Bàn về lịch sử nước biển ở đây, không phải liên quan đến nước biển ngoài đại dương, mà nói về nước biển được truyền vào mạch máu của bệnh nhân khi bệnh nặng hay khi mổ.
Tết Mậu Thân năm 1968, tôi chạy loạn, lạc gia đình, đi theo một nhóm người ty nạn vào nhà thương, Bệnh Viện Trung Ương của thành phố Huế. Một số người lùng sục các tủ chứa thuốc men của các phòng mổ, tìm kiếm bông băng cứu thương và thuốc men, và các lọ nước biển. Có một người đàn ông khui những chai nước biển ra và ngửa cổ uống. Thấy tôi trố mắt đứng nhìn, ông ta đưa cho tôi nửa chai còn lại và bảo tôi, uống đi cho bổ và khỏe, mau lấy lại sức.
Bắt đầu từ những năm thực tập lâm sàng ở trường y khoa đến nay, tôi đã từng trải qua nhiều phòng cấp cứu, phòng mổ, phòng hồi sức, phòng bệnh, hình ảnh những bao nước biển treo trên móc là một hình ảnh rất ư là quen thuộc và có thể xem như là một dấu hiệu đặc trưng cho ngành y.
Nói cho đúng, từ “IV fluids”, “intravenous fluids,” bao gồm nhiều loại dung dịch khác nhau dùng để truyền vào mạch máu, mà trong đó “normal saline”, tạm dịch là “nước biển”, là loại thông dụng, được dùng nhiều nhất. Vì thế, khi nói đến nước biển có khi nói chung đến tất cả các loại “nước dùng để truyền vào mạch máu”. Mỗi năm ở nước Mỹ có khoảng 200 triệu lít nước biển được sử dụng, riêng nước Tàu không thôi, mỗi năm tiêu thụ khoảng 20 tỉ lít nước biển.
Công dụng chính của nước biển là chữa trị sự mất nước của cơ thể, có thể vì thương tích mất máu, mà cũng có thể vì nhiễm trùng huyết, hay bất cứ tình trạng bệnh tật nào khi mà thể tích nước của cơ thể cần phải được bảo tồn. Với một công dụng phổ biến, đa năng như thế, bạn có thể nghĩ rằng, rất nhiều nghiên cứu được tiến hành quy mô để sáng chế ra nước biển? Thật ra thì, không phải như vậy.
Năm 1832, Bác Sĩ Robert Lewins nghĩ ra kế sử dụng nước có pha muối để truyền vào máu của bệnh nhân bị bệnh dịch tả hoành hành bên Anh, cứu nhiều bệnh nhân thoát chết vì mất nước. Thời đó các bác sĩ đã biết, máu của con người mặn hơn là nước lạnh, vì thế khi khô nước, thể tích nước phải được bảo tồn bằng dung dịch nước có muối. Một bác sĩ khác, người Tô Cách Lan, tên Latta cũng sử dụng nước muối để truyền vào tĩnh mạch của bệnh nhân bị kiết lị, và ói mửa. Theo báo cáo của hai vị nầy đăng trên tờ báo y khoa The Lancet, năm 1832, cho biết kết quả rất khả quan.
Tới năm 1880, người ta đã biết nhiều hơn về các thành phần của máu. Một khoa học gia tên là Sidney Ringer đã nghĩ ra một dung dịch có chứa các chất muối kiềm sodium, potassium, và chloride với nồng độ giống hệt như máu. Loại dung dịch nầy vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, và được đặt tên là dung dịch Ringer.
Dung dịch Ringer ít phổ cập hơn là dung dịch của ông Latta vì công thức của ông Latta đơn giản hơn, chỉ bao gồm có muối và nước. Từ đó cho đến nay, “nước biển” là loại dung dịch phổ biến nhất trong tất cả các loại.
Lý do nồng độ muối của nước biển là 0.9% vì dựa trên nghiên cứu vào năm 1883 của khoa học gia người Đức tên Hamburger, cho biết nồng độ của muối trong máu là 0.9%. Vì thế chữ “normal” trong cụm từ “normal saline” có nghĩa là bình thường như độ mặn của máu. Từ đó đến nay, “nước biển” không có gì thay đổi cả.
Hiện nay ngoài nước biển normal saline, còn có một số loại dung dịch khác như:
1. Dung dịch Ringer (Ringer’s lactate solution), được bổ sung với chất lactate là một chất cần trong các phản ứng về năng lượng của tế bào. Ngoài lactate, dung dịch nầy còn có chất sodium, potassium, cholide, vad calcium với nồng độ y hệt như máu.
2. Crystalloid solution, có thể tạm hiểu là “dung dịch chất khoáng, chất giữ tỉ trọng.” Trên lý thuyết, hai loại dung dịch nước biển normal saline và Ringer cũng kể là dung dịch chất khoáng. Tuy nhiên, ngày nay khi nói crystalloid solution, người ta nghĩ đến các loại dung dịch có chứa tất cả các chất tương đương như huyết thanh của máu, thí dụ như albumin và nhiều thứ linh tinh khác. Một số crystalloid có thể là tự nhiên, mà cũng có thể là nhân tạo (synthetic) dùng để cân bằng nồng độ tương đương như máu. Loại dung dịch nầy được sử dụng cho những trường hợp đặc biệt hơn.
3. Đôi khi người ta còn cho trộn đường glucose 5% vào các dung dịch trên đây. Lý do khi đường chạy vào trong tế bào sẽ kéo theo nước đi theo, và đường cũng cung cấp năng lượng cho tế bào.
4. Dung dịch “nước biển” nửa nồng độ, gọi là “½ normal saline, 1/2NS” cũng có khi dùng cho một số trường hợp bệnh nhân bị mất cân bằng về nồng độ muối, hay nồng độ pH của máu.
Từ khi tôi ra trường y khoa đến nay đã gần 33 năm, tôi ít khi dùng nước biển normal saline cho bệnh nhân, vì theo tôi nó quá đơn giản như… đang giỡn. Thay vào đó, tôi thường xuyên dùng D5LR (Ringer’s Lactate với 5% đường dextrose), chỉ vì theo tôi nó có vẻ cân bằng hơn. Gần đây một số nghiên cứu mới cho biết nước biển normal saline không thực sự vô hại như người ta hằng tưởng. Một nghiên cứu năm 2013 đúc kết dữ kiện của 10 năm trước đó, cho thấy tỉ lệ tử vong của bệnh nhân tăng 3% khi dùng nước biển normal saline so với những loại dung dịch cân bằng khác, lý do, bệnh nhân dùng normal saline dễ bị suy thận hơn có thể vì nồng độ của các ion sodium và chloride bị chênh lệch so với nồng độ của máu cho dù nồng độ muối cũng là 0.9% nhưng trong máu còn có nhiều thứ khác chứ không phải đơn thuần là muối mà thôi. Một nghiên cứu mới nhất đăng trên tờ báo y khoa New England Journal of Medicine, trong tháng 3/2018 cũng xác nhận điều đó. Con số 3% tử vong không phải là nhỏ, nếu con số bệnh nhân nhập viện mỗi năm là hằng triệu người!
Nói về chuyện uống nước biển, không phải nước ngoài biển, để bổ và khỏe, lại nhớ đến loại nước Gatorade. Khoảng năm 1965 một số bác sĩ của trường Đại Học Y Khoa University of Florida khi đi xem đội banh football của trường nhà có tên hiệu là Gators, để ý thấy cầu thủ mau mệt vì mất nước và mất muối khi xuất mồ hôi quá độ. Các vị nầy bèn đem nước Ringer’s và trộn thêm đường, chất phosphate, và nước chanh và cho cầu thủ uống. Kết quả tốt. Thế là thương hiệu “Gator-Aid” ra đời, sau nầy bán bản quyền lại dưới tên là Gatorade. Ngày nay rất nhiều thương hiệu na ná khác có trộn thêm vitamins được bày bán trên thị trường.
Thật ra, có một loại nước rất cân bằng, không khác gì nước biển, mà còn gần với tự nhiên, đó chính là nước dừa tươi. Giai thoại kể lại trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, có khi nước dừa tươi được dùng để thay thế nước biển vì khan hiếm.
Cả hai loại nước Gatorade, hay nước dừa đều hữu dụng cho những trường hợp bị nóng sốt, mất nước và muối khoáng khi bị tiêu chảy hay ói mửa.
(Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh)
No comments:
Post a Comment