Monday, March 20, 2017

Sắp đến ngày 30 tháng 4. Nhìn lại một góc của chiến trường xưa...

Lam Hà.



LGT:  Lam Hà là bút hiệu của cựu Đại Uý, cựu Học Sinh TH Phan Chu Trinh Đà Nẵng, Sĩ Quan Tuỳ Viên cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh QĐ1/QK 1 /VNCH. 

Bài dưới đây trích từ Nhật Ký của một Tuỳ Viên Tưởng Ngô Quang Truởng.

Ngày 23 tháng 10, năm 2010, tôi đi dự lễ tiễn đưa Đại Tá Đặng văn Phước về nơi an nghỉ cuối cùng. Ông là Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 51, và chính ông là người đã nhận tín hiệu cuả tôi qua cái đèn bấm và cái Samsonite, ông đã can đảm đáp xuống cột cờ BTL/HQVI Duyên Hải để cứu Trung tướng Ngô Quang Trưởng -Tư Lịnh Quân Đoàn I và tôi, ra khỏi vùng nguy hiểm vào khoảng 2 giờ sáng ngày 29 tháng 3 năm 1975.

Sau đó chúng tôi ghé núi Sơn Trà bốc Chuẩn Tướng Khánh, Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Quân, rồi trực chỉ phi trường Non Nước để nhập cùng anh em Thủy Quân Lục chiến Việt Nam.

Tôi muốn giữ im lặng sau cuộc chiến, như bao nhiêu chiến binh chuyên nghiệp khác. Nhưng tôi không thể nào quên được bài báo của Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng đã đăng trong tuần báo Viet Tide cuả ông Vũ quang Ninh (chủ nhiệm) và cô Mai Khanh (chủ bút).

Là người học sử, hay viết sử, phải tôn trọng “sử xanh”, và là những người có phương tiện truyền thông để dẫn dắt dư luận quần chúng, xin diễn đạt vô tư, chính xác, và nhất là để cho các thế hệ con cháu biết sự thật là tại sao thế hệ cha ông phải chiến đấu và đã chiến đấu như thế nào.

Bài báo đã đăng ở trang 71 (Viet Tide số 421)

Lá thư tôi hỏi và trang báo xin đăng đã bị phớt lờ.

Chúng tôi, những người đã tận tình phục vụ quê hương xứ sở, quên cả thân mình, cha mẹ, vợ con cùng thân bằng quyến thuộc, đã làm hết khả năng và bổn phận của người quân nhân trong cuộc chiến, rất buồn lòng khi bị đánh giá sai sự thật.
Hôm nay, giờ này, khi tôi đang viết những dòng chữ nầy thì có nhiều người đã ra đi, có nhiều người ở lại quê nhà, và cũng có nhiều người đang chịu trăm cay nghìn đắng trong khắp bốn phương trời ở xứ người.

Trong lúc đó những ngưòi bạn cũ cũng như quân thù đã tìm cách bôi nhọ, hay đổ tội cho QLVNCH, để nhằm mục đích tự tôn vinh hay che dấu mặc cảm phản bội đồng minh.

Ba câu hỏi của tôi không được trả lời thì bây giờ tôi cũng xin được nói lên để mọi người cùng biết:

1. Khi Đà Nẵng đang cơn hấp hối, tôi đã theo sát Tư Lệnh Quân Đoàn I cho đến ngày ra khỏi nước.

2. Tương quan lực lượng đôi bên.

2a. Lực lượng quân đội Cộng Sản:
Những lực lượng Tiền Phương Cộng Sản đang bao vây Đà Nẵng gồm :
- Các Sư đoàn 324B, Sư Đoàn 325,
- Một Trung đoàn chiến xa,
- Hai Trung Đoàn Pháo làm nỗ lực chính.

Tất cả theo Elephant Valley tấn công phía Bắc Đà Nẵng.

- Một nỗ lực thứ hai là Sư Đoàn 711 cùng Mặt trận 44 tiến chiếm khu Kỹ Nghệ An Hòa (quận Đức Dục) và quận Đại Lộc rồi tiến về phía Nam Đà Nẵng.

Thành phố coi như nằm giữa hai gọng kềm của địch.

Tôi nhớ một phái đoàn dân chính gồm có các đại diện dân cử, đảng phái và thân hào nhân sĩ khoảng 10 người, trong số nầy tôi biết dân biểu Phước (cựu HS Phan Chu Trinh và chúng tôi thường gọi là Phước Lít), Giáo sư Trần ngọc Quế (giáo sư trường Phan chu Trinh và là một người cuả một đoàn thể chính trị), họ đến để yêu cầu Tư Lệnh Quân Đoàn có biện pháp quân sự để Đà Nẵng không nằm chịu trận địa pháo như lòng chảo Điện Biên Phủ.

Những đơn vị địch ở phía bắc đèo Hải Vân như:
- Các Sư Đoàn 304, SĐ 308, SĐ 320 B và SĐ 312 đang ở đâu? Có phải chúng đang ở sau lưng những nổ lưc chính không?

Đó là chưa kể những đơn vị địch ở Quân Khu II dồn lên vì QĐ II đã mất trước rồi.

2b. Lực lượng phía QĐVNCH gồm có:
- Sư Đoàn 3/BB, Sư Đoàn /TQLC trừ (vì Lữ Đoàn 147 xem như đã xoá sổ ở phía bắc đèo Hải Vân).
- Không Quân thì tất cả máy bay phải xuôi nam theo lệnh Bộ Tổng Tham Mưu.
- Pháo binh còn vài khẩu.
- Hải Quân chỉ có khả năng vận chuyển hạn chế.
- Sư Đoàn Dù thì đã hoàn toàn rút về Nam.

Quân thất trận đi tìm gia đình, dân lánh nạn từ phía Bắc và phiá Nam đổ về Đà Nẵng, khoảng 1.5 triệu người. Bình thường Đà Nẵng chỉ có khoảng 300,000 dân. Người đi đứng chật đường không thể chen chân được; dĩ nhiên trong số hổn loạn nầy có cả đặc công cùng tiền sát viên pháo binh Cộng Sản..

Đến đây thì Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng cùng quí độc giả đã thấy được quân số tham chiến đôi bên.

Sơ lược những biến cố cuối cùng tại Huế và Đà Nẵng:
- Đêm 25 tháng 3, 1975 Trung Tướng Ngô Quang Trưởng ra lệnh các lực lượng ở Huế rút về ĐN.

- Ngày 26 tháng 3 Trung Tướng Trưởng và tôi bay trực thăng dọc theo bờ biển và tôi thấy tận mắt quân dân bồng bế, gánh gồng dẫn dắt nhau di chuyển về phía Nam. Đi đầu là ĐPQ/NQ tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Kế đến là SĐ 1 rồi đến TQLC. Dân chúng thì chạy lẫn lộn trong đoàn quân và phiá sau. Đa số trong số họ là gia đình quân nhân. Trông thảm thương như cảnh Lưu Bị dắt dân Tân Dã chạy về Diễn Châu trong chuyện Tam Quốc Chí.

Trung Tướng Trưởng muốn tôi lên tầng số để Trung Tướng nói chuyện với Đại Tá Lương, Lữ Đoàn Truởng LĐ 147. Về sau tôi được biết qua Trung Tâm hành Quân QĐI là đoàn người đến cửa Tư Hiền thì tan tác vì không qua được cửa Tư Hiền. Hải Quân và Công Binh nhận lãnh công tác đánh đắm một chiếc tàu Hải Quân làm cầu nổi như dự định trong buổi họp trước đó tại BTL/QĐI, nhưng họ đã không thực hiện được.

Thêm nữa đoàn người bị VC tác xạ và mạnh ai nấy chạy. Bộ Binh và ĐPQ/NQ về đến Đà Nẵng được khoảng 1/3; Nhưng số nầy tan hàng trong hổn loạn để lo đi tìm gia đình nên không còn kiểm soát được.

Sư Đoàn 1 coi như bị xoá sổ cùng với ĐPQ/NQ ở phía Bắc đèo Hải Vân.
Trong ngày 26 tháng 3, 1975 Lữ Đoàn 147 TQLC không bốc được nên Lữ Đoàn đã chiến đấu đến khi hết đạn. Một số tự tử và một số bị địch bắt.

Ngày 26 tháng 3, 1975 Huế xem như đã mất.

Tình hình phía Nam đèo Hải Vân cũng bi đát chẳng kém gì Huế.
Ngày 10 tháng 3 thì hai quận Hậu Đức và Tiên Phước bị tràn ngập bởi Trung Đoàn 52 và Sư Đoàn 711 của Việt cộng.

Ngày 24 tháng 3 Tiểu Khu Quảng Tín rút chạy về Đà Nẵng, và cũng ngày nầy Tiểu khu Quảng Ngãi rút về Chu Lai.

Ngày 26 tháng 3 Sư Đoàn 2 rút ra Cú Lao Ré. Thành phố Đà Nẵng lên cơn sốt hỗn loạn. Cướp bóc đã xảy ra tại kho gạo gần thương cảng.

Sáng ngày 28 tháng 3 Tư Lệnh Quân Đoàn cho triệu tập các cấp chỉ huy để tìm biện pháp vãn hồi trật tự và tái trang bị cho những đơn vị có mặt trong thành phố. Nhưng kế hoạch không thi hành được vì không đủ quân số tác chiến, và hầu như một số lớn sĩ quan đã bỏ phòng sở để đi lo chuyện gia đình. Tôi thấy chỉ có văn phòng Tư Lệnh còn làm việc còn tất cả phòng ban trong bộ tư lệnh hầu như ngừng lại hết.

Vào khoảng 2 chiều ngày ngày 28 tháng 3 Tiểu khu Quảng Nam xem như mất liên lạc. Trung Tướng Trưởng và Tôi chỉ bay đến chi khu Hoà Vang rồi phải trở lại BTL/QĐ. Chi Khu Hòa Vang ở sát phi trường Đà Nẵng. Như vậy QĐI chỉ còn lại Thành Phố Đà Nẵng và Phi Trường chưa bị Việt cộng chiếm mà thôi.
Lực lượng đáng kể để phòng thủ Đà Nẵng chỉ còn Sư Đoàn 3 và 3 Lữ Đoàn TQLC mà thôi.

Trong suốt những tháng ngày ở Mỹ, Trung Tướng Trưởng vẫn thường gặp và đặt giả thuyết với các cấp chỉ huy thuộc quyền rằng nếu khi ấy chúng ta tử thủ Đà Nẵng thì chúng ta có giữ được không? Và việc gì sẽ xãy ra.?

Bây giờ tôi xin chuyển câu hỏi nầy lại cho quí độc giả.

Đến đây tôi cũng xin nhắc đến Sư Đoàn 3:

Sư Đoàn được thành lập với chủ lực là Trung Đoàn 2 cuả SĐ1 BB cùng với quân nhân đủ mọi thành phần: quân nhân văn phòng, quân phạm, hay bị trù dập và bị tống ra Sư Đoàn 3, và Sư Đoàn nầy ra trấn ải địa đầu giời tuyến. Sư Đoàn bị mang tiếng “chạy làng” khi Việt cộng ồ ạt tràn qua vùng giới tuyến phi quân sự, để tấn công quân ta. Ai giỏi hơn ai để không “chạy làng”?

Khi lực lượng Đồng Minh chưa rút đi, thì lực lượng cuả họ gồm:
- Sư Đoàn 3/ TQLC/ Hoa Kỳ
- Thêm Trung Đoàn 1/ TQLC/ Hoa Kỳ tăng phái.
- Sư Đoàn 101 Nhảy Dù/ HK,
- Lữ Đoàn 5 Cơ Giới.

Một tiểu đoàn cuả họ vừa tăng phái lẫn cơ hữu vào khoản 1,500 quân nhân – bằng quân số một trung đoàn chiến đấu của ta.

Hoả lực cuả một Sư Đoàn / Hoa Kỳ chấp cả Hoả lực cuả QĐVNCH không địch nổi. Họ có hỏa lực cuả Không, Hải, Lục yểm trợ tối đa. Mất một sư đoàn là rung chuyển cả nước Mỹ. Một sư đoàn chiến đấu nhưng cả 250 triệu người yểm trợ cả phương tiện lẫn tinh thần. Ngày tôi theo Tiểu Đoàn 3/1 TQLC /Hoa Kỳ hành quân ở vùng Quảng Nam thì một hồi chánh viên nói cho biết rằng các đơn vị Việt cộng rất sợ đụng trận với Mỹ. Tôi hỏi lại anh ta: vậy chúng tôi, QLVNCH, đánh giặc dở hơn Mỹ phải vậy không thì anh ta trả lời rằng không phải vậy - Chúng tôi ít sợ các anh vì các anh bắn ít hơn nhiều, còn Mỹ thì họ bắn như mưa. Anh xem các cây trong làng, có cây nào không đầy vết đạn chằng chịt. Thế nhưng ngày tôi theo Tiểu Đoàn 2/1 TQLC / Hoa Kỳ, tăng phái cho Sư Đoàn 3 / TQLC / Hoa Kỳ, tại phía nam Cồn Thiên vẫn phải chịu trận pháo kích 61 và 82 ly cuả quân chính qui Việt cộng mấy tháng trời.

Đám quân sinh Bắc tử Nam còn dám tấn công các đơn vị Mỹ ở vùng phi quân sự như ở Cồn Thiên, Khe Sanh huống gì một Sư Đoàn tân lập như Sư Đoàn 3?

Những ngày cuối cùng cuả Đà Nẵng nếu không có Sư Đoàn 3, thì Sư Đòan / TQLC / VN không rút xuống tàu được. Sư Đoàn 3 đã bị hi sinh ngăn chận địch và không có kế hoạch bốc Sư Đoàn 3.

Tổng Thống Thiệu đã đặt câu hỏi cho Trung Tướng Trưởng là nếu rút, thì rút được bao nhiêu quân? . Ưu tiên vẫn là rút Sư Đoàn Dù, Sư Đoàn /TQLC để có lực lượng làm hơi thở cuối cùng cuả VNCH.

Lữ Đoàn I Dù còn lại sau cùng chỉ được dùng để ứng chiến nhằm nâng cao tinh thần quân dân mà không được phép xử dụng tác chiến. Sư Đoàn / TQLC cũng vậy; phải làm sao rút được về Sài Gòn.

Khi Tư Lệnh Sư Đoàn 3 về họp lần cuối cùng đêm 28 tháng 3 tại BTL / Hải Quân/ VIDH thì chỉ được biết bất ngờ là phải rút về vùng Horse Shoe gần sông Thu Bồn mà không thấy nói di tản Sư Đoàn 3.

Phương tiện và tình thế chỉ có thể lo cho 2 Sư Đoàn tổng trừ bị mà thôi. Đến đây tôi xin trả lời nghi vấn cuả Đại Tá Phạm Bá Hoa trong “Đôi Dòng Ghi Nhớ” rằng không có quan Xịa nào khuyên đừng đánh cả. Phiá Việt cũng như Mỹ và kể cả Trung Tướng Trưởng chỉ muốn bảo toàn lực lượng để lo chuyện khác về sau, và khả năng chỉ có thể lo cho hai Sư Đoàn Tổng Trừ Bị mà thôi. Sư Đoàn 3 đã bị làm con chốt thí.

Trong quân sử chiến tranh Cao Ly: khi chí nguyện quân Cộng Sản Trung Hoa ồ ạt tấn công thì quân Mỹ và Nam Hàn phải rút về phiá Nam. Sư Đoàn 1/ TQLC/ Hoa Kỳ phải làm nút chận cho quân bạn rút lui. Sư Đoàn nầy đã chiến đấu oanh liệt; nhưng họ phải trả một giá quá đắt: hơn 800 Sĩ Quan và nhiều ngàn binh sĩ hi sinh sau khi họ tự giải cứu và rút sau cùng.

Sư Đoàn 3 cuả chúng ta không làm được như vậy, không có quân bạn gíúp đỡ, để dựa lưng, trưóc mặt là địch, sau lưng là bạn. Sư Đoàn đã phải tứ bề thọ địch.
Hơn nữa chính phủ và nhân dân cuả Sư Đoàn 1 / TQLC / Hoa Kỳ không bỏ rơi họ, trong khi các bạn (Sư Đoàn 3) hoàn toàn bị bỏ rơi. Các bạn ( Sư Đoàn 3) đã chiến đấu oanh liệt trong một hoàn cảnh nghiệt ngã. Xin đứng nghiêm kính chào các chiến hữu Sư Đoàn 3 đã nằm xuồng, hoặc đang quằn quoại đau thương tại quê hương Quảng Đà!

Giờ phút cuối cùng tại Đà Nẵng:
Sáng sớm ngày 29 tháng 3, năm 1975 chúng tôi tiến ra bờ biển để lội lên tàu. Ngoài TQLC ra, tôi đếm BB có khoảng 13 người: Tr/T Trưởng, Tôi , Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ (Tỉnh trưởng Thưà Thiên), Đại Tá Kỳ (Tỉnh Trưởng Quảng Trị), Trung Tá Tuân (Phòng 3 QĐI) và mấy người nữa tôi không nhớ tên.

Tôi đi lòng vòng để tìm một cái phao cho TR/T Trưởng nhưng không tìm được. Các phi cơ trực thăng và Chinooks đang tiếp nhiên liệu bằng cái mũ sắt. Họ phá hai chiềc để lấy nhiên liệu đổ vào một chiếc. Đi đến đâu thì những người trên phi cơ cũng đều chĩa súng vào tôi.

Tôi gặp Thiếu tá Hiếu, người trước đây từng lái trực thăng cho Tr/T Trưởng, và ông la to:

“Đừng bắn nó, nó là bạn tao,”

Ông hỏi: “Mầy có đi thì lên đi với tao.”

“Không,” tôi trả lời”

Thiếu tá có cái phao nào cho tôi một cái cho Tr/T Trưởng.”

“không, tao không có. Mầy có đi không?” Ông lại hỏi

“Không, tôi còn phải lo cho Tr/T Trưởng “ tôi trả lời.

Ông chúc tôi may măn và tôi cũng chúc lại ông may mắn.

Tôi trở lại tìm TR/T Trưởng thì thấy Thiếu Tá Phương (TQLC) đã nhường cái phao mang cho Tr/T Trưởng mặc dù Th/T Phương không biết lội. Đại Tá Trí kẹp Tr/T trưởng một bên, một bên thì Th/T Phương kẹp. Tôi vớ một khúc gỗ cuả một cái bunker cũ để làm cái phao. Một tay tôi nắm thắt lưng TR/T Trưởng để đẩy ông, một tay ôm khúc gỗ và cả ba chúng tôi dìu ông lội ra tàu.

Biển động, sóng lớn, không có cầu tàu. Nhiều lúc sóng phủ tôi bị chìm lĩm. Chúng tôi lội đến vừa lút đầu thì lên được tàu.

Sau khi lên đến nơi thì TR/T Truởng mê sảng và tôi cũng ngất đi một khoảng thời gian dài vì một phần đói, một phần uống nhiều nước mặn khi sóng phủ, một phần vì quá mệt.

Theo Trung Uý Bình, Hạm Phó LST 404, thì Tr/T Trưởng đã nói trong lúc mê sảng:

“Bây giờ Tổng Thống biểu tôi phải làm gì?”

“Làm như vậy thì làm sao tôi nói với các Tướng dưới quyền tôi được.”

Khi tàu đang lênh đênh ngoài khơi Đà Nẵng thì chúng tôi nhận được lệnh Tổng Thống Thiệu “phải tái chiếm ĐN”.

“Bây giờ tôi đi với ai và lấy gì để tái chiếm.”

Tr/T Trưởng nói một mình và ông ra lịnh cho HạmTrưởng đưa ông và TQLC xuôi Nam.

Trên đường xuôi Nam, tôi và Chuẩn Tướng Khánh, mỗi bữa hai người chia nhau nửa muỗng cơm và nửa muỗng nước của anh em hải quân nhịn miệng để dành cho. Chúng tôi không có thực phẩm và nước uống. Theo anh em HQ cho biết tàu vừa xong công tác và trên đường về bến thì nhận được lệnh quay trở ra Đà Nẵng vận chuyển QĐ I nên không có tái tiếp tế.

Về đến Saì Gòn thì Tr/T Trưởng đã kiệt lực nên được đưa vào Tổng Y Viện Cộng Hoà. Vài ngày sau ông tỉnh táo lại và đã khóc khi tôi đứng bên giường bệnh cuả ông, và ông đã than thở rằng: “Nhờ trời giúp tôi với Hòa mới vào được tới đây.”

Còn nhiều chi tiết nhưng bài báo giới hạn. Một ngày nào thuận tiện tôi sẽ viết nhiều hơn. Trước khi tạm chấm dứt bài nầy tôi xin thưa rằng trong sách “Tâm Tư Tổng Thống Thiệu” cuả Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng có đề cập đến “Sư Đoàn 1 tự động tan hàng ở Huế” là không đúng. Đối với Tr/T Trưởng một đôi khi một đaị đội BB do một Thiếu Úy chỉ huy đang chạm địch ông cũng đáp xuống xem xét và tôi đã toát mồ hôi hột vì sợ không bảo vệ được ông. Chuyện một đại đơn vị cấp Sư Đoàn tự động giải tán mà Tr/Tướng Trưởng không biết, thì không thể nào có thể xảy ra được. Chuyện lệnh lạc tiền hậu bất nhất cuả Tổng Thống Thiệu thì có và đúng “solid 100%”. Tôi còn vài tài liệu để chứng minh điều này.

Ngày tháng qua đi, qua đi…Mọi sự rồi cũng chẳng còn gì cả. TT. Thiệu đã ra đi, Đại Tướng Viên đã ra đi, vị tướng tài ba và đức độ Tr/T Ngô Quang Trưởng ngày nào của lòng tôi kính mến cũng đã ra người thiên cổ. Các niên trưởng cuả tôi như Chuẩn Tướng Khánh, Đ/T Duệ, Đ/T Phước cũng đã ra đi, và rồi chúng tôi cũng sẽ mờ dần theo năm tháng… Nếu có còn chăng là đôi dòng lịch sử vậy xin tôn trọng “sử xanh” và đừng bẻ cong ngòi bút vì bất cứ lý do nào.

Biết thì nói rằng biết, không biết thì nói rằng không biết.” Nếu dẫn chứng cho lập luận cuả mình thì xin nêu rõ xuất xứ (foot notes). Xin đừng nói rằng nghe người nầy, người kia nói, là vô căn cứ.

Tiến Sĩ Lê Mạnh Hùng và Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã làm buồn lòng những người đã ra đi và những kẻ còn ở lại. Chúng tôi đã từ bỏ tất cả kể cả gia đình thân yêu để làm hết sức mình cho tổ quốc, cho quân đội và cho lý tưởng.

Quân đội nào cũng có một vài cấp chỉ huy hèn mọn, khi địch chưa đến đã bỏ chạy. Quân Đoàn I cũng không ra ngoài cái thông lệ tầm thường đó; nhưng không phải tất cả cấp chỉ huy đều hèn nhát bỏ chạy về đến Sài Gòn trong lúc còn 100,000 quân còn ở lại chiến đấu tại Đà Nẵng.

Tôi là một cá nhân nhỏ bé tầm thường nhưng may mắn còn sống sót sau biến cố 1975. Ở một góc độ nhỏ bé nào đó tôi đã thấy, đã nghe và đã chịu đựng những điều đã xảy ra vì vậy tôi phải nói cho những người không còn nói được nữa, hay họ không bao giờ muốn nói.

Lam Hà

No comments:

Blog Archive