Monday, March 20, 2017

Ai Hại CIA





WikiLeaks tung ra một xì can đan mới, công bố 9.000 tài liệu chứng tỏ CIA có thể đột nhập và chiếm quyền kiểm soát mọi thiết bị kỹ thuật, bao gồm cả các loại điện thoại thông minh và truyền hình có kết nối Internet. Tin Đài Truyền hình Fox News, Tổng thống Donald Trump ra lịnh cho cơ quan điều tra liên bang FBI truy tầm, bắt giữ thủ phạm đã tiết lộ hồ sơ mật của chính phủ. Và CIA cũng mở một cuộc điều tra riêng trong ngành của mình, coi ai là nội tuyến, nội gián ám hại CIA, ngành tình báo quốc ngoại của đất nước và nhân dân Mỹ, được các cơ quan tình báo ngoại quốc trọng vọng.

Đây không phải lần đầu CIA bị đánh phá. Từ cuộc khủng bố 911, năm 2001, trong thời TT Bush, TT Obama, nay TT Trump, CIA đều có bị đánh phá. Ở đời CIA là cơ quan tình báo Mỹ vì quyền lợi, an ninh của Mỹ chiến đấu âm thầm nhưng sanh tử với kẻ thù ngoại quốc, mắt đổi mắt răng đổi răng, thì kẻ thù trả thù là bình thường thế sự. Nhưng trong cuộc chiến tình báo, gián điệp quốc ngoại của Mỹ, trong hành động che dấu triệt tiêu kẻ thù của Mỹ, có thể nói CIA chưa thực sự thất bại trước kẻ thù ngoại quốc nào, kẻ thù CS, TC hay Liên xô, hay Hồi Giáo cực đoan.

Nhưng qua những sách vở tài liệu giải mật hay qua các cuộc điều tra của Quốc Hội, các trần tình với đồng bào Mỹ, rút kinh nghiệm để kiện toàn, người ta thấy CIA chưa bao giờ thua giặc ngoài mà có thua thù trong. Dân chủ, tự do của Mỹ rất cao nên có những ràng buộc chặt chẽ với ngành an ninh vì tôn trọng dân quyền và nhân quyền. Thù trong của CIA không phải là nội tuyến do giặc ngoài cài gián điệp vào, đưa nội tuyến vào vét ót CIA. Mà chánh yếu do những nhà thầu tư nhân đưa nhân viên vào làm việc cho CIA và do những viên chức lão làng quan liêu của CIA sống trong phòng lạnh coi thường những trưởng lưới, những đầu mối, những điệp viên lấy mạng sống của mình để bảo vệ an ninh và quyền lợi Mỹ trong cuộc chiến tranh sanh tử trong bóng tối.

Sau cuộc khủng bố 911, CIA bị “giũa te tua”. Quốc Hội điều tra năm lần bảy lượt. Tổng Thống Bush thay giám đốc CIA và cải tổ ngành tình báo, liên kết cả chục ngoài cơ quan tình báo của Mỹ để thống nhứt lãnh đạo chỉ huy của Tổng Cục An Ninh Quốc gia, song song với việc thiết lập cơ quan mới là Bộ Nội an.

Nhưng Quốc Hội lẫn Hành pháp xét tận cùng kỳ lý nhận thấy CIA vẫn là cơ quan không thể thay thế được. CIA vẫn là cơ quan điều hợp công tác tình báo của quốc gia. Trong đó công tác tình báo quốc ngoại, nhiệm vụ luật định của CIA, đóng một vai trò vô cùng quan trọng vì quyền lợi Mỹ trải rộng khắp địa cầu, quân lực Mỹ cắm chốt khắp năm châu bốn biển, cuộc chiến chống khủng bố có tính toàn cầu. Chính nhờ những cuộc điều tra của Quốc hội, nhờ những phanh phui của báo chí mà CIA cải tổ và tiến bộ. CIA tránh được phần nào cái nạn quá tin vào máy móc, mà coi nhẹ con người tình báo nên thiếu điệp viên, nguồn tin xâm nhập vào lòng địch, khiến cuộc khủng bố 911 xảy ra ngoài tưởng tượng của Mỹ.

Thời TT Obama, nhơn vụ binh nhì Chelsea Manning, một quân nhân chuyển giới tính tuồn tài liệu cho WikiLeaks vào năm 2010, Ông đã quyết định thành lập một tổ chức chuyên săn lùng những kẻ tiết lộ bí mật quốc gia, đó là Lực lượng đặc nhiệm giải quyết mối đe dọa từ bên trong (NITTF).

Sau đó là một nhân viên của một nhà thầu tư nhân lãnh việc phân tích tin tức cho CIA là Edward Snowden phanh phui chương trình nghe lén quy mô của Tổng Cục An ninh quốc gia (NSA) vào năm 2013.

Điều tra sơ khởi mới đây về vụ rò rỉ 9.000 tài liệu nói trên thời TT Trump cho thấy do các chuyên viên của các nhà thầu có quyền truy cập vào thông tin ở cấp tối mật trong thời đại Internet of Things (Internet kết nối vạn vật).

Do không đủ ngân sách thuê chuyên viên dài hạn để bám sát các phát triển mới trong lĩnh vực này nên các cơ quan tình báo chuyển sang sử dụng nhà thầu tư nhân để tiết kiệm chi phí, từ đó dẫn đến nguy cơ thông tin tuyệt mật bị tuồn ra ngoài.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, khuyến nghị “Chúng ta phải thực sự đánh giá lại phần tham gia của giới nhà thầu tư nhân trong lực lượng lao động, bởi để làm việc cho một cơ quan tình báo, bạn cần phải trung thành với nước Mỹ.”

TT Trump vô cùng “lo ngại” về khả năng bảo vệ thông tin của CIA, ngày 8/3/2017 ra lịnh cho FBI điều tra. Phát ngôn viên Sean Spicer tuyên bố “Bất cứ người nào đứng sau vụ tiết lộ thông tin mật lần này sẽ bị xử ở mức cao nhất.”

Cách nay không bao lâu có cuộc trần tình thành khẩn đáng suy nghiệm của Ô. Sam Faddis là một trưởng lưới CIA chiến đấu bí mật chống lại một đường dây của quân khủng bố đang tìm cách tạo mãi vũ khí giết người hàng loạt, nguyên tử, hoá học. Người chỉ huy CIA mới 50 tuổi này nhưng cấp bậc ngang hàng với đại tá nay đã xin nghỉ việc và tiết lộ. CIA đã tổn thất rất nhiều trong cuộc chiến tranh bí mật chống khủng bố. Nhiều gián điệp CIA rất có tài đã anh dũng chiến đấu trong bóng tối, khắp các hành lang đen tối, gian khổ vì nghe theo tiếng gọi của Tổ Quốc Mỹ. Nhưng cũng như Ông, họ đành phải xin giải nhiệm không phải sợ gian nguy mà vì bất mãn với việc điều hành của Nha Hoạt Vụ của CIA (CIAs Operations Directorate), lúc mà cơ quan này cần điệp viên tài ba nhứt trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ô. Sam Faddis viết “25 hay 30 trưởng vùng” của CIA đã hy sinh mỗi 6 tháng. Đó là một tổn thất đầy thảm hoạ (catastrophic). Chức vụ này là chức vụ rất quan trọng, là ngưòi đại diện cho trung ương ở một nước hay một thành phố lớn, ở hải ngoại. Số cấp chỉ huy hy sinh trong 6 tháng ngang hàng với số cấp chỉ huy trong Nha Hoạt Vụ của CIA ở nước nhà Mỹ.

CIA phải đối phó với sự thiếu thốn trầm kha do chánh quyền của TT Clinton đã cắt giảm một cách ào ạt lực lượng an ninh tình báo quốc ngoại này của Mỹ.

Vì tình đồng nghiệp, vì chánh nghĩa của cuộc chiến chống khủng bố, từ cả năm liền, Ô Fadis làm bất cứ việc gì và không từ bỏ cơ hội nào để đánh động lương tâm chánh quyền Bush và nhân dân Mỹ hãy đoái hoài hơn, cung cấp sức người, sức của đầy đủ hơn, cho những người con yêu nam lẫn nữ đã chiến đấu anh dũng một ngày 24 giờ một tuần 7 ngày vì nước Mỹ, khắp bốn phương trời trên thế giới. Ông kêu gọi kinh phí của CIA do người dân đóng thuế không thể giao cho những nhà thầu bao thầu như Nha Hoạt Vụ CIA đã làm.

Vì những người chỉ huy ở Nha Hoạt Vụ là những sĩ quan nhà nghề ngồi lâu ở bàn giấy nên lên lão làng, không biết sự thay đổi hoàn cảnh chiến đấu trong cuộc chiến tranh chống khủng bố, một hình thái chiến tranh bất cân xứng, nhưng vô cùng phức tạp như bây giờ.

Nhiều điệp vụ xuất sắc thành công ở vùng, người ngồi bàn giấy ở Nha được ban thưởng, thăng thưởng dù họ chẳng làm điều gì, ngoài việc cái gì cũng phải báo cáo cho họ, mà ít khi có ý kiến, còn có ý kiến toàn là những lý thuyết bâng quơ dù là điệp viên trong hoạt vụ chậm một giây là bỏ mạng! Những quan lại CIA này vì quyền lợi nghe những nhà thầu hơn những điệp viên trong khi cung ứng phương tiện cho nhân viên và điệp vụ của CIA. Còn những nhà thầu thì đưa những chuyên viên vào làm việc cho một cơ quan tình báo, nhưng thiếu hay không có lòng trung thành với nước Mỹ. Bất mãn một điều gì là họ tiết lộ tài liệu mật mà họ đã biết, gây trở ngại cho ngoại giao Mỹ, mất lòng dân, hạ uy tín chánh quyền Mỹ./.(VA)

No comments:

Blog Archive