Thursday, November 30, 2017

Tin Tặc TQ Cắp Bí Mật Kinh Doanh Của Siemens, Trimble, Moody


Khoảng cuối tháng 11/2017, công tố viên Mỹ đã đưa ra cáo buộc 3 hacker thuộc hãng bảo mật Guangzhou Bo Yu của Trung Quốc đã tấn công Siemens AG, Trimble Inc và Moody's Analytics để đánh cắp bí mật kinh doanh. Đây là đợt tấn công mạng có tổ chức, kéo dài từ năm 2011 đến năm 2017.

3 hacker bị cáo buộc bao gồm Wu Yingzhuo, Dong Hao và Xia Lei, tất cả đều thuộc quản lý của công ty Guangzhou Bo Yu có trụ sở ở Quảng Châu, vốn chuyên cung cấp các dịch vụ về bảo mật. Theo trang Reuters, Guangzhou Bo Yu còn được biết đến với tên Boyusec, có liên quan đến quân đội Trung Quốc và hầu hết các cuộc tấn công đều được tài trợ bởi chính phủ. Tuy nhiên, cáo buộc mới chỉ hướng vào 3 hacker, và các công tố viên không xem đây là đợt tấn công được tài trợ bởi chính phủ.

3 công ty nạn nhân bị tấn công bao gồm Siemens, Trimble và Moody. Siemens có trụ sở tại Munich, Đức, là công ty công nghệ chuyên về lĩnh vực điện, tự động hoá và kỹ thuật số hoá. Trimble có trụ sở tại Sunnyvale, California cung cấp công nghệ cho nhiều ngành lĩnh vực công nghiệp. Trong khi đó, Moody's Analytic thuộc tập đoàn Moody ở New York, chuyên cung cấp sản phẩm và dịch vụ phân tích tài chính và quản lý rủi ro.

Các hacker đã theo dõi email của một nhà kinh tế thuộc Moody's Analytics, đánh cắp dữ liệu từ bộ phận vận chuyển, công nghệ và năng lượng của Seimen và đặt Trimble vào tầm ngắm do công ty đang phát triển hệ thống định vị vệ tinh thế hệ mới với độ chính xác cao.

Một công tố viên cho biết, những thông tin mà hacker thu thập được từ Siemens, Trimble rất hữu ích đối với việc bảo mật nội bộ và mục đích quân sự của Trung Quốc. Trong khi đó, dữ liệu từ Moody's Analytics sẽ giúp phát hiện các công ty kinh doanh và cá nhân có nguy cơ bị lợi dụng kinh tế hoặc tống tiền. Hiện các bên liên quan vẫn đang điều tra về mức độ thiệt hại. Chính phủ Trung Quốc cũng đã được thông báo về cáo buộc. Công ty Trung Quốc và 3 bị cáo hiện vẫn chưa đưa ra người đại diện.

Nguoivietphone.com.
Xấu hổ, nhục nhã với những hình ảnh 'người Việt xấu xí' ở nước ngoài



Một bức ảnh được đăng trên tờ Apple Daily của Đài Loan, đang khiến bất cứ người biết tự trọng, có liêm sỉ nào của Việt Nam cũng cảm thấy xấu hổ những ngày này.

Trong ảnh là hai người Việt Nam đang thản nhiên, vô tư đi tiểu xuống hồ Nhật Nguyệt, một điểm du lịch nổi tiếng của xứ Đài Loan.

Bài báo cho biết thêm:

Nhóm du khách Việt trên có khoảng 30 người, một số đàn ông trong nhóm đã đi tiểu xuống hồ, trong khi nhà vệ sinh công cộng chỉ cách đó chừng 200 m.

Thật là xấu hổ. Thật là nhục nhã.

Sang nước ngoài du lịch là “mang chuông đi đấm xứ người”, không chỉ là tham quan phong cảnh xứ người, khám phá văn hóa xứ người, mà còn là quảng bá văn hóa, quảng bá nhân cách Việt Nam. Thế nhưng không ít người Việt không hề biết đến liêm sỉ, không hề có lòng tự trọng, không hề biết đến thể diện quốc gia, ở trong nước thì đeo bám, chặt chém khách nước ngoài, cuốc Taxi chỉ 5 km, dăm chiếc bánh rán mà chém khách đến 700 ngàn đồng. Bữa ăn chỉ vài triệu đồng nhưng khi khách đưa thẻ thì quệt thẻ trừ của khách đến trên 600 triệu...

Ra nước ngoài thì vứt rác, hút thuốc lá, nói chuyện ầm ĩ, tranh dành nhau lên các phương tiện giao thông công cộng, đi tiểu bừa bãi nơi công cộng, hay thê thảm hơn nữa như chuyện dưới đây, được ông Trương Văn Món, giám đốc trung tâm UNESCO nghiên cứu và bảo tồn văn hóa Chăm, kể: 

Vào dịp quốc khánh 2/9, đại sứ quan Việt Nam tại Malaysia tổ chức sự kiện rất lớn, có mời đại diện Đại sứ quan các nước và một số người Việt đang lao động, học tập tại nước này. Lễ kỷ niệm tổ chức trong hội trường, còn tiệc đứng tổ chức ngoài trời. Lễ chưa dứt, những người Việt đã tràn ra ngoài trời, tranh dành, xô đẩy, trèo cả lên người nhau để dành dật thức ăn.

Chỉ trong chốc lát, đồ ăn hết nhẵn, khách mời trơ mắt. Trước việc làm nhục nhã, xấu hổ ê chề trên, đại diện đại sứ quán Việt Nam đành chắp tay, cúi đầu xin lỗi quan khách. Năm sau, rút kinh nghiệm, sứ quán đã đề phòng, tổ chức tiệc đứng một nửa ở trong hội trường, một nửa ở ngoài. Nhưng tình hình cũng chẳng khá hơn. Tranh dành, vơ vét hết đồ ăn ở bên ngoài, những người Việt được mời đã tràn vào hội trường, tiếp tục tranh dành nhau vơ vét. Chỉ một loáng, đồ ăn cũng hết nhẵn. Nhìn cảnh đó, rất nhiều khách mời đã nhún vai, lắc đầu.

Thật là lạ. Những người Việt Nam được sứ quán mời đến dự sự kiện chắc chắn là những người có học, có văn hóa, được chọn lọc. Thế mà không hiểu sao họ lại có thái độ như thế trước miếng ăn? Tuy nghèo, nhưng người Việt có câu “Nhịn miệng đãi khách đường xa”. Đằng này...

Không biết sự kiện 2/9 năm nay, tình trạng trên có còn lặp lại không?

Những người có hành vi trên, có biết rằng chính họ đã bôi nhọ hình ảnh đất nước, một đất nước có 4000 năm văn hiến rực rỡ, không? Có cách gì để mỗi người Việt ra nước ngoài hay tiếp xúc với người nước ngoài, việc đầu tiên là nghĩ đến hình ảnh của quốc gia, dân tộc?

Niềm Nhớ Khôn Nguôi



Nhà tôi gần chợ Thái Bình
Con đường nhỏ, tên Cống Quỳnh dễ thương
Tuổi thơ xách cặp đến trường
Trên đường Phát Diệm cùng phường, Quận Hai
Những ngày đó cứ nhớ hoài
Mùi thơm mực tím trong bài Giáo Khoa
Nhớ sao là những hàng quà
Cổng trường, bánh cuốn hay là bánh kem

Lắc xí ngầu trúng cà rem
Hôm nào thua hết chết thèm mất ăn
Miếng xoài trái cóc ê răng
Mẹ cho tiền tháng, một tuần hết ngay
Được cô em gái thơ ngây
Tha hồ dụ khị, hỏi vay mượn tiền
Em gái tôi tính dịu hiền
Cho anh vay mãi chẳng phiền một câu
Nếu giờ tính cả lãi đầu
Chắc tôi phải cất nhà lầu trả em

Trôi qua ngày tháng êm đềm
Những chiều đi bắt dế mèn đá chơi
Tạt hình, la hét om trời
Bắn bi, nút phéng, vui ơi kể gì
Nhà tôi vốn gốc bắc kỳ
Lũ con nít chọc nhiều khi mích lòng
Chúng kêu là “bắc kỳ con”
Rồi đòi bắt “bỏ vô lon” cho đầy
Đánh nhau tại “Cá rô cây”
Bây giờ nhớ lại, thường hay tức cười
Nhớ sao khẩu súng đầu đời
Cuốn bằng giấy trắng, vụng ơi vụng là

Bao nhiêu rạp hát gần nhà
Khải Hoàn, Quốc Tế hay là Thăng Long
Thêm vài phút có Đại Đồng
Tối ngày trốn học lông bông đó hoài
Chờ anh xé vé ngáp dài
Lén vào coi cọp, gặp ngay chú mình
Về nhà bố đánh thất kinh
Mẹ thương xót quá, me xin bớt đòn
Cô hàng xóm, tuổi còn non
Giúi cho một trái cóc dòn, nín ngang



Tuổi thơ là tuổi phá làng
Tạt lon, đánh đáo, giật khăn trên đường
Trời mưa cả bọn tắm truồng
Hò nhau bắt cá đường mương, bẩn người
Có cô hàng xóm đứng coi
Ánh nhìn nghịch ngợm, nét cười tinh ranh
Làm mình ngượng quá, chuồn nhanh
Đó là lần cuối mà anh tắm đường
Nhiều khi chợt thấy vấn vương
Mơ hồ bóng dáng dễ thương nhớ hoài



Sàigòn ngày đó rất hay
Xung quanh các phố còn đầy đất hoang
Người ta chưa sống lan tràn
Cả thành phố, chín trăm ngàn, thế thôi
Đường còn vắng, ít xe hơi
Honda chưa có, hay ngồi xích lô
Đôi khi thấy chiếc xe thồ
Khoan thai chậm rãi, ngựa ô chở hàng
Sàigòn nay sống vội vàng
Số dân năm triệu, cửa hàng như nêm
Sàigòn khi trước bình yên
Con người có vẻ cũng hiền hơn nay



Phố của tôi chẳng mấy dài
Đến Hồng Thập Tự chỉ vài bước chân
Đầu kia là Nguyễn cư Trinh
Phía sau, Đất Thánh, nơi kinh hoàng nhiều
Là nơi chắc tột cùng nghèo
Nhà trên mồ mã tiêu điều hoang vu
Nước đen trên vũng ao tù
Ánh đèn hiu hắt tối mù bước chân
Nơi đây là chốn trú thân
Những phường quái kiệt, những dân khốn cùng
Nghĩ ra mới thấy lạ lùng
Phía ngoài đường cái một vùng khang trang
Chỉ cần vào một hẽm ngang
Là ta sẽ thấy lầm than của đời
Con người sống với ma trơi
Bùn lầy nước đọng như thời khai quang
Lối đi rộng khoảng chín gang
Công an chẳng dám ngang tàng vào đây

Cuối tuần hóng gió sân bay
Trên Tân Sơn Nhất chỉ vài phi cơ
Bến Bạch Đằng đẹp như thơ
Trai thanh gái tú bên bờ sông êm
Tuy rằng chẳng có giới nghiêm
Nhưng đèn đô thị nửa đêm cũng tàn
Rồi trong những chủ nhật vàng
Đi chơi sở thú, xếp hàng mỏi chân
Vườn Bách Thảo, dạo trong sân
Nửa giờ rình đợi, cù lần chẳng ra
Xem con voi có cặp ngà
Bao nhiêu thú lạ trăm hoa nở cành

Đường ra đến chợ Bến Thành
Nhà thờ Huyện Sĩ, nổi danh Sàigòn
Lúc xưa vườn trẻ chim non
Vỡ lòng nét bút vẫn còn run run
Kìa Ngã Sáu, thật tưng bừng
Bao nhiêu hàng quán như cùng về đây
Nhìn lên Thánh Gióng cầm cây
Cỡi con ngưa sắt, đạp mây về trời
Dưới chân ngài, nhậu đã đời
Vào Mỳ Kim Phụng ăn chơi vịt tiềm
Bên kia là quán bò viên
Cháo lòng, tàu hủ, bột chiên, phở “Tài”



Đi cho hết đường Lê Lai
Là ra Lê Lợi, phố dài người đông
Mỗi lần đi, háo hức lòng
Khu thanh lịch nhất Sàigòn là đây
Khu này người Pháp họ xây
Như bên xứ họ, trồng cây xanh đường
Đường Công Lý nắng còn vương
Người mua sách báo vẫn thường đến đây
Kem Bạch Đằng phía bên này
Cà phê sữa đá, một ngày lên hương



Khu Pasteur, quán ngập đường
Tỏa mùi phá lấu vị hương thơm nồng
Phía bò bía, ồ quá đông
Bò khô dầu dấm cũng không có bàn
Eden Thương Xá hạng sang
Chủ nhân người Ấn hay quàng sà rông
Hôm nay vào Rex mất công
Phim hay một vé trăm đồng đó nghe
Đường Catina ngợp nắng hè
Ghé Givral để ăn chè Phục Linh
Vào Xuân Thu kiếm sách hình
Cuối đường Nguyễn Huệ đẹp xinh bến tàu

Ngày xưa đi quá khỏi cầu
Phan Thanh Giản, đã thấy màu nông thôn
Nơi đây là những cánh đồng
Ngày nay phố xá, chẳng trồng trọt chi
Có lần cả bọn cùng đi
Trường đua Phú Thọ, những khi ngựa về
Không tiền mua vé, mà mê
Chui rào coi cọp, bị đe mấy lần
Bên đường, cư xá sĩ quan
Có người bác ruột cũng hàng tá thôi
Rừng cao su cạnh đó rồi
Lữ Gia cư xá, chú tôi có nhà



Đi về trong phố không xa
Chợ Trần quốc Toản chỉ là ba cây
Mẹ tôi thường ghé qua đây
Cá tươi, tôm sống nơi này có tên
Phở Tàu Bay ở gần bên
Người dân xứ đạo chẳng quên bao giờ
Ngay bên cạnh có nhà thờ
Sau khi xem lễ, họ chờ vô ăn

Xa thành phố đã bao năm
Một thời thơ ấu vẫn hằn trong tim
Khi về chẳng biết có tìm
Được chăng những lúc êm đềm khi xưa
Sàigòn dù những cơn mưa
Dù cho nắng đổ, dù chưa phục hòi
Tên người, ta giữ trong đời
Như bao kỷ niệm của thời thơ ngây.

Tuổi thơ trên thành phố Saigon -

Phạm Doanh
Có mắt như mù! 

Một người bạn là bác sĩ thiện nguyện từng theo đoàn chuyên gia mổ mắt của chương trình Fred Hollows đến Việt Nam để mổ mắt cho người nghèo, giúp họ nhìn thấy ánh sáng.



Tính cho đến nay, chương trình Fred Hollows đã hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam được 25 năm, đã mổ miễn phí và giúp cho hàng chục ngàn người Việt Nam sáng mắt.

Hôm nay tình cờ gặp bạn , tôi tò mò hỏi xem mấy lần đi Việt Nam làm thiện nguyện có ấn tượng chuyện gì không ?

Anh bạn cười nói " Ấn tượng thì nhiều, nhất là khi lên mấy vùng cao vùng xa, thấy người dân khổ ghê lắm ! Nhưng ấn tượng nhất là mình mổ mắt cho họ xong, mắt sáng rồi nhưng vẫn như mù ! "

Tôi ngạc nhiên hỏi sao kỳ vậy, thì anh bạn ngồi xuống kể. Anh nói mấy lần đi Việt Nam, lần nào đoàn mổ xong cũng có 1 buổi liên hoan giữa nhân viên của đoàn và bệnh nhân, để giao lưu trao đổi và ăn mừng. Anh kể nói chuyện với người dân, họ rất vui khi được mổ mắt miễn phí và thấy lại được ánh sáng, nhưng họ lại luôn miệng cám ơn đảng cám ơn nhà nước ! Một ông cụ còn nói nhờ ơn đảng và nhà nước tạo điều kiện cho đoàn thiện nguyện thì đoàn mới đến được Việt Nam !!!!

Thực tế là các bác sĩ của đoàn đều là tình nguyện, không chỉ bỏ công sức thời gian mà còn bỏ tiền túi ra để đến Việt Nam mổ mắt miễn phí, tiền thuốc men dụng cụ đều do người dân Úc quyên góp hỗ trợ cho đoàn, đảng và nhà nước CSVN chẳng bỏ ra đồng xu nào, còn thường xuyên ăn bớt, ăn gian tiền thuốc men và làm giả danh sách bệnh nhân để lấy tiền bỏ túi riêng nữa!

Anh bạn nói thống kê của chương trình cho thấy 25 năm qua tình trạng sức khỏe và nhãn khoa của Việt Nam chẳng có gì khởi sắc.

25 năm vẫn thấy ngần ấy người nghèo, vẫn thấy ngần ấy người mù, mổ xong vẫn ơn đảng ơn nhà nước, chỉ có cán bộ ra đón đoàn là thấy ngày càng mập ra và đi xe xịn hơn trước !!

Ôi ! Dân tôi là thế đó, có mắt vẫn như mù, vì bị đảng và nhà nước bưng bít nhồi sọ. Chỉ có ai lên FB và chịu khó đọc bài của "phản động" thì mới thực sự sáng mắt mà thôi ! Hèn gì mà nó cho tiến xĩ đề xướng đổi chữ viết (như chư Tàu), đổi xong dân Việt Nam có lên mạng cũng hết đọc được bài viết hàng chục năm nay của "đám phản động" thì cho dù có được mổ mắt cũng chẳng sáng ra thêm được tí nào !!  
Một dấu phẩy

Phiên tòa xử vụ ly dị, tòa phán với ông chồng:
– Ở với vợ lớn, không được ở với vợ nhỏ.

Ông chồng về nhà đưa bản án cho bà vợ lớn, chỉ sửa lại dấu phẩy:
– Ở với vợ lớn không được, ở với vợ nhỏ. 

Có người hỏi nhà văn Oscar Wilde (1856 – 1900) sao ông thường có vẻ đăm chiêu. Nhà văn Anh này đáp: “Sáng nay tôi đã bỏ quên một dấu phẩy trong một bài thơ. Chiều nay tôi phải lấy lại”.

Sai một phẩy, nhảy ngàn dặm

Một giáo viên tiếng Anh đã đề nghị mỗi sinh viên đặt những dấu thích hợp vào câu sau: “ Woman without her man is nothing ”. Bọn con trai ngắt câu: “Woman, without her man, is nothing” (đàn bà, nếu thiếu nửa kia của mình, thì chẳng là gì cả). Bọn con gái lại ngắt câu như sau: “Woman: without her, man is nothing” (phụ nữ: thiếu cô ta, đàn ông chẳng là gì cả).

Một phụ nữ Mỹ đi du lịch ở châu Âu gửi điện về cho chồng: “Có một chiếc xuyến đẹp mê hồn, giá 75 đô. Em mua được không?” Anh chồng lập tức trả lời “No, price too high” (không, giá quá cao). Nhưng nhân viên điện tín mắc một sai lầm nhỏ đã bỏ qua dấu phẩy và thành: “No price too high” (không giá nào là quá cao). Được lời như cởi tấm lòng, cô vợ mua ngay chiếc xuyến. Khi về Mỹ, cô vợ khoe chiếc xuyến làm người chồng choáng váng. Người chồng đem vụ “bỏ sót dấu phẩy” này ra toà và thắng kiện.. Từ đây, các hãng điện tín đòi hỏi nhân viên phải đánh vần dấu câu trong bức điện chứ không dùng ký hiệu. Nghĩa là phải viết “No comma price too high” (không phẩy giá cao quá).

Dấu phẩy đôi khi có giá đến nửa triệu đô. Năm 1870, trong danh sách các mặt hàng được miễn thuế vào Mỹ, lẽ ra là câu “Tropical fruit-plants for the purpose of propagation” (các cây nhiệt đới ăn trái nhằm mục đích nhân giống) thì người ta đánh nhầm dấu nối thành dấu phẩy, thành “Tropical fruit, plants for the purpose of propagation” (trái cây nhiệt đới, cây nhằm mục đích nhân giống). Thế là toàn bộ các loại trái cây nhiệt đới được nhập miễn thuế vào Mỹ. Tới khi người ta phát hiện ra sai sót chết người này, đã mất khoảng 500.000 USD tiền thuế không đòi lại được!

Được yêu, được sống nhờ dấu phẩy
 
Ông bố nọ muốn lấy tên nhà thơ La Mã vĩ đại Virgile đặt cho con trai mình. Khốn nỗi, ông lúng túng viết nhầm thành Virgule, tiếng Pháp có nghĩa là dấu phẩy. Anh chàng lớn lên cũng khẳng khiu như dấu phẩy, không thành nhà thơ mà vào làm bưu điện. Anh thầm yêu trộm nhớ cô hàng xóm Sophie. Cô gái này lại yêu chàng trai không yêu cô. Bao nhiêu thư gửi đi mà không nhận được hồi đáp.. Rồi một hôm cô quyết định ra bưu điện gửi bức điện (chứ không viết thư nữa) cho chàng trai nọ.

– Tôi muốn gửi một bức điện – cô buồn rầu nói, mắt không nhìn Virgule, nhân viên bưu điện.

– Cô vui lòng đọc nội dung – Virgule cầm bút cảm động lắp bắp nói.

– “Je t’aime, virgule, Je t’adore, virgule, Je voudrais tant que tu me dises que tu m’aimes aussi, point” (Em yêu anh, phẩy, em thương anh, phẩy, em muốn anh cũng nói với em rằng anh cũng yêu em, chấm)

Anh chàng Virgule không cho virgule là dấu phẩy mà hiểu đó là tên mình: Em yêu anh, Virgule, em thương anh, Virgule… Anh chàng bưu điện yêu cầu cô gái nhắc lại. Sophie làm theo: “Em yêu anh, Virgule, em thương anh, Virgule…” Mắt anh ta sáng lên. Sophie nhận ra anh chàng này đáng yêu làm sao. Và họ đến với nhau.

Còn đây là giai thoại về hoàng đế Alexandre Đệ Tam (Nga) (qua tiếng Anh): từ chối ân xá cho một phạm nhân, ông đọc “Pardon impossible, to be sent to Siberia” (Không thể ân xá, đày đi Siberia). Vợ ông là Dagmar (cháu gái vua Đan Mạch Christian IX) là một người vô tâm, nên đã đánh nhầm dấu phẩy thành “Pardon, impossible to be sent to Siberia” (Ân xá, không thể đày đi Siberia). Thế là người tù này thoát tội.

Đặt sai dấu phẩy, biết bao chuyện dở cười dở khóc đã xảy ra!
Chấm phẩy thật quan trọng! 

Gia đình nên có 2 con, vợ chồng hạnh phúc.
Gia đình nên có 2 con vợ, chồng hạnh phúc.

Bạn Cũ Trường Xưa



Image result for carnival inspiration
Cứ mỗi khi phải đi xa là đêm hôm trước tôi khó ngủ, nhất là lần này, vợ chồng tôi đi chơi một chuyến khá lâu, xuống dưới Nam California hội ngộ với hai nhóm bạn cũ hồi trung học và đại học rồi đi cruise năm ngày trên du thuyền Carnival Inspiration.

Sáng sớm hôm ấy, anh Sơn đến nhà chúng tôi trước, rồi trên đường đi ghé đón anh Văn. Tháng 10 sương mù tuy không dày đặc nhưng cũng giăng mắc khắp nơi nên anh Sơn lái với tốc độ vừa phải. Được khoảng mười lăm phút thì trời dần dần quang đãng.

Anh Sơn đưa nhờ tôi mở túi trái cây anh đã cắt sẵn để trong từng bao ni lông nhỏ, nào là hồng dòn, táo tàu, lê và nho mời mọi người ăn. Tôi hơi ngượng vì việc này thường là của đàn bà. Lần nào đi với Thịnh Hương, Iris và Mão xuống dự Đại Hội Việt Báo, tôi cũng mang lỉnh kỉnh đủ thứ trái cây, nhưng lần này lại không làm vì Liêm, chồng tôi bảo đừng đem lôi thôi, đàn ông họ không muốn mấy thứ rắc rối đó đâu.

Trên xe bốn người chúng tôi ăn uống nói cười thỏa thích và chỉ ngừng khoảng nửa tiếng ở tiệm Subway để ăn trưa, đổ xăng rồi đi tiếp, tưởng rằng sẽ thừa thời giờ đến Quận Cam gặp bạn bè lúc 4 giờ chiều như đã hẹn. Nhưng hôm đó hình như vì cháy rừng nên bị kẹt xe lâu chưa từng có, mãi 6 giờ chúng tôi mới tới nơi.

Cuối cùng thì Liêm cũng gặp được nhóm 12 người bạn ở trung học ngày xưa, ngoài mấy anh ở ngay Quận Cam, có một người bay đến từ Canada, một người từ Texas, còn Sơn, Văn và Liêm từ San Jose xuống. Đây là những “học trò nghèo” cùng hoàn cảnh nên rất khắng khít với nhau. Đường đời đã đưa họ trôi dạt vạn nẻo, vài người trở thành thương gia rất thành công, một số đảm nhiệm chức vụ dân sự, những người khác là sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

“Tha hương ngộ cố tri” sau hơn sáu chục năm quả là một món quà trời cho! Các anh tha hồ kể lể những chuyện ngày xửa ngày xưa về cuộc sống thiếu thốn từ cái ăn đến cái mặc, đi học bằng mấy chiếc xe đạp “cà cộ” tuột xích lỏng phanh, đánh lộn với đám học trò cậy con nhà giàu chọc ghẹo, khinh khi, rồi nhắc đến những người bạn đã hy sinh trong cuộc chiến, các anh nói liên tục đến khuya mà vẫn chưa đủ nên hẹn nhau ngày mai gặp nữa.

Trưa hôm sau, chúng tôi rủ nhau đi thăm anh Nghị, giáo sư cũ của nhóm. Mặc dù là thầy nhưng anh chỉ hơn học trò vài tuổi nên anh thích được gọi bằng anh. Qua bao nhiêu phong ba sóng gió trong đời, trông anh vẫn đẹp trai, khỏe mạnh và phong độ như xưa. Anh không phải gốc nhà giàu nên rất thông cảm và thương đám trò nghèo này. Có lần thấy một giáo sư khác ăn hiếp học trò một cách quá đáng, anh bênh vực họ đến nỗi đánh nhau với ông thầy đó, nên học trò thương yêu anh vô cùng. Sau này, khi giữ một chức vụ rất lớn trong chính quyền, anh vẫn không quên giúp đỡ học trò cũ nên mối thân tình không hề phai nhạt. Lúc nói chuyện, anh còn nhớ vanh vách những việc xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ, cũng như những con đường hay ngõ ngách trong khu lao động, anh có một trí nhớ thật tuyệt hảo! Bây giờ đã trên 80 tuổi mà anh vẫn còn làm việc sáu ngày một tuần, trông nom một tiệm giặt ủi. Lòng tự trọng và tính cương trực vẫn còn y nguyên.

Ở tiệm anh Nghị về, từng ấy người lại cùng ăn uống và tâm sự vụn những chuyện thuở hàn vi, có anh kể là bị các cô gái khinh thường rẻ rúng, mới ngày hôm trước còn chuyện trò thân mật, hôm sau đã lạnh nhạt ra mặt sau khi biết được thân thế, gốc gác, trường học của anh. Trong khi tôi làm nhiệm vụ phó nhòm để có hình lưu niệm, các anh cứ lan man qua chuyện chính trị, xã hội, trên trời, dưới biển cho thỏa thích, thế mà vẫn còn nói là “chưa đã” nên hẹn nhau năm tới sẽ tiếp tục.

Dù cho tung cánh muôn phương
Ơn thầy nghĩa bạn, tình trường không phai. (1)


Hai đêm đầu ngủ ở nhà bạn, khi đã chia tay với nhóm bạn trung học, vợ chồng tôi mới vào ở khách sạn mà ban tổ chức đại hội nhóm đại học đã đặt sẵn, để chúng tôi ở cùng một chỗ cho gần gũi và tiện việc đưa đón. Bước vào quầy tiếp tân để lấy phòng thấy đã có bao nhiêu người đứng đó chuyện trò, thế là chào hỏi cả nửa tiếng, khi chuẩn bị xách va li lên phòng, thì thêm mấy người mới vào, lại một màn chào hỏi nữa diễn ra tưng bừng náo nhiệt.

Tối hôm ấy, Lê và Linh, một cặp bạn thân từ tiểu bang Maryland mới đến nơi đã gõ cửa phòng tôi ầm ầm, vừa mở cửa là hai vợ chồng phóng vào như một cơn lốc, ôm chầm lấy chúng tôi cười nói, la hét inh ỏi như thể trăm năm rồi chưa gặp, cùng nhau tâm sự đến khuya bạn tôi mới về ngay phòng đối diện. Tiếc một điều là con trai của bạn rất yêu con gái của vợ chồng tôi mà chúng tôi không có duyên làm sui gia.

Ba giờ chiều hôm sau, nhóm cựu sinh viên tham gia lễ đặt vòng hoa rất trân trọng tại Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ và đài Tưởng Niệm Tháng Tư Đen rồi đến hội trường gần đó tham dự đại hội liên khóa.

Hôm ấy hiện diện có khoảng 500 người kể cả người phối ngẫu, họ đến từ khắp nơi, Úc Châu, Âu Châu, Canada và nhiều tiểu bang trên đất Hoa Kỳ. Bây giờ phần lớn những người bạn tóc điểm sương này đã về hưu. Nhìn quanh ai cũng trên 70 tuổi, vài người tóc đã bạc phơ như tiên ông, trong bộ vét không còn khít khao như thời son trẻ. Mới ngày nào, họ là những thanh niên mới lớn, cường tráng đầy nhiệt huyết, mong đem những điều học được ở trường ra phụng sự đất nước, tô điểm non sông. Khi tốt nghiệp, phần lớn họ được bổ nhiệm ra làm ở quận, vài năm sau về đảm nhiệm những công việc then chốt trong Tòa Hành Chánh Tỉnh hay ở Bộ. Cũng có vài người giữ chức vụ dân cử. Họ đều một lòng muốn phục vụ, tận tụy đóng góp cho sự hưng thịnh của quốc gia.

Nhưng rồi hoài bão lấp biển vá trời của họ đã tan theo mây khói chung với vận nước nổi trôi. Ngày đau buồn của đất nước năm 1975 đã dồn họ vào tù ngục cùng với bao nhiêu quân dân cán chính khác, có nhiều bạn đã bỏ mình nơi rừng sâu nước độc vì lao động quá sức con người khi bao tử xẹp lép hay vì chống đối chính quyền dã man độc ác. Dù sức chịu đựng kiên trì giúp họ giữ được mạng sống, mà khi ra tù, họ cũng thân tàn, sức kiệt. Có người được vợ con chung thủy, kiên nhẫn đợi chờ, rủi thì người phối ngẫu đã ôm cầm sang thuyền khác, giao con cho ông bà nội, ngoại nuôi. Có người may mắn vợ con đến được bến bờ tự do rồi bảo lãnh đi nước ngoài đoàn tụ. Cũng có người quyết định ở lại vì sức khỏe hay vì lý do cá nhân, đó là chưa kể còn một số người liều chết vượt biển, bị chìm sâu đáy nước vì thuyền nhỏ sóng dữ hay gặp hải tặc cướp của giết người. Số còn lại sau này được chính phủ Hoa Kỳ cho sang tỵ nạn theo diện HO.

Đến Mỹ, lúc đầu gia đình nào cũng hai vợ chồng vừa đi học vừa đi làm, cật lực để làm lại cuộc đời, lo cho con cái ăn học nên người. Họ nhận bất cứ việc gì xin được dù thấp hèn đến đâu, họ sẵn sàng đổ mồ hôi lấy tiền nuôi gia đình.

Họ cũng đi học tiếng Anh, học ngành chuyên môn như làm tóc, làm nails, mở tiệm ăn, làm thuế, bán bảo hiểm, địa ốc, học làm thợ lắp ráp cho hãng điện tử, chuyên viên điện toán, kỹ sư, luật sư…Một số không nhỏ có được việc làm cho chính phủ.

Con cái thấy cha mẹ vất vả nên cố gắng học hành. Những gia đình tỵ nạn này đã sản xuất ra vô số kỹ sư, luật sư, dược sĩ, bác sĩ, giám đốc… Con cháu họ đã làm chủ biết bao nhiêu hãng xưởng và bằng phát minh, giữ chức sĩ quan, tướng lãnh trong quân đội Hoa Kỳ. Thế hệ một rưỡi và thế hệ thứ hai đã và đang làm rạng danh con Hồng cháu Lạc.

Liêm gặp lại được vài người bạn không hề thấy mặt từ sau ngày ra trường hơn năm chục năm trước đây. Nhờ bảng tên mà ban tổ chức đã làm sẵn cho mọi người trên đó có tên và khóa học nên ai cũng dễ nhận ra nhau. Chúng tôi là con dâu cũng được mang tên của chính mình có kèm thêm hàng tên người phối ngẫu.

Bước chân vào hội trường, chúng tôi thấy ngay tấm biểu ngữ với hàng chữ lớn “Quê Hương Và Nỗi Nhớ” nói lên chủ đề của buổi hội ngộ hôm nay.Vâng, quê hương thì xa bằn bặt mà nỗi nhớ thì lai láng tràn đầy.Nhất định sẽ có một ngày nỗi nhớ quay quắt dai dẳng này được thay thế bằng niềm hạnh phúc của ngày hồi hương nơi Đất Mẹ!

Mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng hàn huyên tâm sự một lúc rồi đến chỗ ngồi đã được chỉ định sẵn. Sau những nghi thức chào cờ VNCH, Hoa Kỳ và mặc niệm thật trang trọng, tiếp theo lời vinh danh những người trong Ban Tổ Chức và chuyển cờ cho nhóm cựu sinh viên Úc Châu để tổ chức hội ngộ năm 2018, buổi dạ tiệc bắt đầu.

Chương trình của buổi dạ tiệc thật hào hứng với những màn văn nghệ cây nhà lá vườn xuất sắc của các anh chị con trai cũng như con dâu của trường và có cả những ca sĩ chuyên nghiệp giúp vui. Buổi đại hội được tổ chức kỹ càng, quy mô nên kết quả thật hoàn mỹ.

Điểm đặc biệt là có một huynh trưởng khóa I, đã chín mươi mốt tuổi mà trông thật tráng kiện và nhanh nhẹn, nói năng minh mẫn và hoạt bát. Anh vẫn đi đánh tennis thường xuyên, còn đang làm việc cho Chính Phủ tại tiểu bang New York và “chưa” có ý định nghỉ hưu. Không những thế, anh còn đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ. Gương hiếu học và trí nhớ của anh thật đáng ngưỡng mộ!

Hôm sau một số anh chị du ngoạn thăm viếng Santa Barbara và San Diego trở về thì chúng tôi chia tay trong tiếc nhớ và lại bắt đầu mong chờ chuyến họp mặt sang năm ở bên Úc. 

Phần còn lại, 98 người trong nhóm chúng tôi cùng nhau đi cruise trên du thuyền Carnival Inspiration. Tôi rất hân hoan khi nghĩ đến chuyến hải hành này vì tôi sẽ bỏ lại sau lưng con cháu, điện thoại, internet, emails, vườn tược, bếp núc và các việc lỉnh kỉnh không tên trong nhà để suốt năm ngày đêm trên tàu chỉ ăn ngủ, vui chơi với những người bạn thân quen mà quên hết việc đời.

Nhớ lại hôm mới nhận được thông báo của trường về chuyến du lịch này, khi nói chuyện với Phượng, vợ anh Bân học cùng khóa với Liêm, chị hỏi tôi sẽ đặt phòng có ban công hay cửa sổ nhìn ra biển thì tôi nói:

- Bồ đặt phòng thế nào thì cứ lấy cho tôi y như vậy vì đây là lần đầu tôi đi cruise nên không biết gì cả.

Phượng phá lên cười rũ rượi:

- Chưa bao giờ đi cruise thật hả cưng? Mặt mày trông cũng thông minh sáng láng mà sao lại nhà quê thế hả giời!

Tôi ậm ừ:

- Ta mạng thủy, lỡ kỵ nước, lại còn không biết bơi, rủi tàu lắc lư, ta rơi tòm xuống biển thì biết làm sao đây.

Bạn tôi rên rỉ:

- Ối giời ơi, hết thuốc chữa! Hết thuốc chữa!

Du thuyền Carnival Inspiration này sẽ khởi hành từ Long Beach đến Catalina, ghé đảo Ensenada của Mễ, chạy vòng trở lại và cập bến Long Beach.

Bên trong tàu hào nhoáng lộng lẫy như một khách sạn sang trọng. Theo lời chỉ dẫn,vợ chồng tôi lên thẳng tầng 9 để ăn trưa, nhìn quanh chả thấy ai quen nên hơi lạc lõng, nhưng chỉ mươi phút sau là nghe tiếng chào hỏi náo nhiệt của các bạn cùng trường, thế là lại tíu tít, nhộn nhịp tìm bàn ngồi chung.

Ăn qua loa, vợ chồng tôi đi tìm phòng của mình ở tầng 4, phải đi qua một dãy hành lang sâu hun hút, dài gấp mấy lần nhà thương mới thấy phòng của mình sát bên cạnh phòng của vợ chồng Phượng, và hành lý đã được nhân viên của tàu để ngay trước cửa.Trong phòng đầy đủ tiện nghi và sạch bóng như khách sạn. Nghỉ ngơi một tí, vợ chồng tôi đi “thám hiểm” con tàu để biết những nơi mình sẽ cần đến.

Du thuyền Carnival Inspiration có 14 tầng, 4 tầng chỉ toàn là phòng ngủ, những tầng khác có phòng ăn, rạp hát, cà phê, sân thể thao, đánh golf, chạy bộ và trung tâm tập thể dục, có cả sòng bài và chỗ cho hút thuốc. Lúc nào đói cũng có pizza suốt ngày đêm.

Sáng hôm sau, Liêm thức giậy lúc 6 giờ như thường lệ, đi thang máy đến tầng 9 lấy cà phê rồi lên boong tầng 11. Trong cả con tàu Liêm thích nhất tầng này vì anh được vừa hút thuốc vừa ngâm nga tách cà phê nóng buổi sáng trong khói thuốc lãng đãng thấp thoáng biển xanh. Tôi thức dậy sau, mở màn cửa sổ ngắm bình minh trên biển cả. Tôi ngẩn ngơ chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên lúc tinh sương sống động, bao la và hùng vĩ. Nhìn mặt trời đang từ từ nhô lên, ánh hồng lung linh hòa vào những con sóng vỗ nhè nhẹ, tôi thấy lòng êm ả và bình an lạ thường. Suốt cuộc đời đi làm cực nhọc và lo cho chồng, con, rồi cháu, chưa lúc nào tôi được rảnh rang thoải mái như giờ phút này. Mọi sự vất vả, lo toan trên đời đều vỗ cánh bay xa. Hôm nay, bây giờ, tôi đã về hưu và đang hưởng nhàn cùng trời nước mênh mông, ôi cuộc đời dễ thương biết chừng nào!

Tôi chợt nhớ đến Khanh, cô em gái và thương em tôi không bao giờ được hưởng cái thú thần tiên này. Hôm tôi rủ em đi du lịch với tôi thì Khanh bảo: “Em chưa bao giờ và chắc sẽ chẳng bao giờ quên được những ngày lênh đênh trong chiếc tàu nhỏ trên đường vượt biển, em vừa đói khát vừa say sóng nằm bẹp dúm mê man đến độ hai đứa con nhỏ ốm yếu sống chết như thế nào cũng không biết, may mắn được tàu lớn cứu nên mẹ con em mới toàn mạng. Nghĩ đến nước biển là em lại hoảng sợ làm sao mà dám trèo lên tàu nữa.” Thật tội cho em tôi và những người cùng hoàn cảnh quá!

Liêm vừa trở lại phòng, tôi vội sửa soạn qua loa thì có tiếng gõ cửa, biết ngay là vợ chồng Phượng gọi đi ăn sáng. Nơi phòng ăn, lại gặp bao nhiêu bạn, lại kể lể thêm nhiều chuyện.Tàu đã cặp bến Catalina nên khi ăn xong, chúng tôi rủ nhau lên bờ đi “thăm dân cho biết sự tình.” Các ông ngồi ở một tiệm góc đường uống bia nhâm nhi khô mực, đàn bà đi lòng vòng dạo phố sắm đồ làm quà, mỏi chân rồi lại trở về tàu.

Về phòng tôi thấy trên giường có cái gì giống con thú nhồi bông, thì ra là “hai con khỉ” ôm nhau, mặt âu yếm kề sát làm bằng khăn lông trắng phau rất khéo léo, Liêm bật cười nói chắc họ chế diễu vợ chồng mình là hai con khỉ già mà còn đi du lịch “hấp hôn” đó em à.

Tối hôm đó đi ăn, chúng tôi phải mặc “đẹp” như được yêu cầu. Ngày nào thực đơn cho bữa ăn tối cũng thật phong phú, đa dạng và vừa miệng. Họ đem thức ăn lên rất nhanh và tiếp đãi ân cần, lịch sự với nụ cười luôn nở trên môi.

Ăn xong mới hơn 10 giờ, còn sớm quá, chúng tôi lôi nhau vào casino để giải trí. Mấy đứa ngồi gần nhau kéo máy một xu, mỗi lần có người trúng lớn là cả bọn la inh ỏi hỗ trợ và chúc mừng, được có mấy chục đồng bạc mà cứ làm như sắp thành triệu phú.

Ngày sau lại cùng ăn sáng rồi rủ nhau đi chiếc tàu nhỏ vào đảo Ensenada thuộc địa phận Mễ Tây Cơ. Đến nơi, phe đàn ông lại ngồi chụm một chỗ tán dóc, còn đàn bà lên xe bus chạy vòng vòng, thấy thành phố nghèo nàn, nhà cửa xác xơ, buồn thảm nên trở lại đi “shopping”.Chúng tôi được chỉ dẫn và khuyến cáo ở đây đồ mạ vàng rất nhiều nên chỉ mua những đồ nữ trang rẻ tiền. Sau khi đi bộ đã đời, ai cũng mỏi rã chân nên rủ nhau về tàu.

Lúc 3 giờ chiều ngày thứ năm, tất cả 98 người trong nhóm cựu sinh viên chúng tôi có một buổi họp mặt lần chót để cùng nhau uống rượu nhẹ, hàn huyên, xem văn nghệ và chụp hình lưu niệm. Các con trai và con dâu của trường lại được dịp thi thố tài năng với những giọng hát mượt mà hay hùng dũng. Chúng tôi đã chụp rất nhiều hình để làm kỷ niệm và không quên cám ơn ban tổ chức đã cho chúng tôi một lần hội ngộ tuyệt vời.

Bữa ăn tối sau cùng để rồi sáng mai chia tay, tất cả nhóm phục vụ trên tàu ra hát, múa, chào mọi người và bày tỏ ước mong sẽ được gặp lại chúng tôi trong những chuyến du lịch sau này. Trước khi đi ngủ, chúng tôi đã đặt hành lý ngoài cửa phòng để sáng sớm nhân viên của tàu đem lên bờ chờ sẵn.

Sáng hôm sau, khi thức dậy thì tàu đã cập bến Long Beach, các nhà hàng vẫn phục vụ thức ăn. Nhóm tôi lại cùng nhau ăn sáng, vui vẻ đùa giỡn rồi chuẩn bị lên bờ lấy hành lý. Những ông bà lão sáu, bẩy, tám chục tuổi này thật sự đã cười đùa hồn nhiên suốt thời gian tám ngày bên nhau quên bẵng tuổi già.

Lên bờ khoảng 10 giờ đã thấy hai anh trong ban tổ chức chạy lăng xăng ngược xuôi, kiểm điểm để chắc chắn không một người nào “ngủ quên” sót lại trên tàu. Tôi cầu mong hai anh không bị mệt lả sau những ngày cực kỳ bận rộn này.Xe bus của ban tổ chức đại hội đến đón chúng tôi trở về khách sạn rồi ai nấy đều bùi ngùi chia tay nhau sau tám ngày hạnh ngộ. Chúng tôi ôm nhau, chào nhau nghẹn ngào và hẹn gặp lại trong lần đại hội ở Úc Châu năm tới. Mới sắp chia tay mà đã thấy nhớ nhau rồi!

Vợ chồng tôi không kịp đón chuyến xe đò Hoàng buổi sáng để trở về San Jose nên phải lấy chuyến 4 giờ chiều. Anh Thịnh, học sau Liêm hai khóa, hiện sống ở quận Cam, đã nghỉ làm ngày hôm đó để đến khách sạn đón chúng tôi về nhà ăn trưa cùng với Lê và Linh, chị Thịnh nấu món mắm và rau ngon không đối thủ, nhất là sau năm ngày lênh đênh trên biển cả ai cũng nhớ cơm nên ăn thật nhiều. Xong bữa trưa, anh chị Thịnh đưa vợ chồng tôi ra bến xe đò. Như thường lệ, khi nào chúng tôi trở về San Jose, anh chị ấy cũng gói ghém cho vài thứ đem theo, lúc thì thùng trái cây, khi thì một thứ thuốc gì mới và tốt anh chị đã dùng thử. Trong lúc chờ đợi, anh Quân đến tặng Liêm một tút thuốc lá, vợ chồng anh Phan cũng ra bến xe đem cho chúng tôi một túi nặng trịch đầy ổi và kẹo mè đậu phụng vừa làm ở nhà xong. Bạn bè tốt và lo cho mình nhiều quá, vợ chồng tôi cảm kích vô cùng.

Xe bắt đầu lăn bánh, chúng tôi còn cố ngoái lại vẫy tay chào những người bạn thân thương vẫn còn đứng nhìn theo ở bến xe.

Đây là một chuyến đi nhớ đời vì ngoài niềm vui tràn đầy được quấn quít, hàn huyên với nhiều bạn bè thân thiết sáng, trưa, chiều, tối trong suốt mấy ngày dài, chúng tôi còn được hai tin mừng thần diệu, thứ nhất là con gái của một anh bạn nhóm trung học của Liêm, cháu hơn bốn chục tuổi đã có phước được một ông thầy chữa khỏi bệnh sau mấy năm dài nằm liệt giường, bây giờ cháu đã đi đứng và làm được những việc vặt trong nhà. Thứ nhì là một anh bạn thân ở đại học nhờ một sự tình cờ, có người chỉ cho 3 vị thuốc bắc giúp van tim anh hết bị nghẹt nên khỏi bị mổ. Về San Jose, chúng tôi thuật lại việc này cho một người bạn khác, anh này làm theo và không còn bị đau thắt ở ngực làm mất ngủ hằng đêm nữa. Cám ơn Trời đã độ cho con gái và các bạn của chúng tôi.

Lần đi gặp hai nhóm bạn cũ trường xưa này đã là một niềm an ủi vô cùng lớn lao cho những bạn học tuổi hạc. Anh trẻ nhất tuổi đời cũng xấp xỉ 70 và những huynh truởng đã trên 90, sức khoẻ ai cũng đã hao mòn theo thời gian, chắc hẳn sáng dậy cũng đau mình nhức mẩy. Năm vừa rồi đã có vài cánh chim bỏ đàn bay xa, nhưng không vì vậy mà chúng ta nản lòng dù ngày tháng còn lại chẳng bao nhiêu, chúng ta còn hơi thở là còn yêu đời, cứ vui sướng, nâng niu hạnh phúc khi gặp lại nhau và hy vọng đây không phải là “chuyến đi cuối đời” như các ông bạn già đã nói, mà chúng ta sẽ còn hội ngộ rất nhiều lần nữa như mấy câu thơ:

Hãy cho nhau những nụ cười
Hãy cho nhau trọn tình người niềm vui
Hãy cho nhau vị ngọt bùi
Hãy cho nhau vạn ngàn lời yêu thương (2)
 
Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Cuộc đời như nước chảy hoa trôi
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời (2)


Lê Nguyễn Hằng

(1)http://vforum.vn/diendan/showthread.php?33575-
  Tho-hay-ve-tinh-ban-dep


(2) Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương

Wednesday, November 29, 2017

Trường hợp Nhất Linh Nguyễn Tường Tam

Phạm Quang Trình
trích trong “Những nhân vật dân sự...”


Có một nhân vật đã gây nhiều thắc mắc là nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, trưởng nhóm Tự Lực Văn Đoàn, người từng đảm nhiệm vai trò Bộ Trưởng Ngoại Giao trong chính phủ Liên hiệp Hồ Chí Minh 1946, nhưng chỉ được ba tháng vì bất đồng chính kiến thì xin từ chức. Thời Quốc Gia Việt Nam (Quốc Trưởng Bảo Đại) và thời Đệ Nhất Cộng Hòa (TT Ngô Đình Diệm), ông Nguyễn Tường Tam hoạt động văn hóa, cho xuất bản các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn và chủ trương tờ Văn Hóa Ngày Nay. Cũng dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn và của Nhất Linh đã được Bộ Quốc Gia Giáo Dục đưa vào chương trình Trung Học. Tưởng chưa có một vinh dự nào lớn lao đối với một nhà văn như Nhất Linh khi còn sinh thời và Tự Lực Văn Đoàn đã được chính quyền xử sự như thế. Điều đó chứng tỏ nền Đệ Nhất Cộng Hòa và riêng cá nhân TT Ngô Đình Diệm rất nể trọng Tự Lực Văn Đoàn và cá nhân nhà văn Nhất Linh. Thật sự thì không ai có thể phủ nhận công trình văn học của Tự Lực Văn Đoàn và nhà văn Nhất Linh. Cho nên, việc chính phủ Ngô Đình Diệm đưa các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn vào chương trình Trung Học là đúng đắn, rất đáng hoan nghênh. Nhưng không hiểu tại sao Nhất Linh lại bị tố cáo có dính líu vào cuộc Binh Biến ngày 11-11-1960 của bè nhóm Vương Văn Đông, Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Chánh Thi để đưa ông đến chỗ uống thuốc độc tự tử ngày 7-7-1963 qua cái gọi là bản di chúc chính trị nguyên văn như sau:

“Đời tôi để lịch sử xử, tôi không chịu để ai xử cả. Sự bắt bớ và xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất vào tay Cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình, cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, để cảnh cáo những người chà đạp  mọi thứ tự do.” Nhất Linh Nguyễn Tường Tam  7-7-63.

Vì dính vào vụ 11-11 nên ông bị Toà Án Quân Sự Đặc Biệt gửi trát tòa gọi ra lấy khẩu cung. Qua khẩu cung thì ông chối không hoạt động chính trị và cũng không dình líu gì đến vụ phản loạn nói trên. Qua tài liệu -Trong Bóng Đêm Lịch Sử- xuất bản năm 2008- của Cựu Luật sư Lê Nguyên Phu nguyên Đại Tá Ủy Viên Chính Phủ trong Toà Án Quân Sự Đặc Biệt từ trang 188-191, nhân vật Nhất Linh được ghi lại nguyên văn như sau:

“Nhóm Hoàng Cơ Thụy là nhóm dân sự duy nhất biết trước vụ Binh Biến. Còn những người khác như Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu, Vũ Hồng Khanh, Phan Bá Cầm, Bùi Lượng, Đinh Xuân Quảng, Nguyễn Thành Phương, Nguyễn Tường Tam cùng đám thuộc hạ em út gồm Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương v.v… đều là những người lúc nghe tiếng súng nổ mới chạy đến hiện trường, hoan hô đả đảo cho rậm đám. Đây là những người không được mời ăn cỗ, nhưng nghe có đình đám chạy đến để ăn có. Nhóm Caravelle không dự vào vụ Binh Biến này, không có mặt tại chỗ, và không hề bị truy tố ra Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt trong vụ này, thế mà sau, tên cầm cờ chạy hiệu Trần Tương viết sách khoa trương láo khoét đã lôi họ vào nội vụ để có chút thơm lây.

Trong số những thực khách không mời mà đến ăn có, tôi chỉ nhắc đến hai trường hợp của Phan Quang Đán và Nguyễn Tường Tam.

Trước tiên là trường hợp Phan Quang Đán, Nguyễn Chánh Thi cảm thấy lẻ loi trong nhóm Vương Văn Đông, nên khi thấy Phan Quang Đán xuất hiện trước Dinh Độc Lập, vội vàng kéo Phan Quang Đán về phe y, cho làm phát ngôn của Thi để cân bằng thế lực với nhóm Vương Văn Đông có Hoàng Cơ Thụy trợ thủ. Phan Quang Đán lên Đài Phát Thanh chửi rủa nhục mạ chính quyền một cách thô lỗ, nhưng lúc bị bắt ra tòa thì mềm nhũn như con chi chi, thái độ ươn hèn khiếp nhược.

Còn trường hợp của Nguyễn Tường Tam lại khác hẳn. Nguyễn Tường Tam có tư cách hơn. Sở dĩ tôi nhắc đến Nguyễn Tường Tam là muốn nói rõ cho hậu thế biết cái chết của ông và nguyên nhân đã đưa ông đến cái chết ấy.

Nguyễn Tường Tam sau khi bị điều tra sơ khởi tại Nha Cảnh sát, Nha An Ninh Quân Đội và thẩm vấn sau cùng tại Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt, đã được Đại Tá Lê Văn Khoa ủy viên chính phủ phóng thích ngay, không bị giam giữ một ngày nào. Trong biên bản do chính Đại Tá Lê Văn Khoa thẩm vấn, Nguyễn Tường Tam khai thực sự không biết gì về nội vụ, không có tổ chức căng biểu ngữ, rải truyền đơn chống chính phủ trước Dinh Độc Lập. Nhưng sự việc này hoàn toàn do đám em út của ông (Trương Bảo Sơn, Nguyễn Thành Vinh, Vĩnh Lợi, Trần Tương v.v…) tự động làm ra ông ngăn không nổi. Ông thỉnh cầu Đại Tá Lê Văn Khoa đừng đem đối chất với nhóm thuộc hạ. Sự thỉnh cầu này được ghi rõ ở cuối biên bản thẩm vấn. Đại Tá Lê Văn Khoa chấp nhận lời thỉnh cầu, nên trong hồ sơ không có biên bản đối chất, mặc dầu các thuộc hạ của ông khai ngược lại là đã hành động theo lệnh của ông. Các thuộc hạ của Nguyễn Tường Tam đều bị Đại Tá Lê Văn Khoa tống giam, chỉ một mình Nguyễn Tường Tam được tại ngoại hầu tra. Do dó các thuộc hạ của ông đều tỏ ra bất bình và oán hận, cho rằng chính ông đã đổ hết tội lên đầu của họ. Từ trong khám Chí Hòa, Trương Bảo Sơn viết thư ra cho bà vợ  mới chắp nối là bà Nguyễn Thị Vinh chỉ trích Nguyễn Tường Tam đủ điều, nào là phản bội anh em, nào là thiếu tư cách lãnh tụ v.v… Lá thư được giám đốc khám đường Chí Hòa đệ trình Tòa Đặc Biệt và được lưu giữ lại trong hồ sơ. Lúc bấy giờ hồ sơ đã được Đại tá Lê Văn Khoa kết thúc và đã có án lệnh ra tòa từ lâu, trước khi tôi đến thay thế Đại Tá Lê Văn Khoa. Tôi lưu giữ lá thư trong hồ sơ mà không cho chuyển đi chỉ vì thiện ý. Tôi không muốn vì lá thư nầy mà gia đình các bị can bên ngoài phải trách cứ lẫn nhau, gây thêm sự xáo trộn trong cuộc sống. Nguyễn Tường Tam vẫn được sống tự do tại gia dình.

Vụ án đã có án lệnh đưa ra tòa, nên tôi quyết định không để kéo dài thêm nữa và cho đăng đường xét xử vào phiên tòa ngày 5-7-1963. Theo thủ tục pháp lý, một can phạm bị truy tố về một tội đại hình, nếu được tự do tạm như trường hợp của Nguyễn Tường Tam, phải bị câu lưu lại 3 ngày trước phiên tòa xử. Nhưng đối với Nguyễn Tường Tam, tôi không cho thi hành thủ tục này. Tôi viết thư mời Nguyễn Tường Tam (chứ không ra trát đòi) đến gặp tôi tại Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt. Nguyễn Tường Tam đến không sai hẹn, và được tôi tiếp đón nồng hậu. Chúng tôi đã đối diện trò chuyện suốt ba giờ đồng hồ, nghĩa là trọn suốt buổi sáng, tại phòng khách riêng của tôi, không có người thứ ba tham dự, và đề tài đàm thoại, khởi đầu bằng chuyện văn chương, thế tình. Tôi đề cập trước tiên, từ những tác phẩm nổi danh của ông trong Tự Lực Văn Đoàn đến tờ Phong Hóa, Ngày Nay do ông chủ trương trước năm 1945 tại Hà Nội và đồng thời cho ông biết tôi rất hâm mộ tài hoa và sự nghiệp văn chương của ông. Mục đích của tôi là để ông yên tâm. Sau cùng tôi mới nói qua về lý do mời ông đén văn phòng tôi. Tôi cho ông biết vụ Binh Biến 11-11-1960 sắp được đăng đường xét xử và yêu cầu ông ngày đó nhớ đi hầu tòa. Đối với ông, tôi không cho tống đạt trát đòi hầu tòa, cũng như không câu lưu thân thể (theo tiếng Pháp là prise de corps) trước ngày xử án. Tôi hứa sẽ tận tình giúp đỡ ông để sau phiên xử ông vẫn được thong thả và tự do trở về nhà. Thật là một sự dễ dãi chưa từng có trong phạm vi thủ tục pháp lý. Trước sự cởi mở của tôi, ông trầm  ngâm giây lát, tỏ ý cảm kích, và sau cùng hỏi tôi: “Ông ủy viên có thể giúp tôi thêm một chút nữa được không? Tôi xin ông ủy viên giúp tôi tránh khỏi phải đối chất với bọn đàn em thuộc hạ của tôi.”

Tôi hiểu rõ ý muốn của ông, và lần này tôi cũng trầm ngâm như ông trước khi trả lời: “Điều ông yêu cầu thực sự ngoài quyền hạn của tôi, bởi vì hồ sơ đã được đăng đường, trước tòa chỉ có ông chánh thẩm là người duy nhất điều khiển phiên xử và có quyền quyết định tối hậu mọi thủ tục pháp lý. Tôi vì ông sẽ không xin đối chất, nhưng nếu luật sư biện hộ cho thuộc hạ của ông yêu cầu đối chất, tôi sợ ông chánh thẩm khó lòng từ chối. Vì vậy mà tôi không thể hứa chắc về điểm này. Tôi phải tôn trọng ông chánh thẩm trước tòa”.

Câu nói của tôi là một câu nói thành thật chí tình.

 Nhưng nghe xong Nguyễn Tường Tam trở nên ray rứt, băn khoăn vô hạn. Ông cuí đầu suy nghĩ. Và trong câu chuyện tiếp theo, ông luôn luôn trở lại vấn đề đối chất và nhiều lần nhắc nhở tôi cố gắng giúp đỡ ông. Đó là lý do vì sao câu chuyện đàm thoại giữa chúng tôi đã kéo dài ba giờ đồng hồ, suốt một buổi sáng. Lúc tiễn ông ra cửa, tôi thấy ông đi thất thểu, nhưng tôi không nghĩ rằng vì vấn đề đối chất nầy mà ông phải tự tử sau đó. Lúc được tin ông đã qua đời, suy nghĩ kỹ lại, tôi mơí nhận rõ điều ông yêu cầu là một điều tối quan trọng đối với ông. Ông không muốn đối diện với bọn đàn em và đối chất với họ trước Tòa, vì đó là một điều sỉ nhục, mất thể diện trọng đại. Trước Tòa, nếu ông tiếp tục giữ lập trường không liên quan vào nội vụ, trong khi bọn đàn em của ông lại nhất quyết cho ông là người cầm đầu, thì cái danh vị lãnh tụ của ông sẽ tiêu tan, và nhân phẩm của ông cũng bị tổn hại rất nhiều. Cho nên chỉ còn một lối thoát duy hất là để tránh sự đối chất là tự tử. Lối thoát này đã giúp ông bảo tồn danh dự và tư cách lãnh tụ, nâng cao nhân phẩm cá nhân và có thể đưa ông vào lịch sử.

Chết là hết! Chết là vạn sự hư không! Nếu cái chết của Nguyễn Tường Tam đến đây chấm dứt, thì có thể nói đó là  một cái chết rất đẹp đẽ, đáng tôn vinh như một điểm son rực rỡ trong cuộc đời chính trị của ông!

Nhưng tiếc thay, điểm son rực rỡ ấy đã bị ông xóa nhòa, bôi đen bằng một mảnh giấy nhỏ được ông để lại khi lâm chung. Trên mảnh giấy ấy ông cho biết ông tự tử vì không muốn bị xét xử trước tòa án của chính quyền Ngô Đình Diệm và xin để lịch sử xét ông về sau. Những dòng chữ này không biết có đánh lạc hướng được lý do tự tử của ông hay không, nhưng chắc chắn đã hạ thấp phẩm giá của ông rất nhiều. Cho đến giờ phút lâm chung ông vẫn còn chưa đạt, vì chưa bỏ được tham vọng lợi danh của mình, chưa giác ngộ  được hành vi tốt hay xấu của mình đối với anh em đồng chí, mà vẫn còn huynh hoang tiếp tục dối trá người đời.  Ông nói không muốn để tòa án chính quyền Ngô Đình Diệm xét xử ông, nhưng thực sự khi ông ra khai cung tại Phòng Dự Thẩm Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt thì ông đã bị tòa án của chính quyền Ngô Đình Diệm xét xử rồi, vì trong cơ chế pháp lý, Dự thẩm được xem như là một cấp xử án riêng biệt (une jurisdiction à part), có quyền định tội danh của can phạm, cải tội danh, ra án lệnh miễn tố hay truy tố ra tòa khi tội danh đã được xác định.

Vụ tự tử của Nguyễn Tường Tam về sau có nhiều người khai thác, dựa vào đó để làm nấc thang danh vọng, kể cả những người từng oán hận ông như Trương Bảo Sơn. Sau vụ đảo chánh 1-11-1963, họ được trả tự do, vội vàng tổ chức lễ truy điệu Nguyễn Tường Tam rất trọng thể tại Vườn Tao Đàn, để rồi sau đó mỗi người được chính quyền quân phiệt tưởng thưởng một số tiền lớn có thể mua nhà cửa, phố xá, mở tiệm buôn, tiệm thuốc tây v.v… Có người còn được gia nhập chính quyền, học ăn học nói ở Thượng Hạ Nghị Viện. Tôi muốn hỏi những đàn em của Nguyễn Tường Tam họ có bao giờ nghĩ rằng Nguyễn Tường Tam chết cũng vì những lời bài xích xa gần của họ.”

Qua những dòng trên đây cho thấy Nhất Linh thật sự có tham dự vào âm mưu đảo chánh 11-11-1960 nhằm lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm. Chính con út ông là Nguyễn Tường Thiết trong hồi ký Nhất Linh Cha Tôi do Văn Mới xuất bản năm 2006 trang 29-30 đã xác nhận điều đó: 

Thế rồi ông quyết định giã từ tất cả. Đà Lạt, Fim Nôm, dòng Đa Mê và cả trăm giỏ lan mà ông đã chăm sóc từ hai năm qua, để về luôn Sài Gòn, chấm dứt cái thời kỳ mà ông Lê Hữu Mục đã viết trong đoạn kết cuốn sách của ông là “một Nhất Linh nằm trùm chăn ở trên Đà Lạt”. Đối với tôi, thật bụng tôi chỉ mong ông được nằm trùm chăn lâu hơn vì đây chính là thời gian hạnh phúc nhất trong đời ông mà tôi được biết. 

Nhất Linh “xuống núi” lăn vào cuộc đời làm báo, tham gia đảo chính, thất bại, đi trốn, bị đưa ra tòa, đưa đến cái tự vẫn của ông mấy năm sau, mở đầu một thời kỳ cuối cùng của đời ông với nhiều não nề, nhiều chán chường hơn”.

Đã tham gia đảo chính nhưng tại sao Nhất Linh lại phủ nhận tất cả hành động của mình trước Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt? Đọc đoạn viết của LS Lê Nguyên Phu trên đây cũng như đọc mục “Niềm Vui Chết Yểu” từ trang 31-51 trong Nhất Linh Cha Tôi của Nguyễn Tường Thiết cho thấy tâm trạng lo âu sợ sệt của Nguyễn Tường Tam. Tại sao lại sợ và tại sao phải chọn cái chết? Mỗi người có thể suy luận theo nhận định riêng của mình.

Ông Nguyễn Văn Lục trong cuốn “Một Thời Để Nhớ” do Diễn Đàn Giáo Dân xuất bản năm 2011 nơi các trang 187-188 cho rằng Nhất Linh chọn cái chết vì bịnh tâm thần. 

Xin trích một đoạn sách của ông Nguyễn Văn Lục:Trong số những nhân vật bị bắt, có nhân vật quan trọng như một thứ biểu tượng thống lãnh và uy tín hàng đầu. Đó là ông Nhất Linh. Trước đây không lâu, tôi có viết một bài nhan đề “Trường hợp Nhất Linh, một cái chết định trước”. Trong đó tôi cho rằng Nhất Linh mắc bệnh tâm thần, bị ám ảnh thường trực ý muốn tự tử. Và cơ hội đã đến trong dịp bị gọi ra tòa về vụ đảo chánh hụt 11-11-1960. Có rất nhiều ý kiến phản bác. Nay cơ hội cho tôi có dịp khẳng định lại một lần nữa để nhận ra suy diễn của tôi không phải là vô bằng cớ mà có căn cơ đứng đắn, có cơ sở lý luận và có chứng liệu thực tiễn.” 

Ông Nguyễn Văn Lục còn nêu ra những nhận xét của những người thân thiết với nhà văn Nhất Linh như Bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm, Thế Uyên đều xác nhận Nhất Linh mắc bệnh tâm thần hay suy nhược thần kinh. Bài viết và tác phẩm của ông Nguyễn Văn Lục đã làm dư luận xôn xao trong đó, Nguyễn Tường Thiết là con út của Nhất Linh đã viết ba bài phản bác kịch liệt trên các Diễn Đàn Internet để bênh vực cho cha.

Nguyễn Tường Tam viết rằng đời ông để Lịch sử xét xử. Cái chết của ông đã ngót nửa thế kỷ. Chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa cũng đã bị lật đổ ngót nửa thế kỷ. Bao nhiêu tài liệu đã được giải mật, phơi bầy, chẳng còn gì dấu kín. Những lời của LS Lê Nguyên Phu và của Nguyễn Tường Thiết viết ra về Nhất Linh đã sáng tỏ về con người của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam: “Nhất Linh xuống núi, lăn vào chính trị, tham gia đảo chính hụt, thất bại, sợ sệt, trốn tránh, bị điều tra và ở thế cùng, chọn cái chết”, chứng tỏ Nhất Linh không phải là người có bản lĩnh chính trị, không có viễn kiến chính trị. Nhất Linh thành công về văn học và thất bại ê chề về chính trị.

Người viết tự hỏi: nếu quả thực nhà văn Nhất Linh không dính gì vụ Binh Biến 11-11-1960 thì tại sao lại phải trốn tránh, và tại sao lại nài nỉ xin Ủy viên chính phủ Lê Nguyên Phu tránh cho chuyện đối chất với thuộc hạ đàn em? Còn nếu Nhất Linh đã có gan tham gia Binh Biến thì tại sao không có gan đứng trước Tòa Án Quân Sự Đặc Biệt mạnh dạn phản bác mọi cáo buộc, công khai lên án sự chà đạp tự do của chính quyền Ngô Đình Diệm? Nếu Nhất Linh có can đảm làm như thế thì liệu chính quyền Ngô Đình Diệm có dám kết án nặng nề hay phải nhượng bộ ông? Nếu Nhất Linh có viễn kiến chính trị, nhìn thấy sự thay đổi sẽ xẩy ra trong tương lai gần trong tinh hình xáo trộn tháng 7/1963, thì có lẽ Nhất Linh đã không tự tử. Biết đâu rằng sự gan dạ và mạnh dạn ra Tòa Án sẽ là một bản Cáo Trạng lớn lao hơn với chế độ và là một thành tích lẫy lừng của Nhất Linh để sau khi biến cố 1-11-1963 xẩy ra sẽ đưa Nhất Linh lên hàng lãnh đạo quốc gia, vượt xa những Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Thiện Khiêm? Thật tiếc cho ông đã bỏ lỡ mất cơ hội ngàn năm một thuở.

Theo thiển ý, muốn đấu tranh kết quả, ít nhất phải giữ mạng sống của mình đã. Bị bắt ra Tòa đâu có phải là điều sỉ nhục. Trong lịch sử đấu tranh, có hàng ngàn, hằng vạn, hàng triệu người bị đưa ra Tòa có sao đâu. Chỉ có gian dối hay có điều gì khuất tất sợ sự thật mới trốn tránh. Nhất Linh đã không làm thế? Nhất Linh muốn đời ông để lịch sử xét xử thì nay sự thật lịch sử đã được phơi bầy rồi đó kể cả sự thật về Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Lịch sử cho thấy mọi biến cố chính trị liên hệ đến Việt Nam Cộng Hoà đều có bàn tay của ngoại bang. Bàn tay ấy giống như một con bạch tuộc với trăm ngàn cái vòi đã len lỏi, thọc sâu vào mọi cơ cấu từ thượng tầng đến hạ tầng quốc gia để đạo diễn mọi biến cố rất tinh vi mà người đương thời ít ai biết được. Cái chết của Nhất Linh không chắc đã đem lại ích lợi gì cho đất nước, nhưng rõ ràng là giúp thêm cho chiến dịch tuyên truyền lưu manh của ngoại bang đang muốn khai thác nhằm lật đổ chế độ Cộng Hòa Việt Nam với TT Ngô Đình Diệm, một người mà thù phải sợ, bạn phải nề.

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 1-11-1963 thì Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tình trạng xáo trộn và khủng hoảng lãnh đạo chưa từng thấy. Cha con bọn đảo chánh từ thầy đến tớ toàn là một lũ ngu xuẩn, lo vơ vét, ăn chơi đàng điếm, không biết làm việc. Hệ thống an ninh bị bỏ ngỏ. Quốc sách Ấp Chiến Lược bị phá vỡ. Việt Cộng gia tăng xâm nhập phá hoại. Tình hình Miền Nam từ nông thôn đến thành thị trở nên nguy ngập. Mỹ phải cấp tốc đổ nửa triệu quân vào cứu vãn. Và như đã nói trên suốt hai năm trời sau đảo chính (1963-1965), Miền Nam đã trở thành vũng lầy đầy những xáo trộn và bất ổn. Bây giờ thì Mỹ và bọn đâm thuê chém mưón mới biết nhân vật lãnh đạo quan trọng như thế nào? Cũng từng ấy nhân sự, cũng từng ấy cơ sở mà tại sao tình hình trước và sau 1-11-1963 thay đổi một cách khác thường như vậy? Bây giờ thì người ta mới biết tài năng, dức độ của TT. Ngô Đình Diệm và những cộng sự viên đắc lực trong việc điều hành guồng máy quốc gia qua hai tổ chức Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng và Phong Trào Cách Mạng Quốc Gia là quan trọng. 

Phạm Quang Trình
Nhớ về... Những Người Lính Năm Xưa

Những người lính không bao giờ chết, họ sống mãi cùng lịch sử, và trở thành biểu tượng “Hồn Thiêng Sông Núi” của dân tộc.)

Trần Ngọc Nguyên Vũ

Xin tạ lỗi chí tang bồng hồ thỉ
Kiếm cung xưa treo gió núi mây ngàn
Quỳ chịu tội với hồn thiêng sông núi
Giấc mơ đời theo lịch sử sang trang.

*  *  *
Vào khoảng cuối tháng 5 năm 1972, trong lúc tình hình chiến sự đang sôi sục trên khắp các mặt trận Tây Nguyên, tôi tình cờ gặp Đoàn Phương Hải trong đám tang của Phạm Văn Thặng tại Sàigòn. Nhìn người thương binh Nhẩy Dù vừa trở về từ cõi chết, chống nạng đến đưa tiễn người lính Không Quân quay lưng đi vào cõi chết... tôi thấy lòng mình trùng xuống, và cảm nhận được tất cả những tình cảm khắng khít, và gắn bó trong “tình đồng đội” của những người lính ngoài chiến trường... Gặp tôi Hải kể lại lần dừng chân ở PleiKu, trước khi lên đường đổ vào Charlie. Đêm Phượng-Hoàng... cái đêm định mệnh ghi dấu lần gặp gỡ, và cũng là lần chia tay của những con người “chọc trời khuấy nước”... Cũng như Charlie, vùng đất định mệnh đã cướp đi Nguyễn Đình Bảo người anh cả, cùng biết bao nhiêu những anh hùng hào kiệt của “TĐ 11 Dù”...

Trung Tá Nguyễn Đình Bảo Và Đại Úy Đoàn Phương Hải Tại Charlie

Hải bùi ngùi nhắc lại trận đánh khốc liệt của TĐ anh với địch quân, và những đường bay hào hùng, nghẹt thở của Không-Quân, cùng cái chết của Dương Huỳnh Kỳ... Anh kể chuyện những chiếc khu trục cơ chui qua màn lưới phòng không, lao xuống sát chân đồi, ở một cao độ thấp không thể nào còn thấp hơn được nữa để giải toả áp lực của địch đang tràn lên ngọn đồi... Đứng dưới giao thông hào, anh và các bạn có thể nhìn thấy rõ chiếc nón bay của người phi công. Rồi chiếc phi cơ bốc cháy như một bó đuốc khổng lồ, cuốn theo thân xác của người phi công dũng cảm, cùng đám cuồng địch kêu gào giẫy giụa trong biển lửa mịt mùng... Hình ảnh kinh hoàng và bi tráng đó đã làm rúng động trái tim sắt đá của người lính Dù dạn dầy chiến chinh..


Sau lần gặp gỡ ngày hôm ấy, chúng tôi chia tay nhau. Cho đến ngày tàn chinh chiến, tôi không có dịp gặp lại Hải. Rồi thì trải qua những tháng năm dài ngược xuôi trên bước đường luân lạc... Mọi chuyện tưởng chừng như đã phai mờ theo với thời gian, thì 38 năm sau, tôi lại tình cờ gặp Đoàn Phương Hải cùng với Sông Lô, Đào Trọng Vượng, Đào Văn Năng, Trần Mạnh Khôi, Tạ Thượng Tứ, và những khuôn mặt của một thời vẫy vùng ngang dọc ở San José, để được nghe Hải kể chuyện về những người lính năm xưa...

Vẫn cái dáng dấp hiên ngang quen thuộc thủa nào, qua giọng nói chuyền cảm, và lôi cuốn, Hải nói về những người trai của thế hệ «Mầu Tím Hoa Xim»... Lần lượt kẻ trước người sau bước vào cuộc lữ hành khi trang sử mới vừa mở ra, ầm ầm như ngọn trường giang loạn sóng, trong cơn mưa gào gió thét kinh hoàng cùng với dòng cuồng lưu cuồn cuộn xô giạt mọi vật theo lớp mây ngàn bạt đỉnh, chẻ đôi hai bờ Nam - Bắc... Anh hùng hào kiệt một thời, quay cuồng trong cơn lốc xoáy, phóng tay điểm lên bức tranh sơn-hà những đường nét bi tráng, rồi theo trang sử từ từ khép lại, bỏ sau lưng cho đời cả một khung trời mây trắng bay...

...Và bây giờ ở nơi cõi kiêu hùng đó, nếu ai còn thấy một sợi tơ trời lãng đãng như «Nhớ về... những người lính năm xưa» chẳng hạn, thì đó chính là trang giấy trắng đang mở ra để ghi những dòng sử mới, trong con mắt hùng thị của những anh hùng vạn thủa vậy...

Đoàn Phương Hải đang viết một trang sử mới cho thế hệ mai sau; bởi vì một người đã từng cùng các bạn dương cung bắn những mũi tên đi tám hướng, bốn phương trời, tượng trưng cho chí tang bồng hồ thỉ của người trai, thì có lẽ nào anh lại để cho tâm tình mình lắng đọng, và nhạt phai cùng năm tháng...

Xin cám ơn tác giả của «Nhớ về... những người lính năm xưa». Xin cám ơn người lính Nhẩy Dù Đoàn Phương Hải đã đưa chúng ta trở về vùng kỷ niệm nhạt nhòa những hình ảnh thân thương, bi hùng và lãng mạn của một thời chinh chiến...

Trần Ngọc Nguyên Vũ

Chú thích: 

(*) “Nhớ về... Những người lính năm xưa» tuyển tập truyện ngắn của Đoàn Phương Hải. Xuất bản vào dịp cuối năm 2010 tại San José, USA.

(**) Dương Huỳnh Kỳ tuẫn quốc tại Charlie. Phạm Văn Thặng tuẫn quốc tại Kontum. Cả hai người đều là phi công khu trục thuộc phi đoàn Thái Dương 530 đồn trú trại phi trường Cù Hanh trên PleiKu.

Blog Archive