Friday, December 15, 2023

TIẾNG BẮC CHƯA CHẮC CHUẨN HƠN TIẾNG NAM...!

Nói ra vùng miền mà nói hoài thì không đặng, người ta sẽ nói mình này nọ. Nhưng cứ đọc mà thấy bực bội, rộn lòng mình, nó chướng quá, cái sự "biến khách thành chủ" quá ngạo mạn của một số người

Chúng ta là những người Việt Nam dũng cảm, đối mặt với những ngày mà không có máu "kiên trì" sẽ điên loạn. Xin hãy dằn lòng, nhẹ tâm, "an tâm" là cách tu hay nhứt nếu bạn chiêm nghiệm. Trót dại sanh ra trong cái đời này? Chẳng dám trách ai, chỉ trách mình lỡ đạp cái dại. Nhưng xin khẳng định đi qua, bước qua để chúng ta khôn thêm. Quan sát, nhìn ngó mọi thứ để chúng ta hiểu rõ những người mà chúng ta cần hiểu. Tâm bất biến giữa cuộc đời vạn biến.

Tại sao phải áp vào và rằng "giọng Bắc" mới là chuẩn nhứt? Việt Nam mỗi vùng miền có một cái đặc trưng của riêng, so sánh giọng Hà Nội với giọng Huế và giọng Sài Gòn rồi tự ý giọng Bắc, giọng Hà Nội làm "chuẩn" thì quá bậy rồi
Không có cơ sở nào lấy giọng Hà Nội làm chuẩn, Hà Nội ưu việt nhứt, không thể lấy giọng Hà Nội làm "chuẩn" cho cả Việt Nam. Cái giọng của người Hà Nội cũng chỉ đặc trưng tiêu biểu của phương ngữ Bắc, phong phú hơn về mặt thanh điệu và phụ âm cuối, nhưng cũng có phần kém hơn ở một số phụ âm đầu và vần.

Cái giọng cao nói cứ lên trời, chua và chát, cái giọng "Úi giời ui! sướng thế, địt như máy khâu..." không thể là chuẩn nhứt. Người Hà Nội có một số nói năng lễ phép, đàng hoàng, nói không ngọng cũng chỉ có một số thôi, có nhiều người vẫn ngọng nghịu chữ N và L líu lo.

Người Nam Kỳ nhiều vùng nói "ra vô" thành "da dô", nói rõ ràng thành "gõ gàng", nói "Sài Gòn" thành "Xài Gòn", không phân biệt được "tiến" và "tiếng" nhưng viết là đúng chánh tả. Vậy mà nhìn hình ở dưới đi, dân Bắc nói và viết sai chánh tả luôn, "ra đền cúng ngài" thành "gia đền cúng ngài".

Người Nam nói "trời, trồng, tro, nhuộm, lời, lẽ, lanh, nhành… " thì người ở Bắc lại nói "giời, giồng, gio, duộm, nhời, nhẽ, nhanh, cành".

Thành ra có "Bánh gio", "nhời nhẽ", "hoa nhài", "úi giời". Cây bời lời kêu thành cây bời nhời.

Các bạn Nam Kỳ đừng nghĩ mình và thư tịch ông bà mình viết chữ "Thánh Dóng" mà sai nha. Nam Kỳ viết đúng chánh tả với Thánh Dóng, dông tố, quảy cái dóng. Nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh khẳng định Thánh Dóng con ông Đùng và bà Đà là nguyên bổn. Trong hồ sơ trình UNESCO chánh quyền VN ghi rõ là "Lễ hội Thánh Dóng".

Người Bắc nói ngọng, không nói được chữ "d" và "r" nên đã phát âm sai qua "gi", mà họ muốn "chuẩn" nên ép truyền thông cứ "Thánh Gióng" tuốt hết. Nhiều lắm, "dòng nước" thành "giòng nước", rồi "bèo dạt" thành "bèo giạt". Đôi dóng thành "đôi gióng". Ngày xưa Vũ Trọng Phụng viết nguyên bổn là "Dông tố", sau này in ra lại thành "Giông tố".

Nó "ghê" ở chỗ, cái "chuẩn Bắc" đó ép luôn văn chương Miền Nam. Thí dụ hai câu thơ của Phan Thanh Giản, dịch ra kiểu Bắc 100% mà tới nay đọc còn bực

"Đường mây, cười tớ ham rong ruổi
Trướng liễu, thương ai chịu lạnh lùng"

Xài chữ "tớ" là không có Nam Kỳ miếng nào rồi, nhiều nhà viết sử chơi luôn kiểu "ham giong ruổi". Hãy đọc lời tựa cuốn "Gương phong tục" NXB Văn học 2020 như sau để thấy mùi văn của ai:

"Thiên hạ mỗi nước có một phong tục, mà trong nước cũng mỗi nơi có một phong tục. Những nhời ca dao này tức là cái tinh thần hồn phách của thói tục trong nước hiện ra. Hễ thói tục hay thì có câu ca dao hay, thói tục dở thì có câu ca dao dở.

Điều hơn nhẽ thiệt, kẻ dại người khôn, không sự gì là không đủ, cũng là một cái gương cho người trong nước ta soi chung.

Không cứ nhớn nhỏ giai gái, ai cũng nên đem cái gương này mà soi vào mình; điều hay thì nghĩ xem mình có được như thế không; điều dở thì xét xem mình có phải như thế không?" (hết trích).

Viết vậy sao kêu là "chuẩn" đặng? Trên FB nhiều bạn gốc Nam Kỳ luôn, viết là cứ "Nhẽ ra" thấy phát bực.

Bắc tùy vùng, có vùng nói ngọng chữ L thành chữ N, nói dạ thành giạ quá trời:
"Nàm thì nười. Lói thì náo. Đi xe thì nạng nách. Neo nên nề, ngã nuôn".

Giọng Hải Phòng và Hà Nội được coi là chuẩn, giọng Hải Phòng nặng hơn, qua vùng khác nghe nặng và chát chát. Hải Phòng và có cả Hải Dương nói “bảo” thành “bẩu”, “ổi” ra “ủi”, “hào” thành “hầu”.

Qua lửa đời phiêu rạt con nại về úp mặt vào xông quê, Ơi con sông rạt rào như nòng mẹ, Chở tre con qua chớp bể mưa nguồn…”

Xuống Ninh Bình nghe giọng hơi "lạ" nữa, xuống Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh thì giọng đã khó nghe.

Một vấn đề rất rõ ràng trong âm nhạc Việt Nam là ca sĩ tân nhạc phải hát giọng Bắc. Nhiều người hỏi rằng vì sao ca cải lương phải giọng Nam và hát tân nhạc phải hát giọng Bắc?

Nhìn chung Bắc âm sắc, giọng Bắc phân biệt các dấu hỏi, ngã rất rõ ràng, cái này Nam Kỳ thì hơi khó. Miền Bắc có giọng nhìn chung là thanh và cao vút, ngữ âm bẩm sanh trong cổ họng phát ra tiếng rất thanh, nghe như tiếng chim cao vút, các bạn nghe nhiều ca sĩ Bắc vút lên đoạn staccato giả tiếng chim hót dễ hơn ca sĩ Trung và Nam.

Hát lý, đờn ca tài tử, cải lương phải hát giọng Nam Kỳ rồi, vì môn này từ người Nam đưa ra, hát kiểu Nam. Hiểu là quy chuẩn kiểu giọng Nam Kỳ, nó đóng khung luôn. Cái cách lấy hơi ngọt ngọt như đường cát kiểu Nam kêu là "mùi", cái yếu tố mùi này làm câu hát ngọt ngào như trái cây châu thổ Cửu Long. Ca sĩ hò:

"Hò ơ!
Ầu ơ ví dầu, cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi
Chớ khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, ầu ơ
Con đi trường học
Mẹ đi trường đời"

Nhiều cô ca "Dí dầu cầu dán đóng đinh" bà con vẫn không bắt lỗi, vẫn trúng, là vì hát kiểu đặc trưng Nam rồi. Nhưng có cô hát đúng âm Bắc là "Ví dầu" đánh lưỡi lên thì dân Nam nói điệu, cười cái xà, không ra chất Nam Kỳ.

Bắc Kỳ đố ai đọc được chữ "gập ghình" hay "gập gành". Vậy là dùng "quyền thế" ép thủ tiêu luôn hai chữ đó, hát thành "gập ghềnh", biến Cầu Gành thành Cầu Ghềnh, con kinh thành con kênh.

Nhiều ca sĩ Bắc không phân biệt được chữ R và Gi khi phát âm, hò và hát nghe phát mệt. Thí dụ:

"Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu
Có nỗi nhớ thương đau, có niềm hy vọng
Bầu trời thì cao ơ... cánh đồng thì rộng"

Ca sĩ Bắc hát thành:

"Gió Tháp Mười đã thổi, thổi giất sâu
Bầu trời thì cao ơ... cánh đồng thì giộng"

Hát "rõ chữ" mà cứ thành "giõ chữ" không hà thì sao lại "chuẩn" ta?

Ca sĩ Hoàng Oanh cũng phát âm giọng Bắc, ca sĩ gốc Huế là Hà Thanh cũng phát âm chuẩn Bắc. Các ca sĩ Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Giao Linh đều phát âm giọng Bắc. Ca sĩ Hoàng Oanh khi hát nhạc Nam thì cô phát âm chuẩn giọng Nam. Ca sĩ Hương Lan khi ca dân ca Nam Kỳ thì ca giọng kiểu Nam rặc, khi hát tân nhạc thì ca giọng Bắc, thấy rất rõ.

Nhưng xin thưa! Cái phát âm Bắc của các ca sĩ trong Nam không phải chuẩn Bắc rặc, tức là không phải như nhạc viện Hà Nội kiểu véo von, kiểu Tạ Minh Tâm hay Đức Tuấn. Tạ Minh Tâm hay Đức Tuấn hát chẳng có người Nam Kỳ nào khen vì họ gốc Nam lại giả giọng Bắc. Ca sĩ Nam Kỳ hát tân nhạc có cái mùi bẩm sanh mà ca sĩ Bắc hát nhạc vàng không có đặng.

Mà ngôn ngữ Nam và Bắc có khi lại hiểu lầm, lộn nữa Thí dụ chữ "buồn" trong tâm trạng, buồn và vui. Nhưng Bắc có nghĩa thêm buồn là "mắc". Đọc thơ Huy Cận nè:

"Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn.
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi..."

Nghe nằng nặng mà buồn thì có thể hiểu tối ngủ nặng bụng muốn đi... đái hoặc đi "cầu". Nhiều khi ngôn ngữ Bắc rắc rối, cứ ám chỉ buồn là mắc, vậy thơ Xuân Diệu kiểu này thì hiểu ra sao?

"Hôm nay, trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn"

Hai cha Huy Cận và Xuân Diệu ban đêm mần cái giống ôn gì mà sáng ra trời vừa sáng hửng đã "buồn", "mắc" rồi nha. Nói chữ "buồn" không phân biệt rõ, chứng tỏ ngôn ngữ Bắc chắc gì đạt chuẩn.

Chúng ta đều biết rằng, giọng nói ba miền Nam, Trung, Bắc là khác nhau, mà giọng Nghệ Tĩnh, giọng Huế, giọng Quảng cũng khác nhau. Thành ra có "tưng" mới ngồi đó vạch ra giọng miền nào, vùng nào chuẩn nhứt, cơ bản giọng nào cũng chuẩn của riêng vùng đó và không ai là chuẩn chung để ép chỗ khác phải giống mình hết.

Sau 1975 đã có một cái thói là "ép" giọng Miền Nam thành kiểu Bắc "mới chuẩn" là một sự áp đặt. Chúng ta không tranh hơn tranh thua với ai, chỉ muốn được là chính chúng ta, được thở và sống, được nói kiểu Miền Nam của chúng ta, cái cách mà trăm năm trước ông bà mình cũng nói y thinh như vậy...!

Nguyễn Gia Việt

No comments:

Blog Archive