Saturday, June 30, 2018

 Sự thật kinh hoàng về những cái ví nghìn đô


Để làm một chiếc túi Hermes có giá trung bình hơn 53.000 USD, cần da của 3 con cá sấu. Mặc dù ngoài tự nhiên, cá sấu có tuổi thọ cao hơn con người rất nhiều, nhưng loài động vật này gần như không có cơ hội sống khi tròn 3 năm tuổi đâu !

Nhiều Ngôi Sao Thế giới đã dành đam mê cho những chiếc túi xách hàng hiệu Hermes Birkin như: Miranda Kerr, Beyonce, Kim Kardashian, và Victoria Beckham.

Riêng vợ Danh thủ David Beckham sắm hơn 100 chiếc túi Hermes Birkin với đủ chất liệu, và màu sắc khác nhau.

Không thể phủ nhận những chiếc túi đó đã góp phần tạo nên phong cách đẳng cấp cho các Ngôi Sao, nhưng ít ai biết rằng: để làm nên chúng, không biết bao nhiêu con cá sấu đã bị hành hạ, và giết chết một cách dã man !.

Mới đây, Tổ chức Bảo vệ Quyền Động vật PETA vừa công bố video clip cho thấy: cảnh sát hại cá sấu vô cùng khủng khiếp để lột da làm túi !!!.

Họ đã tiến hành điều tra việc giết mổ này tại Mỹ, Zimbabwe, và phát hiện ra, hai nhà cung cấp chính của túi xách Hermes Birkin là người đứng sau những biện pháp tàn bạo nhất, để giết cá sấu lấy da với danh nghĩa vì cái đẹp, vì thời trang !!!.

Những hồ nuôi cá sấu để lột da rộng mênh mông. Những con cá sấu này được nuôi dưỡng, cho ăn mỗi ngày để có được bộ da thật đẹp, đường vân sắc nét, và căng bóng nữa !.

Những người thợ có nhiệm vụ giết và lột da nguyên tảng hàng nghìn con cá sấu mỗi ngày, để có nguyên liệu sản xuất áo da, ví, túi xách, giày, thắt lưng,… đem bày bán tại các trung tâm thương mại lớn.

Đáng sợ hơn nữa: thịt của những chú cá sấu này được sử dụng làm thức ăn cho hàng nghìn con cá sấu vẫn đang nằm dưới hồ chờđủ tiêu chuẩn “lên bàn mổ”!.
Cá sấu bị dồn vào một góc chật chội trước khi bị đem ra xẻ thịt, lột da.

Một người làm việc tại xưởng lột da cá sấu tiết lộ với nhân viên điều tra PETA : “Họ xẻ lưng cá sấu, rồi lấy da bụng làm túi !.

Trước hết, họ đặt cá sấu lên bàn, bẻ quặt đầu nó xuống, dùng một con dao mổ đâm thẳng vào xương sống nó. Sau đó, họ lấy một thanh sắt dài, rồi chọc sâu vào xương sống cá sấu, tới tận phần đuôi.

Xong, họ lấy que có bịt đầu để chọc não cá sấu. Khi đó, họ có thể thoải mái lột da và chế biến con cá sấu mà không sợ cảnh nó giãy giụa trên bàn !”.
Cá sấu bị treo ngược trên dây để máu chảy hết xuống sau khi chịu đủ mọi nhục hình.

Để làm một chiếc túi Hermes có giá trung bình hơn 53.000 USD, cần da của 3 con cá sấu.

Mặc dù ngoài tự nhiên, cá sấu có tuổi thọ cao hơn con người rất nhiều, nhưng loài động vật này gần như không có cơ hội sống khi tròn 3 năm tuổi đâu !.

Bởi các Chuyên gia của Hermes khẳng định: đó là thời điểm da của chúng tốt nhất, và phù hợp nhất cho việc làm ra những chiếc túi hàng hiệu.
Khi bị lên bàn để lột da, các chú cá sấu sẽ bị cứa cổ bằng dao sắc nhọn. Sau khi đã bị lột da lưng, chúng sẽ bị ném vào các thùng đá như thế này.

Giám đốc Điều hành Trang trại Cá sấu Pagendga, Charles Boddy, trả lời phỏng vấn tờ Người Zimbabwe:

“Chúng tôi bảo đảm việc nuôi, đánh bắt, và chế biến cá sấu tuân thủ các quy định quốc tế. Những cảm xúc ủy mị không thể giúp gì được. Ai cũng biết một con cá sấu bị xẻ thịt vẫn có thể giãy chết tới 6-8 tiếng !”.

Rời trại giết mổ cá sấu ở châu Phi, điều tra viên PETA tiếp tục đến Trang trại Cá sấu Lone Star ở Tiểu bang Texas, Mỹ, nơi cá sấu được gọi bằng cụm từ “dây đeo đồng hồ”.

“Ở đây, cá sấu được gọi bằng tên những thứ mà da của chúng được sử dụng để tạo nên”, một công nhân ở trang trại Texas cho biết.

"Đây là một con cá sấu dây đeo đồng hồ. Da chúng sẽ được vận chuyển tới Pháp, và rồi trở lại Mỹ dưới dạng dây đeo đồng hồ, được bán với giá hơn 2.000 USD.
Chỉ được khoảng 1 năm là dây đeo hỏng, rồi bạn sẽ phải mua một cái mới thay thế. Việc này cho thấy một điều có rất nhiều cách để ném tiền qua cửa sổ !”.

Tại trang trại Lone Star, cá sấu bị giết trước hết bằng một phát súng vào đầu. Phát súng này sẽ khiến nó bất tỉnh, và mất hết cảm giác đau đớn. Sau đó, họ dùng dao rọc giấy rạch vào gáy con cá sấu để cắt dây thần kinh, và mạch máu.
Đằng sau vẻ hào nhoáng của những chiếc túi xách hàng hiệu là những con cá sấu bị lột da không thương tiếc.

Khi bị lên bàn để lột da, các chú cá sấu sẽ bị cứa cổ bằng dao sắc nhọn. Sau khi đã bị lột da lưng, chúng sẽ bị ném vào các thùng đá.

Không phải tất cả cá sấu sau khi bị lột da đều chết ngay, vẫn có chú sống thoi thóp trong trạng thái đau đớn cùng cực, và bơi yếu ớt bên cạnh những người bạn đã chết.

Những tấm da sau khi lột, sẽ được giữ trong phòng lạnh, trước khi được chuyển đến những cơ sở xử dụng da của các hãng sản xuất túi, dây đồng hồ tại Pháp, hoặc Mỹ.

Những tấm da này sẽ được dùng để tạo ra những chiếc túi hàng hiệu có giá khởi điểm 40.000 USD, cùng những chiếc dây đồng hồ có giá 2.000 USD .

Được biết, ngoài trang trại Lone Star, Texas, Mỹ, phần lớn cá sấu bị lột da cung cấp cho những thương hiệu thời trang xa xỉ đến từ trang trại Padenga tại Zimbabwe – một trong những đầu mối cung cấp da cá sấu lớn nhất thế giới.

Chỉ riêng trong năm 2014, tại đây đã có tới 43.000 con cá sấu sông Nile bị giết hại.

Vì sao túi da Hermes có giá “trên trời”?

Hermes là một nhãn hiệu thời trang Pháp, ra đời năm 1837, ban đầu chỉ là một xưởng da thuộc nhỏ bé do ông Thierry Hermes sáng lập.

Là một trong những thương hiệu hàng xa xỉ trứ danh nhất thế giới, tính tới nay, Hermes đã trải qua gần 200 năm lịch sử.

Những chiếc túi da mang nhãn hiệu Hermes đã trở thành món đồ ưa thích của giới thượng lưu quốc tế.

Tờ Daily Mail mới đây đã đăng một loạt ảnh về các giai đoạn sản xuất túi da Hermes trong một phân xưởng của hãng Thời trang này .

Tọa lạc ở Pantin, ngoại ô thủ đô Paris của nước Pháp, phân xưởng sản xuất của Hermes có thiết kế bề ngoài không quá cầu kỳ, nhưng rất dễ nhận ra, bởi trên cửa có tên Thương hiệu cùng Logo của hãng Thời trang nổi tiếng này.
Bên trong phân xưởng có vẻ rất bề bộn, với đầy những mẩu da, chỉ bông, và những bản thiết kế sản phẩm. Đây là nơi “tạo hình” các sản phẩm túi da mang nhãn hiệu Hermes.
Đây là một trong những giai đoạn sản xuất túi Birkin, được lấy tên từ một nữ Minh Tinh Jane Birkin, và đây có thể là những túi khiến bất kỳ ai nhìn thấy cũng phải thèm muốn đấy !. 

Bởi chúng được làm từ da động vật quý hiếm, nên thời gian, và công sức tạo ra những chiếc túi này rất lâu và kỳ công. Giá của chúng có thể khiến nhiều người giật mình với chiếc rẻ nhất là 5.000 USD, và đắt nhất là 140.000 USD.
Bí mật làm nên thương hiệu Hermes không phải ở chất lượng máy khâu, mà ở sự tỉ mỉ, và chú tâm của những người thợ lành nghề, chưa kể tới lịch sử Hermes đã gắn liền với các sản phẩm da kể từ khi xuất hiện vào năm 1837.
Một số tài liệu viết rằng: chất liệu da làm nên túi Hermes thường là da cá sấu nhập cảng từ Australia. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm làm từ da động vật quý hiếm khác. Điều này nói lên phần nào mức giá "trên Trời" của Hermes.
Chỉ khâu túi là một sợi chỉ dài duy nhất với một chiếc kim khâu đặc biệt. Các sản phẩm Hermes được làm thủ công dưới bàn tay điêu luyện của những người thợ lành nghề.
Hầu hết các Ngôi Sao Màn bạc lớn ở Kinh đô Điện ảnh Hollywood đều là các khách hàng ruột của Hermes. 

Và cuối cùng là một sản phẩm hoàn chỉnh. Đây là chiếc túi da Jypsière, có giá bán vào khoảng 4,380 bảng Anh (tương đương 7,091 USD).
Image may contain: 1 person, text

Dạy tiếng Mỹ ở đảo, rồi tiếng Việt ở Mỹ

Trương Tấn Thành, WA

Khoản cuối năm tám mươi khi lên được đảo Galang tôi bắt đầu ‘mở lớp dạy Anh văn’ liền cho người đi chung chuyến với mình.  “Lớp học”  lúc đầu là căn phòng trống phiá dưới một barrack với tấm ván tường làm bảng viết.  “Học sinh” có kẻ bồng người ẵm con ngồi bệt trên nền xi măng chăm chú học bài.  Nổi mừng tới được đảo và lòng hy vọng được đi định cư tràn trề  làm mọi người, cả thầy lẫn trò, hăng hái trong việc dạy và việc học hành.

Sau đó tôi được mời dạy cho chùa và một số hội đoàn trên đảo.  Có nơi số người học thật đông gây cho tôi thật nhiều hứng khởi.  Ngoài ra vì không có thân nhân ở ngoại quốc trợ giúp tiền bạc, tôi còn nhận dạy tư cho nhóm và cho cá nhân để kiếm tiền sinh sống trong thời gian dài hơn ba năm ở đảo.  Chưa lúc nào tôi thấy mình giúp ích được cho những người đồng cảnh ngộ với mình như trong thời gian này.  Đi đâu cũng được mọi người thân mến gọi bằng “thầy” làm tôi được vô cùng mản nguyện. 

Những nhóm dạy tư thường là ở một phòng nào đó trong barrack, chừng năm ba người tụ lại với nhau để học trong hai hay ba tiếng đồng hồ, vài ba ngày trong tuần.  Sách học thì gởi mua hay người này mua lại của người đã đi. Lớp học chú trọng vào loại Anh ngữ đàm thoại, ít nặng về văn phạm nhưng chú trọng về phần đàm thoại thực hành.  Vaò thởi điểm có lệnh của Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên hiệp Quốc đóng cữa các trại tỵ nạn toàn quốc năm 89, làn sóng người vượt biển bổng dâng cao.  Ngày nào cũng có vài ba chiếc tàu vưột biển được nhận vào trại.  Theo đà nhân số vượt biển tăng, Galang 1 trước đây hoang tàn, bỏ phế  bổng trổi mình sống lại.  Từ Galang 2 trở ra Galang 1, lều trại bổng đầy nghẹt người tỵ nạn cuối mùa, số người học Anh ngữ tăng theo cấp số nhân.  Một trong những kỷ niệm dạy tiếng Anh ở đảo mà tôi nhớ mãi đến giờ là anh học trò tên Thông.

Thông lúc đó trên dưới ba mươi, sống chung với người bạn gái , ngừơi này có con riêng và người em, coi như một gia đình.  Thông có được đức tính siêng năng và tinh thần ‘’trọng sư’ đáng qúy.  Để kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình, Thông vào mé rừng Galang 2 để xây một lò làm bún nhỏ cung cấp cho các tiệm ăn trên đảo.  Thức khuya dậy sớm để ra mẻ bún, xong  rồi Thông đội thúng bún đi giao hàng, còn dư lại thì để gia đình ăn.  Thông thường biếu cho tôi bún để tỏ lòng kính mến.  Quần quật, đầu tắt mặt tối như vậy mà tối đến Thông vẫn đến barrack tôi để học.  Con đường thương mại phồn thịnh có  thể  gọi là  “Lê Thánh Tôn - Galang2” thì có điện do các chủ tiệm mua nhưng các barracks ở thì chỉ có ánh sang nhờ đèn dầu thôi.  Vậy mà dưới ánh đèn dầu mù mù, Thông siêng năng, chuyên cần học với tôi cho đến lúc Thông và gia đình đi định cư ở Canada. Vài năm sau khi định cư ở Mỹ, tôi có dịp qua chơi ở Toronto và có đến thăm Thông và gia đình anh.  Lúc đó Thông mới mua chiếc xe Toyota mới tinh do đồng lương kiếm được với nghề làm thợ tiện trong khi tôi chưa có được một chiếc xe ra hồn để chạy.  Thật là một bài học về tính chuyên cần mà tôi phải học ở Thông.

Tôi tiếp tục dạy tiếng Anh nhiều chỗ, nhiều nơi , cho những ai có nhu cầu để kiếm sống cho đến ngày rời dảo đi định cư.

Qua Mỹ., với sự giúp đỡ tận tình của người bạn trẻ là Nhân, tôi lại được cắp sách đền trường.  Mỗi ngày hai anh em, Nhân chở tôi trên chiếc xe pickup hiệu Mazda màu đỏ để đi học tại trường đại học cộng đồng.  Cuối tuần thì hai anh em đi làm cỏ để kiếm tiền trả tiền mướn phòng và chi tiêu vặt.

Sau khi ra trường tôi vào làm ở trường dạy cho trẻ em ngươi Da đỏ nhưng vẫn liên lạc thường xuyên với trường cũ.  Một ngày nọ, khoản vào năm hai ngàn, tôi đọc được một thông báo của trường tìm người dạy tiếng Việt cho học sinh lớn tuổi ngươì Mỹ học vì nhu cầu giao tiếp và thương mại. Tôi nộp đơn ngay để được phỏng vấn.  Vì là cựu sinh viên của trường và đã có bằng bốn năm nên tôi được nhận.  Lớp khoản bảy người lớn, đủ thành phần.  Mỗi tuần hai buổi tối mỗi tối hai tiếng đồng hồ.  Tôi cũng áp dụng lối dạy đàm thoại với những đề tài thực tế sát với đời sống hằng ngày.  Tôi cũng đem những băng hình về văn hoá và xả hội, âm nhạc Việt để tạo hào hứng cho lớp học.  Lớp học keó dài được ba tháng rồi ngưng.

Tôi cũng có dạy một lớp Việt ngữ cho người Mỹ lớn tuổi với tính cách tự nguyện cho trường Việt ngữ Hùng Vương ở Olympia vào buổi tối.  Trong số học viên có anh  tên Jim là chủ tiệm ăn dưới phố có vợ là người Việt cần học để giao tiếp  với bên vơ của mình.  Có người là sinh viên cần học để tìm hiểu thêm về tiếng Việt vân vân.  Tôi yêu cầu mỗi học viên tự đặt cho mình tên Việt Nam để tạo không khí sát với thực tế. Tôi soạn bài học ngắn theo đề tài đi sát với thực tế hằng ngày rồi sau khi tôi đọc bài viết trên bảng,  họ lặp lại cho quen âm Việt .  Kế tiếp là  từng học viên thay phiên nhau giữ một vai trò tập đàm thoại với nhau.  Cái khó nhất là phần phát âm vì âm Việt có năm dấu mà hầu như âm Mỹ không có.  Hầu hết học viên Mỹ đều không phát âm đúng được từ có  dấu nặng.  Lớp học vui vẻ và hào hứng nhờ đề tài tôi chọn ra từ các đề tài có tính cách va chạm thực tế trong cuộc sống hằng ngày.

Ngoài ra tôi còn phụ trách lớp dạy Việt ngữ cho các em nhỏ lớn lên tại Mỹ cũng ở trường Việt ngữ Hùng Vương mỗi tối thứ Sáu.  Trở ngại của các em vẫn là phần phát âm tiếng Việt không được đúng vì lớn lên tại Mỹ.  Trong khi dạy ở trường Hùng Vương, tôi được biết một giáo viên đầy nhiệt tâm và tận tụy với các em trong việc dạy muá hát dân vũ và nhạc Việt lâu năm  tại trường mà chắc chị không buồn tôi khi đề cập đến tên của chị, đó là chị Dung.  Đoàn vũ nhà trường do chị , đào luyện hưóng dẫn công phu thuờng được mời đi trình diển trong các lễ hội trong quận.  Chị xứng đáng là một giáo viên có công to lớn trong việc giữ gìn văn hoá và bảo tồn tiếng Việt ở nước ngoài.

Tôi thấy mình mãn nguyện khi dạy tiếng Mỹ cho người đồng cảnh ở đảo và phổ biến tiếng Việt khi ở xứ này.  Ít ra tôi cũng đóng góp được một phần nào vào việc mang chữ nghĩa đến cho nhiều người.  Mỗi khi được nghe tiếng gọi “thầy”  nơi các học viên tôi cảm thấy mình đã làm được một cái gì đó, dù nhỏ nhưng được mọi người chấp nhận với lòng kính mến.  Như vậy là tôi đã không uổng công liều sống chết vượt biển và phụ lòng kỳ vọng của ba má tôi khi hai người còn sinh tiền.

Trương Tấn Thành
CÂU CHUYỆN TỐI CAO PHÁP VIỆN


Vũ Linh

Tuần qua, hai trái bom khinh khí đã bị thả xuống thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ngay trụ sở Tối Cao Pháp Viện. Đảng Dân Chủ đã phất cờ báo động đỏ, kêu gọi đảng viên, cử tri, và dân cấp tiến nói chung khẩn cấp di tản về… Cali để tránh diệt vong, cũng như để có dịp bỏ phiếu tách Cali ra khỏi Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, để trở thành nước mới, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Xã Hội Chủ Nghĩa California, dưới sự lãnh đạo anh minh của bà tổng thống Hillary Clinton. Các cụ tỵ nạn chống Trump nên vào Google tìm mua nhà tại Texas cho sớm.

Đây là nói đùa cho vui, xin quý độc giả đừng tố kẻ này tung fake news! Sự thật là đã có hai biến cố với hậu quả cực lớn mới xẩy ra, hết sức tai hại cho phe cấp tiến.

Trái bom đầu tiên là TCPV biểu quyết tổng thống ‘có quyền ra sắc lệnh bảo vệ an ninh cho xứ Mỹ’, và trái bom thứ hai là vị thẩm phán then chốt, luôn luôn có lá phiếu quyết định giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến đã treo ấn từ quan về đi câu. Ta coi lại hai câu chuyện.

1. TCPV VÀ SẮC LỆNH DI DÂN

Trong một quyết định hết sức quan trọng mà cả thế giới trông chờ, TCPV đã phán TT Trump có quyền ra sắc lệnh giới hạn di dân cũng như dân tỵ nạn từ một số quốc gia mà thủ tục thanh lọc vào Mỹ không được bảo đảm, có thể có kẽ hở cho khủng bố cuồng tín xâm nhập vào Mỹ. Công dân của 7 nước Libya, Syria, Iran, Yemen, Somalia, Venezuela và Bắc Hàn bị cấm không được vào Mỹ, du lịch hay tỵ nạn hay bất cứ lý do nào khác.

Ta còn nhớ TT Trump đã ký sắc lệnh này vài tuần sau khi đắc cử, nhưng ngay sau đó, bị hàng loạt quan tòa cấp tiến của Cali, New York, Hawaii,… chặn lại, cho rằng tổng thống không có quyền lấy những biện pháp an ninh bảo vệ dân Mỹ chống lại đám quá khích cuồng tín Hồi giáo vì như vậy là kỳ thị tôn giáo. Theo quan điểm nhân ái không kỳ thị này, thà để chúng vào Mỹ giết dân Mỹ chứ không thể thiếu văn minh, kỳ thị không cho chúng vào. Đúng theo luật Mỹ, chưa bị kết án là chưa có tội, chúng chưa giết ai nên chưa có tội, không thể cấm chúng vào Mỹ, ai xui xẻo bị chúng giết sau đó thì đó là tại số mạng thôi.

Lên đến cấp phá án cũng vẫn bị các quan tòa cấp tiến ở cấp đó chặn lại. Bây giờ lên đến TCPV mới thắng và được thông qua nhờ đa số thẩm phán cho rằng tổng thống có đủ quyền hạn để bảo vệ dân chống cuồng tín xâm nhập giết họ.

Phe cấp tiến nổi điên, đả kích loạn xà bần. Bà thượng nghị sĩ DC Mazie Hirono của Hawaii lên tiếng cảnh giác “Bước tới TT Trump sẽ cấm dân Canada vào Mỹ”! Dân biểu Keith Ellison cho rằng thẩm phán TCPV đã nhận tiền hối lộ của Trump (suy bụng ta ra bụng người?).

Trong cuộc tranh cãi về sắc lệnh của TT Trump, phe chống đối, qua giải thích của bà thẩm phán Sonia Sotomayor, nhấn mạnh ‘ý đồ kỳ thị chống dân Hồi giáo của TT Trump qua các hô hào thời tranh cử quá rõ’, và các sắc lệnh chỉ là chuyện kỳ thị bằng miệng bây giờ đã được thi hành. Phe chấp thuận sắc lệnh cho rằng lời tố cáo của bà Sotomayor đúng hay sai không phải là vấn đề, vì kỳ thị hay không là chuyện chính sách. Vai trò của TCPV không phải là tìm cách củng cố hay sửa sai chính sách của Hành Pháp, cũng không phải là luận tội dựa trên các hô hào và khẩu hiệu khi tranh cử, mà là bảo đảm sự tôn trọng luật pháp theo đúng những quy định của Hiến Pháp. Đây là nói chuyện luật pháp chứ không phải là chuyện chính trị hay chính sách.

Theo các thẩm phán bảo thủ, việc ký các sắc lệnh đó hoàn toàn nằm trong quyền hạn của tổng thống là người đứng đầu Hành Pháp, trực tiếp chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho xứ này. Họ cũng cho biết là Hành Pháp đã đưa ra đầy đủ bằng chứng có tính thuyết phục về nhu cầu thi hành sắc lệnh để bảo đảm an ninh quốc gia, không liên quan gì đến bất cứ tôn giáo hay chủng tộc nào. Họ cũng dẫn chứng sắc lệnh không mang ý nghĩa kỳ thị Hồi giáo khi tổng cộng dân Hồi giáo của những xứ bị cấm chỉ có chưa tới 8% dân Hồi trên cả thế giới. Những quốc gia Hồi lớn trên thế giới như Ả Rập Saudi, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Bangladesh, Mã Lai, và Indonesia, và cả chục nước Hồi khác, đều không bị cấm gì.

Tiêu chuẩn cấm là việc kiểm soát dân, và những xứ bị cấm là những xứ đang đại loạn chẳng có kiểm soát, thanh lọc dân được như vài xứ Trung Đông, hay những xứ thề sống chết với Mỹ như Iran và Bắc Hàn. Venezuela là trường hợp đặc biệt: vì khủng hoảng kinh tế trầm trọng do chính sách kinh tế theo mô thức CS, cả triệu dân đang tìm cách trốn khỏi xứ trong khi hệ thống chính quyền đang xụp đổ mau lẹ, không thể kiểm tra lý lịch những dân muốn đi Mỹ được nữa.

Phán quyết của TCPV được lấy với 5 phiếu của các thẩm phán bảo thủ và sự chống đối của 4 thẩm phán cấp tiến do các TT Clinton và Obama bổ nhiệm. Không phải là bốn vị chống đã sai hay không hiểu luật, mà chỉ là vấn đề khác biệt quan điểm về vai trò của TCPV nói riêng và ngành Tư Pháp nói chung.

Trên căn bản, sự phân biệt bảo thủ và cấp tiến trong ngành Tư Pháp, nhất là ở cấp Tối Cao Pháp Viện không giống như trong chính trị bình thường. Ở đây, bảo thủ, Mỹ gọi là ‘originalist’, có nghĩa là tuyệt đối tuân theo câu văn cũng như ý định nguyên thủy của các ‘Cha Già Khai Quốc’ khi họ viết Hiến Pháp, trong khi phe cấp tiến chủ trương uyển chuyển, thay đổi cách diễn giải Hiến Pháp theo xu hướng thời đại.

Thông điệp của TCPV cho các quan tòa rất rõ: xin vui lòng thi hành triệt để Hiến Pháp và luật hiện hành, đừng cương ẩu theo phải đạo chính trị! Thông điệp cho các cụ tỵ nạn: các cụ không biết gì về luật Mỹ thì không nên bàn sảng chửi Trump ngu dốt không biết luật.

Trong vụ lộn xộn cách ly trẻ em, TT Trump dựa trên việc triệt để thi hành luật, tức là án lệ đã có từ thời TT Clinton, trong khi phe cấp tiến cho rằng luật đó không hợp thời, thậm chí có hơi hám ‘vô nhân đạo’ nên việc thi hành phải châm chế, du di bớt thay vì áp dụng ‘zero tolerance’.

Trên căn bản, khác biệt bảo thủ - cấp tiến dưới khiá cạnh này là một vấn đề rất nghiêm trọng, với hậu quả rất lớn trong chính trị cũng như xã hội Mỹ.

Cái đáng tiếc là thay vì có những thảo luận nghiêm chỉnh để tìm đồng thuận thì cả hai bên trong thời gian qua đã tung hỏa mù, tin phịa, tin úp mở, đánh nhau túi bụi khiến thiên hạ hoàn toàn bị tàu hỏa nhập ma lây, chẳng còn biết lý lẽ hay thật giả gì nữa. Ai cũng sẵn sàng tung fake news vì tính phe phái mù quáng. Tiêu biểu cho thái độ phe phái mù quáng là một bài viết gần đây của một cụ tỵ nạn.

Cụ này trong truyền thống thông ngôn mắt nhắm mắt mở theo TTDC, viết bài mô tả hàng đoàn những bà mẹ di dân công khai đến biên giới xin tỵ nạn, không băng đèo lội sông, lén lậu gì hết, tràn ngập hy vọng vào nước Mỹ, để rồi bất ngờ thấy con mình bị giựt khỏi tay đem đi trại tập trung. Sau đó, mẹ thì bị ra tòa, đi tù, và con nhỏ thì bị nhốt trong trại tập trung. Đọc mà muốn khóc.

Đây là bằng chứng cụ thể nhất là bệnh fake news đã lây qua cộng đồng tỵ nạn. Các cụ muốn vẽ gì thì vẽ, mà bất cứ cái gì các cụ vẽ ra thì đều được khẳng định là sự thật. Vấn đề là cái mà các cụ vẽ ra không phải sự thật.

Đây là sự thật. Những gia đình công khai đi đến biên giới, chính thức làm đơn xi tỵ nạn –asylum petition- đều được cho ở trong các trại tạm trú, không phải trại giam, không bị ra tòa kết án hay bị tù gì hết mà chỉ chờ tòa cứu xét đơn xin tỵ nạn thôi. Được chấp nhận thì cả gia đình được cho vào sống ở Mỹ, yên ổn, nhận được giúp đỡ và trợ cấp cần thiết trong những ngày đầu. Không được thì sẽ bị trục xuất cùng với cả gia đình. Trong khi chờ đợi, họ sống trong trại tạm cư cùng với gia đình, không có đứa con hay chồng hay vợ nào bị cách ly, kéo ra khỏi tay ai hết. Trường hợp cách ly mà TTDC và cụ thông ngôn la hoảng chỉ áp dụng với di dân lậu, bị bắt tại trận, bị nhốt chờ quyết định của tòa.

Không có bố mẹ di dân nào bị án tù gì hết. Chỉ trong trường hợp bố mẹ là bố mẹ giả, là dân buôn người chuyên nghiệp thì mới bị tù, còn nếu là bố mẹ thật thì chỉ bị trục xuất là cùng.

Cái hình cô bé mà báo TIME tung lên trang bià cho thấy rõ. Hai mẹ con trả tiền cho môi giới chở họ đến biên giới, xin tỵ nạn một cách hợp pháp, chỉ bị yêu cầu đặt đứa bé xuống, xét người, rồi cho bế con lên lại, đi xe về trại tạm cư. Có anh phóng viên TIME chứng kiến, chụp hình, nhưng anh này gian trá, phụ đề là mẹ con bị cách ly, lên hai xe khác nhau đi về hai trại. Sau đó, bị lòi ra là nói láo, TIME cải chính: hai mẹ con không hề bị cách ly gì hết, đi chung xe về một trại. Cái mánh của TTDC là đăng fake news, xong rồi sửa sai, cũng không khác gì cố tình thổi cơm khê, có xin lỗi thì cơm cũng đã khê rồi.

Chưa hết, cụ tỵ nạn đó cũng nhìn nhận là luật cách ly đã có từ lâu rồi, nhưng các TT Clinton, Bush, và Obama đều không thi hành vì họ đều không muốn ngoan cố như “tướng cướp Từ Hải”. Nói cách khác, Trump thi hành luật nên đã thành tướng cướp. Xin lỗi, không biết có phải kẻ này già nua, quá lẩm cẩm nên không biết bây giờ, theo nhân sinh quan cấp tiến văn minh tiến bộ của cụ thông ngôn, tuân thủ luật là cách cư xử của tướng cướp! Phải uyển chuyển, không thi hành luật như các tổng thống Clinton, Bush và Obama thì mới là những người lương thiện, gương sáng xứng đáng lãnh đạo dân. Thế giới hình như đang chổng bốn vó lên trời!

Một lời khuyên các cụ tỵ nạn: thứ nhất, các cụ nên tìm hiểu vấn đề cho kỹ trước khi viết lung tung trong cơn say thuốc lào; thứ hai, nếu tìm hiểu rồi, thì nhớ viết theo đúng sự thật, đừng vì đầu óc phe phái mà bóp méo sự thật. Đừng nhắm mắt dịch CNN. Các cụ nên cẩn thận hơn để bảo vệ tên tuổi của chính mình cũng như có cơ hội chỉ trích Trump một cách chính đáng, được nhiều người tin hơn.

Qua vụ tranh cãi về cách ly trẻ con, ta cũng thấy rõ ngành Tư Pháp của Mỹ hình như đang gặp khủng hoảng lớn trong việc chấp hành luật lệ, khi việc chấp hành nghiêm chỉnh bị coi là vô nhân đạo, mà thiên hạ lại đòi phải có sự châm chế, du di. Du di đến mức nào, ai quyết định?

Ngay sau khi ký sắc lệnh ngưng thi hành án lệ không được nhốt trẻ em trên 20 ngày, TT Trump đã nộp đơn xin một tòa Cali thu hồi cái án lệ đó, hay ít ra, cũng cho ngưng áp dụng nó. Thật ra, đó không phải là án lệ mà chỉ là một thỏa thuận giữa tòa án và chính quyền Clinton. Nhưng thỏa thuận đó đã được một quan tòa, bà Dolly Gee, xác nhận lại như một án lệ.

Năm 2015, chính quyền Obama cũng gặp khó khăn tương tự như TT Trump bây giờ (nhưng quý độc giả không ai hay biết gì vì khi đó, TTDC giúp TT Obama ém nhẹm những rắc rối về di dân, chứ không đào bới ầm ĩ như với Trump bây giờ). TT Obama xin tạm ngưng thi hành án lệ, nhưng bà Gee chẳng những đã bác, mà còn ra lệnh TT Obama phải tuyệt đối tuân thủ án lệ đó, phải thả ngay lập tức những trẻ em đã bị tạm giữ quá 20 ngày, và nếu cần, phải thả luôn bố mẹ chúng theo. TT Obama chấp hành một phần, tức là thả một phần, nhưng vẫn cách ly một số. Ông Jeh Johnson, cựu bộ trưởng An Ninh Lãnh Thổ của TT Obama mới đây đã xác nhận chính quyền Obama cũng có cách ly trẻ con y như TT Trump vì đó là “chuyện cần thiết phải làm” (xin xem chi tiết trong bài báo trên trang ‘Báo Mỹ’). Bây giờ thì quý độc giả đã hiểu tại sao TT Obama im re trong vụ ‘khủng hoảng’ cách ly hiện nay, vì chính ông cũng đã từng ra lệnh cách ly.

TT Trump đệ đơn xin thu hồi hay hoãn thi hành án lệ 1997, và quan tòa thụ lý lại chính là bà Dolly Gee này, dân Mỹ gốc Tầu do TT Obama bổ nhiệm. Bà Gee có nhiều hy vọng sẽ xác nhận lại quyết định trước đây của bà, nghĩa là cho TT Trump được giữ trẻ con được tới 20 ngày, nhưng sau đó phải cách ly hay nếu cần thả luôn cả bố mẹ chúng.

Có nhiều triển vọng TT Trump sẽ không chịu thả hết, sẽ thi hành luật cách ly, trở về tình trạng loạn xà ngầu của mấy tuần qua. Nhưng với khác biệt lớn: bây giờ TT Trump sẽ có thể đưa quyết định của bà Gee ra làm mộc đỡ đạn. TTDC không còn tố giác TT Trump chế luật mới được nữa.

Cũng có thể TT Trump sẽ không chấp nhận phán quyết của bà Gee, mà sẽ tiếp tục kháng cáo, có thể lên tới Tối Cao Pháp Viện luôn. Nếu lên tới TCPV, dựa trên phán quyết về sắc lệnh di dân của TT Trump, có triển vọng TT Trump sẽ lại thắng nữa thôi, tức là TCPV phán tổng thống có quyền thi hành luật trong khi chờ đợi quốc hội ra luật về di dân.

Trong vụ khủng hoảng cách ly hiện nay, ý kiến của quần chúng mang nhiều ý nghĩa. Theo CBS (không phải Fox News đâu nhé), con số dân Mỹ ủng hộ việc xây bức tường bất ngờ tăng vọt lên 51%, và hai phần ba (63%) đồng ý phải nhốt hay trục xuất di dân lậu. Đặc biệt hơn, 84% dân Mỹ ủng hộ việc khai báo dân ở lậu với cảnh sát theo khảo sát của Mark Penn, cựu chuyên gia thăm dò của bà Hillary. Giải pháp được hậu thuẫn nhất: không cách ly mà trục xuất nguyên cả gia đình ngay. Đó chính là ly do tại sao TT Trump hô hào việc trục xuất di dân lậu ngay tại biên giới mà không cần đưa ra tòa gì hết.

Thăm dò mới nhất của Washington Times cho biết đa số dân Mỹ cho rằng chuyện cách ly không phải lỗi của chính quyền Trump và sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến bầu cử quốc hội tới. Điểm đáng nói là 57% dân độc lập không đảng phái coi những ồn ào về chuyện cách ly như chẳng có ảnh hưởng gì đến lá phiếu của họ. Mất công TTDC khua chiêng trống vô ích.

Nói chung, dân Mỹ không có thiện cảm với di dân lậu. Trong mấy ngày qua, đã có nhiều bài báo cảnh giác đảng DC đã ‘chọn lầm ngựa’ khi coi việc đánh Trump trong vấn đề di dân lậu sẽ giúp họ, trái lại, có thể bị phản ứng ngược trong kỳ bầu quốc hội cuốn năm nay.

2. TP KENNEDY NGHỈ HƯU

Tin chấn động và có hậu quả lớn và lâu dài hơn là thẩm phán Anthony Kennedy, 81 tuổi, về hưu cuối tháng 7 này.

Đây không phải là một tin bất ngờ vì ông này đã đánh tiếng từ lâu rồi, nhưng sự ra đi của ông đang khiến khối cấp tiến choáng váng. Ông Kennedy do TT Reagan bổ nhiệm, có khuynh hướng thiên về bảo thủ, nhưng cũng rất nhiều lần biểu quyết theo cấp tiến, do đó đã là vị thẩm phán với lá phiếu quyết định, trong khi TCPV có 4 vị thẩm phán bảo thủ kiên trì và 4 vị cấp tiến kiên trì không kém.

TT Trump sẽ có dịp bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ chắc nịch như TP Neil Gorsuch, và TCPV sẽ nghiêng hẳn về khối bảo thủ.

Trước đây, việc bổ nhiệm thẩm phán TCPV rất khó khăn, cần tối thiểu 60 phiếu tại Thượng Viện, một việc khó hơn lên cung trăng trong thời buổi phân hoá chính trị trầm trọng hiện nay. Nhưng bây giờ thì trở thành rất dễ, chỉ cần 51 phiếu, là con số mà CH đang có. Dễ như vậy, chính là nhờ cựu lãnh tụ DC tại Thượng Viện, ông Harry Reid và đảng DC quá tự kiêu, cho rằng DC sẽ nắm quyền vĩnh viễn, nên thông qua cái luật phê duyệt nhân sự không phải vượt qua thủ tục câu giờ filibuster.

Nhờ sự dễ dãi đó mà phe cấp tiến bị gậy ông đập lưng ông, đang hoảng hốt trước viễn tượng TT Trump sẽ có dịp bổ nhiệm thêm một hay hai thẩm phán nữa vào TCPV, ngoài ông Gorsuch và một vị khác để thay thế ông Kennedy, khiến cán cân có thể nghiêng qua 6-3 hay 7-2 luôn, trong khi DC chỉ có thể ngồi nhìn và khóc. Bà Ginsburg đã 85 tuổi, đi không muốn vững, họp lâu thì ngủ gật, trong khi bà Sotomayor bị tiểu đường khá nặng, đã phải vào nhà thương khẩn cấp mấy lần, rồi ông Breyer cũng đã 80 rồi. Cái đáng lo nữa là những thẩm phán do TT Trump bổ nhiệm đều trong lứa tuổi ngũ tuần, tức là có thể ngồi trong TCPV hai ba chục năm dễ dàng.

TT Trump cho biết sẽ thông báo tên người ông bổ nhiệm ngày 9 tháng 7 tới. Ý của phe DC muốn trì hoãn qua sau bầu cử vì hy vọng DC sẽ chiếm đa số tại Thượng Viện và sẽ chặn được việc bổ nhiệm thẩm phán quá bảo thủ.

CH hiện nay chỉ nắm có đa số đúng một phiếu tại Thượng Viện. TNS McCain đang bệnh nặng sẽ không có mặt, tức là hai bên ngang ngửa, chỉ cần một nghị sĩ CH chuyển hướng là TT Trump sẽ thất bại. Mà muốn có sự đồng thuận của toàn thể 50 nghị sĩ CH thì thật khó hơn... nói chuyện với Bắc Hàn.

Bù lại, cũng chỉ cần hai ba nghị sĩ DC ủng hộ là TT Trump thành công, như trường hợp ông Gorsuch đã có 3 nghị sĩ DC ủng hộ.

Phản ứng của TTDC về sự từ nhiệm của TP Kennedy? Bà Jill Abramson cựu chủ bút của New York Times hô hào “chúng ta phải chống tất cả những ai được TT Trump đề cử”. Phản ảnh rõ hơn hết thái độ của TTDC: chống, chống và chống, bất kể chuyện gì. Ông Trump chưa đề cử ai, không cần biết là người như thế nào, đã chống rồi.

Lính Trung Quốc tràn vào châu Phi với chiêu bài bảo vệ tài sản” tại “đặc khu kinh tế” và ý đồ quân sự đáng sợ của Tập Cận Bình

29 Tháng Sáu, 2018

Theo hãng tin CNBC ngày 27.6, quân đội Trung Quốc (PLA) đang tính chuyện tăng cường hiện diện quân sự ở châu Phi để bảo vệ tài sản của Trung Quốc, bán vũ khí, tham gia gìn giữ hòa bình…

Hàng chục năm qua, sự hiện diện của Trung Quốc ở châu lục đen chủ yếu là các hoạt động kinh tế, thương mại và gìn giữ hòa bình. Nay Bắc Kinh xây dựng kế hoạch lập quan hệ quân sự đáng kể để bảo vệ quyền lợi, tài sản tại lục địa này, cũng như để gieo tầm ảnh hưởng lớn hơn, nhằm thể hiện vai trò Trung Quốc phải lãnh đạo toàn cầu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu.

Dùng binh lính bảo vệ công dân và tài sản ở nước ngoài

Cho đến nay, quân lính Trung Quốc chưa hề tham chiến, từ sau lần gây chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979.

Từ sau đó, Trung Quốc quyết định không can thiệp vào những cuộc chiến ở nước ngoài, cho đến khi ông Tập làm lãnh đạo thì có sự thay đổi. Từ khi nắm quyền lực, ông Tập muốn Trung Quốc chuyển mình thành một cường quốc của thế giới.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn nhắm đến năm 2020 sẽ cải tổ PLA, để có thể tham gia các chiến dịch khác ở nước ngoài, nhằm bảo vệ các quyền lợi và công dân Trung Quốc ở nước ngoài.

Từ đó, PLA thường xuyên tiến hành tập trận chung trên toàn châu Phi và tại một số nước mà Trung Quốc giành được việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong chương trình Một vành đai – Một con đường (BRI) mà ông Tập khởi xướng.

Tại nước Djibouti (châu Phi) có các công ty Trung Quốc xây dựng các cảng chiến lược và hệ thống đường sắt chuyên quốc gia đầu tiên của châu Phi. Năm ngoái, Bắc Kinh chính thức mở cửa căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, và căn cứ này cũng là một cơ sở hậu cần và tình báo.

Nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ còn có nhiều căn cứ nữa trong tương lai, và Namibia được đồn đoán là nơi sẽ mọc lên căn cứ quân sự của PLA.

Trong khi đó ở Tanzania, nơi mà tập đoàn nhà nước Merchants Holdings International (Trung Quốc) hy vọng sẽ đầu tư vào siêu cảng Bagamoyo, Bắc Kinh đã xây một tổ hợp để huấn luyện quân đội Tanzania từ đầu năm 2018.

Tại Diễn đàn An ninh-Quốc phòng Trung Quốc và châu Phi đầu tiên (tổ chức ở Bắc Kinh hôm 26.6), Bắc Kinh tuyên bố sẽ “hỗ trợ toàn diện” các nước châu Phi về những vấn đề như chống hải tặc, chống khủng bố. Báo chí nhà nước đưa tin sự ủng hộ này gồm cung cấp nhân lực, tư vấn chiến lược, công nghệ và phương tiện.

Tất các các động thái này vào lúc Mỹ có thể giảm số quân ở châu Phi (theo chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump) khiến Trung Quốc có thể ngoi lên là một quyền lực nước ngoài thống trị châu Phi.

Nhà nghiên cứu cao cấp Luke Patey thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Đan Mạch nói vài năm qua, việc Trung Quốc bán vũ khí cho châu Phi đã qua mặt Mỹ, đặc biệt là vũ khí hạng nhẹ và vũ khí nhỏ được bán tràn lan, vì không như các nhà cung cấp phương Tây, Trung Quốc không bị cấm bán vũ khí cho các nước đang có chiến tranh.

Ông nói thêm rằng hoạt động này song hành cùng kế hoạch của Bắc Kinh là mở rộng hợp tác quân sự. Đằng sau những nỗ lực cấp chính phủ này, có lẽ là ý đồ bảo vệ các nhân công Trung Quốc và các dự án do Trung Quốc tài trợ tại lục địa đen.

Viện Quan hệ đối ngoại Hoà Lan (Clingendael) vừa ra báo cáo, nêu: “Những quan ngại an ninh của Trung Quốc thật sự nhắm vào bảo vệ công dân của họ, ngoại giao quân sự được ứng dụng khéo léo để bảo vệ họ cùng quyền lợi của Trung Quốc”.

Báo cáo viết thêm: “Việc phải sơ tán hàng trăm công dân Trung Quốc và người nước ngoài khỏi Yemen năm 2015 trên những hộ tống hạm PLA đến từ vùng biển Somalia đã chứng minh sự cần phải có một căn cứ hậu cần quân sự ở vùng biển phía đông châu Phi cho Trung Quốc”.

Mục tiêu của Trung Quốc là cố gắng tránh tái diễn kinh nghiệm của họ ở Libya, khi các công ty Trung Quốc mất gần hết những khoản đầu tư trong cuộc nội chiến Libya, vốn đã buộc Bắc Kinh phải sơ tán 35.000 công dân của họ hồi năm 2011.

Châu Phi cần mở to mắt cảnh giác Trung Quốc can thiệp chính trị

Từ lâu, Trung Quốc mô tả sự hợp tác quân sự Trung Quốc-châu Phi là một thỏa thuận “đôi bên cùng thắng”: nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới “vô tư” tiếp cận nguồn tài nguyên của lục địa đen, trong khi các nền kinh tế châu Phi lại rất cần cơ sở hạ tầng.

Nhưng trong khi các chính phủ kẹt tiền tại châu Phi hoan nghênh dòng tiền tài trợ của Bắc Kinh, vẫn có sự sợ lo rằng số vốn đầu tư ngày càng tăng này có thể chuyển thành một lợi thế chính trị cho Bắc Kinh.

Thực tế là nhiều chuyên gia đã nói chính vì Trung Quốc lo ngại cho nguồn đầu tư của mình, đã dẫn đến hậu quả là Tổng thống Robert Mugabe bị quân đội Zimbabwe lật đổ hồi cuối năm 2017.

Đó là một cáo buộc mà chính phủ Trung Quốc cực lực bác bỏ. Nhưng ông Duncan Innes-Ker, Chủ nhiệm nhánh châu Á của tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence, nói: “Sự lo ngại của nhiều đối tác chính xác là Trung Quốc sẽ giữ vai trò nào tại châu Phi và nó sẽ tương tác thế nào với các tổ chức quân sự và các diễn đàn an ninh”.

Nhà nghiên cứu cao cấp Patey cũng nói thêm: “Các nước châu Phi cần phải mở to mắt và tai để hiểu rằng đã kết thúc cái thời mà Trung Quốc tuyên bố không bao giờ can thiệp vào chính trị của các nước khác”.

Trung Trực (theo CNBC)

Theo http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/linh-trung-quoc-ngay-cang-nhieu-o-chau-phi-91220.html

Friday, June 29, 2018

Trung Quốc đã bẫy và ép Sri Lanka "hai tay dâng cảng chiến lược" như thế nào?


HỒNG THỦY
The New York Times ngày 25/6 có bài phân tích, Trung Quốc làm thế nào để ép Sri Lanka phải nhượng một cảng quan trọng cho họ. Tác giả cho biết:
Mỗi lần Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa (2005-2015) dùng dự án xây dựng một cảng lớn tại Hambantota để vay tiền và xin viện trợ từ Trung Quốc, ông luôn được Bắc Kinh đáp ứng.
Mặc dù nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cảng Hambantota cho thấy dự án này không hiệu quả, Ấn Độ và các quốc gia cho vay khác đã từ chối dự án này, ông Mahinda Rajapaksa vẫn làm.
Cho dù nợ công của Sri Lanka dưới thời Mahinda Rajapaksa liên tục tăng nhanh, ông vẫn quyết tâm vay tiền và xin viện trợ từ Trung Quốc.
Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ khánh thành dự án Thành phố cảng Colombo trị giá 1,4 tỉ USD vay Trung Quốc, ngày 18/9/2014, ảnh: China Daily.
Qua nhiều năm đàm phán với một trong những doanh nghiệp nhà nước hàng đầu Trung Quốc, Công ty Công trình cảng khẩu Trung Quốc (China Harbour), sự thất bại của dự án xây dựng cảng Hambantota đã được dự báo từ đầu.
Mặc dù một trong những tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới chạy qua với hàng ngàn, hàng vạn tàu thuyền, nhưng năm 2012 cảng Hambantota chỉ thu hút được 34 tàu cập bến.
Sau đó, Hambantota "rơi vào tay" Trung Quốc trong 99 năm.
Mahinda Rajapaksa phải rời khỏi Phủ Tổng thống năm 2015, nhưng chính phủ mới của Sri Lanka phải vật lộn để thanh toán những khoản nợ ông ta đã tạo ra cho đất nước mình.
Dưới áp lực nặng nề và sau nhiều tháng đàm phán với Trung Quốc, chính phủ mới buộc phải bàn giao cảng Hambantota và 15 nghìn mẫu đất xung quanh nó cho Trung Quốc trong vòng 99 năm vào tháng Chạp năm ngoái.
Bản chất bẫy nợ của Vanh đai và Con đường bộc lộ
Vụ việc thôn tính cảng Hambantota là một trong những ví dụ sinh động nhất về việc Trung Quốc sử dụng các khoản cho vay và viện trợ của mình để đạt được ảnh hưởng trên khắp thế giới;
Đồng thời nó cũng là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng sử dụng các thủ đoạn cứng rắn như thế nào để thu hồi công nợ.

"Tại sao phải sợ Trung Quốc? Mọi giao dịch thua lỗ với Trung Quốc phải kết thúc"

Những thỏa thuận này cũng tăng cường các cáo buộc ngày càng gay gắt về sáng kiến Vành đai và Con đường của Tập Cận Bình:
Chương trình cho vay và đâu tư toàn cầu của Trung Quốc là một cái bẫy nợ nhằm vào các quốc gia dễ bị tổn thương trên khắp thế giới, thúc đẩy tham nhũng và hành vi chuyên chế tại các quốc gia mục tiêu.
The New York Times đã có một loạt bài phỏng vấn các quan chức Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc và phương Tây cùng với việc phân tích các tài liệu, thỏa thuận về dự án xây dựng cảng Hambantota.
Những thông tin này đã cho thấy rõ cách Trung Quốc và doanh nghiệp nhà nước của họ bảo vệ lợi ích của mình như thế nào tại các nước nhỏ đang khát vốn.
Có thể tóm tắt các thủ đoạn này của Bắc Kinh qua dự án xây dựng cảng Hambantota tại Sri Lanka qua mấy đặc điểm dưới đây:
Thứ nhất, can thiệp nội bộ, vận động hành lang cho những cá nhân và thế lực thân Trung Quốc lên nắm quyền.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Sri Lanka năm 2015, các khoản tiền lớn đã chảy trực tiếp từ tài khoản của China Harbour vào tài khoản của trợ lý tranh cử, phục vụ chiến dịch tái tranh cử Tổng thống của ông Mahinda Rajapaksa.
Mahinda Rajapaksa được xem là đồng minh quan trọng của Trung Quốc, chấp nhận mọi điều kiện Bắc Kinh đưa ra và sẵn sàng làm giảm ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nam Á.
The New York Times đã nhìn thấy kết quả điều tra của chính phủ Sri Lanka cũng như các bằng chứng chuyển khoản (của Trung Quốc cho Mahinda Rajapaksa).
Ông Mahinda Rajapaksa. Ảnh: Onlanka News.
Thứ hai, mục tiêu tình báo và quân sự đi kèm các dự án cho vay trong khuôn khổ Vành đai và Con đường
Mặc dù các quan chức và giới phân tích Trung Quốc lúc nào cũng khẳng định, lợi ích của họ tại cảng Hambantota thuần túy là thương mại, nhưng quan chức chính phủ Sri Lanka cho hay:
Ngay từ lúc bắt đầu đàm phán, tiềm lực tình báo và chiến lược của Hambantota đã là một phần nội dung trao đổi.
Thứ ba, lãi suất ưu đãi chỉ làm mồi, con mồi dính bẫy sẽ ép gán nợ bằng lãnh thổ
Sau mỗi lần quan chức Sri Lanka đề nghị đàm phán lại và tăng tín dụng, các khoản vay ưu đãi dành cho dự án Hambantota lúc đầu ngày càng trở nên đắt đỏ.
Những năm gần đây, Sri Lanka ngày càng bị bức bách bởi nợ công và hy vọng được xóa nợ, thì Trung Quốc càng tảng lờ;
Ngược lại, họ yêu cầu tập trung đàm phán việc chuyển giao cảng Hambantota cho Trung Quốc.
Thứ tư, gán lãnh thổ vẫn chưa hết nợ
Mặc dù thỏa thuận chuyển giao cảng Hambantota cho Trung Quốc đã xóa khoản nợ 1 tỉ USD vì dự án này, nhưng do các khoản vay khác từ Trung Quốc vẫn tiếp tục với lãi suất cao hơn rất nhiều các nguồn vốn quốc tế khác, nợ công của Sri Lanka với Trung Quốc vẫn đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Hủ bại tất dẫn tới thất bại

Mahinda Rajapaksa và các trợ lý của ông ta trong vài tháng liền đã không trả lời câu hỏi của The New York Times;
Các quan chức của công ty China Harbour cũng im lặng.
Báo cáo của Bộ Tài chính Sri Lanka đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm: năm nay, chính phủ nước này dự kiến thu ngân sách đạt khoảng 14,8 tỉ USD, thì đã phải trả nợ 12,3 tỉ USD cá vốn lẫn lãi cho các chủ nợ quốc tế.
Giáo sư Brahma Chellaney từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi, Ấn Độ bình luận:
"John Adams có câu nói nổi tiếng rằng, muốn chinh phục một quốc gia thì hoặc là dùng kiếm sắc, hai là dùng nợ nần. Trung Quốc đã chọn cách thứ 2".
Trung Quốc tìm cách đưa quân đội vào lãnh thổ các con nợ, càng là đồng minh càng dễ trở thành mục tiêu
Điều mà giới chức Ấn Độ lo lắng hiện nay là, rất có thể do tình trạng nợ như chúa Chổm mà Sri Lanka buộc phải chấp nhận yêu sách của Trung Quốc, đổi việc xóa nợ lấy quyền sử dụng cảng Hambantota vào mục đích quân sự;
Hợp đồng Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota và 15 ngàn mẫu đất xung quanh nó trong vòng 99 năm đã cấm Trung Quốc tiến hành hoạt động quân sự ở đây "nếu không có sự cho phép" của chính phủ Sri Lanka.
Diễn biến cục diện Biển Đông, phân tích và bình luận
Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shivshankar Menon nhận định:
"Trung Quốc đầu tư vào Hambantota là do những toan tính về an ninh, đây là lý giải hợp lý duy nhất. Mục đích cuối cùng của họ là đóng quân tại Hambantota."
Trung Quốc và Sri Lanka có quan hệ hữu hảo từ rất sớm. Sri Lanka là một trong những nước đầu tiên công nhận Cộng hòa Dân chủ nhân dân Trung Hoa sau năm 1949.
Nhưng trong cuộc xung đột gần đây hơn, cuộc nội chiến tàn bạo suốt 26 năm giữa Sri Lanka với lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil, Trung Quốc mới trở thành đồng minh không thể thiếu.
Mahinda Rajapaksa đắc cử Tổng thống Sri Lanka năm 2005, lãnh đạo đất nước này trong giai đoạn cuối của cuộc nội chiến, vì những cáo buộc vi phạm nhân quyền nên Sri Lanka dưới thời ông cầm quyền đã bị cô lập.
Hình ảnh ông Tập Cận Bình và ông Mahinda Rajapaksa tại cảng Hambantota. Ảnh: CNN.
Trong nhiệm kỳ của Mahinda Rajapaksa, Sri Lanka hoàn toàn dựa vào Trung Quốc về viện trợ kinh tế, thiết bị quân sự lẫn sự ủng hộ chính trị tại Liên Hợp Quốc, để đối phó với khả năng bị bao vây cấm vận.
Cuộc nội chiến kết thúc năm 2009, Sri Lanka thoát khỏi tình trạng hỗn loạn cũng là lúc Mahinda Rajapaksa cùng người nhà của ông ta củng cố quyền lực và địa vị.
Trong thời kỳ đỉnh cao quyền lực, 3 người anh em của Mahinda Rajapaks đã khống chế nhiều bộ ngành quan trọng trong chính phủ, cũng như 80% ngân sách quốc gia.
Trung Quốc thường đàm phán trực tiếp với những người này.
Chính vì vậy, khi Tổng thống Mahinda Rajapaksa kêu gọi xây dựng một cảng khẩu lớn ở Hambantota, những tiếng nói phản đối chỉ như châu chấu đá xe.
Hambantota là quê hương của Mahinda Rajapaksa, là một vùng đất thiếu sức sống. Và ngay từ đầu đã có những quan chức nghi ngờ dự án xây dựng cảng khẩu lớn thứ 2 của Sri Lanka tại Hambantota là thiếu sáng suốt.
Sri Lanka chỉ có diện tích lãnh thổ bằng 1/4 nước Anh với dân số 22 triệu người, cảng Colombo ở thủ đô phát triển phồn vinh vẫn còn không gian để mở rộng quy mô hoạt động.
Vành đai và Con đường, phân tích - bình luận
Đơn vị được chính phủ Sri Lanka giao nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng cảng Hambantota đã kết luận rõ, về mặt kinh tế việc xây dựng cảng tại Hambantota là không khả thi, không hiệu quả.
Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Shivshankar Menon cho biết:
"Họ đã tiếp cận chúng tôi ngay từ đầu, và các doanh nghiệp Ấn Độ đã từ chối. Dự án khi đó không có giá trị nào về mặt kinh tế, bây giờ cũng vẫn vậy."
Nhưng Mahinda Rajapaksa đã bật đèn xanh cho dự án này, sau đó trong một thông cáo báo chí, ông tuyên bố bất chấp mọi cảnh báo tiếp tục thực hiện dự án này, và Trung Quốc sẽ tham dự.
Năm 2007 Cục Cảng vụ Sri Lanka bắt đầu lên kế hoạch xây dựng cảng Hambantota mà các quan chức nước này ca ngợi là hợp lý về kinh tế, kĩ lưỡng và thận trọng.
Nguồn kinh phí đầu tiên để thực hiện dự án này đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EXIM) với tổng số vốn 307 triệu USD. 
Thủ đoạn ép quốc gia mục tiêu chấp nhận nhà thầu Trung Quốc giá cao và nhập khẩu lao động Trung Quốc
Tuy nhiên, một bức điện tín của Đại sứ quán Mỹ lúc đó được WikiLeeks tiết lộ cho thấy, để có được 307 triệu USD, Sri Lanka buộc phải chỉ định thầu Công ty Công trình cảng khẩu Trung Quốc (China Harbour) mà Bắc Kinh giới thiệu.
Vị trí hai cảng chiến lược của Sri Lanka.
Đây là yêu cầu điển hình của Trung Quốc với các dự án trọng điểm của họ trên khắp thế giới, chứ Trung Quốc không để đấu thầu công khai.
Theo các quan chức khu vực này, Bắc Kinh cho vay hàng tỉ USD sau đó đòi con nợ phải "lại quả" bằng cách thuê nhà thầu Trung Quốc với giá cao ngất ngưởng, đi sau là hàng ngàn lao động Trung Quốc.
Các khoản vay này còn đi kèm các điều kiện khác, điều đó cho thấy ngay từ đầu Trung Quốc đã nhắm vào giá trị chiến lược của Hambantota.
Cựu Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc Nihal Rodrigo cho biết, trong đàm phán các quan chức Trung Quốc nói rất rõ, chia sẻ tin tức tình báo là một bộ phận của dự án.
Bắc Kinh muốn biết những ai (tàu thuyền nước ngoài nào) đến và đi từ cảng này.
Can thiệp sâu vào nội bộ, thao túng lãnh đạo quốc gia "con mồi"
Vài năm sau, các quan chức Trung Quốc thông qua China Harbour không tiếc tiền đầu tư "quan hệ" với Tổng thống Mahinda Rajapaksa.
Những tháng cuối trong cuộc đua tranh cử Tổng thống Sri Lanka 2015, Đại sứ quán Trung Quốc đã làm một việc chưa từng có tiền lệ trong hoạt động ngoại giao quốc tế, tổ chức vận động tranh cử cho ông Mahinda Rajapaksa.

Ông Tập Cận Bình có chịu thay đổi dưới áp lực Hoa Kỳ?

Trước ngày bầu cử Tổng thống Sri Lanka khoảng 1 tháng, Trung Quốc đã rót khá nhiều tiền vận động cho ông Mahinda Rajapaksa.
Một bản báo cáo nội bộ của chính phủ Sri Lanka đang điều tra về việc này cho thấy, có ít nhất 7,6 triệu USD đã chảy từ tài khoản của China Harbour tại ngân hàng Standard Chartered vào tài khoản bộ phận vận động tranh cử của ông Mahinda Rajapaksa.
Trước cuộc bầu cử 10 ngày, Trung Quốc đã rót 3,7 triệu USD ủng hộ Mahinda Rajapaksa, chi cho các hoạt động:
In và phát miễn phí áo phông và tài liệu tuyên truyền ủng hộ Mahinda Rajapaksa, kinh phí 678 ngàn USD; mua quà cho người ủng hộ 297 ngàn USD;
38 ngàn USD chi quà cho một số vị tăng lữ có ảnh hưởng để họ ủng hộ Mahinda Rajapaksa, 1,7 triệu USD đến phủ thủ tướng Sri Lanka ở Temple Trees, Colombo...
Đại bộ phận các khoản chi này đến từ tài khoản của China Harbour, mang tên HPDP Phase 2 (dự án xây dựng cảng Hambantota giai đoạn 2).
Nguồn:
https://www.nytimes.com/2018/06/26/world/asia/china-sri-lanka-port-hans.html
https://www.nytimes.com/2018/06/25/world/asia/china-sri-lanka-port.html
http://giaoduc.net.vn/quoc-te/trung-quoc-da-bay-va-ep-sri-lanka-hai-tay-dang-cang-chien-luoc-nhu-the-nao-post187468.gd

Blog Archive