Thursday, November 30, 2023

A Table Full of Food Gone in a Second, the Chinese Grab Everything! Is It Poverty Fear?



Henry Kissinger - Kẻ Có Công Lớn Đưa Nước Việt Lên Bàn Thờ | 30.11.23

Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn tạ thế vào ngày 28/11/3023


Nghe tin Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã tạ thế vào tối ngày 28 tháng 11 năm 2023. Hưởng Thọ 87 tuổi. Xin đăng lại một bài viết cũ như để kính viếng hương hồn ông...

Giới thiệu nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn

Nguyễn Đình Toàn, một tiếng nói mà cách đây 40 năm, từng được nhà thơ Du Tử Lê gọi là “người tình không chân dung” của thính giả Việt Nam. Đó là một nhạc sĩ, một nhà thơ, một nhà văn, và là một người đã mang đến cho người nghe thời ấy một cách nghe nhạc hoàn toàn mới lạ trên Đài Phát Thanh Sài Gòn mỗi tối Thứ Năm với chương trình “Nhạc chủ đề”.

Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6/ 9/1936 tại Gia Lâm, Bắc Ninh di cư vào Nam năm . Ông còn có bút hiệu là Tô Hà Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc.

Ông đóng góp nhiều sáng tác cho nền văn học nghệ thuật miền Nam dưới nhiều dạng: tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, bút ký. Tác phẩm “Áo Mơ Phai” đoạt Giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa năm 1973 gồm một tấm huy chương và còn kèm theo số hiện kim 600.000 đồng tương đương với 40 lượng vàng theo thời giá bấy giờ. Cũng chính tác phẩm này làm ông bị khổ sở không ít sau năm 1975.

Nguyễn Đình Toàn viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo chí Miền Nam như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, và Tiền Tuyến.

Ông cũng có nhiều công sức trong việc phát triển tân nhạc Miền Nam qua chương trình phát thanh Nhạc chủ đề trên Đài Phát Thanh Sài Gòn.

Sau năm 1975, ông bị chính quyền Cộng sản bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng vợ được xuất cảnh sang Mỹ và định cư ở California nơi ông tiếp tục viết cho báo Viet Tide.

Một số bản nhạc của ông được nhiều người biết đến là "Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên" (Đúng ra tên là "Nước Mắt Cho Sài Gòn"), Hiên Cúc Vàng, Mai Tôi Đi … và "Tình khúc thứ nhất" “Em Đến Tham Anh Đêm Ba Mươi” do Vũ Thành An phổ nhạc.

Ngoài ra ông còn là một ca sĩ và đã thu âm một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…

Trong chương trình ca nhạc của Đài Phát Thanh Sài Gòn, trong đó có Nhạc Chủ Đề do Nguyễn Đình Toàn phụ trách. Ông có cách giới thiệu bản nhạc thật đặc biệt, chải chuốt, lời như thơ, giọng trầm ấm, có lẽ nhờ đó mà được nhiều nữ thính giả yêu thích. Không phải chỉ có nữ giới, mà cả phái nam cũng rất mê chương trình Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn. Ở Sài Gòn là giới thanh niên sinh viên, nơi chiến trường xa là những người lính.

Thật ra Nguyễn Đình Toàn được biết đến nhiều hơn ở địa hạt thi văn với khoảng 20 tác phẩm về văn và thơ đã được xuất bản. Truyện dài "Áo Mơ Phai" của Ông đã được giải Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc năm 1973. Sau 1975, Ông đi tù một thời gian và sang định cư ở Hoa Kỳ cuối thập niên 1990. 

Nhạc phẩm của Ông được phổ biến qua các đĩa CD: "Hiên Cúc Vàng" và "Mưa Trên Cây Hoàng Lan" do Khánh Ly thực hiện và "Tôi Muốn Nói Với Em" do Bích Huyền thực hiện. Cuối năm 2006, Ông cũng ra mắt một quyển sách "Bông Hồng Tạ Ơn" viết về 192 tác giả nghệ sĩ Việt Nam.

Khi chính quyền Việt Nam sau 1975, xin tái bản lại tác phẩm “Áo Mơ Phai”, ông vẫn “cái tật” ngang ngạnh cố hữu: “Các anh muốn làm gì chẳng được, nhưng đã hỏi tôi khi muốn tái bản thì tôi chỉ xin các anh ghi vào lời tựa lý do vì sao đã kết án tác phẩm và bỏ tù tác giả!

Tác phẩm “Áo Mơ Phai” được viết theo dạng feuilleton cho nhật báo Xây Dựng. Nguyễn Đình Toàn có một đức tính là các trang bản thảo chỉ viết một lần, không sửa chữa và giao thẳng cho thợ nhà in sắp chữ. Nguyễn Đình Toàn cho rằng chưa hề hy sinh tính văn chương khi chọn viết những truyện dài feuilleton như vậy.

Nếu theo thứ tự xuất bản, thì Áo Mơ Phai là cuốn sách feuilleton thứ 13 của Nguyễn Đình Toàn, và cũng là tác phẩm được trao giải Văn Học Nghệ Thuật 1973.

Trên tạp chí Văn Học 1974, Nguyễn Đình Toàn đã nói về kỹ thuật xây dựng “Áo Mơ Phai” như một tác phẩm tâm đắc của mình: 

“Mỗi tác phẩm đã viết ra như que diêm đã được đốt cháy, nhà văn có bổn phận phải sáng tạo, dù rằng toàn bộ tác phẩm chỉ là sự nối dài từ cuốn đầu tiên. Nhiều người đã nói tôi dùng lối viết quá dài, cả trang không chấm trong Áo Mơ Phai này mới mang đủ sắc thái không khí của Hà Nội. Nhân vật chính trong tác phẩm không phải là những nhân vật được nhắc tới trong sách mà chính là thành phố Hà Nội. Ai sống ở nơi này thường có cái cảm tưởng đang sống trong một giấc mơ, có lẽ là giấc mơ không bao giờ phai nhạt với sương mù cơn mưa sướt mướt hơi lạnh của mùa thu… Áo Mơ Phai thoát ra từ cơn mơ đó từ khi tôi xa Hà Nội mới 17 tuổi.”

Sách Nguyễn Đình Toàn được xếp vào loại “văn hoá đồi trụy” sau 1975; nên tất cả bị tịch thu và trở thành “Tro Than”, như tên một tác phẩm định mệnh Nguyễn Đình Toàn trong chiến dịch đốt sách lan rộng khắp Miền Nam thời bấy giờ.

Năm 2006, khi được hỏi về tác phẩm “Áo Mơ Phai” Nguyễn Đình Toàn bày tỏ: “Có những người thức thời, nhìn xa trông rộng, có thể tiên đoán dự liệu được những biến chuyển của thời cuộc, dĩ nhiên có những điều họ tiên đoán cũng có điều sai. Mà đúng hay sai thì chỉ khi nào sự việc xảy ra thì họ mới biết được. Tôi viết cuốn sách đó chỉ dựa trên những dự cảm đối với hoàn cảnh lịch sử cho một người chịu đựng hoàn cảnh lịch sử như chịu đựng sự đổi thay của thời tiết”.

Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất năm 1954, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất năm 1975. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri.

Đọc văn Nguyễn Đình Toàn, để sống với Hà Nội những ngày sắp mất nhưng cũng không bao giờ mất qua hơn 300 trang sách Áo Mơ Phai.

Nguyễn Đình Toàn sáng tác nhạc rất nhiều, sau khi ra hải ngoại ông đã cho ra mắt 2 CD, đó là: Hiên Cúc Vàng với chỉ một giọng ca Khánh Ly, và Tình Ca Việt Nam với Duy Trác, Khánh Ly, Sĩ Phú, Thái Thanh, Võ Anh Tuấn, Lệ Thu. Nhạc Nguyễn Đình Toàn mang hơi hám của một người lưu vong luôn luôn nhớ về những kỷ niệm cũ, một hoài niệm không rời với hồi ức, thường buồn hơn vui, đã đưa người nghe vào một không gian âm thanh sâu lắng, không sôi nỗi xáo động, nó trầm lắng, dịu dàng, nên lớp người cũ đã sống trước 1975 ở miền Nam rất thích nghe.

Nguyễn Đình Toàn mang tuổi trẻ đi vào tình yêu, như kẻ hành hương gian nan đi tìm thánh địa trong tâm tưởng. Ở những gia đọan của cuối một con người với nhiều bệnh họan, ông vẫn nương dựa vào tình cảm của người bạn đời là bà Thu Hồng mà được ông trìu mến gọi là bà Tú Xương của ông… Nói tới thành tựu của một nền văn học, người ta chỉ nhắc tới những nhà văn, nhà thơ nhưng có lẽ không thể không nhắc tới những bà Tú Xương của mọi thời đại với bao nhiêu công khó hy sinh của họ.

Bài viết này xin dành tặng cho những bạn bè cùng thời đã có những đêm khuya bên chiếc Radio để nghe Nhạc Chủ đề từ giọng giới thiệu Bắc kỳ ấm áp và truyền cảm của Nguyễn Đình Tòan, từng đọc những tác của nhà văn của nhà văn lặng lẽ nổi tiếng mà không cần phải giới thiệu này …

Hoài Nguyễn - 14/01/2016

* Bài viết có tham khảo một số tư liệu về nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn

She's EXPOSING the WEF false flag coming in 2024, Journalist Whitney Webb



Kẻ lai vãng cửa chùa

1.
“Tánh anh nóng nảy, nổi cộc lên thì coi hung lắm, phải đi chùa cho nó trầm tính lại”. Đã một thời, nhiều lần vợ tôi đã nhận xét và đề nghị như vậy.

Ngày xưa, do bố tôi theo Tây học, từ Bắc vào Nam làm báo, dịch sách, ở Sài Gòn ra cả báo tiếng Pháp, tánh khí nghệ sĩ, phóng dật khiến cho căn nhà nhỏ của gia đình ở khu Đa Kao thời đó thỉnh thoảng lại chộn rộn cái không khí văn chương chữ nghĩa. Có lần, lấy cớ sẽ khui một chai rượu chát rất xưa, bố tôi mời vài người bạn thân đến nhà chơi. Cần nói thêm là trong bạn bè của bố tôi thời đó, tôi khoái một bác cùng dân Bắc kỳ, để chút râu kiểu Hitler dưới mũi, thường phong nhã với bộ cánh veston, foulard, đó là nhà thơ nhà văn TCHYA Đái Đức Tuấn. Núp phía sau một bức bình phong, tôi lén theo dõi người lớn nói đủ thứ chuyện trên đời. Chợt tôi nghe bác TCHYA cười, vỗ vai bố tôi, gật gù bảo: “…Vậy là toa rất libéral về vấn đề tôn giáo!”

Phải nói là, trước khi tôi đủ lớn khôn để tìm hiểu cho thật rõ tính từ “libéral” có nghĩa là gì thì bố tôi đã có quan niệm rất phóng khoáng về vấn đề tín ngưỡng, nghĩa là vợ con trong nhà ai muốn theo đạo nào cũng được. Bố tôi không hề bày tỏ một ý kiến, nhận xét nào về chuyện mẹ tôi sùng đạo Phật, qui y tại chùa, có pháp danh cũng như bày khuôn thờ Phật Bà Quan Âm phía trên bàn thờ ông bà, hay chuyện em gái tôi được mấy xơ trường Thiên Phước ở Tân Định dẫn dắt vô đạo Thiên Chúa khi em học tiểu học tại trường này. Có lần một vị giáo sư, bạn bà chị họ rũ tôi vào đạo Baha’i. Tôi nhận vài tờ tài liệu về đạo này, đem kể cho bố tôi nghe. Ông chỉ cười, nói: “Đạo Bà Hai, gốc ở Ba Tư chớ gì. Thì đạo nào cũng dạy con người sống, cư xử cho có đạo đức và làm việc thiện. Tùy ý con thôi.”

Rốt cuộc, tôi lớn lên không thể không chịu ảnh hưởng tinh thần libéral ấy từ bố tôi. Đã vậy, thời theo ban triết Đông&Tây trường Văn Khoa Sài Gòn, tôi được học hỏi ít nhiểu các hệ tư tưởng, giáo lý của Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Bà la môn giáo… Không hiểu phải là do nguồn kiến giải quá phong phú này hay không mà hầu hết đám sinh viên triết bọn tôi không thể là người vô thần. Ngay cả vài sinh viên như tôi, khi ấy không (hay chưa) là tín đồ của một tôn giáo nào, để tin vào chẳng hạn Phật Tổ, Đức Chúa Trời, đấng Allah, đấng Bhrama…, bọn tôi vẫn tin trên cõi đời này, vũ trụ này vốn có một đấng Thiêng Liêng, một Thượng Đế Tối Cao định đoạt mọi sự ở trần gian, trong đó định mạng con người.

Mặt khác, do bạn học của bọn tôi các lớp triết Tây hay Đông đều gồm cả các linh mục, sư huynh, nữ tu, nhà sư, ni cô nên dần hồi bọn tôi có quan niệm đại khái như “liên tôn giáo” hay “hòa đồng tôn giáo”, thấy đạo nào cũng tốt, hay ít ra là những đại diện của các tôn giáo này/khác đều rất gần gũi với mình…

2.
Sau biến cố 30-4, cuộc sống ăn độn đầy dẫy khó khăn, thiếu thốn. Với nhiều người dân miền Nam, một khi những lo nghĩ về cơm-áo-gạo-tiền quá đè nặng tâm trí, khó tránh chuyện đức tin tôn giáo lung lay. Ai vốn xem giá trị tinh thần, tâm linh cao quý hơn của cải vật chất cứ như bị thời thế cải tạo, dần hồi chuyển qua những cách nghĩ thực dụng như “Có thực mới vực được đạo”, “Lương tâm không bằng lương thực”! Không ai bảo ai, người ta lặng lẽ tạm làm lơ nhu cầu phía đời sống tín ngưỡng, sinh hoạt thờ phượng. Đến một Phật tử sùng đạo như mẹ tôi cũng dần hồi thưa thớt, rồi bỏ hẳn việc đi chùa ngày rằm, mùng Một, để còn lo xếp hàng mua nhu yếu phẩm hay may hàng gia công kiếm thêm tiền chợ, phụ vào đổng lương chết đói của mấy đứa con công nhân viên…

Thời ăn độn hay gặp người khùng hoặc nữa tỉnh nữa mê ngoài đường phố. Tôi nhớ một lần có việc ra bến xe Văn Thánh, tôi lên một chiếc xe than, ngồi chờ xe chạy. Chợt có một người đàn ông ốm yếu, mặc bộ nâu sòng rách nát, cầm một cây phướn, bước lên xe kêu gọi hành khách: “Bá gia ơi, lo tu đi, không thì chết đó nghen! Hội Long Hoa tới rồi! Ráng tu liền đi bá gia!” Tôi chạnh nghĩ: “Mệt quá, đang thiếu đói tùm lum đây, lo chạy cơm từng bữa cho con người chưa xong, sức đâu lo chuyện tu hành cho vui lòng thần Phật nào đó?!” Đang lúc chán nản, lo nghĩ chuyện cơm áo như thế, tôi chán luôn nhà tiên tri thảm hại đang lải nhải rao giảng kia. Đúng lúc xe nổ máy, tôi buột miệng nói như mỉa mai ông ta: “Thôi xuống xe đi bá gia ơi! Lo rao giảng này nọ mà không xuống xe thì lơ nó lấy tiền xe, bá gia có tiền trả không đó”.

Đến khi tôi lập gia đình, rất chật vật với cảnh chồng công nhân viên vợ bán buôn lặt vặt, thu nhập không đủ sống, vợ tôi lại sinh con đầu lòng. Tôi quyết định nghỉ việc để dốc hết sức lực phụ bà xả chuyển hẳn qua nghề buôn chuyến hàng tạp hóa.

Tất nhiên, vào cái thời thiếu thốn đủ điều ấy, vợ tôi – đã quy y cửa Phật từ thời con gái – cũng đành bỏ lệ đi chùa ngày rằm, mùng một. Tôi nhớ chỉ có một lần, là vào ngày Phật Đản năm nào đó, vợ tôi đã ráng cùng mẹ tôi đến thắp nhang, lạy Phật ở ngôi chùa gần nhà.

Rồi thời “mở cửa” cũng đến, cuộc sống tương đối dễ thở hơn, quý phụ nữ gia đình chúng tôi gần như chính thức trở lại với tập quán đi chùa vào ngày rằm, mùng một. Còn những dịp đặc biệt như Tết Nguyên Đán, Phật Đản, rằm tháng Giêng, Tết Đoan Ngọ, rằm tháng Bảy và rằm tháng Chạp, mẹ tôi và vợ tôi soạn mâm quả cúng chùa thịnh soạn hơn, cũng như sẽ ăn bữa chay tại chùa luôn.

Thêm một sự “trở lại” đầy tốt lành nữa tại nhà chúng tôi, đó là tôi lãnh nhiệm vụ dựng lại bàn thiêng ở sân trước nhà. Khi ấy tôi như chợt được sống lại những cảm xúc tinh khôi của thời thơ ấu… Nguyên từ nhỏ tôi đã rất yêu những hình ảnh ngọt ngào, thanh tịnh ở vùng quê Nha Trang, nơi tôi luôn quay về ở trọn mấy tháng nghỉ hè hằng năm. Còn lưu lại mãi trong ký ức tôi là hình ảnh bà ngoại tôi, cứ ngày rằm, mùng một hay dịp giỗ chạp là ngoại lụm cụm ra cắt những loại hoa trồng trong vườn nhà, như: bông trang, vạn thọ, huệ, mồng gà, bông giấy… Rồi ngoại đi quét sơ bàn bàn thiêng ở sân trước, xúc cái lục bình, chưng mớ bông vừa cắt cùng nãi chuối xanh, trái thanh long cũng bẻ trong vườn.

3.
Vài năm sau, có chút tiền dành dụm từ nghề buôn bán, chúng tôi ra riêng, Từ dạo ấy, hễ vợ tôi đi chùa là tôi chở bằng xe máy, có nghĩa cái gã, do chán cảnh đời tối mù vì nợ cơm áo, từ rất lâu đã không lai vãng cửa chùa, nay đã đi chùa trở lại. Có điều là, vẫn do nếp nghĩ duy lý, duy con người chứ không duy thần linh, tôi không cùng bà xã vào chánh điện thắp nhang, lạy Phật mà chỉ ngồi băng đá trong sân chùa, hút thuốc, lơ đãng nhìn cảnh mọi người xung quanh cúng kiếng, khấn lạy…

Đâu khoảng năm 2003 hay 2004, tôi dự một chuyến hành hương ra tận vùng Bình Thuận. Nói là đi chùa nhưng thật ra đây là một chuyến đi "phượt" bằng honda đầy nhọc nhằn, lang bạt. Điểm đến là chùa Linh Sơn Trường Thọ, cách Sài Gòn hơn 250km đầy nắng bụi. Chùa lại nằm trên sườn núi Tà Cú ở độ cao 400m và năm đó chưa có cáp treo nên bọn tôi phải leo núi. Đó là một cái “cầu thang” đất, đá quanh co, dài tới 2500m. Trên đường đi, tôi gặp vài cụ già phải nhờ người dìu lên từng bậc đá. Rồi khi đã lên đến chùa, các cụ lại nhờ người dắt đến trước Phật đài để quì xuống, khấn lạy thật lâu trước tượng Thích Ca lúc nào cũng nhắm mắt, khiến khuôn mặt tượng lúc nào cũng toát ra một vẻ bình an vời vợi.

Và vào lúc màn đêm sắp phủ trùm sân chùa, chợt thoáng qua như một sát-na, hình như tôi cũng đã được thấy thêm một vẻ bình an diệu vợi khác nơi gương mặt của một cụ già mù, đang quì lạy pho tượng Phật mà cụ không thể nào nhìn thấy.

Nói là do cảnh tượng siêu tưởng trên mà tôi đã “Ngộ” thì nghe cao đạo quá. Tôi chỉ xin nhận mình như một con thú hoang đàng, do chữ Duyên của nhà Phật mà được thuần hóa thật nhẹ nhàng bởi hình ảnh đạo hạnh thuần khiết của cụ già mù.

Từ sau chuyến đi định mệnh ấy, tôi dẩn dần đổi tính. Vợ tôi có thừa nhận, ít ra là thay đổi thái độ khép kín của mình đối với vấn đề tín ngưỡng. Tôi bắt đầu săn ảnh, làm bộ sưu tập chùa chiền, nhất là các ngôi cổ tự. Và khi tự hồi sinh tinh thần giúp ích của hướng đạo sinh đã rèn luyện từ thời niên thiếu, có dịp là tôi cố gắng gợi ý bạn bè và người có khả năng cùng làm việc thiện, như giúp trẻ cô nhi, người già neo đơn, người tàn tật. Riêng đối với anh em lính chế độ cũ như mình, có lần tôi thu thập được địa chỉ một số anh em thương binh hạng nặng nhất ở Sài Gòn để báo cho một nhà hảo tâm ở California.

Nhiều năm qua, khung cảnh quen thuộc để nuôi giữ, bồi bổ cho bước “trở lại tâm linh” của tôi là tịnh xá Trung Tâm, gần chợ Cây Quéo. Do ngôi chùa này rất gần nhà, coi như chỉ băng qua đường xe lửa chạy ngang ga Xóm Thơm Gò Vấp là tới nên vợ chồng tôi thường ghé chùa lễ Phật vào lễ Phật Đản, các ngày rằm, mùng Một, cùng những khi vợ tôi cầu nguyện xin điều gì đó hay cúng tạ khi đã được toại nguyện về điều gì đó. Đáng nhớ là khi vợ tôi đã chữa lành một căn bệnh ngặt nghèo, gia đình tôi đã đi in một số quyển kinh ấn tống, đem cất dưới bệ tòa sen dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm dựng ở phía bên trái khuôn viên chùa để tặng lại cho ai cần đến.

4.
Sáng thứ bảy này, vợ chồng tôi muốn tìm đến một nơi mát mẻ, thoáng đãng sau một đêm khó ngủ vì trời vẫn tiếp tục nóng bức y như mấy ngày trước. Công viên Gia Định ở gần nhà thì đang làm cầu vượt, mặt đường bị ép hẹp bởi lô cốt, xe cộ dồn cục rối rắm. Vợ tôi nói: “Hay mình ghé chùa Trung Tâm đi. Ngày mùng Một vừa rồi, mấy đứa nó đến chơi cả ngày, làm mình đâu có đi chùa được”.

Vậy là chúng tôi đến tịnh xá Trung Tâm. Vợ tôi đến thắp nhang trước tượng Phật Bà Quan Âm. Tôi cũng lạy Phật Bà rồi tìm đến một băng đá dưới bóng cây sa la ngồi, thư thái ngó quanh. Bá tánh trong chùa sáng nay chợt có cả mấy con mèo hoang, không biết ở đâu đến mà chạy lung tung. Là mèo con nên chúng rất nghịch ngợm, con bám gốc cây hoa sứ, con lục hộp nhang, con rúc dưới bệ tượng Phật Bà. Tôi biết cái kiểu mình dáo dác theo dõi mấy con mèo cũng đang bị theo dõi bởi một người khác. Đó là một bé gái đang đứng gần cây hoa sứ, nước da đen đúa, quần áo cũ vá, đi chân trần, trên tay không cầm xấp vé số hay hộp sing-gum gì đó thì chắc là dân sống lang thang đường phố. Chẳng phải đợi lâu, cô bé bụi đời lên tiếng cho biết bầy mèo con cũng “bụi đời” này tổng cộng là bảy “đứa”. Cô bé còn đoan chắc con số đó là chính xác nhất vì “tụi nó” chạy lung tung, phải đếm tới đếm lui cả buổi mới được.

Một chị phụ nữ mù đứng gần đó, vừa mời tôi mua vé số vừa cho thêm thông tin rằng theo chị biết thì lâu nay các sư không có nhận nuôi chó, mèo hoang, thành ra bầy mèo con này phải do ai đó lén bỏ đại vô sân chùa, chắc là vào ban đêm.

Hai chú mèo hoang nhỏ bé thật nghịch ngợm, đang loay hoay leo lên cây hoa sứ với bàn tay trợ giúp của cô bé bụi đời. Tôi lấy điện thoại ra bấm liền mấy “pô”. Thấy tôi dáo dác nhìn quanh, tỏ ý muốn chụp nữa, cô bé nói “Để con đi bắt tụi nó cho”.

Cô bé mệt mề chạy tới chạy lui ở khu vực xung quanh tượng Phật Bà, kiếm được cứ hai chú mèo là hai tay cầm chạy liền đến chỗ vợ tôi đang ngồi chờ, tạm giao trước hai “đứa” rồi ù chạy đi kiếm tiếp. Mất cả mươi, mười lăm phút cô bé mới gom lại đủ lại cả bảy con mèo con đang một mực rong chơi tứ tán kia cho tôi chụp hình.

Cần nói thêm, hẳn cô bé đã gần gũi, sinh hoạt với bầy mèo con này lâu ngày rồi, tức đã trở nên bạn bè, cùng chơi đùa đủ trò nên chúng để yên cho cô bé đưa tay nắm từng con lên, ưng đem đi đâu thì đem, chẳng phản ứng gì.

Vợ tôi thật vui, nói: “Bảy đứa mèo này thiệt bụi đời, mà đứa nào đứa nấy đều dễ thương hết sức”. Tôi nghĩ, phải nói là có tám “đứa” bụi đời, “đứa” nào cũng dễ thương hết sức mới đúng, vì không thể không tính tới cô bé chưa biết tên kia, đã quá ân cần giúp chúng tôi tiếp cận với bầy mèo con.

Giữa khung cảnh cửa Phật tịnh yên, kẻ lai vãng sân chùa nghĩ thầm vậy thôi mà tự nhiên lòng anh ta nhẹ tênh, an lạc…

– Phạm Nga
Ta đã có một thời …

Bài hát êm đềm, hình ảnh anh chàng Gilbert O’Sullivan ngồi bên chiếc piano, giọng oang oang, Alone Again Naturally, sao mà hay thế !
Nó mang tui về cả một vùng trời …

Saigon nắng trong veo, thế mà chẳng sợ nắng, lái PC, chẳng sợ bụi.
Tới Eden đậu xe, tản bộ dọc Lê Lợi, ghé Khai Trí, đến Crystal Palace, qua Tạ Thu Thâu, lúc về ghé Bưu Điện ăn bò bía, đó là chuơng trình ngày Chủ Nhật của 2 cô bé mới lớn.

Carly Simon, You’re So Vain
Carole King, It’s Too Late
Helen Reddy, I Am Woman, You and Me Against the World

1974, chập chững buớc vào lứa tuổi mộng mơ, hay thuơng thầm trộm nhớ, cứ tuởng là yêu cho ra vẻ nguời lớn.

Hooka chaka hoo kahoo, Hooked on a Feeling, giờ nghe vẫn thấy xôn xao.

Nhạc Pháp lãng mạng
1972, Christophe ra một lúc 4 bài trở thành classic cho mọi thế hệ, Oh Mon Amour, Goodbye Je Reviendrai, Nue Comme La Mer, Main Dans La Main.

Tập tểnh đi boum
Làm gì có telephone mà nhắn tin, nên chỉ chờ, và chờ, chiều thứ 7 …
Tiếng xe Honda đỗ ngoài kia
Chẳng cần trang điểm, má vẫn hồng, môi vẫn thắm, quần patte, hay đầm midi
2 chị em leo lên 2 xe honda
Như định truớc, H và P, tui và T
Thẹn thùng ôm eo nhẹ nhàng

Thuờng Bal commencer bằng một bài paso doble
Chacha thì Oye Como Va, Do It Again …
Bebop thì Me and You and Dog named Boo, There Ain’t No Way …
Nhạc Pháp vang lên cho điệu slow, Si l’amour existe encore, La vie c’est une histoire d’amour, Le premier pas, Coupable, Adieu sois heureuse, giây phút đuợc cầm tay, run lập cập …

1974, năm của Seasons in The Sun, Tell Laura I Love Her, Band on the Run, Sugar Baby Love, Goodbye Yellow Brick Road …

Một thuở
Có nhớ, chỉ nhớ trong tư tuởng, mịt mù, xa xăm

Nếu có chiếc xe vuợt thời gian như trong phim Back to The Future
Ngồi lên, tui sẽ hồi hộp bấm số 1970, để đuợc trở về ngày xưa ấy, để thấy lại mình khi ấy ra sao, tui sẽ đi khắp nơi, thăm lại tất cả, căn nhà xưa …

Còn bạn, bạn sẽ bấm năm nào?

28 Nov 2023
Christine Luu

Wednesday, November 29, 2023

Cười Vui Cuối Tuần...

Sao vậy?
- Sao ông chỉ tuyển những nhân viên đã lấy vợ rồi ? Họ làm việc đắc lực hơn các chàng trai độc thân à ?

- Không phải. Chỉ vì họ đã quen nghe lệnh và không càu nhàu khi tôi to tiếng với họ.

Sinh viên lý sự
Không ăn sáng không phải vì không có tiền ăn sáng, mà vì muốn tiết kiệm thời gian cho việc... ngủ.

Tiền là thứ ngốn thời gian kinh khủng, để có nó, người ta phải làm nhiều việc: viết thư về nhà, xin bạn bè "viện trợ", "thăm" tiệm cầm đồ và viết đơn xin hoãn học phí...

Khi quyết định không tấn công nàng nữa, không phải vì chàng không có duyên, không có năng khiếu, không đào hoa, không kiên trì, có đối thủ nặng ký... mà bởi một lý do đơn giản: một bông hồng Đà Lạt giá 20.000 đồng!

Khi dùng dầu gội đầu của người khác, không phải vì mình không có tiền, mình hà tiện hay lợi dụng, mà bởi vì loại dầu gội đó... hợp với tóc mình.

Khi ta cắt mái đầu, hay xén đứt mái tóc dài chấm lưng... không phải vì ta ăn chơi đua đòi, mốt này kiểu nọ, mà vì muốn tiết kiệm nước và dầu gội đầu.

Bí quyết
Hai học sinh nói chuyện với nhau:

- Sắp thi rồi sao thấy ông tỉnh bơ dzậy?

- Học xong sớm nghỉ sớm chớ sao.

- Ê, ôn thi cách nào mà lẹ quá dzậy?

- Bí quyết học theo sơ đồ đấy.

- Sơ đồ gì?

- Sơ đồ là: bài 1, bài 2 nằm trong túi áo; bài 3, bài 4 nằm trong túi quần phải; bài 5, bài 6, bài 7 nằm trong túi quần trái.

Lý do Nam Cực lạnh hơn Bắc Cực

Lý do khiến Nam Cực lạnh hơn nhiều so với Bắc Cực chính là sự khác biệt giữa hai vùng khu vực. Bắc Cực là đại dương còn Nam Cực là lục địa. Phần lớn Nam Cực cao hơn mực nước biển trung bình đến 3.000m. Vì càng lên cao nhiệt độ sẽ càng giảm và điều đó cũng giải thích cho lý do tại sao Nam Cực lại lạnh như vậy.

Bắc Cực là một đại dương bao quanh bởi đất liền. Nam Cực là đất liền bao quanh bởi đại dương. Nước ấm lên và nguội đi chậm hơn so với đất liền, dẫn tới nhiệt độ Bắc Cực ít cực đoan hơn. Ngay cả khi Bắc Băng Dương bị băng bao phủ, nhiệt độ tương đối ấm của nước cũng có hiệu ứng điều hòa thời tiết tại đó, giúp Bắc Cực ấm hơn Nam Cực.

Một lý do nữa là ở Nam Cực, các mùa đều ngược. Vào khoảng tháng 7, khi Trái Đất xa Mặt Trời nhất, thì phần Bắc Bán cầu lại quay về hướng Mặt trời nên ấm áp hơn trong khi phần Nam bán cầu lại quay ra xa mặt trời khiến lạnh càng thêm lạnh, và lúc đó cũng chính là mùa đông ở Nam Cực, làm cho cực Nam lạnh gấp hai lần.

(Ai ở vùng phía Nam nước Úc đều “thưởng thức” được cái lạnh của Nam Cực…. nhất là khi có gió!!)

Chạy học bạ

Tại VN lúc này có nhiều kiểu chạy thiệt, từ chạy gạo, chạy làng, chạy chức, chạy chỗ, chạy án, chạy bằng.... giờ đến chạy học bạ.

Theo hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, học sinh phải đạt 167 điểm trên tổng 17 bài kiểm tra cuối năm học, đồng nghĩa với việc chỉ được có tối đa 3 điểm 9 ở cấp tiểu học, còn lại tất cả phải đạt điểm 10, mới được đăng ký dự thi.

Thực ra, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã áp dụng điều kiện đăng ký dự thi vào lớp 6 với học bạ "toàn 10" từ nhiều năm nay. Nghe học bạ toàn 10 thì ai cũng nghĩ sẽ hiếm có học sinh đạt đủ yêu cầu ấy vì đi học mà toàn điểm 10 tất cả các môn thì chỉ có "siêu nhân"!

Thế nhưng, thực tế không phải như vậy. Năm 2022, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có khoảng 1.200 thí sinh đủ điều kiện học bạ "toàn 10" để vượt qua vòng xét tuyển, tiếp tục vào vòng dự thi đánh giá năng lực để tuyển 200 chỉ tiêu.

Trên địa bàn Hà Nội, còn có một số trường THCS chất lượng cao khác như THCS Cầu Giấy, THCS Lê Lợi (Hà Đông), THCS Thanh Xuân, THCS Nam Từ Liêm… cũng áp dụng hình thức tuyển sinh căng thẳng tương tự.

Nhiều phụ huynh thừa nhận, để đăng ký dự thi vào các trường này thì bố mẹ phải có "chiến lược" ngay từ khi con vào lớp 1, làm thế nào để học bạ "đẹp", cố gắng không có điểm 9 ở kỳ kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm học.

Ngày xưa mình có học câu: “Nhỏ mà không học lớn mò sao ra“. Tuy không hiểu rõ là khi lớn lên thì mò cái gì? - nhưng vẫn cố gắng học hành vì hoặc nhà nghèo, biết phải ráng học, hoặc vì cha mẹ luôn khuyến khích, khuyên lơn, có khi hăm he, phạt …

Bây giờ nước ta đã đổi thể chế, có lãnh đạo tổ chức chặt chẽ. Các em được quàng khăn đỏ, được vào thiếu niên Tiền phong, có quy chế cấp bậc hẳn hoi (quan trọng lắm !) … cho nên cha mẹ cũng biết quy luật ở đời bây giờ là: “Có tiền mua tiên cũng được” hay “Tiền là tiên là Phật” v.v… nên phải lo cho công danh sự nghiệp của con cháu ngay từ nhỏ. Cứ thế chúng sẽ dần lớn lên, hiểu rõ quy luật, biết đường đi nước bước ngay từ lúc còn nhỏ. Thật không có gì hay hơn thế !
Gánh Chè Trôi Nước

Cách đây khoảng mười mấy, hai mươi năm, có lần tui về VN chơi đến gần 1 tháng, tui có thói quen là đi đâu chơi thì đi nhưng buổi trưa là tui về ăn cơm với Má cho Má vui rồi mới đi tiếp. Một hôm trời Sài Gòn trưa nắng gắt, vừa ăn xong tui ra ngoài hàng hiên ngồi phì phà điếu thuốc thì nghe có tiếng ai rao hàng từ noài ngõ vọng vào: - Ai chè trôi nước hooooong ! Sau đó thấy có chị kia gánh một gánh chè đi ngang cổng nhà, tính gọi vào kêu 1 chén mà vừa ăn cơm xong no quá tui lại thôi, không gọi. Bước vô nhà nói con bé Na cháu tui pha cho cậu 1 ly café, lúc đi ra ngồi lại chỗ cái bàn đá trong sân thì tui thấy ngay sát hàng rào chỗ cây xoài con lất phất cành lá của những nhánh cây nhỏ có một cô gái đang đứng núp vô bóng mát, bên cạnh là gánh chè. Cô ấy giở nón lá ra, lấy cái khăn vắt trên đòn gánh xuống lau mặt và cổ đang mồ hôi nhễ nhại. 

Thấy cái cảnh này tui xót xa quá, một thằng đàn ông ngồi trong nhà có quạt máy mát mẻ, nhâm nhi điếu thuốc và ly café đá, còn ngoài kia một người phụ nữ trạc hai mấy ba mươi oằn vai với gánh chè dưới cái nắng cháy da. Tui bèn mở cổng ra, đi lại chỗ cây xoài nơi cô ấy đứng và hỏi: - Chè gì vậy chị ? Hỏi xong tui mới thấy mình vô duyên, rõ ràng người ta rao nãy giờ "Ai chè trôi nước hooooong" mà còn hỏi ! Cô ấy trả lời: - Dạ, trôi nước. - Ồ vậy chị bán cho tui 1 chén đi. Cô ấy mới tháo cái ghế đẩu bằng mủ máng trên gánh xuống, ngồi múc cho tui 1 chén chè đầy ắp, rắc mè lên, cắm cái muỗng nhôm vô chén rồi đưa tui. Ôi chao chè trôi nước nó ngon làm sao, tui cắn 1 miếng, nó dính răng, tui múc 1 muỗng nước chè để nuốt cho thông cổ thì thấy nó ngọt ngọt, cay cay vị gừng, lấm tấm mấy hạt mè thơm phức. Khoái quá tui múc, múc, múc, húp riết, một hồi nhìn lại thì chết cha, còn 3, 4 viên chè mà nước thì đi đâu hết trơn hết trọi. Thôi cũng ráng nhai và nuốt chớ sao giờ, mắc nghẹn mấy lần mới xong chén chè. - Bao nhiêu vậy chị ? - Dạ 5 ngàn. Tui móc túi ra một đống tiền giấy đủ loại vì xài tiền VN không quen, ai thối nhiêu tui cứ nhét vô hằm bà lằng, lật lật thấy tờ 10 ngàn tui đưa cô ấy và nói: - Được rồi chị, khỏi thối. Cô ấy ngước mắt nhìn tui, nghĩ gì đó xong móc túi thối lại tui đúng 5 ngàn rồi máng ghế lên và quảy gánh đi tiếp vô trong ngõ, "Ai chè trôi nước hooooong !" ... Tay tui cầm tờ 5 ngàn mà cái mặt đực ra, hơi quê quê, không biết nói gì, nghĩ là mình ăn nói không khéo nên chị ta tự ái, một lúc sau tui mới bước vô nhà. 

Qua hôm sau, tui ăn lẹ hơn 1 chút, nói con bé Na pha ly café, để sẵn cho tui 5 cái chén rồi tui rinh hết ra bàn ngồi chờ, một lúc sau thì nghe "Ai chè trôi nước hooooong !", tui bèn mở cổng, khệ nệ khiêng 5 cái chén ra đứng kế bóng mát của cây xoài, nói: - Chị để gánh chỗ này cho mát rồi bán cho tui 5 chén nha, chè ngon quá tui mua cho mấy đứa cháu ăn thử, có chén nhà sẵn rồi một hồi chị khỏi phải rửa chén của chị ! Chị ta cũng không nói gì, múc đúng 5 chén chè, tui bưng từng chén vô để trên bàn đá trong sân. Xong xuôi tui móc 25 ngàn đếm sẵn đưa cho cô ấy, chị ấy lí nhí "Cám ơn" xong mắc ghế lên quảy gánh đi liền. 

Hôm sau nữa tui cũng núp lùm y chang như vậy, cũng 5 chén chè, cũng 25 ngàn, lần này được thim chữ "Anh", "Cám ơn anh !" Tới hôm thứ 4 thì mấy đứa cháu nó nói: - Cậu cậu, tụi con ngán trôi nước tới tận cổ rồi, mua chè khác đi cậu ! Tui trừng mắt lên một cái tụi nó le lưỡi chạy tuốt vô phòng. 

Hôm sau tui cũng bưng 5 cái chén chờ sẵn, nhưng có cầm thêm 3 phong chocolate ở bển đem về nữa, lúc chị ấy múc chè tui hỏi: - Chị có cháu nào không, biếu chị mấy phong sô cô la về cho mấy đứa nè. - Dạ có 2 đứa anh. - Tụi nó đi học hả chị ? - Dạ hong, ở với bà nội ngoài Trung. Đứng hỏi thêm một hồi thì biết chị ấy ở cái làng nào cách Huế khoảng 15 cây số, chồng làm phụ hồ bị tai nạn mà nhà nghèo nên bác sĩ cho về, chấn thương sọ não nằm liệt giường mê man gần năm nay rồi, 2 đứa con cũng không đi học vì không có tiền, ở nhà với bà nội, chị vô đây ở nhờ nhà bà chị họ, hàng ngày đi bán chè, kiếm được nhiêu gởi về ngoải hết. 

Suốt tuần đó tui ăn chè trôi nước, Má tui ăn chè trôi nước, 3 đứa cháu ăn chè trôi nước, cô người làm ăn chè trôi nước, tụi bạn học của mấy đứa cháu ăn chè trôi nước, ra đường thấy cái gì trôi trôi dưới nước là bao tử tui lộn ngược hong dám nhìn luôn ! Ụa mà sao hôm nay hong nghe tiếng rao ta? 

Ăn trưa xong bước ra cổng thì tui thấy có 1 cái bịt bự treo chỗ ổ khóa, tháo xuống xem thì thấy có ... 5 bịch chè trôi nước trong đó ! Nhìn quanh không thấy ai nhưng thoáng thấy bóng dáng chị ta vừa quẹo đi ra ngoài đầu ngõ, tui liền chạy theo kêu: - Chị, chị, chờ chút, đi đâu đó, gánh chè đâu mà đi không vậy ? Chị ta lúc đó mới dừng lại, nhìn tui ngập ngừng nói: - Dạ tui về quê anh ơi, ba tụi nó mới mất, chắc tui ở ngoải luôn hong vô đây bán nữa, cám ơn anh cả tuần nay mua giúp tui, anh ở lại mạnh khỏe nha anh. Nghe vậy tui cũng bùi ngùi, gom hết trong túi ra được đâu hình như 1 triệu, thời đó chắc cũng mua đâu được cỡ 40 tô mì vịt tiềm à, tui đưa cho chỉ và nói: - Cho tui chia buồn cùng chị nha, thôi chị cầm chút tiền cho tui vui, đi xe với lại mua quà cho tụi nhỏ, chị cầm đi hong tui giận à ! Chị ta chần chừ, chần chừ, rồi một hồi lâu đưa tay cầm tiền, xong hong nói gì hết mà nhìn tui gật gật đầu nhẹ, thấy mắt chị hơi đỏ. Rồi chị ấy quay lưng rảo từng bước chân từ từ khuất xa. 

Sau đó 1 tuần. - Ai tàu hũ hooooong ! Giọng này giọng người miền Nam, người khác à. Mấy đứa cháu nó thấy tui đi bang bang ra ngoài cổng tụi nó lôi tui xềnh xệch vô tuốt trong nhà nhốt tui vô phòng liền. Chèn ơi, ăn thêm 1 tuần tàu hũ có sao đâu tụi bây !

ST.
HOẠ SĨ ỚT, TÊN HUNG THẦN CỦA VĂN NGHỆ SĨ MIỀN NAM

Phần 1

1* Mở bài
Sau ngày 30-4-1975, bọn Việt Cộng nằm vùng đều lòi mặt ra hết, trong đó, người hung hản nhất, gây kinh hoàng trong giới văn nghệ sĩ Sài Gòn, là họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành.

Tên thật là Huỳnh Thanh Tâm, bí danh là Ba Trung, làm trưởng ban “chống tình báo CIA” của Sở Công An Thành Phố Sài Gòn.

2* Khủng bố văn nghệ sĩ
Chính họa sĩ Ớt, Huỳnh Bá Thành, chỉ huy những cuộc theo dõi, bố ráp, bắt giữ, thẩm vấn và giam cầm những văn nghệ sĩ nạn nhân, bị cho là gián điệp của CIA Hoa Kỳ.

Đồng thời bỏ tù những tu sĩ Phật Giáo bị gán tội phản cách mạng. Hai vụ điển hình là, “vụ án Thập nhị tăng ni Già Lam” và “vụ án Hồ Con Rùa” hay là “Những tên biệt kích cầm bút”.

2.1. Vụ án “Thập nhị tăng ni Già Lam”
Ngày 30-3-1984, vào buổi sáng, Hoà thượng Thích Trí Thủ chùa Già Lam, Phú Nhuận, được mời lên văn phòng Mặt Trận Tổ Quốc. Hòa thượng được cho nghe cuộn băng ghi tiếng nói của một tăng sinh bị bắt về “tội phản động”. Tăng sinh đó khai Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ, Thượng toạ Thích Trí Siêu và ni cô Thích Trí Hải là những người trong ban lãnh đạo của một tổ chức phản động, mưu đồ lập chiến khu gây bạo động.

Trong khi Hòa thượng Trí Thủ ở văn phòng Mặt Trận Tổ Quốc, thì tại chùa Già Lam, hai Thượng tọa Tuệ Sĩ và Trí Siêu bị bắt. Đồng thời, ni cô Trí Hải cũng bị bắt từ Hố Nai đưa về trung tâm thẩm vấn và tạm giam ở số 4 đường Phan Đăng Lưu.

Vài ngày sau đó, Hòa thượng Trí Thủ bị chết bất đắc kỳ tử, và tin nước ngoài cho rằng ông bị ám sát.

Trong đợt hành quân lớn, 19 tăng, ni, cư sĩ khác cũng bị bắt, giam đến ngày 30-9-1988, (4 năm) mới đưa ra tòa xét xử.

Hai Thuợng tọa Thích Tuệ Sĩ và Thích Trí Siêu bị tòa kết án tử hình.
Hai án chung thân dành cho hai cư sĩ Phan Văn Ty và Tôn Thất Kỳ.
Hoà thượng Thích Đức Nhuận lãnh án 10 năm. Các vị khác bị từ 4 đến 15 năm.

Ngày hôm sau, 1-10-1988, báo Sài Gòn Giải Phóng loan tin, hai vị Tuệ Sĩ và Trí Siêu ngoan cố, không chịu nhận tội. Đó là “tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ Cộng Sản”.

Thượng tọa Thích Tuệ Sĩ và Thích Trí Siêu là hai nhà sư uyên bác nhất của Phật Giáo Việt Nam.

Thích Tuệ Sĩ, tục danh là Phạm Văn Thương, một học giả uyên bác về Phật Giáo. Là Giáo sư thực thụ của Đại học Vạn Hạnh, thông thạo tiếng Anh, Pháp, Trung Hoa, Nhật, Pali, Phạn và tiếng Đức.

Thích Trí Siêu là giáo sư, tiến sĩ, sử gia, thiền sư Lê Mạnh Thát.

Do áp lực quốc tế và sự vận động của người Việt ở nước ngoài, ngày 15-11-1988, Hà Nội phải mở phiên xử phúc thẩm để giảm hai án tử hình xuống còn 20 năm tù.

Hai án chung thân giảm xuống còn 18 và 16 năm.
Hoà thuợng Thích Đức Nhuận giảm xuống còn 9 năm tù.

Những cuộc bố ráp, bắt giam, thẩn vấn và kết tội là do họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành trực tiếp chỉ huy.

2.2. Vụ án “Hồ Con Rùa” hay “Biệt Kích Cầm Bút”
Vụ án “Hồ Con Rùa” đưa đến việc bắt bớ văn nghệ sĩ Sài Gòn. “Biệt kích cầm bút” là cái tên do 2 đại tá VC, Tổng và Phó Ban biên tập tuần báo Công An Saì Gòn ghép tội cho các văn nghệ sĩ miền Nam sau ngày 30-4-1975 để bắt bỏ tù họ.

Ngày 2-4-1984, một vụ nổ lớn dữ dội tại tháp Hồ Con Rùa ở ngã tư Duy Tân – Trần Quý Cáp thuộc khu vực nhà thờ Đức Bà quận 1 Sài Gòn.

Báo nhà nước quy kết tội phá hoại, một người trong số chủ mưu thiệt mạng và những người khác bị bắt.

Sau vụ nổ, hơn 200 văn nghệ sĩ, nhà văn, giáo sư bị bắt đi tù. Người chỉ huy, điều động bắt bớ cũng chính là họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành, bí danh Ba Trung.

Những nhân vật nổi tiếng như Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Sĩ Tế…Đặc biệt, Nhã Ca là nhà văn nữ duy nhất có tên trong danh sách “Mười Biệt Kích Cầm Bút”(BKCB) bị cầm tù trong cuộc hành quân lớn của công an Sài Gòn.

Mười “BKCB” gồm có:
Doãn Quốc Sĩ,
Dương Nghiễm Mậu,
Nhã Ca,
Phan Nhật Nam,
Thanh Tâm Tuyền,
Duyên Anh,
Khuất Duy Trác,
Hiếu Chân Nguyễn Hoạt,
Trần Ngọc Tư
Lý Thụy Ý.

Ban đầu, những văn nghệ sĩ miền Nam bị ghép vào tội “Gián điệp”, nhưng đến năm 1988, đổi lại thành tội “Tuyên truyền phản cách mạng”. Vụ án văn nghệ sĩ Sài Gòn được công an in thành sách, dựng thành phim mang tên “Vụ Án Hồ Con Rùa”.

Tháng 9 năm 1988, nữ sĩ Nhã Ca, chồng là nhà văn Trần Dạ Từ cùng gia đình rời VN sang Thụy Điển, nhờ sự can thiệp của Văn Bút Quốc Tế(PEN International, PEN=Poets, Essayists &Novelists)phối hợp với Ân Xá Quốc Tế và sự bảo lãnh của thủ tướng Thụy Điển Ingvar Karlsson.

Từ năm 1992, bà Nhã Ca định cư ở Cali, tiếp tục viết văn, làm báo, chủ nhiệm hệ thống Việt Báo Daily News tại Hoa Kỳ.

Thật ra, có một số bài viết được gởi ra nước ngoài.

Luật sư Triệu Quốc Mạnh, một tên VC nằm vùng tại Nha Cảnh Sát Đô  Thành, với cấp bậc đại úy, được chỉ định là luật sư biện hộ cho các văn nghệ sĩ, Mạnh nói với các nạn nhân: “Các anh viết bài gởi ra nước ngoài, dù chỉ than thở nghèo đói cũng là bôi bác chế độ. Các anh làm cho họ đau lắm.
Các anh làm cho họ đau, họ bỏ tù các anh, như vậy là huề”.

Luật sư biện hộ mà nói với thân chủ của mình như thế, thì biện hộ theo cái kiểu gì đây?

3* Ớt bị thất sủng và cái chết bất đắc kỳ tử
Sau thời gian gây kinh hoàng cho giới văn nghệ sĩ, khi thiếu tướng Trần Bạch Đằng, bút danh Nguyễn Trương Thiên Lý, người đở đầu cho họa sĩ Ớt bị điều ra Bắc, và Hà Nội đưa người cài vào các cơ quan miền Nam, thì Huỳnh Bá Thành mất chỗ dựa, không còn tung hoành như trước nữa.

Ớt đã từng tống tiền, bắt địa những người Hoa xin xuất cảnh ra nước ngoài, anh ta được xem như tay tổ tham nhũng, cũng giống như Năm Thạch, đại tá VC Nguyễn Văn Năm, làm giám đốc Sở công tác về người nước ngoài, số 161 đường Nguyễn Du, cấp giấy xuất cảnh cho các diện con lai, đi nước ngoài chữa bịnh và chương trình ODP, sum họp gia đình do thân nhân bảo lãnh.

Năm Thạch vốn là VC nằm vùng, làm quản lý của đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga. Thạch là tay ăn hối lộ trắng trợn, nên bị Hà Nội cho người vào bắt ép phải tự tử tại nhà ở đường Công Lý, và công an mở cửa cho công chúng vào xem xác chết. Ngay sau đó, vợ con bị trục xuất ra khỏi nhà để đào bới tìm vàng chôn dấu.

Huỳnh Bá Thành bị thất sủng ngay sau khi người em đã vượt biên qua Mỹ. Anh ta đến nhậu tại nhà bạn bè và tâm sự như thế, cho biết anh muốn xin qua làm việc ở Công ty Du lịch, là nơi béo bở, có thể thu hoạch được nhiều tiền trong thời kỳ đó.

Anh ta tiết lộ về cuộc đấu trí với ông Doãn Quốc Sĩ. Ông Sĩ thấy bị động, nên làm đơn xin xuất cảnh “sang Úc”. Công an lờ đi, cho cấp xuất cảnh, cho phép được gặp phái đoàn Úc để phỏng vấn, mọi việc trơn tru. Ông Doãn Quốc Sĩ chỉ còn chờ được lên danh sách chuyến bay, xem như được thoát nạn 90%, nhưng bị Ớt vây bắt trên đường ra phi trường. Chính miệng hắn kể lại trong lúc nhậu nhẹt như thế.

Sau chuyến đi công tác qua Pháp, lý do là tổ chức màn lưới gián điệp, nhưng dư luận cho rằng có mục đích về tài chánh, như chuyển tiền ra ngoại quốc chẳng hạn. Khi về VN thì bị chết bất đắc kỳ tử, và tên đàn em thân tín, chuyên thu tiền cho sếp, là trung úy Sơn, người Quảng Nam, cũng chết với lý do mờ ám.Dư luận cho rằng Ớt bị thanh toán.

 4* Họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành nằm vùng
Họa sĩ Ớt Huỳnh Bá Thành là một “cơ sở” (1 người) trụ cột của cụm điệp báo A10, mục đích chính là tác động vào thành phần thứ ba do tướng Dương Văn Minh lãnh đạo.

4.1. Việc thành lập cụm điệp báo A10
Trong Hiệp định Paris năm 1973 có vai trò của Thành Phần Thứ Ba, nên CSBV muốn nắm thành phần nầy để tác động, gây ảnh hưởng, lèo lái, đó là lý do thành lập cụm điệp báo A10. Ngoài ra, cụm A10 còn thâm nhập vào các tổ chức đối lập như Phong Trào Chống Tham Nhũng của Linh Mục Trần Hữu Thanh và Hội Ký giả, cũng như các dân biểu đối lập.

Tại căn cứ Cây Dầu ở Campuchia, Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), và trùm tình báo VC Trần Quốc Hương (Mười Hương) quyết định cử Mười Thắng làm cụm trưởng cụm A10. Cái tên “A 10” lấy từ chữ An ninh (A)và 10 là  Mười Thắng. A10 trực thuộc Ban An Ninh T4 (Sài Gòn-Gia Định)do Mai Chí Thọ phụ trách.

Trần Quốc Hương (Mười Hương)cho biết:

“Trong căn cứ, tôi thường xuyên theo dõi và nghiên cứu báo chí đối lập, nhất là tờ Điện Tín, nên biết họa sĩ Ớt có tên là Hùnh Bá Thành là một họa sĩ có tài, thông qua các biếm hoạ mà dựng lên bản chất của nhân vật.

Sau khi chỉ đạo, kiểm tra, xác minh, tôi chấp nhận đề xuất của Mười Thắng, đưa cậu Thành vào cụm A10.”

Huỳnh Bá Thành có mối quan hệ và ảnh hưởng trong giới trí thức, ký giả và các dân biểu đối lập.

Tháng 7 năm 1973, Huỳnh Bá Thành được móc nối lại trong cụm A10. Thành được kết nạp vào đảng năm 1968, nhưng do người chỉ huy bị bắt, nên mất liên lạc. Cụm A10 gồm những người trẻ, đặc biệt là cùng gốc Quảng Nam- Đà Nẳng:

Cụm trưởng: Mười Thắng, 21 tuổi

Họa sĩ Ớt: 30 tuổi, làm việc tại báo Điện Tín, do cựu đại tá, nghị sĩ Hồng Sơn Đông làm chủ nhiệm, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận là chủ bút.

Ngô Văn Dũng, 22 tuổi, kỹ sư nông lâm súc, nằm vùng, là phụ tá của TS Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng đặc trách kinh tế.

Võ Văn, 20 tuổi, hoạt động trong lõm chính trị Bảy Hiền.

Sau khi báo Điện Tín bị đóng cửa, Họa sĩ Ớt làm việc và ở ngay trong dinh Hoa Lan, nhà của Dương Văn Minh, số 58 đường Hồng Thập Tự, quận 1 Sài Gòn.

Những tên nằm vùng tại những cơ quan:

Đài phát thanh Mẹ Việt Nam thuộc Tổng cục CTCT.

Luật sư Triệu Quốc Mạnh, đại úy cảnh sát tại Nha Cảnh Sát Đô Thành (CSĐT), Mạnh được Dương Văn Minh (DVM) cử làm giám đốc Nha CSĐT. 

Trung úy VC Huỳnh Ngọc Thắng nằm vùng trong văn phòng Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tổng Cục Tiếp Vận.

3 kỹ sư điện và điện tử tốt nghiệp Đại học Kỹ Thuật Phú Thọ, gồm Lương Mạnh Dũng, Bùi Sáu và Lê Ngọc Báu nằm vùng trong Phòng 7 TTM, thực chất là cơ quan tình báo kỹ thuật của Mỹ CDEC(Combine Document Exploitation Center). Họ đã cung cấp những tin tức vô cùng quan trọng.

4.2. Công tác của Huỳnh Bá Thành
1). Báo cáo tình hình và những nhân vật chính trị Sài Gòn
Từ ngày 14-3-1974 đến 2-1-1975, họa sĩ Ớt đã có 108 nhân vật được vẽ và bài viết trên báo, được xem như những báo cáo công khai cho cấp trên ở Cục R.

2). Kế hoạch sao chổi và Ngày Ký giả đi ăn mày
Ngày 22-9-1974, Tổng thống Thiệu thông qua một kế hoạch mang tên Sao Chổi, mục đích quét sạch VC nằm vùng và đối lập thân cộng. Đại úy Triệu Quốc Mạnh đánh cắp bản văn, chuyển qua cho Huỳnh Bá Thành (HBT).

HBT đưa nguyên văn bản kế hoạch cho các báo đối lập đăng tải phổ biến ngày 1-10-1974. Làn sóng “căm phẩn” nổi lên, ngày 10-10-1974, hàng trăm ký giả xuống đường phản đối chính quyền, lấy tên là “Ngày ký giả đi ăn mày”.

3). Tác động chống “Chính phủ Thiệu mà không có Thiệu”
Mục đích là ngăn cản Trần Văn Hương làm Tổng thống. Trong kế hoạch đưa Dương Văn Minh (DVM) lên làm tổng thống, HBT “tác động” các dân biểu đối lập, đưa ra Bản tuyên bố, chống “chính phủ Thiệu mà không có Thiệu”. Bản tuyên bố được nhóm của HBT dịch ra tiếng Anh và Pháp, trao cho ký giả ngoại quốc, trong nước, và đại diện 40 đoàn thể tham dự buổi họp báo ở Hạ Viện để tấn phong chức vụ tổng thống cho Trần Văn Hương. Cuộc biểu quyết bất thành. Trần Văn Hương từ chức, giao quyền lại cho  Quốc hội.

4). Huỳnh Bá Thành ra mật khu nhận chỉ thị
Tháng 3 năm 1975, HBT đóng vai một người đi mua đất, vì sắp có hòa bình. Ăn mặc bảnh bao, áo kaki 4 túi, thuê xe máy cày đi vào mật khu Long Khánh để báo cáo và nhận chỉ thị của Mai Chí Thọ.

Huỳnh Bá Thành tên thật là Huỳnh Thanh Tâm, sinh năm 1942 tại làng Khái Đông, huyện Hòa Vang nay là Hòa Hải quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẳng. Chết bất đắc kỳ tử năm 1993.

Tuesday, November 28, 2023

VẠCH TRẦN BỘ MẶT BÁ ĐẠO với CHỦ THUYẾT “TIẾN LÊN XHCH” CỦA BARACK OBAMA QUA CUỐN SÁCH “Racism, revenge and destruction: It's all Obama”

Cuốn sách mới bùng nổ vạch trần ảnh hưởng cấp tiến bị cáo buộc của Obama đối với chính quyền hiện tại. Trong một ấn bản mới gây chấn động đang gây tranh cãi và thảo luận trên khắp các lĩnh vực chính trị, tác giả Scott McKay trình bày một trường hợp hấp dẫn chống lại cựu Tổng thống Barack Obama.

Cuốn sách có tựa đề “Phân biệt chủng tộc, trả thù và hủy hoại: Tất cả đều là Obama,” đi sâu vào những gì tác giả McKay mô tả là niềm tin theo chủ nghĩa Marxist cực đoan và “phi Mỹ” của Barack Obama, mà ông cáo buộc hiện đang được sử dụng để thao túng chức vụ tổng thống của Biden từ phía sau hậu trường.

Câu chuyện bắt đầu bằng việc nhìn lại sự nghiệp chính trị ban đầu của Barack Obama, mà tác giả McKay tuyên bố đã bắt đầu trong phòng khách của Bill Ayers, một nhà tổ chức chiến binh cực tả và là người sáng lập Weather Underground. Mối liên hệ này, cùng những mối liên hệ khác với những nhân vật gây tranh cãi như học giả người Palestine tẩy chây và bài Do Thái-Rashid Khalidi và nhà tiên phong về Lý thuyết chủng tộc phê phán Derrick Bell, đã vẽ nên bức tranh về một tổng thống bị ảnh hưởng bởi các hệ tư tưởng cực đoan ngay từ đầu.

Tác giả McKay tiếp tục mô tả mối quan hệ của Barack Obama với những nhân vật cấp tiến này phần lớn đã bị giới truyền thông chính thống phớt lờ hoặc hạ thấp mà tác giả cáo buộc là đã tuân thủ và bảo vệ hình ảnh của Obama.

Ông cho rằng nếu công chúng Mỹ nhận thức đầy đủ về những mối liên hệ này thì con đường đến chức tổng thống của Barack Obama có thể đã bị cản trở. Cuốn sách cũng đề cập đến mối quan hệ gây tranh cãi giữa Barack Obama và Do Thái, nêu bật những lời chỉ trích của ông đối với các chính sách của Israel và thái độ tiêu cực bị cáo buộc của ông đối với sự lãnh đạo của nước này.

McKay lập luận rằng lập trường chính sách đối ngoại của Barack Obama được định hình bởi các nghiên cứu của ông với những cá nhân như Eric Said và Rashid Khalidi (học giả Palestine), những người được coi là có quan điểm bài Do Thái triệt để.

Trong một tuyên bố đặc biệt mang tính kích động, tác giả McKay khẳng định rằng Barack Obama đang phục vụ hiệu quả nhiệm kỳ thứ ba không chính thức bằng cách gây ảnh hưởng đối với chính quyền của Joe Biden. Ông thừa nhận rằng các thể chế liên bang hiện được điều hành bởi giới tinh hoa, những người có chung tầm nhìn Marxist của Barack Obama, làm thay đổi căn bản cơ cấu xã hội và quản trị Hoa Kỳ.

Tác giả không ngại thảo luận về những khía cạnh cá nhân hơn trong cuộc sống của Barack Obama, bao gồm cả mối quan hệ của ông với mục sư của mình, Jeremiah Wright, người có lối hùng biện cực đoan từng là một điểm gây tranh cãi. McKay cũng đề cập đến Frank Marshall Davis, người được ban Thượng viện Hoa Kỳ xác định là thành viên của Đảng Cộng sản, là người có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển hệ tư tưởng của Barack Obama. Những cáo buộc của cuốn sách kéo dài đến những năm đại học của Barack Obama, khi một người bạn cùng lớp nhớ lại rằng ông đã ủng hộ cuộc đấu tranh giai cấp theo chủ nghĩa Mác-Lênin và dự đoán một cuộc cách mạng sẽ lật đổ hệ thống tư bản chủ nghĩa.

Theo tác giả McKay, những kinh nghiệm hình thành này đã đặt nền móng cho chương trình nghị sự chính trị trong tương lai của Barack Obama. Công việc của tác giả McKay lên đến đỉnh điểm là lời cảnh báo nghiêm trọng về đường hướng của đất nước dưới sự thống trị của chủ nghĩa cấp tiến được cho là của Barack Obama. Barack Obama vẽ ra một bức tranh đen tối về nước Mỹ, nơi các giá trị truyền thống bị đảo lộn và tình trạng vô luật pháp ngự trị ở các thành phố lớn, cho rằng sự suy giảm này là do ảnh hưởng của hệ tư tưởng Barack Obama đối với các chính sách và thực tiễn liên bang hiện tại.

Khi cả nước hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, tác giả McKay cảnh báo cử tri hãy cảnh giác với những ứng cử viên có thể tiếp tục truyền bá những triết lý mà ông gán cho Barack Obama.

Cuốn sách đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động đối với những người bảo thủ để lấy lại câu chuyện và lèo lái đất nước quay trở lại các nguyên tắc nền tảng của nó.

Cuốn sách “Phân biệt chủng tộc, trả thù và hủy hoại: Tất cả là Obama” sẵn sàng khơi dậy cuộc tranh luận và thách thức những câu chuyện đang thịnh hành về một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lịch sử chính trị Mỹ gần đây. Cho dù người ta có đồng ý với kết luận của tác giả McKay hay không thì cuốn sách này vẫn là một bổ sung mang tính khiêu khích không thể phủ nhận cho cuộc tranh luận xung quanh di sản của Barack Obama và tác động của ông đối với Hoa Kỳ.

Nếu như quần chúng Mỹ không thức tỉnh, thì ảnh hưởng chủ thuyết Marxist-Lenin, và thể chế Xã Hội Chủ Nghĩa do Barack Obama và giới “cực tả” tuyên truyền, đầu độc, và sẽ dần phủ lấp lên nền tảng của Hoa Kỳ, một siêu cường bậc nhất địa cầu đang đứng bên bờ lung lây chuyển hướng ngược về thời đồ đá theo chế độ cộng sản… tân thời!!!

(source from Scott McKay’s Book)

| Phan Nguyên Luân |… trích dịch & thực hiện

Blog Archive