Tuesday, April 28, 2009

KHI LÍNH BIẾT YÊU

Thân tặng những chàng trai Phi Công Trực Thăng của
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

NGUYỄN KHẮP NƠI.

Thủa nhỏ, tôi học ở Đà Lạt. Ba tôi gốc nhà giáo từ thời Pháp, nên ngoài việc học ở trường, anh em tôi còn phải học thêm về Pháp văn do ba tôi đích thân dậy. Học đuợc bao nhiêu chữ tôi cũng không biết nữa, nhưng điều ba tôi dạy kỹ nhất là cách phát âm: Phải đọc cho đúng giọng Pháp, không thì sẽ bị nghe ba tôi la mắng ngay lập tức.
Tương lai của một cậu học sinh tỉnh lẻ như tôi sẽ ra sao? Tôi vẫn còn mơ hồ lắm. Thỉnh thoảng được theo chú tôi vào bệnh viện, nhìn những vị bác sĩ đi tới đi lui chẩn bệnh cho bệnh nhân, nhìn khu chờ đợi đầy những người chờ khám bệnh, tôi chỉ muốn trở thành một bác sĩ ngay lập tức để trị bệnh cho họ. Nhất là khi được xem những đoạn phim quay cảnh mổ xẻ, tôi có thể xem đi xem lại nhiều lần, để nhìn cho rõ làm thế nào mà người bác sĩ dùng con dao nhỏ cắt đi những vùng thịt hư thối để cứu một mạng người.

Nhưng tôi cũng lại có một giấc mơ khác nữa: Bay bổng trên nền trời xanh.
Tôi thích làm phi công để được cưỡi mây lướt gió. Nhưng rất tiếc là ở Đà Lạt, hiếm khi mà tôi đuợc thấy một chiếc máy. Mỗi lần đi xem chiếu bóng, xem phần phim thời sự quay cảnh các khu trục cơ lộn nhào bắn phá mục tiêu, hoặc các phi công trực thăng liều mình đáp xuống trận tuyến đổ quân, bốc thương binh là lòng tôi lại rộn lên niềm mơ ước đuợc mang đôi cánh thép bay bổng trên không gian diệt thù cứu nước.
Nhưng, thật là đáng tiếc, hai giấc mơ kể trên còn quá xa vời với tôi, vì lúc đó, tôi chỉ là một cậu học sinh 16 tuổi mà thôi.

Mười sáu tuổi, tôi chưa thể thực hiện được những ước mơ của tương lai, nhưng tôi lại có thể thực hiện được một công việc đơn giản mà tôi chắc rằng, trên thế giới, hàng triệu triệu các học sinh cùng tuổi với tôi đã làm và đang làm:
Yêu!
Đối với lứa tuổi 16, tình yêu là một cái gì mới mẻ, đam mê và . . . chẳng ra đâu vào đâu cả. Bởi vì, tôi . . . đâu có biết yêu là cái gì đâu?

Một buổi tan trường về, mấy đứa bạn rủ tôi rẽ ngang qua trường Bùi Thị xuân . . . cho biết, thật sự là để ngắm những cô nữ sinh với áo dài trắng đang thướt tha trên đường. Cô nào cũng một tay ôm cặp tay giữ nón hoặc giữ vạt áo dài cho nó khỏi bay, tôi thấy không còn vẻ đẹp, duyên dáng nào có thể sánh bằng.

Trong số những bóng trắng thướt tha đó, tôi đã đế ý tới một cô có dáng vóc thật là trang nhã với gương mặt thật xinh tươi. Cái áo dài nữ sinh cô mặc trên nguời cũng chỉ là cái áo dài trắng mà những cô khác đang mặc, nhưng nó lại thật là hợp với dáng vẻ dịu dàng của cô, làm cho cô có vẻ gì sang trong, đài các . . . Tôi cứ đứng bất động như vậy mà nhìn cô đang nhẹ nhàng buớc đi. Đến khi tôi chợt tỉnh để bước theo thì một chiếc xe hơi mầu đen đã trờ tới, cửa sau mở ra và cô khoan thai bước vào trong xe đóng cửa lại. Chiếc xe rồ ga chạy thẳng, để lại một làn khói xăng và thằng tôi đứng lớ ngớ trông theo.

Ngày hôm sau, tan trường về, không đợi ai rủ cả, tôi cũng đã hăm hở xách cặp táp đi về phía trường học ngày hôm qua để ngắm người đẹp áo trắng. Hôm nay tôi cũng chẳng làm gì hơn ngày hôm qua, nghĩa là cũng đứng thộn mặt ra mà ngắm cô nàng áo trắng.
Hàn Mặc Tử khi tả cô gái mặc áo dài trắng, đã viết:

“Áo em trắng quá, nhìn không ra”

Nhưng tôi thì nhìn ra cô liền, vì cái vẻ đài các sang trọng của cô, và cuối cùng là đứng ngửi khói xăng rồi hân hoan ra về.

Tôi để ý đến cô, nhưng không biết cô có để ý gì tới tôi, hoặc giả có thấy tôi đứng nhìn cô say mê hay không? Nhưng tôi cứ cho là cô có nhìn thấy tôi và cảm động khi thấy tôi đứng nhìn cô và ngửi khói xăng. Tôi bắt đầu ngắm vuốt đầu tóc và quần áo của tôi. Ngày nào tôi cũng mặc đồng phục, nhưng tôi cũng ráng ủi kỹ lưỡng để mặc khi đứng nhìn cô. Tuy vậy, tôi vẫn thấy tôi có cái gì ngố ngố ở trong đó, chứ không được sang trọng như cô.

Chị tôi, có lần nhìn thấy tôi đứng soi gương chải đầu rồi tự mình mỉm cười, thì chạy ra . . . mách mẹ: “Mẹ ơi, thằng Dũng nó bắt đầu chải chuốt rồi đó, chắc là nó... có bồ rồi đấy, mẹ ạ!”

Mẹ nhìn tôi cười, làm tôi mắc cở quá, những lần sau, muốn làm đẹp, tôi phải nhìn trước nhìn sau, không có ai thì mới dám chải cái tóc, vuốt lại áo quần.

Cả tuần lễ sau, đã có một lần, trước khi cô gái bước lên xe, cô quay lại nhìn tôi thật nhanh rồi mỉm cười. Nụ cười của cô làm cho gương mặt xinh tươi của cô càng thêm đẹp, càng thêm xinh, càng làm cho tôi mê mệt. tối nào ngủ cũng nằm chiêm bao thấy cô cười với tôi.

Đáng tiếc thay, được vài tháng sau thì ba tôi được thuyên chuyển về Đà Nẵng. Đương nhiên là tôi phải khăn gói đi theo rồi! Ngày cuối cùng, tôi đứng nhìn cô gái, chỉ muốn chạy lại nói với cô là ngày mai tôi sẽ không còn được ngắm cô nữa, vì gia đình tôi phải dọn đi Đà Nẵng. Nhưng tôi không có can đảm đó, hơn nữa, cô có biết tôi là ai đâu mà nói? Phải chi tôi được quen với cô!

Trường Phan Chu Trinh quá lớn so với trường học ở Đà Lạt của tôi, buổi đầu đi học, nhìn những cô gái mặc áo dài trắng, tôi lại nhớ lại người đẹp áo trắng của tôi hồi còn ở Đà Lạt. Tôi chưa hề được hân hạnh nói chuyện với cô, hỏi tên cô, nên dù là có nhớ đến người đẹp áo trắng của tôi, tôi cũng không biết phải nhớ cô như thế nào?
Đà Nẵng lại là trung tâm của những loại máy bay cả của dân sự lẫn quân sự. Mỗi lần đi học, tôi có dịp nhìn tận mắt hàng đoàn những phi cơ phản lực, khu trục, những trực thăng . . . của không lực Hoa Kỳ cũng như của không lực Việt Nam Cộng Hòa đang lướt nhanh trên phi đạo hoặc lộn nhào trên không. Ánh nắng chiếu vào thân máy bay gắn đầy những bom đạn sáng loáng cả không gian, mà lòng tôi xem chừng như cũng đang lộn nhào theo chiếc máy bay. Tôi nhủ thầm trong bụng: “Thế nào tôi cũng có dịp bay bổng trên không gian”.

Thi đậu Tú Tài I rồi, ba tôi cho cả nhà về Sài Gòn thăm bác tôi, nhân tiện cho tôi biết thành phố và sửa soạn cho tôi khi học hết lớp 12 sẽ học đại học ở đây.
Trở về Đà Nẵng, ngày đầu tiên nhập trường, vẫn những khuôn mặt cũ, vẫn những tà áo trắng ngày xưa, nhưng tôi vẫn không quên được người đẹp Đà Lạt của tôi ngày nào.
Bất chợt, một bóng dáng quen thuộc đi ngang qua tôi, dáng thướt tha, đài các. Tôi vộn vàng đứng dậy nhìn: Đúng rồi, đúng là người đẹp năm xưa của tôi rồi.
Cô gái cũng nhìn thấy tôi, chắc là cô còn nhớ tới . . . thằng khờ đứng chờ cô mỗi khi tan trường để ngửi khói xe, nên tôi thấy rõ cô mỉm cười với tôi.
Mừng quá, tôi buột miệng:
-Chào . . . chào cô . . .
-Cô cũng . . . học ở đây hả?

Ngoài sự tưởng tượng của tôi, cô gái mỉm cười thật duyên dáng, trả lời tôi:
- Gia đình của Thùy Trang mới dọn từ Đà Lạt về đây, nên xin vào học ở trường này. Hình như tôi đã có gặp anh rồi, cũng ở Đà Lạt, phải không?
- Đúng rồi! Cô có nhớ ra tôi rồi! Hai người dân Đà Lạt gặp nhau là đủ có chuyện nói rồi, huống chi tôi đã từng . . . trồng cây si ở trường Bùi Thị Xuân.
Thế là chúng tôi quen nhau. Đến bây giờ tôi mới được biết tên của cô:
Thùy Trang, Tôn Nữ Thùy Trang!

Nhìn thấy cô là đã thấy đài các, sang trọng rồi, nghe cô xưng tên, tôi lại càng cảm thấy cô quý phái, sang trọn hơn nữa. Họ hàng nhà Vua có khác, không giống lông thì cũng giống cánh, chắc vì thế, nên cái dáng của cô mới sang trọng quý phái như vậy! Chắc là cha mẹ Thùy Trang, khi sinh ra cô, đã thấy trước được nét đẹp của cô, nên mới đặt cho cô cái tên như vậy.

Một lần, rủ Thùy Trang đi chơi, chúng tôi nói cho nhau nghe về ước mộng tương lai. Hai đứa cùng có ý nghĩ sẽ chọn học Y Khoa. Nhưng tôi lại thêm vào một đề tài nữa: Ngoài việc muốn học y, tôi lại còn muốn trở thành phi công nữa.
Thùy Trang reo lên:
-Thùy Trang cũng thích trở thành phi công nữa!
Rồi cô xụ mặt xuống:
-Nhưng mà lính mình đâu có tuyển phi công con gái đâu!
Tôi liều mạng trả lời:
-Để Dũng đi làm phi công, rồi Dũng về . . . kể lại cho Thùy Trang nghe.
Hai đứa cùng cười.
Nói thì nói vậy, chứ không dễ gì mà tôi có thể thay đổi ý định của cha mẹ tôi.

Ngày tháng qua đi, hai đứa chúng tôi đều thi đậu Tú Tài II và cả hai đứa chúng tôi hẹn sẽ gặp lại nhau ở Đại Học Sài Gòn để ghi danh học Dự Bị Y Khoa.

Tình hình chiến cuộc ở Miền Nam càng ngày càng trở nên nóng bỏng. Bạn bè tôi đã có vài đứa tình nguyện nhập ngũ. Một buổi nghỉ trưa, tôi và Thùy Trang ngồi ăn với nhau, hôm nay chỉ có hai đứa, không có bạn bè chung quanh.
Tôi im lặng một lúc rồi nói với Thùy Trang:
-Thùy Trang, Dũng . . . nộp đơn xin gia nhập Không Quân rồi!
Thùy Trang nhìn tôi ngạc nhiên:
-Dũng thích học y khoa lắm mà, sao đang học lại bỏ ngang?
Tôi giải thích với Thùy Trang, cũng như đã ngồi nói chuỵện với ba mẹ tôi:
“Nước mình đang trong thời chiến, đằng nào cũng phải đi lính, thà đi thứ lính nào mà mình thích, còn hơn mai mốt phải chọn đơn vị mà mình không ưa!
Đời trai, sống hùng sống mạnh, thích hơn”.

Với cha mẹ tôi, tôi nói thêm: “Con cũng muốn tiếp tục học hành lắm, nhưng ba mẹ hãy cho con chọn cuộc đời binh nghiệp đi. Mai mốt, nếu có dịp, con sẽ trở lại học y khoa.”

Riêng với Thùy Trang, tôi nói thêm: “Thùy Trang thích không quân, trước đây, Dũng có hứa là để Dũng làm phi công cho, rồi Dũng về nhà kể lại cho Thùy Trang những vui buồn của đời phi công. Còn Dũng thích y khoa, thì hãy để Thùy Trang làm bác sĩ dùm, rồi khi nào gặp nhau, kể cho Dũng nghe cuộc đời làm bác sĩ, thế cũng đủ vui rồi.”

Mãn khóa không quân, tôi trở về Sài Gòn mời Thùy Trang đi dạo phố. Thùy Trang mặc cái áo dài mầu xanh da trời, thật là hợp với bộ quân phục xanh đậm tôi đang mặc trên người. Tôi ngắm Thùy Trang: Cô vẫn có vẻ kiêu sa, đài các làm sao ấy, còn tôi thì, đương nhiên, tôi vẫn . . . kệch kỡm hết chỗ chê. Mai mốt đây, Thùy Trang sẽ trở thành bác sĩ, còn mình, mình sẽ là gì? Phi Công là cái chắc rồi, nhưng mà phải là thứ có tầm cỡ nào đó, thì mới xứng đáng với Thùy Trang chứ!
Truớc khi ra về, tôi nắm tay Thùy Trang, muốn nói:“Anh yêu em” . Nhưng cảm thấy ngại ngùng, nên lại thôi. Hình như Thùy Trang cũng đang chờ đợi câu nói của tôi.

Tôi bay trực thăng. Cuộc đời người phi công trực thăng thật là gian khổ và đầy những nguy nan. Người lính bộ binh bề gì cũng có đồng đội chung quanh, còn tôi, tôi chỉ có một mình đơn độc.

Người xạ thủ đại liên tuy ở cùng chiếc máy bay, nhưng lại quá xa để mà tâm sự với nhau. Hôm thì tôi lo chuyện đổ quân, hôm thì chở đồ tiếp tế cho những chiến hữu ở tiền đồn hẻo lánh hoặc đang ở trong khu vực giao tranh. Mỗi lần tôi tới với họ, là đem thêm cho họ nguồn sinh lực. Họ mừng, tôi cũng mừng vì đã cùng nhau tham dự vào cuộc chiến chống cộng.

Tôi còn độc thân vui tính, phi vụ nào cũng tình nguyện, trận đổ quân nào cũng nhào vô. Gặp bọn VC là tôi lái vòng vòng, tha hồ cho người xạ thủ đại liên bắn tiêu diệt bọn chúng cho tới khi hết đạn mới thôi. Cũng nhờ thế mà tôi lên lon mau lắm, huy chương cũng bộn lắm. Những người lính trận lâu năm, thường hay nói, gót giầy “Sô” của họ đã in trên khắp các nẻo đường bốn vùng chiến thuật, thì chúng tôi cũng có thể nói, cánh bay của chúng tôi đã in trên khắp bốn vùng mây chiến thuật. Lính Biệt Động Quân xung phong như thế nào thì đám trực thăng chúng tôi cũng lộn nhào, cũng lắc chong chóng mà bay tới chừng nấy. Có nhiều bài hát ca tụng đời phi công lắm, nào là mây tím giăng ngang, nào là tinh cầu bay, nào khăn ấm chính em đan . . . nhưng đám trực thăng chúng tôi đâu có thấy gì đâu ngoài những lằn đạn bắn ngang bắn dọc của các khẩu súng phòng không, những lời khi còn khi mất của những đơn vị đang trông chờ mình ở dưới đất, những im lặng ghê gớm của toán lính biệt kích mà lát nữa đây, họ sẽ nhẩy xuống một vùng biên giới xa xăm và ngày về thì còn . . . tùy theo tình thế. Lượn vài vòng là ruột gan chạy đâu cũng không biết, nói chi tới cái khăn bay quàng cho ấm. Bước ra khỏi trực thăng, rờ cái bàn tọa mới biết là nó còn hay mất. Dựa vào thế bay của trực thăng, có một câu văn tả người phi công trực thăng mà ai đó đã nói lại cho tôi:
“Phi công trực thăng, khi . . . lên, thì lên rất thẳng, khi xuống, thì lại . . . xuống rất từ từ”

Câu văn tả chân này, không biết trong đám anh em chúng tôi hay ai đặt ra mà có ve... phàm tục quá, nhưng lại... hay quá. Tôi không biết cái chuyện lên thẳng xuống từ từ này có đúng trong mọi trường hợp hay không? Nhưng có một điều chắc chắn là, anh phi công trực thăng nào cũng biết tới câu ví von này, và ai cũng thích câu văn tả chân này hết.

Một lần về phép, tới bệnh viện đón Thùy Trang, tôi thấy có mấy người bác sĩ mặc đồ không quân, lon lá sáng ngời, đeo huy hiệu con rắn quấn quanh chén thuốc ở trên ngực áo, làm tôi cũng thèm muốn được như họ và đâm ra ghen tức với họ. Nhưng khi Thùy Trang nhìn thấy tôi, rối rít vẫy gọi và hãnh diện giới thiệu tôi là phi công trực thăng với những người bạn của cô, thì tôi không những hết cả ghen tức mà còn cảm thấy hãnh diện là đàng khác nữa. Sau đó, cô xin chào từ giã hững người bạn bác sĩ đó để đi chơi với tôi.

Trước khi đến gặp Thùy Trang, tôi đã tự nhủ là sẽ phải nói rõ tình yêu của tôi đối với Thùy Trang, nhưng tới khi muốn nói ra, tôi lại cảm thấy ngại ngùng. Thùy Trang thùy mị, đoan trang quá, kiêu sang quá, không biết cô đã . . . biết yêu là gì chưa mà tôi nói yêu cô? Lỡ khi tôi nói ra rồi, Thùy Trang lại từ chối tình yêu của tôi thì sao? Mai mốt đây, Thùy Trang sẽ trở thành bác sĩ, còn tôi, tôi chỉ là một sĩ quan phi hành, một người lính bình thường mà thôi! Tôi có . . . xứng với Thùy Trang hay không?

Hay là cứ để tình bạn như vầy là được rồi. Thùy Trang đâu có quen ai khác ngoài tôi đâu! Cô đã từ chối những người quen khác để đi chơi với tôi, như vậy đã chứng tỏ Thùy Trang có cảm tình với tôi rồi, đâu cần nói gì thêm nữa!

Khi đưa Thùy Trang về nhà, có người nhà đông quá, tôi lại ngại ngùng, chỉ nắm tay Thùy Trang xiết mạnh, thật lâu, rồi nói một câu nói thừa thãi, vô duyên:
“Thùy Trang ráng học, mai mốt trở thành bác sĩ . . . chữa bệnh cho tôi”
Thùy Trang để yên bàn tay cô trong tay tôi, ngước nhìn tôi với tia mắt mà tôi không bao giờ quên được.

Trở về Pleiku, tôi suy nghĩ thêm một ngày nữa, tức mình cho chính tôi: Ngay cái việc xưng “Anh” với Thùy Trang, tôi cũng không nói được. Quen nhau từ hồi trung học, tôi và Thùy Trang đã quen lối xưng hô bằng tên với nhau rồi. Nhưng bây giờ tôi muốn đổi cách xưng hô “Anh, Em” cho nó có vẻ tình tứ, vậy mà tôi cũng đổi không xong, nói chi đến chuyện tỏ tình với Thùy Trang. Một người phi công hiên ngang như vậy, xung trận tàn sát bọn Việt Cộng, vào sinh ra tử biết bao nhiêu lần, vậy mà chỉ nói một lời yêu đương cũng ngại ngùng không nói!

Tôi ngồi viết một bức thư cho Thùy Trang, nói với cô rằng “Dũng đã yêu Thùy Trang, yêu nhiều lắm! Yêu từ lúc mới gặp nhau ở Đà Lạt. Cuộc đời Dũng không thể thiếu Thùy Trang được! Dũng thích nghề bay, nhưng mỗi khi trở về, Dũng muốn có Thùy Trang ở bên cạnh, suốt đời.”.

Cuối thơ, tôi hẹn kỳ nghỉ phép tới, sẽ nói chuyện tương lai với nhau. Tôi đâu dám gởi thư này về thẳng nhà của Thùy Trang, sợ người nhà cô bắt gặp, tôi gởi cho chị tôi, nhờ chị chuyển dùm đến cho Thùy Trang, chắc ăn hơn, vì hai người cũng thường gặp nhau ở trường. Tôi vui vẻ chờ hồi âm và nghĩ tới kỳ nghỉ phép tới.

Tình hình miền cao nguyên thật là xôi động, phi đội của tôi xuất trận đều đều, tôi bay hết ngày này qua ngày khác. Cuối cùng, Tướng Phú ra lệnh bỏ phi trường Cù Hanh, di tản hết cả về Nha Trang, làm anh em chúng tôi càng bận bịu hơn nữa. Trực thăng đâu ra mà chuyển quân, vũ khí, đạn dược? Đã vậy, vợ con lính nữa, chẳng ai lo cho họ cả.

Chúng tôi bay chở các toán lính đi, lúc trở về, thấy nơi nào có dân chúng đang bồng bế dắt díu nhau chạy là tôi xà xuống bốc được bao nhiêu thì bốc, chở về Tuy Hòa, Nha Trang.

Có lần, tôi không thể xuống thấp được, phải bay chậm chậm, thả thang dây cho dân chúng leo lên. Một bà mẹ cố gắng đưa được đứa con cho người xạ thủ kéo lên máy bay. Kéo đứa nhỏ được rồi, tới phiên bà mẹ leo lên thì Việt Cộng bắn rát quá, tôi phải bay nhanh hơn một chút, người mẹ cố gắng leo lên thang dây. Khi bà sửa soạn đưa tay ra cho nguời xạ thủ đại liên kéo lên thì bà kiệt sức, rơi xuống đất. Tôi không chờ được nữa, phải bay đi. Vừa bay tôi vừa khóc, thương cho người mẹ xấu số.

Về đến Tuy Hòa, tôi được lệnh bay về Nha Trang, nhưng sau đó lại đổi lệnh, nói tôi bay tới tuốt về Phan Rang hoặc tới đâu thì tới, vì Nha Trang không có an ninh nữa. Tôi đổ thêm xăng, lấy thêm đạn rồi cùng người xạ thủ bay đi tìm nơi nào có dân chạy loạn thì bốc họ theo một thể.

Định mệnh đã đến! Chuyến bay này cũng là chuyến bay cuối cùng của đời tôi. Đang khi tôi thả thang giây bốc lính và dân lên thì hỏa tiễn của Việt Cộng bắn tới trúng ngay thân tầu. Tôi sợ máy bay rớt nổ chết dân ở dưới nên vội vàng bay đi thật nhanh. Nhưng bay không được bao xa thì trực thăng phát nổ. Đồng trống ở phía duới, không có ai cả, tôi chết cũng không sao. Tôi chợt nghĩ đến cha mẹ, đến Thùy Trang, không biết cô đã nhận được thư của tôi hay chưa?

Khi tôi tỉnh dậy thì chung quanh trời tối đen như mực, súng vẫn nổ, đạn vẫn bay. Mình mẩy chân tay tôi đau buốt, không biết là mình còn sống hay chết nữa. Lần mò chung quanh người, may quá, khẩu súng của tôi vẫn còn đó. Tôi rút ra cầm trên tay rồi lại thiếp đi.

Trời hừng sáng, tôi cố gắng trổi dậy nhìn chung quanh: Chiếc trực thăng cháy tan nát nằm không xa chỗ tôi cho lắm, chắc là khi nổ tung, tôi bị bắn ra khỏi phòng lái nên mới còn sống mà nằm đây. Cả người tôi nhuộm đầy máu, bắp đùi phải nhức nhối tận mạng, máu đen dính đặc kẹo lại. Tôi rút dao găm cắt ống quần cột vết thương lại rồi tìm một nhánh cây chống làm gậy bước đi, tay cầm khẩu súng sẵn sàng nhả đạn. Bất chợt, tôi nghe có tiếng gọi nhỏ:
“Đại Úy, Đại Úy Dũng”

Tôi xững người, vội nhào xuống đất, chĩa súng ra phía có tiếng gọi.
Thì ra, đó là người xạ thủ đại liên của tôi, tên Hùng, đang núp ở trong bụi rậm gần đó. Tôi bò từ từ lại chổ anh ta, hỏi nhỏ:
-Hùng có bị gì không?
-Em bị cháy nám mặt hết trơn rồi, tay chân dở không lên, cả đêm nằm chịu trận, không biết Đại úy có còn sống hay chết? Gặp lại ông, em mừng quá!

Tôi nhìn khắp người Hùng, thấy anh ta bị cháy nám cả người, tuy rất đau nhưng không đến nỗi nguy hiểm đến tính mạng. Tôi trấn an nó, rồi nói là phải tìm đường về Nha Trang, rồi sau đó mới đi Phan Rang.

Hùng bậm môi nói với tôi:“Em đau lắm, đi không nổi đâu, nhưng ở lại đây thì chết là cái chắc. Thôi thì ráng lết, tói đâu hay tới đó, Đại Úy ráng giúp em, cho em đi chung nhe, nhà em ở xóm chài Nha Trang đó. Nhà em có ghe đánh cá, về tới đó em sẽ nói ba em lấy ghe đưa mình về Phan Rang trình diện.”

Đi chung thì chắc chắn là phải đi chung rồi, tôi đâu có thể bỏ nguời bạn cùng chiến đấu lại chiến trường được! Cứ cùng nhau đi, dựa vào nhau mà tiếp tục chiến đấu, sẽ có cơ hội sống sót.

Chẳng có đồ ăn thức uống gì cả, hai thầy trò chúng tôi kéo nhau từng bước theo dòng sông mà đi. Được vài ngày thì bắp đùi tôi không còn chẩy máu nữa, nhưng vẫn phải chống gậy, còn Hùng thì không thấy đỡ gì cả, những vết cháy mưng mủ lên, mỗi lần cây rừng đụng phải, cậu ta kêu la đau đớn lắm. Mỗi đứa tụi tôi kiếm được một khẩu M16 phòng thân. Việt cộng đâu thì tôi chưa thấy, nhưng đại bác của chúng bắn theo nổ thật gần. Đi tới đâu tôi cũng thấy xác chết của dân, của lính. Tử thẩn vẫn còn lảng vảng chung quanh đây.

Đi mãi rồi cũng phải tới. Về tới Nha Trang thì thành phố này đã bị bọn Việt cộng chiếm đóng rồi. Chúng tôi nằm chờ tới đêm khuya mới dám về xóm dân chài. Gia đình Hùng thật vui mừng khi thấy đứa con còn sống sót trở về, họ dấu chúng tôi ở mấy cái chòi sát bờ biển để dưỡng thương. Nước biển làm lành vết phỏng của Hùng và vá lại vết thương đùi của tôi.

Khỏe mạnh rồi, chúng tôi bàn tới chuyện về Phan Rang trình diện. Tình hình ở đó ra sao, tôi cũng không rõ, chỉ biết rằng lúc đó là cuối tháng Tư rồi. Má của Hùng ra chợ mua đồ khô cho hai thằng chất lên ghe, bà trở về với một gói bự và ngưồn tin như sét đánh ngang tai:
“Tổng Thống Dương Văn Minh đầu hàng rồi!”

Đầu hàng rồi sao? Tôi còn đang muốn trở về trình diện để bay tiếp cơ mà!
Cháy một chiếc trực thăng thì có nhằm nhò chi! Quân đội vẫn còn ít nhất một người phi công trực thăng và một người xạ thủ đại liên đây mà!
Đơn vị của tôi bây giờ ở đâu? Gia đình tôi, cha mẹ anh em tôi ra sao rồi? Họ còn sống sót như tôi không? Nhất là Thùy Trang, cô bây giờ ra sao? Cô có nhận được bức thư tỏ tình của tôi không? Cô có đuợc an toàn hay không?

Câu hỏi tôi đặt ra chỉ để mà hỏi thôi, chứ làm sao mà tôi có câu trả lời cho được! Buổi tối, tôi nghe lén đài phát thanh Hoa Kỳ và BBC, cả hai đài đều loan tin có hàng đoàn trực thăng, tầu hải quân, hàng ngàn người dùng ghe thuyền chạy ra biển đông nơi có Hạm đội của hải quân Hoa Kỳ chờ đón họ.

Chờ đợi thêm mấy ngày, lòng tôi như lửa đốt. Tôi quyết định với Hùng: “Lấy ghe đi ra hải phận quốc tế, chắc chắn sẽ gặp hải quân của Mỹ hoặc của VNCH. Tôi không thể ở lại với bọn Việt Cộng được”.
Ghe của gia đình Hùng tuy nhỏ, nhưng cũng thường đi đánh cá ngoài khơi, cả tuần mới về một lần. Từ hồi đi lính, Hùng không còn lái ghe nữa, nhưng chúng tôi cũng cứ thử thời vận. Đằng nào cũng chết, thà chết ở biển, dù sao cũng chết tự do, còn sướng hơn là về Sài Gòn đầu hàng bọn giặc Cộng.
Hùng đồng ý ra đi với tôi, nhưng gia đình thì lại muốn anh ta quay trở về làm nghề đánh cá tiếp.
Buổi tối ra đi, Hùng ôm bao thức ăn khô lên ghe, tôi hỏi Hùng:
“Hai cây súng M16 của mình còn không, Hùng?”
Hùng chợt nhớ ra, hối hả đi tới một gộp đá, moi cát lấy ra cái túi, trong đựng hai khẩu M16, và nói với tôi:
“Đúng rồi đó, Đại úy, đem theo cho chắc ăn!”
Theo chương trình đã định, Hùng sẽ đưa tôi đi ra tới hải phận quốc tế, khi gặp tầu hải quân, tôi leo lên đi, rồi Hùng lái ghe trở về Nha Trang với gia đình.

Đi mãi, chẳng thấy hạm đội đâu cả, toàn là biển cả mênh mông, tôi hơi nản, vì Hùng phải về với gia đình, không thể đi khắp chân trời như tôi. Nhưng Hùng vẫn cứ nói chắc như bắp:
“Em đã hứa đưa Đại úy đi, thì khi nào gặp tầu của hạm đội, em mới quay về!”
Tôi suy nghĩ một lúc rồi móc con dao găm ra, chỉ vào cái địa bàn nhỏ gắn ở chuôi dao, nói với Hùng:
“Chú dám lái ghe . . . thẳng tới Hồng Kông hoặc Phi Luật Tân không? Tôi biết hướng đi, chỉ sợ ghe không đủ dầu thôi!”
Hùng mạnh dạn:
“Dám chớ, Đại úy! Ghe mình chạy biển mà, dầu chứa cả hầm! Sóng tháng Tư, không ngại đâu! Đồ ăn mình ăn nhín một chút, vừa đi vừa bắt thêm cá, không sợ đói!”
Thế là hai thằng không quân bậm môi . . . lái ghe ( chứ không bay trực thăng) đi tìm tự do.

Đi được hai ngày thì vận rủi đã tới: Máy bị hư! Chiếc ghe cứ tròng trảnh trên mặt biển, mặc cho sóng gió đưa đi tới đâu thì tới. Ba ngày, rồi bốn ngày, rồi năm ngày, thức ăn nước uống đã cạn. Chúng tôi dùng súng bắn cá để ăn, dùng mấy tấm bạt nylông hứng nước mưa để uống.

Tới khi kiệt sức, hai người lính nằm xỉu trên ghe.
Khi chúng tôi không ăn được cá nữa, thì sẽ tới phiên cá ăn tụi tôi.
Tôi nhớ tới Thùy Trang, nhớ lá thơ tôi gởi, không biết cô có nhận được hay không? Nhận được thì cũng chẳng ích gì. Tôi chìm dần . . .

Khi tỉnh dậy, tôi nhìn chung quanh không phải là biển nữa, mà là đang nằm trên giường. Nhìn xuống người, thì tôi không còn mặc bộ đồ bay nữa, mà bộ . . . pyjama. Tôi gượng ngồi dậy: Thì ra tôi đang ở trên một chiếc tầu sắt. Tôi nghĩ rằng mình đã được tầu của hải quân cứu, nên vui vẻ ngồi chờ. Chờ một hồi không thấy bóng dáng người lính hải quân nào cả, tôi đứng dậy định đi dọc theo hành lang tầu tìm tới phòng chính. Đi được vài bước, tôi chùn chân đứng xững lại:
Trước mặt tôi, không phải là một người lính hải quân Việt Nam, mà là một người đàn ông ngoại quốc tóc vàng. Lúc đầu, tôi tưởng anh ta là Hải Quân Mỹ, nhưng nhìn kỹ, anh không mặc quân phục trắng, mà mặc quần Jean và áo thung, mang giầy đen. Tôi không hiểu gì cả, đứng há miệng trợn mắt nhìn nguời này. Anh ta cũng nhìn lại tôi, cười vui vẻ rồi nói một câu tiếng Pháp:
“Ông đã tỉnh rồi à? Mời ông theo tôi đi gặp Thuyền Trưởng”
Ông tóc vàng nói tiếng gì thì tôi ngại, chứ tiếng Pháp thì tôi rành quá rồi. Tôi mừng quá, nói vội lời cám ơn rồi đi theo ông ta.
Tới phòng khách thật là lớn, tôi được gặp mặt vị thuyền trưởng.
Ông thuyền trưởng mời tôi một ly cà phê, rồi cho biết:
“Đây là một tầu buôn của Thụy Sĩ, chúng tôi đang trên đường về nước thì nhìn thấy chiếc ghe của các ông đang bị sóng nuớc dập vùi. Ban đầu, tôi tưởng các anh là hải tặc, vì có súng trên ghe, và hình như cả hai người đã chết rồi. Chúng tôi tính bỏ đi không tiếp cứu, nhưng chiếc ghe của các ông cứ trôi lại gần tầu của tôi, nên tôi quyết định cho một toán thủy thủ xuống ghe để xem xét cho kỹ. Cũng may, họ khám phá ra các ông còn thở chút ít. Họ còn báo cho tôi biết, quý ông là quân nhân, vì còn mặc quân phục, mang lon trên vai, và có đem theo cả súng ngắn lẫn súng dài. Tôi cho lệnh đem quý ông lên tầu săn sóc, thay quần áo, truyền nước biển cho đến khi phục hồi sẽ tính. Cho tới bữa nay, ông đã ngủ vùi ba ngày rồi. Người bạn đồng hành với ông đang nằm ở phòng kế bên, chắc cũng sắp tỉnh rồi đó”.

Tôi cám ơn ông thuyền truởng và thủy thủ đoàn đã cứu sống chúng tôi, và cho ông biết. tôi là phi công trực thăng của Không Lực VNCH, mang cấp bực Đại Úy. Chính quyền VNCH của chúng tôi đã đầu hàng VC, nhưng chúng tôi không thể sống với VC được, do đó, tôi và nguời bạn đi ra biển tìm tầu hải quân Mỹ để xin đi tỵ nạn chính trị.
Ông thuyền trưởng tự giới thiệu tên là Joel và nói rằng ông rất ngạc nhiên khi nghe tôi nói tiếng Pháp thật là trôi chảy, và rất đúng giọng. Khi tôi trình bầy là đã học tiếng Pháp từ nhỏ, ông rất thích, nói rằng sẽ giúp đỡ tôi trên buớc đường tỵ nạn, vì chúng tôi bây giờ là người tỵ nạn chứ không còn là lính nữa.

Theo đúng luật hàng hải quốc tế, ông sẽ đua tôi và Hùng về Thụy Sĩ và xin cho tôi tôi được ở lại đây nếu chúng tôi muốn. Đang nói chuyện thì một người thủy thủ khác dẫn Hùng tới gặp chúng tôi, vì anh ta vừa mới tỉnh dậy và đang kiếm tôi.

Tôi nói lại cho Hùng biết là đã được một tầu buôn của Thụy Sĩ cứu và họ đang chở chúng tôi về nuớc của họ để làm thủ tục xin tỵ nạn. Tôi cũng nhắc cho Hùng hay là, kể từ nay, tôi và Hùng sẽ là người Việt Nam tỵ nạn, chứ không còn là lính nữa. Hùng nghe xong thì mừng, cám ơn ông thuyền trưởng, nhưng khóc ròng, vì anh đã hứa với cha mẹ là chỉ đưa tôi tới hải phận thôi, rồi trở về. Bây giờ đã ra tới đây rồi, làm sao mà về? Thế là hết, Hùng sẽ không còn dịp gặp lại cha mẹ anh em nữa. Chiếc ghe tuy nhỏ nhưng là ngưồn nuôi sống cả gia đình, nay không còn ghe nữa, không biết cha mẹ anh làm cách nào để sinh sống đây?

Dân Thụy Sĩ nói tiếng Pháp và tiếng Đức. Về đến bến, người thuyền trưởng tốt bụng đưa chúng tôi đi trình diện Bộ Di Trú làm thủ tục xin tỵ nạn. Nhân viên phỏng vấn hỏi chúng tôi có muốn đi định cư ở một quốc gia nào khác hay không? Tôi trả lời là Thụy Sĩ đã cứu sống chúng tôi, chúng tôi cám ơn và xin được tỵ nạn tại đây chứ không có xin đi đâu khác. Cuối cùng, Bộ Di Trú đồng ý cho chúng tôi ở lại với tư cách tỵ nạn.

Ông Joel xin ban giám đốc của hãng cho chúng tôi làm việc ngay tại công ty của ông. Khi đã có việc làm rồi, ông lại mướn dùm chúng tôi một căn flat ở gần nơi làm việc.
Tôi dậy Hùng tiếng Pháp đồng thời ráng học thêm tiếng Đức.

Giòng đời cứ thế mà trôi đi . . .
Tôi nghe đài VOA và BBC, biết rằng đã có rất nhiều người Việt Nam bỏ xứ ra đi tìm tự do. Có người may mắn được tới bến bờ tự do, một số không ít đã bị đắm thuyền chết trên biển đông. Tôi cầu trời cho gia đình tôi và Thùy Trang cũng vượt biên và được đến một quốc gia nào đó để chúng tôi có dịp gặp lại nhau.

Một buổi tối Thứ Sáu, Hùng và tôi cùng gia đình ông Joel xum họp ăn uống cuối tuần. Thấy tôi buồn buồn ít nói, ông Joel khơi chuyện hỏi về gia đình của tôi ở Việt Nam và sự học của tôi. Tôi kể là đang học dự bị Y Khoa thì tình nguyện nhập ngũ, cuộc đời phi công của tôi tính ra cũng gần mười năm. Bác sĩ và Phi công là hai nghề mà tôi ưa thích từ thủa nhỏ. Sở dĩ ba tôi bắt tôi học tiếng Pháp là cũng có ý định giúp tôi học y khoa sau này, vì ở nước tôi, nghành y vẫn còn giảng dậy bằng tiếng Pháp.
Hôm sau, lúc cùng nhau đi bộ ở công viên, ông Joel bất chợt hỏi tôi: “Capitaine có muốn đi học y khoa trở lại hay không?”
(Hùng vẫn gọi tôi là Đại úy, ông Joel và những người quen biết cũng gọi tôi như vậy)
Tôi mừng quá, trả lời:“CÓ”

Ngay lập tức. Tôi đã làm phi công rồi, chỉ còn nghề y khoa là chưa làm mà thôi.
Ông Joel đưa tôi tới trường đại học y khoa để nộp đơn xin học. Tôi qua một kỳ thi, rồi được mời phỏng vấn giống như những sinh viên khác, chỉ có điều đặc biệt là họ xếp tôi vào thành phần dân Việt tỵ nạn, cần giúp đỡ, do đó, tuổi tác của tôi không thành vấn đề. Tôi được phỏng vấn liên tiếp bởi nhiều giáo sư và may mắn thay, tôi được chấp nhận cho học.Thế là niên học năm sau, tôi đã hiên ngang xách túi đi học ở trường Y khoa Thụy Điển.

Trong thời gian đi học, tôi nhờ hội Hồng Thập Tự tìm giúp tin tức của gia đình. May mắn thay, cha mẹ tôi cũng đã tìm đường đưa gia đình vượt biên, cả nhà hiện định cử ở Úc. Ba tôi viết thư cho hay:

“Khi máy bay của con bị rớt và cháy, phi đoàn có cho máy bay khác đi tiếp cứu nhưng không tìm thấy con, nên đã báo tin cho cha mẹ hay là con đã mất tích. Qua tới tháng 5, vẫn không thấy con trở về, cả nhà nghĩ rằng con đã tử trận, nên đã lập bàn thờ cho con rồi. Nhưng bọn nằm vùng vẫn cứ canh phòng gia đình mình, cho rằng cha mẹ đã dấu con trốn lánh đâu đó, không chịu ra đầu thú để đi học tập.”

Chị của tôi lại theo chồng định cư ở bên Mỹ, tôi viết thư hỏi chị: ”Có nhận được cái thư tôi gởi trước khi bị tai nạn hay không?” Chị viết thư trả lời tôi:

“Chị có nhận được thư của em, nhờ chị chuyển thư cho Thùy Trang, chị có chuyển rồi. Hôm sau, Thùy Trang đến nhà tìm chị, nói chuyện quanh co một hồi, cô mới nói cho chị hay rằng, em viết thư nói yêu cô và tính kỳ phép tới sẽ bàn chuyện đám cưới. Cô mừng lắm, nói là đã chờ em mở lời từ lâu rồi, nay em mới chịu nói. Khác với những lần gặp gỡ trước, lúc nào cô cũng ăn nói từ tốn, lần này cô vui quá, nói thật nhiều về em. Lúc ra về, cô còn nói với chị xin được chào ba mẹ mình rồi mới đi về, và khoe với chị, cô về tới nhà sẽ viết thư trả lời cho em ngay, nói rằng cô rất vui sướng được làm vợ của em.

Mấy ngày sau, cô gặp chị, vui vẻ cho chị hay, cô đã nói chuyện với ba mẹ của cô về lời xin hỏi cưới của em. Ba mẹ cô mừng lắm, cùng chờ em về để bàn chuyện cưới xin.
Khi nghe tin Nha Trang thất thủ, ngày nào Thùy Trang cũng gặp chị để hỏi thăm tin tức cùa em. Tới khi nhận được tin xấu của em, chị tới nhà cho Thùy Trang hay, cô khóc muốn xỉu. Ba mẹ cô nghe tiếng khóc của cô, vội bước ra hỏi thăm chị, nghe được tin em mất tích, hai ông bà cũng buồn quá, nhưng ráng ngồi an ủi Thùy Trang, nói rằng hãy chờ một thời gian, thế nào em cũng trở về. Chị ngồi một lúc rồi cáo từ ra về, hứa rằng nếu có tin của em, sẽ cho cô biết liền. Từ đó cho tới khi Sài Gòn thất thủ, gia đình mình chạy tứ tán lo tìm đường vượt biên, chị không còn tin tức gì của cô nữa.”

Tôi mừng vì được tin gia đình nhưng lại buồn vì mất tin của Thùy Trang. Năm 75, cô đang học năm cuối cùng, không biết bọn chúng có cho cô tiếp tục học hay là đưổi cả nhà cô đi kinh tế mới rồi? Hội Hồng Thập Tự cũng không kiếm được cô: Một là Thùy Trang còn ở Việt Nam, hai là cô đã vượt biên nhưng không thành công.
Tôi vùi đầu vào chuyện học hành để tìm quên lãng. Sau bẩy năm dùi mà kinh sử, tôi đã nghiễm nhiên trở thành một Bác Sĩ của nuớc Thụy Sĩ.

Buổi lễ lãnh bằng của tôi, chỉ có gia đình ông Joel, ân nhân của tôi và Hùng, đi dự. Cha mẹ tôi ở xa quá, và đã quá già để lên máy bay. Còn Thùy Trang thì vẫn biền biệt ở khung trời xa thẳm nào đó:

“Cả một trời yêu, bao giờ trở lại?
Ôi ta xa nhau tưởng chừng như đã ,
Ôi ta yêu nhau để lòng cứ ngỡ,
Tình bất phân ly, tình vẫn như mơ. . . .
(Mười năm tình cũ, Trần Quảng Nam)

Hùng đã lấy vợ Thụy Điển và có hai đứa con rồi. Vợ nó tên Lena, là con gái của người bạn của ông Joel. Lena đang dậy tiếng Pháp cho nó. Hai đứa dậy nhau học hành ra sao? Hùng nói được tiếng Pháp tới cỡ nào rồi, tôi không biết, chỉ biết rằng, mấy tháng sau, Lena và Hùng mời cả nhà tới ăn tối, bất ngờ cùng tuyên bố là sẽ làm đám cưới với nhau. Hùng có nghể sửa máy tầu, nhờ tôi chỉ tiếng Pháp lúc đầu, rồi vợ nó dậy tiếp theo, rồi cũng chịu khó học môt khóa sửa máy để trở thành thợ máy chính thức rồi. Vợ nó làm Y tá ở cùng bệnh với tôi.

Tôi vẫn nhớ tới Thùy Trang, nên chẳng nghĩ gì tới chuyện lấy vợ. Mười năm cách biệt, không biết người đẹp kiêu sa của tôi nay ở đâu? Cô nghe tin tôi tử trận, chắc là đã đi lấy chồng khác rồi, chứ ngồi đó mà chờ đợi tôi làm chi!

Trong hai ước muốn của đời tôi: Làm Phi Công và làm Bác Sĩ, tôi đã được toại nguyện rồi. Chỉ còn việc lấy Thùy Trang thì tôi không có cách nào thực hiện được. Nhìn lại tuổi đời, tôi bấy giờ cũng đã gần bốn muơi rồi! Chẳng biết làm gì, tôi lại đâm đầu học tiếp chuyên khoa. Lena cũng đem vài cô bạn gái về nhà giới thiệu cho tôi, và tôi cũng ráng làm quen được với một cô, nhưng rồi cuối cùng, cũng chẳng đi tới đâu cả, đành xa nhau. . .

Mùa Hè năm 2006, tôi mua vé máy bay qua Úc thăm gia đình. Cha mẹ anh em mừng rỡ ra đón tôi, một người từ cõi chết trở về. Chuyện trò hàn huyên nói cả tuần lễ không hết. Cha mẹ tôi hối lấy vợ cho mau, tôi cười trừ: “Con đã quá năm muơi rồi, vợ con làm gì nữa!”

Còn hai ngày nữa thì tôi phải trở về Thụy Sĩ. Đứa em gái kế tôi, tên Minh, lái xe đưa tôi đi thăm các thành phố có người Việt định cư: Chưa bao giờ tôi thấy người Việt đông như vậy! Thành phố Richmond toàn người Việt ở, nhưng nhà hàng ăn thì lại toàn là Tây ngồi ăn. Bánh mì thịt nguội của người Việt làm ngon không thua gì bánh mì ở bên Pháp, tôi theo Minh đứng xếp hàng mua bánh mì.

Bất chợt, tôi thấy một dáng người đi trên lề đường. Người này mặc quần tây và áo sơ mi cùng mầu trắng, dáng đi thật là nhẹ nhàng,thanh nhã. Linh tính báo cho tôi một điều gì đó quan trọng, tôi bỏ xếp hàng chạy theo người đàn bà, vượt lên trước vài bước rồi quay mặt lại nhìn. Tôi nhìn thật kỹ. . .Người đàn bà đã đến trước mặt tôi . . . Tôi sửng sốt, kêu lên nho nhỏ:“Thùy Trang?”

Nguời đàn bà ngẩng mặt lên nhìn tôi, bỡ ngỡ, định bước tránh đi, nhưng rồi lại chợt đứng lại, nhìn tôi, nhìn thật lâu, cặp mắt mở thật lớn, miệng há ra nhưng không nói một lời nào cả. Một lúc sau, mới mấp máy đôi môi:“Dũng . . . Dũng . . . Dũng Không Quân . . . phải không?

Tôi cố lấy lại bình tĩnh, trả lời:“Dũng . . . Dũng đây, Thùy Trang ạ!”
Thùy Trang ràn rụa nước mắt, hai tay rung hẳn lên, giọng nói mất bình tĩnh: “Dũng . . . còn sống hay sao?”

Minh đang cùng đứng xếp hàng mua bánh mì với tôi, thấy tôi vội vàng bỏ chạy ra đường, không biết có chuyện gì đã xẩy ra cho tôi, cũng vội vàng bỏ xếp hàng chạy theo tôi. Tới nơi, nó thấy tôi đang mếu máo đỡ một người đàn bà cũng đang xụt sùi nước mắt, nó trợn mắt nhìn tôi, chẳng hiểu gì cả!

Tôi nắm tay Thùy Trang, giới thiệu với Minh:
“Đây là Thùy Trang, người bạn gái của anh từ hồi còn ở Việt Nam. Cô nghe tin anh đã rới máy bay, chết từ lâu rồi, nay bất ngờ gặp lại.

Minh ú ớ nhìn Thùy Trang, hỏi lại tôi:
“Đây là Thùy Trang mà anh và gia đình mình thường hay nhắc tới đó hả?
Hồi đó em còn nhỏ quá, chưa được gặp mặt chị”

Rồi Minh mau mắn chỉ vào một nhà hàng kế bên, nói với chúng tôi:
“Mời tất cả vào nhà hàng nói chuyện”
Nếu không có Minh mở lời, chắc chúng tôi cứ đứng mà nhìn nhau ở ngoài đường.

Vào nhà hàng, tôi kể lại cho Thùy Trang nghe từ lúc trực thăng của tôi bị bắn cháy, tôi bị văng ra ngoài rồi cùng với người xạ thủ đại liên vượt thoát về Nha Trang và quyết định vượt biên, cuối cùng, bất ngờ được định cư ở Thụy Điển.

Thùy Trang kể cho tôi nghe cuộc đời của cô sau khi Sài Gòn thất thủ:“Cha mẹ đưa cả nhà đi vượt biên, nhưng Thùy Trang không đi, nói rằng muốn ở lại chờ Dũng, vì Dũng chỉ được báo cáo là mất tích thôi, có thể vẫn còn sống. Gia đình vượt biên không thành công, bị bắt ở tù, nhà bị chúng nó lấy, Thùy Trang phải đi ở nhờ nhà người cô, nhưng vẫn được cho tiếp tục học.

Năm sau, tốt nghiệp y khoa, Thùy Trang được đưa về làm bác sĩ ở một bệnh viện ở miền quê, chung với một người bạn trai cùng lớp, tên là Đại. Mặc dù hoàn toàn không có tin tức gì của Dũng, nhưng Thùy Trang cũng không quen ai và cũng chẳng muốn quen với ai khác. Hai năm sau, do gia đình thúc dục, Thùy Trang đồng ý lấy Đại, mặc dù không có nhiều tình cảm với anh ta cho lắm. Cả hai gia đình cùng lo chuyện vượt biên và đã may mắn đến được bến bờ tự do , xin được định cư ở Úc. Hai vợ chồng vừa lo kế sinh nhai vừa xin học lại để được chấp nhận hành nghề bác sĩ trở lại. Thùy Trang hành nghề bác sĩ từ đó tới nay.”

Minh thấy cả hai bất ngờ gặp lại nhau, cũng biết mình thừa thãi, nên lấy lý do trở lại tiệm bánh mì mua đem về cho cha mẹ mà chạy tuốt, cho Dũng và Thùy Trang có dịp tâm sự với nhau.

Thùy Trang cho Dũng biết, cô hiện có hai đứa con, cả hai đã tốt nghiệp đại học và đi làm rồi. Gia đình lúc sau không mấy hạnh phúc, nên chồng cô đã dọn ra ở riêng. Dũng cũng cho Thùy Trang biết, có ở chung với một cô bạn gái người Thụy Sĩ, nhưng sau đó không hợp, nên cả hai đã đồng ý chia tay, cách đây cũng năm năm rồi.

Bất chợt, Dũng hỏi Thùy Trang:“Thùy Trang có nhận được lá thư Dũng gởi vào khoảng tháng Tư 1975 hay không?”

Thùy Trang tươi hẳn nét mặt, nhìn Dũng trả lời:“Thùy Trang có nhận được bức thơ đó của Dũng, do chị của Dũng đưa lại, và Thùy Trang cũng đã trả lời thư ngay cho Dũng rồi, nhưng chắc là Dũng không nhận được. Để Thùy Trang nhắc lại cho Dũng nghe: “Thùy Trang đồng ý với lời cầu hôn của Dũng và chờ Dũng về phép lần sau sẽ làm đám cưới”. Nhờ bức thư đó mà Thùy Trang đã ráng sống, ráng chờ đợi Dũng cả một thời gian dài hơn ba năm trời.

Trước khi lấy chồng, Thùy Trang cũng đã kể lại chuyện tình của Dũng cho Đại nghe, và cũng có đưa cho Đại xem bức thư cầu hôn của Dũng nữa. Đó là kỷ niệm của nguời đã mất tích mà Thùy Trang muốn được giữ nó suốt đời. Khi vượt biên, Thùy Trang cũng đã mang theo nó, và đến bây giờ vẫn còn giữ nó. Nếu có dịp gặp lại, Thùy Trang sẽ mang theo cho Dũng thấy!”

Dũng muốn nói tiếp:“Không cần đọc lại lá thư đó, bây giờ Dũng cũng có thể nhắc lại những câu mà Dũng đã viết cho Thùy Trang ngày xưa”

Nhưng Dũng thấy vẫn còn chưa biết rõ hoàn cảnh gia đình của Thùy Trang, nên tạm ngưng ý định đó.

Minh đã trở lại với túi bánh mì, cả ba cùng nói chuyện thời sự với nhau một lúc nữa. Vì ngày mốt là Dũng phải trở về Thụy Sĩ, nên Dũng đã xin phép mời Thùy Trang, nếu có rảnh, sẽ cùng đi ăn trưa vào ngày mai để hai người có dịp nói chuyện tiếp. Để tránh phiền phức, dĩ nhiên sẽ có cả Minh cùng đi.

Sáng hôm sau, Minh lái xe đưa Dũng tới nhà hàng, nhưng ngồi một lúc, Minh thoái thác là có việc cần phải đi, nên đã lặn mất, để Dũng và Thùy Trang có dịp nói chuyện với nhau. Bao nhiêu tâm sự đầy vơi từ ngày Dũng mất tích, đã được cả hai kể lại cho nhau nghe. Nói chuyện với nhau nhiều, Dũng và Thùy Trang mới thấy rằng, hai người đã rất hợp tình hợp ý với nhau. Rất tiếc là trong thời thanh xuân, hai người đã không có dịp sống chung với nhau. Tuy nhiên, bây giờ cũng còn dịp để nếu hai người muốn tiếp tục lại với nhau. Đến chiều tối, hai người mới chia tay nhau, Dũng hẹn khi về tới Thụy Sĩ, sẽ email cho Thùy Trang, vì hai người còn cần có thời gian để giải quyết những vấn đề cần phải giải quyết, và cũng để suy nghĩ xem, mình muốn làm gì?

Hai giờ đêm rồi, Dũng vẫn còn ngồi một mình ở ngoài vườn nhà của Minh mà suy nghĩ về Thùy Trang. Thụy Sĩ với Úc, đường sá xa xôi, đi máy bay cũng mất hơn một ngày, hơn nữa, nghề Surgeon của Dũng đâu phải lúc nào cũng có giờ rảnh để mà nghỉ phép! Dũng muốn giải quyết câu chuyện tình trước khi về Thụy Sĩ.

Phần Dũng, không có gia dình vợ con ràng buộc gì cả, hơn nữa, Dũng vẫn còn yêu Thùy Trang nhiều lắm, muốn đền bù những mất mát mà Dũng và Thùy Trang đã phải gánh chịu suốt hơn hai chục năm qua.

Nhưng còn phần Thùy Trang thì sao? Mặc dù là đã ly thân, nhưng còn con còn cái, Thùy Trang có thể trở lại với chồng bất cứ lúc nào. Lấy nhau có thể là chuyện dễ, nhưng ở đâu bây giờ? Nếu Thùy Trang qua Thụy Sĩ ở với Dũng, cái bằng bác sĩ của Thùy Trang rất khó mà có thể xin hành nghề tiếp tục khi mà Thùy Trang không hề biết nói tiếng Pháp, tiếng Đức. Mặc dù Dũng biết tiếng Anh, nhưng xin hành nghề Surgeon trở lại ở Úc thì quả là khó. Dũng biết có một người bạn cũng làm Surgeon ở Đức, xin qua Úc ở, phải đi làm GP ở miền quê chứ không được hành nghề ở các thành phố lớn, nói chi đến chuyện làm nghề chuyên khoa.

Thế nhưng, tình yêu lại là một vấn đề khác. Hãy gọi điện thoại cho Thùy Trang, dù là đã khuya lắm rồi, nhưng nếu Thùy Trang còn thức, mọi chuyện có thể giải quyết ổn thỏa.
Chuông điện thoai reo vang. Thật không ngờ, Thùy Trang vẫn còn thức, và cũng đang . . . nghĩ tới mối tình xưa. Dũng ngập ngừng:
-“Dũng biết rằng đã quá khuya, nhưng Dũng muốn gặp Thùy Trang để nói chuyện tiếp. Dũng có thể . . . đến gặp Thùy Trang được không?”
-“Dũng đâu có xe đâu mà tới! Hay là Dũng cho địa chỉ, Thùy Trang sẽ tới với Dũng”.

Khoàng nửa tiếng sau, Thùy Trang tới nơi, Dũng chờ sẵn, đưa Thùy Trang thẳng ra vườn sau. Xứ Úc rộng rãi, nhà nào cũng có vườn sau thật rộng, trồng đủ thứ cây ăn trái và những lọai hoa thật đẹp. Hai người ngồi trên ghế xích đu bên dưới dàn hoa thiên lý. Vài ngọn nến đã thắp sẵn chung quanh một cái bàn nhỏ, cà phê cũng đã được pha.
Câu chuyện tình yêu lại bắt đầu. Họ nói tất cả những chuyện chưa nói và bây giờ cần nói.

Lần đầu tiên Dũng ôm Thùy Trang trong tay, Thùy Trang nép mình vào Dũng, không muốn nói gì hơn nữa. Hai người đã quyết định sẽ lấy nhau, mọi chuyện khác đều là tiểu tiết, sẽ tính sau.

Dàn hoa thiên lý tỏa mùi thơm thật là nhẹ nhàng, tuyệt diệu.

Thùy Trang ngước mặt hỏi Dũng: “Trong thơ Dũng gởi cho Thùy Trang hồi đó, Dũng muốn . . . xưng Anh và gọi Thùy Trang là Em. Bây giờ, Dũng . . . có muốn Thùy Trang gọi Dũng bằng Anh, hay không?”

Dũng xiết chặt vòng tay ôm lấy Thùy Trang, nói nhỏ:“ Em muốn gọi anh như thế nào cũng được . . . ”

“Ôi ta yêu nhau để lòng cứ ngỡ,
Tình bất phân ly, tình vẫn như mơ. . . .”

NGUYỄN KHẮP NƠI.

Ghi chú:
• Đây là câu chuyện tình, do một người bạn Không Quân kể cho tôi nghe.
• Tên nhân vật và tên quốc gia đã được thay đổi.
• Hình ảnh lấy trên internet, không phải là hình của những cá nhân trong chuyện.
• Hồi kết cuộc chưa được viết, vì người lính . . . vẫn còn yêu.
Bài học nhiều giá trị nhưng cũng lắm xót sa

Nam Việt Nam : Ngày 30 – 4 - 1975
(Kính tặng các chiến hữu, đồng bào và những người bạn trẻ của tôi)

Bài này đã đọat giải “ Thi viết Văn – Thơ - Nhạc - Kịch “ do “ Viet Democratic Side’s International Forum “ tổ chức và long trọng công bố kết quả tại Toronto – Canada -
*
Phan Đức Minh
Ngày kỷ niệm đau buồn 30 tháng 4 lại tới.. Nói đến chuyện đó, trước hết ta nên nhớ lại câu nói hàm chưá cả một âm mưu, tham vọng cuả Lenine, cha đẻ cuả cách mạng tháng 10 ở Nga, cuả Đệ Tam Quốc Tế cộng sản, sư phụ cuả Hồ Chí Minh, sư tổ cuả phong trào cộng sản thế giới " … First, we will take eastern Europe, then the masses of Asia, then we will encircle United States which will be the last bastion of capitalism. We will not have to attack. - Lenin - it will fall into our hands like an overripe fruit …" ( The Death Of A Nation - John A. Stormer - 1978 .- Liberty Bell Press,. Florissant, Missouri - U.S.A - Page 14) . Tư tưởng, tham vọng này từ lâu đã sai bét hết cả rồi !

Nhà lãnh tụ được coi là vĩ đại nhất cuả phong trào cộng sản quốc tế này, trước đó hơn nửa thế kỷ, đã từng vạch ra một chiến lược để đánh thắng Hoa Kỳ mà không cần phải tấn công trực tiếp vào Hoa Kỳ, chỉ cần đem phong trào cộng sản đến thống trị Đông Au, rồi thống trị khối nhân dân khổng lồ ở Á Châu , sau đó bao vây Hoa Kỳ, thành luỹ cuối cùng cuả chế độ tư bản. Hoa Kỳ sẽ như trái cây chín nẫu, rơi vào tay cộng sản. Chủ quan ghê gớm thật !

Sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng 11 tháng 9 -2001, đánh thẳng vào nước Mỹ, tháng 2 -2002, những cuộc thăm dò ý kiến dân Mỹ môt cách đại quy mô: Tại sao nước Mỹ hùng cường, nhân đạo, từng giúp đỡ biết bao nhiêu quốc gia, dân tộc khi họ gặp cơn khốn kho, thoát cảnh bom đạn, máu xương, cơ cực, lầm than, đói khổ vv… mà sao nước Mỹ lại có quá nhiều kẻ thù ghét, không có nhiều bạn tốt, ít kẻ biết ơn chân thành, nước Mỹ lại phải nhận lãnh 2 trận tấn công khủng khiếp đánh vào chính ngay nước Mỹ, xưa nay vốn được coi là bất khả xâm phạm : Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ( World Trade Center ) hoàn toàn xụp đổ, gây chết chóc cho mấy ngàn người, còn số bị thương, kẻ đau khổ, mất mát người thân và những trụ cột cuả gia đình thì phải hàng chục ngàn. Rồi Trung Tâm chỉ huy quân lực Hải-Lục-Không Quân Mỹ ( Central Headquarters ) tức là Ngũ Giác Đài (Pentagon ) ngay tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn bị thiệt hại nặng về vật chất, tinh thần, nhân vật quân sự, uy tín cuả 1 Siêu Cường Quốc ( Superpower). Tất cả đã gây ra sự tổn thất nặng nề về nhiều mặt không những cho nước Mỹ mà cho cả thế giới nưã ?

Câu trả lơì cuả 78% dân Mỹ thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, được hỏi ý kiến đại để là : Nước Mỹ hay các thế hệ chính quyền Mỹ đã phạm nhiều sai lầm lớn lao, chủ quan, dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự cuả mình để áp đặt, ép buộc nhiều quốc gia khác phải đi theo kiểu cách của mình, thiếu chung thuỷ với đồng minh, phản bội bạn bè nhược tiểu một cách dễ dàng vô tội vạ,ít tôn trọng tổ chức Liên Hiệp Quốc cũng như các quốc gia thành viên, nghiã là những sai lầm cuả nước Mỹ trong những vấn đề nằm trong các sách-lược đối ngoại(Foreign Policies & Strategies).

Có ai ngờ là nước Mỹ bị loại ra khỏi Uỷ Ban Nhân Quyền và Uỷ Ban Bài Trừ Ma Tuý cuả Liên Hiệp Quốc trong năm 2001, là những tổ chức do chính nước Mỹ chủ động lập ra để làm lợi khí gây áp lực trên các quốc gia khác ? Chuyện lạ nhưng có thực ! Lúc đó, Mỹ có đem vấn đề nhân quyền ra để gây áp lực với quốc gia khác, thí dụ Việt Nam thì Hà Nội lại bảo " Này ! Về nhà coi lại vấn đề nhân quyền cuả chính anh đi đã ! Anh bị đuổi ra khỏi tổ chức nhân quyền thế giới rồi đấy nghe ! "

Năm 2002,trong dịp Lễ kỷ niệm 77 năm thành lập Học Viện Quân sự Whampoa, nơi huấn luyện Sĩ Quan cho cả Quốc Dân Đảng và quân đội Giải Phóng Nhân Dân(cộng sản) trước khi cuộc nội chiến bắt đầu, 20 Tướng Lãnh cả về hưu và đang tại chức cuả Quân Lực Đài Loan đã nâng ly trao đổi tại nhà khách sang trọng Diaoyutai Guest House tại Bắc Kinh với Phó Thủ Tướng Chu Dung Cơ và những Tướng Lãnh hàng đầu cuả quân đội cộng sản Trung Quốc, Tướng Đài Loan Wang Wu-Mon 65 tuổi đã nói " Nếu Đảng cộng sản tiếp tục thay đổi thì sẽ không có chiến tranh, nhưng là sự thống nhất." Một số Tướng Lãnh quân đội Đài Loan đã trả lời phỏng vấn cuả Báo Chí là : Chúng tôi liên minh với Mỹ, một siêu cường quốc đứng đầu thế giới ngày nay là một điều tốt, nhưng kinh nghiệm lịch sử thế giới dậy cho chúng tôi thấy rằng: phải luôn luôn cảnh giác, đề phòng khi nước Mỹ vì quyền lợi cuả chính nước Mỹ mà bỏ rơi chúng tôi thì tự chúng tôi phải lo liệu lấy để tránh những thiệt hại to lớn nhất khi phải đối đầu quân sự với Trung Hoa Lục Địa … Một Tướng Lãnh Đài Loan khác nói " Hoa Kỳ đã một thời đóng vai trò tích cực bảo vệ Đài Loan chống Trung Quốc bằng mọi giá, nhưng sự gắn bó kinh doanh giưã giới tài phiệt Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên gấp bội theo đà tiến rất mạnh với sự gia nhập cuả Trung Quốc vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO - World Trade Organization ) bất kể tình trạng Trung Quốc vi phạm nhân quyền một cách dữ dội thô bạo,và Trung Quốc còn là bạn đường có tầm mức quan trọng cuả Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế " thì chúng tôi phải cảnh giác, coi chừng kẻo bị người ta “ lật ngửa lá bài “ trao đổi lấy một món hàng quan trọng hơn lúc nào không biết.

Một Tướng Lãnh Đài Loan khác nói " Chúng tôi không dám coi Hoa Kỳ là người bạn tin cậy lâu dài. Đây là cuộc chiến cuả chúng tôi. Nếu không thắng được Hoa Lục thì tốt nhất là tìm cách gia nhập vào nó một cách êm đẹp."

Thời gian gần đây vì hao người, tốn của, mang tai mang tiếng với nhiều quốc gia đồng minh, bè bạn, cũng như đông đảo dân chúng trong nước về cuộc chiến tranh Iraq, thành quả đạt được không cân xứng với cái vốn bỏ ra, lại còn phải trải rộng quân lực trên khắp các “ Tiền đồn chiến lược – Strategic advanced posts “ ngăn chặn sự bành trướng thế lực rõ ràng của Trung Quốc, ngăn chặn sự cố gắng cạnh tranh phục hồi vị trí siêu cường của Nga, lo tiêu diệt phong trào khủng bố quốc tế, quân số thiếu hụt, sự tuyển quân bị khó khăn(vì thanh niên ngán cuộc chiến tranh cù cưa, không chiến tuyến ở Iraq hiện nay, giông giống khá nhiều lối đánh nhau ở nam Việt Nam) cho nên tiếng nói có thẩm quyền của Mỹ đã vài phen nhắn nhe với giới lãnh đạo, quân dân Đài Loan : hãy tự lo tối tân hóa quân đội, trang bị vũ khí hiện đại nhất ( mua của ta tốt hơn là mua của Nga, Pháp, Đức ... ) đề phòng Trung Quốc tạo thời cơ bất thần tấn công hòn đảo Đài Loan xưa nay vốn được coi là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Chuyện đó trước sau rồi cũng phải thống nhất về một mối, bằng phương cách hòa bình không được thì bằng vũ lực cũng là điều hợp với tư tưởng Mao – Trạch – Đông “Hòa bình, thống nhất ở đầu mũi súng “. Hiện nay Trung Quốc là cường quốc nguyên tử, kinh tế phát triển với tốc độ mạnh nhất thế giới, quân đội hiện dịch tác chiến(Combattant Active Forces) trang bị tối tân, tinh thần cuồng tín và quân số đông đảo bằng tổng số quân đội nhiều cường quốc cộng lại, chưa kể chủ lực quân của từng địa phương, mỗi Tỉnh có từ 2 đến 3 trung Đoàn(Regiment) tùy theo tầm quan trọng về vị trí, lãnh thổ. Hải và Không Quân, Pháo Binh, Thiết Giáp không còn giống như thời chiến tranh Triều Tiên(1950 – 1953), 700 phi đạn ngày đêm sẵn sàng chĩa vào mục tiêu Đài Loan, chỉ chờ lệnh là phóng đi ào ạt ...Nếu Đài Loan ho he lên tiếng chuyện ly khai, độc lập là Trung Cộng sẽ lập tức dập liền. Anh nào can thiệp, xía vô chuyện nội bộ của nó là bán đảo Triều Tiên lập tức có Hải-Lục-Không quân, thiết giáp của Trung Cộng sẽ cùng với quân lực Bắc Hàn ( cả hai cùng có vũ khí nguyên tử và cuồng tín, dù có hi sinh hàng trăm ngàn quân để đạt chiến thắng cũng coi như chuyện vặt ) tràn qua vĩ tuyến 38 như hồi năm 1950, nhưng sẽ không có chuyện quân Liên Hiệp Quốc dính vô đó. Ai cũng biết rồi... Rồi chiến tranh sẽ bùng lên ở nhiều nơi khác và vũ khí nguyên tử cỡ nhỏ, phi đạn chống phi đạn sẽ có cơ hội để thử nghiệm mức độ chính xác cũng như hiệu quả thực sự.

* Ngày 12 tháng 4 – 1975, thủ đô Nam-Vang của nước láng giềng, Cambodia, sắp thất thủ và Sứ Quán Hoa Kỳ đang vội vàng thoát ra khỏi Nam-Vang thì Thủ Tướng của nước này đã gửi khẩn cấp cho Đại Sứ Mỹ 1 điện văn “ ... Tôi chân thành cảm ơn Ngài đã gửi thư và dành chỗ cho tôi để đến một nơi tự do, an toàn. Tôi rất tiếc không thể ra đi trong những điều kiện hèn nhát như vậy. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng có lúc Ngài và nước Mỹ lại ra đi hốt hoảng, bỏ lại những người bạn đồng minh ở nơi này mà không cần biết họ sống chết ra sao.. Ngài và nước Mỹ đã bỏ mặc chúng tôi không như lúc ban đầu....Tôi đã mắc một sai lầm trọng đại trong đời là đã đặt lòng tin của mình vào những người Mỹ.” Ông Thủ Tướng Sirak Matak can trường này đã ở lại đến phút cuối cùng của đất nước, và sau đó bị Khmer đỏ giết chết.

Chiến tranh vùng Vịnh 1991, Quân đội xâm lăng của Hung Thần Saddam Hussein bị quân dội Hoa Kỳ, trong chiến dịch “ Bão Sa Mạc – Desert Storms “ dưới quyền Tư Lệnh của Tướng 4 sao Norman Schwarzkopf, đánh cho tan tác, rách như cái mền, phải bỏ mộng ciếm đóng Kuweit với những mỏ dầu quan trọng. Nếu gặp “ Ông số 1 “ ngày nay thì kể như bất cần trời đất, Ổng sẽ xóa sổ, bắt Saddam Hussein ngay từ hồi đó. Nhưng “ Ông Bush Cụ “ nghỉ chơi, giao và yểm trợ cho các lực lượng chống đối và dân Kurds làm nốt nhiệm vụ. Công việc không xong, phe ta cũng lửng lơ bỏ rơi các lực lượng chống Saddam Hussein để cho tay Hung Thần này được dịp trả thù, đánh giết hết bất cứ đứa nào chống nó, giết luôn cả các Tướng Lãnh không trung thành, có dấu hiệu chống nó, giết cả Tướng Lãnh là con rể nó chạy trốn sang nước láng giềng, nó dụ dỗ gọi về, bảo là tha tội, cho phục hồi chức quyền, nhưng rồi nó cũng cho giết luôn ngay sau khi trở về trình diện. Đem con bỏ chợ, bao nhiêu tội va, chết chóc, máu xương đổ hết lên đầu dân Kurds, các lực lượng chống đối, người dân thuộc giáo phái không phục tùng triệt để tay Hung Thần Saddam. Chiến thắng “ Bão sa-Mạc 1991 “ đã làm cho danh dự của Siêu Cường Hoa Kỳ được khôi phục lại phần nào sau thất bại đau đớn đầu tiên của Lịch Sử Siêu Cường Huê kỳ tại chiến trường Việt Nam. Tuy nhiên cuộc chiến Iraq năm 1991 ( thắng chớp nhoáng bằng chiến tranh quy ước – Conventional War - là sở trường của quân đội Hoa Kỳ hùng mạnh, trang bị tối tân nhất hoàn vũ, có chính nghĩa ( just cause ) cho cuộc chiến, Saddam Hussein xâm lăng Kuweit, chiếm các nguồn dầu mỏ có liên hệ đến quyền lợi của cả thế giới, Liên Hiệp Quốc Ô Kê cho đánh. Cuộc chiến đó hoàn toàn khác hẳn cuộc chiến Iraq 2003 đến ngày nay về nhiều mặt : thiếu chính nghĩa, những lý do để đánh nó tìm hoài không ra, những người lãnh đạo cuộc chiến không “ thuộc bài học, không biết tí ti con kiến nào về cuộc chiến Việt Nam trước kia “ cho nên một “ Đại Siêu Cường Quốc “ dốc toàn lực hùng hậu nhất loài người để đánh một quốc gia cò con, đã bị thương nặng từ lâu, sức chống cự chẳng có bao nhiêu, chiếm xong Thủ Đổ, lật đổ chính quyền, nắm cổ Saddam Hussein nhốt vào tù, lập chính quyền mới, bầu cử này nọ đàng hoàng mà “ chúng nó “ vẫn đánh, người Hồi Giáo từ những quốc gia khác vẫn kéo đến đánh hung hãn, đánh ngay tại Thủ Đô và các thành phố phe ta đã chiếm đóng và kiểm soát cả mấy năm nay. Chưa chắc chắn đến bao giờ thì quân đội phe ta mới rút đi được hết, để giao lại thực quyền trọn vẹn cho chính quyền mới do phe ta yểm trợ, mà cái quốc gia đã và còn đang tan hoang, chết người hàng ngày đó được yên ổn không đánh nhau loạn xà ngầu liên tu, bất tận để giành nhau quyền lực, quyền lợi, vị trí thượng tôn của Giáo Phái, làm chủ các mỏ dầu như nhiều vùng đất trên thế giới này.
Biết như vậy rồi, bây giờ chúng ta bắt đầu nhìn lại những biến cố đã xẩy ra trên đất nước mình : ngày 30 – 4 – 1975, để rồi cùng nhau dưạ vào kinh nghiệm lịch sử , vào trào lưu tiến hoá nhân loại, cầu xin các Đấng thiêng liêng phù trợ mà tìm ra một phương cách tự cứu lấy bản thân, cứu lấy dân tộc, quê hương, đất nước cuả mình.

• Ngày 6 - 1 - 1975 : Tỉnh Phước Long và Thị Xã Phước Bình, cách Sài Gòn 60 dặm về phiá Bắc, rơi vào tay quân cộng sản Bắc Việt. Sau vụ " Muà Hè đỏ lưả " ở vùng điạ đầu giới tuyến Quảng Trị, năm 1972 thì Phước Bình là Thị Trấn đầu tiên cuả Nam Việt Nam bị quân cộng sản đánh chiếm. Không Quân Việt Nam Cộng Hoà thiệt hại 20 máy bay trong công cuộc bảo vệ Tỉnh Phước Long. Nhiều máy bay bị bắn hạ bằng hoả tiễn SA-7 cuả Liên Sô ( The South Vietnamese Air Force loses 20 planes defending the province, many to SA-7 missiles made by the Soviet Union ).

Sự thiếu phản ứng quân sự cuả Hoa Kỳ càng xúi giục cộng sản làm tới vì các chiến lược gia cuả cộng sản biết rằng đã đến lúc Hoa Kỳ phải rời bỏ Việt Nam. Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẫn và Bộ Chính Trị cuả Đảng cộng sản quyết định tăng cường các cuộc tấn công trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam để phát động một cuộc Tổng nổi dậy vào năm 1976. Cộng sản chỉ dám mong điều đó vào năm 1976 mà thôi.

* Ngày 28 - 1 - 1975 : Tổng Thống Hoa Kỳ, Gerald Ford , yêu cầu Quốc Hội tăng thêm quân viện cho Nam Việt Nam và Kampuchia với ngân khoản 522 triệu Mỹ Kim vì lúc này Tổng Thống Ford được biết quân cộng sản Bắc việt đã có mặt tại Nam Việt Nam tơi mức 289.000 người. Xe tăng, trọng pháo, hoả lực phòng không, do Liên Sô và Trung Quốc chi viện rất hùng hậu. Để giữ vững " Một tiền đồn chống cộng " ở Đông Nam Á Châu thì ngân khoản 522 triệu đô la có là bao ? Thế mà cũng không xong. Người ta đã muốn bỏ đi rồi.

• Ngày 5 - 2 - 1975 : Đại Tướng Bắc Việt Văn Tiến Dũng vào Nam để chỉ huy quân đội cộng sản.

* Ngày 10 - 3 - 1975 : Quân Bắc Việt, với những Sư Đoàn thiện chiến, phương tiện chiến tranh hiện đại cuả Liên Sô và Trung Quốc, tấn công Ban Mê Thuột từ ngày 10 - 3. Ba ngày sau, quân cộng sản tràn ngập thị trấn này, trong khi những trận đánh lớn khác bùng nổ trên mặt trận Cao Nguyên Trung Phần.

* Ngày 14 - 3 - 1975 : Sau khi họp bàn với một số Tướng Lãnh và nhân vật thân cận (?), Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân, bỏ vùng cao nguyên Trung Phần và các Tỉnh phiá Bắc cuả Nam Việt Nam. Các Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 2, Phạm Văn Phú, và Quân Đoàn I , Ngô Quang Trưởng, ngỡ ngàng, sửng sốt, không biết tại sao lại bỏ những vùng đất quan trọng, cưả ngõ, quyết định sự sống chết cuả Nam Việt Nam vào lúc này, chưa đánh nhau chi cả,trong khi các lực lượng chiến đấu cuả 2 Quân Đoàn ( Army Corps ) Việt Nam Cộng Hoà rất hùng mạnh, sẵn sàng đọ sức với quân đội cộng sản. Mất Ban Mê Thuột đâu có nghiã là phải mất luôn cả Quân Khu I và Quân Khu 2 ! Ông Thiệu làm như thế để gây áp lực với chính phủ Mỹ: phải quyết tâm tăng cường viện trợ mọi mặt cho Nam Việt Nam, nếu không thì " Tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á Châu cuả Mỹ " là Nam Việt Nam sẽ xụp đổ. Ông Thiệu khờ khạo quá trời quá đất ! Tại sao ? - Bởi vì người Mỹ đã tìm cách tháo lui khỏi cái " Vũng lầy Việt Nam " để ra đi một cách ít phũ phàng, ít mất mặt chừng nào hay chừng đó , sau khi ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia cuả Tổng Thống Mỹ, Henry Kissinger đã cố dọn đường, mở lối cho Tổng Thống Richard Nixon sang Trung Cộng năn nỉ với Mao Trạch Đông vào năm 1972 , qua sự giàn xếp cuả Tổng Thống Hồi Quốc Yahya Khan. Mao Trạch Đông với sức mạnh đàn anh, từng viện trợ, cố vấn tích cực cho cộng sản Hà Nội, đã ép cộng sản Hà Nội bớt ương ngạnh, ngưng chơi trội và bắt bí Mỹ ở Hội Nghị Paris, diễn ra tại Salle de Conférence Kléber. Trong vụ này, Mỹ được tí chút lợi lộc là ký được cái "Hiệp Định Ngưng Bắn - Agreement of Cease-Fire" để tháo lui có văn bản đàng hoàng, mà phe cộng sản coi như mớ giấy lộn, chẳng có giá trị gì cả, nhưng trong đó Mỹ phải bấm bụng làm lơ , không được nói năng chi tới cái chuyện quân Bắc Việt đã vào Nam cả mấy chục Sư Đoàn (Divisions ) rồi. Tội vạ đổ lên đầu người bạn đồng minh Việt Nam Cộng Hoà hết cả. .Phái đoàn Việt Nam Cộng Hoà phản đối mấy cũng hoài hơi mà thôi vì " Xếp " đã chơi đòn " tháu cáy " rồi thì ráng mà chịu cho quen. Dân nhược tiểu chơi với anh bạn khổng lồ là vậy! Việc Mỹ làm cú đi đêm (Furtive Conspiracy) liên kết với Trung Cộng để chống Liên Sô thì kể như 2 bên cùng có lợi, nhưng riên phần Trung Cộng thì lời to: Trung Cộng nhẩy vào ngồi cái ghế " Hội viên thường trực - Permanent Member " cuả Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với quyền phủ quyết( Veto ) đáng giá cả…tỉ tĩ Mỹ Kim, đánh văng Ông Quốc Dân Đảng Trung Hoa ra Đài Loan mà chơi luôn, mặc dầu Trung Cộng đánh thắng và kiểm soát lục địa Trung Hoa từ năm 1949. Thêm cái lợi nưã là chính quyền Nixon phải lén lút, dấu diếm bán vũ khí tối tân cho Trung Cộng để chống Liên Sô mà không được cho ai biết hết, nhất là Liên Sô, kể cả Quốc Hội, Dân Chúng và Báo Chí Mỹ nưã. Đó ! Mỹ dã tìm cách tháo lui bằng mọi giá, với thế bị đánh bại rồi thì Ông Thiệu có bỏ 2 Quân Khu 1 và 2, chớ Ông Thiệu có bỏ luôn cả Quân Khu 3, Quân Khu 4 và Biệt Khu Thủ Đô, bỏ hết miền Nam Việt Nam chăng nưã thì Mỹ cũng chẳng bao giờ dại dột quay đầu trở lại để cứu Nam Việt Nam nưã. Nếu nói là cứu thì cứu hết sức từ 1965 đến 1973, với 58 ngàn quân nhân Mỹ hi sinh, mấy ngàn người mất tích, hàng trăm ngàn bị thương, hàng triệu người đau khổ, mất mát, mà đâu có cứu nổi ! Nay trong lúc đã tan hàng, bỏ chạy thì còn cứu cái nỗi gì nưã đây? Rút mau chừng nào hay chùng đó ! Ông Thiệu phải biết chớ ! Dù cách nào đi nưã, Ông Thiệu ra lệnh bỏ 2 Quân Khu, bắt 2 Quân Đoàn phải bỏ chạy khi chưa đánh nhau với ai cả thì: Làm rối loạn hàng ngũ quân đội và dân chúng, làm mất nước mà không chiến đấu, không kháng cự gì cả là tội to tầy trời cuả Ông Thiệu ! Lịch sử cận đại Việt Nam không thể bỏ qua chỗ này ! Đại quân cộng sản đã từng chiếm đóng thành phố Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968, đã từng đánh chiếm Quảng Trị và kiểm soát hoàn toàn Thị Trấn An Lộc trong Muà Hè đỏ lưả 1972 mà có Quân Khu nào bị mất, phải bỏ chạy đâu ? Trái lại, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã phản công một cách vô cùng anh dũng, để giành lại những địa điểm chiến lược đã rơi vào tay giặc. Thế thì tại sao mới mất có Ban Mê Thuột mà phải bỏ Quân Khu I, trong khi Danh Tướng Ngô Quang Trưởng cuả Muà hè Đỏ Lưả 1972, từng được thế giới biết đến và kính phục, luôn luôn nắm vững tình hình Quân Khu cuả Ông, trong khi Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Khu 2, phải lớn tiếng cự lại Tổng Thống Thiệu trong hệ thống liên lạc Vô tuyến Siêu Tần Số, dù Ông biết rằng làm như thế là có thể mất lon, phải ra trước Toà An Quân Sự Mặt Trận. Tướng Phú đang sẵn sàng chờ địch tiến đánh Pleiku, vì Tướng Phú biết rằng : đánh thì chưa chắc đã chết, nhưng tự dưng bỏ chạy thì chắc chắn cả lính lẫn dân đều phải chết bi thảm trong cảnh hỗn loạn, dưới những làn mưa bão pháo binh, hoả tiễn cuả cộng sản, tự do hoành hành mà không gặp sức chống trả.

Năm ngày sau, khi quân đội và dân chúng đang tháo chạy một cách thê thảm, hỗn loạn thì Ông Thiệu lại ra lệnh cho Tướng Ngô Quang Trưởng là phải " Tử thủ thành phố Huế " ( … five days later, Thieu orders Hue held at all costs…). Ông Thiệu vốn được chính giới coi là khôn ngoan, mưu mô, xảo quyệt từ ngày còn là Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, tham gia đảo chính lật đổ Ông Diệm năm 1963, rồi lên làm Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, rồi lên làm Tổng Thống Việt Nam, Đệ Nhị Cộng Hoà, nhiệm kỳ I, kỳ 2, rồi còn định vận động Quốc Hội sưả đổi Hiến Pháp để Ông làm luôn Tổng Thống keo thứ 3 nưã, mà sao lúc này Ông Thiệu lại khờ khạo đến mức độ… nhiều người, nhất là nhiều Sĩ Quan trong quân đội cho là ( xin lỗi ) đại ngu xuẩn , để ra lệnh bỏ 2 Quân Khu, không đánh đấm chi cả, trong khi 2 Quân Đoàn Việt Nam Cộng Hoà đang trong tư thế sẵn sàng chờ địch để thêm một lần nưã cho cộng sản học lại những bài học Mậu Thân 1968 và Muà Hè Đỏ Lưả 1972. Tướng Ngô Quang Trưởng trả lời là : không thể nào làm được việc đó vì trước đó 5 ngày, Ông Thiệu đã hạ lệnh rút bỏ Quân Khu I. quân đội và cả triệu dân chúng hỗn loạn rút chạy suốt 5 ngày rồi, làm sao mà trở lại vị trí cũ, tổ chức, phối trí lực lượng để mà " tử thủ ! " Ông Thiệu là Tướng Lãnh, là Tổng Thống, Tổng Tư Lệnh quân đội mà không biết việc đó hay sao ? Chẳng lẽ Ông ta ( xin lỗi ) điên hay ngu dại đến mức kỳ lạ như vậy ?

* Ngày 24 - 3 - 1975 : Thấy tình thế thuận lợi, cộng sản Hà Nội quyết định chính thức mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Hà Nội giao cho Tướng Văn Tiến Dũng một " Thời khoá biểu " phải kịp thời đánh chiếm hoàn toàn Nam Việt Nam trước khi muà mưa bắt đầu vào tháng 5. Muốn vậy, quân Bắc Việt phải vào chiếm Sài Gòn chậm nhất là tuần lễ cuối cùng cuả tháng 4, trước khi quân đội miền Nam có thể tái phối trí lực lượng hầu bảo vệ Sài Gòn và Quân Khu 4 ở miền Tây.

* Ngày 25 - 3 - 1975 : Ông Thiệu ra lệnh bỏ thành phố Huế. Trong có mấy ngày mà ra lệnh bỏ Quân Khu 1, có Huế trong đó, rồi lại ra lệnh Tử thủ Huế, rồi lại ra lệnh bỏ Huế ! Đúng là điên hạng nặng ! Vào lúc này, dân chúng đông tới hàng triệu người. Họ không quên cảnh cộng sản tàn sát tập thể dân chúng cũng như viên chức chính quyền, nhân vật Đảng Phái vào dịp Tết Mậu Thân- 1968 - nên đã kéo nhau tràn xuống thành phố Đà Nẵng, lúc đó đang bị quân cộng sản tấn công từ xa bằng hoả tiễn 122 ly cuả Trung Cộng và đại bác 130 ly cuả Liên Sô. Ông Thiệu còn ra lệnh: Không giữ được Huế thì cũng phải cố mà giữ lấy vùng duyên hải Đà Nẵng, coi như vị trí chiến lược làm đầu cầu cho quân đội Mỹ đổ bộ lên, một khi chính quyền Mỹ quyết định trở lại cứu vớt Việt Nam Cộng Hòa, đương đầu với cuộc xâm lăng đại quy mô của cộng sản. Trời Đất quỷ thần ơi ! Tới lúc này mà Ông Thiệu còn hi vọng Mỹ trở lại cứu Việt Nam Cộng Hòa thì trên thế gian này, Lãnh Tụ Quốc Gia, Tổng Tư Lệnh Quân Đội chỉ có Ông là một mà thôi ! Không thể có kẻ thứ 2 kiểu như thế ở cõi đời này ! Ông Thiệu là Tổng Thống, “ chơi “ với Mỹ, đồng minh thân thiết của Mỹ, lãnh tụ “ Tiền đồn chống cộng “ của Mỹ tại Đông Nam Á Châu mà Ông Thiệu đâu có biết gì về Mỹ : ngày 29 - 6 - 1973 Hạ Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết dự luật cấm các hoạt động quân sự của Hoa kỳ trên toàn lãnh thổ Đông Nam Á Châu. Dự luật này được lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua ngày 21 – 9 – 1973. Kế theo đó, ngày 12 – 10 – 1973, lưỡng Viện lại thông qua dự luật hạn chế quyền của Tổng Thống Mỹ trong việc đưa quân đội Hoa Kỳ ra ngoại quốc ( sau bài học cay đắng tại Việt Nam ). Kissinger, trong chuyến “ đi đêm “ với Trung Quốc, đã nâng ly “ vui vẻ “ với Chu – Ân – Lai, Thủ Tướng Trung Quốc : “ ... Quý vị hãy ngăn chặn, chỉ cho Hà Nội đánh chiếm hoàn toàn Nam Việt Nam, sau khi quân đội Mỹ của chúng tôi đã ra đi an toàn, với khoảng cách thời gian đủ coi là...chúng tôi không thua trận, bỏ chạy, và Nam Việt Nam sụp đổ là do lỗi của họ không chịu chiến đấu để bảo vệ chính mình...” Cay đắng chưa ! Nếu Kissinger bỏ chạy, nhưng Hoa Thịnh Đốn vẫn tiếp tục viện trợ cho Nam Việt Nam, nhất là phương tiện chiến đấu cần thiết như Cộng Sản Quốc Tế đang viện trợ tối đa cho Hà Nội thì dù cho Kissinger và Hoa Thịnh Đốn có bỏ chạy đi nữa, quân đội Việt Nam Cộng Hòa vẫn dư sức đánh bật cộng sản trở lại bên kia vĩ tuyến 17 như “ mùa hè đỏ lửa 1972 “ để luôn luôn giữ vững trận địa của mình. Ông Thiệu lúc này loạng quạng, quáng gà là đúng thôi vì Ông không biết gì về người bạn dồng minh và cũng chẳng biết gì về công việc phải làm của mình nữa...
Ngày 29 - 3 - 1975: Cộng sản chiếm thành phố Đà Nẵng, đang rối loạn, mà chẳng tốn 1 viên đạn nào. Dân chúng tìm mọi cách thoát khỏi vùng này bằng mọi giá, chấp nhận chết chóc , đau đớn chia lià trong máu và nước mắt… Kẻ viết bài này kẹt lại Đà Nẵng, rồi đi tù cải tạo hơn 12 năm vì trước đó phi đạo Đà Nẵng bị hỏa tiễn Trung Cộng cầy nát, không sử dụng được nữa, trực thăng không có, tầu Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa từ trong Nam kéo ra bãi biển Mỹ Khê, Quận 3 Đà Nẵng cứu nạn, nhưng đủ thứ người trốn chạy cộng sản giành nhau leo lên tầu bằng đủ mọi cách đã gây nên cảnh kinh hoàng, người già, trẻ con rơi xuống biển như những chíếc lá mùa thu. Kẻ này phải vỗ vai Đại Úy Từ Khánh Sinh, Quản Đốc Quân Lao Đà Nẵng, cựu Đại Đội Trưởng nhẩy dù: “ Không đi bằng cách này được ! Mấy đứa trẻ này sẽ chết hết ! “ Đại Úy Sinh kiếm được tay Nghĩa Quân, đàn em, hắn lôi cái thuyền nhỏ xíu dìm dưới nước lên và tính chuyện ra khơi, lên tầu Mỹ. Ngay tức khắc, hàng chục mũi súng AK của du kích địa phương đã chĩa vào cái thuyền : thuyền ra là bắn tất cả ngay ! Cả 2 chúng tôi cùng đi tù cải tạo với nhau nơi rừng sâu, núi thẳm ghê người! Điều an ủi cho kẻ này là trước đó chỉ non một ngày, nhân danh Sĩ Quan cấp chức cao nhất của 2 Tòa Án Quần Sự Mặt Trận và Thường Trực tại Quân Khu I còn có mặt, tôi đã ra lệnh phóng thích tất cả non 1 ngàn quân phạm, bất kể loại nào, tiểu hay đại hình, xếp hàng , cứ 10 người một chạy ra khỏi Quân Lao, về lo chuyện gia đình trước họa cộng sản đang tràn đến... Ai cũng có thân nhân, gia đình, ai cũng là người cả !

* Ngày 6 đến 15 - 4 - 1975 : 2 Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh V.N. Cộng Hoà cùng với 1 Lữ Đoàn nhẩy dù được đổ xuống phi trường Phan Rang vào ngày 6 để hi vọng đánh trận phản công. Công sản thấy hơi khó ăn vì ngán quân nhẩy dù nên để cho tình hình yên tĩnh 3 ngày. Thế là Lữ Đoàn nhẩy dù được bốc đi Xuân Lộc là nơi đang có trận đánh lớn giưã Sư Đoàn 18 Bộ Binh VN. Cộng Hoà dưới quyền chỉ huy cuả Tướng Lê Minh Đảo với 2 Sư Đoàn quân Bắc Việt. Thay thế cho Lữ Đoàn nhẩy dù thiện chiến, người ta đưa tới đó 1 đơn vị Biệt Động Quân. Lập tức quân cộng sản cho xe tăng T-54 cuả Liên Sô ào ạt tiến vào, chọc thủng phòng tuyến Phan Rang và chiếm đóng vùng này không khó khăn.

* Ngày 7 - 4 - 1975 : Lê Đức Thọ, Uỷ viên Bộ Chính Trị cộng sản Hà Nội, tới Tổng Hành Dinh quân cộng sản ở Miền Nam, đóng tại Lộc Ninh để xem xét tình hình và quyết định kế hoạch cho giai đoạn chót cuả cuộc đánh chiếm miền Nam. Lúc này, cộng sản đã kiểm soát được 2/3 lãnh thổ Nam Việt Nam.

* Ngày 8 đến 21 - 4 -1975 : Sư Đoàn 18 Bộ Binh VN Cộng Hoà do Tướng Lê Minh Đảo chỉ huy, chống giữ oanh liệt trước sức tấn công vũ bão cuả 2 Sư Đoàn cộng sản nhằm tiến chiếm Sài Gòn bằng cách phá vỡ phòng tuyến cuối cùng này. Một Trung Đoàn thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Lữ Đoàn nhẩy dù từ Phan Rang được đưa vào tăng viện. Tướng cộng sản Văn Tiến Dũng phải tung vào mặt trận này 2 Sư Đoàn nưã là 4 Sư Đoàn tất cả để hòng dứt điểm càng sớm càng tốt. Đánh chiếm miền Nam muà xuân năm 1975, đây là mặt trận duy nhất quân cộng sản gặp sức chiến đấu dũng mãnh, oanh liệt cuả quân đội VN Cộng Hoà, cộng sản phải dùng số quân 4 đánh 1, trong lúc thế mạnh mọi mặt đang ở phiá chính họ. Tướng Homer Smith, tùy viên Quốc Phòng Mỹ tại Sài Gòn, ngày 13, đã gửi 1 bức điện văn cho Tướng George S. Brown, Tham Mưu Trưởng Bộ Tổng Tham Mưu Hoa Ky, ca ngợi ý chí và tinh thần chiến đấu can đảm, dũng mãnh tuyệt vời của Quân Dội Việt Nam Cộng Hòa, dù những bất lợi đang đè nặng tên vai họ. Tướng Smith, sau khi theo dõi cuộc chiến đấu tại Xuân Lộc, đã nói : “ Sự dũng cảm và chiến đấu anh hùng của quân chính phủ Miền Nam, kể cả Địa Phương Quân Tỉnh Long Khánh đã chứng tỏ họ chiến đấu giỏi hơn đối phương của họ rất nhiều...” Nếu Ông Nguyễn Văn Thiệu không ra lệnh bỏ 2 Quân Khu 1 và 2 ngay từ lúc chưa đánh nhau chi cả thì quân đội miền Nam Việt Nam sẽ có biết bao nhiêu trận đánh oanh liệt như thế này, và nếu chính quyền Mỹ không cố ý bỏ chạy khỏi Việt Nam thì làm sao cộng sản chiếm nổi Nam Việt Nam một cách dễ dàng như đã xẩy ra ? Cuối cùng phòng tuyến Xuân Lộc chỉ rơi vào tay quân cộng sản, đông và hoả lực mạnh gấp 4 lần, vào ngày 21 - 4 - 1975, khi Tướng Tư Lệnh Qun Đồn 3 ra lệnh rt bỏ phịng tuyến cuối cng ny vì ơng khơng nỡ bắt những chiến sĩ anh hng dũng cảm ny phải hy sinh tất cả, bị tiu diệt trong thế trận bất qun bình qu lớn lao, cay nghiệt nay…

* Ngày 21 đến 25 - 4 - 1975 : Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bị áp lực từ nhiều phía, phải tuyên bố từ chức, chuyển giao quyền hành cho Phó tổng Thống Nguyễn Văn Hương để ra ngoại quốc, đem theo những gì Ông đã lo liệu từ trước cho cuộc sống ở nước ngoài, bỏ lại đằng sau: Quê Hương, Chiến Hữu và Đồng Bào cuả Ông, là những gì thiêng liêng mà Ông đã từng long trọng tuyên đọc lời thề khi nhậm chức Tổng Thống, cũng như trong các dịp Quốc Lễ là sẽ sống chết bảo vệ đến hơi thở cuối cùng.
* Ngày 23 - 4 - 1975: Tại Hoa kỳ, Tổng Thống Ford ( Gerald Rudolph Ford – Tổng thống thứ 38 – ÔngTổng Thống duy nhất của Hoa Kỳ làm Tổng Thống mà không hề được dân chúng, cử tri bầu vào chức vụ Tổng Thống hay Phó Tổng Thống, dù là chỉ 1 phiếu ) nói " Chiến tranh Việt Nam kể như chấm dứt ". Dư luận hiểu rằng " Chính quyền Mỹ lúc đó đã buông tay và… chạy làng " bằng mọi giá, trong khi Liên Sô và Trung Cộng hồ hởi, phấn khởi là đã hoàn thành nhiệm vụ " Dứt điểm tiền đồn chống cộng cuả Mỹ tại Á Châu ".

* Ngày 28 - 4 - 1975 : Bị áp lực nặng nề cũng từ nhiều phiá, Tổng Thống Trần Văn Hương phải trao quyền hành cho Tướng 4 sao Dương Văn Minh, người đã đóng vai chính trong vụ đảo chính lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm tháng 11 năm 1963, để cho chính quyền Mỹ đổ quân tác chiến vào Nam Việt Nam và lãnh đạo cuộc chiến tranh ở đây theo kiểu " chiến tranh nhà giầu cuả Mỹ " nhưng hoàn toàn vô hiệu đối với kiểu " chiến tranh nhân dân - People's War " không có mục tiêu, không trận tuyến, lẫn lộn với nhân dân cuả cộng sản. Tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng Thống theo đúng với sự sắp xếp cuả Hà Nội, qua trung gian cuả người em ruột Dương Văn Nhựt, Sĩ Quan cao cấp cuả cộng sản, đã có liên lạc với Dương Văn Minh từ hồi Tướng Minh được Ông Diệm cho thăng Trung Tướng sau khi Tướng Minh đánh tan các lực lượng giáo phái vũ trang ở miền Tây. Chuyện đó bại lộ. Tướng Minh, vì có công trạng, và Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, người bà con, cùng quê quán xin cho, nên được 2 Ông Diệm, Nhu tha tội, chỉ bị mất chức cầm quân, ngồi ghế Tổng Thanh Tra hữu danh nhưng vô vô thực. Tổng Thống Dương Văm Minh luôn luôn phải nhận lệnh qua điện thoại với Ông Thích Trí Quang, cua cong san tu 1946, một nhân vật trong hàng lãnh đạo tôn giáo, người gốc Bắc Việt, đã 2 lần bị Tây bắt từ hồi chiến tranh Việt-Pháp vì tình nghi hoạt động cho Việt Minh cộng sản, người đã lãnh đạo dân chúng đấu tranh tôn giáo lật dổ Ông Ngô Đình Diệm (… Thich Tri Quang, a politically sophisticated Monk of North Vietnamese origin, twice arrested by French on suspicion of Vietminh connections , stirs the people against Ngo Dinh Diem… ) đấu tranh tôn giáo chống chính quyền Thiệu - Kỳ - Có hồi 1966 ở Miền Trung Việt Nam, nhưng cuối cùng bị Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ, với cương vi Thủ Tướng, cùng 1 tôn giáo với Ông, cho quân đội và quân cảnh từ trong Nam ra dẹp tan, bắt Ông Thích Trí Quang nhốt lại, dẹp yên chuyện đấu tranh rối loạn lung tung, làm nát bét xã hội miền Nam, hoàn toàn chỉ có lợi cho cộng sản. Nhân vật Thích Trí Quang, sư phụ của ông Dương Văn Minh đã chính thức hoạt động cho cộng sản Việt Nam từ năm 1946.

Tướng Dương Văn Minh, một Tướng đánh giặc giỏi nhưng hoàn toàn không biết gì về chính trị, lại nhẩy ra làm Tổng Thổng trong giai đoạn nước sắp mất, với 1 cổ 2 tròng, nhận lệnh từ 2 nơi (Cả ông Thích Trí Quang lẫn đại diện cộng sản Hà Nội đều hưá hẹn với Ông những điều tốt đẹp ) thì làm được cái gì đây ? Ông Minh làm Tổng Thống chỉ làm được có mỗi một việc : theo lệnh của cộng sản, đã chiếm xong dinh Độc Lập, lên tiếng tuyên bố " đầu hàng vô điều kiện " mà thôi. Ôi ! Giây phút xót sa, đau đớn cho biết bao nhiêu tâm hồn, nhất là những người quốc gia đã bao năm quyết tâm chống cộng sản Hà Nội để giữ vững Nam Việt Nam. Kẻ viết bài này v mấy người bạn thn đã bật khóc, hai tay ôm lấy mặt, trong lúc đang bị tạm giam tại trại tập trung Vĩnh-Điện, Quảng Nam cùng với hàng chục ngàn người trong hoàn cảnh tan hàng, thua trận, bị cầm tù một cách đau buồn và tủi nhục. Năm 1951, với tuổi 20, đang đi kháng chiến chống Pháp, mình bị Tây bắt ở Huyện Tiên Hưng, Thái Bình, đem về tập trung ở sân vận động tĩnh Thái Bình, rồi đưa về giam ở Nhà Máy Rượu, thành phố Nam – Định mà có sao đâu, coi là chuyện thường vì đấu tranh cho đại cuộc là như thế, không thấy đau buồn tủi nhục bằng hơn 20 năm chống cộng sản, bị cộng sản cầm tù, đưa đi cải tạo, rồi phải theo lệnh bộ đội cộng sản, dí súng vào sau lưng, bắt vỗ tay hoan hô khi nghe Dương Văn Minh, qua hệ thống truyền thanh, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện... Thế là nước mất, nhà tan, đau buồn, uất hận vì... mất hết ! mất hết ! mất cả thể xác lẫn tâm hồn...

Xin trở lại: rạng sáng Ngày 30 tháng 4, quân cộng sản tiến vào Sài Gòn, vẫn còn gặp vài ổ kháng cự lẻ tẻ. Xe tăng cộng sản hung hăng ủi xập cổng Dinh Độc Lập để quân cộng sản tiến vào. Dương Văn Minh cứ yên trí theo bài bản đã nhận được từ " cấp trên " qua điện thoại, ra đón tiếp quân " giải phóng " và sau đó " xin bàn giao chính quyền " . Viên Đại Tá chỉ huy quân cộng sản lúc đó quát vào mặt Dương Văn minh " Các Anh còn cái gì nưã vào lúc này mà đòi bàn giao ? Chỉ có chấp nhận đầu hàng vô điều kiện mà thôi ! " Đại Tá cộng sản Bùi Tín ( đã bỏ đi Pháp ) lúc đó đóng vai Chính Uỷ bên cạnh viên Đại Tá Chỉ huy quân giải phóng, vào Dinh Độc Lập. Bùi Tín khôn ngoan, nhỏ nhẹ hơn nên nói " Chúng tôi chấp nhận việc đầu hàng cuả các Ông . Các Ông không có chi phải sợ cả.. Người Mỹ là kẻ xâm lăng đã bị đánh bại. Nếu các bạn là những người yêu nước thì hãy coi giờ phút này là niềm vui chung cuả dân tộc, và trên đất nước cuả chúng ta, chiến tranh đã chấm dứt ! " Buổi sáng hôm đó, cộng sản bắt Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trước quân cộng sản. Chiến tranh đã chấm dứt, đất nước đã thống nhất nhưng dân chúng miền Nam không vui mừng, sung sướng, hạnh phúc mà lại xô nhau chạy đi mọi ngả, tìm cách thoát chạy khỏi chính quê hương, đất nước cuả mình để tránh họa cộng sản, bất kể mọi gian nguy, bị giết chóc, cướp bóc, hải tặc hãm hiếp, quăng xác xuống biển… Chính quyền mới truy lùng, tiêu diệt, bắt bớ những kẻ đã phục vụ cho chế độ cũ, nhân vật Đảng Phái chính trị, tống họ vào những trại tập trung cải tạo ở các vùng rừng núi âm u, hiểm hóc, cách biệt hẳn với xã hội loài người. Nam Bộ là cái túi đựng người quá đông đảo mà lại không có rừng núi thích hợp cho việc thiết lập các trại cải tạo, vưà an toàn lại có lợi nhiều cho nên cộng sản mới phải đưa số đông " kẻ thù " cuả họ ra Bắc, tống lên các trại cải tạo vùng Thượng Du Bắc Việt.

Cán bộ cộng sản từ lớn đến nhỏ, ngơ ngáo nhìn Sài Gòn và Nam Việt Nam trong sảnh xác sơ, buồn thảm nhưng vẫn không làm mất, che dấu được sự phồn thịnh, phát triển quá cao so với “ thiên đàng hay địa ngục Bắc Bộ “, thi nhau vơ vét tài sản cuả kẻ bỏ chạy, cuả nhân dân Miền Nam " tay sai Mỹ Ngụy " đem về Bắc như những chiến lợi phẩm cuả 1 cuộc chiến thắng. Sau này, có cơ hội tiếp xúc với người thân ở Bắc Việt Nam, từng giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền cộng sản thời gian này, kẻ viết được biết mật lệnh của cộng sản Hà Nội lúc đó có những điểm rất kinh khủng: bắt nhốt hết mọi kẻ có khả năng chống cự, nổi dậy sau này, tịch thâu mọi loại vũ khí có tầm sát hại tập thể hay cá nhân, khi có dấu hiệu hay mầm mống biến động thì tất cả những kẻ ít nguy hiểm nhất cũng phải tập trung cải tạo ( vì thế khi Trung Cộng tràn vào đánh phá 6 Tỉnh miền Bắc Việt Nam tháng 2 – 1979 để “ dậy cho cộng sản Hà Nội 1 bài học “ thì ngay ngày hôm sau, tất cả mọi Sĩ Quan đã giải ngủ lâu hay mau, không đi cải tạo sau 30 – 4 – 1975, cũng phải nhốt đầu lại hết ), cán bộ, nhất là công an phải tìm cách dụ dỗ vợ con, làm áp lực để phá tan các gia đình sĩ quan đã đi cải tạo để lấy hết, vét hết, không cho lực lượng sĩ quan khi trở về, còn có thể làm chi được nữa, chỉ còn lo miếng cơm ăn cũng không nổi ...Thân phận cuả một Đất Nước nhỏ bé đã có "Ngàn năm nô lệ giặc Tầu - Trăm năm nô lệ giặc Tây " nhưng cũng có 900 năm độc lập, tự chủ, sau trận đánh thắng lẫy lừng cuả Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng, đánh bại đạo quân xâm lược khổng lồ cuả nhà Nam Hán, lúc này lại như thế đó !

Đất nước Việt Nam cuối cùng chỉ là bãi chiến trường để 2 phe đối nghịch ý thức hệ quốc tế tiêu thụ vũ khí chiến tranh và thử nghiệm chính sách cuả mình: 1 bên là chính sách ngăn chặn ( Containment Policy ) cuả Mỹ chống lại Chủ nghiã bành trướng ( Expansionism ) cuả phong trào cộng sản quốc tế. Sự việc này thực ra đã được nhìn thấy truớc và ra sức ngăn chặn không cho Nam Việt Nam rơi vào hoàn cảnh đó : Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Hai nhân vật này đã bị những người thân cận chung quanh lợi dụng uy thế để kiếm danh kiếm lợi, làm hỏng kế hoạch chống cộng có sách lược hiệu quả (Effective Policy & Strategy ) hẳn hoi, đã bị sức ép, mưu hại từ phiá người bạn đồng minh khổng lồ, lúc đó bị bị giới tài phiệt ( Financial Oligarchy ) khynh đảo, chủ trương buôn bán chiến tranh, tìm cách loại trừ bằng sức mạnh quân đội và tôn giáo cuả chính Miền Nam Việt Nam.

Có bao giờ những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ dám nghĩ rằng: Một ngày nào đó Hoa Kỳ phải chịu sự thua trận đầu tiên, với cái giá quá cao, thê thảm như vậy không ? Thê thảm đến nỗi Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Graham Martin, suýt nưã thì không kịp ôm lá cờ " Bách chiến bách thắng " chui vào phi cơ trực thăng để tháo chạy hay không ? Thật là đau đớn ! Tuy nhiên, ở đây kẻ viết cũng xin nói lên lời ghi ơn ông Đại Sứ Martin đã cương quyết và khéo léo chống lại kế hoạch của Hoa Thịnh Đốn muốn di tản hàng ngàn người Mỹ bị kẹt lại ở Sài Gòn vào lúc quân cộng sản đã chuẩn bị vào làm chủ vùng đất này, theo phương cách : đưa Thủy Quân Lục Chiến Mỹ vào Sài Gòn giữ vòng đai an ninh quanh khu vực Tòa Đại Sứ để phi cơ trực thăng từ Hạm Đội Thái Bình Dương liên tục bốc người Mỹ và một số nhân viên làm việc cho Tòa Đại Sứ và các cơ sở phụ thuộc của Mỹ mà thôi, không cho dân chúng Sài Gòn, Nam Việt Nam dính ké vào vụ di tản kinh hoàng này. Ông Đại Sứ khôn ngoan và ít nhiều nhân đạo Martin đã chống lại quyết định của Hoa thịnh Đốn với lý luận : Sĩ Quan, quân lính Nam Việt Nam còn đông đảo tại Sài Gòn và vùng phụ cận với tâm trạng tức giận lẫn bàng hoàng, họ còn các loại vũ khí lớn nhỏ trong tay. Nếu người Mỹ di tản theo cách ích kỷ và tàn nhẫn đó thì những chiếc trực thăng sẽ bị bắn hạ như trái cây chín rụng và cuộc chiến đẫm máu, tàn khốc giữa những chiến binh Nam Việt Nam và thủy quân lục chiến Mỹ bắt buộc phải xẩy ra, Sài Gòn và dân chúng vô tội sẽ lãnh nhiều hậu quả không cách nào lường trước được.

Giới truyền thông cuả Mỹ, trước và sau ngày Miền nam xụp đổ, đa số đã sa vào mê hồn trận cuả Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, bị ảnh hưởng cuả phong trào phản chiến do Đảng Cộng sản Mỹ chủ trương và lãnh đạo, đánh giá Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà qua hình ảnh những ngày rút quân, bỏ chạy tán loạn do lệnh cuả ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Báo chí Mỹ bị mặc cảm lần đầu tiên thua trận, bỏ cuộc, chạy làng cho nên đã không tiếc lời đổ hết mọi tội lên đầu Quân Đội VN Cộng Hoà là thiếu tinh thần chiến đấu. Họ đâu có biết Quân Đội VN Cộng Hoà chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt ra sao, chiến đấu không ngưng nghỉ, phương tiện thiếu thốn chớ đâu có được chiến đấu trong hoàn cảnh " nhà giầu " như quân đội Mỹ ở Việt Nam lúc đó, được bảo vệ, yểm trợ một cách gần như tuyệt đối. Họ đâu có biết chính quyền cuả Ông Johnson ở Hoa Thịnh Đốn đổ quân vào Việt nam, hòng tiêu diệt cộng sản ở đây trong vòng 3 năm, nhưng lại làm cái việc kỳ quái, mà chỉ có giới tài phiệt Mỹ mới hiểu được là "… Johnson's administration made agreements to sell or give the Soviet Union and her commuinist satellites hundreds of millions of dollars worth of food, electronics computers, chemical plants. oil refinery equipment, airborne radar apparatus, jet aircraft engines, machine tools for an $800-million auto assembly plant and military rifles…" Đó! Bán hoặc cho cộng sản Liên Sô và các nước cộng sản chư hầu thực phẩm, máy điện toán, dụng cụ, hoá chất, động cơ máy bay phản lực, máy Radar, nhà máy chế tạo xe cộ,súng đạn, để rồi tất cả những thứ đó lại đổ lên quân cảng Hải Phòng, đem vào chiến trường Miền Nam để giết lính Mỹ và Việt Nam Cộng Hoà! Chỉ có Trời mới hiểu nổi ! Ở đây, kẻ viết chỉ muốn nói lên một điều : Quân Đội VN Cộng Hoà nói chung, đã chiến đấu rất anh dũng, kiên cường, bất chấp mọi trở ngại, khó khăn, thiếu thốn. Miền Nam xụp đổ, nhiều Tướng Lãnh: Nguyễn khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng vv... và nhiều Sĩ Quan cao cấp đã tự sát trong khung cảnh vô cùng oanh liệt, chưa từng có trong quân đội 1 quốc gia nào trên thế giới, họ không chịu đầu hàng hay để bị bắt làm tù binh, hàng triệu quân nhân, viên chức chính phủ, nhân vật Đảng Phái chính trị bị nhốt vào các trại tù cải tạo khổng lồ nơi rừng thiêng, nước độc, dân chúng ồ ạt bỏ nước ra đi, bỏ hết tài sản, không kể sống chết, thảm hoạ kinh hoàng trên biển cả vv… là những vấn đề vượt quá khả năng và tầm tay cuả người Việt Miền Nam chúng ta. Chỉ có các Đấng thiêng liêng, chỉ có Lịch Sử mới hiểu được mà thôi !

Điều đáng mừng cho chúng ta là càng ngày, dân chúng Hoa Kỳ cũng như thế giới loài người càng hiểu ra sự thật cuả cuộc chiến tranh Việt Nam ( mà có những nhà chính trị, Giáo Sư Đại Học lẩm cẩm kêu là cuộc nội chiến, tức là người Việt Nam đánh lộn với nhau ) một Bai Học Đắt Giá , quý báu cho người Việt Nam, cho siêu cường quốc Hoa Kỳ và tất cả các quốc gia nhược tiểu khác trên thế giới. Nước nhỏ yếu mà chỉ trông cậy, giao vận mạng dân tộc mình vào tay một nước lớn mạnh khác lo hộ hoàn toàn thì nhiều chuyện nguy hiểm bắt buộc sẽ phải đến. Nước lớn, dù là Đệ Nhất Siêu Cường Quốc mà thiếu chung thủy, coi thường Đồng Minh, bạn bè, phản bội dễ dàng những người đã từng sống chết với mình trên cùng một chiến tuyến, coi thường Liên Hiệp Quốc là cơ quan quốc tế có thẩm quyền cao nhất để giải quyết những khó khăn, tháo gỡ những rắc rối, tranh chấp điên khùng của loài người ngày nay có nhiều tham lam, ích kỷ, ưa dùng bạo lực, ít biết đến giá trị của hòa bình... thì không được đồng minh, bạn bè chân thành kính nể, rồi không lúc này thì cũng lúc khác sẽ bị những thế lực thù địch khác, mà tất nhiên có nhiều kẻ thù lớn nhỏ, tìm cơ hội đánh cho những đòn chí mạng, thảm khốc, kinh hoàng, loài người xưa nay chưa từng thấy, chưa dám nghĩ đến, nhất là trong một thế giới ngày nay khoa học, kinh tế, vũ khí chiến tranh, quyền lợi, tôn giáo xung đột, phát triển mau hơn, mạnh hơn so với mức độ hòa giải, tuy có, nhưng khó khăn và chậm chạp. Cho đến tháng 3 – 2006, một số các nhân vật chính trị, các Giáo Sư Sử Học, Chính Trị Học mới tụ họp nhau lại ở Boston để tìm ra phần nào những sai lầm, thiếu sót của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, như đã nói sơ lược ở trên, trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo, không phải là 1 cuốn sách, hầu cải thiện tình trạng bế tắc, hiểm nghèo, sa lầy của cuộc chiến tranh tại Iraq giữa 1 Siêu Cường Quốc ( Superpower ) hàng đầu của thế giới loài người với 1 quốc gia nhỏ bé, tầm thường, đã bị thương nặng trong cuộc chinh phạt thần tốc ( lighting-speed expedition ) của lực lượng Đồng Minh, Dân Chủ, Tư Do mà chính yếu là Hoa Kỳ, vào năm 1991.

Chúng ta có quyền hi vọng ở tương lai: thế hệ trẻ Việt Nam, những người yêu nước trong cũng như ngoài nước, với trình độ kiến thức, hiểu biết rộng rãi về " Tiến trình cuả nhân loại - Process of Human Society " , hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, nhất là với niềm tự hào cuả một Dân tộc tuy nhỏ bé, gần như suốt đời này qua đời khác, luôn luôn bị xâm lăng, thống trị dã man, tàn bạo, nhưng không bao giờ đánh mất Niềm Tin vào Tổ Quốc, từng có những trang sử oanh liệt cuả Ngô Quyền, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung Nguyễn Huệ vv… sẽ mãi mãi muôn đời có mặt trong Cộng Đồng Thế Giới Tự Do, Tiến bộ và thật sự Văn Minh.
San Diego, California
Phan Đức Minh

Tài liệu tham khảo :
* The Death of A Nation .- John A. Stormer .- Liberty Bell Press.- Missouri - 19
* The World Almanac of The Vietnam War -John S. Bowman ( General Editor ).- Bison Books Corp, New York.-1985
* Vietnam - The History & The Tactics.- Ashley Brown & Adrian Gilbert.- Orbis Publishing Limited, London -1982.
* Kennedy .- Theodore Sorensen .- Harper & Row . New York - 1965.
* New Standard Encyclopedia . Standard Educational Corporation. Chicago – 1981.
* Henry Kissinger’s Diplomacy.- Simon & Schuster .- New York, 1994.
* A Book of U.S. Presidents.- George Sullivan.-Scholastic Incorporation, New York - 1984.
* Một số tài liệu chọn lọc trên Internet của những Nhân Vật chính trị, Giáo Sư Chính Trị và Sử học danh tiếng.

Monday, April 27, 2009

Chuyện Kể của Phu Nhân Cố Thiếu Tá Lực Lượng Đặc Biệt

Tôi lập gia đình sớm, năm tôi 18 tuổi đã theo chồng ra Nha Trang. Trong thời chiến, tôi cũng như bao thiếu nữ khác phải chấp nhận đời sống vợ của một chiến binh. Chồng tôi là một sĩ quan mới ra trường năm 1962, anh đã tình nguyện vào đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB), một đội ngũ làm Cộng quân khiếp vía, đối với Cộng quân những người chiến sĩ này là hình ảnh của tử thần, là đội binh tinh nhuệ - đến trong âm thầm và ra đi trong lặng lẽ, để lại bao kinh hoàng và khiếp đảm đối với chúng. Nhất là "đàn con của Bác" được nhồi sọ từ một chủ thuyết Nga-Tàu, tràn qua dòng Bến Hải đau thương, chứng tích chia lìa Nam Bắc. Vượt Trường Sơn mang theo cuồng vọng, đôi dép râu lê lết bằng những hình hài không tim óc "sanh Bắc tử Nam" dẫm trên đường mòn Hồ Chí Minh ô nhục, một kẻ tội đồ của lịch sử, của dân tộc.

Chồng tôi là một sĩ quan trưởng toán Delta của đơn vị, tôi yêu anh ngoài cái vóc dáng phong sương, thêm vào hình ảnh hiên ngang, oai hùng của nét trai thời đại. Có địa danh nào thiếu dấu chân anh? Từ vùng đất Lào vi vu gió tanh mưa máu, Pleime gió núi mưa rừng, Đồng Xoài, Bình Giả... máu đổ thịt rơi. Tận đỉnh gió rét mưa phùn của đất Bắc hiểm nghèo chập chùn bất trắc, hiểm họa rình rập theo những bước chân xâm nhập, nổi chết toa rập cùng sương lam chướng khí trực chờ !!!

Nha Trang, quê hương có rặng thuỳ dương và bờ cát trắng, đơn vị chồng tôi được đồn trú tại đó vào năm 1964. Căn cứ trưởng là ông đại úy Nguyễn văn Khách, vị sĩ quan này đã thành lập 5 toán nhảy, mổi toán không hơn 6 người do một sĩ quan Việt và hai cố vấn Mỹ đảm trách. Tên các toán trưởng đầu tiên là anh Phan văn Ninh, Lê kỳ Lân, Nguyễn bính Quan, Nguyễn văn Tùng và chồng tôi là Hồ đăng Nhựt. Đại úy Nguyễn văn Khách đã chỉ huy trại này được một thời gian, ông lại được lệnh thuyên chuyễn đi nơi khác. Sau đó thiếu tá Thơm và đại úy Xuân, anh em thường gọi là "Xuân Thẹo" dù trên khuôn mặt của đại úy Xuân không có vết xẹo nào! có lẽ một cái tên đặc biệt anh em đã tặng cho. Đại uý Xuân từ bên sư đoàn Dù về, hai ông này là xử lý của trại Đằng Vân. Cho đến bây giờ, dù trải qua bao dâu bể vẫn không thể xoáy mòn tâm trí tôi, tôi vẫn còn nhớ cảnh một trận lụt lớn ngập cả thành phố, và cả trại Hoàng Diệu căn cứ của Mỹ cũng như trại Đằng Vân của LLĐB.

EM HỎI ANH BAO GIỜ TRỞ LẠI
Đến năm 1965, ở tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) có một trận chiến rất lớn đó là trận Bình Giả. Lúc này các toán trưởng chuẩn bị theo các trực thăng để thi hành công tác xâm nhập, ngăn chận những nơi Cộng quân di chuyển, tôi chỉ biết có thế thôi. Làm sao tôi có thể vui được, có thể an lòng được trong tâm trạng nổi lòng chinh phụ dõi bóng chinh phu! Cứ mổi lần chàng chuẩn bị đi vào "miền gió cát", nhảy vào giữa lòng đất địch là mổi lần tôi xót xa thầm hỏi: bao giờ chàng trở lại? Ai có từng là vợ của chiến binh mới thông cảm nổi lo âu, niềm đau đợi chờụ, sự cô đơn từng phút của người vợ lính trong thời chiến chinh. Ôi, Đồng Xoài, Bình Giả... đất bằng sẽ phong ba, khói lửa ngút ngàn và chồng tôi sẽ đi vào chốn ấy. Tôi thắt thỏm, tôi héo hon theo từng bước anh đi, tôi đợi anh về mà lòng tơi bời vụn nát....sợ anh về trên đôi nạn gổ, tôi nghẹn ngào nghỉ đến ngày anh trở về "bên hòm gổ cài hoa..." chỉ nghỉ thế thôi mà nước mắt tôi lặng lẽ lăn dài. Tôi rời Nha Trang, tạm biệt chàng, tạm biệt những ngọn thùy dương rì rào những đêm tựa đầu nhau nghe sóng biển ngoài khơi, mang theo kỷ niệm những năm tháng bên chồng trở về gia đình tôi tại Sàigòn.

Sài gòn không có biển, không có thùy dương cát trắng, tôi cảm thấy bồi hồi nôn nao nhớ, bâng khuâng và nuối tiếc những ngày nồng nàn phấn hương đã vội qua.... "Sài gòn đẹp lắm, Sài gòn ơi", Sài gòn vẫn nhộn nhịp bao tà áo, từ quán cà phê Continental giọng hát trầm ấm, truyền cảm của Sĩ Phú vọng ra "nắng Sài gòn em đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông". Trời ơi, tôi còn tâm trí nào để chìm đắm trong những giòng âm thanh đó, tôi vội bước nhanh để xa rời tiếng hát như muốn rượt đuổi theo. Một sự tương phản đầy ray rứt như riễu cợt, cách vài mươi cây số đường chim, bay súng nổ đạn bay, thây người ngả qụy. Khuôn mặt diễm lệ Sài gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông mà đối với tôi, nó như những loại trang sức diêm dúa trên thân xác loang lổ đạn bom, trên hình hài còm cỏi của Mẹ Việt Nam! Tôi làm gì có áo lụa Hà Đông để mặc, nổi ước mơ đó đối với tôi là vô nghiã, tôi chỉ cần có chàng, tha thiết bên chàng mà thôi. Nhất định anh phải trở về và về nguyên vẹn hình hài nha anh, nha Hồ đăng Nhựt dấu yêu của em!

Chồng tôi từ hậu cứ Nha Trang về Vũng Tàu để chuẩn bị hành quân, buổi chiều, nhận được tin của người anh gọi tôi ra để gặp chàng. Năm đó tôi mang thai đứa con đầu lòng được ba tháng, đến cổng trại vào lúc 6 giờ chiều tôi đã gặp thiếu tá Thơm, đại úy Mai việt Triết và đại úy Xuân đang đứng trước trại. Tôi hỏi xin cho gặp chàng, các ông ấy nói: thiếm đã đến trể mất rồi, Nhựt mới vừa từ giả chúng tôi bước ra bãi phi cơ trực thăng. Từ trong vô thức não nùng chợt ùa về loáng thoáng bên tai những vần thơ Cung Oán Chinh Phụ: "bóng chàng đỏ tợ ráng pha, ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in". Cũng một buổi chiều chiến chinh năm xưa, người chinh phụ tiễn đưa chinh phu lên đường ra trận mạc, con tuấn mã trắng phau như màu tuyết hí vang lừng, cất vó uy nghi nổi bậc bên giáp trận rực đỏ như màu ráng cuối trời quan tái. Tôi, hôm nay đơn lẽ, nước mắt đoanh tròng đứng nhìn theo từng chiếc trực thăng từ từ cất cánh, tiếng động cơ ầm đùng, gió bụi xoáy cả một vùng, tâm tư tôi rối bời như cỏ úa, loạn cuồng theo từng vòng quay cánh quạt, lòng quặn thắt từng cơn nhìn đàn chim sắt khuất dần về hướng đông bắc Bình Giả trong màu tím thẳm của sương khói hoàng hôn mờ nhân ảnh...!!! Bình Giả, một địa danh đang sôi sục lửa chiến tranh......thần chết đang đợi chờ, chốc nữa đây chàng sẽ hiện diện nơi đó!!! Trận đánh này có nhiều đơn vị bộ binh kể cả tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Cuộc giao tranh đã quyết liệt diễn ra, tiếng bom đạn vọng về..... Cộng quân tổn thất nặng nề, nhiều chiến sĩ quốc gia cũng đã hy sinh. Những toán hoạt động của chồng tôi đã bị lộ, nên anh đã băng rừng vượt
suối mấy ngày đêm liên tục mới ra được núi Thị Vãi tại Bà Rịa. Chàng đã nguyên vẹn trở về, cám ơn thượng đế che chở cho chàng, chúng tôi bên nhau những ngày phép ngắn ngủi tại Sài gòn.

Đến năm 1966 các anh toán trưởng cũng lần lượt mổi người một nơi, riêng chồng tôi vẫn ở lại đơn vị cũ. Lúc bấy giờ Chỉ Huy Trưởng trại Đằng Vân là Phan duy Tất, ông này về không bao lâu lại thành lập thêm mấy toán nữa. Tôi nhớ những toán trưởng rất trẻ là: Ngô văn Thơm, Tô Mười, Nguyễn ngọc Thiệp, Trần anh Tuấn, Nguyễn văn Biên,v.v... các toán trưởng lần lượt thay phiên nhau đi hết cuộc hành quân này đến cuộc hành quân khác. Các địa danh đẫm máu như Phú Bài, Bồng Sơn, Chu Lai, Khe Sanh, Huế, Điện Biên Phủ.... cường độ chiến tranh leo thang, tiếp theo là Pleimer, trận chiến này các đội và trưởng toán đã hy sinh rất nhiều.. Trong lần tử thương này, tôi chỉ nhớ có 2 người bạn của chồng tôi là đại úy Nghi và Nguyễn văn Bảy, anh em thường gọi là "Bảy Lùn". Trong cảnh đạn lửa trùng điệp, nhiều phi công trực thăng của không lực VNCH, khi thấy đồng đội bên dưới bị nguy khốn đã bất chấp mạng sống, liều thân trong các phi vụ đổ quân và tiếp tế lương thực. Nhiều chiếc đã bị bắn rơi tan tành, lửa bốc cháy ngút trời. Lúc đó có trung úy phi công trực thăng Nguyễn văn Vui, liều một phen sinh tử đem mạch sống cho đồng đội bằng những thùng lương thực.Từ trên cao trung úy Vui bổng thình lình "cúp" máy cho phi cơ rơi xuống như khối sắt và quay 180 độ, gần đến mặt đất cho trực thăng nổ máy lại, thán phục thay người phi công dũng cảm của QLVNCH.

Đầu năm 1967, tôi lại mang thêm đứa thứ hai mới sanh gần một tháng, vợ của anh Nguyễn Ngọc Thiệp cùng sanh một lượt, cô này là em chồng của tôi. Lúc này chồng tôi đang hành quân tại Vùng Hai Chiến Thuật sắp về, tôi được tin từ Sài gòn và ra hậu cứ đón chồng, thường khi mỗi lần xong công tác là anh được đi phép. Trong lúc chờ phi cơ trở về Sàigòn, anh Nguyễn ngọc Thiệp bị tử nạn do thùng tiếp tế lương thực từ trực thăng Mỹ rớt xuống, cái chết của anh Thiệp rất thảm thương. Ôi, chinh chiến! bất hạnh từng ngày đến với dân tộc Việt Nam, đứa con của anh Thiệp mới chào đời còn đỏ hỏn đã vĩnh viễn không thấy mặt cha và vành khăn sô oan nghiệt vội quấn trên đầu người vợ trẻ. Hôm sau chồng tôi đưa xác Thiệp -người em rể trở về Sàigòn an táng. Những ngày phép qua mau trong sự buồn bả, mất mát của người thân. Anh trở lại đơn vị, tôi lại theo chàng về Nha Trang sau 3 tháng sanh nở.

Năm Mậu Thân 1968, tôi trở về Sài gòn và đứa con thứ ba đã chào đời. Việt Cộng đột nhập và tấn công thành phố Sài gòn, khắp các tỉnh lỵ đều nổ súng. Trong trận Mậu Thân chồng tôi lại mất thêm một đồng đội, trung úy Nguyễn văn Tùng đã tử trận tại Tòa Tỉnh Trưởng Nha Trang lúc hai bên kịch chiến. Nữa năm sau ông Phạm duy Tất đã thuyên chuyển về Vùng 3 Chiến Thuật, chồng tôi đã phục vụ trong LLĐB từ năm 1962 đến năm 1968. Lúc này anh được lệnh thuyên chuyển về Vùng 3 Chiến Thuật nhận chức vụ Trung Tâm Hành Quân của C.3 tại Biên Hòa. Sau đó ông Chỉ Huy Trưởng là trung tá Phạm duy Tất đưa anh nhận chức làm trưởng trại Chí Linh ở Sông Bé, được một thời gian anh đi qua trại Tống Lê Chân ở Bình Long và Lộc Ninh. Đến năm 1969 anh coi trại Tống Lê Chân, sau cùng anh về B.3 hành quân ở B.15 cho đến năm 1972.

Năm 1972, khởi đầu của Mùa Hè Đỏ Lửa, đỉnh tận cùng của điêu linh, thẳm sâu của tang tóc, đẩy người dân xuống cuối đáy địa ngục. Chiến trường trở nên khốc liệt hơn, kinh khủng hơn, tàn bạo hơn....bom đạn cày nát mãnh đất quê hương nghèo khó. Mẹ Việt Nam mở trừng mắt máu lệ đầm đià, hơi thở Mẹ Việt Nam đứt quảng từng hồi, thân thể Mẹ Việt Nam run rẩy từng cơn, tan hoang như địa chấn, sụp đổ như cơn đại hồng thủy.... Trước bờ vực thẳm tử sinh, người dân miền Nam từng bước gập ghềnh, chênh vênh trên chiếc cầu định mệnh. Máu và nước mắt, thây người và khăn sô...!!!

Đến cuối 1972 LLĐB được lệnh giải tán để bổ xung qua các lực lượng bạn như: Biệt Động Quân Biên Phòng, Nha Kỷ Thuật và các quân binh chủng khác. Anh đã chọn về Sở Liên Lạc Nha Kỷ Thuật Bộ Tổng Tham Mưu và làm việc tại đó cho đến cuối năm 1974.

ÁO BÀO THAY CHIẾU ANH VỀ ĐẤT
Đầu năm 1975, anh được lệnh đi nắm Bộ Chỉ Huy nhẹ ở Chiến Đoàn 2 tại Ban Mê Thuộc và Kontum. Lúc này tình hình chiến sự trở nên căn thẳng, hổn loạn, phương tiện di chuyễn vô cùng khan hiếm và khó khăn. Hai ngày ròng rã chờ đợi tại phi trường Tân Sơn Nhất nhưng vẫn không có phi cơ, anh đành lên phi trường Biên Hòa và đã được lên đường sau đó. Khi đến trình diện tại Chiến Đoàn 2, mỗi sĩ quan phải thay phiên nhau hành quân 10 ngày. Đến ngày 20 tháng 3 năm 1975, thiếu tá Cao triều Phát đã đem lương lên căn cứ hành quân để phát cho anh em. Ông thiếu tá Phát bảo chồng tôi, "mầy" đã xong công tác rồi, có đi theo chuyến bay này về không? Anh không muốn xa đồng đội trong lúc này, nhất là lúc tình hình đang rối ren vì được lệnh sắp rút quân để di tản chiến thuật, hơn nữa các bạn anh đề nghị thôi chúng mình sẽ về chung cho vui. Vì vậy, anh đã nhờ thiếu tá Phát mang tiền lương về cho tôi, anh chỉ giữ lại 500 đồng để tiêu xài và nhắn vài hôm sau anh sẽ về Sài gòn.

Trên đường rút quân "triệt thoái cao nguyên", dọc theo quốc lộ sự di chuyển rất hổn tạp. Anh được lệnh thượng cấp dẫn quân đi tiên phong để mở đường, bảo vệ và đưa dân chúng về đồng bằng tránh khỏi nạn đau binh và cướp bốc. Sáng ngày 25 tháng 3, anh điện về gặp tôi và báo ngày mai sẽ gặp mẹ con tôi tại Sài gòn, chỉ còn 24 giờ ngắn ngũi, tôi chờ đợi trong sự hồi hộp xen lẫn niềm vui cho cuộc tương phùn. Chiều cùng ngày trên đường rút quân, anh cùng thiếu tá Hải và vài sĩ quan nữa trên xe, một trái đạn B.40 từ phiá Cộng quân mai phục bắn trúng ngay người tài xế cháy không còn xác, thiếu tá Hải văng ra khỏi xe bị cháy đen, riêng chồng tôi bị dập nát mặt nhìn không ra. Trong xe chết 3 người, còn lại 3 người đều bị thương không nguy hiểm đến tánh mạng.

Như thường lệ mổi sáng, từ khu cư xá gia binh của trại Nguyễn cao Vĩ trên chiếc Honda ra cổng đưa con đi đến trường, tôi đã thấy trung úy Thọ và thượng sĩ Sanh, hai người này chận tôi lại, đôi mắt ái ngại và ngập ngừng cho tôi biết hung tin: Xin chị bình tỉnh, tin chính xác báo cho biết đại úy Hồ đăng Nhựt đã tử thương trên đường rút quân chiều hôm qua. Tôi như bị sét đánh, tim tôi như ngưng đập, trước mặt tôi cảnh vật bổng tối sầm và đảo lộn, tai tôi ù lên những tiếng kêu quái dị, mặt đất bổng nhiên nhấp nhô dậy sóng. Tôi rụng rời, tôi chao đão, tôi ngả qụy chiếc xe Honda với đứa con tôi cũng đổ theo. Các anh em mang tôi vào bệnh xá, sau khi hồi phục tôi làm thủ tục đi nhận lãnh xác chồng.

"Ngày mai đi nhận xác chồng, ngày mai đi nhận xác anh, cuồng si thuở ấy hiển linh bây giờ". Trời ơi, Hồ đăng Nhựt ơi ! Anh đã bỏ mẹ con em, anh đã bỏ lại bạn bè và đồng đội trong lúc đất nước đang hồi nghiệt ngã. Tôi cùng các anh em đi đến Nghiã Trang Quân Đội tại Biên Hòa, được một chú lính đưa tôi đi qua dãy hộc tủ chứa đựng tử thi và cuối cùng chúng tôi dừng lại. Dừng lại để chấp nhận một sự bẽ bàng, dừng lại để gói trọn một vụn vỡ đến tê dại toàn thân, nhận một kiếp đời góa phụ. Chiếc hộc tủ gói gọn hình hài của thiếu tá Hải và thân xác chồng tôi đang nằm bất động. Trời ơi ! "em không nhìn được xác chàng, anh lên lon giữa đôi hàng nến chong", thi hài chồng tôi nằm trên chiếc băng ca, khuôn mặt đã bể nát, tôi chỉ nhận diện chàng qua tấm thẻ bài. Tấm thẻ bài này nó đã từng theo chàng qua những đoạn đường máu lửa, nó đã từng ấp ủ nhớ thương về người vợ bé nhỏ và đàn con dại mổi khi dừng bước quân hành giữa lưng đồi của rừng khuya tịch mịch, cuối rặn sim bạt ngàn. Bây giờ "áo bào đã thay chiếu anh về đất" yêu đương kia đã cùng anh chấp cánh bay tới một vùng trời miên viễn...!!!

ĐÁ NÁT VÀNG TAN
Vài hôm sau thành phố rất lộn xộn, trong cư xá đạn bay xối xã, lúc đó tôi nhờ em tôi đưa 5 đứa con về nhà trước phần tôi thu xếp về sau. Chỉ có một đêm đường xá bị giới nghiêm và thiết quân lực, tôi nóng ruột không biết các con tôi như thế nào. Một tháng nặng nề ngột ngạt đè nặng trên đầu người dân Sài gòn...... Đến trưa ngày 30 tháng 4, các anh em quân nhân vượt qua cổng trại cư xá Nguyễn cao Vĩ....tôi ngơ ngác nhìn và chạy theo. Sài gòn súng nổ, Sài gòn đạn lạc tên bay, tiếng pháo Cộng quân ầm đùm, tiếng xích sắt thô bạo nghiền nát mặt đường, giờ phút hấp hối của Sàigòn, cơn đá nát vàng tan đã đến. Quyết một phen trống mái ngăn chận Cộng quân xâm nhập thủ đô, trên bầu trời những chiếc phi cơ đang vầng vũ đánh bom bảo vệ vòng đai Sàigòn, một chiếc bốc cháy chói lòa như hành tinh lạc thể rồi nổ tung tóe, tan tành từng mảnh rơi lả chã, một chiếc khác gẫy cánh quay như con vụ rồi chúi đầu, sau tiếng nổ từng cụm khói đen nghịch bốc lên cao. Sài gòn bốc cháy, Sài gòn loạn lạc, Sài gòn tiếng kêu la thất đảm. Kẻm gai như mạng nhện bủa giăng, nhiều anh em quân nhân súng lăm lăm trong tay bám chặt chốt. Tôi thấy những người Lính Mũ Đỏ đang đau thương rũ cánh "Thiên Thần", giày sô "shaute" còn bám chặt gót chân gió bụi mà áo trận lạc mất nơi nào? chỉ còn tấm thân trần với những xâu lựu đạn để bảo vệ thành đô, hai tay cầm hai trái phá đang chạy tới, chạy lui. Tôi như một cái xác phờ phạt, hồn đã thất lạc tự bao giờ. Tôi chạy về hướng ngã tư Bảy Hiền định ghé vào nhà người chị, nhưng căn nhà bị đổ nát tan hoang vì đạn pháo của địch quân, không biết họ đã tan thây trong
đóng gạch vụn đó hay chạy phương nào ? Tôi lại trở ra đường Nguyễn văn Thoại , vừa đi vừa chạy về nhà trên đường Lý Thái Tổ, năm đứa con tôi vẫn còn đang chờ. Mẹ con chúng tôi ôm nhau òa khóc.

Chiều 30/4 người người bỏ chạy tìm tự do, người người thất lạc. Hoàn cảnh và cuộc sống chật vật của một người vợ chiến binh, hơn nữa chàng vừa nằm xuống từ giả cuộc chiến bi hùng này, mồ chưa khô đất và cỏ khâu chưa lên mầm. Tang chồng vẫn nặng trỉu trên đầu tôi với cái tuổi vừa 30, lại chất thêm một cái tang cho đất nước. Hai vai gầy gánh vác đau thương trong cảnh mẹ góa, con côi, đứa con lớn nhất chỉ có tám tuổi và đứa nhỏ nhất mới được 18 tháng, tôi biết làm gì đây trong thảm trạng này, trong cảnh thê lương của "Sài gòn hoang lạnh ơ thờ, môi người goá phụ nhạt mờ màu son...." Nhựt ơi, em phải làm gì đây anh, em phải làm gì và mẹ con em phải sống làm sao trong những ngày tháng đến ???

Cuộc đời sao lắm nổi chuân truyên, sao quá đổi đoạn trường đối với người vợ Lính?! Tôi lại phải tiếp tục sống và phải sống dưới một lớp người mới, một thể chế mới mà đối tượng là giai cấp, là độc tài, là hà khắc dã man. Tôi trong tâm trạng như hóa đá, qua câu chuyện nàng Tô Thị bồng con lên tận đỉnh núi từng chiều dõi bóng chinh nhân. Nhưng nàng Tô Thị dù sao vẫn còn nhiều hạnh phúc hơn tôi, tôi là đối tượng của một giai cấp thống trị mới của bọn vô thần, tôi là vợ của một sĩ quan chế độ cũ, vợ của một "ngụy quân", họ đã lên án tôi như thế. Chồng tôi đã gục ngả trên đường rút quân, tôi đã lịm chết bao lần trước cổ quan tài, lòng huyệt lạnh đã cách ngăn chúng đôi miền: dương-cảnh. Tôi còn gì để mà ngóng trông như nàng Tô Thị, có còn chăng chỉ là 5 đứa con thơ dại, tôi phải tảo tần buôn gánh, bán bưng để sống qua ngày hai buổi cháo rau...!

ĐỜI NGƯỜI NHƯ CHIẾC LÁ
Con nước xoáy trăm giòng rồi cũng về biển khơi, con người trong cảnh đời quay quắt, ngược xuôi rồi tới lúc cũng dừng lại. Tôi được giấy bảo lãnh từ Hoa Kỳ của em tôi và được phái đoàn phỏng vấn. Trải qua bao khó khăn về tài chánh, về mọi mặt....nào có bình thường và dễ dàng như bao gia đình khác? cuối cùng chúng tôi được lên đường. Hành trang mang theo một gia tài hom hem nghèo khó, cùng 5 đứa con đã trưởng thành. Phi cơ cất cánh, tưởng rằng tuyến nước mắt tôi đã khô cạn trong đời sống khổ nạn, tự dưng nó lăn dài trên đôi má hóp sạm đen mưa nắng, trên khuôn mặt hóc hác tiều tụy; trong những giọt lệ đó đã hòa lẫn những vui buồn, tôi thoát khỏi địa ngục trần gian, từ biệt "thiên đàng" Cộng Sản. Trạm dừng chân đầu tiên tại Thái, chuyến đi lưu lại 10 ngày tại đó, rồi Tokyo, San Francisco, và chúng tôi đã đến Kansas city đoàn tụ với người em gái thứ 5 nơi thành phố này.

Vượt qua những khó khăn trên xứ người lúc đầu tiên, nhân tình thế sự biến đổi theo hoàn cảnh đó là chuyện thường hằng trong bất cứ một đời sống nào. Tôi xuôi Nam về miền Cali nắng ấm tại quận Cam, tôi đã quen với đời sống mới, gặp lại những đồng đội của chồng tôi năm xưa. Trong một tình cờ giữa tiệc cưới con của người bạn cũ, tôi gặp được đại tá Ngô Thế Linh do các anh em giới thiệu... Sau đó tôi quyết định về San Jose vào tháng hai và nghe tin đại tá Ngô Thế Linh đã từ trần. Đến tháng 3 bên Sở Liên Lạc các anh đã tổ chức ngày giổ của chồng tôi rất trọng đại, niềm an ủi to lớn sau bao năm tháng nhục nhằn. Nước mất nhà tan, trong cảnh đời tha phương lạ cảnh, lạ người nhưng tình đồng đội vẫn còn gắn bó, cao qúy thay cho cái tình huynh đệ chi binh.

Những chiều ở đây mổi độ tháng tư về, tôi nhớ quê, nhớ nhà và nhớ bao chiến sĩ đã nằm xuống cho quê hương, trong đó có Hồ đăng Nhựt -chồng của tôi, anh đã làm xong bổn phận của người trai thời loạn. Giờ đây niềm đau bại trận luôn đeo đẳng theo các anh -những người Lính sau cuộc xảy nghé tan đàn, các anh bị bức tử một cách bi phẫn trong một cuộc chiến đấu oai hùng. Các anh đang trôi dạt trên xứ người, cuộc chiến đó còn dỡ dang và đang tiếp diễn trên một chính trường không phải bằng súng gươm, mà bằng lập trường, bằng khối óc, bằng Lý Tưởng QUỐC GIA và DÂN TỘC. Máu các anh đã tô thắm cho màu cờ, nhưng đất nước vẫn nằm trong loài qủy đỏ, tôi luôn hỵ vọng và tin tưởng vào các anh, những người chiến sĩ can trường của QLVNCH.

CỔ LAI CHINH CHIẾN KỶ NHÂN HỒI
Một chút niềm riêng về Nha Trang dấu yêu ngày tháng cũ. Nha Trang những ngày mưa đổ đìu hiu se sắc buồn. Nhớ những ngày đơn độc trong trại gia binh, nhớ Duy Tân con đường dọc theo bờ biển đèn ngoài khơi nhấp nháy như ngàn sao, phố đêm Nha Trang trông huyền ảo lấm tấm như ngàn trân châu trải đều trên nét xiêm hài nhung thẳm của giai nhân. Tất cả chìm sâu vào đáy dĩ vãng rong rêu, mổi lần hồi tưởng lòng tôi lại rạt rào thương tủi, lòng tôi lại trào dâng bao kỷ niệm. "Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi" hình bóng chinh nhân khi ẩn, khi hiện, nổi trôi theo từng dòng chữ, từng âm thanh đứt lià "vẵng nghe tự đáy hồn thương tích, bao tiếng kèn truy điệu năm xưa."

Bây giờ là THÁNG BA. Bây giờ đã từ bao độ mất chàng, mất quê hương. Vâng bây giờ là tháng 3, đã 34 năm dài, mùa Quốc Nạn, mùa đau thương phủ trùm trên "Quê Hương Nghìn Trùng Tang Trắng". Trong một góc sâu thẳm của lòng tôi, hình ảnh cố thiếu tá Hồ đăng Nhựt, người chồng thân yêu đã anh dũng ĐỀN XONG NỢ NƯỚC.

San Jose, Mùa Quốc Nạn.
Lưu Trùng Duơng

Blog Archive