FB Mạnh Kim
27-3-2017
Dựng “Kong” tại Việt Nam là một cách mua chuộc thị trường tiềm năng Việt Nam? (ảnh: Variety)
“Kong” không chỉ là câu chuyện về một bộ phim giải trí nhảm nhí nhưng được tâng bốc hết lời, không chỉ về một phim bom tấn trước nguy cơ lỗ, không chỉ về “bộ phim Mỹ” kinh phí cao lần đầu tiên được quay ở Việt Nam. Đằng sau “Kong” là một “con khỉ đột” khổng lồ đang phủ bóng đe dọa không chỉ nền điện ảnh nội địa mà có thể cả nền văn hóa Việt Nam.
Dư luận Việt Nam rất hứng chí trước những phát biểu đãi bôi của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts, chẳng hạn “sứ mệnh của tôi là đưa Việt Nam lên màn ảnh và cho thế giới biết đất nước này ngoạn mục như thế nào”. Jordan Vogt-Roberts – một đạo diễn gần như vô danh, nếu không nói là hạng bét thế giới (chỉ mới làm được… một “phim lớn” trước “Kong”, với doanh thu vỏn vẹn hơn 1,3 triệu USD) – không đủ tài cán để thực hiện một “sứ mạng” như vậy. Jordan Vogt-Roberts thuần túy là người làm thuê. Trong trường hợp “Kong”, Warner Bros là nhà phát hành. Nơi bỏ vốn sản xuất và có vai trò quyết định gần như tất cả, từ đạo diễn, casting, đến chọn cảnh… là Legendary và Tencent Pictures (Đằng Tấn ảnh nghiệp) của Trung Quốc.
Legendary vốn là hãng phim Mỹ, thành lập năm 2000, chuyên làm phim giải trí (Batman returns; The dark knight; Ninja Assassin; Clash of the Titans; Godzilla; Warcraft…), đã được tập đoàn Wanda (Đại Liên Vạn Đạt) của trùm bất động sản Trung Quốc Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm) mua vào năm 2015 với 3,5 tỷ USD. Đầu năm nay, người sáng lập Legendary, Thomas Tull, đã bị Wanda ép nghỉ (thay bằng Jack Gao). Việc mua Legendary là một phần trong tham vọng thống trị điện ảnh toàn cầu của Wanda. “Cho đến năm 2020, Wanda sẽ chiếm 20% thị phần công nghiệp điện ảnh thế giới” – Wanda tuyên bố.
Năm ngoái, Wanda mua AMC Entertainment (dây chuyền rạp lớn thứ hai tại Mỹ) và Odeon & UCI (chuỗi rạp lớn nhất châu Âu). Họ cũng mua một khu đất Beverly Hills để dựng phim trường 1,2 tỷ USD; chưa kể việc “đóng góp” 20 triệu USD cho một viện bảo tàng đang được xây tại Los Angeles bởi Viện hàn lâm khoa học điện ảnh Hoa Kỳ (nơi trao Oscar), trong đó có một phòng triển lãm lịch sử điện ảnh được đặt tên “Wanda”! Wanda còn đàm phán mua cổ phần Lionsgate và Metro-Goldwyn-Mayer; đồng thời định mua chuỗi rạp Carmike Cinemas (nếu thương vụ này thành công, Wanda sẽ sở hữu dây chuyền rạp lớn nhất nước Mỹ).
Vương Kiện Lâm là cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc và cách mà Wanda vươn ra toàn cầu là một phần trong kịch bản xây dựng quyền lực mềm mà Bắc Kinh công khai hỗ trợ, từ chính sách đến tài chính. Trong thực tế, không chỉ Wanda. Alibaba và Tencent từng hùn vốn sản xuất “Mission: Impossible 6”, “Star Trek Beyond and Teenage Mutant Ninja Turtles”… Tháng 10-2016, Alibaba loan bố hợp tác với Steven Spielberg. Thậm chí một đài phát thanh nhà nước ở Hồ Nam cũng rót 375 triệu USD vào hãng Lionsgate (nơi sản xuất phim truyền hình nhiều tập “Hunger Games”); trong khi tập đoàn bất động sản Fosun bỏ 200 triệu USD vào hãng sản xuất Studio 8 mới toanh của Jeff Robinov.
Việc Trung Quốc đầu tư điện ảnh cũng như việc Hollywood thâm nhập thị trường Trung Quốc đang mang lại một ảnh hưởng rõ rệt: kịch bản phải được điều chỉnh theo tâm lý thị trường lẫn đường lối chính trị Trung Quốc. Trong “The Martian” (2015), cơ quan không gian Trung Quốc đã ra tay “cứu thế giới”. “Transformers 4” (2014) không chỉ được dựng ở Hong Kong mà còn có cảnh cho thấy “đảng và nhân dân” Trung Quốc đã “can đảm” đối đầu bọn người máy trong khi giới chức Mỹ tỏ ra “hoang mang”. Tất nhiên những đề tài về chủ quyền biển Đông, tin tặc Trung Quốc hoành hành, việc đòi độc lập của Tây Tạng, vấn đề “Một Trung Quốc” đối với Đài Loan… luôn phải tránh né. Đó là lý do tại sao “Doctor Strange”, được dựng từ truyện tranh trong đó có nhân vật nhà sư Tây Tạng, đã phải sửa thành một… phụ nữ Celtic!
Sự thâm nhập Trung Quốc vào Hollywood không phải không gây lo lắng tại Mỹ. Năm 2016, 18 dân biểu thuộc cả hai đảng, trong đó có chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, đã yêu cầu giám sát chặt hơn các vụ đầu tư, trong đó có vụ Wanda mua Legendary. “Liệu định nghĩa về an ninh quốc gia có nên mở rộng để đề cập những mối lo về tuyên truyền và kiểm soát truyền thông và các định chế quyền lực mềm”? – nhóm dân biểu hỏi, trong lá thư gửi lên Văn phòng kiểm toán chính phủ Hoa Kỳ. Sự đòi hỏi giám sát kỹ hơn đã ít nhiều có tác động, trong đó có việc Anhui Xinke New Materials hủy kế hoạch mua Voltage Pictures (nơi sản xuất “The Hurt Locker” – Oscar 2010 hạng mục phim hay nhất) với giá 350 triệu USD.
“Liệu định nghĩa về an ninh quốc gia có nên mở rộng để đề cập những mối lo về tuyên truyền và kiểm soát truyền thông và các định chế quyền lực mềm?” – có bao giờ Quốc hội cũng như giới quản lý văn hóa Việt Nam đặt câu hỏi tương tự? Người ta có thể đay nghiến với một thái độ thù vặt nhỏ nhen khi bới móc “chiến trường là chiến trường nào?” để xét nét một ca khúc trong nước ra đời từ năm 1968 nhưng người ta chưa bao giờ nhìn thấy sự đe dọa hiển hiện của một ngoại bang đang thâm nhập vào nền văn hóa nước nhà, dù điều này không phải mới đây.
Trong cuộc trò chuyện ngày 25-3-2017, diễn viên Hồng Ánh và chuyên viên truyền thông điện ảnh Châu Quang Phước đã cùng đặt ra một câu hỏi bất ngờ: “Tại sao “Kong” được quay ở Việt Nam?”. Nếu chỉ vì cảnh đẹp, Trung Quốc có vô số địa điểm thậm chí đẹp hơn Quảng Bình. Legendary và Tencent vẫn quyết định chọn Việt Nam. Đây có phải là “kỹ thuật” mua chuộc một thị trường tiềm năng như Việt Nam? Là một màn ra mắt gián tiếp, làm bước đệm cho cuộc đổ bộ qui mô hơn của Wanda?
Điện ảnh nội địa vốn yếu lại đang được đối xử không công bằng trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Diễn viên Hồng Ánh thở dài: “Phim Việt bị kiểm duyệt gắt gao nhưng phim Trung Quốc, như “Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện 2”, với đầy cảnh hở hang dung tục, lại được thoải mái ra rạp mà không bị cắt duyệt gì”. Điện ảnh Việt Nam “thất thủ” không chỉ bởi kiểm duyệt. Điện ảnh Trung Quốc lấn vào sân nhà Việt Nam, cần nhấn mạnh, còn nhờ một lực lượng truyền thông Việt luôn hăm hở quảng bá sản phẩm Trung Quốc, những người sẵn sàng đả kích sản phẩm “hài nhảm” nội địa nhưng gần như luôn khoái trá “review” cho sản phẩm, thậm chí tào lao hơn, của Trung Quốc.
Wanda trong thực tế đã vào Việt Nam. Đã có trang Facebook Wanda được dựng từ hồi nào. Trên thongtincongty.com, có một doanh nghiệp tên “Công ty trách nhiệm truyền thông Wanda” ghi địa chỉ số 3 Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7, Sài Gòn; với đại diện pháp luật là Huỳnh Kim Linh (được cấp phép ngày 19-11-2015 và ngày hoạt động 20-11-2015). Và cũng có website wanda.vn. Có vẻ như Wanda đã “nằm vùng” để chuẩn bị cho một cuộc xuất hiện chính thức.
Bằng việc sản xuất “Kong” tại Việt Nam, Wanda đã “mua” được thị trường lẫn tâm lý người Việt. “Kong” đang thất bại thảm hại về mặt doanh thu, tính toàn cầu. Điều đó không quan trọng. Sở văn hóa Hà Nội “đang xem xét” dựng mô hình “Kong” tại hồ Gươm. Báo chí và các “nhà bình luận điện ảnh” cũng khen “Kong” hết lời. Xét về “hiệu ứng xã hội”, “Kong” đang thắng đậm. Wanda chỉ cần có thế. Nếu một tập đoàn tiền nhiều như nước như Wanda đổ bộ vào Việt Nam, điện ảnh nội địa xem như chết đứng hoặc chỉ có thể tồn tại bằng cách làm thuê cho Trung Quốc. Đây không chỉ là vấn đề “đi buôn văn hóa”. Mà là tham vọng biến một nền văn hóa bản địa làm nô dịch văn hóa. Chẳng nơi nào trên thế giới mà Trung Quốc có thể làm được điều này dễ dàng như ở Việt Nam.
Nói riêng ở lĩnh vực văn hóa, “Viet Kong” đã đầu hàng “China Kong” từ rất lâu rồi!
No comments:
Post a Comment