Saturday, April 12, 2025

TIN THUẾ QUAN: CẬP NHẬT


Cuộc chiến thuế quan của TT Trump hiện đang gây tranh cãi lớn vì hậu quả quá lớn mà cho đến nay vẫn chẳng ai biết chắc chắn sẽ kết thúc như thế nào. Chính sách thuế quan mới của TT Trump bị chống đối từ hai phiá: phiá cấp tiến DC nhắm mắt chống Trump, chống tất cả bất cứ chuyện gì Trump làm dĩ nhiên. Nhưng TT Trump cũng bị một số người trong khối bảo thủ trước đây ủng hộ ông bây giờ quay qua chống, mà chống khá mạnh, vì họ thuộc khối chủ trương tự do kinh tế, tự do mậu dịch tối đa, không chấp nhận bất cứ hình thức thuế quan nào. Báo tài chánh lớn Wall Street Journal phản ảnh khuynh hướng này nên đã có nhiều bài công kích TT Trump khá nặng.

TT Trump thuộc thành phần bảo thủ nặng, chủ trương chính sách bảo vệ kinh tế -protectionist- lập hàng rào thuế quan để bảo vệ kinh tế nội địa. Đi xa hơn nữa, TT Trump cũng muốn dùng chính sách thuế quan để chặn lấn át, lạm dụng của Liên Âu và nhất là chặn bành trướng kinh tế của Trung Cộng. Điển hình nhất là các mức thuế quan mới đánh trên hàng nhập từ Việt Nam, Căm Pu Chia, Lào và Myanmar,... chủ đích là đánh vào hàng Tầu núp dưới nhãn hiệu Made in Vietnam, Made in Laos (xứ Lào sản xuất cái gì???),...

Dưới đây là vài phản ứng tiêu biểu đáng để ý.

Tin mới: Ngày thứ Tư, TT Trump cho hoãn 90 ngày việc áp dụng thuế quan mới với hầu hết các quốc gia ngoài Tầu cộng để có thời gian thương thảo với họ. Tuy nhiên, việc áp đạt mức thuế quan tối thiểu 10% vẫn có hiệu lực ngay, trong khi điều đình.

Bắt đầu bị kiện

Đúng theo truyền thống Mỹ, các biện pháp tăng thuế quan của TT Trump đã bắt đầu bị kiện.

Một tổ chức nghiên cứu chính trị, New Civil Liberties Alliance (NCLA), đã khởi kiện, tố cáo những biện pháp này vi phạm Hiến Pháp vì TT Trump không có quyền thay đổi mức thuế quan, mà chỉ có quốc hội mới có quyền. Trên căn bản, họ có lý do chính đáng để kiện vì theo luật, mức thuế quan phải do quốc hội ấn định chứ TT không có quyền. Tuy nhiên TT Trump đã viện dẫn tình trạng khẩn cấp, dựa trên luật 'International Emergency Economic Powers Act' -IEEPA ban hành năm 1977- cho phép TT ban hành luật đặc biệt trong tình trạng nguy cấp của kinh tế. TT Trump cho rằng mức thâm thủng mậu dịch từ ba chục năm qua, đưa đến mức công nợ đã lên tới mức nguy hiểm cho Mỹ. NCLA cho rằng việc viện dẫn IEEPA không hợp lệ và không chính đáng. Kẻ này không phải chuyên gia luật, mù tịt, nên xin miễn bàn thêm.

Nếu các biện pháp của TT Trump bị một vài quan tòa địa phương bác bỏ và phải thu hồi, thì mọi việc sẽ hoặc là lên tới Tối Cao Pháp Viện, hoặc là TT Trump sẽ phải vận động quốc hội ra luật cho phép ông tăng thuế quan. Nghĩa là cuộc chiến thuế quan này sẽ còn kéo dài khá lâu. Việc ra trước TCPV thì kẻ này mù tịt như đã trình. Việc ra trước quốc hội thì sẽ khá khó khăn cho TT Trump khi đảng CH chỉ nắm thế đa số rất nhỏ trong cả hai viện, trong khi lại có không ít các nghị sĩ và dân biểu CH chủ trương tự do mậu dịch tối đa, không thuế quan gì hết. Bù lại, trên căn bản, khối nghị sĩ và dân biểu CH cũng phải suy nghĩ rất lâu trước khi công khai chống TT Trump. Họ không thể không để ý đến việc đại đa số dân Mỹ vẫn ủng hộ TT Trump rất nồng nhiệt.

Theo cánh tả và qua cả trăm vụ kiện tứ tung, ta có cảm tưởng tổng thống Mỹ tuyệt đối chẳng có bất cứ quyền lấy quyết định nào hết. Nếu kiện đúng chỗ sau khi làm đầy đủ công tác 'judge shopping', thì cuối cùng sẽ thấy các quan tòa địa phương lớn quyền hơn xa tổng thống. Ta chờ xem.

Theo tin báo chí, vì mức thuế quan mới chưa chính thức có hiệu lực cho tới ngày 9/4/2025, nên hầu hết các công ty Mỹ chuyên sống nhờ hàng nhập cảng chưa bị thiệt hại vì mức thuế quan mới, vẫn chưa kiện cáo gì vì còn đang tính toán thiệt hại cụ thể ra sao. Trong những ngày tháng tới, mọi người đều trông chờ rất nhiều vụ kiện. Tuy nhiên, theo báo chí, giới kinh doanh nói chung bình thường cũng rất sợ đụng độ với đương kim tổng thống, nhất là đương kim TT đó lại là ông thần Trump, có thể phản ứng rất bất lợi cho họ, nhất là khi TT Trump lại là người chủ trương giúp đỡ kinh doanh rất mạnh qua việc cắt giảm hàng loạt thủ tục, luật lệ hành chánh rườm rà nhất, cản trở kinh doanh.

Đề nghị của CSVN

Ngay sau khi TT Trump công bố mức thuế quan mới, Tô Lâm đã điện thoại cho TT Trump đề nghị thuế quan 0% hai chiều. TT Trump cho biết sẽ thảo luận với CSVN tuần tới. Nhưng cố vấn thương mại Peter Navarro đã cho biết đề nghị của VN chỉ là bước đầu rất nhỏ, vì vấn đề với VN không phải là mức thuế quan, mà là nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn trong 15 đô hàng VN bán qua Mỹ, thì có ít nhất 5 đô hàng Tầu với nhãn hiệu giả Made in Vietnam. Hơn nữa, hàng Mỹ bán tại VN đều phải chịu 10% thuế trên trị giá gia tăng -value-added tax hay VAT-, là một hình thức thuế quan trá hình. Điều đình thuế quan với CSVN còn phải kèm theo vấn đề hàng Tầu cộng và VAT, là những vấn đề Tô Lâm không đề cập tới.

Ông Navarro nhận định đám lãnh đạo CSVN rất gian trá, không tin tưởng được.

Vấn đề thật sự không phải là tranh cãi về hàng Mỹ vào VN hay hàng VN vào Mỹ. VN là xứ nghèo, không có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm khá đắt tiền của Mỹ, chẳng hạn ở VN, chẳng ai đi xe Cadillac, chẳng ai uống bourbon Mỹ. Ngược lại VN xuất cảng qua Mỹ tương chao xì dầu gì đó, chỉ có một nhúm rất nhỏ dân Việt tị nạn mua. Kỹ nghệ xuất cảng chính của VN là kỹ nghệ lắp ráp iPhone, computers hay may quần áo, giầy dép cho các đại tập đoàn Mỹ như Apple, Nike,... thì nếu vì thuế quan quá cao, các công ty Mỹ có thể đóng cửa hãng ở VN, chuyển qua những xứ thuế quan thấp hơn như Phi Luật Tân (17%), Ấn Độ (26%), Singapore (10%) rất dễ dàng. Đóng cửa các hãng này sẽ khiến VN mất cả trăm ngàn jobs, mất nguồn ngoại tệ cả tỷ đô, kinh tế sẽ đi vào suy trầm nặng, do đó, bắt buộc VN sẽ phải điều đình với Mỹ về việc chặn hàng Tầu cộng chui vào Mỹ qua cửa sau VN, là ý định thật sự của TT Trump.

CSVN đang trong thế kẹt cứng, không biết phải xoay sở ra sao. Cái khó của CSVN là làm sao cản hàng Tầu cộng qua VN như Trump đòi hỏi. Không cản, mà bị Trump đánh thuế quan 46% thì kinh tế VN sẽ phá sản, tiền Hồ sẽ mất giá mạnh, mà cản thì làm sao chống mấy Chú Ba được khi nằm dưới nách họ? Kẻ này thiển nghĩ CSVN chỉ có một con đường may ra có thể thoát thân là cam kết sẽ mua nhiều hàng Mỹ hơn, như dầu khí, máy móc canh nông, mua máy bay Boeing, mua tầu chiến, tầu ngầm,...

Tin mới nhất: Mỹ và CSVN đã bắt đầu thảo luận về trao đổi mậu dịch tại Washington DC.


Phản ứng của Trung Cộng

TC hiểu rõ chính sách thuế quan mới của Trump thực sự nhắm đánh TC, nên đã có phản ứng rất mạnh, phản công, tăng thuế quan hàng Mỹ lên tới 84%, bị ông Trump đánh ngược lại, tăng thuế quan Tầu lên 104%, có thứ lên tới 145%. Ngay sau đó, TC tăng thuế quan đánh trên hàng Mỹ lên 125%. TC cũng lên tiếng kêu gọi nhiều quốc gia khác liên minh với TC để cùng đánh lại Trump. Úc Châu là xứ đầu tiên có phản ứng: đã công khai bác bỏ mọi liên minh với TC.

Cuộc chiến giữa hai con khủng long về kinh tế khiến đám ruồi muỗi CSVN, Khờ-Me, Lèo,... chết oan! Chưa ai biết kết quả ra sao tuy báo mạng Daily Caller nhận định Mỹ nắm dao đằng chuôi, TC nắm lưỡi dao. Mỹ dư thừa sức 'tự lực cánh sinh' sống một mình vì là nhà máy sản xuất lớn nhất thế giới cũng là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới luôn, trong khi TC hoàn toàn lệ thuộc vào xuất cảng. Bù lại, sức chịu đựng của dân nghèo TC lớn gấp bội dân nhà giàu Mỹ.

Phản ứng của thế giới

Hai ngày sau khi TT Trump công bố thuế quan mới, có tin ít nhất 50 quốc gia (tin mới do bộ trưởng Ngân Khố cho biết đã có tới gần 70 quốc gia) đã ngỏ ý muốn thảo luận, điều đình với Mỹ, trong đó có những quốc gia khá 'nhanh chân' như Cambodia, Vietnam, Thái Lan, Nhật, Ấn Độ, Nam Hàn, Úc, Anh Quốc, Do Thái, Argentina, Canada và Mexico, tính tới đầu tuần rồi.

Thủ tướng Căm Pu Chia Hun Manet (nối nghiệp bố cựu thủ tướng Hun Sen) người đầu tiên đã chính thức gửi thư cho TT Trump đề nghị thuế quan qua lại cho tất cả hàng nhập ở mức 5%.

Ngay sau khi TT Trump tuyên bố hoãn thuế quan mới, Liên Âu cho biết cũng hoãn thuế quan mới trên hàng nhập từ Mỹ để thương thuyết với Mỹ.


Phản ứng của lãnh đạo thế giới

- TT Pháp Macron tuyên bố một câu rất đáng chú ý: "Với Trump, tốt hơn hết là tìm cách hợp tác, chứ không nên đối đầu".

- Thủ tướng Anh Kier Starmer nhận định thế giới đã thay đổi, và ông hoàn toàn hiểu rõ ý định của TT Trump, cũng như hiểu rõ tại sao TT Trump đã lấy những quyết định về tăng thuế quan. Theo ông Starmer, thời đại của 'toàn cầu hóa' -globalization- đã cáo chung, và nước Anh cần phải hiểu chuyện này và có những thay đổi, cải cách cần thiết để thích ứng với tình hình mới. Nôm na ra, thời đại của cả thế giới ăn bám hay vắt sữa con bò Mỹ đã chấm dứt.

- Thủ tướng Canada Mark Carney cam kết sẽ thảo luận với Mỹ về vấn đề thuế quan ngay sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 28/4 tới, nếu đắc cử.

Phản ứng của giới tài chánh

Trong 2 ngày sau khi TT Trump công bố bảng thuế quan mới, giới tài chánh run hơn cầy sấy, khiến thị trường chứng khoán rớt như sung rụng. Dow Jones rớt hơn 3.500 điểm trong 2 ngày. Qua tuần sau, trong hai ngày thứ Hai và thứ Ba, rớt thêm khoảng 800 điểm. Nhưng qua ngày thứ Tư tăng vọt gần 3.000 điểm, qua thứ Năm rớt 1.000. Qua thứ Sáu, tăng 620 điểm. Đám vẹt la hét đinh tai khi rớt dĩ nhiên, trong tinh thần bới rác chửi Trump, nhưng nín khe mỗi khi tăng.

Việc tăng giảm quá mạnh chứng tỏ các nhà đầu tư vẫn còn hoang mang không biết tình hình biến chuyển như thế nào. Tuy nhiên, theo ý cá nhân, chỉ phản ảnh những dao động ngắn hạn, và thị trường sẽ ổn định lại trong vài ngày hay nhiều lắm vài tuần tới.

Với các chỉ số mấy ngày đầu rớt như sung, đám vẹt mừng rỡ, nhẩy tưng tưng hô hoán ầm ĩ kinh tế Mỹ lao đầu vào đại họa trầm trọng. Thật ra, theo chatGPT, các chỉ số của thị trường, từ Dow Jones tới NASDAQ, đặc biệt là S&P, hiện nay đều cao quá đáng, thiếu thực tế và cần phải được điều chỉnh. Dưới đây là vài con số theo chatGPT:


Phản ứng của giới chuyên gia kinh tế tài chánh

Các biện pháp thuế quan của TT Trump đã gây tranh cãi lớn trong giới chuyên gia kinh tế. Như DĐTC đã từng viết, không kể khối cấp tiến thiên tả chủ trương 'thế giới đại đồng' không thuế quan, ngay cả trong khối các kinh tế gia thiên hữu, cũng đã và đang có những tranh luận lớn giữa hai khối:
trường phái kinh tế bảo thủ: chủ trương tăng thuế quan để cản lại xu hướng toàn cầu hóa, để bảo vệ -protectionism- kinh tế, kỹ nghệ, nông nghiệp địa phương trong khi cản lại cạnh tranh phần lớn bất chính của nước ngoài; đây là chính sách của TT Trump.
trường phái tự do mậu dịch tuyệt đối -neo-liberalism-, không rào cản, không thuế quan gì ráo, để xứ nào có khả năng sản xuất hàng tốt nhất, rẻ nhất thống trị, mang lại lợi thế lớn nhất cho người tiêu thụ trên thế giới, dựa trên lý thuyết 'độc tài của tự do' -liberal dictatorship- của Adam Smith.

Vẫn như DĐTC đã viết, trên thực tế lịch sử, cái 'tự do tuyệt đối' của Adam Smith chưa bao giờ phản ảnh thực tế cuộc sống. Tất cả các chính quyền trên khắp thế giới, từ thời Adam Smith còn sống tới nay, đều can thiệp -không nhiều thì ít- vào vận hành kinh tế, đặc biệt là trong các xứ chậm tiến hay các xứ có khuynh hướng độc tài, Nhà Nước chỉ đạo.

Nhiều chuyên gia đã công kích Trump chơi trò... bịp, tính mức thuế quan của các nước khác đánh trên hàng Mỹ không phải dựa trên các mức thuế quan thực sự, mà chỉ là cách tính phịa. Không sai lắm. Thật ra, mức thuế quan của các nước khác mà Trump đưa ra cũng như mức thuế quan mới mà Trump đánh trên các quốc gia khác, không phải là những mức thuế quan thật. Thứ nhất, mức thuế quan của các nước khác đánh trên hàng Mỹ mà Trump đưa ra không phải chỉ là mức thuế quan không, mà còn cộng với những yếu tố mà Trump cho là đóng góp vào việc giảm giá thành, tương đương với thuế quan, như miễn hay giảm thuế địa phương, tài trợ của chính phủ, đánh thuế trị giá gia tăng -Value-added tax- trên hàng Mỹ,... giúp cạnh tranh không công bằng với hàng Mỹ. Thứ nhì, Trump muốn cho mọi người thấy sự thất công bằng trên thế giới đối với hàng Mỹ, khiến Mỹ bị thâm thủng mậu dịch nặng nề với cả thế giới, là chuyện Trump không thể chấp nhận. Thứ ba, quan trọng hơn cả, những con số Trump đưa ra chỉ là những yếu tố mở màn cho các điều đình thảo luận song phương thôi. Như kẻ này đã viết, cái bảng Trump đưa ra, trong không bao lâu nữa sẽ hoàn toàn khác hẳn khi Mỹ điều đình lại với cả thế giới.

Cựu cố vấn kinh tế của TT Reagan, kinh tế gia bảo thủ Art Laffer, cha đẻ của phục hưng kinh tế thời Reagan sau đại họa Carter, cho rằng chính sách thuế quan và các thương thảo mậu dịch sắp tới của TT Trump về lâu về dài, sẽ có lợi cho cả Mỹ lẫn thế giới. Ông nhìn nhận hệ thống mậu dịch thế giới hiện nay rất là không sòng phẳng -unfair- cho Mỹ vì hàng Mỹ trên thực tế chịu rất nhiều thiệt thòi qua mức thuế quan cao hơn, cùng với nhiều biện pháp gián tiếp khác. Thất cân bằng mậu dịch giữa Mỹ và thế giới quá lớn và không thể tồn tại vĩnh viễn. Với chính sách mới của TT Trump, thế giới không còn có thể khai thác thị trường vĩ đại của Mỹ trong khi đóng cửa thị trường thế giới không cho hàng Mỹ vào cạnh tranh sòng phẳng.

TT Trump chủ trương giảm thuế quan toàn diện, nhưng không đến mức bãi bỏ hết, áp dụng thuế quan 0% trên tất cả mọi giao dịch quốc tế. Ông Trump không chủ trương tự do tuyệt đối trong mậu dịch, cũng chẳng chủ trương cô lập Mỹ, không chơi với ai hết. Quan điểm của ông có tính thực tế hơn nhiều, với kinh nghiệm cả đời kinh doanh của ông. Nhưng cuối cùng thì chính sách thuế quan của Trump vẫn chỉ nhắm vào hai đối tượng chính là Trung Cộng và Liên Âu thôi. Mấy xứ như Việt Nam, Căm Pu Chia, ... chỉ là râu ria ngoài lề.

Phản ứng của đảng DC

Quý độc giả có cảm thấy có cái gì khác lạ khi các lãnh đạo tai to mặt lớn của đảng DC như Obama, Biden, Pelosi, Jeffries, Schumer,... đều im re, không ai có phản ứng, lên tiếng gì về thuế quan mới không? Tất cả sợ há miệng mắc quai vì:

chính họ đã từng chủ trương sửa đổi chính sách thuế quan quá lợi cho các nước khác, bất lợi cho Mỹ;
cuối cùng thì chính sách tăng thuế quan của TT Trump nếu thành công sẽ thật sự có lợi rất lớn cho Mỹ.


Trên căn bản, đảng DC đã từng công kích các mức thuế quan quá cao mà Liên Âu, Trung Cộng,... đã đánh trên hàng Mỹ. Bây giờ, TT Trump chủ trương chính sách thuế quan tương ứng mà mục đích tối hậu không phải là tăng thuế quan trên khắp thế giới, mà là ép giảm thuế quan trên khắp thế giới. Cứ nhìn vào phản ứng của Việt Nam và Căm Pu Chia thì thấy. Đảng DC trước đây muốn giảm thuế quan nhưng không làm gì ngoài việc hô hào bằng miệng vì không biết cách gì khác, bây giờ bất thình lình lật ngược quan điểm, chỉ vì chống Trump. TT Trump cho cả thế giới nếm mùi thuế quan để bắt cả thế giới ngồi lại điều đình với Mỹ. Nếu đồng ý cùng giảm thuế quan thì tốt, không đồng ý thì ráng nhận lãnh thuế quan mới của Mỹ. Canada và Mexico không điều đình để rồi chấp nhận thuế quan của Mỹ thì kinh tế sẽ đi vào suy trầm trước cuối năm nay. Qua các chính sách của TT Trump, quan hệ của Mỹ với thế giới không còn một chiều nữa.

Dĩ nhiên nếu chiến thuật của TT Trump thất bại, thuế quan trên thế giới không giảm mà trái lại, tăng toàn diện, thì sẽ di hại lớn cho Mỹ cũng như cho cả thế giới trong khu vực mậu dịch quốc tế, nhưng cho đến nay, khi ta thấy nhiều nước muốn nói chuyện, điều đình với Trump, thì dường như có vẻ đang thành công. Tuy chưa có kết quả gì cụ thể, nhưng tình huống đang đi theo hướng ông Trump muốn: điều đình song phương lại để giảm thuế quan với tất cả các nước trên thế giới, hay ít nhất để quân bằng lại phần nào mậu dịch quốc tế.

Trên căn bản, ông Trump có vẻ đang nắm dao đằng chuôi khi nước Mỹ đủ lớn và đủ mạnh để có thể... sống một mình, không cần ai hết, hứng chịu suy trầm kinh tế một thời gian, trong khi cả thế giới đều cần Mỹ, bất kể nói cứng tới đâu như các xứ Liên Âu và Tầu cộng đang làm.

Phản ứng của nghiệp đoàn

Ông Shawn Fain, chủ tịch Nghiệp Đoàn Công Nhân Xe Hơi -United Auto Workers- cho biết trên căn bản, ông chống TT Trump trên tất cả mọi vấn đề, nhưng riêng trong vấn đề thuế quan, đặc biệt là 25% thuế quan trên xe nhập cảng, ông hoan nghênh hết mình vì đây là cách tốt nhất xây dựng lại kỹ nghệ sản xuất xe Mỹ, tạo công ăn việc làm cho công nhân Mỹ.

Fox nhận định

Fox News cho rằng chính sách thuế quan của Trump cần phải hiểu thật xa, xa hơn những tỷ lệ thuế quan mà Trump khoe hay đe dọa. Vì thật ra, chủ đích lớn của Trump là:

Giảm thâm thủng mậu dịch để giúp giảm thâm thủng ngân sách, giảm công nợ của Mỹ;
Tái xây dựng lại nền tảng kỹ nghệ Mỹ;
Ấn định lại vai trò và thế đứng của Mỹ trong kinh tế thế giới.

Về công nợ, Mỹ hiện đang có công nợ ở mức xấp xỉ 35.000 tỷ đô, mà kinh hoàng hơn hết, tháng 6 tới này, 9.200 tỷ đô nợ sẽ đáo hạn, phải trả, hay phải vay mượn lại, với mức lãi xuất cao hơn hiện nay. Sau khi TT Trump công bố mức thuế quan mới, thị trường chứng khoán, với Dow Jones rớt ngay hơn 3.500 điểm trong hai ngày, khiến cả thế giới run lẩy bẩy. Điều ít ai để ý là thiên hạ bán cổ phiếu khiến Dow Jones rớt, nhưng một phần lớn số tiền bán cổ phiếu lại được dùng để mua công khố phiếu của Nhà Nước Mỹ, khiến lãi suất trên công khố phiếu giảm từ 4,2% xuống còn 3,9%, hay giảm 0,3%, nghĩa là -theo tính toán của chuyên gia tài chánh của Fox News- tiền lãi trên công nợ Mỹ đã giảm 30 tỷ đô trong hai ngày sau khi mức thuế quan mới được công bố. Trước những bất ổn của kinh tế qua cuộc chiến thuế quan, thiên hạ tìm sự ổn định và an toàn tài chánh bằng cách mua công khố phiếu của Nhà nước Mỹ (rất có thể đây là lý do tại sao TT Trump nhún vai, coi thường việc Dow Jones rớt mạnh, vì tất cả chỉ là vấn đề tiền chạy từ túi quần này qua túi quần nọ trong cái nhìn vĩ mô).

Việc dùng thuế quan để giúp giảm công nợ trùng hợp với việc ông Elon Musk đang tìm cách bịt lỗ hổng tiền thoát ra như nước từ guồng máy công quyền của Nhà Nước Ngầm, sẽ tiết kiệm cho ngân sách Nhà Nước liên bang cả trăm tỷ nếu chưa phải là cả ngàn tỷ.

Dĩ nhiên là ông Trump biết sẽ có lạm phát, nhưng vẫn chỉ là lạm phát ngắn hạn, nhất thời, trong khi bảo đảm phồn vinh lâu dài cho nước Mỹ.

TT Trump cũng muốn dùng chính sách thuế để vẽ lại bản đồ quan hệ chính trị thế giới. Trật tự chính trị và kinh tế thế giới hiện nay, là con đẻ của mấy chục năm chiến tranh lạnh giữa hai khối Cộng Sản-Tư Bản, đã lỗi thời hoàn toàn, khi khối CS đã không còn, trong khi khối liên minh Mỹ-Tây Âu cũng chẳng chặt chẽ như trước đây, với các 'đồng minh' Pháp và Đức không bao giờ bỏ lỡ cơ hội chống Mỹ.

Vẫn theo Fox News, đây là một thay đổi chính sách lớn nhất nhì trong lịch sử thế giới; nếu thành công, sẽ thay đổi cả thế giới, nhưng nếu thất bại, cũng sẽ là đại họa lớn nhất lịch sử nhân loại. Câu hỏi là cuộc 'cách mạng' của TT Trump sẽ thành công hay không.

Ý kiến cá nhân của VL: nếu các chính khách thế giới ý thức được những hậu quả kinh thiên động địa của cuộc cách mạng của TT Trump, thì chắc chắn họ sẽ phải cố giúp Trump thành công, vì lợi ích chung.

CNN nhận định

CNN có bài phân tích, công kích Trump mạnh, dĩ nhiên. Theo CNN, năm 1990, Tổ Chức Mậu Dịch Quốc Tế -World Trade Organization hay WTO- đã có thỏa thuận quốc tế về thuế quan, dựa trên tiêu chuẩn gọi là 'Xứ được Ưu Đãi Nhất' -Most Favored Nation hay MFN hay Tối Huệ Quốc. Nhưng Trump đã liệng vào thùng rác và đã đánh thuế quan cao hơn xa mức thỏa thuận MFN.

Không sai. Nhưng điều CNN không nhắc tới là trên thực tế, cho tới nay, chẳng có xứ nào áp dụng mức thuế quan MFN hết. Thí dụ cụ thể, CNN tố cáo việc Trump áp đặt thuế quan 46% trên hàng nhập của VN vào Mỹ, trong khi MFN ghi tối đa là 9,4%. Chỉ là CNN 'quên' không nhắc tới VN đánh thuế quan 90% trên hàng Mỹ vào VN, kể luôn cả những biện pháp hỗ trợ của Nhà Nước, như miễn thuế địa phương, trợ giá, VAT,...

AMAC nhận định

Tổ chức bảo thủ Association of Mature American Citizens -AMAC- nhận định TT Trump đang làm một chuyện hy hữu: lấy một quyết định có thể có hại lớn trong ngắn hạn để bảo đảm phồn thịnh lâu dài cho nước Mỹ. Theo AMAC, đây là một hành động can đảm chính trị khác thường mà ít chính trị gia dám lấy.

Theo AMAC, giới tài phiệt Mỹ chằm hăm lo kiếm tiền, bất cần tình trạng kinh tế Mỹ, bất cần những thiệt hại cho lao động Mỹ, cho việc sản xuất và bán sản phẩm Mỹ trên thế giới. Chỉ có TT Trump mới dám lột mặt nạ chính sách 'toàn cầu hóa', 'tự do thị trường' giả tạo đã và đang giúp Trung Cộng bành trướng mạnh ảnh hưởng kinh tế trên toàn thế giới.

Theo AMAC, việc làm của TT Trump không phải là hoạch định một chính sách kinh tế mới, mà là điều chỉnh một thất cân bằng vĩ đại trong quan hệ mậu dịch thế giới. Một việc làm thật lớn mà ít người dám nghĩ tới khoan nói tới dám làm.

Real Clear Politics nhận định

Trang mạng Real Clear Politics, tương đối trung lập, nêu lên 5 lý do tại sao Trump đánh hay tăng thuế quan với cả thế giới:

giúp kinh tế Mỹ qua việc mở hãng xưởng, tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ, vừa để chống đỡ ảnh hưởng của 'thông minh nhân tạo AI' đang đe dọa việc dùng máy móc điện toán thay thế nhân công Mỹ, vừa để đối phó với sự bành trướng của ảnh hưởng Tầu cộng;
dùng thuế quan để đổi chác chính trị như giúp Mỹ chặn nạn di dân lậu mang theo thuốc độc fentanyl giết cả vạn thanh niên Mỹ (nhắm vào Canada và Mexico);
ép các xứ có quan hệ mậu dịch với Mỹ phải giảm thuế quan trên hàng Mỹ, chấm dứt chính sách cổ điển 'mua tình đồng minh bằng tiền' của Mỹ từ mấy chục năm qua (nhắm vào Liên Âu);
gia tăng thu nhập cho ngân sách Mỹ để có tiền giảm thuế chung cho tất cả dân Mỹ, hiện nay Mỹ nhập cảng tới 4.000 tỷ đô, cứ cho Mỹ chỉ đánh thuế quan có 10% trên tất cả hàng nhập, thì cũng đã thu về 400 tỷ đô.

Hợp với quan điểm bảo vệ kinh tế -protectionist- của cá nhân ông Trump.
Theo RCP, ông Trump hiểu rất rõ Mỹ đang nắm dao đằng chuôi khi cả thế giới đều cần Mỹ, vừa trên phương diện sản xuất rất nhiều món hàng thiết yếu mà cả thế giới cần, đặc biệt trong các ngành khoa học tiến bộ nhất, vừa trên phương diện tiêu thụ sản phẩm của thế giới khi Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.

Theo RCP, tất cả các mức thuế quan Trump đưa ra đều chỉ là những đề nghị tiên khởi, để làm căn bản cho tất cả những điều đình thực tế sau này, do đo việc Trump tính những con số này như thế nào, thật sự không quan trọng.

Politico nhận định

Politico là trang mạng thông tin thiên tả, không mấy thân thiện với TT Trump.

Theo Politico, cả thế giới chính trị cũng như tài chánh đang đặt câu hỏi lớn nhất: những mức thuế quan Trump đưa ra là thật, sẽ được áp dụng, hay chỉ là những 'hét giá' đầu tiên, mở màn cho các thương thảo, điều đình sau này. Hai ngày sau khi công bố giá biểu mới, ông Trump đã trả lời ngay: ông sẵn sàng 'nói chuyện', nghĩa là điều đình. Hiển nhiên, những giá biểu ông đưa ra chỉ là điểm khởi đầu, làm căn bản cho các điều đình. Những khẳng định trái ngược của bộ trưởng Thương Mại Howard Lutnick, và cố vấn Mậu Dịch Peter Navarro, chỉ là những màn diễn tuồng để hỗ trợ sách lược 'art of a deal' của TT Trump.

Bill Ackman nhận định

Bill Ackman là một tỷ phú có khuynh hướng bảo thủ, ủng hộ Trump.

Ông Ackman nhận định giới tài chánh ngay ban đầu ủng hộ việc Trump áp đặt thuế quan tương ứng với tất cả các quốc gia trên thế giới. Thế nhưng sau khi thấy rõ những tỷ lệ thuế quan do Trump đề nghị thì thị trường chứng khoán rớt như mưa. Theo ông Ackman, sự kiện này chứng minh giới tài chánh ủng hộ chính sách thuế quan, nhưng lo sợ vì thấy mức thuế quan Trump đưa ra có vẻ quá cao, ông Trump đánh quá mạnh.

Ông Ackman cho đây chính là 'nghệ thuật điều đình' của TT Trump, hét giá rất mạnh ban đầu, rồi điều đình sau. Tuy nhiên, giới tài chánh lo ngại nếu những điều đình thất bại và mức thuế quan 'hét giá' của TT Trump được duy trì, thành sự thật, thì sẽ mang lại đại họa kinh tế cho cả thế giới. Hiển nhiên là ông Trump đang tháu cáy lớn. Vẫn theo ông Ackman, điều này dường như sẽ không xẩy ra khi ta thấy nhiều quốc gia đã bắt đầu nói chuyện với Mỹ để cùng giảm thuế quan cả hai chiều.

ABC bị bắt bí

Đài tivi loa phường ABC, qua bình loạn gia George Stephanopoulos -cựu phụ tá của TT Clinton- muốn bắt bí cố vấn kinh tế của TT Trump, ông Kevin Hassett, chất vấn ông tại sao cả thế giới chống Mỹ đồng thời lạm phát sẽ tăng ở Mỹ. Ông Hassett đã hỏi ngược lại tại sao Stephanopoulos có thể hỏi câu hỏi mâu thuẫn như vậy? Một mặt thì tố dân Mỹ sẽ là nạn nhân hứng chịu lạm phát, mặt khác lại tố cả thế giới chống vì họ cảm thấy họ bị đánh oan. Thế thì dân Mỹ và dân thế giới, ai là nạn nhân? Nếu chính sách thuế quan của TT Trump gây lạm phát cho Mỹ, hại dân Mỹ, thì tại sao cả thế giới nổi lên chống? Ông Hassett cũng nhắc lại đám cuồng chống Trump hô hoán đại họa cho Mỹ, nhưng trong suốt hơn 30 năm đã không hề lên tiếng gì về cán cân mậu dịch của Mỹ thâm thủng triền miên đưa đến công nợ tăng mút chỉ.

Ông Hassett cũng xác nhận chỉ vài ngày sau khi TT Trump công bố mức thuế quan mới, hơn 50 quốc gia đã bắt đầu 'nói chuyện' với Mỹ, điều đình về mức thuế quan tương ứng.

Vũ Linh


No comments:

Blog Archive