Friday, April 18, 2025

Cảnh giác về nạn buôn người sang các nước láng giềng



Trong một bài viết gần đây, chúng tôi đã kể lại câu chuyện một cô gái trẻ bị lừa bán sang Campuchia, bị ép làm việc trong một ổ lừa đảo của chủ người Trung cộng. Không chỉ vậy, trong lúc hoảng loạn, bế tắc, chỉ muốn cứu con, người mẹ của nạn nhân còn bị lừa mất 16 triệu đồng.

CAMSA (Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Á châu) là liên minh do BPSOS thành lập, giúp giải cứu và hỗ trợ nạn nhân buôn người, làm báo cáo và vận động về nạn buôn người ở Việt Nam. Riêng từ Campuchia, CAMSA đã giúp giải cứu thành công 25 nạn nhân từ năm 2022 tới nay.

Sau đây là một số lời khuyên để cảnh giác trước nạn buôn người và lừa đảo.

Cảnh giác với nguy cơ bị bán sang biên giới


· Cẩn thận với mọi quảng cáo trên Facebook, Zalo… về “việc nhẹ lương cao” ở các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện.

· Cẩn thận khi được giới thiệu việc làm ở các tỉnh thành giáp biên giới nước khác, hoặc gần đó. Chẳng hạn, một nạn nhân người Êđê cho biết chỉ nghe nói là đi “giáp Tây Ninh”, tới khi điện thoại mất sóng mới biết đã bị chở thẳng sang Campuchia.

· Cảnh giác ngay cả khi người giới thiệu công việc là người quen, người cùng làng. Một số nạn nhân bị lừa bởi chính người cùng làng.

· Từ chối nếu việc làm ở nước khác nhưng người tuyển dụng không nhắc gì tới hộ chiếu.

· Hỏi thông tin về công ty và việc làm, hỏi địa chỉ để tìm hiểu trước khi đi, từ chối nếu không có thông tin cụ thể.

· Cho người thân biết đang đi đâu, cung cấp thông tin công việc và địa chỉ.

· Mang theo thức ăn nước uống nếu lên xe lạ, không nhận đồ ăn thức uống từ người lạ. Một nạn nhân người Êđê cho biết bị chuốc thuốc và bắt cóc sang Campuchia.

· Khi có được việc làm và di chuyển đi tới nơi làm việc nên chia sẻ định vị Google hoặc trên Whatsapp cho bạn bè hoặc người thân, trong bất kỳ trường hợp nào họ có thể thông báo cho cơ quan chuyên trách.

Nếu rơi vào đường dây buôn người

Tìm cách gửi định vị cho người nhà tại Việt Nam một cách sớm nhất có thể, có thể dùng Facebook giả hoặc Zalo giả để gửi định vị.

Không chia sẻ thông tin về việc mình liên lạc về cho gia đình với những người cùng bị bắt, vì có nhiều người là nội gián cho những “chủ quản” tại công ty Trung cộng.

Tuyệt đối không xóa những tin nhắn mà bọn buôn người dụ dỗ bạn sang nước láng giềng như Campuchia hoặc Miến Điện. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân vì xấu hổ hoặc sợ người khác biết đã xóa toàn bộ các đoạn tin nhắn với bọn buôn người. Điều này giúp bọn buôn người trắng tội, và khiến các cơ quan cảnh sát Campuchia khó xác định bạn là nạn nhân buôn người, sau khi giải cứu.

Cẩn thận khi có người thân cần giải cứu

· Cẩn thận với đòi hỏi tiền chuộc từ kẻ buôn người. Có trường hợp nạn nhân được trả tự do khi trả tiền chuộc, nhưng cũng có trường hợp gia đình bị quỵt tiền.

· Ưu tiên tìm cách giải cứu (nếu có thể), thay vì trả tiền cho kẻ buôn người.

· Cảnh giác khi người lạ yêu cầu trả tiền để giúp giải cứu. Như đã viết trong bài trước, mẹ của cô gái trẻ bị lừa sang Campuchia lúc đầu không tin khi tổ chức Người Thượng vì Công lý (và CAMSA) không lấy tiền, vì trước đó đã bị lừa mất 16 triệu.

· Hỏi thông tin khi có người lạ đề nghị giúp đỡ, tìm hiểu về tổ chức của họ, không đưa tiền cho cá nhân làm một mình.

Lưu ý, nạn nhân buôn người từ Campuchia là những người cần được chính phủ Việt Nam giúp đỡ, bất cứ hành vi truy tố nào với nạn nhân buôn người là trái với công ước Palermo Protocol mà Việt Nam đã ký kết. Rất nhiều trường hợp người nhà nạn nhân bị công an Việt Nam dọa nạt là sẽ bị bắt khi về Việt Nam hoặc bị phạt vài trăm triệu đồng. Điều này là hoàn toàn không có căn cứ.

Liên lạc CAMSA để được hướng dẫn cách tự đề phòng hoặc cách giải cứu nạn nhân.



No comments:

Blog Archive