Người Việt trong nhóm xin tị nạn hàng đầu ở Brazil, vì sao?
Nguồn: BBC
Những người nhập cư chủ yếu từ châu Á và châu Phi tại biên giới Mỹ-Mexico vào cuối năm 2023
Brazil sẽ siết chặt các quy định nhập cảnh không cần thị thực từ ngày 26/8 sau khi nhiều người sử dụng quốc gia Nam Mỹ này như một điểm dừng chân trên đường di cư tới Mỹ và Canada.
Chính phủ Brazil ra thông báo này vào ngày 21/8 giờ địa phương, theo Reuters.
Bộ An ninh Công cộng Brazil tuyên bố bắt đầu từ ngày 26/8, những du khách không có thị thực Brazil mà đang trên đường tới quốc gia khác phải tiếp tục hành trình của mình hoặc quay về quê nhà.
Bộ này cho biết Brazil đã chứng kiến sự bùng nổ du khách nước ngoài, đặc biệt là từ châu Á, đến đất nước này với lý do quá cảnh để sau đó xin tị nạn.
Vì sao lại ở Brazil?
Theo Bộ An ninh Công cộng Brazil, tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 6/2024, hơn 8.300 yêu cầu xin tị nạn đã được trình lên sân bay quốc tế bận rộn nhất của Brazil - sân bay São Paulo Guarulhos.
Hơn 70% những người nộp đơn mang quốc tịch Ấn Độ, Việt Nam và Nepal, điều mà Thư ký Tư pháp quốc gia Jean Uema cho là khác thường.
Cảnh sát Brazil cho biết những người di cư này thường mua vé máy bay có điểm trung chuyển là sân bay São Paulo Guarulhos, sau đó không bay tiếp mà dừng lại tại đây để đi bộ lên phía bắc.
Người nhập cư ngủ lại bên trong sân bay São Paulo Guarulhos. Ảnh chụp vào tháng 5/2020
Một nguồn tin cảnh sát cấp cao nói với Reuters:
“Họ xin tị nạn ở Brazil để tạo một đường lui an toàn. Nếu họ bị bắt tại biên giới Mỹ, họ sẽ bị gửi trở lại Brazil thay vì quốc gia của họ.”
"Có tới 99,59% số người xin tị nạn tại sân bay, tương đương khoảng 8.210 người, đã rời khỏi Brazil hoặc không ở đó thường xuyên," Reuters dẫn lại một trong những báo cáo của Bộ An ninh Công cộng Brazil.
Sau các quy định mới, những du khách không có thị thực sẽ không được phép ở lại Brazil.
Theo các báo cáo của cơ quan chức năng và nguồn tin cảnh sát mà Reuters có được, các cuộc điều tra cho thấy những người xin tị nạn ở Brazil nói rằng họ bị đàn áp và đe dọa ở quê nhà.
Các cuộc điều tra của cảnh sát chỉ ra sau khi được chấp nhận tị nạn tại Brazil, nhiều người đã di chuyển về phía bắc bằng đường bộ, với phần lớn trong đó băng qua khu vực Darien Gap đầy hiểm nguy - nơi kết nối Colombia và Panama - để đi tới Mỹ hoặc Canada.
Một báo cáo cho hay trong những trường hợp xin tị nạn được phân tích, 17% số người đã rời Brazil chỉ trong vòng 30 ngày. Đa phần trong đó đi qua bang Arce ở phía tây bắc Brazil, giáp với Peru.
Theo hãng thông tấn AP, Brazil từ lâu đã là một quốc gia thân thiện với người tị nạn, đặc biệt là đối với người Afghanistan trong những năm gần đây, cho dù tư tưởng của các nhà lãnh đạo đất nước Mỹ Latin này có thay đổi ra sao chăng nữa.
Vào tháng 1/2023, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva quyết định đưa đất nước mình trở lại với Hiệp ước Toàn cầu về Di cư An toàn, Trật tự và Thường xuyên - một thỏa thuận liên chính phủ.
Người Việt Nam vượt biên đến Mỹ bằng đường bộ
Một phóng sự điều tra của AP vào tháng 7/2024 cho thấy có những người Việt Nam đang băng qua rừng Amazon để di cư tới Mỹ.
Tuy nhiên, họ đã phải quay trở lại bang Acre của Brazil sau khi Mỹ siết chặt các chính sách về biên giới.
Một phóng sự vào đầu tháng 5/2024 của Đài Á châu Tự do (RFA) chỉ ra nhiều người Việt Nam chi khoảng 60.000 - 75.000 USD (1,5 tỷ - 1,9 tỷ VND) cho toàn bộ hành trình từ Việt Nam sang Mỹ bất hợp pháp bằng cách băng qua những khu vực nguy hiểm ở Nam Mỹ và Trung Mỹ.
Khi được hỏi vì sao những người Việt này không bay trực tiếp đến Mexico mà phải mạo hiểm băng qua rừng rậm ở Nam Mỹ, đặc biệt là khu Darien Gap, Tiến sĩ - Luật sư di trú Vũ Tuấn Huy, Công ty First Consulting Group (Mỹ), trả lời BBC News Tiếng Việt vào tháng 3/2024:
"Trước kia bay đến Mexico không khó, nhưng sau khi lượng người vượt biên vào Mỹ từ biên giới phía nam tăng đột biến, chính phủ Mỹ tạo áp lực lên Mexico, buộc nước này phải hạn chế và thắt chặt việc cấp thị thực cho những quốc gia 'nhạy cảm' như Việt Nam, Trung Quốc hoặc Philippines. Do đó, những người muốn vượt biên phải bay đến các nước Nam Mỹ miễn thị thực cho công dân Việt Nam hoặc dễ xin thị thực."
Thống kê từ Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho năm tài khóa 2023 ghi nhận gần 3.300 người Việt Nam vượt biên giới phía nam của Mỹ, xếp thứ 26/102 quốc gia có người nhập cư Mỹ trái phép bằng đường biên giới với Mexico.
Darien Gap là gì?
Những người di cư băng qua sông Tuquesa ở khu vực Darien Gap vào tháng 9/2023
Darien Gap, một vùng rừng nhiệt đới rậm rạp, đóng vai trò như một rào chắn tự nhiên giữa Nam và Trung Mỹ. Ở đấy không có đường sá và có thể mất một tuần để đi bộ qua.
Những người di cư qua đây phải đối mặt với nguy hiểm từ các băng nhóm tội phạm, những kẻ cướp bóc. Bên cạnh đó, thời tiết nóng ẩm và động vật hoang dã cũng là những mối đe dọa khác.
Vì đây là khu vực có nhiều suối và sông, đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho người di cư.
Bà Verónica Martínez từ hội Hồng thập Tự và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) nói:
"Họ bị thương, mất nước, dị ứng nghiêm trọng. Biến chứng thai kỳ (ở thai phụ) hoặc bệnh mãn tính cũng đe dọa họ. Nhiều người là nạn nhân của lạm dụng và bạo lực."
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 30.000 trẻ em nằm trong số người di cư băng qua Darien Gap - chiếm khoảng 20%.
Vào năm 2023, có khoảng 520.000 người đã thực hiện hành trình nguy hiểm bằng đường bộ, trong đó nhiều người phải trả tiền cho các băng nhóm tội phạm hoạt động ở khu vực này để được "bảo kê".
UNICEF dự báo con số này trong năm nay có thể lên mức 800.000 người.
Bắt đầu từ ngày 20/8, Panama sẽ trục xuất những người di cư bất hợp pháp tại nước này về lại quê hương họ bằng những chuyến bay do Mỹ tài trợ. Đây là nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư bất thường từ phía nam.
Nhập cư cũng là một chủ đề nóng trong kỳ bầu cử Mỹ năm nay và tình trạng vượt biên vào Mỹ bằng đường Mexico đang được theo dõi sát sao.
Việc trục xuất diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi ông José Raúl Mulino tuyên thệ nhậm chức tổng thống Panama. Ông là người đã vận động tranh cử với lời hứa "đóng cửa" Darien Gap.
Ông Mulino mô tả tình trạng ở Darien Gap là "đáng buồn".
"Họ cũng là con người... Có những gia đình bị chia cách. Nhiều đứa trẻ chỉ mới năm, sáu tuổi nhưng có cha mẹ chết khi đang vượt biên. Chúng tôi thậm chí chẳng thể biết được họ là ai, tên họ là gì," tổng thống Panama nói.
No comments:
Post a Comment