giới và và trên mạng xã hội Facebook. Bà ta cũng quảng cáo mình là luật sư có mối quan hệ tay trong với Sở Di trú USCIS để dễ dàng thuyết phục các thân chủ.

Theo công tố viên, thân chủ quốc tịch Việt Nam phải trả cho đường dây này từ $50.000 đến $70.000 Mỹ kim để kết hôn với vợ hoặc chồng có quốc tịch Mỹ để trở thành thường trú nhân hợp pháp. Mỗi một vụ như vậy, bà Yến trả cho khoảng $200 Mỹ kim cho những người có quốc tịch Mỹ đóng vai trò môi giới. Đối với công dân Mỹ tham gia kết hôn giả được hứa hẹn lãnh thù lao từ $15.000 đến $20.000 Mỹ kim trả nhiều lần, mặc dù rất ít người nhận đầy đủ số tiền như đã hứa.

Nhà chức trách cáo buộc, bà Yến trong hơn 4 năm đã thu hàng triệu Mỹ kim từ việc quản trị một trong những đường dây kết hôn giả lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

Thông cáo báo chí từ Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ Quận Nam Texas cho hay, đường dây gian lận kết hôn này lập văn phòng và hoạt động ở khu vực Tây Nam Houston nhưng có cộng sự trên khắp tiểu bang Texas và ở Việt Nam. Theo thoả thuận nhận tội, bị cáo thừa nhận âm mưu gian lận kết hôn, gian lận tiền bạc, gian lận di trú, rửa tiền và khai man hồ sơ khai thuế.

Đường dây tội phạm của bà Yến đã tổ chức hơn 500 vụ kết hôn giả, nhận tiền để giúp người nước ngoài có tình trạng di trú hợp pháp. Tổ chức này thu hơn $15 triệu Mỹ kim từ hoạt động trái phép này.

Người phụ nữ này sử dụng hơn chục người môi giới vợ chồng công dân Mỹ trong khu vực Houston, và quảng cáo dịch vụ kết hôn định cư này ở Việt Nam trên mạng xã hội. Nhiều công dân Mỹ tham gia kết hôn giả có tiền án hình sự nặng ký, liên quan đến băng đảng hay nghiện ngập ma tuý.

Trong thoả thuận nhận tội, bà Yến thú nhận các cặp vợ chồng giả không sống chung với nhau, và không có ý định sống chung với nhau, mâu thuẫn với những tuyên bố và tài liệu đệ lên nhà chức trách di trú liên bang. Theo hướng dẫn của bà trùm, những cặp này chỉ gặp nhau chóng vánh, ngay trước khi có giấy kết hôn, hay thậm chí không gặp nhau. Để chuẩn bị cho những cặp vợ chồng giả trả lời phỏng vấn, bà Yến và đường dây cung cấp thông tin giả để họ ghi nhớ, học thuộc những thói quen hàng ngày của nhau, để có thể trả lời các câu hỏi từ nhân viên di trú như thể họ thực sự chung sống với nhau.

Đường dây này cũng chuẩn bị và cung cấp những cuốn album hình đám cưới giả. Bà ta mua nhiều căn nhà phục vụ cho chương trình gian lận của mình, phòng trường hợp cho các cặp vợ chồng giả bị kiểm tra bất thình lình.

Bản thân bà Yến cũng định cư ở Mỹ qua kết hôn giả. Người phụ nữ này vẫn đang bị giam giữ, chờ chuyển sang nhà tù liên bang.

Bộ Nội an, Sở Di trú, Ban điều tra Hình sự Sở Thuế phối hợp thực hiện điều tra. Phụ tá Hoa Kỳ Adam Laurence Goldman, Michael Day and Kate Suh truy tố vụ này.

Hương Giang (Theo Thông cáo báo chí Bộ Tư pháp – Văn phòng Biện lý Quận Nam Texas
Vì sao không nên ăn bưởi khi uống thuốc?

Đây là một loại quả rất tốt cho sức khỏe, cung cấp nhiều chất quan trọng cho cơ thể như vitamin C, Kali, chất xơ và rất nhiều chất dinh dưỡng khác. Thế nhưng, chúng lại rất kỵ khi sử dụng chung với các loại thuốc.

Đó chính là quả bưởi.

Vì sao không nên ăn bưởI khi uống thuốc?
Nếu ăn bưởi và uống thuốc cùng thời điểm, một số thành phần trong bưởi có thể kết hợp cùng chất hóa học trong thuốc, tạo ra tác dụng không mong muốn đối với sức khỏe.

Trong bưởi có chất Furanocoumarin, chất này có thể chuyển hóa bởi một loại men trong ruột non, tạo thành những chất trung gian phản ứng liên kết. Quá trình này khiến cho men trong ruột non không thể tiến hành hoạt động phân hủy thuốc. Khi đó, lượng thuốc trong máu tăng lên cao, kéo theo nhiều tác dụng phụ, gây bất lợi cho quá trình cơ thể hấp thụ thuốc.

Việc chuyển hóa thuốc gặp nhiều bất thường như vậy khiến thời gian thuốc tồn tại trong cơ thể bị thay đổi. Dù thay đổi theo hướng lâu hơn hay nhanh hơn đều khiến các thành phần của thuốc không thể phát huy tác dụng chữa bệnh như mong muốn ban đầu.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng, chỉ với 200ml nước bưởi cũng sẽ làm tăng nồng độ thuốc trong máu ở toàn cơ thể. Từ đó, xuất hiện một số triệu chứng lâm sàng và những tác dụng không mong muốn.

Cho dù thời điểm ăn bưởi cách xa thời điểm uống thuốc, các tương tác hóa học này vẫn có thể xảy ra. Đó là lý do mà người bệnh nên chủ động loại bỏ những sản phẩm từ bưởi khỏi chế độ ăn uống mỗi ngày trong thời gian phải điều trị bằng thuốc. Chỉ nên uống nhiều nước tinh khiết để không làm ảnh hưởng tác dụng của thuốc.













Các loại thuốc kê đơn “kỵ” bưởi
Có thể liệt kê một vài loại thuốc kê đơn nên tránh sử dụng cùng thời điểm với bưởi đó là:

Các thuốc an thần, thuốc ngủ: Đặc biệt không nên ăn bưởi khi uống thuốc này vì có thể gây ra cảm giác chóng mặt.

Các thuốc suy giảm miễn dịch dùng để chống thải ghép (tacrolimus, ciclosporine...): Chức năng thận có thể suy giảm nghiêm trọng nếu sử dụng nước bưởi thường xuyên trong giai đoạn uống các loại thuốc này.

Nhóm thuốc hạ cholesterol trong máu: Trong trường hợp bạn đang uống thuốc để giảm lượng cholesterol trong máu, nên tuyệt đối tránh ăn bưởi. Nếu một lượng lớn thuốc này tồn đọng trong máu và cơ thể, gan của bạn sẽ phải chịu nhiều tổn thương. Bên cạnh đó, thuốc cũng không phát huy được hết tác dụng

Đặc biệt, bạn có nguy cơ bị suy nhược cơ bắp. Vì nước bưởi khi dùng chung với simvastatine hoặc atorvastatine có thể làm tăng sự hấp thu của thuốc lên gấp 15 lần. Điều này gây tác dụng phụ nghiêm trọng ở cơ.

Lưu ý: Nhiều người cho rằng, trước hoặc sau khi uống thuốc 2 giờ đồng hồ vẫn có thể ăn bưởi để bổ sung vitamin C, thải độc cho cơ thể. Tuy nhiên, khoảng thời gian này vẫn khiến các chất trong bưởi tác dụng với thuốc, gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Tốt nhất, để đảm bảo việc dùng thuốc trở nên hiệu quả và an toàn cho sức khỏe bản thân, người bệnh cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ, chuyên gia. Một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp cơ thể nhanh hồi phục hơn.

Tình trạng này có xảy ra với cam, quýt, chanh và các loại quả giàu vitamin C khác hay không?
Nhiều người đi thăm bệnh thường mua cam để bệnh nhân bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên, nước cam không phải là một lựa chọn tốt để uống cùng thuốc kháng sinh. Các kháng sinh kém bền vững ở môi trường axit nên sẽ bị hỏng.

Axit trong các loại quả như cam, quýt, chanh có thể làm hỏng cấu trúc hóa học của các loại thuốc. Khi uống thuốc chung với nước cam cũng có thể làm giảm nồng độ thuốc đi 23 - 28%. Con số này thừa sức làm thay đổi phổ tác dụng của thuốc.
Chỉ uống nước cam sau khi uống thuốc ít nhất 4 tiếng để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến tác dụng và tính chất lý hóa của thuốc. Ảnh: Healthline

Khi thuốc kháng sinh mất đi cấu trúc hóa học đặc thù, chúng cũng không còn sức mạnh diệt khuẩn. Bệnh nhân sẽ gặp nguy cơ bị nhiễm khuẩn kéo dài.

Bên cạnh đó, những loại hoa quả có chứa nhiều axit cũng không nên kết hợp với thuốc chống axit có chứa nhôm. Một số loại thuốc kháng viêm không steroid (ibuprofen, diclofenac...), trị bệnh đau dạ dày khi kết hợp với cam, quýt, chanh… đều khiến bệnh trở nặng. Lượng axit trong dạ dày tăng lên sẽ gây bỏng rát, đau đớn cho bệnh nhân.

Một số thành phần trong thuốc chữa ho cũng có phản ứng phụ nếu kết hợp nước uống loại quả họ cam quýt. Chúng có thể gây ra nguy cơ bị ảo giác và buồn ngủ.

Như vậy, để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể, gia tăng sức đề kháng, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Không nên tùy tiện sử dụng các loại hoa quả nhiều axit trong thời gian chữa bệnh bằng thuốc.

*Theo Aboluowang, tổng hợp
Tôi Không Bị Gạt Nữa.

Những người thường dùng email, FB, nghe quảng cáo trên Radio, TV thường hay bị gạt.

Tôi nhớ lại thì khoảng 30 năm trước người ta ồn ào, đi mua aloe vera, noni nhàu, canh dưỡng sinh...

Thế rồi chỉ được 1 thời gian ngắn thì chìm lỉm luôn.

Sau đó những thứ "thuốc mới" ra đời: Lá rau má, lá dứa thơm, đậu đen xanh lòng, lá cây phì phò (loquat), lá đu đủ...thứ nào cũng nghe nói là tiên dược, trị bá bịnh, nhất là bịnh ung thư.

Có những thứ thật mắc tiền như tổ yến, đông trùng hạ thảo, sữa ong chúa...có giá cao ngất trời, nhưng nếu tìm hiểu qua những video họ đang làm ra những thứ đó như thế nào thì vỡ mộng ngay.

Có một thời trà đinh được gửi từ VN ra nước ngoài và người ta đua nhau uống, nhất là những người đang bị đau nhức, nhưng sau đó các BS mới cho biết nó tàn phá lá gan kinh khủng lắm, nên bây giờ nghe tới tên nó là ai cũng phát khiếp.

Không gì khó chịu khó thở cho bằng bị bệnh suyễn và viêm xoang mũi, thế nên nghe người ta tả lại cách chữa trị thì rất ngạc nhiên: Sao dễ vậy mà mình không biết? Đó là dùng cây giao.

Thơ ca nói "Cây quỳnh cành giao". Hoa quỳnh thì phần đông chúng ta biết rồi, còn cây giao nó ra sao?

Tôi không biết rõ chữ dao hay giao mới là đúng, vì phụ nữ có người tên Quỳnh Giao, nhưng cũng có người là Quỳnh Dao.

Thôi thì cứ viết là giao cho nó đẹp, chứ viết cây dao thì lại có nghĩa khác.

Cây giao chính là cây thuốc dấu. Khi bị vết thương chảy máu, bẻ 1 nhánh nó thì mủ trắng như sữa chảy ra, ta lấy chấm lên vết thương, sẽ cầm máu ngay. Dĩ nhiên chỉ là vết thương nhỏ, chứ nếu máu chảy ra thành vòi thì chẳng ăn thua gì.

Cây giao có thể cao đến hai ba mét, cành to như từng chiếc đũa, không có lá.

Đây tôi xin trích cách chữa trị của 1 BS ở Bộ Y Tế VN, LÀ BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên Bộ Y tế)

"Cây giao có nơi lại gọi là cây xương cá, cây nọc rắn, cây càng cua, cây càng tôm, cây xương khô, cây san hô xanh, thập nhị, cây quỳnh cành giao... tên khoa học là Euphorbia Tiricabira L. thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Cây mọc hoang nhiều nơi, ở thôn quê cây có thể dùng làm hàng rào. Công dụng chủ yếu là chữa chứng bệnh viêm xoang mũi.

Toàn cây giao có vị cay, hơi chua, tính mát, hơi có độc, có tác dụng thúc sữa, sát trùng, khử phong, tiêu viêm, giải độc. Chuẩn bị một cái ấm nước nhỏ (nhôm, sành đều được nhưng không dùng để nấu nước uống vì sợ độc). Lấy một miếng giấy khá lớn, một tờ giấy lịch treo tường lớn hoặc nối 2 - 3 tờ giấy A4 bằng băng keo thành 1 tờ lớn, rồi quấn xéo lại thành một cái ống dài khoảng 5 tấc (50cm) chứ không được làm ngắn hơn vì sẽ quá nóng, dễ bị phỏng da còn nếu dài quá thì hơi không đủ mạnh để hít.

Ống phải quấn sao cho 1 đầu vừa hoặc lớn hơn miệng vòi ấm còn 1 đầu nhỏ hơn sao vừa vào mũi để hít. Nếu có ống tre thì tốt hơn, nhưng không được dùng nhựa, dễ nóng chảy! Mở nắp ấm, đổ vào cỡ một chén nước. Đếm cỡ 10 - 20 đốt cây xương cá (tùy theo số cây mình có được nhiều hay ít), cắt nhỏ các đốt cây (thành cỡ phân nửa của lóng tay) rồi thả vào ấm. Nên cắt cây ngay trên miệng ấm, để cho mủ cây nhỏ vào ấm càng tốt. Phải luôn cẩn thận tránh mủ văng vào mắt, nguy hiểm.

Đặt ấm lên bếp, vặn lửa thật lớn cho nước trong ấm sôi lên. Đến khi thấy hơi xông ra nhiều từ vòi ấm thì ta bớt lửa đến cực nhỏ, chỉ canh sao cho vừa đủ để hơi vẫn còn bốc ra nhẹ ở vòi ấm là đủ. Lấy ống giấy đã quấn, đưa đầu lớn của ống vào vòi ấm, còn đầu nhỏ cho vào mũi để hít hơi xông lên. Thời gian xông có thể chỉ là 15 - 20 phút, hay nếu có thời gian thì xông 30 - 50 phút. Nên để dành và hâm lại nước trong ấm để dùng, thường là 2 lần trong ngày (sáng và tối). Sau đó đổ bỏ, hôm sau làm lại liều thuốc mới. Khi hâm lại dùng lần 2 thì cho thêm một ít nước cùng với 1 vài đốt cây để bổ sung thêm thuốc.

Lưu ý: Nên bắt đầu xông ngay khi vừa bốc hơi, để tận dụng lúc chất mủ còn đậm đặc sẽ đạt hiệu quả nhanh. Vì hơi xông ra rất nóng, nên ta có thể hít một lát, đến khi thấy nóng quá thì quay mặt ra thở bên ngoài, rồi lại quay vào xông tiếp. Nên linh động làm sao để xông một cách thoải mái là được. Bình thường, chỉ sau từ 2 - 3 hoặc 4 lần xông sẽ thấy thuyên giảm rõ. Không nên xông trị viêm xoang cho phụ nữ đang có thai."

Khi đọc xong phương pháp trị bệnh suyễn và viêm mũi trên đậy, cả người trong nước lẫn hải ngoại vui mừng. Có người hỏi ở Mỹ thì tìm mua cây giao nơi nào, ai bán giá bao nhiêu cũng mua.

Tôi ngứa mép nên trả lời rằng nhà tôi có cây giao đằng trước nhà, nếu ai muốn xin cành để trị bệnh thì đến tôi cho chứ không lấy tiền. Tôi cũng ghi địa chỉ và nói nếu đến thì khỏi gõ cửa bấm chuông gì hết, cứ tự nhiên vô vườn mà hái.

Hai hôm sau, cây trụi lùi lụi, chỉ còn cái thân cây bằng cổ chân, cành nhỏ bị vặt sạch.

Cũng vì bị cắt trụi mà năm sau cành cây đâm ra tua tủa nhưng không thấy ai tới xin. Năm sau cây càng vươn lớn mà thiên hạ chẳng bén mảng đến nữa, hơi ngạc nhiên nên tôi bèn coi lại điện thoại rồi gọi hỏi thăm. Có người báo rằng chẳng si-nhê gì, có người báo tin buồn là người thân đã về chín suối lâu dzồi.

Có những bệnh như Alzheimer hay Parkinson mà những bệnh viện lớn tại Mỹ cũng chưa tìm ra được thuốc trị. Họ có nhiều Tiến sĩ, Giáo sư Y khoa và các nhà Khoa học đã và đang nghiên cứu được phần nào kết quả, nhưng chưa được Bộ Y Tế cho phép đem ra thị trường.

Họ đề nghị với người bệnh được thử thuốc này, không tính chi phí, có BS và chuyên viên theo dõi bệnh tình hàng ngày để gia giảm lượng thuốc.

Thế nhưng hỏi 100 ông bà VN thì có đến 99 vị nói rằng tôi đâu phải là con thỏ, con cừu mà đem ra cho mấy ông thử nghiệm thuốc, bộ mấy người tưởng tôi ngu sao.

Ấy vậy mà khi nghe thằng cha căng chú kiết nào đó, nói thứ nọ thứ kia trị được bệnh thì cứ đưa ra câu "Có bệnh thì vái tứ phương" rồi u mê ám chướng đi tìm, đi mua về uống liền.

Nhất là khi nghe cô Ca sĩ nọ, ông MC kia quảng cáo thì tin còn hơn con chiên tin ông cha nhà thờ.

Mà "thuốc" có rẻ đâu chứ? Cả trăm đô 1 lọ, trong khi tiền hưu, tiền già có tám chín trăm chi đó.

Nên nhớ rằng những "lang băm" này chưa 1 ngày học thuốc, dù là thuốc Tàu hay thuốc Tây, họ cứ cho rằng đây là thuốc gia truyền hay của 1 bộ lạc nào đó trên dãy Trường Sơn.

Đã từ lâu tôi không tin thuốc sái gì hết, đến nỗi mấy ông BS chán tôi lắm, vì cho thuốc loại gì tôi uống vô cũng không biến chuyển gì hết. Họ bèn nói cơ thể tôi "miễn nhiễm" với tất cả các loại thuốc, nên sau này hễ có bệnh là phải chết, muốn cơ thể khoẻ mạnh chỉ còn có cách tập thể dục.

Có lẽ 30 năm nay tôi không uống thuốc cho đến gần đây, áp huyết lên đến 180 mà thấy vẫn cứ "phình phường". Đứa con tôi nói nhà có 2 đứa làm trong ngành Y mà có ông bố cứng đầu. Tụi nó hù "Ba mà không uống thuốc cao máu, sẽ có ngày bị stroke đó".

Tôi nghe cũng ngán cái vụ nằm ngay đơ cán cuốc, liệt giường liệt chiếu nên ráng uống ngày 1 viên Losartan để giữ áp huyết trên dưới 120.

Có người khuyên nếu không tập thể dục thì ông ráng chạy bộ ngày 1 tiếng cũng tốt lắm. Tôi nói mẹ tôi thọ 102 tuổi, còn mẹ vợ thì 96 mà cả đời chưa bao giờ thấy 2 bà tập thể dục. Qúi vị có thấy con thỏ lúc nào cũng chạy nhảy mà sống có 2 năm; còn con rùa lúc nào cũng bò nhẩn nha, nó sống tới mấy trăm năm đó.

Tôi là 1 người cứng đầu, ai nói gì cũng không tin, huống hồ gì mấy cái bá láp bá xàm trên Net và FB. Ấy vậy mà đôi khi rảnh rỗi chẳng biết làm gì cũng thử rồi than rằng mình bị gạt.

Tôi làm nghề nhà cửa còn lạ gì mấy cái chất hoá học từ cleanser cho đến acid, thế mà bữa đó đọc thấy trên xe cảnh sát luôn có mấy chai coca, hễ có tai nạn hay vụ giết người, máu loang ra trên xi măng hay nhựa đường là họ dùng chai coca mà đổ trên đó làm tan hết vết máu. Bởi thế, trong bồn cầu dù bị đóng ố vàng, có khi biến thành màu đen, cứ đổ vô đó 1 chai coca rồi sau 15 phút xả nước là trắng bong, sạch như mới.

Các bạn cứ thử đi rồi biết kết quả.

Láo toét, làm tốn hơn 1 đô mua chai nước ngọt.

Chừng năm sáu năm nay tôi thường bị chuột rút vào ban đêm, hết bắp chân này tới chân kia, có khi dưới gan bàn chân bị nhói 1 phát rất đau y như ai lấy cây đinh hay cái dùi mà đâm vào vậy.

Hỏi ông BS gia đình ổng cũng mù mờ, nói có lẽ là thiếu vitamin, nên ăn nhiều chuối vào. Gần nhà tôi có chợ Mễ bán chuối rẻ rề mà tánh tôi cũng hảo ngọt, nên mua về ăn thường xuyên mà chẳng thấy kết quả gì.

Có người lại nói đó là 1 điều mà cơ thể nó báo trước cho mình biết rằng có chỗ nào bị trục trặc rồi đó, nhưng mấy năm nay tôi cũng không thấy mình bị trục trặc gì cả.

Ai đã từng bị vọp bẻ hay chuột rút thì biết nó đau khổ lắm. Bắp thịt chân mình tự nhiên cương lên cứng ngắc, đau không kêu lên nổi, có khi vừa dứt đau nó làm thêm cú đúp rồi đến mãi vài hôm sau bắp thịt chân còn đau nhức như bị ai đánh dập vậy.

Có nhiều người chỉ vẽ: Lấy tay bẻ ngón chân cái quặp lên quặp xuống thì sẽ hết; co chân lên kéo lên phía ngực; đứng dậy bước lui vài bước....

Tôi đã thử. Không có món nào có kết quả.

Lúc đó đau lắm, cố gắng bước xuống giường làm theo lời mách mà có bớt đau đâu.

Hôm anh Thành Cối tới chơi, tôi than cái vụ chuột rút, anh mới nói cứ chân nọ bị rút thì giơ tay bên kia lên khỏi đầu, cánh tay càng áp sát lỗ tai càng mau hết. Chính anh đã làm và kết quả ngay tức thời, chẳng cần uống thuốc gì hết.

Tôi nghĩ bữa nào mình bị chuột rút thì sẽ thử, nhưng 2 tuần nay chân tay êm ru, chuột cống chuột nhắt gì cũng không thấy xuất hiện để mình thử.

...Rồi đêm qua nó tới.

Khoảng 3g sáng tôi giựt mình tỉnh dậy, bắp thịt bắt đầu căng lên. Tôi vội giơ tay phía bên kia lên khỏi đầu, thấy cơn đau dịu đi nên co tay lại rồi giơ lên lần nữa áp sát lỗ tai.

Hay thiệt, cơn đau biến đi liền như ma đuổi.

Thế là lần này tôi không bị gạt nữa.

Đời tôi có 2 lần không bị gạt, đó là lần cưới vợ và lần này đây.

Đời vẫn vui.

Nguyễn Viết Tân
Ngôn Ngữ – Chuyện Đó Đây


Thông Dịch Viên Tí Hon
Cu Bê bốn tuổi, đang năm thứ hai trong vườn trẻ Am Goldstein. Cu Bê nói tiếng Việt, tiếng Đức giỏi ngang nhau. Đi học về, cu Bê hào hứng kể chuyện:

– Bữa nay trên trường con có một đứa Chinese. Nó người Tàu, mới vô trường. Nó không nói được tiếng Đức. Cô giáo phải kêu con giúp.

Mấy ngày sau đó, cu Bê tường thuật đều đặn:
– Nó không thích chơi ngoài sân cát. Nó rất ghiền chơi xếp hình...

Mẹ cu Bê hỏi:
– Sao Bê rành chuyện thằng nhỏ đó vậy?

Cu Bê huyên thuyên:
– Tại nó không biết nói tiếng Đức. Mà trong trường, chỉ một mình con hiểu tiếng Tàu thôi.

Mẹ cu Bê tức cười:
– Con học tiếng Tàu hồi nào?

Cu Bê lắc đầu:
– Con không học, nhưng con hiểu tiếng Tàu thằng đó nói. Mỗi khi nó muốn gì, nó nói với con, con übersetze lại cho cô giáo.

Mẹ cu Bê gục gặc:
– Ừ, con dịch qua tiếng Đức cho cô giáo nghe.

Cu Bê tiếp:
– Rồi cô giáo cần biểu nó làm gì, cô giáo nói với con, con dịch lại cho nó.

Mẹ cu Bê thắc mắc:
– Con nói tiếng Tàu ra sao với nó?

Cu Bê tỉnh queo:
– Thì cũng như tiếng Việt thôi. Nó hiểu con hết trơn hà.

Mẹ cu Bê vẫn băn khoăn:
– Hay nó là người Việt?

Cu Bê chắc chắn:
– Dạ không. Cô giáo nói, nó là người Tàu, Chinese. Mẹ nó cũng Chinese luôn.

Mẹ cu Bê ngẫm nghĩ, có lẽ gia đình đó là người Việt gốc Hoa. Hôm đến họp phụ huynh, mấy cô giáo gặp mẹ cu Bê, khen cu cậu nức nở. Cu Bê thiệt là thông dịch viên giỏi. Không chỉ thông dịch cho thằng bé, mà cả luôn cho mẹ thằng bé. Bà ấy nói tiếng Đức sơ sơ, có lẽ accent quá nặng. Hôm bà ấy đến hỏi thăm về chuyện ăn ở trong trường của thằng bé, hai ba cô xúm lại, tìm cách giải mã các câu nói trục trặc, lơ lớ của bà. Nhưng không ai hiểu rõ bà muốn gì. Cô Gabi chợt nảy ra sáng kiến, kêu cu Bê vào. Thế là, qua thông dịch viên tí hon cu Bê, các cô giáo hiểu được yêu cầu, nguyện vọng của mẹ thằng bé. Bà mẹ cũng hài lòng yên tâm với cách làm việc của vườn trẻ.

Anh Giai
Anh Giai, người Huế, nói giọng Huế nguyên chất dù đã ở Âu châu trên 30 năm. Có lẽ, do thuận duyên với người Huế, cho nên, nói tiếng Việt với anh Giai, nghĩa là nói giọng Huế. Có lần gặp anh, thằng nhóc con, lúc đó chừng 5 tuổi, sau khi vòng tay chào bác Giai, kéo mẹ nó xuống, hỏi nhỏ: “Mẹ, bác Dai nghĩa là thịt bò dai phải không?” Mẹ nó ậm ừ, không dám nói lớn. Vì, ngại buồn lòng anh Giai. Vì, không muốn để lộ chuyện nhà. Có lẽ ba mẹ nó đi chợ hay mua phải bò dai, cải già nên thằng bé nhập tâm.

Ngày kia, anh Giai lần đầu ngao du sang khu chợ Rồng Vàng ở Cheb, Tiệp Khắc, gần biên giới Đức. Lơ ngơ vào chợ, anh tưởng như mình đang ở đâu đó bên Việt Nam. Loa phóng thanh đang lặp đi, lặp lại nếp sống văn minh, yêu cầu đậu xe đúng chỗ, giữ gìn vệ sinh chung. Các bảng viết quảng cáo cá chép tươi sống, có vẽ thêm bàn tay chỉ hướng đi. Chợt có tiếng chào gọi, giọng Bắc, đầy vẻ thân thiện:

– Anh giai, anh giai, vào đây. Xem có gì vừa ý, mua giúp cho em đi nào. Hay anh giai mua thuốc lá nhé. Hiệu nào em cũng có cả anh giai ạ.

Anh Giai chậm chân, nhìn quầy hàng chất đầy những dĩa CD nhạc, DVD phim, các dĩa game. Đương nhiên, tất cả đều là dĩa sao chép lại. Anh Giai chẳng có ý định mua gì. Nhưng vẫn lắng nghe và quay qua nhìn thanh niên vừa nói cười, vẫy tay với anh. Anh Giai bỗng thấy phấn chấn. Người bán hàng mau mắn, vui vẻ, lại biết cả tên mình. Anh Giai rẽ vào hàng. Cố nhớ đã gặp anh chàng bán hàng này ở đâu. Có lẽ thời làm ở Siemens, ở đó đông dân Việt Nam lắm. Nhưng chịu thôi, anh chẳng biết quen thế nào. Anh Giai cảm thấy hơi áy náy. Mình vô tình, hay trí nhớ kém mà không hề nhận thấy một tí nét quen biết của người này. Anh Giai vui vẻ hỏi:

– Tôi đến chợ đây lần đầu. Cũng chưa định mua gì. Mình quen nhau ở đâu? Sao anh biết tôi là Giai.

Anh bán hàng nhíu mày, tắt mất nụ cười:
– Quen đâu mà quen. Ôi giời! Sao bác hâm thế. Chứ bác không giai thì là gì hả! Chẳng nhẽ là gái.

Anh Giai sượng ngắt, quày quả bỏ đi. Ra thẳng xe, chạy về Đức. Không còn hứng thú tìm đến hiệu tóc thanh nữ người quen giới thiệu.

Chân Chó
Cô nghe nhiều người nhắc đến chợ Việt Nam ở bên Tiệp Khắc. Nghe đâu, chợ bên đó bán đồ ăn y chang bên Việt Nam. Rau cỏ trăm hồng nghìn tía. Từ rau đay, rau rút đến rau dền, bông bí. Chứ không lơ thơ vài bó ngò úa, mấy lá quế dập như chợ bên Đức chỗ cô ở. Hình như còn có cả hột vịt lộn, lòng heo, lòng gà... Cô nhiều lần rủ chồng, thử làm một chuyến du lịch Việt Nam bên Tiệp. Nhưng chồng cô cứ nại cớ này, cớ nọ không đi. May quá, vợ chồng ông anh qua đó chơi, xe còn đúng một chỗ cho cô. Đến nơi, vợ chồng anh chị lo chăn hai thằng nhóc, lẹ chân chạy tuột vào hàng bán các loại áo đá banh với tên của các cầu thủ nổi tiếng. Ông anh giao hẹn, muốn đi đâu thì đi, hai tiếng đồng hồ sau trở lại. Cùng đi ăn, rồi mỗi người khuân một bao gạo Thái Lan, giá chỉ bằng phân nửa bên Đức. Thế là huề lại tiền xăng. Cô háo hức nhìn quanh. Không biết nên đi hướng nào, tận dụng hai tiếng đồng hồ, để xem cho được nhiều thứ. Cô thấy vui quá. Tiếng chào hàng lao xao, vừa tiếng Đức, vừa tiếng Việt. Cô chậm chân trước quầy hàng bán các loại áo thun, áo khoác, nhái các hiệu nổi tiếng như Chanel, Armani, Polo… Chị bán hàng có vẻ thất vọng. Không chèo kéo được mấy bà Đức ghé vào hàng, mặc dù chị đã chào mời bằng tiếng Đức thật tha thiết. Chị bán hàng thấy cô đang quan sát mấy cái áo khoác để chạy bộ. Chị lại gần, nhỏ giọng thân thiện:

– Em gái này! Chị có Chân Chó. Mới về!

Cô giật mình. Trời đất! Hổng lẽ mình có tướng mạo của dân nhậu nhất mực, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm hay sao đây. Cô nghĩ thầm, đúng rồi, xứ này người ta trọng mấy con cẩu lắm. Cấm ăn thịt cầy, cho nên chị ta phải treo... áo quần, bán thịt chó. Chị đang nhìn cô, chờ đợi. Cô gượng gạo lắc đầu, lúng búng:

– Dạ, cám ơn chị. Em không… không… biết ăn thịt... cầy.

Chị khựng một chút. Hiểu ra, cười rũ:
– Không, không phải thế em gái ạ. Cầy, dê, lợn... muốn gì có đấy. Nhưng hàng ăn bên kia đường cơ. Chờ chị một chốc nhé.

Chị thoăn thoắt đưa cây cần có móc lên cao, thiện nghệ đẩy mấy cái áo treo san sát thành dãy. Chị móc xuống cái áo khoác màu rêu. Gác cần qua một bên, chị căng áo cho cô xem:

– Hàng Chân Chó đây. Cực đẹp! Em gái ạ.

Trong tích tắc, cô chợt hiểu, chân chó đây là nhãn hiệu Jack Wolfskin, chớ nào có phải là “nguyên vật liệu” để nấu rựa mận đâu.

Nói Tiếng Anh
Ông sang Mỹ, bữa trước, bữa sau là lao vào đi làm việc ngay. Tiếng Anh của ông theo nguyên tắc “tri túc tiện túc”... biết đủ thì đủ. Một hôm, ông đi chợ. Đang rà rà chạy xe vào bãi đậu. Bỗng đâu, có một chiếc xe to tướng xẹt ngang, quẹo gấp, chẳng có báo hiệu đèn đóm gì sất, xém quẹt vào xe ông. Ông nhấn còi cảnh cáo. Tài xế đằng trước tấp vào lề, một bà Mỹ thiệt đô, rất “môn đăng hộ đối” với tầm cỡ chiếc xe, chạy ra làm dấu với ông, có vẻ như bất bình chuyện ông bấm còi. Ông bỗng bực, chà, đã làm lỗi, mà còn gây sự. Đàn bà chạy xe lạng quạng là thường, ông nghĩ vậy. Thôi, để mình cắt nghĩa cho bà ấy hiểu. Thế là ông mở cửa, vận dụng toàn bộ vốn tiếng Anh trong đầu. Ông vừa nói, vừa hoa tay làm điệu bộ. You know, you go straight, but you turn right, you don't let me know. Ông đang ngon trớn, you thế này, you thế kia, bà Mỹ nghệch mặt ra. Sau đó, như hết kiên nhẫn, gằn từng tiếng, chậm, rõ: ENGLISH ONLY, PLEASE!

Mỗi lần kể lại chuyện này, ông hậm hực mãi:
– Con mụ tây cà chớn, tui nói tiếng Anh với nó cả buổi, chứ tiếng gì, mà nó lại bảo English only.

Bạn của ông trầm ngâm:
– Chắc ông phát âm ghê rợn quá nên bả mới không hiểu. Chớ hồi nẳm tui qua Mỹ, đi với bà chị dâu, tui trót lọt ngon lành. Khi cảnh sát Mỹ hỏi giấy tờ, tui chỉ bà chị rồi nói, mai xít– tơ (my sister). Ông cảnh sát bèn mở sổ thông hành của tui và bà chị, đọc lui đọc tới, rà ngón tay chỗ họ tên. Chắc là ổng hỏi chị em sao khác họ. Lúc đó, tui có biết chị dâu gọi là gì đâu. Nên phải diễn tả, chị em nhưng không máu mủ, ruột thịt. May, mà còn nhớ chữ “máu” trong tiếng Anh. Tui bèn phán ngay, dét, xít– tơ, bớt nô bờ– lớt (yes, sister, but no blood). Đó, vậy mà ổng hiểu ngay, ok cái một, cho tui với bà chị nhập cảnh liền tù tì.

Nghe Tiếng Mỹ
Cô qua Mỹ chơi. Cô hỏi thăm cách thức để mua thẻ điện thoại. Con em họ bảo:

– Thôi, cần có mấy ngày. Chị mua làm gì, tốn tiền vô ích. Em đưa cho chị xài.

Con em ở Mỹ đã lâu, có chồng Mỹ, nói tiếng Việt xen lẫn tiếng Mỹ khá nhiều. Chiều, con em gọi cho cô, hỏi thăm:

– Chị cần thêm gì không?

Cô nhanh nhẩu:
– Đầy đủ hết rồi. Bây giờ có điện thoại của em, liên lạc được bạn bè. Rất tiện.

Con em nhắc nhở đôi điều, cô nghe loáng thoáng:
– Nhớ chặt nghe.

Cô nghĩ ngay, có lẽ điện thoại này rất dễ vỡ. Bởi vậy, con em nhắc mình phải giữ chặt. Cô đang cầm điện thoại trong bàn tay, vội đưa thêm tay kia lên điện thoại cầm cho thật chặt. Nghĩ thầm, con em tốt bụng, cho mình mượn điện thoại. Mình lắt xắt, lỡ làm rớt, bị hư, biết ăn nói làm sao. Cô gật gật đầu, tưởng như đang đứng trước mặt con nhỏ em:

– Em yên tâm, chị đang cầm chặt lắm.

Sợ nó chưa hiểu, cô nhắc lại:
– Chị để ý lắm. Sẽ cầm điện thoại thật chắc khi dùng.

Hình như nhỏ em cười xòa:
– À không, I mean, chị nhớ charge cái điện thoại, kẻo nó mau hết pin lắm.

Cô ghé thăm mẹ của người bạn. Bác thật xốc vác. Cao tuổi, mà đi đứng nhanh nhẹn, cười nói rôm rả. Bác nói:

– Bác khỏe như ri, nhờ ăn cháo ốc miêu đó con.

Cô nghĩ, mấy món ốc thường rất hấp dẫn. Nào là ốc hương xào tỏi, ốc bưu nhồi thịt hấp sả. Nghe nói, bên Mỹ có ốc vòi voi, cao lương mỹ vị, bên Âu Châu chưa từng thấy. Bác hăng hái kể:

– Sáng mô bác cũng ăn một tô cháo ốc miêu nấu sữa. Ăn miết thấy ngon đó con.

Chà, ốc nấu với sữa chắc còn mùi tanh. Không biết mình có chế biến theo kiểu ốc len xào dừa được không. Bác hỏi:

– Chớ bên Âu châu có ốc miêu không hả con?

Hồi giờ cô chưa nghe tới món ốc miêu, nên đoán là ở Âu châu không có.

– Dạ, con chưa thấy ốc miêu bao giờ. Ở Đức, các món hải sản không đa dạng như bên Mỹ đâu bác.

– Khi mô về lại Đức, con nhớ mang ốc miêu về cho Ba con dùng. Rất tốt đó con.

Ô, vậy chắc là khô ốc như khô mực, khô cá, hay loại đóng hộp chứ không phải là đồ tươi.

– Dạ, dạ, con cám ơn bác. Nhưng Ba con không dùng được món ni. Ba con ăn chay trường.

– Ăn chay lại càng hạp với ốc miêu hơn.

Cô hòa hoãn:
– Dạ, bác cho con coi thử con ốc miêu ra sao, rồi con theo đó mà mua.

Bác phăng phăng đi lại tủ bếp, lục lọi một chút, rồi rút ra một hộp giấy. Bác đem hộp lại đưa cho cô:

– Đây, bác biếu hộp ni cho Ba con.

Cô nhìn kỹ bao bì của hộp, hình hột lúa kiều mạch. À, thì ra là oatmeal. Gì chớ Haferflocken bày hàng hàng, lớp lớp trong siêu thị Đức. Cô đón hộp oatmeal bà bác đưa:

– Con cám ơn bác nhiều. Con sẽ về giới thiệu món ốc miêu cho Ba con.

Thời gian ở lại khu quận Cam, cô rất thích nghe radio tiếng Việt. Buổi sáng, cô ở nhà với mẹ của bạn. Vừa chuyện trò rỉ rả với bà cụ, vừa nghe radio. Mục nào cũng vui tai. Từ nhạc yêu cầu, đến màn giải đáp thắc mắc. Cả những đoạn quảng cáo lao xao, vui nhộn ra trò. Đối với người ở California, radio tiếng Việt là chuyện bình thường trong xóm nhỏ. Nhưng so với xứ lạnh bên trời Âu, nghe radio tiếng Việt là loại hàng... hiếm quý. Bỗng, cô nghe lời quảng cáo về chương trình ca nhạc thính phòng, tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với ban hợp xướng Ngàn Khơi và nhiều ca sĩ “ruột” của cô. Câu cuối của cô xướng ngôn viên: “Số ghế rất hạn chế. Quý vị hãy đặt vé sớm tại tiệm nhạc Beethoven. Số điện thoại…” Nhanh quá, cô không kịp ghi số. Trời ơi, chương trình nhạc hay như vầy, nhất định không thể bỏ qua. Nhỏ bạn đi làm vừa về đến cửa, cô háo hức kể ngay. Nhỏ bạn đủng đà, đủng đỉnh:

– Ôi chào, mày khéo lo. Chờ đến ngày diễn, mua tại chỗ cũng còn vé.

Cô nằng nặc:
– Không! Mày phải dẫn tao ra tiệm Beethoven mua vé, kẻo hết.

Nhỏ bạn nghiêng nghiêng đầu, chắc nghe không rõ:
– Tiệm gì?

– Tiệm nhạc Beethoven, chắc là tiệm chuyên về nhạc cổ điển chứ gì.

Cô nghĩ thầm: “Hay là mụ ‘ngố’ bạn mình không biết Beethoven là ai?”

Như đọc được ý nghĩ của cô, nhỏ bạn hỏi:
– Beethoven? Ông nhạc sĩ người Đức? Tao chưa nghe tiệm này bao giờ. Chắc là tiệm của Mỹ. Lạ thiệt. Thường, mấy vé ca nhạc Việt Nam toàn bán ở tiệm Việt Nam không à.

Mẹ của bạn góp ý:
– Mình chờ chút nữa người ta đọc quảng cáo lại, ghi số điện thoại, gọi tới, hỏi địa chỉ là xong.

Cô ngồi chầu gần radio, thủ sẵn bút viết để ghi số điện thoại, chờ đoạn quảng cáo. Vừa nghe đến câu Chương Trình Nhạc Thính Phòng, cô vội vàng ra dấu cho nhỏ bạn. Mẹ của bạn cũng vui vẻ đến gần lắng tai nghe.... “Quý vị hãy đặt vé sớm tại tiệm nhạc Beethoven.”

Mẹ của bạn bật cười vui vẻ:
– À, tiệm Bích Thu Vân bán băng nhạc gần bên siêu thị Á Châu đó. Khỏi ghi điện thoại con ơi. Ngày nào ra chợ, Mẹ chả đi ngang qua đó.

Ừa hén, Bích Thu Vân chớ có phải Beethoven đâu. Chắc tai của cô nghe tiếng Đức riết, nên nghe… gà hóa cuốc.

Chị của người bạn chở cô đi shopping. Vừa quẹo vào bãi đậu xe, chị dừng, nói với cô:
– Em xuống đi! Chị phải chạy ra xa để “phạc”.

Cô giật mình, ồ, chị sao ý tứ quá. Chỉ “thả hơi” mà cũng ngại, kêu mình xuống để tìm nơi thích hợp.

Cô vui vẻ:
– Đâu sao chị. Em đi theo chị được mà.

Chị lúc lắc đầu:
– Không, ở đây chị không “phạc” được. Phải chạy ra ngoài kia thôi.

Cô hơi tức cười. Nhiều người cũng lạ, những chuyện “tiện”, từ tiểu, đến trung, đến đại đều phải cần chỗ thuận tiện mới được. Thôi, thì mình đứng đây chờ, cho chị thoải mái. Nhưng cô lo lắng:

– Em lạ chỗ. Đứng một mình, hơi sợ chị ạ.

Chị chặc lưỡi:
– Ừ, em đi theo chị vậy.

Chị chạy ra xa, tìm chỗ rộng đậu xe. Rồi chị rút chìa khóa bước ra. Cô ngạc nhiên, ủa, vậy chị “phạc” hồi nào vậy ta. Cô theo chị. Vừa rảo bước, chị kể:

– Em chị nó ghẹo chị hoài. Chị chạy xe có thấy tiến bộ. Nhưng “phạc” thì dở lắm. Phải tìm chỗ rộng. Chớ mấy “phạc kinh” của phi trường thì chả dám.

Ô là la! Nãy giờ chị lo tìm chỗ để park chớ có phải để... fart đâu.

Tăm Bông
Ngày tháng ở ký túc xá của cậu bỗng dưng rộn ràng hẳn lên. Số là, có con bé mới đến dự học lớp Đức Ngữ sơ cấp. Sau khi truy cập tung tích, cội nguồn, lăng lăng líu líu, cậu khám phá ra, cậu và con bé có họ hàng xa xa với nhau. Bà con theo kiểu gọi ông già hói trên lon sữa là Ông Thọ. Sao cũng được, miễn là con bé có vẻ tin tưởng cậu, thắc mắc gì, chạy qua hỏi ý cậu. Cậu ta đây là người đi trước, trước được cả hai năm trời, đã vào đến lớp 11 của trung học Đức (mặc dù cậu đã xong trung học Việt Nam trước đó 6 năm). Trưa hè đậm nắng, đám học sinh Việt rủ nhau đi hồ bơi. Cậu qua thông báo cho con bé, cho biết cậu định ra siêu thị mua ống kem chống nắng. Con bé vui vẻ:

– Tiện quá, sẵn nhờ anh mua cho em một ít tăm bông. Đi bơi cũng cần thứ này.

Cậu khựng lại. Cái gì! Con bé nhờ mình mua “tampon”. Cậu lầm bầm:
– Được, được.

Rồi quày quả bước đi. Mới mấy năm mình xa Việt Nam. Không dè con gái bây giờ quá sức tự nhiên. Dám mở miệng nhờ đàn ông con trai đi mua món hàng... tối mật đó. Nói cho ngay, cậu biết được công dụng của món hàng cũng mới đây thôi. Khi đang coi ti– vi thấy quảng cáo, cậu buột miệng hỏi thằng bạn bên cạnh. Nó nheo mắt nhìn cậu như thằng ngáo. Rồi vênh váo bằng giọng đàn anh, cắt nghĩa cho cậu nghe. Cậu bỗng đâm ra bực bực cái con bé này, cảm thấy nó hơi dễ ghét. Biết lấy lý do gì để từ chối. Mua cho nó, lỡ đứa bạn nào bắt gặp, chỉ có nước độn thổ. Cậu lẩn quẩn khu vực cấm kỵ một hồi, lấm lét ngó quanh. Mong đừng gặp người Việt nào trong lúc này. Cậu nhanh tay chụp một hộp, bỏ vào xe. Đến quầy, cậu còn cẩn thận lấy thêm tờ báo chương trình ti– vi, phủ lên hộp tampon. Cậu nóng cả mặt, khi cô bán hàng cầm hộp lên xem giá tiền. Hình như cô ta đang nhìn cậu soi mói. Cậu lẹ tay bỏ món hàng “quốc cấm” vào túi. Thở phào nhẹ nhõm, vừa xong sứ mạng khó khăn. Về ký túc xá, cậu dùng bao to quấn hộp hàng nhỏ năm bảy bận. Cậu đem món hàng qua giao cho con bé, lắc đầu nguầy nguậy khi con bé hỏi, xin gởi lại tiền. Lật đật ra về, sợ lỡ ai bắt gặp. Cậu đang bận rộn bỏ mấy món đồ bơi vào túi. Có tiếng gõ cửa. Cậu không tin ở mắt mình. Con bé đang đứng trước cửa, tay cầm hộp tampon, trơ trụi, không che giấu gì sất. Trời cao đất rộng ơi, nó có ý định gì đây. Con bé rụt rè:

– Anh ơi, loại tăm bông này lạ quá. Không giống như mấy cái tăm bông be bé để ngoáy tai, hôm trước mấy chị cho em ở hồ bơi.

Cậu sực hiểu:
– À, cái đó tiếng Đức gọi là “Wattestäbchen.”

Con bé rùn vai:
– Eo ui, chữ gì khó nhớ quá. Em cứ gọi tăm bông cho dễ.

May quá, con bé mới qua, chữ nghĩa chưa đủ để đọc hướng dẫn trên bao bì. Bởi vậy, nó không biết cái món cậu “bé cái nhầm” là gì. Lòng cậu thơ thới. Cậu sẽ chạy ù ra siêu thị, đường đường chính chính, khuân vài hộp tăm bông cho con bé. Cậu thấy con bé vẫn dễ thương như hôm nó mới đến.

– Hoàng Quân

Blog Archive