Saturday, August 10, 2024

MÌNH KHÔNG BAO GIỜ XÀI CHỮ “Ạ”

Viết ra điều này có thể mất lòng.

Nhưng mình hoàn toàn hiểu được cảm giác của những người không thể tiếp nhận được chữ "ạ" ngay từ trong tiềm thức, vì mình cũng vậy.
Được sanh ra sớm, ít tiếp cận công nghệ là một sự thiệt thòi, nhưng đâu đó cũng là một điều may mắn.

Mình thuộc lứa đầu 9x, được nuôi lớn ở vùng sông nước, ruộng đồng và biển cả. Ngày đó, con người chòm xóm quanh mình đậm đặc chất miền Nam. Chú, thím, cậu, dì, anh chị, ai nấy cũng rặt Tây Nam Bộ, nên làm gì có chữ "ạ", "nhỉ", "vâng"... trong lời nói.

Nhưng có ai dám phán xét cái cộng đồng đó là thiếu lễ phép bao giờ?

Ngay từ đầu, chữ "ạ" vốn không tồn tại trong phương ngữ miền Nam, mà người ta có chữ "dạ" ở đầu câu."Dạ con chào cô", "Dạ con chào chú", "dạ chị ơi bữa nay má em hong có nhà"...

Hoặc không dạ thì cũng có "nha": "chị làm tiếp em cái này nha", "chị xài thử cái này em mới làm nha".

Bao nhiêu thôi cũng dễ thương muốn xỉu.

Có lẽ cũng nhờ vậy, nên mình đã kịp thời giữ lại chất miền Nam trong tâm thức, trước khi sự xâm lấn văn hóa diễn ra mạnh mẽ như bây giờ, khi mà một bên được nắm thế thượng phong, được đồng hóa hoàn toàn mọi phương tiện truyền thông, từ báo đài tới sách vở.

Rồi mấy bữa trước, mới nghe có một cô diễn viên chỉ vì có ý kiến với chữ "ạ" mà phải hứng biết bao nhiêu gạch đá. Tự nhiên thấy buồn man mác.

Kể ra cũng lạ, việc từ chối đón nhận một cái gì đó không thuộc văn hóa của mình thì có gì đâu mà đáng trách. Ngược lại, mình lại trân quý vô cùng những cá nhân hiếm hoi còn sót lại này. Cảm ơn các bạn đã âm thầm gìn giữ lại một chút gì đó của người miền Nam.

(Phương Trinh)




No comments:

Blog Archive