Wednesday, July 31, 2019

Những Nhân Vật Đằng Sau Sân Khấu

Một số điều mà rất nhiều người không biết về chính trường Mỹ và các dữ kiện liên quan tới các tay chính trị gia và giới tài phiệt. Mình post đây để cho các bạn trẻ đọc tham khảo và là đầu mối cho các bạn tự tìm hiểu thêm, thế giới bao la, chính trường quốc tế phức tạp, càng biết thì lại càng thận trọng trong nhận định mọi vấn đề mà được bày ra bởi hệ thống truyền thông hùng hậu quanh ta. Post này giành cho các bạn không cảm tính và những ai khao khát tìm hiểu sự thật.

1. Mueller không phải là người đã mướn những luật sư và nhân viên trong đội đặc biệt điều tra. Kẻ trực tiếp phỏng vấn và mướn đa số các nhân viên trong đội đặc biệt điều tra tổng thống Trump là ông Andrew Weissmann. Andrew là người thiên tả và chống tổng thống Trump.

(Tin này đã được đăng bởi Judicial Watch. Link trong phần comments mình sẽ post cho các bạn, chi tiết của các nhân vật thiên tả được Andrew Weissmann phỏng vấn và mướn được nêu trong bài báo).

2. Andrew Weissmann phỏng vấn và mướn Andrew Goldstein. Andrew Goldstein từng là phóng viên của tờ báo Time, vợ ông ta là Julie Rawe từng là Editor của báo Time 13 năm. Goldstein từng tặng cho ban vận động tranh cử của tổng thống Obama $3300 vào năm 2008 và 2012.

Andrew Weissmann cũng phỏng vấn và mướn Kyle Freeny, Rush Atkinson, Greg Andres ... Những người này từng tặng tiền cho các ban vận động tranh cử của đảng Dân Chủ.

3. Jeffrey Bezos là nhà tài phiệt làm chủ hãng Amazon và cũng là chủ của tờ báo Washington Post. Bezos là tài phiệt thiên tả và chống Trump, bởi các chính sách của ông Trump đụng chạm tới quyền lợi thương mại của Amazon.

4. CNN là đài truyền hình nằm trong hệ thống công ty của Time Warner. Time Warner là một trong số tổ chức hàng đầu đã bảo trợ tài chánh cho các vận động tranh cử của Hillary Clinton. (Link trong phần comment của post).

Các tổ chức bảo trợ hàng đầu cho các cuộc tranh cử của bà Hillary Clinton (không tính từ chính phủ) gồm có: Time Warner, UC California, Stanford University, Harvard University, Columbia University, Bank of America, Apple, Compcast, Morgan Stanley, JP Morgan Chase, Citigroup, Alphabet Inc, Goldman Sach, Microsoft, DLA piper, Kirland & Ellis ....

Các bạn ngó các tên các tổ chức trên thì biết tại sao họ phải liên tục chống Trump... tất cả là lợi nhuận bị đụng chạm. Khi đã bỏ vốn ra để đầu tư vào Hillary Clinton mà lại mất vốn thì họ tất nhiên phải tức giận.

5. Tỷ phú George Soros là nhà tài phiệt thiên tả. Ông này từng bỏ ra hơn 23 triệu đô la Mỹ để tài trợ cho 527 nhóm chống cuộc tranh cử của tổng thống Bush. Ông ta sáng lập tổ chức Open Society Foundation (Tổ Chức Xã Hội Mở), từ tổ chức này, ông ta dùng tiền để tài trợ cho các tổ chức chính trị.

Năm 2012, Soros tài trợ 1 triệu đô Mỹ cho Ban Vận Động tái tranh cử của tổng thống Obama có tên là Priority USA Action.

Năm 2013, Soros tài trợ $25,000 đô Mỹ cho "Ready For Hillary" và trở thành một trong các lãnh đạo của hội đồng tài chánh này của Hillary.

Tháng 6 năm 2015, Soros tài trợ 1 triệu Mỹ kim cho Priority USA Action để vận động cho Hillary tranh cử tổng thống .

Tháng 12 năm 2015, ông ta cho thêm $6 triệu Mỹ kim, và tháng 8 năm 2016 thì cho thêm 2.5 triệu Mỹ kim .

(Các cuộc biểu tình chống ông Trump và việc số di dân lậu từ các nước Nam Mỹ ùa nhau tấn công vào biên giới phía Nam nước Mỹ được rất nhiều người suy đoán là động thái chống Trump mà do George Soros tài trợ, nhưng không có chứng cớ đủ để buộc tội ông ta ra tòa .)

Câu chuyện cuộc đời và các hoạt động của George Soros và các con cái ông ta trên toàn cầu thì rất dài và phức tạp, các bạn nào có hứng thú có thể google về tên của các con ông ta và tên tổ chức của ông ta thì sẽ rõ hơn .

Hôm nay tạm viết nhiêu đó để các bạn tham khảo và tự đi đào sâu thêm về các tài phiệt và các chính trị gia liên quan tới chuyện đảng phái tại Mỹ và tại sao lại có chuyện "yêu ghét" Trump kéo dài lê thê như thế !

PL
7/27/19


Sập bẫy?

Ký Thiệt 

Hôm 16 tháng 7 vừa qua, Hạ Viện Mỹ đã bỏ phiếu theo lằn ranh phe đảng với 240 phiếu (Dân Chủ) thuận và 187 phiếu (Cộng Hòa) chống, thông quabản quyết nghị lên án Tổng thống Trump đã xúc phạm bốn nữ dân biểu cấp tiến mới toanh vừa đắc cử vào Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm ngoái. Bản quyết nghị nói rằng ông tổng thống, trong một cái tweet hôm chủ nhật trước đó hai ngày, đã có những lời lẽ kỳ thị chủng tộc trực tiếp nhắm vào những Dân biểu Dân Chủ Alexandria Ocasio-Cortez của New York, Ilham Omar của Minnesota, Ayanna Pressley của Massachusetts và Rashida Tlaib của Michigan, đề nghị họ nên “trở về nguyên quán” nơi có những chính quyền bất lực, hơn là ở đây để chỉ trích Hoa Kỳ.

Dân biểu Jerrold Naddler, Dân Chủ – New York, nói rằng: “Quốc hội này phải nói lớn và đồng loạt một lời để lên án những lời lẽ của tổng thống, và quan trọng hơn, lên án những cảm nghĩ đằng sau những lời lẽ ấy.”

Về phía Cộng Hòa, có bốn dân biểu đã “xé rào”, bầu theo Dân Chủ, trong lúc hầu hết đảng viên Cộng Hòa ở Quốc Hội đoàn kết chung quanh ông tổng thống và bác bỏ luận điệu cho rằng những lời lẽ của ông Trump là kỳ thị chủng tộc. Dân biểu Mario Diaz-Balart, Cộng Hòa – Florida, nói rằng từ ngữ “kỳ thị chủng tộc” (racist) đã được sử dụng bừa bãi như một “võ khí chính trị”.

Dân biểu Tom Cole, Cộng Hòa – Oklahoma, nói tiếp theo: “Điều này cần phải chấm dứt, nhưng phải chấm dứt ở cả hai phía. Việc này là châm dầu vào lửa. Đó không phải là cách để đưa đến chấm dứt tranh cãi… Tôi nghĩ đây là một việc làm rất phe đảng. Chúng ta có những người thường dùng những lời lẽ kỳ thị về đủ mọi thứ nhưng đã không có những quyết nghị về những điều đó.”

Những đảng viên Cộng Hòa khác cũng kêu ca về sự đạo đức giả trong việc nhắm riêng vào những lời lẽ của Tổng thống Trump nhưng lại không lên án thẳng vào những lời phát ngôn của Omar và Ocasio-Cortez.

Trước khi Hạ Viện bỏ phiếu, TT Trump đã kêu gọi các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa hãy đoàn kết để chống lại cái quyết nghị và để “không phơi bày sự yếu kém”. Ông viết trong một cái tweet: “Cái gọi là cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra là một trò chơi gian lận của những người Dân Chủ. Tôi không có một cái xương kỳ thị trong cơ thể tôi.”

Tổng thống Trump cùng bộ tham mưu của ông đã phản công mạnh mẽ nhắm vào cô Ocasio-Cortez và ba nữ dân biểu cấp tiến khác họp thành một nhóm  bốn người tự gọi là “the squad” (đội ngũ, hay biệt đội). Trong một phiên họp nội các, ông Trump đã giơ cao một tấm ảnh của cô Omar kèm với những hàng chữ do cô ta tweet, và bảo rằng cô đã nói những lời khich động chống Mỹ và chống Do Thái. Ông nói dân biểu “nên làm những điều tốt cho đất nước chúng ta… Tôi nghĩ rằng họ ghét đất nước chúng ta. Và như vậy là không tốt. Không thể chấp nhận.”

Cố vấn Tòa Bạch Ốc Kellyanne Conway cũng buộc tội báo chí đã không công bằng trong vụ lời qua tiếng lại giữa Tổng thống Trump và bốn dân biểu Dân Chủ cấp tiến. Cô nói những nhà báo đang đứng về phía mấy nữ dân biểu buộc tội ông Trump kỳ thị chủng tộc, nhưng báo chí đã không bênh vực những người ủng hộ ông Trump khi họ bị tấn công chỉ vì đã đội trên đầu chiếc mũ đỏ có hàng chữ vàng “Make America Great Again”.

Sự thiên vị và thù ghét ông Trump trong giới TTDC, TTTT không phải là điều mới lạ. Suốt ba năm qua, truyền thông báo chí Mỹ, nói chung, đã không bỏ lỡ cơ hội nào để dập vùi ông tổng thống của họ còn hơn là kẻ thù của nước Mỹ.
                                
                                             “The Squad” nổi như”4 nài ngựa”

Mấy tháng nay, từ khi bốn nữ dân biểu da màu, trong đó có hai cô đạo Hồi, lần đầu tiên trong Quốc Hội Mỹ, xuất hiện và gây sóng gió ở Hạ viện, truyền thông dòng chính luôn luôn đóng vai trò cổ võ, đổ dầu vào lửa và nay họ đã trở thành hiện tượng “tứ nhân bang” khuynh đảo chính trường nước Mỹ.

Công bằng mà nói, bốn cô gái da màu vô danh trong bóng tối chỉ cần vài tháng đã trở thành những “ngôi sao”trên chính trường siêu cường Hoa Kỳ cũng là nhờ… ông Trump một phần, với những cái tweet đầy khích động của ông phóng ra mỗi ngày.

Trước hiện tượng quái đản trên đây, nhiều người đã khuyên ông tổng thống nên hạ hỏa, bớt tweet đi, đừng bắc cầu cho mấy… mợ ấy leo. Nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham nói trên “Fox & Friend” của Fox News Channel rằng ông Trump sẽ tái đắc cử vào năm 2020, và đề nghị: “Ông tổng thống cần ‘nhắm cao hơn’ khi nói về những người cấp tiến ở Hạ Viện. Hãy nói về những chính sách của họ. Họ là những công dân Mỹ đã được bầu ra hợp lệ và đang theo đuổi một lộ trình đáng kinh tởm. Họ thù ghét Do Thái. Họ là những người theo chủ nghĩa xã hội. Ông đúng khi nói về chính sách của họ. Chỉ cần nhắm cao hơn. Đừng biến thành chuyện cá nhân.”

Nhưng, ông tổng thống đã bác bỏ lời khuyên ấy: “Tôi không đồng ý với Lindsey. Ông ấy nói ‘nhắm cao hơn’. Vậy thì tôi sẽ phải làm cái gì? Chờ cho đến khi có người nào khác nữa nhảy vào một chức vụ cao hơn? Một nhiệm sở cao hơn? Đây là những con người thù ghét đất nước chúng ta. Cử tri sẽ quyết định. Nhưng khi tôi nghe cái lối họ nói về đất nước chúng ta, khi tôi nghe giọng điệu họ dùng để chống Do Thái, và tình yêu họ bày tỏ với những kẻ thù của chúng ta như al Qaeda…tôi không tin rằng đây là điều tốt cho đảng Dân Chủ. Chắc chắn đây không phải là cái đảng mà tôi đã từng biết qua bao nhiêu năm.”

Theo Wesley Pruden, Tổng biên tập danh dự của Nhật báo The Washington Times, thì đảng Dân Chủ đang bị“the squad” làm cho nát như tương, và họ “đang trên đường phá hủy chiến dịch tranh cử năm 2020 của phe Dân Chủ để tiếp tục nắm Hạ viện và tái chiếm Tòa Bạch Ốc.” TT Trump không phải làm gì cả. Ông chỉ cần ngồi yên, chờ “the squad” làm giùm.

Trong cột mục phiếm luận ngày 16 tháng 7 vừa rồi của Wesley Pruden trên tờ Washington Times viết về “Bốn cô nài ngựa ồn ào…” (The four noisy horseladies …), cây bút sắc bén già dặn mở đầu dí dỏm như sau:

“Bất cứ kẻ nào dọn vào ở trong tòa nhà số 1600 Pennsylvania đều được coi là một gã thông minh. Ôm trèo lên một cái cột thoa dầu mỡ là điều không thể làm được, bất cứ ai đã thử đều nói như vậy, và chức tổng thống là cái cột nhiều dầu mỡ nhất, tại bất cứ nơi đâu.

“Vậy thì làm thế nào một con người thông minh đủ để làm cái điều cho là không thể được lại quên cái luật đầu tiên của chính trị rằng thì là khi đối thủ của ta đang có hành động để tự hủy diệt, điều khôn ngoan nhất để làm là hãy tránh xa con đường của hắn.”

Ông Pruden nói rằng Donald Trump là loại người khác. Ông không quan tâm tới cái luật thứ nhất ấy mà vẫn ở trên đỉnh cái cột thoa dầu mỡ. Và bây giờ, trước cuộc bầu cử năm 2020, đảng Dân Chủ đang có hành động tự hủy diệt thì ông tổng thống lại phóng ra một cái tweet chỉ trích “bốn cô nài ngựa ồn ào”, thay vì tránh ra một bên. Và ông Pruden đã kết luận như sau:

“Ông Trump đã bỏ lỡ cơ hội để cho những người đàn bà ngu đần này tự treo cổ với sự vô ơn của họ.  Nhưng mà sẽ còn những cơ hội nữa từ nay cho tới tháng 11.2020 để ông tổng thống tha hồ mà tweet. Đêm dài khủng khiếp của Nancy Pelosi còn lâu mới chấm dứt.”

Ông Wesley Pruden không thể ngờ đây là bài phiếm luận chính trị cuối cùng của ông. Tờ Washington Times ra ngày 18 tháng 7 loan tin 4 cột trên trang nhất: “Wesley Pruden từ trần lúc 83 tuổi sau một đời gắn bó với nghề làm báo đáng ghi nhớ”.

 
Nếu Wesley Pruden còn sống và còn ngồi trước computer gõ bài, ông sẽ còn nhiều chuyện để viết về “bốn cô nài ngựa ồn ào”, vì Nghị sĩ xã nghĩa Bernard Senders vừa lên tiếng cảnh cáo phe Dân Chủ rằng Tổng thống Trump có lẽ điên khùng, nhưng ông ta không ngu đần trong khi đang hoàn thành cái thông điệp và sẽ gắn dính với một chiến lược có thể nâng cao khả năng tái đắc cử vào năm tới.

Cụ Sanders, được xếp hạng hai trong hơn hai tá ứng cử viên Dân Chủ đang “đâm chém” nhau để được đảng đưa ra đương đầu với ông Trump vào năm tới, nói rằng giả thuyết ấy đã giải thích  do tại sao ông Trump theo sát nhất cử nhất động của “bốn cô nài ngựa ồn ào” đang tạo thành một bộ mặt cấp tiến thiên tả của đảng Dân Chủ có thể làm hại khả năng thuyết phục của đảng tại những đơn vị bầu cử đang ở trong tình trạng “đu đưa”.

Giả thuyết trên đây không phải là vô căn cứ. Cụ Sanders, tuy…cao niên (77 tuổi), nhưng còn khá sáng suốt. Trong một cái tweet mới đây, ông Trump viết: “Những người Dân Chủ đang cố tự tránh xa bốn cô cấp tiến, nhưng họ bắt buộc phải hậu thuẫn các cô. Điều ấy có nghĩa là họ theo chủ nghĩa xã hội, thù ghét Do Thái và thù ghét Hoa Kỳ! Not good cho những người phe Dân Chủ!”

Đó là toàn thể chiến lược tranh cử của ông Trump. Ông muốn lôi “bốn cô nài ngựa” cấp tiến ra trước công luận, làm họ thành chủ đề và buộc những người Dân Chủ phải bênh vực họ. Mà làm như vậy, toàn thể đảng Dân Chủ bây giờ hiện nguyên hình là những người theo chủ thuyết xã hội hay thù ghét Do Thái – một sự phỉ báng nước Mỹ và những nguyên tắc nền tảng của Hoa Kỳ.

Một chỉ dấu khác cho thấy ông Trump không lùi bước trước cái quyết nghị của Hạ viện ngày 16 tháng 7 là ngay ngày hôm sau, ông đã xuất hiện trước đám đông hàng mấy ngàn người ủng hộ ông tại Greenville, North Carolina, dõng dạc tuyên bố ông đang thắng cuộc tranh chấp chống lại bốn dân biểu cấp tiến cực tả trong khi chỉ lên mũi tên cho thấy kết quả “poll” mới nhất hướng lên cao, làm sôi động đám người đã chờ đợi ông mấy tiếng đồng hồ dưới trời nắng mùa hè. Họ đồng loạt hô to “send her back” khi ông tấn công Dân biểu Omar, dân Mỹ gốc Somalia, và nói rằng cô ta không trung thành với đất nước này.

Ông Trump cũng vui mừng loan tin Hạ Viện vừa bỏ phiếu với đa số áp đảo giết chết dự luật “nực cười và ngu xuẩn nhất” nhằm “đàn hặc” (impeach) ông. Ông kể ra vài thành quả sau hai năm đầu nhiệm kỳ của ông như kinh tế vững mạnh, tái tạo lực lượng quân sự, cắt giảm thuế và bỏ bớt luật lệ rườm rà, ông tổng thống nói: “Và họ đang thử cố đàn hặc. Thật là một sự đáng kinh tởm.”

Ông Trump kêu gọi sự lưu ý của mọi người tới kết qủa của một “poll” mới do Rasmussen thực hiện cho thấy tỉ lệ chấp thuận công việc của ông đang tăng lên 4 phần trăm tới 50 phần trăm kể từ hôm thứ sáu mà ông nói rằng đó là do trận chiến nóng bỏng công khai với “the squad”.

Sau khi bốn cô dân biểu cấp tiến mở một cuộc họp báo để tuyên bố lung tung, một viên chức giấu tên tại Tòa Bạch Ốc nói với tờ The Daily Mail rằng“Họ đã được cảnh cáo về cái bẫy trước mặt, nhưng họ đã hắm hở bước vào... Bây giờ họ là đảng của AOC, và tương lai sẽ không tốt đẹp.”

Hạ Viện đã hối hả họp sau hai ngày và bỏ phiếu để thông qua bản quyết nghị lên án “những lời lẽ kỳ thị chủng tộc” của TT Trump, và bà chủ tịch Hạ Viện Pelosi đã gọi bốn nữ dân biểu cấp tiến là “những chị em của chúng ta” (our sisters): “Sự thực là khi chúng ta bị xúc phạm – và chúng ta đã bị xúc phạm bởi những lời ông ấy nói về những chị em của chúng ta – ông ta đã nói như vậy mỗi ngày, và họ đã cảm thấy bị tổn thương mỗi ngày như chúng ta đã cảm thấy khi những người trong gia đình chúng ta bị sự xúc phạm này chống lại họ.”Cao cả làm sao! Nhất là trước đây không lâu chính bà Pelosi cũng đã bị “mấy người chị em của chúng ta” buộc tội những lời lẽ của bà “có tính cách kỳ thị chủng tộc”!

Nghị sĩ Cộng Cộng Hòa Lindsey Graham, người từng khuyên ông Trump hãy “hạ hỏa và nên nhắm cái đích cao hơn”, cũng đã nói với Fox News rằng nếu ông Trump làm cho bốn nữ dân biểu cấp tiến này thành “bộ mặt của đảng Dân Chủ” thì ông ấy có thể “hủy diệt đảng Dân Chủ”.

Đảng Dân Chủ đã bị mắc bẫy hay chưa? Từ nay đến ngày dân Mỹ tới phòng phiếu để có câu trả lời còn hơn một năm nữa. Trong thời gian ấy chính trường nước Mỹ sẽ còn nhiều màn cụp lạc, và mọi người không nên quên rằng không phải chỉ có chức tổng thống bầu lại mà một phần Thượng viện và toàn thể Hạ viện cũng sẽ bầu lại năm tới, trong đó có “bốn cô nài ngựa ồn ào”.

Riêng cô “nài trưởng” AOC ở New York, đã có đối thủ: Scherie Murry, nữ thương gia, một đảng viên Cộng Hòa, gốc Jamaica sang Mỹ từ nhỏ. Sau khi tuyên bố sẽ ra tranh chiếc ghế của AOC, Scherie tweet: “Chúng ta cần bắc những nhịp cầu, không phải là đốt cháy những cây cầu đang có.”

Thật đáng tiếc về sự ra đi vội vã của Wesley Pruden.  cây bút chính trực trong làng báo Mỹ. 

Ký Thiệt

Cúng Bái và Cầu Xin

VuongVu

Mỗi dân tộc, mỗi tôn giáo có cách thờ cúng khác nhau. Nếu bạn ở một bộ lạc nào đó không liên lạc với loài người thì hoặc bạn phải thờ cúng nhiều thần thánh khác nhau. Ngay cả các thành viên trong loại băng đảng vô thần thì phải sùng bái chính ông trùm hay lãnh tụ của họ. Tôi là người Mỹ gốc Việt nên tôi cúng ông bà. 

Ngày xưa, chúng tôi cúng ông Táo, cúng Phật và ông bà đêm 30, cúng tiễn đưa ông bà mùng ba Tết, vợ tôi nấu bánh chưng, thịt heo kho, đồ xào, canh, v...v..., nhưng năm nay, già yếu rồi, chúng tôi chỉ cúng chay. Cốt sao thắp được vài nén nhang mời ông bà, cha mẹ, bà chị, thằng em về chung vui là được.

Như đã nói ở trên, chúng tôi là dân thường, mà cũng chẳng phải là ngọn đuốc soi đường cho bất cứ ai về bất cứ vấn đề gì, nên hễ cúng, hễ bái là chúng tôi cầu xin. 

Dù không lắng nghe xem bà vợ cầu xin gì, nhưng tôi chắc lời cầu xin của hai vợ chồng sẽ rất khác biệt, thí dụ như tôi chỉ cầu có đủ ăn, đủ mặc, nhưng chắc vợ tôi sẽ xin thêm chút đỉnh để đi shopping, thêm chút nữa để mua được cái nhà mới hơn, không bị hư nhiều như cái nhà xây hồi thế chiến thứ hai này. Đàn bà mà, giống như vợ tôi thường nói, “...đằng nào cũng mang tiếng xin, tại sao không xin cho nó đáng...” Đaị khái là nếu anh mở miệng nói “...cầu xin ông bà, trời phật phù hộ cho con trúng số 1 triệu...” thì mình giữ nguyên tất cả chỉ đổi số 1 thành 10 thôi, có gì khó đâu. 

Chuyện các cụ hay trời phật linh hiển tôi qủa thật không biết ra sao. Lấy thí dụ, tuần nào tôi cũng mua sổ xố 2 lần, trật nhiều hơn trúng. Theo khoa học thì chẳng có gì sai, nhưng bạn sẽ nói sao khi có người vừa mới cúng kiếng hay mơ thấy người này người nọ thì trúng số? Thật ra, cũng không hẳn như thế, vì có thể không phải ông bà cha mẹ mà chúng ta cầu xin muốn cho là cho và cho bao nhiêu cũng được. Để tôi kể cho bạn nghe một chuyện.

Một hôm tôi nằm mơ thấy gặp tất cả ông bà cha mẹ chị em đã khuất, tôi hỏi họ một câu, 

“Lâu nay ông bà và bố mẹ có mạnh khoẻ, an vui không?” 

Ông tôi cười trả lời, 

“Cũng được cháu ạ, mọi chuyện vẫn như thường.” 

Bố tôi thì nói, 

“Nhờ trời mọi người ở đây không đau ốm nên đi làm thêm chút đỉnh cũng không thấy mệt nhọc.” 

Tôi hơi ngớ người tỏ vẻ không hiểu, thì bà tôi giải thích, 

“Ồ cũng chẳng có gì, ông bà và bố mẹ cháu tình nguyện đi làm thêm giúp đỡ người ta một chút thôi.” 

Tôi vẩn chưa hiểu hỏi lại, 

“Cháu vẫn chưa hiểu hết, những người trên đây đã mất không lẽ còn thiếu thốn mà phải giúp đỡ?” 

Mẹ tôi nói, 

“Không con à, ông bà bố mẹ đi giúp cho những người còn trên dương thế.” 

Nghe thế tôi hơi tị nạnh lên giọng hờn trách, 

“Trời ơi, tụi con trên đó cũng đâu có dư giả gì, mà mỗi lần cúng kiến đều cầu xin ông bà bố mẹ, chị, và em giúp đỡ mà chẳng thấy cái gì, trong khi đó ông bà bố mẹ và chị em mình thì rảnh rỗi lo cho người dưng.” 

Thằng em tôi nãy giờ vác bộ mặt chù ụ mà tôi chẳng biết vì sao, dấm dẳng nói, 

“Sao ông bà bố mẹ không nói thẳng cho ảnh nghe, ảnh lớn rồi thì cũng phải hiểu chớ. Nếu ông bà bố mẹ còn cưng chiều ảnh không muốn nói thì để con nói.” 

Tôi còn đang ngớ người không hiểu chuyện gì đã xảy ra, thì nó đã xoay sang tôi, cao giọng, 

“Anh có nhớ ngày xưa anh súyt bị xe lửa tông chết không, ở cái đường rày gần chợ Vườn Chuối đó?” 

Tôi hơi đỏ mặt gật đầu. 

Đó là chuyện xảy ra từ tôi mới 16, 17 tuổi. Vào một buổi chiều, tôi đang chơi dỡn trên đoạn đường rầy xe lửa đi qua khu xóm, hai bên là nhà, có nhiều người lớn con nít đang chơi trước sân. Tôi đang biểu diễn tài đi trên tà vẹt thì nghe tiếng còi tầu. Biết mình đang được theo dõi, tôi liền bước khỏi đường ray, nhưng cố ý chỉ cách chừng một mét, nghĩa là vừa đủ an toàn cho tôi nhưng cũng làm cho những người chung quanh thấy tôi gan dạ cỡ nào. Bên tai tôi lúc ấy, tiếng còi tàu hú liên tục, cùng với tiếng la ó của mọi người át cả tiếng rầm rập của đoàn tầu hỏa. Thầm hãnh diện vì sự cam đảm của mình làm mọi người chú ý, tôi gỉa bộ không biết cứ cúi mặt lầm lũi bước đi. Ngay lúc ấy, thình lình có tiếng hét bên tai và tiếng gió sát sạt đẩy mình dạt sang một bên. Nhìn lên, thấy con tàu ào qua sát bên mình. Nếu không kịp thời dạt ra ngoài trong vài giây cuối thì chắc tôi đã lãnh trọn cú đá của anh chàng ngồi trên bậc thang của cái đầu tầu hỏa.

Chuyện kể lại dài dòng, nhưng khi chú em hỏi và tôi gật đầu công nhận thì chỉ là chớp mắt. Chú em tôi đưa tay chỉ rồi hỏi, 

“Anh có thấy cái tòa nhà đó không?” 

Trước khi chú ta chỉ thì đó là khoảng không, nhưng nhìn theo ngón tay, tôi thấy một tòa building rất lớn có nhiều cột bự đã hiện lên phía trước. Ngay trên nóc nhà có hàng chữ thếp vàng lóng lánh chói mắt, “NGÂN HÀNG PHƯỚC ĐỨC”. 

“À, cái chú này ỷ mình chết trước nên định lòe thằng anh chứ gì. Cứ đợi đó, mai mốt anh cũng chết xuống đây xem ai hơn ai; dù có là ma mới tao cũng là anh mày!” Tôi nghĩ thầm.

Có vẻ chú em đoán được tôi nghĩ gì, chú ta dịu giọng giải thích,

“Ở đây những người thường chỉ thấy được những cái mà người khuất mặt muốn họ nhìn thấy. Chẳng phải em tài giỏi gì, mai mốt anh lên rồi anh muốn làm gì anh làm... Thôi khoan nói những chuyện đó, anh thử nhìn rồi đoán xem cái ngân hàng kia dính líu gì tới anh?”

Nhìn cái bảng hiệu, tôi cũng đoán được đại khái đây là cái ngân hàng mà ông bà tổ tiên tôi hay mọi người bỏ phước đức mình vào đây, nhưng cách nó vận hành ra sao thì tôi chịu. Chú em nhìn thấy câu hỏi trong mắt tôi nên nóng nảy gỉai thích luôn, 

“Nhìn cái tên ai cũng biết ngân hàng đó chứa cái gì, mình có bao nhiêu phước thì bỏ vào đó, nhưng khi nào thì lấy ra và có điều kiện gì không thì chỉ có khi nào anh ở trên này anh mới biết. Để em giải thích cho anh nghe....” 

Nó liếc mắt nhìn ông bà, bố mẹ tôi nhưng làm ngơ không thấy những cái lắc đầu nhè nhẹ như mây khói, nói tiếp, 

“Cái buổi anh suýt bị xe lửa cán chết đó, là nhờ ông đã lấy hết số phước đức của các cụ để lại cho gia đình mình để đẩy anh ra xa vài bước khỏi cái đường rầy đó...” 

Nó nhìn vào ánh mắt nghi hoặc của tôi rồi nói chắc như đinh đóng cột, 

“...đúng vậy, anh tưởng là anh đã nghĩ phải bước ra vài bước cho an toàn, nhưng những ý nghĩ đó đã được ông dùng tiền phước đức mua những hạt nhân tốt gieo vào đầu anh, rất may cái căn bản anh chưa mất hết, nên anh tiếp nhận được những hạt nhân đó thoát chết để tiếp tục phá hết những đồng phước đức tiết kiệm mà ông bà, bố mẹ đã gởi vào đây để giúp những con cháu khác.”

Nó làm tôi hết sức lúng túng và mắc cỡ, cũng may chỉ có tôi và những người khuất mặt nếu không tôi không biết sẽ để mặt mũi mình vào đâu. Để chữa thẹn tôi nói liều, 

“Nếu đúng như vậy thì phước đức ông bà cha mẹ cũng là để cho con cái chứ để làm gì?” 

Nó lắc đầu như chịu thua thái độ ngang bướng của tôi nhưng rồi như thương hại cố gắng gỉai thích thêm lần nữa, 

“Đương nhiên là phước đức là để dành cho con cháu và đứa nào có phúc phận thì đứa đó được hưởng nhiều hơn, và cái Ngân Hàng Phước Đức đó có luật cấm mang tiền phúc đức xài cho chính mình, chỉ được xài cho con cháu nào có điều kiện.” 

Tôi bắt được câu này của nó liền nói, 

“Đấy, chính chú nói là tiền phúc đức chỉ được xài cho con cháu và những đứa có điều kiện, có thể anh có nhiều điều kiện hơn các anh chị em khác nên ông bà bố mẹ giúp anh đấy thôi.” 

Thằng em laị lắc đầu chán nản, 

“Không hẳn thế đâu, nó có nhiều khuất khúc lắm, trên này dù tốt đẹp hơn dưới đó nhưng vẫn có vài điều....” 

nó kín đáo liếc quanh rồi tiếp, 

“Ngân Hàng còn nhiều điều lệ phức tạp lắm, không thể một lúc mà nói hết được, nhưng cái chính em muốn nói là dù luật lệ khắt khe thế nào đi nữa cũng không qua được lòng thương con thương cháu của ông bà cha mẹ. Có nhiều trường hợp họ biết đấy nhưng làm ngơ chỉ khi nào qúa lắm hay có ai thưa kiện thì mới can thiệp. Tóm lại ông bà bố mẹ đã nuông chiều anh qúa mức xài hết tiền phước đức trong ngân hàng để giúp đỡ anh. Thế anh có nhớ lúc chạy từ Hội An về Sài Gòn mà trong túi không có lấy một xu không...” 

Tôi lặng lẽ gật đầu, nó tiếp tục, 

“...Trong lúc bao nhiêu người chức tước lớn hơn anh, tiền bạc thiêu anh cũng không hết, hay dũng mãnh nhanh nhẹn hơn anh...v...v... mà vẫn phải bỏ mạng không thoát khỏi Hội An, Đà Nẵng chứ đừng nói vào tận Sài Gòn an toàn không rụng một sợi lông như anh...” 

Trí nhớ tôi quay nhanh lại những hình ảnh chết chóc và dù có phách lối ngu ngốc cách mấy cũng thầm hiểu mình đã qúa may mắn trong kỳ chạy trốn cộng sản năm 75 đó, lúc đó tôi không hiểu rõ tại sao, nhưng bây giờ mọi chuyện đang dần rõ ràng. Thằng em tiếp, 

“...Anh có biết taị sao anh không có đồn xu dính túi mà không những anh chạy về đến Sài Gòn an toàn mà còn được 2 người lính theo sát, hầu hạ anh từ Đà Nẵng vào tận Sài Gòn không?” 

Nó gằn giọng trong khi nói câu này chứng tỏ nó rất bực mình. Qủa thực tôi thắc mắc nhiều hơn là bực mình vì thái độ của nó. Nếu đúng như nó đã giải thích về cách dùng tiền phước đức, và dù ông bà tôi lúc đó có nhiều tiền thì chỉ dùng tiền đó mà cứu tôi được rồi tại sao lại cho tôi thêm nhiều tiện nghi trong khi những người khác với nhiều điều kiện hơn chỉ mong chạy trốn khỏi miền Trung về Sài Gòn mà không được. Những hình ảnh xa xưa đó bỗng nhiên hiện về như tôi đang coi phim HD.

Buổi sáng hôm đó tôi thấy một trung tá lái chiếc xe jeep chở gia đình ra bờ biển Tiên Sa để chỉ ngồi đó nhìn vô vọng vào hai chiếc tàu HQ đậu mãi ngoài xa chờ mong người tỵ nạn kiếm được cách leo lên. Người ta nói hai chiếc tàu HQ đó phải đậu xa bờ vì VC đã pháo kích trúng hay gần trúng 1 trong 2 chiếc sáng nay. Ngày hôm đó tôi bị đánh thức 2 lần, một lần vào nửa đêm, thằng Th. đánh thức tôi dậy để ra xem lính sư đoàn 3 đang di tản hỗn loạn. Cả một đoàn xe GMC và xe Jeep chẳng biết bao nhiêu chiếc, chở bao nhiêu lính, nhưng nghe từ những lời bàn tán hoang mang từ họ thì tôi được biết từ tướng đến lính bỏ chạy tới đây, bãi biển Tiên Sa, chờ tàu HQ chở về tái bố trí, nhưng tàu chưa tới nên họ ồn ào bàn tán. Ba má thằng Th. mua cái nhà này ngay trên con đường cát nối đường chính với bờ biển. Không biểt thằng Th. đánh hơi được điều gì hay không hay vì những bí mật ngoài sự hiểu biết của tôi mà nó rủ tôi tối đó chạy 1 vòng quanh Đà Nẵng xem thành phố trước viễn cảnh bị VC chiếm. 

Nó chở tôi trên chiếc xe máy của nó, chúng tôi chạy trên những đường phố vắng lặng với những ngôi nhà, hàng quán đóng cửa tắt đèn im ỉm dù mới khoảng 1, 2 tiếng sau bữa tối. Sau đó chúng tôi theo sau một chiếc xe bọc sắt (hình như là xe M113) của chính phủ với một người lính ngồi trên nắp mở gọi loa kêu gọi mọi người dân đừng ra ngoài, và những người lính trở về đơn vị trình diện. Có thể vì thành phố vắng lạnh thanh bình, hay vì cái quan trọng là kêu gọi những người lính đào ngũ trở về đơn vị, hay họ nhận ra chúng tôi là lính nên họ không quan tâm và để chúng tôi theo sau một quãng đường dài. Khoảng 10 phút sau, chúng tôi thấy một đám lính áo hoa chừng 5, 7 người ngồi ăn nhậu cùng mấy cô gái quanh một cái bàn ở đầu một cái hẻm nhỏ ở phía trái chúng tôi. Họ ăn nói to lớn cười đùa bên cạnh những ngôi nhà im ắng không đèn lửa. Chiếc xe thiết giáp ngưng lại cách họ chừng vài chục thước. Trước khi người lính ngồi trên gọi loa kêu gọi họ, anh ta nhắc chừng chúng tôi, “tuị nó có súng đó, mấy anh coi chừng.” Lúc đó chúng tôi tò mò đậu sau, nhưng hoàn toàn lộ diện trước toán lính đào ngũ đó. 

Đáp lời kêu goị của anh lính thiết giáp là loạt đạn nhắm về phía anh ta. Người lính mau chóng chui xuống, và từ chiếc xe một loạt đạn lớn hơn bắn lại. Bọn lính vừa chạy vào ngõ hẻm vừa bắn ngược trở lại. Chiếc xe không bắn lại nhưng cũng không đuổi theo, và người lính cầm loa lại trèo lên tiếp tục công việc. Thằng Th. chở tôi quay ngược lại, nhưng thay vì về trung tâm hành chánh quân y nơi chúng tôi đang ở, nó rủ tôi xuống ngủ ở nhà nó ngoài Tiên Sa. 

Lúc này ở trung tâm hành chánh Quân Y Đà Nẵng có đông lính quân y chạy từ Quảng Trị, Hội An và những nơi khác nên cũng rất lộn xộn, ồn ào và không ai để ý đến chúng tôi, và tôi cũng tò mò với căn nhà mà thằng Th. nói chỉ dành riêng cho nó. 

Chúng tôi tới đó khá trễ, căn nhà cũng khá rộng cho một mình nó. Tôi không nhớ là nhà nó có đèn điện hay không, nhưng tôi ham ngủ nên chỉ mau chóng phụ nó mắc mùng trên cái giường traỉ chiếu cỡ queen size bên Mỹ rồi nhanh chóng đánh một giấc. 

Khoảng chừng 2, 3 giờ sáng thằng Th. đánh thức tôi dậy như đã nói ở trên. Tôi chiều ý nó mà đi ra vì nó nhất định không cho tôi ngủ tiếp. 

Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, tôi lại bị đánh thức, tiếng cha trung úy Đ. chưỉ thề than phiền là tôi đang ngủ trên những biến động đất nước, làm như nếu tôi không ngủ thì tôi có thể ngăn cản nó không xảy ra. Cả đám chừng 4 người lùa tôi rửa mặt thật nhanh rồi đẩy tôi ra cửa. Tôi tỉnh ngủ rất nhanh khi thấy không biết bao nhiêu là người xuôi ngược ồn ào trong con hẻm lớn trước cổng nhà thằng Th., cái hẻm mà tối qua chúng tôi tới vắng lặng như bãi tha ma. 

Đủ cả mọi loại người, mọi loại lính tráng, mọi loại súng ống, đi qua đi lại như không biết mình làm gì. Không một ai có được bộ mặt an bình, người lớn thì đăm chiêu lo lắng, con nít thì sợ hãi, có đứa khóc lóc. Trung úy Đ. dắt tôi và Th. lên chiếc xe Jeep đậu trước cổng, trên xe có sẵn 3 người. Chỉ có 2 người ngồi phía sau là tôi không biết, dù không nhìn kỹ tôi thấy dáng vẻ họ hơi lạ, lúc leo lên xe mới biết họ bị trói ngoặt tay phía sau. Xe chạy ra phía bờ biển cách nhà thằng Th. chừng vài trăm thước, trung úy Đ. giải thích 2 người bị trói là đề lô VC. Khi trung úy Đ. cùng mấy người bạn lái ra thì thấy họ đang đứng trước cổng trung tâm quân y dùng bộ đàm để điều khiển VC pháo kích, thấy thế mọi người mới bắt họ trói lại, nhưng vì không thể tìm được quân cảnh hay cảnh sát để bàn giao, họ chở luôn 2 tên VC này tới đây. 

Dù chỉ cách vài trăm thước nhưng cũng phải mất một lúc chúng tôi mới lái tới bờ biển được, và bờ biển cũng đầy người như trong cái hẻm, ở đây cũng đầy những khuôn mặt lo âu và tuyệt vọng, đi qua lại. Chúng tôi dò hỏi rồi nhìn theo hướng chỉ thấy 2 chiếc HQ đậu cách chừng 1km ngoài biển. Trên đường đi tôi thấy 1 xe Jeep khác với tài xế gục đầu trên vô lăng, ông ta đeo lon trung tá, hình như có gia đình trên xe, nhưng tôi không để ý, chiếc xe đậu song song với bờ biển với nước thủy triều đang lên ngập phân nửa vỏ xe. Tôi ngoái đầu nhìn lại thấy ông ta vẫn gục đầu trên tay lái không biết thủy triều đang lên, không biết chuyến xe ấy ra sao. Còn tôi thì lên tầu rồi thóat đi an toàn.

Hồi tưởng tới đây tôi cắt phim đột ngột để quay lại hỏi thêm chú em vì có cảm giác hơi lạ. Đúng như tôi dự đoán, không còn ai bên cạnh tôi nữa, tôi tỉnh giấc trên chiếc giường quen thuộc. Kế bên là bà vợ đang ngủ ngáy ngon lành. Hình như hai hàng lông mày vẫn cau tít lại; Có thể bà cũng đang gặp nhiều khó khăn mà không biết là do lỡ lấy nhằm ông chồng xài phước đức không tiết kiệm.

Từ đó tới nay tôi không mơ thấy ai nữa để hỏi cho kỹ càng, nhưng mỗi lúc tôi mỗi tin thêm. Tôi dự định gom một chút phước đức rồi đợi ông bà bố mẹ chị và thằng em khó chịu bỏ thêm vào cái ngân hàng đó rồi mới cầu xin tiếp; hy vọng lúc đó cái qũy tiết kiệm của ông bà được khá hơn. 

Còn bây giờ trong lúc chờ đợi, vợ chồng tôi vẫn cúng tiếp. Ở VN hay ở Mỹ, lúc nào ông bà bố mẹ anh chị em lại không muốn quây quần bên nhau, nhất là vào những dịp kỵ giỗ hay lễ tết.

VuongVu
Một Cơn Ác Mộng

Nguyễn Tài Ngọc

Khoảng bốn tháng nay, trên đầu tôi có một cái mụt ngày càng to dần. Nó to rất chậm, bây giờ chỉ bằng vào khoảng bốn hạt cơm đã nở. 

Tôi không thấy có sự gì khác biệt trong cơ thể, không cảm thấy có sức nặng nghìn cân của năm hũ nước mắm Phan Thiết đội trên đầu, không cảm thấy có cây đa mọc rễ khắp nơi, không đau nhức cần uống thuốc "Búa bổ đầu người", không dấu hiệu khác lạ đổi giống, thành thử tôi bình chân như vại không để ý đến nó. Tuần tới này tôi có hẹn khám nghiệm sức khỏe tổng quát hàng năm nên tôi định bụng lúc bấy giờ hỏi bác sĩ cũng không muộn.

Ngoài mặt nói là không lo nhưng bên trong đầu óc chắc suy nghĩ lo ngại giấu không đánh tín hiệu cho tôi biết nên đêm hôm kia tôi nằm mơ một cơn ác mộng. Nói về độ khốc liệt của những giấc mơ thì chưa bao giờ tôi mơ một giấc mơ kinh khủng như thế này. Khi tỉnh giấc tôi đờ đẫn cả người như Điệp bị sững sờ khi Lan gióng tiếng chuông chùa quyết định đoạn tuyệt một cuộc tình.

Trong cơn mơ, cái mụt của tôi to đến lúc phải vào nhà thương mổ. Bác sĩ giải phẫu cho tôi có lẽ tốt nghiệp ở nhà thương Hà Lội nên cắt chỏm đầu tôi lìa hẳn ra khỏi đầu như chặt dừa rồi may nó lại một vòng. Trong mơ, tôi chắc là Siêu nhân Superman nên không bị đau đớn gì cả. Tôi còn nghĩ thầm là quái lạ, đầu bị cắt lìa cái chỏm ghê rợn như thế mà tại sao tôi lại không bị đau một tí nào như lúc mổ vai?

Vợ tôi nghỉ làm mấy ngày, ở nhà thương thường trực chăm sóc cho tôi (tôi minh xác rõ ràng trong cơn mơ là vợ tôi chứ không phải em nhí nào khác). Có lẽ là tôi nằm trong tình trạng hôn mê nên trong cơn mơ, tôi chỉ nghe vợ tôi nói mà tôi không cách nào nói chuyện với nàng.

Một hôm vợ tôi khóc lóc, nói tuy rằng quá nguy hiểm cho tôi nhưng nàng mừng vì cuộc giải phẫu diễn ra tốt đẹp. Theo lời bác sĩ, nếu chỏm đầu bị cắt của tôi không sưng thì tôi sẽ bình phục, vài tuần nữa được về nhà dưỡng bệnh cho khỏi hẳn.

Bỗng nhiên trong khi nói chuyện, gương mặt vợ tôi hoảng hốt, thét to: "Anh Ngọc! Anh Ngọc!" Tôi không biết chuyện gì xẩy ra thì nàng kinh hãi khủng khiếp, thét tiếp: "Đầu anh càng ngày càng phồng to lên không ngừng! Thế nào nó cũng nổ!" 

Hóa ra vợ tôi đang chứng kiến một sự kinh dị, và tuy không có gương trước mặt để nhìn, tôi thấy rõ chỏm đầu của tôi như bong bóng đang được bơm, mỗi lúc mỗi phồng lên to. Chỉ vài phút sau là tôi nghe vợ tôi khóc lóc thảm thiết, ôm chầm lấy tôi, rên rỉ: "Sao anh lại bỏ em?"

Tôi đang nằm thì bỗng dưng bay cao lên như bong bóng. Trong khi nói trấn an, tôi cố với tay níu lấy vợ tôi nhưng không tài nào nắm được nàng, và tôi có cảm tưởng là nàng không nghe được những gì tôi nói. Càng ngày tôi càng bay lên cao hơn và bóng dáng vợ tôi càng nhỏ dần.

Tôi nhận thức ngay là tôi vừa mới chết, xa lìa vợ tôi vĩnh viễn.

Ngày xưa khi còn bé tôi rất sợ chết vì một câu chuyện bố tôi kể. Ông dặn tôi là sống đời hiền hòa, không ác đức, không ăn gian nói dối. Ông nói là sau khi chết, mọi người đều phải đi bộ trên một cầu vòng rất to, bên dưới là nước sông với ác quỷ và cá sấu. Cầu chẳng những không thẳng, mà vòng to như cầu vồng sau cơn mưa. Trên cầu rất trơn trợt vì được trải bằng xà-phòng. Mọi người phải xếp hàng đi qua bên kia cầu. Ai trên trần gian sống ác đức gian dối thì sẽ bị ngã xuống sông rồi ác quỷ và cá sấu ăn thịt, chỉ có người hiền lành mới sang được phía bên kia.

Bắc Kỳ nói phét thì nhất định là số Một. Đến mãi năm, sáu năm sau tôi vẫn tin lời của Bố tôi là thật, không dám ăn gian nói dối vì sợ khi chết sẽ bị ngã xuống cầu ác quỷ ăn thịt. Chết với tôi khi còn trẻ là một viễn tượng kinh hoàng vì tôi không biết đi trên cầu có bị ngã xuống cầu vòng hay không.

Nhưng khi đã già dặn, khoảng chừng mười năm trở lại đây, sau khi đọc hết tất cả sách vở của ông Đạo Dừa viết về nguyên thủy của vũ trụ, của con người, tôi không còn sợ chết nữa. 

Tôi nhận thức cuộc đời không có Giáo chủ Muhammad, không có Đức Chúa Trời, không có Phật Thích Ca, không Chiêm Tinh Gia Huyền bí Huỳnh Liên, không thế giới bên kia. Loài người chỉ là hạt cát so với vũ trụ, khi mất đi sẽ bị đào thải như xe hơi nhà lầu, như muông thú, như cua cá, như bánh chưng bánh dầy, như bánh mì xíu mại. Sẽ không có cầu vòng trải xà-phòng, không có địa ngục lửa cháy đời đời, không có tòa án nhân dân kết án giam vào địa ngục mấy tên gian ác lừa đảo, cường hào ác bá, cướp bóc giết người trên trần gian. Cuộc sống trên trái đất chỉ là thời gian con người được thụ hưởng tạm thời, và khi chết đi, mọi người sẽ trở thành tro bụi. Sẽ không có một cơ hội thứ hai với đời sống mới.

Tuy nói không sợ chết thật là "xôm tụ", nhưng trong giấc mơ khi càng ngày càng bay xa vợ, tôi hoảng hốt bật khóc. Tôi khóc vì biết giờ chấm dứt trên dương thế của tôi đã đến. Tôi khóc vì biết sẽ không bao giờ gặp lại vợ con, anh chị em, bạn bè, người thân quen thuộc. Tôi khóc vì biết sẽ không còn được chơi với bốn cháu ngoại, đặc biệt là hai cô sáng sớm weekend vào phòng vòi ông bà bật TV cho xem. Tôi khóc vì không còn thú tiêu khiển hàng ngày lau hồ bơi, cắt cỏ; và nhất là tôi khóc vì mới mua tám món đồ ở Costco mới toanh chưa dịp dùng đến.

Nỗi bực dọc nhất trong khi tôi bay càng ngày càng xa là cho dù nàng có gào thét, cho dù tôi cố gắng nói vĩnh biệt, chúng tôi không thể nào liên lạc được với nhau. Bao nhiêu năm vợ chồng liên hệ bỗng nhiên bị cắt nửa chừng như cúp điện, như đèn đứt bóng. Đèn tắt bất thình lình vĩnh viễn không khôi phục, không một ánh sáng, để lại một không gian tối mực như tờ.

Sự hoảng hốt vì chết thình lình xa vợ thân yêu không lời trăn trối thật sự rất ngắn vì tôi chợt bừng tỉnh. Trông lên trần nhà tối om nhưng có ánh đèn đỏ chỉ giờ 5:18 sáng, tôi nhận thức ngay là tôi vẫn còn sống. Không bút mực nào tả nỗi vui mừng khôn siết của tôi khi biết mình vừa trải qua một cơn ác mộng,

Vợ tôi nằm bên cạnh, trở mình hỏi: “Sao anh dậy sớm thế?”. Tôi thở dài nhẹ nhõm. Chúng tôi vẫn còn nói chuyện được với nhau, không như trong cơn ác mộng, không cách nào người chết nói chuyện với người sống. Ấy thế mà tôi biết là rất nhiều người tin là khi người thân ra đi, họ để lại những dấu hiệu liên lạc với người sống. Điều này đúng hay sai?

Trong sự tìm hiểu về Liên Lạc sau khi Chết (After Death Communications, ADC) vào năm 2011, Bác sĩ Streit-Horn khám phá là mọi người từ tất cả các chủng tộc, tôn giáo khác nhau, giầu hay nghèo, học thức nhiều hay ít, ai cũng cảm thấy sự hiện diện của người thân sau khi chết. Vợ/chồng nghĩ người chết liên lạc với mình nhiều hơn là người thường, và phụ nữ tin như thế nhiều hơn là đàn ông. 

Một thống kê cho thấy là 20% người Mỹ tin là người mới chết có liên lạc với mình. Lý do người ta tin có sự hiện diện của người mới mất vì tình cảm gắn bó, liên hệ thân mật với nhau trong bao nhiêu năm trên dương thế khiến tâm não không chấp nhận mọi liên lạc bỗng dưng bị cắt đứt thẳng thừng.

Từ xa xưa nhân loại đã cố gắng tìm cách liên lạc với người chết. Ở Anh Quốc vào thế kỷ thứ 19, các phụ nữ trưởng giả đã lập ra nhưng buổi cầu cơ sau khi họp nhau ăn bánh uống trà. Cuối thế kỷ thứ 19 nước Mỹ tràn ngập những nhà siêu linh học (pyschics) lừa gạt người khác là mình có thể liên lạc với người trong gia đình họ vừa mới chết. Sự lừa gạt này chấm dứt một phần nào khi nhà ảo thuật đại tài Houdini chứng tỏ cho thiên hạ biết là những người này chỉ dùng xảo thuật để lừa thiên hạ.

Khác với Việt Nam có nhiều con ma dữ tợn ai cũng "teo" như con ma vú dài, con ma nhà họ Hứa, ở Mỹ có nhiều cá nhân, hội đoàn hăng hái tìm ma, ngay cả TV cũng có show “Ghosts hunters – Săn ma” để xem ma có hiện hữu hay không. Tìm ma rất khó vì không một ai có bằng chứng hẳn hòi mà chỉ “cảm thấy” có ma, thí dụ như nghe cửa đóng, đèn điện chớp tắt, hơi lạnh thổi buốt da… Chưa ai thực sự đối diện hay liên lạc với ma (nhà ảo thuật đại tài Houdini hứa là sau khi chết sẽ trở về liên lạc nhưng vợ ông đợi chờ trong vô vọng), và ngay cả khi họ quả quyết là thấy bóng ma lảng vảng thì khi người ta đem máy chụp hình đến để "bắt" ma thì chẳng bao giờ nó xuất hiện để máy chụp hình ghi lại. Chưa một người nào thành công chụp hình ma. 

Show TV “Ghosts hunters – Săn ma” với bao nhiêu là máy quay phim chụp hình, máy móc phát minh có thể phát hiện "năng lượng" người chết phát ra, cũng chẳng tìm được một con ma nào. Có lẽ nếu họ phát minh ra máy phát hiện mùi hôi nách thì sẽ có nhiều cơ hội tìm ma hơn.

Một người tin Chúa theo đạo Công Giáo, Tin Lành hay Do Thái Giáo nhất định không thể nào tin có ma vì trong Kinh Thánh nói rõ ràng không có ma quỷ: người chết sẽ nằm yên dưới mấy thước đất cho đến khi Chúa trở lại. Kinh Thánh sách Truyền đạo (Ecclesiates) 9:5-6 viết: "Kẻ sống biết mình sẽ chết, nhưng kẻ chết không biết gì. Kẻ chết không còn phần thưởng gì nữa, ngay cả tên họ cũng vào quên lãng. ..Sự yêu thương, ghét bực, ganh tị của họ, tất cả đều mất hết. Họ không còn là một phần tử hoạt động trong thế gian dưới ánh mặt trời" ("For the living know that they will die, but the dead know nothing; they have no further reward, and even their name is forgotten. Their love, their hate, and their jealousy have long since vanished; never again will they have a part in anything that happens under the sun").

Không có ma quái nên Kinh Thánh cũng nói rất rõ đừng nghe những người lên đồng hay thầy bói. Sách Lê-vi Ký (Leviticus) 19:31 viết: "Các ngươi chớ cầu đồng cốt hay thầy bói; đừng hỏi họ, bởi vì họ mà các ngươi sẽ bị ô uế: Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi" ("Give no regard to mediums and familiar spirits; do not seek after them, to be defiled by them: I am the LORD your God").

Khoa học đến nay không bắt được ma nên chuyện người chết hiện về chắc chắn không có thật. Ở Mỹ có vài trường hợp người trong nhà nói nhà bị ma ám nhưng khi người ta đến điều tra thì phát giác bên trong tường bị mốc (mold) hoặc hơi gas trong nhà bị xì (nhà ở Mỹ tường rỗng, bên trong là ống nước, ống gas nên khi nước bị rò nổi mốc hay gas nếu bị xì thật ít thì khó phát hiện ngay được). Người trong nhà hít thở mốc hoặc hơi gas tạo ảnh hưởng thần kinh rối loạn.

Khoa học giải thích người ta tin sự hiện diện của hồn ma là vì họ vừa thình lình qua một cơn “sốc” vì người thân mất nên trí óc trở nên tưởng tượng. Một giải thích khác nữa là khi thân nhân chết, người ta thường bị mất ngủ vì lo lắng cho người bệnh trước đó, tạo ra điều kiện "ngủ khi tỉnh". Dù rằng trạng thái này rất ngắn trong tích tắc, nhưng nó tạo ra ảo giác là liên lạc với người chết.

Có một giải thích nữa người ta nghĩ có ma vì họ bị ảo giác, ảnh hưởng của electromagnetic field (tôi chẳng biết dịch là gì, "từ trường điện"? như những nhà ở gần dây điện cao thế) hay những siêu âm rất nhỏ infrasound người không nghe nhưng thú vật nghe được.

Electromagnetic field, infrasound là những thứ con người không thấy được, nhưng cái mụt trên đầu tôi chắc chắn không phải là kết quả của trí tưởng tượng. Nhất định là tuần tới tôi phải nói cho bác sĩ biết kẻo không nếu tôi chết vì nó thì vợ tôi phải tổ chức một buổi cầu cơ triệu hồn tôi về để hỏi nàng phải làm gì với tám bộ dồ mới toanh tôi mua ở Costco nhưng chưa có cơ hội dùng đến.

April 2019

Nguyễn Tài Ngọc
http://saigonocean.com/index.php/en/
Papillon

TS. Phan Văn Song

Kính thưa quý thân hữu, Kính thưa quý bà con.

Tại sao hôm nay chia sẻ bà con chuyện của Papillon ? Cuốn tiểu thuyết tự thuật của một anh tù khổ sai, vượt ngục thành công ? …Chuyện thiệt hay giả tưởng ? ... Nhưng anh ta kể lại, có thứ có tự có lớp có lang, hấp dẫn ... một cuộc đời, đầy giang hồ, sóng gió của một tay anh chị, du côn, ma- cô, ma cạo, giết người, chuyện thiệt ? Chuyện giả tưởng ? Tự thuật ? hay chuyện của nhiều người được tác giả gom lại, kể thành chuyện mình ? ... Vì anh nói là anh vô tội, nhưng vẫn bị tòa án xử phạt khổ sai, chung thân, bị đày biệt xứ, sang xứ Guyane (thuộc địa Pháp, nay hoàn toàn là một tỉnh hành chánh hải ngoại Pháp – département français d’Outre-Mer, thủ phủ là Cayenne (nơi sản xuất ớt cay nhứt xứ … Tây – piment de Cayenne). 

Và câu chuyện của Papillon, gợi tôi nhớ thời, sau ngày mất nước, thằng tui cũng bị tù đày Cộng Sản, ở trại T20, đường Phan Đăng Lưu trước mặt Lăng Ông Bà Chiểu, Gia định, tối tối, cơm tù xong, mở rạp hát, chiếu phim cho các bạn hữu chung tình, chung tội …

Kính thưa quý bà con,

Thằng tui ở tù Cộng Sản từ ngày 10 tháng 7 năm 1976. Ngày ấy, khoảng 11 giờ sáng, giờ Sàigòn, sau hai tiếng đồng hồ thủ tục xuất cảnh và ngồi chờ, tôi đang sắp hàng đi từ phòng khách phi trường Tân Sơn Nhứt, Sài Gòn, Việt Nam, đến phi cơ đang chờ ở phi đạo để xuất ngoại, đi Paris, Pháp Quốc. Hành lý đã gởi, mọi thủ tục đã xong từ hồi 9 giờ, đây là lúc sắp hàng đi ra phi cơ ( những năm ấy còn thô sơ không có xe bus chở khách ra phi cơ, phải sắp hàng đi bộ, kẻ kéo, người xách hành lý nhẹ, đến chơn cầu thang máy bay), thì, bổng một chiếc xe jeep lùn trờ đến, với hai Công An, sắc phục áo vàng, với trát tòa, mời ông cựu Giám đốc Hảng Ladze Nước Ngọt BGI Sài gòn, thằng tui, PVS tôi, trở về Bộ kinh tế làm việc, hứa là khi xong việc, sẽ đáp chuyến bay sau - (hành lý, đã gởi rồi, Air France sẽ giữ, chờ tôi ở kho Paris, Pháp). 

Chuyến bay sau ? Là chuyến bay của Air France, 1427 ngày sau ! Ngày 6 tháng 6, 1980, cũng khoảng 11 giờ sáng, nhưng giờ Paris, tôi đến phi trường Orly, Paris, Pháp Quốc. Chuyến du hành dài 1427 ngày đêm nầy bắt đầu ngay sau khi rời phi đạo của phi trường Tân Sơn Nhứt, chiếc jeep lùn đưa tôi về khách sạn Majestic, và nhốt tôi vào một căn phòng khá sang trọng trên lầu một, với quạt máy, với cửa sổ ngó thẳng ra bờ sông Sài gòn. Và tôi bị giam ở đấy từ trưa ngày 10 tháng 7 đến tối ngày 2 tháng 8. Làm việc - nghĩa là hỏi cung - sáng chiều tối, ngày ba bửa, với nhiều cán bộ khác nhau, thường nói chuyện kỹ thuật kinh tế, sản xuất, … ăn uống đàng hoàng cơm canh rau, nước chấm, đúng kiểu việt nam, ăn ba bửa, có bửa cán bộ đến ăn chung, để chứng minh, đồng cam, đồng khổ ... 

Nhưng bổng nhiên, tối ngày 2 tháng 8, bổng nhiên, rất bất ngờ, họ đổi thái độ, vào khoảng nửa dêm, họ đánh thức tôi, và đưa về nhà, số 9, đường Thi Sách, đập cửa, thức gia đình dậy. Và trước mặt vợ tôi, hai chị giúp việc cùng chú tài xế, họ đọc bản cáo trạng, xét nhà và đọc trát bắt giam tôi để điều tra về tội phá hoại nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. May quá, vợ tôi, nhơn viên ngoại giao đoàn, làm việc tại Tòa Lãnh sự Pháp tại Sài gòn, nên việc xét nhà cũng qua loa. 

Vì tôi đã bàn giao tất cả cho người kế nhiệm dưới sự kiểm soát của Ban Quân quản ngày 8 tháng 7 năm 1976, trước đó rồi - tôi đã từ nhiệm từ hôm ngày 8 - BGI chuyển nhiệm tôi về Pháp để phái tôi đi làm Giám Đốc Công ty Ladze và Nước Ngọt BGI ở Médan Indonesia. Tất cả tiền bạc giấy tờ trong nhà hoàn toàn sở hữu của vợ tôi, không có gì thuộc BGI cả. Cán bộ Công An đành phải, đàng hoàng ghi nhận và buộc vợ tôi ký là không đụng đến sở hữu của vợ tôi ... Họ ngở ngàn, và bối rồi vì tất cả từ báo chí, sách vỡ, giấy tờ đều không có chữ việt…Vợ tôi không nói được tiếng việt, tôi đành phải thông ngôn … ngày nay cũng lại tại sao hôm đó toán Công An bắt tôi sao quá tử tế và đàng hoàng như vậy ? Thủ tục thiệt ngắn gọn ...Vợ tôi sữa soạn, ít đồ dùng mang theo, tôi được phép đi tắm và thay quần áo sạch – từ ngày bị bắt tôi chỉ độc nhứt một bộ đồ mặc khi đi đường. Ở Majestic, tôi giặt áo, giặt quần vào mỗi buổi tối, mặc xà lỏn ngủ, treo trong phòng, sáng khô, thay quần áo, giặc xà lỏn, mặc quần dài, sơ mi làm việc… cứ thế mà xoay vần… Suốt ngày ở khách sạn nên không đi giầy – nên không cần giặt vớ ! Làm việc với chấp pháp (lấy cung) ăn uống, ngủ ngáy tất cã đều trong một căn phòng. Tối ngủ không được tắt đèn, cửa khóa lại, và chắc có người gác - hay không ? thật sự tôi không biết - tôi không màn để ý, mặc sống chết do số Trời sắp đặt! Tôi là người đi Đạo Cơ Đốc, tin vào cơ Trời luật Chúa ! Lúc ấy, tại sao tôi vẫn ngu dốt ? vẫn nghĩ rằng sau khi … làm việc… xong, nếu xong, chậm trễ gì, tôi sẽ đi chuyến sau – họ đã hứa mà … ! Nhưng tối 2 tháng 8, mới vỡ lẽ, … nhưng biết để làm gì ? 

Sau ra khi rời nhà, tôi nay đã bị truy tố, tuy chỉ là tạm giam – garde à vue – nhưng vẫn trực thẳng ... biệt giam, phòng 2, trại Trần Hưng Đạo (Cảnh Sát cũ thời VNCH mình) … Kể từ đó, tôi mất hẳn ngày tháng, có thể lúc đầu ở tù, tôi có theo dõi và có ý thức ngày tháng, nhưng thú thực với quý bà con, tôi, ngày nay không nhớ những ngày tháng trong thời gian ở tù gì gì cả … Tôi vẫn nhớ đến những chuyện, nhiều chuyện, nhưng ngày tháng quên hẳn. Tôi vẫn biết, rằng một phần lớn những năm tháng tù đày, tôi bị nhốt ở T20, đường Phan Đăng Lưu, trước Lăng Ông, chợ Bà Chiểu. Tại T20, có lúc ở biệt giam, có lúc ở các phòng tập thể, thoạt đầu ở Khu C1, những phòng 7, phòng 9… Sau đó tôi bị chuyển qua khu C2, ở các phòng 7, và đặc biệt ở lâu nhứt là phòng 5. Thỉnh thoảng tôi cũng bị đày đi trại cải tạo. Một lần, Suối Máu, nhưng khi đến trại thì họ chở tôi về lại, một lần khác tôi lên An Khê, chỉ ở một ngày, ngủ một đêm, rồi cũng một xe jeep lùn, cũng hai tên bộ đội, áp tải tôi về. Có lẽ họ lầm tên tôi, hay họ hù tui ? Lần ấy, tôi được chu du đi từ An Khê về lại Saigon, chạy xe suốt ngày, tôi ngồi trước, với tài xế, tay không còng, chỉ còng chơn, còng Mỹ bó cườm cẳng, tê cả chơn thế thôi… Tôi cũng bị đưa lao động chiến trường, gánh cơm ở chiến trường Cam bốt Chia, sau Tết 1979, lội bộ tới Neak Lương, ở bên nầy sông, rồi cũng lại được xe jeep lùn chở về lại Phan Đăng Lưu. Do đó tôi được nếm đủ mùi…chia sẻ nỗi và cảnh đau thương với bà con tù nhơn đi đày trại lao động cải tạo một phần nào - có lẽ nhờ bà vợ ở Ngoại Giao đoàn Pháp, nên họ chỉ cho tôi nếm cho biết mùi thế thôi. Do đó, ngày nay tôi mang một tâm trạng mặc cảm, vì tôi được hưởng quá nhiều may mắn, không khổ bằng thiên hạ, nên chẳng dám có gì để huyên hoang kể lễ...

Chuyện tôi muốn chia sẻ với bạn bè là chuyện tôi có tài chiếu phim, kể chuyện phim, trong tù. Trong tù để qua ngày, chúng tôi hoặc nấu ăn, … nghĩa là kể chuyện ăn uống cho đã thèm… Nhưng đó là cực hình Vì càng nói miếng ăn lại càng thèm ăn. Sau là chiếu phim – nghĩa là kể chuyện phim … Cao bồi, tình yêu, chưởng, trinh thám ... Tôi chiếu phim bằng kể các chuyện tôi đọc ở các tiểu thuyết loại trinh thám, loại điệp viên,… loại sách không hàn lâm chẳng văn hóa trí thức, thứ tào lao, đọc đở buồn, đọc để tìm giấc ngủ, đọc khi ngồi máy bay, xe đò, xe lửa … chuyện điệp viên hết của người Anh James Bond 007, đến của người Pháp OSS 117, hay SAS … và một trong các chuyện, một cuốn tiểu thuyết tôi vừa đọc xong, trước khi bị bắt, mua ở chợ trời là Papillon. Mà Papillon, dân Sài gon phe ta cũng biết khác bộn, nhờ cuốn phim vừa chiếu rạp Rex vào cuối năm 1974, hay đầu năm 1975 gi đó … Tôi không biết ngày hôm nay các bạn bè nào đã cũng tôi chia sẻ những ngày tăm tối ở phòng 5 T20, còn nhớ những buổi chiếu phim ấy không ? Ở Mỹ có bồ tèo Mai Thanh Truyết, có bạn già Trần Dạ Từ, có chú em Đinh Quang Anh Thái, ở Việt Nam còn bạn A… Anh Thiện Ý năm qua, mình gặp lại nhau ở Houston hình như có nhắc đến chuyện chiếu phim của mình ...Chiếu phim, là để quên cái hiện tại, để hoài niệm cuộc sống Sài gòn năm xưa, đề quên cái nóng, để quên cái đói, để quên cái thằng bộ đội đang gát phòng giam … và để Sống Còn…

Tuần qua, mở tờ tuần báo Obs quen thuộc, bổng thấy bài phóng sự kỷ niệm 30 năm 1969 2019 cuốn truyện Papillon ra đời. Ký ức bổng sống lại. Bèn thoáng dịch bài viết về Papillon, chia sẻ cùng quý bạn bè thân hữu bà con. Mong rằng cùng nhau chia sẻ, mua vui cũng được một vài trống canh. Cám ơn quý bạn hữu bà con, cô bác.

PAPILLON chuyện thiệt hay giả tưởng !

Đúng một năm sau cuộc Cách mạng Sinh viên tháng Năm 1968, Henri Charrière, một cựu tù khổ sai – bagnard, từ Guyane trở về, viết một cuốn tiểu thuyết kể đời tù khổ sai của mình và trở thành tay cục cưng – coqueluche của xứ Paris – điệu nghệ. Chỉ vài tháng, trên vài TRIỆU cuốn tiểu thuyết Papillon được bán sạch. Truyện được dịch ra nhiều ngôn ngữ, và được cả đạo diễn Franklin Schaffner dựng thành phim do Dustin Hoffman và Steve McQueen thủ vai chánh, Papillon.

Sanh năm 1906 ở Saint Étienne de Lugdarès ( vùng Ardèche) – một xứ khỉ ho cò gáy của xứ Pháp, tương đương với Năm Căn Cà Mau của Việt Nam ta vậy. Hai cha mẹ, Joseph và Marie-Louise đều là giáo viên làng. Là trai út, sau hai người chị, Henri cục cưng của mẹ. Trong truyện Papillon, chàng kể thuở thiếu thời như một bức tranh lý tưởng. « … gia đình lễ giáo, miệng ăn ngon, mồm nói giỏi, hoa thơm, quả lạ, tai nghe chuyện hay… cậu bé hưởng đủ ... » 

Thế nhưng, năm 1917, mẹ chàng, Marie-Louise, mất đột ngột sau một cơn bạo bệnh. Thế giới lý tưởng của Henri tan vỡ ! Và chàng bắt đầu nổi chứng, chống đối tất cả mọi kỷ luật, và bị đuổi khỏi trường sau một cuộc đánh lộn. Để tránh bị truy tố, cha chàng đưa chàng vào trường thiếu sinh hải quân, mong rằng với kỷ luật quân đội, chàng sẽ đi vào nề nếp. Nhưng Henri là Henri, và chàng làm thế nào đó, Hải quân cũng – thầy chạy chàng luôn, chẳng muốn giữ chàng làm gì nữa ! 

Nhưng, khi giãi ngũ về lại làng, chàng hơn hẳn dân làng quê mùa đồng lứa. Chàng, nay đã « biết giang hồ », chàng nay « đã có thành tích », là một « tay anh chị ». Thoạt đầu chỉ là một « đầu nậu » thôi, nhưng chẳng chốc biến thành « đại ca » của một nhóm «du đảng » phá làng phá xóm, làm ăn, kiếm chác quanh làng. Nhưng, chẵng chốc mở rộng biên cương lãnh thổ qua những làng bên cạnh. Thế nhưng, những buổi chợ, những buổi liên hoan, khiêu vũ ở xóm, ở làng dù có ngon lành thật, dù có kiếm sống đặng, nhưng đời sống « anh chị thứ thiệt » là ở Paris. Do đó chàng « du Paris » !

Paris :

Đến Paris. Henri phải đi tìm « chổ đứng ». Các sòng cờ bạc vùng Montmartre, các Casino đánh lớn, các trường đua ngựa là những môi trường hoạt động … Đây vài cú « vay mượn », đó vài vụ « cướp dựt », đây « hỏi giấy », nọ thanh toán … Vài đụng chạm với vài tay « anh chị », « đứng bến », « đầu nậu »… Vài cuộc yêu vội vã, hái vài hoa thơm, khi thành thị, lúc miệt vườn… nào hoa hậu bê-tông, nào ngôi sao đồng nội … và cuối cùng, cuộc tình với « Nénette » Georgette Fourel ... và … và ... 
Vào một đêm tối trời của ngày 26, tháng 03 năm 1930, vào 3 giờ sáng, Roland Legrand, một tên ma-cô tiểu tốt, đứng bến khu Pigalle, khu đèn đỏ nổi tiếng Paris, bổng ngã xuống, bụng đầy máu vì ăn đạn. Trước khi trút hơi thở, hắn khai Papillon đã giết hắn ! Mà Henri cũng được giới giang hồ Paris gọi hắn là Papillon ! Vì Papillon – một con Bướm, được xâm trên ngực Henri vào lúc thiếu thời, khi chàng ở ngục Calvi, trên đảo Corse năm 1920 – Papillon, con bướm, điển hình cho Tư Do, cho con sâu rọm xấu xí, nay đã trưởng thành bướm vàng rực rỡ, tung cánh tự do. Và Henri chối hẳn, không nhận mình hung thủ, bảo rằng Paris lúc bấy giờ rất có nhiều người có tên giang hồ Papillon ! Có thể ! Nhưng cảnh sát chỉ bắt được Henri ! Và hôm ấy chỉ có Papillon - Henri chàng ta là bị cảnh sát tóm cổ thôi! Và dù Henri có kêu oan đi nữa, Toà vẫn không tin và tuyên án khổ sai chung thân Henri vì tội cố sát !

Tù khổ sai – le bagne 

Khổ sai - địa ngục trần gian. 13 năm tất cả ! 13 năm và 9 lần vượt ngục ! Vì với Papillon, ngay ngày đầu khi đặt chơn xuống đất tù Guyane, trong đầu Henri đã nổi lên ý chí phải vượt ngục ! Phải tìm tự do ! Để trả thù, những ai đã buộc tội mình ! Và chứng minh mình vô tội ! Và Papillon, từ đấy, ngày đêm chỉ nuôi ý chí phải vượt ngục !… Và cuốn truyện kéo người đọc một lèo, lôi cuốn. Người đọc chia sẻ, say sưa với cái nỗi ám ảnh của vượt ngục của Henri ! Người đọc theo dõi anh tù khổ sai gan dạ, anh hùng, kẻ cả, được tất cả các tù nhơn khác mến mộ (dĩ nhơn « cái mền » phải được kéo về nhơn vật chánh ) Giọng văn dí dỏm, lôi cuốn, đầy cảm tình với tác giả. Khổ thì khổ đấy, nhưng những cái nhìn của Henri Papillon không uất hận, trái lại đầy tình người, khi tả cái cảnh phải làm việc cùng các bạn tù « cùi », khi nhìn thấy anh bạn cùi « rụng một ngón tay », mà vẫn tỉnh bơ ... Hay khi sống với đám thổ dân Gualiros. Kể chuyện trong một lần vượt ngục, chàng tắp vào đảo của các thổ dân ấy, được nuôi sống và được cả người tù trưởng gả cả hai người con cho làm vợ. Chàng nếm được tình yêu và nhục dục nơi các cô thiếu nữ, chuyên nghề lặn vớt hột trai – pearl. Hai nàng thanh nữ, một khoảng 16 đến 18, và một cở 13/14 tuổi. Với « …hai quả đào chỉ to bằng hai quả quýt »… Lâm ly, ướt át, như những loại tiểu thuyết hạng hai.

Còn những chuyện vượt ngục ? Toàn chuyện ngoài sức tưởng tượng ? Thiệt ? Giả ? Hoàn toàn xạo ? Thêm mắm thêm muối ? Có có không không ! Chả sao ! Nào chuyện Papillon vượt với môt chiếc bè đóng bí mật trong một nghĩa địa, nào chuyện Papillon bắt cóc một giám đốc nhà tù, trong một buổi thánh lễ tại nhà thờ, dùng áp lực để vượt ngục, nào chuyện Papillon, đánh thuốc ngủ anh cai ngục, nào chuyện Papillon dùng thuốc nổ phá tường ngục ... Mọi thất bại đều chuốc những hình phạt nặng nề, dã man, gông cùm, …. Nhốt nhà kín – cachot, réclusion là một hình phạt ghê rợn nhứt ! - Cộng Sản Việt Nam, ghê rợn nhứt là nhốt connex, tủ sắt ... Papillon đáng lý phải bị nhốt trong một phòng kín, nhỏ xíu, không ánh sáng, 8 năm ! Và nếu vậy, chắc chắn rằng nơi ấy sẽ là mồ huyệt của chàng. May mắn thay, mầu nhiệm thay, một hôm, một trong những buổi được phép ra « tắm nắng », chàng nhảy xuống biển đầy cá mập để cứu một em bé gái con một quan chức chẳng may trợt chơn rơi xuống biển. Nhờ hành động dũng cảm nầy, án nhà kín được tạm ngưng. Và dĩ nhiên, cái án treo « nhà kín » ấy cũng không chàng chồn chơn. Và chàng lại vẫn tiếp tục mơ vượt ngục. Cuối cùng, bị đày ra đảo Ma Quỷ – l’île du Diable. Ở đấy, cùng một người bạn, hai chàng vượt ngục trên những chiếc bè gồm những bao cát, đầy dừa khô kết lại ...Và … và … cuối cùng chàng thành công năm 1944 ! Thở phào, mừng cho Henri !

Đổi cảnh, đổi đời :

Một cuộc đời mới bắt đầu. Ở tuổi 38, ở Venezuela, Henri làm việc ở một công ty dầu hỏa một thời gian. Sau đó, chàng làm quản trị cho một khách sạn cùng cô bạn mới, Rita. Ít lâu sau, hai người đồng quản trị một khách sạn, tên Vera Cruz tại thành phố Maracaibo, 80 cây số cách biên giới Colombie … Cuộc sống của chàng nay tạm ổn định ! Nhưng phép mầu nhiệm nào biến tên tù vượt ngục thành một tác giả của một best-seller ? 

Giai thoại kể rằng năm 1967, Henri Charrière, đi ngang qua một tiệm sách Pháp ngữ ở Caracas. Trong quầy sách bày cuốn tiểu thuyết « L’Astragale » tác giả Albertine Sarrazin, với lời giới thiệu rằng đây là chuyện do một cựu phạm nhơn vượt ngục viết, và với giòng tiếp theo là xuất bản tại Paris 123 000 bản. Henri Charrière nhà ta, tò mò mua và đọc. Đọc xong, bỏ sách xuống, chàng chê và tuyên bố « chuyện chỉ như vậy mà bán được 123 000 cuốn, chuyện mình chắc chắn sẽ bán ba lần hơn ! ». Và chàng bắt tay vào việc. Mỗi ngày, sau quầy hàng tiệm rượu Scoth-Club, tiệm đang nuôi sống chàng và vợ chàng… chàng miệt mài viết. 6 tháng, 13 cuốn vỡ học trò.

Viết xong, chàng gởi đến nhà xuất bản của tác giả Albertine Sarrazin, Jean-Jacques Pauvert. Thế nhưng, Jean-Jacques Pauvert đã bị phá sản. Người phụ tá thân cận nhứt của của Jean-Jacques Pauvert, Jean-Pierre Castelnau, đọc được bản thảo của Henri, thích quá, bèn cầm bản viết tay của Charrière đi tìm Jean François Revel, nhà Giáo, nhà Triết học nổi tiếng thời bấy giờ, để chia sẻ cái hào hức của mình và nhờ ông Giáo sư giới thiệu cùng đến gặp Robert Laffont, chủ nhà xuất bản sách số một Paris thời bấy giờ. Sau đây là hồi ký của cô con gái của Robert Laffont, Anne Carrière, nay cũng là một nhà xuất bản, kể lại : «Lúc ấy, cha chúng tôi ở Neuilly, (ngoại ô sang trọng phía Tây Paris), và tôi nhớ mãi, cái hôm ông đang ngồi đọc bản thảo tay của Charrière, ngoài vườn. Tôi đến gần ông (Anne năm ấy 20 tuổi), ông ngẩn đầu lên, và nói : « Cuốn truyện nầy thật quá hấp dẫn ; chắc chắn ta sẽ vượt con số bán là 10 ngàn cuốn ! ». Và Ông bán một triệu cuốn ». 

Ông quyết định cho xuất bản ngay. Giữa ông và tác giả không gì trục trặc, ngoài cái tựa. Ông quyết định dùng tựa là Papillon. Papillon không chịu. Nhứt định phải là « Con đường đầy nhục nhã – Le chemin de la pourriture ». Vincent Didier, người từng viết tiểu sử của Henri Charrière, (Papillon libéré – Con bướm được tự do nxb La Fontaine de Siloé) chứng nhơn vụ đặt tên cuốn tiểu thuyết ấy : « Charrière giận dữ đứng dậy, nắm cà vạt nhà xuất bản, thốt : « Không được dùng tên Papillon ». Một lúc sau Robert Laffont, nhờ tôi hỏi Charrière tại sao tên Papillon tạo sự giận dữ như vậy. Charrière trả lời, cái tên Papillon nhắc hắn ta một quá khứ quá đau buồn của thời niên thiếu ». Cuối cùng Robert Laffont cũng đạt được ý muốn nhờ can thiệp của Rita, cô vợ của Charrière. Theo nàng, nhà xuất bản có lý. Cuốn tiểu thuyết Papillon ra mắt độc giả tháng 5/1969. Ngay tuần lễ đầu đã là 300 000 cuốn rồi, bán sạch, tuần sau, vượt 400 000 và vào giữa hè năm ấy con số xuất bản tròn chẳn Một Triệu cuốn !

Ngay những ngày đầu, thành công đã rực rở, các nhà nhận định đều khen ngợi. Chỉ trong vài tuần lễ, tiểu thuyết Papillon, số một thống kê số sách bán, hạ cả số bán của sách trúng Giải Goncourt « Creezy » của Félicien Marceau. Charrière từ nay, là con cưng của giới bãnh Paris. Được mời mọi nơi, nhưng vẫn còn những vụng về của tay, tuy anh chị, nhưng còn nhà quê. Anne Carrière kể : « Ba tôi (nhà xuất bản Robert Laffont) tổ chức một buổi cơm trưa, mời khoảng 15 nhà ký giả gộc đến gặp Papillon, trong một tiệm ăn sang trọng ở Paris. Tôi (Anne Carrière) ngồi không xa Papillon lắm. Món ăn đầu là cá, và như thường lệ trong các loại nhà hàng nầy, nhà hàng dọn ra một cái chén nhỏ đựng nước với một lát chanh để rửa các ngón tay – rince doigts – Anh chàng Charrière, đúng dân nhà quê, chưa bao giờ thấy một cái rince doigts, và cũng không biết thông dụng, bèn bưng cái chén nhỏ và húp. Do đó, tôi cũng phải làm như vậy, ba tôi cũng làm theo, và mọi người đều bưng chén nước và húp ».

Nhờ có duyên, và tài kể chuyện, Henri Charrière chinh phục từ người dân thường đến những tài tử ngôi sao, hay người quý phái. Henri được chụp hình cạnh Françoise Hardy, Johny Halliday hay Brigitte Bardot. Dĩ nhiên có bề mặt cũng có bề trái, Charrière bắt đầu bị ganh tỵ, ghen ghét … năm 1970, đã có vài cuốn sách ra chống chàng. Nhưng chàng, lờ cả, cho pha hết, và bắt đầu thoải mái với cái nghề mới của mình. Năm 70, chàng viết kịch bản - scenario cho cuốn phim « Popsy Pop » và đóng phim cạnh Claudia Cardinale, cho ra đời hai dỉa hát « Papillon kể những chuyện kỳ diệu về các người bạn indiens cho các trẻ – Papillon raconte aux enfants les merveilleuses histoires de ses amis indiens » và để chống những người còn nghi ngờ tài nghệ mình, chàng viết cuốn tiểu thuyết « Banco » năm 1973. « Papillon như một đứa trẻ con, với đôi mắt mở to, mê mẫn trước tất cả những sang trọng – Il témoignait devant le luxe, d’un émerveillement d’enfant ! » Robert Laffont nhận xét về cái ngây thơ thật tình của Henri trước sự thành công.

Một hôm, hai người cần phải đi New York, Henri buộc nhà xuất bản phải mua cho mình ghế máy bay hạng business – business class ! Nhờ đó mà, vô tình, Robert Laffont ngồi cạnh nhà sản xuất phim của đạo diễn J. Schaffner tác giả sắp sữa dựng phim Papillon với Dustin Hoffman và với Steve Mc Queen trong vai chánh Papillon. Khi xuống New York, Charrière vừa chưởi thề vừa nói với nhà sản xuất : « Tu vois, couillon, celui-là, c’est pas en économique que tu l’as rencontré –ĐM, nếu đi hạng chót làm sao gặp tên nầy ! ». Henri Charrière mất năm 1973, khi cuốn phim được ra lò. Đời của Charrière đến phút cuối vẫn hư thực lẫn lộn như một cuốn phim.

Phỏng theo bài phóng sự của Elisabeth Philippe tuần báo OBS số 2853 tuần 11 đến 17 072019.

TB : Cuối năm 1980, tôi được Robert Despierres, anh bạn Pháp, sanh ở Việt Nam, quen nhau từ Sài gòn, rủ tôi nhận công tác dắt một đoàn 80 người Hmong, tỵ nạn Cộng Sản qua lập nghiệp ở Guyane. Do đó tôi được dịp công tác và du lịch 6 tháng ở Guyane. Tôi có viếng Cayenne thủ phủ, Đảo Ma Quỷ - île du Diable, xem những di tích của trại khổ sai …. Do đó thỏa mãn một cái tò mò và cũng là … Một tình cờ thú vị !

Hồi Nhơn Sơn, những ngày nóng « chó ngáp » canicule 2019

TS.Phan Văn Song

Monday, July 29, 2019

Hoàng gia Monaco có cô dâu mới là người Pháp lai Việt

gốc Việt
Cô dâu Marie Hoa Chevallier và chú rể Louis Ducruet của Hoàng gia Monaco. (Hình: Instagram)

Hoàng gia Monaco vừa có thêm cô dâu mới là một người Pháp lai Việt trong lễ cưới được tổ chức vào ngày 26/7 vừa qua.
Cô dâu có tên là Marie Hoa Chevallier, sinh năm 1992 ở Pháp và gia đình bên ngoại của cô là người gốc Việt. Cô có hai anh trai và bố mẹ cô li dị khi cô 4 tuổi. Người bố hiện đã qua đời.
Chú rể Louis Ducruet là con trai của công chúa Stephanie. Anh là cháu của cố hoàng tử Rainier Đệ Tam của Monaco và minh tinh người Mỹ quá cố Grace Kelly.
gốc Việt
Marie, Louis và chó cưng Pancake. (Ảnh: Instagram)
Marie gặp Louis khi cả hai đều là sinh viên của Trường Kinh doanh SKEMA ở Pháp cách đây 7 năm. Vào ngày 12/2/2018, Louis đã cầu hôn Marie tại Hội An, Việt Nam khi hai người đi du lịch tại đây.
gốc Việt
Louis đã chia sẻ khoảnh khắc cầu hôn lãng mạn với Marie tại Hội An, Việt Nam trên tài khoản mạng xã hội của mình. (Ảnh: Instagram)
Công chúa Stéphanie của Monaco đã tuyên bố lễ đính hôn giữa con trai Louis Ducruet với cô Marie Hoa Chevallier vào ngày 21/2/2018.
Lễ cưới long trọng kéo dài hai ngày được tổ chức ở Monaco, bắt đầu hôm 26/7 và Thị Trưởng Georges Marsan là người cử hành hôn lễ.
gốc Việt
(Ảnh: Instagram)
Lễ cưới truyền thống được tổ chức tại nhà thờ Saint Nicholas Cathedral vào hôm 27/7.
gốc Việt
(Ảnh: Instagram)

Blog Archive