Sunday, July 30, 2017

Hụi… hè!

Hồi xưa, ở quê nhà Việt Nam, khi hệ thống ngân hàng chưa phát triển chưa được người dân biết tới nhiều, làm được bao nhiêu là bà con mình mua vàng cất giấu để làm của, phòng thân.
Rồi từ từ có Tín Nghĩa ngân hàng của ông Nguyễn Tấn Đời, Thần tài cầm hai xâu tiền, bà con mình bắt đầu gởi vào để kiếm chút đỉnh lời! Tiền đẻ ra tiền; chớ vàng nó không biết đẻ (?!)
Sau 30 tháng Tư, năm 75, tiền mồ hôi nước mắt của dân mình gởi ngân hàng đã bị VC cướp trắng trợn. Nên từ đó niềm tin vào ngân hàng vừa chớm nở đã bị lung lay rồi bay luôn theo gió…
Chúng ta ra đi mang theo quê hương, mang theo phong tục tập quán. Tập quán về đồng tiền liền khúc ruột! Nên bà con người Việt mình hồi mới qua khoái giữ tiền mặt trong nhà hơn là đi gởi nhà băng, có thể vì cái kinh nghiệm đau lòng năm cũ!
Mấy tên đạo chích Úc biết cái tỏng đó nên khoái kiếm nhà người Việt, mà hộp thơ trước cửa tràn đầy không ai lấy; vì cả nhà về Việt Nam ăn Tết, để nhập nha!
Vào nhà rinh luôn con heo mình bỏ ống (Úc gọi là “piggy bank”. Pig là con heo). Úc thì bỏ tiền xu, tiền cắc, còn người Việt thì bỏ tờ 100 đô không hà. Con heo đất nầy coi vậy mà mập hơn con heo thứ thiệt gấp nhiều lần!
Qua Úc, hai vợ chồng cày tối tăm mặt mũi, con cái thì học mặt mũi tối tăm; đâu có ai rảnh mà ở giữ nhà. Ráng cày sâu cuốc bẫm mua cái nhà thiệt xịn cho Úc nó hết hồn chơi. Còn căn nhà rực rỡ đó… chỉ để tối vợ chồng con cái về nằm ngủ.
Bị ăn trộm hoài hè nên bà con mình bắt đầu nhờ ngân hàng của Úc giữ cho chắc ăn, vì chuyện bị giựt tiền như VC nó làm là rất khó xảy ra.
Hai là rút ra đút vô, chỗ nào cũng có máy rút tiền tự động, nên cũng dễ, chớ không nhiêu khê rùa bò như ngày cũ ở Việt Nam.
Cái tập quán thứ hai là chơi hụi. Cái nầy tới giờ bà con mình vẫn chưa từ bỏ được dẫu nó có quá nhiều bất trắc.
Chẳng qua là khi bà con mình vượt biên, vượt biển tới đây chỉ có bộ đồ dính da và đôi dép dưới chân, trên răng dưới dế… muốn có vốn để mần ăn, ra ngân hàng để vay tiền đâu có đứa nào cho. Có thóc mới cho mượn gạo chớ!
Vậy là cái khó nó ló cái khôn; Úc không cho mượn thì bà con mình quay về với cộng đồng mình, xúm nhau lại chơi hụi.
Chơi hụi đã bắt đầu giúp những di dân Việt nhanh chóng mua nhà, khởi sự kinh doanh, hoặc giúp đỡ cha mẹ, anh em còn kẹt lại ở quê nhà!
Thực ra không phải là giới mua bán có máu mặt mới hay chơi hụi vì cần vốn để mần ăn mà những người làm lương ba cọc ba đồng cũng chơi nữa!
Dân cu li, cổ xanh, có đồng nào xào đồng nấy, cứ hai tuần tiền lương sở gởi vô tài khoản, mình bèn rút ra gần hết, chỉ chừa chút đỉnh tiền túi, lỡ đi đường đạp bánh tráng của người ta mà có tiền đền! (Một ông chồng ngoan hết biết!) Tiền chợ vừa khít; nhưng người vợ hiền, mẹ đảm Việt Nam mình cũng ráng chờ đồ sale, giảm giá 30 tới 50% off mới mua. Để dành một chút, chơi hụi nho nhỏ để kiếm thêm tiền lời cò con, tiền đẻ ra tiền, để lâu lâu hốt có chừng chục ngàn cho chàng bỏ túi đem theo, bay về nước uống bia ôm… (Người vợ, trong mơ, còn… không không thấy!) Đó là mặt tích cực của hụi…
Hồi xửa hồi xưa chị em mình chơi hụi gọi là chơi; vì tiền lời không phải là mục đích chánh mà vì tình chòm xóm với nhau, chị em mình góp tiền lại để cho bà con nào đó có chút đỉnh vốn mần ăn…
Cái tình nghĩa xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau là vậy đó!
Nhưng từ từ “chơi hụi” nó bay mất chữ “chơi” đi chỉ còn là hụi. Và hụi biến tướng theo chiều hướng xấu xa là ‘hụi ma, giựt hụi, bể hụi, v.v…
Hụi viên phải cười đau khóc hận vì gặp phải một tay chủ hụi lừa đảo, bịp bợm, bất lương!
Bằng không vừa mới hốt hụi được số tiền kha khá là có tay nó nghe lời ba nó dạy “Con ơi ghi lấy lời cha. Một đêm ăn cướp, bằng ba năm làm!” tính phỗng tay trên.
Nên nửa đêm về sáng, trời vẫn còn tối,  tay nầy đã phục sẵn trước nhà người ta để ra tay ăn cướp tiền người ta mới vừa hốt hụi.
Mới đây nè, báo The Age của Úc, có đi một bài về hụi trong Cộng đồng người Việt của mình!
Sau một buổi tối bận rộn tại nhà hàng ở St Albans, về hướng Tây của thủ phủ Melbourne, ông chủ nhà lái xe chở vợ mình về nhà ở Maidstone thì đã 1 giờ 15 phút sáng.
Người vợ mở cửa xe và quay bước vào bên trong. Bất thình lình có một tay bất ngờ từ bụi cây nhảy ra và đâm vào cánh tay bà.
Người chồng nhào vô cứu vợ, đánh nhau với tên cướp nhưng bị nó đâm năm nhát. Khi ông chảy máu nằm trên lối lái xe vào nhà, tên cướp bỏ chạy tay không vào bóng tối.
Cảnh sát mới đầu nêu nghi vấn có thể tên nầy tính cướp số tiền thu được hôm nay của nhà hàng. Nhưng  hai vợ chồng nạn nhân nầy mang về nhà đêm đó tới khoảng $40,000 Úc kim (gần $30,000 Mỹ kim).
Cảnh sát Úc hỏi: “Where does the money come from?” (Tiền đó ở đâu ra vậy?).
Câu trả lời là: “Đó là tiền hốt hụi!”
Như vậy ai đã biết là hai vợ chồng chủ nhà hàng hốt hụi được rất nhiều tiền vào đêm đó?
Khoanh vùng, loại suy, cuối cùng ngày 8, tháng Năm, các thám tử thuộc Altona North Embona Taskforce đã bắt giữ và truy tố một tay, 28 tuổi, ở St Albans, về tội mưu toan ăn cướp có vũ khí, cố ý gây ra thương tích nghiêm trọng.
Nghi can bị giam để ra hầu Melbourne Magistrates Court vào ngày Một, tháng Tám, năm 2017.
Mặc dù chơi hụi không phải là bất hợp pháp, nhưng cảnh sát Úc vì mù tịt cái vụ hụi hè nầy nên, coi đó là rất gây phiền hà, vì gây nhức đầu quá hà!
Cabramatta ở Sydney; Richmond ở Melbourne, bà con người Việt mình đã từng xôn xao vì những vụ bể hụi, chủ hụi ôm tiền, ta bà thế giới về đâu, trong lúc hụi viên giận muốn điên vì mất tiền, mếu máo sầu vì mất của!
Có người lên tăng xông, mạch máu não trên đầu kêu bực bực; làm đám con cái phải chở đi nhà thương cấp cứu vì sợ buồn giận quá ba má đi luôn thì đám cháu nội, ngoại ai mà giữ đây hè?
Ai chơi hụi cũng muốn kiếm tiền lời. Tuy nhiên lời càng cao, do hụi càng mắc thì xác suất bị giựt cũng cao hơn nhiều. Từ đó có những động từ như giựt hụi, hụi ma, bể hụi, v.v…
Giựt hụi là hụi viên hốt rồi, dông luôn không thèm đóng tiền hụi trả lại cho người ta và theo hợp đồng chủ hụi phải chịu trách nhiệm trả thay.
Còn bể hụi là do chủ hụi đánh bài thua, gom tiền hụi chừng vài chục dây đôi khi lên tới cả triệu đô la trốn về Việt Nam, trốn kỹ lặn sâu vì biết chắc rằng chủ hụi làm bể hụi mà cứ nhong nhỏng đi nhậu ngoài chợ Footscray là coi chừng hụi viên nó xin tí huyết làm tiết canh!
Chơi hụi,  là hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau vì không có tài sản thế chấp, bảo đảm.
Dây hụi thực chất là một vòng tròn mắt xích, mỗi hụi viên chính là một mắt xích. Đứt một mắt là xong! (Game is over!)
Biết vậy nhưng: “Mọi người đều chơi hụi. Đó là một cách thức để chúng tôi tiết kiệm và mượn được tiền.”
Hậu quả là trong cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Sydney, cảnh sát Úc đang mở một cuộc điều tra về một chủ hụi ở Marrickville đã lừa gạt các hụi viên tới hàng chục triệu đô la, chuyển số tiền hụi đó ra ngoại quốc và chuyển vào tài sản cá nhân,
Rồi ở Richmond, Melbourne đã bị nhiều vụ bể hụi. Có vụ lên đến 9 triệu đô Úc.
Những vụ lừa đảo hụi hè nầy gây rắc rối, gây bối rối làm tai tiếng cho cộng đồng mình, thiệt hại quyền lợi, do đóng tiền cho chúng giựt, của cử tri, nên dân biểu Anthony Albanese, đơn vị Grayndler ở Sydney, nơi có đông cử tri gốc Việt, là Phó lãnh tụ đảng Lao Động , năm 2007 đã phải báo động với Quốc hội Liên bang Úc, về những rủi ro trong việc chơi hụi của Cộng đồng người Việt.
Rồi các nhà khoa bảng của Úc phải nhào vô nghiên cứu để tìm ra những vấn nạn về xã hội nầy mà đề xuất cho chánh phủ tìm phương cấp cứu.
Giáo sư Roslyn Lê, thuộc trường đại học Swinburne, đã phỏng vấn các chị em đang lâm vòng lao lý, thì thấy rằng: Vì nợ hụi, giống như cát lún từ từ, nhiều chị em mình phải trở thành những con lừa vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, hay nhận chăm sóc xưởng trồng cần sa cho những tay trùm ma túy.
Có một nữ tù nhân đang thọ án 12 năm, đã từng là chủ hụi, bịt giựt hụi, mất nhà hàng, mất nhà năm 2008, đã tham gia vào việc vận chuyển một số lượng ma túy giấu trong bồn ngâm chân trong một thùng container gần 160 ký ma túy, trong đó có methamphetamine trị giá $50 triệu, cocaine trị giá $32 triệu, và thuốc lắc trị giá $6 triệu.
Tuy nhiên! Cấm chơi hụi đâu có được vì đó là quyền tự do của công dân Úc; nên các chuyên gia về hụi chỉ biết khuyên rằng: Chị em mình chỉ tham gia vào dây hụi do người chủ hụi xưa giờ đầy uy tín. Đừng qua bề ngoài hào nhoáng, ăn to nói lớn, nhà cao cửa rộng, vàng vòng phô trương, quan hệ rộng…
Phải biết rõ chủ hụi vợ con mấy đứa, có ai cờ bạc, xì ke hút xách gì không?
Phải chọn lựa kỹ càng các hụi viên khác. Có công ăn việc làm, kiếm được bao nhiêu để coi hốt hụi rồi còn đóng hụi chết hay không; hay lẳng lặng mà dông?
Phải có sổ sách rõ ràng, chứng từ đầy đủ để lỡ có bề gì thì đi thưa mới được.
Cảnh sát Úc bây giờ bớt lù khù rồi, cũng biết chuyện hụi hè nầy nên khi bị giựt hụi là nạn nhân có thể đi thưa chớ không còn cái vụ huề cả làng như xưa được nữa.
Tuy nhiên, tui là người vốn đa nghi như Tào Tháo. Thà mình phụ người chớ không để người phụ mình… nên cứ ‘cảnh báo rồi cảnh cáo’ em yêu của tui hoài hè!
Có đồng nào vợ chồng mình xào đồng nấy! Đừng có hụi hè gì ráo trọi.
Bởi hụi hè coi chừng vì hụi mà có ngày vợ chồng con cái mình phải ra hè mà ở nhe!
Đoàn xuân thu
Melbourne
Bên trong dinh thự của các Tổng thống

Tại Anh, Nữ hoàng ở cung điện Buckingham còn Thủ tướng ở số 10 Downing, London. Cung điện Bellevue từng là một trường học và bảo tàng trước khi thành nơi ở của tổng thống Đức.


Cạnh đại lộ danh tiếng Champs-Élysées chính là cung điện Élysée, nơi ở của các Tổng thống Pháp từ những năm năm 1840.

Cung điện được xây từ năm 1772 sử dụng rất nhiều vàng. Ví dụ điển hình là nội thất dát vàng bên trong hội trường Salle des Fêtes, nơi các Tổng thống Pháp phát biểu nhậm chức. Đây là căn phòng tổ chức những buổi hội đàm và tiệc chính thức.

Văn phòng Tổng thống còn gọi là Salon Doré (nghĩa là căn phòng vàng), đặt tên dựa vào đặc điểm của căn phòng vì có rất nhiều đồ vật, chi tiết trang trí bằng vàng từ tường, bàn ghế, cửa...


Nhà Trắng tại Washington DC có lẽ là dinh thự Tổng thống nổi tiếng nhất thế giới. Trong đó có căn phòng làm việc, nơi Tổng thống Donald Trump bàn bạc công việc với các nhà ngoại giao, đội ngũ nhân viên, các thống đốc bang...

Nhà Trắng có hai phòng ăn, một dành cho gia đình tổng thống và một để tổ chức tiệc gặp gỡ các lãnh đạo trên thế giới.


Palácio da Alvorada tại Brasília, Brazil là dinh thự của các tổng thống Brazil từ năm 1956. Bức tường độc đáo bên ngoài trông như những lưỡi "cuốc", được phản chiếu dưới mặt hồ bao quanh. Đây là tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ Brazil Alfred Ceschiatti.


Ngôi nhà đơn giản nhưng có nhiều phòng riêng tư, một phòng khách lớn, và bên dưới là cả một hội trường, phòng trò chơi, bếp và kho hàng. 

 
Hoàng cung Tokyo là cung điện nằm giữa thủ đô Nhật Bản, trong một công viên xanh tươi và được bao bọc bởi tường thành rất kiên cố. Đây là nơi ở của Nhật hoàng Akihito và hoàng gia Nhật Bản.


Điện Kremlin tại Moscow, Nga, có nghĩa là "pháo đài bên trong thành phố", được xây trong khoảng thế kỷ 14 - 17. Đây là dinh thự chính thức của các tổng thống Nga.

Tòa nhà Nghị viện nằm bên trong Điện Kremlin là nơi làm việc của Tổng thống Vladimir Putin.


Dù không nắm quyền về chính trị, Nữ hoàng Elizabeth II của Anh sống trong cung điện Buckingham ở London. Đây cũng là nơi ở của Hoàng gia Anh từ năm 1837.

Cung điện có 775 phòng, bao gồm 52 phòng ngủ hoàng gia, 188 phòng ngủ nhân viên, 92 văn phòng và 78 phòng tắm.


Thủ tướng Anh sống và làm việc tại ngôi nhà số 10 phố Downing, London. Hiện Thủ tướng Theresa May sống tại đây cùng chồng là Philip.


Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đang sống tại Ak Saray (cũng có thể gọi là Cung điện Trắng của nước này) ở thủ đô Ankara. Cung điện này có trị giá 615 triệu USD, có hơn 1.100 phòng nên rộng hơn Nhà Trắng và Cung điện Versailles.


Cung điện Bellevue, một công trình đậm nét tân cổ điển nằm giữa thủ đô Berlin, là nơi ở và làm việc chính thức của tổng thống Đức từ năm 1994. Frank-Walter Steinmeier là tổng thống đang sống tại đây, nhưng công trình được xây từ 1785 dành cho em trai của Frederick Đại Đế. Về sau cung điện thành trường học dưới thời hoàng đế Đức, Kaiser Wilhelm II. Đến thời phát xít Đức, nơi này trở thành một bảo tàng.


Cung điện Quirinal ở Rome, Italy, là một trong 3 nơi ở của các tổng thống Italy. Công trình này rộng gấp 20 lần Nhà Trắng và từng là nơi ở cho 30 Giáo hoàng, 4 đời vua và 12 tổng thống Italy.

Hiện đây là nơi ở của Tổng thống Sergio Mattarella, với 1.200 phòng. Cung điện xây từ thế kỷ 16 mở cửa tự do cho khách tham quan các phòng triển lãm.

Mười Lăm Năm Ở Mỹ





Tui là người Huế, sinh ra và lớn lên ở Huế mãi đến năm 39 tuổi mới qua Mỹ sống. Ai cũng quở sao tui nói tiếng Huế nặng quá, khó nghe.

Còn chuyện ăn uống thì thôi khỏi bàn, rặt một mùi Huế!

Lúc mới qua Mỹ, đi học làm Nails, lớp tui có khoảng 20 người, toàn là người Việt. Ngoại trừ tui ra thì còn có chị Lan người Quảng Trị, còn lại một nửa nói tiếng Nam, nửa kia nói tiếng Bắc.

Sau gần 4 tháng học chung với nhau, ngày 8 tiếng, chúng tôi thân nhau hơn.

Ngày lễ Giáng Sinh, lớp tổ chức Potluck, mỗi người đem một món ăn tới chung vui, và bốc thăm quà trúng thưởng.

Cô Hoa một phụ nữ miền Nam, qua Mỹ từ 1980, còn độc thân, sau khi học làm Nails, thì người ta thuê cô ở lại làm trợ giáo, mới nói với tui vầy:

“Cô Minh nè, nói thiệt cô đừng giận, chớ mà học nghe tiếng Mỹ còn dễ hơn học nghe tiếng Huế của cô nữa đó! Từ hồi cô vào lớp, mỗi lần nghe cô và chị Lan nói chuyện, tôi chẳng hiểu gì hết, nhưng lại thích lắng nghe vì như tiếng ai hát vậy đó!”

Một hôm, tui đi Houston thăm người bạn cũ, thì cũng tình cờ gặp lại người quen hồi xưa ở Huế, xí xọn một hồi, cô ấy bảo,

“Sao giọng chị Minh nặng vậy?”

Tui cười:

“Huế mà!”

- “Thì tui cũng Huế, mà sao giọng không nặng như giọng của chị, nghe quê lắm!”

Cô ấy chê tui rất "chân tình!"

Tui:

“Chắc vì Huế lai thêm Quảng Trị đó.”

Một lát sau, cô ấy rủ tới tiệm chơi, đúng lúc có người khách phàn nàn vì cô thợ làm lông mày xấu quá, vậy là cô ấy phải ra giải thích:

“Bì cợt, giò ai bờ rao, đù nọt gờ râu giờ xêm gây, nót hơ phôn, ai kan nót hép zù.” (Because your eyebrows do not grow the same way, not her fault, I cannot help you!)

Trời ơi, nghe cổ chê mình nói giọng Huế nặng, tưởng đâu giọng cổ hay, ai dè nghe mà nổi da gà, vận động cả hai tai, hai mắt, thêm hai tay nữa mới nghe ra được câu tiếng Anh đơn giản rứa đó chơ!

Tui đem chuyện kể cho ông dôn nghe, rồi hỏi:

“Rứa ông có hiểu tui nói không?”

“Hiểu, tui hiểu bà!” Ông dôn trả lời và nháy mắt cười. Ông ta là người Mỹ. Ở đâu ra ông dôn người Mỹ này, chuyện sẽ kể sau. Nhưng vậy là tốt rồi; phải không? Người ngoại quốc mà còn hiểu được tiếng Huế của tui, thì ai là người Việt mà nói không nghe ra tiếng Huế; thì đâu phải lỗi tại tui nà?

Ôi! Chuyện "Người nước Huệ" của tui thì nói cả ngày cũng không hết mô nợ!

Làm nghề này tui có nhiều chuyện kể cho mọi người nghe mà thương cảm.

Leslie và Giáng Sinh
Bước chân tới đất Mỹ được một tháng thì tui đi học Nails. Sau gần 4 tháng "dùi mài kinh sử," tui đi thi. Tâm lý cũng căng thẳng không khác chi hồi nhỏ đi thi lên lớp 6 rứa.

Nhờ Trời Phật thương giúp nên tui đậu, mừng quá. Cầm tấm bằng trong tay, tui bắt đầu đi làm kiếm tiền, do mới vào nghề, nên tui chủ yếu làm tay chân nước cho khách thôi, không được làm móng bột.

Nhưng rồi, có một ngày Trời xui đất khiến, đưa đẩy Leslie tới tiệm; bà chủ tui đang bận khách, mấy chị thợ kia cũng bận khách luôn.

Không muốn khách bỏ đi, nên bà chủ cho tui làm….đại.

Đó là lần đầu tiên tui làm nails cho Leslie.

Bà ít nói. Bà ngồi coi tui làm, nhưng không soi mói để khiến tui khó chịu, cũng không khắt khe bắt bẻ "vạch lá tìm sâu" để làm tui căng thẳng. Vì là lần đầu tiên làm bột cho khách, nên tui hơi run, tui "cắm đầu cắm cổ" làm cho xong, tính tiền, tui không dám ngẩng mặt lên nhìn, vì sợ lỡ bà hỏi cái chi thì chẳng biết sao để trả lời.

Hú hồn hú vía, bà không phàn nàn chi, còn cho thêm tiền tips nữa.

Ba tuần sau, chuông điện thoại reo, bà chủ trả lời, rồi quay sang tôi với nụ cười châm chọc:

"Minnie à, có khách yêu cầu cô đó nghe, hẹn ngày mai lúc 5 giờ chiều."

Ô la la…tui có khách yêu cầu? không biết bà khách đó có …bị chạm cái dây "thần kinh" mô, mà bao nhiêu thợ giỏi, tay nghề cả chục năm trong tiệm lại không yêu cầu? Tui cố nhớ nhưng không tài nào hình dung được người đó là ai.

Người khách yêu cầu là Leslie. Sau đó đều đặn 3 tuần bà tới một lần; đến giờ gần 13 năm; chưa một lần tui nghe bà phàn nàn, hay chê trách. Như lỡ có hẹn với bà, nhưng bị chậm, bà chỉ yên lặng ngồi chờ, hay khi khách quá bận, phải làm gấp, không nói chuyện nhiều, (vì bây giờ tui "giỏi" English rồi, thì có khi tui nói còn nhiều hơn bà nữa đó) bà còn hỏi:

"Nếu cô bận thì ta có thể trở lại ngày khác?"

Tui thay đổi chỗ làm vài ba lần, bà cũng theo tui.

Giáng sinh năm nào bà Leslie cũng cho tui quà. Năm thì cho cái ví cầm tay, năm thì cho chai nước hoa, đôi bông tai, sợi dây chuyền... Có lần tui nói với bà:

"Tui không hề tặng bà cái chi cả, tui áy náy lắm," thì bà bảo:

"Đừng bận tâm."

Giáng sinh năm ngoái, tui quyết định mua tặng bà một món quà. Đi làm một tuần 6 ngày, được ngày Chủ nhật nghỉ thì phải đi chợ nấu ăn; dọn dẹp nhà cửa, nên tui không có thì giờ đi mua sắm. Nghĩ lui nghĩ tới, cuối cùng tui vô Ebay để tìm mua quà cho Leslie.

Sau một ngày tìm tòi, tui chọn cho bà cái ví cầm tay. Một tuần sau, tui nhận được cái ví. Nó màu đen, có đính cườm, không có dây đeo.

Gói ghém cẩn thận, tui dán thêm cái nơ màu tím (Vì bà thích màu tím.) Tui đem hộp quà tới tiệm, cả tuần trước Giáng Sinh, lỡ khi nào bà tới thì trao. Tui cũng viết cái thiệp mừng; dĩ nhiên là tui viết English, (Tui ước chi bà đọc được tiếng Việt thì dễ cho tui biết chừng nào!) Vốn liếng tiếng Mỹ của tui, để nói chuyện vui hằng ngày thì "đủ xài", nhưng viết một lá thư thì… "phải coi lại". Thiệt tình, tui có thể nhờ ông chồng viết cái thư nhưng tui nghĩ không cần thiết. Tui muốn nó giản dị, chân thành như tấm lòng tui dành cho bà là được rồi.

Và tui đợi..

Thông thường thì bà đến từ 20 đến 22; nhưng hôm nay 23 cũng chưa thấy bà gọi lấy hẹn, chắc bà bận. Ngày mai 24 là Christmas Eve, tui chỉ làm việc nửa ngày thôi, còn phải về nhà lo cho bữa tiệc khuya để đón Giáng sinh.

Tui hầu như chắc chắn không bao giờ bà đến ngày 24. Kỳ cục thiệt, đúng cái năm mình muốn tặng quà cho bà thì bà lại không tới?

Hay là mình gọi cho bà? Gọi ở phone nhà. Không ai trả lời.

"Gọi ở cell phone thử coi," ông chồng tui góp ý.

Cũng không ai trả lời…

Rồi tui bận rộn với gia đình trong mấy ngày lễ, quà cáp, ăn uống, dọn dẹp.

Trở lại làm việc tui hy vọng sẽ nhận được lời nhắn chúc mừng của Leslie, nhưng không có. Không có tin tức chi của Leslie cả. Gói quà nằm lẻ loi thiệt tội nghiệp.

Tui rất lo lắng, không biết có chuyện chi xảy ra với bà không.

Mấy ngày sau người đưa thư muốn tui ký nhận một gói quà. Người gởi: Leslie, ở Florida.

Thấy chưa, tui nói không sai, chắc chắn tui sẽ nhận được quà Giáng sinh của Leslie mà.

Trong thư bà nói bà qua Florida vì mẹ của bà bệnh; và có thể bà phải ở lại đó một thời gian dài. Tui buồn vì …mất một người khách tốt, nhưng ít ra thì tui cũng có cái địa chỉ để gởi bà món quà. Và tui hình dung ra Leslie ở nơi xa xôi, đang mở thư của tui ra đọc.

"Bà Leslie kính mến,

Tui biết bà có nhiều ví đẹp, nhưng tui vẫn muốn tặng bà cái ví nhỏ ni, như một lời cám ơn vì những gì bà đã dành cho tui trong suốt mười mấy năm qua.

Bà là người đã dạy cho tui biết ý nghĩa của Giáng sinh: Là Caring- quan tâm, Giving- cho đi, Sharing- xẻ chia.

Có thể văn phạm, từ vựng của tui không hoàn hảo, nhưng tình cảm tui dành cho bà thì không có gì có thể so sánh được, và bà biết điều đó rõ hơn ai hết.

Merry Christmas bà nhé.

Love

Minnie,"


Từ đó đến nay, tui không gặp bà lại. Sau lễ Thanksgiving, tui đi mua cái thiệp và gởi cho bà Leslie theo cái địa chỉ năm ngoái, nhưng thư bị trả lại.

Giáng sinh lại về, như những đứa trẻ đợi chờ Santa claus, (ông già Noel), tui hồi hộp mong ngóng ông đưa thư …mỗi ngày.

*Những ngày mới vào nghề

Chân ướt chân ráo tới Mỹ, bao nhiêu tiền bạc mang theo từ Việt Nam phải trả cho chi phí ăn ở, từ Huế đi vô đi ra Sài gòn mấy lượt, tiền giấy tờ, tiền Visa; tiền vé máy bay của ba mẹ con.

Đặt chân tới Austin đúng 10 ngày tui đi thi lấy giấy phép lái xe. Bước đầu thi lý thuyết, bằng tiếng Anh, dùng Computer. Trời thương, tui đậu.

Cái bà người Mễ cười toe toét chúc mừng “Congratulations! You've passed!”

Vậy mà phải tới lần thứ 3 thi thực hành mới đậu, dù ở VN tôi đã lái xe Taxi nhiều năm.

Mất một tuần lễ nữa để người ta gởi bằng lái về. Đúng một tháng từ ngày tui tới Mỹ.

Bắt đầu đi học lấy bằng làm Nails. Chưa có xe, nhờ ai cũng khó.

Vốn liếng vỏn vẹn chỉ đủ trả tiền lớp học làm Nails 1800 đồng; do người dẫn đi ghi tên tìm trường vừa xa vừa “bad credit” nên không được nhà nước cho vay tiền học.

Mượn tiền mua lại chiếc xe cũ 3500 đồng, chưa đầy 2 tháng sau bị đòi “ngặt nghẽo” chỉ vì lý do có …Trời mới hiểu được!

Nước mắt rơi suốt 3 ngày, khiến mình tự hỏi:

“Có nên ở lại đây không? Nơi con người sống không chút tình cảm?” và rồi tự trả lời, “Phải ở lại thôi, vì đó là lý do duy nhất được gần cả 2 đứa con!”

Lại mượn tiền của 2 người sau để trả lại cho người trước.

Nhận cái bằng làm Nails được gởi về theo đường bưu điện buổi trưa thì buổi chiều “được yêu cầu” sáng hôm sau phải dọn ra khỏi nhà, cho chắc ăn không có lý do để “năn nỉ ỉ ôi”, họ tìm dùm cho chỗ ở mới luôn!

Lúc đó, chỉ còn 2 tháng là hai đứa nhỏ kết thúc năm học, nên cô giáo khuyên không nên đổi trường. Nhà thuê mới khác khu vực, nên ngày hai buổi phải lái xe đưa đón hai đứa nhỏ, chẳng có ai để nhờ, nên đành đi làm “bữa đực bữa cái,” mà ở cái xứ ni, ít làm thì ít tiền!

Nghĩ quẩn:

“Hay là mình dọn về Cali ở gần người quen, vì nếu có người đưa đón, chăm giữ 4 đứa trẻ rồi thì có thêm 2 đứa con của mình (bây giờ đã 11 và 9 tuổi) chắc cũng không có gì khó?”

Ngờ đâu, “năm vận tháng hạn”, không ai giúp. “Nhận được cái email trả lời mà vẫn không tin vào mắt mình nữa:

“Không thể giúp được!”

Vậy thì quyết tâm ở lại Texas, chẳng lẽ “Trời Phật không thương cho mình một đường sống?”

Rồi có một bà khách bị trễ hẹn, ngồi chờ; buồn buồn đồng ý để mình sơn nước chân, rồi tâm sự, rồi bả trở thành “Bà mai” bất đắc dĩ!

Gặp mặt tui chưa đầy 3 giờ đồng hồ, Ổng đòi cưới làm vợ.

Tui “Ừ" cho con mình có người để gọi bằng Cha, có người yêu thương; lo lắng, không thôi thiên hạ hay nói cay chua “Con không Cha như nhà không nóc!”

Tui “Ừ" cũng để mình có người Chồng mà nương nhờ lúc trái gió trở trời.

Tui “Ừ" để ba mẹ con có một mái nhà, một gia đình, và …ngước mặt nhìn đời.

Hỏi rằng lúc “Ừ" đó tui có “yêu” ổng không thì nói thật là “Không!" Nhưng ổng bảo:

“Không quan trọng, tui yêu bà là được rồi!"

Cái ni có người Mỹ gọi là “Tough Love!"

Lấy nhau được mấy năm, thì bán cái nhà ở dưới miền Nam của thành phố, để dọn lên miền Bắc, cho gần chỗ làm. Nói là bán nhà cho oai, chứ ông chồng người Mỹ, sau khi ly dị với bà vợ trước thì được lấy cái nhà, nhưng đã trả nợ ngân hàng thì được mấy sản mô!

Sau khi trừ các khoản nợ nần, còn chưa đủ mười phần trăm để đặt mua cái nhà mới. Thiếu 200 đồng! Hỏi mượn bà chủ, bà nói “Không có. Đi mượn người khác ở Georgetown!” Xa quá, thôi lấy đại tiền mặt ở thẻ, tiền lời mấy cũng ráng.

Ở ngôi nhà mới hơn 10 năm rồi đó.
Mua cái xe “chưa bóc tem” cũng được 10 năm.
Mua cái tiệm ni gần 10 năm.
Giàu có thì chưa, nhưng ổn định.

Mười lăm năm trôi qua, ba mẹ con giờ đã có một mái ấm gia đình. Vợ có được chồng, con có được Cha. Hai đứa con gái 8 và 10 tuổi giờ đã tốt nghiệp Đại học, ở riêng, không làm phiền cha mẹ nữa, coi như tui đã “thoả lòng mong ước!”

Ba năm nữa ông chồng sẽ nghỉ hưu, tui trẻ hơn ổng 9 tuổi, nhưng có ai cấm nghỉ hưu “trẻ” đâu! Chắc tui cũng nghỉ hưu với ổng cho có bạn!

Nhà trả xong xuôi.

Xe “ngon” mỗi người một chiếc.

Chỉ lo tiền điện nước; người ta khi “về hưu" chắc là cũng ăn uống ít lại?

Hai vợ chồng “một già; một sắp già” sống bằng tiền hưu cũng không đến nỗi nào.

Vậy đó, mười lăm năm rồi, bâng khuâng ngồi buồn nhớ lại chuyện đời mình.

Mười lăm năm sau, sẽ viết tiếp, nhưng chắc chắn sẽ không phải “Tough Love” mà phải là “Soft Love” vì lúc đó “Heart” không còn “Young” như bây giờ đâu...

Minh Nguyệt Graves
Park Geun Hye, nữ tù nhân ở xà lim 503


Thụy My/RFI



Cựu tổng thống Park Geun Hye trong phiên tòa ở Seoul, 23/05/2017.REUTERS/Ahn Young-joon/Pool
 ’Express tuần này có bài viết « Park Geun Hye, nữ tù nhân ở xà lim 503 », nằm trong loạt bài về những phụ nữ nổi tiếng trên thế giới. Trước khi bị truất phế vào tháng 03/2017, cựu tổng thống Hàn Quốc lãnh đạo đất nước trong khi chịu sự chi phối của một nhân vật trong bóng tối, như người cha của bà thời trước.
Đặc phái viên của tuần báo tại Seoul mô tả trong phiên tòa, bà Park hết vẽ nguệch ngoạc rồi lại xóa, nghịch với những mẩu vụn của cục gôm. Buổi tối khi trở về xà lim số 503 của trại giam Uiwang ở ngoại ô Seoul, bà ngồi dựa lưng vào tường, thì thầm những từ vô nghĩa. Đôi khi bà yêu cầu quản giáo mang suất ăn đến, trong khi bà mới vừa ăn trưa xong.
Bị truất phế và lãnh án tù vì « tham nhũng, lạm dụng quyền lực và cưỡng đoạt », cựu tổng thống Hàn Quốc bị bệnh thật sự hay chỉ giả vờ để làm cho các quan tòa xúc động ? Từ nhiều tuần qua, các nhà tâm lý học và thẩm phán vẫn chưa tìm được câu trả lời.
Cô gái mồ côi quyền quý nhưng cô độc
« Tôi luôn biết rằng tôi sẽ có một cuộc sống khó khăn » - bà Park đã viết trong nhật ký hồi năm 1990 - nhưng chắc chắn bà không bao giờ tưởng tượng ra một sự xuống dốc thô bạo như vậy. Park Geun Hye (Phác Cận Huệ) sinh ngày 02/02/1952 tại Samdeok Dong ở miền trung. Bà mới lên chín tuổi lúc người cha Park Chung Hee (Phác Chính Hy) lên nắm quyền sau vụ đảo chính.
Trong 17 năm trời, vị tướng này lãnh đạo đất nước bằng bàn tay sắt, buộc người dân phải hy sinh rất nhiều. Không có ngày nghỉ cuối tuần, các nghiệp đoàn bị cấm hoạt động. Nỗ lực này đã được đền bù: Hàn Quốc trở thành một con rồng nhỏ của châu Á. Trong vòng 10 năm, tổng sản phẩm nội địa tăng vọt, các chaebol (đại tập đoàn) như Samsung, Huyndai… chinh phục thị trường các nước. Tạo ra được « phép lạ Hàn Quốc », nhưng ông Park Chung Hee cũng có lắm kẻ thù. Nhà độc tài này không ngần ngại tra tấn, thậm chí sát hại các đối thủ.
Năm 1974, ông thoát chết trong một vụ ám sát nhưng vợ ông, Yuk Young Su, bị tử thương. Năm đó, Park Geun Hye 22 tuổi, cô sang Pháp học ở Grenoble, rồi về nước theo yêu cầu của cha để đóng thay vai trò đệ nhất phu nhân của người mẹ quá cố. Nhà Xanh, tức Phủ tổng thống Hàn Quốc, như một chiếc lồng sơn son thếp vàng. Park Geun Hye sống khép kín, không bạn bè, người yêu, không tâm sự với ai cả. Chỉ có một người xuyên qua được chiếc vỏ bọc của Geun Hye, đó là Choi Tae Min. Ngay lần đầu tiên gặp mặt, ông này đã khẳng định : « Tôi có thể liên lạc được với mẹ cô ở thế giới bên kia ».
Phải chăng sự cô độc khiến Geun Hye trở nên dễ tổn thương ? Ông Choi Tae Min từng đi tu nhưng sau lấy đến sáu đời vợ, lập ra một giáo phái trộn lẫn giữa Phật giáo và đạo Saman, được Park Geun Hye tin tưởng tuyệt đối. Ông ta cũng chiếm được lòng tin của tổng thống. Ngày 26/10/1979, ông Park Chung Hee bị giám đốc tình báo bắn chết, hung thủ biện minh là muốn làm ông Choi không còn có thể lũng đoạn.
Sau khi cha mất, cô gái mồ côi quyền quý Park Geun Hye vẫn rất thân thiết với Choi Tae Min. Ông này « kiểm soát cả hồn lẫn xác bà Park », theo nhận xét của đại sứ Mỹ tại Seoul, trong một bức điện mật bị WikiLeaks tiết lộ. Park Geun Hye cũng gắn bó với Choi Soon Sil, con gái ông ta, và mối quan hệ này ngày càng chặt chẽ. « Trong những giây phút khó khăn, bà Choi đều bên cạnh tôi », bà Park giải thích.
Số phận oan nghiệt của con gái nhà cựu độc tài
Năm 1998, Park Geun Hye được bầu làm dân biểu, và leo dần lên những bậc thang của đảng bảo thủ. Bà được mệnh danh là « Nữ hoàng phòng phiếu » vì chưa bao giờ thất bại trong một cuộc bầu cử nào. Đến năm 2012, bà chiến thắng trong kỳ bầu cử sơ bộ và trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng. Công bằng xã hội, ưu tiên cho sáng tạo… những ý tưởng của bà được ủng hộ và đến ngày 25/02/2013, Park Geun Hye trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.
Choi Soon-sil








 Người vui mừng nhất lại chính là người phụ nữ trong bóng tối, bà Choi Soon Sil. Từ lâu bà Choi đã lợi dụng tên tuổi của bà Park để làm giàu, gợi ý lãnh đạo các chaebol đóng góp tiền bạc cho các tổ chức của bà ta, tổng cộng gần 65 triệu euro, đổi lấy sự dễ dãi của chính quyền trong việc sáp nhập chẳng hạn.
Khi xì-căng-đan « Choigate » bùng nổ, người dân Hàn Quốc sững sờ nhận ra họ đã bầu lên một con rối, và bà hoàng thực sự chính là Choi Soon Sil. Bà ta duyệt các bài diễn văn của bà Park, bổ nhiệm các quan chức, thông qua những quyết định chiến lược, thậm chí cả việc mật đàm với Bình Nhưỡng. Làm thế nào Park Geun Hye lại để bị thống trị như thế ? Là người cô độc, bà hiếm khi ra khỏi Phủ tổng thống, liên lạc với các bộ trưởng qua thư từ, ăn tối một mình.
Bị truất phế ngày 10/3/2017 và bị tống giam ba tuần sau đó, Park Geun Hye đã lên tiếng xin thứ lỗi, nhưng bác bỏ tất cả các cáo buộc. Một nhà ngoại giao phương Tây phân tích : « Trong vụ án này có một phần chìm của tảng băng: thông qua đó, nhiều người Hàn Quốc muốn trả thù ông Park Chung Hee. Họ không coi người đứng trước vành móng ngựa là cựu tổng thống, mà là con gái của nhà độc tài, và không hề nhẹ tay với bà Park ».
--------
Trại tù ‘cải tạo’ Ái Tử-Bình Ðiền, Nỗi đau vẫn còn đây!

Phạm Văn Tiền (Cựu TNCT trại Ái Tử, Bình Ðiền)


alt

LTG: Viết cho ngày họp mặt của các bạn tù “trại cải tạo” Ái Tử-Bình Ðiền. Xin thắp nén hương lòng dành cho các bạn tù đã khuất, những người đã anh dũng đấu tranh đòi hỏi công lý cho người tù chiến sĩ VNCH. Các anh đã chết thật vinh quang, thật hào hùng, thật bất khuất dầu trước bạo lực cường quyền. Chúng tôi, những bạn tù còn sống hôm nay luôn mãi mãi nhớ đến các anh.
Tôi không phải nhà văn, tôi chỉ là một người lính tác chiến bình thường, đơn vị bị thượng cấp bỏ rơi và còn kẹt lai vào những ngày tháng cuối cùng của tháng 3 năm 1975 buồn thảm tại cửa biển Thuận An, mặt trận phía Bắc tận cùng đất nước. Tôi cũng như bao đồng đội khác đã sớm trở thành những người tù khổ sai trong cái địa ngục đỏ trần gian dưới mỹ từ “tập trung cải tạo” khi toàn thể miền Nam chưa trọn vẹn nằm trong tay giặc.
Họ, những người Cộng Sản Việt Nam, nhân danh “chánh nghĩa” bằng một thứ bạo quyền, độc tôn lòng yêu nước đã dồn bọn tôi tới bước đường cùng của cuộc đời “khố rách áo ôm.” Tôi thích viết, viết cho tôi và những người bạn đồng hành, về những điều thật sự cay đắng oan nghiệt tưởng như không hề có ở xã hội loài người. Thế mà nó đã xảy ra, xảy ra một cách chua xót, đau lòng ngay trên đất nước của mình.
Tôi muốn làm tròn bổn phận của một chiến hữu may mắn sống còn hôm nay, đối với các bạn tù của tôi đã sớm ngã gục dọc đường, của An, Kế, Giỏ, Cát, Sơn, Nhơn, Báo, Lực, Giang, Sang, Minh, Hồ Lộc,… và còn, còn nhiều nữa. Các bạn đã sống thật hiên ngang và chết vô cùng bất khuất, đã ngẩng cao đầu lên để thách thức trước họng súng bạo quyền dù không còn một mảnh sắt trong tay; các bạn là thứ ngọc quý vô giá được cô đọng lại bởi một quân lực mà chúng ta đã hết lòng phục vụ: Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Trước sức tấn công ào ạt mà người Cộng Sản gọi là Mùa Xuân Ðại Thắng 1975, toàn thể lực lượng quân sự Việt Nam Cộng Hòa đã có lệnh co cụm lại và bỏ ngõ ở các điểm chiến lược quan trọng từ tỉnh lỵ Phước Long đến sự lui binh của Quân Ðoàn 2 về thị xã Nha Trang và cuối cùng là Quân Ðoàn 1, nhất là mặt trận phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Là những chiến sĩ QLVNCH chúng tôi chỉ biết tuân lệnh, mặc dầu khả năng và tiềm lực chiến đấu của người lính chúng tôi vẫn còn có thể gìn giữ phần đất nầy. Rõ ràng, chúng tôi đã bị thượng cấp buộc phải thua đau, trong niềm tức tưởi nghẹn ngào cùng với cái đau chung của toàn thể dân tộc.
Hơn 3 ngàn người lính QLVNCH gồm toàn đủ mọi binh chủng đã sớm bắt đầu cuộc đời tù tội của mình vào những ngày cuối Tháng Ba Gãy Súng đau thương đó. Chúng tôi đã được chuyển qua nhiều trại tù khác nhau, từ nơi tạm giam tại căn cứ La Sơn, chúng đã đưa các thành phần hạ sĩ quan, binh sĩ về vùng sương lam chướng khí Nam Ðông, Khe Tre. Thành phần sĩ quan còn lại, chúng lùa anh em chúng tôi vào tận miền đất Hạ Lào rừng rú xa xôi có tên là Buôn Hồ, nơi giam giữ những tù binh mà chúng đã bắt được trong các cuộc giao tranh Mùa Hè đỏ lửa 1972 hay mặt trận Cửa Việt 1973. Chúng tôi đã bắt gặp vô số nghĩa địa nơi chúng đã vùi thây biết bao nhiêu tù binh, chiến sĩ QLVNCH, không mộ bia tên tuổi.
Cuối cùng anh em chúng tôi đã được một dịp may hiếm có, thay vì tiếp tục giam giữ nơi đây hoặc bị đày ra Bắc, bọn chúng đã mang chúng tôi lại vùng đất Cồn Tiên nơi có những căn cứ vững chắc của các tiền đồn QLVNCH của chúng ta trước đây, vào những ngày giữa tháng 6, 1975 khi chúng hoàn toàn cưỡng chiếm miền Nam.
Ở đây chưa đầy một năm, anh em chúng tôi lại có lệnh đi bộ về xây dựng trại Ái Tử nằm về phía Tây của quốc lộ 1 hơn 20km đến khu vực Trà Liên, nơi có căn cứ Phượng Hoàng cũ của QLVNCH, chiến tích một thời lẫy lừng của Tiểu Ðoàn 6 TQLC lần đầu tiên sử dụng hỏa tiễn M-72 để diệt chiến xa địch vào tháng 4, 1972. Ðoàn 76 do quân đội quản lý được thành lập qua công trình xây dựng của người tù chúng tôi, được chia thành 5 phân trại để giam giữ tùy theo cấp bậc lớn nhỏ. Ðây là giai đoạn đầu đầy sóng gió nhất, đã có nhiều toán tổ chức vượt trại sang tận miền biên giới Lào, và bị bắt về giam dưới các hố sâu Conex như các anh Trần Văn Loan, Châu Ðức Thảo, Mai Ðức Hòa thuộc Phân Trại 1.
Ðã có những tấm gương can trường bất khuất như Nguyễn Tiến Mỹ, Ðỗ Bá Niềm (trại 3), Nguyễn Tấn Ngọc (trại 2), Nguyễn Ngọc Thức (trại 1) thà chịu nhịn đói chứ không chấp nhận bị cưỡng bức lao động, để phản đối bọn Cộng Sản không thi hành đúng theo luật tù binh quốc tế của Hiệp Ðịnh Paris về hòa bình và chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ðã có những cái chết vô cùng bí hiểm của các anh Nguyễn Ngọc An, Bửu Kế (trại 1), vô cùng can đảm như Hồ Lộc (trại 3), Bí Thư Chi Bộ Ðảng Ðại Việt sau nhiều ngày bị thẩm vấn hỏi cung, biết không thể nào tránh khỏi sự trả thù đê tiện nên đã treo cổ tự sát trong conex biệt giam để bảo toàn tiết tháo của người chiến sĩ cách mạng. Nhưng vượt lên trên tất cả sự tàn nhẫn vô nhân đạo nhất, là việc chúng ra lệnh dẫn độ hai anh Sang và Minh vào rừng thủ tiêu vào một buổi sáng lao động tại đập Trấm, Quảng Trị, chỉ vì những tư thù cá nhân đối với tên thượng úy trưởng trại. Xác hai anh đã được dân vùng kinh tế mới tìm gặp, và chính họ đã chôn cất bên cạnh một ven rừng.
Sau hơn 3 năm tập trung “cải tạo học tập” theo đường lối chính sách của đảng và nhà nước là tất cả chúng tôi sẽ được tha về, nhưng nhà cầm quyền CS Hà Nội lật lọng đã bội ước bằng chính văn bản mà chính họ đã ký ra. Cuối tháng 12 năm 1978, Ðoàn 76 thuộc trại Ái Tử do quân đội quản lý đã giải tán, sau khi hơn 4 tháng trời anh em tù chúng tôi bị đày ải ra vùng Ðô Lương, tỉnh Thanh Hóa để thi công lòng Hồ Sông Mực. Hơn 3 ngàn tù binh chúng tôi một lần nữa đã bị lùa lên nhiều chiếc xe Molotova bịt bùng có công an và vũ khí yểm trợ xuôi Nam về Huế, để cuối cùng áp tải đến trại tù cải tạo “Bình Ðiền” giao lại cho công an áo vàng quản lý.
Bình Ðiền là một địa danh rất quen thuộc của người lính Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, nơi giao tranh giữa ta và địch vào những tháng ngày giành giật nhau từng tấc đất của mùa Hè đỏ lửa 1972,” nơi có cứ địa Bagstone lẫy lừng với nhiều chiến tích hào hùng của người chiến sĩ VNCH.
Tổng trại tù Bình Ðiền cũng được chia ra thành 5 phân trại và mỗi nơi như vậy được chúng giam giữ bằng nhiều loại tù khác nhau, dựa theo cấp bậc và mức độ tội ác mà chúng gọi là “thành phần ác ôn, có nợ máu nhiều ít với nhân dân.”
Phân trại 1 được coi là trại nghiêm ngặt nhất nằm sát cạnh bộ chỉ huy tổng trại, gồm toàn các nhà gạch được xây cất theo hình thức trại biệt giam cùng vài chục hầm Conex chôn sâu dưới lòng đất, bao quanh bởi nhiều tầng kẽm gai dầy đặc. Tù ở đây được coi là thành phần nguy hiểm nhất, bị cấm lao động bên ngoài vì không biết họ vượt trại bất cứ lúc nào. Ða số thuộc thành phần bất hảo can nhiều tội hình sự của một xã hội đầy nhiễu nhương lúc giao thời, cướp của giết người, hiếp dâm, tổ chức vượt biên vượt biển.
Số còn lại là những tổ chức mà chúng gọi là phản động mới, âm mưu lật đổ chính quyền, hay các thành phần chúng cho là nguy hiểm không chịu cải tạo từ các trại tù khác. Ða số tù ở trại này có án rõ ràng. Hạ Sĩ Nguyễn Văn Mộng, binh chủng Thiết Giáp bị án chung thân vì âm mưu lật đổ chính quyền, Trung Sĩ Nguyễn Văn Nhờ, cảnh sát, bị án 20 năm vì tội tuyên truyền chống phá cách mạng. Sinh viên Luật khoa Trịnh Bích bị án chung thân khổ sai vì cùng người yêu cướp súng vượt biển… Còn, còn rất nhiều những người khác cũng bị chúng kết tội theo một thứ luật rừng theo kiểu Tòa án Nhân dân.
Về sau này có lẽ để dễ bề quản lý hơn, trại nữ “Phục hồi nhân phẩm Tây Lộc Huế” cũng được lệnh sát nhập vào phân trại I. Họ là những cô gái làng chơi còn rất trẻ, can phạm đủ thứ tội. Ða số bị án tập trung cải tạo, một số ít khác nặng hơn vì có tội ác rõ ràng, cô giáo viên cấp I Vân Ánh trẻ đẹp kia bị án tù chung thân vì bóp cổ bà nội mình để cướp 2 chỉ vàng, chị Thu Vân 20 năm tù vì tội mua chuộc cán bộ tổ chức vượt biển đại quy mô.
Việc chuyển trại này đã khởi đầu cho nhiều chuyện tình mây mưa ướt át, không biết phải tốn biết bao nhiêu tờ kiểm điểm và hàng vài chục người phải vào ngồi trong các hầm conex biệt giam. Các sự việc này đa số xảy ra ở các tội phạm hình sự. Có những tình yêu ở mức độ chỉ gỡ gạc nhau bằng lon đậu, bánh đường, điếu thuốc gói mè, nhưng cũng có thứ cao cấp hơn thề sống chết với nhau bằng một cuộc vượt ngục, nguy hiểm hơn đã có người tự tử như cô Hương ở đội “chổi đót.” Thì ra cuộc đời càng khốn khổ tuyệt vọng bao nhiêu thì tình yêu càng mặn nồng bấy nhiêu. Vì con tim cũng có lý lẽ riêng của nó.
Nói tóm lại, đây là trại tù “hầm bà lằng” đủ loại, ngay cả tù chính trị, bọn tôi những người cứng đầu, thách thức, chống đối, vượt ngục hoặc nằm trong các tổ chức chính trị, đảng phái cương quyết không chấp hành nội quy trại cũng đều bị đem về nơi nầy để chúng canh giữ nghiêm nhặt hơn. Ða số đều bị cùm trong các hầm conex biệt giam, cắt bớt khẩu phần lương thực và cấm không cho gia đình thăm viếng.
Phân trại 2 cũng là trại gốc từ Ái Tử chuyển qua, thuộc về nơi giam giữ các thành phần mà chúng coi là cực kỳ nguy hiểm như cảnh sát, an ninh tình báo và hầu hết những người có chức vụ quan trong tham gia chính phủ miền Nam. Các đảng phái mà chúng gọi là phản động như Ðại Việt, Quốc Dân Ðảng. Kể các các vị dân biểu, nghị viên, xã trưởng, chiêu hồi, giáo sư. Người tù ở đây vẫn bị canh giữ rất nghiêm nhặt.
Phân trại 3 và 5 toàn sĩ quan rất trẻ từ cấp chuẩn úy đến trung úy, thêm một ít Nghĩa Quân. Họ sống rất ngang tàng vì chẳng có một quá khứ tội lỗi nào để họ phải sợ.
Còn phân trại 4 thì lại khác, đa số gốc từ trại 1 Ái Tử về, cấp bực từ đại úy đến trung tá, cũng có một số rất ít cấp bậc nhỏ hơn bị nhét tạm vào đây vì không còn chỗ chứa ở các trại khác.
Tất cả trên dưới 400 người được chia thành 11 đội, mỗi đội ở một lán (lán là căn nhà tranh vách đất). Công việc hàng ngày là phát rừng, phá rẫy, cấy lúa, trồng khoai để tự túc lương thực theo kế hoạch nhà nước.
Từ hơn 3 năm, chưa bao giờ người tù chúng tôi bị đói thê thảm và tinh thần xuống dốc như lúc nầy, cái đói xanh rờn cả mặt, héo cả tim gan, bủn rủn tay chân, thể xác rã rời. Hồi còn ở trại cũ do quân đội quản lý có bề lỏng lẻo hơn, cũng bị đói nhưng được cái dễ bề cải thiện linh tinh khi lao động bên ngoài. Còn bây giờ là bọn công an áo vàng thứ thiệt, chúng kềm sát khám xét từng người mỗi lần xuất nhập trại. Xin cám ơn những “nạm” rau má, các đọt tàu bay và bao nhiêu thứ thiên nhiên ưu đãi khác, kể cả rắn rít, ễnh ương, cào cào châu chấu đã góp phần kéo dài thêm sự sống cho người tù. Cũng là Việt Cộng như nhau, cùng ác độc như nhau, nhưng mỗi nơi một khác. Chúng tôi như một chiếc bong bóng được thổi phồng lên rồi bị vỡ tung lên vì cơn gió xoáy, bất mãn chán chường. Biết bao nhiêu hy vọng ở mức án tù tập trung cải tạo 3 năm, giờ thì vỡ mộng vì sự tráo trở gạt lừa của bọn người gian ác.
Buổi sáng một lát bột mì luộc (bánh xe lãng tử), trưa vài củ khoai hay sắn thối, chiều một chén cơm độn. Thức ăn chỉ toàn là nước muối pha loãng, may mắn lắm thì được pha thêm muỗng ruốc rẻ tiền. Thế còn đỡ hơn so với các bạn tù còn đang bị cùm trong các nhà kỷ luật, những người đã vượt trại đến tận miền Savanakhet Lào bị bắt dẫn độ về cùng các thành phần hiên ngang không bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực, mà chúng thường gọi là bọn phản động, chống đối. Một bữa sắn, khoai cho mỗi ngày.
Còn gì để mà hy vọng vào sự bội tín của con người CS (đừng tin những gì CS nói mà hãy nhìn những gì CS làm), họ đã hứa đủ điều khi đẩy cả đoàn tù 76 ra tỉnh Thanh Hóa để làm công trình thủy lợi đại quy mô “Lòng Hồ Sông Mực.” Hàng chục hecta rừng được khai phá cho một công trình dẫn thủy nhập điền, nhiều người đã ngã quỵ vì sốt rét rừng, có người chết vì đói quá ăn nhầm nấm độc hay mật cóc như Ðại Úy Lực SÐ1BB.
Các anh giải phóng lòng Hồ Sông Mực thì chính lòng Hồ Sông Mực sẽ giải phóng các anh,” được phát ra từ chính mồm của tên trung tá chính ủy Ðoàn 76 lúc khởi công, và khi công tác hoàn thành vượt chỉ tiêu, lời hứa đó đã bị phản bội, họ nhẫn tâm lùa tất cả bọn tôi lên chuyến tàu chợ xe hỏa để về lại trại Ái Tử cùng toa với súc vật.
Chúng tôi đã bị mất tất cả, mất nhà mất cửa, ngay cả vợ lẫn con, thì còn gì đâu để mà sợ. Họ một lớp người nhân danh đạo đức để làm chuyện phi nhân, đã biến đất nước thành nhà tù và biển máu. Hàng triệu người đã bỏ nước ra đi, họ cai trị một đất nước không người, thế mà lại huênh hoang chiến thắng, họ đã đạp anh em chúng tôi xuống hố sâu và giờ đây là lúc phải cùng nhau đứng dậy.
Ðêm qua có nhiều tiếng súng nổ và toàn trại báo động vì Ðại Úy Mai Ðức Hòa đã lợi dụng lúc trực trại điểm danh, anh đã liều chết đánh tên cán bộ Thượng Sĩ Thụ thoát chạy ra ngoài đêm tối bao la. Chúng chẳng làm gì được anh vì đây là vùng đất mà đơn vị anh thường hành quân trú đóng, chỉ hơn 3 tháng sau có tin là anh đã đến Úc. Chuyện trốn trại là chuyện thường xảy ra như cơm bữa trong đời tù, luôn gây căng thẳng thần kinh cho người còn lại. Ðâu phải dễ gì mà trốn thoát vì khắp mọi nơi đều có công an, du kích. Rất nhiều người đã bị dẫn độ về sau nhiều ngày ẩn trốn đâu đó. Tất cả đều bị cùm, giam vào các nhà biệt giam conex trong suốt nhiều năm trời. Thế mà trốn vẫn hoàn trốn.
Họ điểm danh chúng tôi khi ăn, giờ nghỉ, ngay cả lúc đi vệ sinh phía bên ngoài trại, theo sát chúng tôi lúc lao động kềm kẹp tứ bề. Họ mắng nhiếc chúng tôi là đồ phản quốc, ăn bơ sữa đế quốc Mỹ giết hại nhân dân. Còn chúng tôi thì một lòng cương quyết chỉ lao động cầm chừng, chỉ tiêu chẳng có mà năng suất cũng không.
Ðã có những buổi phê bình kiểm thảo hàng tuần, nhưng rồi đâu cũng vào đó. Anh em chúng tôi cứ nhắm mắt mà nói như con vẹt để tạm được an thân. Nhưng rồi cuối cùng việc gì đến rồi cũng phải đến, người tù chúng tôi như chiếc lò xo bị ép hết cỡ đã tới lúc cùng nhau bật dậy để bảo vệ quyền sống cho mình. Chúng tôi đòi hỏi họ phải thi hành đúng theo hiệp định Paris, phải có tòa án xét xử công minh, phải cải tiến chế độ tù theo luật tù binh quốc tế. Ðại Úy BÐQ Nguyễn Thuận Cát, đội trưởng đội 6 sản xuất, phản đối tên quản giáo trong cuộc họp về việc dùng vũ lực đối với đội viên của anh. Trung Úy Giàu, đội trưởng đội 9, đòi hỏi phải thi hành đúng chính sách 10 điểm của chính quyền cách mạng là phải thả chúng tôi ngay tức khắc, vô điều kiện.
Cuộc đấu tranh mãi rồi ra chúng cũng nhượng bộ đôi chút, chế độ thăm gặp được mở lại mỗi hai tháng một lần, chỉ được thăm thân nhân 15 phút ngồi đối diện nhau trên một cái bàn dài, những ánh mắt nhìn nhau tức tưởi nghẹn ngào. Chúng tôi được nhận quà bằng những thức ăn không có tính cách dự trữ lâu dài, vì họ sợ bọn tôi trốn trại. Nhờ vào gói mì, điếu thuốc, viên đường… chúng tôi mua chuộc những tên vệ binh trẻ dẫn giải, vì vậy mà cuộc sống có phần dễ chịu hơn.
Nhiều tin tức thật sôi nổi và hấp dẫn được thu thập đâu đó, được đem ra xì sầm bàn tán nhau trong lúc nầy. Ðại loại đó là những tin làm nức lòng chiến sĩ để an ủi người tù trước tình thế nguy nan vô cùng tuyệt vọng: “Có nhiều Tiểu Ðoàn TQLC chúng ta đang hoạt động vùng núi đồi Hải Vân, có tàu chiến Hoa Kỳ ngoài khơi yểm trợ.” Ðặc biệt các thầy tướng số thì nói tình hình nay đã sáng sủa rồi, thế nào cũng có phe ta đến để giải phóng trại tù.
Chúng tôi đã sống những ngày thật sung sướng mà tâm hồn lúc nào cũng thấy lâng lâng bay bổng, lấm lét nhìn nhau bằng những nụ cười khó hiểu, ngón tay cái của bàn tay cứ chỉa thẳng lên trời làm dấu khi gặp nhau. Xin nghiêng mình biết ơn những huyền thoại sống đã cho chúng tôi những cái “phao” để mà bám lấy giữa đại dương mênh mông, hy vọng một vài tia sáng le lói ở cuối đường hầm tăm tối.
Tết năm đó (1979), tương đối đầy đủ nhờ vào những thức ăn do gia đình mang đến. Từ bấy lâu nay, đó là lúc bọn tôi đoàn kết thương yêu nhau nhất, chúng tôi ăn chung với nhau, chia sẻ nhau những gì có được, vì bao giờ cũng vậy, tình cảm chỉ khắng khít mặn nồng khi mọi người cùng khổ như nhau. Chúng tôi rất vui mừng khi hay tin Bắc Kinh xua quân đánh chiếm các tỉnh biên giới, để giáng trả cho Ðảng CSVN một bài học tự mãn.
Chúng tôi không còn muốn đi lao động ngoài trời nữa, chúng tôi tổ chức đình công, khai bệnh mỗi ngày cả trăm người. Chúng tôi chia nhau đi lao động bên ngoài thừa dịp để cải thiện linh tinh, từ củ sắn, củ khoai đến vài trái ớt, trái cà do chính chúng tôi làm ra. Lẽ dĩ nhiên chỉ là hành động lén lút phải thật nhanh nhẹn kín đáo, nếu chúng phát hiện thì bị phạm trọng tội: “Phá hoại tài sản Xã Hội Chủ Nghĩa,” sẽ bị nghiêm giam kỷ luật. Buổi tối sau giờ điểm danh của tên trực trại, khi cánh cửa trại giam đã được khép kín là giờ sinh hoạt thoải mái của anh em chúng tôi. Chúng tôi tập họp nhau lại ngoài hiên mỗi lán, ca hát những bản nhạc cũ, nhất là các bài tình ca của lính, gợi nhớ lại một thời liệt oanh, vàng son của Người lính QLVNCH.
Bố Nguyễn Ðình Chi, trung tá già đại diện cho trại trong ban “trật tự thi đua” bị gọi đi làm việc nhiều lần. Ông thường nhắc nhở chúng tôi biết rằng hãy cẩn thận và coi chừng âm mưu thâm độc của chúng. Chúng im lặng không có nghĩa là chúng đã không biết những gì chúng ta đang làm, chúng đang chờ cơ hội để ra tay đàn áp một lần cho tất cả, như các vụ án Nhân Văn Giai Phẩm của miền Bắc trước đây.
Còn chúng tôi như một chiếc xe đang tuột dốc không “phanh,” cứ thế mà lao vào hố. Ngày 27 tháng 3, 1980, để kỷ niệm 5 năm ngày mất Huế và tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong trận chiến sau cùng tại cửa biển Thuận An, chúng tôi làm lễ tưởng niệm và thức hát suốt đêm, tiếng hát ngạo nghễ, thách thức như để xé tan bầu không khí xiềng xích nặng nề; phá hết xích xiềng để giành lại áo cơm, “Cờ bay! Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu….” Từ trong xà lim đôi chân bị xích xiềng: Trần Văn Loan, Châu Ðức Thảo, Nguyễn Ngọc Thức, Lê Văn Cang, Mai Ðức Hòa, các bạn tù của chúng tôi cũng đồng thanh hát: “Dậy mà đi hỡi đồng ơi! Bao nhiêu năm dân ta sống không nhà, bao nhiêu năm dân ta chết không hòm. Dậy mà đi!. Dậy mà đi.”
Ngay trong đêm hôm đó chúng đã bắt đi Ðại Úy Báu khi tên trực trại xông vào hàng rào gần cổng trại. Anh đã bị dẫn đi trong đêm và sau này được tin anh đã bị đánh đập cho đến chết. Khoảng 4 giờ sáng bên ngoài có lực lượng công an dầy đặc bao vây, bên trong chúng tôi vẫn hát, mọi người đồng thanh hát, cả trại hát như chưa bao giờ chúng tôi được hát xướng như thế. Sáng sớm hôm sau, họ tấn công vào trại bắt đi một số người trong đó có Thiếu Tá Hồ Văn Vĩnh, người nhạc sĩ tài ba của chúng tôi, một trong những người đứng ra tổ chức “Ðêm không ngủ” này.
Thời gian kế tiếp là thời gian điều tra thẩm vấn, họ gọi hết người nầy đến người kia lên cơ quan làm việc: Cát, Giàu, Quyền,… đã bị bắt còng tay dẫn đi với tội danh “không chịu học tập cải tạo, âm mưu chống phá chính quyền cách mạng.” Nguyễn Thuận Cát, đại úy, tốt nghiệp khóa 24 VBQG Ðà Lạt, anh sống rất cương trực và thường chống lại những bất công mặc dầu anh được chúng giao cho chức đội trưởng. Anh đã đương đầu nhất định không khuất phục trước bạo quyền, và chịu đòn đau cho đến chết. Riêng Giàu, trung úy BÐQ, là một trường hợp hiếm có ngoại lệ, anh từ chối không gặp mặt cha mình trong lúc đang thọ hình, vì cha anh nay là cán bộ VC cao cấp. Anh nhất quyết giữ vững lập trường:
“Cha đi đường cha, tôi đi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.”
Ngọn lửa đang bốc cháy cao cho dù bị dập tắt cũng còn âm ỉ bởi một thứ than hồng. Chúng tôi bắt đầu chuyển sang hình thức đấu tranh mới, dè dặt bãi công, thay phiên nhau nghỉ bệnh, con số xuất trại bao giờ cũng ít hơn số khai bệnh ở nhà. Các anh Vũ Ngọc Tụng, Nguyễn Tri Tấn, Phạm Cang, Lê Quang Liễn, Hoàng Hưng, Bác sĩ Hoàng Thế Ðịnh, Phan Văn Lập đã nhen nhúm hình thành một tổ chức có tên là “Ủy Ban Hành Ðộng.” Theo dự tính giờ G ấn định, toàn thể các đội viên hiện đang lao động ngoài hiện trường cùng nhau nổi dậy cướp súng các tên vệ binh dẫn giải, kéo nhau về giải phóng trại tù. Việc chưa thành đã bị bại lộ, các anh lãnh đạo Tụng, Tấn đã bị chúng bắt đi tra tấn và bị nhục hình. Phần còn lại rơi vào thảm cảnh đẫm máu của một sự trả thù khủng khiếp nhất.
Kẻ thù bất chấp luật lệ, chúng điều động những võ sĩ của Ty Công An Bình Trị Thiên dùng vũ lực thẳng tay đàn áp, chúng cho người đi khắp các lán với sự thỏa thuận chỉ điểm của các tên quản giáo, tập trung tất cả về một góc phân trại đánh đập trả thù, tiếng khóc tiếng la như gầm chuyển một góc trời, nước mắt đã rơi nhiều cùng máu. Ðó là buổi chiều ngày 20 tháng 4 năm 1980 lịch sử đáng ghi nhớ!
Sau này chúng lần lượt thẩm tra bắt hết các anh còn lại của tổ chức trên đem về biệt giam ở đoàn. Thêm các anh Võ Ðằng Phương, Nguyễn Kim Chung, Lê Tự Hào, trong một tổ chức khác có tên là “Phục Hưng nền Cộng Hòa.” Câu nói khẳng khái của Võ Ðằng Phương, người sáng lập ra tổ chức này, tại tòa án nhân dân Thừa Thiên, Huế, năm nào như còn mãi in sâu vào tiềm thức của những người tù tại trại tù “Cải tạo Bình Ðiền”: “Các ông làm gì có luật pháp mà xét xử, luật của các ông là thứ luật rừng. Tôi nay ở trong tay các ông thì do quyền quyết định của các ông, tôi không có gì thắc mắc cả!”
Chúng kêu án anh thêm 10 năm tù sau khi mãn án “tù tập trung cải tạo,” mà án tập trung cải tạo là án dây thun thì biết đến bao giờ! Làm sao quên được hình ảnh hiên ngang của người tù Thiếu Tá Võ Ðằng Phương TQLC, tiến đến chiếc xe bịt bùng đang chờ sẵn, hiên ngang, ngạo nghễ, ngẩng cao đầu thách thức đầy niềm hãnh diện tự hào, một gương can đảm đầy tiết tháo của Người Chiến Sĩ QLVNCH.
Ðây chỉ là khoảng thời gian khởi đầu cho quãng đường dài của cuộc đời tù tội. Cuộc đấu tranh vì chính nghĩa của người tù vẫn còn tiếp diễn vì “nơi nào còn áp bức là nơi đó có đấu tranh.”
Còn nhiều điều đáng viết thêm mà một trí nhớ hạn hẹp không đủ để nhớ hết về sự hy sinh cao cả và lòng dũng cảm của người chiến sĩ VNCH. Xin tri ân những bà mẹ, người vợ, người anh, người chị, người em, người con đã vất vả gian lao tần tảo để giúp cho người tù còn có được ngày hôm nay, trong “Ngày Hội Trại Tù Ái Tử-Bình Ðiền."

Blog Archive