“Tôi thà chết trên quê hương, không bỏ nước ra đi”
Người Lính Già
Thiếu tá Lương Bông nguyên quán quận Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín (cũ), tốt nghiệp khóa 11 Sĩ Quan Thủ Đức. Sau khi ra trường, Chuẩn úy Lương Bông về phục vụ tại cục An Ninh Quân Đội (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) Sài Gòn, kế đó được thuyên chuyển lần lượt về Ty An Ninh Quân Đội Long Xuyên, Vĩnh Long, Sa Đéc. Ông thăng cấp Thiếu tá vào ngày 1-4-1975, chức vụ cuối cùng là Sĩ quan phụ tá Ty An Ninh Quân Đội Cần Thơ, dưới quyền Thiếu tá Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng Ty An Ninh Quân Đội Cần Thơ.
Ngày 30-4-1975, TT Dương Văn Minh kêu gọi tất cả quân nhân VNCH buông súng đầu hàng CS. Tối ngày 30-4-1975, Thiếu tá Nguyễn Thanh Tâm cùng một số quân nhân xuống tàu di tản ra nước ngoài. Thiếu tá Lương Bông không đi và nói: “Tôi thà chết trên quê hương, không bỏ nước ra đi”.
Đến 9 giờ 30 tối 30-4-75, Thiếu tá Lương Bông quyên sinh bằng một quả lựu đạn M.26 tại văn phòng làm việc của ông. Sáng 1-5-75, một số quân nhân thuộc Ty ANQĐ Cần Thơ mướn xe lam mang thi hài Thiếu tá Lương Bông về tỉnh Sa Đéc, trao lại cho bà quả phụ của cố Thiếu tá là bà Huỳnh Mộng Thúy. Thi hài của cố Thiếu tá Giuse Lương Bông được một số anh em thuộc Ty ANQĐ Sa Đéc và ANQĐ Cần Thơ khâm liệm, và đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng là nghĩa trang họ đạo Hòa Khánh tỉnh Sa Đéc.
Sau khi chôn cất chồng, bà Thúy bị chính quyền Cộng sản tỉnh Sa Đéc đuổi ra khỏi cư xá sĩ quan Sa Đéc. Ngoài ra bà còn bị giam giữ tại Ty Công an Cộng sản Sa Đéc gần một năm không rõ lý do. Suốt thời gian bị giam cầm, 4 con nhỏ phải gửi cho bên ngoại nuôi dạy. Sau khi được thả về, bà bị chính quyền Cộng sản tỉnh Đồng Tháp đưa đi vùng kinh tế mới.
Tháng 8-1984, chính quyền cộng sản tỉnh Đồng Tháp thông báo trên đài phát thanh, ra lệnh di dời hài cốt thuộc các phần mộ trong nghĩa trang họ đạo Hòa Khánh trong thời gian 6 tháng; những ngôi mộ không có thân nhân, chính quyền sẽ mướn người đem đi nơi khác. Vì ở trong vùng kinh tế mới, nên lúc bà Thúy và các con biết được tin phải bốc mộ cho chồng, cho cha thì đã quá muộn. Khi đến nơi, mọi dấu vết cũ đã bị san bằng, chỉ còn lại những chân nhang trên mặt đất.
Tôi viết lại chuyện cố Thiếu tá Giuse Lương Bông, để khóc thương cho các chiến sĩ quân lực VNCH đã vì nước quên mình nói chung và khóc thương cho cố Thiếu tá Lương Bông nói riêng, cũng như viết để an ủi phần nào nỗi đau của bà Thúy cùng các con, đã không biết xương cốt của chồng, của cha, hiện bị vùi dập nơi đâu!
Cuối thư ông viết: “Tôi kính xin quý báo nếu có quá nhiều bài vở cũng mong gác lại, để cho đăng chuyện của cố Thiếu tá Lương Bông kịp ngày kỷ niệm 35 năm ngày Quốc hận 30-4”.
Garden Grove, ngày 23-4-2010.
Người Lính Già.
No comments:
Post a Comment