Monday, October 31, 2022

Ngôn Ngữ – Chuyện Đó Đây


Thông Dịch Viên Tí Hon
Cu Bê bốn tuổi, đang năm thứ hai trong vườn trẻ Am Goldstein. Cu Bê nói tiếng Việt, tiếng Đức giỏi ngang nhau. Đi học về, cu Bê hào hứng kể chuyện:

– Bữa nay trên trường con có một đứa Chinese. Nó người Tàu, mới vô trường. Nó không nói được tiếng Đức. Cô giáo phải kêu con giúp.

Mấy ngày sau đó, cu Bê tường thuật đều đặn:
– Nó không thích chơi ngoài sân cát. Nó rất ghiền chơi xếp hình...

Mẹ cu Bê hỏi:
– Sao Bê rành chuyện thằng nhỏ đó vậy?

Cu Bê huyên thuyên:
– Tại nó không biết nói tiếng Đức. Mà trong trường, chỉ một mình con hiểu tiếng Tàu thôi.

Mẹ cu Bê tức cười:
– Con học tiếng Tàu hồi nào?

Cu Bê lắc đầu:
– Con không học, nhưng con hiểu tiếng Tàu thằng đó nói. Mỗi khi nó muốn gì, nó nói với con, con übersetze lại cho cô giáo.

Mẹ cu Bê gục gặc:
– Ừ, con dịch qua tiếng Đức cho cô giáo nghe.

Cu Bê tiếp:
– Rồi cô giáo cần biểu nó làm gì, cô giáo nói với con, con dịch lại cho nó.

Mẹ cu Bê thắc mắc:
– Con nói tiếng Tàu ra sao với nó?

Cu Bê tỉnh queo:
– Thì cũng như tiếng Việt thôi. Nó hiểu con hết trơn hà.

Mẹ cu Bê vẫn băn khoăn:
– Hay nó là người Việt?

Cu Bê chắc chắn:
– Dạ không. Cô giáo nói, nó là người Tàu, Chinese. Mẹ nó cũng Chinese luôn.

Mẹ cu Bê ngẫm nghĩ, có lẽ gia đình đó là người Việt gốc Hoa. Hôm đến họp phụ huynh, mấy cô giáo gặp mẹ cu Bê, khen cu cậu nức nở. Cu Bê thiệt là thông dịch viên giỏi. Không chỉ thông dịch cho thằng bé, mà cả luôn cho mẹ thằng bé. Bà ấy nói tiếng Đức sơ sơ, có lẽ accent quá nặng. Hôm bà ấy đến hỏi thăm về chuyện ăn ở trong trường của thằng bé, hai ba cô xúm lại, tìm cách giải mã các câu nói trục trặc, lơ lớ của bà. Nhưng không ai hiểu rõ bà muốn gì. Cô Gabi chợt nảy ra sáng kiến, kêu cu Bê vào. Thế là, qua thông dịch viên tí hon cu Bê, các cô giáo hiểu được yêu cầu, nguyện vọng của mẹ thằng bé. Bà mẹ cũng hài lòng yên tâm với cách làm việc của vườn trẻ.

Anh Giai
Anh Giai, người Huế, nói giọng Huế nguyên chất dù đã ở Âu châu trên 30 năm. Có lẽ, do thuận duyên với người Huế, cho nên, nói tiếng Việt với anh Giai, nghĩa là nói giọng Huế. Có lần gặp anh, thằng nhóc con, lúc đó chừng 5 tuổi, sau khi vòng tay chào bác Giai, kéo mẹ nó xuống, hỏi nhỏ: “Mẹ, bác Dai nghĩa là thịt bò dai phải không?” Mẹ nó ậm ừ, không dám nói lớn. Vì, ngại buồn lòng anh Giai. Vì, không muốn để lộ chuyện nhà. Có lẽ ba mẹ nó đi chợ hay mua phải bò dai, cải già nên thằng bé nhập tâm.

Ngày kia, anh Giai lần đầu ngao du sang khu chợ Rồng Vàng ở Cheb, Tiệp Khắc, gần biên giới Đức. Lơ ngơ vào chợ, anh tưởng như mình đang ở đâu đó bên Việt Nam. Loa phóng thanh đang lặp đi, lặp lại nếp sống văn minh, yêu cầu đậu xe đúng chỗ, giữ gìn vệ sinh chung. Các bảng viết quảng cáo cá chép tươi sống, có vẽ thêm bàn tay chỉ hướng đi. Chợt có tiếng chào gọi, giọng Bắc, đầy vẻ thân thiện:

– Anh giai, anh giai, vào đây. Xem có gì vừa ý, mua giúp cho em đi nào. Hay anh giai mua thuốc lá nhé. Hiệu nào em cũng có cả anh giai ạ.

Anh Giai chậm chân, nhìn quầy hàng chất đầy những dĩa CD nhạc, DVD phim, các dĩa game. Đương nhiên, tất cả đều là dĩa sao chép lại. Anh Giai chẳng có ý định mua gì. Nhưng vẫn lắng nghe và quay qua nhìn thanh niên vừa nói cười, vẫy tay với anh. Anh Giai bỗng thấy phấn chấn. Người bán hàng mau mắn, vui vẻ, lại biết cả tên mình. Anh Giai rẽ vào hàng. Cố nhớ đã gặp anh chàng bán hàng này ở đâu. Có lẽ thời làm ở Siemens, ở đó đông dân Việt Nam lắm. Nhưng chịu thôi, anh chẳng biết quen thế nào. Anh Giai cảm thấy hơi áy náy. Mình vô tình, hay trí nhớ kém mà không hề nhận thấy một tí nét quen biết của người này. Anh Giai vui vẻ hỏi:

– Tôi đến chợ đây lần đầu. Cũng chưa định mua gì. Mình quen nhau ở đâu? Sao anh biết tôi là Giai.

Anh bán hàng nhíu mày, tắt mất nụ cười:
– Quen đâu mà quen. Ôi giời! Sao bác hâm thế. Chứ bác không giai thì là gì hả! Chẳng nhẽ là gái.

Anh Giai sượng ngắt, quày quả bỏ đi. Ra thẳng xe, chạy về Đức. Không còn hứng thú tìm đến hiệu tóc thanh nữ người quen giới thiệu.

Chân Chó
Cô nghe nhiều người nhắc đến chợ Việt Nam ở bên Tiệp Khắc. Nghe đâu, chợ bên đó bán đồ ăn y chang bên Việt Nam. Rau cỏ trăm hồng nghìn tía. Từ rau đay, rau rút đến rau dền, bông bí. Chứ không lơ thơ vài bó ngò úa, mấy lá quế dập như chợ bên Đức chỗ cô ở. Hình như còn có cả hột vịt lộn, lòng heo, lòng gà... Cô nhiều lần rủ chồng, thử làm một chuyến du lịch Việt Nam bên Tiệp. Nhưng chồng cô cứ nại cớ này, cớ nọ không đi. May quá, vợ chồng ông anh qua đó chơi, xe còn đúng một chỗ cho cô. Đến nơi, vợ chồng anh chị lo chăn hai thằng nhóc, lẹ chân chạy tuột vào hàng bán các loại áo đá banh với tên của các cầu thủ nổi tiếng. Ông anh giao hẹn, muốn đi đâu thì đi, hai tiếng đồng hồ sau trở lại. Cùng đi ăn, rồi mỗi người khuân một bao gạo Thái Lan, giá chỉ bằng phân nửa bên Đức. Thế là huề lại tiền xăng. Cô háo hức nhìn quanh. Không biết nên đi hướng nào, tận dụng hai tiếng đồng hồ, để xem cho được nhiều thứ. Cô thấy vui quá. Tiếng chào hàng lao xao, vừa tiếng Đức, vừa tiếng Việt. Cô chậm chân trước quầy hàng bán các loại áo thun, áo khoác, nhái các hiệu nổi tiếng như Chanel, Armani, Polo… Chị bán hàng có vẻ thất vọng. Không chèo kéo được mấy bà Đức ghé vào hàng, mặc dù chị đã chào mời bằng tiếng Đức thật tha thiết. Chị bán hàng thấy cô đang quan sát mấy cái áo khoác để chạy bộ. Chị lại gần, nhỏ giọng thân thiện:

– Em gái này! Chị có Chân Chó. Mới về!

Cô giật mình. Trời đất! Hổng lẽ mình có tướng mạo của dân nhậu nhất mực, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm hay sao đây. Cô nghĩ thầm, đúng rồi, xứ này người ta trọng mấy con cẩu lắm. Cấm ăn thịt cầy, cho nên chị ta phải treo... áo quần, bán thịt chó. Chị đang nhìn cô, chờ đợi. Cô gượng gạo lắc đầu, lúng búng:

– Dạ, cám ơn chị. Em không… không… biết ăn thịt... cầy.

Chị khựng một chút. Hiểu ra, cười rũ:
– Không, không phải thế em gái ạ. Cầy, dê, lợn... muốn gì có đấy. Nhưng hàng ăn bên kia đường cơ. Chờ chị một chốc nhé.

Chị thoăn thoắt đưa cây cần có móc lên cao, thiện nghệ đẩy mấy cái áo treo san sát thành dãy. Chị móc xuống cái áo khoác màu rêu. Gác cần qua một bên, chị căng áo cho cô xem:

– Hàng Chân Chó đây. Cực đẹp! Em gái ạ.

Trong tích tắc, cô chợt hiểu, chân chó đây là nhãn hiệu Jack Wolfskin, chớ nào có phải là “nguyên vật liệu” để nấu rựa mận đâu.

Nói Tiếng Anh
Ông sang Mỹ, bữa trước, bữa sau là lao vào đi làm việc ngay. Tiếng Anh của ông theo nguyên tắc “tri túc tiện túc”... biết đủ thì đủ. Một hôm, ông đi chợ. Đang rà rà chạy xe vào bãi đậu. Bỗng đâu, có một chiếc xe to tướng xẹt ngang, quẹo gấp, chẳng có báo hiệu đèn đóm gì sất, xém quẹt vào xe ông. Ông nhấn còi cảnh cáo. Tài xế đằng trước tấp vào lề, một bà Mỹ thiệt đô, rất “môn đăng hộ đối” với tầm cỡ chiếc xe, chạy ra làm dấu với ông, có vẻ như bất bình chuyện ông bấm còi. Ông bỗng bực, chà, đã làm lỗi, mà còn gây sự. Đàn bà chạy xe lạng quạng là thường, ông nghĩ vậy. Thôi, để mình cắt nghĩa cho bà ấy hiểu. Thế là ông mở cửa, vận dụng toàn bộ vốn tiếng Anh trong đầu. Ông vừa nói, vừa hoa tay làm điệu bộ. You know, you go straight, but you turn right, you don't let me know. Ông đang ngon trớn, you thế này, you thế kia, bà Mỹ nghệch mặt ra. Sau đó, như hết kiên nhẫn, gằn từng tiếng, chậm, rõ: ENGLISH ONLY, PLEASE!

Mỗi lần kể lại chuyện này, ông hậm hực mãi:
– Con mụ tây cà chớn, tui nói tiếng Anh với nó cả buổi, chứ tiếng gì, mà nó lại bảo English only.

Bạn của ông trầm ngâm:
– Chắc ông phát âm ghê rợn quá nên bả mới không hiểu. Chớ hồi nẳm tui qua Mỹ, đi với bà chị dâu, tui trót lọt ngon lành. Khi cảnh sát Mỹ hỏi giấy tờ, tui chỉ bà chị rồi nói, mai xít– tơ (my sister). Ông cảnh sát bèn mở sổ thông hành của tui và bà chị, đọc lui đọc tới, rà ngón tay chỗ họ tên. Chắc là ổng hỏi chị em sao khác họ. Lúc đó, tui có biết chị dâu gọi là gì đâu. Nên phải diễn tả, chị em nhưng không máu mủ, ruột thịt. May, mà còn nhớ chữ “máu” trong tiếng Anh. Tui bèn phán ngay, dét, xít– tơ, bớt nô bờ– lớt (yes, sister, but no blood). Đó, vậy mà ổng hiểu ngay, ok cái một, cho tui với bà chị nhập cảnh liền tù tì.

Nghe Tiếng Mỹ
Cô qua Mỹ chơi. Cô hỏi thăm cách thức để mua thẻ điện thoại. Con em họ bảo:

– Thôi, cần có mấy ngày. Chị mua làm gì, tốn tiền vô ích. Em đưa cho chị xài.

Con em ở Mỹ đã lâu, có chồng Mỹ, nói tiếng Việt xen lẫn tiếng Mỹ khá nhiều. Chiều, con em gọi cho cô, hỏi thăm:

– Chị cần thêm gì không?

Cô nhanh nhẩu:
– Đầy đủ hết rồi. Bây giờ có điện thoại của em, liên lạc được bạn bè. Rất tiện.

Con em nhắc nhở đôi điều, cô nghe loáng thoáng:
– Nhớ chặt nghe.

Cô nghĩ ngay, có lẽ điện thoại này rất dễ vỡ. Bởi vậy, con em nhắc mình phải giữ chặt. Cô đang cầm điện thoại trong bàn tay, vội đưa thêm tay kia lên điện thoại cầm cho thật chặt. Nghĩ thầm, con em tốt bụng, cho mình mượn điện thoại. Mình lắt xắt, lỡ làm rớt, bị hư, biết ăn nói làm sao. Cô gật gật đầu, tưởng như đang đứng trước mặt con nhỏ em:

– Em yên tâm, chị đang cầm chặt lắm.

Sợ nó chưa hiểu, cô nhắc lại:
– Chị để ý lắm. Sẽ cầm điện thoại thật chắc khi dùng.

Hình như nhỏ em cười xòa:
– À không, I mean, chị nhớ charge cái điện thoại, kẻo nó mau hết pin lắm.

Cô ghé thăm mẹ của người bạn. Bác thật xốc vác. Cao tuổi, mà đi đứng nhanh nhẹn, cười nói rôm rả. Bác nói:

– Bác khỏe như ri, nhờ ăn cháo ốc miêu đó con.

Cô nghĩ, mấy món ốc thường rất hấp dẫn. Nào là ốc hương xào tỏi, ốc bưu nhồi thịt hấp sả. Nghe nói, bên Mỹ có ốc vòi voi, cao lương mỹ vị, bên Âu Châu chưa từng thấy. Bác hăng hái kể:

– Sáng mô bác cũng ăn một tô cháo ốc miêu nấu sữa. Ăn miết thấy ngon đó con.

Chà, ốc nấu với sữa chắc còn mùi tanh. Không biết mình có chế biến theo kiểu ốc len xào dừa được không. Bác hỏi:

– Chớ bên Âu châu có ốc miêu không hả con?

Hồi giờ cô chưa nghe tới món ốc miêu, nên đoán là ở Âu châu không có.

– Dạ, con chưa thấy ốc miêu bao giờ. Ở Đức, các món hải sản không đa dạng như bên Mỹ đâu bác.

– Khi mô về lại Đức, con nhớ mang ốc miêu về cho Ba con dùng. Rất tốt đó con.

Ô, vậy chắc là khô ốc như khô mực, khô cá, hay loại đóng hộp chứ không phải là đồ tươi.

– Dạ, dạ, con cám ơn bác. Nhưng Ba con không dùng được món ni. Ba con ăn chay trường.

– Ăn chay lại càng hạp với ốc miêu hơn.

Cô hòa hoãn:
– Dạ, bác cho con coi thử con ốc miêu ra sao, rồi con theo đó mà mua.

Bác phăng phăng đi lại tủ bếp, lục lọi một chút, rồi rút ra một hộp giấy. Bác đem hộp lại đưa cho cô:

– Đây, bác biếu hộp ni cho Ba con.

Cô nhìn kỹ bao bì của hộp, hình hột lúa kiều mạch. À, thì ra là oatmeal. Gì chớ Haferflocken bày hàng hàng, lớp lớp trong siêu thị Đức. Cô đón hộp oatmeal bà bác đưa:

– Con cám ơn bác nhiều. Con sẽ về giới thiệu món ốc miêu cho Ba con.

Thời gian ở lại khu quận Cam, cô rất thích nghe radio tiếng Việt. Buổi sáng, cô ở nhà với mẹ của bạn. Vừa chuyện trò rỉ rả với bà cụ, vừa nghe radio. Mục nào cũng vui tai. Từ nhạc yêu cầu, đến màn giải đáp thắc mắc. Cả những đoạn quảng cáo lao xao, vui nhộn ra trò. Đối với người ở California, radio tiếng Việt là chuyện bình thường trong xóm nhỏ. Nhưng so với xứ lạnh bên trời Âu, nghe radio tiếng Việt là loại hàng... hiếm quý. Bỗng, cô nghe lời quảng cáo về chương trình ca nhạc thính phòng, tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với ban hợp xướng Ngàn Khơi và nhiều ca sĩ “ruột” của cô. Câu cuối của cô xướng ngôn viên: “Số ghế rất hạn chế. Quý vị hãy đặt vé sớm tại tiệm nhạc Beethoven. Số điện thoại…” Nhanh quá, cô không kịp ghi số. Trời ơi, chương trình nhạc hay như vầy, nhất định không thể bỏ qua. Nhỏ bạn đi làm vừa về đến cửa, cô háo hức kể ngay. Nhỏ bạn đủng đà, đủng đỉnh:

– Ôi chào, mày khéo lo. Chờ đến ngày diễn, mua tại chỗ cũng còn vé.

Cô nằng nặc:
– Không! Mày phải dẫn tao ra tiệm Beethoven mua vé, kẻo hết.

Nhỏ bạn nghiêng nghiêng đầu, chắc nghe không rõ:
– Tiệm gì?

– Tiệm nhạc Beethoven, chắc là tiệm chuyên về nhạc cổ điển chứ gì.

Cô nghĩ thầm: “Hay là mụ ‘ngố’ bạn mình không biết Beethoven là ai?”

Như đọc được ý nghĩ của cô, nhỏ bạn hỏi:
– Beethoven? Ông nhạc sĩ người Đức? Tao chưa nghe tiệm này bao giờ. Chắc là tiệm của Mỹ. Lạ thiệt. Thường, mấy vé ca nhạc Việt Nam toàn bán ở tiệm Việt Nam không à.

Mẹ của bạn góp ý:
– Mình chờ chút nữa người ta đọc quảng cáo lại, ghi số điện thoại, gọi tới, hỏi địa chỉ là xong.

Cô ngồi chầu gần radio, thủ sẵn bút viết để ghi số điện thoại, chờ đoạn quảng cáo. Vừa nghe đến câu Chương Trình Nhạc Thính Phòng, cô vội vàng ra dấu cho nhỏ bạn. Mẹ của bạn cũng vui vẻ đến gần lắng tai nghe.... “Quý vị hãy đặt vé sớm tại tiệm nhạc Beethoven.”

Mẹ của bạn bật cười vui vẻ:
– À, tiệm Bích Thu Vân bán băng nhạc gần bên siêu thị Á Châu đó. Khỏi ghi điện thoại con ơi. Ngày nào ra chợ, Mẹ chả đi ngang qua đó.

Ừa hén, Bích Thu Vân chớ có phải Beethoven đâu. Chắc tai của cô nghe tiếng Đức riết, nên nghe… gà hóa cuốc.

Chị của người bạn chở cô đi shopping. Vừa quẹo vào bãi đậu xe, chị dừng, nói với cô:
– Em xuống đi! Chị phải chạy ra xa để “phạc”.

Cô giật mình, ồ, chị sao ý tứ quá. Chỉ “thả hơi” mà cũng ngại, kêu mình xuống để tìm nơi thích hợp.

Cô vui vẻ:
– Đâu sao chị. Em đi theo chị được mà.

Chị lúc lắc đầu:
– Không, ở đây chị không “phạc” được. Phải chạy ra ngoài kia thôi.

Cô hơi tức cười. Nhiều người cũng lạ, những chuyện “tiện”, từ tiểu, đến trung, đến đại đều phải cần chỗ thuận tiện mới được. Thôi, thì mình đứng đây chờ, cho chị thoải mái. Nhưng cô lo lắng:

– Em lạ chỗ. Đứng một mình, hơi sợ chị ạ.

Chị chặc lưỡi:
– Ừ, em đi theo chị vậy.

Chị chạy ra xa, tìm chỗ rộng đậu xe. Rồi chị rút chìa khóa bước ra. Cô ngạc nhiên, ủa, vậy chị “phạc” hồi nào vậy ta. Cô theo chị. Vừa rảo bước, chị kể:

– Em chị nó ghẹo chị hoài. Chị chạy xe có thấy tiến bộ. Nhưng “phạc” thì dở lắm. Phải tìm chỗ rộng. Chớ mấy “phạc kinh” của phi trường thì chả dám.

Ô là la! Nãy giờ chị lo tìm chỗ để park chớ có phải để... fart đâu.

Tăm Bông
Ngày tháng ở ký túc xá của cậu bỗng dưng rộn ràng hẳn lên. Số là, có con bé mới đến dự học lớp Đức Ngữ sơ cấp. Sau khi truy cập tung tích, cội nguồn, lăng lăng líu líu, cậu khám phá ra, cậu và con bé có họ hàng xa xa với nhau. Bà con theo kiểu gọi ông già hói trên lon sữa là Ông Thọ. Sao cũng được, miễn là con bé có vẻ tin tưởng cậu, thắc mắc gì, chạy qua hỏi ý cậu. Cậu ta đây là người đi trước, trước được cả hai năm trời, đã vào đến lớp 11 của trung học Đức (mặc dù cậu đã xong trung học Việt Nam trước đó 6 năm). Trưa hè đậm nắng, đám học sinh Việt rủ nhau đi hồ bơi. Cậu qua thông báo cho con bé, cho biết cậu định ra siêu thị mua ống kem chống nắng. Con bé vui vẻ:

– Tiện quá, sẵn nhờ anh mua cho em một ít tăm bông. Đi bơi cũng cần thứ này.

Cậu khựng lại. Cái gì! Con bé nhờ mình mua “tampon”. Cậu lầm bầm:
– Được, được.

Rồi quày quả bước đi. Mới mấy năm mình xa Việt Nam. Không dè con gái bây giờ quá sức tự nhiên. Dám mở miệng nhờ đàn ông con trai đi mua món hàng... tối mật đó. Nói cho ngay, cậu biết được công dụng của món hàng cũng mới đây thôi. Khi đang coi ti– vi thấy quảng cáo, cậu buột miệng hỏi thằng bạn bên cạnh. Nó nheo mắt nhìn cậu như thằng ngáo. Rồi vênh váo bằng giọng đàn anh, cắt nghĩa cho cậu nghe. Cậu bỗng đâm ra bực bực cái con bé này, cảm thấy nó hơi dễ ghét. Biết lấy lý do gì để từ chối. Mua cho nó, lỡ đứa bạn nào bắt gặp, chỉ có nước độn thổ. Cậu lẩn quẩn khu vực cấm kỵ một hồi, lấm lét ngó quanh. Mong đừng gặp người Việt nào trong lúc này. Cậu nhanh tay chụp một hộp, bỏ vào xe. Đến quầy, cậu còn cẩn thận lấy thêm tờ báo chương trình ti– vi, phủ lên hộp tampon. Cậu nóng cả mặt, khi cô bán hàng cầm hộp lên xem giá tiền. Hình như cô ta đang nhìn cậu soi mói. Cậu lẹ tay bỏ món hàng “quốc cấm” vào túi. Thở phào nhẹ nhõm, vừa xong sứ mạng khó khăn. Về ký túc xá, cậu dùng bao to quấn hộp hàng nhỏ năm bảy bận. Cậu đem món hàng qua giao cho con bé, lắc đầu nguầy nguậy khi con bé hỏi, xin gởi lại tiền. Lật đật ra về, sợ lỡ ai bắt gặp. Cậu đang bận rộn bỏ mấy món đồ bơi vào túi. Có tiếng gõ cửa. Cậu không tin ở mắt mình. Con bé đang đứng trước cửa, tay cầm hộp tampon, trơ trụi, không che giấu gì sất. Trời cao đất rộng ơi, nó có ý định gì đây. Con bé rụt rè:

– Anh ơi, loại tăm bông này lạ quá. Không giống như mấy cái tăm bông be bé để ngoáy tai, hôm trước mấy chị cho em ở hồ bơi.

Cậu sực hiểu:
– À, cái đó tiếng Đức gọi là “Wattestäbchen.”

Con bé rùn vai:
– Eo ui, chữ gì khó nhớ quá. Em cứ gọi tăm bông cho dễ.

May quá, con bé mới qua, chữ nghĩa chưa đủ để đọc hướng dẫn trên bao bì. Bởi vậy, nó không biết cái món cậu “bé cái nhầm” là gì. Lòng cậu thơ thới. Cậu sẽ chạy ù ra siêu thị, đường đường chính chính, khuân vài hộp tăm bông cho con bé. Cậu thấy con bé vẫn dễ thương như hôm nó mới đến.

– Hoàng Quân

No comments:

Blog Archive