Sunday, July 31, 2016

“Trần Gian Một Khúc”

Con người ta sinh ra, ai thoát khỏi: sinh, lão, bệnh, tử? Sinh, Trụ, Hoại, Diệt là định luật của tạo hóa, không có cách chi thay đổi được.

Cây cối đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân, xanh tốt xum xuê trong mùa hè, lá héo vàng vào mùa thu, đến mùa đông thì lá vàng rơi rụng, chỉ còn trơ trụi cành cây. Rồi tới mùa xuân năm sau, cây lại đâm chồi nảy lộc. Cái chu kỳ sinh, trụ, hủy, diệt cứ tiếp nối nhau, không ngưng nghỉ.

Ðời người là bể trầm luân, cõi thế gian đầy những ưu tư phiền não. Vạn vật đều bị chi phối bởi luật vô thường.. Vừa mới sinh ra cất tiếng khóc oa oa chào đời. Rồi lớn lên, bước vào đời với bao nhiều mộng đẹp. Thoắt một cái, mái tóc đã điểm sương, mắt đã mờ, lưng đã mỏi, 2 chân đã chậm chạp. Rồi cuối cùng, là hai tay buông xuôi, đi vào lòng đất, bỏ lại trên thế gian tất cả các thứ mà cả đời phải bôn ba vất vả mới làm ra được..

Ðời người như giấc mộng. Người ngoại quốc cũng có câu: Life is too short. (cuộc đời quá ngắn) Thế mà, con người ta khi còn sức khỏe thì mải mê kiếm tiền, lo củng cố địa vị, danh vọng, không có thì giờ để hưởng đời đúng nghĩa.

Cũng ít ai sửa soạn tâm tư để đón nhận những cái vô thường của tuổi già. Ðến khi mái tóc đã điểm sương, da đã nhăn, mắt đã mờ, chân đã chậm thì mới giật mình, rồi buồn phiền, thất vọng, nuối tiếc. Khi đó, bao nhiêu tiền của cũng trở thành vô dụng. Ăn uống thì phải kiêng thứ này, cữ thứ kia vì đường lên cao, cholesterol lên cao. Ăn đồ cứng không được vì hàm răng cái rụng, cái lung lay. Ði chơi xa thì không dám vì sức khỏe kém, đầu gối đau nhức. Nghe nhạc, xem phim cũng không được vì tai đã nghễng ngãng, mắt đã kèm nhèm.

Người VN mình vốn cần kiệm, chăm làm, chắt bóp để có của ăn của để. Làm việc thì liên miên quên cả cuối tuần, bất kể ngày lễ hay ngày Tết. Làm thì nhiều, mà ít dám vui chơi huởng thụ như người Âu Mỹ.. Suốt đời cặm cụi, nhịn ăn nhịn mặc, để dành, mua cái nhà cái cửa để một mai khi chết thì để lại cho con cháu. Sống như vậy quả là thiệt thòi.

Người xưa đã nói:
Một năm được mấy tháng xuân
Một đời phỏng được mấy lần vinh hoa

Và:

Chẳng ăn, chẳng mặc, chẳng chơi
Bo bo giữ lấy của trời làm chi
Bẩy mươi chống gậy ra đi
Than thân rằng thuở đương thời chẳng chơi

Con người có tham vọng, có nhu cầu nên mới bon chen. Suốt đời cứ miệt mài lo tìm kiếm những thứ vô thường mà quên mất chữ “nhàn”. Những thứ vô thường này là nguyên nhân đưa đến lo âu, căng thẳng, mất ăn, mất ngủ. Và nếu kéo dài có thể đưa đến bệnh tâm thần.

Ông Cả ngồi trên sập vàng
Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo
Ông bếp ngồi cạnh đống tro
Ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm
Ðời người sống mấy gang tay
Hơi đâu cặm cụi cả ngày lẫn đêm

Hoặc là

Ăn con cáy, đêm ngáy o..o
Còn hơn ăn con bò, mà lo mất ngủ.

Người xưa tuổi thọ kém, ngay tới vua chúa cũng chỉ sống tới khỏang 50 tuổi. Tới 60 tuổi đã ăn mừng “lục tuần thượng thọ. Còn tới 70 tuổi, thì thực là hiếm hoi. Bởi vậy mới có câu: “nhân sinh thất thập cổ lai hy (tức là, người ta có mấy ai mà sống được tới 70).

Ngày nay nhờ khoa học tiến bộ. Con người được sống trong điều kiện vật chất vệ sinh, và thoải mái hơn. Những phát minh của ngành Y, Dược đã giúp nhân loại vượt qua được các bệnh hiểm nghèo, mà người xưa kêu là bệnh nan y như bệnh lao, bệnh phong cùi, bệnh suyễn. Ngày nay người ta sống tới 80, 90 tuổi không phải là ít. Tuy nhiên sống lâu chưa phải là hạnh phúc. Hạnh phúc là luôn cảm thấy vui vẻ, yêu đời, biết tận hưởng cuộc sống. Muốn vậy thì cần phải giữ cho thân tâm được an lạc.

Tâm thân an lạc là biết vui với những cái trong tầm tay của mình, chấp nhận những điều mình không thể nào tránh khỏi. Sống hòa hợp vui vẻ với mọi người xung quanh, không chấp nhất, tỵ hiềm.

Lớn tuổi thì không làm ra tiền, nhưng cũng may, ở những nước tân tiến đều có khoản tiền trợ cấp cho người gìà để có thể tự lực mà không cần nhờ cậy vào con cháu. Các cụ gìà nên mừng vì sang được xứ này, thay vì ấm ức với số tiền quá khiêm nhượng, không thể tiêu pha rộng rãi như bạn bè.

Già thì phải chịu đau nhức, mắt mờ, chân chậm, đừng nên than thân trách phận, cau có, gắt gỏng, đã không làm được gì hơn mà còn tạo sự áy náy, thương cảm cho những người xung quanh.

Ở đời mỗi người một cảnh, vui với cảnh của mình, không suy bì, thèm muốn, ganh ghét với những người xung quanh.

Biết đủ thì đủ (Tri túc, tiện túc)
Người ta bảo trên 60 tuổi, mỗi ngày sống là một phần thưởng cho thêm (bonus) của Thượng Đế.

Vậy thì hãy nên vui vẻ, tận hưởng những ân sủng mà không phải ai cũng có được: Ðời sống của mình vui tươi hay buồn thảm là tùy thuộc vào thái độ của mình đối với cuộc SỐNG.

Sưu tầm

Dòng nhật ký

Hạnh phúc, niềm vui, thành công... thật ra rất đơn giản để có. Nếu không tin, bạn hãy đọc những dòng nhật ký dưới đây.
1. Thế nào là thành công

Khi người ta đến tuổi trung niên, thân thể khỏe mạnh, có tiền dành dụm, đã kết hôn, vợ chồng quan tâm chăm sóc lẫn nhau, con cái vâng lời, có được công việc mà mình yêu thích.

Chẳng cần nổi tiếng, cũng không cần phát tài, không cần thiết cứ phải nhìn vào gương người ta mà làm việc, được sống đúng với chính bản thân mình, đây chính là thành công.

2. Thế nào là niềm vui

Vu Quyên, một giáo viên đại học Phục Đán qua đời vì căn bệnh ung thư, vào những thời khắc cuối cùng của cuộc đời, cô đã viết trong nhật ký rằng: 

Khi ở vào thời khắc giới hạn của sự sống và cái chết, bạn sẽ phát hiện rằng, mọi phấn đấu của bản thân (thức trắng đêm trong một khoảng thời gian dài giống như việc tự sát mạn tính vậy), những đòi hỏi mua nhà mua xe, đều mang đến rất nhiều áp lực cho bản thân. Những thứ này đều là phù vân cả. Nếu như có thời gian, hãy ở bên con cái nhiều hơn, lấy số tiền đó mà mua thêm vài đôi dép cho ba mẹ, đừng liều mạng để đổi căn nhà lớn gì đó, hoặc đổi xe hạng sang gì đó, hãy ở bên cạnh những người mà mình thương yêu, căn nhà nhỏ mà ấm cúng, thì đi xe đạp cũng sẽ thấy vui”.

3. Giá trị của bạn nằm ở đâu

Nếu như bạn nằm liệt giường hoặc đột nhiên chết đi, việc đầu tiên mà đơn vị công tác của bạn làm chính là tìm một người khác để thay thế, tất cả đều sẽ vận hành bình thường, bạn sẽ không quan trọng như bạn nghĩ. 

Còn ba mẹ, người nhà và những đứa con của bạn, họ sẽ cảm thấy như bầu trời đã đổ sụp xuống. Đối với họ, bạn mới thật sự là người quan trọng. Vậy nên lúc có bệnh thì nên giành thời gian cho bản thân, làm việc đúng mức, ở bên gia đình nhiều hơn, yêu mến bản thân mình, sống những ngày tháng yên bình, vui vẻ và hạnh phúc.

4. Hạnh phúc là gì
Trong nhà không có người bệnh, trong tù không có người thân, bên ngoài không có kẻ thù, trong mối quan hệ không có kẻ tiểu nhân, bên cạnh không có những kẻ xấu xa, làm việc có người thành thạo, đàm luận có người thông minh. 

Tụ họp có cao nhân, uống trà có hiền nhân, tán gẫu có người phóng khoáng,...

Trong cuộc sống, có những việc thích làm, có một thân thể khỏe mạnh, có người yêu thương mình, có một đứa con dễ thương đáng yêu, có những người bạn đã một thời gian không gặp mà nhớ đến.

Đây chính là hạnh phúc.
Tham
Biến cố 30-4-1975 là một mốc thời gian trong đời không bao giờ xóa nhòa trong ký ức tôi. Mặc dù chuyện đã xẩy ra 41 năm, tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một mọi diễn tiến từ sáng sớm ngày 29 tôi chuẩn bị rời nhà leo lên chiếc xà-lan có lính Mỹ ở Bến Bạch Đằng cho đến trưa hôm sau tôi đặt chân lên một chiếc tầu chiến của Đệ Thất Hạm Đội Hoa-Kỳ. Bao nhiêu cảnh tượng trong cuộn phim kỷ niệm vẫn còn rõ ràng trong trí óc, từ khung cảnh hỗn loạn cướp bóc hoành hành giữa thanh thiên bạch nhật ở Khánh Hội nơi tôi leo lên chiếc xà-lan, cho đến sự căng thẳng tối om tĩnh mịch của chiếc xà-lan âm thầm chạy trên sông trong đêm khi có tiếng máy ghe chạy bám theo càng ngày càng gần mà người trong xà-lan không biết bạn hay địch, và khi xà-lan ra đến biển, hàng trăm chiếc ghe giàn hàng lố nhố ở chân trời chờ xà-lan đến để chạy theo, biết chắc là xà-lan sẽ dẫn đến chiến hạm Hoa-Kỳ.
Trong nhiều cảnh tượng hồi hộp đó, có một cảnh tượng bi thương diễn tả sự may mắn và bất hạnh của những kẻ tuyệt vọng đi tìm tự do: tôi là kẻ may mắn vì nhờ chiếc xà-lan cặp vào mà tôi leo lên được chiến hạm Mỹ. Cả trăm chiếc ghe khác, biết rằng cặp được vào xà-lan là sẽ tìm được sự sống nên cùng một lúc hối hả tranh giành nhau lái đến chiếc tầu khi đạn pháo kích Cộng Sản bắn ra biển từ đất liền. Để giữ trật tự ưu tiên cho cuộc di tản vì còn nhiều xà-lan khác lần lượt chờ đến phiên để cặp vào tầu, lính Mỹ trên chiến hạm lúc bấy giờ dùng súng M-16 bắn chỉ thiên lẫn bắn xuống biển ngay đầu tầu chiến. Sự đe dọa này có hiệu lực vì các ghe thuyền hoảng sợ quay đầu bỏ chạy. Đứng trên tầu mục kích cảnh tượng đó, tôi ước ao có một máy chụp hình để chụp lại một biến cố kinh hoàng trong đời sống.
May cho tôi được định cư bên Mỹ nên sự ham mê chụp hình tương đối dễ dàng được thành tựu khi tôi đặt chân đến xứ tự do. Cho dù làm lương rẻ đến đâu, chỉ cần ăn tiêu cần kiệm là một người có thể mua máy chụp hình. Với lòng say mê nhiếp ảnh, tôi mua đủ loại camera phim 35mm, và ngay cả mua dụng cụ rửa hình ở nhà.
Khi digital camera ra đời, mọi người trở nên nhiếp ảnh gia tài tử vì máy ảnh nhỏ, dễ chụp, và xem được hình ngay. Tôi chỉ thích dùng máy camera cồng kềnh loại thay ống kính được (DSLR -Digital Single Lens Reflect), nhưng cho dù có thích đến đâu, tôi cũng không dám bỏ tiền mua loại chuyên nghiệp gọi là "full frame" vì giá quá đắt. Cái đắt nhất của NIKON, giá body only chưa có ống kính, D3x, là $6000 dollars, của Canon EOA-5DS R, là $6600 dollars (cộng thêm 9% tiền thuế nếu ở Los Angeles).
Thế nhưng sau bốn năm dùng máy "rẻ tiền" Nikon D7000 (với lens 18-200mm) mà tôi mua mới với giá $1,800 dollars, tôi bỗng nhận thấy triết lý đời sống của phụ nữ rất là đúng:
xài sao cho đáng đống tiền,
Chanel, Hermès, mua liền chị em ơi.
Từ xưa đến nay tôi không hiểu tại sao đàn ông có thể dùng ví giá $10 dollars là đủ, trong khi phụ nữ mang xách tay Louis Vuitton, Chanel, Hermès giá bằng phi thuyền lên mặt trăng. Xách tay đắt tiền nhất bán vào tháng 6 năm ngoái ở HongKong hiệu Hermès Berkin có người mua với giá  $222,000 dollars! Thế nhưng bây giờ tôi mới hiểu chân lý sống phụ nữ nghĩ đúng, đời là ngắn ngủi, thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt còn hơn là le lói suốt trăm năm.
Thích gì? mua đại cho rồi,
không mua, ấm ức, đứng ngồi không yên.

Vì thế, tôi bạo gan mơ ước muốn mua một camera chuyên nghiệp full frame, nhưng không phải cái đắt mà là cái rẻ tiền thứ nhì của Nikon: D750. Với thêm ống kính 24-120mm, giá bán ở Mỹ là $2,600 dollars. Kể cả thuế và tiền gửi, giá lên đến $2,800.  $2,800 dollars là một số tiền khổng lồ, đủ để mua quần lót dự trữ cả đời người nên đối với một người hà tiện như tôi, việc ra tiệm mua camera mới sẽ không bao giờ xẩy ra. Vì thế, tôi lên ebay thăm dò.
Ở Mỹ bây giờ mua bán trên mạng lưới rất thường nhật. Ngoài việc khỏi tốn thì giờ, giá rẻ như đi mua ở tiệm. Con gái lớn của tôi hầu như không bao giờ đi shopping. Nó mua tất cả mọi sự, ngay cả giấy toilette, trên Amazon. Nó đóng lệ phí $99/ một năm để gửi hàng được miễn phí (một người lớn và bốn trẻ con trong nhà cũng được miễn phí theo), và món hàng gửi đến nhà cấp tốc trong hai ngày.
ebay giống như Amazon, cái gì cũng có, cái gì mua cũng được. Nhưng ebay có hơn một lợi điểm là cả cửa hàng chuyên nghiệp lẫn tư nhân đều bán, mới hay cũ, và khác với hàng Amazon, mua ở ebay từ ngoài tiểu bang mình ở thì không phải đóng thuế.
Tôi mua trên ebay rất nhiều đồ dùng trong nhà, kể cả camera và phụ tùng. Có những thứ không thể nào ra tiệm tìm được, chỉ ebay mới có. Những thứ tôi đã từng mua là quạt gió gắn trên trần phòng rest room, phụ tùng cho máy lọc nước hồ bơi, và phụ tùng cho ổ vặn nước trong phòng tắm. Khi nhà xây đã lâu, vật dụng trong nhà bắt đầu hư,  tìm phụ tùng ngoài tiệm rất khó khăn vì tiệm thường bán những mặt hàng mới. Tìm trên ebay thì có ngay.
Camera bán trên ebay cũng không rẻ so với bên ngoài, nhưng thỉnh thoảng có người mua máy vẫn còn mới, hoặc dùng rồi, bán lại. Đôi lúc may mắn mình mua được rẻ. Tôi theo dõi hơn một tháng trên ebay không thấy ai bán rẻ, cho đến một hôm tôi thấy có người quảng cáo bán cái tôi muốn mua, Nikon D750 với ống kính 24-120mm, giá $1,800 dollars, gửi miễn phí.
$1,800 dollars so với giá tiệm bán $2,800 dollars là rẻ hơn đến $1,000 dollars! Vì trên ebay có nhiều người bán lường gạt, tôi cẩn thận tìm hiểu xem người bán này có gia nhập ebay lâu chưa, mua bán nhiều không, và người khác phê bình thế nào?
Theo hồ sơ trên ebay thì người này mới gia nhập ebay tám tháng, chỉ có hai mươi lời phê bình của người mua/bán, nhưng tất cả đều khen tốt.
Nếu người này gia nhập ebay lâu đời và có trăm lời phê bình tốt thì tôi đã mua ngay lập tức. Nhưng người này tương đối mới, và số người phê bình rất ít làm tôi suy nghĩ do dự, bứt hơn chục sợi râu mà không biết có nên mua hay không. $1,800 dollars thì quá rẻ, nhưng có thể của rẻ là của hôi. Hơn nữa, không có lý nào giá rẻ quá như vậy, nhỡ người bán lường gạt rao bán giá rẻ, dụ người mua rồi lấy tiền không gửi món hàng thì sao?
Sự lo lắng của tôi không thể nào đánh bại nỗi ước ao tôi có được một máy ảnh "full frame" nên sau vài phút do dự, tôi quyết định mua vì biết rằng ebay có chính sách bảo đảm "money back guarantee": ebay trả tiền lại cho người mua nếu món hàng mua người bán gửi không đúng với lời quảng cáo, hoặc mình không nhận món hàng.
Ba ngày sau, nỗi e ngại của tôi biến thành sự thật: người bán không trả lời email tôi hỏi tại sao tôi không nhận bằng chứng gì là món hàng đã gửi. Tôi viết báo cho ebay. ebay nói tôi phải đợi bốn ngày nữa để xem có phải thật sự người bán không gửi hàng. Bốn ngày chờ đợi qua đi, ebay trả lại tôi $1,800 dollars.
Tuy rằng tôi đã gặp một người lường gạt lấy tiền, tôi không mất một đồng nào vì ebay bảo đảm, trả tiền lại cho tôi. Không những chỉ có tôi mà có thêm một người nữa bị gạt, tổng cộng 3,600 dollars, vì người bán quảng cáo có hai camera.
Nếu tôi không mua, người quảng cáo bán chiếc camera Nikon D750 với ống kính 24mm-120mm trên ebay đã không lường gạt được tôi. Tôi như con cá cắn câu bị mồi dụ, thấy giá quá rẻ nên mua: tôi tham.
Tham là gì? Tham là lòng ích kỷ, mong muốn thái quá một cái gì hơn là đủ dùng, như là tiền bạc, của cải, thức ăn. Nhân chi sơ tính bổn thiện, khi lớn lên biết ăn diện, nhân chi già tính bổn tham.
Ngày xưa còn nhỏ tôi biết tính tôi đã tham vì mỗi lần mẹ tôi cắt trái xoài làm ba phần, chính giữa là hột, mỗi người chỉ được lấy một phần, tôi cứ so sánh mãi, mất cả giờ không biết nên lấy phần cái hột hay lấy phần vỏ cắt vì tôi muốn lấy phần to, nhưng không biết phần nào lớn hơn.
Bây giờ thì lòng tham của tôi ở khắp nơi. Ra đường thấy đồng dollar trên đường là lòng tham giục tôi cúi xuống nhặt. Cuối tuần vừa rồi đáp máy bay đi Atlanta, máy bay bán quá vé, hãng hàng không hỏi có hành khách nào muốn đổi chuyến bay giờ khác họ sẽ cho thêm $300 dollars, tôi nhanh nhẩu tình nguyện để được 300 dollars vào túi. Đi Las Vegas tôi thỉnh thoảng mua thẻ ăn $50 dollars ăn 24 giờ vô giới hạn ở năm khách sạn khác nhau (giá quá rẻ vì ăn một bữa ở một khách sạn giá ít nhất đã là $25 dollars). Tuần trước một siêu thị ở đây quảng cáo bán trái lựu ba pounds/ một dollar (khoảng 35 cents một trái khá to), tôi thích trái lựu nên mua 15 trái, chỉ để một mình tôi ăn!
Những sự tham tôi kể ra ở trên chỉ là lặt vặt, "đồ bỏ". Khi nói đến tham dùng đủ mọi phương tiện bất chính để tước đoạt của cải người khác đem về cho mình, như người gạ bán máy chụp hình giả cho tôi thì xã hội đầy dẫy cả trăm triệu người, từ vài đồng đến bạc tỷ, từ cá nhân đến cơ quan, từ hàng quán đến nhà băng, từ anh lính quèn đến chính trị gia, từ thành thị đến thôn quê.
Tham là một trong bẩy tội mà nghìn năm về trước, các nhà thờ Công Giáo đã phân loại, chỉ điểm để con chiên cảnh giác giữ mình trong đời sống:
Tội kiêu ngạo.
- Tội tham lam.
- Tội dâm dục.
- Tội hờn giận, thù hằn.
- Tội mê ăn uống.
- Tội ghen ghét, đố kỵ.
- Tội lười biếng.    
(để ý là không có tội mê Facebook)
Nếu mọi người sống ở núi Bà Đen Châu Đốc thời tiền sử không có nhà cửa, không có xe hơi nhà lầu, không có iPad iPéo, không có camera TV, mà chung quanh chỉ là đồng không mông quạnh với sức người sỏi đá cũng thành cơm thì tôi chắc chắn không một ai tham lam vì không ai biết đến sự hiện hữu của vật chất xa hoa, các thầy tu Công Giáo không cần giảng dậy bẩy tội the seven deadly sins  cho tín đồ.
Chỉ vì lòng ham muốn vật chất chung quanh trong đời sống mà con người phạm tội nẩy ra lòng tham, như bà Eve cũng vì tham lam nên nghe lời con rắn xúi giục ăn trái cây biết điều thiện ác, thành thử Chúa phạt không còn được sự sống đời đời.
Tôi nên học bài học này không để cho sự vật gì dấy động lòng tham của tôi. Tuy rằng có mê chiếc máy chụp hình thật, nhưng nếu không có ebay quyến  tôi với giá bán rẻ thì làm gì tôi đã mua, gây cớ vấp phạm cho kẻ khác lường gạt mình.
Tôi sẽ không mua camera tôi mê Nikon D750/24mm-120mm lens ở ebay nữa.
Hmm, nhưng nếu có người khác bán giá rẻ như thế, tôi sẽ vẫn mua!

Nguyễn Tài Ngọc

Saturday, July 30, 2016

CHUYỆN ĐỘC ĐÁO CHƯA TỪNG KỂ CỦA GS JOHN VU

Câu chuyện độc đáo, sâu sắc và góc nhìn thông thái của GS John Vu - Nguyên Phong về cuộc trò chuyện thú vị với Bill W. G, khi đi giảng ở hai quốc gia lớn Châu Á. (GS John Vu sau khi rời Vice President của Boeing, hiện là Viện Trưởng Viện Công Nghệ Sinh Học ĐH Canergie Mellon, là dịch giả/tác giả bộ sách 'Hành Trình về Phương Đông', 'Đường Mây qua Xứ Tuyết', 'Ngọc Sáng Hoa Sen', 'Trên đỉnh Tuyết Sơn'... và cuốn mới nhất 2016 là 'Khởi Hành').

"Hè năm ngoái tôi đã đi dạy với Bill G và học được rất nhiều qua kinh nghiệm của người giám đốc điều hành doanh nghiệp này. Khi đi qua nhiều nước, chúng tôi thường xếp hàng ở sân bay. Bill quan sát: 

Ông có thể thấy ở một số nước, mọi người chờ đợi kiên nhẫn cho đến lượt họ nhưng ở các nước khác, mọi người thường chen lấn xô đẩy. Mọi người mua vé đều có chỗ trên máy bay rồi vậy sao họ phải xô đẩy người khác? Dường như là giáo dục của họ thiếu đào tạo phép xã giao và sự tự trọng. 

Nước này vẫn muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới nhưng cứ nhìn vào dân chúng sô bồ, hỗn loạn, chen lấn và thiếu tự trọng này thì còn lâu họ mới lấy được sự kính trọng của những quốc gia khác. Họ có thể có sức mạnh kinh tế nhưng muốn đi xa hơn thì còn lâu lắm vì kinh tế là một chuyện nhưng dân trí lại là một chuyện khác. Không phải to tát, lớn lao là quan trọng nhưng thường những điều nhỏ bé xác định ra hệ thống giáo dục của họ tốt thế nào. 

Chính hành vi của những người dân xứ đó xác định ra liệu một nước đó có là “đẳng cấp thế giới” (World Class) hay không. Một con heo có thể thoa son dồi phấn nhưng nó vẫn là một con heo phải không?”

Khi rời khỏi nước này, Bill kết luận: 

Quốc gia này còn phải học nhiều vì không có hệ thống dịch vụ tốt ở đây. Cả nước đang hội tụ vào phát triển sản phẩm để xuất khẩu tối đa nhưng họ sẽ không đi xa được nữa. Họ có thể hiểu kinh doanh sản phẩm nhưng không hiểu kinh doanh con người. 

Toàn thể nền kinh tế là về xây dựng thật nhiều cơ xưởng, sao chép mọi thứ, và xây dựng nhiều sản phẩm giá rẻ nhưng không cần chất lượng cao nghĩa là họ không nghĩ gì đến khách hàng mà chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ. Họ muốn xây dựng mọi thứ, sản phẩm lớn, sản phẩm nhỏ nhưng họ sẽ không bao giờ thành công vì không hiểu nhu cầu của khách hàng; họ không có ý tưởng nào về sự thoả mãn của khách hàng. 

Từ người quản ly khách sạn tới người phục vụ nhà hàng, từ quan chức mức cao tới công nhân mức thấp, tất cả họ đều hành động y hệt như nhau, cứ vội vàng làm gì đó nhanh chóng mà không suy nghĩ. 

Chúng ta đã tham quan rất nhiều cơ xưởng và nếu chú ý, ông sẽ thấy rằng phần lớn các cơ xưởng đều có giám thị người ngoại quốc và phần lớn các công ty đều có người tiếp thị ngoại quốc bởi vì người của họ không thể làm điều đó. Đó là làm kinh doanh “nửa đường” vì sản phẩm không thể thành công nếu không có dịch vụ, và chính dịch vụ đem khách hàng trở lại.”

Một ngày ở Hàn Quốc, chúng tôi phạm sai lầm bởi việc đi sai chỗ cách xa khách sạn của chúng tôi vài dãy phố. Trời tối khi chúng tôi hỏi đường nhưng không mấy ai nói được tiếng Anh. Cuối cùng một sinh viên đi tới, anh chỉ cho chúng tôi hướng đi tới khách sạn nhưng ngần ngại:

Dễ lạc lắm vì có vài chỗ rẽ phải và rẽ trái và bây giờ đã khuya rồi và rất khó đi khi trời tối, các ông có thể bị lạc lần nữa. ” 

Thế là anh ta đề nghị đi cùng chúng tôi tới khách sạn để chắc rằng chúng tôi sẽ không bị lạc. Chúng tôi bước đi quãng mười lăm phút cho tới khách sạn. Khi chúng tôi cám ơn người sinh viên, Bill đề nghị anh ta ăn tối với chúng tôi nhưng anh từ chối vì cần về nhà. Vào lúc đó chúng tôi thấy rằng anh ta phải đi lộn lại theo hướng ngược với chỗ chúng tôi bị lạc. 

Sự kiện là một thanh niên sẵn lòng giúp người lạ cho dù phải đi ngược lại trong đêm tối đã gây ấn tượng cho cả hai chúng tôi. Bill bảo tôi: “Khi một thanh niên của một quốc gia hành động như vậy, nước đó có tương lai. Đó là điều một quốc gia có đẳng cấp thế giới (World Class).”

Theo Bill, “đẳng cấp thế giới” không phải là nền kinh tế mạnh hay có bao nhiêu triệu phú hay ty phú, bao nhiêu đại học hay nhà chuyên môn mà đẳng cấp thế giới là về cách công dân của nó hành động ra sao.”

Friday, July 29, 2016

Cày trên xứ Úc!

Đoàn xuân Thu
Thưa hồi xưa lúc vợ chồng con cái nhà tui đặt chân xuống phi trường quốc tế Tullamarine thuộc thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, nước Úc vào tháng Chín, đang độ mùa xuân hoa nở.
Cũng như bà con người Việt mình mới tới, cả nhà tui, vợ chồng con cái đi làm hãng gạch. Gạch đây không phải gạch ngói gì đâu mà cứ hai tuần cứ gạch (tick) vào cái đơn xin trợ cấp của chánh phủ gọi là Social Security, tức An sinh Xã hội; bây giờ đổi tên lại là Centrelink.
An sinh Xã hội cấp tiền để mấy đứa thất nghiệp như tui có cái ăn; kẻo không vì đói quá mà đi cướp bóc (bần cùng sanh đạo tặc), làm rối cái xã hội bình yên của nước Úc.
So với Úc, tiền hỏng bao nhiêu; chỉ vừa đủ sống, (nếu biết tiện tặn theo kiểu vợ Việt Nam mình)! Trộm nghĩ chắc kiếp trước Úc mắc nợ mình đây; nên kiếp nầy nó è lưng ra mà trả. Sau ở lâu rồi nghĩ lại là không phải vậy.
Di dân như một cành cây trôi giạt tới đây, cắm rễ trên nước nầy thì bước đầu chánh phủ vun phân tưới nước bằng cách cho tiền. Sau nó bén rễ đâm chồi, nghĩa là có công ăn việc làm, cây ra trái thì chánh phủ bắt đầu hái trái… nghĩa là đánh thuế… Đời mà! Không có ai cho không ai cái gì đâu nè!
Dẫu vậy, may mắn đặt chân đến đất nước phúc địa nầy, xài tiền thuế của người ta trước; nên tui tu tỉnh không chơi bời lêu lỏng, la cà quán xá như hồi còn thất nghiệp ở Sài Gòn.
Em yêu mắc lãnh đồ về may; còn tui mắc đẩy thùng rác nè; cắt cỏ sân vườn nè và rửa chén với giặt đồ nữa! Muốn đi cày để kiếm tiền lắm mà không ai mướn!
Thưa! Sát vách nhà tui là thằng Tony có con vợ Việt Nam! Vì bị vợ chửi cũng suốt cả mười mấy năm, nên tiếng Việt của chú em rất sõi!
Gia đình Tony, gốc Ý, thuộc băng đảng Mafia ở đảo Sicily thất thế nên chạy tuốt qua đây để trốn…
Tony đi bán cá ngoài chợ Footscray; vì vậy mới quen được con vợ nó là người gốc Cổ Cò, Mỹ Tho đó chớ.
Cưới vợ xong, vợ nó không cho đi bán cá nữa vì nó có cái tật ‘dê’! Thấy đàn bà, con gái Việt Nam mình đi chợ, là nó bao giờ cũng tặng thêm mấy cái đầu cá mập ú về nấu canh chua cho chồng nhậu.
Ông chủ cứ rầy hoài: Bảo đầu cá vụt thùng rác! “Mầy cho, khách hàng không mua cá! Bán ế! Chết tao!”
Vậy mà nó cứng đầu, không nghe; nên ông chủ bảo thôi mai khỏi vô làm nhe!
Nó cười hè hè: “Ờ! Vợ tui cũng nói y như ông chủ vậy đó!”
Bị đuổi, coi như nghỉ xả hơi, cuối tuần là nó hú tui qua nhà nó nhậu. Tony càng uống mặt càng xanh, quả là tay mạnh rượu.
Nó tuyên bố một câu cũng ranh dờn là: “Một con lạc đà có thể làm việc suốt mười ngày mà không cần uống. Tui thì có thể uống suốt mười ngày mà không cần làm việc!”
Nhưng ngày vui qua mau. Chiều nọ đang kéo thùng rác ra trước cửa thì tui nghe tiếng loảng xoảng dĩa bay; rồi bóng Tony vọt ngay ra cửa, nước mắt đầm đìa! Tui mới biết là nó đang xỉn.
Dừng tay đẩy thùng rác, tui hỏi: “What’s wrong, mate?” (Chuyện gì vậy, bồ?)
Nó thút thít trần tình là con vợ nó ra hạn chót hết tuần sau mà không kiếm được việc làm thì… biến.
Vậy mà chỉ mới thứ Ba, nó nhìn tui cười toe tét: “Ê bồ! Tui kiếm được việc làm rồi và rất bảo đảm; không bao giờ sợ mất. Vì không có người nào muốn làm nó hết ráo!”
Tui, vốn thất nghiệp kinh niên, phải cúi đầu mà khâm phục: “Ê giỏi thiệt nhe! Mà làm việc gì vậy?”
Nó hãnh diện vảnh cái mặt lên thấy ghét: “Ờ nghề thông ống cống!”
Ối, nghề nào lương thiện làm ra tiền để nuôi vợ nuôi con là tốt, là cao quý rồi. Đâu có nghề nào sang nghề nào hèn đâu?
(Chớ đừng như thằng bạn của tui là bác sĩ bên Việt Nam, qua đây phải học lại để định bằng mà suốt bao năm cứ rớt lên rớt xuống hoài.
Tui can: “Thôi ông ơi cái thời của mình đã qua, giờ tới thời của sắp nhỏ con ông! Chịu khó đi làm, cu li cũng được, để có tiền lo cho sắp nhỏ. Ông cứ đeo đuổi học hoài… rồi cứ rớt hoài… Chi vậy chớ?”
Thì anh bạn nầy hỏng chịu: “Tui khoái làm bác sĩ hè! Để tui có quyền kêu em cởi áo quần ra và gởi hóa đơn tính tiền cho chồng của em đó! Hi hi”)
Thiệt cái thằng cha mơ mộng thấy mà ớn! Thôi ai mơ mộng thì mơ tui trở về thực tế!
Cuối tuần, chiều thứ Bảy, tui lui cui vác một thùng bia về, mời Tony qua điểm nhãn cho tui vài chiêu thức làm thế nào xin được việc.
Có việc làm, có tiền, là tui chắc em yêu của tui sẽ ấn tượng hơn về tui; sẽ vui như Tết cho coi.
Tony dạy tui rằng: “Trước hết là làm đơn xin việc có kèm theo cái CV.”
“CV là cái giống gì?”
“À! CV là viết tắt tiếng Latin: Curriculum Vitae, nghĩa là lý lịch, bản tóm tắt về quá trình học tập và làm việc. Đây thiệt sự là cái quảng cáo cho bản thân mình. Mà đã là quảng cáo, đa phần là nói láo!
Cứ liệt kê hàng tá khả năng; rồi hy vọng là ông chủ đừng bao giờ bắt mình phải thực hiện thế thôi!
Thứ Hai tuần tới, tui dắt bồ tèo vô. Đừng thắt cà ra oách gì hết ráo nhe! Áo quần công nhân, giầy bảo hộ lao động, tóc tai gọn gàng là đủ. Cu li mà!
Tui nghe lời răng rắc và cóm róm theo Tony vào hãng.
Ông chủ, cũng người Ý, rất niềm nở nói: “Đừng coi tui là một ông chủ. Hãy coi tui như một người bạn; nhưng là người bạn có quyền nắm đầu đuổi đứa nào cà chớn!”
Tui cũng trộm nghe Tony nói với ông chủ là tiếng Anh của tui ‘poor’ lắm, nghèo lắm! Nhưng tánh tình chân thật, siêng năng, giỏi giắn. Không ăn cắp giờ công, không ăn cắp vật tư, không đi trễ về sớm và nhiều cái không… không nữa. Vậy là ông chủ cho tui vào học việc ở bộ phận đúc ống cống.
Làm được một tuần, ông chủ vô kiểm tra sản phẩm rồi nói cho tui về sớm một bữa làm tui mừng hết biết.
Ông chủ nói: “Mai hẵng làm. Bữa nay anh làm hư, làm trật như vậy… là đã đủ chỉ tiêu rồi!”
Tui được cho về sớm để con vợ tui ngạc nhiên chơi và hy vọng lúc về nhà em cũng không cho tui ngạc nhiên về lòng ‘chung thủy’ của em.
Ai dè gặp cái bản mặt tui, em yêu hỏi: “Bộ bị đuổi nữa rồi hả?”
Tony còn chỉ cho tui vài cái bí quyết để giữ job: “Đừng có con nhà lính; tính nhà quan! Nắng không ưa mưa không chịu. Ghét nắng kỵ mù sương!”
Cũng đừng ráng hoàn thành công việc trước thời hạn mà chi. Bởi làm sớm không có cái vụ nghỉ sớm; trên đời nầy không có chủ nào mà cho cu li ở không; rảnh là phải làm thêm công việc khác nhưng hỏng có thêm tiền đâu mà mong!
Còn hôm nào mệt uể oải vì tối Chủ nhựt nhậu khuya quá; nhớ lúc có mặt đốc công, dù làm biếng thế mấy cũng giả bộ như mình đang bận rộn nhe bạn hiền.
Làm việc thì có đồng nghiệp. Người chơi được; kẻ không? Đứa nào chơi được thì chơi. Còn đứa nào cà chớn kiếm chuyện; bạn cứ méc tui, từ từ tui kiếm cách ‘đục’ nó văng dùm bồ.
Tuyệt đối không đánh lộn; mà cãi lộn cũng không; cho dù bồ có bắt quả tang nó đang gặm miếng bánh mì ‘sandwich’ của mình đem theo để ăn trưa.
Nên nhớ Chủ nghĩa Tư bản là thằng chủ nó có quyền đuổi mình bất cứ lúc nào nó muốn. Mình không làm lợi cho nó nữa là đi chỗ khác chơi! Thiệt hại đến túi tiền là nó sẽ ‘sacked’ mình. Cho mình cái bị gậy để đi ăn mày!
Đuổi thì có nhiều cách lắm. Hạ tầng công tác, giao việc nặng nhọc hơn, đổi đi phân xưởng ở xa, giờ làm tréo cẳng ngỗng!
Nó o ép tới chừng nào mình nản; tự ên mình xin nghỉ thì thôi!
Úc nầy có nghiệp đoàn, có luật Lao động đó; nhưng Trưởng phòng Nhân viên của hãng được đào tạo bài bản đàng hoàng; nó biết cách đá ‘đít’ mình rất đúng luật.
Hãng Úc đâu có đàng hoàng tử tế như hãng Nhựt Bổn! Cho dù kinh tế suy trầm vẫn không muốn đuổi một ai, nhứt là những người gắn bó gần cả đời với công ty.
Úc nầy bắt chước theo Mỹ đó. Tính bắt công nhân ký hợp đồng riêng lẻ chớ không phải một bầy như xưa để dễ dàng ép công nhân tăng năng suất. Ai không nghe là cuốn nóp.
John Howard tính ra cái luật ‘Work Choice’, nhưng cu li Úc hỏng chịu; phản ứng dữ dội đến nỗi ông Thủ Tướng nhà ta bay luôn chức dân biểu, năm 2007 đó, nhớ hông?
Chủ hãng bên Mỹ càng khó khăn; công nhân Mỹ bị đuổi việc phản ứng cũng rất kinh hoàng. Tiếng lóng của Mỹ là ‘going postal’, nghĩa đen là đi gởi bưu thiếp, nhưng nghĩa thực sự là công nhân bị đuổi xách súng vô bắn đốc công, bắn quản đốc hay bắn luôn đồng nghiệp!
Mấy cái vụ bắn giết ghê rợn nầy đã xảy ra hà rầm trong ngành Bưu điện Mỹ đó.
Ối! Mất việc đâu có phải là Trời sập đâu? Bắn giết người ta mà chi?
Hỏng làm việc nầy thì mình lại tiếp tục về nhà, làm hãng gạch vậy thôi.
Thưa người phụ nữ Việt Nam đảm đang và dễ thương lắm nhe! Chồng lên voi hay xuống chó gì cũng một lòng một dạ cùng anh. Chờ ngày mai trời lại sáng.
Phụ nữ Tây Phương không có cái tánh kiên nhẫn đó đâu. Mất việc là hỏng có tiền. “No money là no honey!” (Không tiền là không anh yêu gì ráo). Là vợ bỏ.
Nên có việc ráng mà giữ nhe bạn! Tony dặn dò tui kỹ như vậy nhưng buồn thay người bị đuổi không phải là tui mà là ân nhân Tony của tui.
Chẳng qua, đi thông ống cống một thời gian, Tony được đề bạt làm Đốc công nên thường qua lại với Quản đốc và Giám đốc.
Cứ tưởng là tình thân. Ai dè hỏng phải.
Có lần Tony chỏ mũi vô chuyện tư riêng của thằng Quản đốc như vầy:
“Tui thấy con nhỏ thư ký ngồi trên đùi của ông nhưng tui kín miệng lắm. Hỏng nói ai nghe đâu. Kể cả vợ ông! He he!”
Nói chơi mà ai dè tay nầy rét; sợ con vợ nó biết; bèn tiên hạ thủ vi cường! Vì con nhỏ thư ký nầy ai có chức chút đỉnh là nó đều ngồi trên đùi, để sau đó ngồi trên đầu! Em kinh doanh, thăng quan tiến chức bằng vốn tự có!)
Tay Giám đốc chắc cũng có chấm mút sơ sơ nên nhột, sợ văng miểng tới mình nên xuống thanh tra phân xưởng của đốc công Tony, hỏi một câu móc họng: “Ai là người ngu ở đây? Tôi hoặc anh?”
Tony biết mình bị đâm sau lưng chiến sĩ; nhưng máu anh hùng mã thượng Mafia, khẳng khái trả lời là: “Ai cũng biết là ông chủ không bao giờ mướn một thằng ngu mà!”
Vậy là ông Chủ bèn ’email’ cho Tony thôi việc đừng vô làm nữa! Sợ mặt đối mặt Tony làm sảng.
Nhưng Tony cười hè hè: “Vợ tui, Việt Nam, chồng có sụp lỗ chân trâu là em kéo lên; chớ không nỡ lòng nào cho thêm một đạp. Tui không ngán thằng chủ nào hết ráo mà chỉ ngán em yêu của tui thôi. Vì cho dù đổi bao nhiêu công việc đi chăng nữa tui luôn luôn có chỉ một người chủ để tôn thờ. Đó là con vợ của tui.”
“Tony! Tui xin chúc bạn hiền thượng lộ bình an nhe!”
Đoàn xuân Thu
Melbourne

Em yêu!

Đoàn xuân Thu
Thưa anh Ba Hù làm một cái nghề rất ‘oách’! Ai anh cũng đè đầu được hết ráo. Từ già đến trẻ; từ giàu đến nghèo; từ có quyền lực hay không. Đó là nghề hớt tóc!
Chính vậy nên ảnh mới có tên là Ba Hù. Hù ở đây là hù dọa mấy đứa con nít ngồi yên cho mình lấy tông đơ hớt, và dao cạo mặt. Con nít thường hiếu động; đâu có bao giờ chịu ngồi yên chừng năm phút; mình không hù nó; coi chừng đứt rớt mất cái lỗ tai, nó mới ngồi yên cho mình hớt đó chớ.
Theo lời anh Ba Hù kể: Hồi nhỏ, nhà tui ruộng đất đâu có cò bay thẳng cánh như của người ta; nên học được ít chữ dằn bụng là Tía tui truyền lại cái nghề gia truyền từ đời ông cố Nội. Coi vậy mà sống phẻ lắm nhe!
Hồi xưa, vượt biên tới đảo, cả hàng chục ngàn người mà đâu có bao nhiêu thợ hớt tóc. Nên khách ôi thôi nó đông như quân Nguyên.
Lúc xuống thuyền ra biển, người ta mang theo vàng cây, vàng miếng, kim cương, hột xoàn để sau nầy qua nước thứ ba có chút đỉnh vốn mà khởi nghiệp; làm lại cuộc đời vốn đã tả tơi. Riêng tui chỉ mang theo có một cái tông đơ.
Qua tới Úc, tui lại tiếp tục nghề cũ, nó đã giúp tui sống phẻ trong cuộc biển dâu nầy.
Sau đó tui kiếm được một con vợ Úc đàng hoàng đó nhe. Chỉ có điều em hơi ú nu, môi dầy cui, tóc quắn tít và đen như cột nhà cháy vì em vốn là thổ dân bản địa.
Tên em là ‘Quá Gà! Quá Gà’! Âm theo tiếng Việt mình cho dễ kêu; chớ thực sự nó là ‘Wagga Wagga’, tên một thị trấn buồn thiu, nằm cực Nam tiểu bang New South Wales, nơi chôn nhau cắt rún của em yêu.
Mà chuyện vợ chồng là duyên nợ ba sinh do ông Trời sắp đặt đó thôi.
Chẳng qua một hôm em đi khám bác sĩ. Tui nói: “Ở trên!” Em bèn vén quần em lên!
Tui lại nói: “Ở trên!” Em lại vén áo em lên! Tui tức quá nói: “Ở trên!”
Em e thẹn trả lời là: “Tới đây là hết rồi… Còn ở trên nào nữa đâu, bác sĩ?”
Chắc em lầm khi thấy tui mặc bộ đồ bờ lu trắng, đứng hớt tóc hay sao?
Nên tui cắt nghĩa: “Ở trên là ở trên lầu; mới là phòng khám. Còn đây là phòng hớt tóc mà!”
Ai dè em quay qua kết tội tui là quấy nhiễu tình dục! Thấy hết ráo rồi từ dưới lên trên mà không chịu cưới; em sẽ đi kêu lính bắt tui.
Nói thiệt tui chỉ muốn cưới vợ Việt Nam hiền thục, luôn luôn nghe lời chồng mình dạy bảo, đặt đâu ngồi đó không bao giờ dám cãi; chớ tui đâu muốn lấy Úc nhứt là Úc đen đâu! Ngang như cua bò tám cẳng vậy.
Nhưng sợ lôi thôi cò bót nên tui đành phải cưới vậy thôi.
Mấy ông anh mình cứ cười tui và gọi em yêu của tui là chị Ba Ù! Mập như cái lu! Và đặt chuyện nói xăm con vợ Úc đen của tui như vầy nè:
Anh Ba Hù mãi đi nhậu bù khú với tụi tui; Úc nầy đây nam nữ bình quyền. Chồng nhậu thì vợ cũng nhậu! Nên chị Ba Ù một mình nằm chèo queo cũng tức; nên dắt theo con ngỗng, thú cưng, đi pub, nhậu.
Nhậu xong về, chị Ba Ù bù lu bù loa với ảnh như vầy: Người phục vụ quán rượu hỏi em: “Sao lại dắt theo con heo?” “Ê! Con nầy đâu phải là con heo nó là con ngỗng mà!”
Thì thằng chả nói rằng: “Xin lỗi bà! Tui đang nói chuyện với con ngỗng!”
Chuyện thấu tới tai, nên em ‘Quá Gà Quá Gà’ cự lại: Chuyện mập ốm là chuyện tư riêng. Đàn ông mập sao không ai nói? Còn đàn bà lỡ mập chừng một tạ, là mấy ông cứ đem ra mà bình phẩm chê bai. Kể cả anh nữa!
Thôi tình duyên khác chủng tộc màu da của đôi ta đà đứt đoạn. Em đi đây!
Nghe con vợ đòi bỏ mình, anh Ba Hù hoảng kinh lên, hỏi: “Nè rồi con của chúng ta sẽ ra sao?”
Chị Ba Ù trố mắt: “Con nào?” “Ủa vậy không phải là em đang mang bầu hay sao?”
Vậy là tình duyên của anh Ba Hù với chị Ba Ù gãy gánh. Giờ mùa đông lạnh, đêm cô đơn lạnh thêm, nên anh Ba Ù quyết định đi thêm bước nữa để rước về cái lò sưởi 37 độ rưỡi! Mà phải ‘Made in Viet Nam’ mới được. Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!!
Mấy lần ảnh mời tui đi nhậu để nhờ tui cố vấn về cách chọn vợ cho mình vì như anh nói: tui là một người có rất nhiều kinh nghiệm. Rất lấy làm hãnh diện tui bèn lên lớp ảnh như vầy:
“Có ba loại đàn bà. Mt là đẹp và không chung thủy. Hai chung thủy nhưng không đẹp.Ba là vừa đẹp vừa chung thủy… Nhưng đó chỉ là huyền thoại!”
Mấy ông anh mình khi lựa vợ hay để ý đến vẻ bề ngoài như: vòng ngực, vòng eo hay vòng mông. Để ý vậy cũng phải nhưng không đủ. Phải để ý đến cái trí tuệ của em nữa mới được.
Ai cũng nghĩ trai tài và gái sắc. Không! Gái cũng phải có tài.
Nhứt là tài lái xe để khi mình đi nhậu, em biết lái để chở mình về. Chớ đừng chọn vợ như anh Tư Bốp, nhà văn bạn của tụi mình, hốp tốp chọn chị Tư Bốp như vầy mà giờ phải hối hận nghìn thu.
Hồi còn cu ky một mình, một thân, anh Tư Bốp đang rề rề lái xe xuyên rừng!
Bỗng một em chạy phía sau nhấn ga để vọt qua mặt. Anh hét lên: “Bò rừng!” Em hét lại: “Đồ heo, đồ lừa, đồ ngu!”
Và em đụng cái rầm vào con bò rừng đang lững thững qua đường. Xe văng vào gốc cây nghe cái rầm. Em lồm cồm mở cửa bò ra. May mắn không bị thương tích gì nhiều.
Bài học rút ra là: Phụ nữ không bao giờ có thể hiểu đàn ông họ nói cái gì?
Như anh Tư Bốp thường nói: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Sau cái vụ đụng con bò rừng đó, em trở thành chị Tư Bốp, về nâng khăn sửa túi cho ảnh.
Từ đó, anh không tin tưởng lắm vào tài cầm lái của chị Tư, dù trong thâm tâm ảnh hy vọng em yêu của mình, một người phụ nữ Úc gốc Việt thời hiện đại, phải biết cách cầm cái vô lăng như thỏi son môi còn thắm.
Nên mỗi lần đi đâu anh đều ưu tiên cho chị cầm lái dù đôi khi ngồi một bên mà trái tim muốn rớt ra ngoài.
Chẳng hạn như lúc lái xe đi rút tiền ở cái máy đặt ven đường. Anh chỉ cần có 4 động tác là xong:“Ngừng xe tại máy rút tiền. Đút thẻ ngân hàng vào. Bấm số mật mã chọn tài khoản. Nhận thẻ và tiền mặt. Lái xe đi!”
Nhưng chị Tư Bốp thì khác. Chị ngừng tại máy rút tiền. Xem lại dung nhan qua kính chiếu hậu. Tắt máy xe. Bỏ chìa khóa xe vào bóp. Mở cửa xe bước ra vì đậu quá xa. Mở bóp ra tìm cái thẻ rút tiền. Nhét thẻ vào. Kiếm tờ giấy trong bóp có ghi mật mã. Nhấn mật mã vào máy. Đọc hướng dẫn trên màn hình mất 2 phút. Nhấn cái nút hủy. Liếc xéo cái thằng cha đang đậu xe phía sau đang mặt mày nhăn nhăn nhó nhó vì phải chờ quá lâu!
Nhấn mật mã đúng vào máy. Rút tiền mặt ra. Trở lại xe. Xem lại mặt mày qua kiếng chiếu hậu. Kiếm chìa khóa xe. Khởi động xe. Tắt máy. Mở cửa bước ra trở lại máy rút tiền để lấy tờ biên nhận. Trở lại xe. Bỏ thẻ rút tiền vào bóp. Gài số de. Xong dừng lại. Gài số tới. Lái đi được 3 cây số và nhớ là mình phải xả thắng tay.
Thấy vậy nên anh Tư Bốp tình thiệt nói với em yêu của mình là: “Chỉ sử dụng cái bằng lái xe như căn cưc để giao dịch với nhà băng thôi! Vì từ phòng giặt tới nhà bếp không có đường lộ, nên em không cần phải biết lái xe chi nữa!”
Thưa bà con chuyện vợ chồng Việt Nam của mình coi vậy chớ cũng không rắc rối, tùm lum tà la như chuyện vợ chồng thằng Johnny, người bạn Úc của tụi tui.
Đang nhậu vui như Tết, thì thấy Johnny lù lù ló mặt vô, cười hí hí. “Hỏi sao ông biết tụi tui đang nhậu ở đây hay vậy?” “Mùi rượu Jack Daniel’s bay tới lỗ mũi tui chớ sao?”
Đùa thôi! Chớ hồi chiều đi làm về thì ‘honey’ của tui có nói: Mấy anh nhắn ngày mai tụi mình không đi câu cá! Tui hỏi: Tại sao? Thì em yêu của tui nói: Là tại vì quán rưu nó đóng ca để tân trang!”
Tui biết mai không nhậu ở quán được là thế nào ba ông cũng tụ tập tại nhà anh Ba Hù mới bị vợ bỏ đây ch đâu?
Nên khi con vợ tui lên lầu thay áo ngủ, xuống ngồi lên ghế, nói với tui rằng: “Hãy trói tay em lại rồi anh yêu muốn làm gì thì làm!” Vậy là tui trói tay em lại rồi chạy u tới đây nhậu với mấy anh đó chớ!”
Thưa cái đề tài em yêu, vợ của tụi mình nầy nó không phân biệt chủng tộc gì hết ráo.
Johnny than thở nghe mà đứt từng đoạn ruột! Đàn ông Việt, mấy anh đau khổ mà đàn ông Úc của tui cũng chịu khổ đau.
Vợ Việt nghe nói ghen lắm. Và vợ Úc cũng không thua gì.
Cục cưng của tui đã từng cật vấn tui rằng: “Khi anh ‘tù tí’ với em, anh có nghĩ tới ngưi xưakhông?”
Tui là thằng chồng chân thật, chưa bao giờ nói dối em yêu, dù chỉ một lần, nên tui ‘sorry’! “Anh xin lỗi! Quả có vậy!”
Anh đúng là đồ lẳng lơ trắc nết! Em thì trái lại! Khi ‘tù tí’ với người khác; em lại luôn luôn nghĩ tới anh!”
Cuối cùng tiệc nhậu cũng tàn, đủ đô, ai về nhà nấy. Uống rượu thì ngủ rất ngon; nên Johnny ngáy ồ ồ như thụt ống bễ của lò rèn. Con vợ nó cằn nhằn quá; kêu phải đi khám bác sĩ! Chớ cứ để cái mửng nầy sẽ làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi.
Vốn sợ vợ, nên Johnny nghe lời! Thì bác sĩ hỏi: “Giờ anh muốn thôi vợ hay thôi ngáy?”
Nghĩa là ngáy không còn cách nào chữa hết được thì trước sau gì em cũng bỏ tui. Buồn quá, nên tui tạt ngang vào pub làm bậy chục ve.
Xỉn, tui lạng quạng về nhà! Vợ tui tức giận hỏi: “Nầy anh đã uống bao nhiêu ly?” Tui trả lời: “Thôi anh không uống nổi thêm ly nào nữa đâu!” Johnny kể lại!
“Ối cái chuyện đó có gì nghiêm trọng lắm đâu mà thiên hạ đồn, nói ông nhảy từ lầu hai xuống đất!”
Tui đâu có nhảy mà vì con vợ tui nó đá đít tui đó ch! Nghĩa đen và lẫn nghĩa bóng. Em yêu sau khi chơi cái đc cước xong… đã bỏ dông luôn rồi!”
Anh em bèn vỗ tay hoan nghinh chúc mừng Johnny được tự do!
Sao tính cưới vợ nữa hông?”
“Còn ngán quá, để từ từ coi sao mới được. Chớ mấy anh biết mà: Thời tạo thiên lập địa, ông Trời tạo ra trái đất rồi nghỉ ngơi. Kế đó ông Trời tạo ra quý ông rồi lại nghỉ ngơi. Sau đó ông Trời tạo ra người phụ nữ. Kể từ đó cả ông Trời và quý ông anh mình không bao giờ được nghỉ ngơi một phút giây nào nữa cả!
Chính vì vậy mà: Tại sao đàn ông luôn chết trưc đàn bà? Tại vì quý ông anh mình muốn vậy!”
Kết luận: Không có vợ thì lỗ mà có vợ rồi thì lại quá xá… khổ!
Thằng Johnny nầy tưởng nó ngu vậy mà khi lấy vợ và bị vợ bỏ rồi… nó cũng thâm trầm thôi hết biết!
Đoàn xuân Thu
Melbourne
Nhiều quan chức VN đang lên kế hoạch đi ‘ty nạn’ ở nước ngoài?

"..Đây là một câu hỏi rất xứng đáng được đặt lên bàn cờ chế độ vào lúc điểm giao thời chuyển tiếp chính trị đang dần lộ diện.."



Từ Hồ sơ Panama đến đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Mặc dù từ lâu đã có nhiều dư luận về hiện tượng các quan chức Việt âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài, nhưng chỉ đến năm 2016 lần đầu tiên mới bật ra thông tin theo một cách “chẳng giống ai”: sự rò rỉ bất ngờ và sau đó là tiết lộ của vụ Hồ sơ Panama đã lôi ra ánh sáng việc Việt Nam có tới 189 cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các “thiên đường trốn thuế”. Tổng cộng có đến 92 tỉ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua.

Nhưng sau vụ Hồ sơ Panama, mọi chuyện lại trở về khoảng lặng êm đềm trong quá khứ của nó. Không một cơ quan và quan chức nào của Việt Nam muốn tự vạch áo cho người xem lưng. Vì thế đã chẳng có một cuộc điều tra nào, dù chỉ cho có, đối với “Hậu Hồ sơ Panama”.

Chỉ đến tháng 7/2016, ngay trước thời điểm thông qua lần cuối tư cách của gần 500 đại biểu Quốc hội, Việt Nam mới “bỗng dưng” phát hiện một chuyện cười ra nước mắt: nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở… Cộng hòa Malta - một quốc gia chỉ rộng có 300 cây số vuông, nằm ở một xó của châu Âu, tạo ấn tượng nổi bật nhất nhờ vào hai việc: trở thành rổ đựng bóng trong các trận cầu quốc tế, và dễ tránh thuế đánh vào tài sản cá nhân.

Hẳn nhiên với lý do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã vi phạm điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam về việc công dân Việt Nam không được có hai quốc tịch, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã phải họp đột xuất để bỏ phiếu không xác nhận tư cách đại biểu của bà Hường.

Tuy nhiên, vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở chỗ tư cách đại biểu quốc hội xen kẽ tư cách “công dân Malta” của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, mà từ vụ việc của bà Hường, người dân đã có hẳn một bằng chứng xác thực về chuyện đến cả đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng chuẩn bị “ra đi tìm đường cứu nước” như thế nào, thay vì trước đây chỉ nghe đồn đoán về “một bộ phận không nhỏ” đã chuẩn bị nhảy lên máy bay chuồn ra nước ngoài nếu Tổ quốc “có biến”.

‘Đặt vé chưa?’ và nhìn từ Trung Quốc

Thật thế, trong những năm gần đây, một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý “Đặt vé chưa?”. Trước đó là một câu hỏi khác “Có thẻ xanh chưa?”.

Cũng đã từ lâu, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, khá phổ biến kinh nghiệm cần một khoản chi phí 500.000 đô la để được nhập tịch Canada. Ngay trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, một đơn thư gửi đến Bộ Chính trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ…

Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là “chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay”. Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý “hồi tố tài sản tham nhũng” và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu.

Tuy không có số liệu thống kê nào, nhưng bầu không khí ở Việt Nam là khá gần gũi với “người anh em Trung Quốc”.

Theo số liệu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc, riêng trong năm 2011, các chính phủ nước ngoài đã giúp bắt giữ 1.631 người Trung Quốc chạy trốn vì “các hành động tội phạm liên quan đến công việc” và thu hồi 7,8 tỉ nhân dân tệ (1,2 tỉ USD) tài sản nhà nước bị đánh cắp. Phần lớn đối tượng phạm tội đều là quan chức và nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước.

Hiện tượng các quan tham Trung Quốc chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình mang ra nước ngoài và họ không giữ gì trong tay, sau khi gia đình định cư an toàn ở nước ngoài những quan tham này mới lên kế hoạch thoát thân, đang trở thành phổ biến ở Trung Quốc.

Điểm đến hàng đầu cho các dòng tiền Trung Quốc chảy ra nước ngoài phi pháp là Mỹ, Châu Âu, Australia, Canada... Tại Mỹ, Los Angeles là điểm đến ưa thích nhất của các quan tham Trung Quốc.

Vụ bê bối chính trị của gia đình Bạc Hy Lai - Cốc Khai Lai bị phanh phui khiến dư luận kinh ngạc về mức độ tham nhũng và cách tẩu tán tiền kiếm được từ tham nhũng của các ông quan tham Trung Quốc. “Xách tay” hàng nghìn tỷ USD ra khỏi đất nước, mua bất động sản cao cấp ở nước ngoài, tiêu tiền cho gái, đánh bạc… là những cách thức tẩu tán tiền ra nước ngoài phổ biến của các quan tham Trung Quốc.

Một bản báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã chỉ ra những cách mà các tham quan Trung Quốc thường sử dụng để chuyển tiền ra nước ngoài:

- Một vài người dùng cách đơn giản là tự mình hoặc cho người xách những vali lớn đựng đầy tiền qua biên giới.

- Một số khác sử dụng thẻ tín dụng để mua hàng hiệu với khối lượng lớn ở nước ngoài, sau đó dùng tiền biển thủ công quỹ hoặc tiền hối lộ để bù vào thẻ tín dụng.

- Trong một số trường hợp, tham quan nhận tiền hối lộ ở nước ngoài và dùng tiền đó mua bất động sản cũng ở nước ngoài, hoặc chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản ở nước ngoài.

- Ly dị giả cũng là một cách để các quan tham Trung Quốc tẩu tán tài sản ra nước ngoài.

- Nếu tinh vi hơn, tham quan sẽ thành lập công ty ở những nơi như British Virgin Islands song song với một công ty trong nước. Kế đó, họ cho công ty trong nước mua nguyên vật liệu từ công ty ở nước ngoài với mức giá “trên trời” rồi để công ty trong nước bán hàng cho công ty nước ngoài với giá dưới mức giá thị trường. Công ty ở trong nước sau đó sẽ phá sản theo một kịch bản có sẵn, rồi công ty ở nước ngoài sẽ thâu tóm công ty phá sản này.

- Một kênh rửa tiền phổ biến khác là các sòng bạc ở “thiên đường casino” Macao. Do quy định kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài, các sòng bạc Macau cho phép khách hàng từ đại lục để Nhân dân tệ trong nhà băng ở đại lục rồi chuyển bằng thẻ tín dụng tới Macao, thường là với số lượng lớn hơn nhiều so với số lượng tiền gửi ban đầu tại ngân hàng. Người thắng bạc có thể được trả bằng đô la Hồng Kông và chuyển số tiền này đến một địa chỉ khác, nhưng cũng có lúc tham quan thắng bạc cầm thẳng số tiền này mang đi…

Thế giới thu hồi tài sản tham nhũng ra sao?

Chỉ đến gần đây mới xuất hiện vài số liệu cho biết số ngoại tệ được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài có năm đã lên đến 19 tỷ USD. Con số này cho thấy rất nhiều quan chức và thương gia đã âm thầm chuyển tiền bạc ra các nước, bất chấp kỷ luật đảng. Nếu quan chức Trung Quốc “thích” những nước như Canada, Mỹ, Anh, Pháp…, thì quan chức Việt Nam có lẽ cũng như vậy.

Không khó để hình dung rằng số tiền từ 500.000 đến 1 triệu bảng Anh mà đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường bỏ ra để nhập quốc tịch Malta có thể chẳng là gì so với những quan chức giàu có ở Việt Nam.

Nhưng cho tới nay, cơ sở pháp lý của Việt Nam, công cụ phòng chống tham nhũng và nhất là thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán vẫn hoàn toàn chưa có biện pháp chế tài. Việc chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài vẫn rất dễ thực hiện thông qua các giao dịch điện tử ngầm hoặc đội lốt hợp tác đầu tư thông qua các công ty bình phong ở nước ngoài.

Năm 2014, trong một bài viết cho đài VOA, nhà báo Bùi Tín đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý về cơ chế nhằm thu hồi tài sản tham nhũng từ các chế độ độc tài. Một kinh nghiệm từng có là khi chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các chế độ mới đã không kịp thời xử lý nghiêm những tài sản phi pháp của hệ thống cầm quyền cũ, nên tài sản chung đã bị tẩu tán, phân tán, lọt lưới pháp luật, tạo nên một số “tỷ phú mafia đỏ hậu cộng sản,” những phe nhóm lợi ích thuộc gia tộc các quan chức cầm quyền cũ; nhờ thế số người này vẫn chế ngự và lũng đoạn nền kinh tế và tài chính quốc gia, mặc dù lịch sử đã sang trang.

Tháng 3 năm 2007, cuộc họp liên tịch giữa Tổ chức chống buôn lậu và tội ác của LHQ (UNODC) và một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã lập ra một cơ chế mang tên Stolen Asset Recovery Initiative (StAR– Chương trình thu hồi tài sản phi pháp) nhằm hướng dẫn và giúp đỡ các nước thực hiện việc thu hồi các tài sản phi pháp bị mất bởi nạn hối lộ, tham nhũng, buôn lậu cấp quốc gia và nộp các tài sản được thu hồi đó vào ngân sách nhà nước hoặc vào các quỹ từ thiện quốc tế nhằm giúp các nước đói nghèo trên thế giới.

Trước đó ở châu Âu đã có tổ chức Serious Organized Crime Agency (SOCA – Cơ quan chống tội ác có tổ chức nghiêm trọng) mang tính chất nghiệp vụ pháp lý chuyên giúp đỡ việc truy tìm những người phạm tội ác nghiêm trọng trong đó có tội tham nhũng ở mọi nơi, mọi nước, cũng như tổ chức Financial Crimes Enforcement Network (FICEN - Mạng luới chống tội ác về tài chính), hay tổ chức Agence Gestion et Recourement des Avoirs Confisqués (AGRAC - Cơ quan quản lý và giải quyết tài sản bị tịch thu). Chính những tổ chức này đã tham gia có hiệu quả vào việc giúp cho Indonesia và Philippines thu hồi một số tài sản phi pháp khá lớn của 2 cựu Tổng thống Suharto và Ferdinand Marcos sau khi 2 ông này bị lật đổ và truy tố. Riêng tài sản phi pháp của vợ chồng Marcos đã được thu về cho ngân sách nhà nước là 4 tỷ USD trong tổng số 10 tỷ họ đã tước đoạt của công quỹ và nhân dân.

Các tổ chức trên đã giúp cho chính quyền mới ở Libya thu về hơn 1 tỷ USD của nhà độc tài Gaddafi để trao cho Hội đồng Chuyển tiếp sung vào ngân sách quốc gia; ngoài ra các ngân hàng ở Thụy Sỹ cũng đã tự nguyện trao trả cho chính quyền mới ở Tunisia 60 triệu Francs Thụy Sỹ, cho chính quyền mới ở Ai Cập 410 triệu Francs Thụy Sỹ và cho chính quyền mới ở Libya 650 triệu Francs Thụy Sỹ là tiền ký gửi của các nhà độc tài tham ô Ben Bella, Mubarak và Gaddafi…

Còn với trường hợp Việt Nam thì sao?

Nếu không gấp rút có được một cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, hệ lụy chắc chắn sẽ xảy ra là sau khi đã có “vé”, đến một thời điểm nào đó lớp quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì” sẽ nhảy lên máy bay để “chuồn”, bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang.

Phạm Chí Dũng
Blog VOA
Những sáng chế đầy cuốn hút và bất ngờ mà bạn chưa từng biết đến

1) Miếng dán hình đồng xu Stick-N-Find với chức năng định vị :


Nếu là fan của những bộ phim điệp viên thì không thể không săn lùng ngay phát minh này. Vì miếng dán hình đồng xu Stick-N-Find với chức năng định vị có thể được nhìn thấy trong hầu hết các phim truy lùng tội phạm. Trong phim, nghi phạm sẽ bị theo dõi bởi một con chip nhỏ có hình dáng tương tự như một nhãn dán.

Nó xác định vị trí thông qua kết nối Bluetooth. Điều đó có nghĩa là bạn có thể gắn lên ví tiền, cặp sách của con trẻ, thậm chí là vòng cổ của thú cưng, hay bất cứ thứ gì mà bạn không muốn đánh mất. Sau đó, thật là dễ dàng để biết vị trí của vật thể thông qua chiếc smartphone.

2) Bàn cảm ứng đa điểm BendDesk với độ cong quyến rũ :


Đi ngược lại cấu tạo bằng phẳng của những loại bàn cảm ứng xưa cũ, sáng chế đầy cuốn hút này được thiết kế hoàn toàn đặc biệt với một màn hình chữ L liền mảnh và rất nhạy.

Với độ cong này, chiếc bàn hầu như không có góc chết. Dù ngồi ở vị trí chính giữa hay bên hông, vẫn có thể tương tác theo cách mà bạn muốn.

3) Tiết kiệm tối đa với máy in PrePeat :


Từ học sinh, sinh viên, cho đến nhân viên văn phòng đều đã từng tức tối với những bản in lỗi không thể tái sử dụng. Tuy nhiên, giờ thì bạn không còn phải ngó trước ngó sau mỗi khi in nữa. Chiếc máy in thần thánh này sẽ hiện thực hóa giấc mơ tùy thích xóa, sửa hoặc in lại nội dung trên những tờ giấy đặc biệt được làm từ nhựa PET.

4) Bàn phím ảo :



Nhân vật chính trong các bộ phim khoa học viễn tưởng luôn được trang bị hiện đại tận răng, với vô số đồ chơi, và những thiết bị công nghệ cao cấp. Chắc chắn, bất kỳ ai trong chúng ta đều từng khao khát được thử cảm giác sử dụng màn hình ảo hay bàn phím ảo một lần trong đời.

Trên thực tế, việc ấy không quá khó như bạn nghĩ. Chỉ cần sẵn lòng chi trả đủ cao cho các công ty chuyên cung cấp thiết bị kết nối qua Bluetooth để có một loại bàn phím ảo để thực hiện mong ước trên.

5) Chameleon Bandage: băng cá nhân tự đổi màu da :


Đột nhiên bị thương nhẹ ở vùng mặt, và phải băng y tế để tránh nhiễm trùng, bạn nhìn vào gương mà chẳng muốn gặp ai bởi miếng băng "chướng mắt", mất thẩm mỹ nổi bần bật trên mặt.

Mọi thứ sẽ được giải quyết trong vòng 1 nốt nhạc với phát minh Chameleon Bandage. Lúc mới dán, nó không khác gì các băng cá nhân thông thường khác. Nhưng chỉ sau vài giây, em í sẽ đổi màu từ từ và trùng khớp với màu da vốn có của bạn.

6) Kính áp tròng cảnh báo chỉ số đường huyết :



Đây là loại kính có khả năng phát hiện nồng độ glucose trong cơ thể thông qua nước mắt. Màu sắc của nó sẽ thay đổi ngay khi nhận thấy sự mất cân bằng về nồng độ glucose. Tùy theo từng loại màu sắc khác nhau mà người bị tiểu đường có thể theo dõi chỉ số đường huyết của mình.

7) Điện thoại dòng Portal bền đẹp, khó vỡ, và uốn dẻo cực tốt :


Sống trong thời đại công nghệ cao, ai trong chúng ta mà không muốn có những chiếc điện thoại thông minh có nhiều chức năng, nhẹ, mỏng, không thấm nước, và phù hợp với mọi hoàn cảnh chứ không nhất thiết chỉ có thể để trong túi.

Với sản phẩm được thiết kế bởi Arubixs, điện thoại dòng Portal (RAM 2 GB, bộ nhớ 64 GB) hoàn toàn thích hợp cho những người yêu thích thể thao, bởi có thể uốn cong màn hình, và đeo vào tay khi luyện tập hoặc thậm chí cả trong lúc bơi lặn nữa.

8) Nhiệt kế thông minh đo qua smartphone :


Đây là một loại công nghệ có thể đo nhiệt độ của người dùng bằng cách cắm nhiệt kế vào cổng kết nối với điện thoại và đọc số liệu được in ngay trên màn hình.

Đặc biệt hơn, bạn có thể chẩn đoán tình trạng sức khỏe nhờ một biểu đồ gồm các dấu hiệu sớm của bệnh.

9) Hộp khóa an toàn với chức năng đếm ngược tinh nghịch :


Với chất liệu trong suốt kèm một bộ đếm thời gian, chiếc hộp khóa an toàn rõ ràng khiến bạn chỉ có thể thấy bằng mắt chứ chẳng thể làm được gì. Nếu chịu được kiểu giày vò có thời hạn này và muốn "vượt lên chính mình" thì bạn còn chờ gì mà không rinh ngay em nó về nhà thôi nào!

10) Bút quét thần thánh của mọt sách :


Dân ghiền đọc bao giờ cũng khó mà thoát khỏi tình trạng kè kè cuốn sách. Tuy nhiên, không phải quyển nào cũng mỏng, cũng nhẹ để vác theo mình mọi lúc mọi nơi. Vậy thì giải pháp chu toàn nhất là làm e-book với một cái bút kiểu pen scanner để sao chép nội dung trên sách vào máy tính.

11) Loa không dây dạng vòi sen dành riêng cho phòng tắm :


Ai mà không một lần vừa tắm vừa nhún nhảy và nghêu ngao vài câu hát. Với sự phát triển của khoa học, chúng ta có thể biến nhà tắm đầy hơi nước thành một sàn nhạc của riêng mình, với chiếc loa không dây dạng vòi sen không thấm nước. Chỉ cần bấm nút, âm nhạc sẽ tuôn trào và giúp bạn đánh bay mọi buồn phiền trong cuộc sống.

12) Vòi nước đèn LED lấp lánh sắc màu :


Bỏ qua những mẫu vòi nước nhàm chán, bạn hãy trang trí phòng tắm nhà mình bằng các thiết bị tràn ngập ánh sáng. Trong đó, vòi nước gắn đèn LED lung linh là sự chọn lựa hoàn hảo. Với em này, nước sẽ có sắc xanh khi lạnh và sắc đỏ khi nóng, rất an toàn cho người già và trẻ nhỏ, phòng chống được các sự trục trặc bỏng da ngoài ý muốn.

13) Bag Sealers: món quà dành cho mọi căn bếp :


Chúng ta thường nghe nói: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Thế nên nếu chỉ biết mở mà không biết đóng thì không được. Sau khi đã "mở" các túi thực phẩm, mà dùng không hết, thì chúng ta cần tìm cách để "đóng" chúng lại càng kín hơi càng tốt.

Bây giờ, chúng ta có thể hàn kín miệng bất kỳ loại bao nào, chỉ trong một cái chớp mắt bằng Bag Sealers như hình minh họa bên trên.

Cách sử dụng rất đơn giản, bạn chỉ cần xếp miệng bao lại, luồn mép đầu miệng bao vào phần giữa thanh nhựa cứng rồi kéo thanh nhựa từ đầu miệng bao bên đó sang đầu miệng bao bên kia.

Blog Archive