TẠI SAO PHẢI DUY TRÌ MỐI THÙ DAI DẲNG VÀ VÔ LÝ?
Tôi nhìn bức tranh cổ động đính kèm dưới tút này, tự hỏi: “Việt Nam tôi chỉ có thể này sao?”
Bức tranh cho thấy lá cờ Hoa Kỳ rách và con chim hòa bình đậu trên chiếc nón tô chữ USA. Tôi không thể không cảm nhận bức tranh cổ động có ẩn ý rằng ngày 30/4 là ngày mà lực lượng Thống Nhất Đất Nước Việt Nam đã đạp lên chiếc mũ USA để Giải Phóng Miền Nam và thiết lập hòa bình!
Tôi hổ thẹn vì bức tranh cổ động này của đồng bào tôi.
Đã 50 năm hòa bình, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập ngoại giao ở mức cao nhất, giá trị xuất nhập khẩu giữa hai bên chiếm hơn một phần tư tổng GDP của Việt Nam. Hoa Kỳ đã viện trợ cho Việt Nam vắc-xin, tàu chiến, phi cơ, đã đầu tư công nghệ cao cho Việt Nam. Việt Nam hưởng lợi rất nhiều từ bang giao với Hoa Kỳ. Bức tranh cho thấy lòng hận thù dai dẳng, vô lý, vô lý tới mức đen tối!
Bức tranh cho thấy hoặc sự nghèo nàn kiến thức lịch sử, hoặc sự nói lấy được.
Hiệp định Geneva bắt đầu ngày 8 tháng 5, kết thúc ngày 21 tháng 7 năm 1954.
Các quốc gia tham gia hội nghị: Pháp, Quốc gia Việt Nam ( về sau là Việt Nam Cộng Hòa), Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt), Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Campuchia. Anh và Liên Xô làm đồng chủ tịch hội nghị.
Các quốc gia ký hiệp định Geneva: Pháp, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Bắc Việt). Quốc gia Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) không ký hiệp định và phản đối chia cắt Việt Nam.
Vậy thì, Hoa Kỳ có phải là bên chia cắt Việt Nam không?
Sau khi hiệp định Geneva được ký kết, năm 1959 Miền Bắc quyết định dựng Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam tại Việt Nam Cộng Hòa, tới năm 1965 Hoa Kỳ mới đổ bộ vào Đà Nẵng. Hoa Kỳ tham chiến nhưng không phải là bên nổ súng trước gây ra cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai.
Dựa vào những sự kiện thật ấy, chắc chúng ta cũng thấy khó lập luận để nói Hoa Kỳ hiếu chiến hay chia cắt đất nước chúng ta!
Lịch sử cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai phức tạp, động tới tâm tư, tình cảm, hoài bão, lý tưởng, ý thức hệ... của rất nhiều người Việt. Cuộc chiến ấy đã đẩy đất nước cần cù, giàu tài nguyên, giàu tiềm năng nhân lực, nằm trên bao lơn (balcon) Biển Đông giàu có 6xuống hàng những quốc gia kém phát triển, là nỗi đau chung của dân tộc. Sự phức tạp ấy chưa thể tách phân minh bạch mọi điều thì tạm thời xin gói lại, cùng hướng tới tương lai. So sánh hiện trạng kinh tế, công nghệ, quân sự giữa Việt Nam và Hàn Quốc chưa đủ cho người Việt thấy đau xót và hổ thẹn sao? Chưa đủ cho người Việt xếp lại quá khứ để theo mục đích chung là phát triển quốc gia sao?
Hoa Kỳ là siêu cường có vị trí địa lý cách xa nhưng có chung một số mục tiêu quan trọng gần gũi với Việt Nam. Vì vậy, sự hợp tác thật lòng với Hoa Kỳ đem tới nhiều lợi ích rất lớn để Việt Nam phát triển mọi mặt. Đối thủ cạnh tranh chánh của Hoa Kỳ là Trung Quốc. Vị trí địa chiến lược và địa kinh tế của Việt Nam khiến Việt Nam có thể dùng sự cạnh tranh giữa hai quốc gia Hoa Kỳ và Trung Quốc làm cơ hội nhanh chóng vươn mình. Chỉ dựa hẵn vào một bên là rơi vào hố đen lệ thuộc, chậm tiến.
Việt Nam cứ hoan ca thành quả anh hùng giành độc lập, ngày hòa bình, thống nhất, nhưng đừng miệt thị bất kỳ quốc gia nào để tạo kẻ thù quốc tế. Nhất là quốc gia ấy là Hoa Kỳ, quá quan trọng, quá cần thiết cho Việt Nam. Một quốc gia có vị trí địa lý khác có thể không cần Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam nhất thiết phải cần! Bây giờ mà đẩy Hoa Kỳ ra xa có nghĩa đưa đầu vào thòng lọng của đối thủ của Hoa Kỳ. Tôi sợ hãi nghĩ tới tương lai của những cuộc chiến biên giới phía Bắc, biển đảo và một nền kinh tế xã hội manh múng, bị xé nhỏ, một nền văn hóa bị xóa sạch bản sắc đang chực chờ nếu Việt Nam đưa cổ vào chiếc thòng lọng đó.
Tôi khẩn thiết cầu xin, năn nỉ những người có trách nhiệm bỏ bức tranh cổ động ấy và những biểu hiện tương tự ra khỏi nội dung ngày lễ Năm Mươi Năm. Chúng cho thấy tầm ngoại giao thấp và trình bày ra thế giới hình ảnh u mê, đắm chìm trong mối thù dai dẳng, vô lý. Chúng độc hại, nguy hiểm cho nền ngoại giao lành mạnh, tự chủ, mở đường cho sự phát triển mà Việt Nam đang muốn vươn tới!
Tờ báo The New York Times cho biết Hoa Kỳ đã chỉ thị cho các viên chức cao cấp, kể cả đại sứ, không tham gia các sự kiện mừng 50 năm thống nhất đất nước. Chắc chắn những người Việt bình thường và lương thiện đau như đứt ruột! Ai có lợi nhất trong sự kiện này?
Trong quá khứ, ai đã ngăn Việt Nam gia nhập WTO, một sự ngăn cản làm chậm đà phát triển Việt Nam? Hình như mỗi lần Việt Nam đứng trước cơ hội phát triển đều có lực đẩy cho chệch hướng đi!
Tôi không tin rằng dân tộc tôi hèn kém, ngu ngốc, u mê tới mức đó. Có bàn tay của thế lực nào muốn dìm Việt Nam vào ngàn năm tăm tối không?
Xin tổ quốc sáng suốt!
Ngày 24 tháng 4 năm 2025
:::::////:::::
VIỆC CẤP BÁCH CẦN LÀM: NGOẠI GIAO
Việc Hoa Kỳ không tham gia lễ kỹ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh tại Việt Nam gây ngỡ ngàng cho nhiều người (1).
Xét mục tiêu của Việt Nam là muốn cùng lúc có quan hệ ngoại giao chặt chẽ và cân bằng với cả hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc, việc không tham gia sự kiện kỹ niệm 50 này là thất bại của ngoại giao Việt Nam!
Sự vắng mặt Hoa Kỳ khiến nền ngoại giao của Việt Nam trống vắng hẵn, cho thấy sự chông chênh nguy hiểm!
Trên Phây có những bình luận như:
Hoa Kỳ không đáng tin
Việt Nam là quốc gia độc lập, không lùi bước
Việt Nam không cần nịnh nọt Hoa Kỳ
Tút này mong các bạn không nghe theo những nhận định, kêu gọi nguy hiểm trên, chúng chỉ khiến chúng ta lầm lạc.
Có thể nghĩ Hoa Kỳ không tôn trọng Việt Nam. Nhưng, Hoa Kỳ-Trump ít tôn trọng quốc gia nào, cả những quốc gia mà sức mạnh kinh tế và quân sự gấp 10 lần Việt Nam!
Có thể nghĩ Hoa Kỳ không tôn trọng Việt Nam. Nhưng họ chỉ hành xử trong phạm vi họ có quyền. Điều này quá nhỏ so với hành vi xâm chiếm một phần lãnh thổ Việt Nam của đại cường khác!
Mục tiêu của đối ngoại Việt Nam là cân bằng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để có thì giờ và cơ hội phát triển. Với hiện trạng chưa đủ sức mạnh kinh tế, quân sự, không có Hoa Kỳ, Việt Nam dễ bị rơi vào vòng ảnh hưởng của quốc gia khác, bị khống chế về kinh tế, chính trị và không loại trừ có thể bị mất thêm lãnh thổ. Việt Nam cứ nhắm theo mục tiêu lâu dài mà đi, quyết tâm đạt được mục tiêu ấy. Không để bị bên ngoài xúi giục hay bị tự ái nhỏ nhặt bên trong lèo lái mà chệch mục tiêu. Tự ái lớn nhất là dân nghèo, nước yếu, đất nước mất lãnh thổ...
Việt Nam cần tự hỏi: tầm quan trọng về vị trí chiến lược quân sự của Việt Nam có bị giảm chưa? Việt Nam cần tìm hiểu kỹ Hoa Kỳ cần gì ở Việt Nam! Ta chỉ bán có giá cái người mua cần, không phải cái ta có sẵn hay cái ta muốn bán!
Lê HL Vân, 250423
============
(1):
Nguyễn Viên: “Đang bức xúc, chợt thấy bài anh !
Trước khi nói những câu tự ái như "Cần gì Hoa kỳ" ta nên nhận thức và nói rõ: Chúng ta rất cần Hoa kỳ !
Từ đó, xem xét lại "mình ăn ở ra sao hôm nay"?
Hoa kỳ là bạn hàng lớn nhất của Việt nam, có ảnh hưởng quan trọng nhất với nền kinh tế và tương lai giàu mạnh của Việt nam, không phải "một vành đai một con đường"...
Diễn binh hoành tráng với sự tham gia của Nga, Tàu... mà không có Mỹ cũng gây nhiều câu hỏi (problematic)?
Nhớ diễn văn năm nào thời ông Nguyễn Tấn Dũng, không hiểu để lấy điểm "lập trường Cách mạng" cạnh tranh với ông Nguyễn Phú Trọng hay sao, mà lần đó ông Dũng nhắc đi nhắc lại "đế quốc Mỹ"...
Donald Trump bất cần thế giới, không thèm lấy lòng ai (Trừ Putin, không hiểu vì sao ?) dễ gì để Việt nam réo tên Mỹ ra để chửi trong khi hiện tại đang "lợi dụng Mỹ, kiếm tiền nhờ Mỹ" ?
Thông điệp Mỹ gởi đến Việt nam qua chỉ thị này là: Hãy tôn trọng chúng tôi khi bạn đang còn rất cần chúng tôi (Dù Donald Trump hay Joe Biden: nước Mỹ cần giữ hình ảnh)
Thực chất, Mỹ là một bên trong hai phe trực tiếp can dự vào chiến tranh Việt nam- cuộc chiến mà người Mỹ thật ra chẳng lợi lộc gì trong con mắt những chính trị gia đời sau như Biden, Trump ! Nếu để hai ông này cầm quyền vào thời đó, thì đã không có sự can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến ở Việt nam ! Do đó, không có lý do gì họ phải ngồi nghe người ta chửi Mỹ "xâm lược" !
Họ không tham dự là phải ! Thiểu năng mới ngồi đó mà nghe người ta chửi nước mình cho một cuộc chiến vô ích 50 năm trước đây !“
No comments:
Post a Comment