Tuesday, May 31, 2016

Chuyện Phi Công Mỹ Vượt Trại Tù CS


Nguyễn Thị Mão

blank
Trung úy Dieter Dengler tại bệnh viện sau khi được giải cứu.

Trong cuộc chiến chống cộng sản tại Việt Nam trước đây, bên cạnh sự chiến đấu dũng cảm của quân đội Viêt Nam Cộng Hoà, không thể không nói đến sự chiến đấu của những quân đội đồng minh, và đặc biệt sự dũng cảm, can trường của những người lính Mỹ đến từ một quốc gia cách nửa vòng trái đất. Họ là những chàng trai bỏ lại sau lưng mọi niềm vui của tuổi thanh xuân, nhập ngũ và sang giúp bảo vệ miền Nam Việt Nam trước họa xâm lăng của cộng sản. Trên bức tường đá đen tại đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam ở Washington DC có ghi danh hơn 58,000 tử sĩ Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam.

Hơn 40 năm sau cuộc chiến, những cựu chiến binh từng chiến đấu chống cộng tại Việt Nam năm xưa nay đã vào tuổi xế chiều, nhiều người đã ra đi.

Câu chuyện sau đây kể về một phi công người Mỹ là bạn của chồng tôi. Câu chuyện trốn thoát trại tù cộng sản tại Lào của Dengler đã được viết thành sách "Escape from Laos". Thêm cuốn "Hero Found: The Greatest POW Escape from Vietnam War" kể về cuộc đời của Dengler viết bởi Bruce Henderson, người từng cùng phục vụ trong đội bay với Dengler. Câu chuyện cũng được làm thành phim "Rescue Dawn", do tài tử Christian Bale đóng vai Trung Úy Dengler..

Bài viết sơ lược này để tưởng nhớ Lieutenant Dieter Dengler, của United Stated Navy

*
blank
Phi công Dengler tại San Diego, tháng 12 năm 1996.

Dieter Dengler sinh năm 1938 là một di dân từ nước Đức, tới Mỹ với hoài bão sống trong tự do và có cơ hội thực hiện ước mơ bay bổng.

Ngay khi đủ 18 tuổi, chàng Dieter xin gia nhập không quân Mỹ và được tuyển dụng, nhập ngũ năm 1957.

Sau khi được đào tạo cơ bản tại căn cứ Lackland ở San Antonio, Texas, ông được giao nhiệm vụ là một kỹ thuật viên động cơ, sau đó, được chọn dự khoá đào tạo sĩ quan và trở thành một phi công.

Tại trạm không lực Hải Quân Corpus Christi, Texas, ông được đào tạo như 1 phi công trong Douglas AD Skyraider và gia nhập VA-145 trong khi mãn khóa tại Naval Air Station Alameda, Califonia.

Năm 1965, phi đội của Trung úy Dieter Dengler tham gia các tàu sân bay USS Ranger và chiến hạm này được điều động về bờ biển Việt Nam, ông được điều về và đóng tại trạm Dexie, ở Nam Việt Nam và sau đó chuyển về phía bắc tại trạm Yankee để mở những cuộc chống lại sự xâm lược của miền Bắc.

Trong cuộc hành quân phía bắc gần biên giơi Lào, nằm về phía tây của đèo Mụ Giạ, ngày 1 tháng 2 năm 1966, ông được điều tới một phi vụ do Hải Quân AD Skyraider từ VA-15 hoạt đông vận chuyển, ông có nhiệm vụ cùng 3 chiếc máy bay khác ngăn chặn đoàn xe tải quân trang của CS từ Bắc vào Nam. Hôm đó thời tiết không mấy tốt, nên tầm nhìn xa rất khó khăn do những vụ cháy dưới đất từ các mục tiêu, ông mất tầm nhìn với 3 chiếc máy bay khác, ông quyết định lượn chiếc Skyraider vào mục tiêu. Sau hơn 2 tiếng quần thảo trong vùng địch, máy bay ông bị trúng đạn và bốc cháy.

Một tiếng nổ lớn như sét đánh. Cánh phải của chiếc Skyraider rớt xuống. Máy bay lộn nhiều vòng trong bầu trời đầy lửa đạn. Dieter cố điều khiển máy bay vào một khoảng trống trên đất Lào. Khi còn khoảng hơn 100 mét cách mặt đất, ông bị đẩy ra khỏi máy bay, rớt xuống mặt đất, bất tỉnh trong vài phút nhưng ông kịp dậy và biến vào rừng,. Khi phi hành đoàn nhận ra máy bay của ông đã bị bắn hạ, họ tin tưởng rằng ông đã ẩn nấp trong rừng và chờ được cấp cứu.

Ngay khi vào rừng, ông đã nhanh chóng đập vỡ máy vô tuyến điện, và dấu hết các thiết bị tồn tại khác để tránh cho quân cộng sản hay quân Lào có thể tìm thấy. Nhưng chỉ một ngày sau khi máy bay bị bắn ha, ông đã bị quân Pathet lào bắt sống. Họ đã dẫn độ ông xuyên qua các khu rừng, bị trói ghô trên bốn cọc để ngăn chặn ông có thể trốn thoát khi đêm xuống. Nhưng tuy bị cột như thế ông không ngừng nghĩ cách trốn thoát, ông đã cố chạy trốn trên đường họ giải ông đi, và ông đã thoát, trên đường chạy trốn ông ngừng tại một con suối để uống nước và ông bị bắt lại. Lần này ông bị họ tra tấn, đánh đập. Ông đã bị họ treo ngược chân lên, cho mặt ông đụng vào ổ kiến cho đến khi ông ngất đi, và bị treo lơ lửng trong miệng giếng suốt đêm, ông biết ông có thể bị chết đuối nếu dây thừng bị đứt. Ông bị họ buộc vào một con trâu nước và kéo lê qua những làng mạc để làm vui cho quân lính Pathet lào. Quân Pathet Lào bắt ông phải ký vào tài liệu lên án Hoa Kỳ nhưng ông từ chối, lần này ông bị chúng tra tấn bằng roi vót thật nhỏ và sắc bén, những vết roi đã lằn sâu vào da thịt ông đến nưng mủ và đau đớn trầm trọng.

Một lần khác, họ buộc dây thừng quanh hai tay ông quặt ra sau, rồi cột vào một khúc gỗ và vặn dây thừng nhiều vòng cho đến khi cánh tay và thần kinh ông tê dại, tay ông sau đó không thể cử động trong 6 tháng.

Từng được đào tạo tại trung tâm SERE (Survival, Escape, Resistance, and Evasion) nơi ông đã thực tập thuần nhuyễn những kinh nghiệm vượt thoát và sống sót khio phải đối diện với sự đói khát, dù bị hành hạ, nhưng mỗi lần tỉnh lại là ông vẫn nghĩ ngay tới kế thoát thân.

Sau 3 tuần bị cầm tù và tra tấn do quân Pathet lào, họ giải ông cho quân cộng sản Việt Nam khi họ hành quân qua một ngôi làng.

Khi bị đưa đến trại tù gần làng Parkung, nơi đây ông đã gặp thêm 6 tù binh khác, trong số này có 2 người Mỹ: phi công Duane W. Martin và Eugene DeBruin, cùng 3 người Thái: Phisit Intharathat, Prasit Promsuwan, Prasit Thanee và một người Tàu, là Y.C. To.

Duane W. Martin là một phi công trực thăng đã bị bắn rơi trên vùng trời miền bắc năm trước đó, còn những người tù khác là những nhân viên làm cho hãng hàng không dân sự thuộc sở hữu của CIA.

Ông thấy họ trong tình trạng thật thê thảm, người bị thương tích đầy mình với những mảng thịt lở loét, người thì mất răng, người bị nhiễm trùng nướu răng đầy mủ, người dáng đi như bộ bộ xương biết đi. Nhóm tù nhân này đã ở đó hơn hai năm rưỡi.

Sau ngày đến trại tù, chẳng bao lâu tất cả những tù nhân bị di chuyển đến địa điểm khác cách đó hơn 10 cây số. Khi đến trại mới ông bắt đầu bàn tính chuyện trốn trại, ông và người phi công tên Martin bàn cãi là ai sẽ đi với họ.

Trong khi đó thực phẩm của trại tù hầu như cạn kiệt, ngay cả đôi lúc phải ăn thịt như rắn, thịt chuột... sự căng thẳng giữa những bọn coi tù thêm quyết liệt là làm sao giải quyết mấy người tù binh này. Tối đến họ xích các tù binh lại với nhau và bỏ mặc họ với lạnh lẽo và bịnh hoạn.

Sau vài tháng, một trong những tù nhân người Thái tình cờ nghe được bọn coi tù bàn với nhau hãy làm hiện trường như là mấy tù binh tìm cách trốn nên họ phải bắn cho chết, ngay cả họ cũng đói như tù nhân nữa, họ cũng muốn trở về nhà với gia đình họ. Tất cả mấy bạn tù bấy giờ đồng loạt định ngày để trốn.

Dengler đã lập kế hoạch khống chế cai tù, sau đó sẽ nới lỏng các dây thép gai chung quanh trại để tù nhân có thể chui qua dễ dàng, ông sắp đặt cho các bạn tù kế hoạch tước đoạt súng và khống chế các cai tù khi họ đang ăn trưa, trong khi ông sẽ giải thoát những bạn tù bị còng tay.

Ngày ước định ra tay đã đến. Đó là ngày 29 tháng 6 năm 1966. Trong lúc bọn cai tù đang ăn trưa, nhóm bạn tù giải thoát cho mấy bạn bị còng trước, Dengler và một bạn tù khống chế cai tù và đoạt lấy vũ khí của họ gồm súng trường M1, súng trường tự động Trung Cộng, một súng carbine Mỹ, và một khẩu tự động AK47. Ông dùng khẩu AK 47 này trong việc thoát khỏi trại tù binh. Ông Dengler ra ngoài trước, đến túp lều trại lấy thêm một khẩu M1 cho chính mình và trao khẩu súng Carbine Mỹ cho phi công Martin. Bọn cai tù thấy các tù nhân đã làm loạn và trốn thoát, họ vội chạy về phía ông Dengler và bắn AK 47 xối xả. 1 bạn tù, ông Phisit đã bắn chết tên cai tù khi tên này tiến đến ông. Hai cai tù khác bỏ chạy.

Thế là nhóm bảy tù nhân thoát khỏi trại tù, họ chia nhau thành 3 nhóm, ban đầu ông DeBruin được sắp xếp cho đi với ông Dengler và ông Martin nhưng DeBruin quyết định đi với Y. C. To, một tù nhân gốc Hoa. Họ dự định đến sườn núi gần nhất và chờ cứu hộ. Ông Dengler và Martin đi cùng nhau, quyết định sẽ phải đi xa hơn về hướng Thái Lan.

Trốn trại rất là nguy hiểm, nhưng Dengler thà chết trên con đường vượt thoát còn hơn là bị chết trong trại tù binh. Họ đi mãi, nghỉ ngơi trong khoảnh khắc rồi lại đi tiếp. "Cách nhanh nhất là tìm một dòng sông có thể chảy ra sông Cửu Long và từ đó sẽ đưa chúng ta an toàn sang Thái Lan." Trung úy Dengler nói với Martin, người bạn đã cùng ông vượt ngục.

Tới được một con sông, hai ông làm một chiếc bè để trôi cho nhanh theo dòng nước ghềnh chảy xiết, buổi tối họ buôc mình vào thân cây để không bị cuôn trôi bởi dòng nước chảy mạnh, đến sáng họ ẩn mình dưới những tàng cây dày, được bao phủ trong bùn lẩy. Họ nghĩ rằng đang theo dòng ra sông lớn Cửu Long, nhưng rồi khám phá ra là họ chỉ đi vòng lại chỗ hôm qua mới đi qua, may quá họ không bị phát giác. Hai ông dựng tạm lều dưới lùm cây rậm rạp, tìm thức ăn trong cái làng bỏ hoang gần đó, nhưng sự đói rét vẫn vật vã. Ý định dùng ngọn lửa để làm tín hiệu cho máy bay C-130 đến cứu. nhưng hai ông không còn sức Họ dùng thuốc đạn của khẩu súng Carbine mà ông Martin đã bỏ đi làm vật dẫn lửa để đốt tín hiệu. Đêm đó có một chiếc C-130 lượn quanh đó, hai ông đã vẫy ngọn lửa theo hình chử S và S để hy vong được cứu, nhưng vô vọng.

Trên đường đi trốn trong rừng, có lúc họ nhìn thấy một xóm nhỏ có dân quê ra vào. Ông Martin, sức khoẻ quá yếu vì đói và bịnh sốt rét, muốn đến đó để lấy trộm thức ăn. Dengler đã ngăn cản, và không cho ông Martin đến gần làng đó một mình. Có 1 thằng bé đang chơi với 1 con chó gần đó thấy họ rồi nó chạy vào làng hô hoán lên là "người Mỹ". Trong vài phút một vài người dân xuất hiện họ quỳ và cầu nguyện, nhưng 1 người đàn ông trong bọn vung dao lên và đánh vào chân Martin. Một nhát dao nữa chém đứt đầu của Martin.

Ông Dengler chạy nhanh về phía mấy người dân làng, họ bỏ chạy vào làng kêu cứu. Ông Dangler vội chạy đến chân của Martin và tháo chiếc giày (mà hai ông đã nhặt được trong rừng) rồi chạy hết sức nhanh vào rừng. Thoát chết.

Sau khi thoát chết, ông dự định trở lại ngôi làng bỏ hoang đó sẽ đốt cho tàn rụi đề làm ám hiệu cho đội phi hành đoàn C-130 biết mà đến cứu ông. Ông đã nổi lửa đốt, quả thật phi hành đoàn phát hiện đám cháy và bắn hoả châu lên, nhưng họ lại bay xa, vì không ai nghĩ là có người sống sót bên dưới, họ bay về căn cứ tại Thái Lan.

Sau 23 ngày trốn trong rừng, sáng ngày 20/7/1966, Eugene Peyton Deatrick một phi công lái máy bay lượn trên vòm trời gần dòng sông nơi ông Dengler trốn, ông thấy tín hiệu màu trắng vẫy vẫy hình chữ S&S. Khi cho máy bay quay lại, Eugene thấy một người đàn ông đang vẫy vẫy và quyết định cứu giúp bằng cách liên lạc với đội cấp cứu. Dù được khuyên là nên quên đi vì có thể đó là do VC giả dạng để gài bẫy, nhưng cả Eugene và viên phi công phụ vẫn kiên trì thuyết phục, yêu cầu trung tâm phối kiểm xem có phi công nào bị bắn rơi và mất tích không.

Cuối cùng ông Dengler được cứu lên chiếc máy bay cấp cứu. Sau khi lên được sàn của máy bay, họ kiểm tra người của ông không có vũ khí, ông bảo với họ là ông đã trốn khỏi nhà tù của cộng sản Lào trước đó 2 tháng, họ báo với trung tâm hành quân có một người đàn ông nói ông ta là 1 phi công của phi đoàn Douglas A-1H Skyraider đã bị bắn rơi và tên ông là Dieter Dengler.

Khi toán phi cơ cấp cứu hạ cánh xuống căn cứ Đà Nẵng, tên của ông được xác nhận là đúng.

Trong nhóm 7 người trốn trại, cùng với Dengler, còn thêm được 2 người sống sót là Eugene DeBruin, người Mỹ, và Phisit Intharathat, người Thái.

*
Trung úy Dieter Dengler được đưa về Hoa Kỳ để điều trị và phục hồi sức khoẻ. Sau này ông được thăng thưởng huy chương Navy Cross, Distinguished Flying Cross, Purple Heart, Air Medal. Ông được huấn luyện để trở thành phi công lái máy bay phản lực. Sau thời gian phục vụ, hài lòng với nghĩa vụ, ông chuyển sang làm phi công cho hãng hàng không dân sự Trans World Airlines. Năm 1977 ông có trở lại Lào, được đón tiếp long trọng và được đưa tới thăm lại nơi trại giam mà ông đã bắt đầu một cuộc trốn trại lịch sử trong đời ông.

Dieter Dengler mất ngày 7 tháng Hai năm 2001, lễ an táng được cử hành trọng thể tại nghĩa trang Quốc Gia Arlington National Cemetery tại Hoa Thịnh Đốn. Trong buổi tiễn đưa ông, 3 chiếc máy bay F-5 lượn ba vòng trên vòm trời nghĩa trang để tiễn người cựu phi công can trường lần cuối.

Nguyễn Thị Mão
Thông Báo 16 Về Việt Tân –
Ai Ở Đằng Sau Nguyễn Thanh Tú?


Ngày 30 tháng 5, 2016
TuNguyen450





Trong những tháng qua, không ít người đã đặt câu hỏi: Ai ở đằng sau tôi, Nguyễn Thanh Tú? Cùng một câu hỏi ấy nhưng lại mang ý nghĩa khác nhau, tuỳ theo thành phần nào hỏi.
Có 2 thành phần cùng đặt câu hỏi này.
Việt Tân và bè nhóm –Thành phần thứ nhất là Việt Tân và bè nhóm. Khi đặt câu hỏi, họ ngụ ý là ai đã “giật dây” tôi để đánh phá họ? Chủ ý của họ là reo rắc sự nghi ngờ và đánh lạc hướng dư luận khỏi những cáo buộc mà họ không thể trả lời: các hành vi lừa bịp, giết người, khủng bố mà mọi chứng cớ đều chỉ về phía Việt Tân. Dưới đây là một số email mà các thuộc hạ của Việt Tân đã tung ra trên một số diễn đàn:
“… những ngày gần đây, những email và những lập luận của ông nó đã đi xa mục đích chính của vụ án mà trở thành sự đánh phá bất kỳ ai ông nghĩ là Việt Tân hay có liên quan đến Việt Tân… ĐỪNG ĐỂ KẺ XẤU LỢI DỤNG ÔNG. ÔNG NÊN CHẤM DỨT NHỮNG TRÒ TRẺ CON NẦY.” (Nhân Nguyễn)
“…càng về sau, tôi thấy nhiều thành phần vì mục đích nào đó đã lái ông Tú Nguyễn đi sâu vào những vấn đề không còn nằm trong phạm vi tìm kiếm kẻ sát nhân mà nhằm vào cộng đồng VN hải ngoại. Nhưng đi tìm kiểu trẻ con với những chiêu trẻ con như thế nầy thì thật lòng làm cho tôi thất vọng… Bởi ngay cả người thông cảm cho ông như tôi đã thấy ông Tú đang bị lợi dụng.” (Phong Thu)
“NGUYỄN THANH TÚ đã bị VC lợi dụng lèo lái, mất kiểm soát việc mình làm.” (Tâm Minh)
“Việc làm của Nguyễn Thanh Tú và những người ‘ủng hộ’ chắc chắn sẽ được đảng và nhà nước csvn ‘tuyên dương’ và thưởng công xứng đáng? Nguyễn Thanh Tú đang làm việc ‘rung cây nhát khỉ’ thay cho chế độ csvn???” (Phạm Trung Kiên)
“Anh Tú là người đang đánh phá Việt Tân và tất cả những ai đã hoặc đang có quen biết với một số người bên Việt Tân như Anh Khanh bên đài RFA, Anh Trúc Hồ.” (Trịnh Hội, Giám Đốc Điều Hành VOICE)
“Tại sao lại tấn công RFA và ông Nguyễn Văn Khanh? Có lẽ câu hỏi này dành cho ông Nguyễn Thanh Tú, vì ông là người đứng tên ký một bản cáo trạng dài về RFA, ông NVK, và cả SBTN, khi họ hoàn toàn không dính dấp gì tới việc cha ông bị giết trên 30 năm trước.” (Bs. Đặng Vũ Chấn, Trung Ương Đảng Việt Tân)
Tôi không ngạc nhiên về cách suy nghĩ và hành xử của những người này. Nó phản ảnh não trạng của một băng đảng tội ác:  thiểu số đầu não ẩn mình và giật dây những cái vòi chính và phụ của nó. Họ suy bụng ta ra bụng người.
Những người quan tâm – Mặt khác, có rất nhiều người lo lắng cho sự an nguy của tôi trước một băng đảng tội ác. Họ gọi điện thoại hay gởi email để hỏi han vì không an tâm là tôi có thể một mình chống chọi lại được với băng đảng tội ác đã hoành hành trong cộng đồng người Việt ty nạn trong suốt 35 năm qua. Họ lo lắng rằng tôi sẽ chung số phận với cha của tôi, cố ký giả Đạm Phong. Họ muốn biết rằng có ai ở đằng sau để đỡ đần và bảo vệ cho tôi không.
Trước đây tôi chưa thể trả lời cho quý vị quan tâm vì phải giữ yếu tố bất ngờ. Đó là nguyên tắc hàng đầu để phá vỡ một băng đảng tội ác. Nếu đoán biết được những gì sắp đến, băng đảng tội ác có thời gian để tẩu tán chứng cớ, nguỵ trang nhân sự, xoá sạch vết tích… và ẩn mình chờ một ngày sẽ lột xác và “tái xuất giang hồ” với diện mạo mới.
Nay thì những chứng cớ căn bản đã được thu thập cho hồ sơ đã gởi Bộ Tư Pháp. Những nhân sự chủ chốt của Việt Tân và bè nhóm đã được nhận diện. Các vòi chính đã bị đóng cọc. Đầu não của con bạch tuộc đã bị cột cứng và cô lập. Bây giờ thì tôi có thể nói ra được.
Và câu trả lời ngắn gọn là: Rất nhiều! Tôi có rất nhiều người đứng đằng sau tôi. Điều này giúp cho tôi an tâm và vượt qua được các áp lực, các lời hù doạ, và các đòn bôi bẩn.
Trước hết là cộng đồng –Thành phần quan trọng nhất đã yểm trợ đằng sau tôi và chung quanh tôi chính là những anh chị, cô chú, bác trong cộng đồng người Việt ty nạn cộng sản. Con số này ngày càng nhiều. Đó là những người yêu công lý, yêu cộng đồng và yêu quê hương Việt Nam. Họ ghét sự xảo trá, giả dối, thủ đoạn và nhất là sự ác độc.
Điển hình, sau khi đăng Thông Báo 15 thì chỉ 16 tiếng đồng hồ sau đó đã có trên 1.4 triệu lượt người vào đọc trang blog “Công lý cho cố ký giả Đạm Phong”: https://damphong.com. Đó là không kể số người đọc qua các trang mạng đăng lại các thông báo của tôi. Điều đặc biệt là không chỉ những người ở Mỹ mà còn có rất nhiều người ở Việt nam, Úc, Âu Châu… theo dõi rất sát các thông báo của tôi. Dưới đây là tỉ lệ người đọc ở các quốc gia: Hoa Kỳ: 55%; Việt Nam: 35%; Úc: 10%
Chính nhờ vậy mà các thông báo của tôi đã đến được với người Việt ở khắp thế giới, mặc dù các cái vòi thông tin chính và phụ của Việt Tân như SBTN, RFA, đài phát thanh TNT, chương trình tin tức Chân Trời Mới và kể cả báo Người Việt không đăng tải.
Trong số những người quan tâm và yểm trợ, có những người còn đi xa hơn: một số tờ báo, trang blog, trang Facebook đã đăng lại hay gởi rộng ra thêm đến bạn bè các thông báo của tôi. Có những người đã chỉ ra cho tôi các lỗi chính tả, văn phạm, hành văn… sau khi thông báo đã được đăng – và tôi đã sửa lại. Có người góp ý về cách tôi xưng hô, trình bày ý tưởng… Có người giúp dịch sang tiếng Việt các tài liệu bằng tiếng Anh hay ngược lại. Và nhiều nữa.
Có những người, ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới và kể cả một số đảng viên Việt Tân, đã liên lạc để tâm sự, chia sẻ ý nghĩ và yểm trợ tinh thần cho tôi, khuyến khích tôi không bỏ cuộc. Cũng có người cho biết trước đây họ chưa hiểu cách làm của tôi nên đã chỉ trích nhưng nay lại ủng hộ. Tôi không hề cô đơn.
Uỷ Ban Bảo Vệ Ký Giả – Tôi lại may mắn có được sự yểm trợ của Committee to Protect Journalists (CPJ), tổ chức uy tín hàng đầu trên thế giới về bảo vệ các ký giả khi tác nghiệp trong sự nguy hiểm. Khi họ biết rằng tôi đã nhận được những lời đe doạ, vị Chủ Tịch CPJ đã quả quyết: “Ngày xưa cha của anh chiến đấu trong cô đơn. Nay thì khác rồi, có chúng tôi đứng bên anh và kẻ giết người sẽ phải đền tội.”
Việt Tân và các cái vòi truyền thông của nó hoàn toàn tránh né, không đụng chạm đến CPJ dù biết rõ là CPJ mới là nhân tố khởi xướng việc phanh phui sát thủ: Mặt Trận, công cụ vũ trang của Việt Tân. Phóng sự điều tra do AC Thompson thực hiện đã dựa nhiều vào tài liệu mà CPJ phát hành năm 1994: “Bịt miệng, Các vụ sát hại các nhà báo di dân ở Hoa Kỳ chưa được giải đáp” (Silenced, The Unsolved Murders of Immigrant Journalists in the United States). Tiếng Việt: https://anhbasam.wordpress.com/2015/12/25/6266-uy-ban-bao-ve-ky-gia-su-im-lang-o-little-saigon-5-nha-bao-nguoi-my-goc-viet-bi-sat-hai/
Việt Tân và bè nhóm tránh né không đụng chạm đến CPJ vì 3 lý do. Thứ nhất, họ biết rằng không thể nào chụp mũ CPJ là bị cộng sản Việt Nam mua chuộc. CPJ luôn luôn chỉ trích chính quyền Việt Nam nặng nề về sự đàn áp các nhà báo độc lập. Xemhttps://cpj.org/asia/vietnam/.
Thứ hai, CPJ có quan hệ rộng rãi trong báo giới và chính giới Hoa Kỳ. Hội đồng quản trị của CPJ gồm những nhà báo gạo cội của Associated Press, ABC News, New York Times, Washington Post, Huffington Post, The New Yorker, Al-Jazeera, CBS News, New York Times, The Nation, The Miami Herald, Freedom Communications, Chicago Tribune, Bloomberg News, Reuters, Tampa Bay Times, CNN Worldwide, v.v.  Các cái vòi thông tin của Việt Tân như SBTN, Tiếng Nước Tôi, Chân Trời Mới, Báo Người Việt, Chương Trình Việt Ngữ của RFA… không phải là đối thủ.
Thứ Ba, các cái vòi thông tin của Việt Tân đều đã lỡ “hồ hởi” tung hô việc CPJ trao giải thưởng cho Blogger Điều Cày hồi tháng 11 năm 2014 ở New York.  Chẳng hạn, SBTN đánh bóng việc trao giải thưởng này, xem đó như là một vinh dự lớn lao, vì blogger Điếu Cày lúc ấy đang hợp tác với SBTN. Xem: http://www.sbtn.tv/vi/tin-cong-dong-hai-ngoai/chuc-bao-ve-ky-gia-trao-giai-tu-do-bao-chi-quoc-te-cho-blogger-dieu-cay.html. Bây giờ nếu chỉ trích CPJ thì không khác nào “tự vả vào miệng mình”.
Do đó, họ đã tách riêng AC Thompson, người thực hiện phim “Terror in Little Saigon”, để tấn công và chụp mũ. Họ chụp mũ là AC Thompson đã nhận tiền tài trợ của cộng sản Việt Nam. Phóng viên Hà Giang của báo Người Việt vừa phỏng vấn AC Thompson xong liền quay ra dùng trang Facebook cá nhân để phổ biến lời cáo buộc rằng AC Thompson đã bị một đồng nghiệp người Mỹ gốc Việt, Ông Tony Nguyễn, ảnh hưởng. Họ cáo buộc rằng Ông Tony Nguyễn bị mua chuộc bởi chế độ cộng sản vì đã nhận tài trợ… 20 USD từ một người ở Việt Nam.
Chương trình truyền hình Calitoday thì sắp xếp cho một ông luật sư người Việt nói không rành tiếng Anh để “phục kích” AC Thompson. Và BS Đặng Vũ Chấn, Trung Ương Đảng Việt Tân, thì tuyên bố: “Ta cũng biết là nhiều giờ đồng hồ trước khi phim Terror in Little Saigon đuợc công chiếu, truyền thông VC trong nước đã có bản dịch transcript của phim và từ đó VC đã phủ sóng báo đài tuyên truyền với dân rằng MT/VT đúng là tổ chức khủng bố như họ từng dán nhãn.” Xem: http://www.viettan.org/Bac-s%C4%A9-%C4%90ang-Vu-Chan-ve-tra-loi.html
Nhưng Việt Tân và các cái vòi truyền thông của họ đã bị hố nặng. Họ không ngờ rằng CPJ đã hợp tác với AC Thompson và tôi ngay từ sau khi cuốn phim “Terror in Little Saigon” được công chiếu. Và chính CPJ chủ động công cuộc yêu cầu chính quyền liên bang mở lại hồ sơ điều tra. Sau nhiều tháng ngày làm việc cùng một tổ hợp luật sư lớn ở New York, ngày 1 tháng 4, 2016 CPJ đã gởi văn thư cho Bộ Tư Pháp:
“Uỷ Ban Bảo Vệ Nhà Báo viết thư này để hối thúc Bộ Tư Pháp và cơ quan FBI mở lại hồ sơ điều tra một loạt các vụ sát hại nhà báo Mỹ gốc Việt dựa vào các chứng cớ mới được khai quật bởi các nhà báo của ProPublica. Đăc biệt, ProPublica đã truy ra và phỏng vấn những nhân chứng đích thân biết về các vụ sát hại này, điều mà có thể cung cấp cho công lực những đầu mối bổ sung và các chứng cớ trực tiếp liên quan đến các âm mưu sát hại này ngõ hầu đưa các sát thủ ra trước công lý.”
Và CPJ tổ chức buổi họp báo ngày 1 tháng 6 để kêu gọi giới truyền thông giòng chính nhập cuộc: https://cpj.org/2016/05/time-for-justice-in-the-killing-of-american-vietna.php
Tổ hợp luật sư Debevoise & Plimpton LLP
Qua sự vận động của CPJ, tổ hợp luật sư Debevoise & Plimpton LLP đã nhập cuộc. Đặt bản doanh ở New York, tổ hợp này có 700 luật sư ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới. Thu nhập hàng năm của họ khoảng 700 triệu Mỹ kim.  Đây là một trong những tổ hợp luật sư lớn và có uy tín ở Hoa Kỳ. Họ được xếp hạng hàng đầu về các công tác phục vụ thiện nguyện trong bảng phân hạng The American Lawyer’s “10-Year A-List.” Xem: http://www.debevoise.com/aboutus/overview
Vị luật sư được tổ hợp cử ra để lo hồ sơ các nhà báo Mỹ gốc Việt đã từng là công tố viên của Bộ Tư Pháp, nên có nhiều kinh nghiệm về truy tố các băng đảng tội ác và am tường thể thức của Bộ Tư Pháp.
Cuối tháng 3 vừa qua, tổ hợp luật sư này đã hoàn tất bộ hồ sơ dầy 100 trang để nộp cho Bộ Tư Pháp. Hiện nay, một buổi họp với Bộ Tư Pháp đã được định ngày và giờ.
Có người đã thắc mắc là tôi không sợ à, rằng Việt Tân sẽ kiện vì tôi cáo buộc họ là khủng bố, giết người, lừa bịp? Rằng SBTN, có sẵn luật sư Nguyễn Đỗ Phủ và Nguyễn Anh Tuấn, sẽ kiện vì tôi cáo buộc họ là lợi dụng tinh thần yêu nước của khán thính giả để quyên góp nhằm tiêu xài cho lợi ích riêng, lợi dụng các bản nhạc và tên tuổi của Việt Khang để thâu tiền bỏ túi, cấu kết với băng đảng tội ác Việt Tân và có những hành động cố tình phạm pháp? Rằng VOICE, có sẵn luật sư Trịnh Hội và luật sư Amy Vy Hạnh Nguyễn, sẽ kiện vì tôi cáo buộc họ những gian dối về tiền bạc, khoác lác về thành tích, và bí mật hoạt động cho Việt Tân?
Họ không dám kiện vì mọi lời cáo buộc đều dựa trên những chứng cớ vững chắc. Mỗi khi họ đối đáp, như Trịnh Hội và VOICE đã làm, thì tôi lại trưng dẫn thêm nhiều chứng cớ. Những chứng cớ này tôi có được là do nhiều người trong cộng đồng cung cấp, thậm chí trong đó có cả một số người thuộc nội bộ của VOICE, RFA, SBTN, HRVN PAC, Người Việt và Việt Tân.
Và bây giờ Việt Tân và bè nhóm sẽ càng không dám nghĩ đến thưa kiện khi biết rằng hồ sơ của họ đã được nộp cho Bộ Tư Pháp. Quan tâm hàng đầu của họ là làm sao để chạy tội, để tẩu tán tang chứng, để tẩu thoát.
Các cơ quan truyền thông dòng chính
Với sự chính thức ra mặt của CPJ, tôi tin rằng giới truyền thông dòng chính của Hoa Kỳ và quốc tế sẽ chú ý hơn và có thể sẽ nhập cuộc để vận động chính phủ Hoa Kỳ điều tra và truy tố sát thủ. Đó là mục đích của buổi họp báo ngày 1 tháng 6 tới đây.
Khi biết về buổi họp báo này, một số cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đã tự nguyện giúp đỡ cho tôi. Chẳng hạn, đài truyền hình quốc tế CNN tuần qua đã cử chuyên viên của họ đến tận nhà để hướng dẫn tôi về các cung cách chuẩn mực cho một buổi họp báo chuyên nghiệp. Người này chuyên hướng dẫn cho các giám đốc công ty hay lãnh đạo của các cơ quan chính quyền trước những buổi phỏng vấn trên đài CNN. Chẳng hạn, đài truyền hình NBC đã đứng ra để giữ chỗ tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia cho buổi họp báo.
Tôi tin rằng sau buổi họp báo, sẽ có thêm sự chú ý của nhiều cơ quan truyền thông dòng chính. Và sự chú ý này sẽ càng tăng thêm một khi cơ quan FBI mở lại cuộc điều tra.
Trong nhiều năm qua Việt Tân đã khuynh loát và điều khiển được một số phưong tiện truyền thông Việt ngữ, như là chương trình Việt ngữ của RFA, đài SBTN, báo Người Việt, truyền hình Calitoday… Việt Tân lại còn có phương tiện truyền thông riêng của họ: hệ thống đài phát thanh TNT và chương trình Chân Trời Mới. Họ còn dùng một số “sứ giả” như Trúc Hồ, Trịnh Hội, Nguyễn Văn Khanh để đánh bóng cho họ, làm cho cộng đồng người Việt dễ chấp nhận khi họ “tái xuất giang hồ”.
Các cái vòi truyền thông chính và phụ ấy hiện nay đã bị phần lớn vô hiệu hoá và bị đặt trong tình trạng khó xử.
Họ bị vô hiệu hoá vì các bản thông báo của tôi đã đến trực tiếp với những người Việt quan tâm ở trong nước và ngoài nước. Họ bị vô hiệu hoá vì đã bị “đóng cọc” và phải đối mặt với các cuộc điều tra về các vi phạm luật pháp như trốn thuế, bê bối tiền bạc, hỗ trợ cho một đảng chính trị ngoại bang với thành tích khủng bố… RFA và SBTN không còn dám đánh bóng Việt Tân. Còn chăng là tờ báo Người Việt, thỉnh thoảng chống chế cho Việt Tân và bè nhóm nhưng chỉ là cầm cự một cách rời rạc.
Họ đang ở trong thế khó xử vì, nếu không chạy tin về buổi họp báo sắp đến thì rõ ràng đó là lời tự thú trước độc giả, thính giả và khán giả, rằng họ đích thị là cái vòi truyền thông của Việt Tân. Còn như chạy tin thì chẳng khác nào “vòi” quay lại xiết cổ bạch tuộc.
Chặt các vòi phụ – Tôi vô cùng cảm ơn các người trong cộng đồng đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích trong suốt 6 tháng qua. Các thông tin này đã được chuyển cho tổ hợp luật sư Debevoise & Plimpton LLP để lập hồ sơ nộp cho Bộ Tư Pháp. Đó là đòn đánh thẳng vào đầu não của con bạch tuộc Việt Tân.
Đồng thời, tôi cũng đã nhận được nhiều thông tin về SBTN, HRVN PAC, Trịnh Hội, VOICE, RFA, Nguyễn Văn Khanh, nữ Dân Biểu Loretta Sanchez… Các thông tin này đã giúp tôi rất nhiều để tuần tự “đóng cọc” các vòi chính của Việt Tân. Tôi vô cùng cảm ơn những người đã cung cấp thông tin.
Trong thời gian tới đây tôi tiếp tục cần các thông tin giúp điều tra hình sự không những Việt Tân mà tất cả các cái vòi chính của nó. Đây là cơ hội hiếm hoi để cùng một lúc dọn sạch khỏi cộng đồng người Việt ty nạn những tổ chức và cá nhân miệng thì nói những điều tốt đẹp nhưng dã tâm không khác gì chế độ cộng sản ở trong nước. Tôi bảo đảm sẽ bảo mật mọi nguồn thông tin.
Đồng thời, tôi kêu gọi sự yểm trợ của quý vị để chặt các vòi phụ của Việt Tân. Các vòi này không cần thiết phải đóng cọc mà chỉ cần loại trừ tác dụng bằng cách vạch mặt chỉ tên. Chẳng hạn, nếu báo Người Việt, chương trình tin tức Calitoday, đài TNT, đài Chân Trời Mới… không chạy tin về buổi họp báo sắp đến, thì chúng ta đều biết rằng họ không phải là một cơ quan truyền thông mà chỉ là tiếng nói phục vụ cho Việt Tân. 
Xin quý vị hãy đặt vấn đề với họ, trong tư cách độc giả, thính giả, khán giả: họ có thực sự tôn trọng và phục vụ người đọc, người nghe và người xem bằng cách đưa tin đầy đủ và chính xác, hay họ chỉ đưa tin chọn lọc nhằm phục vụ một băng đảng tội ác vốn đã cấu kết với họ từ bấy lâu nay?
Trân trọng,
chukyTu250

Chuyện tình nghệ sĩ tài danh: Quái kiệt Ba Vân với “Đời là 3 chữ T”

​​
Soạn giả Nguyễn Phương

Chuyện tình nghệ sĩ tài danh: Quái kiệt Ba Vân với
Trong các thập niên 1930, 1940, các nghệ sĩ tiền phong có những cuộc tình đặc biệt không giống ai và cũng không ai giống. Có lẽ vì cuộc sống của nghệ sĩ không bị gia đình hay xã hội quản thúc, người ta cho là đời của nghệ sĩ phóng túng nên trong cuộc sống thường ngày và trong quan niệm hôn nhơn, người nghệ sĩ có lối sống riêng không theo tập tục thông thường trong xã hội.

Có nhiều cặp vợ chồng nghệ sĩ gắn bó với nhau như hình với bóng, khi thấy mặt ông chồng thì nhứt định người ta sẽ thấy có bà vợ đi kè kè một bên. Trong bữa ăn, bà chăm sóc cho chồng như bà mẹ chăm sóc cho con nhỏ hay một người hầu chăm lo cho ông chủ. Ăn cá thì bà gỡ xương trước, sợ ông ăn mắc cổ. Ăn thịt dai thì bà lấy dao ra cắt từng miếng nhỏ vừa ăn… Từng việc ăn mặc đi đứng cho tới những đêm ông chồng nghệ sĩ hát trên sân khấu thì bà vợ ở hậu trường, chăm sóc tủ làm tuồng, giúp ông mặc bộ giáp, mang đôi hia, đội cái mão cho ngay ngắn. Khi ông chồng hát hết lớp tuồng, vô hậu trường thì bà rót nước cho uống, hoặc cho ngậm một lát sâm để ông mau lại sức. Khi thay áo mão, mũ mảng khác, thì bà lau mồ hôi, lấy áo lót mới thay cho chồng, cầm quạt quạt cho ông khỏe lại để ông hát tiếp màn kế. Việc bà chăm sóc cho chồng, đúng ra thì không ai có lời dị nghị, khen, chê nhưng nhiều khi bà vợ chăm sóc chồng một cách quá mức, thậm chí bà can thiệp cả vào chuyện hát xướng của ông trên sân khấu khiến cho nghệ sĩ cho là ông sợ vợ, thờ bà. Chuyện gì mà bà không thuận thì nhứt định ông chẳng dám ưng theo đề nghị của người khác. Hề Ba Vân và vợ sống gắn bó với nhau như vậy nhiều năm trong đoàn hát, lúc đoàn hát diễn ở miền Nam hay lưu diễn miền Trung, miền Bắc, ở Hà Nội, Hải Phòng, cách sống đó vẫn không thay đổi nên khi anh Ba Vân hát ở Hà Nội, nghệ sĩ miền Bắc tặng cho vợ chồng anh mỹ danh là “Đôi Sam Nam Kỳ Quốc”.

Quái kiệt Ba Vân tên thật là Lê Long Vân, sanh năm 1908, tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Anh Ba Vân học xong Tiểu học, ở nhà giúp mẹ chăm sóc vườn dừa và vườn vú sữa. Anh học cổ nhạc, chơi đờn ca tài tử với các bạn trong xã. Năm 1924, nhân dịp xem gánh hát Tái Đồng Ban của ông bầu Hai Cu, anh Ba Vân làm quen với nghệ sĩ Năm Châu, được Năm Châu giới thiệu cho gia nhập gánh hát Tái Đồng Ban.

Ba Vân cao ráo, đẹp trai, ca được đầy đủ các bài bản cổ nhạc nên được ông Bầu cho hát vai kép nhì. Vai hát đầu tiên Ba Vân thủ vai cậu Hai Vận trong tuồng Bội Phu Quả Báo của tác giả Phạm Công Bình.

Ngày đầu tiên ra sân khấu, Ba Vân run quá nên nói lối cà lăm:

Thuận thành là quê quán,
Ta, con đại phú gia
Tay ăn chơi bốn biển là nhà
Danh tiếng khắp, tên ta Hai Vận
Tuổi đã lớn song chưa danh phận
Tay ròng nghề sớm mận tối đào..

Do sợ run, nói cà lăm nên khán giả cười rân lên, hai soạn giả Năm Châu và Tư Chơi khám phá ra khả năng hài hước và cách phát âm có duyên của nghệ sĩ Ba Vân. Từ đó các vai hát kế tiếp, Ba Vân được phân vai lão mùi hoặc vai hề trên sân khấu. Nghệ sĩ Ba Vân ca không mùi bằng các nghệ sĩ trong đoàn là Tư Út, Năm Châu, Từ Anh nhưng Ba Vân nhanh chóng nổi danh Hề Ba Vân.

Năm 1925, nghệ sĩ Ba Vân đi gánh hát Tân Hí Ban, chuyên hát tuồng Tàu.

Nghệ sĩ Ba Vân đã hát những vở tuồng Trót Tay Đã Nhúng Chàm, Khúc Oan Vô Lượng, Lửa Đỏ Lòng Son, Tiếng Nói Trái Tim. Khán giả thích lối ca diễn đẹp trai tình tứ của Tư Út, Năm Châu, Từ Anh, nhưng cũng có nhiều khán giả thích cái duyên hài của hề Ba Vân.

Chỉ trong vòng ba năm, từ 1924 đến năm 1926, hề Ba Vân chiếm một địa vị quan trong hàng nam nghệ sĩ được khán giả ái mộ. Anh được hưởng đồng lương gần bằng lương kép chánh, anh hát có nhiều tiền nên gởi tiền về giúp cho má anh và bà đã dùng tiền đó để đi cưới vợ cho anh.

Má anh chọn cho anh một người vợ cùng quê ở Ba Tri. Má anh nói:

“Tao chọn cho thằng Ba mầy một con vợ cao ráo, khỏe mạnh, vú to đít bự, con vợ của mầy nó sẽ đẻ năm một. Trong vòng mười năm, tao sẽ có mười đứa cháu nội trai và gái, chừng đó tao sẽ lập một gánh hát gia đình để cho thằng Ba mầy làm ông bầu, đào kép là cái đám cháu nội của tao”.

Anh Ba Vân nghe má anh nói như vậy, anh hoảng hồn, bỏ gánh hát Tái Đồng Ban Mỹ Tho, chạy xuống Cần Thơ gia nhập đoàn hát mới thành lập là gánh hát Trần Đắc của nhà đại điền chủ Trần Đắc Nghĩa, chủ nhà in An Hà ở Cần Thơ lập ra.

Ở nhà, má anh vẫn chuẩn bị tổ chức đám cưới rình rang cho anh, bà gởi thiệp mời các ông trong Ban Hội Tề, bà con chóm xóm,chuẩn bị sính lễ, chưng dọn bàn thờ, đặt tiệc, bông rạp và dọn một căn phòng rộng nhất trong ngôi nhà để làm chỗ động phòng hoa chúc cho tân lang và tân nương. Bà biểu anh Hai Vân đi kêu Ba Vân về cưới vợ rồi đi hát ở đâu thì cứ đi. Con dâu sẽ ở nhà giúp việc canh tác và hầu hạ bà mẹ chồng thay cho Ba Vân!

Trước một ngày khi nhà gái nhóm họ chuẩn bị đưa dâu thì bên nhà gái mới phát giác ra là chàng rể Ba Vân không về làm lễ cưới. Gia đình nhà gái nhiều lần đến rạp hát tìm Ba Vân nhưng anh nói anh chưa lập nghiệp xong, anh chưa tính chuyện cưới vợ. Anh đã nói với anh Hai Vân (anh ruột của Ba Vân), nhờ nói lại với má anh nhưng má anh cứ làm theo ý của bả thì bả tính sao bả tính.

Anh Hai Vân lại được tin đoàn hát đi lưu diễn miền Trung rồi ra miền Bắc, có thể đoàn hát sẽ đi diễn ở nước Lào và Thái Lan nữa, không biết đến năm nào mới trở về Sài Gòn. Anh nói lại cho má anh biết, xin hoãn đám cưới lại nhưng thiệp mời gởi đi đã lâu. Cô dâu dọa đúng ngày cưới nếu không có chàng rể thì cô sẽ tự vận trước bàn thờ gia tiên bên nhà chồng, trước quan khách hai họ…

Anh Hai Vân và bà má đành bưng khay trầu rượu qua nhà sui gia, bàn bạc, xin lỗi, xin cưới cô dâu cho anh Hai Vân thay cho Ba Vân. Anh Hai Vân nói anh lạy sói trán mới được bên nhà gái thương tình bỏ qua cho cái lỗi của Ba Vân. Cô gái Ba Tri thì tùy theo sự quyết định của các bậc trưởng thượng trong gia đình. Cô đã mang tiếng được gả chồng thì vì sĩ diện của hai gia đình, cô tự an ủi là không có duyên phận với Ba Vân thì làm vợ anh Hai Vân là do trời định.
Mọi người khen cô dâu đẹp như tiên, Hai Vân cưới được vợ đẹp như tiên nên từ nay đổi tên là anh Hai Vân Tiên.

Ba năm sau, anh chị Hai Vân Tiên sanh được một trai hai gái. Con trai lớn tên Nam, gái thứ tên Tương Lai và gái thứ ba tên Huỳnh Hoa. Hai cô Tương Lai và Huỳnh Hoa về sau là hai nữ diễn viên tên tuổi của đoàn hát Phước Chung.

Trong khi đó thì nghệ sĩ Ba Vân như chim trời bạt gió, anh theo đoàn hát Trần Đắc đi hát các tỉnh Phan Thiết, Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẵng và kinh thành Huế trong vòng hơn hai tháng. Anh không biết tin tức gì về đám cưới của anh Hai Vân Tiên và cô gái Ba Tri. Ba Vân đinh ninh là má anh và anh Hai của anh định dùng việc bắt anh cưới vợ để cầm chân anh ở lại quê nhà, không cho đi theo gánh hát nữa. Anh nghĩ là khi anh không làm lễ cưới, anh theo gánh hát bỏ xứ ra đi thì chuyện hôn nhơn kia phải tự hủy và cô gái Ba Tri rồi sẽ lấy chồng như bao nhiêu cô gái khác ở quê anh.

Hề Ba Vân dồn hết tâm lực học ca, học hát. Anh đã có những vai hát để đời. Ba Vân sắc sảo và uy nghi qua vai Ngũ Tử Tư trong tuồng Việt Vương Câu Tiễn, anh thành công trong các vai hài tuồng Ông Huyện Hàm Hàm, Vó Ngựa Truy Phong…

Lúc hát ở Huế, nhân một dịp đi chợ Đông Ba mua một khúc lụa để dùng trong tuồng, anh quen với cô Hồ, cô gái Huế bán lụa, đẹp người đẹp nết. Trước hết, Ba Vân cảm thấy giọng nói của cô gái Huế như tiếng chim hót líu lo. Có nhiều câu cô gái Huế nói mà Ba Vân nghe không hiểu, nhưng anh rất vui và lạ lẫm trước vẻ đẹp thùy mị và phong cách đài trang, sang trọng của cô gái Huế.

Anh chàng nghệ sĩ lang thang này bỗng thấy tâm hồn của mình bị hình ảnh cô gái Huế ràng buộc, thu hút. Mỗi ngày anh phải đi chợ Đông Ba mua một khúc lụa để được nhìn cô gái Huế đáng yêu của anh. Mỗi một nụ cười, một cái liếc mắt, chau mày của cô gái Huế cũng theo vào trong giấc ngủ của chàng trai giang hồ miền sông nước Tiền Giang. Nghệ sĩ Ba Vân lân la trò chuyện, gây được cảm tình với cô gái, mời cô đi xem hát, mời cô đi ăn bánh nậm, bánh khoái bên kia cầu Tràng Tiền và cuối cùng hai người mướn đò lên chùa Thiên Mụ để thề non hẹn biển…

Một đêm kia, sau vãn hát, anh Ba Vân và cô Lê Thị Hồ ngồi tâm tình bên Nghinh Lương Đường sát bờ sông Hương vì chỉ còn hai ngày nữa là đoàn hát ra Hải Phòng hát, rồi đi Hà Nội, Thái Nguyên.

Hai hôm sau trên sân ga xe lửa chuyến Huế đi Hà Nội, anh Ba Vân và cô Hồ nắm tay bịn rịn chẳng nỡ rời nhau. Cô Hồ mặc áo dài màu tím hoa cà, tay cầm nón lá nghiêng nghiêng che mặt, chúng tôi biết là hai anh chị đang khóc nức nở khi chia tay nhau mà ngày gặp lại thì chưa biết đến bao giờ.
Xe lửa xúp lê ba, đầu máy xe lửa đã xì xụp xịt khói từng đợt theo sự chuyển động của bánh xe, chúng tôi kêu Ba Vân mau lên xe,… mau lên xe!

Khi xe bắt đầu chuyển bánh, Ba Vân hôn vội lên trán cô Hồ rồi chạy nhanh tới, nhảy lên từng nấc thang xe lửa, anh còn đứng trên nấc thang thứ ba, quay lại vẫy vẫy tay… Cô Hồ ôm mặt khóc ngất trên sân ga, chắc cô không thấy Ba Vân đang vẫy tay chào tuyệt vọng…”

Đó là năm 1927, hai gánh hát Sài Gòn đến diễn tại Hà Nội cách nhau trước sau vài tháng. Đoàn Nghĩa Hiệp Ban đến trước, Nghĩa Hiệp Ban chuyên hát tuồng Tàu của hai soạn giả Nguyễn Công Mạnh và Nguyễn Trọng Quyền. Đoàn hát Trần Đắc đến sau, đoàn Trần Đắc hát những vở tuồng xã hội như Tội Của Ai, Khúc Oan Vô Lượng, Trót Tay Lỡ Đã Nhúng Chàm, Lửa Đỏ Lòng Son của các soạn giả Tư Chơi, Tư Trang và những tuồng phóng tác tiểu thuyết Pháp của soạn giả Nguyễn Thành Châu như Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ, Giá Trị Và Danh Dự (Le Cid).

Đoàn hát Trần Đắc được khán giả Hà Thành nhiệt liệt hoan nghênh vì đoàn hát có cảnh trí đẹp, lời văn nôm na dễ hiểu chớ không có nhiều chữ Nho như lối hát chầu văn hay hát bội, thêm vào đó các lối ca cổ nhạc miền Nam nghe rất êm, rất lạ, có thể nói các điệu cổ nhạc miền Nam như Văn Thiên Tường, Tứ Đại Oán, Vọng Cổ, Nam Xuân Nam Ai, đã đưa điệu nhạc lời ca lắng sâu vào tâm hồn của khán giả. Họ nghe cổ nhạc miền Nam giống như những lời tỉ tê ai oán thốt ra từ các nữ nghệ sĩ tuyệt sắc và khán giả nữ Hà Thành thì thích các nam nghệ sĩ Nam Kỳ đầy nam tính. Họ mê điệu hát cải lương Sài Gòn và gần như khán giả Hà Nội, Hải Phòng trong giai đoạn này bị cải lương Sài Gòn mê hoặc, họ không thiết xem những điệu chầu văn của miền Bắc hay điệu hát bài chòi của miền Trung.

Các chủ rạp hát Quảng Lạc, Sán Nhiên công nhận sức hút mãnh liệt của nghệ thuật hát cải lương Nam Kỳ nên quyết làm cho nghệ sĩ Bắc Kỳ hát được lối “cải lương Sè Gòn” nên âm thầm ký contrat với một số tiền rất lớn để giữ các nghệ sĩ cải lương Nam Kỳ ở lại miền Bắc để dạy cho các nghệ sĩ Bắc ca cổ nhạc cải lương Nam Kỳ. Trong số những nghệ sĩ được các chủ rạp Quảng Lạc và Sán Nhiên mua chuộc, ký contrat giữ ở lại Hà Nội hát cho họ và truyền nghề cho các nghệ sĩ miền Bắc có các nghệ sĩ: Ba Vân, Sáu Cương, Ngọc Thạch, Tám Cũi, Ba Thâu và hai nữ nghệ sĩ Sáu Huề và Ba Liên.

Vừa ký contrat được một số tiền lớn, nghệ sĩ Ba Vân được một tuần lễ nghỉ để chuẩn bị chương trình dạy ca cho các nghệ sĩ đoàn hát Quảng Lạc, anh nói mướn phòng để yên tịnh soạn bài và lời ca nhưng thật ra là anh không muốn các nghệ sĩ Bắc Kỳ hay ông chủ Quảng Lạc quấy rầy để anh dùng thì giờ đó giải quyết việc riêng, anh mua vé xe lửa trở vào Huế, gặp cô Lê Thị Hồ và hôm sau Ba Vân cùng cô Hồ trở ra Hà Nội.

Hề Ba Vân thường nói: Đời là ba chữ T, có Tiền thì sẽ có Tình, có tiền có tình thì sẽ mặc sức mà Tê Tê!

Cô Hồ bỏ nhà, khăn gói trốn theo Ba Vân. Họ trải qua những ngày tươi đẹp và đầy kỷ niệm. Ngoài giờ dạy cho các nghệ sĩ Bắc ca cải lương Nam Kỳ, dạy các điệu múa bộ Quảng mà Ba Vân học được khi đi đoàn hát Tân Hí Ban, anh còn có những buổi chiều cùng với người yêu đi ăn kem, dạo bờ hồ Hoàn Kiếm, đến nhà hàng bách hóa Godard mua mỹ phẩm, áo quần tơ lụa, qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc Sơn cúng bái tạ ơn ông Quan Đế Thánh Quân đã ban hạnh phúc cho họ. Ba Vân và cô Hồ như hình với bóng, họ đi dạo phố hàng Đào, phố hàng Bạc để mua sắm, lúc nào cũng kề cận bên nhau đến đỗi các bạn nghệ sĩ Bắc tặng cho họ danh hiệu là Đôi Sam Nam Kỳ!

Sáu tháng sau, nghệ sĩ đoàn Quảng Lạc đã ca rành cổ nhạc Sài Gòn, họ tập được hai tuồng Phụng Nghi Đình và Lương Sơn Bá,ông bầu Quảng Lạc bán dàn hát cho Hội Người Việt ở Vientiane Lào. Cô Hồ không có tên trong danh sách của Đoàn hát nên không xin giấy phép qua xứ Lào được, Ba Vân phải theo đoàn hát. Cô Hồ ở lại Hà Nội. Tháng sau cô trở về Huế vì cô được thơ của Ba Vân báo là đoàn hát còn hát ở Lào vài tháng và sẽ hát ở Nam Vang và nhiều tỉnh ở Cao Miên, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Anh Ba Vân cho biết anh sẽ gởi thơ mỗi khi đoàn hát dọn đến địa điểm mới.

Ba năm xa cách, thơ của Ba Vân gởi về nhà trọ ở Hà Nội không có người nhận vì cô Hồ đã trở về Huế. Đoàn hát hát ở Lào khá lâu rồi dọn đi hát ở Nam Vang, Cao Miên rồi qua nước Thái. Trong thời gian này Ba Vân nghe theo các nghệ sĩ Bắc và ông Bầu hút nha phiến, dùng thuốc thẩu vì ở Lào nha phiến và thuốc thẩu rất rẻ, mua ở đâu cũng có và không bị cấm hút. Vậy là Ba Vân ghiền nha phiến, mê cô Ba Phù Dung và vì thư cho cô Hồ không có hồi âm, Ba Vân dường như không còn nhớ cô gái Huế.

Năm 1936, nghệ sĩ Ba Vân và các nghệ sĩ mãn hợp đồng với đoàn hát Quảng Lạc, họ trở về Sài Gòn. Ba Vân gia nhập đoàn hát Phụng Hảo, mang theo cái bịnh ghiền á phiện. Anh không được tin tức gì của cô Hồ nữa nhưng cô Hồ đọc báo thấy quảng cáo của đoàn hát Phụng Hảo có tên nghệ sĩ Ba Vân, cô Hồ khăn gói vào Sài Gòn kiếm Ba Vân.

Đến Sài Gòn, cô Hồ mới biết là các nghệ sĩ Ba Vân, Sáu Cường, Năm Thiên, Tám Cũi đều ghiền thuốc phiện do ông bầu Quảng Lạc muốn cầm chân họ ở lại trọn đời với đoàn hát Quảng Lạc nên làm cho họ ghiền thuốc phiện. Ông bầu Quảng Lạc có mối mua bán thuốc phiện, có thể mua rẻ và cung cấp chất nhựa đó cho họ. Không dè khi đoàn Quảng Lạc hát ở Nam Vang, các nghệ sĩ Sài Gòn gặp đoàn hát Phụng Hảo, họ bèn bỏ gánh Quảng Lạc, gia nhập đoàn Phụng Hảo để trở về Sài Gòn.

Cô Hồ tự nhận là do lỗi của cô không được ở kề cận Ba Vân, không chăm sóc tốt cho Ba Vân và anh vì nhớ cô mà bị bạn bè rủ rê hút sách giải buồn, cô bèn ở kề cận Ba Vân, giúp cho anh bỏ thuốc phiện. Mỗi ngày cô Hồ cho anh Ba Vân uống rượu pha với nhựa bông, khi tới cữ ghiền thuốc phiện thì cho uống một chung để giảm cơn ghiền. Cô từ từ bớt nhựa bông trong rượu cho đến một ngày mà Ba Vân chỉ uống một chung rượu của cô rót cho, chung rượu đó không có pha nhựa bông nhưng Ba Vân không còn bị cơn ghiền thuốc phiện hành hạ nữa.

Vậy là Ba Vân cai được thuốc phiện nhưng lại ghiền cô vợ Huế vì lúc nào thiếu cô vợ Huế ở kề cận một bên, anh Ba Vân bồn chồn, nôn nao giống như người ghiền á phiện tới cữ mà thiếu thuốc phiện. Ai cũng nghĩ là họ có hạnh phúc, keo sơn gắn bó nhưng đùng một cái, cảnh sát tới đoàn hát, có trát tòa bắt giam Ba Vân về tội dụ dỗ gái ăn cắp vòng vàng của cha mẹ để chạy theo anh.

Cha mẹ cô Hồ dò được tin cô Hồ trốn nhà theo Ba Vân, hiện ở đoàn hát Phụng Hảo. Ông bà là người mua bán lớn ở Huế, quen nhiều với cảnh sát và quan tòa. Họ giúp ý kiến nên ông bà đâm đơn kiện Ba Vân. Quan tòa ở Huế liên lạc với nhà chức trách Sài Gòn, yêu cầu bắt Ba Vân và giải về Huế để xử.

Nghệ sĩ Năm Châu nói: Đời không phải ba chữ T như Ba Vân nói mà Đời là ba chữ T: Tiền, Tình, Tù! Tê Tê nhiều quá, đã quá thì bị Tù, thì mang Tội!

Tuy nói vui như vậy nhưng anh Năm Châu và cô Phùng Há đến nhờ luật Sư Dương Tấn Trương bào chữa cho Ba Vân. Luật sư Dương Tấn Trương nhờ Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn can thiệp với lý do: Ba năm rồi Ba Vân theo đoàn hát Quảng Lạc hát ở Lào, Miên và Thái, chỉ mới về Sài Gòn và chưa hề ra Huế từ ngày về Sài Gòn cho tới khi bị bắt. Cô Hồ đã quá tuổi vị thành niên, cô tự vào Sài Gòn, tự đến tìm Ba Vân, không thể buộc Ba Vân tội dụ dỗ gái vị thành niên.
Thế lực của luật sư Dương Tấn Trương và Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn rất mạnh nên Ba Vân không bị giải ra Huế và được tha bổng vì vô tội. Để hợp thức hóa tình trạng chung sống của Ba Vân và Lê Thị Hồ, đoàn hát Phụng Hảo tổ chức lễ cưới linh đình cho tân lang Ba Vân và tân nương Lê Thị Hồ.

Má của anh Ba Vân, vợ chồng anh Hai Vân Tiên, Tám Vân đều có mặt dự lễ cưới của anh Ba Vân với cô gái Huế. Má anh nói: 

Mầy chê gái Ba Tri đi cưới cái con trọ trẹ đó về, tao thấy con nhỏ nầy đít teo vú nhỏ, tao đố mầy làm sao mà kiếm được một đứa con nối dõi, tao thua, tao thề sẽ bỏ trầu, không ăn trầu xỉa thuốc nữa!”

Đúng theo sách coi tướng của bà già trầu, anh Ba Vân và chị Ba Vân (cô Lê Thị Hồ) ăn ở với nhau hơn năm chục năm, không chửa không đẻ được đứa con nào cả. Hai anh chị xin hai đứa con nuôi: thằng Long và con Giang, con lai Mỹ để an ủi cái tuổi già không con nối dõi.

Nghệ sĩ Ba Vân tên thật Lê Long Vân sanh năm 1908, mất ngày 24 tháng 8 năm 1988, thọ 81 tuổi.

Bà Ba Vân tên thật Lê Thị Hồ, sanh năm 1912, mất ngày 22 tháng 6 năm 1999, thọ 88 tuổi.

Soạn giả Nguyễn Phương
5/2016
__._,_.___

Blog Archive