Wednesday, August 31, 2022

Câu chuyện về một bác sĩ quân y VNCH được quân Bắc Việt ngưỡng mộ

Chuyện kỳ lạ xảy ra trong một trại tù cải tạo các cựu quân nhân VNCH, sau 1975, là nhiều lính Bắc Việt đã cùng nhau đồng loạt ký thỉnh nguyện thư, yêu cầu các cấp có thẩm quyền cho một người tù cải tạo VNCH được ra khỏi tù. Bởi vì người tù cải tạo này chính là một bác sĩ quân y đã tận tình cứu chữa khi họ bị thương, khi họ bị bắt đưa về bệnh viện quân y điều trị.

Đó là chuyện về bác sĩ Lê Ngọc Dũng, một bác sĩ giỏi có tiếng về lĩnh vực Ngoại – thần kinh. Bản tính ông vốn khiêm nhường, không bao giờ muốn ai nhắc đến mình như ông từng nói với tác giả dịch bài: “Thôi hãy để gió cuốn đi anh. Tất cả rồi cũng trở về cát bụi” hay như những câu thơ mà ông rất tâm đắc.

Vào tháng 11-1995, lần thứ sáu tôi trở lại thăm Việt Nam kể từ cuộc chiến tranh. Tôi là một thành viên của đội phẫu thuật tham gia tổ chức quốc tế Phẫu thuật Nụ Cười. Mục đích của tổ chức này là giải phẫu tạo hình, tái tạo cho trẻ em và thiếu niên bị hở môi, hở hàm ếch, các di chứng sẹo bỏng.

Chúng tôi làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nơi mà tôi đã có cơ hội viếng thăm người bạn của mình: Lê Ngọc Dũng MD, bác sĩ trưởng khoa ngoại – thần kinh, phó Giám đốc BV Đa khoa Đà Nẵng. Đây là câu chuyện về vị bác sĩ đặc biệt đã gây cho tôi nguồn cảm hứng để viết về anh.

Tôi đã phục vụ ở Bệnh viện Dã chiến Hải quân US với chức vụ Trưởng gây mê trong cuộc chiến năm 1968. Tôi đã từng triển khai một đội tăng cường từ căn cứ Pendleton suốt cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968. Đội của tôi đã nhập vào đoàn tình nguyện Thủy quân 27 và đến VN sau 48 giờ được thông báo. Chúng tôi đáp xuống phi trường dã chiến Đà Nẵng, nơi mà tôi trở lại sau đó trong nhiệm vụ của tổ chức Phẫu thuật Nụ cười.

Vào năm 1991, tôi trở lại Việt Nam với vai trò là thành viên đội phẫu thuật đi tiền trạm cho một công việc ở Huế. Chúng tôi đến Hà Nội theo một thỏa thuận của cộng đồng quốc tế và được đón tiếp tại trụ sở chính của đảng.

Chúng tôi đã họp với giáo sư Nguyễn Huy Phan, chuyên gia cao cấp về giải phẫu tạo hình ở Việt Nam, một thiếu tướng quân đội. Đó là một người đàn ông lịch thiệp, cuốn hút và là một chuyên gia cao cấp nổi tiếng. Ông đã đón tiếp chúng tối rất nhiệt tình.

Chúng tôi ăn tối với ông ấy ở một nhà hàng đặc sản. Chúng tôi đã trao đổi nhiều giờ với ông ấy và các nhân viên cũng như các bác sĩ nội trú. Tôi chắc chắn rằng đó là một trải nghiệm tuyệt vời nhất khi những ký ức chiến tranh vẫn còn lưu giữ trong lòng mình.

Chúng tôi bay tới Đà Nẵng ngày hôm sau, hạ cánh ở một phi trường thân quen vắng vẻ. Tôi không thể diễn tả đầy đủ những cảm xúc đan xen lẫn lộn đang trỗi lên trong lòng tôi lúc đi ra khỏi chiếc máy bay VN Airlines. Chúng tôi đã được tiếp đón bởi Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cùng với các nhân viên của ông ấy, trong đó có nhân vật chính của câu chuyện nầy: Bác sĩ LÊ NGỌC DŨNG.

Đón chúng tôi ở sân bay còn có một thầy thuốc khác, Bác sĩ Khôi, người có mối liên quan trong câu chuyện thực nhiều cảm xúc nầy. Những danh thắng quen thuộc: Sơn Trà, Non Nước..và những nhà vòm cong.. . vẫn còn rải rác đã gợi lên những cảm xúc rối bời trong tôi. Chuyến viếng thăm đi dọc bãi biển, sau đó đi ngang qua những căn cứ nơi đóng trạm của Bệnh viện Hải quân dã chiến ở Đà Nẵng trước đây, nơi tôi đã nhiều lần viếng thăm năm 1968.

Chúng tôi đã đi theo quốc lộ 1 đến Huế, cố đô cũng là cung điện hoàng gia. Đường quốc lộ nầy, suốt thời kỳ chiến tranh là một cung đường nguy hiểm, những đoàn công voa thường xuyên bị tập kích khi đi qua đây. Giờ đây nó là một cung đường đẹp ngây ngất, chúng tôi đã thưởng ngoạn cảnh đẹp của nó mà không lo lắng gì cả.

Ở Huế, chúng tôi đã họp với ông giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với trường Đại học Y Huế, Bác sĩ Thế, người đàn ông với dáng vóc khiêm tốn nhưng tài năng và danh tiếng vượt trội. Dưới sự giám sát và lãnh đạo của ông ấy, chúng tôi đã quay lại với một công việc mỹ mãn vào tháng 11 sau đó, và có cơ hội khám phá thành phố lịch sử và đẹp đẽ nầy.

Trong tất cả những con người tài năng và tuyệt vời mà tôi đã gặp ở Việt Nam, có một người rất đặc biệt để nhớ mãi đó là bác sĩ Lê Ngọc Dũng. Bác sĩ Dũng sinh 1941 tại Đà Nẵng. Anh ấy tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1966, sau đó nghiên cứu về giải phẫu tổng quát từ 1966÷1968.
Bác sĩ Lê Ngọc Dũng, ảnh chụp từ gia đình, vào những năm 2000

Anh ấy tham gia vào Quân lực Nam Việt Nam trong năm 1966. Khi làm việc với vai trò bác sĩ ngoại tổng quát tại bệnh viện quân đội Đà Nẵng (Tổng Y viện Duy Tân- ND), anh đã quan tâm đến vấn đề giải phẫu thần kinh bởi vì không có một bác sĩ ngoại thần kinh nào là người Việt ở bệnh viện quân đội. Họ phải cần tới sự giúp đỡ của các bác sĩ ngoại – thần kinh Hải quân Hoa kỳ.

Bác sĩ Dũng đã trở thành bạn bè với các bác sĩ ngoại – thần kinh Hải quân Hoa kỳ bởi khát vọng và kỹ năng tuyệt vời của anh ấy. Anh ấy đã được dạy về kỹ thuật giải phẫu thần kinh. Bác sĩ Nicholas Kitrinos (đã bị bệnh), bác sĩ Sidney Tolchin và bác sĩ Victor Schorn cũng nhiều người khác đã lãnh trách nhiệm đào tạo cho anh ấy.

Anh ấy đã làm việc dưới sự giám sát của họ cả ở bệnh viện Việt Nam và Trạm Y tế Hải quân Hoa kỳ. Nhờ sự huấn luyện nầy anh đã trở thành một thầy thuốc duy nhất ở Việt Nam chuyên về giải phẫu thần kinh.

Anh ấy luôn cảm kích và tri ân các bác sĩ giải phẫu của chúng tôi. Khi tôi gặp anh ấy lần đầu năm 1991, anh đã nhờ gửi lời cám ơn chân thành tới bác sĩ Kitrinos, nhưng .. lạy Chúa, ông ta vừa mới qua đời.

Trong thời gian được huấn luyện bởi các bác sĩ phẫu thuật Hải quân Hoa Kỳ, anh đã gặp nhiều tù binh bộ đội Bắc Việt bị thương ở đây đang được cứu chữa. Chúng tôi được yêu cầu phải làm việc với sự nhân đạo và phi quân sự. Chính nhờ việc phục vụ tận tâm và cứu giúp không phân biệt địch – ta đối với các tù nhân Bắc Việt Nam đã giúp bác sĩ Lê Ngọc Dũng bớt khó khăn sau nầy.

Vào tháng 3/1975 khi cuộc chiến đã kết thúc, anh bị đưa đến trại cải tạo bởi phe chiến thắng Bắc Việt. Dù là một chuyên gia ngoại thần kinh duy nhất của tỉnh (Quảng Nam – Đà Nẵng), anh cũng không tránh được việc nầy.

Anh ấy được nhập đội cùng với khoảng 4000 đến 6000 người mà công việc của họ là giải phóng đường sắt, rà gỡ bom mìn đã từng được cài đặt bởi cả 2 phía. Những người cùng làm đã che chở anh ấy và nói rằng: “Anh cứu giúp chúng tôi nếu chúng tôi gặp xui xẻo, hãy để chúng tôi làm và gỡ mìn tốt hơn là anh làm”. Thật kỳ diệu, một số trường hợp bị thương nghiêm trọng đã được bác sĩ Dũng xử lý trong các điều kiện thô sơ nhất.

Trong lúc nầy, một số tù binh Bắc Việt được cứu bởi bác sĩ Dũng trong thời gian ở bệnh viện quân y, khi nghe về hoàn cảnh bi đát của anh, họ đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu thả anh ra. Thỉnh nguyện thư được khởi thảo bởi một thầy thuốc từng là tù binh và được bác sĩ Dũng chữa lành vết thương ở chân, sau đó được trao trả về phía bắc năm 1972 trong lần trao đổi tù binh. Đó chính là bác sĩ Khôi, hiện là phó Giám đốc bệnh viện Trung ương Huế. Thỉnh nguyện thư đã phải mất 18 tháng để được cấp có thẩm quyền chấp nhận.

Năm 1992, BS Lê Ngọc Dũng có học bổng một năm về tập huấn phẫu thuật thần kinh ở trung tâm Perpignon (Pháp) nhằm hoàn chỉnh chương trình đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.

Người đàn ông đặc biệt nầy cũng có cậu con trai tốt nghiệp trường Y Khoa Huế và đã được dạy về phẫu thuật thần kinh mà thầy giáo chính là ba cậu ấy. Cậu ta cũng có một cơ hội học bổng một năm cho nghiên cứu phẫu thuật thần kinh ở Pháp và bây giờ là bác sĩ ngoại thần kinh thứ 2 ở bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Bác sĩ Dũng đã ở lại Việt Nam để phục vụ đồng bào mình. Anh đã làm việc với những điều kiện lạc hậu cùng cực trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước nầy. Bất chấp tất cả những trở ngại, anh đã phục vụ với tinh thần làm việc chăm chỉ, chuyên nghiệp, năng động, linh hoạt, vui vẻ, tự nguyện, niềm nở trong một phong cách tuyệt vời và với sự kiên nhẫn tận tụy tràn đầy nhiệt huyết.

Tôi thán phục người Việt Nam và ngưỡng mộ kỹ năng sinh tồn của họ. Anh Lê Ngọc Dũng đã nói với tôi “Thực hành phẫu thuật thần kinh ở Bệnh viện Đà Nẵng giống như vượt qua Thái bình Dương bằng thuyền nan !

Tôi ngồi với người bạn của tôi từ miền đất xa xôi nầy. Việt Nam đã trở thành một dấu ấn lớn trong đời tôi. Chúng tôi chuyện trò với nhau về nhiều thứ như những điều không thực đã và đang diễn ra!

Vượt ra ngoài những bất đồng của cuộc chiến với nhiều vết thương chìm, nổi.. chưa lành, chúng ta có thể thu nhận bài học từ sự chia sẻ hết lòng những kiến thức, kỹ năng để rồi cảm nhận một cách chân thành sâu sắc rằng lấy yêu thương xóa nhòa thù hận.

Một câu chuyện thú vị về nhân đạo quốc tế đã vượt qua nhiều rào cản. Các rào cản được dựng lên bởi các chính phủ, các bên tham chiến và khó khăn về kinh tế không thể làm lu mờ những đòi hỏi chính đáng của sự hợp tác thú vị nầy.

Tôi thấy mình nhỏ bé trước BS Lê Ngọc Dũng và khâm phục những thành tựu vượt qua khó khăn của anh ấy.

Nguyên tựa gốc là: The story of Le Ngoc Dung, MD
Người viết: Clyde W.Jones, MD
Người dịch: Lê Tịnh Xuân
Phòng trà Tự Do trước 1975 có gì hay ?

Quảng cáo phòng trà Tự Do trên báo cũ

LTS : Sinh hoạt giải trí của Sài Gòn trước 1975 như thế nào? Xin gửi đến độc giả một phóng sự về phòng trà Tự Do của tác giả Quỳnh Như đăng trên tờ Kịch Ảnh số 421, ngày 3 Tháng Mười 1970

Những đêm mưa, con đường Tự Do thật đẹp và thơ mộng. Từ đầu Quốc hội nhìn thẳng ra bến tầu, con đường Tự Do thẳng tắp và đèn rực rỡ như bầu trời sao sáng. Đứng ở một khoảng đường nào đó, chỗ La Pagode chẳng hạn, đưa ánh mắt nhìn lên, những mái nhà cao vút, im sững và lạnh lùng vô hạn. Thấp hơn một chút là hai hàng cây xanh xao, loang loáng nước in bóng xuống mặt đường, xao động vì cơn mưa còn đọng lại như một mặt sương mờ. Ôi, buồn biết sao kể xiết là một đêm mưa đường Tự Do với xe cộ nối đuôi nhau chạy dài, đỏ, xanh, vàng, tím của những cửa hàng bán rượu cho các anh lính đồng minh xa nhà. Trong cái diện tích đó, nhà hàng ca nhạc Tự Do đứng khiêm nhường ở một góc đường quẹo cũng trên đường Tự Do và mang cái tên của con đường chính : Tự Do chúng ta hãy vào đây nghe nhạc.

VÀI NÉT VỀ PHÒNG TRÀ TỰ DO
Màu xanh lân tinh làm vạt áo trắng của chúng ta xanh rờn rợn, những đốm xanh di chuyển thật ngộ và những chỗ ngồi bọc nệm êm ái.

Ở đây, đẹp nhất là ánh sáng và lạ nhất là sân khấu ! Ánh sáng rực rỡ, màu mè choảng nhau làm hoa mắt. Và công trình chưng diện cho phòng trà này từ Expo’70 mang về. Cái không khí lai lai nửa Âu nửa Á. Với hai cái cột to chắn ngang giữa phòng gây cho tia mắt nhìn của ta có nhiều khó chịu. Nhưng đó là tiểu tiết.

Dàn nhạc rộng, dư giả chỗ cho nhạc sĩ lẫn ca sĩ mà sân khấu tân kỳ với một cây cầu gỗ bắc ngang đưa người ca sĩ lại gần với khán giả, gần nhưng cái gần gũi thiếu thân ái bởi vị trí quá cao của người ca sĩ, nhưng bù lại, vì cái quá cao đó mà người thưởng thức, ngoài việc nghe nhạc ra, họ còn có cái khoái được thưởng thức thêm một “bộ môn” nữa, cho đôi mắt mình làm việc cùng đôi tay, âu đó cũng là một lẽ công bình cho thị giác và thính giác, phải không các bạn đàn ông con trai ?

Phải nói cho ngay rằng từ ngày ca sĩ Bích Chiêu về nước và hoạt động cho phòng trà này trong một thời gian thì ông chủ phòng trà này mới có ý định sửa lại sân khấu để có chỗ cho Bích Chiêu phô diễn tài năng. Và Bích Chiêu thật hợp với sân khấu đó. Nàng đi lại, nhún nhẩy, nhẹ nhàng và thoải mái. Bây giờ, Bích Chiêu đã đi nhưng sân khấu vẫn còn. Đối với bây giờ thì cái sân khấu đó chiếm nhiều chỗ quá, cây cầu dài bắc ngang sông, gập ghềnh uẩn khúc. Ít có ai dám qua sông trừ một vài ca sĩ trẻ đẹp, trình diễn nhạc ngoại quốc với một cặp đùi dài tuyệt mỹ lồ lộ dưới chiếc váy ngắn tối đa. 

Một vài ca sĩ chuyên trình diễn nhạc Việt như Phương Hồng Hạnh, Giao Linh v..v… đã không dám bước ra chiếc cầu đó để gần khán giả, họ sợ sẽ choáng váng giữa cầu. Nhưng mấy lúc gần đây, những ca sĩ đó cũng đã thôi hát ở Tự Do. Lý do ? Chỉ vì phòng trà này cứ ba tháng một lần lại thay đổi chương trình, cho nên sự ra đi và trở lại của những người ca sĩ, đối với phòng trà này là một sự thay đổi chu kỳ.
Hiện nay, trong chu kỳ này, Tự Do đang hoạt động với các ban nhạc trẻ, họ trình diễn nhạc ngoại quốc tuy nhiên ở giữa những bản nhạc kích động, các nữ ca sĩ vẫn xen kẽ vào những bài hát trữ tình Việt Nam. Và với khoảng thời gian nào cũng vậy, nhạc tiền chiến Việt Nam vẫn là một đòi hỏi cần thiết, và họ đã trình diễn những “Ngậm ngùi”, “Nỗi lòng” v..v… tuyệt hay.

BA DÀN NHẠC NỔI TIẾNG
Với ba ban nhạc lớn nổi tiếng như cồn.

The Revolution gồm :
– Tuấn Ngọc (Bass)
– Đức Huy (Lead)
– Hiệp San (Drum)
– Huỳnh Hóa (Organ)
– Lê Đô (Xaxo)
Và ca sĩ Carol, Vi Vân, Ngọc Anh, Ngọc Hiếu, Linh Phương.

The Flowers gồm:
– Trí (Organ)
– Đông (Drum)
– Hải (Lead)
– Tuấn (Bass)
Và những ca sĩ Tuyết Loan, Tuyết Hương, Tuyết Dung, đó là ba cô Tuyết của "The Apple Three".

The Blue Jets gồm :
– Robert (Organ)
– Albert (Lead)
– Philippe (Drum)
– Long (Bass)
Và tam ca trong gia đình Bích Chiêu như Anh Tú, Khánh Hà và Bé Thúy.

Với một lực lượng hùng hậu và nổi tiếng như thế, Tự Do đã phô trương được cái thế của mình. Đó là chưa kể phòng trà này hiện nay được cái lợi điểm là thể hiện giữa Trung tâm thành phố, tiện nghi cho tất cả mọi vấn đề, từ chỗ đậu xe, ăn uống và mua một gói thuốc lá nhỏ.
THE REVOLUTION
Vâng, đúng là họ đã làm một cuộc cách mạng như cái tên của họ đã chọn : The Revolution. Nhưng là một cuộc cách mạng lớn. Khai sinh từ ban nhạc trẻ “Bốn Trái Dâu” tức “The Strawberry Four” với bốn gương mặt bụ bẫm trẻ trung: Tùng Giang, Đức Huy, Tuấn Ngọc và Billy Shane. Họ đã rời nhau mỗi người một nẻo. Tùng Giang lập ban nhạc khác, Billy từ giã giới giang hồ để đi lập nghiệp ở một miền nào đó. Hai trái dâu còn lại chuẩn bị lập một thế đứng mới. Những người gia nhập với họ sau này là Hiệp San, Lê Đô và Huỳnh Hóa.

Và với The Revolution bây giờ, họ đã lớn, chững chạc hơn với những bộ veston đứng đắn xuất hiện mỗi đêm. Nhìn vào Tuấn Ngọc và Đức Huy, tôi bàng hoàng thấy họ không còn mang một dáng dấp nào của “Bốn Trái Dâu” ngày xưa nữa. Họ không còn mặc những chiếc áo rộng trẻ trung mầu vàng rám nắng của những quả cam mà tôi đọc trong truyện Đợi Chờ của Khái Hưng. Cũng không còn thấy những mái tóc bồng bềnh khói sóng năm xưa. Không còn thấy những nụ cười trẻ trung tuổi dại. Bây giờ, họ đóng khung trong y phục ngày lễ. Chững chạc hơn, ít nói cười và xử dụng nhạc khí trong một tư thế trang nghiêm trong giờ trình diễn. Ở Đức Huy và Tuấn Ngọc bây giờ là “các ông” bởi vì những trái dâu đó đã lớn, đã rụng xuống và bởi chồi rễ trong thân thể, những cây dâu khác vươn lên. Cách mạng ! Tuấn Ngọc và Đức Huy không còn mang một dáng dấp nào của ngày “bốn trái dâu”. Đầu tóc có ngôi rẽ và chải gỡ hẳn hoi. Trong ngòi bút đang viết của tôi, tôi thấy hình như có một sự tiếc nuối và cả sự hài lòng về hai khuôn mặt đó.

Những nữ ca sĩ thì ban nhạc này :

- Ngọc Anh với bộ giò thật đẹp và gương mặt hao hao giống Khánh Ly vì nàng là em của Khánh Ly. Nhưng bây giờ Ngọc Anh đã có lối trang điểm khác, có lối chải đầu thay đổi và những bộ y phục thời trang, cho nên những nét giống Khánh Ly bị mờ đi và Ngọc Anh hát nhạc với lối Pháp thì hay hơn nhạc lời Anh. Điển hình, Ngọc Anh trình bày “Les feuilles mortes” với lời mở đầu bản nhạc (chapeau) thật rõ và xuất sắc.

- Vi Vân, từ ngày rời “Ba Trái Táo” cô hát độc quyền cho nhà hàng này và chuyên hát nhạc Soul. Các anh lính đồng minh nghe nàng hát thì khoái lắm, cô có giọng mạnh, cao, nghe ngộp thở vì cái dáng bé nhỏ đó mà tiếng hát thì mênh mông, tưởng chừng Vi Vân bị bay bổng lên không gian.

- Carol, hình như nàng là gái lai, không biết lai nước nào vì tôi chưa viết bài về nàng cho nên chưa rõ, nhưng hát nhạc Việt thì vững lắm và nhìn Carol trong đèn thì được. Đèn mầu giúp cho sắc đẹp của Carol nổi lên và đó là một gương mặt lạ của phòng trà. Lạ ở đây có nghĩa là cái vẻ huyền bí sâu thẳm của một miền đất nước nào đó chứ không phải nàng là một ca sĩ mới vào nghề. Carol hát đã lâu, thân thể cường tráng với bộ ngực đầy và đôi giò dẻo nhẹo như kẹo mạch nha. Nàng hát với môi, với mắt, với tay chân và cả thân hình nữa.

Với bản “Ngậm ngùi” Carol đã làm say mê một số đông khán giả thích nghe Huy Cận viết thơ trữ tình.
Quảng cáo phòng trà Tự Do trên báo cũ

The Flowers với "Ba Trái Táo" Tuyết Loan, Tuyết Dung, Tuyết Hương
Dù có Vi Vân hay không thì họ vẫn là “Ba trái Táo”, một Tuyết Loan thay thế Vi Vân, kỹ thuật hát chưa điêu luyện bằng nhưng Tuyết Dung và nhất là con chim đầu đàn Tuyết Hương giữ giọng chính trong phần trình diễn, “Ba trái Táo” vẫn là một ban hợp ca có dáng vóc gầy đẹp và lối diễn xuất nóng bỏng, nẩy lửa không kém gì một ban hợp ca ngoại quốc.

Trước kia, Ba trái Táo và The Flowers cùng hoạt động ở Young Sound Club của Tùng Giang ở phòng trà CaFéteria (sic) rồi đến Mỹ Phụng. Sau nầy họ tách ra, làm ăn riêng rẽ. The Flowers cùng “Ba trái Táo” về Tự Do và phần trình diễn của “Ba trái Táo” lúc nào cũng đi đôi với dàn nhạc Flowers.

The Blue Jets với gia đình Bích Chiêu
Bích Chiêu đã đi xa nhưng vang âm của nàng vẫn còn ở lại, điều đó được chứng tỏ qua sự hiện diện mỗi đêm ở nhà hàng Tự Do. Các em của nàng : Khánh Hà, Anh Tú, Bé Thúy. Bây giờ Thúy đã lớn và người ta gọi cô là Thanh Thúy. Tam ca gia đình Bích Chiêu có lối hát lạ, giọng ngân vang huyền hoặc của Khánh Hà với đôi mắt thủy tinh, tiếng hát cao và điêu luyện của Bé Thúy với gương mặt non nớt trẻ con. Bé Thúy chưa biết trang điểm, và cũng chả cần trang điểm, Thúy chỉ nên để gương mặt dịu dàng như vậy, với mái tóc ngắn búp bê, nàng có cái dáng dấp đặc biệt ít người có ở cái thế giới phòng trà bây giờ. Và tuy còn nhỏ, Thúy hát như người lớn, mạnh, rõ ràng, cử chỉ mềm mại vì tấm thân thể mảnh mai yếu đuối. Anh Tú thì giống Bích Chiêu nhất trong các chị em. Bộ ba chị em đó hát với nhau thật hợp. Họ có những bộ y phục lạ mắt, Mode nhất mà có lẽ bà chị Bích Chiêu đã sưu tầm và gửi về từ bên trời Âu xa lạ, những bộ y phục đi trước thời trang đối với người Giao Chỉ đang sống trên quê hương Giao Chỉ.

Như thế là hết một đêm đến nghe nhạc cùng màn ảnh Slide muôn mầu. Đó là một thế giới ban đêm đáng đặt gót chân đến để nghe nhạc và nhìn trình diễn.

Quỳnh Như

It's even WORSE than we thought, and Zelensky is laughing about it

Tuesday, August 30, 2022

Người ấy ngày xưa

Mùa thu tím -- Tranh Lê Thúy Vinh.

Ở Quảng Ngãi, Trường trao cho tôi mảnh giấy nhỏ:
– Có dịp, nhớ tìm gặp Đoan. Lâu lắm rồi, tui cũng chẳng liên lạc với nó. Gặp bạn cũ, nó mừng lắm. Đoan bây giờ tướng tá ngầu xị. Tóc dài tới đây nề.

Trường chỉ ngang vai làm dấu. Tôi phì cười:
– Không chừng còn dài hơn tóc của Thùy nữa hả?

Ngày xưa cùng lớp, nhóm bốn đứa con gái chúng tôi, xưng là Hạ Thiên Tứ Hữu. Bởi, khi thầy dạy bài Đông Thiên Tam Hữu, nhóm chúng tôi cúp cua. Thầy để ý truy bài, cả đám ngậm tăm, thầy mắng cho một trận nên thân. Dù tai còn lùng bùng lời răn bảo thầy, tôi giấu tay dưới hộc bàn, viết vội tờ giấy chuyền tay mấy đứa bạn: “Tụi mình cần gì phải thuộc bài thơ. Bốn đứa đã là bài thơ hay rùng rợn”. Bên nam, một nhóm năm người, cũng có những màn biểu diễn rất ngoạn mục, trong và ngoài giờ học như chúng tôi. Có lần, chúng tôi cột vạt áo dài gọn vào nhau, tuần tự chui qua lỗ chó, ra hẻm sau trường đi ăn hàng. Khi chúng tôi đang hỉ hả sửa xiêm y ngay ngắn, bắt gặp năm chàng đã đứng xeo xéo góc hẻm quan sát tụi tôi. Trong “hoạn nạn” có nhau, từ đó tụi tôi hay “giao lưu” với nhóm nam này. Và ưu ái gọi là nhóm Halogen, mà chẳng cần xét năm chàng có hóa tính giống Fluor, Chlor, Brom, Iod, Astat chăng.

Tôi cất tờ giấy Trường đưa, chung với một xấp địa chỉ tôi sưu tầm trong gần hai tuần lễ đi từ nam ra trung. Một góc tờ lịch, mặt sau của tờ hoá đơn, tờ giấy bạc của bao thuốc lá... Tôi kỹ càng bỏ tất cả trong bao thư, sợ mất những sợi dây liên lạc tôi vừa tìm lại được. Xe chúng tôi đi tiếp ra Đà Nẵng, Huế. Bao thư địa chỉ của tôi càng lúc càng phồng to. Về lại Sài Gòn, tôi bắt đầu đem bao thư địa chỉ ra phân loại, nắn nót ghi lại trong sổ điện thoại của mình. Tôi để tờ địa chỉ của Đoan trên cùng, nôn nóng muốn hỏi thăm nhóm bạn xưa. Không nghe Trường nhắc đến Luân, nghĩ, có lẽ Luân đã xuất ngoại rồi. Lúc nói chuyện với Trường, tôi đã đôi lần chờ dịp thuận tiện vờ hỏi thăm Luân. Đã mấy lần đằng hắng, rốt cuộc, tôi chẳng hỏi. Tôi gọi Đoan tại sở làm. Một giọng nữ cất lên khô khan:

– A-lô.

– Chào cô. Tôi là Thùy. Cho tôi gặp anh Nguyên Đoan. – Tôi gò giọng thật mềm mại, lịch sự.

– Chị chờ một chút.

Tự nhiên tôi lúng túng, tôi sẽ giới thiệu mình như thế nào đây. Hơn 30 năm còn gì. Trong trí nhớ của tôi nhạt nhoà hình ảnh của Đoan. Nếu Đoan không nhận ra, tôi xin lỗi, gác máy. Nếu có, nói chuyện gì đây. Tốt nhất, người ta sẽ nói rằng Đoan đang bận, không nhận điện thoại được. Tôi hẹn lúc khác gọi lại...

– A-lô.

– Tôi là Thùy. Xin cho gặp anh Đoan.

– Tôi là Đoan đây.

– À, Thùy hồi xưa học lớp 10 ở Trần Quốc Tuấn. – Tôi bắt đầu bối rối, không biết sẽ khai chi tiết lý lịch của mình cỡ nào để Đoan nhận ra. – Ờ, Thùy cùng với nhóm...

– Ô, Thùy đó hả! Đoan nhớ chứ. Thùy học trò cưng của thầy Sinh Anh văn đó mà.

Sau vài dòng giới thiệu sơ sịa, rằng tôi đã ở Âu Châu hơn hai mươi năm. Đã đôi lần về Việt Nam, nhưng lần này mới thực sự gặp gỡ được bao nhiêu là bạn xưa. Đoan làm cho hãng ngoại quốc như một họa sĩ, chuyên phác họa phim hoạt hình.

– Sao, Thùy bây giờ chồng con ra sao?

– Thùy lập gia đình lâu rồi. Con Thùy lớn lắm. – Tôi thiệt thà. – Còn Đoan?

– Ừ, Đoan khác xưa nhiều lắm.

Tôi dỏng tai chờ Đoan “thành khẩn khai báo” như tôi. Nhưng Đoan lại tiếp lời:
– Chiều nay Thùy đã có chương trình gì chưa? Đi làm ra, khoảng năm giờ chiều Đoan đến gặp Thùy nghe.

Tôi vội vàng:
– Thùy ở nhà suốt ngày hôm nay. Lúc nào Đoan đến cũng được.

...

Tôi lại tiếc đã không đủ can đảm hỏi thăm Đoan về Luân. Tự nhủ, chiều nay, nhất định sẽ hỏi. Chiều, chị Thảo hỏi, có ế độ thì cho tháp tùng. Tôi vênh váo:

– Chiều nay tái ngộ cố nhân, sau bao năm mấy phương trời cách biệt. Hí hửng, hồi hộp, hân hoan...

Tôi tính mặc cái đầm màu xanh da trời bằng vải sợi, Quỳnh, nhỏ bạn thân, đưa cho mượn. Cái đầm đơn giản, trông thanh lịch. Tôi mặc vừa vặn, đúng ra hơi sít sao. Nhớ hôm đi ăn chiều với anh Tuấn, bạn chị Thảo, anh nhướng nhướng mày:

– Cha, Thùy lúc này coi...

Anh bỏ lửng. Tôi tò mò:
– Coi sao?

– Đẹp. – Anh nói gọn lỏn.

Nghe khen đẹp, tôi thích chí cười toe.

– Mà đô. – Anh Tuấn tiếp lời.

Tôi tắt ngay nụ cười vừa hé. Phản xạ tự nhiên, tôi thót bụng, thẳng lưng. Tưởng làm như vậy chiều dài cơ thể sẽ giãn ra, mà rút bớt bề ngang, bề dày.

Thôi, mấy mươi năm mới gặp lại, đừng để bạn xưa phải tiếc rẻ, phải chi lạc tin luôn, câu chuyện chắc đẹp hơn. Tôi xét lại mớ áo quần Quỳnh ưu ái đưa dùng. Quần short thì tôi nhất định loại khỏi phòng chiến ngay từ đầu. Chỉ còn cái quần capri, loại chó táp bảy ngày không tới, mặc với áo vải thô trắng, sát cánh, có thêu hoa trắng ở chân áo, trông cũng dễ thương. Không thướt tha như mặc đầm, nhưng tướng tá đỡ vẻ phương phi phốp pháp. Tôi chẳng có lựa chọn nào khác. Trời nóng, lúc nào cũng rìn rịn mồ hôi, hộp đồ trang điểm mang về, tôi không rớ tới. Ở Âu Châu, khi ra khỏi nhà, thoa nhẹ chút phấn, bôi phớt tí son, đối với tôi cũng quan trọng như áo quần giặt sạch sẽ, ủi thẳng thớm. Ở Việt Nam, áo quần vẫn phẳng phiu, nhưng tôi chỉ vác mặt trần ra đường. Tưởng tượng, nếu dùng phấn, thì vài phút sau mặt tôi giống trái dưa sọc.

Tôi ngồi trong phòng khách nhà chị Linh, vờ lơ đễnh mở tờ Kiến Thức Ngày Nay, mắt cứ liếc liếc đồng hồ. Chị Linh nói:

– Mày nóng ruột gì sớm vậy? Sáu giờ nó tới vẫn còn gọi là đúng giờ.

– Ủa, em nghe nói Việt Nam bây giờ hết xài giờ cao su rồi mà.

Vừa lúc đó điện thoại di động của tôi réo rắt.
– Thùy ơi, Đoan đây, chừng hai chục phút nữa Đoan mới đến được, vì còn chờ một bạn từ Long An về. Vậy khoảng năm giờ rưỡi nhe.

– Ô, – Tôi ngạc nhiên. – Vui quá ha. Ai vậy?

– Gặp sẽ biết.

Tôi khoe liền với chị Thảo:
– Bạn cũ của em tình– xưa– thắm– thiết chưa! Gọi đến bất thần vậy, mà vẫn thu xếp đến thăm em. Giờ lại kéo thêm người bạn khác, chạy tuốt từ miền tây về đây.

Tôi kéo dài chữ tuốt, làm như miền tây ở phía bắc của Hà Nội, cho chị tôi thấm được cái sự nhiệt tình của bạn xưa.

Tôi bồn chồn lật lui lật tới mấy tờ báo cũ, len lén nhìn đồng hồ. Chị Thảo mời mọc:

– Nếu bị hẹn lèo, thì tối ni mi đi uống cà phê karaoke với nhóm tao. Không chừng cứ chờ thêm nửa tiếng, hắn lại dẫn thêm đứa bạn nữa.

Tôi cảm thấy nhột ở gáy. Tôi mới “ta đây” về lòng thành của bạn xưa, muốn gặp lại tôi. Tái ngộ sau mấy chục năm mà đãi cho chầu thịt thỏ như vậy, tức bụng anh ách cho đến mấy chục năm nữa. Thì thôi, tấp vô đi chơi chung với bạn chị Thảo, chớ không lẽ ở nhà chị Linh giữ chùa sao.

Vừa lúc đó, chị Linh ở trước nói với vào:
– Thùy ơi, có bạn tới tìm.

Tôi lật đật phóng ra cửa. Nơi cầu thang tôi là một rừng dép, giày, không tìm được ngay đôi giày của mình, nên xỏ đại đôi dép nhựt. Tôi nhận ra ngay Đoan, mày râu nhẵn nhụi, chứ không là chàng hippie như Trường tả. Và Luân, tôi không giấu nỗi ngạc nhiên, vui mừng tôi tiến lại:

– Đoan, Luân. Còn đây là...

– Lê Thành Nhân đó. Nhân chạy từ Bình Dương về, nên tụi này đến hơi trễ. – Đoan liến thoắng. – Lúc trưa nghe Thùy kể có con đã lớn, nhưng Đoan quên hỏi là con trai hay con gái. Nên bây giờ gặp, ngờ ngợ, không biết là chào mẹ hay chào con.

Tôi lính quýnh:
– Trời ơi, mấy chục năm rồi...

Luân nhẹ nhàng:
– Nói vậy chớ mình nhận ra Thùy ngay. Bao nhiêu năm mà thấy Thùy như xưa. Vẫn trắng da, dài tóc.

– Và vẫn khòm khòm. – Nhân chen vô.

Vậy là cả bốn người cùng cười vui vẻ, tưởng như đang trong lớp học ngày nào. Ngày xưa, khi mới lớn, tôi cứ có cảm tưởng mình hơi dư bề dài. Cứ cảm thấy cao là khổ trong lòng một ít. Cho nên tôi hay khòm. Tới khi phát giác, mình chỉ có cao hơn người lùn một chút xíu chớ mấy. Hỡi ôi, tật khòm đã bám dính vào cột sống của tôi. Tôi chạy vô nhà báo tin cho hai chị, rằng đi chơi với bạn rồi tối về ở lại nhà Quỳnh. Chị Thảo cười:

– Thấy chưa, tao nói như thần mà. Không chừng mi chờ tới khuya, cả lớp kéo tới luôn.

– Thôi, nhiêu đó đủ rồi. Đi lè lẹ đi, cả ba chàng ngự lâm pháo thủ chờ. – Chị Linh khoát khoát tay như đuổi.

Tôi nhìn cả ba chàng:
– Thùy được phép “chở” ai đây?

Đoan nhìn qua Luân:
– Mày chở Thùy đi nhe. – Đoan quay qua tôi. – Luân chạy xe được lắm.

– Luân chạy chầm chậm cho Thùy ngắm phố nhe.

Tôi nói vậy, chứ tôi đâu có mê ngoạn cảnh. Chỉ lo tài xế chạy lả lướt quá, tôi sợ u đầu, sứt trán, sợ bỏ mạng sa trường. Tôi cảm thấy yên tâm, Luân chạy vững vàng, không lạng lách nhiều. Tả quân có Nhân, hữu quân có Đoan. Chúng tôi đến tiệm cà phê Thiên Lan, Luân kể:

– Đây là một trong những khách hàng của mình đó. Mình thầu bắt điện. Cho nên bươn bả khắp nơi, đông, tây, nam, bắc. Mình có học nghề này đâu. Ban đầu đi làm thợ vịn, từ từ, nghề dạy nghề. Mình chịu khó, nên bây giờ kể ra cũng khá. Có điều đi suốt ngoài đường, sương gió dãi dầu.

Tôi nhìn kỹ Luân, không đến nỗi phong trần như Luân kể. Ngày xưa học trong lớp, bạn bè gọi Luân là công tử bột. Luân lúc nào áo quần cũng bảnh bao. Là con một, mồ côi cha, mẹ khá giả nên Luân trông có vẻ cành vàng lá ngọc lắm.

Kể đủ chuyện lan man. Luân nhắc Nhân:
– Bây giờ có Thùy. Ông hỏi Thùy đi thì biết sự thật.

Nhân nhìn Luân cười đồng loã:
– Ờ, hỏi chớ! Không thôi hết đời tui đâu biết sự thể ra sao.

– Hồi đó, Nhân cứ khăng khăng là Thùy hay bênh vực mình tại Thùy... có cảm tình với mình. – Luân cười xoà. –

Biết sao không, có lần Nhân đang đưa bài vở cho Thùy, mình cần hỏi Thùy gì đó, nên chen vào. Nhân phán: “Đồ bất lịch sự”. Mình cảm thấy quê quá sá trời, dù lỗi của mình. Nhưng cũng khó chịu là Nhân “ác” với mình trước mặt Thùy. Thì lúc đó, Thùy chậm rãi: “Ngượi lịch sự không bao giợ nọi ngượi khạc bật lịch sự.“ – Luân còn giả giọng của tôi một cách... trật lất.– Mình đang bực thằng Nhân, nghe xong... hạnh phúc dễ sợ. Từ đó, Nhân né mình luôn.

Nhân gục gặc:
– Thiệt đó chớ. Học trong lớp, tui thấy Thùy nói chuyện líu lo với tụi con Chiêu, con Khánh, con Duyên. Mà với tụi tui, khi nào hỏi Thùy chỉ trả lời nhát gừng, không nói dư ra nửa chữ.

Đoan tán đồng:
– Thùy bước vô lớp, cặp mắt quét một vòng. Đoan tưởng tượng như mắt Thùy là máy quay phim, thâu hết mọi hình ảnh rồi đem về phòng thí nghiệm phân tích. Thùy không nói, nhưng mỗi lần đối đáp với đám thư chọc phá của tụi này, Đoan thấy toàn là chữ của Thùy không à.

Tôi rùn vai:
– Ui, trời, trời, Thùy hồi xưa nhiều tội quá. Thùy cứ đinh ninh, mình hiền nhất trong đám.

Nhân tiếp lời:
– Vậy mà khi không, Thùy binh Luân, tống cho tui một câu tối tăm mặt mũi. Thùy rời trường vô Sài Gòn. Lâu lâu nghe tụi con gái nói Thùy gởi lời thăm. Thăm cả đám tụi tui, chớ không phải riêng gì Luân, mà tui cứ một hai nghĩ là Thùy đặc biệt với Luân.

Trong ánh đèn mờ của tiệm cà phê, tôi nhìn Luân, rồi nhìn Nhân, nhìn Đoan, tưởng như thấy mấy anh chàng thanh niên mới lớn qua hình ảnh ba người đàn ông bước vào tuổi trung niên đang ngồi trước mặt. Thật ra, Nhân nghĩ không hẳn là sai. Thuở đó, tôi ít nói chuyện với bên nam, có lẽ do ngại giọng nói mô-tê-răng-rứa của mình.

Lần đầu tiên khi cả khối lớp 10 đi tuần lễ lao động, đào kênh ở vùng quê xa, đám học trò mới nếm mùi “vinh quang”. Con Nụ xí ngay chức nấu ăn cho cả lớp, mà nó cứ léo nhéo xài chữ chị nuôi nghe thiệt khó ưa. Thầy Sinh chủ nhiệm cất nhắc hai ba đứa. Rồi cuối cùng quyết định cho tôi phụ bếp với con Nụ. Tôi không cảm nổi cái giọng tiến– quân– ca của nó và cặp mắt cú vọ lom lom nhìn mọi người dò xét. Nhưng khỏi phải xúc đất, khiêng đá, khỏi cả ngày đứng dưới nắng thì quả là hạnh phúc, được ở trong bếp cho con Nụ bắt nạt. Con Nụ chê tôi không biết nấu cơm. Cũng đúng, ở nhà tôi chỉ biết xài nồi cơm điện National. Còn ở đây đun củi lửa phừng phừng, cái nồi to như thùng đựng gạo ở nhà, tôi chẳng biết xoay sở làm sao. Cho nên, nó phân công tôi lượm thóc, lượm sạn trong gạo, lặt rau, gọt bầu, xắt bí... Rồi đứng xớ rớ chờ nó sai vặt. Hết việc, nó bắt tôi chẻ củi để sẵn cho ngày hôm sau. Tôi loay hoay không biết vịn cây củi ra sao, để rựa đừng nhát xuống trúng tay. Con Nụ bực bội, khinh khỉnh ngó tôi vật lộn với đám củi. Nó chờ thầy Sinh về đến, để kêu người khác có khả năng thích hợp thay thế tôi. Vừa lúc đó cả lớp từ ngoài kênh đang lao xao về. Tôi bối rối vì cảm thấy mình vô tích sự. Thầy Sinh đâu còn lý do gì cho tôi ở nhà, du di cho tôi trốn nắng. Tôi chăm chú nhìn khúc củi, tay nắm chặt cái rựa, không biết Luân đã đến bên cạnh:

– Thùy để Luân phụ nghe. Gì chớ chẻ củi Luân rành lắm. – Vừa nói Luân vừa ngồi xuống.

Tôi mừng rỡ đưa rựa cho Luân. Tôi khuân những củi đã chẻ xong vào bếp. Con Nụ nhìn tức tối. Mỗi chiều, Luân và tôi cùng trong “dây chuyền sản xuất” củi. Mấy đứa bạn chọc tôi, nói, duyên quê. Tôi mắc cỡ, la đám bạn nói tầm bậy tầm bạ, ngắt véo. Chúng đau, la oai oái, nhưng vẫn cứ phá tôi. Tôi cảm kích lòng tốt của Luân lắm, cứ lo lắng không biết đám bạn của Luân có ghẹo Luân chăng.

Khi nhà của gia đình tôi bị tịch thu và buộc phải dời về xóm nhỏ cuối phố, cuộc sống của gia đình xuống dốc kinh khủng. Về chỗ mới, nhà như cái chòi, nước máy không đủ, nên phải chiều chiều thuê người gánh nước thêm về nhà xài. Tự nhỏ đến lớn tôi đâu biết gánh nước. Tôi đặt thử đòn gánh với cặp thùng rỗng lên vai, cảm thấy xương vai đau buốt. Có lần người gánh nước không đến được, các chị tôi ở xa, tôi thành con gái lớn trong nhà, đỡ đần Mạ tôi. Một tay cầm gàu, một tay xách xô, tôi qua giếng nước. Khi tôi đang thở hổn hển, đổ gàu nước vô xô, tôi chợt ngước lên. Tôi rụng rời, đầu gối như nhũn ra, Luân đang đứng trước hiên nhà ngó tôi chăm chăm. Tôi có nghe nhà Luân ở đâu đây, nhưng không dè ngay cái giếng lớn của cả xóm. Tôi xấu hổ, tôi ngượng ngùng. Mới qua một thời gian ngắn, vẻ mượt mà kín cổng cao tường đã bị thay thế bằng lam lũ, láo nháo giữa chợ. Tôi không biết đã lúng túng quấn quấn sợi dây dừa quanh bàn tay bao lâu, đã lắc lắc nhè nhẹ cái gàu trên thành giếng bao lâu. Luân chạy đến, giọng vui vẻ:

– Đưa gàu đây, Luân múc nước cho.

Luân lẹ làng, thả gàu, kéo dây, đổ đầy xô. Rồi Luân một tay xách xô, một tay xách gàu đầy nước xăm xăm đi trước. Tôi líu ríu theo sau.

Tới nhà, gặp Mạ tôi. Luân mau mắn:
– Chào bác. Cháu học chung lớp với Thùy. Thấy Thùy yếu ớt, xách nước coi tội nghiệp quá, cháu giúp một tay.

Rồi Luân bảo tôi lấy thêm cái xô. Sau đó chúng tôi đi nhiều vòng. Luân xách hai xô nước, còn tôi chỉ xách gàu. Đầy thùng phi, Luân còn kỹ càng xách thêm hai xô nước để bên cạnh. Tôi lí nhí cám ơn. Hôm đó tôi cứ bần thần mãi. Mỹ cảm tôi đã dành cho Luân đậm đà hơn nữa nhờ mấy xô nước giếng. Mà tôi nào có dịp tỏ cho Luân biết đâu. Tại, Luân không hỏi, làm sao tôi trả lời.

Tôi quay qua Nhân:
– Hơn 30 năm mới có câu trả lời cho câu hỏi đơn giản hả. Thì, đối với Luân có đặc biệt hơn mấy người khác chớ. Quay qua Luân– Nhứt là hồi Luân xách nước giúp Thùy đó.

Luân thoáng ngạc nhiên, xong cười vui:
– Trời ơi, Thùy nhớ dai thiệt. Không nhắc, chắc mình quên mất tiêu. Ừ, nhớ Thùy tiểu thư lắm. Thời gian đó cực ghê há.

Đoan chen vô:
– Ủa, sao có màn xách nước gì mà có bao giờ nghe mày kể đâu?

– Đâu phải chuyện gì cũng bật mí được.– Luân cười cười làm vẻ bí mật.– Ờ, sau đó ở Sài Gòn chắc đỡ hơn nhiều hả Thùy? Năm giữa lớp 11 mình bị bắt đi bộ đội truyền tin. Bị đẩy về Tây Ninh sát biên giới.

– Trời đất, còn nhỏ mà bị bắt đi lính à?

– Đâu có nhỏ. Hồi xưa, bà già cho mình đi học trễ. Năm 75 mình bỏ học, bà già năn nỉ hết nước. Thấy bà già buồn mình không đành, nên vô học với... con nít. Thùy con chuột phải không? Mình con gà mà.

– Chết, chết, vậy sao hồi giờ không nói. Tụi Thùy cứ tưởng là cùng tuổi nên chỉ kêu tên. Bất kính quá. Vậy phải điều chỉnh lại không?– Tôi tủm tỉm.

– Thôi khỏi, bạn bè thân lâu rồi, quen sao giữ vậy. À, mình kể tiếp. Hồi khi có lần nghỉ phép, mình từ Tây Ninh về, còn mang đầy đủ ba lô, máy truyền tin và cả súng. Mình tìm đến nhà Thùy, tính dành cho Thùy sự ngạc nhiên. Trời chạng vạng tối, mình đến con đường nhà Thùy, người đã mệt đừ. Mình nhớ, Thùy kể, nhà là chai ba ba, số 333 hay 335 gì đó. Mình hỏi khắp cả khu đó, chẳng ai biết chút xíu gì đến gia đình người Trung, có mấy cô con gái sàn sàn ngang tuổi. Đành bỏ cuộc, về nhà bà dì ở chợ Bà Chiểu ngủ lại. Sau đó đi xe lửa Thống Nhất về Quảng Ngãi. Gặp Chiêu, hỏi kỹ lại địa chỉ mới biết số nhà là 533. Mà rồi mình đâu có dịp đến nữa.

Tôi xuýt xoa, cảm thấy tiêng tiếc:
– Thiệt hả, thiệt hả.

Tôi cúi đầu, vờ lắc lắc ly nước đã cạn, muốn giấu mắt mình đang chớp nhanh. Tiệm cà phê có chàng ca sĩ với nhan sắc của một người đàn... ông không đẹp trai, nhưng giọng ca rất ấm, với những nhạc phẩm của Cung Tiến, Từ Công Phụng... Luân viết giấy yêu cầu bài Ngày Xưa Hoàng Thị. Nhưng ca sĩ bảo, nhạc phẩm này chưa được phép hát. Luân khuấy nhẹ tách cà phê đã nguội lạnh từ lâu:

– Hồi đó đi lao động, buổi tối tụ tập hát hò, mình hát bài này, thầy Sinh chưởi nát nước. Ổng phải giả đò vậy thôi, chứ mình biết ông cũng thích nhạc như tụi mình.

Rời tiệm cà phê, Luân dẫn đường, nói, để tôi ngắm Sài Gòn ban đêm, Nhân và Đoan chạy theo. Chạy dọc bến Bạch Đằng, trong gió đêm dìu dịu, hình như Luân đang ca nho nhỏ... Ai mang bụi đỏ đi rồi...

Chạy đến khu Cấm Chỉ có các món gà. Tôi lắc đầu. Chạy về khu Chợ Khuya có các loại thịt rừng. Tôi lắc đầu. Cuối cùng, chúng tôi lên khu bán thức ăn đặc sản Quảng Ngãi ở Ngã Tư Bảy Hiền. Món don vẫn còn hương vị xưa, với bánh tráng và ớt sim. Có điều tô don bằng nhựa, hoa hoè sặc sỡ. Nên tôi nhơ nhớ cái tô bằng đất, đôi khi có vài vết mích, mẻ, lỏng bỏng những nước, khoắng năm bảy vòng, may mắn mới thấy con don bé tí xíu. Không đói, nhưng gặp món ram khoái khẩu tôi thưởng thức tận tình. Ba chàng, nam thực như hổ, nhìn tôi ăn, phải gật gù, nữ thực như... nam.

Ba chàng đưa tôi về nhà Quỳnh, đã giữa khuya. Khi Quỳnh lịch kịch mở khoá, Luân dúi vào tay tôi cuốn 100 Bản tình ca tiền chiến và cuốn Tuyển tập thơ Nguyễn Bính.

Tôi rón rén bước vô nhà, áy náy quá:
– Mày lim dim đuợc chút nào không? Tội nghiệp mày quá. Tại, lâu quá mới gặp lại mà không biết bao giờ...

Quỳnh cắt ngang:
– Khỉ mốc. Mày với tao mà còn bày đặt thanh minh thanh nga. Tao hơi mệt, bữa nay dạy thêm đến chín giờ rưỡi mới xong. Đi chơi vui không? Ờ, khỏi hỏi. Coi cái mặt mày là biết.

Tôi lắc lắc vai, bây giờ mới thấy hai vai mỏi nhừ. Tay mân mê bìa cuốn nhạc, tôi nhỏ giọng:

– Ừ, mấy chàng chở lòng vòng cho đi ngắm phố đêm. Đi lâu, mà cứ vịn ngược đàng sau, mỏi tay quá trời.

– Mày vịn ngược kiểu đó nguy hiểm nữa. Thắng một cái, có khi văng ra khỏi xe.

Tôi nhớ có chị bạn kể, khi về Việt Nam, người ấy ngày xưa của chị đưa đi chơi. Chị hỏi người ấy, cho phép chị vịn ở đâu. Người ấy trả lời, ở đâu thấy tiện thì thôi. Chị đố tôi, sau đó, chị vịn thế nào. Tôi chịu, chẳng đoán già, đoán non gì được. Định hỏi chị đã “thực tế” như thế nào để lỡ khi mình gặp chuyện mà hành xử thích hợp. Tôi lại quên hỏi. Tự nhiên, tôi nghĩ vẩn vơ, nếu tôi hỏi Luân như vậy, Luân sẽ trả lời như thế nào. Nếu Luân không bảo tôi tùy tiện, mà bảo ôm eo hay vịn vai thì tôi phải làm sao đây. Ủa, mà Luân đâu phải là người ấy ngày xưa của tôi hồi nào đâu. Hay là, phút chạnh lòng cạnh đống củi, bên giếng nước và tưởng tượng cảnh Luân trong bộ vó bộ đội tìm thăm tôi, cũng có thể xem Luân như người ấy ngày xưa. Tôi thả người xuống salon, để hai cuốn sách lên đùi, hai tay tréo qua bóp bóp vai, cười khục khặc một mình.

Quỳnh lè nhè giọng ngái ngủ, kéo tôi khỏi dòng tưởng tượng:
– Khò cho rồi. Làm gì mà còn ngồi đó, nhăn răng cười như đười ươi vậy!

– Hoàng Quân
Chuyện đau lòng ngành Y 

Hôm nay, mình đọc trên báo thấy một tin khá đau lòng ở ngành Y nước ta, đó là các BS đang phải sử dụng những dụng cụ y tế “kém chất lượng”! Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức sáng 21/8, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chia sẻ nỗi "bức xúc" của các bác sĩ tại viện này 

Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt”.

Một số người có thể nghĩ đơn giản là “nếu rạch 2 lần không đứt thì rạch 3 lần, 4 lần”, BS có thể chỉ cần tốn thêm một ít thời gian nhưng tiết kiệm được một số tiền đáng kể với gói thầu “rẻ nhất”! 

Thực sự thì điều này không đơn giản như vậy! Dao mổ (scalpel) là một dụng cụ y tế được thiết kế “đủ bén” để người BS phẩu thuật chỉ cần sử dụng lực vừa phải là có thể tạo những đường rạch trên da, trên mô thật “ngọt”. Những đường rạch “ngọt” như vậy sẽ giảm thiểu được tối đa các tổn thương ở các tế bào vùng bị cắt, điều này sẽ làm giảm phản ứng viêm (inflammation), sưng (swelling) sau mổ, giảm hiện tượng xơ hóa (fibrosis), thời gian hồi phục nhanh và sẹo để lại nhỏ. 

Trái lại việc sử dụng dao mổ “cùn” sẽ buộc người BS phẩu thuật sử dụng lực nhiều hơn, một vết mổ phải rạch đi rạch lại nhiều lần sẽ làm tổn thương mô lan rộng, dẫn đến dễ hình thành vùng viêm, sưng sau khi mổ, thời gian vết thương lành lâu hơn và tăng xác suất bị biến chứng ở vùng mổ sau đó! 

Do vậy, việc có con dao mổ đúng “chất lượng để phẩu thuật” là điều cơ bản và rất cần thiết, nó không những giúp giảm bớt stress cho người BS phẩu thuật mà còn giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng cho người bệnh nhân và nâng cao chất lượng phục vụ của ngành Y tế.

Ở trên đây chỉ là phân tích về con dao mổ nhỏ bé thôi, chứ nhiều thứ khác trong lĩnh vực Y tế cũng không thể được bỏ qua như kim chỉ, thuốc men, dụng cụ hỗ trợ, v.v… Mình đồng ý với ông Thức kiến nghị rằng “giá mua sắm không nên là “giá thấp nhất”, cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu điều trị thực tế.” Do ngành Y với mục đích cuối cùng là đem lại kết quả tốt nhất khi chữa trị trên “người” nên những dụng cụ sử dụng trong ngành Y cho nhân dân cần phải đạt được những tiêu chuẩn “tối thiểu”! Ví dụ như con dao mổ cần điều kiện tối thiểu là “phải sắc bén”. Người chấm thầu vật tư Y tế cần phải đặt những thứ tự ưu tiên khi chọn thầu như sau: 1/ an toàn, 2/ chất lượng, 3/ giá cả; không thể để “giá cả” là thứ tự ưu tiên hàng đầu để chọn một sản phẩm sử dụng trên người!

Từ khi cơn bão Việt Á-CDC nổi lên thì một loạt các hệ quả đã kéo theo sau đó, các nhà chức trách, các công ty nhập khẩu thiết bị, những nhà thầu và đơn vị chấm thầu đều khá lúng túng để “thích nghi” trong bão. Hiện tượng thiếu thuốc, các trang thiết bị và hiện tượng giảm chất lượng vật tư Y tế ở bệnh viện cũng có thể là một trong những hệ quả đó! Tuy những nhức nhối như thế này thật đáng buồn nhưng hy vọng khi được phơi bày một cách trần trụi như thế này thì sẽ là động lực để các nhà chức trách thay đổi đó và có lẽ đây cũng là một thử thách mà tân bộ trưởng Y tế cần giải quyết một cách “quyết liệt”.

Bảo trọng nhe bà con,

TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện nghiên cứu City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím

Tài liệu tham khảo:

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16799372/ (The basic science of wound healing)
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/14746360/ (Prevention and treatment of excessive dermal scarring)
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7838729/ (Scalpel edge roughness affects post-transection peripheral nerve regeneration)
Thú coi phim thời đi học


Tôi tiếp xúc với các rạp chiếu phim từ khi học ở Đà Lạt sau Mậu Thân 1968. Hồi đó, thành phố hoa này có 3 rạp: Ngọc Lan, Hòa Bình và Ngọc Hiệp. Không đi thường xuyên hàng tuần hay hai tuần như Huế sau này mà chỉ chọn rạp và phim đáng coi. Chọn rạp cũng giống như chọn nhà xuất bản mà mua sách thì ở Đà Lạt, rạp Ngọc Lan với anh em tôi là rạp “danh giá”, luôn chọn phim giá trị, rạp Hòa Bình chiếu phim phổ thông và rạp Ngọc Hiệp chuyên phim Tàu, phim Ấn Độ. Do vậy, tôi luôn mê Ngọc Lan và thường coi ở đó.

Ở Huế có 4 rạp: Hưng Đạo, Tân Tân, Châu Tinh và Z96. Ba rạp đầu cách chọn phim như nhau nhưng Hưng Đạo chỗ ngồi rộng rãi, đẹp và thoải mái hơn hai rạp kia, Z96 thì nghèo và phim… tệ! Tất nhiên, đây chỉ là nhận định chủ quan của tôi và bạn bè ngày ấy.

Ở Đà Nẵng, mỗi lần có dịp về, tôi thường coi ở rạp Kinh Đô trên đường Độc Lập gần Air Việt Nam; Trưng Vương trên đường Hùng Vương; chưa hề coi phim ở rạp Kim Châu (Độc Lập), Lido ở gần nhà lưu niệm cụ Phan Chu Trinh ngã năm và Tân Thanh (Chợ Cồn) bao giờ. Lý do cũng chỉ là chuyện các rạp họ chiếu phim gì. Các rạp chiếu phim trước 1975, ngoài áp phích (affiche) treo ngay ở trước rạp còn treo quảng cáo cho phim sắp chiếu ở các nơi đông người trong thành phố với chừng 5 – 10 bức rộng khoảng 60x100cm. Các bảng quảng cáo này do những họa sĩ chuyên nghiệp vẽ vội vàng với màu nước vì sẽ bỏ đi sau khi phim chiếu xong. Ngoài ra có những affiches lớn hơn do chính hãng phim in màu, có bức có hình tài tử cao bằng cả người thường đặt ngay gần phòng vé.

Tất cả các rạp, trước giờ chiếu (hoặc trước đó) thường phát cho khán giả tờ chương trình, giới thiệu tài tử và tóm tắt truyện phim thường gọi là pồ gam (programme). Tôi thích giữ lại những tờ này để khi nhớ đến tên phim, có cách nhớ nội dung nhưng qua thời gian, di chuyển nơi ở và chiến tranh loạn lạc nên mất mát nhiều, chỉ còn giữ lại một ít. Vừa rồi, vợ anh bạn nhắn tin xin vài tờ để cho con trai là một Kiến trúc sư biết. Tôi tìm ngay và chụp hình ít tấm gửi cho bạn. Tôi cũng hẹn nếu có địa chỉ, tôi sẽ gửi tặng cháu vài tờ. Nghe rằng “cháu là tip người hoài cổ”. Có lẽ thú vị vì không ngờ sau 54 năm, tôi vẫn giữ được những tờ programmes này nên anh đề nghị tôi viết lại.

Những người thích coi phim ngày xưa được gọi là “dân ghiền phim” hay “con ma ciné”. Tôi không nghe ai nói về mình như vậy dù tôi rất mê phim. Tôi thường không bỏ qua những phim kinh điển và nổi tiếng hoặc được giới thiệu trước với những tài tử mình mến mộ, từ những tên tuổi như Liz Taylor, Gina Lollobrigida đến Charles Bronson, Omar Sharif, từ Brigitte Bardot đến Paul Newman… Và chúng tôi vẫn nói đùa với nhau khi đọc một loạt tên tài tử như phù thủy đọc thần chú: “Jeanne Moreau, Brigitte Bardot, Fernando Sancho”. Thấy tôi thường coi phim, kể cả phim không hay, chị tôi than phiền, “Vì sao em coi cả những phim người đã coi trước chê dở?” Tôi nói nếu tìm ra điểm dở của nó thì mình hay. Chị chịu.

Đi coi phim có lần tôi cũng bị móc bóp ở rạp Tân Tân – Huế vào hôm trời mưa lạnh, mặc cả pardessus bên ngoài vẫn bị mất ví trong đó có ít tiền và giấy tờ. Về sau cảnh sát Đông Ba mời tới lấy cung, để hỏi tôi có “cung cấp giấy tờ cho bọn ăn trộm?”. Tôi chìa tờ cớ mất, họ trả lại giấy tờ mình mất chưa kịp xin lại. Có nhiều kỷ niệm khó quên trong “thiên cố sự” về phim ảnh này. Đêm trước ngày thi môn của thầy Lê Khắc Phò, vị giáo sư mà không có sinh viên nào không lo lắng, tôi và anh bạn thân nay đã qua đời là Hoàng Văn Tôn cùng đi coi, không may lại gặp thầy cũng đang chuẩn bị vào rạp Tân Tân. Thầy ngạc nhiên và hỏi ngay sau khi chúng tôi chào: “Mai đi thi mà anh Quý và anh Tôn cũng đi coi phim sao?”. Túng kế, tôi đáp bừa: “Thưa thầy, em đi coi để thư giãn và tìm cảm hứng thầy à”. Thầy chịu!

Dân ghiền phim thường có khuynh hướng tìm hiểu phim sẽ về các rạp ở thành phố mình, sắp tới là phim gì vì thông thường phim sẽ tuần tự từ SG ra đến Huế. Do vậy, khi biết phim Docteur Zhivago ra đến Đà Nẵng, từ Huế tôi đã về để coi trước mọi người. Không ngờ lúc đó Cha Phương cho thi ngay môn ngài vừa dạy xong, may có anh bạn cùng lớp giúp… làm bài hộ! Chuyện này nhiều người biết và tôi bị phỏng vấn nhiều lần ở hành lang Văn khoa mấy ngày sau đó! Riêng phim Love Story thì chúng tôi coi ở Hội Việt Mỹ khi biết ở đó sắp chiếu cho những độc giả giới hạn của Hội và mãi mấy tháng sau mới chiếu ở rạp.

Các rạp có lúc chiếu thường trực, liên tục, vừa hết phim lại bắt đầu chiếu lại gọi là “permanent” hoặc chiếu xuất trong ngày tùy phim và tùy rạp. Dù chiếu permanent (thường trực) như ở rạp Ngọc Lan Đà Lạt thì chúng tôi vẫn chờ đến khi hết phim, khách lục tục kéo ra thì mình mới vào xem để theo dõi từ đầu. Các rạp chiếu xuất thường gần hết xuất tối là không soát vé vào, nhiều người không có tiền mà mê phim thường đợi đến lúc này để vào coi cọp, dù chỉ là phần cuối! Tuy vậy, vẫn nói dóc với bạn bè là “Tau coi phim thả cửa!”. Các rạp bán vé theo hạng, hạng đắt tiền ngồi xa màn ảnh nhất và ít tiền ngồi… sát màn ảnh!

Thời chúng tôi, phim Hong Kong cũng luôn hấp dẫn khi có những tài tử nổi tiếng như Vương Vũ, Khương Đại Vệ, La Liệt xuất hiện. Minh tinh nổi tiếng đẹp, diễn xuất hay ngày ấy là Trịnh Phối Phối. Một lần nghe rạp Hưng Đạo chiếu phim có Trịnh Phối Phối đóng, tôi và bạn Tôn không thể không mua vé vào coi dù đang gạo bài thi. Khi Trịnh Phối Phối xuất hiện xong là chúng tôi đứng dậy để về nhà học bài tiếp! Lại nhớ hồi học địa lý với thầy Phò, thầy kể chuyện mặt trái của các phim trường. Khi thực hiện phim cao bồi ở Ý, không tìm được ngoại cảnh sa mạc, nhà làm phim phải giải quyết bằng cách cho trải cát trên mặt bằng rộng. Khi ngựa chạy qua, vết chân ngựa làm tróc lớp cát để lòi ra bên dưới màu đất đen!

Khi đến xứ Cờ Hoa hồi giữa năm 2019, tôi được thăm San Francisco, Los Angeles, Maryland, Florida… thăm phim trường Universal ở Orlando, MGM ở Maryland. Đặc biệt may mắn là được đứa cháu dẫn đi thăm phim trường Hollywood ở Los Angeles một ngày, ở đó, xe của Hollywood chở cả đoạn đường dài vài cây số và coi những ngoại cảnh thu nhỏ để dựng các phim cao bồi, phim hải tặc, phim mô tả những trận lụt ngày xưa và cả phim Harry Potter sau này. Đó là một trong nhiều tour khó quên ở đây. Hai bên đường đi thấy các tấm bảng giới thiệu những phim lừng danh từng chiếu hàng năm của một thời. Tất cả gợi lại cho mình nhớ rạp, nhớ phim, nhớ bè bạn ngày xưa!

Nhớ lại chuyện coi phim ngày xưa là nhớ về vùng trời kỷ niệm dễ thương thời đi học với những thành phố mình sống, những người bạn thân một thời, những kiến thức về các vùng đất xa lạ và tình trạng xã hội ở những nơi các sự kiện trong phim diễn ra. Những hiểu biết từ phim đã giúp tôi giàu thêm kiến thức, có thêm nhiều bạn mới mà sở thích về phim của họ gần gũi với mình. Tất cả là một thứ hành trang đem theo trong hành trình làm người rất khó quên được và sống dậy mỗi lần có một nhắc nhớ.

Cám ơn cuộc đời, cám ơn những cuốn phim tôi đã được coi với rất, rất nhiều kỷ niệm theo cùng.

– Nguyễn Hoàng Quý
Chuyên gia Mỹ: TikTok là ứng dụng gián điệp của Trung Quốc

Andrew Thornebrooke

Có chuyên gia Mỹ cáo buộc ứng dụng TikTok có thể đang bí mật gửi cho cơ quan chức năng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mật khẩu, số thẻ tín dụng và các dữ liệu nhạy cảm khác của người dùng.

(Ảnh minh họa: Ascannio/Shutterstock)

CEO Casey Fleming của công ty tư vấn BlackOps Partners cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 25/8 với chương trình “Tiêu điểm Trung Quốc” của kênh truyền thông Epoch Times:

Khi bạn gõ từng chữ cái cũng như con số, tất cả đều được ghi lại ở Trung Quốc xa xôi và dưới sự giám sát của ĐCSTQ”.

Bạn đang nhắn tin gì, nhắn cho ai, mật khẩu, tài khoản email, mọi thứ trên điện thoại của bạn, bất kỳ thứ gì bạn nhập vào email hoặc tin nhắn văn bản…. đều bị keylogger ghi lại”

Các bình luận được đưa ra một tuần trước, sau khi có tiết lộ rằng TikTok chứa mã để thực hiện thao tác ghi bàn phím, có nghĩa là ứng dụng này có thể ghi lại tất cả các lần gõ phím mà người dùng thực hiện trên thiết bị họ đang sử dụng, bao gồm cả trên email và trang web.

Fleming mô tả TikTok là “ứng dụng gián điệp” và cho biết nó đang được sử dụng để thu thập thông tin cá nhân của người Mỹ (đặc biệt là giới trẻ) một cách có hệ thống.

Fleming nói: “Mọi người cần hiểu TikTok là ứng dụng quân sự được vũ khí hóa nằm trong tay của thanh thiếu niên Mỹ”.

Ông nói thêm rằng ứng dụng này có thể được sử dụng như một phần của chiến lược “chiến tranh hỗn hợp” (hybrid war) của ĐCSTQ, theo đó nhà cầm quyền Trung Quốc tìm cách đạt được các mục tiêu quân sự thông qua thủ đoạn phi quân sự.

Ông chỉ ra ứng dụng này đã được sử dụng để ăn cắp tài sản trí tuệ, truyền bá tuyên truyền cho ĐCSTQ và thu thập thông tin về người Mỹ, mà sau này có thể được sử dụng cho những mục đích đen tối. Do đó người Mỹ cần hiểu rõ hơn về nguy hiểm do TikTok gây ra, và cách ứng dụng này có thể được sử dụng để thúc đẩy tuyên truyền cho ĐCSTQ.

“Bạn phải tin và lưu ý rằng bất cứ thứ gì xuất phát từ Trung Quốc đều do ĐCSTQ kiểm soát”, Fleming cảnh báo. “Chúng ta cho rằng Trung Quốc giống như Mỹ với cùng kiểu quản lý xã hội cũng như hệ giá trị văn hóa…. Không phải vậy, mọi thứ ở Trung Quốc dù là công ty hay ứng dụng internet đều hoàn toàn do ĐCSTQ kiểm soát”.

Fleming chia sẻ rằng cơ quan chức năng Mỹ sẽ không thể tiếp tục buông lỏng cho sự gia tăng của ứng dụng từ Trung Quốc… Việc đánh cắp dữ liệu của hàng triệu người Mỹ, bao gồm cả trẻ em, là ảnh hưởng thù địch của nước ngoài đối với Mỹ.

“Chúng tôi thực sự cần luật pháp và chính sách để không cho phép nước ngoài gây ảnh hưởng ở Mỹ, nếu xảy ra thì chúng tôi cần phải cắt bỏ nó ngay lập tức”, Fleming nói. “Hãy hiểu rằng TikTok không phải là bạn của bạn”, Fleming nói thêm. 

Nếu bạn yêu con mình, nếu bạn yêu gia đình của mình, hãy xóa bỏ ứng dụng TikTok khỏi mọi thiết bị điện tử bạn sở hữu cho phép tải nó sử dụng…”.

Theo Andrew Thornebrooke, Epoch Times
nguồn trithucvn.org.

Blog Archive