Đám giỗ Nam Kỳ
Theo tục lệ, ngày giỗ là ngày cúng đặng nhớ người đã khuất, tức người chết sẽ có một lần giỗ trong năm sau khi mãn tang được con cháu tưởng niệm
Mỗi năm vào đúng vào ngày chết của người khuất thì con cháu sẽ tụ họp xôm tụ lại, từ tứ phương đều thu xếp công chuyện trở về nhà làm đám giỗ cho nên người xưa thường trọng ngày cúng giỗ ông bà cha mẹ là vậy
Nam Kỳ mình chỉ cúng có 4 đời, làm đám giỗ lớn đời thứ nhứt và thứ hai, qua tới đời thứ 3 là cúng gọn nhẹ lại, nói gọn nhẹ là cũng ít nhứt ba mâm, còn linh đình thì đồ ăn ê hề không đếm hết. Mâm của người Nam Kỳ là cái bàn, không như mâm của người Bắc là cái mâm dọn cơm nha
“Hôm nay có đám giỗ gần
Trong bụng bần thần chẳng muốn nấu cơm”.
Giỗ là chữ Hán 𣋼 ,tức giỗ chạp
Còn có chữ nữa là kỵ húy, kỵ cơm, huý nhựt hay kỵ nhựt, tức là lễ kỷ niệm ngày mất của tổ tiên
Chữ húy có nghĩa là kiêng cữ. Còn chữ kỵ cũng là kiêng cữ, còn có nghĩa giỗ chạp, đám kỵ, kỵ cơm, kỵ giỗ
Chết gọi là bất huý 不諱.Có nhiều chữ kỵ, chữ 跽 kỵ này là quỳ mọp xuống. Đám giỗ còn kêu là kỵ thần, húy thần, đám giỗ đám quải, giỗ quải, đám quải,
Những người tham gia nấu nướng đám giỗ gọi là đi dọn đám giỗ, những người được mời đi ăn kêu là ăn đám giỗ
Món cúng cũng bình thường thôi, mấy chén cơm, thịt kho hột vịt, đồ xào, đồ chiên như chả giò, nem chiên, cá chiên, bò kho, ra gu, canh kiểm, canh khổ qua, gỏi sen, bò nướng lá lốt, heo quay ăn chung bánh hỏi mỡ hành, chả đùm, bánh lột da, bánh ít, bánh tét, bánh quy, bánh bò, xôi vị ....
Bánh ít, bánh tét là hai thứ bánh của đám giỗ Nam Kỳ
Sau có thêm cà ri, ra gu, và chơi thêm cái lẩu, lẩu là món đãi không được cúng
Nam Kỳ không cúng rùa, rắn.... canh rau, canh mướp, canh mồng tươi, canh chua, không cúng cháo trắng, các loại mắm và kho quẹt.
Nam Kỳ cúng là phải có dĩa rau sống nha bà con, gợi nhớ nguồn gốc ông bà mình là dân khai hoang, lưu dân tứ xứ
Người Nam Kỳ xưa cúng đám giỗ trong hai ngày, trong hai cái lễ riêng
-Lễ tiên thường (先嘗) là lễ cúng vào ngày trước ngày người chết qua đời 1 ngày, tức cúng lúc sống
-Lễ chánh kỵ(正忌):Là cúng ngày mất
Ngày nay người Nam Kỳ rút gọn chỉ cúng một ngày, thường là ngày còn sống
Vì sao người Nam Kỳ kêu đám giỗ là giỗ quảy và cúng quảy?
Trước nhứt nói về chữ "quày quả" của người Nam Kỳ khi chỉ cái tướng đi rất nhanh và đánh hay tay, quày quả là cái dáng nhanh gọn
"Cô nói dứt lời liền quày quả đi vô buồng giở rương lấy cái khăn với phong thơ của thầy đưa hôm nọ mà liệng trúng ngay mặt thầy và mắng rằng: « Đồ khốn nạn! Trả khăn với thơ cho mầy đó. Đi đâu thì đi cho mau. Đừng ngồi đó nữa. Thứ vầy mà cũng xưng là thầy thông! Thông gì! Thông khoan »( Thầy thông ngôn -Hồ Biểu Chánh)
Quày quả là một chữ mặc định
Quày quả là đi nhanh, còn quày quả là đi có cái gióng vắt trên vai. Người Nam Kỳ kêu một người gánh gồng bằng đòn gánh là 'quảy gánh'
"Ba năm sau tôi trở về quê củ, gánh nước đêm trăng để tìm lại kẻ chung.... tình
Quảy gánh lên vai tôi thờ thẩn một mình...
Nước giếng trong leo lẻo soi bóng hình tiều tụy của tôi. Tiếng gà đã gáy tàn canh, trăng mười tám đã nhô lên khỏi đầu khóm trúc... Tôi ngồi khoanh tay bên đôi gàu nước, lòng bâng khuâng chưa vội bước chân về. "(Gánh nước đêm trăng-Viễn Châu)
Bắc Kỳ kêu là quẩy, quẩy gánh, thí dụ:
"Chưa bán được một đồng
Mẹ già lại quẩy gánh hàng rong
Bước cao thấp trên bờ tre hun hút"
(Bên kia sông Đuống-Hoàng Cầm)
Như vậy "quảy" là một hành động ám chỉ gánh gồng
Đám giỗ là một nghĩa vụ thiêng liêng của con cháu với tổ tiên, con cháu không được quên, nó là nhiệm vụ, là trách nhiệm, là quy tắc, là đạo lý con cháu phải mang trên vai
Thành ra đám giỗ được đọc trại thành giỗ quảy là cách nhắc nhớ cháu con về cái gánh trên vai này
Một nghĩa đen nữa là khi xưa đám giỗ rất lớn, con cháu thường quảy gánh, quảy thúng ra chợ quận mua đồ từ nữa khuya, vai gánh kẻo kịt, cót két, hành động đó đã in sâu vào những dịp giỗ chạp, thành ra kêu thành giỗ quảy.
Nhiều người giỡn nói đi ăn đám giỗ còn xách đồ về, quảy đồ gia chủ nên kêu đám quảy là sai, Nam kỳ ăn không có hỗn tới nỗi "quảy" đồ người ta về nhà.
Theo tôi, cách giải thích quảy gánh nghĩa vụ là ổn hơn hết.
Theo Nguyễn Gia Việt
No comments:
Post a Comment