Saturday, April 30, 2016

Nhà Thơ Nữ Gốc Việt 16 Tuổi Ra Mắt, Đọc Thơ ngày 30 tháng Tư 2016

4-do-nguyen-maiĐỗ Nguyên Mai, nhà thơ Mỹ gốc Việt 16 tuổi.

LOS ANGELES (VB) – Cô Đỗ Nguyên Mai -- một nhà thơ Mỹ gốc Việt tại Los Angeles, Hoa Kỳ -- năm nay sẽ tưởng niệm ngày Miền Nam thất trận bằng cách rất riêng của cô: in một tập thơ viết bằng tiếng Anh.

Điểm độc đáo: nhà thơ Đỗ Nguyên Mai mới 16 tuổi, tập thơ được một nhà xuất bản Anh quốc ấn hành và phát hành toàn cầu qua mạng Amazon.

Nếu đang cư ngụ tại Nam California, bạn có thể gặp trực tiếp nữ thi sĩ 16 tuổi này trong một buổi đọc thơ vào đúng ngày 30-4-2016, tại The Open Book ở thị trấn Valencia (thuộc quận Los Angeles, California), từ 4pm tới 7 pm.

Tập thơ có nhan đề “Ghosts Still Walking” (Những Bóng ma Vẫn Đang Bước Đi).

Tất cả các bài thơ trong tập đều xuất sắc, không phải vì được viết bởi một thiếu nữ 16 tuổi gốc Việt, nhưng vì tự thân giá trị thi ca.

Thí dụ, thử đọc bài thơ “Burning Incense” nơi đầu tập (cột báo này không tình bày đúng bố cục bài thơ, chỉ dịch ý thôi:
Một đạo binh những lời thì thầm đón chào tôi nơi
ngưỡng cửa của những giấc mơ; không gian trống vắng –
nhưng quá đầy.
Những bóng ma ngủ và thức,
cũng như tôi.
Cũng hãy đón tôi vào nhé.

Bạn có thể đọc lần thứ nhì thứ ba và sẽ thấy: Âm vang tiếng Anh của bài thơ trên được sắp xếp theo một ngữ pháp, và bố cục tượng hình, hệt như tiếng thì thầm quyện trong làn gió đêm.

Lời đề tặng nơi đầu tập thơ cũng là những dòng chữ biết ơn tổ tiên và ba mẹ, dịch:
“Để dâng tổ tiên của tôi, những người đã hướng dẫn ngòi bút của tôi từ khởi đầu,
và người trong gia đình tôi, những người đã cho tôi âm vang này.
Cảm ơn đã cho tôi những giấc mơ.”
Một bài thơ có thể làm bạn ứa nước mắt là bài “From Phùng Thị Chính to her Child” (Lời bà Phùng Thị Chính nói với con sơ sinh).

Tập thơ của Đỗ Nguyên Mai ghi sơ lược về lịch sử trước bài thơ này: Vào khoảng hai ngàn năm trước, khi nghĩa quân Việt Nam nổi dậy để bứt ra khỏi vòng thuộc địa Phương Bắc, Phùng Thị Chính là một nữ tướng của Hai Bà Trưng, chỉ huy đạo binh tiên phong. Cuộc khởi nghĩa đã tới năm thứ 3, trong trận đánh quyết liệt nhất, bà Phùng Thị Chính sinh con trên chiến trường, bà buộc con sơ sinh vào lưng và tiếp tục dẫn quân ra trận. Thua trận, Hai Bà Trưng tự trầm nơi Sông Hát Giang, bà Phùng Thị Chính cùng con nhỏ tự trầm theo.

Bài thơ này, được Đỗ Nguyên Mai viết như lời nữ tướng Phùng Thị Chính nói với con sơ sinh:
… Cái chết này là tình yêu của mẹ
cuộc sống ngắn ngủi này, một trận đánh
duy nhất thay vì
một thế kỷ thảm bại
hy vọng duy nhất của mẹ cho con.
Con, bị thương từ khoảnh khắc con
có hơi thở đầu tiên.
Con, tắm đỏ trong
máu cạn kiệt của mẹ.
Con, sinh ra từ ngọn lửa sắp tắt của mẹ
vào đời trong hỏa ngục.
Sinh ra, giữa ba ngàn nữ binh,
những cánh tay cầm binh khí và những trái tim tổn thương.
Sinh ra, từ cõi của hai chị em
hai nữ thần đã dẫn những người đời thường
đi làm trong sạch cõi đất bi thảm này.
.
Sinh ra từ chiến thắng, từ chiến trận.
.
Tất cả bây giờ đã biến mất;
tất cả của con nay đã biến mất.
Tất cả ngọn lửa cho con để khởi dậy từ
đã tắt.
.
Không còn nơi nào cho con bây giờ
nhưng trong những dòng nước này, đang chở
xác những người cao quý lên trời,
dìm chết chúng ta trong dòng máu vương giả
được bao bọc bởi dòng sông thanh tịnh.
Và như thế, chúng ta đã chết.
(hết trích dịch)
Nơi trang cuối tập thơ có đoạn “About the Author” cho biết Đỗ Nguyên Mai là một nhà thơ Mỹ gốc Việt, cũng là nhạc sĩ, hiện ngụ ở vùng Los Angeles. Bên cạnh việc học về sử và báo chí, cô cũng đang dạy tiếng Việt cho trẻ em…

Tập thơ gửi tới tòa soạn Việt Báo với lời đề tặng bằng tiếng Việt, chữ viết tay:
“Kính tặng Bà Nhã Ca
Đỗ Nguyên Mai
19.4.16”

Trong lá thư kèm theo, cũng bằng tiếng Việt, viết:

“Kính gởi Bà Nhã Ca,

Thưa Bà, cháu tên Đỗ Nguyên Mai, 16 tuổi,

Đây là tập thơ đầu tiên của cháu đã được nhà xuất bản Platypus Press phát hành chính thức vào ngày 29-4-2016 tại Anh và ngày 30-4-2016 tại Hoa Kỳ.

Có nhiều bài thơ nói về lịch sử và quê hương, như From Phùng Thị Chính to Her Child, Fleet, For My Mother…

Cháu đã đọc Mourning Headband For Huế. Xin gởi tập thơ đến Bà như một lời cảm ơn…”(hết trích)

Cũng nên ghi chú rằng: Mourning Headband For Huế là bản dịch sang tiếng Anh từ cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế” của nhà văn Nhã Ca.

Độc giả có thể tìm thi tập “Ghosts Still Walking” bản eBook của Kindle. Muốn mua sách in, xin theo đường dẫn: http://platypuspress.co.uk/ghostsstillwalking.



Tháng Tư Vụn Vỡ…




1. Giá trị của sự lạc hậu.

Hai cái tên chiếm hết mặt báo bây giờ là ông Trump và bà Hillary. Muốn tìm trang báo ít thâm độc hơn để đọc khá khó. Trang cộng đồng thì đầy ắp tin bác sĩ, nha sĩ Việt gian lận bảo hiểm; đến người Việt chia bài ở sòng bài cũng lên báo vì ăn cắp chip của sòng bài… rồi cướp người Việt cướp tiệm nail của người Việt, nhà hàng Việt nam; băng đảng Việt bắn nhau loạn xạ ở những thành phố đông người Việt cư ngụ.

Lên net, đọc báo trong nước lại ra chuyện hai nhân viên ngành ngoại giao của Việt nam đi công tác bên Nhật; tình cờ gặp nhau trong thương xá. Người mới qua than thở vật giá bên Nhật bây giờ quá mắc, tiền công tác phí chẳng mua nổi món quà về cho vợ con. Người đi trước đến trước lại thở dài, “Giá cả không đáng lo bằng thương xá bên Nhật bây giờ gắn thêm quá nhiều camera…!”

Đọc báo suốt buổi sáng càng đau lòng với tin người mẹ Tàu tự sát để lấy tiền bảo hiểm chữa bệnh cho con.

“Trong mười năm qua, anh Chu, con trai bà Lin, bị chứng thoái hoá cột sống mãn tính nhưng gia đình quá nghèo nên không đủ tiền để điều trị hiệu quả. Bà Lin đã để lại di thư rằng cái chết của bà sẽ giúp Chu có được khoản tiền bảo hiểm của bà để giúp anh chi trả cho việc chữa bệnh.

Tuy nhiên, kế hoạch của bà Lin đã trở nên vô nghĩa khi hạn bảo hiểm của bà đã hết từ tháng 11 năm ngoái.

Trước khi nhảy lầu, bà Lin đã mua cho đứa cháu nội (con của chu) 2 chiếc bánh bao và rút toàn bộ tiền tiết kiệm có được trong ngân hàng để đưa cho con trai mình nhằm trang trải cho cuộc sống.

“Mẹ quá mệt mỏi”?, bà Lin viết trong thư tuyệt mệnh. “Mẹ buồn vì không thể giúp được các con. Hãy cứ sống thanh thản, mẹ sẽ mang tiền về cho các con”. (Theo Dantri).

Khi hẹn mang tiền về, bà mẹ Tàu tội nghiệp đâu ngờ bảo hiểm của bà hết hạn từ năm ngoái mà không biết! Dù sao, ở xứ ô nhiễm nhất địa cầu này, tình mẫu tử van cứ là kim cương bất hoại như vũ trụ vô biên. Thương người mẹ già lực bất tòng tâm. Nhưng đau lòng hơn cho những người mẹ trẻ bây giờ bỏ con vào microware, hay trấn nước trong nhà tắm; học sinh trung học sinh con trong nhà vệ sinh rồi vất con vô thùng rác…

Trở lại với nước Mỹ, đúng là xứ dân chủ no cơm ấm cật. Cuộc sống Mỹ không loạn lên với Trump và Hillary (từng được báo Mỹ ví là ông già playboy và bà già không biết nói thật) thì nước Mỹ không còn là nước Mỹ.

Thời đại của cỏ và lúa mọc chung trên mặt báo, muốn đọc được trang báo đáng đọc phải chịu cực hơn thời chưa có internet; vì thời báo giấy, báo nào ra báo đó, dù không văn bản. Mới biết giá trị của sự lạc hậu.

2. Tháng tư không về nữa…
Nhớ những năm còn đi học. Khi tháng tư về, trời thường nhiều mây và những cơn mưa bất chợt. Có lẽ đó là điều bất biến muôn đời của tháng tư, trời luôn nhiều mây và những cơn mưa bất chợt của tuổi còn đến trường là những trưa, chiều lang thang trong thành phố, bỗng nghe tiếng ve gọi hè trên những hàng cây cao vút ở Sài gòn, lòng chùng xuống khi nghĩ tới bạn bè sắp phải chia tay, những nhớ nhung mùa trước len lỏi theo mưa về, vỡ oà trên khung cửa, rồi khô nhanh trên những vỉa hè nắng lên; những dải mây thành nước ướt mặt đường đã hoàn toàn biến mất khi nắng lên thì những dải mây khác lại từ đâu bay về, hững hờ nhìn xuống tuổi trẻ tìm đủ cách để bỏ nước ra đi và không ai hẹn ngày về, bạn bè chia tay không hẹn gặp lại, chỉ còn những vỉa hè Sài gòn nhớ rõ bước chân quen trong mưa mau nắng vội từ đời này qua đời khác luôn hối hả chia tay, nỗi nhớ đong đầy… để quên lãng.

Tuổi trẻ đã đi về đâu sau những tháng tư lại về, trời vẫn nhiều mây và những cơn mưa bất chợt, làm lòng người chùng xuống tháng năm bụi mờ. Ở góc nhà thờ Sài gòn, hay bên bưu điện, nơi tôi thường ngồi trên chiếc xe đạp cũ, vai dựa tường, và chờ đợi; có khi là một chuyến làm ăn kiếm sống thời sinh viên, khi là một chuyện hẹn hò. Rồi chút tiền kiếm được cũng theo mưa nắng bốc hơi, chút tình vừa đủ… để nhớ nhau một đời.

Ôi những vỉa hè nắng vội mưa mau tới muôn đời trong tâm khảm mỗi người đã từng sinh ra, lớn lên, sống, rồi giã biệt Sài gòn. Tháng tư, trời thường nhiều mây và những cơn mưa bất chợt ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu, những người đã từng hít thở, biết đến tình yêu đều nhớ về Sài gòn với đầy ắp kỷ niệm; trong giấc mơ viễn xứ nào chả có một lần được sánh vai bước lại những bước chân ngày cũ lang thang trên thành phố ấy, những góc quán ấm áp bàn tay, những từ giã hao gầy ký ức…

Tháng tư biến cố đã đành. Tháng tư lịch sử dân tộc sang trang đen tối còn ám ảnh chúng ta tới hết đời. Nhưng tháng tư của anh và em và nơi chúng ta đã lầm tưởng là hai người hạnh phúc nhất trên đời, chỉ còn nỗi khắc khoải trong tưởng nhớ khi trời nhiều mây và những cơn mưa bất chợt rũ nước trước sân nhà tháng tư. Mong. Thật mong bình an luôn bên em đời này. Anh. Ngồi đây nhìn nắng tháng tư nhuốm lạnh cơn gió bắc cực tràn về trái mùa sau cơn mưa vội; mây lang thang không hiểu thành mưa, như chúng ta đã lạc mất nhau như định mệnh chẳng thể an lòng tới chết. Anh bất chợt nhớ đến em như những giọt mưa tháng tư lại bắt đầu rơi quanh chỗ ngồi. Nhớ. Hơi ấm bàn tay ở quán quen, những chuyện cổ tích đời thường đã nuôi dưỡng chúng ta đi qua tuổi trẻ mịt mù.

Anh đã ngồi chờ tháng tư không về nữa ở một nơi rất xa Sài gòn, thì ra anh vẫn chờ em ở góc nhà thờ hay bên bưu điện như những vỉa hè chờ nắng vội mưa mau ở Sài gòn. Rồi tháng tư không về nữa sẽ đến để anh gặp lại em…

3. Tiếng nấc đêm đen…

Tôi gặp lại T tình cờ ở tiệm phở. Tôi mới vào nhưng anh thì đi ra… với một mỹ nhân không cân xứng tuổi tác, nhưng lại không có tí gì nói lên thông tin: đó là con gái hay cháu gái của anh. Và tình bạn đã lâu không gặp nên T ngồi nán lại, uống ly trà nóng với tôi. Câu trả lời đã rõ về mỹ nhân - là tình nhân hiện tại của T.

Tôi đến nhà T vào cuối tuần đó, chính xác là chiều thứ bảy đi làm ra, tôi lái luôn tới địa chỉ nhà mà T nhắn tin cho tôi.

Không thấy vợ con anh, dù chiều đã muộn, hay vì tôi còn đi tuyển một chai cognac xứng đáng cho lần tái ngộ với thằng bạn sóng gió một thời. Và tôi đã bỏ thói quen thăm hỏi gia đình bạn theo kiểu Việt nam từ lâu vì bị hố một lần đã tởn tới già. Chuyện là người bạn (khác), vợ chồng họ từng tới nhà tôi chơi. Rồi lâu không gặp. Gặp lại… cũng ở tiệm phở (khác). Tôi khen chị nhà trẻ ra nhiều, hay ít nhất là sổ già của thiên tào đã sót tên chị…

Hôm sau bạn gọi tôi (khi đã cho nhau lại số điện thoại mới). Bạn tôi gặp rắc rối với vợ vì tôi đã so sánh cô vợ trẻ măng - mới về Việt nam cưới qua với bà cụ thân sinh ra những đứa con của anh là bà vợ trước… đã ly dị.

Trời ơi! Bạn bè, dù lâu không gặp vẫn nhìn ra nhau thì mới là bạn; chứ ai mà nhớ chân dung của vợ bạn làm gì!

Từ đó, tôi càng không nhớ hình dáng, gương mặt của những người vợ của bạn.

Tôi với T nướng thịt bò, tôm, cua, sò biển… ở cái sân sau căn nhà rất đẹp. Hai thằng ôn lại những kỷ niệm, nhắc tới những người bạn thời giao du với nhau hàng tuần. Thật ra thời đó, tôi không biết nhà T, không biết vợ con T, chỉ hẹn hò qua phôn, rồi gặp gỡ ở những nhà hàng trong vùng. Đây là lần đầu tiên tôi tới nhà T. Căn nhà trong khu nhà giàu thì đương nhiên là khang trang, rộng rãi. Phong độ của T hồi xưa và bây giờ không khác, T chỉ già hơn năm bảy năm trước mấy sợi tóc bạc bắt đầu lớm chớm ở thái dương…

Lạ lùng là mỹ nhân hôm gặp ở tiệm phở cũng không thấy mặt! Tôi uống lai rai, nướng lai rai với T ở sân sau nhà T. Có người đàn ông trạc tuổi chúng tôi đẩy cửa rào bước vào sân sau vì bấm chuông ở cửa trước đã mấy lần nhưng hoàn toàn vô ích khi chúng tôi ở sân sau.

Ba thằng đàn ông (đã có tóc bạc ít nhiều trên đầu) cùng nhau nướng thịt, tôm, cua… rồi lai rai. Nhưng căn bếp của T, cái restroom khi tôi cần dùng đã nói hết với tôi là T sống một mình; không có dấu vết gì của phụ nữ và trẻ em trong căn nhà này cả.

Nhưng ý nghĩ là tự do, còn đặt câu hỏi thì cần tế nhị, nên tôi để lòng.

Người bạn của T tên là H. Người đàn ông khá hấp dẫn bởi những gì thấy được bên ngoài là khá giả và trí thức. Sau khi tiếp xúc càng hứng thú với kiến thức của anh ta. Nhưng lại là người đi nhậu không ghé mua chai rượu mà bạn mời thích uống, hay ít nhất là loại quen miệng của mình để khỏi làm phiền bạn. Thì ra, anh có món quà cho T, cũng là quà hân hạnh được quen biết tôi. Anh gọi điện thoại, và chỉ sau nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi có ba người bạn gái tới chơi; các cô ở độ tuổi mới ngoài ba mươi, ai cũng đẹp và thơm phức…

Cuộc nhậu hứng thú hẳn lên khi T vô nhà lấy chai rược qúy ra đãi tôi để mừng hội ngộ anh em phiêu bạt. H gọi cánh sushi tới phục vụ tại gia. Bàn nhậu vương giả với thức nhấm tươi sống, mỹ nhân, rượu hảo hạng… chả phải mong muốn của bất cứ ai biết nâng chung rượu lên môi. Sao buồn rũ rượi khi đêm tàn. T về phòng với một cô; H về phòng với một cô. Tôi về nhà nên ra xe. Tiếng nấc của cô gái Hà thành mà tôi được ưu tiên chọn trước vì T và H nhường tôi; mừng sự gặp lại tôi mà T đã yêu cầu H cho tôi chọn trước. Tôi chọn giọng nói của mẹ tôi hơn là cô ta vì tôi ân hận suốt quãng đời còn lại là không về kịp trước khi mẹ mất.

Ôi giọng Hà thành mắng chửi tôi suốt thời còn ở nhà với mẹ; sao nhớ giọng nói đài các ấy ở nơi xa xôi này, khi giọng Hà Nội mới yêu kiều kia chỉ còn là tiếng nấc ngơ ngác giữa đêm đen… Bây giờ anh về nhà anh… thì em đi đâu?

Phan
Bài Ca Yêu Nước

Trà Lũ


Thượng tuần tháng Tư, hội viên cao tuổi nhất làng An lạc của chúng tôi, cụ B.95 đã điện thoại lặp lại câu khen Chị Ba Biên Hòa: Lời chị bảo về mùa Xuân năm xưa sao mà nó đúng thế. À chuyện này vui lắm.

Số là năm 1995 khi cụ từ VN sang đây, cụ ở chung với gia đình người con bảo lãnh, nhà này có vườn trước vườn sau. Cụ thích làm vườn nên cụ tình nguyện trồng các loại rau ở vườn sau. Cụ sang vào tháng Năm nên bắt tay làm vườn vào tháng Sáu. Vườn rau của cụ xanh mướt. Cụ thích quá sức. Năm sau, cuối tháng Ba, trời chớm vào Xuân, thấy hết tuyết và có nắng ấm, cụ liền vội vã mang cuốc xẻng ra làm vườn. Chị Ba thấy vậy bèn ngăn lại: Cụ ơi ở Canada không ai làm vườn vào tháng Ba cả vì ở đây đã có câu nói: “Bao giờ mùa Xuân tới mà hiền lành dễ thương như con cừu non thì ta phải cẩn thận, vì con cọp dữ đang tới sau lưng nó”. Quả đúng vậy, năm đó tháng Tư 1996 trời đã đổ tuyết xuống ào ạt khắp nơi, vừa tuyết vừa gió, chao ơi là lạnh. Theo thói quen, ở Canada không ai làm vườn vào tháng Tư cả, phải đợi đến tháng Năm sau ngày lễ nghỉ Victoria Day. Sau ngày này thì không còn lo sợ tuyết và gió lạnh nữa, thiên hạ mới bắt đầu trồng hoa.

Dân làng tôi thường trồng hoa phía trước cửa và trồng rau phía sau nhà. Người say mê trồng các loại rau, nhất là rau thơm là Cụ B.95 và Cụ Chánh tiên chỉ làng. Xưa nay tôi vẫn nói Canada là đất thiên đàng vì bây giờ ở đây ai cũng trồng được mọi thứ có gốc VN, từ rau muống, rau cần, rau đay, rau lang, rau rút đến mọi loài rau thơm, húng, ngò, ngò gai, thì là, kinh giới, tía tô và dấp cá. Cụ Chánh bảo các thứ rau thơm này có thể mua ở chợ, nhưng mang về tới nhà là các rau thơm đã mất hết mùi thơm chỉ còn vị mà thôi. L‎ý do ư? Vì các thứ rau đã bị rửa nước và xịt nước nhiều lần. Nước đã làm bay hết mùi thơm. Quả đúng vậy các cụ ạ. Rau thơm trên vườn, hái xong ta còn thấy mùi thơm, trước khi ăn ta mới rửa thì hương thơm vẫn còn trọn vẹn. Các cụ cứ thử mà xem, vì đây là kinh nghiệm của 2 cụ già, cái gốc ăn uống của các cụ rất lớn.

Ngoài tin nhập đề trên đây, tháng Tư này còn có bao nhiêu tin gây chấn động, do 2 đài phát thanh Chị Ba Biên Hòa và anh John phát ra.

Tin thứ nhất là lời bà già tiên tri Baba Vanga người xứ Bulgaria. Bà là người vô học và bị mù. Bà già thọ 85 tuổi, mất năm 1996. Nhưng bà được coi là một Nostradamus thứ hai. Về quá khứ bà nói trúng rất nhiều việc.

Chẳng hạn năm 1989 bà đã nói trước là tòa tháp đôi ở New York sẽ bị sụp ngày 9.11.2001. Và đã đúng y như vậy. Chẳng hạn bà báo trước trận sóng thần Tsunami năm 2004 tàn phá miền Duyên hải nước Nhật, và đã xảy ra đúng như vậy. Chẳng hạn năm 1980 bà báo trước là tàu ngầm nguyên tử của Nga sẽ bị chìm vào năm 2000. Chẳng hạn năm 1990 bà đã nói trước là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 44 sẽ là một tổng thống người Da Đen. Quả đã đúng vậy.

Và điều tiên báo của bà trước khi chết năm 1996, hiện đang ứng nghiệm cho năm 2016 này. Tin này đang gây chấn động dữ dội: Bà đã báo trước là năm 2016 Âu Châu sẽ bị người Hồi Giáo xâm chiếm, rồi Âu Châu sẽ bị tàn phá hoàn toàn, năm 2025 Âu Châu sẽ thành bãi sa mạc, năm 2043 Âu Châu sẽ là trung tâm Hồi Giáo…

Nghe đến đây thì dân làng xôn xao và lo lắng, vì ai cũng có anh em bà con đang sống ở Âu Châu. Bà đã nói đúng việc dân Hồi Giáo xâm nhập Âu Châu mấy tháng đầu năm 2016, thế thì việc Âu Châu hóa thành bãi sa mạc chắc sẽ xảy ra… Thấy dân làng bắt đầu chửi bọn Hồi Giáo quá khích, anh John bèn lên tiếng: cái lỗi này, xét tới ngọn nguồn thì phải trách cụ tổ Abraham. Ai bảo cụ lấy vợ lẽ làm gì! Các cụ còn nhớ chuyện này trong sách sử của 3 tôn giáo lớn Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo chứ? Thuở ấy cụ tổ Abraham chỉ có một vợ tên là Sarah cũng gốc Do thái như cụ. Hai người lấy nhau đã lâu mà vẫn không có con. Bà vợ Sarah có một người tớ gái gốc Ả Rập tên là Nagar xinh đẹp. Bà Sarah liền tiến Hagar cho chồng để làm vợ lẽ. Hagar đẻ con tức thì, đẻ ra cậu con trai đặt tên là Ishmael. Đây là người con trai trưởng của Abraham. Chắc ngài Abraham suốt ngày ôm vợ lẽ nên máu ghen của nàng Sarah nổi lên. Sarah đã chạy chữa ngoại khoa nên về sau cũng có bầu và đẻ ra cậu con trai đặt tên là Isaac. Thế là cuộc chiến nội bộ xảy ra và cô vợ lẽ phải dắt cậu con trai ra đi. Cậu cả này đẻ ra Hồi Giáo. Giá mà cụ Abraham ban đầu đừng lấy vợ lẽ thì đâu có sinh chuyện như ngày nay, làm gì Âu Châu bị đe dọa thành bãi sa mạc trong một chục năm nữa…

Chị Ba Biên Hòa nghe đến đây bèn gật gù khen chồng mình nói rất đúng: Các ông chồng không bao giờ nên có vợ bé. Nói rộng hơn: các ông không rượu chè cờ bạc hút xách và không mê gái, nghĩa là các ông không mê tứ đổ tường là những ông chồng l‎‎ý tưởng nhất. Phe các bà nghe xong liền vỗ tay râm ran và gật đầu nhất trí với Chị Ba.

Anh John nghe vợ nói xong, anh có ‎‎ý trêu vợ nên xin kể một chuyện tiếu lâm của Pháp. Anh bảo đây là chuyện bên Tây, xin các bà nhớ kỹ nha. Rằng có một ông giám đốc kia là một công chức gương mẫu, sáng đi làm đúng giờ, chiều về nhà đúng giờ. Bữa đó may mắn ông trúng vé số lotto được 500 đồng. Ông bèn tự thưởng cho mình một bữa ăn trưa tại một nhà hàng sang trọng. Trên đường tới tiệm ăn, ông gặp một ông già ăn mày đầu tóc bạc phơ mặt mũi bơ phờ hốc hác. Ông liền động lòng thương và muốn chia sẻ một chút tiền may mắn của mình, ông liền móc ví trao cho ông già 200 đồng. Vừa trao ông vừa hỏi:

- Với số tiền lớn này ông có đi đánh bạc không? Ông lão trả lời không vì ông khồng hề biết đánh bạc.

- Thế ông có đi uống rượu không?

- Thưa không, vì tôi không hề biết uống rượu

- Thế ông có đi hút cần sa ma túy không?

- Thưa không, vì tôi không thích

- Thế ông có đi xuống khu đèn hồng không?

- Thưa không, vì xưa nay tôi sợ đàn bà lắm

Nghe ông già trả lời 4 câu không như trên thì ông giám đốc kia vô cùng sửng sốt và giật mình. Ông liền nhớ ngay tới bà vợ là người luôn đòi ông phải 4 không như trên. Ông giám đốc liền vui vẻ mời ông già hành khất vào tiệm để cùng ăn trưa. Ông giải thích việc mời đột ngột này: Tôi muốn giới thiệu ông với một người luôn ao ước có một người chồng không tứ đổ tường. Khi đã an vị trong nhà hàng, ông Giám đốc bèn rút điện thoại ra gọi cho vợ:

- Em ơi, anh có 2 điều vui để báo cho em: Thứ nhất anh vừa trúng số lotto. Thứ hai anh vừa gặp được mẫu người l‎‎ý tưởng của em. Em ra đây ngay nha.

Anh John kể đến đây rồi xin hết chuyện. Phe các bà nghe xong liền phán: Chuyện gì vừa khô vừa nhạt như nước ốc! Anh John cười chống chế: Vì đó là chuyện đạo đức mà!

Mấy cô Huế liền ghé tai Chị Ba hỏi nhỏ: Anh vừa kể chuyện khiêu khích các bà vợ chúng mình, tối nay về nhà Chị Ba có phạt anh John cái gì không?

- Có chứ! Tôi sẽ bắt ngủ ngoài phòng khách! Anh chồng tôi cũng gớm lắm chứ không hiền như mấy cô nghĩ đâu. Ảnh kể câu chuyện này là có ‎‎ý nói liền ông mà không biết chút xíu về tứ đổ tường là chỉ có nước đi ăn mày!

Cô Tôn Nữ nghe xong câu này liền la lên: Dữ ha!

Vì thấy đề tài này mà để phe các ông khai thác thì sẽ dài vô tận nên Chị Ba nói nhỏ: Truyện này dài lắm, để hôm nào chị em chúng mình bàn riêng với nhau. Bây giờ để tui nói tiếp tin thời sự cho Cụ B.95 nghe.

Tin nóng bỏng tiếp theo là vụ ‘ Hồ Sơ Panama’, một quả bom nguyên tử vừa nổ ra vào đầu tháng này. Nó nổ lớn hơn vụ Wikileaks năm 2010 trăm ngàn lần. Các cụ tỷ phú khắp thế giới những tưởng vừa giấu tiền vừa trốn thuế qua Tổ Hợp Mossaack Fonseca ở Panama trong 40 năm qua sẽ được an toàn vĩnh viễn, ai ngờ chìa khóa hồ sơ mật này đã lọt vào tay một tờ báo bên Đức là Suddeutsche Zeitung, và báo này đã chia tin này cho 107 tổ chức báo chí thế giới. Hồ sơ mật này có hơn 11 triệu tài liệu nằm trong 2,6 terabyte dữ liệu. Cả thế giới rung động. Nghe nói 2 ông Putin của Nga và Tập Cận Bình của Tàu đang run nhiều nhất. Chắc báo chí mới đọc phớt qua nên mới biết sơ sơ vì kho có trên 11 triệu tài liệu cơ mà. Tuy mới sơ sơ mà ông thủ tướng nước Iceland phải vội vã từ chức ngay. Nghe nói báo chí có thấy 1 tên người VN, và điều đặc biệt ông này là công dân Canada, tên là Eric Van Nguyen. Canada có hồ sơ trốn thuế và rửa tiền của ông này và 7 người đồng bọn từ năm 2014. Hy vọng trong hồ sơ mới tiết lộ này chúng ta sẽ biết được nhiều việc động trời, biết đâu gốc của nó có thể là từ Hà Nội. Mà nếu từ Hà Nội thì bà con ơi, VC sẽ ăn nói làm sao đây. Xưa nay VC luôn miệng nói mình là đầy tớ của nhân dân thế mà sao đầy tớ bây giờ mập phì, nhà cao cửa rộng, của ăn của để có khắp nơi, trong khi ông chủ là Nhân dân thì gầy còm xơ xác, chạy ăn từng ngày…

Ông ODP vừa nghe tới tiếng Việt Cộng một cái là giơ tay xin nói ngay một chuyện còn nóng về đề tài này: Ông Lê Dinh, một nhạc sĩ, văn sĩ và nhà báo nổi tiếng ở hải ngoại, hiện cư ngụ ở Montreal gần chúng ta, vừa viết một bài báo rất sâu sắc, ông luận về 2 tiếng
 Việt Cộng hay vô cùng. Theo nghĩa khởi đầu thì VC là một người Việt theo Cộng Sản. Nhưng thời gian đã chứng minh là tiếng Việt Cộng không mang ‎ý‎ nghĩa đơn sơ đó mà nó mang một ‎ý nghĩa khủng khiếp, ‎ý‎ nghĩa ma quỷ và sự chết. Năm 1954, Việt Cộng chiếm miền Bắc, tức thì một triệu đồng bào bỏ của chạy lấy người trốn vào trong Nam. Năm 1975, Việt Cộng chiếm miền Nam, tức thì một triệu người cũng bỏ của chạy lấy người, rồi kéo thêm hai triệu người nữa. Ngày xưa bọn Tàu cai trị VN cả ngàn năm mà không có ai bỏ nước trốn đi, rồi thời Thực dân Pháp cai trị 100 năm cũng không hề có vụ bỏ nước ra đi… Nhà văn Lê Dinh viết rất hay: Rằng anh giận tôi thì anh có thể chửi tôi bằng bất cứ từ nào, như vô học, du côn, dốt nát, nhưng xin anh đừng chửi tôi là ‘thằng Việt Cộng’nha vì tiếng Việt Cộng đồng nghĩa với ác quỷ, ma quái, man di mọi rợ, lưu manh thảo khấu. Các cụ nhớ tìm đọc bài luận về chữ Việt Cộng của nhà văn Lê Dinh nha, hay lắm.

Và tin cộng đồng VN là các buổi lễ tưởng niệm Quốc Hận Tháng Tư Đen được tổ chức rất trọng thể ở khắp nơi. Tại Toronto có hai buổi, ngày Thứ Bảy 23 ở tòa Đô chính và Thứ Bảy 30 tại tòa thị chính Mississauga bên cạnh. Các buổi lễ gồm việc tôn vinh các anh hùng VNCH đã nằm xuống, tố cáo tội ác bán nước của VC, tố cáo hành vi xâm lăng của Trung Cộng, diễn hành cờ vàng và đặt vòng hoa nơi đài Chiến sĩ trận vong. Đồng hương ta tham dự rất đông.

Nhân nói tới ngày quốc hận 30/4, tôi xin nói tới những giải cờ vàng đặc biệt. Không biết các cụ có xem thấy trên mạng hình máy bay bưu điện quốc tế của Đức DHL không? Đây là việc tình cờ hay là một điềm lạ? Ngày đầu tháng Tư này, hãng máy bay DHL có đường bay quốc tế tới 220 quốc gia trình làng các máy bay khổng lồ sơn màu vàng tươi. Dưới hàng chữ danh hiệu DHL là một giải cờ vàng 3 sọc đỏ vĩ đại chạy dài theo thân máy bay. Các cụ có ‎thấy không: màu cờ vàng của VNCH chúng ta là màu tươi nhất và nổi nhất trong rừng cờ Quốc tế hiện nay. Xin chào mừng và ca ngợi hãng hàng không DHL mang Quốc kỳ VNCH bay khắp thế giới.

À, còn một tin vui này nữa cũng xuất hiện đầu tháng Tư này. Đó là việc Hội Chợ Expo City ở Osaka đã tôn vinh món phở của Việt Nam là món ngon Quốc tế, bằng cách Nhật Bản từ nay gọi ngày 4 tháng Tư là ‘Ngày của PHỞ 4/4’. Một trong những l‎‎ý do chọn ngày 4/4 là vì con số 4, tiếng Anh là Four, chữ Four đọc lên nghe mài mại như chữ Phở. Danh từ PHỞ đã được Quốc tế hóa, đã nằm trong các tự điển lớn của thế giới. Ai cũng biết đến nó. Ngày xưa hồi 1980 tôi rủ một anh bạn Canada đi ăn tối, anh hỏi món ăn chính là món gì, tôi trả lời là món Phở, Vietnamese Soup. Bạn tôi ngạc nhiên lắm vì ăn tối mà chỉ ăn soup sao. Theo thực đơn các nhà hàng Canada ở đây thì món soup chỉ là món khai vị, không bao giờ là món chính cả. Tôi bảo anh bạn Canada cứ đi ăn thử đã, đừng có thắc mắc. Đến khi một tô phở lớn nghi ngút khói và thơm lừng được bưng ra, đầy những lát thịt vừa tái vừa chín, vừa gân vừa nạm, thì ông bạn vái tôi một cái dài. Tôi chỉ dẫn ông cách ăn. Trước hết là nếm nước phở, nếm từ từ thong thả, bạn có thấy nhiều hương vị không. Rồi bạn ăn thử một miếng thịt, ngon chứ. Bây giờ mới là lúc bạn quyết định sẽ thêm những gia vị gì nha. Nước mắm nè, tiêu này, ớt này, húng quế này, lá ngò này. Bạn tôi nhìn sang bàn bên cạnh thấy mấy bà mấy cô VN đua nhau xịt thêm tương đen tương đỏ và vắt chanh, bạn tôi liền định bắt chước, tôi đã giơ tay ngăn lại. Chớ, bạn chớ làm thế. Nước tô phở của bạn đang có màu trong lóng lánh, đây là một tuyệt tác của mỗi nhà hàng, bây giờ bạn cho tương đen tương đỏ vào là bạn biến nó ra một tô hủ tíu tả pí lù, gián tiếp bạn chê nhà hàng không biết nêm nếm. Anh bạn Canada đã nhớ mãi lời dặn này của tôi nên về sau mê phở rồi, mỗi khi anh giới thiệu gia đình đi ăn phở, anh đều chỉ dẫn cẩn thận như tôi. Bây giờ anh, gia đình anh và bạn bè anh đều mê phở. Họ còn biết gọi thêm món tái, món gân, món nạm, món gầu. Tôi hy vọng là món phở 4/4 vừa được vinh danh bên Nhật cũng sẽ được hướng dẫn cách ăn trúng cách như vậy. Đừng theo lối tả pí lù tương đen tương đỏ nha bà con!

Ông ODP nghe tôi nói về phở thì thêm chuyện phở di cư. Rằng năm 1954, phở Bắc đã di cư vào Nam, để lại miền Bắc một tô phở nghèo nàn gọi là ‘phở không người lái’ và ‘phở mì chính’. Năm 1975 Phở Miền Nam ra giải phóng phở miền Bắc đem theo thịt bò và giá sống.

Gần đây tôi được đọc một loạt bài phóng sự về Phở ở California, do 2 nữ phóng viên Thiên An và Ngọc Lan viết, bài viết thật là hay và công phu. Không ngờ các bạn trẻ này đã có những nhận xét thật chính xác và chính truyền của phở. Tôi định năm nay nếu đi Cali nhất định tôi sẽ mời 2 cô phóng viên Thiên An và Ngọc Lan cùng đi ăn ‘Phở 86’ để cùng chia sẻ thêm những hương vị mặn mà và ngọt thanh của nước phở, món thịt tái filet mignon để riêng ăn riêng hương vị sẽ ra sao, món gầu giòn có chút mỡ và xí quách dai dai beo béo như thế nào…

Dân làng chúng tôi còn đang mê mải bàn về phở thì Cụ Chánh hiện ra với một xấp giấy trên tay. Cụ nói:

Lão già hay quên nên xin cho lão nói ngay việc này. Lão xin tặng mỗi người một tập tài liệu vừa hiếm vừa qu‎ý. Có thể các bạn đã đọc rồi mà không lưu trữ, vậy xin các bạn cất bài này vào kho, để bên gia phả, để dành cho các con và các cháu. Thưa, đây là bài diễn văn của Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh. Ngày 30/4 năm ngoái, bà đã từ Hoa Kỳ sang Canada, bà đến với cộng đồng VN ở Montreal và đã ứng khẩu một bài nói chuyện hay tuyệt vời. Bài này đã gây xúc động khắp nơi. Bà là nhà khoa học nên lời bà nói đâu ra đấy, không sai không sót một chút nào, bà trộn vào bài những lời tâm huyết và lòng yêu quê hương Việt Nam sâu sắc. Lão đã đọc bài này nhiều lần, luôn luôn thấy nó hay thấm thía, luôn luôn làm lão xúc động. Chẳng hạn sau khi vẽ ra một hình ảnh bi đát là CSVN làm tan hoang đất nước và băng hoại xã hội, Bà Ánh lên tiếng hỏi:

…Trong bối cảnh này, câu hỏi lớn nhất là người Việt hải ngoại cần phải làm gì cho tương lai dân tộc. Mà tương lai của dân tộc thì luôn luôn nằm trong tay những người trẻ. Vậy câu hỏi chính xác hơn là chúng ta phải làm gì để khuyến khích tuổi trẻ hải ngoại tiếp tay với những người tuổi trẻ trong nước bảo vệ quê hương và tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền…

Các bạn đã nghĩ ra câu trả lời chưa?

Bà đã nói lời kết như sau:

“…Những lời nói sau cùng tôi xin được dành cho những người trẻ VN, và xin mượn tựa đề một tác phẩm của cố văn sĩ Duyên Anh có tên là ‘Mơ Thành Người Quang Trung’, một trong những anh hùng chống Bắc xâm vĩ đại nhất của lịch sử VN. Vâng, tất cả chúng ta xin hãy mơ thành người Quang Trung.”

Nói xong Cụ Chánh phát cho dân làng mỗi người một xấp bài diễn văn đầy hoa đầy lửa yêu nước này. Vừa đưa bài cụ vừa nói: 
Xin trao cho các con cháu chắt chúng ta ngọn lửa!


Trà Lũ
NHỮNG CÂU HỎI NHỨC NHỐI CỦA MỘT CÔ GIÁO HÀ TĨNH






Friday, April 29, 2016

Biểu tình trước Thư Viện
Tổng Thống Lyndon B. Johnson,
tại Austin.



Lý Văn Hợp ( Ba Cây Trúc) . Thú Năm, ngày 28/04/2016, thông tin viên Ba Cây Trúc từ Arizona tới Texas, được tháp tùng phái đoàn đi tham dự cuộc biểu tình của các CĐNVQG Dallas, Fort Worth, Austin và Houston, trước Thư Viện Tổng Thống Lyndon B. Johnson tại Thành phố Austin. Cuộc biểu tinh diễn ra trong suốt thời gian có cuộc Hội Thảo được gọi là Hội Nghị Thượng Đỉnh về Chiến Tranh Việt Nam ( The Vietnam War Summit ) trong 3 ngày cuối tháng tư tại trước Thư Viện LBJ -( Austin) . Điều đáng chú ý là trong hội nghị nầy có sự hiện diện của nguyên đại sứ Mỹ Kissinger (người đồng minh phản bội) và đương kim ngoại trưởng Mỹ Kerry (người lính phản chiến).


Mục đích cuộc biểu tình là ngoài phản đối cuộc Hội thảo có sự hiện diện của những tên Mỹ từng bán đứng VNCH cho VC, CĐNVQG còn phản đối tên Đại Sứ CSVN Phạm Quang Vinh tại Hoa Kỳ có mặt trong Hội Nghị này. Trước khí thế căng thảng của Cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, tên Đại sứ Vc đã phải đi theo cửa hậu để vào phòng họp. Những tiếng hô hào đả đảo Việt gian cộng sản đang âm mưu dâng đất nước Việt Nam cho Tau cộng vang khắp bầu trời.
Trong đoạn Video ngắn chớp nhoáng, chúng tôi ghi lời phỏng vấn Tiến sỹ Mai Thanh Truyết, một thành viên trong phái đoàn Houston. Xin mời bấm vào link dưới đây;

Lý Văn Hợp, tường trình từ Austin, Texas
Bidong – Dấu xưa, nền cũ
(Bài và hình của Lưu Dân & Lý Nhân)



Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương… ”
(Thăng Long Thành hoài cổ, Bà Huyện Thanh Quan)

Về lại Bidong những ngày tháng Ba…

‘Tình Bidong có list là dông’
… mà sao chẳng thấy ai dông. Lại còn nhiều người trở về.

Trong khoảng đời tạm trên đảo, dường như cái gì cũng tạm, kể cả tình yêu. Vì vậy chăng mà Bidong “mang tiếng” như thế? Đến hơn phần tư thế kỷ sau, từ ngày trại tỵ nạn này đóng cửa, người ta vẫn còn nhắc đến câu nói bạc bẽo đó…

Trong chuyến Về Bến Tự Do vừa rồi, lần thứ 24 do Văn khố Thuyền nhân VN (VKTNVN) tổ chức thăm viếng và trùng tu các trại tỵ nạn cũ ở vùng Đông Nam Á trong vòng 10 năm qua, chúng tôi không những không ‘dông’ mà còn tình nguyện về lại, cùng hưởng “thú đau thương” với phương tiện công cộng muôn vẻ ở Malaysia: từ đáp máy bay, lên xe bus, xuống xe van, nhảy lên phà, đổi qua ghe và cuối cùng phóc lên “xe chở heo” (mọi người thân ái đặt tên những chiếc tractor chở chúng tôi di chuyển trên đảo resort Redang như vậy, đành nhận thôi, cãi chi cho…  phí sức!). Hay cái là, không ai nói “tôi đi Bidong” mà “tôi về Bidong”. Ngôn ngữ đến tuyệt thế thôi!

Cuối tháng Ba 2016, 30 cựu Thuyền Nhân khắp nơi dắt díu nhau về thăm chốn tạm dung được ghi nhận là lớn nhất trong suốt cuộc đào thoát tìm sống vĩ đại nhất của lịch sử VN. Không nói khoác đâu, cứ tìm đọc “10 biến cố bi thảm nhất của Thế kỷ 20” (Ten most tragic events in the 20th century) ắt gặp ngay chữ “Boat People”. Khổ nỗi, quãng đường gần 2 giờ đồng hồ trong mùa biển động từ bến phà Marang (sau đó còn phải chuyển phà và hành lý thêm lần nữa) để ra đảo Redang nội chiều hôm đó, khiến mọi người trong đoàn dù chưa thấy lại Bidong mà đã “dậy sóng trong lòng”. Nhưng, đó mới chỉ là “Khổ, tập 1”.
 blank
Các phương tiện di chuyển chính trên đường đến Bidong

Trong chuyến VBTD Bidong lần này, có không ít cựu Thuyền Nhân lần đầu trở về sau bao nhiêu năm xa cách. Vậy mà điều làm chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động nhất là tất cả đều đồng lòng góp mỗi người một bàn tay ngay vừa khi đặt chân lên chiếc cầu Jetty kỷ niệm, mặc dầu ngày nay nó hoàn toàn khác với những hình ảnh thân thương trong ký ức khi họ rời đảo.
 blank
Câu chuyện của một chiếc cầu: ngày xưa và hôm nay.

Những đợt sóng nhồi không chút thương tình cho các tấm thân vốn quen thuộc với đời sống thành phố, cùng với việc di chuyển từ Bidong về Redang mỗi ngày (Khổ, tập 2 – và còn nhiều tập nữa!) không những không làm các thành viên trong đoàn chùng lòng mà còn khiến mọi người càng tập trung và mau mắn, có lẽ vì ai cũng hiểu rằng lần này mình không có nhiều thời gian trên đảo.

Bidong nhìn từ trên cao – Video tư liệu của SkyGallery, Malaysia:https://www.youtube.com/watch?v=jjYFFaExi58

Vừa kịp thích ứng với “lịch hành quân” dồn dập, thức dậy từ tờ mờ sáng để kịp rời Redang sang Bidong trước khi sóng lớn, mọi người còn được ‘mừng mừng tủi tủi’ hội ngộ cái nắng khô hanh khét tiếng miền biển đảo Mã Lai này. Chả thế, chỉ sau ba ngày trân mình trên Bidong, chúng tôi bèn… nhận bà con với lũ “mực ba nắng”.

Tìm về dấu xưa…
Ý thơ trong bài “Thăng Long Thành hoài cổ” chập chờn hiện đến trong chuyến đi, dù “dấu xưa, nền cũ” trong lòng những người trở về Bidong khác hẳn khung cảnh của tác giả lúc Bà rời cố đô lên đường vào kinh làm quan hơn 200 năm trước. Giống nhau chăng là một mối cảm hoài về một “cuộc hí trường”!

Không những chỉ đối với cựu Thuyền Nhân Bidong mà bất kỳ ai đến thăm nơi đây cũng không khỏi bùi ngùi khi biết được hòn đảo nhỏ bé này – lọt thỏm giữa những hòn đảo du lịch nổi tiếng gần kề như Perhentian, Lang Tengah hay Redang – lại từng là chốn tạm dung cho xấp xỉ 250,000 người Việt tỵ nạn vài thập niên trước.
                                                                                         blank
Tấm bảng giới thiệu đảo Bidong của Chính quyền bang Terengganu, Malaysia
Đối với những ai từng nhận Bidong làm quê hương thứ nhì thì dường như lại có ít nhiều xa lạ, ngỡ ngàng so với hồi ức… Ngày trở về, trải dài trước mắt là cầu Jetty khang trang, vững chãi liền kề với hàng gạch sót lại của Kho Tiếp liệu Cao ủy, một bên (từng) là Bệnh viện Sick Bay nhìn ra xác con tàu sắt nay chỉ còn trơ sườn, nằm gác đầu lên mấy gốc thùy dương tóc xõa rì rào.

Gần như toàn bộ khu B đã khuất lấp sau rừng cây cao lớn, văn phòng Cao Ủy ngày nay chỉ còn là một bãi cát trắng phủ từng cụm rau muống biển xanh mướt. Thấp thoáng sau hàng dừa khu A ngày nào là dãy nhà nguyện mới dựng cùng trại cá của Đại học Thủy sản Terengganu. Bên kia đảo, dọc theo bãi biển khu C là một khu nhà nuôi san hô của một gia đình ngư dân địa phương.

Hàng cây trứng cá dọc đường lên Đồi Tôn Giáo lẫn trong từng bụi cây lớn, các bậc đá dẫn lên Nhà thờ nay chỉ còn sót lại Cung Thánh buồn bã nhìn ra những bụi cỏ lau mọc cao ngang ngực. 
blankCâu chuyện của một chiếc tàu: ngày xưa và hôm nay.

Vậy mà, mặc những hoài niệm ùa về, không ai bảo ai, mỗi người một việc bắt tay ngay trong Ngày 1 vào công tác chính của chuyến đi: trùng tu các di tích trên Bidong trong cuộc chạy đua với thời gian ít ỏi trên đảo.
Chúng tôi quyết tâm thay tấm áo mới cho Bidong!

Từng nhóm nhỏ phụ nhau chuyển vật liệu sơn sửa, máy bơm nước, ống nước và thang lên khu đồi Tôn Giáo. ‘‘Vô đội hình kiến!’’ – Đồng loạt ngoảnh đầu về phía tiếng nói dõng dạc tự tin ấy, mọi người không ai có thể ngờ rằng nó phát ra từ Thi sĩ Lâm Hảo Khôi (Sydney, Australia). Nhà thơ của chúng tôi không phải là người thích nói, nhưng quả thật khi đã làm thơ và ra lệnh thì mọi người cũng… khó đỡ.
blank
‘Đội hình kiến’ trên Bidong
Trong khi tìm nguồn nước gần nhất lắp máy bơm để rửa Cánh Buồm Tự Do và toàn bộ các kiến trúc trên Đồi Tôn Giáo, một thành viên đã nghĩ ra cách dẫn ống nước từ Đồi Tôn Giáo xuống thẳng tượng Ông Già Bidong, và đặt máy bơm cao áp ở đó (thay vì nối dây xuống nhà máy nước dưới chân đồi Tôn Giáo) để lực nước đẩy được mạnh hơn. Điều đó có nghĩa là phải chuyển máy bơm xuống dốc sau đó luồn ống nước qua bụi gai mà nhiều người mới nghe đã thấy… ớn. Ý tưởng táo bạo này mang lại kết quả mỹ mãn khi mọi người nghe tiếng máy nổ reo vui lúc mặt trời vừa đứng bóng.
 blank
Dẫn nước biển lên đồi Tôn Giáo…

Trong khi nhóm đàn ông đánh vật với các đường ống và cái máy bơm nước cứng đầu thì “Hội Phụ nữ Bidong” phụ trách sơn các tượng Phật trên Chùa Từ Bi cùng các tấm Bia Tưởng Niệm dọc theo đường lên Đồi Tôn Giáo. Người pha sơn, người kẻ chữ, người lo việc dọn dẹp và cúng bái. Có những sự quan tâm, cả những tiếng cười pha lẫn những giọt mồ hôi trong nguyện ước sửa sang ngôi nhà cho Đồng Bào không may mắn nằm lại – những điều mà trước hết đã mang chúng tôi đến với nhau, sau hết kết nối chúng tôi lại với nhau, vượt lên trên hết những mỏi mệt hoặc thiếu thốn tiện nghi ở đảo.
blank

blank
blank

blank
 blank
blank
 blank

Bước lên nền cũ…
Tạm xong công việc ở đồi Tôn Giáo, chúng tôi dù chẳng ai nói với ai nhưng biết rằng mỗi người đều ngoái tìm thăm một nền gạch đá ngổn ngang nằm lặng lẽ cạnh Cung Thánh. Đó là câu chuyện buồn khó phai của một thập kỷ. Mười năm trước cũng tại nơi này, tấm Bia Tưởng niệm Thuyền Nhân và Tri ân Liên Hiệp Quốc cùng Chính phủ Mã Lai tại Pulau Bidong do VKTNVN thiết lập chưa đầy năm đã bị phá hủy tận nền vì áp lực ngoại giao từ Hà Nội.

Có lẽ, thật sự đã tồn tại những vết thù còn chai đá hơn cả hoa cương cốt thép, có sức nghiền nát cả ba thập kỷ cưu mang và lòng cảm tạ giản dị mà chân thành giữa người với người…
 blank
Tấm bia Tưởng niệm TNVN tại Pulau Bidong 2005-2015

Ngày cuối ở đảo, chúng tôi lên viếng Nghĩa Trang khu G. Nghĩa trang nằm trên vị trí cao nhất của Bidong, chính vì thế rất hoang lạnh, khó đi nên qua năm tháng, nó cũng dần lu mờ trong trí nhớ của nhiều người.

Ngày trở về, đường lên khu G vẫn âm u dưới tầng tầng lớp lớp cây rừng và vẫn buồn như lần cuối ghé thăm, chỉ mới hồi tháng Tám năm ngoái. Ngoài mục đích thăm viếng và cầu nguyện, chúng tôi còn có ý định đánh dấu lại số mộ tại khu này và cập nhật số liệu cho những nhóm muốn thăm viếng trong tương lai. May mắn thay, chúng tôi tình cờ tìm lại được những di vật của người Việt tỵ nạn rải rác khắp nơi rất xa khu Nghĩa Trang chính quanh bồn chứa nước, như tube kem đánh răng Hynos, đôi dép sa-bô, vỏ hũ chao hay chai rượu. Linh tính nói rằng có điều gì đó còn nằm lại dưới lớp lá rừng phủ dày này. Quả thật, lần theo những hòn đá xếp thành hình vòng tròn, chúng tôi đã tìm và đánh dấu được thêm 41 mộ mới, và tin rằng có thể sẽ còn hơn nữa nếu chúng tôi có thêm thời gian tìm kiếm.

Những điểm tụ hội
Nói hai chuyến VBTD 23 (Koh Kra, Thái Lan) & 24 (Bidong, Mã Lai) là nơi tụ hội những sự trùng hợp ngẫu nhiên và “phát kiến” có lẽ không phải quá lời. Một điểm trùng hợp thú vị giữa hai chuyến đi: chữ ‘Koh Kra’ có nghĩa là ‘đảo Rùa’, trong khi ‘Pulau Bidong’ mặc dù nghĩa là ‘đảo Rắn’ nhưng hình dạng nhìn từ trên cao lại hệt như một chú rùa bụ bẫm và hiền lành.

Dù đã có lần nhắc đến, nhưng có lẽ càng nhìn lại, chúng tôi càng nhận ra nhiều điểm bất ngờ “gom nhặt đầy” trong những mẩu chuyện “Khổ, toàn tập” và trong những con số trùng hợp đến kỳ diệu.

Chuyến VBTD 23 đã phải mất gần 3 năm mới thực hiện được sau 3 chuyến tiền trạm đầy vất vả, mà chuyến đầu tiên năm 2013 ghe cá đã đưa 3 người dò đường tiến đến sát bờ Koh Kra nhưng do sóng quá lớn đã không thể cập bờ. Lần này đến với Koh Kra, chúng tôi lại một lần nữa ngạc nhiên khi thấy rằng Koh Kra thực chất là một cụm 3 đảo: Koh Kra Yai, Koh Kra Klang và Koh Kra Lek chứ không phải là một hòn đảo như mọi người vẫn biết đến.

Nếu VBTD 23 đã mang 36 thành viên về lại Koh Kra sau 36 năm, thì VBTD 24 mang 30 thành viên tiếp tục công việc trùng tu ở Bidong trong 3 ngày và kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng 3. Trong suốt cuộc hành trình về Biển Đông lần này, chúng tôi nhận được sự đồng hành của 3 cơ quan truyền thông Việt ngữ lớn tại hải ngoại: SBS Radio Australia, SBTN và Hồn Việt TV – USA.

Điểm tụ hội cuối của chuyến đò lịch sử lần này nằm ở những ngày cuối, và có lẽ vì thế nên sẽ được viết ở đoạn cuối này, vì nó lại là những con số - điều mà có lẽ chính tác giả cũng sẽ khá bất ngờ khi đọc được – nhà thơ Lâm Hảo Khôi:

“Đêm Bidong đêm ba mươi năm
Sinh tử nổi chìm trên ngọn sóng
Mồ nối mồ đắp theo biển động
Mùa chim đi tìm hơi gió đông”…
(Đêm ngủ trên cầu Jetty)

Ba ngày dốc sức với rất nhiều nụ cười, giọt mồ hôi và hơn cả là những lời cầu nguyện thành tâm, trời Mã Lai không đổ một hạt mưa, Cánh Buồm Tự Do vươn mình đón gió trong kiêu hãnh, hướng mặt ra Biển Đông với những ước vọng của biết bao thế hệ Thuyền Nhân xưa đã đến rồi ở lại, rời đi rồi trở về.

Cung Thánh và đài Mẹ Fatima, ghe Tỵ Nạn trên đồi Tôn Giáo, các tượng Phật, các bảng Ghi Ơn, cùng toàn bộ mộ bia trên Nghĩa Trang khu F đã được sơn mới. Tại Nghĩa Trang khu A, cỏ cũng được làm sạch và chúng tôi cũng trồng lại hàng cột đã đổ.

Khoảnh khắc tạm chia tay với Bidong, chúng tôi đứng ngắm 4 câu thơ Nôm trên Cánh Buồm Tự Do trong trời chiều, dường như (lại) một hạnh duyên khác nhắc nhớ đến tâm tình hoài quốc từ hơn 200 năm trước của một nữ sĩ trong niềm tưởng nhớ một quê hương đã xa...

Chúng tôi mạn phép mượn những giao cảm đó, gói thành hành trang tình người để mở ra những ngày tháng Tư đọng đầy cảm xúc…

Bidong, tháng 4/2016.

Blog Archive