Thẳng như ruột ngựa
Tục ngữ Việt Nam có câu “thẳng như ruột ngựa”, ý nói về những người quá thật thà, nghĩ sao nói vậy, chứ không biết rào đón, nói loanh quanh, lòng vòng. Tuy nhiên câu này nghe không sỗ sàng như “nói toạc móng heo”. Không biết ruột ngựa có thẳng hay không? Còn tại sao lại nói toạc móng heo?
Người Mỹ có lẽ được xếp vào loại “thẳng như ruột ngựa”. Vì người phụ trách mục “Hỏi Đáp” trên các báo, họ trả lời rất thật thà, “có sao nói vậy”, chứ không vuốt ve độc giả theo kiểu trả lời nước đôi. Lời khuyên của họ rất hiệu quả, vì vậy càng ngày các báo cần có mục hỏi đáp. Ở Mỹ có bà Abby (viết từ năm 1955, mất năm 2013) rất nổi tiếng.
Báo ở Việt Nam cũng có mục “gỡ rối tơ lòng”, người phụ trách mục này luôn luôn là phụ nữ. Bởi vì đa số người hỏi thường là các bà các cô. Lúc còn học trung học, các bạn trong lớp xầm xì: thầy Chu đăng Sơn dạy văn lớp chúng tôi, chính là “bà Hạnh Thuần” của báo Tiền Phong. Khi nghe tôi hỏi, mắt thầy nheo nheo, miệng cười, nhưng không trả lời. Qua Mỹ, rất ít báo Việt ngữ còn giữ mục này. Hiện nay tờ Thời Báo Canada, vẫn có bà Bùi Bích Hà phụ trách mục “gỡ rối tơ lòng”. Bà trả lời rất hay và giúp cho rất nhiều người tìm ra cách giải quyết rất hợp lý.
Người Việt mình ít có thói quen hỏi người ngoài những chuyện, mà họ bảo “ở trong chăn mới biết chăn có rận” nhất là chuyện tình cảm. Bởi vậy, bạn có thể thấy mục hỏi đáp về sức khoẻ, xe cộ, nhà cửa, trồng cây, nấu ăn ….trên các báo Việt ngữ, chứ chuyện gia đình, chuyện tình cảm ítđược phơi bày trên báo. Cô thiếu nữ trong thơ TTKH, đã than thở bài thơ đan áo, cô làm để tặng riêng cho một người, nghĩa là chỉ có người đó được đọc. Nhưng nay bài thơ đó xuất hiện trên báo, cô đã cay đắng nói:
Bài thơ đan áo nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem.
Trong gia đình VN, không có sự thân mật gần gũi giữa cha mẹ và con cái. Nhiều cha mẹ quá nghiêm khắc, con cái không dám hỏi cha mẹ điều gì. Ai cũng khép kín, ít khi thổ lộ tình cảm cho nhau. Người Việt ít mang hỏi ý kiến người khác, cứ tự giải quyết theo như mình nghĩ.
Nhưng người Mỹ thì trái lại, cái gì họ cũng hỏi. Truyền thanh, truyền hình, báo chí đủ thứchương trình “Hỏi - Đáp”. Người dẫn những chương trình này thu hút rất nhiều khán giả, như cô Oprah Winfrey, giàu xụ, chỉ nhờ có talk-show. Hoặc Thẩm phán Judy…Người ta hỏi để xin ý kiến, và họ cũng theo những lời khuyên đó.
Quả thật người Mỹ rất thích hỏi. Những chuyện rất đơn giản họ cũng hỏi, mà người trả lời, giải quyết cũng rất hợp lý. Khi cột advice column càng ngày càng ăn khách, thì TV nhảy vào, gọi là talk show. Cô Oprah Winfrey hốt bạc, rồi tới bà Thẩm phán Judy, không gọi là talk show, mà gọi là tòa án đàng hoàng. Xử nhiều chuyện vô cùng tức cười: con rể mua xe của mẹ vợ, sau đó quịt không trả. Hàng xóm để chó sủa ầm ĩ quấy rầy không ngủ được… tất cả nhờ tòa giải quyết.
Bạn hãy nghe Thẩm phán Judy xử hai cô bạn thân, từ mẫu giáo. Một cô Mập khoẻ mạnh, một cô Ròm ốm yếu. Không hiểu tại sao, một bữa kia, cô Ròm thách cô Mập chơi “gồng tay”. Kết quả cô Ròm bị gãy tay, đi bác sĩ, bó bột hết 1800 đô. Cô đòi cô Mập đền. Quan tòa là bà Judy.
Sau khi nghe cả hai trình bày xong, bà Judy nói :
- Mập, Ròm là bạn thân từ mẫu giáo, cả hai chả có thù oán gì cả, mặc dù Ròm thách thức. Nhưng khi thấy nó chịu không nổi mày phải nói bỏ, tức là mày thương nó. Đằng này mày nhất định bẻ nó gãy tay.
- Ròm, không biết liệu sức mình, chịu không nổi thì nói chịu thua, đâu có phải vì sợ mất mặt, mà cố gắng chịu, để đến nỗi gãy tay.
Tóm lại: cả hai đều ngu, mỗi đứa chịu một nửa: 900 đồng. Nhưng con Ròm bị đau tay vì ngu hơn, lần sau phải liệu sức mình.
Khán giả dự phiên tòa vỗ tay rào rào, còn hai cô gái cũng bắt tay nhau, nói OK đồng ý.
Người Mỹ họ vậy, tuân hành nghiêm chỉnh “luật lệ”. Kêu ca ông Tổng Thống này, Tổng Thống nọ. Nhưng khi họ đã bầu rồi, họ không có đảo chánh lật đổ. Ông Tổng Thống được dùng quyền hạn trong phạm vi của ổng, cho tới hết nhiệm kỳ.
Người mình hay nói lòng vòng, ít khi nói ra sự thật, sợ mích lòng. Nhưng Mỹ thì “ thẳng ruột ngựa”. Chẳng hạn có bà hỏi:
Chồng tôi bệnh rất nặng (terminal ill), nhưng cô em gái, chồng mới mất. Cô ấy cứ gọi chồng tôi để than thở, cô rất sợ mất thêm nguời anh duy nhất (là chồng tôi). Tôi phải làm gì bây giờ, vìnghe cô than thở, chồng tôi cũng rất buồn.
Người phụ trách đã khuyên: bà bảo với cô em dâu, bà dành cho cô đôi tai của bà (offer her your ear), hãy than thở vào tai bà, vì dầu gì bà cũng sắp thành góa phụ như cô ấy!!!!
Cả hai dễ thông cảm nhau hơn. Người mình mà nghe khuyên vậy, sẽ bảo trù ẻo, đem “đào mồ cha mồ mẹ” người trả lời.
Mặc dù người hỏi đa số là đàn bà, nhưng cũng có đàn ông hỏi:
Nhà tôi và nhà bên cạnh có chung drive way. Tôi mua báo, nhưng sáng nào lão hàng xóm cũng ra lấy báo của tôi. Bây giờ tôi phải làm sao?
Trả lời: còn làm sao nữa. Ngày mai ông ráng dậy sớm, ngồi canh chừng. Hễ lão hàng xóm mà ra lượm báo, thì ông phải chạy ra ngay và hét lên: “đó là của tôi”.
Người mình có dám làm vậy không? hay cứ nói “một sự nhịn chín sự lành”, rồi để tức anh ách trong bụng. Hoặc phản ứng tiêu cực bằng cách bỏ không mua báo nữa, thế là mất thú đọc báo.
Một bà còn “ngây thơ” hơn. Hỏi: ông chồng tôi sau 20 năm lấy nhau, ổng không thích làm việc. Việc gì ổng cũng bỏ, thậm chí tôi mở tiệm để ổng trông nom, rồi ổng cũng đóng. Mọi chi tiêu trong nhà, ổng chỉ góp có 20%.Tôi có cảm giác mình như cái máy cày (breadwinner). Lúc đầu tôi không quan tâm tới chuyện ổng không thích đi làm (no financial ambition) vì ổng rất đẹp trai. Nhưng nay tôi cần để dành tiền vì sắp về hưu. Tôi có nên li dị ổng không?
Bạn có thấy một bà VN nào dám hỏi một câu ngớ ngẩn như vậy không?
Bây giờ nghe câu trả lời: bà thân mến, bà đặt câu hỏi sai rồi. Sao bà không tự hỏi từ đầu: tại sao bà muốn lấy ổng, bây giờ bà mới nhận ra, theo truyền thống gia đình ông chồng mới là máy cày (breadwinner) chứ không phải vợ. Tùy bà thôi.
VN mình thì tự mình biết cách giải quyết, như chuyện một ông than thở: thưa bà, đã 30 năm lấy nhau, tôi không biết làm sao để vợ tôi biết nấu ăn. Khi đi làm về, tôi mới biết miếng thịt bò rất mắc tiền đã biến thành “da giày”, còn nồi súp thịt cừu thì biến thành nồi cháo khê. Tội nghiệp cho ông chồng mất công viết thư hỏi, nên bà phụ trách mục gỡ rối an ủi: ông mua sách nấu ăn hay ghi tên các lớp dạy nấu ăn cho bà. Nếu không thấy có sự tiến bộ: tốt nhất là ông nấu luôn cho tiện, khỏi tốn tiền vì phải vứt vô thùng rác.
Tức cười là “danh xưng” mà người trả lời đặt cho người hỏi: Dear motor mama một bà hỏi về ông chồng “vô tích sự”.
Thưa bà, ông chồng tôi rất lười biếng. Chẳng bao giờ chịu thay nhớt xe của ổng. Mặc cho tôi lải nhải, có khi còn cắt cả coupon đưa cho. Nếu nói quá thì ổng đổ nhớt mới vô chung với nhớt cũ. Báo hại xe bị cháy, tôi mắc nợ năm ngàn đô để sửa. Bây giờ tôi phải canh chừng để đi thay nhớt đúng hạn, hay cứ để mặc ổng phải lo chuyện đó.
Trả lời: nếu bà muốn nợ thêm năm ngàn nữa thì giao việc đó cho ổng.
Mỹ hỏi “lẩm cẩm”, vì họ không biết câu: “đất chẳng chịu trời, thì trời phải chịu đất”. Còn không thì đổ cho “cái số” của tôi nó vậy. Kiếp trước mắc nợ kiếp này phải trả.
Hàng ngày lái xe, nghe xướng ngôn viên đùa giỡn trả lời thính giả thật tức cười. Mấy ông bà Mỹ về hưu, họ buồn nên hay gọi radio hỏi, không phải vì tiếng Anh là ngôn ngữ của họ nên họ tự tin, mà do cá tính của dân tộc họ. Hễ thắc mắc là hỏi, chứ người mình, già trẻ lớn bé gì cũng giữ trong lòng. Hỏi sợ bị chê cười, bởi vì có nhiều chuyện mình gọi là “dở hơi” như chuyện sau đây:
Một bà cho phép con gái đem bạn trai về ở chung với cha mẹ. Sau một thời gian, họ chia tay. Kẹt nỗi chàng rể hờ có nuôi một con chó. Vì vậy khi chia tay, con chó cũng đi theo chủ. Bà mẹ viết thư than thở với bà Abby vô cùng não nuột:
Sau khi chia tay với con gái tôi, thằng bạn trai đã ra đi, mang theo cả con chó của nó (dĩ nhiên). Tôi nhớ con chó lắm, và cũng ưa thằng rể hụt. Bà ơi! tôi muốn thăm cả hai có được không?
Nếu là bà mẹ VN, bạn nghĩ sao về cái bà “dở hơi” này.
Bà Abby “sạc” te tua: đừng đổ lỗi cho con gái bà, cô có lý do của cô. Đừng liên lạc với cậu rể hụt, không có lý do gì để thăm con chó.Bà chẳng màng đến nỗi buồn của con gái, mà chỉ buồn vìmất con chó, thật là quái đản.
Có nhiều chuyện không biết làm sao trả lời. Chẳng hạn một con bé tuổi teen than phiền, em rất ngượng khi đi với mẹ tới chỗ đông người. Dù ở chợ hay trong shopping mall, hễ nghe bản nhạc nào mà mẹ thích, là bà đứng lên nhún nhảy và hát to như trẻ con. Một ông chồng cũng hỏi tương tự, vợ ông và ông bố vợ, cứ lên xe (do ông lái) là hát theo radio những bản nhạc cả hai cùng ưa. Ông rất bực mình vì họ hát ầm ĩ (kẹt nỗi lại là vợ và bố vợ).
Gặp bạn thì trả lời thế nào? Bà Abby cũng vậy thôi: kệ họ, đừng chú ý, khỏi bực mình.
Việt Nam mình có câu: “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”, nhiều khi đúng lắm bạn ơi. Bởi vậy mới có “quân sư quạt mo”. Có điều coi chừng mang tiếng “chỉ đường cho hươu chạy”,hoặc là “vẽ rắn thêm chân, đổ dầu vào lửa”, là bị đánh cho phù mỏ đấy.
Hồi xưa còn ở VN, nghe câu “chơi theo kiểu Mỹ”, tức là sòng phẳng không ai nợ ai. Qua bên đây, tôi thấy như vậy dễ chịu hơn. Vì vậy khi đi nhờ xe (carpool) bạn đưa tiền cho người lái, họ sẵn sàng nhận. Trong tinh thần của “cho & nhận”, tôi thấy người Mỹ họ rất “bác ái”. Bởi vì bạn không có xe (trường hợp một số người lúc mới qua), người làm chung biết hoàn cảnh của bạn. Nhà của bạn cũng trên đường đi làm, họ cho bạn đi nhờ. Một hay hai lần không sao, nhưng thường xuyên thì việc họ nhận tiền của bạn, chính là họ đã giúp mình.
Vì thế, trả lời “thẳng như ruột ngựa” với thiện ý, sẽ giúp cho người hỏi nhìn ra vấn đề. Tuy “honesty is the best policy”, nhưng không phải lúc nào cũng có thể nói ra sự thật vì lý do nhân đạo. Đọc cuốn tiểu sử của Steve Jobs, người đọc cảm thấy xót xa khi ông kể rằng: bố mẹ nuôi của ông không hề giấu chuyện ông là con nuôi. Lúc 9 tuổi, ông kể chuyện này cho cô bạn hàng xóm nghe. “Như vậy cha mẹ ruột của mày, không muốn mày”.
Câu trả lời của cô hàng xóm đã làm tim của ông đau thắt. Mặc dù bố mẹ nuôi là những người ông vô cùng quí trọng: cao cả, tuyệt vời. Nhưng sự thật đó chẳng ích lợi gì.
Tại sao họ không đợi tới khi ông trưởng thành cũng đâu có muộn. Từ lúc còn rất nhỏ, lúc nào ông cũng tự hỏi tại sao ông bị bỏ rơi. Năm học lớp ba, ông đã nổi tiếng rất thông minh. Bố nuôi ông dù chưa học xong trung học, nhưng là thợ sửa xe xuất sắc. Bố ông tự chế được rất nhiều thứ, ông cũng vậy. Ông nghĩ rằng chắc là do được thừa hưởng di truyền từ bố. Nhưng sau đó ông cay đắng nhớ ra mình chỉ là con nuôi. Mặc dù “cha sinh không bằng mẹ dưỡng”, nhưng một đứa trẻ chỉ mới mấy tuổi đầu lúc nào cũng bị ám ảnh bị bỏ rơi, thì sự thành thật (honesty) đó, không thể nói là điều tốt nhất (best policy) được.
Steve Jobs rất tôn sùng đạo Phật, ông đến tận xứ Phật cạo đầu ăn chay. Nhưng nhất định ông không tha thứ cho bố ruột (điều Phật khuyên chúng ta). Dù rằng sau đó bố mẹ ruột của ông đã vượt qua những trở ngại ban đầu (ông ngoại không chấp nhận con rể, mẹ chưa học xong), để lấy nhau. Vì vậy ông có cô em gái ruột, cũng rất thông minh (làm chủ bút cho một tạp chí ở NY).
Ông và cô em gặp nhau mỗi tuần, dù cả hai ở cách xa nhau 6 giờ bay. Nhưng Steve Jobs từ chối gặp mặt bố mình, ông cay đắng nói rằng “quá trễ”. Mặc dù bản thân ông cũng vướng phải lỗi lầm y hệt cha ruột. Từ bỏ đứa con gái của mình, đến nỗi mẹ của cô gái đó cam đoan đó là con của ông. Sau khi có kết quả ADN, ông chấp nhận là con mình và đặt tên là Lisa. Cô bạn gái đã cay đắng nói: “trước kia ông bị từ bỏ, nay ông thành kẻ từ bỏ”. Trong cuốn tiểu sử, ông cay đắng nói chuyện của ông cũng xảy ra lúc 23 tuổi, giống y hệt tuổi của cha ông lúc có ông.
Steve Jobs tôn sùng đạo Phật, nhưng vẫn chấp giữ nỗi hận, ông không thể nghe Phật dạy: hãy tha thứ. Chỉ có buông bỏ mới giúp tâm hồn thanh thản.
Thẳng ruột ngựa, hay thành kiến, cũng đồng nghĩa với ích kỷ, hẹp hòi, tàn nhẫn trong lá thư của một bà mẹ gửi cho bà Abby.
Hàng ngày dẫn con đi học, các bà mẹ tụ tập trước cổng trường.
Trong số đó có một bà có 2 đứa con gái và 2 đứa con trai, bất kỳ lúc nào nói đến hai đứa con trai, bà đều xác nhận: đó là con nuôi. Điều này làm khó chịu cho tất cả các bà mẹ, thậm chí làm đau lòng cho hai người mẹ khác cùng đứng đó: một bà không thể có con, một bà đã có con, nhưng sau đó con chết. Họ cũng xin con nuôi, nhưng hai đứa trẻ đâu có biết.
Như vậy thẳng ruột ngựa, hay honesty có còn là best policy nữa không? Cũng tùy mỗi nơi mỗi chỗ, phải không quí vị.
Nếu không các cụ đâu có dạy chúng ta:
Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Courtesy costs nothing.
Tác giã L.T.M.
Hội "quăng bút" thế giới, LHCT giới thiệu và xuất bản
No comments:
Post a Comment