Thursday, December 17, 2009

Cánh tay nối dài - Đặng Quang Chính -

Người Việt tỵ nạn ở nước ngoài, ít ra cũng gần 20 năm (tính từ năm đóng cửa đảo với chương trình CPA - 1989). Họ phải lo đời sống cá nhân, và dù có được trợ cấp xã hội, nguồn lợi tức đó không đủ để trang trải; nhất là những người còn cưu mang gia đình còn sót lại tại quê nhà. Dần dần, họ quên đi một đe dọa sẽ xảy đến.

Trước đây, có thể thân nhân họ đã chạy nạn CS từ Bắc vào Nam...rồi từ Nam ra nước ngoài...và bây giờ chính họ sẽ nếm mùi vị tương tự; nhưng, nếu chuyện đó xảy ra, lần này, chắc chắn họ không còn đất nước nào khác để đi tỵ nạn.

Xem đến đây, đôi người cho rằng kiểu viết này như là một cảnh báo quá đáng.

Ừ!...có thể, biết đâu cũng giống như trước đây nhiều năm, cựu phó Tổng thống Hoa Kỳ, ông Gore, loan báo về sự thay đổi nhiệt độ của quả địa cầu. Lúc đó, có ít người tin. Kẻ phản bác cũng không ít, kể cả giới chuyên môn. Nay, sự thật đã rõ hơn trước...và mức độ nguy kịch còn hơn trước nhiều. Mực nước biển dâng lên, trên thực tế, gấp ba lần dự đoán trước kia.

Nằm trong sự nguy kịch nói trên, giới chuyên gia cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất hàng trăm ngàn mẫu vì bị nước biển mặn xâm chiếm. Năm 2030, từ nay đến ngày đó, có xa lắm không?!... Có giống như việc miền Nam bị bức tử vào năm 1975 không?. Từ đó đến nay cũng quá 30 năm rồi..mà thời gian như cái bóng của buổi chiều, vụt qua cửa sổ.

Hơn chục năm trước, khi người Việt mới được phép về thăm quê hương, bên Mỹ đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là người cho rằng tình hình quê nhà, qua sự kiện đó, đã khá hơn. Người bắn, thành viên của một tổ chức chống Cộng, cố tình làm việc này, vì cho rằng nạn nhân nói điều đó có tính thân Cộng. Nếu Trần văn bé Tư, người bắn nạn nhân suýt chết, còn muốn làm việc đó vào lúc này, chắc anh sẽ làm không xuể; bởi hằng năm có đến ít ra cả 100.000 người về nước !!!....

Sau khi người Việt về, các đợt văn nghệ sĩ ở VN ra nước ngoài trình diễn bị chống đối, tẩy chay dữ dội. Nhưng, bây giờ ca sĩ Đàm vĩnh Hưng, nghe nói là thành viên trong Hội văn nghệ trung ương VN, đi diễn tại nước ngoài...gần như đi chợ. Ngoài ra, còn có tin, bọn thân quen với ca sĩ này đã hành hung những người đứng ra kêu gọi đồng bào tẩy chay buổi trình diễn của nhóm ĐV.Hưng.

Theo cách nhận định trên, rõ là "cánh tay" của nhà nước CS tại VN đã được nối dài qua mấy người ca sĩ nhà nước...và qua bọn côn đồ tại hải ngoại. Bất cứ ai nghe qua sự việc trên, cũng cảm thấy việc đó giống na ná như vụ đuổi tăng sĩ Bát nhã ra khỏi chùa tại VN. Chính quyền CS không cấm đoán gì về tín ngưỡng cả. Việc đó xảy ra do người dân phẫn uất, hay do nội bộ lủng củng sao đó mà ra thôi !...

Cho đến một thời điểm nào đó, trong những buổi đại nhạc hội tại nước ngoài, trước khi trình diễn âm nhạc, lại có chào cờ quốc kỳ với hình tượng là nền Đỏ, sao vàng....thì đó là ngày đồng bằng Cửu Long đã bị nước biển lấn chiếm. Lúc đó, hết thuốc cứu!!!...

Chuyện này có thể xảy ra không?.
Chuyện này sẽ không có gì ngăn trở được. Nhất là khi "cánh tay" của đảng CS, sẽ được nối dài, không qua bọn côn đồ, bọn ca sĩ tuyên vận..mà qua những tổ chức đã từng mang tiếng chống Cộng trước đây!!!....nay, vì nhiều lý do, đã tự biến mình thành ”tay sai” của đảng CS.

Đặng quang Chính
15.12.2009

www.tinparis.net
Quyên Góp Cho Việt Nam và Luật Hoa Kỳ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Người Việt ở Hoa Kỳ, dù ở cộng đồng lớn hay nhỏ, rất chịu khó đóng góp cho những công tác từ thiện ở Việt Nam. Ngay cả trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, người mình vẫn tiếp tục hưởng ứng các chương trình quyên góp cho đồng bào ở trong nước. Điều này nói lên tình của người Việt tị nạn và di dân.

Đã nói đến tình thì cũng phải nói đến lý.

Về lý, trong một bài trước tôi nêu lên sự thiếu quân bình trong vấn đề quyên góp: Hầu hết các đóng góp của người ở hải ngoại đều dồn cho Việt Nam; rất ít ai quan tâm đến nhu cầu của chính cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ. Vì sự chểnh mảng này, cộng đồng của chúng ta kém phát triển so với các cộng đồng bạn, kể cả những cộng đồng nhỏ bé hơn nhiều.

Ở đây tôi muốn nêu lên một khía cạnh về lý khác của sự quyên góp cho các chương trình ở Việt Nam: tính cách hợp pháp của những quyên góp ấy.

Theo luật Hoa Kỳ, mọi thu nhập đều phải đóng thuế, ngoại trừ thu nhập của các tổ chức được quy chế miễn thuế của chính phủ liên bang. Vì miễn thuế có thể hiểu là được bao cấp bởi tiền thuế của quần chúng, cho nên các tổ chức được hưởng quy chế này phải tuân thủ các đòi hỏi rất chặt chẽ của luật pháp.

Một đòi hỏi căn bản là sự minh bạch về tài chánh, bao gồm sự minh bạch về thu, về quản lý, và về chi tiêu.

Về chi tiêu, sự minh bạch đòi hỏi mọi khoản chi đều phải truy cứu được, nghĩa là nhất nhất đồng xu nào chi ra cũng phải có biên nhận và được ghi vào sổ sách. Đối vơi tiền quyên góp ở Hoa Kỳ nhưng chi ở Việt Nam thì sự minh bạch không dễ thực hiện. Phần lớn người ở Việt Nam không xem sự truy cứu bằng giấy tờ là quan trọng và dễ bị tự ái khi được yêu cầu minh bạch.

Đó là chưa kể tình trạng tham nhũng tràn lan khắp xã hội. Nhiều khi muốn đưa phẩm vật hay chuyển tiền cho dân, tổ chức từ thiện phải “trà nước” cho cán bộ, công an. Các khoản tiền “trà nước” này chắc chắn không thể nào truy cứu được vì nó bất hợp pháp.

Có tâm lý cho rằng thôi thì đành du di về nguyên tắc minh bạch để được việc, nhất là khi việc đó là việc nhân đạo; và dù biết du di như vậy là vi phạm luật pháp Hoa Kỳ, nhưng khéo che đậy thì đâu ai biết.

Hoa Kỳ, một đất nước non trẻ, đã phát triển nhanh chóng chính nhờ vào ý thức tôn trọng luật pháp nơi người dân. Ý thức ấy vừa thể hiện qua tinh thần tự giác của từng cá nhân vừa được thiết kế ngay vào các điều khoản luật chặt chẽ áp dụng đồng đều trong xã hội. Chính tinh thần thượng tôn luật pháp này đã giúp phát triển niềm tin và phát huy những quy ước hành sử chung trong xã hội, hai yếu tố căn bản của xã hội dân sự. Nhờ có một xã hội dân sự vững mạnh, Hoa Kỳ đã phát triển rất nhanh trong một thời gian tương đối ngắn kể từ khi lập quốc.

Còn Việt Nam có gần năm ngàn năm văn hiến nhưng lại rất chậm phát triển và đang có chiều hướng đi lùi vì luật pháp lỏng lẻo; từ trên xuống dưới, từ lớn đến nhỏ đều sinh hoạt mờ ảo, tuỳ tiện và có ít nhiều gian dối. Trong xã hội như vậy, người ta chẳng ai muốn góp vào mà chỉ chực lấy ra, chỉ chực bòn rút của xã hội. Xã hội ngày càng hỗn độn và xơ xác.

Do đó những ai đứng ra quyên góp cho các chưong trình từ thiện ở Việt Nam cần cảnh giác để không nhượng bộ về nguyên tắc minh bạch và không vi phạm luật pháp Hoa Kỳ. Chính những người đóng góp phải đòi hỏi sự minh bạch tuyệt đối trong mọi khoản chi tiêu và tuyệt nhiên không thoả hiệp với nạn tham nhũng ở Việt Nam. Có vậy, việc làm từ thiện của chúng ta mới không di hại lâu dài cho đất nước Việt Nam. Có vậy, chúng ta mới tránh không để những con sâu ở xã hội Việt Nam đục khoét nền móng pháp trị của Hoa Kỳ.

www.tapchithegioimoi.com

Sunday, December 13, 2009

HẢI NGOẠI VỚI VIỆC LÀM TỪ THIỆN - Hữu-Tâm -

Độ bảy tám năm trở lại đây, câu chuyện từ thiện từ hải ngoại về VN nhằm cứu giúp bà con ta ở quê nhà đang gặp cảnh khốn khó, đói nghèo tàn tật v.v... một ngày một rộ lên. Đặc biệt là kể từ khi có "Quỷ Hỗ Trợ Cộng Đồng" rồi tiếp theo "Nghị Quyết 36" của VC tung ra hải ngoại, thì các tổ chức từ thiện bịp bợm bỗng nhiên mọc lên như nấm.

Ở đâu cũng nghe tới từ thiện. Từ các tổ chức nhân danh tôn giáo, thánh đường, nhà thờ, chùa chiền, rồi đến các tổ chức tư nhân; ở đây tổ chức dạ tiệc gây quỹ cứu mù, cứu đói, giúp trẻ mồ côi khuyết tật, cứu Làng Nổi bán máu. Ở đàng kia tổ chức đại nhạc hội cứu thương phế binh, giúp nạn nhân bão lụt, giúp nạn nhân phong cùi, cứu người già neo đơn v.v... Có nhóm lại còn tổ chức cứu đồng bào Tết Mậu Thân. Cứ cái đà này có lẽ nay mai lại có nhóm đòi gây quỹ giúp các ma tăng bỏ chùa đi... cưới vợ nữa !?

Dư luận trong cộng đồng người Việt hải ngoại ở khắp nơi, nhứt là các cơ quan truyền thông báo chí NVQG đã đặt thành vấn đề thật quan trọng cần phải được nêu lên để làm sáng tỏ một sự thật rõ ràng cái bí mật ở đàng sau bức màn "từ thiện". Bao nhiêu là bài bình luận của những tờ báo tên tuổi với những cây viết có giá trị đã đưa đến một kết luận thật dứt khoát :

*Hầu hết các tổ chức từ thiện do người Việt hải ngoại chủ trương đều là thi hành NQ-36 VC lừa bịp mị dân, lợi dụng lòng từ tâm của mọi người để moi tiền bỏ túi hay ăn chia với VC. (Đỗ Vẫn Trọn gây quỹ cứu Mù; Vũ Thành An gây quỹ Từ Thiện Teresa; Cô Tim, Ngôi nhà May mắn; Mục sư Nguyễn Xuân Bảo cứu đói; Trúc Giang, nhóm Sưỡi Ấm; Quốc Nam cứu Làng Nổi bán máu; Võ Thành Đông, cứu trợ thương phế binh v.v...).

*Điều đơn giản rất dễ hiểu là vì chánh sách bất di bất dịch của VC là tuyệt đối cấm không cho bất cứ tổ chức từ thiện nào, kể cả của người nước ngoài, không được tự do vào VN để làm công tác từ thiện. Điều này có nghĩa là, tất cả mọi công tác từ thiện, dù bằng tiền mặt hay bằng phẩm vật... đều phải qua tay "nhà nước" làm trung gian. CS Hànội còn từ chối cả tàu Hồng Thập Tự của Hải Quân Mỹ tới Sàigòn và Đà Nẳng giúp giải phẩu bệnh tật miễn phí cho đồng bào ta. Không bao giờ VC cho phép các tổ chức người Việt hải ngoại trực tiếp cứu giúp người dân.

Hãy nhớ lại trận bão lụt đồng bằng sông cửu long năm 2004. Lúc đó quý Thầy trong Giáo hội PGVNTN đã lạc quyên được mấy mươi tấn phẩm vật đem đến phân phát cho các nạn nhân, thì bị VC điều công an ập tới tịch thu toàn bộ phẩm vật, giải tán hết đồng bào và bắt hết các Thầy, nói rằng : Tụ tập đông người bất hợp pháp, vi phạm luật nhà nước. Các phẩm vật tịch thu chúng lấy đem chia nhau xài coi như "chiến lợi phẩm" !

Rồi đến trận bão lụt miền Trung năm 2005. Một phái đoàn nhân đạo của các quốc gia Liên Âu đến phân phát phẩm vật, tiền bạc cho các nạn nhân. Vì là phái đoàn ngoại quốc nên VC không dám ngang nhiên trắng trợn tịch thu, bắt bớ. Chúng đợi khi phái đoàn đã quay về Sài Gòn rồi, thì lập tức ngay trong đêm đó, công an VC đã đến từng nhà đồng bào tịch thu vơ vét sạch sành sanh hết... rồi cũng chia nhau xài tỉnh bơ ! Bởi vậy chúng không ham "tịch thu" sao được ?

Một số lớn các nhóm nhân danh từ thiện bịp bợm ở hải ngoại này thừa biết cái chánh sách ác ôn của VC là như vậy, nên họ không dại gì mà đem tiền về để cho VC chơi cha cướp sạch của họ nên đành phải bỏ vô túi riêng của mình cho chắc ăn. Còn đối với các "tổ chức từ thiện" tay sai thì chúng đã có quy định "ăn chia" kiểu phần thịt béo bở là của tao, xương xẩu là của mày. Lòng nhân đạo và từ thiện thì trong chúng ta ai cũng có nhưng chúng ta cần phải cân nhắc cho thật kỹ, lòng nhân đạo của ta phải đặt có đúng chỗ không ? Hay rồi chẳng những tiền mất mà còn bị coi là ngây thơ khờ khạo !?

Kiểm điểm lại chỉ ngay ở Hoa Kỳ này thôi cũng có đến mấy chục tổ chức từ thiện tạm phân chia ra hai loại. Một loại gọi là thường trực, trường kỳ; Còn loại kia thì được gọi là "cơ hội chủ nghĩa".

*Loại thường trực trường kỳ là loại từ thiện có tổ chức, có danh xưng hẳn hoi, làm việc liên tục 24/24/ngày, 7 ngày/tuần, 30 ngày/tháng, 365 ngày/năm. Loại này "nổi cộm" nhứt hiện nay thì có tổ chức Thánh Đường Sài Gòn ở Cali của ông mục sư Nguyễn Xuân Bảo; Thứ nhì là Quỹ Từ Thiện Teresa của phó tế Vũ Thành An ở Oregon (VTA nguyên là một tù nhân chánh trị HO, làm an-ten nổi tiếng trong tù trù dập anh em); Thứ ba nhóm Sưỡi Ấm của nhạc sĩ Trúc Giang; Thứ tư là nhóm Cứu Mù của Đỗ Văn Trọn.

*Loại cơ hội chủ nghĩa còn có biệt danh là "từ thiện du kích" hay "nhảy dù", lâu lâu hễ rình thấy có cơ hội nào đó liền nhảy ra làm một vố rồi ôm tiền lặn mất. Loại này đông như kiến làm sao đếm cho xuể !? Ví dụ như ở Seattle có mụ Nguyễn Thị Nguyệt "cứu mù"; Quốc Nam "cứu Làng Nổi bán máu"; Võ Thành Đông "cứu Thương phế Binh VNCH... Các nhóm này đôi khi yểm trợ cho các nhóm ở nơi khác tới (Đỗ Vẫn Trọn, cứu mù; Tim Rebeau, ngôi nhà may mắn; Nhà văn Văn Quang ở thành Hồ, cứu trợ TPB... Đàng sau các nhóm này luôn luôn được sự hỗ trợ mạnh mẽ của thương gia Trần Đức... bao chót).

Chúng ta có thể khẳng định rằng : Hầu hết các tổ chức từ thiện cho dù là nhân danh cái gì đi nữa cũng đều là lừa bịp hết. Xin hãy nhìn cho kỹ :

*Thứ nhứt, do chánh sách ác ôn của VC có bao giờ để cho vật gì bên ngoài lọt khỏi bàn tay chúng đâu, dù là một vật nhỏ li ti như sợi chỉ cây kim ?
*Có bao giờ chúng ta thấy có tổ chức từ thiện nào đã CÔNG KHAI MINH BẠCH về vấn đề TÀI CHÁNH, về các khoản thu, chi của họ không ? Ví dụ như nhóm mục sư Nguyễn Xuân Bảo, Đỗ Vẫn Trọn, Vũ Thành An... Bọn VC đã "hợp tác" với các nhóm này, cho phép dàn dựng vài màn "đóng phim" cứu trợ... rồi đem về chiếu trên TV để lừa bịp bà con ta. Những màn kịch rẻ tiền này cũng đã làm cho nhiều người ngây thơ bị lừa một cách dễ dàng.

Đây là bằng chứng :
.- Như nhóm mục sư Nguyễn Xuân Bảo, trên màn ảnh truyền hình hàng tuần của hai đài truyền hình VN là SBTN và VHN, ông Bảo thường thông báo số chuyến xe của ông đã chở phẩm vật đi cứu trợ đồng bào mắc bịnh phong cùi. Khi chúng tôi viết bài này thì trên màn hình ông Bảo thông báo là đến chuyến thứ 67 rồi. Có một điều lạ là số chuyến xe thì mỗi tuần đều tăng lên, nhưng trên màn hình thì tuần nào cũng như tuần nấy, cũng đều là hình ảnh cũ từ mấy năm qua được chiếu đi chiếu lại : vẫn hình một đoàn xe năm chiếc đó mà thôi !

Thế mà lúc nào ông Bảo cũng oang oang kêu gọi gởi tiền về cho Thánh Đường Sài Gòn ở Cali cho ông để cứu giúp nạn nhân phong cùi trong những chuyến sắp tới (sic). Không bao giờ nghe ông nói tới chuyện công khai tài chánh cả.

- Như nhóm Đỗ Vẫn Trọn dùng đài truyền hình Viên Thao cũa ông ta, cũng cho chiếu đi chiếu lại từ năm này qua năm khác, cảnh một pha mổ mắt ở Sàigòn, với sự có mặt của ông ta mặc đồ y sĩ trắng trùm mũi miệng, đứng chứng kiến tại chỗ.

- Như Vũ Thành An, chụp hình cái mắt kiếng có một cái bóng mờ trong đó, rồi ông ta đăng lên báo, đọc trên đài phát thanh ở Portland/OR bịp bợm rằng "Đức Mẹ" đã hiện trong mắt kính của ông ta ! Rồi bịp bợm mời bà con tới dự tiệc gây quỹ cho bà con chứng kiếng tận mắt. Nhưng chẳng bao giờ y cho ai xem cả !?

Trở lại vụ mục sư Nguyễn Xuân Bảo. Ông ta không bao giờ công khai công bố tài chánh và danh sách các đối tượng được cứu giúp. Chúng ta cứ tưởng tượng chỉ vỏn vẹn có vài ba năm mà ông ta đã thực hiện được 67 chuyến đi đi, về về Việt Nam dễ dàng như đi chợ. Mỗi chuyến như vậy đều có đoàn xe cả chục chiếc chở đầy phẩm vật cứu trợ... Phét lác có hàng trăm đồng bào sắp hàng, rần rộ tấp nập tới nhận lãnh phẩm vật. Phải thành thật khen ông Bảo là người tu hành, lại khéo hợp tác với VC dàn cảnh đóng phim bịp bợm còn hay hơn cả tài tử gạo cội.

Nhưng cho dù ông ta có đóng phim hay đến đâu đi chăng nữa thì cũng lòi cái đuôi bịp của ông ra. Mỗi lần lên truyền hình, ông đều quảng cáo, đây là chuyến đi thứ 60, 61, 62... nhưng vẫn là hình ảnh cũ được chiếu đi chiếu lại mà thôi !

Rõ ràng những hình này ông Bảo và bọn VC dùng để "bịp" cả thế giới và người Việt hải ngoại thấy rằng: Xã hội VN bây giờ là một thiên đường đầy lòng nhân ái, cảnh tương thân tương trợ giữa người hải ngoại và người trong nước thật gắn bó với nhau, và lũ cán bộ ác ôn VC bây giờ đã trở thành ma sơ, dì phước hết rồi.

Thôi xin can ông mục sư Bảo, phét lác vừa phải thôi, còn để đức lại cho con cháu nó nhờ. Không biết ông được thụ huấn, tẩy não bao nhiêu năm trong cái lò rèn CS ? Ông đã được thay tim đổi óc mấy lần bởi lũ phù thủy VC ? Có một điều ông cần khắc cốt ghi tâm : Người Việt Quốc Gia ở hải ngoại cùng đồng bào ở trong nước theo chiều dài của lịch sử hơn nửa thế kỷ đấu tranh một mất một còn với CS đã có quá nhiều kinh nghiệm với lũ vô thần CS, không dễ gì ngây thơ tin theo cái trò lừa bịp dối trá qua cái khúc phim "cứu trợ" nạn nhân phong cùi bịp bợm của ông. Xin ông hãy nhớ cho kỹ. Trên đây chúng tôi chỉ nêu lên vài cái tổ chức từ thiện để làm điển hình hầu trong chúng ta cùng có chung một nhận định thật rõ ràng dứt khoát.

*Tất cả các tổ chức từ thiện của người Việt ở hải ngoại này lạc quyên đem tiền về nước cứu trợ đều là LỪA BỊP, nếu không bỏ túi riêng thì cũng ăn chia, hoặc làm kinh tài cho VC. Ngoài ra, còn có các tổ chức từ trong nước ra như tổ chức của cán cái Tim Ruồi Bu, hay một số quý Cha, quý Thầy "quốc doanh" v.v... Nói chung là chúng ta phải có thái độ thật dứt khoát KHÔNG CHO MỘT CẮC cho bất cứ tổ chức từ thiện ở trong hay ngoài nước như đã nói trên. Lòng từ tâm của chúng ta phải đặt cho đúng chỗ đừng để vô tình lại trở thành việc làm NỐI GIÁO CHO GIẶC.

Tuesday, December 8, 2009

Những Con Chim Nhồi Bông của CĐ hải ngoại

Trương Thế

Mấy hôm nay, trên mạng có nhiều bài viết bàn về Đại Hội Việt Kiều vừa được tổ chức trong nước. Đặc biệt bài của TS Nguyễn Hữu Liêm – nơi giữa đại hội việt kiều: một nỗi bình an, với rất nhiều phản hồi, làm tôi chợt nhớ đến một truyện ngắn mà tôi đã đọc được cách đây hơn 25 năm. Truyện ngắn có tên là „Cái giá của một niền tin” và được đăng trên tờ Văn nghệ Quân Đội (nếu tôi không lầm). Sau khi đọc xong tôi có đưa tờ báo cho một nhà văn có tên tuổi và hỏi ý kiến ông ta về truyện ngắn nầy, thì ông ta bảo rằng: „Người viết truyện nầy là một nhà văn giỏi; nhưng người cho đăng truyện nầy còn giỏi hơn“. (Có lẽ truyện nầy được đăng trước thời điểm ông Nguyễn Văn Linh nói chuyện cởi trói cho văn nghệ sĩ).

Nay thấy nội dung câu chuyện có ít nhiều phù hợp với chuyện Đại Hội Việt Kiều đang được bàn tán, tôi xin kể lại câu chuyện nầy để quí độc giả xem chơi, và cũng để tặng anh Nguyễn Hữu Liêm, người mà tôi đã có cơ hội một lần được gặp và rất ái mộ cái uyên bác về triết học của anh khi nghe anh nói chuyện.

Câu chuyện mà tôi kể lại đây, vì viết theo trí nhớ sau hơn 25 năm, nên có thể tôi quên đi nhiều chi tiết và vì khả năng viết lách của tôi còn kém nên không lột tả hết nội dung của truyện ngắn như chính tác giả đã viết ra, tôi xin tác giả thứ lỗi và cho phép tôi kể lại câu chuyện nầy.

Chuyện kể như thế nầy:

“Tháng Tư năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra với nhiều thuận lợi không ngờ. Trên đường từ Tây Nguyên xuống đồng bằng tiến về thành phố Sài Gòn tiểu đoàn chúng tôi chưa bao giờ gặp nhiều may mắn như thế. Các ổ đề kháng của địch trên đường hành quân của chúng tôi đã tan rã nhanh hơn dự tính. Vì thế chỉ trong vòng mấy mươi ngày mà tiểu đoàn chúng tôi dã về đến sát vòng đai của Thành phố.

Sau nhiều ngày hành quân gần chạy không ngừng nghỉ, chân các chiến sĩ bị bỏng rộp cả lên, nhưng ai cũng háo hức chờ đợi ngày tiến vào Sài Gòn, cứ điểm cuối cùng của kẻ địch. Bỗng dưng tiểu đoàn chúng tôi được lệnh phải đổi hướng hành quân – đi về phía bờ biển ở hướng đông. Thất vọng hiện ra trên từng khuôn mặt của các chiến sĩ trong tiểu đoàn, vì không được cùng các đơn vị khác về tiếp thu thành phố. Nhưng lệnh trên thì phải thi hành. Đến bờ biển và khi tiểu đoàn đã lo đủ thuyền bè thì chúng tôi lên thuyền ra khơi tiến chiếm một hòn đảo cách bờ biển chừng 70 hải lý. Thế là tiểu đoàn chúng tôi bỗng dưng biến thành “lính bộ đánh thuỷ” như những lính trẻ nói đùa. Khi đặt chân lên đảo chúng tôi mới biết rằng đảo không lớn lắm. Tuy thuộc chủ quyền của nước ta, nhưng từ trước đến nay hình như đảo chưa có dấu chân người. Chỉ có một loài chim lạ sinh sống ở đây. Chim, vâng rất nhiều chim. Môt loại chim hầu như không thấy ở đất liền. Chim làm tổ trên những lùm cây thấp, làm tổ ngay ở những hốc đá trên bãi biển. Còn trứng chim thì nơi nào cũng có, chim đẻ trứng tràn lan khắp đảo. Loài chim nầy rất dạn dĩ. Có lẽ loài chim nầy không biết rằng giữa chim và người vốn có cái quan hệ thù địch, nên chim chẳng biết sợ người. Chim có thể đậu trên vai, trên đàu các anh lính như thể chim được nuôi thuần thục trong nhà. Về phần lính ta, cả tháng trời chỉ biết có lương khô Trung quốc, bây giờ đột nhiên có trứng chim, thịt chim là một cải thiện tươi sống vô cùng quí báu. Buổi sang chỉ cần đi một vòng bãi biển là đã có trứng chim đựng đầy chiếc mủ tai bèo. Còn thịt chim ư? Chỉ cần đưa bàn tay ra với một ít lương khô bóp vụn thì thế nào cũng có một hai chú chim thơ ngây sà xuống cánh tay. Lính ta chỉ cần ngoặt bàn tay lại là túm được chú chim ngay. Thôi thi đủ các món ăn bằng thịt chim được chế biến. Chim ba món, chim bảy món, chim rang mặn, chim nướng than củi, chim xào chua ngọt…

Và chỉ cần một tuần thôi thì loài chim thơ ngây kia nhìn ra mối hiểm hoạ từ lớp ngươi vừa đến đảo. Chim đã biết sợ người, chim bắt đầu bỏ đảo bay đi nơi khác. Bay sang các đảo lân cận, nơi không có bong dáng những con người hung ác.

Đến ngày thứ mười kể từ khi tiểu đoàn chúng tôi đến đảo thì trên đảo không còn bóng dáng một con chim.

Mấy ngày sau, trong lần chào cờ buổi sáng, chính trị viên tiểu đoàn đã phê bình chúng tôi một cách nghiêm khắc về việc bộ đội chúng tôi đã làm cho chim bỏ đảo ra đi, rằng hành động ấy là phá hoại thiên nhiên, phá hoại môi trường sống, rằng chúng tôi đã làm một việc không đúng với ý chí và tình cảm của người cộng sản chân chính. Cuối cùng thì đồng chí ấy bảo rằng bắt đầu từ giờ trở đi, không một ai được phép giết chim nữa, và hạn cho chúng tôi trong vòng một tuần lễ phải làm sao đem được đàn chim trở về.

Những ngày sau, chúng tôi đã làm nhiều cách để dụ đàn chim: rải lương khô, cơm sấy ra bãi biển để làm mồi; nấp hết vào lều để chim không thấy bóng người mà đáp xuống đảo. Nhưng tất cả mưu kế đều bị thất bại. Không một bóng chim nào dám trở về.

Cái hạn một tuần lễ của chính trị viên tiểu đoàn sắp hết rồi.

Sáng sớm ngày cuối cùng của tuần lễ mà chính trị viên tiểu đoàn đã hạn định, một vài cậu dậy sớm, ra khỏi lều đã reo lên: Chim trở về – Chim trở về. Chúng tôi vội vã ra ngoài nhìn về phía lùm cây thấp ở cuối bãi. Rõ ràng đã có hai cánh chim về đậu ở đây. Nhưng mà ơ kìa! hai con chim đậu đó đã lâu mà sao không thấy cử động? Dùng ống dòm nhìn thật kỹ thì mới nhận ra đây không phải là hai con chim sống. Ai đó đã để đây hai con chim đã chết rồi. Hai con chim bị rút ruột nhồi bông, nhưng mới nhìn thì tưởng là còn sống.

Tuy rằng đây là chim bị rút ruột nhồi bông nhưng cũng có tác dụng: tạo niền tin cho bầy chim đã bỏ đảo ra đi. Bầy chim ra đi nhưng vẫn nhớ thiết tha tổ cũ, chúng vẫn bay lòng vòng gần đảo chúng tôi đóng quân. Nay thấy có hai cánh chim đậu ở tổ cũ. Hai cánh chim đậu đó như một mối bình an. Niền tin đã trở về, chúng lần lượt bay về đậu tổ cũ. Đến chiều thì chim trở về khá đông. Cả bọn chúng tôi thở phào. Lịnh của chính trị viên tiểu đoàn đã được thực hiện đúng thời hạn.

Nhưng thưa các bạn độc giả, câu chuyện đến đây chưa hoàn toàn chấm dứt.

Tiểu đoàn đã có lệnh cấm không được tiếp tục giết chim. Thế mà ai đó trong tiểu đoàn đã tiếp tuc trái lệnh làm việc nầy.

Tiểu đoàn mở cuộc điều tra truy tìm thủ phạm nhưng không mang lại kết quả.

Hầu hết chúng tôi trong tiểu đoàn cho đến bây giờ vẫn không biết ai đã làm việc nầy.

Hầu hết?

Vâng hầu hết – Trừ hai người. Đó là Đồng chí Chính Trị Viên và tôi – là người viết truyện.

Số là, đêm hôm trước khi cái hạn một tuần sắp qua, vì khó ngủ nên tôi dậy thật sớm và đi xuống mé biển. Trời còn tối lắm. Trong tranh tối tranh sáng tôi chợt nhận ra một bóng người đang lúi húi cởi bỏ quần áo ngoài nhét vào gộp đá rồi xuống nước bơi qua một hòn đảo, cách đảo chúng tôi ở chừng vài cây số, nơi có nhiều chim đang ngủ trên đó. Tôi nán lại ở bờ biển chờ xem người đó là ai?

Lúc người đó bơi trở về tôi mới nhận ra chính là thủ trưởng của tôi – Đồng chí chính trị viên – vốn là một cựu tướng về bơi lội. Lận trong cạp quần của anh là hai con chim đã bị bẻ gãy cổ. Lên bờ anh nhân ngay ra sự có mặt của tôi. Gọi tôi lại anh bảo tôi hứa phải giữ kín câu chuyện nầy, không được kể cho ai biết.

Giữ lời hứa với anh, tôi chưa hề kể với ai cái bí mật nầy. Tôi chỉ viết lại đây để các độc giả có được vài phút giải trí.”

Câu chuyện của tôi đến đây là hết. Trong tôi còn vấn vương với câu hỏi: Không biết nỗi bình an của anh Nguyễn Hữu Liêm ở Đại Hội Việt kiều có giống nỗi bình an của những con chim nhồi bông trên hoang đảo hay không?

München, ngày 01.12.2009
Mùa từ thiện … kéo dài

Viết tại Quận Cam, ngày 5 tháng 12, 2009.
Nguyễn Mỹ Linh

Khi viết bài “Mùa Từ Thiện” tôi đã nhìn thấy trước “chắc chắn là bài viết này sẽ làm cho nhiều người khó chịu hay nổi giận, nhất là các hội đoàn từ thiện hay cơ quan truyền thông đang chăm chú kêu gọi cứu trợ bão lụt miền Trung Việt Nam”. Vì vậy thật không có gì ngạc nhiên khi tôi đọc bài trả lời gần đây của một nhà từ thiện lỗi lạc và nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ (và ngay cả ở Việt Nam nữa chứ !).

Để viết được “Mùa từ thiện”, đúng như lời một vị độc giả đã nói là nhờ trải qua “kinh nghiệm xương máu”, tôi đã không còn lạ gì với các chiêu thức mà các cai thầu từ thiện cho VN đã dùng để quyên tiền bá tánh tứ phương. Cho nên tôi cũng không ngạc nhiên với chiêu bài lấp liếm nhằm khích động cái “thiện” trong mỗi con người, đại loại như “Ai làm được điều gì chúng ta nên trân trọng. Ai chưa làm được một chút gì chúng ta nên khuyến khích. Thiết tưởng những điều ấy tốt hơn là không làm gì cả. Hay tệ hơn là chỉ biết chê bai” (Trịnh Hội, “Để trả lời bài viết Mùa Từ Thiện”, báo Người Việt Online, 28 tháng 11, 2009).

“Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhất là đã từng sống dưới chế độ Cộng Sản VN thì tôi tin chắc là mỗi người trong chúng ta không nhiều thì ít, bằng cách này hoặc cách khác, đều đã đóng góp cho người VN ở quê nhà trong suốt bao năm qua. Vì vậy nếu bài trả lời đó hàm ý rằng tôi (hay bất cứ ai trong chúng ta) “không biết làm gì chỉ biết chê bai” thì tôi e rằng những lời lẽ đó quá hồ đồ, thiếu suy nghĩ, mang tính tự mãn, tự cao, và đầy ác ý, nhất là đối với một người mà ông chưa từng quen biết.

Xin thưa:

“Rằng tôi thân phận đàn bà,
Đi làm, bếp núc, cửa nhà, chồng con.”

Là một người rất bình thường, “vô danh, tiểu tốt” như biết bao người Việt tỵ nạn bình thường khác đang sống trong một cộng đồng người Việt to lớn ở quận Cam, chắc chắn là tôi không dám so tài với nhà làm việc từ thiện nổi tiếng kể trên. Và dĩ nhiên, so với những công việc từ thiện vĩ đại mà ông đã làm thì những đóng góp từ thiện nhỏ nhoi của tôi thật chẳng “nhằm nhò” gì để mà kể lể. Nhưng không phải vì thế mà những đóng góp từ thiện nhỏ bé đó của tôi lại có thể biến tôi trở thành người “chưa làm được một chút gì” hay “không làm gì cả” như ông đã chụp mũ.

Tương tự như vậy, với công việc làm hèn mọn của mình, chắc chắn là tôi không đóng thuế nhiều bằng các chuyên gia lỗi lạc, nhưng đó là sự đóng góp công bằng của tôi đối với xã hội, và chắc chắn là nó công bằng hơn nhiều so với số tiền đóng thuế rất khả nghi của nhiều vị cai thầu từ thiện đi mây về gió giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đó là chưa kể nhiều vị nhân danh “tổ chức từ thiện & phi chính trị” để thỏa mãn tham vọng thầm kín cá nhân thấy mình trở thành nổi tiếng không thua gì Bồ Tát cứu nhân độ thế, hoặc thánh Martin de Pores của thế kỷ 21. Và còn tệ hơn nữa khi tôi khám phá ra rằng có những vị quảng cáo ầm ĩ trên radio & tivi cho công tác cứu trợ ở Việt Nam nhưng họ vẫn tiếp tục ăn “welfare” ở Mỹ.

Như vậy thì ai đáng “chê bai” ở đây ?

Còn bảo rằng bài viết “Mùa Từ Thiện” đã “chính trị hóa một vấn đề hoàn toàn nhân đạo” thì xin thưa là chính Cộng Sản Việt Nam đã “chính trị hóa” các công tác về nước làm từ thiện của một ông thiền sư nổi tiếng khi ông về nước bỏ ra hàng triệu dollars tiền đóng góp của người Việt hải ngoại để xây dựng các cơ sở hạ tầng cho công cuộc từ thiện ở VN, và cũng chính Cộng Sản VN đã và đang “chính trị hóa” các tu sĩ Bát Nhã chỉ biết lặng thinh cầu nguyện, không một tấc sắt cầm tay khi công an VN tấn công, qui tội họ là “vi phạm luật pháp VN” và quyết truy đuổi họ đến tận cùng.

Bạn nghĩ sao nếu chính bạn đã giao tiền bạc cho ông thiền sư để xây dựng những cơ sở từ thiện ở Bát Nhã ? Bài học của ông thiền sư và các môn đệ của ông vẫn còn mới toanh, và còn đang tiếp diễn ở VN. Tôi tin chắc là đã có nhiều bài học “bỏ của chạy lấy người” khác nữa mà các nhà làm việc từ thiện “chui” của chúng ta đã và đang “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chịu khó “ngậm đắng nuốt cay vì chính nghĩa từ thiện”, hoặc “im lặng là vàng” để “chìm xuồng” luôn hàng trăm ngàn dollars “lót tay” cho công an nhà nước VN như một vài chuyện tôi đã được nghe qua. Như vậy thì ai là kẻ đã “chính trị hóa” vấn đề làm từ thiện ở Việt Nam ?

Có thể tôi và nhiều người VN bình thường khác trong cộng đồng không có công đóng góp nhiều bằng nhà làm việc từ thiện lỗi lạc và tiếng tăm kia. Chúng tôi cũng không có “thành tích” làm việc chung với “nữ xướng ngôn viên khả ái” này, hay cô MC duyên dáng nọ, hoặc ông nhạc sĩ nổi tiếng kia như ông đã hợm hĩnh khoe khoang trong bài “Để trả lời bài viết Mùa Từ Thiện”. Chúng tôi cũng không làm được chuyện như gọi điện thoại mời cô ca sĩ này hay “anh em nghệ sĩ “ nọ tham gia trình diễn văn nghệ cứu trợ VN như ông đã kể lể trong một bài viết khác để tự “nâng bi” chính mình. Thế nhưng những đồng tiền đóng góp âm thầm và nhỏ nhoi của chúng tôi cho Việt Nam là do chính mồ hôi, công sức làm ra mà chúng tôi đã chắt chiu, dè sẻn sau khi trả tiền thuế, tiền nhà, tiền bills, tiền xe, tiền học, tiền lo cho con cái, … Đó là những đồng tiền mồ hôi, nước mắt mà đáng lẻ chúng tôi phải dành dụm để trả tiền college cho tương lai sau này của các con nhưng vì thấy chúng còn nhỏ, chưa cần gấp nên chúng tôi đã không ngần ngại khi bỏ số tiền đó vào các thùng tiền cứu trợ VN của quý vị. Chính vì vậy mà tự nhiên chúng tôi cảm thấy xót xa khi nghe những chuyện thất thoát hàng trăm ngàn dollars để “lót tay” hối lộ cho nhân viên nhà nước VN. Và đương nhiên chúng tôi có quyền tự hỏi thực sự có bao nhiêu tiền đã đến chính tay nạn nhân cần được cứu trợ, có bao nhiêu tiền quảng cáo đã chi cho báo, đài, tivi, có bao nhiêu tiền “lo lót” cho “lệ phí hành chánh”, bao nhiêu đã tiêu vào vé máy bay, khách sạn, di chuyển xe cộ, và có bao nhiêu tiền các nhà làm việc từ thiện “chui” đã tiêu dùng để “chén chú, chén anh”, và các cuộc mây mưa khác với cán bộ Cộng Sản trong chuyến “công tác du lịch” về VN ? Hay chúng tôi không có quyền đếm xỉa vì đó là tiền “chùa”, hoặc “của chung không ai khóc”?

Bao năm qua chúng tôi đã nghe ra rả những lời kêu gọi cứu trợ cho VN ở trên các phương tiện truyền thông, hết cơn bão này tới nạn lụt nọ. Nhưng tuyệt nhiên không có quý vị nào cho chúng tôi một bản báo cáo chi tiết là số tiền quyên góp đã được dùng vào những việc gì, đã trả cho những ai, có biên nhận hay không, …. Sau hàng tiếng kêu gào cứu trợ đủ loại trên tivi, radio, sau những buổi trống kèn văn nghệ đình đám là một sự im lặng khó hiểu, để rồi chúng tôi lại tiếp tục nghe thêm những đợt kêu gọi cứu trợ triền miên và bất tận khác cho VN.

Ắt hẵn các nhà làm từ thiện thừa biết rằng khi thu tiền dưới danh nghĩa từ thiện mà lại tiêu dùng mờ ám, không biên nhận, sổ sách, báo cáo rõ ràng để nhân viên sở thuế có thể “audit” là vi phạm luật thuế Hoa Kỳ. Đó là chưa kể đến tội biển thủ (embezzlement), gian lận (fraud), và cũng chưa kể đến tội giấu giếm không khai báo cho quan thuế (US Customs) khi mang trong người hơn $10,000 tiền mặt ra khỏi nước Mỹ. Chỉ mới điểm sơ sơ qua luật pháp Hoa Kỳ thôi nhé, chưa kể đến luật rừng của VN, và chắc có lẻ các “dịch vụ” từ thiện nên nghĩ đến việc chịu trách nhiệm (accountable) cho mỗi đồng bạc thất thoát không biên nhận.

Viết đến đây tôi cần phải mở ngoặc để cảm ơn sự minh bạch, rõ ràng của vài hội đoàn cứu trợ các thương phế binh VNCH mà tôi đã được xem qua các bảng báo cáo trên báo chí, và đặt đây là trường hợp ngoại lệ mà tất cả chúng ta cần phải tiếp tục ủng hộ vì ai cũng biết rằng nhà nước VN sẽ mãi mãi coi họ là kẻ thù, không thuộc diện “nhân dân” để nhà nước có bổn phận chăm sóc. Điều này còn được thể hiện qua một sự kiện đã được báo chí đề cập đến là các nghệ sĩ ở trong nước đã không dám lên sân khấu trình diễn trong một buổi văn nghệ lạc quyên cứu trợ thương phế binh VNCH tại quận Cam, mặc dù họ vẫn thường xuyên xuất hiện trong các chương trình lạc quyên khác của giới cai thầu từ thiện cho VN.

Hãy nhìn lại suốt hơn 30 năm qua chúng ta đã có bao nhiêu công cuộc cứu trợ cho VN ? đã có bao nhiêu hàng tỷ dollars đổ về VN như đổ nước vào một chiếc bình rỗng không đáy trong khi dân nghèo VN ngày càng nhiều hơn, nghèo hơn, và giai cấp thống trị & tư bản đỏ càng giàu hơn và tham nhũng hối lộ nhiều hơn, tinh vi hơn ? Xin nhìn cho rõ vấn đề mà bài viết “Mùa Từ Thiện” đã nêu ra là tại sao các công cuộc kêu gọi cứu trợ và làm việc từ thiện cho dân nghèo VN lại không tập trung, không chú ý vào giai cấp thống trị và đám nhà giàu nhàn rỗi, dư tiền, lắm của ở ngay chính VN ? Chúng tôi hoàn toàn đồng ý là những con người nghèo khổ và đáng thương ở VN kia rất cần được giúp đỡ, chỉ xin các nhà cai thầu từ thiện vui lòng chuyển “mũi dùi tấn công” của quý vị đến đám nhà giàu, đầy quyền thế ở VN và đến cả đám “celebrities” mang nhãn “Ziệt kiều” (hay Việt gian ?) đang sống đề huề với Cộng Sản VN.

Vì sao ư ? – Vì con bò Mỹ quốc này đã cạn kiệt bơ sữa, và đang gầy đói giơ xương sau hơn 30 năm bị vắt kiệt, vì chúng ta đang ở trong thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng, vì cộng đồng chúng ta vẫn còn nghèo, còn nhiều vấn nạn phải lo toan, còn nhiều nợ nần chưa trả đối với những quốc gia đã cứu vớt chúng ta trên bước đường tỵ nạn, vì chúng ta còn bổn phận công dân đối với chính đất nước đã và đang cưu mang chúng ta bao năm qua và sẽ còn tiếp tục cưu mang gia đình & con cháu chúng ta trong tương lai. Chỉ có đơn giản và dễ hiểu vậy thôi ! Xin đừng mất công diễn dịch thêm bài viết “Mùa Từ Thiện”, đừng hiểu lầm, đừng xuyên tạc, đừng lấp liếm, xập xí xập ngầu mà qui tội, chụp mũ cho bài viết “Mùa Từ Thiện”, hoặc lợi dụng nó để tô bóng, đề cao cái mác “Việt gian yêu nước” hay “celebrity” cho chính mình. Tội lắm, ai ơi !

Cứ thử nghĩ mà xem, mái nhà bạn bị dột tứ tung trong cơn dông tầm tã thì bạn sẽ lo cứu nhà mình trước hết, hay bạn sẽ bỏ mặc con cái bạn ở đấy để chạy qua bên kia đường “ra tay nghĩa hiệp” cứu giúp cho nhà cửa đang bị lụt của cái anh nhà giàu nứt đổ vách người VN ? Và sau khi bạn đã tạm ổn định căn nhà của bạn, tôi hy vọng là bạn sẽ nghĩ đến hai căn nhà vọp vẹo đang bị dông bão tứ bề của ông hàng xóm X và bà hàng xóm Y ở ngay sát hai bên nhà bạn vì ngày xưa lúc bạn còn nghèo rách mồng tơi, hai nhà hàng xóm này đã không “kỳ thị” khi cho bạn tạm tá túc mặc dù họ cũng chẳng khá giả gì và mặc dù bạn không cùng màu da, tiếng nói với họ. Hay nay bạn sẽ kỳ thị, không mủi lòng giúp họ chỉ vì họ không phải là người Việt Nam ?

Cũng có vị độc giả đắn đo “nếu không giúp thì nhà nước Việt Nam cũng chẳng bị hại chút nào. Thử nhìn sang Bắc Hàn mà xem. Dân càng nghèo đói thì nhà nước độc tài chỉ càng mạnh thêm mà thôi“. Xin thưa là nhà nước VN có bị hại hay không thì lịch sử sẽ có câu trả lời trong tương lai và chúng ta hãy kiên nhẫn để cho bánh xe tiến hóa của lịch sử có cơ hội làm việc. Sự “bảo bọc” của chúng ta đối với VN hơn 30 năm qua rõ ràng là một sức cản lớn đạp bàn thắng kềm hãm vòng quay bánh xe tiến hóa của đất nước vì chúng ta chỉ “chữa cháy” ở ngọn, chứ không ở gốc. Trong những ngày tháng đen tối bị giam hãm ở trong tù, nếu ông Lech Walesa (lãnh tụ công đoàn Đoàn Kết) chua chát nghĩ là chế độ CS ở Ba Lan sẽ “cũng chẳng bị hại chút nào” vì xe tăng của Liên Xô sẽ tràn vào bảo vệ đàn em CS Ba Lan như họ đã từng làm trong thập niên 1960s thì chắc chắn là ông đã dẹp bỏ công đoàn Đoàn Kết từ lâu và ông đã không bao giờ trở thành tổng thống đầu tiên của một nước Ba Lan không cộng sản, và dĩ nhiên là chuyện đó đã không xảy ra trong một sớm một chiều. Vì vậy xin hãy kiên nhẫn và hãy để cho các nhà đấu tranh dân chủ trong nước có cơ hội. Cũng xin đừng so sánh Bắc Hàn với Việt Nam hiện nay vì đó là sự so sánh “orange” với “apple”. Bắc Hàn hiện nay chỉ có thể so sánh với miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa của VN trước 1975 khi dân chúng còn mù quáng tin vào chế độ, vào lãnh tụ, vào hy sinh gian khổ “hạt muối cắn làm đôi” để giải phóng miền Nam “bị Mỹ Ngụy kềm kẹp”. Họ chỉ mở mắt khám phá ra rằng mình bị nhà nước CS lừa bịp khi vào tới nhìn miền Nam sau 30 tháng 4, và đó cũng là lý do cho làn sóng vượt biên của dân miền Bắc VN đến Hồng Kông sau 1975. Bắc Hàn vẫn chưa đạt đến giai đoạn này.

Dù biết rằng có rất nhiều độc giả đồng ý với bài viết “Mùa Từ Thiện”, tôi vẫn không tin là bài viết đã “đập vỡ nồi cơm” của các cai thầu từ thiện cho VN như một độc giả đã lo xa. “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Bằng chứng hùng hồn là sau khi bài viết “Mùa Từ Thiện” được tung lên các mạng điện tử (đa phần là nhờ các độc giả làm giùm chuyện này) thì tôi vẫn tiếp tục được xem trên tivi những cảnh quyên tiền marathon cho VN mà khán giả gọi vào đóng góp thật vô tư, hào hứng. Thậm chí tôi còn nghe hai ông xướng ngôn viên trên một đài truyền hình ở quận Cam bàn với nhau trước mặt khán giả là hai ông sẽ lập một quỹ từ thiện để giúp VN xây lại “cây cầu tử thần”. Và mùa từ thiện vẫn tiếp tục … nở rộ trong các buổi trình diễn văn nghệ cứu trợ VN thành công ngoài sức tưởng tượng của các nhà cai thầu. Như vậy thì xin các ngài cai thầu từ thiện cho VN cứ yên tâm vì mùa từ thiện của quý vị vẫn … kéo dài. Làm sao mà một bài viết tầm thường như “Mùa Từ Thiện” lại có thể “đập vỡ nồi cơm” của quý vị được ? Ngược lại, tôi xin được mạn phép “trộm” bài thơ Chúc Tết của cụ Trần Tế Xương mà rằng:

“Phen này tôi quyết đi buôn … giỏ” (để quý vị đựng tiền quyên góp từ thiện)
“Vừa bán vừa la cũng đắt hàng”.

Tuy nhiên, trong tinh thần “nghệ thuật vì nghệ thuật” mà nhiều nghệ sĩ VN đã cổ võ cho việc “giao lưu văn hóa 2 chiều”, tôi mạo muội đề nghị thêm là xin các nhà làm việc từ thiện lỗi lạc cho VN hãy đứng ra tổ chức những buổi đại nhạc hội quy mô, những buổi văn nghệ thật xôm tụ ở ngay tại Việt Nam để kêu gọi quyên tiền từ các nhà tư bản đỏ, các doanh nhân, “celebrities” & “Việt gian yêu nước”, nhất là các quan chức Cộng Sản VN vẫn thường bày tỏ mối “quan tâm ái ngại” đến 3 triệu con dân thuộc “khúc ruột dư ngoài ngàn dặm” để … nhờ họ giúp cho cộng đồng chúng ta “tí” tiền nhằm thay thế và sửa chữa các đường ống nước “fountain drink” dơ bẩn trong các trường học của con em chúng ta, để họ giúp người già trong cộng đồng chúng ta có nơi nương tựa, có trung tâm sinh hoạt, giúp các em học sinh vô gia cư có nơi trú ngụ (vì nhà cửa đã bị ngân hàng xiết nợ), …… So với những số tiền hối lộ khổng lồ và lối xài tiền vung vít của các quan chức Cộng Sản VN thì những sự thiếu thốn và khó khăn hiện tại của cộng đồng chúng ta nào có bỏ bèn gì ? Nhưng xin đừng quên nhắn gửi cho CSVN biết là chớ có mà “chính trị hóa” vấn đề hoàn toàn nhân đạo này với nghị quyết số 36, 39 gì đó nhá !

Tôi nghe đâu tháng 11 vừa rồi Cộng Sản VN đã tổ chức “Đại Hội Ziệt Kiều” lớn lắm. Chẳng hay các nhà làm việc từ thiện đi mây về gió như tác giả của bài “Để trả lời bài viết Mùa Từ Thiện” chẳng hạn có tham dự cái Đại Hội đó không ? Quý vị đi đâu hết cả rồi ? Và còn những nghệ sĩ thích “giao lưu 2 chiều” nữa ? Tại sao quý vị không biết lợi dụng cơ hội ngàn vàng này mà “báo cáo” cho Đảng và nhà nước VN biết được những nỗi khốn khó của “khúc ruột dư ngoài ngàn dặm”, để ca bài “bầu ơi thương lấy bí cùng”, để kêu gọi CSVN tinh thần “máu chảy ruột mềm” mà quyên tiền cho cộng đồng mình ? “Chiếc lá” ở ngoài này đã “rách” tả tơi lắm rồi sau hơn 30 năm “đùm” bọc cho quê hương dân tộc VN. May ra kỳ này “chiếc lá” của nhà nước VN và các tay tư sản lớn nhỏ trong nước có “đùm” giùm cho cộng đồng chúng ta một tí được hay không ? Nếu được như vậy thì quý hóa quá, và tôi tin chắc rằng “mùa từ thiện” của quý vị sẽ … kéo dài lê thê, và rất là … được mùa nữa là đằng khác.

Xin gửi lời chúc may mắn đến quý vị “vác ngà voi” ở VN này !

Tái bút: Tác giả xin chân thành cảm tạ các độc giả đã có lòng yêu thích bài viết “Mùa Từ Thiện” và đã giúp loan tải bài viết này thật nhanh chóng trên các mạng điện tử. Xin được mạn phép trích lời của một độc giả ở VN : “Hậu quả của thiên tai tại Việt Nam thương tâm thật đó nhưng quý vị cũng nên sáng suốt khi ủng hộ giúp đỡ. Tôi nghĩ rằng bài viết này nên được gửi đến từng người trong cộng đồng người Việt tại ngoại quốc để họ đọc và suy nghĩ đến tính hiệu quả cũng như hậu quả của việc mình làm”. Tác giả xin trân trọng đa tạ nhận định sáng suốt này, và ước mong bài viết “Mùa Từ Thiện” sẽ được các độc giả tiếp tục giới thiệu đến với mỗi gia đình VN ở hải ngoại. Nguyễn Mỹ Linh

http://www.lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=1830:1830&catid=37:bandoc&Itemid=56
 

Tôi nằm gác tay lên trán...


Tiểu Tử

Hồi nãy, nằm một mình trong phòng, tôi gác tay lên trán hồi nào tôi không hay!
Một cử chỉ rất tầm thường, ở quê tôi - Việt Nam – thiên hạ hay làm như vậy khi suy nghĩ chuyện gì hay khi gặp khó khăn gì. Và thường thì cử chỉ ‘gác tay lên trán’ đó lâu lâu có kèm theo tiếng thở dài… làm như để trút ra một cái gì đang đè trong lòng ngực.

Nhớ hồi nhỏ, bắt chước người lớn nằm gác tay lên trán là bị rầy: “Lấy tay xuống! Làm vậy không nên!”. Không ai giải thích tại sao không nên, nhưng rồi khi lớn lên, không ai dạy mà tự nhiên cũng biết nằm gác tay lên trán, và cũng không ai dạy mà tự nhiên cũng biết thở dài…

Tôi bỏ xứ đi chui từ cuối 1978. Bao nhiêu năm ‘trôi sông lạc chợ’ ở nhiều nơi, tôi không thấy ai nằm gác tay lên trán hết! Và tôi cũng quên mất cái cử chỉ tầm thường đó, cho đến hồi nãy đây tôi bắt gặp lại ‘nó’ trong lúc nằm một mình trong phòng. Thì ra ‘nó’ đã theo tôi đi lưu vong, ẩn mình một cách khiêm nhường trong tiềm thức, để bây giờ ‘nó’ cầm cánh tay tôi gác lên trán, tự nhiên như ngày xưa – ba mươi năm trước – khi tôi chưa rời khỏi quê hương…

Ở đây - ở Pháp - thời tiết đang vào thu. Lá cây chỉ mới lai rai ngả màu vàng chớ chưa rơi rụng vội. Trời còn sáng trong, đầy nắng chớ chưa ảm đạm âm u và cũng mới se se lạnh thôi, chỉ cần quấn cái khăn lên cổ là ra đường đủ ấm.

Một chút ‘tả cảnh’ để thấy tôi không bị tù chân tù cẳng trong chung cư như vào mùa đông tháng giá, cái mùa mà một người già ‘tám bó’ như tôi ngày ngày vì sợ lạnh nên cứ ru rú trong nhà bước qua bước lại trong sáu chục thước vuông hay xem tê-lê để ngủ gà ngủ gật! Như vậy, thì đâu có gì bắt tôi phải nằm nhà để gác tay lên trán?

Kể ra, từ ngày tôi vượt biên rồi định cư ở Pháp, chắc nhờ Ông Bà độ nên cuộc đời lưu vong của tôi đã không bị ‘ba chìm bảy nổi’. Có… lang bang ba tháng đầu đi tìm việc làm, nhờ tiền trợ cấp của nhà nước nên không đến nỗi te tua, mấy đứa con cũng có chỗ ăn chỗ học. Rồi duyên may đưa tôi qua Phi Châu làm việc hết mười mấy năm, khi về hưu ở Pháp thì con cái đã lập gia đình và ‘ra riêng’ hết. Vợ chồng tôi thâu gọn lại, liệu cơm mà gắp mắm, nên cuộc sống cũng an bày. Lâu lâu chạy lại nhà con giữ cháu nội cháu ngoại, và lâu lâu đi ‘đổi gió’ xa xa gần gần… Tóm lại, cuộc sống về già mà được như vậy là…‘có phước rồi còn muốn gì nữa?’. Vậy mà hồi nãy tôi đã nằm gác tay lên trán và lâu lâu lại thở dài…

Hồi sáng, một thằng bạn già gọi điện thoại cho hay vợ chồng thằng A về Việt Nam bị chận lại ở phi trường Tân Sơn Nhứt. Sau đó, ‘họ’ cho bà vợ ‘nhập khẩu’ còn ông chồng thì bị đuổi trở về Pháp, dĩ nhiên là không cho biết lý do! Ông chồng khuyên vợ cứ vào đi, dẫu là gì gì đi nữa thì cũng là quê hương mình mà! Nghe kể đến đó, tôi tưởng tượng như chính tôi đang đứng ở trong nhà ga phi trường Tân Sơn Nhứt, nhìn qua các khung cửa kiếng thấy quê hương tôi ở ngay bên ngoài, cái quê hương mà ba mươi năm tôi chưa nhìn lại, cái quê hương mà ngay bây giờ, mặc dầu đang đứng bên trong nhà ga, khứu giác của tôi vẫn nghe rõ được mùi…

Ờ… mùi quê hương! Có mùi bông lài, bông bưởi, bông cau… Có mùi lúa chín, mùi rơm mùi rạ… Rồi mùi đống un, mùi chuồng trâu chuồng bò… Rồi mùi bùn non khi nước ròng bỏ bãi…v.v… Tôi biết, vợ chồng thằng A - nhỏ hơn tôi gần một con giáp – cũng có gốc ‘ruộng’ như tôi, nghĩa là đã lớn lên ở thôn quê, đã lội bưng lội đồng bắt cá mò cua từ thuở nhỏ bị nước phèn đóng lớp vào tay chân nên lúc nào cũng thấy mốc cời! Tôi chắc chắn vợ chồng nó đứng trong ga phi trường cũng nghe mùi quê hương như tôi đã tưởng tượng. Vợ thằng A - người VN được chánh quyền VN cho phép về quê hương để dời mồ mả ông bà cha mẹ họ hàng ra khỏi đất hương hỏa theo lịnh của nhà nước – nghe lời chồng khuyên ‘vào đi em’ bèn nhìn qua lần cửa kiếng để nhận thấy cái mùi quê hương nó hấp dẫn vô cùng, nó lôi kéo vô cùng, chỉ cần bước có mấy bước là đặt chân vào mảnh đất thân yêu mà mình đã xa cách gần ba mươi năm… Tôi biết, vợ thằng A là một người dàn bà thật thà trung hậu, chắc thế nào cô ta cũng quay lại nhìn chồng rồi rơi nước mắt lắc đầu.

Đúng như tôi nghĩ, thằng bạn già kể tiếp trong điện thoại: “Hai đứa nó đã về đến Paris hồi sáng, phone từ phi trường Charles de Gaulle cho hay nội vụ và nhấn mạnh rằng tụi nó coi như tụi nó thí cô hồn! ”. Nói xong, thằng bạn già cười vang khoái trá trước khi nói ‘au revoir’!

Tôi gác máy, nhìn quanh nhớ lại hôm nay rằm vợ tôi đi làm công quả ở chùa tới tối mới về, tôi bèn vào phòng nằm đọc báo. Tờ Figaro đầy chữ như vậy mà tôi không làm sao đọc được một hàng! Trong đầu tôi còn vang vang tiếng cười của thằng bạn già và câu nói ‘thí cô hồn’ của vợ chồng thằng A. Tôi buông tờ báo, nghiêng người nhìn ra cửa sổ, nghĩ đến cảnh vợ chồng nó bị ‘quây’ trong phi trường Tân Sơn Nhứt, mà thương! Ở xứ người, mình vào ra dễ dàng – dĩ nhiên là đừng… mang dao hay mang bom mang súng, cũng đừng mang bạch phiến cần sa! – còn mình về xứ mình, mặc dầu trong thông hành có ‘Giấy Miễn Thị Thực – Certificate Of Visa Exemption’ do Đại Sứ Quán VN tại Pháp cấp, mình vẫn gặp khó khăn trắc trở bất ngờ mà mình không bao giờ được biết lý do! Vợ chồng A ‘thí cô hồn’ là phải! Ở đó mà cãi à? Toàn là một lũ cô hồn thì nói thứ tiếng gì cho chúng nó hiểu?

Tôi trở mình nhìn lên trần nhà, miên man nghĩ về quê hương, hay nói cho rõ hơn, tôi nhớ về cái làng quê của tôi nằm bên sông Vàm Cỏ. Không biết cái ‘Chợ Nhỏ’ bây giờ còn đó hay đã bị ‘di dời’ đi nơi khác, theo… truyền thống đổi đời của cách mạng? (Trong làng chỉ có một cái chợ, vậy mà thiên hạ gọi là Chợ Nhỏ, làm như còn một cái chợ nào khác lớn hơn vậy!) Còn ‘Ngã Ba Cây Trôm’ nằm trên con lộ cái, chỗ có bãi đất trống để xe đò tấp vô rước khách, chỗ có cây trôm mà dân trong làng hay đem dao đến chém vào thân cây để lấy mủ đem về pha nước đường uống giải khát giải nhiệt… không biết có nằm trong một ‘quy hoạch cải cách đô thị có trình độ khoa học cao’ của nhà nước Còn cái đình làng, bây giờ đã thành một cơ quan gì chưa? Cái bến cát nằm dài theo ven sông, chỗ mà ngày xưa - thuở nhỏ - tụi tôi kéo nhau một lũ cởi truồng tắm giỡn đùng đùng… bây giờ vẫn còn là bến cát hay đã bị chiếm dụng để mấy ‘ông lớn’ xây dinh thự với tường rào kiên cố và nhà thủy tạ có cầu tàu nằm trườn ra sông ngạo nghễ? Cái lò đường trong Xóm Mới, vào mùa mía chạy che ép mía ngày đêm nghe trèo trẹo, nấu đường làm mùi thơm ngọt lịm bay trùm cả xóm… bây giờ còn là ‘Lò Đường Ông Út K’ hay đã… biến thành ‘Nhà Máy Đường của Nhà Nước’? Trường tiểu học mà thời tôi còn đi học, ông đốc H cho gắn trên trụ cổng tấm bảng ‘Cấm Trâu Bò Vào Trường’ vì mấy ông chủ bò hay thả bò vào ăn cỏ dọc hàng rào bông bụp… bây giờ đã thành… cái gì rồi Và nghĩa địa của làng, thường gọi là ‘gò đồng mả’, nằm một bên con đường đất đỏ dẫn vào Xóm Trong, cái gò đó - cả trăm năm – là nơi an nghỉ cuối cùng của dân trong làng, không phân biệt lớn nhỏ giàu nghèo… vẫn còn đó hay đã nhường chỗ cho những ‘Công Trình Văn Hóa Phục Vụ Nhân Dân’?

…Nhớ đến đó, tự nhiên tôi thở dài… Rồi tự nhiên tôi gác tay lên trán…
Tôi vẫn nhìn lên trần nhà: trần nhà trắng phau, ở đó không hiện lên được một nét nào của quê hương tôi hết. Rồi tôi nghĩ: nếu tôi có trở lại VN, có ‘được phép’ đặt chân lên vùng đất mẹ, chắc chắn tôi sẽ không tìm lại được những hình ảnh cũ. Bởi vì quê hương tôi đã bị ‘họ’ bôi xóa trắng như trần nhà tôi đang nhìn, để thay vào đó bằng một cái gì không ra cái gì hết, mang nhãn hiệu ‘Dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh’, nghe mà… điếc con ráy!

Bây giờ, tôi hiểu tại sao tôi đã nằm gác tay lên trán mà thở dài…

Blog Archive