Nghệ sĩ có tài chưa chắc đã là một nhân cách lớn
Tôi không có dịp trực tiếp gặp Trịnh Công Sơn, chỉ biết ông qua những bài hát và các bài viết về ông. Thế nhưng, quan điểm của tôi về TCS rất rõ ràng: Viết nhạc hay chưa chắc đã là một NHÂN CÁCH LỚN.
Tại sao tôi dám nói như vậy khi có hàng triệu người hâm mộ, sùng bái ông? Bởi vì tôi nói theo đúng những gì tôi suy nghĩ. Suy nghĩ của tôi có thể sai, có thể đúng. Nhưng, đó là suy nghĩ chân thật của tôi.
Trí thức miền Nam có nhiều người đọc Chủ nghĩa Tư bản của Các Mác. Họ tìm hiểu Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Xã hội và tôn sùng nó như một lối thoát cho nhân loại, cho miền Nam sau bao nhiêu năm chiến tranh khiến lòng người mệt mỏi, gia đình ly tán Bắc Nam, anh em ruột trong một nhà cầm súng đứng trên hai chiến tuyến bắn vào nhau. Tôi hiểu rất rõ điều này vì cả nhà tôi, mọi người trong xóm đều luôn miệng nói hai chữ: “Hòa bình” trong những năm 1970. Chính tôi cũng buộc miệng hát: “Hòa bình ơi. Hòa bình ơi” suốt ngày, bởi vì từ khi sinh ra tôi đã phải chạy đi núp hầm tránh canôn từ trên núi Việt cộng bắn xuống, chạy trốn đạn trối chết khi bị lọt vào giữa lúc hai phe tấn công nhau, chạy loạn vào Đà nẵng khi chiến sự từ vĩ tuyến 17 lan tới gần Huế. Tiếng đại bác, tiếng súng nổ đã trở thành một ám ảnh đầy sợ hãi.
26/3/1975, Huế giải phóng. Tôi, như ba tôi, nghe tin tức từ đài BBC hàng ngày. Bộ đội từ miền Bắc từ từ giải phóng từng thành phố miền Nam cho tới khi Sài Gòn thất thủ.
Chúng tôi trở lại trường học. Không học. Ngày nào cũng tập hát. Những bài hát cách mạng.
Tôi nhớ trong một tập bài hát có bài hát của Trịnh Công Sơn toàn những chữ... thống nhất... niềm vui. Và đó là một bài hát... dở tệ. Hát lên nghe chẳng hay ho gì. Hoàn toàn khác các bài hát của TCS mà tôi thường nghe. Tôi nghĩ: “Sao quá tệ thế này? Đây là nhạc sao?”
TCS đã ở lại VN. Cũng như Võ Quê, Trần Đình Sơn Cước... những gương mặt nổi lên sau 30 tháng Tư ở Huế.
Kế tiếp là đi học tập cải tạo, đổi tiền, đánh tư sản, cướp ruộng đất, vào hợp tác xã, tem vải, phiếu gạo, đập phá miếu, đình, dẹp tôn giáo. Đi lại phải xin giấy phép. Sổ hộ khẩu. Đói. Đi trồng sắn, khoai. Họp liên tục. Kiểm điểm. Bị công an khu vực hăm dọa. Thi đại học bị xếp lý lịch. Bị đẩy đi kinh tế mới. Vượt biên bị bắn chết. Tinh thần bị khủng bố.
Tất cả mọi người phải ăn những thứ trước kia chỉ để dành nuôi súc vật... Vì đói.
Và bị buộc phải im lặng, phải cúi đầu như những con cừu dưới sự hung dữ của những con chó săn.
Hòa bình phải trả bằng cái giá quá đắt.
Lúc đó TCS làm gì? Im lặng.
Như tất cả trí thức thành phần thứ ba: Im lặng.
Không còn sôi nổi biểu tình chống bầu cử Độc Đảng như thời bầu cử Thiệu-Kỳ. Không còn tự do báo chí nên không còn những dòng chữ “tự ý đục bỏ”, “bị kiểm duyệt” ngay trên mặt báo.
Nhà tù mở rộng cửa cho tất cả những ai dám phản đối chính quyền mới. Khỏi cần tòa án xét xử lôi thôi như trước.
Những người Việt cộng nằm vùng bị vu khống phản bội.
Mặt trận Giải phóng miền Nam bị giải tán.
Các trí thức miền Nam đã từng sôi nổi chống chính quyền VNCH, chống quân đội Mỹ hiện diện ở miền Nam: Im lặng.
Nếu chống đối thì tù, thì bị sa thải. Không tem, không phiếu, lấy gì ăn?
Thế nên bây giờ mọi người vận động tạc tượng cho TCS thì cứ tạc tượng.
Tượng của một NHẠC SĨ tài ba, nhưng không phải là một NHÂN CÁCH đáng trọng.
Khi chính quyền VNCH còn tồn tại, TCS viết nhạc phản chiến. Dù có bị làm khó khăn, ông ta vẫn viết nhạc, vẫn ca hát. Ngày càng hay hơn. Chống chiến tranh rõ ràng hơn. Tự do.
Nhưng dưới chế độ cộng sản, TCS im lặng. Những bài nhạc viết vu vơ. Nói xa, nói gần. Không dám nói thẳng. Sợ.
TCS đã làm gì trong những ngày tháng toàn thể người dân miền Nam bị đày đọa? TCS ngồi đồng với bạn bè, uống rượu, theo đuổi gái đẹp, như trong bài hát Quỳnh Hương: “miệng cười khúc khích trên lưng”.
TCS hát trên đài truyền hình: “Mẹ ngồi dưới cơn mưa, canh từng bước quân thù...” trong khi biết bao bà mẹ đã đào hầm nuôi Việt cộng đang bị cướp ruộng đất đưa vào hợp tác xã.
Bao nhiêu người thân tàn ma dại trong trại tù cải tạo. Bao nhiêu người bị cướp sạch tài sản mồ hôi xương máu. Bao nhiêu người đói rách, sống lây lất, vật vờ như những bóng ma.
Ai là người nói lên tiếng nói cho những người đáng thương này?
Ai là người phản đối những chính sách ngu xuẩn, bất nhân này?
TCS đã viết rất nhiều bài hát phản đối chiến tranh dưới thời VNCH. Nhưng, TCS chưa bao giờ viết một bài hát nào cho những người bị đàn áp, bị đày đọa, bị chết dưới sự cai trị độc ác của Nhà nước cộng sản.
Một NGHỆ SĨ lớn chưa chắc đã có một NHÂN CÁCH lớn.
Thanh Thúy Nguyễn
Kỷ niệm 49 năm người miền Nam bị mất tự do 1975-2024
No comments:
Post a Comment