Wednesday, August 30, 2023

Tucker Carlson Interviews Hungary's Viktor Orbán


Hoa Cẩm Chướng

Vợ chồng chị Bông đến nhà chị Phú chơi nhân dịp họ dọn vào nhà mới, họ bán căn nhà cũ to rộng hơn 3,000 Sqft. để mua căn nhà mới 1,800 Sqft. với 3 phòng ngủ gọn gàng vừa đủ cho hai vợ chồng vì các con đã trưởng thành và ở nơi khác.

Chị Phú hớn hở khi mở cửa cho bạn:
- Mời mãi mà hôm nay anh chị mới đến, ở cùng thành phố chứ cách trở núi non gì…

Trong khi anh Phú tiếp chuyện anh Bông thì chị Phú đưa chị Bông đi xem nhà, nhà Texas rẻ nên nhiều người Việt có điều kiện đều trả tiền mặt và mua nhà mới dễ dàng. Anh chị Phú cũng thế, căn nhà của builder D-R-Horton xây kiểu cọ khá sang và đẹp giá chỉ khoảng 100 đồng mỗi Sqf...

- Đây là phòng ngủ… của ông Phú.

Thì ra vợ chồng nhà này ngủ riêng. Chị Bông nghĩ thầm trong khi chị Phú tiếp nửa đùa nửa thật:

- Bàn computer là thế giới riêng của ông ấy, nếu tôi mà bước vào đây khi ông ấy đang ngồi computer thì tôi… là nhân vật thứ ba thừa đấy chị... Trong ánh mắt khó chịu của ông Phú như nói rằng : "Bà chẳng nghĩa lý gì trong lúc này"

Sang phòng bên chị Phú hớn hở tiếp:
- Và đây là phòng ngủ của tôi, tôi muốn xem ti vi đến bất cứ giờ nào, tôi muốn treo hình ảnh, bày biện gì thì tha hồ, không làm… chướng tai gai mắt ông ấy. Bởi thế vợ chồng già ngủ riêng giường, riêng phòng là sung sướng nhất.

Hai gia đình quá thân nhau nên chị Bông không ngại ngần nói:
- Thế mà hai ông bà ra ngoài vẫn sánh đôi chung bóng tưởng như nửa bước không rời nhau cơ đấy.

- Thì ai chẳng cần bề ngoài, đi chợ, đi nhà thờ hay đi bất cứ đâu đều chung đôi đã đành mà… đến chết vẫn chung đôi luôn.

Chị Bông hết hồn và ngạc nhiên:
- Sao? Hai ông bà định… chết chung một ngày à?

Chị Phú bật cười:
- Có vợ chồng già nào còn lụy tình nhau đến cuối đời thế chứ. Nghĩa trang “Mây trời xanh” trong thành phố này đang quảng cáo bán những phần đất giá rẻ thế là hai vợ chồng mình bèn đến xem và mua ngay 2 mộ phần song song nằm cạnh nhau, đã xây bia mộ hình ảnh sẵn sàng rồi, ai chết trước thì vào nằm trước và ghi thêm ngày từ trần vào bia mộ đợi người đến sau. Thế là sớm muộn gì vợ chồng cũng chung đôi trong giấc ngủ cuối cùng. Trông vừa đẹp tình đẹp ý với cuộc đời vừa thuận tiện cho con cháu đến thăm viếng đặt hoa thắp nhang.

Chị Bông tấm tắc khen:
- Anh chị tính toán chu đáo và tuyệt vời quá.

Chị Phú thản nhiên:
- Vợ chồng chị và vợ chồng tôi là chỗ quen biết nhau thân nên chẳng có gì phải che dấu, vợ chồng tôi xung khắc cãi nhau như cơm bữa nhưng ở đời người ta vẫn phải sống như một vở kịch, được cái là cả ông Phú và tôi đều giống nhau ở chỗ cần bề ngoài, thích bề ngoài, nhìn vào ai chẳng thấy chúng tôi là cặp vợ chồng già lý tưởng...

- Nhưng anh chị cũng có cùng sở thích đấy, phòng ngủ riêng của mỗi người đều có một smart tivi hiệu Samsung 28 inches

Chị Phú kêu lên:
- Là bất đồng lớn đấy chứ sở thích gì, hai vợ chồng xem chung tivi ngoài phòng khách thế nào cũng cãi nhau dù bất cứ đề tài gì nên quyết định mua mỗi người một cái trong phòng ngủ ai về phòng nấy mà xem, còn tivi ngoài phòng khách nếu xem chung thì cấm ai được phát biểu ý kiến là yên chuyện. Giao kèo hẳn hòi…

- Vậy là nhà có 2 vợ chồng mà 3 cái ti vi. Hãng Samsung trúng mối nhờ những cặp vợ chồng bất đồng đấy chị nhỉ.

Chị Phú kể:
- Tôi quen vợ chồng người bạn, cũng bề ngoài chung đôi như vợ chồng tôi. Chị ấy đã qua đời và an táng trong nghĩa trang “Mây trời xanh”. Hai năm sau người chồng ốm đau thập tử nhất sinh, khi chưa vào hôn mê ông ấy cố gắng lấy sức tỉnh táo ngắn ngủi cuối cùng để dặn dò các con rằng: “Các con muốn hoả táng hay chôn cất bố kiểu nào cũng được nhưng tuyệt đối đừng cho bố nằm cạnh mẹ con. Bao nhiêu năm chung đôi với bà ấy rồi, lúc lìa đời hãy… trả tự do cho bố …”

Chị Bông cười:
- Chắc các con phải an táng ông bố trong một nghĩa trang khác, chứ cùng nghĩa trang “Mây trời xanh” bà vợ lại lò mò ra thăm ông ấy và trách mắng sao chúng mình không chung đôi thì hai hồn ma lại… cãi nhau., làm phiền những hồn ma khác.

- Lúc nào riêng tư được thì cứ riêng tư chị Bông ạ. Tôi với ông Phú lúc trước đi bộ thể dục quanh khu phố nhà mình, nói chuyện một lúc thể nào cũng bất đồng ý kiến và cãi nhau, thế là tôi bèn nghĩ cách đi thể dục một mình với lý do chính đáng không ai hiểu được là tôi né ông chồng. Tôi bắt chước mấy bà bạn già chuyên đi bộ trong mall, cái mall gần nhà tôi lái xe 10 phút là đến, chân đi giày bệt như khi ta đi ra phi trường vậy đó, tha hồ thoải mái đi dạo trong mall, lên tầng xuống tầng bằng thang bộ, mùa hè mát mẻ, mùa Đông ấm áp, vừa đi vừa ngắm đủ loại quần áo và hàng hóa quên cả giờ về. Khỏe người, có khi lại mua được món hàng giá rẻ.

- À, tôi còn tha hồ mặc thử các loại quần áo và ngắm nghía mình trong gương cho … qua cơn ghiền shopping chứ tiền đâu mà mua hết những gì mình thích...

Chị Bông thán phục và hí hửng:
- Thì ra thế, người ta cứ tưởng chị vào mall mua sắm, cái điều mà chẳng ông nào thích “chung đôi” với vợ nơi chốn này. Hèn gì đi mall ngày thường tôi thấy nhiều… bà già ghê, cứ tưởng họ về hưu buồn chán nên đi shopping cho vui. Hẹn chị Phú một ngày nào đó chúng mình sẽ gặp nhau trong mall và đi bộ vài giờ liền chị nhé.

Chị Phú cao hứng kể thêm:
- Vợ chồng tôi khác nhau cả những điều nhỏ nhặt, ở thành phố này có 3 hàng B.B.Q. bán vịt quay gần nhà, nhưng sở thích chúng tôi cũng… không đụng hàng, ông Phú thích ăn vịt của tiệm A. còn tôi thì thích vịt tiệm B. ai cũng cho là vịt quay của tiệm mình chọn là ngon, là nhất.. Mỗi lần nhà cần ăn món vịt quay là hai vợ chồng lại tranh cãi, sau cùng tôi phải…tôi phải…

Chị Bông tranh lời và đoán già đoán non:
- Chị phải mua vịt quay tiệm thứ ba. là huề cả đôi bên chứ gì? Hay là chị chiều chồng, nhịn chồng đi mua vịt quay tiệm A. cho anh vừa lòng ?

Chị Phú nở nụ cười mỉm, nụ cười bí ẩn như nàng Mona Lisa trong tranh:
- Không, tôi vẫn mua vịt quay tại cửa hàng B. tôi yêu thích đấy chứ…

Trong khi chị Bông đang ngơ ngác ngạc nhiên thì chị Phú bèn giải thích:
- Nhưng tôi tỉnh bơ nói với ông Phú là tôi mua vịt của tiệm A. ông ấy ăn và khen ngon nức nở đúng gu của ông ấy. Nói dối mà vui vẻ cửa nhà chắc trời Phật cũng thông cảm phải không chị Bông?

Chị Phú kết luận:
- Chị Bông ơi, sở dĩ vợ chồng về già “xung khắc” vì ai cũng trở nên chướng. Coi như “hoa Cẩm Chướng” nở trong nhà quanh năm... Ngày xưa tôi yêu hoa Cẩm Chướng lắm, bây giờ thì không, cứ nghe đến tên hoa Cẩm Chướng là… hình ảnh ông Phú lù lù hiện ra.

- Ôi, hoa Cẩm Chướng đẹp thế mà lại là hình ảnh của các vợ chồng già trái tính trái nết, tội nghiệp cho hoa qúa…

Hai bà xem nhà và nói chuyện xong cùng ra ngoài phòng khách nói chuyện chung với hai ông. Chiếc Smart Tivi Samsung 50 mấy inches được mở lên đang có cảnh đẹp ở một đất nước nào đó, anh Bông rồi đến chị Bông vừa nói chuyện vừa khen cảnh trong phim trong khi hai vợ chồng anh Phú chỉ nói chuyện, tuyệt nhiên không ý kiến gì với cảnh trong tivi.

Chị Bông hiểu là bản hợp đồng của vợ chồng chị Phú đã được tôn trọng.

Khi anh chị Bông đứng dậy cáo từ hai vợ chồng anh Phú, hai… đoá hoa Cẩm Chướng của đời nhau cùng tươi tắm, cùng sánh đôi ra tận cửa tiễn bạn và ríu rít như chim hót:

- Hôm nay anh chị đến chúng tôi bất ngờ mà vui quá…

- Hôm nào anh chị rảnh đến ăn với chúng tôi một bữa cơm tối nhé. Chúng tôi cùng mong đợi đấy.

Anh Bông có vẻ ngạc nhiên trước sự hòa hợp của vợ chồng chị Phú. Còn chị Bông thì bỗng… nghi ngờ tất cả những cặp vợ chồng già từng khoe là đồng cảm, trên thuận dưới hòa và hạnh phúc bên nhau suốt cuộc hành trình dài cuộc hôn nhân của họ.

Buổi chiều ở nhà chị Bông mở tivi lại thấy quảng cáo của nghĩa trang “Mây trời xanh”, quang cảnh thanh tịnh mát mẻ đúng là nơi yên nghỉ ngàn thu, chị Bông hối hả gọi chồng:

- Anh Bông ơi, anh có thích cái này không?

Anh Bông từ trong phòng trong vọng ra:
- Bà thích gì thì cứ việc xem đừng réo tên tôi. Bà biết rồi mà những gì bà thích là tôi không thích.

- Nhanh lên, cái này phải có anh cùng quyết định.

Anh Bông tò mò đi nhanh ra ngoài còn kịp thấy cảnh những ngôi mộ trong nghĩa trang và lời quảng cáo vừa lập lại, anh khó chịu:

- Bà bảo tôi xem cái này để quyết định cái gì? Nhà mình đang yên đang lành lại bàn chuyện nhà quàn nghĩa địa là sao? Bà dở hơi từ lúc nào thế?

Chị Bông giật mình, chẳng lẽ dưới mắt anh Bông chị đang là kẻ dở hơi, là “đóa hoa Cẩm Chướng” vô duyên?

- Dĩ nhiên là không phải bây giờ. Mua mộ phần cho… tương lai anh và em.

Anh Bông bắt bẻ:
- Lại càng dở hơi. Chữ “Tương lai” dùng cho cảnh đời hy vọng tươi sáng phía trước nghe hào hứng hơn là đem dùng cho một ngày buồn tang tóc chẳng ai đợi ai mong.…

- Vậy thì em sửa lại đây, cho ngày sau chúng ta lìa đời. Hai mộ phần song song bên nhau thì được bớt 20% mà nếu trả tiền mặt từ bây giờ thì bớt đến 50%.

- Bà đến chết vẫn còn tính toán đắt rẻ như đi chợ... Tôi biết rồi bà muốn mua chỉ vì ham rẻ, cũng như khi đi shopping bà mua cả món đồ không thích nhưng vì giá rẻ. Nhưng xưa nay tôi và bà có mấy khi hợp nhau đâu, chung đôi làm gì hả?

- Biết rồi, nhưng lúc ấy mình chết ngắc chung đôi hay riêng lẻ cũng thế thôi. Trước mắt là tiết kiệm được tiền, mình lo trước thì con cái đỡ phải lo.

Anh Bông cương quyết:
- Không, tôi và bà đã từng khác nhau trong ý nghĩ cho viễn cảnh này, tôi muốn được an táng trong nghĩa trang và có người hương khói còn bà muốn hoả táng và thảy tung tro bụi ra gió ra biển cho một kiếp người tản mạn bay đi khắp thế gian và trôi đi khắp những biển rộng sông dài.

Chị Bông thở dài:
- Ừ nhỉ, trong lúc cao hứng nghe quảng cáo và nhất là lúc nãy nghe chuyện chị Phú nên em bất chợt nói thế thôi. Đến chết anh và em cũng không cùng suy nghĩ mà., mỗi người thích yên nghỉ một kiểu...

Giọng chị Bông bỗng như một nốt nhạc trầm:
- Anh này…

- Sao bà cứ lải nhải mãi thế? Bà muốn gì?

Chị Bông trách:
- Ngày xưa quen em anh đến nhà em chỉ mong được nói chuyện cùng em. Bây giờ em muốn nói anh chẳng muốn nghe.

- Mấy chục năm nay rồi bà ơi, vật đổi sao dời nữa là hai người trần gian chúng ta, bà muốn gì thì nói ngay đi, tôi không có thì giờ nghe bà nũng nịu…

- Tự nhiên em buồn, em chỉ muốn chia sẻ cảm xúc là đời người thường có hai chuyến xe hoa, chuyến đầu là hoa cưới vui vẻ bên nhau, chuyến sau là hoa tang buồn bã, là chia lìa nhau,. Thế thôi.

Anh Bông gạt phăng:
- Sự đời nó thế, ai cũng thế, hơi đâu mà bà cảm xúc dư thừa vớ vẩn…

Chị Bông đành chịu thua chồng.

Hôm anh Sơn bạn cùng hãng anh Bông đến chơi nhà, chị Bông cùng chồng tiếp chuyện bạn, hỏi thăm anh chuyện sắp về hưu thì anh Sơn tâm sự:

- Ai đi làm đến tuổi già chẳng muốn về hưu vui hưởng cảnh an nhàn, tôi cũng thế, nhưng bây giờ tôi đổi ý định rồi, thà đi làm có mệt mỏi còn hơn là về hưu vợ ở nhà chồng ở nhà mỗi ngày 24 tiếng có nhau, ra vào chạm mặt nhau không… ly dị sớm cũng… chết sớm.

Chị Bông giả bộ ngây thơ:
- Sao vậy anh Sơn? Ngày xưa thuở đang yêu các anh chẳng từng mong muốn được gặp nàng, được nhìn thấy mặt nàng là đã sung sướng biết bao.

- Nhưng chị ơi, nàng bây giờ là bà già khó tính nói dai nói nhiều. Hai vợ chồng cãi nhau căng thẳng thần kinh lắm, không ly dị thì cũng chết sớm chứ còn gì nữa.

Chẳng lẽ anh Sơn nói đúng? chẳng lẽ “hoa Cẩm Chướng” nở khắp mọi nhà của những đôi vợ chồng ở ngưỡng cửa tuổi già?

Về già ai cũng thay tính đổi nết, các ông cũng chẳng vừa nói chi các bà.

Những cặp vợ chồng đã đi với nhau suốt quãng đường dài, từ thuở tinh khôi mới lấy nhau đến lúc con đàn cháu đống nhìn mặt nhau bao nhiêu năm, thấy những thực tế đời thường của nhau bao nhiêu ngày tháng chán chường nhau đã đành.

Có những cặp giữa đường gặp gỡ, anh ly dị, chị thôi chồng tưởng đôi ta bỗng tìm được một nửa mong ước đời nhau, cùng nhau đi nốt quãng đường còn lại, thời gian đầu cả hai đều lịch sự nhã nhặn như cặp đôi lý tưởng trong phim truyện, trong tiểu thuyết, cả hai đều sống như người trong mộng của nhau, nhưng một thời gian sau đã quen mặt quen người thì họ lại hiện ra đúng cái tôi đời thường của họ, chàng và nàng cũng biết nói dối, nói ngang như cua bò, cũng … ”hoa Cẩm Chướng” như ai, và thế là “hoa Cẩm Chướng” lại nở trong nhà, lại nở quanh năm…

Họ chướng tai gai mắt nhau, bất đồng nhau có khi còn nhiều hơn người chồng cũ, người vợ cũ mà họ đã chia tay. Và có những cố nhân thương hoài ngàn năm của thời xuân xanh ai đó biết đâu cố nhân ấy đang là người chồng, người vợ dở hơi chán mớ đời, đang là “hoa Cẩm Chướng” không trồng mà mọc trong nhà của kẻ khác.

Cầu cho kiếp sau họ không gặp lại cố nhân.

Cầu cho kiếp sau những lời hẹn thề chung đôi không thành sự thật để họ sẽ mãi là cố nhân của nhau, cho cuộc sống trần trụi đời thường có chỗ thăng hoa niềm mộng mơ lãng mạn, cho ân tình không trọn vẹn sẽ đẹp mãi đến ngàn sau.

Chị Bông lại lên tiếng với anh Bông:
- Em chợt nhớ ra bài báo mới đọc trên net hôm qua làm em chạnh lòng…

- Bà lại thương vay khóc mướn gì thế?

- Lần này em không dở hơi đâu, em thương và khóc cho mình đó anh. Bài báo nói về nỗi cô đơn của người già trong nursing home. Em sợ cô đơn và sợ… ma nữa, không dám ở trong nursing home một mình…

Chị Bông nài nỉ:
- Bất cứ ông già bà cả nào dù có nhà riêng, có tiền của trong tay cũng không thể tự chăm sóc bản thân mình khi già khi bệnh, con cháu thì có cuộc sống riêng và bận rộn riêng của chúng nó nên nursing home là mái nhà sau cùng cho tuổi già khi ta sức tàn lực cạn. Về già vợ chồng mình cùng vào nursing home anh nhé, hai vợ chồng sẽ ở chung một phòng…

- Trời… tới lúc ấy bà cũng… chưa buông tha tôi hả? hả?…

Chị Bông vội vàng xuống giọng:
- Em hứa sẽ thay đổi tính nết, không ngang tàng như bây giờ. Em sẽ không đòi để đèn sáng khi đi ngủ vì sợ ma làm cho anh chói mắt bực mình và trằn trọc cả đêm, em sẽ không mở nhạc tình cảm êm dịu để ru em ngủ nhưng lại làm anh điếc tai và mất ngủ, em sẽ không…

Anh Bông có vẻ thương cảm ngần ngừ:
- Thôi đủ rồi… để tới lúc đó hãy tính, với lại bà đã già khú đế, đã lú lẫn thì biết gì đèn sáng hay đèn tắt, biết gì nhạc tình cảm du dương nữa chứ…

Chị Bông hỏi tiếp:
- Thế còn chuyện… về bên kia thế giới anh có chịu nằm cạnh em không?

- Nhất định là không...

- Vậy em sẽ không đặt mua hai lô mộ phần giá rẻ, phải không?

- Nhất định là không.

Chị Bông khẽ thở dài, không vì trách chồng từ chối chung đôi nơi suối vàng mà vì… tiếc món hàng rẻ không được mua.

Chị an ủi là biết đâu sau này anh Bông sẽ cùng chị vào ở nursing home cho đỡ tủi cái thân gìa…

Chị ra ghế sofa ngồi, chẳng biết làm gì chị liền lấy tờ báo Việt ngữ nằm chơ vơ trên bàn ra đọc.

Một mục cảm tạ cáo phó đập ngay vào mắt chị Bông: ”Gia đình chúng tôi xin cảm tạ các chú bác họ hàng, các bạn hữu đã tiễn đưa linh cửu mẹ chúng tôi là bà quả phụ Nguyễn thị Hoa Hòe đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang…”

Như vậy là người chồng đã mãn phần rồi, bây giờ đến lượt bà vợ.

Chị bỗng bâng khuâng và tò mò tự hỏi không biết bà Nguyễn Thị Hoa Hòe có từng là “hoa Cẩm Chướng” trong nhà không? và ông chồng có là “hoa Cẩm Chướng” của đời bà không? hai vợ chồng nhà này có bất đồng nhau không?

Mỗi người sẽ yên nghỉ một cách hay họ vẫn kiên nhẫn nằm song song chung đôi hai mộ phần cho đẹp mặt với thiên hạ và vừa lòng con cháu ?

Nguyễn Thị Thanh Dương
Tiếng Trống Trường

Sau khi có văn bản kết thúc điều tra từ bên công an xã gởi qua, ban giám hiệu trường phổ thông cơ sở cấp 2 Thanh Hòa họp kiểm điểm thầy Trọng. Cô hiệu trưởng điều hành buổi họp thật sôi nổi. Cuối cùng, đi đến quyết định, một là thầy Trọng làm đơn xin nghỉ việc, hai là nếu muốn tiếp tục dạy ở trường thì phải qua một thời gian thử thách, không được đứng lớp trong thời hạn sáu tháng, chỉ có mỗi nhiệm vụ trong thời gian thử thách là đánh trống theo thời khắc qui định và xách nước hằng ngày từ kênh lên đổ đầy hai lu nước sinh hoạt của trường. Tùy thầy quyết định.

Một tuần lễ sau, thầy Trọng thay chú Sáu lao công đánh trống từ bao lâu nay và còn bao luôn công việc xách nước. Ban đầu mọi người, nhất là học sinh tưởng là trường có phong trào lao động “xã hội chủ nghĩa” và thầy Trọng là ngọn cờ đầu thi đua tiên tiến. Nhưng sau đó, lại nghe tin đồn chính xác là thầy bị kỷ luật, phạt như vậy một thời gian.

Lâu dần, câu chuyện thầy Trọng đánh trống lan ra tận ngoài xã hội. Ai cũng dè bỉu nặng lời. Mà cũng lạ, phải chi thầy nghỉ việc, rời trường chắc có lẽ ít người biết hơn. Vả lại, lúc bấy giờ giáo viên tự động xin nghỉ việc rất nhiều, đi làm việc khác thu nhập khá hơn là đi dạy, lương mấy chục đồng, gạo lãnh 15, 16 kí, nhu yếu phẩm từng cân đường, một bịch bột ngọt cùng hơn ky' thịt heo. Sống không nổi họ còn bỏ đi. Vậy mà thầy vẫn bám trường, chịu kỷ luật xuống đánh trống, xách nước. Thật là chuyện lạ.

Thầy Trọng bị kết tội là do bên công an xã báo cáo như thế nầy. Nhà thầy Trọng ở cuối con đường, trên con đường làng độc đạo từ nhà thầy tới trường có nhà của ông Bí thư xã, nhà có hàng rào lưới cao khỏi đầu người vây quanh, cây cối um tùm, kín bưng, và trên cao quá khỏi hàng rào có một quài chuối de ra ngoài đường.. Sáng hôm ấy, trời còn sương rịn, ông Bí thư ngồi trong nhà uống trà, nhìn ra đường thấy dáng thầy Trọng đi ngang qua. Môt chút xíu sau, ông lái xe đi ra ngõ thì thấy quài chuối đã bị chặt mất, mủ chuối chảy xuống đất hãy còn mới tinh. Ông tình nghi, tức tốc cho công an thân tín qua trường điều tra, khám xét thì phát hiện ra trong chiếc cặp da của thầy ngoài sách vở, còn có một con dao phay được gói cẩn thận trong bọc ni lông. Công an hỏi:

- Thầy đi dạy mà mang theo dao phay để làm gì?

- Tôi mang theo để sau giờ dạy ra làm cỏ, tham gia phong trào làm đẹp sân trường.

- Thế thầy có chặt quài chuối bên hông nhà ông Bí thư không?

- Thưa không. Ai đời nào lại đi làm như vậy.

- Mời thầy ngày mốt qua đồn làm việc.

Câu chuyện vẫn y như vậy khi công an báo miệng lại cho ông Bí thư. Đâu cần nói chi xa hay điều tra thêm, cô hiệu trưởng là người em họ của ông Bí thư. Lâu nay cô cũng không vừa lòng lắm về ông thầy giáo “khó ưa.” Cô thuộc gia đình có công với cách mạng. Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước, cô được gởi đi học trường đảng và trở thành lãnh đạo ngành giáo dục trong xã.

Thầy Trọng tốt nghiệp trường Sư phạm Mỹ Tho, được chính thức bổ nhiệm về trường Tiểu Học Thanh Hòa trước ngày 30 tháng 4 được chừng vài năm. Sau đó, vì thiếu giáo viên nên được đôn lên dạy trường phổ thông cơ sở cấp 2 ở xã. Điều đáng nói ở đây là sau ngày 30 tháng 4 tất cả thầy, cô giáo, không ai bắt buộc, đều tự động ăn mặc xuống cấp bình dân, cô giáo không còn mặc áo dài như trước nữa, mà chỉ là áo ngắn hoặc bà ba, quần đen, mang dép. Thầy giáo ăn mặc “xuề xòa”, có khi áo cộc bỏ ra ngoài, chân mang dép nhựa, theo mốt mang dép râu lại càng tốt. Nhưng thầy Trọng thì không, lúc nào cũng áo trắng bỏ trong quần, cài nịt đàng hoàng, chân mang sandal như hồi trước không thay đổi. Bấy nhiêu đó thôi cũng thấy ngay là “trật đường rầy” thời xã hội chủ nghĩa.

Cô hiệu trưởng họp bên thường vụ, bàn bạc nhiều lần, muốn nhổ cái gai trước mắt. Sẵn dịp thay vì sa thải, cô lại muốn thử xem ông thầy có thay đổi được kiểu cách “tiểu tư sản” hay không khi tới trường. Nhưng tất cả đều xảy ra ngoài ý muốn của mọi người. Thầy Trọng vẫn ăn mặc chỉnh tề như xưa. Dù chỉ đánh trống, nhưng mọi người vẫn gọi là thầy. Chú Sáu làm lao công trường học từ thời xưa thấy ái náy trong lòng nên giành lấy phần xách nước.

- Kỷ luật gì mà hạ nhục người ta đến như vậy. Thà cho nghỉ dạy còn hơn.

Thật ra, câu chuyện mất một quài chuối đâu có đáng gì để làm ầm ỷ đến như vậy. Ban đầu bên công an cũng định nhẹ nhàng thôi vì không có chứng cớ rõ ràng. Chỉ cần thầy Trọng xuống nước xin lỗi hay nhận khuyết điểm (công an hướng dẫn là có thấy quài chuối bị ai chặt bỏ giữa đường bèn lấy đem về như lượm của rơi) vậy thôi. Nhưng một, hai thầy cương quyết khai không liên quan gì đến việc mất trộm nầy và còn nói thẳng ra là họ “nghi bậy.” Ông Bí thư nghe thế không phải tiếc gì quài chuối, nhưng ghét thái độ trịch thượng của thầy nên mới chỉ đạo cho cô em làm căng đến như vậy.

Từ ngày lãnh phần đánh trống, thầy Trọng luôn giữ cái đồng hồ “quả quýt” kè kè bên mình coi như báu vật. Mỗi ngày vặn “dây thiều” một lần để đảm bảo đồng hồ chạy liên tục và giờ giấc chính xác. Lúc bấy giờ, việc đánh trống trường chỉ là việc nhỏ, không một ai quan tâm đến chuyện phải đánh trống như thế nào, và thường giao cho chú Sáu lao công hay bảo vệ trường thay nhau đảm trách. Nhưng đến khi thầy Trọng phụ trách thì lại khác, tiếng đồn thầy có biết về lễ nhạc ở đình, không biết có đúng không. Thầy đánh trống nghe rất hay, giờ vô học khác, giờ tan học khác, ra chơi khác. Khi thì dồn dập, khi thì thong thả hay chỉ rời rạc như thời khắc đổi giờ. Từ trước cho tới nay chưa có ai đánh trống bài bản như vậy.

Có nhìn một ông thầy giáo ăn mặc chỉnh tề, cầm dùi đánh trống, mới thấy hết ý nghĩa trang trọng của sự học và thật như không có trong đời thường. Quang cảnh học trò nhộn nhịp, bắt đầu xếp hàng để chuẩn bị vào lớp theo tiếng trống dồn của thầy Trọng, nghe y như đang hồi thúc quân tiến tới. Ai cũng xúc động, dâng tràn khí thế, bắt đầu một ngày mới ở trường. Không nói ra, nhưng mọi người đều thầm khen ngợi. Chỉ tiếc một điều, là câu chuyện ông thầy với quài chuối không biết hư, thực ra sao. Có khi dở lại hóa ra hay.

Thời gian qua nhanh, mọi người ai cũng nghĩ rằng sự việc rồi sẽ quên đi và thầy Trọng sẽ lên lớp dạy lại như cũ. Chỉ có gia đình một mẹ, một con mới là vấn đề khó trôi qua. Hình như luôn có một điều gì đó vừa nhục nhã vừa cay đắng. Thầy Trọng lại không phân bua, giải thích như thế nào cho đỡ gánh nặng đè lên sinh hoạt gia đình và các mối quan hệ xã hội.

- Hay là con xin chuyển đi trường khác. Mẹ thầy bảo vậy.

Nhưng thầy cũng không nghe theo. Không dự tính gì cả, vẫn bình chân như vại. Hình như thầy tin rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ trắng đen minh bạch. Không có gì có thể che dấu mãi dưới ánh mặt trời. Nhưng càng lúc, mọi người càng tin rằng thầy Trọng đang cố gắng thích nghi với hoàn cảnh để sống, vì thầy luôn vui vẻ, bình thường và không có vẻ gì khó chịu hay than phiền, trách móc. Đó mới chính là điều làm cho mọi người hoang mang nhất.

Thầy Trọng sinh quán người làng Thanh Hòa. Sau khi tốt nghiệp trường Trung Học Đốc Binh Kiều, Cai Lậy, thầy thi đậu vào trường Sư Phạm Mỹ Tho. Ra trường xin về nguyên quán, đi dạy gần nhà để phụng dưỡng mẹ già. Trong trường cũng có bạn bè quen nhau từ thời trung học và thường hay qua lại, thầy có để ý cô N. cùng quê, cùng học trường sư phạm và cũng về dạy ở Thanh Hòa. Cô N. thật đẹp và nổi tiếng trong vùng nên thầy cũng ngại chưa dám ngỏ lời. Em trai ông Bí thư hiện đang là Phó Công an xã cũng đang ngấp nghé. Phận mình đã vậy. Nay vụ việc lại xảy ra. Thật khó bề mà tiến tới.

Thế rồi chỉ ít lâu sau, công an xã bắt được một đối tượng chuyên trộm cắp liên xã, trong quá trình điều tra, tội phạm khai có chặt quài chuối ở nhà ông Bí thư cách đây mấy tháng. Công an hỏi:

- Có thật không?

- Dạ thật, chính em đã chặt trộm quài chuối.

Sau đó, tên tội phạm khai rằng hắn đã chặt quài chuối ngay từ khuya lúc gà gáy sáng, cùng với một đồng bọn chuyển về nhà đương sự cất giấu. Công an cho người đến bắt kẻ đồng lõa đem về đồn thẩm vấn, và tên nầy cũng khai y như vậy. Vì cư ngụ trong xã nên cũng biết chuyện thầy Trọng bị oan, nhưng sợ không dám nói ra.

Rồi ông Bí thư biết chuyện, cô hiệu trưởng và hết thảy trường Thanh Hòa đều biết chuyện. Mọi người thở phào, nhẹ nhỏm. Bên xã chỉ đạo cô hiệu trưởng họp để công bố văn kiện xin lỗi thầy Trọng và chính thức trao bằng “Kỷ Niệm Chương” cho thầy. Nhưng rất tiếc thầy cáo bệnh và làm đơn xin thôi dạy từ đó. Lần cuối cùng, người ta thấy thầy Trọng theo đò máy quá giang vô trong kênh ngọn vùng Mộc Hóa. Đi biệt.

Mấy năm sau, dấy lên phong trào đổi mới, công nhân viên chức bắt đầu thay đổi cách ăn mặc. Nữ mặc áo dài đủ màu, đi guốc cao gót. Nam mặc âu phục, đi giày da đen. Lãnh đạo xã mặc đồ vest thắt cà vạt màu sáng chói. Trường phổ thông cơ sở cấp 2 Thanh Hòa theo chỉ đạo trên toàn quốc, đâu đâu cũng có tổ chức lễ đánh trống đầu niên học mới và ở xã chính ông Bí thư là người đánh trống khai giảng.

Nhìn bộ vest mới, cà vạt đỏ dài quá khổ, cùng với điệu bộ cầm dùi kệch cỡm của ông Bí thư, khiến mọi người lại nhớ đến thầy Trọng và nhớ luôn tiếng trống của thầy, cùng với câu chuyện quài chuối năm xưa mà ngậm ngùi. Than ôi. Tiếng trống oan nghiệt. Thầy ở phương nào giờ có thấu?

Trần Bạch Thu

NẾU CÓ THỂ


Nếu có thể, để nỗi buồn ngoài cửa,
Giữ tâm an, rồi hãy bước vào nhà.
Như giày dép dẫu bao nhiêu bùn đất,
Để hiên nhà sau mỗi dặm đường xa!

Nếu có thể, đừng giận hờn trách móc,
Chuyện áo cơm cũng đủ mệt nhọc rồi.
Khi lòng thấy có muộn phiền ấm ức,
Mình nhẹ nhàng ngồi xuống bảo nhau thôi!

Nếu có thể, đừng than thân trách phận,
Ở ngoài kia còn bao kẻ khốn cùng.
Còn sức khỏe là mình còn hy vọng,
Đừng tự dọa mình rồi suy nghĩ lung tung!

Nếu có thể, thương nhau thêm một chút,
Nay bên nhau, mai chưa chắc đã còn.
Đời dài ngắn nào đâu ai biết được,
Trông đợi gì câu hẹn biển thề non!

Nếu có thể, nhường nhịn nhau một chút,
Tranh phần hơn nào được lợi ích gì.
Chịu thua thiệt không phải là nhu nhược,
Chẳng truy cầu thì hà tất phải sân si.

Nếu có thể, chúng mình cùng cố gắng,
Sống bao dung, đừng tính toán chi nhiều.
Tâm rộng mở, không gì là không thể,
Hãy nhìn đời bằng đôi mắt thương yêu!

Cúng dường và thói đạo đức giả

Tác giả : Thái Hạo Nguồn: Báo Tiếng Dân 

Phật giáo hiện nay ở VN đa số là theo Tịnh Độ, mà Tịnh độ thì có lẽ ít ai không lấy Hòa thượng Tịnh Không làm thầy, coi như một bậc cao tăng thạc đức. Vậy hãy xem ông dạy thế nào về cúng dường.

Trong bài giảng về phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện, hòa thượng Tịnh Không nói: 

Chiếu theo lời Phật, Bồ Tát giáo huấn, sửa đổi cho đúng cách nghĩ, cách nhìn, cách nói, cách làm lầm lạc của chúng ta, đó gọi là 'cúng dường bằng cách tu hành đúng theo lời dạy'. Cúng dường bằng hương, hoa, nước, trái cây chỉ nhằm biểu hiện lòng cung kính của chúng ta mà thôi, Phật, Bồ Tát chẳng cần đến những thứ ấy đâu!”..

Ông cũng nhiều lần nhắc nhở rằng, không nên cung phụng tu sĩ vì sẽ khiến họ sa đọa trong sự hưởng thụ. Cùng lắm là giúp họ miếng ăn chỗ ở, miễn làm sao đủ để họ sống mà tu hành. Mang tiền của đến cúng cho sư mua ô tô, xây nhà đẹp, sắm vertu là đang tạo nghiệp chứ không ích lợi gì cả. Phật cũng dạy, người tu phải “lấy khổ làm thầy”, sướng đến mặt mũi phì nộn bóng nhẫy lên như bây giờ thì tu cái gì!

Kinh Phật dạy, Phước báo do đâu có? “Phước báo là do tu bố thí, cúng dường mà được”. Nhưng thế nào là bố thí, cúng dường? Hòa thượng Tịnh Không giảng: “Tâm bố thí của Phổ Hiền Bồ Tát là chân thành, thanh tịnh, rộng lớn, bình đẳng, dùng tâm như thế để bố thí thì gọi là Cúng Dường”.

Bố thí có nhiều loại, “tài thí” (san sẻ của cải để giúp đỡ người nghèo khó…), “pháp thí” (chia sẻ sự hiểu biết chân chính để giúp người bớt ngu dốt), “vô úy thí” (mang đến sự an vui cho chúng sinh). Bố thí sẽ được gọi là cúng dường khi cho đi với cái tâm “chân thành, thanh tịnh, rộng lớn, bình đẳng”, vô dục, vô cầu; nếu có sự đổi chác, cầu mong được “phước báu” mỗi khi làm việc tốt thì là tâm ô nhiễm, không ích lợi gì.

Cúng dường cũng có nhiều loại, mà quan trọng nhất là (1) lo tu hành đúng cách, thứ nữa là (2) làm lợi ích cho chúng sanh, (3) chỉ đạo, dẫn dắt (gọi là “nhiếp thọ” chúng sanh), (4) chịu khổ thay cho chúng sanh, (5) siêng tu thiện căn, (6) giáo hóa chúng sanh, (7) chẳng bỏ bồ đề tâm (kiên trì tu giác ngộ).

Nhìn vào đây thì thấy, cúng dường không phải là mang tiền của lên chùa để cúng, mà chính là trạng thái “tâm” mỗi khi cho đi. Nếu cho đi bằng tâm thanh tịnh, vô nhiễm, không mong cầu, nay ta gọi là “vô tư”, thì đó là cúng dường, dù là cho bất cứ ai hay loài vật nào.

Và ta cũng thấy, cúng dường quan trọng nhất là lo tu tập để hoàn thiện con người mình, đồng thời giúp đỡ chúng sanh, chứ không phải đi cúng cho chùa cho sư!

Học Phật phải hiểu Phật, nếu không sẽ sa vào đường mê hoặc bị bọn tà sư thao túng và lợi dụng, tiền mất tật mang. Vậy nếu bạn muốn cúng dường, thì thử nhìn sang hàng xóm coi có ai đói khổ không, cho họ bát cơm, chứ không cần rồng rắn đến chùa để cung phụng kẻ khoác áo tu hành giả danh.

Lại nói về phóng sanh. Trong ba thứ bố thí có vô úy thí, chính là liên quan tới phóng sanh. Làm sao để đồng loại và muôn loài được an ủi, được cứu mạng, được sống trong sự thanh bình không não hại. Người ta đang tự do, đi bắt nhốt lại, đốt hương khói nghi ngút, khiến cho thân tàn ma dại, rồi mang thả ra, đó là làm cho khốc hại, là hiện thân của cái ác, chứ không có chút từ bi nào cả.

Phóng sinh tôm cua cá ốc chim cò làm gì khi thấy đồng loại bị bắt bớ, đánh đập và bỏ tù oan hàng chục năm trời mà không hé răng nói lấy một lời? Phóng sanh cái gì khi thấy cái ác và sự bất công tràn ngập mà không hó hé nửa câu? Đó là sự vô cảm độc ác và là hiện thân của thói đạo đức giả mà thôi.
Hình chim con sau những ngày mẹ đã bị “phóng sanh”

NHỚ LẮM...! TIẾNG "DẠ THƯA CÔ....!"

Ngày xưa, khi bước chân vào lớp học đầu tiên... Cô giáo đầu đời đã dạy ngay điều lễ: khi trò được hỏi, được gọi thì câu nói đầu tiên phải là: "Dạ thưa Cô...!". Các con hãy nhớ nhé...!

Học trò nhỏ ngồi trong lớp học không lo tập trung nhìn con chữ, con số cô dạy..., mà cứ ngong ngóng ra đường, chờ tan trường ùa nhau mua đồ ăn quà vặt. Chờ mẹ đón về...

Thời đó, trẻ con theo ba mẹ ra đồng bắt cá bắt cua.., thích thú hơn đi học nhiều!
Hơn nửa thế kỷ đã đi qua, một thời gian gần cả một đời người, tôi ngồi ngẫm lại, bây giờ lớp Thầy Cô chúng tôi đa phần đã đi xa mãi...!

Những ông thầy bà cô ngày ấy, nếu còn thọ thì chắc cũng đang trên đường về phía hoàng hôn, chập tối...!

Chúng tôi, những đứa học trò ngày xa xưa cũ rích cũng đang lần theo ánh chiều tà mặt trời ở buổi xế bóng....!

Nhớ những ngày đầu trần, chân đất ăn vội chén cơm nguội hoặc một tay cầm củ khoai, ung dung… đến trường. Hình như ngày ấy ăn sáng là điều xa xỉ, không chỉ trẻ con đến trường mà ngay cả những người đi làm đồng cũng chỉ có hai buổi cơm trưa và cơm chiều. Năm tháng đi qua, tuổi đời chồng chất, nghĩ lại có nhiều cái để nhớ, nhưng riêng tôi, tôi lại nhớ da diết, nhớ quay quắt, nhớ đến cồn cào là thèm được nghe và nói tiếng “Dạ thưa cô”.

Vâng, “dạ thưa cô” ba tiếng ấy nghe sao mà trìu mến, thân thương, nó bùi tai và ngọt thấm đến tận đáy lòng....!

“Dạ thưa cô… em nghỉ học vì má bắt giữ nhà ”. “Dạ thưa cô… mai em nghỉ, ở nhà phụ ba ra đồng xách nước uống”. “Dạ thưa cô… em không thuộc bài vì đêm qua nhà không còn dầu lửa để thắp đèn”, "Dạ thưa cô, con nhức răng quá!", " Dạ thưa cô, con nhớ má quá!"

Đằng sau tiếng “Dạ thưa cô” ấy là những gì cô giáo không lường trước được, toàn là những lý do “chính đáng” của lũ học trò nhỏ ngây thơ, tóc khét mùi nắng, da đen sạm vì chơi ngoài nắng thường, quần áo lấm len vì mực vẩy vào,..., tất cả đến trường vì mê… cô giáo đẹp và mê chơi hơn mê học....!

Hồi tưởng lại… tôi không thể tin được một cô giáo dáng tiểu thư đài các mới ra trường lại chịu nhận về dạy một ngôi trường nhỏ quê tôi, chỉ có nhà vệ sinh nhỏ thôi. Cô hỏi: không có nhà vệ sinh thì các em làm sao...? "Dạ thưa cô"… tìm chỗ vắng ạ...!

Ngày đầu nhận lớp, cô thất kinh hồn vía trước lũ học trò “to xác” mà mới đi học. Cô hỏi, cả lớp nhau nhau dành phần trả lời:

"Dạ thưa cô, tại....". Cô chỉ từng em để biết tên. "Dạ thưa cô… em tên Đực, Mực, Bé, Mười, Út, Rớt, Lượm… Đó là tên trong giấy khai sinh, tôi lắng nghe mà nghĩ trong lòng: sao tụi nó có tên "xấu quá" nhưng đâu có hiểu thời đó người lớn tuổi đặt tên con theo "sự kiện" và không dám đặt tên đẹp vì sợ "Ông Bà bắt đi..!"

Cả lớp cười vang vì nghe bạn nói tên của mình, mà cũng lạ tụi nó cũng chẳng mắc cỡ hay xấu hổ gì..!

Nhớ lắm cụm từ thân thương ấy...!

Bởi khi nghe lại, lòng tôi bồi hồi, ngậm ngùi lâng lâng, lại được quay về những kỷ niệm thật vui của ngày xưa...!

Nhớ lắm: "Dạ thưa Cô...!".

ĐINH TRỰC 

Trường phái rút ví chậm 

Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con.

Tôi thích vì rất hợp tạng.

Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn "Ba Điều Bốn Chuyện" này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi.

*
Xét theo học vị, họ bình thường, nếu không muốn nói, chả có gì đặc biệt đáng quan tâm.

Nhưng cả hai lại là những tài năng kiệt xuất.

Người thứ nhất, nhà văn Mai Thảo, tác giả của trên 50 tác phẩm, bao quát nhiều thể loại, tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dịch, phóng tác, biên khảo, nhận định… Đầu tàu tạp chí Sáng Tạo, dấu mốc mở đường cho dòng văn học tự do sau 1954 tại miền Nam Việt Nam. Là tổng thư ký tạp chí Văn cùng nhiều báo khác trước 1975 tại quê nhà, và sau này tại hải ngoại. Là ông vua viết phơi-dơ-tông, một ngày không dưới 6 cái, trên các nhật báo, chưa kể những bài viết xuất hiện thường xuyên ở mọi diễn đàn chữ nghĩa.

Mai Thảo viết dễ dàng, nhanh. Văn chương lóng lánh, chữ nghĩa trau chuốt, rất riêng. Một mình một cõi, không lẫn với ai. Người đọc có thể thích hoặc không, nhưng một điều khó phủ nhận, chỉ cần lướt qua năm bảy dòng, chúng ta biết ngay tác giả là ai. Để tạo ra dấu ấn đặc thù đó tất nhiên không dễ.

Người thứ hai, nhạc sĩ Phạm Duy, chủ nhân của cả ngàn bài hát thuộc mọi chủ đề, quê hương, chiến tranh, tình yêu, tâm ca, tục ca, đạo ca, thiền ca… Phù thủy trong lĩnh vực biến các thi phẩm thành những ca khúc lẫy lừng. Thơ của các thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Hoài Trinh, Nhất Tuấn…, qua người nhạc sĩ tài hoa này, được chắp thêm cánh, bay xa hơn, cao hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây hơn 50 năm tại Sài Gòn, ký giả hỏi,
“Ông sáng tác thế nào?”

Phạm Duy cười,
“Như đi đái ấy mà!”

Đi đái. Phạm Duy muốn nói, ông sáng tác dễ dàng như hành động bài tiết. Quả thế, tôi từng chứng kiến, chỉ chưa đến nửa giờ, ông phổ thơ của một thi sĩ thành ca khúc, giai điệu mượt mà, trữ tình, tha thiết.

Hai người xuất hiện cùng thời. Mỗi người một cõi. Không khác hiện tượng thiên nhiên, họ làm ra gió, tạo nên bão trong môi trường thủ đắc.

Là người Việt Nam, không ai không biết đến họ.

Nhưng hai thiên tài hai tính cách, hai phong thái sống.

Mai Thảo tay chơi có hạng. Di chuyển bằng xe hơi (Mustang). Mỗi ngày một bao thuốc, một chai cỏ-nhắc. Hàng đêm nhẵn mặt ở các vũ trường, cặp kè với những bóng hồng trong thế giới đèn màu. Mặt lạnh như thép nguội trên các chiếu bạc. Xài tiền hào sảng. Là một trong số không nhiều những nhà văn sống thuần bằng chữ nghĩa một cách phong lưu. Độc thân cho đến lúc về với đất.

Phạm Duy, người chồng, người cha mẫu mực (dù, như hầu hết mọi tài hoa khác, nhiều nhan sắc đã ghé qua trong đời Phạm Duy). Tôi từng đến nhiều lần nhà ông ở Midway City (Thị Trấn Giữa Đàng- chữ của ông), căn nhà tuy nhỏ nhưng nhờ có sân sau rộng. Lợi dụng ưu điểm này, ông ép thêm nhiều phòng, làm nơi trú ngụ của vợ chồng và các con, người chưa lập gia đình, người có chồng, có vợ. Tất cả, con cái dâu rể, đều sống chung dưới một mái nhà. Chị Thái Hằng, phu nhân Phạm Duy, có thể xem như quản gia, quán xuyến mọi chuyện. Người đàn bà này, theo nhận xét của tôi, là điển hình tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam, một đời vì chồng vì con.

Tôi từng ở gần Mai Thảo thời gian dài, chứng kiến sinh hoạt thường nhật của ông. Mỗi ngày, buổi sáng thức dậy làm vệ sinh xong, thay bộ quần áo mới, áo sơ mi tay dài, cài khuy tươm tất. Đến bật lò điện đun nước pha cà phê, trà. Ra ngồi vào bàn, cầm cây bút, kéo xấp giấy lại gần, vừa nhấm nháp vừa viết. Những con chữ nối đuôi nhau làm đầy trang, ngay hàng thẳng lối, sạch sẽ, rõ ràng, gần như không tẩy xóa.

Nhắm chừng vừa đủ cho số chữ mục Sổ Tay của tạp chí Văn, Mai Thảo ngừng viết, vói tay cầm chai rượu rót vào chiếc ly trống, nâng lên miệng nhấp một ngụm nhỏ. Uống hết ly rượu, ông bắt đầu công việc khác, viết tên địa chỉ độc giả dài hạn trên ngót nghìn phong bì màu vàng hôm qua ông đã dán tem. Đỗ Ngọc Yến, giám đốc sáng lập công ty Người Việt, tờ nhật báo lớn nhất tại hải ngoại, nhiều lần đề nghị Mai Thảo giao danh sách độc giả dài hạn cho nhân viên đả tự của công ty vào computer, đến kỳ in ra label, dán vào phong bì, chỉ mất độ một hai tiếng là cùng, vừa đỡ tốn thì giờ, vừa sạch sẽ, tiên tiến. Mai Thảo lắc đầu. Lý do, tuy mất công (trung bình trên dưới ba ngày ông mới viết xong gần 1.000 địa chỉ) nhưng khi độc giả nhận được báo, họ nhìn nét chữ thân quen, cảm được tấm lòng trân trọng của ông với họ. Nhờ vậy độc giả gắn bó lâu dài với tờ báo.

Tôi cũng từng đến nhà và “mục sở thị” căn phòng làm việc tuy nhỏ, bày biện đơn sơ nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ của Phạm Duy. Một bàn gỗ không lớn lắm, trên mặt bàn ngay ngắn tập giấy trắng. Sát tường, bên cạnh, là một tủ sách, hai ngăn trên cùng sắp đầy sơ-mi chứa rất nhiều hình ảnh, tư liệu qua từng thời kỳ, lúc còn trẻ, theo kháng chiến, về thành, vào Nam, đi hát, đám cưới của ông và chị Thái Hằng, cũng như các con… Nhờ những tư liệu, hình ảnh phong phú, Bốn cuốn Hồi Ký Phạm Duy được hình thành dễ dàng.

Tuy hai nhân vật này có chung mẫu số là rất nghiêm túc trong công việc (phong thái của những tài năng thực sự, khác xa với những thiên tài dỏm thời nào, ở đâu cũng nhan nhãn), nhưng lai rất… kỵ nhau trong đời sống.

Kỵ, phải thôi.

Tôi kể các bạn nghe hai chuyện tiêu biểu nói lên cá tính khác biệt của hai người.

Có lần nhà văn Trần Vũ từ Pháp sang chơi. Chúng tôi bày cuộc nhậu. Suốt buổi tôi ít cười nói như thường khi, Mai Thảo hỏi,

“Sao hôm nay cậu táo bón thế?”

“Em đang rầu thối ruột.”

“Chuyện gì?”

“Nhà in vừa gọi bảo báo đã in xong, đến lấy, nhưng em gom chưa đủ tiền!”

Mai Thảo cười mỉm,
“Tưởng chuyện gì.”

Rồi chồm người rút từ dưới gối trên đầu chiếc gường sắt kề bên một cọc tiền mỏng,

“Còn thiếu bao nhiêu?”

“Bảy trăm anh.”

Cọc tiền ít, Mai Thảo đưa tôi bảy, chỉ còn lại 2 trăm. Tôi nói,

“Anh cũng sắp lấy báo, rồi làm sao?”

“Tính sau, cậu cần, xài trước đi.”

Tôi nhủ thầm lấy báo về, gửi đi xong, tôi sẽ đến các nhà xuất bản nhận một số bìa sách, vẽ gấp lấy tiền bù lại. Đây không phải lần đầu Mai Thảo đưa tiền cho tôi, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn chia nhau những đồng tiền ít oi có được, nếu một trong hai sạch túi. Mai Thảo xem nhẹ tiền bạc, tiêu xài rộng rãi và rất tế nhị. Vào hàng quán ông thường nhắc bọn chúng tôi, dù ông chỉ uống, hầu như không ăn,

“Gọi món đi chứ, nhiều vào, chúng mày mang rượu đến nhậu, không gọi, người ta uống nước lã phục vụ à?”

Phạm Duy khác. Một hôm Ông gọi cho tôi,
“Tớ vừa xong mười bài Thiền ca. Cậu vẽ bìa và viết cho tôi một bài nhé?”

“Vâng ạ.”

Hai mươi ngày sau CD ra lò với hình bìa rất… thiền, một nhánh cây trơ trọi trên nền xám nhạt, và đã phát hành toàn cầu, bài viết tôi cũng đã viết xong, đi trên Hợp Lưu số mới nhất. Phạm Duy lại gọi,

“Sáng mai tớ mời cậu đi ăn nhé.”

Tôi hí hửng khoe với vợ,
“Anh Phạm Duy mời anh đi ăn, thích quá.”

“Ông ấy mời, chuyện lạ.”

“Anh vẽ bìa, còn viết bài tán tụng, công không nhỏ.”

Sáng hôm sau Phạm Duy đến nhà chở tôi ra Laguna Beach, cách Sài-Gòn-nhỏ khoảng 45 phút xe. Đến nơi, ông ghé vào một tiệm bánh, mua hai ly cà phê và hai bánh donuts to go. Tôi theo ông ra ngồi ngoài ghế đá sát bờ biển, vừa thưởng thức “bữa tiệc” vừa nghe người nhạc sĩ tài hoa nói về mười nhạc phẩm vừa trình làng với đôi chút hài mãn.

Sau hôm đó, tôi kể cho Mai Thảo nghe về “bữa tiệc” khoản đãi của Phạm Duy, anh cười,

“Cái thằng rút ví chậm!”

Tôi thắc mắc,
“Là sao?’

Mai Thảo giảng,
“Ở Sài gòn tôi thường đi ăn nhậu với nhiều thằng. Có thằng đến lúc trả tiền nhanh nhẩu lên tiếng, để moi, và thò tay ra sau móc ví, khổ nỗi móc mãi không được, đến khi người khác thanh toán xong hắn mới càm ràm, các cậu kỳ quá, đã bảo để moi lo mà. Đấy, Phạm Duy thuộc trường phái rút ví chậm.”

Khánh Trường
 

Tuesday, August 29, 2023

LẠI CHUYỆN NVL: NÓ VẪN LỪA

Tác giả : J.B Nguyễn Hữu Vinh Nguồn: rfavietnam 

Câu nói của người xưa và những bài học thực tế.

Tôi sinh ra và lớn lên giữa lòng miền Bắc, không có mối liên quan nào đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa kể cả về cá nhân và gia đình. Khi đến tuổi lớn, khi bắt đầu nhìn nhận về cuộc sống, thì những thông tin đến với tôi là một Miền Nam với đầy rẫy những điều tệ hại, đầy những “đau thương và rên xiết bởi Mỹ - Ngụy” qua sách báo và chiếc loa tuyên truyền.

Những thông tin đó cứ ám ảnh tôi qua nhiều năm tháng khi đến trường và khi tiếp xúc với hệ thống tuyên truyền, giáo dục của nhà nước ở “Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa” thì miền Nam vẫn là một vùng đất xa lạ và đáng thương, chế độ miền Nam là chế độ thối nát và là tay sai… chứ không như chế độ miền Bắc đang đem lại cuộc sống thiên đường cho người dân.

Vì vậy, khi lần đầu tiên nghe câu nói của cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, rằng: “Đừng nghe Cộng sản nói, hãy xem việc Cộng sản làm” được lưu truyền qua những tư liệu, những nhân vật được phong cho là “phản động” tôi vẫn thấy ngạc nhiên. Ngạc nhiên, chỉ bởi khi đó, tôi cũng chưa ý thức được lời nói của người cộng sản khả tín ở mức độ nào, nhưng điều đóng cọc trong suy nghĩ, thì chế độ Miền Bắc là chế độ tốt đẹp nhất trên thế giới từng có, không thể có chỗ nào có chế độ tốt đẹp hơn. Những điều chưa đẹp, chưa tốt, chỉ là tàn dư của chế độ cũ mà thôi.

Vì thế, câu nói của cựu TT Nguyễn Văn Thiệu, cũng được giải thích rằng đó chỉ là những lời lừa bịp dân chúng và nói xấu về Miền Bắc XHCN, nơi đang là ước mơ của xã hội loài người.

Thế rồi tôi dần dần lớn lên được đào tạo dưới hệ thống giáo dục “hoàn toàn Việt Nam” mà ở đó, người ta cần “Hồng hơn chuyên”, nên người ta đã đào tạo ra lớp người chúng tôi hầu như ít khi biết phản biện hoặc phân tích, phản xạ cần thiết để sống, là nghe, vâng lời và im lặng mà tin.

Chỉ đến khi tôi học xong đại học ra trường, đối diện với những vấn đề thực tế xã hội khi đang trong cơn cùng cực của sự suy đồi, đói rách, buộc đảng CS phải để dân “tự xé rào” – chiếc rào cản mà đảng bao năm xây dựng bằng đủ mọi mớ lý thuyết và đủ mọi phong trào cách mạng – để làm ăn với bên ngoài mà đảng cho là “Đổi mới”.

Quá trình đổi mới, là quá trình mà con người có cơ hội để nhận thức, nhìn nhận lại nhiều vấn đề của cuộc sống.

Khi đó, chúng tôi phần nào hiểu được những gì người cộng sản đã và đang nói về một thứ Chủ Nghĩa hướng tới “ngày mai” và những sự bao biện cho ngày hôm nay đang tàn mạt và đói khổ.

Và cũng khi đó, người dân Việt Nam mới có cơ hội để nhìn thấy được ra khỏi bờ biên giới đất nước, để biết được thiên hạ đang giãy chết ra sao…

Và khi đó, chúng tôi thấy… choáng. Bởi mấy chục năm qua, chúng tôi được dẫn dắt quẩn quanh trong một hệ thống dối trá khổng lồ.

Báo chí nhà nước thời bấy giờ có chuyên mục “Những việc cần làm ngay” được cho là của Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Đảng CS với những bài viết ký tên: NVL mà người dân dịch ra nào là “Nguyễn Văn Linh” nào là “Nói Và Làm”, là “Nhảy vào Lửa”… để cuối cùng là “Nó Vẫn Lừa”.

Thế rồi cái gọi là công cuộc đổi mới cũng đã gần 40 năm qua đi, nghĩa là sắp hết hai thế hệ, những lời hứa hẹn, thề nguyền của người Cộng sản ngày càng nhiều và càng được dịp để kiểm chứng để cuối cùng phải thừa nhận rằng: Dối trá, đó là một đặc tính không thể xóa bỏ, không thể thay đổi của chế độ Cộng sản.

Và cái nick name “Nó Vẫn Lừa” xem chừng đúng hơn cả.
Cho đến hôm nay: Ví dụ từ một Bộ trưởng

Nếu lấy những dẫn chứng để chứng minh sự dối trá của người cộng sản, thì chỉ mất công, bởi điều đó là sự hẳn nhiên mà chẳng cần chứng minh.

Thế nhưng, điều kỳ lạ, là trong xã hội vẫn có những lớp người mà khi nghe họ nói, khi biết tầm nhận thức của họ, bỗng ta thấy thương, thấy giận vì sự thụ động và kém cỏi của họ trong việc tìm hiểu cuộc sống xã hội. Và khi tiếp xúc với họ, ta mới hiểu vì sao đất nước Bắc Hàn vẫn là một mẫu hình của thời kỳ man rợ xưa kia, người dân tự biến mình thành nô lệ, thành súc vật cho đám lãnh tụ, đám cai trị.

Vì vậy, người Cộng sản vẫn cứ tiếp tục dối trá, vẫn cứ mồm mép leo lẻo mà nói theo cách nói dân gian là “Nói trơn như chó liếm thớt”.

Ngẫm lại những vụ án tham nhũng gần đây bị đưa ra trước công luận, ta thấy điều này hết sức rõ ràng.

Ở đó, người cộng sản không ngại thề thốt, không ngại hứa hẹn để được trao chức, trao quyền, để rồi ngay sau đó, thậm chí trong lúc đó, họ làm ngược lại điều mình đang thề, đang hứa…

Có thể dẫn chứng một trường hợp điển hình là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Ngày 15/11/2020, Nguyễn Thanh Long nhậm chức Bộ trưởng Bộ Y tế, anh ta lớn giọng thề hứa: 

Nâng cao đạo đức, tinh thần cống hiến, phục vụ Nhân dân đối với cán bộ Ngành Y; Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, nhân viên y tế; Nâng cao vị thế xã hội của ngành y nhằm động viên, khuyến khích sự cống hiến của đội ngũ thầy thuốc đối với Nhân dân”.

Thế nhưng, chỉ chưa đầy một tháng sau những lời thề hứa đó, vào tháng 12/2020, anh ta đã nhận hối lộ 200.000 đola (khoảng 4.3 tỷ đồng) từ công ty Việt Á. Sau đó, anh ta thêm ba lần nhận hối lộ từ Công ty Việt Á bằng cách nhắn tin, vòi vĩnh số tiền hối lộ 2 triệu 50.000 đola. Tổng cộng anh ta đã nhận 2.250.000 đola tức là hơn 51 tỷ đồng.

Và để đút túi số tiền đó, anh ta đặt giá bộ test kit của Việt Á là 470.000 đồng/bộ, trong khi đã xác định giá thành cả lợi nhuận chỉ là chưa đầy 145.000/bộ. Nghĩa là cái giá này đắt hơn gấp 3 lần và được đăng lên website của Bộ Y tế cho cả nước làm giá chuẩn để Việt Á cung cấp.

Với sự trợ giúp đắc lực của Nguyễn Thanh Long, công ty Việt Á đã đủ mọi trò lũng đoạn thị trường lúc dịch bệnh. Và con số của Bộ Công an, là 4.000 tỷ đồng tiền dân đã bị tập đoàn mafia này thò tay móc ra bằng đủ mọi cách, từ “thần tốc, truy vết” cho đến “chống dịch như chống giặc”, xét nghiệm toàn diện… nhằm tiêu thụ càng nhiều càng tốt số kist test cho Công ty này.

Rồi đến ngay cả khi vụ việc Việt Á được phát hiện, anh ta vẫn lên giọng đạo đức, vẫn răn dạy, vẫn tự cho mình là trong sạch, là cách mạng. Anh ta nói: 

Những vi phạm, sai sót xảy ra vừa qua là rất nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh…”. 

Và “Vi phạm của Công ty Việt Á là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đã được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an tiến hành điều tra và khởi tố các cá nhân vi phạm. Công ty Việt Á đã lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi. Có cá nhân đã vi phạm các quy định trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".

Không chỉ có thế, người ta thấy ở Bộ trưởng này một thái độ rất “đau lòng và bất bình” với những tiêu cực đã xảy ra trong ngành Y tế. Rằng: “Đây là những vụ việc hết sức đau lòng. Mặc dù các quy định về đấu thầu đã có nhưng vẫn có vi phạm, tham ô, tham nhũng. Chúng tôi lên án, các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng pháp luật" - Anh ta nói.

Với hậu quả 43.000 người dân mất mạng với đủ mọi lý do trong đại dịch covid-19, trong đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ lãnh đạo của đảng đang hô hào “Học tập đạo đức Hồ Chí Minh” như Nguyễn Thanh Long này.

Và người dân vẫn cứ vậy mà chịu, vẫn lại tiếp tục nghe điệp khúc “vì nhân dân quên mình” của các đảng viên.

Thậm chí hài hước hơn, là đến cả khi ra trước vành móng ngựa, các thủ phạm này vẫn cư leo lẻo những lời có cánh, thế mới tài. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai ra tòa vì tội một vụ Bệnh viện Tỉnh đã ẳm 14.5 tỷ đồng vẫn ra rả răn dạy người đời.

Hãy nghe Trần Đình Thành, cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nói 

Bị cáo đáng ra phải là tấm gương tốt nhưng lại mắc sai phạm, trở thành tấm gương xấu trong cơ quan lãnh đạo cao cấp của Đảng, rất đau xót. Với Đảng bộ Đồng Nai, nơi tin tưởng giao trọng trách cho bị cáo nhưng bị cáo đem lại vết nhơ. Là lãnh đạo đầu tiên sai phạm, là Bí thư Tỉnh ủy lại sai phạm nghiêm trọng dẫn tới lao lý, ảnh hưởng truyền thống tốt đẹp hơn 80 năm của Đảng bộ Đồng Nai, bị cáo thấy tội lỗi lớn của mình”,

Phải tự cảnh giác với chính bản thân mình vì đang hoạt động trong cơ chế thị trường đầy những điều quái ác, cạm bẫy. Nếu lơi lỏng, tự thỏa mãn sẽ là mảnh đất tốt cho chủ nghĩa cá nhân vị kỷ nảy nở, phát triển rồi xô đẩy ta vào con đường tội lỗi, tha hóa. Nó không loại trừ bất kỳ ai, kể cả với những người có quá trình cống hiến lâu dài cho Đảng, đất nước; nó sẽ đánh mất những điều cao đẹp, quý giá cả đời mình gây dựng”

Nhưng, mục đích cuối cùng của anh ta, vẫn chỉ là: mong HĐXX đánh giá 50 năm công tác của mình để đưa ra mức án khoan hồng, sớm về sống cùng người thân trong những năm tháng còn lại”.

Thậm chí, tay Luật sư còn lý luận rằng: Việc ông ta nhận hối lộ 14,5 tỷ đồng kia, chỉ là vi phạm về đạo đức chứ không vi phạm pháp luật và đề nghị cho hưởng khoan hồng đặc biệt để về giáo dục con cháu không đi theo con đường đó.

Và dân chúng được những trận cười mà rằng: Loanh quanh lý luận, dạy dỗ thiên hạ gì nữa thì cuối cùng vẫn là cái đuôi xin chạy tội. Khôn thế thì quê tao có mà đầy người”.

Chống tham nhũng. Thật không?

Theo thống kê chưa đầy đủ. Chỉ riêng 10 năm trong hai nhiệm kỳ đầu của Nguyễn Phú Trọng, số đảng viên bị kỷ luật đã là 168.000. Và đi theo mỗi đảng viên này, là con số tiền tỷ, chục tỷ, thậm chí trăm, ngàn tỷ tiền dân.

Chỉ riêng nhiệm kỳ thứ 3 mà Nguyễn Phú Trọng “phải ngồi lại để chống tham nhũng”, mới chỉ hơn 2 năm đã đạt được con số giật mình như sau:

Kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng, với 53.000 đảng viên. Trong đó có 17 uỷ viên Trung ương, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 8 bí thư, nguyên bí thư Tỉnh, thành uỷ, 18 thứ trưởng , nguyên Thứ trưởng, 25 chủ tịch, nguyên Chủ tịch tỉnh, thành phố, 3 trợ lý Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó thủ tướng cùng với 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.

Và đó cũng chỉ là bề nổi của tảng băng cán bộ trong cái bình chuột mang tên đảng. Nhưng, những con số đó cũng đã nói lên được nhiều điều.

Rằng chuyện quan chức cộng sản tham ô, tham nhũng đã là chuyện không có gì lạ, điều lạ duy nhất với tư duy, với cách suy nghĩ của giống người, là những điều họ nói trước, trong và sau những việc họ làm.

Rằng sau những mà dối trá xưa nay, thì ngày nay, sự dối trá lại tiếp tục như truyền thống của đảng.

Và nó mang danh “Chống tham nhũng”.

Và nó lại cũng là tiếp tục câu chuyện “NVL”: NÓ VẪN LỪA.

Thế nên, “Hãy xem việc Cộng sản làm, đừng nghe lời cộng sản nói”- Nguyễn Văn Thiệu – Cựu Tổng thống VNCH.

26.08.2023
J.B Nguyễn Hữu Vinh

Blog Archive