Monday, March 13, 2017

Vẽ



13

Chắc chắn bất kỳ ai khi vừa đọc tựa bài cũng nghĩ ngay, tôi đang nói về hội họa. Xin thưa hoàn toàn không, vì tôi không biết vẽ, lại chẳng có chút kiến thức nào về hội họa, tranh ảnh. Tuy tôi cũng biết tên mấy ông họa sĩ nổi tiếng xưa và nay. Còn về tranh trường phái này trường phái nọ thì chịu thua. Có điều ngày xưa nhà tôi ở gần xưởng làm tranh sơn mài, đa số quanh đi quẩn lại có vài đề tài như: ngư tiều canh mục, mai lan cúc trúc, ba cô gái Trung Nam Bắc…

Đề tài đơn giản như vậy thì tôi hiểu. Chứ mấy tranh trừu tượng khác thì nhìn vào tôi không tưởng tượng được. Chỉ thấy toàn là những vệt màu,mà mẹ tôi bảo là “ quẹt ngoe ngoét” khi em tôi mang khoe bức tranh trừu tượng của nó.

Người trần mắt thịt như tôi đi xem triển lãm tranh, thì cũng như đàn gẩy tai trâu, hay vịt nghe sấm, khi được ông bồ ngày xưa đưa đi nghe hòa nhạc cổ điển Chopin, Beethoven… Trên đường về, chàng hỏi: em có thưởng thức được gì không? Tôi rất hồn nhiên nói rằng, em chỉ thấy ô mai ngon ơi là ngon. Thì ra mỗi người thưởng thức một thứ khác nhau, chàng đê mê nghe bằng tai, còn tôi tận hưởng cái ngọt ngào bằng lưỡi, nhờ gói ô mai chàng mua.

Tôi chuyên môn làm người ta chưng hửng, vì kết quả ngược lại với điều người ta mong đợi.

Ngày xưa khi vào nhà hàng, tôi thường gọi món cua rang muối, hay mì xào dòn, chỉ một món thôi cho hai đứa. Lấy nhau rồi, khi đi ăn ngoài, không bao giờ tôi gọi cua rang muối. Ông chồng tôi thắc mắc, ngày xưa em thích lắm mà. Tôi đã phải “ vạch trần sự thật”. Dạ thưa, một ông mới ra khỏi tù cải tạo, áo thì sờn vai. Quanh đi quẩn lại chỉ có Xuân Thu nhị kỳ. Nghĩa là quần áo chỉ có hai bộ, mà mẹ tôi thường nói quần một manh, áo một mảnh. Ấy thế mà mấy ông đi học tập về, vẫn ráng đưa bồ vào nhà hàng (nhỏ), chứ không dám ghé quán cóc bên đường. Cô giáo nghèo cũng tội nghiệp nên đòi ăn cua rang muối, hay mì xào dòn, để mà nhâm nhi cho lâu. Chứ em biết chắc khuya về, cả hai đều lục cơm nguội.

Khi chưa lấy nhau, Nguyên Sa bảo “em là con mèo ngái ngủ trên tay anh”. Lấy nhau rồi, em biến thành sư tử Hà Đông. Valentine mua hoa về thì không nghe khen, mà còn bị cằn nhằn phí tiền. Phí tiền nhất là khi đi ăn cưới, gia chủ đãi nhà hàng Tàu cứ phải có món Lobsters, cho ra vẻ sang trọng. Các bà ăn mặc rườm rà, ai cũng chỉ khều khều, vì sợ phấn nhạt son trôi. Các ông thì cũng không dám ăn như hùm như hổ, quan trên trông xuống, người ta trông vào. Rốt cuộc chỉ có nhà bếp là hưởng lợi. Nhìn đĩa tôm hùm hay cua rang muối mắc tiền mà tiếc hùi hụi. Bởi vậy khi ăn ngoài, tôi chỉ ăn món nước, vì họ mang ra thật nóng hổi. Còn cua tôm phải ăn ở nhà, để mà dùng cả mười ngón tay. Mặt mày dính tùm lum, tha hồ mút mát như trẻ con. Ăn như vậy mới thấy thoải mái, chứ khều khều sợ mặt như mặt mèo, thì quá uổng tiền. Bởi vậy đi ăn cưới, tôi gọi là ăn kiểu “sĩ”, nói tắt theo lối ở VN bây giờ là sĩ diện.

Thường thường cuối tuần anh em tôi tụ tập ăn uống. Có một hôm tôi đề nghị cả nhà lên xe, lái độ một tiếng, qua thành phố bên cạnh thưởng thức món há cảo đặc biệt của Đại Hàn. Em tôi nghe vậy đã gạt phắt đi “vẽ”, làm tôi tiu nghỉu. Mặc dù tôi cố quảng cáo món này rất ngon. Mỗi viên há cảo có vỏ bọc mỏng dính, bên trong là bọc nước súp có chứa nhân tôm thịt. Khi ăn phải rất cẩn thận, nếu không bọc nước sôi bên trong có thể làm phỏng miệng. Dù nói thế nào, em gái tôi cũng chỉ buông ra một tiếng cụt lủn: vẽ! Vẽ ở đây là vẽ chuyện, vẽ vời, bày vẽ. Chứ không phải vẽ rồng vẽ rắn, vẽ hươu vẽ vượn.

Về Việt Nam nghe người ta nói ngắn gọn, mới nghe lần đầu, chúng ta không hiểu. Chẳng hạn khi nghe bà chủ quán bún chửi quát: cút, xéo, biến. Có nghĩa là bà từ chối bán cho khách, hãy biến mất hay cút xéo đi ra khỏi hàng của bà.

Một cô gái ôm con chó đi vào chợ, tới hàng giò chả, õng ẹo hỏi có giò nóng mới làm hôm nay, để mua cho con chó cưng ăn. Vì ăn giò cũ sợ chó bị đau bụng. Bà bán hàng tức mình quát lên: đừng có chảnh. Mày đừng nói điêu, đừng nói nhảm, không mua thì xéo. Hàng của bà là hàng độc.

Độc không phải là độc hại, mà là độc đáo, độc nhất, độc quyền. Chữ ngắn gọn đã làm sai hẳn nghĩa của chữ đứng một mình. Xéo là cút xéo, chứ không phải là xéo xắt.

Cô gái cũng chẳng vừa đốp lại ngay: bán hàng mà bày đặt sĩ. Rồi cô ngoe nguẩy nựng nịu con chó cưng, gọi bằng em, xưng mẹ với nó “thôi để mẹ mua ba- tê cho em ăn với bánh mì nhé, hôm nay không thèm ăn giò”.

Cô gái đi rồi, các bà bán hàng ngó nhau. Họ bảo: ai còn lạ gì con ghệ này, bây giờ làm gái, cứ tưởng mình là hot gơ (girl). Ngày xưa lê la đầu chợ cuối chợ kiếm ăn. Gặp cái gì cũng chộp, chẩu nhanh như ăn cướp. Mới bốc lên đã bày đặt ôm chó đi mua giò.

Chỉ một cô gái mà có tới ba chữ để diễn tả. Ghệ là con gái nói chung, gái là nghề của cô ấy, còn hot girl là đẳng cấp, người ta dùng để gọi các cô chân dài, muốn gặp phải có nhiều tiền, cỡ đại gia.

Các cô hot gơ được ví như máy bay. Vì các cô có nhiều phi vụ, cần các bãi đáp an toàn. Các cô được phong tặng toàn những chữ thổi phồng quá đáng. Siêu mẫu, siêu sao, đi xe siêu sang, ở nhà siêu khủng. Hễ cái gì không thể diễn tả cứ cho thêm chữ siêu vào là xong. Chữ nghĩa bây giờ quả là siêu việt. Có khi nào chữ siêu bị mang ra dùng nhiều quá, nó phải la lên: hãy cho tôi siêu thoát, quí vị ơi!

VN bây giờ thoáng lắm, người ta vẽ đủ thứ. Dựa vào truyện ngày xưa, ngay cả truyện phong thần, hay truyện tưởng tượng. Tây du Ký, có Tề Thiên Đại Thánh phò sư Tam Tạng đi thỉnh kinh. Thế là trong các lễ lộc, sư cũng có võng lọng và mặc áo như long bào của vua chúa. Chiêng trống rùm beng, và một đoàn người nghênh đón, theo kiểu đón tiếp vua quan, tiền hô hậu ủng.

Ngày xưa qua hai chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị VNCH, chúng ta thấy cả Công Giáo và Phật Giáo đều cử hành các nghi thức của tôn giáo mình rất thành kính trang nghiêm, không hoa hoè diêm dúa. Ngày nay họ chú trọng quá nhiều về vẻ ngoài. Có nơi còn tổ chức ca hát hay diễn hài kịch nhảm nhí. Mục đích để thu tiền bá tánh. Sư cha gì cũng hát nhạc đời, cũng nhảy nhót tưng bừng chẳng kém chi ai. Người ta gọi như vậy là giao lưu giữa đời và đạo!

Người ta trang trí cung đình như một gánh hát (bội), từ vua quan cho tới lính lệ, quần áo loè loẹt, y hệt đào kép đóng tuồng. Người ta không biết giá trị của những công trình của người xưa. Đập phá những cái nguyên thủy, để sơn loè loẹt bằng sơn vôi bây giờ, và cho như thế là nâng cấp, các hạng mục công trình theo kịp trào lưu tiến hóa ( ùi). Một nhà văn sinh trưởng ở Huế đã than rằng: tô son trét phấn người ta đã giết chết Huế của tôi rồi!

Trước năm 1954 cho tới nay mới có hơn 60 năm. Những người có trí nhớ cũng chỉ cỡ 75 tuổi, đâu có ai thấy hội hè đình đám quá màu mè như bây giờ. Người ta xây dựng chùa chiền đủ kiểu, rồi gây dựng lại các cuộc thi cho các người tao nhã, như thi thả thơ…hay đố vui lấy thưởng. Các thí sinh toàn người có bằng cấp, nhưng lại trả lời vô cùng ngớ ngẩn về những kiến thức cơ bản của một người được đi học: El Nino là tên một loại sữa bột.

Thiệt là hết ý!

Có mỗi bài thơ của Vũ đình Liên “mỗi năm hoa đào nở,lại thấy ông đồ già, bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua”. Bây giờ ông đồ lạm phát, ngồi chen chúc như chợ trời, cũng áo dài khăn đóng, nhưng tranh giành khách hàng. Cuộc sống bây giờ căng lắm, chữ nghĩa thánh hiền cũng khó nuốt trôi.

Lễ hội văn hóa chen lẫn với các trò chơi dân gian, họ vẽ ra đủ thứ “đầu Ngô mình Sở” pha trộn tùm lum, vừa tốn tiền vừa kệch cỡm.

Mặc dù theo truyền thuyết, chúng ta là con rồng cháu tiên. Nhưng người ta chỉ dùng con rồng trang trí như những hoa văn ở đình chùa. Còn huy hiệu của nước Việt ngày xưa, chính phủ dùng cây trúc và hoa mai tượng trưng cho sự thẳng thắn (cây trúc),và người quân tử (hoa mai).

Tiền để làm con rồng khổng lồ bằng hoa tươi, rồi dẹp bỏ, đủ để xây vài cái cầu cho trẻ em khỏi lội sông đi học.

Miền Nam VN ngày xưa, ruộng đồng bát ngát, được ví như vựa lúa của cả nước. Còn miền Trung có bờ biển dài nên nghề chài lưới phát triển. Nông nghiệp và ngư nghiệp phát triển người dân sống yên lành với nghề nghiệp lưu truyền từ bao đời cha ông để lại.

Nhớ thời Đệ Nhất Cộng Hoà, Tổng Thống Ngô đình Diệm lập ra các khu trù mật, dân chúng chăm lo cày cấy, trẻ em được cắp sách đến trường học miễn phí. Thỉnh thoảng Tổng Thống đi kinh lý, thăm dân cho biết sự tình. Người dân chốn quê nghèo vẫn có dịp gặp được người đứng đầu cả nước.

Bây giờ chẳng bao giờ thấy Chủ Tịch nước đi kinh lý. Khu trù mật đâu không thấy, mà chỉ còn thấy khu trù dập. Nhiều chữ mới được hình thành: dân oan là những người dân bị chiếm đất mà họ thừa hưởng của ông bà cha mẹ để lại. Lòng tham vô đáy đã làm cho họ không ngừng ở bất cứ cái gì, mà họ có thể lấy được.

Sau ngày 30/4/75. Khởi đầu những người có nhà to sẽ bị dòm ngó. Bằng mọi cách họ phải lấy cho bằng được. Những người quân nhân cán chính của chế độ cũ có chức có quyền, tức là có tội, ra khỏi nhà trước nhất. Ngay cả Quân y Viện Cộng Hoà, ngày 30/4/75 chủ mới đuổi các thương binh tàn phế ra khỏi cổng, mặc kệ cho họ có rên rỉ vì đau đớn. Biết bao người là nạn nhân của cách đối xử vô nhân này. Ngày xưa lính của quân đội chúng ta đối xử tử tế biết bao với các tù binh CS. Còn những người chiến thắng chẳng có một chút tình người, họ trả thù thẳng tay.

Vào được miền Nam, họ ngỡ ngàng khi thấy nhà cao cửa rộng. Máu tham nổi lên, họ đặt ra đủ thứ cách để chiếm đoạt tài sản của những người thua trận.

Đánh tư sản mại bản để chiếm nhà. Chiếm nguyên căn nhà không được, thì họ lục lại hồ sơ xây cất của căn nhà. Người còn lại chỉ được chia cho một tầng hoặc một phòng của căn nhà.

Họ quả là thông minh trong mọi cách lươn lẹo để chiếm đoạt tài sản.

Có quốc gia nào đổi tiền ba lần trong 10 năm. Cướp tiền một cách công khai.

Cướp hết tiền, nhà, đất, ruộng. Họ bắt đầu xâm phạm tới tài nguyên của quốc gia. Đốn cây, phá rừng làm nhà. Cho mướn đất công (Formosa)... Họ coi như khi có chức có quyền thì của công cũng là của họ.

Người ta vẽ vời ra đủ thứ xây cái này, xây cái nọ. Chẳng cần biết cái đó có cần thiết không? Vì một lẽ dễ hiểu: có vẽ mới có phần bỏ túi.

Biết bao công trình dở dang vẫn còn sờ sờ trước mắt mọi người.

Tham nhũng và bất lương là hai thứ đồng hành. Không phải tự nhiên mà ma túy lan tràn khắp nơi. Vì đất nước mình đâu có trồng cây á phiện. Nếu những người canh gác biên giới không lơ là để ma túy lọt vào.

Nhìn ra xứ ngoài, họ cũng muốn tỏ ra chẳng kém ai. Con ếch nhưng muốn to bằng con bò. Người ta chơi golf, thì mình cũng xây sân golf thật to. Môn giải trí của những người thừa tiền lắm bạc. Như vậy họ chỉ làm những gì để lôi kéo du khách, chứ đâu phải nhu cầu cho người dân nghèo là nhà thương và trường học.

Tết đến thì chăng đèn kết hoa ở các thành phố lớn, và cho nghỉ rất lâu. Trong khi ở xứ Mỹ tất cả lễ chỉ có một ngày (được trả lương).Nhưng họ đã tạo ra tiện lợi cho người dân, bằng cách tạo ra long weekend. Bằng cách qui định các ngày lễ rơi vào ngày thứ Hai. Ngoại trừ những ngày lễ mang tính lịch sử không thể thay đổi, như Giáng Sinh, hay lễ Độc Lập. Bạn thấy họ có thông minh không? Còn VN mình, nghèo mà chơi bảnh. Nghỉ lễ nhiều nhất thế giới, ăn Tết cả tuần, phí phạm đủ mọi thứ, có bao nhiêu tiền dốc hết vào Tết. Tiền trang trí bên ngoài ở các thành phố lớn, cũng là tiền đóng thuế của dân mà thôi.

Thật là vẽ vời. Muốn vời du khách về, thì phải vẽ.

Ruộng vườn dẹp bỏ để lấy đất làm khách sạn, sân golf, khu giải trí. Du khách khi tới VN chỉ thấy toàn là nơi giải trí, nhiều hơn cả ở những nước phát triển. Không thấy nhà máy kinh doanh sản xuất. Không thấy sản phẩm nào mang ra thị trường thế giới.

Tất cả chỉ dùng sức lao động để đi làm thuê.

Trong nước thì có các nhà máy, nhưng của các công ty nước ngoài mang vào. Người ta chỉ dùng sức lao động của người được thuê.

Làm thuê, nhưng chủ nhà không bảo vệ người dân của mình. Họ chỉ cần tiền theo đúng kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Trước kia có chuyện một công ty sản xuất giầy của chủ Đại Hàn, họ đã đánh đập nhân công, và xúc phạm tới thân thể của đàn bà con gái, bằng cách lột trần truồng để khám xét. Cũng tại thói ăn cắp mà ra.

Người ta thường nói, túng làm liều, bần cùng sinh đạo tặc. Đằng này con của quan to, tiền bạc đầy ắp. Vẫn đi ăn cắp, đến nỗi người ta phải treo bảng cảnh cáo, bằng tiếng Việt, mới là nỗi buồn cho những người Việt khác, trong và ngoài nước.

Chỗ nào ăn cắp được là ăn cắp. Bớt xén vật liệu xây dựng, mới tưng bừng cắt băng khánh thành. Ít lâu sau đã sụp đổ. Không ai chịu trách nhiệm. Mọi thứ đã chia chác xong. Tiếp tục vẽ thêm cái khác.

Kể từ khi chiếm được miền Nam, người Việt được ra nước ngoài rất nhiều, không phải học hành để về phục vụ cho đất nước, tất cả chỉ đi làm thuê.

Thanh niên nam nữ đi làm thuê, ông già bà cả cũng được tận dụng sức lao động. Nấu ăn dọn dẹp trong nhà hay săn sóc người già yếu, bệnh tật.

Các cô gái trẻ thì đổi đời bằng cách lên thành phố để bán bia ôm, làm gái mãi dâm, làm gái bao (vợ hờ).

Trẻ em thì đánh giày hay bưng bê ở các quán nhậu, hoặc đi bán vé số.

Nói chung ai cũng có công ăn việc làm hết! Bằng cách cho thuê thân xác hay dùng sức lao động của mình.

Một xã hội ăn xổi ở thì.

Ngày xưa các cụ khuyên con cháu: đừng bán lúa giống. Cũng như ruộng đất để canh tác cung cấp hoa màu nuôi sống gia đình hay toàn dân. Nhưng vì nhu cầu hưởng thụ đã làm mờ mắt mọi người.

Dân bán ruộng để lấy tiền xây nhà lầu, mua xe hơi. Chính phủ thì cho mướn đất (Formosa). Mà cho mướn tới 70 năm hơn một đời người, nghĩa là ông bà ăn hết cả phần của con cháu.

Nhìn bên ngoài mọi thứ phô bày trước mắt du khách. VN là một quốc gia giàu có, bởi vì những khu du lịch thật là hào nhoáng. Những toà cao ốc cũng vươn cao ngạo nghễ chẳng kém ai. Những chiếc xe hiệu Rolls Royce hàng trăm ngàn đô.

Chỉ có điều người ta xây nhà nhưng không xây cống, nên chỉ cần mưa lớn vài giờ là đường biến thành sông. Người ta quên nhiều thứ, nhà vệ sinh công cộng đi mỏi chân cũng chẳng tìm ra. Có một cái gì “khập khễnh” mà người ngoài thấy, nhưng chính quyền không thấy.

Có phải vậy không? Hay đó là do sự vô tình cố ý. Khi trẻ em và người già nghèo khổ, vẫn còn lê la đầu đường xó chợ xin ăn.

Người ta còn vẽ đủ thứ để ru ngủ người dân. Nhiều đài truyền hình như nước ngoài, các tỉnh cũng có đài truyền hình riêng, không còn phải tiếp cận đài trung ương như trước kia.

Người ta tạo ra đủ mọi tên gọi để gây ra lòng ao ước của quần chúng bình dân: Diva, người mẫu, siêu sao, danh hài… Rất nhiều cuộc thi để tuyển chọn người theo những hình tượng đó.

Nhu cầu cuộc sống chỉ có giải trí và hưởng thụ. Còn lại các nhu cầu khác đều quên, hay giả vờ quên.

Chúng tôi những người con xa xứ, nhìn về quê nhà với nỗi buồn khôn nguôi.

Đã gần 42 năm trôi qua, người biểu tình đã trải qua nhiều thế hệ. Nhưng mọi chuyện vẫn không hề thay đổi. Chỉ có nhà tù càng lúc càng nhiều. Mặc kệ biểu tình phản đối biển chết, cá chết. Chỉ có một sự im lặng tuyệt đối. Người ta đã ví đồn công an là nơi vào sinh ra tử. Nghe thật là mỉa mai cay đắng.

Người dân chỉ biết âm thầm than thở bằng những câu ca dao thời hiện đại: cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng nhiều tiền.

Xin đừng vẽ vời thêm nữa. Cũng xin đừng lấy thúng úp voi, khi đâu đâu cũng chỉ nghe xí xa xí xô tiếng người lạ. Mà có nhiều con tàu lạ cứ lởn vởn quanh hải phận quê nhà.

Vẽ, để mời mọi người cùng về ăn bánh vẽ.

Lại Thị Mơ

No comments:

Blog Archive