Thursday, May 29, 2008

NGƯỜI BÁN SÁCH TRÊN BÃI BIỂN NHA-TRANG


Phạm Tín An Ninh
(Vương Quôc Na-Uy)

Tôi trở về thăm quê hương sau hơn mười lăm năm, kể từ ngày vượt biển ra đi. Tôi quyết định điều này qua bao nhiêu đêm ưu tư trằn trọc. Tôi chẳng còn ai thân quen bên ấy để về thăm. Mẹ tôi mất hồi tôi mới lên năm. Cha tôi chết cuối năm 1977 trong trại tù cải tạo Đá Bàn, khi tôi đang ở một trại tù khác tận núi rừng Việt Bắc và mãi năm năm sau tôi mới nhận được tin buồn. Đứa em gái mà tôi thương quí nhất, mang hình ảnh của người mẹ mà tôi chỉ còn mơ hồ trong ký ức, cũng đã kết liễu cuộc đời ở cái tuổi tưởng chừng lúc nào cũng có cả một bầu trời xanh bao la trước mặt. Còn bạn bè tôi, thằng chết, đứa ra đi, gởi thân khắp bốn phương trời. Biết là lần trở về này, rồi cũng chẳng khác gì cái ngày cách đây mười sáu năm, từ một trại tù miền Bắc trở về, tôi bơ vơ lạc lõng trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tôi cũng không có ý định về đây để tìm lại những kỷ niệm ngày xưa. Những “hang động tuổi thơ”chắc cũng đã biến mất trước bao nhiêu giông tố năm nào bất ngờ ụp xuống. Bây giờ chỉ còn sót lại chút ít trong lòng những người tha phương lưu lạc. Bản thân tôi có quá nhiều đớn đau và mất mát ngay trên chính cái thành phố một thời xinh đẹp này. Tôi sợ phải nhìn lại cái quá khứ hãi hùng và tang thương đó. Tôi về chỉ để làm một điều, mà nếu không làm được, lòng tôi sẽ ray rứt khôn nguôi. Có lẽ đến khi chết tôi vẫn không làm sao nhắm mắt.

Tôi về để tìm lại phần mộ của cha và em tôi, cải táng đem về an táng bên cạnh phần mộ của mẹ tôi trong nghĩa trang gia tộc ở quê tôi ngoài Vạn Giã. Đó là điều ước mơ của cha tôi, mỗi lần ông kể cho tôi nghe về mẹ tôi và chuyện tình khá lãng mạn nhưng cũng nhiều cay đắng của ông bà. Cha tôi được chôn cất sơ sài trên núi Đá Bàn, bên ngoài một trại tù cải tạo lúc xưa. Còn em gái tôi, được gia đình một cô bạn thân chôn cất tại một nghĩa trang ngoài Đồng Đế. Khó khăn và may mắn lắm tôi mới tìm được tin tức về mộ phần của cha và em tôi sau hơn hai mươi năm. Nhờ một người bạn cùng tù với cha tôi, chính tay ông đã đào huyệt cho cha tôi; và gia đình cô bạn thân của em gái tôi, vượt biên từ năm 1978, hiện định cư tận bên Hòa Lan, cung cấp chi tiết và vẻ cả bản đồ hướng dẫn cho tôi.

Ngồi trên máy bay, tôi lo lắng đủ điều. Mộ em tôi nằm trong một nghĩa trang, dù chưa được xây, nhưng có tấm bia đúc bằng xi-măng nên có lẽ dễ tìm; nhưng phần mộ của cha tôi, nằm trong núi và cái trại cải tạo ngày xưa bây giờ đã biến thành một khu kinh tế mới. Gần ba mươi năm rồi, có biết bao sự đổi thay.

Cuối cùng thì tâm nguyện của tôi cũng hoàn thành được một nửa. Trái ngược với những lo lắng ban đầu, tôi dễ dàng tìm ra phần mộ của cha tôi. Mặc dù bối cảnh chung quanh thay đổi, nhưng bà con ở vùng kinh tế mới này đa số là dân thành phố bị cưỡng bách “tự nguyện” lên đây, một số ngày xưa là lính và công chức. Biết đây là mộ của những người tù cải tạo, nên họ thương mà rào lại và giữ gìn. Những dịp cuối năm họ đều thắp hương, tảo mộ và kẻ lại tên trên những tấm bia bằng gỗ, dù đã rong rêu qua bao nhiêu mùa mưa nắng. Riêng phần mộ của em tôi, mò mẫm suốt cả hai tuần tôi vẫn tìm không ra. Cả khu nghĩa trang bây giờ thay đổi. Người chết nhiều quá. Nhiều ngôi mộ mới xây, nhưng cũng có một số đã được cải táng, dời đi nơi khác. Nhà cửa cất san sát bên nghĩa địa. Người sống bây giờ ở chung với người chết. Tôi bắt chước người xưa khấn vái, xin hồn thiêng em tôi về chỉ cho tôi ngôi mộ của em nằm. Nhưng lời vái của tôi vẫn không thiêng.

Tôi thuê người cải táng phần mộ của cha tôi. Đi từng nhà trong khu kinh tế mới cám ơn lòng tốt của mọi người. Đưa hài cốt của cha tôi về an táng bên cạnh mẹ tôi, trong nghĩa trang gia tộc, thuê thợ xây lại tất cả những ngôi mộ đã bao nhiêu năm không có ai chăm sóc.

Còn một ngày nữa là hết hạn visa. Tôi muốn đi một vòng, tìm lại chút gì của Nha-Trang xưa. Mùa hè Nha-Trang bây giờ dường như nóng bức hơn ngày xưa. Tôi thuê một chiếc xích lô chạy dọc theo con đường Duy-Tân cũ. Vừa để cho mát, vừa muốn tìm lại những lùm cây dương ngày trước, thuở chúng tôi và bạn bè hẹn hò sau những lúc tan trường. Một số lùm dương vẫn còn đó, nhưng trơ trọi, điêu tàn. Tôi bảo anh phu xe cho tôi xuống trường Võ-Tánh. Anh phu xe còn trẻ, thắng xe lại, ngạc nhiên. Tôi hiểu, nên tôi bảo tôi sẽ chỉ đường, anh cứ theo tôi. Ngôi trường cũ, nơi tôi có biết bao kỷ niệm của ba năm theo học, bây giờ không những cái tên trường, mà tất cả đều trở thành xa lạ. Những hàng cây phía trước không còn. Ngôi trường đứng chơ vơ, chẳng còn sót lại chút gì thơ mộng, gây trong tôi một cảm xúc bẽ bàng hơn là thương tiếc. Bất giác tôi nhớ đến em tôi. Đứa em gái xinh đẹp dễ thương, đã cho tôi cái ấm áp của cả một gia đình, trong những ngày chúng tôi lớn lên không có mẹ. Em học bên trường Nữ Trung Học, nhưng thường đến đây chờ tôi để hai anh em cùng ra biển. Em tôi thích tắm biển, nhưng ngại đến đó một mình nên thường rũ tôi đi theo hộ tống. Tôi tha hồ làm tình làm tội mấy anh chàng muốn đến làm quen, tán tỉnh em tôi. Tôi đi bộ dọc theo bãi biển, tìm đến khu có nhiều cây dừa trước trường Bá-Ninh lúc trước, nơi ngày xưa em tôi thường ngồi ở đó.

Tôi đưa mắt nhìn một vòng từ xa. Nơi bậc xi măng tiếp giáp bãi cát, một người tàn tật đang khó nhọc dùng cánh tay duy nhất còn lại giữ thăng bằng trườn xuống. Trông anh ta giống như một con cóc. Len lỏi trong đám người đi tắm, anh hướng về phía tôi ngồi. Lưng anh mang túi vải chứa đầy sách, và kéo lê trên cát một cái túi vải nữa, cũng toàn là sách. Anh lê lết từng quãng, từng quãng ngắn. Bất ngờ anh ta ngước lên. Thấy tôi gật đầu chào, anh ta nhìn tôi cười rạng rỡ, để lộ hàm răng trắng. Khuôn mặt tuấn tú, râu quai hàm, vầng trán cao với mấy sợi tóc vắt ngang rất nghệ sĩ. Anh dùng bàn tay duy nhất lôi một cuốn sách trong túi vải đang nằm trên mặt cát và từ từ mở ra. Tôi liếc qua. Cuốn sách có cái tựa viết bằng tiếng Anh, nói về chuyện chuyến tàu Titanic. Tôi nhớ đến cuốn phim cùng tên, mới quảng cáo rầm rộ trên truyền hình Na-Uy mà tôi chưa kịp đi xem. Bỗng tôi tròn mắt ngạc nhiên khi nghe anh mở lời chào và giới thiệu cuốn sách bằng tiếng Anh mà anh phát âm rất lưu loát, không thua kém gì những người Việt đã sinh sống lâu năm ở nước ngoài. Anh lầm tưởng tôi là người Nhật hay Đại Hàn gì đó. Tôi thán phục anh vô cùng và bảo với anh tôi là người Việt, định cư ở Na-Uy, nên trình độ tiếng Anh của tôi chỉ vừa đủ nói dăm ba câu xã giao, chứ làm gì có thể thưởng thức được văn chương. Tôi cám ơn anh và móc ví ra định biếu anh một chút tiền, nhưng anh vội đưa tay ngăn lại

- Cám ơn anh, nhưng xin anh để dành tiền cho những người còn nghèo khổ hơn tôi.

Anh nhỏ nhẹ bằng một giọng thân thiện và lễ độ.

Câu nói và thái độ của anh làm tôi rất đỗi ngạc nhiên. Vì từ khi trình giấy thông hành vào nước, trước những người mang lon, đội mão đại diện cho cả môt quốc gia mà cũng không có được phong thái thanh tao như anh; và chẳng lẽ ở trong cái thành phố ”mũi nhọn du lịch” này lại còn nhiều người khốn khổ hơn anh ?

Tôi đành mua một cuốn sách để anh vui lòng nhận tiền, nhưng rồi thấy anh cứ loay hoay moi hết túi nọ đến túi kia, để tìm đủ tiền thối lại cho tôi.

Tôi muốn hỏi thăm anh vài câu, nhưng anh đã nhoẻn miệng cười và gật đầu chào tôi rồi vội vàng lết sang mấy người khách nước ngoài đang nằm phơi nắng trên hàng ghế phía trước.

Từ hôm ấy, hình ảnh người tàn tật bán sách trên bãi biển Nha-Trang cứ lẩn quẩn trong đầu và theo tôi về tới Na-Uy; để rồi nếu có ai đó lỡ lời nói điều gì không mấy tốt về những người nghèo khổ ở Việt nam, tôi có cảm tưởng như đang xúc phạm đến anh, người bán sách khả kính mà tôi bất ngờ được gặp.

* * *
Năm sau, tôi lấy một tháng hè về lại Việt nam. Lần này tôi mua vé và nhờ cha cô bạn của em tôi, từ Hòa Lan, cùng về với tôi. Ông là người đã giúp chôn cất em tôi ngày trước. Tôi không ngờ là mình phải về lại Việt nam lần thứ hai. Một điều mà trước đây tôi không hề nghĩ tới... Nhưng tôi phải làm tròn bổn phận của người anh với cô em gái, mà nếu trước kia tôi lo lắng cho nó chu đáo hơn, biết đâu bây giờ nó còn sống để cho tôi khỏi cảnh côi cút một mình.

Sau một chuyến bay dài, tôi mệt đừ người. Tôi trở về từ vùng Bắc Âu lạnh lẽo, bây giờ lại gặp cái nắng oi nồng của vùng nhiệt đới. Sau khi thuê khách sạn xong, tôi chạy ngay ra biển tắm. Nằm dài trên bãi cát, tôi bỗng nhớ tới người bán sách năm xưa. Tôi thả bộ theo bờ biển về hướng mấy cái lều có bóng dáng nhiều người ngoại quốc đang từ khách sạn kéo ra, bỗng mắt tôi sáng lên khi nhìn thấy người tàn tật đang lê lết theo sau. Cũng hai cái túi vải đựng sách. Đúng là anh tàn tật bán sách năm trước chứ còn ai. Tôi mừng thầm như sắp sửa được gặp lại con người mà bấy lâu nay tôi thường nghĩ tới với lòng mến mộ. Tôi suy nghĩ làm cách nào để anh ta vui lòng nhận sự giúp đỡ của mình. Nhưng người tàn tật lúc nào cũng bám sát vào những người nước ngoài. Tôi để ý thấy người ta cũng không mua sách và chỉ cho anh tiền. Tôi ngạc nhiên khi thấy anh ta cười, hớn hở nhận tiền rất điệu nghệ, không nghe anh nói cái câu thật tử tế mà một năm trước anh đã lễ phép nói với tôi “Cám ơn anh, nhưng xin anh để dành cho những người còn nghèo khổ hơn tôi”. Một cái gì đó thật đẹp vừa bị sụp đổ trong lòng. Tôi cảm thấy người nóng hừng hực. Không biết là sức nóng giữa ban trưa hay vì máu nóng bốc lên đầu. Tôi cắm đầu chạy lao vào những đợt sóng cuồng nộ đang từ ngoài khơi đổ vào bờ.

Nước biển trong xanh, sóng biển như những cánh tay ôm tôi vào lòng vuốt ve, dỗ dành. Mặt nước mênh mông, trãi rộng đến những dãy núi mờ xanh tận cuối chân trời. Tôi nghe văng vẳng trong không gian như có ai đang dạo đàn bản Nha Trang Ngày Về. Thiên nhiên phần nào giúp tâm hồn con người rộng mở và dễ cảm thông hơn.

Sau một hồi quần với sóng biển, tôi cũng tạm quên người tàn tật bán sách đã làm tôi hụt hẫng. Nhưng khi vừa bước lên bờ cát thì tôi lại trông thấy anh ta đang o bế mấy người nước ngoài và đưa tay xin cả thức ăn thừa. Tôi nghi ngờ, có thể là người tàn tật này không phải là người tàn tật năm xưa. Tôi đến gần hỏi thăm. Nhưng chưa hỏi hết câu hắn đã “Đ.m. cái khứa đói rã họng ra mà còn làm cao ấy hả. Chết mẹ nó rồi.”

Chỉ nghe cái giọng lỗ mãng của hắn, tôi đủ biết chắc hắn ta không phải là anh – người tàn tật bán sách mà năm trước tôi đã gặp -. Tôi theo người bán sách này với ý định hỏi thăm thêm về anh cho ra lẽ, nhưng thấy hắn ta chẳng mấy tha thiết. Hắn di chuyển chậm, nhưng mắt hắn lại quan sát thật nhanh về những đám người đang xuống bãi ở quãng xa. Và khi đi ngang qua chỗ ngồi của người đàn bà bán cua luột, hắn hất hàm bảo: ” Đó, vợ khứa đó ! ”

Tôi liền chụp ngay cơ hội, hy vọng tìm ra manh mối. Nhưng khi tôi lân la lại gần, thấy chị bán cua luột này có vẻ nghiêm trang khác với những người bán hàng rong bình thường, tôi không biết phải bắt đầu làm sao. Tôi mua hết con cua này tới con cua khác mà chẳng ăn con nào. Và cứ mỗi lần chị định quảy gánh đi chỗ khác, tôi gọi giật lại mua thêm một con nữa để giữ chân chị. Vừa lúc chị nhận ra người khách mua cua này cũng có gì khác thường, tôi buột miệng : “Chị là vợ của người tàn tật bán sách trên bãi biển này mấy năm trước ?”. Chị ngớ người ra, im lặng nhìn tôi. Có lẽ thấy tôi là một người xa lạ sao lại tò mò vào một chuyện riêng tư. Tôi kể cho chị nghe cái cảm tình đặc biệt mà tôi đã dành cho anh ấy. Tôi muốn tìm cách giúp anh một phần nào nỗi thống khổ tật nguyền. Tôi tha thiết muốn biết về anh. Dường như những lời chân thật của tôi làm cho chị xúc động. Chị nhìn tôi, đôi mắt thật buồn :

- Em không phải là vợ của anh ấy. Tụi em cùng cảnh khổ nên đùm bọc lấy nhau mà sống. Một số người đùa, gán ghép tụi em rồi quen gọi thế thôi, anh ạ. Anh ấy đã chết cách nay hơn tám tháng. Em đã lo chôn cất anh ấy.

Lòng tôi thắt lại, một phần vì cảm thương anh trong cảnh khốn cùng, một phần ân hận là giá năm trước mình tìm cách giúp đỡ anh, biết đâu đã cứu được anh. Tôi có ý muốn nhờ chị đưa tôi ra mộ để thắp cho anh nén hương. Chị ngại ngùng nhưng cuối cùng gật đầu hẹn bốn giờ chiều chờ tôi trước khách sạn tôi ở.

Tôi thuê chiếc taxi, và xin phép cùng ngồi với chị ở băng ghế sau để dễ dàng trò chuyện. Trên đường ra nghĩa trang, chị say sưa tâm tình cùng tôi, như từ lâu lắm chị không có dịp nói ra những điều bao năm dấu kín trong lòng. Chị tên Trang. Cha chị trước kia là một trung sĩ địa phương quân, bị thương năm 1968, trong trận tết Mậu Thân, nên được giải ngũ. Mẹ chị mất từ khi chị còn bé lắm. Cha chị không chịu tục huyền mà ở vậy nuôi đứa con độc nhất của mình. Nhờ số tiền trợ cấp ban đầu, ông mua được một căn nhà tôn trong khu dành cho thương phế binh, nằm phía sau ga xe lửa. Ông xin được cái chân bán vé cho hãng xe đò Phi Long ở bến xe Xóm Mới. Lương ba cọc ba đồng cộng với tiền hưu bỗng hàng tháng, ông dành dụm cố lo lắng cho cô con gái học hành. Năm 1974, xong lớp 12, chị thi đậu vào trường sư phạm. Sau ngày Nha-Trang “giải phóng”, chị bị loại ra bởi lý lịch “ngụy quân” của cha. Lúc này, gia đình trở nên bi đát. Cha chị, tất nhiên, không còn được lãnh tiền hưu bỗng ngày trước, chị không tìm ra bất cứ việc gì làm. Cuối cùng cha chị đành phải bán một nửa căn nhà vốn đã chật chội để mua một chiếc xích lô làm phương tiện sinh nhai. Còn chị thì đi bán hàng rong từ dạo ấy.

- Đến bây giờ ông cụ vẫn còn đạp xích lô ? Tôi tò mò hỏi.

- Ông mất lâu rồi anh ạ. Tội nghiệp, ông thương anh Bá lắm, xem anh ấy như con.

Tôi ngạc nhiên :

- Anh Bá nào ?

- Người tàn tật bán sách đó.

Đến bây giờ tôi mới biết tên của anh.

Chị cho biết anh Bá ngày xưa là trung úy phi công. Máy bay của anh bị bắn rơi vào những ngày Sài gòn nguy khốn, khi yểm trợ cho mặt trận Long Khánh của Sư đoàn Tướng Đảo.

Anh được anh em bộ binh tiếp cứu, nhưng anh bị thương rất nặng, phải đưa về tổng y viện Cộng Hòa. Sau cuộc giải phẫu khá dài, anh tỉnh lại. Nhưng khi biết được mình bị mất hai chân và một cánh tay, anh ngất xỉu và hôn mê suốt cả một tuần. Ngay sau khi Sài gòn vừa “giải phóng”, anh bị đuổi ra khỏi Tổng Y viện Cộng Hòa khi vết thương chưa lành. Gần hai tháng sau cha em gặp anh ấy trên bến xe Xóm Mới. Biết được phần nào hoàn cảnh thương tâm, cha em lấy xích lô chở anh về nhà chăm sóc vết thương và anh sống với cha con em từ dạo ấy.

- Anh ấy không có thân nhân. Tôi hỏi

- Anh có một cô em gái ở đây, nhưng mà chết lâu rồi. Ban đầu không nghe anh nói điều này. Mãi sau này thấy trên đầu giường của anh có thờ tấm ảnh của một cô con gái và có nhiều đêm rất khuya anh ngồi bất động trước tấm ảnh, cha em hỏi mấy lần, anh mới bảo đó là cô em gái duy nhất của anh.

- Anh không còn bạn bè ?

- Nghe nói anh đang học một khóa phi hành ở đâu bên Mỹ, rồi nhờ có trình độ anh ngữ khá, anh được lưu lại Mỹ làm sĩ quan liên lạc không quân. Nghe tin miền Nam nguy khốn, anh tình nguyện xin về chiến đấu. Vừa về nước, anh ra chiến trường ngay và bị nạn khi đang bay phi vụ thứ hai. Có lẽ vì vậy mà không nghe anh nhắc tới bạn bè.

Xe dừng lại, tôi bước xuống trả tiền và bảo anh tài xế chờ tôi hoặc có thể quay lại sau 30 phút. Tôi bước vào nghĩa trang khi lòng còn vương vấn một câu chuyện buồn. Tiếng chuông nhà thờ từ đâu vọng lại càng làm cho lòng tôi chùn xuống. Đi quanh co một lúc, chị Trang bảo tôi dừng lại và chỉ cho tôi ngôi mộ của anh Bá, nằm bên cạnh ngôi mộ của cô em gái. Cả hai ngôi mộ được xây bằng đá đơn giản, trên tấm bia có cả tấm ảnh.

Tôi ngạc nhiên khi thấy trên mộ bia anh Bá có hình một thập tự giá, vì đây là nghĩa trang Phật giáo. Tôi đến trước mộ anh, thắp ba nén hương thầm khấn vái cho anh được sống an bình trong một thế giới chẳng còn thù hận, và nói lên lòng cảm mến của một người đồng đội cũ. Tôi nhìn kỹ tấm ảnh của anh trên mộ bia, tấm ảnh chụp lúc anh còn là sinh viên sĩ quan không quân, phong độ, hào hùng. Trông khuôn mặt quen quen. Có lẽ do bộ quân phục làm tôi nhớ tới khuôn mặt của những bạn bè ngày trước.

Tôi bước sang mộ cô em gái, thắp ba nén hương cho một người không hề quen biết. Tôi tò mò bước lên xem tấm ảnh trên mộ bia. Bỗng đầu óc tôi choáng váng, mắt tôi mờ đi như chẳng còn trông thấy những gì trước mặt. Trời ơi, có điều gì lầm lẫn hay không ? Người trong tấm ảnh chính là An Bình, cô em gái yêu dấu của tôi.

Tôi cố gắng lấy lại bình tĩnh, mở đôi mắt thật to để nhìn kỹ lại tấm ảnh. Không thể lầm lẫn được. Chính tấm ảnh của em tôi mà tôi vẫn treo trên bàn thờ cùng với ảnh của cha và mẹ của tôi. Tôi vẫn thường đứng hằng giờ trước những tấm ảnh này mỗi khi thấy mình quá đỗi cô đơn trên xứ lạ quê người. Làm sao tôi có thể nhầm lẫn được. Bỗng dưng tôi khóc sụt sùi.

Trang nhìn tôi ngạc nhiên :

- Anh có quen biết em gái anh Bá ?

Tôi im lặng không trả lời, bảo chị cùng đi với tôi. Chiếc taxi vẫn còn đợi tôi tự nãy giờ. Tôi móc bóp tìm địa chỉ của cha cô bạn thân của em tôi, đã từ Hòa Lan về đây trước tôi hai ngày, và chúng tôi hẹn gặp nhau ngày mai. Bác trọ ở nhà một người em trong khu cầu Xóm Bóng. Tôi đưa địa chỉ cho anh tài xế. Chỉ hơn năm phút sau là anh ta đã tìm được. May mắn là bác có ở nhà. Tôi xin lỗi bác là đã đến tìm bác sớm hơn ngày hẹn. Báo cho bác là tôi đã bất ngờ tìm được mộ của em tôi. Xin bác cùng đi với tôi ra nghĩa trang để xác nhận lại vị trí ngôi mộ của em tôi mà ngày trước bác đã có lòng chôn cất hộ.

Trở lại nghĩa trang, tôi đề nghị bác dẫn đường, như muốn để xác minh chắc chắn là bác biết rõ ngôi mộ ấy. Bác mò mẫm gần 30 phút mới tìm được ngôi mộ của em tôi. Bác ngạc nhiên là ngày ấy bác chỉ kịp dựng một tấm bia, chứ không có xây mộ đá như bây giờ, và trên bia cũng chỉ có tên chứ không có hình ảnh của em tôi.

Tự nãy giờ Trang vẫn còn ngạc nhiên, không biết rõ việc gì. Tại sao cô gái này là em gái duy nhất của anh Bá mà cùng là em gái của tôi ? Tôi xin lỗi vì xúc động quá, tôi sẽ kể cho Trang nghe trên đường về nhà.

Tôi đưa cha cô bạn của em tôi về lại nhà trọ, cám ơn bác và hẹn gặp lại bác vài hôm sau. Trên đường về, tôi kể lại cho Trang nghe về hoàn cảnh của gia đình tôi. Tôi đi lính xa nhà, mỗi năm chỉ về phép một đôi lần.

An Bình, đứa em gái duy nhất của tôi ở Nha-Trang với cha tôi. Ông là một thầy giáo, ngày xưa dạy ở trường Pháp-Việt lúc tôi mới lên ba. Sau ngày về hưu ông được bà con mời làm chủ tịch hội đồng xã. Ông bị bắt vào trại cải tạo Đá Bàn sau ngày Nha-Trang “giải phóng”, rồi vì tuổi già sức yếu, không chịu nổi sự tra tấn, ông đã chết gần một năm sau đó. Em gái tôi nối nghiệp cha, sau khi tốt nghiệp ở trường sư phạm Qui Nhơn, vì hoàn cảnh gia đình, được về dạy ở Nha Trang. Có lần tôi về phép, em kể cho tôi nghe về mối tình của em với một chàng sinh viên sĩ quan không quân. Em có đưa cả tấm ảnh cho tôi xem và hẹn sẽ giới thiệu với tôi khi chàng ta ở Mỹ trở về. Em lo lắng vì anh là người Bắc di cư, công giáo, không hiểu có khó khăn gì cho cuộc hôn nhân. Tôi bảo nó yên tâm, ba tôi theo tây học, nên ông quan niệm về tôn giáo rộng rãi lắm.

Sau khi cha tôi vào trại cải tạo, căn nhà của chúng tôi bị nhà cầm quyền mới tịch thu để làm hợp tác xã mua bán. Em tôi không được tiếp tục dạy học nữa nên ra Xóm Bóng ở chung với cô bạn học nối khố tự ngày xưa, chắt chiu số tiền còn dành dụm được để thăm nuôi cha tôi. Ngay sau ngày Sài-gòn mất, em có vào tìm thăm tôi và người yêu của cô. Hơn hai tuần đi thăm hỏi khắp nơi, em tôi về nằm khóc cả mấy ngày liền, nói với tôi là người yêu của nó đã chết mất xác ở chiến trường Long-Khánh. Tôi an ủi em tôi, bảo nó về Nha-Trang cố gắng thay tôi lo lắng cho cha, chờ ngày cha và tôi trở về sum họp. Tôi vào tù hơn sáu tháng, hai lần được phép gởi thư về nhà, vẫn không thấy em gái hồi âm. Cho mãi trước khi được chuyển ra Bắc, tôi mới nhận được thư của cô bạn thân của nó, báo tin là nó không kiếm được việc gì làm, túng quẫn, buồn chán, nên đã uống nguyên một ống thuốc ngủ. Gia đình cô chở vào bệnh viện, nhưng không cứu được, vì không tìm ra thuốc giải.

Chị Trang suy nghĩ miên man và như chợt nhớ ra được điều gì. Chị bảo khi còn sống, anh Bá không đi làm vào ngày chủ nhật. Anh đi lễ nhà thờ rồi ra mộ suốt cả ngày. Chính anh đã dành dụm tiền bạc thuê người xây lại ngôi mộ và mua phần đất dành cho mình. Khi chôn cất anh xong, chị tìm thấy một tập nhật ký dấu kỹ dưới đầu giường. Chị vẫn còn để trên bàn thờ, chờ ngày giáp năm thì đốt luôn. Chị bảo tôi cùng về nhà với chị, để chị trao lại cuốn nhật ký, kỷ vật duy nhất của một người cùng sống chung trong cảnh khốn cùng với cha con chị trong gần ba mươi năm, và bây giờ mới biết đó là người yêu của cô em gái thương quí của tôi.

Chị bảo taxi dừng lại trước một ngõ tắt phía sau ga xe lửa. Tôi trả tiền, theo chị băng qua hai con đường sắt, đi quanh co theo mấy con hẻm thì đến nhà. Tôi xin phép thắp hương trước bàn thờ của ba chị và Bá, trên một cái kệ nhỏ bằng gỗ treo trên vách. Tôi khẩn khoản xin chị nhận một số tiền để chăm sóc ngôi mộ của ông cụ, em gái tôi và Bá, một ít làm vốn buôn bán để đỡ vất vả hơn xưa. Tôi xin nhận Trang là cô em kết nghĩa và từ nay Trang là người thân quen duy nhất của tôi còn lại ở Nha-Trang. Chia tay, tôi đi bộ về khách sạn, cầm theo cuốn nhật ký trên tay, mà cứ tưởng như mình vừa nhận một món quà quí giá của người thân gởi về từ một cõi nào đó thật xa xăm.

Ngày 2/5

Vết thương còn đau đớn và máu còn thấm đỏ qua mấy lớp băng, vậy mà mình bị người ta đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa, trong hoàn cảnh tứ cố vô thân. May mắn nhờ một ân nhân nghèo nhưng lại giàu lòng bác ái, đùm bọc, nuôi nấng và chăm sóc vết thương.

Nhiều lần, trong vực sâu tuyệt vọng, mình không muốn sống thêm một ngày nào nữa, nhưng lòng mình lúc nào cũng hướng về chúa Kitô, và xin phó thác tất cả ở nơi Ngài.
......

Ngày 20/6

Cuối cùng, thì mình quyết định trở về Nha-trang, bởi lẽ mình không còn có một chỗ nào khác để trở về. Mình về đây để tìm lại những kỷ niệm đẹp đẽ nhất của đời mình, của những ngày mình còn có An-Bình. Từ ngày gặp An-Bình, mình nghĩ là mình đã thuộc về Nha-Trang, miền thùy dương rạt rào thơ mộng này. Đau đớn thay, hôm nay mình chẳng phải là mình ngày trước, mà chỉ là một kẻ tật nguyền thê thảm. Mình sẽ không bao giờ gặp lại An-Bình, mà chỉ mong về đây để được sống với hình ảnh của nàng

Ngày 08/7

Ngày hôm nay có lẽ là ngày đau đớn nhất trong đời mình. Đau đớn hơn cả cái ngày mình tỉnh dậy trong quân y viện và biết mình trở thành một người tàn phế. Mình lê lết khắp nơi hỏi thăm tin tức An-Bình, được biết là em đã quyên sinh. An-Bình ơi, xin em hãy tha thứ cho anh. Trong vận cùng của một đất nước mà anh chỉ là một thằng lính hèn mọn nhỏ nhoi, làm sao có thể giữ được bầu trời Nha-Trang này cho em, và cho những kỷ niệm của chúng mình...

Một hồi chuông nhà thờ làm tôi giật mình. Ngẫng đầu lên mới biết mình đang đừng trước nhà thờ đá. Tôi thẩn thờ bước lên những bậc “tam cấp”, đến trước tượng Đức Mẹ. Tôi là người ngoại đạo, không biết phải cầu nguyện như thế nào. Tôi chấp hai tay trước ngực, kính cẩn xin Thiên Chúa từ bi và Đức Mẹ Maria cứu vớt linh hồn của hai người hoạn nạn và xin cho họ được cùng phục sinh với Chúa để tình yêu của họ mãi mãi vĩnh hằng trong một thế giới bình an, không còn có hận thù.

Tôi không còn ý định dời ngôi mộ em tôi về bên cạnh cha mẹ tôi. Tôi về quê, quỳ trước mộ cha mẹ tôi để xin phép được xây lại hai ngôi mộ của em tôi và Bá chung trong một vòng thành. Không ai có quyền chia rẽ họ thêm một lần nữa, dù bây giờ chỉ còn là một thế giới vô hình.

Cũng như lần trước, ngày cuối cùng, tôi thuê xích lô đi một vòng dọc theo con đường Duy Tân cũ. Con đường đẹp nhất của Nha-Trang. Những cơ sở công quyền, những dinh thự của cán bộ bây giờ đựơc dựng lên nguy nga đồ sộ. Nhìn lá cờ màu đỏ trên mấy nóc nhà, bỗng dưng tôi lạnh toát cả người. Chẳng lẽ những thay đổi “to lớn” ấy mà phải xây trên máu xương, trên những đớn đau, chia lìa thảm khốc của bao nhiêu thế hệ đã từng một thời góp sức tạo nên cái thành phố hiền hòa thơ mộng này. Bỗng chốc, tôi không còn nhìn thấy thành phố Nha-Trang đâu nữa. Trước mắt tôi bây giờ chỉ còn là một bãi tha ma, dài ra, vô tận. Tôi nghe trong gió văng vẳng tiếng đàn dạo bài Nha-Trang, mà ngày xưa đài phát thanh Nha-Trang dùng làm nhạc hiệu mở đầu. Tôi nhớ tới cái chết thảm khốc của nhạc sĩ Minh-Kỳ, tác giả bản nhạc quen thuộc một thời này, ông cũng đã bị giết vào tháng 8/75, khi cùng bị nhốt chung với tôi trong trại tù cải tạo An Dưỡng, Biên Hòa.

THẰNG BÉ ĐÁNH GIÀY NGƯỜI NGHĨA LỘ

phạmtínanninh
vương quốc Nauy)

Mấy ngày ngắn ngủi ở Sài Gòn, tôi thường đến ăn tối tại một quán ăn gần khách sạn tôi ở, đi bộ chừng năm phút, có tên Nhà Hàng Thanh Niên, nằm phía sau nhà thờ Đức Bà. Một nơi tương đối yên tĩnh, khu vườn lộ thiên nhỏ nhưng với những khóm trúc dễ thương, và nhất là được nghe lại những bản nhạc tình ca -kể cả tình lính- của miền Nam thuở trước.

Sài Gòn dường như không kịp thở vào những ngày cuối năm. Ngoài đường tấp nập xe cộ và trên vỉa hè cũng kín cả người. Tất cả đều hối hả ngược xuôi, làm như tất cả không còn đủ thời gian để kịp “đổi đời”. Tôi thấy mình lạc lõng trong cái không gian ấy. Tốt nhất là tìm một nơi vắng vẻ ngồi một mình để suy tư và hồi tưởng về Sài Gòn của một thời xưa cũ, mà bây giờ mơ hồ như chỉ còn trong cổ tích.

- Chào chú, cháu đánh giày cho chú nhé.

Tôi giật mình khi nghe một giọng rặt bắc kỳ, chưa kịp quay lại thì ba chú bé đã đến trước mặt tôi. Thằng bé nhất và cũng đứng gần tôi nhất nhìn tôi gật đầu chào:

- Sao chú ngồi một mình buồn thế ? Trông chú hơi lạ. Chắc chú là Việt Kiều mới về thăm quê ?

Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao thằng bé biết mình là “Việt kiều”. Bởi tôi ăn mặc rất đơn giản. Có thể nói là đơn giản nhất so với những thực khách có mặt ở đây. Và mặc dù không ưa cái danh xưng “Việt kiều” này, nhưng thấy thằng bé lễ phép dễ thương, tôi giả tiếng bắc đùa:

- Chú ở nước ngoài về chứ không phải Việt Kiều. Thế ngoài ấy quê cháu ở đâu.

- Cháu ở tận Nghĩa Lộ - Yên Bái

Tôi nắm tay nó:

- Thế hóa ra mình là đồng hương đấy. Chú cũng từng ở Nghĩa Lộ một thời gian lâu lắm.

Thằng bé tròn xoe đôi mắt:

- Chú cứ đùa. Trông chú chẳng phải người quê cháu.

Tôi bèn kể một mạch về Nghĩa Lộ cho thằng bé nghe, từ con sông, con đường cho đến cái dốc Cổng Trời và cái thung lũng Hang Dơi nằm sâu trong vùng núi rừng cực bắc.

Thằng bé ngạc nhiên thích thú, nhưng đôi mắt cứ nhìn tôi không chớp. Tôi bật cười, vỗ vai thằng bé:

- Xin lỗi cháu. Chú đùa cho vui. Đúng là chú từng ở Nghĩa Lộ gần năm năm. Nhưng mà chú bị tù cải tạo ngoài ấy.

Cả ba thằng bé cùng nhao lên:

- À, đúng rồi, con đường ô tô từ dốc Cổng Trời về huyện, bây giờ người ta vẫn gọi là Đường Tù Cải Tạo. Vì nghe mấy ông bà cụ bảo do các chú trong Nam ra cải tạo đắp con đường ô tô ấy.

Ba thằng ở ba nơi khác nhau ngoài Yên Bái. Cả làng đang đói, nên rủ nhau bỏ quê vào miền Nam kiếm sống. Khởi nghiệp là đi xin, sau đó cũng chạy theo “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, ba thằng chung vốn làm ăn, kiểu công ty hợp doanh... Một thằng bán vé số, một thằng bán báo, còn thằng bé nhất đánh giày. Vậy mà cũng sống thoải mái (dù chỉ trên vỉa hè) lại còn dành dụm tiền gởi về cứu trợ gia đình. Thằng bé nhất đang nói chuyện với tôi quê ở Thôn Thượng Sơn, thuộc huyện Nghĩa Lộ. Một cái huyện miền núi nghèo xơ xác, có thể là một trong những nơi nghèo nhất nước, nằm cực bắc tỉnh Hoàng Liên Sơn ngày trước, cách thị xã Yên Bái khoảng một ngày đường. Và cũng là nơi đã từng nhốt nhiều tù cải tạo từ miền Nam chuyển ra, từ anh binh nhì TQLC bị bắt trận Hạ Lào, cho đến hơn ba mươi tướng lãnh, mà đa số đã không bỏ rơi đồng đội của mình vào giờ thứ hai mươi lăm.

Đã hơn ba mươi năm, và bây giờ đang ngồi giữa thủ đô Sài Gòn xưa, tôi cứ tưởng là mình đã quên rồi cái tên Nghĩa Lộ. Vậy mà hôm nay tôi có cảm giác như đang đứng giữa núi rừng Hoàng Liên Sơn, nhìn những thằng bạn tù - và thấy cả chính mình nữa - đang bị hành hạ, đói khổ khốn cùng.

- Cháu đánh giày cho chú nhé. Cháu đánh để kỷ niệm, đề đền ơn chú đã từng đắp con đường ô tô cho quê cháu, chứ không phải xin tiền xin bạc gì chú đâu nhá.

Câu nói hơi dài của thằng bé làm tôi bật cười, trở về thực tại. Tôi cười bởi nghe thằng bé rất nhà quê này xài hai tiếng kỷ niệm, và nói năng ra điều nghĩa hiệp.

Mà có thể là nó nghĩa hiệp thiệt. Ngày xưa khi còn trong lính, sau mỗi lần hành quân về phố, tôi cũng từng quen, và đỡ đầu cho những em bé đánh giày. Tụi nó nghèo, ít học, nhưng biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, và chí nghĩa chí tình. Sau ngày ở tù về, trong lúc làm lơ xe, bất ngờ tôi gặp lại hai đứa đang làm bốc vác ở bến xe Tuy Hòa. Bây giờ là hai cậu thanh niên khỏe mạnh. Có điều sống dưới chánh quyền mới, “nhân dân làm chủ tập thể” nhưng hai thằng không có một mảnh đất cắm dùi, ngày làm ở bến xe, tối ngủ ở chợ. Nghề đánh giày cũng không còn. Không phải vì những thằng bé đánh giày giàu lên sau cuộc đổi đời, mà vì chẳng còn ai mang giày nữa để mà đánh. Vậy mà gặp lại tôi, hai đứa nhận ra, mừng rỡ như gặp lại người thân, vẫn một tiếng “anh Ba”, hai tiếng “anh Ba” như hơn mười năm truớc. Tôi tìm mọi cách từ chối, nhưng hai đứa bảo tôi nhất định phải nhậu với tụi nó một chầu, mừng cho cuộc trùng phùng này mới trọn nghĩa anh em. Khi chia tay, còn nhét vào túi tôi một mớ tiền nhăn nheo, bảo là gởi quà cho các cháu. Tôi thực sự cảm động trước lòng thủy chung cùa tụi nó, trong lúc có bao nhiêu thằng vốn học thức đầy mình, nhưng mới một sớm một chiều đã trở mặt phản thầy phản bạn chạy theo nịnh bợ những thằng “cách mạng 30”, mà mới hôm qua hôm kia còn khinh rẻ là đám lưu manh, xích lô xe kéo!

Anh tiếp thị của nhà hàng mang thức ăn đến và đuổi ba thằng bé ra khỏi quán. Tôi vui vẻ nói với anh là tôi mời ba cậu bé, rồi quay sang bảo ba đứa kéo ghế ra ngồi và gọi bất cứ thức ăn nào các cháu thích. Tất cả tròn mắt ngạc nhiên rón rén kéo ghế ngồi và mỗi đứa chỉ kêu một đĩa cơm chiên dương châu.

Điều đặc biệt làm tôi lưu tâm tới thằng bé nhỏ nhất bọn này, bởi quê nó ở thôn Thượng Sơn. Một làng quê xa nhất của cái huyện Nghĩa Lộ đèo heo hút gió. Vậy mà có lần tôi đã đến đó và ở lại đó gần cả một tuần. Môt tuần duy nhất được no, được vui và hạnh phúc trong tám năm tù tội.

Khi mới ra Bắc, tôi được “biên chế” về trại 3 Hang Dơi. Sau ba năm được chuyển về trại 6 Nghĩa Lộ, nằm cách trại 5 của mấy ông tướng mấy cái ao nuôi cá trám cỏ.

Sau một trận kiết lỵ, tôi chỉ còn da bọc lấy xương, đứng không vững thì còn sức ở đâu để mà biến “sỏi đá thành cơm”, nên được điều từ đội trồng trà sang đội “tăng gia”, tức là trồng rau, mà nhiều nhất là rau muống. Vào mùa đông, vùng Hoàng Liên Sơn khá lạnh, nên các loại rau không mọc ra được, đám chúng tôi phần đông chuyển qua trồng sắn, phát rừng, còn lại luân phiên nhau mấy toán, vào vùng núi mua thực phẩm, chủ yếu là cho “cán bộ trại”, chứ còn đám tù bọn tôi thì đã có “sắn” (khoai mì) để “khắc phục”.

Toán bốn thằng chúng tôi, do một chàng vệ binh dẫn đi, kéo theo hai cái xe cải tiến (loại xe đóng bằng gỗ giống như chiếc xe bò nhỏ) vào Thượng Sơn, nằm cách trại khoảng 60 cây số. Trong thời gian tù tội, những ngày được đi xa như thế này thật là hiếm hoi, hạnh phúc ghê gớm lắm. Chẳng khác gì người trong nước bây giờ được xuất ngoại. Ít nhất cũng được tự do hơn, ăn uống khá hơn, và nhất là được sống với dân để nghe họ nói những điều chân thật. Có một trùng hợp lý thú là trong bốn thằng tù bọn tôi đều có đủ bắc, trung, nam. Một thằng chính gốc Hà Nội 54, một thằng xứ Huế, một thằng Nha trang là tôi và một thằng nữa là dân Cần Thơ, Nam bộ.

Khởi hành từ sáng sớm, chiều chúng tôi đến làng. Nếu không đến đây có lẽ chẳng ai ngờ là giữa núi rừng xa xôi hẻo lánh này lại có một cái làng với khoảng một trăm nóc nhà nằm dọc bên bờ con suối lớn dưới những tàn cây che kín mặt trời. Vậy mà trông rất sạch sẽ và thơ mộng. Từ cổng làng, bọn tôi đã nghe tiếng chim hót líu lo hòa trong tiếng suối chảy róc rách giữa một vùng núi rừng tĩnh mịch.

Bọn tôi được sắp xếp ở trong một căn nhà mái lá cọ, có vách bằng nứa, nằm dưới một tàn cây cao, sát bên bờ suối. Chủ nhà là một bà già trọng tuổi. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là trông bà không giống những người dân mà chúng tôi thường gặp ở vùng này, từ cách ăn mặc tới cử chỉ nói năng. Lúc nào bà cũng vui vẻ niềm nở với chúng tôi, trên môi lúc nào cũng có sẵn nụ cười.

Thằng bạn tù gốc Hà Nội của bọn tôi quả quyết là bà nói đúng giọng Hà Nội, cái thời còn một Hà Nội thanh lịch. Trên vách, treo một tấm giấy khen với một cái tên cũng rất Hà Nội, không hợp với khung cảnh núi rừng này: “Bà Vương Chu Khánh Hà “. Cái tên trùng tên một cô ca sĩ miền Nam, làm chúng tôi dễ nhớ.

Bà ở với người con trai, vừa làm y tá cho thôn, vừa làm rẫy, trồng thơm (dứa), trồng nhản. Một phần đất anh dành ra trồng rau và nếp nương. Anh nói năng hiền lành dễ mến. Đặc biệt rất thương và chiều mẹ.

Ngày đầu tiên, bà chỉ cười chào bọn tôi, không dám đến gần “quan hệ”. Nhưng hôm sau, bà mua chuộc anh vệ binh và giới thiệu cô thợ may ở nhà kế bên cho anh ta, nên anh ta đóng đô luôn bên ấy. Bà cho chúng tôi ăn xôi, ăn thịt rừng, còn thêm đủ loại trái cây bà mua được trong làng. Ở đây, ăn uống như thế là thuộc hàng “tư bản”. Ban ngày chúng tôi đi khắp nơi mua thực phẩm các lọai, chiều về lại nhà, kéo nhau xuống suối tắm, rồi được ăn một bữa cơm “thịnh soạn”, bọn tôi có cảm giác như đang ở đâu đó trên thiên đàng.

Đêm nào bà cũng mang đến một ấm trà tươi, ngồi tâm sự với bọn tôi tới khuya. Đúng như thằng bạn tù gốc Hà Nội nhận xét, bà dân Hà Nội chính tông. Ngày xưa gia đình bà giàu có. Vợ chồng làm chủ một hãng dệt lớn nhất nhì Hà Nội. Sau hiệp định Genève, chia đôi đất nước, chần chờ tiếc của, chưa kịp xuống tàu há mồm chạy vào Nam thì bị đánh tư sản. Chồng bà chết trong tù, nhà cửa bị tịch thu, bà bị bắt buộc phải dắt theo hai đứa con, một trai một gái, đứa nhỏ nhất chỉ mới sáu tuổi, cùng một số “đối tượng” khác lên vùng núi non này, lúc ấy gọi là Khu Kinh Tế Mới Thượng Sơn.

- Ngày ấy, cả khu này chỉ là rừng thiêng nước độc. Chỉ ba tháng sau là con bé gái chết vì sốt vàng da, mà không tìm đâu ra một viên thuốc.

Bà nhìn lên trời mơ màng, kể lại cho bọn tôi những ngày đầu mới đến, nước mắt chảy dài trên má.

Sau đó, vì bản năng tự tồn, những người “Hà Nội lưu đày” (chữ của bà), ngồi lại, cùng bàn bạc nắm tay vượt lên số phận. Trong số những người lên đây, có nhiều thành phần, đa số là tư sản và trí thức. Với bộ óc và với kinh nghiệm trên thương trường, vậy mà họ đã tận dụng được để cùng nhau vươn lên trong chốn thâm sơn cùng cốc này. Dù nghèo khổ, họ vẫn giữ được cái tình, cái thanh lịch của người Hà Nội. Điều mà chính quyền cần họ phải gột rửa.

Ngày tiễn chúng tôi đi, bà năn nỉ và đút lót anh vệ binh cho chúng tôi được nhận một kí nếp, một ít thịt rừng muối mặn, nhưng bị chối từ, mặc dù anh ta cũng rất quí bà. Cuối cùng để cho bà vui, anh vệ binh cho chúng tôi được ăn tại chỗ một bữa no nê, lần này còn có cả rượu nếp, do chính tay bà cất.

Một tháng trước ngày rời Nghĩa Lộ, bọn chúng tôi ngày đêm phải đắp cho xong một con đường ô tô kéo dài từ Nghĩa Lộ lên tận dốc Cổng Trời. Chúng tôi thắc mắc không biết để làm gì, vì gần năm năm ở đây, thỉnh thoảng chỉ thấy vài người đạp xe đạp hoặc thồ ngựa trên con đường ngoằn ngoèo heo hút này. Đến ngày chuyển trại vào Nghệ Tĩnh, chúng tôi mới biết con đường này dùng để chuyển quân lên Lạng Sơn ngăn chặn bọn bá quyền Trung Quốc vừa xua quân tràn qua biên giới đòi “dạy cho người anh em một bài học”.

Hơn ba mươi năm, con đường ”làm lại cuộc đời” của riêng tôi cũng thăng trầm, quanh co không kém, đã làm tôi tạm quên một quá khứ buồn thảm, dù tất cả vẫn còn nằm sâu chôn chặt tận đáy lòng. Bất ngờ hôm nay, thằng bé đánh giày gợi tôi nhớ lại. Có điều trong bao nhiêu đau đớn chất chồng cũng có đôi điều vô cùng đẹp đẽ, chẳng khác gì một đóa hoa nở trên sỏi đá, một cành lan mọc giữa rừng già, trên một thân cây héo khô cằn cỗi.

- Thế cháu ở Thượng Sơn có biết bà Vương Chu Khánh Hà. Bây giờ chắc cũng đã hơn tám mươi ?

Tự dưng tôi buộc miệng hỏi thằng bé, để rồi ngẩn người ra khi nghe nó trả lời:

- Ố, đó là bà nội cháu. Bà mất hơn năm năm rồi!

Lòng tôi chùn xuống.

Thằng bé kể lại những ngày cuối cùng của bà nội, lúc ấy nó mới tám tuồi. Khi mà ở Hà Nội đầy dẫy quán bar và nhà hàng sang trọng, dành cho khách nước ngoài và những ông quan lớn, thì cái thôn Thượng Sơn này vẫn cứ nghèo xơ xác. Một số đã phải bỏ làng tìm về thành phố cũ, sống trước mái hiên nhà của chính mình ngày trước. Bà nội nó chỉ về được một lần, đứng nhìn ngôi nhà của mình bây giờ đang là một khách sạn mấy tầng, mà chủ nhân là một ông ngồi trong Ủy Ban Cải Tạo Tư Sản ngày xưa, bây giờ đã là ông lớn, chức hàm cở bộ trưởng. Tài sản duy nhất còn lại của gia đình bà là ngôi mộ hoang của ông chồng, ngày xưa nằm trong một nghĩa trang ở ngoại ô thành phố, nhưng bây giờ nhà cửa mọc kín chung quanh. Cây cối và cỏ rác như muốn phủ lấp mộ phần. Bà phải ở lại đó mấy ngày mới dọn dẹp xong.Sau lần ấy, bà về nhà rồi ngã bệnh. Vợ chồng cậu con trai bán đủ thứ trong nhà, cùng với hảo tâm của mấy người hàng xóm, nhưng cũng không đủ tiền đưa bà đi bệnh viện. Trước khi chết bà chỉ ước ao duy nhất một điều là đuợc chôn cất bên cạnh mộ chồng dưới thủ đô Hà Nội, cũng là vùng đất của dòng họ qua bao nhiêu đời. Vậy mà cái điều ước ao trối trăn duy nhất đó của bà, cũng không ai thực hiện được, bởi cái nghĩa trang đó bây giờ nằm trong qui họach thành phố, tấc đất tấc vàng, không dễ gì mua được.

Nghe thằng bé kể, nhìn nhà thờ Đức Bà trước mặt và nhớ tới bà, tôi lại thầm nghĩ là Thượng Đế đã không có mặt trên đất nước tôi. Thực ra điều này tôi cũng đã từng nói với mấy thằng bạn tù, sau tháng 4/75. Bởi nếu có Thượng Đế, sao ngài lại bắt dân chúng miền Nam, những người hữu thần, đã bao nhiêu đời hằng tin và thờ phụng ngài, lại phải vác cây thánh giá nặng nề, để tan tác điêu linh như thế. Lòng tôi thấy xốn xang và tôi nghiệp cho bà. Tôi thầm trách mình cũng chỉ là kẻ vong ơn, đã quên mất lòng tốt của bà trong những ngày mình vô cùng khốn khó. Mà lẽ đời là thế. Khi đã sang sông còn có mấy ai nghĩ tới con đò.

Thằng bé lại nhắc tôi về chuyện đánh giày, đền ơn đáp nghĩa. Tôi đưa chân ra, cả đám cười ồ, tôi đang mang dép. Thằng bé lấy một tập báo đủ loại trên tay thằng bạn, để trước mặt tôi:

- Vậy thì chúng cháu biếu chú mấy tờ báo, về khách sạn chú đọc cho vui. Toàn chuyện mấy ông lớn tham nhũng ăn chơi tiền tỉ đấy!

Tôi cám ơn và hỏi mua một xấp vé số. Trả tiền xong tôi chia đều cho ba đứa, coi như món quà may mắn, rồi hẹn ngày mai đến gặp tôi ở khách sạn, tôi sẽ dẫn đi chơi bất cứ nơi nào các cháu thích. Khi chia tay tôi ôm vai thằng bé đánh giày:

- Ngày mai cháu nhớ đến nhá. Chú rất cần gặp cháu.

Suốt ngày hôm sau, sau khi dắt ba thằng bé vào chợ Bến Thành mua sắm một số áo quần, cho các cháu một ít tiền, tôi thuê xe chở cả đám đi Vũng Tàu. Cả ba đứa đều mong ước được đến đây một lần cho biết thành phố biển nổi tiếng này, và cũng muốn xem “tình hình” để chuyển xuống đây kiếm sống, bởi nghe nói ở đây có nhiều khách ngoại quốc đến du lịch, hơn nữa ở Sài gòn càng lúc càng khó khăn, vì số trẻ em (và cả nguời lớn) từ ngoài Bắc vào kiếm ăn ngày càng đông.Trong lúc ngồi trên bãi sau, tôi tâm tình thật nhiều với thằng bé đánh giày, kể cho nó nghe chuyện ngày xưa bọn tôi có lần đến ở nhà bà nội nó một tuần và được bà thương yêu giúp đỡ. Nó ngồi bên tôi nghe rơm rớm nước mắt, rồi dùng ngón tay viết tên của bà nội trên cát.

Trên đường về lại Sàigòn, tôi ghé lại Nghĩa Trang Quân Đội cũ, nằm bên xa lộ Biên Hòa. Khó khăn lắm, phải hỏi thăm nhiều người, anh tài xế taxi mới tìm đựợc lối vào.

Bức tượng Tiếc Thương đã từng tạo huyền thoại một thời, không còn nữa, nhưng Nghĩa Dũng Đài còn đứng sừng sững giữa những ngôi mồ hoang phế, im lìm. Tôi nghe trong gió như có tiếng oan hồn tử sĩ. Tìm đến ba ngôi mộ của ba thằng bạn lính cùng đơn vị cũ, mà chính tôi là người thân quen duy nhất chào tiễn biệt tại dây vào những giờ phút thứ hai mươi lăm của cuộc chiến, cùng với những người lính chung sự vẫn âm thầm tận tụy như từng bao nhiêu năm mai táng những đồng đội chưa bao giờ gặp mặt. Ba thằng bé phụ tôi hì hục dựng lại mấy tấm bia gãy đổ. Tôi ngồi trước những nấm mộ sụt sùi. Ba thằng bé chưa từng biết những gì đớn đau và bất công của cuộc chiến bắc-nam, cũng ngậm ngùi cảm động, trịnh trọng hứa với tôi sẽ thường xuyên rủ nhau đến đây để hương khói và chăm sóc các mộ phần.

- Bạn đồng đội của chú chắc chắn là những người tốt.

Ba đứa bé nói với tôi trên đường ra xe về lại Sài Gòn, trong lúc tôi còn đang miên man về cách hành xử tàn tệ từ những con người không có trái tim, không còn biết thế nào là “nghĩa tử nghĩa tận”.

Về khách sạn, ba cháu xin được ở lại với tôi đêm nay, để khuya được đưa tôi ra phi trường. Không ngờ những đứa bé từ một vùng núi non Việt bắc xa xôi lại chí tình với một người miền Nam, và bây giờ chỉ còn là.. “khúc ruột ngàn dặm”, như tôi.

Tôi lấy thêm một phòng, cho hai đứa kia, còn thằng bé đánh giày nhỏ nhất, ở cùng phòng với tôi. Trước khi đi ngủ, tôi cho thằng bé một ngàn đô-la, bảo nó ngày mai mua vé xe lửa về lại Nghĩa Lộ, đưa cho ba má nó. Tôi viết một mảnh giấy kèm theo, bảo với ba nó tôi là một trong bốn người tủ cải tạo lúc xưa, và dùng số tiền này tìm mọi cách đưa bà cụ về Hà Nội nằm bên ông cụ như lời bà trăn trối lúc lâm chung. Tôi có cho địa chỉ để anh ta liên lạc. Tôi còn căn dặn thằng bé phải hết sức cẩn thận, vì các chuyến xe Thống Nhất Bắc-Nam sẽ rất đông người vào những ngày giáp tết. Nó tròn mắt nhìn tôi ngạc nhiên, rồi nắm chặt bàn tay tôi, nói ngày mai, sẽ may thêm một cái túi bên trong chiếc áo để khâu tiền vào trong đó.

Kính thưa Anh,

Vợ chồng em và chắc chắn là vong linh của mẹ em nữa, xin muôn vàn cảm tạ ơn anh.

Không ngờ chỉ có mấy ngày ngắn ngủi rất xa xưa, mà mãi đến nay anh vẫn còn nhớ đến mẹ con em. Riêng em thì gần như đã quên chuyện ấy nếu không có anh nhắc lại hôm nay.

Giờ em mới nhớ lại, sau khi các Anh rời khỏi nhà em, mẹ em khóc mất mấy hôm. Bà bảo phần thì tội nghiệp các anh, phần thì nghĩ tới số phận oan khiên của gia đình em vào những ngày đảng vừa lên nắm chánh quyền. Bà bảo các anh và gia đình chúng em cũng cùng gánh chung số phận.

Chúng em cũng xin báo tin để anh mửng, là với số tiền anh cho, chúng em đã đưa được mộ phần của bố em ra một nghĩa địa khác, trước khi chính quyền cho san bằng khu nghĩa địa cũ để xây đô thị. Khu nghĩa địa mới dù nằm khá xa thành phố nhưng sạch sẽ và yên tĩnh. Vợ chồng em cũng cãi táng phần mộ của mẹ em và đứa em gái ở Nghĩa Lộ, đưa về chôn bên cạnh bố em. Gọi là nghĩa địa, nhưng phải mua với giá rất cao. Nếu không có tiền của Anh cho, biết đến lúc nào chúng em mới thực hiện được lời ước ao trăn trối của mẹ em.

Nghe đất nước đã đổi mới từ lâu, nhưng có lẽ chỉ đổi mới ở dưới những thành phố lớn, chứ cái làng Thượng Sơn của chúng em thì ngày thêm khốn khó. Rồi nay mai vợ chồng em cũng phải bỏ Thượng Sơn mà về Hà Nội, hoặc chạy thẳng vào Sài gòn. Có làm ô xin hay phải sống ngoài đường chắc cũng còn khá hơn.

Phân vân mãi, cuối cùng chúng em cũng phải báo đến anh một tin buồn. Thằng bé Khiêm con em cũng không còn. Trên chuyến tàu Thống Nhất ngày ba mươi tết hôm ấy, nó bị cướp. Không hiểu có phải bọn cướp biết được cháu giữ số tiền lớn của anh cho, nên đánh để cướp. Nhưng dù bị máu me thương tích đầy người cháu vẫn hai tay ôm chặt lấy túi tiền khâu kỷ trong mấy lớp áo trước ngực. Bọn cướp tháo chạy trước khi có công an đường sắt tới.

Về nhà cháu tỉnh táo được một vài hôm, ăn tết với chúng em, kể lại chuyện bất ngờ gặp anh, được anh yêu thương và gởi cho chúng em một số tiền quá lớn. Chúng em cứ tưởng mình nằm mơ. Nhưng chỉ một tuần sau cháu bị sốt nặng rồi hôn mê. Đem vào bệnh viện huyện, bác sĩ bảo cháu bị chấn thương sọ não. Cháu qua đời vài ngày sau đó.

Bây giờ cháu cũng đang nằm bên cạnh ông bà nội, và cô út của nó, chắc cháu nó cũng được ấm lòng nơi chín suối.. Chúng em tin là cháu sẽ mãi mãi theo phù hộ cho Anh trong những ngày Anh xa quê lưu lạc xứ người.

Chúng em xin gởi đến Anh trọn lòng kính mến và lúc nào cũng cầu nguyện mọi điều tốt đẹp cho Anh cùng gia đình.

Kính thư

Bố mẹ cháu Khiêm
Trần Trọng An

Bức thư tôi nhận được đúng một tháng sau ngày tết nguyên đán. Suốt cả đêm trằn trọc, tôi không biết có đúng là mình đã trả ơn Bà, hay là lại mang thêm tai họa đến cho gia đình Bà. Thì ra trong cái xã hội đang có nhiều ông lớn và đại gia giàu có, thì cái sinh mạng của những người nghèo khổ khốn cùng cũng vẫn chỉ là cỏ rác. Dường như tôi có nghe ai đó nói “ cuối niềm vui nào cũng có xót xa, sau cuộc trùng phùng nào cũng có mầm mống của ly tan “.
Tôi đã đi nhiều nơi

Tôi đã có nhân duyên đi khắp nhiều nơi, đến cũng rất nhiều chỗ. Đây cũng là cơ hội để cho tôi học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với mọi người. Trong cuộc sống nầy có rất nhiều người may mắn nắm bắt then chốt của công việc, của sự suy nghĩ và cứ theo đó mà hành động thì đa phần có chút ít lạc quan, nhưng cũng có lắm người sống rất bi quan, không biết cách giải quyết như thế nào để có thể thoát ra những sự trói buộc, để nội tâm chúng ta được thư thái nhẹ nhàng hơn.

Nhiều lúc tôi lấy tư cách là một vị Thầy để nói chuyện với học trò đệ tử, thì họ bảo rằng: "vì tôi làm chủ mọi vấn đề, nên mới dễ dàng chủ động trong mọi tình huống; còn học trò đệ tử là những người phụ thuộc và bị động, nên khó sống hay làm việc trong sự chủ quan được."

Rõ ràng là như vậy. Ở Á Châu chúng ta đa phần là chỉ học cái kiến thức của ông Thầy, phần sáng tạo thì ít đi, trong khi đó học theo lối học Âu Mỹ ngày nay có khác. Vị Thầy chỉ là một người bạn của học trò, sinh viên nhằm chia xẻ những tri thức và sự học hỏi của mình cho học trò và từ đó học trò dạn dĩ hơn, chủ động hơn cũng như có nhiều khả năng tự lập hơn; chứ không bị lệ thuộc nhiều theo như sự giáo dục của Á châu chúng ta.

Từ đó khi ra làm việc hay bước vào công sở, cuộc sống xã hội, cuộc sống gia đình họ tự phân chia trách nhiệm và thực hành bổn phận ấy với khả năng chuyên biệt của mình. Rồi một nhóm 3, 5, 7 hay 10 người v.v... sẽ chỉ chịu trách nhiệm của phần mình riêng lẻ, để rồi cộng hưởng giao thoa với nhau trong một môi trường to lớn hơn. Đây là cung cách tổ chức trong trường học, trong xã hội, trong công ăn việc làm của xã hội Âu Mỹ ngày nay.

Dĩ nhiên những xã hội nầy họ vẫn cần những người lãnh đạo như Á Châu chúng ta, nhưng kẻ lãnh đạo chỉ là người biết lắng nghe thuộc cấp trình bày, bàn bạc và cốt làm sao cho công việc được thành tựu là điều chính yếu, chứ không phải lấy mọi người để làm bàn đạp tiến thân lên đài danh vọng của mình như một số nước Á Châu đang chủ trương.

Nếu công việc thành tựu thì kết quả đó là kết quả của tập thể. Nếu ngược lại, chỉ có cá nhân chịu trách nhiệm, không ảnh hưởng đến một tập thể hay một cộng đồng to lớn, mà giới lãnh đạo trong trường hợp nầy phải biết quan tâm, chia sẻ với những người cùng làm việc chung; chứ không phải chỉ đứng chỉ tay năm ngón bảo người khác phải làm, còn mình thì chẳng có trách nhiệm gì cả.

Một xã hội như thế là một xã hội tương đối khá công bằng. Thế nhưng xã hội nầy còn tiến nữa, sẽ tiến dần đến phía trước, mà những gì nó sắp xảy ra, con người không tự làm chủ được. Vì lẽ dần dần nếp sống của con người bị thu hẹp trong những cá nhân tự kỷ; chỉ biết sống cho mình, lo trau chuốt tự ngã của mình và những gì thuộc về mình; trong khi đó những người sống chung quanh ta thì mặc kệ họ. Ngay cả những người gần gũi nhất trong gia đình của mình. Rồi đây mọi việc sẽ ra sao, ai trong chúng ta cũng khó đoán biết hết được, nhưng có một điều người ta không thể chối cãi được, khi con người càng giàu có về vật chất thì lãnh vực tinh thần lại càng trở nên nghèo nàn keo kiệt. Có một hôm tôi đang hướng dẫn những sinh viên người Đức tại chùa Viên Giác Hannover, tôi bảo rằng: "ngày nay tất cả vật giá của mọi thứ đều leo thang, tăng giá; chỉ có một món duy nhất rẻ mạt, không biết các anh chị em có biết chăng?"

Thế rồi người nầy đưa mắt hỏi người kia, có kẻ trả lời món nầy món nọ, nhưng tôi trả lời thế cho họ. Đó là: "Đạo đức của con người". Đạo đức nầy ngày nay hạ giá quá! Luân thường đạo lý bị đảo lộn; cuộc sống gia đình và đời sống của xã hội bị quay cuồng trong cơn thác loạn, chỉ biết tranh đấu với đồng tiền, chứ có rất ít người lo chiến đấu với vô minh; với khổ đau và sanh tử.

Có người hỏi tôi rằng: "Thưa Thầy, phải sống làm sao cho thoải mái, không bị mọi thứ chi phối mình và phải giải quyết cuộc sống nầy ra sao, khi khổ đau đưa đến?"

Câu hỏi nghe rất đơn giản, nhưng câu trả lời có hàng trăm cách khác nhau. Tuy nhiên tôi cũng trả lời theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình rằng: "muốn sống cho được an lạc, thoải mái, thì hãy biết bỏ những gì đáng bỏ và biết giữ lại những gì đáng giữ." Điều nầy nghe thật đơn giản nhưng không dễ thực hiện, vì đa phần cái gì mình cũng muốn giữ lại. Cho nên hành trang mình mang đi vào cuộc đời nặng trĩu cả hai vai và tâm thức. Như vậy còn đâu sức lực của tự thân và chỗ trống của tâm hồn và những lời hay ý đẹp cho nội tâm mình. Sở dĩ có việc nầy vì khả năng buông xả của con người còn rất yếu đuối; trong khi khả năng chấp thủ thì quá dư thừa. Đây chính là nguyên nhân ở trong cõi Dục nầy vậy. Con người cái gì cũng muốn ôm vào lòng, vào tâm thức, nhưng ta phải hiểu rằng mỗi người trong chúng ta sẽ ôm giữ chúng được trong bao lâu? Có thể 10, 20, 50 năm hay nhẫn đến 100 năm đi nữa; khi ta không muốn buông bỏ nó, thì nó cũng buông bỏ ta mà ra đi thôi. Ngay cả tiền, tình, danh vọng, sắc đẹp, tài sản, người thân, quyền lực, ngai vàng v.v...

Vậy cái gì là thật tướng của vạn pháp? Xin trả lời là "Không". Từ "Không" ta đến nơi đây rồi kết cuộc rồi ta cũng sẽ về lại chỗ "Không" mà thôi. Vậy thì tranh đấu, dành giựt địa vị, quyền lợi, tiền bạc để làm gì mà lối thoát phía trước là một cái "Không" to tướng. Biết thì ai cũng biết vậy, nhưng tiếc thân nầy thì ai lại không tiếc? Do đó mới sinh ra tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà thủ... thôi thì đủ thứ đủ loại; nó giống như một loại tơ vò, tự thân mình trói buộc mình mà thôi.

Mới đây tôi có gặp Sư Thúc ở Houston tức là Ngài Trưởng Lão Thích Chơn Điền cũng là nhà thơ Ngốc Tử. Có một bài thơ mới nhất Ngài sáng tác trong năm 2007 nhan đề là "Ruồi than trong lưới nhện" rằng:

"Tham dục lao vào chốn tử sinh,
Vô minh nghiệp thức dẫn vòng quanh,
Ao tù ngũ trược càng thêm trược,
Khổ khổ rồi ra cũng tại mình."

Chỉ cần bình chú bài thơ nầy thôi là ta có đủ một nhân sinh quan, một vũ trụ quan để sống trong cuộc sống đầy khổ đau phiền lụy nầy rồi. Vì sự tham lam ham muốn, nên chúng ta mới tự quay cuồng như con ruồi trong chốn lao tù sanh tử. Nơi đây ta ngỡ là vui nhưng chỉ toàn là phiền não, khổ đau cái nầy chồng chất lên cái kia không bao giờ biết chán ngán và dừng lại. Vì vô minh và nghiệp lực nó dẫn mình tới đây và điều quan trọng là mình không biết tự làm chủ nó, nên mới khổ đau tục lụy như thế nầy. Kẻ biết và kẻ không biết khác nhau ở chỗ nầy. Người hiểu biết là người biết dừng đúng lúc, kẻ không biết là kẻ cứ thế mà lao vào. Điều nầy cũng giống như con ruồi biết rằng phía trước đang có nhện giăng tơ, nhưng ruồi vẫn không lưu tâm và không biết dừng lại, nên cuối cùng bị chết đứng giữa sa trường của cạm bẫy. Chúng ta cũng giống như vậy, trong chốn tử sinh nầy có lắm mật ngọt, bơ sửa, thịt thà, sắc đẹp, lợi danh... nhưng có ai biết dừng lại chăng? Hay chúng ta chỉ biết chờ đợi ở một phép lạ.

Cảnh sống trần gian nầy vốn đã vẩn đục, mà chúng ta càng cố cựa quậy thì nó càng đục thêm, nên chúng ta không thể tự rời khỏi chốn nầy. Vì căn bản của thế gian là ô trược, nhơ nhớp, phiền não, khổ đau v.v... ngày nay ta có khổ, thật sự ra không ai làm cho ta khổ, mà sự khổ đau hay an lạc tự chính mình tạo nên mà thôi. Vậy thì điều căn bản của vấn đề là phải: "Quẳng gánh lo đi", cái gì chúng ta mang được thì mang, cái gì gánh được thì gánh, còn những gì không kham nổi nữa thì hãy để gánh lại giữa đường, không nên cố sức gánh, rồi cuối cùng cũng sẽ bị tử sanh, sanh tử chi phối mà thôi. Nếu ta không gánh thì người đến sau sẽ gánh tiếp, đâu cần phải lo. Nếu không có ta thì xã hội nầy không còn có ý nghĩa nữa, điều nầy là do mình quá chủ quan. Có một ông giám đốc của một công ty nọ rất nổi tiếng và ông ta nghĩ rằng không ai có thể thay thế vị trí của ông ta được. Thế nhưng ông đột nhiên bị tai nạn xe hơi tử vong và chỉ cần 3 ngày sau là hãng kia đã tìm được một ông giám đốc mới, ông nầy còn giỏi hơn ông trước nữa.

Thật ra nếu ta có chết, thì cây cỏ bên vệ đường vẫn còn sống đó. Chúng đâu có tình nguyện theo ta để chia xẻ những khổ đau của chúng ta đang gặp phải hay đối đầu đâu. Do vậy "người nào tu học càng lâu, phải càng nên thấy mình không là gì cả, thì kẻ ấy mới là kẻ tu chân chính". Đây là lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Nếu ai trong chúng ta cũng như vậy mà thực hành thì cuộc đời nầy có ý nghĩa biết bao nhiêu.

Đa phần chúng ta chỉ thấy việc của người chứ ít ai thấy việc của mình, mà nếu thấy thì chỉ thấy cái lỗi của người khác, chứ ít khi tự thấy cái lỗi của chính mình. Còn nếu tự thấy mình, thì chỉ thấy cái tốt, chứ ít thấy cái xấu của mình. Vì sao vậy? Vì lẽ ta lấy ta làm chủ thể để đi phê phán người khác và ta lấy cái ta để đo lường cái ta của đối phương nên mới như vậy. Bao giờ ta là người và người là ta thì ta sẽ dễ thông cảm và dễ tha thứ hơn. Thường ta tự củng cố tự ngã của mình, nhưng trên thực tế tự ngã nó không là gì cả; nó chỉ là một cái "Không""Hạnh phúc là những gì mà người ta đang có, chứ không phải những gì mà người ta đi tìm". Thật đúng như vậy! Thường người ta đi tìm đủ mọi thứ trên đời mà quên tìm lại chính mình, nên ta mới bị khổ đau sinh tử dày vò. Bao giờ ta hiểu ta là ai thì ta sẽ biết dừng lại.

Ngài Doogen là Tổ Thiền Tào Động ở thế kỷ thứ 13, khi Ngài sang Trung Quốc ở tỉnh Triết Giang nơi chùa Cảnh Phước để học đạo. Ngài đã đắc pháp với Lão Thiền Sư Như Tịnh, pháp ấy chính là "Bình Thường Tâm Thị Đạo". Nghĩa là tâm bình thường là đạo. Đôi khi ta chỉ lo đi tìm cái phi thường mà ta quên cái bình thường của ta đang có. Đó là "hai con mắt nằm dưới chân mày, lỗ mũi thẳng đứng, cái miệng nằm dưới lỗ mũi kia." Tâm bình thường là vậy. Ta chưa bao giờ biết quý những gì chúng ta đang có mà đa phần chúng ta hay rong rũi theo sắc trần, rồi cũng chỉ chuốt lụy vào thân mà thôi. Ta cũng giống như con thiêu thân tự đốt mình trong ánh đèn dầu, nhưng nào đâu có biết, đến khi vùi thân vào chốn bụi hồng, ta mới cảm nhận thắm thía được sự khổ đau, tục lụy. Lúc ấy đã quá muộn rồi còn gì nữa!

Cho đến bao giờ thì bài pháp Tứ Diệu Đế mà Đức Phật nói cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển ở Ba La Nại sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, nó vẫn có một giá trị miên viễn lạ thường. Chỉ cần chúng sanh ý thức được chừng ấy việc của khổ đau; nguyên nhân gây ra sự khổ đau; phương pháp diệt khổ và con đường dẫn đến Niết Bàn, an lạc giải thoát, là con người được sống trong hạnh phúc rồi. Hạnh phúc không ai ban tặng cho mình và đồng thời người ta không thể ra ngoài chợ để mua được. Nó cũng chẳng có bên ngoài, mà nó chỉ nằm bên trong chúng ta. Ta hãy đào sâu vào nội tâm; ta hãy quay lại với chính mình, thì ta sẽ thấy nó ở đâu rồi. Lúc ấy chúng ta sẽ mĩm cười cho sự tự đánh lừa mình lâu nay.

Vì sao người ta hay nóng giận và sân si? Vì lẽ ta muốn chứng tỏ cho điều hiểu biết của chúng ta là đúng, nhưng đôi khi không phải như vậy. Lý do cái tự ngã ấy mình tự vun sới rồi chất chứa cái ngã kiến sai lầm, nên ai không theo ta thì ta sẽ hờn, sẽ giận và nổi máu anh hùng ngay. Những người hiểu biết họ sẽ dừng lại cơn sân hận bằng cách bỏ đi nơi khác hoặc giả nếu có tự tin hơn, hãy đi uống một ly nước lạnh để chế ngự nó, nếu là người can đảm hơn và muốn sửa sai thì hãy đến trước tấm kính treo đâu đó trong nhà, ta có thể soi thấy được "bản lai diện mục của mình". Nếu bình thường thấy mình là đẹp, thì hôm nay sau khi giận dữ thấy mình càng đẹp hơn nữa hay chăng? Khi tâm tàm quý "xấu hổ" và kèm sự tự thẹn của mình cũng như sự trợ giúp của những thiện hữu trí thức thì chắc chắn ta sẽ thoát khỏi trầm luân khổ ải. Bằng không, chốn địa ngục A Tỳ sẽ chôn vùi ta, không có thời gian và không biết bao giờ có thể ra khỏi sự tối tăm ấy.

Đất là nơi ta bị vấp ngã, té xuống, nhưng cũng từ đất ta sẽ chống hai tay đứng thẳng lên. Có người từ đó sẽ đi vào đời bằng mọi cung cách khác nhau, nhưng cũng có lắm người tự ngã gục bên vệ đường, trên mặt đất; không có khả năng tự chế ngự để gượng đướng lên với đời, rồi cũng gởi thân tứ đại nầy vùi sâu vào ba tất đất. Đất chỉ vô tình làm một chuyện rất công bình, mà lâu nay đất chưa bao giờ chê thây chết, trong khi đó, biển cả bao la nhưng không dung chứa tử thi. Rõ ràng là con người có đủ điều kiện và sự hiểu biết để chọn cho mình có một lối đi ít làm cản lối cho người khác. Vì đi ra thì có ngang qua, dọc lại, nhưng nếu đi vào thì mục đích chỉ thấy tánh mà thôi. Lúc ấy ta không làm phiền lòng ai, mà ta chỉ mĩm cười sau khi ta thấy được mặt thật của sự tử sinh rồi.

Có một ông Bác Sĩ Phật Tử bảo với tôi rằng: "những gì ông ta làm cho Phật sự hôm nay, ông không sợ ai chê cười hoặc khen tặng, mà ông chỉ sợ là ông không làm được gì để đem lại lợi lạc cho Phật Pháp mà thôi." Câu nói ấy giống như một triết lý sống, một nhân sinh quan, một vũ quan của một người trí thức Phật Tử. Trên đời nầy người "trí thức" rất nhiều, nhưng người "tri thức" thì rất ít. Vì trí thức hay hiểu người mà ít hiểu mình, còn tri thức thì tự hiểu mình nhiều hơn là hiểu người.

Tất cả chúng ta, nếu mọi người đều học hạnh: "tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Nghĩa là đầu tiên tự trách mình, sau đó mới trách người, thì xã hội nầy chắc chắn sẽ được an ổn nhiều hơn; mọi người sẽ sống trong một xã hội thái bình và an lạc. Nếu ngược lại chỉ còn cách ta tự đốt thân lẫn tâm ta mà thôi.

Tiếng khen và lời chê thật ra nó không có thật tướng, vì người đối diện thích thì khen và không thích thì chê, đó là chuyện bình thường trong cuộc sống, còn ta, không lẽ ta chỉ sống theo lời khen tiếng chê ấy sao? Như vậy ta chỉ là một người bị động, chứ ta không là ta nữa! Ví dụ, khi người ta khen mình trẻ đẹp thì vui và khi bị chê xấu xí, dại dột thì mình buồn, vậy sự vui buồn ấy nó có thật tướng hay không? Vậy tại sao ta phải bị nó quấy nhiễu? Già hay trẻ, đẹp hay xấu, giỏi hay dở... nó chỉ là những sự đối đãi trong cuộc đời. Tại sao ta lại bị nó làm biến tướng và ta lại đi làm nô lệ cho nó; khiến nó muốn cái gì thì ta chạy theo nó muốn đứt hơi luôn, nhưng nào có kết quả gì đâu? Ngoại trừ phiền não và khổ đau đang đón chào ta.

Vậy thì câu hỏi được đặt ra: Bao nhiêu thì đủ?

- Kẻ biết đủ là đủ, còn người không biết đủ thì không bao giờ có đủ cả.

Tình bao nhiêu thì đủ? Tiền bao nhiêu thì đủ, danh vọng, địa vị bao nhiêu thì đủ? Tài sản, con cái, lợi danh bao nhiêu thì đủ?... rõ ràng nó cũng giống như thời gian và không gian. Thời gian thì vô cùng mà không gian thì vô tận. Nó không có cái bắt đầu và không có cái chấm dứt. Ngoại trừ chúng ta biết chấm dứt sự khổ đau sanh tử nầy, bằng cách là chúng ta phải tự bước ra khỏi những sự lẫn quẩn của cuộc đời nầy mà thôi. Do đó cụ Nguyễn Công Trứ đã nói: to tướng mà thôi. Đã là không thì còn gì để nói đến nữa? Những điều nói ra đó chỉ bằng thừa mà thôi. Nếu ai trong chúng ta biết tôn trọng sự thật nầy, thì người ấy sống rất có hạnh phúc. Tục ngữ Nga có câu rằng:

"Cái vòng danh lợi cong cong,
Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào."

Danh và lợi là những chất mật ngọt của cuộc đời, nó không thẳng tấp, mà nó lại cong queo, nhưng ở đây lắm người muốn bước vào thử xem sao. Vì đã có không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách đã trải qua nơi chốn hồng trần ấy. Kẻ chán người chê, nhưng cũng có lắm kẻ mê chưa ngộ. Cho nên mới có cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược là vậy". Thật ra, sự thật đã hiển nhiên phơi bầy ra đó mà con người tự cố tình lừa dối mình, nên mới bị cuộc đời làm mờ mắt mà thôi. Người trí và kẻ hiểu biết quyết không phải như vậy.

Thiền sư xem hoa nở, trăng tròn, con người và sự vật, thường hay thốt lên rằng:

"Hoa nở để rồi tàn,
Trăng tròn để rồi khuyết,
Người còn để ly biệt."

Đó là một nguyên lý của cuộc sống. Đó là mặt thật của cuộc đời. Ta nên đối diện với tử sinh và làm chủ với sinh tử, chứ đừng để tử sinh chi phối, thì đó ta mới thật là ta.

Vậy sống trong cuộc đời tương đối nầy phải làm sao cho được vừa lòng người?

Câu hỏi tuy rộng nghĩa, nhưng tựu chung mình phải xét tự lực của chính mình có thể kham nhẫn đến đâu, chứ không nên chạy theo thị phi phải trái của cuộc đời. Sách xưa có câu chuyện khuyên người, tôi xin chép lại để hầu quý vị:

Có hai cha con người kia mua được một con lừa nên rất đắc ý. Một hôm người con leo lên lừa để cỡi, dọc đường bị người quở rằng: "tại sao đứa con bất hiếu quá vậy? Trong khi nó còn trẻ mà cỡi lừa, còn cha của nó già rồi, mà phải đi dưới đất trong cơn nắng cháy?" Người cha nghe nói như thế thấy có lý nên bảo con leo xuống để mình leo lên lưng lừa cỡi đi. Đi được một lúc, người qua đường thấy bảo rằng: "Ông già kia tại sao không biết thương con, trong khi trời nắng chan chan như thế nầy lại để con thơ đi dưới đất còn mình thì cỡi lừa như vậy?" Ông ta nghe như thế thấy cũng có lý. Nghĩ lại cho cùng, cha cỡi cũng bị nói, mà con cỡi cũng bị nói, nên ông bảo đứa con leo lên luôn trên lưng lừa, thì chắc rằng không bị mĩa mai nữa. Thế là cả hai cha con đều cùng cỡi trên lưng lừa. Đi được một quảng đường nữa, lại gặp người bảo: "tại sao hai cha con ông nầy chẳng biết thương thú vật gì cả, con lừa có một chút xíu mà hai cha con ông cỡi trên lưng nó thì con lừa nó chịu sao nổi, nếu vấp té nó sẽ bị gãy chân ngay." Bây giờ chẳng còn cách nào hơn là cả hai cha con ông leo xuống lừa đi bộ hết là xong. Đi được một đoạn tưởng như thế là yên thân, nào ngờ có người đối diện bảo rằng: "tại sao cha con ông nầy lại ngu ngốc như vậy kìa? Con vật sinh ra phải làm tôi tớ cho con người, mà tại sao cha con ông không cỡi nó, mà lại đi bộ nhọc nhằn như thế?..."

Quả là lời nào nghe cũng có lý hết cả. Nhưng cha con ông đã làm để chìu theo những lời lẻ đó, nhưng kết cuộc vẫn không vừa lòng một ai, cho nên ông ta quyết định là đoạn đường còn lại, mình phải tự làm chủ lấy mình chứ không thể chìu theo ý của tất cả mọi người được.

Điều nầy cũng giống như lời Phật dạy: "các con đừng tin theo một lời gì, dầu lời ấy do chính ta nói ra. Các con cũng đừng nên tin một điều gì, dầu điều ấy đã được nhiều đời truyền tụng lại; các con hãy tin một điều gì, mà điều ấy đã được thể nghiệm qua bản thân nhận xét của các con."

Như vậy trong cuộc sống nầy rất đa dạng, mỗi người nên tự chọn cho mình một cách sống sao cho thích hợp nhất với chính bản thân mình.

Viết xong ngày 28 tháng 04 năm 2008 tại chùa Phật Ân Minnesota tại Hoa Kỳ.
Bolinao 52

“Bolinao 52” là phim về hành trình đến Mỹ của nhiều người Việt đã một thời được vinh danh là “Boat People” - thuyền nhân - những người như bà Trịnh Tùng, nhân vật chính trong phim, và ông Nguyễn Đức là nhà đạo diễn.

Đức Nguyễn rời Việt Nam năm 1980, sau bốn ngày trên biển được tàu chiến của Hoa Kỳ vớt, coi như trúng số, và sớm được đi Mỹ định cư.

Tàu của bà Trịnh Tùng rời Việt Nam tháng 5.1988, hỏng máy, mất phương hướng, trôi trên biển 39 ngày, nhiều lần thấy bóng tàu lớn, kêu cứu nhưng không được đáp lời. Nhiều người trên tàu đã chết vì đói khát. Sau nhiều ngày trôi giạt trên biển, 30 người đã chết, nhưng khi gặp chiến hạm Hoa Kỳ USS Dubuque thì vị chỉ huy là Đại úy Alexander G. Balian đã không cho lệnh vớt, chỉ cung cấp thức ăn và nước uống. Có thuỷ thủ chứng kiến cảnh người từ con tàu vượt biển trong tuyệt vọng đã bơi đến hay tìm cách leo dây lên chiến hạm mà phải chết chìm. Khi chiến hạm Mỹ bỏ đi vì đang trên đường qua vùng biển Iran công tác, con tàu của bà Trịnh Tùng đã phải trôi nổi thêm 19 ngày nữa. Cạn lương thực khiến nhiều người đã chết, như cô Vân được bà Tùng ôm trong tay mà cô ấy chết lúc nào bà cũng không hay; và nhiều người đã phải ăn thịt bạn mình vừa chết để hi vọng sống sót.

Ra đi với 110 người, đến khi con tàu được ngư dân Phillippin cứu sống, đưa vào đảo Bolinao chỉ còn 52 người.

Đến Mỹ định cư, 17 năm qua bà Trịnh Tùng chưa đi đâu. Bà muốn trước tiên được trở lại Bolinao là nơi bà và 51 người khác đã được cứu sống để cám ơn ngư dân Phillippin đã cứu sống bà và những bạn đồng hành. Gặp lại nhau, giữa những con người là số phận. Người cứu nạn bà Tùng vẫn sống cuộc sống nghèo ở ven biển. Bà tặng cho đôi vợ chồng ngư dân ít tiền. Từ Bolinao bà Tùng thả những chiếc bè nhỏ kết hoa trái và nến ra biển để tưởng nhớ, cầu nguyện cho 58 người đã cùng bà ra đi từ Việt Nam nhưng phải chôn vùi thân xác trong lòng biển cả.

Năm 1989 khi toà án quân sự Hoa Kỳ xử vị chỉ huy chiến hạm USS Dubuque, những người sống sót từ Bolinao 52 đã kiến nghị yêu cầu toà án tha cho Đại úy Balian. Nhưng ông vẫn bị kết tội lơ là trách nhiệm cứu giúp những người trong cơn thập tử nhất sinh trên biển. Ông bị khiển trách và buộc phải rời quân đội sớm.

Một cựu thủy thủ của tàu USS Dubuque, ông William Coolagon, đồng ý xuất hiện trong phim và kể lại những gì ông chứng kiến trên biển. Ông đã thấy người chết đuối nhưng không làm gì được vì phải theo lệnh của cấp chỉ huy.

Cuộc gặp gỡ giữa bà Trịnh Tùng và ông William Coolagon giúp bà Tùng xoá bỏ đi nỗi oán giận vì sao tàu Mỹ đã không vớt, giúp ông Coolagon vơi đi mặc cảm tội lỗi chèn nén trong lòng từ bấy lâu nay.

*

Source :BÙI VĂN PHÚ . Việt Báo Thứ Ba, 5/27/2008, 12:02:00 AM

Wednesday, May 28, 2008

BỆNH MẤT NGỦ KINH NIÊN

Do Duc Ngoc

A.NGUYÊN NHÂN :

Bệnh mất ngủ có nhiều lý do mà chúng ta thường gặp như :

1.Do thói quen :
a. Uống nước nhiều trước khi đi ngủ hoặc uống thuốc ngủ với nhiều nước làm cho nửa đêm phải thức giấc để đi tiểu, hoặc lạm dụng thuốc ngủ thành quen thuốc.
b. Ăn cơm tối qúa trễ với thức ăn khó tiêu hoặc có thói quen ăn tối trước khi đi ngủ.
c. Ăn ít để giảm cân, chỉ ăn ngày một bữa, tối bụng đói làm bao tử bào bọt xót dạ ngủ không yên.
d. Ngủ trái giờ, ban ngày ngủ, đêm đi làm, hoặc ban ngày ngủ gà ngủ gật, tổng số giờ ngủ chiếm khoảng 8 giờ một ngày nên đêm không ngủ được.

2.Do thời tiết, môi trường :
a.Thời tiết thay đổi bất thường, nóng hay lạnh qúa ngủ không được, hoặc bị di ứng thời tiết làm khó chịu không thể ngủ được.
b.Ngủ ở nơi lạ chỗ lạ nhà một thời gian tạm bợ không quen, mất tự nhiên không được thoải mái trở thành bệnh mất ngủ hoặc ngủ ở nơi có nhiều tiếng động ồn ào.

3.Do biến đổi tâm lý :
Vui qúa, buồn qúa, giận qúa, sợ qúa, lo nghĩ qúa làm thần kinh qúa hưng phấn hoặc ức chế bất bình thường.

4.Do cơ thể bị bệnh :
Như đau nội ngoại thương hành hạ làm mất ngủ. Do bệnh cao áp huyết máu dồn lên não kích thích thần kinh, hoặc do thiếu máu não không đủ máu nuôi thần kinh làm người bần thần khó ngủ. Do bệnh suyễn khó thở, do xáo trộn tiêu hóa, do thể chất và thần kinh suy nhược....

5.Do lạm dụng thuốc :
Do lạm dụng uống nhiều thứ thuốc để chữa nhiều bệnh một lần, đôi khi các loại thuốc tương phản nhau làm rối loạn thần kinh gây nên bệnh mất ngủ.

B. CÁCH TẬP LUYỆN HƠI THỞ :

Theo lý thuyết của khí công, khi cơ thể có bệnh, đều làm thay đổi nhịp thở sinh học khác với bình thường. Bệnh mất ngủ cũng không ngoại lệ, khi trằn trọc thao thức không ngủ được đã làm xáo trộn nhịp thở sinh học, cần phải tập luyện chỉnh lại hơi thở cho đều.

1.Chuẩn bị :

Trước khi đi ngủ, không uống nước, đi tiêu, tiểu và tắm rửa với nước ấm nóng cho người khỏe khoắn, mặc quần áo rộng. Nằm ngửa thẳng người, đầu không kê gối, chụm hai gót chân, cuốn lưỡi lên vòm họng trên, ngậm miệng bình thường không để người ngoài thấy biết được bộ dạng của mình đang cuốn lưỡi ngậm miệng, mặt bình thản. Tập thở ra hít vào đều bằng mũi để nối mạch âm dương Nhâm-Đốc, trong khi tập, nước miếng trào ra thì nuốt vào , không bị khô cổ, miệng có nước miếng không bị hỏa dồn lên làm đau khô cổ họng, làm nhức đầu và làm tẩu hỏa nhập ma ( dư hỏa ở bộ đầu làm hại thần kinh thành điên cuồng ).

Đặt bàn tay lên hai điểm quan trọng là đan điền thần, ( điểm quy tụ hỏa khí, giữa mỏm xương ức ), và đan điền tinh ( dưới rốn chừng 3-5cm ). Đàn bà đặt tay phải lên đan điền thần, đàn ông đặt tay trái lên đan điền thần, tay kia đặt lên đan điền tinh.

2.Tập nghe hơi thở :

Hai mắt nhắm lại, tai chú ý lắng nghe nơi bụng dưới rốn chỗ đặt bàn tay nơi đan điền tinh. Theo dõi trong thầm lặng, hơi thở bình thường tự nhiên, không cố ý hít vào thở ra, chỉ theo dõi hơi thở tự nhiên nó vào nó ra làm sao. Khi thở vào, chúng ta cảm thấy bụng phồng lên nhẹ, trong đầu ghi nhận là phồng, khi hơi thở ra, ta cảm thấy bụng xẹp xuống, trong đầu ghi nhận là xẹp. Lúc mới đầu tập, hơi thở vào-ra chưa đều, tần số sóng não đang ở giai đoạn làm việc, thuộc sóng béta 13-20 hertz. Cứ để cho tâm tĩnh lặng theo dõi phồng xẹp chừng 5-10 phút cho quen, lúc đó tần số sóng não chuyển sang giai đoạn nghỉ ngơi thuộc sóng alpha 8-13 hertz và ta cảm nhận được hơi thở vào ra phồng xẹp rõ ràng, sau đó chuyển sang giai đoạn kiểm soát hơi thở.

3.Kiểm soát hơi thở :

Kiểm soát hơi thở là thiền còn tỉnh thức thuộc giai đoạn sóng théta 4-7 hertz, đó cũng là ngưỡng cửa của giai đoạn hôn trầm làm buồn ngủ.

Có hai cách kiểm soát hơi thở :

a-Theo dõi hơi thở phồng-xẹp bằng cách đếm ( sổ tức ).

Nhắm mắt ,cuốn lưỡi ngậm miệng, hít thở bằng mũi tự nhiên. Bắt đầu quan sát và kiểm soát hơi thở bằng cách đếm thầm trong đầu. Khi bụng phình lên, ta ghi nhận trong đầu là phồng, khi bụng xẹp, ta ghi nhận trong đầu là xẹp và đếm thầm là 1 lần, rồi tiếp tục cứ mỗi lần theo dõi hơi thở vào hơi thở ra đếm thầm phồng-xẹp 2, rồi phồng-xẹp 3, phồng-xẹp 4, phồng-xẹp 5, phồng-xẹp 6, phồng-xẹp 7, phồng-xẹp 8, phồng-xẹp 9, phồng-xẹp 10, rồi đếm trở lại từ phồng-xẹp 1 tới phồng-xẹp 10 nhiều lần.

Nhớ rằng không cố ý hít vào, không cố ý thở ra, hơi thở lúc nào cũng tự nhiên như người đang ngủ, nó thở xong thì mình đếm thầm để kiểm soát nó thở được như vậy bao nhiêu lần, chứ không phải là mình đếm cho nó thở, vì làm như vậy là cố ý dùng sức để ép hơi thở sẽ bị mệt, hụt hơi, thần kinh căng thẳng, tần số sóng não lại tăng thành giai đoạn sóng béta 13-20 hertz là tần số thức khi đang làm việc, thay vì giảm xuống tình trạng hôn trầm thuộc sóng theta 4-7 hertz để từ từ vào giấc ngủ sâu thuộc giai đoạn sóng delta 1-3 hertz.
Cứ theo dõi hơi thở đều đều, sóng não xuống thấp dần thiếp vào giấc ngủ. Nếu trong đêm bị thức giấc, lại tập theo dõi hơi thở để duy trì lại sóng théta 4-7 hertz sẽ mau rơi vào giai đoạn hôn trầm đến giấc ngủ sâu.

b.Theo dõi hơi thở bằng một chu kỳ đều :

Chúng ta có thể tập thở theo một chu kỳ nhất định với nhịp thở sinh học 5-5..,Áp dụng hai câu thơ hay hai câu hát loại 5 chữ . Khi đọc hay hát thầm mỗi câu sẽ kéo dài trong 5 giây đồng hồ, cứ 5 giây hít vào, 5 giây thở ra đều đặn tạo ra nhịp thở sinh học 5-5.

Thí dụ chọn câu :
' Thở, vào, tâm, tĩnh, lặng.
Thở, ra, miệng, mỉm, cười.

Nhắm mắt, cuốn lưỡi, ngậm miệng, hít thở bình thường, ở thì hít vào, trong đầu đọc nhẩm : thở, vào, tâm, tĩnh, lặng. Nhớ là thở tự nhiên, đọc làm sao cho năm chữ theo kịp cho trùng với hơi thở, hơi thở không theo lệnh câu đọc, mà câu đọc phải theo ăn nhịp với hơi thở. Khi thở ra, đọc câu : thở, ra, miệng, mỉm, cười cũng phải ăn nhịp vừa hết hơi thở ra, mới đầu hơi thở ngắn thì câu đọc phải nhanh cho kịp bằng với hơi thở,( nhịp thở sinh học là 3-3, tức là một hơi thở vào-ra dài 6 giây ), tiêu chuẩn lý tưởng là nhịp sinh học 5-5, tức là một hơi thở vào-ra dài 10 giây ,trong một phút thở được 6 hơi, sẽ tự chữa được rất nhiều bệnh. Tiếp tục luyện thầm câu đọc và hơi thở trùng nhau, liên tục, đều đặn, không ngừng nghỉ. Cùng lúc tập trung ý, nghĩ đến lòng bàn tay dưới nơi đan điền tinh, nghe và theo dõi xem lòng bàn tay ấy ấm nóng chưa, hay bụng sôi và kêu lọc ọc chưa.

Khi còn tỉnh thức để theo dõi hơi thở và câu đọc là đang tập khí công tự chữa bệnh, nếu không có bệnh cơ thể sẽ tăng tính hấp thụ và chuyển hoá thức ăn ra khí huyết làm tăng hồng cầu, tăng cường hệ miễm nhiễm, hô hấp, tiêu hoá, bài tiết, sinh dục..

Nếu không tỉnh thức mà rơi vào hôn trầm, tức là hai tay buông lơi, không đọc câu theo hơi thở, chúng ta sẽ rơi vào giấc ngủ từ từ chỉ chừng 30 phút tập đúng..

C-NHỮNG DIẾN TIẾN KỲ LẠ KHI THEO DÕI HƠI THỞ :

Bài tập theo dõi đếm hơi thở có thể tập ban ngày dùng để tự chữa bệnh, hay khi bị mệt mỏi căng thẳng thần kinh, cần phải tập để tinh thần thư giãn phục hồi sức khỏe. Ngay cả khi mất ngủ kinh niên, thay vì nằm thao thức trằn trọc suốt nhiều đêm khiến mặt mày hốc hác tiều tụy, tinh thần suy nhược, hãy tập theo dõi hơi thở ,biến dưỡng căn bản giảm không làm tiêu hao nhiều năng lượng mà khí huyết lại lưu thông dễ dàng.

Tập trong 30 phút, nghe thấy bụng sôi, những hơi bị ngăn nghẹn ở lồng ngực đi xuống, mình cảm thấy thở được nhiều hơn trước, từ bụng trên có cái gì chuyển xuống bụng dưới giúp tiêu hóa tốt, ăn biết ngon, mau đói, dễ tiêu, nghe bụng ấm rồi dần dần cơ thể ấm, cứ tập sẽ khám phá ra tai nghe rõ hơn, cảm thấy có nhịp đập của mạch máu dưới lòng bàn tay, thỉnh thoảng nghe nó nhảy một cái, tập trung ý vào lòng bàn tay nghe cho kỹ hơn, cảm nhận nó đập mạnh hơn, nhiều lần hơn, đều hơn, rồi phân biệt được mạch trong bụng đập, nghe nữa càng lúc càng rõ tiếng đập của động mạch bụng đập to dần nghe ' bịch, bịch ', nghe chán rồi chúng ta rơi vào giấc ngủ sâu, êm đềm, không mộng mị khi tỉnh dậy thì trời đã sáng lúc nào không hay.

Một thí dụ dễ thấy từ sóng béta đến théta làm thư giãn thần kinh gân cơ trong trường hợp con chúng ta ham chơi qúa khuya, sự hoạt động hưng phấn thần kinh tạo ra sóng béta, chúng ta bắt nó đi ngủ, nó vẫn còn ham chơi không thể nào ngủ được. Nhưng nếu chúng ta bắt nó ngồi yên một chỗ không cho đi ngủ, không cho chơi chạy nhảy nô đùa nữa, sóng não đổi sang sóng alpha là tình trạng nghỉ ngơi, làm nó sẽ chán và ngủ gục dễ rơi vào trạng thái sóng thêta, thần kinh thư giãn, chân tay mềm rũ, bế nó vào giường ngủ chúng ta cảm thấy chân tay nó vô lực không còn cứng như lúc nó thức. Hoặc như một người thợ máy khi đứng làm việc tự nhiên chân vô lực, té ngã xuống, không phải là chân yếu mà do buồn ngủ gục, điều đó chứng tỏ hệ thần kinh điều chỉnh tự động từ giai đoạn làm việc qúa độ ( sóng béta )sang giai đoạn thư giãn ( sóng théta ).

Vậy khi chúng ta chủ động tập thở đi vào được giai đoạn sóng théta để ngủ được thì bệnh đau nhức thần kinh, cơ bắp, xương, gân, cốt, đau nhức do tổn thương tạng phủ sẽ biến mất mà không cần phải dùng nhiều đến thuốc như trong lúc thức. Ngược lại, nếu cơ thể không ngủ được, do đau đớn khi mang bệnh, lại lạm dụng thuốc giảm đau, hoặc dùng thuốc chữa bệnh kích thích thần kinh hưng phấn sẽ làm tê liệt sự nhạy cảm thần kinh mất tính chủ động điều chỉnh tự chữa bệnh.

D. CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÁC :

Để bổ sung phương pháp chữa bệnh mất ngủ kinh niên bằng cách tập thở khí công ( phần tĩnh công ), chúng ta cũng cần phải tập thể dục khí công (phần động công) chúng tôi sẽ nói đến ở một bài viết khác.

Bài tập theo dõi hơi thở trên dùng cho người lớn tuổi, thể lực yếu, bị bệnh mất ngủ kinh niên.

Người trẻ tuổi nếu vì lý do gì bị mất ngủ, có thể bớt làm việc bằng trí óc, chịu khó vận động cơ thể như đánh quần vợt, bơi lội, chạy bộ, ném bóng, đánh cầu.. làm cho khí huyết lưu thông. Tắm nước nóng trước khi đi ngủ.

Có một thanh niên mất ngủ 15 năm phải uống thuốc ngủ mỗI tối mà vẫn không ngủ được, trằn trọc suốt đêm suy nghĩ, thần kinh bị ám ảnh lo sợ cho rằng đã có người hãm hại đầu độc bằng thuốc hại thần kinh khi thời gian còn đi làm chưa bị bệnh tâm thần. Bệnh nhân thông minh, kiến thức rộng, khỏe mạnh, yêu cầu tôi giúp cho ngủ được.

Tôi giao điều kiện trước khi chữa bệnh theo bài tập trên, bệnh nhân phải thức liên tục 2 tuần lễ không được ngủ. Bệnh nhân nhận lời vì cho là quá dễ đối với mình. Qủa thật dễ nếu để bệnh nhân tự do tâm viên ý mã thì hoạt động sóng não lúc nào cũng thuộc sóng béta. Tôi giao điều kiện phải thực hiện những chỉ dẫn sau đây rồi mớI chữa :

1-Tối 8-10 giờ chạy bộ quanh công viên nhiều vòng ( khoảng 10 km ) để làm suy giảm thần kinh hưng phấn, sóng béta sẽ giảm.
2-Tắm nước nóng trước khi đi nằm cho khí huyết lưu thông .
3-Để đèn đọc sách, thức suốt đêm đọc một loại sách không ưa thích, khó đọc khó nhớ như một quyển kinh chữ latin hoặc chữ phạn, nếu thông minh phải học thuộc lòng trong một đêm một đoạn hay nhiều đoạn, mục đích giết thì giờ qua đêm tập không ngủ, chứ không được nghỉ để nghĩ chuyện khác, dù chán cũng không được bỏ cuộc, làm như vậy để ức chế thần kinh khiến cơ thể mỏi mệt tự động cần nghỉ ngơi thư giãn thì sóng théta sẽ đến.

Kết qủa một tuần lễ sau bệnh nhân đến tuyên bố thua cuộc, vì hôm đầu, tính háo thắng khiến tinh thần tập trung để học thuộc những câu kinh làm thần kinh qúa ức chế sinh mệt mỏi tự động thư giãn nghỉ ngơi, đã rơi vào hôn trầm, ngủ được liên tiếp 2 giờ mới thức lại. Ngày hôm sau số giờ ngủ tăng lên, đến cuối tuần tăng lên được 6 giờ ngủ mà không thuộc được hết quyển kinh. Và cũng do thói quen không thích đọc kinh sách, mỗi tối khi phải học thuộc kinh, thần kinh bị ức chế để cột tâm vào một việc giống như phương pháp thiền định, thần kinh trở nên đối kháng, tự động sóng não điều chỉnh giúp cơ thể thư giãn rơi vào sóng théta nhanh hơn.

Áp dụng phương pháp trên đây là phương pháp ức chế thần kinh để tạo phản xạ thần kinh chống đối tự động thành thư giãn. Còn phương pháp tập thở là định tâm an thần giúp thân tâm an lạc, đi vào giấc ngủ êm đềm, giúp cơ thể chúng ta tự động điều chỉnh được sự khí hóa của lục phủ ngũ tạng phòng chống bệnh tật, tăng cường sức đề kháng, phát triển trí thông minh, tăng cường trí nhớ,giúp chúng ta nhìn đời bằng một khía cạnh lạc quan, yêu đời và vị tha hơn.

E-Chữa bệnh mất ngủ bằng ăn uống

Ngoài ra chúng ta có thể dùng luân phiên thay đổi các loại món ăn thay thuốc giúp ngủ ngon như :

A-Bệnh mất ngủ do nhiệt chứng, dương chứng , máu cao :

1-Canh củ sen thịt heo nạc :
Nấu canh củ sen 300g hầm với thịt nạc heo 100g, lấy nước uống mỗi tối, giúp an thần, ngủ ngon.

2-Canh hạt sen :
Nấu canh hạt sen tuơi bỏ tim 100g, thịt nạc heo 50g, với giá đậu xanh, nêm nếm cho vừa ăn.

3-Cháo nếp đậu xanh :
Nãu cháo gạo nếp 100g, đậu xanh 50g, hạt sen 50g, sườn heo 200g nêm nếm vừa ăn.

4-Cháo củ mài , tim heo :
Nãu cháo gạo tẻ 100g, tim heo 1 qủa, hạt sen 50g, củ mài tươi 100g nêm nếm vừa ăn.

5-Nước uống hoa nhài :
Dùng hoa nhài tươi hay khô 10 cái pha với 1 ly nước sôi 250cc, ngâm sau 15 phút là dùng được, uống trước khi đi ngủ.

6-Nước táo nhân hoa cúc :
Hạt táo nhân mua ở tiệm thuốc bắc 30 hạt, cúc áo hoa vàng 10 cái, nấu với 300cc nước cho sôi, uống trước khi đi ngủ.

7-Nước tâm sen, lá dâu :
Tâm sen, lá dâu khô mỗI thứ 3-5g nấu với 300 cc nước cho sôi, uống trước khi đi ngủ.

B-Bệnh mất ngủ do hàn chứng, âm chứng, thiếu máu, áp huyết thấp :

1-Canh bí đỏ :
Nấu 200g bí đỏ với 100g nạc heo, nêm nếm vừa ăn.

2-Cháo bí đỏ :
Nãu cháo gạo nếp 100g, bí đỏ già 200g, hạt sen 50g, sườn heo 200g, nêm nếm vừa ăn.

3-Nước long nhãn :
Nấu long nhãn khô 10g, mạch môn 5g với 300 cc nước, đun sôi, uống trước khi đi ngủ..

4-Nước long nhãn tâm sen :
Nếu không biết người thuộc hàn hay nhiệt, nấu long nhãn, mạch môn, tâm sen, táo nhân, mỗi thứ 5g với 300cc nước, đun sôi, uống trước khi đi ngủ.
Trung tá Trần Ngọc Huế của đại đội Hắc Báo được trao Silver Star

Arlington – Hôm 25/5, một ngày trước Quốc lễ Chiến sĩ Trận vong của Hoa Kỳ, một cựu chiến binh VN đã được Sư đoàn 101 Nhảy dù Hoa Kỳ kết nạp làm hội viên danh dự của một trong những Tổng hội Cựu chiến binh nổi tiếng nhất của quân đội Mỹ. Và không những thế, ông còn được trao tặng huy chương Silver Star của Hoa Kỳ.

Buổi lễ kết nạp hội viên danh dự được tiến hành tại Nghĩa trang Quốc gia Hoa Kỳ ở Arlington, Virginia và người nhận vinh dự này là Trung tá Trần Ngọc Huế, nguyên đại đội trưởng đại đội Hắc Báo Sư đoàn 1 Bộ binh Quân lực VNCH.

Quyết định kết nạp TT Huế làm hội viên danh dự được tuyên đọc bởi ông Charles Gailey, Chủ tịch Chi hội khu vực Washington DC. Ông Gailey phát biểu:

"Cựu trung tá Huế đã tham gia nhiều cuộc hành quân hỗn hợp với Sư Đoàn 101 Nhảy dù. Sự phối hợp giữa hai đơn vị đã đem lại thành công trong nhiều cuộc hành quân tại Quảng Trị, đặc biệt là nỗ lực tái chiếm Huế sau Tết Mậu Thân 1968."

Một cựu chiến binh Mỹ của Sư đoàn 101 đến từ California, đã ôm chặt TT Huế và nói:

"Những ngày ấy, hơn 40 năm trước, tên tuổi của vị này đã được loan truyền rộng rãi trong các đơn vị của Sư đoàn 101 Nhảy Dù. Mọi người đều biết rõ sự can trường của trung tá Huế."

Tuy nhiên, đó mới chỉ là buổi lễ mở đầu. Đến khi tin tức loan đi cho biết TT Huế được trao tặng huân chương Silver Star từ tay Đại tướng Creighton Abrams thì mọi người tham dự đều thốt lên: "Thật là tuyệt vời, một người Việt Nam được trao huy chương Silver Star của quân đội Hoa Kỳ!"

Được biết đại đội Hắc Báo của TT Huế đã thực hiện nhiều cuộc hành quân hỗn hợp với các lữ đoàn 1, 2, và 3 thuộc Sư đoàn 101 Nhảy dù. Ông Huế cho biết ông nhớ nhất là hai trận đánh khi đơn vị của ông được tăng phái cho Lữ đoàn 2 tại vùng Quảng Điền, làng Phước Yên trong giai đoạn 2, chiến cuộc Mậu Thân 1968. Thời đó người chỉ huy Lữ đoàn 2 là đại tá Cushman, về sau hồi hưu với cấp bậc trung tướng.

Đại đội Hắc Báo lúc ấy phát hiện Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90 của phía Bắc Việt đang ém sâu tại Phước Yên. Trung tá Huế kể lại: "Chúng tôi tấn công, còn phía Sư đoàn 101 có nhiệm vụ bao vây. Trong 2 ngày chiến đấu, chúng tôi bắt sống 112 tù binh và hầu như xóa sổ tiểu đoàn 9." Cuộc hành quân này sau đó trở thành mặt trận mẫu cho Quân lực VNCH và các quân đội đồng minh trong những tình huống dùng lực lượng nhỏ, cấp đại đội để phát hiện tiểu đoàn địch, rồi dùng hỏa lực và lực lượng bao vây để tiêu diệt.

Cũng phát biểu trong buổi lễ, đại tá hồi hưu Joe Alexander, người đã từng chiến đấu trong chiến dịch Mậu Thân và nay là chủ tịch Tổng hội Cựu chiến binh Sư đoàn 101 Nhảy dù, nói:

"Chúng tôi nhận thấy điều đúng đắn nhất là phải trao vinh dự này đến TT Huế. Chúng tôi chỉ có một số rất ít những thành viên danh dự được kết nạp. Và chúng tôi chọn ông làm hội viên danh dự để vinh danh những công trạng của ông cho tổ quốc ông."

Trung tá Trần Ngọc Huế sinh năm 1942. Ông tốt nghiệp trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, trở thành sĩ quan tác chiến và được thăng cấp rất nhanh trong thời chiến. Một đêm cuối tháng 3 năm 1971, trong khuôn khổ chiến dịch Lam Sơn 719, ông lúc đó đang ở Tchepone, bị thương và ngất lịm. Ông ra lệnh cấp dưới mở đường máu thoát thân, để ông lại trận địa nhằm tránh gây cản trở trên đường tháo lui. Sau đó, ông bị phía Bắc Việt bắt làm tù binh. Sau nhiều lần chiêu dụ trung tá Huế hợp tác, nhưng bất thành, phía miền Bắc giam giữ ông cho đến năm 1983. Sau đó ông được trả tự do, về sống tại Sài Gòn cho đến ngày sang định cư ở Virginia, Hoa Kỳ.

KẺ THÙ TRƯỚC MẶT, NGƯỜI ĐÂM SAU LƯNG

ĐINH LÂM THANH
April 23, 2008

Người ta thường cho rằng thời gian là liều thuốc hiệu nghiêm nhất để xóa tan phiền muộn và hàn gắn đau thương của cuộc đời, nhưng đã 33 năm qua, nỗi buồn vẫn còn đó, và cứ mỗi tháng tư lại bùng trở dậy, xoáy động ruột gan tim óc của những người phải tức tưởi bỏ xứ ra đi. Sống đời tỵ nạn, dù thành công ở quê người nhưng ngày nào quê hương tổ quốc chưa thoát khỏi gông cùm Cộng sản thì vết thương lòng vẫn còn rướm máu…

Ngày Cộng sản ồ ạt xua quân vào cướp nước, con mất cha, vợ mất chồng, quê hương điêu đứng, tổ quốc tang thương là những nỗi đau xé gan bầm ruột của người dân miền Nam … Tiếng gào thét hãy còn văng vẳng, vòng khăn tang vẫn quấn trên đầu và những giọt lệ tuông dài chưa ráo…là hậu quả một cuộc cướp nước mà kẻ thù trước mặt là chế độ Cộng sản.

Những cảnh nầy đến nay vẫn còn ám ảnh người Việt tỵ nạn trong từng giấc ngủ, thế mà trong tháng tư buồn, một số người sống bám vào cộng đồng nhưng lại lãnh tiền của kẻ thù để đâm vào lưng những người đã một thời mở rộng vòng tay cưu mang họ !

Ngày mất nước, biết bao anh hùng nằm xuống, từ những anh lính chiến đến các vị tướng lãnh đã can trường lấy cái chết của mình đền nợ nước. Họ chứng tỏ cho thế giới biết tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, yêu chuộng tự do hòa bình và không bao giờ khuất phục trước nanh vuốt Cộng sản. Hành động nầy lót đường đầu tư tình cảm để thế giới tự do mở rộng con tim đón nhận những người bị mất quê hương. Những vị anh hùng đáng kính phải được tôn vinh và tạ ơn, nhưng tiếc thay đến ngày kỵ giỗ thì một số người vâng lệnh quan thầy lại tổ chức tưởng niệm kẻ thù. Sự việc nầy không khác gì chúng dùng ngọn giáo đâm vào đầu, vào tim những ai còn nghĩ đến quê hương, tổ quốc và dân tộc.

Vinh Danh, Tưởng Niệm và Tạ Ơn ai ?

Những tên nằm vùng và một số trí thức cò mồi mất gốc nhận ân huệ của kẻ thù để tổ chức kỵ giỗ, vinh danh và tạ ơn ai trong thời điểm thương đau nhất của người Việt tỵ nạn ?

Người thứ nhất : Hoàng Minh Chính, sư tổ lý thuyết Marx-Lênin, bậc thầy của chế độ Cộng sản Việt Nam. Hoàng Minh Chính đã vào tù ra khám vì chuyện bất đồng chính kiến giữa hai khối thân Tàu và thân Liên sô, đó là chuyện nội bộ giành giật quyền lực của nhà cầm quyền Cộng Sản và Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng. Nhóm thân Tàu Cộng thắng thế nên Hoàng Minh Chính, đàn em của Liên sô, phải vào tù. Sự thật chỉ đơn giản như vậy ! Đây là điểm quan trọng cần phải nắm vững, Hoàng Minh Chính hoàn toàn không tranh đấu đòi sửa đổi đường lối cai trị hay dẹp bỏ đảng Cộng sản để đem lại tự do no ấm hạnh phúc gì cho dân chúng và đất nước. Trở lại lịch sử Cộng sản Việt Nam, già Hồ cho lệnh khai sinh đảng Dân Chủ là con đẻ của đảng Cộng sản, ưu ái cho phép Hoàng Minh Chính đóng vai trò đối lập cuội, bên ngoài lừa bịp quốc tế, bên trong tiếp tay đảng Cộng sản đàn áp bóc lột dân chúng.

Lá bài chính phủ ba thành phần do Cộng sản Việt Nam chuẩn bị từ năm 1995 và mười năm sau tức là năm 2005, Hoàng Minh Chính lãnh nhiệm vụ đem ra chiêu dụ Cộng đồng người Việt Quốc gia hải ngoại qua âm mưu chiêu bài hòa giải hòa hợp dân tộc. Trước khi lên đường ra nước ngoài Hoàng Minh Chính được phép thành lập thêm một tổ chức ngoại vi trực thuộc đảng Dân Chủ mang tên Phong Trào Dân Chủ Thống Nhất với Trần Khuê, chủ tịch quốc nội và NVN, chủ tịch hải ngoại. Khi qua Mỹ, Hoàng Minh Chính phối họp với Phong Trào Dân Chủ Thống Nhất tại Mỹ, đề nghị một chương trình hòa giải hòa hợp bằng một chính phủ ba thành phần : Thành phần thứ nhất là đảng Cộng sản Việt Nam. Thành phần thứ hai gồm trí thức trong nước và thành phần thứ ba không ai khác hơn là bọn trí thức nằm vùng dưới trướng của NVN. Xin mở một dấu ngoặc về hai thành phần sau. Trí thức trong nước là trí thức ‘đỏ’ gồm những tay Cộng sản. Trí thức Quốc gia nếu không tù tội, bị cô lập thì cơm không có ăn, bút giấy chẳng có để viết, miệng bị dán băng keo thì làm gì có tiếng nói đối lập….Trí thức hải ngoại gồm những ông bác sĩ nằm vùng, những ông chủ tich đảng cò mồi của Hà Nội… Như vậy khi Hoàng Minh Chính đến Cali các ông tổ chức họp kín, ngụy trang bằng danh từ thật hấp dẫn ‘Tiểu Diên Hồng’. Hội nghị gồm toàn một nhóm người do Cộng sản an bài đặt để!

Chẳng lừa được ai, Hoàng Minh Chính trở về Việt Nam đã không bị tra xét tù tội lại còn lãnh tiền hưu trí, phương tiện sinh sống, cơm ăn nhà ở đều do đảng trả công, đau ốm vào nằm bệnh viện cao cấp dành riêng lãnh đạo cao cấp của nhà nước…thì đối lập cái gì ? (Ngoại trừ một chuyện là mấy đứa trẻ con trong xóm chơi nghịch bật ngược kính chiếu hậu xe hơi của Hoàng Minh Chính để trước sân, ném đá vào nhà. Chuyện không ra gì nhưng được đồng bọn hải ngoại thổi phồng la lối, đưa lên intern et quảng cáo rầm rộ). Một đứa con nít lên ba cũng thấy trò bịp nầy chỉ tội nghiệp cho mấy người có ăn học, nhưng đã theo chủ thì phải làm tròn bổn phận của tôi tớ. Đến khi Hoàng Minh Chính về chầu già Hồ thì Hà Nội lại dựng lên một màn đánh bóng rùm beng để bịp quốc tế. Hà Nội cho phép tổ chức ma chay tưng bừng, được để tang khóc lóc làm cảnh trước khi đưa con bài trẻ tuổi NTT (đã bị lật ngửa) vào giấu trong quân đội.

Người thứ hai : Trịnh Công Sơn. Phải công nhân Trịnh Công Sơn có tài, nhưng hắn đã lợi dụng âm nhạc để mua chuộc, ru ngủ, đánh phá hậu phương thì những lời văn câu nhạc nầy còn nặng ký hơn cả ngàn, cả vạn viên đạn bắn vào chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Là tên trốn quân dịch, một thằng Cộng sản nằm vùng, TCS đã góp phần rất lớn với Cộng sản Hà nội trong việc thanh toán miền Nam một cách nhanh chóng. Đây là một tội tày trời, tôi cần đưa ra để cho những ai còn mù mắt ca tụng vinh danh Trịnh Công Sơn. Chính tên Cộng sản nầy đã ngồi ghế quan tòa của ‘cái gọi là tòa án nhân dân’, đọc bản tội trạng và ra lệnh tử hình một thanh niên miền Nam yêu nước ngay trong tháng năm 1975 tại Sàigòn. Một quân đoàn cầm súng quay lại chống Việt Nam Cộng Hòa không đáng tội bằng một tên làm văn hóa xử dụng tài năng của mình nối giáo cho địch, phá hoại chế độ đã bao dung nuôi dưỡng một thằng phản bội từ ngày mới lọt lòng mẹ. Làm văn hóa mà sai lầm là giết luôn cả một chế độ huống gì một người dùng văn hóa để ru ngủ dân chúng, phá rối hậu phương, đâm lưng chiến sĩ và cỗ võ cho kẻ thù thì phải đang tội tru di tam tộc.

Trên đây là hai nhân vật được quan thầy Cộng sản chỉ thị cho thành phần xôi thịt nằm vùng tổ chức truy điệu, vinh danh và tạ ơn trong thời điểm đau buồn của người tỵ nạn. Vậy phải đề cập đến những thành phần tổ chức dính máu ăn phần và những kẻ ham danh hoặc mua vui trên đau khổ của hàng chục triệu người dân miền Nam từ trong nước cho đến hải ngoại.

Ai là ngườì chủ trương và trách nhiệm tổ chức ?

Tất cả mọi người đều biết, chủ chốt là đảng Cộng sản qua vai trò lãnh đạo của các sứ quán ở nước ngoài. Chúng xử dụng dollar và euro ‘kiều vận’ trong ngân sách chìm của nghị quyết 36 để chi trả cho tay sai. Không lạ gì những khuôn mặt lớn như HCD, LTH, NVN…hăm hở tổ chức ngày giỗ Hoàng Minh Chính ở cũng như một số Cộng sản nằm vùng và con buôn văn nghệ tổ chức vinh danh Trịnh Công Sơn tại Mỹ. Ở Pháp một bộ mặt quen thuộc trong cộng đồng, vinh thân phì gia nhờ bám vào tôn giáo và tập thể người tỵ nạn, thuê mướn ca sĩ nằm vùng (AV) phản bội (HL) đồng hương trình diễn trong buổi hát Tạ Ơn Đời ! Ngoài ra có người trá hình lợi dung hội văn hoá ái hữu Pháp-Việt để tổ chức công khai vinh danh hát nhạc Trịnh Công Sơn với sự góp mặt của một ca sĩ phản bội (KL) để tổ chức công khai tại Paris.

Tất cả không ai lạ gì những khuôn mặt lớn nầy, kẻ thi hành lệnh quan thầy, người ham danh tham tiền, bất chấp nỗi đau của người Việt tỵ nạn. Khi được nhắc nhở thì một trong số người tổ chức trả lời rằng ông ta quên không để ý xuất hát trùng vào cuối tháng tư là thời điểm đau buồn của đồng bào !

Ai là kẻ đóng góp hưởng ứng tham dự ?

Không đề cập làm gì những thành phần thuộc nhân viên sứ quán, bọn Cộng sản nằm vùng, du sinh, cò mồi đón gió và các thanh thiếu niên ít hiểu biết, tôi chỉ đề cập đến các hạng người sau đây đã hoan hỉ, khăn áo chỉnh tề tham gia xì xụp vái lạy kẻ thù hoặc hả hê vui cười trên đau khổ của người khác:

Trong dịp giỗ Hoàng Minh Chính người ta thấy nhiều vị tai to mặt lớn, gồm cựu công chức, sĩ quan của Việt Nam Cộng Hòa cũng như các cụ ông tuổi đã gần đất xa trời, đến thắp nhang vái lạy ông tổ Cộng sản Hoàng Minh Chính là một điều sĩ nhục cho Việt Nam và tập thể người Việt Tỵ Nạn. Đáng gì một chút hư danh, một buổi tiệc hay vài ba trăm dollars mà phải bán thanh danh của mình đã khổ công ‘gìn vàng giữ ngọc’ suốt cả cuộc đời. Chỉ vì một chút lợi danh mà tự mình đốt cháy nhân cách và danh dự gia đình giòng họ. Sử sách tỵ nạn sẽ ghi chép và lưu lại nhữnh hành động nầy cho đời sau, con cháu phải xầu hổ vì cha ông của họ vì miếng ăn hời và tí danh hão mà phải bán luôn cả danh dự.

Trong các dịp tổ chức vinh danh, tưởng niệm, tạ ơn ngoài các thành phần kể trên là một số người yêu thích nhạc đến mua vui, nhưng lại vô tình góp phần vinh danh một kẻ thù không đôi trời chung với những ai đã ra đi vì Cộng sản. Thành phấn nầy, có thể đa số ra nước ngoài với một lý do khác hay đi tỵ nạn kinh tế. Dù gì đi nữa, những người chỉ biết mua vui trên sự đau khổ của bạn bè, đồng hương và của quốc gia dân tộc thì đúng là những khối thịt biết đi không hơn không kém !

Mùa đau thương - 2008
TRẦN BẠCH ĐẰNG


***Mt68: Trần Bạch Đằng trước năm 1975 là Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn. Ngủm hồi tháng 4/07 và nhà xuất bản trẻ vừa mới cho in (4/08) những bài du ký của hắn khi đi ra các nước ngoài sau 75. Chúng tôi xin trích lại một số chi tiết quan trong khi sang Úc đầu năm 1999. Những đoạn trích nầy sẽ cho thấy những tên “NẰM VÙNG” đã nuôi nấng và giúp đỡ TBĐằng hết mình , nay được hắn phanh phui ra trước ánh sáng, cho thấy họ là những ai hiện ở Úc Châu ???./- mt68.

Tại Melbourne …

Thượng nghị sĩ Sang Nguyễn (Nguyễn Sang) , người Việt mang quốc tịch Úc the xếp nơi ăn ở và các cuộc tiếp xúc của chúng tôi. Đầu tiên, chúng tôi thuê 1 phòng ở một motel - kiểu ký túc xá, cạnh trường Đại Học Victoria. Phòng quá chật, tuy giá rẻ (cho 4 người 50 đô la Úc 1 ngày) . Thượng nghị sĩ Sang lại thu xếp cho chúng tôi đến nhà ông TRẦN MINH HOÀNG, một Việt kiều, giám đốc công ty in trong khu chế xuất Tân Thuận (Sand print group) – ngôi nhà 2 tầng rộng rãi; chúng tôi ở đây suốt 5 ngày thăm Melbourne. Gia đình ông Hoàng tổ chức một bữa ăn chào chúng tôi, có mặt ông cụ thân sinh ông, các em cháu, đông đủ cả, do bà mẹ ông Hoàng đứng bếp. Gia đình thượng nghị sĩ Sang cũng tổ chức mộ bữa ăn nấu theo kiểu Việt Nam (canh chua, thịt kho tộ …) do chị Sang nấu.

Chúng tôi thăm thành phố Brimbank (thuộc Melbourne) do thị trưởng Ciro Lombardi (gốc Ý) cùng các phụ tá tiếp, thăm trụ sở Quốc Hội, thăm Ủy Ban Bầu Cử (đang sát ngày bầu cử địa phương theo định kỳ) do ông Chedomir Flego trong hội đồng bầu cử tiếp, thăm trụ sở đảng Lao Động (đối lập) và đảng Tự Do đang cầm quyền.

Nhưng có lẽ cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với Ban giám hiệu trường Đại học Swinburne đáng ghi nhận hơn cả. Phó hiệu trưởng John Pidgeon, cô trợ lý Patrica Di Virgilio, người điều hành các chương trình hợp tác với nước ngoài, trong đó có Việt Nam, ông quản trị trường thông báo với chúng tôi hoạt động của trường, nhất là cuộc họp ở Hà Nội về đề tài “Toàn cầu hóa cùng những hậu quả của nó”, về sự giúp đỡ đào tạo sinh viên Việt Nam.

Ở Melbourne, hiện nay 60 ngàn Việt Kiều sinh sống. Thật thú vị khi chúng ta dạo phố, hiệu mang tiếng Việt 100% chen với cửa hàng, văn phòng tiếng Anh và của người Hoa. Riêng một số khu vực - những đoạn đường hàng cây số - chúng tôi xúc động khi đọc tên phở Pasteur, hủ tiếu Mỹ Tho, chả cá, giò lụa, tiệm cơm Nam Trung Bắc, văn phòng Luật sư, kiến trúc sư người Việt. Muốn ăn một bát phở ngon, có lẽ quá dễ dàng ở Melbourne, đủ cả rau thơm,giá luộc, chanh, ớt ngâm dấm, nước mắm Phú Quốc … Thái độ chính trị của Việt kiều ở Melbourne: hướng về tổ quốc, rất ít nhóm quá khích, họ gặp chúng tôi với thái độ trân trọng, yêu mến - họ biết tôi qua sách vở trong nước và ở Mỹ, qua truyền hình và báo chí. Lúc đầu tôi cũng hơi ngại, song càng về sau, tôi chẳng thấy có gì không bình thường cả. Tôi đang ngồi trong một quán ăn, một người trẻ đến chào; Chào ông Trần Bạch Đằng, thật vui thấy ông đến đây ! Vài phút sau, anh thay đổi xưng hô: Bác, cháu …

Tôi đến kiểm tra sức khoẻ ở phòng mạch riêng của một bác sĩ người Hoa từ Việt Nam sang, nói thạo tiếng Việt – bác sĩ TRẦN THANH NHƠN, cùng mở phòng mạch với một nữ bác sĩ Việt. Đọc tên tôi, ông đã vồn vã ra đón và không lấy phí, cả thuốc mà ông cấp.

Có thể xem như tôi kết thúc chuyến thăm Úc ở Melbourne. Dù sao , thăm Melbourne 5 ngày cũng là quá ngắn …

Một số thế lực chống đối vẫn còn nhưng teo tóp dần. Trước đây , hàng năm đến ngày 30.4, sứ quán Việt Nam ở Canberra, tổng lãnh sự quán ở Sydney bị một số Việt Kiều đến la ó, phản đối, nhưng số lượng cứ mỗi năm mỗi giảm và ngày 30.4.98, tại Canbrra con số chỉ còn vài trăm. Đó là xu thế tất yếu…
Trần Bạch Đằng- Tháng 3/1999 (Hết).

***Mt68: Chúng tôi trích những gì Trần Bạch Đằng đã kể lại trong thời gian viếng Úc hồi đầu năm 1999. Trong đó một lần nữa chứng minh cụ thể cho thấy NHỮNG TÊN ĐÂM SAU LƯNG NGƯỜI VIỆT TỴ NẠN CHÚNG TA: Như gia đình Lưu Vĩnh Phong ở Brisbane, NGUYỄN SANG, TRẦN MINH HOÀNG ở Melbourne … Những tên nầy ngoài mặt chúng phô trương màu cờ sắc áo LÀ NGƯỜI TỴ NẠN TỰ DO, nhưng trong lòng chúng lại VỀ VỚI VIỆT CỘNG. Mà trước đây vẫn có người ngây thơ bênh vực cho chúng. Nay chính Trần Bạch Đằng đã công khai xác nhận rõ ràng về bộ mặt gian xảo, điệp đôi của chúng nó.*** Riêng Trần Minh Hoàng chính là chủ nhân của Văn Phòng dịch vụ DI TRÚ với bảng hiệu ĐỖ MINH ở Richmond./- mt68.
NÓI CHO RÕ HƠN Về Lm. ĐINH XUÂN MINH.

Trần Thái Hiền

Sent: Tuesday, May 27, 2008 10:06:46 PM

Kính gửi các bác, Trong mấy ngày qua nhà cháu đọc nhiều bài viết về Linh mục Đinh Xuân Minh. Khen ít, chê nhiều. Nhà cháu cũng xin đóng góp những điều nhà cháu biết để mọi người có thêm dữ kiện tìm hiểu.Nhà cháu luôn kính trọng các cha và đặc biệt là các cha đấu tranh chống cộng sản, nhưng ông Đinh Xuân Minh là một người nhà cháu không thể kính trọng được. Cha Lý đã và đang được cả thế giới ủng hộ, nên ổng núp sau cha Lý để che dấu bộ mặt thật của ổng.

Bên ngoài thì ổng đang vận động xin giải nhân quyền Sacharow cho cha Lý là một điều đáng để chúng ta ủng hộ, nhưng bên trong ổng đã đánh phá người VN chống cộng rất tinh vi, tương tự VC tính núp sau lễ Vesak để dứt điểm GH Phật Giáo VNTN. Nếu chỉ căn cứ vào việc VC bỏ nhiều triệu đô la Mỹ ra tổ chức lễ Tam Hợp rìng rang để tin rằng VN có tự do tôn giáo và VC ủng hộ Phật Giáo như đời Lý thì bỏ bu nhà cháu rồi, vì đánh giá thế thì VC nó còn sống dai lắm các bác ạ. Nhà cháu xin kể vài câu chuyện đánh phá cao cấp của ông linh mục này:

1/ Năm 2004 ông Vũ Quốc Dụng của hội Nhân Quyền Thế Giới (IGFM) vận động thành công và giải nhân quyền Shalom của đại học công giáo Eichstätt được trao cho cha Lý.

Ông Đinh Xuân Minh từ đầu đến cuối không dính gì đến chuyện vận động nhưng ngay sau khi nghe tin cha Lý được trao giải, tự nhiên ổng nhảy ra phá rối, cãi lộn với ông Vũ Quốc Dụng và với tất cả mọi người có liên quan, với lý do vì ổng là linh mục nên ổng phải có quyền đại diện cha Lý nhận giải.Ổng đã gửi thư kiện cáo khắp nơi, đến đại học Eichstätt, đến ub Shalom, ổng phá rối đến độ ub Shalom đã quyết định nhờ Tiến sĩ Bernhard Ertl của Amnesty International thay vì để một người VN đọc diễn văn vinh danh cha Lý và công cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo của ngài trong buổi lễ trao giải. Nhục nhã nhất là Ts Ertl lúc đọc diễn văn đã chê trách người VN tự do chia rẽ quá.Các bác thấy chưa, ổng đã làm cho người VN mang tiếng xấu. Cứ cái gì tốt đẹp cho người VN tự do là có ổng nhảy vô phá cho thúi.Nhà cháu biết sao nói vậy, nếu các bác muốn biết chi tiết, xin hỏi ông Vũ Quốc Dụng qua IGFM, Tel: 069 420108-0 – hoặc E-Mail: presse@igfm. de

2/ Ở vùng Darmstadt này ai cũng biết ổng chỉ được bổ nhiệm làm cha phó xứ (Vikar). Chánh xứ là cha Hendrick Jolie. Bất chấp sự thật, ổng khoe khắp thế giới ổng là linh mục chánh xứ. Để phục vụ giáo hội thì chánh xứ, phó xứ hay phụ tá gì cũng tốt thôi, nhưng là linh mục mà khai gian, đánh lừa giáo dân, đánh lừa cả giám mục thì thật là kỳ cục ??!! Nhà cháu biết sao nói vậy, để rõ sự thật các bác có thể hỏi thẳng cha chánh xứ Hendrick Jolie, điện thoại: 06151-147851, email: pfarrer.jolie@ t-online. de bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức.Ổng nổ văng miểng luôn, sau khi tự tăng chức chánh xứ, ổng khoe thêm, ngoài cử nhân thần học, ổng còn có cao học kinh tế, văn khoa & triết học ?? Nhà cháu nói thiệt, mấy bằng cao học này ổng mà có nhà cháu xuống tóc sám hối liền cho coi.

3/ Năm ngoái ổng xin đi theo phái đoàn của bà Kiều Mỹ Duyên, bà đã xin được một cuộc phỏng vấn Đức Cha William Skylstad, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Ổng ta cũng nói dối cả ĐC Skylstad ổng là chánh xứ. Sau đó ổng lên RFA tuyên bố ì xèo là HĐGMHK mời ổng sang Mỹ điều trần, ổng còn khoe đã đề nghị HĐGMHK xin giải Nobel cho cha Lý.

Sau khi chuyện vỡ lở, đến tai ĐC Skylstad, ĐC viết văn thơ nói là không mời ổng và cũng không có điều trần gì hết, ổng lại lên RFA xin lỗi, đính chính cho người Việt nghe, nhưng nhất định không xin lỗi ĐC Skylstad.Vấn đề không phải chỉ lỗi phải, nhưng ĐC Skylstad bị gài như vậy thì sau này thử hỏi làm sao những người Việt chống cộng thật sự có được sự tôn trọng, tin tưởng của ĐC, của HĐGMHK nữa ?Tinh vi là ở chỗ đó, bên ngoài là đi vận đông nhân quyền cho VN, vận động giải Nobel cho cha Lý nhưng sự thật là cố tình làm mất uy tín những người Việt chống cộng và gây khó khăn cho những công cuộc vận động sau này.Chúa ơi, linh mục gì mà lừa cả giám mục lẫn giáo dân, tội lỗi quá !! Nhà cháu xin đính kèm lá thư của ĐC Skylstad để các bác tường, chứ không các bác muốn tin cũng tin không nổi.

Saturday, 18 Aug 2007
Dear Father John,
Thank you for the note....I am very sorry that Father Dinh Xuan Minh's statement misrepresents the facts. These are the facts: I did not invite him to share a statement publicly with me. Nor did I on behalf of the United States Catholic Conference of Bishops do so.

In fact before the interview, I was given and insisted that I have questions by Anna Nguyen beforehand to which I agreed to respond. When it came time for the interview, unexpectedly Father Dinh Xuan Minh read his statement before Anna Nguyen asked the questions she had submitted beforehand.

My secretary had arranged for a private meeting with Father Dinh Xuan Minh after my interview with Anna, an appoinment he did not keep. I hope these comments will clarify the issue for you. If I can be of any further assistance, please let me know.

Sincerely,Bishop William S. Skylstad

4/ Đảng Thăng Tiến cũng là một nạn nhân của ổng. Bà con Thăng Tiến sau một thời gian chung đụng với ổng đã bỏ của chạy lấy người gần hết. Ổng bây giờ chỉ làm việc với một vài tên nằm vùng như Nguyễn Ngọc Hùng. Tên Hùng này đã bị nhiều người gốc Tân Bình nhận diện là đã từng làm việc cho công an cộng sản từ sau 1975.
Họ hàng của tên Hùng ở vùng Frankfurt này cũng đã từng cảnh cáo bà con hãy coi chừng, vì hắn đã theo cộng sản từ lâu.Nhà cháu biết sao nói vậy, nếu các bác muốn biết chi tiết xin hỏi bà con Thăng Tiến, email: ubtvdttvn@gmail. com

5/ Phong trào Giáo Dân Hải Ngoại cũng đã từng lãnh búa ông Đinh Xuân Minh. Ông Phạm Hồng Lam, một người trí thức công giáo, chống cộng, đấu tranh trường kỳ cho giáo hội, cho đất nước, làm việc với ông Minh trong thời gian ngắn cũng phải bỏ chạy, vậy mà ổng còn chạy theo chửi với, nói xấu ông Lam khắp nơi.Nhà cháu biết sao nói vậy, nếu các bác muốn biết thêm chi tiết, xin liên lạc thẳng với ông Phạm Hồng Lam, e-mail: halana@maxi- dsl.de
Mặc dù ông Đinh Xuân Minh vận động giải nhân quyền Sacharow cho cha Lý chỉ để mua credit cho ổng, nhưng nhà cháu nghĩ, việc gì có lợi cho phe ta thì ta cứ ủng hộ, chỉ xin các bác cẩn thận vì ổng đánh phá tinh vi lắm.

Kính các bác,

Blog Archive