Sunday, December 31, 2023

Bài giảng đầu tiên

Giáo sư vào phòng học.

Ông ta đảo mắt một vòng. Thấy cô sinh viên lơ đãng nhìn qua cửa sổ. Ông nói:
- “Cái cô ngồi đầu bàn thứ 8 kia đứng dậy, Cô có thể cho tôi biết tên của cô không?”

- Dạ, tôi tên Sandra.

- Hãy ra khỏi phòng, tôi không muốn thấy cô trong giờ dạy của tôi.

Tất cả phòng học đều im lặng. Cô sinh viên bị đuổi thu xếp đồ đạc và lặng lẽ đi ra.

Giáo sư nhìn các sinh viên và bắt đầu bài học:

- Tại sao lại có luật pháp? Luật pháp để làm gì?

Tất cả im lặng, người nọ nhìn người kia.

- Luật pháp để duy trì trật tự xã hội. Một sinh viên lên tiếng.

- Để bảo vệ quyền lợi cá nhân của mỗi người. Một sinh viên khác trả lời.

- Để thực hành công lý. Một sinh viên khác nữa nói.

Giáo sư tỏ vẻ thất vọng:

- Cám ơn các bạn rất nhiều. Tôi vừa hành động không công bằng đối với đồng môn của các bạn phải không?

Ai cũng gật đầu.

- Tôi thực sự đã sai. Tại sao không ai phản đối?
- Tại sao không ai trong số các bạn ngăn cản tôi?
- Tại sao các bạn không lên tiếng trước sự bất công này?

Không ai trả lời.

Những gì các bạn vừa chứng kiến, cho dù 1,000 giờ ở giảng đường các bạn cũng không hiểu được nếu không trải qua nó.

Các bạn không lên tiếng chỉ vì bản thân mình không bị ảnh hưởng? 

Các bạn nghĩ rằng những gì không liên quan đến mình, thì đó không phải là việc của bạn.

Tôi nói với các bạn, nếu hôm nay các bạn không lên tiếng trước những bất công, không quan tâm đến sự công bằng, một ngày nào đó các bạn cũng sẽ gặp bất công và không ai bênh vực các bạn. Công lý của cuộc sống là bổn phận tất cả chúng ta. Chúng ta phải chiến đấu vì nó.

Trong cuộc sống và công việc, chúng ta thường sống bên nhau thay vì sống cùng nhau.

Chúng ta không cảm thấy bận tâm vì vấn đề của người khác không phải là việc của chúng ta.

Chúng ta thoải mái khi về nhà và mừng vì chúng ta không bị đánh.

Chúng ta không cảm thấy có bổn phận đứng lên vì người khác.

Những sự bất công xảy ra hàng ngày ngoài xã hội, trong công việc, nơi công sở hay ngoài đường phố. Dựa vào ai đó để sửa nó thôi là chưa đủ.

Nhiệm vụ của chúng ta là ở đó vì những người khác.

Nói hộ người khác khi họ không thể nói cho bản thân mình.

Tác giả: Beate Christeleit
Facebook: Anh Phong Nguyen
Bản dịch: Bui Nang Phan
Giải cứu trái cây

Cả tháng nay nhà vườn lao đao vì trái cam sành. Lỗ nặng khi giá cam chỉ còn 2000 đồng/ ký. Nhất là những người thuê đất trồng cam sành kiếm lời. Lời đâu không thấy, năm nay chắc cú sạt nghiệp vì không sao trả nổi tiền thuê đất.

Nhà nước và truyền thông hô hào giải cứu cam sành, giải cứu cũng giống như giải cứu các loại trái cây thanh long, củ hành tím hay dưa hấu.

Giải cứu thật ra chỉ là bán sô với mức rẻ nhất giống như câu thiệt thà của người Nam bộ " Mua đâu cũng vậy mua dùm tui, tui cám ơn!"

Hàng trái cây được giải cứu là khi ta thấy trái cây đổ tràn lan từng đống ở các hành lang vỉa hè trong các ngôi chợ từ lớn tới bé. Từ chợ tỉnh,chợ huyện tới chợ chồm hổm.

Mấy tuần nay nơi Chợ Lách cũng vậy, cam sành đổ bán lề đường đống đống. Từ cam nhất nhì đến cam nước. Thượng vàng hạ cám. Mới đầu 10 ngàn / 3 kg rồi, rồi 10 ngàn /4 kg. Riết 10 ngàn/ 5 kg bán cho hết. Để còn mang hàng mới về bán tiếp tục.

Người mua đi bán lại mà bán giá đó thì nhà vườn nói theo cách dân miền Tây là "lỗ sặc máu".

Khi truyền thông hô lên đã giải cứu xong mùa cam sành là cam sành bắt đầu lên giá 10 ng/ kg. Là khi nhà vườn cũng không còn bao nhiêu để bán khi vừa bán đổ bán tháo cho cây không kiệt sức, lớp rụng tràn đất, nổi lềnh bềnh giáp mương.

Vườn nhà tôi trước đây đã từng trồng cam sành với diện tích kha khá. Nên nhìn đống cam sành bán sô rẻ bèo ở chợ tôi thấy quá chạnh lòng, thương người trồng cam vô cùng.

Trồng lên được một vườn cam sành vốn không phải dễ. Từ chọn mua cây giống rất đắt. Mà có khi gặp chủ trại cây giống không có lương tâm xuất cho loạt cây giống ghép từ cây bị bịnh. Thế là trồng hoài cây không lớn nổi, vàng lá từ trứng nước phải nhổ bỏ. Mua cây khác chêm vô. Hao thêm mớ tiền cũng bộn.

Muốn cây xanh um thì phải cho cây đầy đủ phân bón, nước noi. Khi cây cho trái thì lớp bị ruồi vàng bu, bù xít đụt thì còn phải lo nuôi nhử kiến vàng vì bị kiến hôi tấn công trái cam không bóng mượt mà nám thâm, đen sì rất khó bán. Tới đợt bán thì nhà vườn hái từng trái cam, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa nếu không nhẹ tay cam sành dễ bị dập the.

"Cam sành lột vỏ còn the"_Cái the cam sành rất độc đáo. Nó có tinh dầu và mùi thơm the the dễ chịu nhưng khi trái cam bị rớt giập the rồi thì chỉ có thể ăn liền. Qua nửa ngày là nó thấm vào múi cam khi ăn hay uống nước từ cam đều có vị nhẫn nhẫn.

Thế nhưng trái cam sành khi hái xuống để 2-3 giờ đồng hồ rồi thì chất the cũng dịu hẳn đi. Đó là lúc tới tay thương lái. Họ lựa hàng thẩy đùng đùng vô các sọt nhựa cũng không sao.

Cam sành ngay mùa vào khoảng tháng 9,10 al. Giá cam vì thế không thể cao. Cam sành cho nở bông nghịch mùa thu hoạch từ độ tháng 5 hay 6 thì bán rất ngon vì giá cao.

Giá cam nhứt có thể lên 60-80 ng/kg nhưng cả đống cam hơn trăm kg thì lựa ra cam loại nhứt giỏi lắm 5-6 kg. Thương lái mua cam sành vừa ép giá vừa ép loại. Cam sành chở ra vựa bán rồi thì họ mua muốn lựa cỡ nào cũng ngồi chịu, nhà vườn không thắc mắc, không hơn thua. Cốt sao có nơi để bán là được. Chứ chở cam sành bán xa xôi rất cực. Vì tôi cũng là người chuyên môn chở cam sành đi bán mà.

Vườn cam sành ở nhà, tôi ngoài việc phụ chồng đi tưới thì mọi việc chăm sóc đều một tay anh lo. Tôi chỉ có nhiệm vụ chở đi bán mà thôi.

Nhắc tới chuyện bán cam sành tôi có nhiều kỷ niệm về nó.
Gia đình tôi tuy không giàu có bằng ai nhưng Ba Má tôi chưa bao giờ để chị em tôi thiếu cái ăn, cái mặc. Chưa bao giờ chúng tôi phải vất vả mua gánh bán bưng. Khi gả về nhà anh, tôi có thời gian bán sạp quần áo ở chợ cách nhà 5_6 cây số. Khi mang bầu Tân thì tôi nghỉ bán. Tân ra đời vì nuôi toàn sữa hộp nên vợ chồng tôi có bao nhiêu tiền đều dành dụm để mua sữa cho con. Từ hụi hè, nữ trang, vốn liếng đều văng hết vô đống hộp sữa không, ngồn ngộn chất sau hè nhà.

Lúc đó ba má chồng cho chúng tôi 4 công đất. Anh trồng cam sành lác đác trái chiến. Mỗi lần bán chỉ chừng 2 giỏ nhỏ khoảng 20 ký.

Có một chiều anh bẻ sẳn cam để đó. Tôi hỏi:
- Bán ai vậy anh?

Anh lơ đễnh nói: Bán chợ.

Thấy anh loay hoay lau kỹ từng trái nên tôi cũng không hỏi thêm mặc dù tôi ngây thơ không hiểu bán chợ là bán ra sao.

Khuya hôm đó 4 giờ sáng anh kêu tôi :
- Dậy đi em ,dậy đi bán cam.

Tôi dụi mắt nghe anh nói tôi tỉnh ngủ luôn:
- Em đi bán hả?

- Vậy chớ hong lẽ anh đi?

Nào giờ tôi có đi bán trái cây chợ khuya hồi nào đâu trời.
Nhưng tôi cũng thay đồ chuẩn bị đi mà trong lòng thầm nghĩ " Không ngờ mình lại có ngày này ."

Trong lòng lại lo :" Trời ơi, lỡ gặp bạn bè không biết phải giấu mặt đi đâu". Bởi Thảo Phạm nào giờ tuy không đài các nhưng cũng có thể tàm tạm gọi là tiểu thơ của gia đình có chút tiếng tăm khá giả. Nào giờ việc bán trái cây chỉ thấy ba vô cần xé gửi đò lên chợ Ông Lãnh bán thôi. Tự nhiên giờ bưng giỏ cam có mấy trái đi bán thật là kỳ ta. Nghĩ thấy ngộ nghĩnh mà lại thấy đau. Nhưng rồi nghĩ lại không đi bán thì lấy đâu tiền mua sữa con bú. Lúc đó 1 hộp Meiji 450 g trị giá 50 ngàn. Mua 10 hộp là đúng 1 chỉ vàng. Trong khi Tân uống 1 hộp chỉ có 3 ngày mà thôi. Vì con mà chường cái mặt bây lớn cũng kệ. Miễn sao có tiền là được.

Ngày ấy làm gì có chiếc xe máy. Tôi máng 2 giỏ cam 2 bên gi-đông xe, đạp cọc cạch trên con đường đầy ổ gà, ổ voi tay cầm cái đèn pin rọi để thấy đường mà chạy.

Nghĩ là vậy, nhưng tôi cũng luôn đi bán thật khuya để tránh bạn bè khó có thể gặp. Có hôm cái giỏ sút quay. Cả chục kg cam rơi xổ xuống đường. Tôi phải dựng xe lượm dưới đường đất tối thui cũng may có sẳn cái đèn pin không thì không biết phải làm sao.

Có hôm lo bán tôi cởi phăng cái áo lạnh, thuận tay máng đại vô bờ rào nhà người ta gần đường. Rồi bán xong tôi xuống chiếc trẹt qua Chợ Lách mua đồ ăn rồi dong xe về. Tới nhà, tôi mới hay còn cái áo bỏ quên.

Tôi trở ra chợ lần nữa.
Chỗ tôi bán cam là ngay bến đò Chợ Lách. Thiên hạ bận nhau chen chúc xuống trẹt buổi sáng để qua chợ không ai thèm để ý cái áo dù màu nó nổi bật.

Nhìn thấy còn cái áo lạnh nhung màu cam cam vắt vẻo trên bờ rào tôi thở phào nhưng cũng thầm cười mình " Cái áo máng trước mặt mà cái gì lại quên. Thiệt là tình!

Từ vài giỏ cam sành trái chiến, tới cam sành rợp mùa. Tân được 4 tuổi thì chúng tôi sắm được chiếc xe gắn máy. Vườn cam sành đã sum suê trái.

Lúc đó tôi đã chở cam sành đi bán trường kỳ. Đi bán cam sành từ khi Tân mẫu giáo vô cấp 1 rồi tới Tiến.

Từ ngày đầu tiên chở cam sành đi bán bằng xe máy chỉ có giỏ cam 4-5 chục ký. Tôi chở lên 2 giỏ trăm kg rồi 200 kg chạy bon bon. Không những chở cam sành bán tôi còn chở bán cả mùa sầu riêng khổ qua vườn nhà. Anh chỉ việc làm cho cây ra trái. Buôn bán là việc của tôi.

Có bữa đi bán cam tôi gặp ông anh trước đây chuyên là lái mua trái cây ở nhà Ba tôi. Anh cũng đi bán cam sành cùng chỗ.

Gặp tôi, anh ngạc nhiên: Trời ơi, em hả Thảo!?

Rồi anh nhìn tôi ngắm nghía từ đầu tới chân, cười mỉm mỉm như thể không tin đây là Thảo " Giờ em giỏi quá vậy Thảo!"

Tôi cũng cười khè anh luôn :" Hời ơi em giỏi lâu gòi !". Trên đường về nhớ câu anh Đức khen mà tôi thầm nghĩ trong đầu :" Giỏi cái gì mà giỏi anh ơi. Thời thế tạo anh hùng thôi. Không đi bán thì lấy gì nuôi con chứ!". Tôi chợt mỉm cười một mình với ý nghĩ ngộ nghĩnh. Giá mà Ba tôi còn sống chắc ông cũng ngạc nhiên lắm không ngờ đứa con gái ốm yếu bịnh hoạn " làm biếng nhớt thây " ngày nào giờ đây mưu sinh lăn lốc bụi đời như vậy.

Nhớ hồi chiếc cầu Chợ Lách còn lót ván mỗi khi qua lại nếu 2 xe hơi gặp nhau y chan như câu chuyện gấu qua cầu của lớp mẫu giáo. Trong 2 chiếc xe phải có chiếc trở lui. Có bữa 2 xe không ai nhường ai làm tắt cầu thiên hạ phải chờ cả buổi.

Mỗi lần chở cam sành lên dốc cầu Chợ Lách tôi đều lo nơm nớp. Xe lên được con dốc thấy không có xe hơi, xe tải lên ngược hướng là tôi mừng húm. Hình như ông trời cũng thương nên hôm nào đi bán tôi qua cầu Chợ Lách cũng thuận lợi.

Duy chỉ có 1 lần làm tôi nhớ mãi không quên. Nhớ và luôn ghi ơn những người đã giúp tôi hôm đó.

Đó là một buổi trưa tôi cũng chở 4 giỏ cam sành hơn 200 kg. Xe tôi lên nửa con dốc thì chiếc xe tải đổ xuống. Tôi hoảng hồn nên thắng gấp. Bánh xe sau trợt ngang làm chiếc xe bị ngã. Không thể tưởng tượng được mình lại có cảnh nầy dù qua cầu thường nhựt thấy người ta ngã cũng là chuyện không lạ.

Thế là nguyên 2 giỏ cam sành phía sau xe đổ xuống cầu. Tôi cầm chắc tay lái chưa thể dựng xe được nhìn từng trái cam sành lăn lông lốc từ trên dốc cầu Chợ Lách xuống tới chân cầu. Những người đi xe máy phía sau dựng xe và cả những người buôn bán quanh phía dưới chân cầu họ lượm hết số cam sành bị đổ vô giỏ khiên lên máng vào yên sau dùm tôi. Lúc đó tôi chỉ đứng yên cầm cự cho xe không bị ngã vì phía trước tay lái còn một giỏ cam lớn.

Anh tài xế chèn xe tải phụ mọi người đỡ xe tôi dậy ràng rịt 3 giỏ cam phía sau cho chắc chắn rồi anh de xe trở xuống nhường tôi chạy qua.
Tôi cảm ơn mọi người mà chân còn run.

Đến vựa cam, tôi thản nhiên như không có chuyện gì.

Anh lựa cam sành hỏi tôi:" sao bữa nay cam dơ hầy vậy?"

Tôi cười thật tươi:" Dạ hôm nay em đi gấp quá vì lo đưa con đi học sợ trễ giờ nó!"

Tôi đâu dám nói té. Nếu không anh ta sợ giập the lựa bỏ hàng giạt hết thì khổ.

Rồi tới chuyện hiểu nhầm hữu ích. Cũng vì do tôi ăn mặc luôn chải chuốt nên dù tôi chở cam sành đi bán nhưng cũng không quên nhìn mình ăn mặc sao cho đẹp.

Anh chủ vựa cam sành thấy tôi ăn mặc chỉn chu nên tưởng tôi là dân đi làm việc ở cơ quan nào đó nên có cơ hội là anh chỉ đống giỏ cam sành của tôi biểu người làm lựa trước cho cô này đi.

Người chờ trước mà lại bị mua sau họ phàn nàn thì anh chủ vựa nói:" Nhường dùm cổ chút đi để cổ còn phải đi dạy !".

Thế là họ vui vẻ nhường cho tôi bán trước. Tôi không quên cảm ơn rối rít mà lại mắc cười trong bụng.

Nhiều lần như vậy, để rồi có 1 hôm tính toa xong anh chủ vựa vui vẻ hỏi :" Em dạy ở đâu!?

Tôi cười cười nói vừa đủ anh nghe
- Dạ, em đâu có đi dạy.

Anh chủ vựa cười thú vị:
- Vậy mà lâu nay anh tưởng em làm cô giáo không!!

Tôi cũng cười : Thì anh nói chớ em có nói đâu.

Anh ta cười hóm hĩnh :" Nhưng ưu tiên vẫn được mà !'

Tôi cười không thể tươi hơn: Hi hi, dạ anh

Vì vườn cam sành ở nhà lai rai có bán hoài, rộ nhất là lúc ngay mùa mới nhiều. Nên trưa trưa là tôi chở cam đi bán rồi tranh thủ về chở Tân đi học. Nghỉ xíu tới 4 giờ đi rước con. Sẳn tiện đi bán cam sành rồi đưa con đi học. Nên ăn mặc đàng hoàng cũng là việc cần làm chứ đâu phải cốt lừa gạt ai.

Hình ảnh tôi chở cam sành đi bán là chuyện các con thấy quen mắt nhiều năm nên một chiêù vô văn phòng đóng tiền ăn cho Tiến thì 2 cô phụ trách thu tiền nhìn tôi ngần ngại hỏi:

-Chị, có phải chị đi dạy bên trường kia không ?( Tức là trường cấp 3 đối diện trường cấp 1)

Tôi tình thật:
- Không em, chị làm vườn. Người đi dạy bên kia là chị ruột của chị. Chắc em nhìn lộn á. Đi Chợ Lách nhiều người cũng nhầm chị với chị ấy lắm!

Cô thủ quỹ liền tâm tình :
- Em tưởng chị đi dạy nên hỏi Tiến mẹ em dạy ở đâu. Thì Tiến nói mẹ em không có đi dạy cô ơi. Mẹ em làm nghề bán cam. Nhưng em không tin. Nên nay quyết hỏi chị cho rõ ."

Về nhà, tôi kể anh nghe mà cười không nhịn được:" Anh, Tiến nó nói em làm nghề bán cam !"

Vườn cam sành nhà tôi ăn trái gần 10 năm thì bị vàng lá chết dần. Lúc đó bịnh vàng lá là nạn kiếp của vườn cam sành cả huyện Chợ Lách. Cũng giống như bịnh chổi rồng trên cây nhãn quế gây chết hàng loạt.

Các tay kỹ sư nông nghiệp đài Cần Thơ lên bày binh bố trận cho nhà vườn trồng cam sành cách phòng trị bịnh vàng lá trên cây cam sành. Tới bước cuối cùng là đốn cây và các bạn đốt luôn cái gốc mới triệt tiêu được nấm gây bịnh.

Xem tới khúc đó vợ chồng tôi nhìn nhau cười phá lên. Tư vấn như ri thì ai mà không biết, cần kỹ sư để làm gì.

Thế là nhà vườn bắt buộc phải chuyển đổi cây trồng. Vườn nhà tôi cũng nằm trong số đó.

Vợ chồng tôi đốn bỏ vườn cam sành trồng cam mật. Rồi hành trình chở cam mật đi bán cũng gian nan không kém. Cũng bị rớt giá cũng bị lựa như lựa dâu. May là bỗng dưng có lái tìm tới tận nhà cân mua nên tôi đỡ chút vất vả. Từ đó tôi chỉ còn chở sầu riêng khổ qua đi bán mà thôi.

Ngày xưa hồi ở nhà Ba má, lâu lâu ba hái cam sành vô nhà chỉ để ăn thôi không có nhiều để bán vì nhà trồng toàn cam mật chỉ có chêm vài cây cam sành để ăn thôi.

Cam sành ở nhà lúc đó rất ngọt. Nhưng vị ngọt cam sành có vị chua đặc trưng riêng của nó. Không ngọt ngon như cam mật. Nên ở nhà ít ai thích ăn cam sành bởi cam mật ngon hơn.

Chỉ có bà nội tôi thích ăn cam sành bằng cách tách múi ra để vào cái ly rồi thêm muỗng đường trộn đều đợi cho múi cam thấm đường bà mới ăn.

Trước đây Má tôi chưa mất, Má là người thường xuyên dùng cam sành lấy nước uống. Không phải Má tôi thích nó mà là Má uống cam sành để bổ sung vitamin và cũng để nhuận trường. Má tôi thường nói cam sành bây giờ chua nhiều hơn ngọt. Mà cái vị ngọt nó cũng lạt lẽo lắm. Không còn thơm ngon như xưa. Thì cũng đúng thôi. Cái gì qua rồi khó kiếm lại lắm. Mà một khi nó đã mang tên xưa thì thôi luôn. Không thể nào tìm lại được đâu.

Khi về nhà chồng, cam sành trồng nhiều vậy nhưng tôi cũng chưa bao giờ lột trái cam sành để ăn. Bởi tôi nào giờ không thích chua. Tôi là người hảo ngọt mà. Tôi chỉ dùng cam mật mà thôi.

Cũng là trái cam sành nhưng kẻ thích người không. Tôi chợt nghĩ có khác gì cũng một người tâm tính đó nhưng có người thương, người ghét . . Người thích cam sành thì dù chua ăn cũng thâý ngon ngọt. Người không thích có ngọt cũng không thèm ăn.

Có khác gì thương thì xấu cũng thành đẹp, có dở, có hèn mấy cũng bỏ qua nhẹ như phủi chiếc lá khô. Khi ghét rồi dù mình sống tốt cỡ nào người ghét mình cũng không công nhận, và luôn mặc định mọi việc mình làm đều xấu xa. Để rồi họ phải nhọc công đi theo dõi mình, để bươi móc từng ngõ ngách, thóc mách cho hả dạ bằng được.

Nghĩ tới đây tôi lại tự nở một nụ cười riêng mình. Tôi không thích cam chua càng không thích loại người sống chua lè nhưng tôi không buồn để ý họ. Bởi khi tôi không thích ai thì tôi gạt họ ra khỏi đầu mình ngay. Cho khoẻ.

Cuộc sống còn nhiều điều thú vị hơn đúng không.

Phạm Thu Thảo
Chợ Lách 28/12/2023

NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI’ PHÁT MINH RA WIFI

Mẹ đẻ của nền tảng công nghệ tiền thân của Wifi, GPS và Bluetooth - Hedy Lamarr là một phụ nữ đi trước thời đại.

Bà là một nữ diễn viên xinh đẹp của Hollywood, thu hút khán giả bằng tài năng.
Không chỉ vậy Lamarr cũng là một nhà phát minh phát triển công nghệ truyền thông không dây hiện đại. Tuy nhiên, cuộc đời của bà tràn ngập cả danh vọng và bi kịch.

Sự nghiệp điện ảnh lẫy lừng:
Lamarr sinh vào năm 1914 tại thủ đô Viên, Áo. Bà là con gái của gia đình gốc Do Thái và cha là một giám đốc ngân hàng thành đạt.

Lamarr sớm thể hiện niềm yêu thích với diễn xuất và xuất hiện trong bộ phim đầu tiên "Geld auf der Strasse", ở tuổi 16. Bà tiếp tục học diễn xuất tại Trường Sân khấu Max Reinhardt ở Berlin (Đức), nơi bà gặp và kết hôn với người chồng đầu tiên, một doanh nhân giàu có tên Friedrich Mandl.

Mandl là một tay buôn vũ khí và tham gia các thương vụ mua bán vũ khí cho Đức quốc xã và các chính phủ phát xít ở châu Âu, theo The US National Archives. Lamarr đã tháp tùng ông trong nhiều chuyến công tác và biết rõ những cuộc trò chuyện của ông với các nhà lãnh đạo quân sự và nhà khoa học. Việc tiếp xúc với giới công nghệ quân sự sau này đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp của Lamarr với tư cách là một nhà phát minh.

Cuộc hôn nhân của Lamarr và Mandl gặp nhiều sóng gió và cuối cùng Lamarr phải trốn đến Paris, Pháp để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Bà đã xuất hiện trong một số bộ phim của Pháp trước khi thu hút sự chú ý của nhà sản xuất Hollywood Louis B. Mayer, người đã đề nghị bà ký hợp đồng với hãng phim MGM vào năm 1937. Lamarr đến Mỹ mà không biết tiếng Anh và phải học ngôn ngữ này một cách nhanh chóng để thành công ở Hollywood.

Những bộ phim đầu tiên của Lamarr đều thành công và bà nhanh chóng nổi tiếng với vẻ đẹp và tài năng của mình. Bà đóng vai chính trong nhiều bộ phim trong suốt những năm 1940, bao gồm "Algiers" (1938), "Ziegfeld Girl" (1941) và "Samson and Delilah" (1949).

Sự nghiệp diễn xuất của Lamarr ghi dấu ấn sâu sắc, nhưng niềm đam mê thực sự của Lamarr là dành cho khoa học và công nghệ.

"Mẹ đẻ" của nền tảng công nghệ Wifi, Bluetooth, GPS:
Không ưa thích những buổi tiệc tùng và giao du với giới Hollywood hào nhoáng, Hedy Lamarr đã dành hàng đêm để mày mò, xây dựng và thử nghiệm trong nhà xưởng.

Là một người gốc Do Thái, Lamarr luôn mang trong mình mong muốn giúp Lực lượng Đồng Minh đánh bại Đức quốc xã.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Lamarr đã đồng phát triển một hệ thống dẫn đường vô tuyến cho ngư lôi của quân Đồng minh sử dụng công nghệ trải phổ và nhảy tần để tránh gây nhiễu tín hiệu dẫn đường của ngư lôi, theo The Guardian. Đáng tiếc, phát minh của Lamarr đã không được Hải quân Mỹ sử dụng trong Thế chiến thứ II, nhưng đã được dùng trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba (1962).

Quan trọng hơn, phương pháp chuyển đổi tần số này đã đặt nền móng cho các công nghệ liên lạc không dây hiện đại sau này như Bluetooth, Wi-Fi và GPS.

Bi kịch bị ngó lơ:
Trên thực tế, những đóng góp cho khoa học của Lamarr phần lớn bị ngó lơ vào thời điểm đó và bà ít được công nhận cho công việc của mình. Cái bóng của vai diễn quá lớn khiến nhiều người bỏ qua những đóng góp của bà cho công nghệ hiện đại.

Sau chiến tranh, Lamarr phải vật lộn để tìm kiếm chỗ đứng với tư cách là một nhà phát minh. Bà tiếp tục nghiên cứu những phát minh mới, nhưng những ý tưởng thường bị coi là lời nói "gió thoảng" của một nữ diễn viên xinh đẹp.

Phát minh công nghệ vô tuyến của Lamarr không được biết đến rộng rãi cho đến khi bà gần cuối đời, vào cuối những năm 1990 và đặc biệt thu hút sự chú ý hơn khi cáo phó của bà được công bố vào năm 2000. Kể từ đó, tin tức đã lan rộng và Lamarr đã trở thành một biểu tượng của phụ nữ trong khoa học.

Lamarr cũng phải đối mặt với một chuỗi bi kịch đời sống cá nhân. Bà đã kết hôn 6 lần và luôn kết thúc bằng ly hôn. Bà có 3 đứa con, trong đó có 1 người có chẩn đoán mắc chứng tự kỷ.

Mặc dù thành công với tư cách là một nữ diễn viên và nhà phát minh, Lamarr đã thực hiện một số khoản đầu tư và thường xuyên mắc nợ. Bà buộc phải bán nhiều tài sản để trả nợ. Bà cũng đã bị bắt nhiều lần vì các tội liên quan đến ma túy.

Năm 2000, Hedy Lamarr qua đời cô đơn trong một căn nhà nhỏ ở tiu bang Florida (Mỹ). Di sản của Lamarr với tư cách là một biểu tượng Hollywood và nhà phát minh đột phá vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho những người theo đuổi kiến thức và đạt thành tựu bên ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ. Cuộc đời bi kịch của 'người phụ nữ đẹp nhất thế giới' phát minh ra Wifi -

ST.

Nguồn: Mai Nhung - Những Câu Chuyện Nhân Văn


Xuất khẩu gian lận

25/12/2023

Dương Ngọc Thái

Ít người biết Microsoft, Google và Meta có một điểm chung: Họ đều có đội dành riêng chống gian lận từ người Việt.

Cách đây vài năm tôi kêu gọi các công ty ở Silicon Valley tài trợ tổ chức một hội thảo an ninh mạng. Khi tôi vừa nhắc hai chữ Việt Nam, Microsoft cho ngay 20.000 USD, cử đại diện từ Seattle sang dự.

Gặp ở Sài Gòn, tôi tò mò hỏi sao họ cho nhiều tiền, còn cất công đến dự. Đại diện Microsoft trả lời: “We want to know the enemy”, tức chúng tôi muốn biết kẻ thù là ai.

Trong phút chốc, tôi bần thần ngỡ Việt Nam và Mỹ lại sắp chiến tranh, nhưng không, họ giải thích vì có quá nhiều gian lận từ Việt Nam nên họ muốn đến tận nơi tìm hiểu.

Đó là chuyện 10 năm trước. Mới đây, Microsoft thông báo phát hiện ba người Việt tạo hơn 750 triệu tài khoản giả, gây thiệt hại hàng triệu USD.

Bạn tôi, không phải dân máy tính, nhắn tin hỏi, “Sao tụi nó có thời gian tạo nhiều tài khoản vậy, chắc mỏi tay lắm?”.

Giả sử mất một phút để tạo một tài khoản. Nếu học hết cấp hai (tôi có nhiều bạn là dân vô học giống tôi nên phải giả sử cho chắc ăn), bạn tôi có thể làm một phép tính đơn giản để thấy tạo 750 triệu tài khoản sẽ mất 1.426 năm.

Tức ba người Việt kể trên phải bắt đầu tạo tài khoản từ khi mới đẻ, tạo liên tục, không có thời gian bú sữa mẹ nên bị suy dinh dưỡng, chết yểu, đầu thai lại tiếp tục tạo tài khoản, lập đi lập lại 10 kiếp người thì mới mong hôm nay có đủ 750 triệu tài khoản.

Làm vậy hơi khó và cần một tầm nhìn xa ngàn năm. Người Việt chúng ta khôn hơn nhiều. Tôi đoán ba anh bạn ở trên viết chương trình máy tính để tạo tài khoản tự động. Mỗi giây tạo 100 tài khoản, chừng 100 ngày là xong.

Tạo từng ấy tài khoản để làm gì? Gian lận. Click quảng cáo giả, nhận tiền khuyến mãi, phục vụ nền kinh tế ảnh hưởng (influence economy) như cày view giả, bán like giả, bán người theo dõi giả, bán đánh giá, bầu chọn giả. Nếu giao cho người Việt quản lý, Michelin sẽ không chỉ có ba sao, mà phải có tám chục sao.

Tôi từng gặp đội chuyên chống gian lận từ Việt Nam ở Google, nghe họ kể khả năng lách luật của người Việt mà thấy hết sức thân thuộc. Chẳng hạn công ty khuyến mãi 100 USD cho khách hàng mới, ngay lập tức xuất hiện hàng loạt tài khoản giả.

Tôi cũng đã trực tiếp chứng kiến khả năng “sáng tạo” của người Việt. Hồi tháng trước, một khách hàng của tôi đã tốn hàng trăm ngàn USD phí SMS vì ai đó từ Việt Nam lừa hệ thống của họ nhắn tin hàng loạt đến các đầu số trả phí (SMS pumping).

Một người bạn kể trong lúc phỏng vấn, đại diện Meta rất phấn khích khi biết anh ấy là người Việt. Họ nói có dự án rất phù hợp. Khi vào làm, bạn tôi mới biết đó là dự án chống gian lận từ Việt Nam.

Năm 2018, khi nhiều nhà báo và người có ảnh hưởng bị Facebook khóa tài khoản, tôi có tìm hiểu các thủ thuật lừa Facebook khóa tài khoản bất kỳ.

Tôi rất bất ngờ khi các “tài năng” Việt Nam đã nghĩ ra những 5 cách khác nhau, với những “chiêu” khó đỡ như nộp giấy chứng tử giả, khiến Facebook tưởng nạn nhân đã qua đời, không cho cập nhật trang nhà nữa.

Voltaire sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của người khác, còn Facebook không thể ngờ, để ngăn người khác nói, một số người Việt dám cả gan làm giả cả hộ khẩu của Diêm Vương.

Ngoài gian lận bằng tài khoản giả, người Việt cũng khét tiếng thế giới với những mánh khóe cướp tài khoản (account takeover). Những ngày cuối năm 2021, Facebook khởi kiện bốn người Việt đã chiếm tài khoản quảng cáo của doanh nghiệp, gây thiệt hại 36 triệu USD.

Tháng 7 năm 2022, hãng bảo mật WithSecure công bố một nghiên cứu cho thấy một nhóm người Việt đã dày công “nghiên cứu” trong vài năm để tạo ra một mã độc có tên rất cắt tóc là ĐUÔI VỊT (DUCKTAIL). Để làm gì? Chiếm tài khoản Facebook để cướp tiền quảng cáo.

Hồi tháng 9 năm 2023, nhà báo Amanda Florian ở tạp chí Vox đã thực hiện một điều tra bỏ túi với gần 100 nạn nhân mất tài khoản Facebook từ 14 quốc gia. Các bằng chứng cho thấy thủ phạm là một nhóm người Việt tuổi đôi mươi từ Việt Nam.

Người bạn ở Meta của tôi nói: “Bọn nó giỏi thật anh à, nghĩ ra bao nhiêu cách mà chính tụi em cũng không nghĩ ra được. Mình mới sửa hôm nay, hôm sau chúng lại nghĩ ra cách [gian lận] mới”.

Những người Việt bị Microsoft hay Facebook điểm mặt chỉ tên có chút khả năng, nhưng họ không phải tài năng, những gì họ làm không phải sáng tạo. Tài năng thật, sáng tạo thật phải tạo ra giá trị thật cho thế giới.

Chiếm đoạt tài khoản người khác rõ ràng là phạm pháp. Tạo và dùng tài khoản giả để trục lợi bản thân cũng không đem lại ích lợi gì cho thế giới, ngoại trừ khiến chi phí làm ăn với Việt Nam cao hơn so với các nước, vì làm gì cũng phải tiền kiểm, hậu kiểm. Chi phí này cuối cùng đổ xuống đầu người dân và doanh nghiệp trong nước.

Gần đây khi tôi gửi một kiện hàng về Việt Nam, hải quan Mỹ buộc tôi phải trình hóa đơn, khiến công việc trễ nãi, việc trước đây chưa từng xảy ra. Lý do? Có quá nhiều giao dịch gian lận từ Việt Nam. Cũng vì lý do an ninh, nhiều tập đoàn công nghệ lớn thế giới cấm nhân viên làm việc từ Việt Nam. Ngồi ở đâu trong Đông Nam Á cũng được, trừ Việt Nam.

Tôi tin không ai thích đất nước mình bị thế giới e ngại. Ai cũng muốn Việt Nam giàu mạnh, được thế giới tin tưởng, nể trọng. Muốn vậy, Việt Nam phải tạo ra thứ thế giới cần, tức phải trở thành một phần của giải pháp cho các vấn đề toàn cầu. Lừa đảo, gian lận trực tuyến là một vấn đề nhức nhối, nhưng Việt Nam không những chưa giúp được gì, mà còn đang làm mọi việc tệ hơn.

Tôi không có giải pháp, chỉ có vài suy nghĩ.

Tôi nghĩ muốn giải quyết vấn đề trước tiên cần phải thừa nhận có vấn đề: Việt Nam đang xuất khẩu gian lận, nếu không sớm giải quyết, uy tín quốc gia càng suy giảm, chi phí giao thương làm ăn với các nước càng tăng.

Để hiểu gian lận từ đâu ra, chúng ta cần nhìn vào lịch sử. Vì vị trí địa chính trị, người Việt buộc phải rất giỏi chiến tranh. Không quốc gia nào khác từng đánh thắng ba thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Mà Tôn Tử đã nói, “All warfare is based on deception”, tức chiến tranh là lừa dối. Thành ra, dẫu thích hay không, chúng ta phải thừa nhận với nhau người Việt thạo và dễ chấp nhận những trò mánh mun, gian dối.

Thực tế cuộc sống hàng ngày cũng khiến người Việt phải rất linh hoạt. Một người bạn kinh doanh lâu năm tâm sự ở Việt Nam làm sai dễ hơn làm đúng. Câu nói nổi tiếng của Lỗ Tấn “Trên đời làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường thôi” về đến Việt Nam đã trở thành “Trên đời làm gì có đường không được đi, chỉ có đường không đi được”. Khi lách luật, mánh lới là cách sinh tồn, gian lận đã âm thầm trở thành phản xạ.

Cuối cùng, tôi xin chia sẻ một chút về bản thân, vì tôi nghĩ câu chuyện của tôi có thể là một gợi ý.

Tôi sinh ra và lớn lên ở quận 4. Bây giờ quận nhà đã khác, nhưng, nhiều năm trước, đây là vùng đất mà nhiều người Sài Gòn không dám lui tới. Thầy giáo dạy văn cấp hai của tôi kể chuyện cười khách đi máy bay thò tay qua cửa sổ, thụt tay vào thấy mất chiếc đồng hồ thì biết đang bay ngang qua quận 4.

Ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu, nhưng từ nhỏ tôi đã quen biết nhiều người làm những “nghề” không giống ai như móc túi, giật đồ, ăn trộm vặt, cờ bạc bịp. Ở đấy, lúc bấy giờ, không có khái niệm gian lận, chỉ có khôn và ngu. Ai khôn thì được, ai ngu thì mất, ráng chịu. Lừa được người khác là một thành tích.

Tôi lớn lên với một “background” như vậy, nên mọi thứ luật lệ đều chỉ là “opt-in”. Tôi may mắn chọn được một nghề (hay nghề chọn người?) mà tôi được trả tiền để nghĩ ra những ý tưởng xấu xa nhất. Công việc hàng ngày của tôi là tìm cách lừa người khác, để giúp họ không bị lừa. Đội của tôi nghĩ ra những cách đánh lừa hệ thống phần mềm, để giúp thế giới xây dựng những hệ thống vững chãi hơn.

Gian lận và chống gian lận kỳ thực là hai mặt của một vấn đề. Không thể chống gian lận, nếu không biết cách gian lận. Vậy thì Việt Nam đang sở hữu những bộ não chống gian lận thuộc hàng tốt nhất thế giới. Đây là thứ mà nhiều người cần, là giá trị thật mà Việt Nam có thể đem lại cho cả thế giới.


--
Tucker Reacts to Leaked IBM Meeting Revealing Insane DEI Initiatives

 


Hương dầu khuynh diệp đặc biệt trong ký ức người Sài Gòn

Bà mẹ trẻ vừa tắm xong đứa bé sơ sinh. Trên tấm khăn rộng, đứa bé được mẹ lau khô và gói lại. Trước khi được cho vào nôi, đứa bé được mẹ xức dầu trên trán, 2 bên thái dương và dưới lòng bàn chân. Mùi dầu thoang thoảng. Bà nội bé thốt lên, giá như còn dầu khuynh diệp thì tốt biết mấy...

Dầu gió khuynh diệp bác sĩ Tín
Chai dầu khuynh diệp mà bà Tư Sương - bà nội đứa bé - vừa nói chính là dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, một sản phẩm đã đồng hành cùng người tiêu dùng từ những năm 1950 của thế kỷ trước trên toàn miền Nam. Đây là một loại dầu gió được điều chế từ tinh dầu cây khuynh diệp.

Vào những năm ấy, trong túi các bà nội trợ, những người buôn bán và các học sinh lúc nào cũng có chai dầu gió khuynh diệp bác sĩ Tín. Nói như vậy để chúng ta có thể hình dung được đây là một sản phẩm đi sâu vào sinh hoạt của người dân.

Chai dầu khuynh diệp bác sĩ Tín. Ảnh: Tư liệu.

Ngoài công dụng trị tứ thời cảm mạo, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín luôn đồng hành cùng các sản phụ và trẻ sơ sinh. Trong một gia đình có người ở cữ, mùi dầu khuynh diệp luôn thoang thoảng quanh nhà. Một nồi nước xông cũng cho vô vài giọt. Sản phụ sau khi xông xong, mùi khuynh diệp bao trùm cả người.

Đứa bé cũng thế, tắm rửa xong được xoa dầu ở lòng bàn tay, chân, ở thái dương. Người lớn, đau bụng cũng xoa. Đau răng, có người dùng cây tăm quấn bông gòn nhúng dầu chấm vào lỗ răng sâu. Người già nhức lưng đau tay chân cũng được xoa bóp bằng dầu khuynh diệp. Nói chung, dầu khuynh diệp bác sĩ Tín luôn theo sát người dân trong những lúc trái gió trở trời.

Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín có công thức đặc biệt riêng của nó. Đây là một loại dầu gồm hỗn hợp các loại tinh dầu như dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu. Nhưng chủ yếu vẫn là tinh dầu khuynh diệp. Tràm, bạc hà, hay hương nhu… thì nước ta có thể trồng và chưng cất được, nhưng tinh dầu khuynh diệp thì tới nay vẫn chưa.

Vì chưa thể tự chủ về nguyên liệu nên người điều chế ra chai dầu khuynh diệp là bác sĩ Tín luôn trăn trở. Ông muốn sản phẩm của mình phải được hình thành bằng 100% nguyên liệu trong nước.

Bác sĩ Bùi Kiến Tín. Ảnh: Tư liệu.

Bác sĩ Tín tên đầy đủ là Bùi Kiến Tín. Ông sinh năm 1912 tại Quảng Nam. Thuở nhỏ học ở quê nhà. Lớn lên ông ra Huế tiếp tục học và đậu Tú Tài. Ông qua Pháp nhiều năm để rồi sau đó trở thành bác sĩ y khoa. Trong thời gian du học ở Pháp, ông đã tìm hiểu các phương pháp bào chế thuốc của Tây phương. Năm 1941 ông hồi hương dồn hết tâm huyết cho ra đời sản phẩm dầu khuynh diệp bác sĩ Tín. Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín được nhiều người tín nhiệm ngay từ lô sản phẩm đầu tiên.

Ngoài dầu khuynh diệp bác sĩ Tín còn có thuốc ho bác sĩ Tín, thuốc bổ bác sĩ Tín. Các sản phẩm của bác sĩ Tín đều được người tiêu dùng hưởng ứng mạnh mẽ.

Tham vọng trồng cây khuynh diệp
Những sản phẩm của bác sĩ Tín được sản xuất ra đều phải nhập nguyên liệu là tinh dầu khuynh diệp từ nước ngoài. Điều này đã làm cho ông mất ăn mất ngủ, tìm cách làm sao trồng cho bằng được cây khuynh diệp trên đất Việt Nam để rồi từ đó tinh chế ra tinh dầu nhằm giảm bớt giá thành.

Năm 1954, ông mua một miếng đất rộng 30ha nằm doc theo quốc lộ 1A bên tay phải theo hướng Suối Tiên về Biên Hòa. Khu vực này có tên là Đồi Viễn.

Mua đất xong, bác sĩ Tín sửa sang lại cho phù hợp với điều kiện canh tác. Năm 1960, lứa khuynh diệp Eucalyptus nhập từ nước Pháp về lần đầu tiên được trồng trên đất Đồi Viễn. Cũng trong thời gian này, ông tiếp tục mua thêm 2 trang trại khác nằm tại vị trí km 181 và 183 Quốc lộ 20 Dầu Giây - Đà Lạt thuộc xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Diện tích của cả 2 khu lên đến 40ha.

Trong dự tính của bác sĩ Tín, đất tại Đồi Viễn dùng để ươm cây. Sau khi cây lớn sẽ được bứng ra chuyển lên 2 trang trại này để trồng thử. Tuy nhiên, việc trồng thử này chỉ thành công ở trang trại Km 183 trong khi ở trang trại Km 181 lại thất bại.

Không thể kết luận đất ở trại Km 183 tốt, trại Km 181 xấu bởi cả 2 chỉ cách nhau 2 km. Vì là trồng thử nên tại trang trại Km 183, cây khuynh diệp được bón một loại phân đặc biệt có giá rất cao nhập từ Pháp về. Cây khuynh diệp hấp thu loại phân này phát triển tốt. Trong khi đó ở trang trai còn lại, do để thử nghiệm đất không phân hoặc dùng phân trong nước đã không cho cây khuynh diệp như ý muốn.

Ý tưởng trồng khuynh diệp để chủ động nguyên liệu của bác sĩ Tín bị phá sản hoàn toàn. Giá thành để cho khuynh diệp tốt thu được nhiều tinh dầu khá cao. Có thể còn cao hơn tinh dầu ngoại nhập.

Do đòi hỏi lượng phân quá nhiều nên sau khi sử dụng hết số phân còn tồn lại, cây khuynh diệp bắt đầu chết dần. Đến năm 1978, 80% khuynh diệp trồng tại 3 trang trại bị chết. Số còn lại không đủ lá để khai thác tinh dầu. Cuối cùng tham vọng của bác sĩ Tín cũng đành gác lại.

Thành công trong kinh doanh
Để có được chai dầu khuynh diệp, bác sĩ Tín đã lập ra Viện bào chế đông dược miền Nam. Qua nhiều năm mày mò, nghiên cứu cuối cùng chai dầu gió có màu xanh kèm theo hương thơm ngào ngạt đến được với mọi người.

Cái hay của bác sĩ Tín mà đến nay nhiều người còn nhắc đến là ông từng du học nhiều năm bên Pháp, khi về nước vào năm 1941 tức là lúc người Pháp còn có mặt tai Việt Nam, ông đã mạnh dạn dùng Việt ngữ trong quảng cáo trên các toa nhãn để đưa sản phẩm mình đến với quảng đại quần chúng.

Không chỉ đơn thuần là một bác sĩ, ông còn là một nhà kinh doanh có tầm nhìn khá rộng. Ông làm mọi cách để sản phẩm đến được với người dân. Hình ảnh chai dầu khuynh diệp kèm theo những lời thuyết minh có tính quảng cáo nhưng rất trung thực được xuất hiện bên hông các toa tàu điện, khu chợ và các khu dân cư đông đúc. Một chiêu thức táo bạo lúc bấy giờ đã được ông dùng đến: "Mua dầu khuynh diệp trúng xe Austin".

Sản lượng dầu khuynh diệp bác sĩ Tín tính đến 1975 đã lên đến 25 triệu chai. Đây là con số mà nhiều người làm kinh doanh thời bấy giờ có nằm mơ cũng không thấy được.

Khu Đồi Viễn nay được xây dựng Công viên lịch sử & văn hóa dân tộc. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa.

Năm 1975, Đồi Viễn trở thành trường Cán bộ y dược miền Nam, được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Viện Y dược học dân tộc.

Sau 4 khóa giảng dạy, năm 1979 trường được chuyển về sát nhập với Trung học y tế TPHCM. Từ đó, Đồi Viễn chấm dứt nhiệm vụ đào tạo đông y và khu đất mênh mông đó bị bỏ hoang trong nhiều năm. Cuối cùng, chính quyền thành phố dùng nơi đây để xây dựng Công viên lịch sử và văn hóa dân tộc. Hai trang trại ở Bảo Lộc cũng không khá hơn. Dấu vết của trang trại ngày nào đã không còn...

Trần Chánh Nghĩa
09/06/2017

Hồn ma đêm Giáng Sinh 


Tất cả chúng ta đều từng gặp những người tham lam, và dường như với họ không bao giờ là đủ, ngay cả khi họ đã có rất nhiều. Một số người trong chúng ta có thể bị ám ảnh trước khao khát có nhiều hơn: nhiều tiền hơn, nhiều thời gian hơn, nhiều tình cảm hơn, nhiều danh tiếng hơn, .v.v.

Đôi khi, thật khó để nhớ ra rằng chúng ta đến thế giới này với tay trắng và cũng sẽ ra đi trắng tay. Có lẽ, cuốn tiểu thuyết “A Christmas Carol” (Hồn ma đêm Giáng Sinh) của nhà văn Charles Dickens và bức tranh minh họa của họa sĩ Arthur Rackham nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc vượt qua lòng tham của chính mình.

Tiểu thuyết ‘Hồn ma đêm Giáng Sinh’ của nhà văn Charles Dickens

Trong tiểu thuyết “Hồn ma đêm Giáng Sinh” của nhà văn Charles Dickens, nhân vật Ebenezer Scrooge nổi tiếng là người sống keo kiệt và bủn xỉn. Thậm chí vào Đêm Vọng của Lễ Giáng Sinh (đêm trước Lễ Giáng Sinh), ông ta không những từ chối chia sẻ của cải của mình cho việc thiện nguyện, mà còn [từ chối chia sẻ] tinh thần của Lễ Giáng Sinh với cháu trai. Thay vào đó, ông ôm giữ trái tim lạnh giá hơn cả mùa đông Giáng Sinh.

Thế nhưng, vào Đêm Vọng của Lễ Giáng Sinh đó, khi ông Scrooge đang ngồi một mình trong căn phòng lạnh lẽo thì hồn ma của người bạn buôn bán với ông là Jacob Marley ghé thăm. Ở thế giới bên kia, ông Marley đang bị trừng phạt vì lòng tham của mình và phải lang thang trên trái đất với những xiềng xích đè nặng trên thân. Ông ta mong muốn giúp ông Scrooge tránh được số phận tương tự, và cho ông ta biết rằng sẽ có ba hồn ma ghé thăm.

Đầu tiên, “Hồn ma của Giáng Sinh Quá khứ” đến thăm ông Scrooge. Hồn ma này nhắc nhở ông về xuất thân khiêm tốn của mình, cho ông thấy quá khứ khi ông còn là một cậu học trò và một người học việc. Hồn ma cũng cho ông thấy hôn ước giữa ông và tình yêu cuộc đời là bà Belle đã kết thúc chỉ vì lòng tham tiền bạc quá lớn của ông. Ông Scrooge cảm thấy hổ thẹn về bản thân.

Tiếp theo, “Hồn ma của Giáng Sinh Hiện tại” đến và đưa ông Scrooge đi khắp London để ông có thể nhìn thấy những người khác đang đón Lễ Giáng Sinh như thế nào. Ông Scrooge chứng kiến cảnh nghèo khổ của anh Bob Cratchit, nhân viên của ông. Gia đình Cratchit chỉ có bữa ăn đạm bạc vào dịp Lễ Giáng Sinh, còn cậu con trai út Tiny Tim thì bị mắc bệnh hiểm nghèo. Hồn ma cũng đưa ông Scrooge đến nhà cháu trai của ông để chứng kiến gia đình cậu đón mừng Lễ Giáng Sinh mà không có ông, và ông Scrooge tràn ngập xúc động.

Cuối cùng, “Hồn ma của Giáng Sinh Tương lai” cho ông Scrooge thấy cái chết của một người đàn ông bí ẩn. Ông Scrooge tình cờ nghe thấy mọi người phàn nàn về lòng tham và sự nóng nảy của người đã khuất. Hai thương nhân bàn luận về kẻ bần tiện mới qua đời này, và một người nói, “Này, cuối cùng thì ác quỷ đã có được chính hắn rồi nhỉ?”. “Old Scratch” là tên gọi khác của Ác quỷ. Ông Scrooge được đưa đến nghĩa trang, nơi ông nhận ra mình chính là người đàn ông đã qua đời kia.

Quá choáng váng, ông Scrooge cầu xin sự tha thứ. Ông không muốn chết, cũng không muốn bị mọi người nhớ đến như một thương nhân già tham lam và vô cảm. Ông thề sẽ thay đổi cách sống của mình, trao tặng và cư xử tử tế với mọi người.

Rồi ông choàng tỉnh dậy vào Ngày Giáng Sinh. Lòng tràn ngập niềm vui của tinh thần Giáng Sinh, ông gửi thức ăn cho gia đình Cratchit và đến thăm nhà cháu trai. Trong suốt quãng đời còn lại, ông hân hoan đón mừng Lễ Giáng Sinh trên khắp London bằng lòng hảo tâm và bác ái của mình.

Bức tranh “Old Scratch has got his own at last, hey?” (Này, cuối cùng thì ác quỷ đã có được chính hắn rồi nhỉ?), năm 1915, của họa sĩ Arthur Rackham.

‘Này, cuối cùng thì ác quỷ đã có được chính hắn rồi nhỉ?’

Ông Arthur Rackham là họa sĩ người Anh sống vào thế kỷ 19, người vẽ bức tranh minh họa cho tác phẩm “Hồn Ma Đêm Giáng Sinh” của Charles Dickens. Một trong những tác phẩm minh họa của ông có tên là “Old Scratch has got his own at last, hey?” (Này, cuối cùng thì ác quỷ đã có được chính hắn rồi nhỉ?), trong đó ông Rackham diễn giải và mô tả cảnh “Hồn ma của Giáng Sinh Tương lai” tiết lộ tương lai cho ông Scrooge.

Hai nhân vật cao lớn là ông Scrooge và Ác quỷ choán phần lớn bố cục của bức tranh. Nhân vật bên trái là ông Scrooge. Ông đang kinh hãi nhìn tên ác quỷ đứng trước mặt mình. Toàn bộ bộ trang phục trên người ông đều nhăn nhúm, như thể ông đang run lẩy bẩy trước sự hiện diện của Ác quỷ. Ông cũng nắm chặt hai túi tiền, mỗi tay một túi.

Ác quỷ hơi nghiêng người về phía ông Scrooge và ngoắc tay ra hiệu cho ông Scrooge lại gần. Tay khác, hắn cầm một thứ như lưỡi hái mà hắn thường dùng để bắt giữ các nạn nhân của hắn. Ác quỷ được mô tả là nửa người nửa thú, đuôi của hắn trườn lên và quấn quanh cổ tay như thể ngay cả bản thân hắn cũng đang bị giam cầm bởi chính những ham muốn xấu xa của mình.

Bên dưới ông Scrooge và Ác quỷ là hai thương nhân đang trò chuyện trong đám tang mô phỏng của ông Scrooge. Họ mặc áo khoác dài và đội mũ chóp cao. Họ nói chuyện và bắt tay nhau. Dựa vào nhan đề của bức tranh minh họa này, chúng ta cũng có thể đoán được người này đang nói với người kia, “Này, cuối cùng thì ác quỷ đã có được chính hắn rồi nhỉ?”

Lòng tham quỷ dữ
Câu chuyện của nhà văn Dickens và bức tranh minh họa của họa sĩ Rackham có thể mang đến cho chúng ta một cái nhìn sáng tỏ về bản chất của Ác quỷ và lòng tham. Như đã đề cập trước đó, “Old Scratch” ám chỉ Ác quỷ và “chính hắn” ngụ ý là ông Scrooge. Do đó, bức tranh minh họa của Rackham miêu tả việc Ác quỷ đã bắt ông Scrooge để làm tài sản của mình.

Tuy nhiên, câu nói của vị thương nhân và nhan đề của bức tranh đã gợi ý rằng, Ác quỷ không thể bắt giữ bất cứ ai, ngoại trừ chính hắn. Nghĩa là, Ác quỷ chỉ có thể bắt được những người giống như hắn. Và điều gì khiến ông Scrooge giống như Ác quỷ? Đó chắc chắn phải là lòng tham.

Tham lam và sợ hãi thường có mối tương quan với nhau, vì người tham lam thường lo sợ mất đi hoặc không có đủ. Nỗi sợ hãi thôi thúc họ kiếm nhiều hơn và tích trữ nhiều hơn; nếu không thì có lẽ họ đã không tham lam như vậy. Thoạt nhìn thì có vẻ như ông Scrooge sợ Ác quỷ, và có thể là ông sợ thật. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, bạn có thể nhận thấy ông ta sợ phải từ bỏ những túi tiền mà ông đang nắm chặt trong tay hơn.

Ngay cả khi đối mặt với cái chết và mối đe dọa cực hình của Ác quỷ, thì ông Scrooge vẫn không thể buông bỏ tiền tài của mình. Cơ thể ông ta run lên xoay túi tiền [qua hướng khác] khi Ác quỷ đến gần. Chính lòng tham quá độ và sự tàn phá này là điều khiến Scrooge giống như Ác quỷ.

Và Ác quỷ cũng tham lam. Trong truyền thống Cơ Đốc Giáo, kẻ tham lam quyền lực nên bị đuổi khỏi thiên đàng. Ở địa ngục, Ác quỷ tham lam các linh hồn và dùng công cụ giống như lưỡi hái để giam cầm những ai có chung lòng tham với hắn. Ngay cả chiếc đuôi của Ác quỷ, dường như cũng mang ý nghĩa riêng khi quấn quanh cổ tay hắn như chiếc cùm của tù nhân. Như thể chiếc đuôi, bộ phận thấp nhất của động vật trong một con người tràn đầy lòng tham đã nhận ra lòng tham và tìm cách giam cầm nó.

Vậy phải chăng, không chỉ có Ác quỷ đang đến và bắt giữ những kẻ giống hắn, mà ngược lại, chính lòng tham cũng đang giam cầm những kẻ thực hành nó, kể cả chính Ác quỷ?

Lễ Giáng Sinh này, sẽ không có hồn ma nào đến giúp chúng ta mặc cả và vượt qua lòng tham của mình. Vậy làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi xiềng xích của nó? Những trải nghiệm của ông Scrooge nhắc nhở ông phải tử tế, rộng lượng, và quan tâm đến những người xung quanh. Có lẽ, Giáng Sinh này và nhiều Giáng Sinh tiếp nữa, chúng ta có thể nhớ tới nhân vật Scrooge và cố gắng làm điều tương tự.

Bạn đã từng nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật rất đẹp nhưng lại không biết ý nghĩa của tác phẩm đó là gì? Trong loạt bài “Chạm đến tâm hồn: Nghệ thuật truyền thống mang lại điều gì cho trái tim”, chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác cổ điển theo nhiều cách mà có thể mang đến sự hiểu biết sâu sắc về đạo đức đối với chúng ta thời nay. Chúng tôi cố gắng tiếp cận từng tác phẩm nghệ thuật để xem những sáng tạo lịch sử này có thể truyền cảm hứng như thế nào cho lòng tốt thiên bẩm của chúng ta.

Eric Bess _ Chi Lan
Thử nghiệm thành công phương pháp tiêu diệt 99% tế bào ung thư

Chủ Nhật, 31 Tháng Mười Hai 2023

Phương pháp này được gọi là "Búa khoan phân tử" dùng rung động để xé nát khối u ung thư, theo trang tin của Đại học Rice (Mỹ) - Rice University.

Các nhà khoa học đã dùng ánh sáng cận hồng ngoại để tạo rung động đồng loạt - gọi là dao động plasmon, để phá vỡ tế bào ung thư- Shutterstock

Các nhà nghiên cứu từ 3 trường đại học của Mỹ: Đại học Rice, Đại học Texas A&M và Đại học Texas, đã dùng aminocyanine - một loại thuốc nhuộm huỳnh quang thường được sử dụng trong y học, để đánh dấu tế bào ung thư, rồi chiếu ánh sáng cận hồng ngoại để tạo rung động đồng loạt - gọi là dao động plasmon, để phá vỡ tế bào ung thư.

Điều kỳ diệu là kết quả đã tiêu diệt 99% tế bào khối u ác tính ở người được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, theo Rice University.

Nhà hóa học James Tour, giáo sư khoa học vật liệu và kỹ thuật nano, Đại học Rice, cho biết: Điều đặc biệt là dao động này được kích hoạt bằng ánh sáng cận hồng ngoại. Ánh sáng này có thể xuyên qua cơ thể rất sâu, tiếp cận các cơ quan hoặc xương mà không làm tổn thương mô.

Tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học Ciceron Ayala-Orozco, Đại học Rice, cho biết: Đây là lần đầu tiên dao động plasmon được sử dụng để kích thích toàn bộ phân tử và tạo ra lực cơ học để đạt được một mục tiêu cụ thể là xé nát màng tế bào ung thư, Theo Rice University.


Blog Archive