Chuyên gia cảnh báo dụng cụ xét nghiệm Covid-19 Trung Quốc viện trợ là ‘đồ đồng nát, không chữa mà hại’
Vật tư y tế Trung Quốc viện trợ cho các nước đang chống chọi với COVID-19 “không chữa mà hại”, chuyên gia người Mỹ về Trung Quốc ông Steven Mosher nói.
Bộ Y tế Philippines (DOH) có thể đã bị Bắc Kinh thúc ép phải rút lại tuyên bố nói rằng, bộ dụng cụ xét nghiệm virus Vũ Hán do Trung Quốc gửi chỉ chính xác đến 40%, nhưng tác giả cuốn “Côn đồ Châu Á” ông Steven Mosher đã cảnh báo rằng nguồn cung vật liệu y tế đến từ Trung Quốc là “đồ đồng nát”, “không những không chữa mà còn hại người bệnh”.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 1/4 trên đài Fox News của Mỹ, vị chuyên gia về Trung Quốc này cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gửi các thiết bị y tế lỗi đến các nước châu Âu đang phải vật lộn với dịch viêm phổi Vũ Hán.
Nhưng những nước nhận viện trợ đã phát hiện “mặt nạ bị rò rỉ, đồ bảo hộ không hoạt động được”, ông Mosher nói, đồng thời cho biết Tây Ban Nha, Hoà Lan và Cộng hòa Séc đã gửi trả lại Trung Quốc bộ dụng cụ xét nghiệm và các thiết bị y tế bị lỗi khác.
Các quốc gia khác đã gửi trả lại đồ viện trợ của Trung Quốc là Thổ Nhĩ Kỳ và Úc.
“Rất nhiều đồ đồng nát đến từ Trung Quốc thật sự là đồ đồng nát theo nghĩa đen”, ông Mosher nói. “Nó sẽ không chữa mà hại người”.
Ông Mosher cũng chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vì không “công nhận Đài Loan như một hình mẫu chống dịch” trên cộng đồng quốc tế. Bị Bắc Kinh xem như một tỉnh phản loạn, Đài Loan là quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới với thành phố Vũ Hán, nơi khởi nguồn virus. Kết quả là, Đài Loan có tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong rất thấp, dù sát sườn Trung Quốc Đại Lục.
Đề cập đến WHO, ông gọi đây là “Tổ chức Y tế Trung Quốc”.
Bất bình
Là một nhà khoa học xã hội và chuyên gia nhân khẩu học và nhân quyền Trung Quốc nổi tiếng, năm 1979 ông Mosher đã trở thành nghiên cứu sinh người Mỹ đầu tiên tiến hành nghiên cứu nhân khẩu học tại Trung Quốc sau thời Cách mạng Văn hóa. Ông Mosher đã vạch trần vấn nạn cưỡng bức phá thai tàn bạo đến từ “chính sách một con” của ĐCSTQ.
Những lời chỉ trích Trung Quốc gần đây của ông đến không lâu sau khi Philippines bày tỏ sự bất bình trước 100.000 bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 được Trung Quốc viện trợ, mà theo tuyên bố hôm 28/3 của bà Maria Rosario Vergeire – thứ trưởng Bộ Y tế nước này – những món đồ này “chỉ chính xác đến 40%” và không phù hợp với tiêu chuẩn WHO.
Nhưng vào ngày 29/3, đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cho biết họ “dứt khoát từ chối mọi nhận xét vô trách nhiệm và bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm suy yếu sự hợp tác giữa hai nước”. DOH trong một tuyên bố đã xin lỗi vì “sự nhầm lẫn” và cho biết các bộ dụng cụ đến từ một “tổ chức tư nhân”.
Việc rút lời tuyên bố đột ngột của DOH là một động thái điển hình của chính phủ Tổng thống Duterte, người tuyên bố sẽ thực thi một “chính sách đối ngoại độc lập” nhưng dường như muốn phục vụ Bắc Kinh trong khi lãng quên lợi ích quốc gia, đặc biệt là vấn đề chủ quyền nước mình.
Nhưng chính Trung Quốc cũng từng đưa ra các “nhận xét vô trách nhiệm”. Ông Mosher cho biết quân đội Trung Quốc đã từng tuyên bố với khoảng 90 triệu Đảng viên của nó rằng virus Vũ Hán đến từ Mỹ. Trên một tờ báo, Thượng nghị sĩ Marco Rubio từ tiểu bang Florida (Mỹ) nhận định Trung Quốc đã “tuyên bố vô căn cứ rằng virus này là một loại ‘vũ khí sinh hóa’ do Mỹ sản xuất để nhắm vào Trung Quốc”.
Trong cuốn sách “Côn đồ châu Á: Tại sao giấc mộng Trung Hoa là mối đe dọa mới đối với trật tự thế giới”, Mosher viết về khuynh hướng đổ lỗi tất cả mọi thứ cho Mỹ của ĐCSTQ bởi “cái cách diễn giải sai lầm và mang tính phỉ báng lịch sử mối quan hệ Mỹ – Trung”, vốn bị ép đưa vào sách giáo khoa và chương trình giảng dạy của hệ thống giáo dục nước này. Nó không khác gì việc “tẩy não”.
Ông Mosher cho biết ngay cả các nhà sử học Trung Quốc được đào tạo ở Mỹ cũng bị ép phải dạy rằng Mỹ có các “chính sách tà ác“ chống lại Trung Quốc bởi vì, như một giáo sư thừa nhận, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã “lập hồ sơ về chúng tôi” và “việc giảng dạy chệch khỏi các tài liệu được phê duyệt cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt sự nghiệp”.
Theo Lito B. Zulueta, Philippine Daily Inquirer
Thiện Lan dịch & biên tập
Thiện Lan dịch & biên tập
No comments:
Post a Comment