Saturday, April 19, 2025

Bảo Tàng Quân Lực VNCH Tưởng Niệm 50 năm sau chiến tranh Việt Nam


Diễn giả 4 - Phạm Gia Đại tại buổi Hội Thảo Tưởng Niệm 50 Năm Sau Chiến Tranh Việt Nam. Ảnh từ ban tổ chức.

Tháng Tư là tháng tưởng niệm, đặc biệt với mốc thời gian 50 năm, nhiều chương trình và hội thảo diễn ra khắp nơi, trong đó “Hội Thảo Tưởng Niệm 50 Năm sau chiến tranh Việt Nam" do Bảo Tàng Quân Lực VNCH tổ chức là một trong những chương trình đông đảo ba thế hệ tham dự, với bốn diễn giả, mỗi người trình bày một góc nhìn về chiến tranh Việt Nam, cùng với thành phần tham dự đa dạng từ lão niên tới thiếu niên sinh ra, lớn lên tại Mỹ.

Những khán giả từ trung học Westminster và Garden Grove.

Khán giả gồm nhiều thành phần, thay đổi tùy theo diễn giả, tham dự đông đảo nhất vào giờ khai mạc, đặc biệt phần 3 khi diễn giả là người Mỹ thì khán giả đa số là thiếu niên từ 15 tới 17, các em đến ngồi nghiêm chỉnh lắng nghe kể lại câu chuyện của cha ông. David Robbins, trung sĩ 19 tuổi năm 1968, Sqt E5, 199th Infantry Brigade, 3rd of the 7th cũng tới tham dự hội thảo do đọc báo OC Register. Hãnh diện khoe tấm hình ông ngồi dưới đất vào năm 1968, chỉ vào ‘anthena’ nhô lên sau lưng, nói đây là máy truyền tin ông phải mang thay cho người hiệu thính viên trung đội đã tử trận cùng ngày.

Là thiếu niên trong chiến tranh Việt Nam, bố là trung tá phế binh QLVNCH tàn phế 90%, giải ngũ 1973, tù cải tạo trên 7 năm, tôi háo hức tham dự, vừa cố quan sát, theo dõi ghi nhận khán thính giả, vừa ngổn ngang suy nghĩ riêng tư. Xin ghi lại từng phần của chương trình hai ngày qua từng diễn giả dưới đây.

Diễn giả 1: Ông Hoàng Đức Nhã (Thứ 7, 13-4-2025)

1967: Bí thư và phát ngôn viên Tổng thống VNCH. ​

1968: Bí thư kiêm Tham vụ Báo chí Tổng thống VNCH. ​

Tháng 4-1973 tới tháng 11-1974: Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi.

Diễn Giả Hoàng Đức Nhã. Ảnh từ Ban Tổ Chức.

Từ 1967 là cánh tay mặt thân tín của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, chia sẻ suy nghĩ, cùng nhau bàn bạc, ông Nhã là người nắm những điều bí mật quốc gia chỉ vài ba người biết. Cùng tổng thống VNCH, ông trực tiếp đối thoại với Kissinger trong việc giằng co với Mỹ. Ông Nhã cho một cái nhìn bao quát ở vị trí cao nhất VNCH như sau:

- Cuộc chiến kết thúc không tốt nhưng không phải là điều đáng xấu hổ.

- Chiến tranh Việt Nam là thất bại đầu tiên của Mỹ, sau khi thắng Nhật và Đức, đóng băng ở Triều Tiên. 30 Tháng Tư, 1975 không phải một việc bất ngờ, mà là kết quả của một quá trình kéo dài hàng thập niên.

- Hoa Kỳ mệt mỏi, tổn thất lớn, muốn rút lui.

- Mỹ và VNCH không đồng thuận về mục tiêu chiến tranh và hòa bình.

Diễn biến chiến tranh và rút quân được Ông tóm tắt theo thời gian:

- Mỹ vào Việt Nam, “Mỹ hóa” chiến tranh (1965 – chiến dịch Rolling Thunder).

- Bước ngoặt Mậu Thân 1968, chính trị Mỹ bắt đầu đổi chiều.

- “Việt Nam hóa” chiến tranh (1969–1973), dù chính quyền VN không ưa chữ này, nhưng đó là cách truyền thông Mỹ diễn đạt, phải thật ngắn gọn cho quần chúng: Rút quân từ 500,000 xuống còn 50,000 người, giảm viện trợ dần từ $2 tỷ xuống vài trăm triệu, nhất định không cho thêm một xu (1973–1975).

- Hiệp Định Paris 1973 là một thỏa thuận hành chánh (agreement) dù mang tên Hiệp Định, là cách Nixon, Kissinger thực hiện để rút khỏi Việt Nam, nhưng không có giá trị ràng buộc, vì muốn ràng buộc phải là một hiệp định (treaty) được phê chuẩn bởi 2/3 quốc hội Mỹ. Ông nhấn mạnh về nghĩa nhập nhằng của chữ Hiệp Định trong khi tiếng Anh “agreement” có nghĩa khác hẳn “treaty” về pháp lý.

- Chiến dịch Mùa Xuân 1975 của Bắc Việt dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của VNCH. Nếu được viện trợ đầy đủ, VNCH hoàn toàn có thể tự bảo vệ.

David Robbins, trung sĩ, 19 tuổi năm 1968.

Ông cũng nêu lên yếu tố chính trị nội bộ Mỹ với Đảng Dân Chủ nắm quyền, không muốn tiếp tục dính líu tới Việt Nam. Vụ Watergate làm Nixon mất uy tín. Ông Thiệu từ chối tham dự đàm phán tháng 11/1968 được cho là góp phần khiến Humphrey thua Nixon, làm Dân Chủ bất mãn với VNCH.

Ông cũng nhắc đến thành tựu của VNCH: dân chủ đa đảng, bầu cử từ trung ương đến địa phương. QLVNCH chiến đấu hiệu quả, chiến thắng 1972 không có bộ chiến Mỹ trên cả 3 mặt trận biểu tượng ở 3 thị xã An Lộc, Kontum, Quảng Trị. Thành công trong cải cách điền địa, nông nghiệp phát triển, sắp xuất khẩu gạo, khai thác dầu khí.

Cũng qua trình bày trên, người tham dự hiểu rõ hơn tại sao ông trở thành Tổng Trưởng, vì từ vị trí của ông, biết rõ nội tình, diễn biến, xung đột lợi ích với "đồng minh" Mỹ trong suốt từ 1967 tới đầu 1973, vì kinh nghiệm, kiến thức này ông được bổ nhiệm Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi, là một vị trí cực kỳ quan trọng trong giai đoạn hậu Hiệp Định Paris.

Diễn giả 2: Ông Phan Nhật Nam.

Khóa 18 Võ bị Quốc gia Việt Nam, sĩ quan Nhảy Dù, chuyển qua Địa Phương Quân, sĩ quan trong ban Liên Hợp Quân Sự sau Hiệp Định Paris, tù Việt Cộng 14 năm, trong đó có 8 năm biệt giam.

Phan Nhật Nam là một nhà văn chiến tranh nổi bật với Mùa Hè Đỏ Lửa​, Dấu Binh Lửa​, Dọc Đường Số Một​, Tù Binh và Hòa Bình​. Ông được giới phê bình văn học lẫn nhà văn miền Bắc nhắc đến nhiều với các tác phẩm phản ánh chân thực chiến tranh Việt Nam.

Ảnh: Phan Nhật Nam đưa ra nhận định về chiến tranh Việt Nam. Ảnh Việt Báo.

Bước lên sân khấu, Ông nói thật to, sang sảng mạnh mẽ. Ông xen nhiều hoài niệm khi kể thật kỹ tên, chức vụ, đơn vị của nhiều đồng đội. Ông đưa ra nhiều nhận định đặc sắc, dù người nghe đồng ý hay không. Ông nhấn mạnh những điều ông nói có nguồn văn khố, có hình ảnh. Theo Ông:

- Chiến tranh Việt Nam được quyết định ngoài Việt Nam, ở Liễu Châu năm 1954, khi Mao triệu tập Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp qua nhận chỉ thị phải chấp nhận thỏa hiệp với Pháp, vì đảng CSVN chỉ là một chi bộ của đảng CS Tàu, sinh hoạt hàng dọc dưới quyền của bí thư chi bộ Diệp Dĩnh Siêu, vợ Chu Ân Lai.

- TT Ngô Đình Diệm và TT Kennedy bị giết 1963, Phan Nhật Nam nói "việc hai tổng thống Ngô Đình Diệm và Kennedy bị sát hại có nhiều nguyên do, nó vượt ra khỏi buổi nói chuyện này, nhưng mà chắc chắn một điều, tôi nói với trách nhiệm của một người đã thống khổ VN, hai người đó chết là vì hai người đó không chịu đưa quân vô Việt Nam.”

Vì chiến tranh Việt Nam phải xảy ra nên Mỹ làm lớn chuyện vịnh Bắc Bộ khi tàu Maddox chỉ bị bắn với dấu vết 1 viên đạn trên thân tàu "vâng tàu Maddox có bị bắn một viên đạn”.

Quốc hội Mỹ ra nghị quyết Vịnh Bắc Bộ cho phép dội bom Bắc Việt. Từ kịch bản chiến tranh phải xảy ra của những nhân vật chủ chiến Mỹ, quân số của Mỹ tăng rất nhanh ở Việt Nam, những con số ông cùng với những những nguồn khác cho thấy quân số Mỹ tăng thật nhanh tại miền Nam trong năm 1965:

- Tháng 1/1965: khoảng 23,000 quân nhân, chủ yếu là cố vấn.

- Tháng 3/1965: “Tháng 3, tôi quên cái ngày, nhưng chắc chắn là tháng 3 1965, Mỹ đổ bộ 2 tiểu đoàn TQLC lên Đà Nẵng, đổ bộ 2 tiểu đoàn TQLC lên Đà Nẵng mà ông thủ tướng Phan Huy Quát ở Sài Gòn không biết, đến khi nó đổ bộ xong rồi mới báo cho biết", "tháng 3/1965 đổ bộ lên Đà Nẵng 2 tiểu đoàn Mỹ, 2 tiểu đoàn TQLC quân số 2000 người, nhưng đến tháng 9/1965 quân số đã gần 100 ngàn người"

- Tháng 6/1965: khoảng 75,000 quân.

- Tháng 9/1965: gần 100,000 quân.

- Tháng 12/1965: hơn 184,000 quân Mỹ có mặt tại miền Nam Việt Nam.

Nhắc tới tháng 4 năm 1975, khi cả thương viện lẫn hạ viện Mỹ đồng lòng "không cho, một cent cũng không cho nữa", ông dần khép lại phần trình bày với “thành thử chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30-4-1975, tôi nói với tất cả sự đau sót, sự cay đắng, nó hoàn toàn không ngẫu nhiên và hoàn toàn cũng không ngac nhiên, coi như là một tất yếu của lịch sử".

Tuy nhiên, giống như thơ của Tô Thùy Yên:

Chúng ta vẫn sống như rừng cây
Chúng ta vẫn sống như mặt biển,
Bởi vì đã đi nên sẽ đến ..."

Ông nói thêm "Con cháu của mình nó đẹp thật, mắc mớ gì mà bắt các cháu phải mang gánh nặng của chiến tranh Việt Nam? …mắc mớ gì bắt các cháu phải hoan hô, đả đảo Cộng Sản, cũng tội nghiệp các cháu.”

*
Diễn giả 3: George J. Veith. (Chủ Nhật 13-4-2025)

George J. Veith, cựu đại úy Thiết Giáp, tiến sĩ Sử, nhà văn, tác giả nhiều tác phẩm về Việt Nam:

Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-75; Code Name Bright Light: The Untold Story of U.S. POW Rescue Efforts During the Vietnam War; Leave No Man Behind: Bill Bell And The Search For American Pow/mias From The Vietnam War; Black April: The Fall of South Vietnam, bản dịch tiếng Việt Tháng Tư Đen; Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam's Shattered Dreams, bản dịch tiếng Việt Tuốt Kiếm Phương Xa.

Diễn giả 3: George J. Veith. ôn lại diễn biến chiến tranh Việt Nam. Ảnh từ Ban tổ chức.

Điểm nổi bật của phần 3 này là sự có mặt thật đông của nhiều học sinh gốc Việt từ 2 trung học Westminster, Garden Grove. Nhiều em sinh tại Mỹ, cha mẹ các em cũng xa lạ với chiến tranh Việt Nam.

Khi hỏi tại sao có mặt, một em gái không muốn nêu tên, 15 tuổi, cha mẹ em khoảng 50, nói bằng tiếng Mỹ: Ông bà, cha mẹ, bà con em có người còn đau đớn, có người không quan tâm. Cô giáo trung học của em, gốc Việt giới thiệu buổi hội thảo này với học trò, Cô giáo nhắn nhủ chuyện gì cũng nên tìm hiểu từ nhiều góc khác nhau. Em có nhiều lựa chọn cho ‘project’ của em, nhưng em chọn hội thảo này.

Ảnh Việt Báo

George J. Veith trình bày xuất sắc. Như một thầy giáo, Ông lôi cuốn người nghe với nhiều bản đồ cho thấy bức tranh khái quát, tổng thể về diễn biến chiến tranh Việt Nam, với nhiều mũi tên chỉ huớng tiến công, danh hiệu các đơn vị tham chiến trên từng mặt trận của 2 phe theo trục thời gian, giúp khán giả tức thì thấy được chuyển động cuộc chiến.

Ông nói về cuộc triệt thoái khỏi Cao Nguyên dẫn tới sụp đổ toàn diện VNCH. Thế chẳng đặng đừng vì QLVNCH mất khả năng chiến đấu do Mỹ cắt viện trợ thật nhanh trong 2 năm 1973-1975.

Dù xuất sắc, hiểu biết thật rõ về phương tiện bị cắt của QLVNCH, một sự kiện nêu ra bởi ông Veith gây quan tâm, ông nhận định: Ở Thuợng Đức 2 đơn vị thông thường của Cộng Quân gây thiệt hại nặng cho 2 lữ đoàn Dù. Dù là binh chủng kiệt xuất nhất của miền Nam. Nhận xét này khác biệt thật lớn với tiến sĩ Nguyễn Đức Phương (Anh Quốc), cho rằng cộng quân không phải là lính thường mà 2 sư đoàn 324B, 304 là 2 sư đoàn chủ lực tinh nhuệ của miền Bắc, với tham dự của một trung đoàn sư đoàn 2 Bắc Việt, có viện trợ dồi dào của khối Cộng đụng 2 lữ đoàn Dù với viện trợ bị cắt đứt.

*
Diễn giả 4: Phạm Gia Đại

Tù 17 năm, làm việc với Không Lực 7 (Air Force 7). Tác giả của một số sách, như Những Người Tù Cuối Cùng (2011) và Người Muôn Năm Cũ (2024), có sách đã dịch ra tiếng Mỹ.

Phần trình bày của diễn giả Phạm Gia Đại nghiêng về tâm linh. Ông kể lại những kinh nghiệm trong tù, gần cõi chết, về "cơ trời, vận nước".

Ban Tổ Chức và Thân Hữu Chụp Hình Lưu Niệm. Ảnh từ BTC.

50 năm trôi qua, nhiều thế hệ đã qua đời, những thế hệ sau có vấn đề của họ, nhiều thứ người ta muốn quên, nhiều thứ tưởng chừng quên nhưng vẫn nằm trong tâm thức cộng đồng, sẽ dai dẳng vài thế kỷ, ngăn trở sự phát triển lành mạnh của dân tộc. Như tiến sĩ Veith nói với các em, rằng chúng ta phải viết, phải là chứng nhân. Lịch sử phải được ghi lại trung thực nhất cho mai sau, để sự thật không được bóp méo bởi vô số ấn phẩm, phương tiện truyền thông của nhà cầm quyền “Bên Thắng Cuộc”. Đó là công việc các thiện nguyện viên Bảo Tàng Quân Lực VNCH đang nỗ lực thực hiện, và nhiều người khác, nơi khác cũng đang làm.

Thật khó mà quy trách nhiệm cho một cuộc chiến tàn khốc dai dẳng, nhưng lúc nào cũng cần một tác nhân đủ trưởng thành lãnh trách nhiệm thì mới có thể nói đến chuyện dân tộc hòa giải. Việc lãnh trách nhiệm hàn gắn phải tới từ nhà cầm quyền đương thời. Tử tế với nhau là cách duy nhất để chữa lành thương tổn của Việt Nam.

Lê Hòa

No comments:

Blog Archive