Tuesday, August 23, 2022

SUY GẨM

Vào triều đại nhà Minh, có một vị tiên sinh dạy học, gia cảnh bần hàn nhưng mỗi ngày đều dâng hương bái lễ, cảm tạ trời xanh ban phúc lành.

Người vợ của ông nghĩ mãi mà không hiểu, liền hỏi: “Một ngày ba bữa đều là húp cháo loãng, sao có thể tính là hưởng phúc?”.

Vị tiên sinh này trả lời: “Sống ở nơi thái bình, không có chiến sự thảm họa, đó là cái hạnh phúc lớn nhất. Hàng ngày có quần áo mặc, có cái ăn, không đến mức đông chịu lạnh, đói không có gì ăn là hạnh phúc lớn thứ hai. Trong người không có bệnh tật, không có tai họa là cái hạnh phúc lớn thứ ba. Chúng ta có cả ba thứ ấy rồi chẳng phải là có phúc sao?”

Nhiều người nhìn vị tiên sinh này thường cho rằng ông không thành công, nhưng ông lại tự thấy mình hạnh phúc. Bởi vì trong lòng ông đã biết đủ.

Có một câu nói rất hay thế này: “Đừng khóc vì không có giày để đi bởi vì có người còn không có chân để đứng!"

Cho nên mới thấy rằng: “Biết đủ thì người nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì người giàu sang cũng cảm thấy u buồn”. Ở vào cùng một tình cảnh, chúng ta chỉ cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cái tâm của mình thì tình cảnh cũng tự nhiên thay đổi, cải biến theo chiều hướng tốt.

Khi chúng ta có đủ cái ăn cái mặc, có nhà che nắng che mưa, thân không tật bệnh, tâm không phiền não là ta đã có đủ cái căn bản của hạnh phúc. Có tâm biết đủ là quý trọng những gì có ở hiện tại. Chúng ta đừng nên nghĩ mình thiếu những gì mà nên nghĩ nhiều về những thứ mình đã có.

Nếu không quý trọng thì những thứ đang có hiện tại cùng rời bỏ chúng ta mà đi. Cách tránh được tai họa chính là coi trọng phúc phận mình đang có. Ví như sinh mệnh và sức khỏe là tài phú lớn nhất của mỗi người nhưng mọi người lại thường xem nhẹ, đến lúc sắp mất đi rồi mới thấy hối tiếc thì đã muộn mất rồi.

Hoặc như một câu chuyện khác:

Trong một buổi dạy học cho các đệ tử của mình, vị sư phụ hỏi: Nếu muốn đun ấm nước nhưng phát hiện củi không đủ, con sẽ làm thế nào?

Một đệ tử nói: “Dạ. Con sẽ đi tìm củi”.

Đệ tử khác đáp: “Dạ. Con đi mượn tạm cho nhanh”.

Đệ tử thứ ba nói: “Dạ. Còn con, con sẽ đi mua”.

Sư phụ mỉm cười hỏi: “Thế sao các con không đổ bớt nước đi?”.

Thật ý nghĩa phải không ạ? Đọc đến đây thôi tự mỗi chúng ta đã rút ra được một bài học nhỏ cho bản thân mình rồi.

Khi tham vọng nhiều hơn khả năng đang có, tất yếu chúng ta sẽ phải cảm thấy mệt mỏi, cũng giống câu chuyện trên là nước đã nhiều hơn so với củi. Để hạnh phúc, hoặc là phải đi kiếm củi nhiều hơn, hoặc là đổ bớt nước. Kiếm củi chưa chắc sẽ có, nhưng nước thì chắc chắn có thể đổ bớt được.

Nếu sức lực của mình không đủ mà suốt ngày cứ loay hoay đeo đuổi những mơ tưởng điên rồ thì chắc chắn sẽ chuốc lấy những khổ não mà thôi.

Đức Phật dạy tiếp: ”Nếu muốn thoát khỏi mọi khổ não, nên quán xét việc biết đủ. Pháp biết đủ chính là chỗ giàu có, vui vẻ, an ổn. Người biết đủ dù nằm trên mặt đất, vẫn thấy yên vui. Người không biết đủ, dù ở trên cảnh trời cũng chưa thỏa ý”.

Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kẻ không biết đủ thường bị năm dục dắt dẫn, nên người biết đủ lấy làm thương xót. Như vậy gọi là sự biết đủ.

No comments:

Blog Archive