Cũng vẫn là thiên đường
Tôi gặp anh khi cuộc đời anh đã ba chìm bảy nổi, cộng thêm tôi vào là thành chín cái lênh đênh.
Hề gì, một mái lều tranh hai quả tim vàng. Tôi dạy học, dẫu đồng lương chết đói, nhưng yên chí mỗi tháng có 13kg gạo, nửa ký đường và ba chục đồng tiền Bác, đủ sống qua ngày.
Điều quan trọng tôi là thành phần gương mẫu trong xã hội, chưa hề có nợ máu với nhân dân.
Thời chế độ cũ, tôi chỉ có đi học. Di cư vào Nam năm 2 tuổi, tới mùa Hè 75 học xong, rồi đi dạy, thì chắc chắn phải là thành phần gương mẫu. Vì vậy khi lập gia đình với một ông vừa ra khỏi trại cải tạo, hàng xóm cũng nhân nhượng không để ý lắm tới sinh hoạt của chúng tôi.
Ra tù, chẳng biết làm gì kiếm sống, chồng tôi lúc ở trọ căn nhà có nhiều bà buôn hàng chuyến từ Ban Mê Thuột vào Sài Gòn. Họ mang những sản phẩm đặc biệt của vùng như mật ong, hạt điều, măng khô bỏ mối cho bạn hàng ở thành phố, rồi mua các loại thuốc Tây thông thường như thuốc đỏ, thuốc cảm, trị nấm, trị ghẻ mang về.
Ông chồng tôi cũng trở về cố quận cũ của ổng dò la tin tức.
Khi về ổng hí hửng nói:
– Nhất định đi buôn
Tôi nhíu mày hỏi “lậu”?
Dĩ nhiên, buôn lậu bán chui.
Không thể tưởng tượng chồng tôi trở thành “thương lái” đường dài buôn lậu thuốc Tây sành sỏi. Vì ít ra ổng cũng còn có chút sinh ngữ đọc được tên thuốc, không như mấy bà nhà quê.
Tôi là cô giáo “cực kỳ” gương mẫu, vì ngoài giờ dạy ở trường, tôi còn đảm trách việc nâng cao kiến thức cho cán bộ phường khóm, toàn “ông to bà lớn” như Chủ Tịch phường, Trưởng công an xã… Toàn những khuôn mặt trong xóm, nằm vùng từ hồi nảo hồi nào, 30/4 bắt đầu ra mặt.
Đại khái là chúng ta “biết nhau quá” xá quà xa.
Bởi vậy chẳng ai thèm xét nhà “con nhỏ” cô giáo. Nhờ vậy ông chồng tù cũng đỡ bị rình mò soi mói. Không ai để ý ổng làm gì, cũng đỡ khổ. Ổng luôn miệng nhắc câu: Tự giác là tự sát.
Giới hạn tiếp xúc với bên ngoài, để không ai lân la vào nhà chơi.
Coi chừng bể mánh. Ông cựu tù buôn lậu lúc nào cũng nhắc vì sợ vô tù lần nữa.
Nhà cô giáo gọn gàng ngăn nắp quá.
Tôi giả bộ giả lả cảm ơn anh công an khu vực khi tới kiểm tra hộ khẩu.
Nhờ “cái mác” cô giáo gương mẫu, không ai nghi ngờ ông chồng tôi buôn lậu thuốc Tây.
Tất cả mọi ngóc ngách trong nhà đều nhét đầy các thùng carton chứa thuốc, từ gầm giường tới nóc tủ.
Ngày xưa giao thông rất hạn chế việc đi lại rất khó khăn, nhờ vậy chúng tôi cũng kiếm được chút ít, đắp đổi qua ngày.
Năm 1988 dưới áp lực của quốc tế, tất cả các trại cải tạo sĩ quan chế độ cũ phải giải tán. Cho tới năm 89 có chương trình HO. Tuy nhiên chúng tôi không dám nạp đơn, vì lúc đó lệ phí để được nhận đơn rất cao (cỡ một chỉ vàng), hơn nữa bắt buộc phải nghỉ dạy.
“Một con chim trong tay, còn hơn hai con chim trong bụi”. Không biết nộp đơn bao lâu mới được đi, trong khi chúng tôi rất cần 13kg gạo và số tiền lương ít ỏi đó.
Tôi không dám “đếm cua trong lỗ”. Mãi 3 năm sau, thấy nhiều người đi được, chúng tôi mới dám nộp đơn, vả lại lệ phí cũng giảm đến mức có thể kham được.
Chúng tôi được số 32, số thứ tự này do VN cấp. May quá sau đó Mỹ nâng đỡ những người ở tù trên 8 năm, chỉ cho phía VN gọi 70% theo thứ tự họ cấp. Còn 30% Mỹ sẽ gọi ưu tiên theo số năm ở tù.
Ông chồng tôi ở tù 8 năm 8 tháng, nên được đi theo HO 22.
Chương trình IOM cho mượn tiền mua vé máy bay, khám sức khỏe miễn phí vì chúng tôi thuộc diện tị nạn.
Chúng tôi vẫn bình thản như mọi ngày, không sắm sửa và cũng không “lạc quan tếu” như nhiều người nghe tin đồn các ông tù sẽ được truy lãnh “ráp- pen” theo cấp bậc. Thật sự trong lòng cũng có chút hoang mang.
Sáng mai sẽ ra phi trường, buổi tối ngồi đút cơm cho con. Cô hàng xóm đi ngang, thấy tôi vẫn đầu bù tóc rối, quần áo cháo lòng, cô ngạc nhiên hỏi:
– Mai đi Mỹ mà như vậy đó hả?
Tôi “ngớ người” ra hỏi lại:
– Đi Mỹ thì phải làm sao?
Như vậy mặc nhiên mọi người đều nghĩ Mỹ là thiên đường.
Bây giờ tôi xin kể hành trình đi tới “thiên đường” của gia đình “con bà Phước”.
Vé máy bay cho dân tị nạn chắc thuộc loại “cá kèo”. Từ Tân Sơn Nhất chúng tôi được thả xuống Băng Cốc Thái Lan. Bên trong phi trường có hàng quán tấp nập, nhưng họ không cho chúng tôi ở bên trong. Họ đưa ra phía ngoài phi trường, nơi đó có nhiều dãy lều, mái tôn, không có vách. Bên trong chất đầy hành lý thất lạc bụi bặm. Tôi đoán đây là dấu tích trại tạm cư của những người vượt biên khi trước.
Chỉ có vài bóng đèn tròn leo lét và mấy băng ghế dài, ngập tràn rác và ruồi bay vo ve. Họ cho chúng tôi vài hộp cơm có mấy miếng gà và trứng luộc rồi bỏ đi.
Suốt đêm hai đứa con 3 & 6 tuổi nằm chéo đầu nhau trên băng ghế dài. Bố Mẹ thay phiên quạt xua muỗi liên tục bằng miếng carton lượm được trong thùng rác.
Tất cả những người đưa tiễn chúng tôi hôm qua, có ai thấy được cảnh này.
Coi như delays 10 tiếng. Sáng hôm sau chúng tôi được chở vào bên trong để lên máy bay tới phi trường Tokyo. Lại chờ tiếp vài tiếng nữa, nhưng vẫn được ở trong phi trường, sau đó mới tới phi trường Newark NJ.
Dân xứ nóng đâu biết tháng Ba ở Đông Bắc Mỹ trời vẫn còn lạnh. Mỗi người chỉ khoác cái áo lạnh mỏng, tất cả đồ đạc đều bỏ trong mấy cái rương khoá kín.
Đứng chờ ở lề đường hai đứa nhỏ lạnh run, Bố Mẹ mỗi người vòng tay ôm một đứa cho cả hai cùng ấm.
Chờ mãi chẳng thấy ai ra đón, quá nửa đêm cậu em mới xuất hiện.
Mới hôm qua, mấy chục người đưa tiễn ồn ào náo nhiệt. Tới “thiên đường” sao lặng lẽ buồn tênh.
Cuộc đời di dân bắt đầu trong căn phòng dưới hầm của nhà người em. Quần áo mua ở VN không có lớp nỉ bên trong nên không ấm. May quá đầu tháng Tư hàng xóm bắt đầu bày bán garage sale, tôi cứ nhắm chừng mua cho hai thằng con quần áo ấm. Tôi không hề biết một chút gì về trang phục trai gái khác nhau, bởi vậy cô em dâu đi làm về ngạc nhiên hỏi:
– Sao chị cho hai cháu mặc toàn đồ con gái vậy?
Cho tới bây giờ tôi vẫn còn giữ những tấm hình của hai thằng bé 3 & 6 tuổi, trong những cái áo len con gái. Cũng may Cha Mẹ ráng chịu lạnh, chứ không, chắc ông Bố chúng nó cũng mặc áo (lạnh) phụ nữ đi ra ngoài đường.
Ở VN mới qua, mua cái gì cũng quy ra tiền Việt. Đâu dám sắm quần áo mới, mua đồ garage sale mặc đỡ thôi.
Ở dưới hầm lạnh quá, chúng tôi dọn ra share phòng trên lầu của căn nhà chỉ có một nhà vệ sinh.
“Cái khó ló cái khôn”, tôi đi lượm những thùng thiếc lớn đồ hộp trong thùng rác, để làm “thùng vệ sinh” cho cả nhà vào ban đêm. Sáng lại lén chờ chủ nhà đi làm, rửa sạch dùng lại.
Sau đó có người bạn qua đã lâu, tội nghiệp cosign mướn cho Apt 2 phòng ngủ, nhưng ở khu bình dân tiền thuê ít. Vậy mà chúng tôi cũng chỉ giữ được một phòng, hai đứa bé ngủ trên sofa bed ở phòng khách. Phòng còn lại cho hai chị em cô bạn mướn lại.
Vì thuộc diện tị nạn nên chúng tôi được hưởng trợ cấp:
– Bảo hiểm sức khỏe miễn phí (Medicaid).
– 400$ check
– 300$ tiền mua thức ăn (food stamps).
Với 400 đồng tiền mặt, phải mua bảo hiểm chạy xe, tiền thuê nhà, kem đánh răng, xà bông…
Có hai đứa con nhỏ, chúng tôi phải thay phiên trông chừng, chồng học nghề buổi sáng, sau khi đưa hai đứa trẻ đến trường. Tôi đi học buổi tối, ban ngày giữ trẻ kiếm thêm tiền mặt.
Bình thường con nít thường mang theo cuốn video phim hoạt hình chúng thường xem ở nhà. Tôi bỏ vào máy xong vô bếp nấu cơm.
Mấy đứa trẻ ngồi xem ở phòng khách, cười hí hí nắc nẻ. Hôm nay sao chúng nó im thin thít. Ở trong bếp tôi nghe văng vẳng có tiếng hự hự, bỗng dưng con Judy chạy vào méc, giọng ngọng nghịu:
– Bà ơi! Đánh nhau.
Tôi bán tín bán nghi, chạy ra, nhìn vô màn hình, toàn thấy mông là mông. Có hai người đang vật lộn nhau trên giường. Tôi tắt ti vi cái cụp, hét lên:
– Jimmy lấy cái này ở đâu?
Thằng bé ấp úng: Mommy.
Thì ra nó vô phòng ngủ của Ba Má, vớ cuốn băng mang đi.
Mấy chục năm trước mấy cuốn video sang lậu rất giống nhau. Không có dán nhãn màu mè, khó biết là băng xxx của người lớn.
Những năm đầu tiên ở xứ thiên đường, mướn Apt khu rẻ tiền, gián nhiều khủng khiếp. Buổi tối cứ rón rén vào bếp, bật đèn lên quý vị sẽ có một lon togo lớn đầy nhóc gián.
Gián chui vào radio, nồi cơm điện… khắp mọi nơi không chừa chỗ nào.
Khi thái thịt, tôi trải tờ báo lót cái thớt, hai thằng nhóc đứng kế bên. Thằng lớn cầm cái chổi, thằng nhỏ cầm cái đập ruồi. Mẹ phải thái thật nhanh, vì gián ngửi mùi thịt sẽ bò ra từng đàn. Anh quét, em đập.
Hai chị em cô ở chung cũng dở khóc dở cười. Cô chị nấu chè đậu xanh mang ra bán ở chợ VN. Cô nói có cậu học sinh, thứ Bảy nào cũng ra mua một ly chè. Hôm đó khi cầm ly chè, cậu nhìn lom lom rồi nói:
– Chị ơi! Em thấy có con gián nhỏ trong ly chè.
Cô chị xua tay:
– Không phải đâu em, cái “mày đậu “ đó.
Cậu học sinh vẫn không tin, chạy ra phía trước cửa có ánh sáng mặt trời nhìn cho rõ. Rồi chạy trở vô:
– Nguyên một con gián, chị ơi!
Cô em còn “quê” hơn. Giờ ăn trưa, mọi người cùng ngồi quây quần trong phòng ăn. Cô em vừa mở lunch bag, một con gián nhảy ra cái phóc, trước mắt mọi người.
Từ đó không ai share phòng nữa.
Chúng tôi cũng vừa học xong xin đi làm, dù cả hai chỉ có nghề “hạng bét” trong xã hội, nhưng chịu khó dành dụm cuối cùng cũng có căn nhà nhỏ cho gia đình.
Những khó khăn vất vả trong những ngày đầu nơi quê người, chẳng là cái gì cả so với những khốn khổ mà người tù phải gánh chịu khi nước nhà đổi chủ. Chỉ cần lời nói mỉa mai, ánh mắt căm hờn khinh bỉ, là sẽ được ngồi vô cũi sắt, chân còng, bụng đói dưới ánh nắng chói chang hun đốt. Hình phạt đó còn nhẹ so với những hình phạt khác bị đánh đập cho đến khi người tù gục ngã mê man bất tỉnh.
Ra tù phải buôn lậu bán chui, mắt la mày lét sợ mất vốn trắng tay. Lúc nào cũng phải tìm cách “móc nối” mới sống còn.
Muốn sống ngay thẳng cũng không được. Ông chồng tôi đã suýt chết mấy lần, ngồi trong xe be chở gỗ không mui.
Ngày ấy tài xế xe be là những ông bộ đội phục viên. Chỉ những bộ quần áo màu cứt ngựa mới dễ dàng qua trạm kiểm soát. Có những lần xe hư nằm ụ trong rừng không thức ăn nước uống, hay khi xe đổ dốc đèo rùng rợn như đóng phim. Xe cọc cạch chở người tàn tạ. Không còn cách nào khác để sống còn.
Quê hương là mật đắng, là ký ức chua cay khi nhớ lại.
Những cây già cằn cỗi đã được hồi sinh khi qua vùng đất mới. Người tù năm xưa được phục hồi nhân phẩm, không còn nghe ai quát tháo nạt nộ. Dù bây giờ tuổi đã về chiều cũng vẫn hạnh phúc khi được chui rúc dưới gầm xe, để thấy hai đứa con được ăn học tới nơi tới chốn.
Dẫu thế nào thì chốn tạm dung nơi quê người, cũng vẫn là thiên đường cho hậu duệ của những người tù năm xưa, vươn lên thành những người hữu dụng cho xã hội.
Lại Thị Mơ
-
No comments:
Post a Comment