Hola, Cậu Bé Láng Giềng Đáo Để
Thành phố Havana, thủ đô của nước Cuba chỉ cách xa khoảng 90 dậm đường chim bay từ Key West tiểu bang Florida. Bởi thế vào thập niên 60- 70, những người ty nạn Cộng Sản của nước này chỉ cần một chiếc thuyền nhỏ là có thể vượt biên tới đất Mỹ tìm Tự Do thảnh thơi đễ dàng. Người Cuba không gọi là Havana mà vẫn dùng từ Habana để chỉ thủ đô của nước mình một cách kiêu hãnh, như người Việt chúng ta từ người trong nước tới ngoài nước vẫn chỉ biết một tên thành phố Sài Gòn của Việt Nam mà thôi.
Khi có ý định phiêu lưu du lịch Cuba, một cảm giác hồi hộp lạ lùng dấy lên trong chúng tôi. Đã là người ty nạn Cộng Sản, đã gánh đầy kinh nghiệm sống dưới ách Cộng Sản, nào ai có thể quên nổi cái dĩ vãng tủi nhục đầu không ngóc lên khỏi bờ vai. Đi Cuba có nghĩa là đi thăm một trong bốn nước còn giữ chế độ Cộng Sản, đảng trị, trên thế giới hiện nay (Trung Quốc/ Triều Tiên/ Việt Nam) dù Tổng Thống Mỹ Obama mấy tháng trước đã chính thức thăm viếng và gỡ bỏ dần dần cấm vận cho Cuba. Cảm giác thôi thúc tò mò nhập cảnh một nước Cộng Sản “da trắng” nằm sát nách nước Mỹ thật quá liều lĩnh nhưng phải đi cho biết trước khi nước này chuyển mình biến thể.
Chiếu kháng từ Mỹ sang Cuba phải mất nhiều tháng mới được cứu xét. Công dân Mỹ muốn thăm viếng Cuba phải nằm trong 12 diện như từ thiện, thăm viếng gia đình, giáo dục, hội họp, buôn bán thương mại….
Chương trình Hội Ngộ lần thứ 6 của các Bác Sĩ xuất thân từ trường Đại Học Y Sài Gòn được tổ chức tại Montréal, Canada có dính khoản du lịch Cuba là niềm thúc đẩy chúng tôi phó hội. Anh chị em từ Mỹ, Pháp, Úc hào hứng ghi tên. Từ lâu Canada cũng như Mexico đã có giao dịch ngoại giao với Cuba, và đã có rất nhiều tổ chức du lịch Cuba đều đi qua ngã này. Tuy thế những câu chuyện dựng lên, “hù” nhau như Hải Quan Mỹ mà biết bạn đi Cuba hay mua những đồ lưu niệm từ Cuba về, họ sẽ làm khó dễ và bạn có thể bị phạt nặng hay cho bạn nằm phơi rốn trong tù vài tháng, đó là vài người loanh quanh ta rỉ tai khi biết bạn có ý định viếng thăm một nước Cộng Sản.
Chiếc máy bay Air Canada đầy nghẹt anh chị em y khoa bác-sĩ Việt Nam hạ cánh nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Jose Marti. Chúng tôi thật sự đã đạp chân lên Havana, thủ đô của Cuba, vào giữa đêm khuya sau hơn một giờ bay từ Montréal. Nhớ tới thời Mỹ chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam, ai muốn liều lĩnh về thăm gia đình đều phải qua ngả Hongkong hoặc Bangkok. Khi ấy phi trường Tân Sơn Nhất còn đầy đặc kẽm gai và hố bom. Những chiếc nón cối lố nhố khó đăm đăm mặt mày sưng xỉa đóng khung quan trọng đòi làm thủ tục “đầu tiên” nhanh lên… Thì giờ đây, phi trường Havana sáng loáng, nhân viên hải quan với nụ cười mở rộng chào đón du khách. “Hola… hola …”. Thoáng chốc, chúng tôi đã chiếm 2 chiếc xe buýt và hướng dẫn viên cho biết phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới về đến khu nghĩ dưỡng (resort), vậy cứ thoải mái nhắm mắt ngủ được chút nào hay chút ấy vì đã quá nửa đêm.
Buổi sáng đầu tiên tại Cuba, mặt trời ló dạng vào khoảng 5 giờ. Gió mát, biển lặng, cát trắng, hàng dừa xanh nặng chĩu quả đong đưa. Tiếng chim tỉnh thức ca hót mừng một ngày mới líu lo, khiến những người xa xứ lâu ngày chạnh nhớ tới quê hương yêu dấu tít tận bên kia đại dương xa thẳm, với niềm nuối tiếc hoài cổ qua luồng không khí nhiệt đới nóng ẩm quen thuộc. Chú làm vườn nhảy thót lên bứng một quả dừa phạt ngang núm hay tay dâng lên “Hola, senior…”. Du khách đón lấy trái dừa, nước trong vắt ngọt lịm tràn vào cổ họng lâng lâng một niềm vui êm ả, tặng chú một đô, mắt chú em sáng lên “gracias” gập cả thân hình da bánh mật mảnh khảnh hoan hỉ.
Xe “lôi” trong thành phố
Lương nhân công trung bình khoảng 20-30 USD một tháng.
Trước kia dân chúng Cuba bị cấm tuyệt giao dịch bằng Dollars Mỹ, chỉ nhận tiền Canada và Euro, nhưng từ ngày Tổng Thống Obama nhận lời Chủ tịch Raul Castro sang thăm viếng Cuba thì USD được dân chúng hoan hỉ nhận đón nhận nồng nhiệt. Để dễ kiểm soát và giữ ngoại tệ, nhà nước đặt ra hai loại: tiền quốc gia là Pesos (CUP ) và tiền chi tiêu cho người ngoại quốc Convertible Pesos (CUC). Giá trị 1 CUC đổi ra được 24 Pesos. 1 CUC tương đương 1 USD, nhưng khi đổi phải trả thuế và tiền dich vụ lên tới 18%, nên 1 USD chỉ lấy về 82 xu CUC. Tiền CUC và Pesos giả tràn ngập trên thị trường nên hướng đẫn viên thường khuyên bạn nên đổi tại các quán CADECA. Lâu lâu CADECE thản nhiên cho biết đã cạn tiền CUC lưu trữ, bạn sẽ phải è cổ đổi tại khách sạn với giá thật là trời ơi đất hỡi. Thẻ tín dụng American Express bị từ chối thẳng thừng, các thẻ khác với xuất xứ không phải từ Mỹ được hoan nghênh với 3 -10% hoa hồng.
Sáng nay là ngày thăm viếng thủ đô Havana, chúng tôi ồn ào nhẩy lên hai chiếc xe buýt với hào hức. Anh hướng dẫn viên hóm hỉnh qua tiếng Mỹ lưu loát cho biết anh có người nhà rất giầu đang sống tại tieu bang Florida và đây là chiếc xe buýt làm tại Trung Quốc với cái bản đồ Cuba vẽ lộn ngược như thế này.
Anh chỉ ra ngoài cửa sổ: “Những dẫy nhà của dân tuy nhỏ nhưng đầy ấm cúng, ai cũng có chỗ ở, có dich vụ y tế, giáo dục miễn phí…Không có trộm cắp và không ai được mang súng…”. Chúng tôi lại chợt nhớ lại ngày du lịch Việt Nam, hướng dẫn viên khua tay cũng chỉ ra ngoài cửa xe : “Những biệt thự, dinh thự hoành tráng kia là của chủ tịch, bí thư, đại gia…và dân thì vẫn lầm than đầu chạm đất, mông chổng lên trời dài dài… hì … hì…”
Xa xa là dẫy dinh thự hoang phế lấp loáng trong hàng cây xanh, im lìm giữa thảm cỏ cháy ngập đầu người. Đó là nơi trùm Mafia khét tiếng Al Capone dùng làm nơi nghỉ mát, đồng thời lưu dư đồ lậu, ma túy, trước khi chuyển nhập vào Mỹ qua ngả Florida. Rồi đến khu đất lồi lõm, bát ngát với những nhà máy bỏ hoang, dụng cụ phế thải bừa bãi ghi đậm dấu ấn sầm uất xưa kia của các hãng Mỹ chuyên sản xuất đường mía và chocolate Hershey. Kia là tòa nhà đại sứ Mỹ nhiều tầng, đồ sộ, phủ rêu phong, đầy đặc dây kẽm gai vây quanh, cô lập ở một góc phố, vắng bóng người qua lại. Ờ nhỉ, khi chuyến máy bay cất cánh lần chót trên sân thượng, tòa đại sứ Mỹ ở đường Thống Nhất, Sài Gòn, người ta cũng niêm phong, quây dây kẽm gai, rào lưới B40, ngoại bất nhập, nhưng khi Mỹ tái bang giao, hàng trăm hộ dân không biết ở đâu ra lúc nhúc sinh sống bên trong từ bao giờ gào lên nằng nặc đòi được bồi thường mới di chuyển đi chỗ khác.
Lạ nữa là suốt con đường vào thành phố, không thấy biểu ngữ, châm ngôn, nghĩa trang liệt sĩ, hình ảnh, tượng Fildel Castro…chỉ thấy người dân vẫy chào thân thiện như gửi gấm “ Hola … hola…”
Cuba là một đảo lớn trong quần đảo Caribbean, nằm dọc ngoài khơi Bắc Mỹ. Tây Ban Nha chiếm hòn đảo này hàng trăm năm về trước, trước cả thời Pháp đô hộ Việt Nam, khi phong trào dân Châu Âu ùa ra tứ phương đi tìm thuộc địa. Cuba có dân số hơn 11 triệu, sản xuất chính là đường mía, cigars và cà phê.
Người Tây Ban Nha mang nô lệ từ Phi Châu sang khai thác vùng đất mới. Bởi thế dân da mầu chiếm đa số, nhưng ngoại hình nhẹ nhõm hơn. Giới thượng lưu vẫn là dân da trắng, tóc vàng hậu duệ của những thực dân Âu châu cũ. Có thời đảo này được rao bán 100 triệu USD, không ai thèm mua, đến khi lọt vào chế độ Cộng Sản, Mỹ ngậm đắng nuốt cay tiếc hùi hụi như đã để vuột mất một khúc ruột.
Cổ thành El Moro.
El Moro Castle
Thoáng chốc, vượt qua ngọn đồi nhỏ, chúng tôi nhập vào Thành El Morro Castle. Thành được xây năm 1589 bởi người Tây Ban Nha nằm trên vịnh Havana, toàn bằng đá ong nhô ra mặt biển, với những dãy súng thần công xếp nối đuôi nhau, và là một pháo đài kiên cố chống hải tặc và bảo vệ cửa ngõ vào thủ phủ Havana. Thời chính phủ Batista, nơi đây dùng để cầm cố kẻ chống đối, sau cách mạng, trở thành trung tâm chỉ huy của Che Guevara.
Từ đây bạn có thể thuê cỗ xe ngựa thong dong với anh xà ích làm hướng dẫn viên để đi vào thành phố. Hoặc ngồi trên xe tắc-xi mui trần, loại Plymouth đời 1950 sơn xặc sỡ bên cạnh người đẹp tóc vàng óng long lanh phất phơ dưới nắng để đưa bạn tham quan Havana, thủ đô yếu dấu của nàng, nghe nhạc salsa gập dìu phát ra từ chiếc radio gắn khéo léo đằng trước tay lái, rồi gió mát từ biển lùa thổi mơn trớn sẽ làm người du khách quên đi cái nóng ẩm thấp của miền nhiệt đới. Hay nhẩy lên xe “lôi” bình dân dạng con cánh cam len lỏi vào ngõ ngách lồi lõm của thành phố.
Nói tới Havana, là liên tưởng ngay tới hình ảnh Fidel Castro, người có bộ râu quai nón rậm rạp ngạo nghễ quái dị, người hùng cách mạng của thời thập niên 50-60.
Tốt nhiệp luật sư từ Đại Học Havana, Fidel Castro và em trai Raul Castro chủ trương chống đế quốc, hô hào đòi lật đổ chế độ độc tài của Tổng Thống Fulgencio Batista vào năm 1953, nhưng thất bại cay đắng, cả hai bị bắt vào tù, rồi trốn sang Mexico ẩn náu. Tại đây, Fidel hợp tác với Che Guevara, một y khoa bác sì tại Guatamala, nhiễm nặng tư tưởng Lenin-Karl Marx, chứa đầy lập trường Cộng Sản giải phóng nô lệ, đấu tranh giải trừ tư bản và địa chủ bóc lột. Trở về Cuba, nhóm Fidel, Raul, Che trường kỳ kháng chiến trong rừng núi, rồi tràn vào chiếm Havana 1959, Chính phủ Batista co cổ chạy dài lưu vong sang Dominica cuỗm theo 300 triệu USD. Fidel được bầu làm thủ tướng rồi chủ tịch của nước Dân Chủ Cộng Hòa Nhân Dân Cuba. 6 tháng sau, Fidel vội vã bay qua Hoa Kỳ với mục đích xin đàn anh ủng hộ và viện trợ Cuba xây dựng hạ tầng cơ sở sau chiến tranh. Tổng Thống Dwight D. Esenhower từ chối không tiếp, bỏ đi đánh golf, để “cậu be” ngỡ ngàng căm giận, uất quá ngả theo Liên Bang Sô Viết kết cấu hùa theo chiều hướng của Che để trở thành một nước Cộng Sản, sát nách Hoa Kỳ. Tình cảnh tương tự như xưa kia Hồ Chí Minh mang danh Việt Nam đi cầu cứu Tổng Thống Truman giúp sức đánh đuổi thực dân Pháp rồi cũng bị từ chối thẳng thừng chỉ vì Mỹ là đồng minh của Pháp và cốt lõi của HCM là đã được tôi luyện từ Nga.
Quảng trường Cách Mạng
Quảng trường Cách Mạng (Plaza de la Revolucion) chính là cái rốn của thành phố mà người dân rất kiêu hãnh vì Fidel Castro đã ban huấn từ ở đây trước hơn một triệu người tụ họp sau Cách Mạng, vì Đức Giáo Hoàng John Paul II đã đứng trước hàng hàng lớp lớp giáo dân để ban phép lành cho Cuba vào năm 1998. Một tháp mầu xám cao 106 m nằm giữa quảng trường mà bạn có thể đi vào lòng tháp rồi leo lên đỉnh để được nhìn bao quát thủ đô Havana. Phía dưới chân tháp là tượng anh hùng quốc gia Jose Marti bằng đá cẩm thạch trắng oai phong. Marti là văn thi sĩ, nhà báo, đã can đảm liều lĩnh đứng lên làm cách mạng chống thực dân Tây Ban Nha, giải phóng nô lệ, đáng tiếc đã tử trận vào năm 1894, phải mãi tới năm 1902 Cuba mới thật sự được độc Lập sau chiến tranh Mỹ và Tây Ban Nha chấm dứt. Từ đấy, chính quyền và kinh tế của nước này hoàn toàn phụ thuộc vào sự lèo lái của Mỹ.
Đối diện với quảng trường là tòa cao ốc của bộ Nội Vụ, khắc hình Che Guevara choáng cả mặt tiền. Che cầm đầu quân cách mạng vào chiếm Havana trước quân của Castro. Phải mất 6 ngày sau Fidel Castro mới tới được thủ đô. Để tránh thảm cảnh tái diễn Lưu Bang chiếm cứ Tràng An trước Sở Vương, Nguyễn Huệ hung hăng vào Thăng Long xưng đế, Castro khôn khéo thu tóm tập trung quyền lực, áp dụng chính sách giải tỏa tham vọng của quần thần sau khi chiến thắng qua binh pháp như vua quân nhà Lê diệt Nguyễn Trãi, bè phái Hồ Chí Minh hạ bệ Võ Nguyên Giáp sau trận Điện Biên Phủ, Mao Trạch Đông loại trừ Lâm Bưu, Stalin thẳng tay với Leon Trotsky, Fidel Castro đẩy Che đi các nước Phi Châu, Nam Mỹ, Đông Nam Á …hỗ trợ công cuộc đạp đổ thực dân, giải phóng nô lệ, tranh đấu cho dân nghèo.
Đối diện với quảng trường là tòa cao ốc của bộ Nội Vụ, khắc hình Che Guevara choáng cả mặt tiền. Che cầm đầu quân cách mạng vào chiếm Havana trước quân của Castro. Phải mất 6 ngày sau Fidel Castro mới tới được thủ đô. Để tránh thảm cảnh tái diễn Lưu Bang chiếm cứ Tràng An trước Sở Vương, Nguyễn Huệ hung hăng vào Thăng Long xưng đế, Castro khôn khéo thu tóm tập trung quyền lực, áp dụng chính sách giải tỏa tham vọng của quần thần sau khi chiến thắng qua binh pháp như vua quân nhà Lê diệt Nguyễn Trãi, bè phái Hồ Chí Minh hạ bệ Võ Nguyên Giáp sau trận Điện Biên Phủ, Mao Trạch Đông loại trừ Lâm Bưu, Stalin thẳng tay với Leon Trotsky, Fidel Castro đẩy Che đi các nước Phi Châu, Nam Mỹ, Đông Nam Á …hỗ trợ công cuộc đạp đổ thực dân, giải phóng nô lệ, tranh đấu cho dân nghèo.
Di tích hoang phế
Tự dưng mọc một cái mụn nhọt Cộng Sản đang tấy mủ độc ngay dưới nách, TT Eisenhower triệu tập Jose Miro Cardana, Chủ tịch Mặt Trận Giải Phóng Cuba ở Florida nhờ tuyển 1400 dân tị nạn Cuba, rồi gửi đi huấn luyện tại Guatemala. Ngày 17 tháng 4 năm 1961, TT Kennedy ra lệnh dùng số lính mới này dưới sự chỉ đạo tham gia của CIA, ào ào đổ bộ xâm nhập Vịnh Con Heo, làm bàn đạp tiến thẳng tới chiếm lại Havana nhưng te tua thảm bại và bị đẩy lui bởi 20,000 quân thiện chiến dưới sự lãnh đạo của Che. Dân chúng Mỹ bực tức vì bị mất mặt phê bình chính phủ sao không dùng chủ lực quân, lại đi dùng tàn quân tị nạn không một chút kinh nghiệm. Trong khi đó thế giới Cộng Sản ầm ĩ lên án thậm tệ anh khổng lồ đi bắt nạt đứa con nít, thật chẳng quân tử chút nào. Sau 20 tháng thương lượng, Mỹ đồng ý viện trợ nhân đạo 53 triệu USD cho Cuba đổi lấy đám tù binh không kèn không trống trở về. Nếu bạn tò mò muốn tham quan vịnh Con Heo lịch sử này, tài xế của những xe Studebacker, Ford, Dodges 6 chỗ, của thập niên 50, sẵn sàng giúp bạn với giá 50-70 USD một chuyến.
Năm sau, Che bay sang Nga thương thuyết với Nikita Khrushchev nhờ đứng ra bảo vệ Cuba vì sợ Mỹ trả thù rồi lại đem quân đổ bộ xâm chiếm lần nữa. Thời đó Mỹ viện cớ theo lệnh của NATO bảo vệ Thế Giới Tự Do, đã đặt dàn tên lửa tại Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ. Nga ấm ức lắm, liền vồ ngay dịp này, đem luôn dàn hỏa tiễn hạch nhân đặt dọc bờ biển Cuba, chĩa mũi khiêu khích vào đất Mỹ trêu ngươi. Mỹ hậm hực tức uất khi thấy cậu bé láng giềng mượn hơi hùm dọa nạt ngay bên cạnh mình một cách trân trân tráo tráo đáng ghét mà phải ngậm miệng, nuốt hận.
Sau khi củng cố quyền lực, Castro giao cho Che qua Congo tạo loạn nhưng không thành công, rồi thuyên chuyển về Bolivia làm cách mạng. Tại đây, dưới sự chỉ điểm của CIA, Che và những đồng chí bị bắt bởi quân đội Bolivia, rồi bị xử tử ngay trong tù 1967 khi mới 39 tuổi. Cai tù chặt một cánh tay của Che gửi đi xét nghiệm dấu tay, rồi mang chôn tập thể. Vào năm 1997, mồ tập thể này được khai quật, có một hài cốt mất cánh tay, bên túi áo có thuốc lá tẩu gốc Cuba, được cho là của Che, Castro chuyển hài cốt này về Cuba và lập lăng cho Che Guevara tại hạt Santa Clara, tôn vinh Che lên hàng anh hùng cách mạng vĩ đại của những người thuộc thế giới Mỹ Latin. Làng Clara, sát Havana, với bờ biển cát trắng mênh mông, khu văn hóa thượng lưu, khu đại học, xưa kia chính nơi đây quân kháng chiến của Che đã đổ bộ vào thủ đô, tạo nên một huyền thoại và một điểm du lịch kỳ thú.
Loay hoay một hồi rồi chúng tôi cũng phải xuống xe thong dong tản bộ trong khu phố cổ của thành phố. Hàng loạt cây cổ thụ xanh rờn che bóng mát ôm lấy các tòa nhà xây kiểu Tây Ba Nha cổ kính như cố giữ lấy dấu vết của những thế kỷ trước. Có những con đường ngõ ngách được lát bằng đá cũ kỹ như mời gọi bước chân ngừơi du khách. Có những bác xà ích ngồi trên xe song mã kiên nhẫn chờ ai đó thuê một cuốc ngao du thư thả để ngắm vẻ đẹp của một thành phố cổ.
Dẫy xe cổ xưa
Có hàng dẫy xe xưa mầu sắc xặc sỡ, nước sơn bóng lộn, đậu dọc trên đường quanh công viên. Với giá 1 USD du khách có thể chui vào lòng xe ngồi trước tay lái chụp một “pô” hình về khoe bạn bè hay có thể thuê chở đi loanh quanh tham quan. Nhìn quang cảnh ấy, những người Việt tha hương như chúng tôi tự dưng buồn buồn, chạnh nhớ tới hình ảnh các dẫy xe thuê Hoa Kỳ cánh chuồn, đuôi cá lòe loẹt bóng lộn đậu dọc theo đường Lê Lợi của Sài Gòn vào thập niên 50 xa xưa. Ôi nhớ ơi là nhớ!
Ngoài những dinh thự như Tòa đô Chính, Phủ chủ tịch… oai quyền, hãy nhìn lên tòa nhà Casa Del Conde Jaruco với cửa sổ lát kính bao quanh lộng lẫy xây từ thế kỷ 18, hay hòa mình vào Plaza de la Catedral nơi giới thượng lưu sống vào thời phục hưng.
Đã thấm mệt vì nóng bức, áo quần ướt đẫm mồ hôi, xin mời bạn vào nhà hàng La Floritida tường bên ngoài sơn mầu hồng nhạt, bên trong máy lạnh chạy vù vù mát tỉnh cả người.
Trước khách sạn Ambos Mundos
Hãy uống một ly Mojito hay Magarita pha bằng nước cốt dừa tươi khuấy rượu hay “virgin” không rượu, sao mà đậm đà thơm mát đến thế. Cô hầu rượu tỉ tê kể cho bạn nghe vào thế kỷ trước nhà văn Ernest Hemingway thường đến nhâm nhi bên quầy rượu trang hoàng mầu tím này sau những giờ miệt mài tạo các tác phẩm để đời như cuốn “Ngư Ông và Biển Cả”, “For Whom the Bell Tolls”…chiếm giải văn chương Pulitzer 1953 và Nobel 1954.
Bạn có thể vào khách sạn Ambos Mundos, leo vào lồng sắt thang máy cũ kỹ để lên phòng 551, xem nơi “Papa” làm việc khi mới tới Havana. Du khách có thể thuê xe tới Finca Vigia, San Francisco de Paula, nơi ở của vợ chồng ông từ 1940 và ngắm chiếc tầu của ông được trưng bầy giữa sân. Chiếc tầu này ông đã dùng để ra biển thả dong câu cá. Người Cuba tôn ông là “Papa”, tạc tượng đồng đen ngay cửa ra vào của khách sạn.
Chụp lưu niệm với cigars gộc
Bước ra với tinh thần thoải mái, bạn nhập vào đoàn người nườm nượp qua lại trên quảng trường Habana Vieja, bạn sẽ để ý thấy dân Cuba rât lịch sự, không mặc quần short đi dạo như những thành phố khác. Nếu có ai diện quần short nghênh ngang thì chắc như bắp là dân du lịch từ đâu tới mà thôi. Đàn ông thanh niên Cuba cao lớn vạm vỡ như những anh “Vọi” của Khái Hưng, phụ nữ nếu không tóc vàng thì cũng sở hữu một thân hình đều đặn, da ngăm ngăm, mặt mày nhẹ nhõm. Họ mặc quốc phục ngồi trong nhũng cửa hàng tạp hóa tươi cười mời chào bạn mua đồ lưu niệm và các áo lá in hình Che Guevera, Obama. Dân chúng tự nhiên thoải mái tụ vào các quán lộ thiên nhâm nhi ly cà phê kiểu expresso pha đường mía hoặc sữa, nghiền ngẫm những món thịt lợn, đồ biển nướng và thưởng thức các bản nhạc Cuba thuần khiết theo nhịp điệu salsa, mambo, cha cha, tango.. rạt rào tấu tiết trình bầy do các nhạc công điêu luyện với nhạc cụ contrebasse, guitar, violin... Giòng nhạc vọng vang làm người du khách lạc quan, quên hết mệt nhọc, kích thích ra giữa đường thoăn thoắt nhảy biểu diễn một vài bước du dương.
Từ đây ta có thể nhìn thấy khách sạn cổ Nacional de Cuba, hay tòa đô chính El Capitolio hoặc tản bộ trên Paseo Del Prado để đi tới công viên Central park.
Plaza de la Catedral
Nhà thờ Cơ Đốc Giáo cổ kính Virgin Mary kiến trúc năm 1777, dạng Phục Hưng Latin, tọa lạc ở Plaza de la Catedral. Nơi này vào thế kỷ thứ 15 là vùng bến tầu đầm lầy nước đọng. Nhà thờ được xây bằng những khối đá san hô lấy từ đáy biển vinh Mexico, những khối đá còn chứa các di vết hóa thạch của các sinh vật biển cả. Hai tháp chuông không cân xứng đứng ngạo nghễ hai bên, tháp bên phải to lớn hơn treo hai tầng chuông làm bằng vàng, bạc trộn với đồng, khi rung âm thanh ấm áp nhẹ nhàng. Sàn nhà thờ được lát cẩm thạch đen trắng, vòm trong bằng gỗ quý nâng bởi các trụ đá lớn, giản dị có 8 bàn thờ trang trọng.
Vòng qua vài con đường là sừng sững dinh chủ tịch trước kia được trang hoàng bởi hãng Tiffany, New York, giờ đây trở thành bảo tàng Cách Mạng vẫn lưu giữ những lỗ đạn lớn do quân cách mạng để lại trên tường giống như lỗ đại pháo tại cửa Bắc ở Hà Nội, để dân tưởng nhớ tói nỗi đau của kẻ bị trị.
Nhìn thấy súng, thấy đạn, thấy xe tăng, đại bác…trưng bầy, chúng tôi lại liên tưởng tới thời chiến tranh Việt Nam sôi động, Cộng Sản Cuba giả nhân giả nghĩa liên kết làm anh em với Cộng Sản Bắc Việt với sáo ngữ “môi hở răng lạnh”, Fidel Castro gửi 4000 lính sang Việt Nam tham chiến. Vào mùa Hè Đỏ Lửa 1972, quân Bắc Việt bị chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đánh te tua, thảm bại tại Quảng Trị, lui về phía bên kia Bến Hải. Castro cay đắng tức tốc bay sang Đông Hà (1973) để ủy lạo tinh thần các binh lính của mình.
Vòng vo tam quốc, chúng tôi tới thăm xưởng làm cigar Partagas cách không xa khu phố cổ. Mùi thơm của thuốc lá tỏa ra êm dịu quyến rũ, những công nhân phụ nữ cười nói, tay thoan thoắt chọn lá thuốc rồi để trên đùi cuộn thiện nghệ, điếu cigar có khi to lớn bằng cái điếu cày. Nhãn hiệu nổi tiếng như Cohibas, Montecristos được bán với giá không mềm chút nào. Bạn có thể mua một điếu hút thử hay vồ lấy một hộp chứa hàng chục, hàng trăm điếu, tiếc rằng chúng tôi không phải “fan” cigar.
Buổi chiều chúng tôi được đưa đi dùng cơm tại một tiệm Tầu, Shang Gai Restaurante Chino, những tưởng sẽ được thưởng thức thịt vịt quay, cơm Dương Châu, ai dè là các món địa phương, thịt gà nướng cắt lát, rải sốt bơ, cơm nấu bằng gạo thần nông (?) phải nhai kỹ mới nuốt được. Có thể là gạo nhập cảng từ Việt Nam trước kia. Sau đó phái đoàn líu tíu kéo nhau tới Hộp đêm Tropicana trong khu Marianao. Rạp dựng lộ thiên, trong khu vườn trồng cây cối miền nhiệt đới, trên cao trời đầy trăng sao, dưới đất hàng chục những vũ công quần áo thiếu vải đủ mầu lòe loẹt nhẩy múa qua điệu salsa, tango, mambo, latin jazz…. Rạp được xây dựng từ 1939 vẫn tồn tại cho tới ngày nay. Show Tropicana Havana nổi tiếng khắp thế giới vì nghệ thuật điêu luyện, đạo diễn tuyệt vời, tiết tấu thay đổi hàng tháng, tạo dựng công phu, tới Havana không đi xem Tropicana thì thật chưa biết Cuba.
Nửa đêm về sáng, cái nóng dịu lại, chúng tôi trở về khu du lịch Valadero. “Muỗi kêu như trẩy hội” người Cà Mâu ví như thế. Muỗi ùa ra tấn công khách du lịch như thể chào đón vồn vã kẻ xa lạ.
Cuba có tới 3000 km đường biển với những khu du lịch khách sạn hàng hàng lớp lớp huy hoàng với hàng dừa rũ bóng, cát trắng mềm chân, biển xanh sóng lặng ấm áp, giá cả nhẹ nhàng đã níu kéo dễ dàng du khách.
Người Cộng Sản đã nhận rõ sự bất khả thi của hình thức cấu tạo thể chế “rởm” độc đảng trị chuyên chế này khi Nga và Đông Âu giải thể, nên đã tự xoay qua cái mặt nạ xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường, cậu bé láng giềng bên nách Mỹ cũng chợt thức tỉnh vì sợ bị bỏ rơi, vội vàng giang tay ôm lấy đàn anh khổng lồ xin xí xóa chuyện xưa cũ. Những cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam được dịp đàn hạch, trong số đó có thượng nghị sĩ McCain: “17 chiến sĩ Hoa Kỳ, đồng đội của chúng tôi cùng bị giam trong Sở Thú (The Zoo) tại Hà Nội, đã bị Bắc Việt trao cho các anh mang về Havana làm vật thí nghiệm cho chương trình khảo cứu y-khoa, hiện thân xác, xương cốt giấu nơi đâu để chúng tôi đưa về Mỹ…”
Fidel Castro trong tình trạng lơ mơ của bệnh Alzheimer, gần đất xa trời, Raul Castro chống chế, lúng túng hứa sẽ tìm kiếm thực hư.
Nhưng người dân Cuba đã thức dậy như sau một giấc ngủ dài, khi Raul Castro được Đức Giáo Hoàng Francis móc nối để Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận. Tổng Thống Obama được chào mừng trọng thể như là một vị cứu tinh đến với nền kinh tế đang suy sụp tự cô lập vì thể chế Cộng Sản lỗi thời. Người dân đang tô son đánh phấn lại những lâu đài thành quách, những khu phố bỏ hoang, những trang trại tiêu điều, những bãi biển du lịch cát trắng ôm lấy hàng dừa xanh, những khách sạn hoành tráng diễm lệ để hồi sinh, đua theo trào lưu hiện đại hóa của toàn cầu.
Về đến phi trường, nhân viên hải quan tươi cười: “ Quí vị đi Cuba có vui không?”. Chúng tôi lấy làm tiếc vì sợ bóng sợ gió đã không mang về Mỹ ít vật lưu niệm, một chai rượu rum, một điếu cigar gộc để cùng nhau đón Xuân.
ĐẶNG ĐỨC
Nguồn:
1. 12 things not to do in Cuba
2. Fidel Castro- Cold war
3. Che Guevera/ Argentine Cuban Revolutionary
4. Cuba: Vu L. production
5. Hotel Ambos Mundos
6. Herminway in Cuba
7. Vietnam-Cuba
8. The Cuban Missile Crisis.
1. 12 things not to do in Cuba
2. Fidel Castro- Cold war
3. Che Guevera/ Argentine Cuban Revolutionary
4. Cuba: Vu L. production
5. Hotel Ambos Mundos
6. Herminway in Cuba
7. Vietnam-Cuba
8. The Cuban Missile Crisis.
No comments:
Post a Comment